Trang

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Gỉai thích Kinh Thánh kiểu “tự sát” tt (15)


Gỉai thích Kinh Thánh kiểu “tự sát” tt (15)


VRNs (22.01.2013) –  - Xin thêm một số định nghĩa vui về chữ “Tử”: Nhiều tiền quá mà chết gọi là… Lượng tử. Giỏi quá mà chết gọi là… Tài tử. Bị giết mà không chết gọi là… Bất tử. Khỏe quá mà lăn ra chết gọi là… Mạnh tử. Tinh nghịch quá bị chết gọi là… Nghịch tử. Chết ở ngoài ruộng gọi là… Đồng tử. Ngồi trên yên xe bị cây đổ đè chết gọi là… Yên tử. Chết toàn thây gọi là… Nguyên tử. Quân lính chết gọi là… Quân tử. Và xin thưa lại: Đọc Kinh Thánh lối duy văn Tự gọi là… “Tự tử.”
Ở bài trước, chúng ta đã tìm hiểu lối đọc Kinh Thánh duy văn tự (fundamentalism) như được trình bày trong văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh (VGTKTTHT). Theo đó, chủ trương này “có ý ngay lành” là muốn trung thành với Kinh Thánh, nhưng nó lại nguy hiểm và tự sát về tri thức.[1] Chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm trong bài này.
Kinh Thánh với mầu nhiệm Nhập Thể, lịch sử và văn chương
Vấn đề căn bản đặt ra cho lối giải thích Kinh Thánh duy văn tự này là: khi từ chối không đếm xỉa gì đến tính chất lịch sử của mạc khải Kinh Thánh,[2] nó làm cho mình không có khả năng chấp nhận trọn vẹn chân lý của chính mầu nhiệm Nhập Thể.[3] Lối giải thích này tìm cách trốn tránh bất cứ sự gần gũi nào giữa cái thiêng thánh và cái phàm nhân trong những mối tương giao với Thiên Chúa. Nó không chấp nhận rằng Lời Thiên Chúa, được linh hứng,[4] đã được diễn tả bằng ngôn ngữ nhân loại, mà khả năng và nguồn mạch giới hạn,[5] biên soạn dưới tác động của ơn linh hứng. Vì lý do đó, chủ trương này có khuynh hướng giải thích bản văn Kinh Thánh như thể bản văn đã được Chúa Thánh Thần đọc chính tả từng chữ.[6] Lối giải thích này không thể nhận rằng Lời Thiên Chúa đã được công thức hóa trong một ngôn ngữ và cách diễn tả chịu ảnh hưởng của thời đại này thời đại kia.[7] Chủ trương này không hề chú ý đến các hình thức văn chương cũng như những cách suy nghĩ của con người trong các bản văn Kinh Thánh.[8] Nhiều hình thức văn chương và cách suy nghĩ đó là kết quả của một quá trình soạn thảo kéo dài qua những thời gian dài và mang dấu vết của những hoàn cảnh lịch sử rất khác nhau.[9]
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] Văn kiện VGTKTTHT, vì tính ngắn gọn, chỉ trình bày những nét chính yếu, không thể trình bày hết mọi khía cạnh phức tạp của vấn đề. Để dễ hiểu, chúng tôi cố gắng thêm những diễn giải, nhất là phần nào so sánh với lối giải thích Kinh Thánh Công giáo. Để có một cái nhìn đầy đủ, xin đọc quyển Tiếp Cận Thánh Kinh Theo Chủ Nghĩa Cơ Yếu của cha Ronald D. Witherup, SS. (LM. Lê Công Đức dịch). Quyển sách gồm năm chương: 1) Các nguồn gốc của chủ nghĩa cơ yếu (CNCY) Thánh Kinh, 2) CNCY tiếp cận Thánh Kinh như thế nào?, 3) Công giáo tiếp cận các Sách Thánh như thế nào?, 4) Thử đánh giá CNCY Thánh Kinh, 5) Thái độ của người Công giáo đối với CNCY Thánh Kinh. Chúng tôi có tham khảo quyển sách này.
[2] Trái lại, đức Tin Công giáo đâm rễ sâu vào lịch sử mạc khải. Vì vậy, nhãn giới lịch sử là điều thiết yếu trong ngành giải thích Kinh Thánh Công giáo. Xin xem bài Các Yếu Tố Khiến Cho Tiến Trình Giải Thích Phức Tạp.
[3] Do đó, lối giải thích duy văn tự đề cao khía cạnh thần linh đến độ phủ nhận khía cạnh loài người (điều kiện văn hóa, xã hội, lịch sử, văn thể,…) của bản văn Kinh Thánh, từ đó dẫn đến hệ quả là bác bỏ các phương pháp giải thích khoa học. ĐGH Gioan Phaolô II nói đây là khiếm khuyết căn bản của lối đọc Kinh Thánh này. Trái lại, Hội Thánh Công giáo nhìn nhận có một loại suy giữa mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời và bản văn Kinh Thánh. Để hiểu Kinh Thánh, các tín hữu cần tôn trọng cả hai khía cạnh nơi bản văn Kinh Thánh, khác biệt nhưng không tách biệt, đó là thần linh và loài người. Các tín hữu cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hiểu Kinh Thánh theo truyền thống Hội Thánh và trong bối cảnh quy điển,… vừa áp dụng các phương pháp phê bình lịch sử văn chương.
[4] Giáo thuyết về linh hứng là một phần thiết yếu của tất cả các giáo phái Kitô giáo. Mỗi giáo phái có cách hiểu khác nhau. Duy văn tự hiểu sự linh hứng cách chật hẹp, gọi là “linh hứng hoàn toàn sát từng chữ – “plenary verbal inspiration.” Công giáo hiểu sự linh hứng cách rộng thoáng, nhưng không bám chặt vào bất cứ giả thuyết nào về sự linh hứng (xin xem thêm chú thích 6). Theo chủ trương duy văn tự, có 3 nguyên tắc đối với thuyết linh hứng: 1) Kinh Thánh được linh hứng từng chữ, nghĩa là không chỉ các sứ điệp được linh hứng mà chính các từ cũng được linh hứng, 2) Kinh Thánh được linh hứng trọn vẹn, nghĩa là Kinh Thánh chứa đầy đủ sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói, 3) Kinh Thánh hoàn toàn không sai lầm, nghĩa là dứt khoát không có sai lầm nào trong đó.
[5] Những giới hạn này không bị Tác Giả Siêu Việt là Thiên Chúa xóa bỏ khi các tác giả con người biên soạn Sách Thánh. Những giới hạn đó có thể được nhận ra qua trí nhớ lầm lẫn, ví dụ: Mc 2,26 (thánh Máccô nhắc lại sự kiện vua Đa-vít và thuộc hạ ăn bánh dâng tiến trong Đền thờ dưới thời thượng tế A-bi-a-tha. Nhưng theo 1Sm 21, 2-10, vị thượng tế lúc bấy giờ là A-khi-me-léc, cha của A-bi-a-tha), những cái nhìn không chính xác về vấn đề khoa học vốn phản ánh thời đại tác giả sống hoặc những thiếu chính xác lịch sử trong những nguồn họ sử dụng. Xin xem thêm phần sau nói về những giới hạn của tác giả con người.
[6] Giống chủ trương duy văn tự, Hội Thánh Công giáo cũng tin rằng bộ Kinh Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng, vì vậy là Lời Chúa, nhưng khác ở chỗ Hội Thánh còn tin rằng dù được Chúa Thánh Thần linh hứng, Kinh Thánh do con người viết ra hoặc biên tập, tác giả nhân loại vẫn sử dụng tài năng và sức lực của họ, hoàn toàn tự do và tự phát (với lỗi lầm của họ), đến độ cả Thiên Chúa và con người đều là tác giả của Sách Thánh (x. Dei Verbum, 11); tác giả con người không phải là dụng cụ thụ động; Chúa cũng không đọc cho chép lời Người. Tranh ảnh thời Trung Cổ thường trình bày một tác giả Phúc Âm đang soạn thảo tác phẩm của mình với giá gỗ nhỏ trên có một trang giấy bằng da, tay cầm bút, đầu hơi nghiêng để lắng nghe một chim câu (hoặc một thiên thần) đang ở kề bên tai. Chim câu này (hoặc thiên thần) tượng trưng cho Thánh Thần của Chúa đang đọc những điều tác giả phải viết. Hình ảnh này diễn tả một niềm tin của Hội Thánh Công giáo: Kinh Thánh là một bộ sách có tính linh hứng, nghĩa là Thiên Chúa là tác giả, Kinh Thánh hoàn toàn là Lời Chúa. Tuy nhiên, chỉ có Hiến Chế Dei Verbum diễn tả thích đáng về tương quan giữa Thiên Chúa và tác giả con người như vừa nói ở trên và về sự linh hứng như sau: “Vì phải xem mọi lời tác giả được linh hứng, tức các thánh sử, viết ra, là những điều Chúa Thánh Thần xác quyết, nên phải tuyên xưng rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắn chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh Thánh ghi lại nhằm cứu độ chúng ta” (11).  
[7] ĐGH Bênêđictô XVI đã giải thích điều này trong huấn từ Thế Giới và Thời Đại của Thánh Phaolô (2.7.2008). Trong bất cứ trường hợp nào, ngoài đức tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, có hai yếu tố có lợi cho sứ mạng của thánh Phaolô. Trước hết là nền văn hóa Hy Lạp (Hellenistic). Yếu tố thứ nhì là cơ cấu chính trị-hành chánh của Đế Quốc Rôma. Một nhà văn thời ấy đã nói rằng Alexander Đại Đế “ra lệnh cho tất cả mọi người phải giữ toàn thể “ecumene” [đất cư ngụ] như là quê cha đất tổ… và rằng không còn phân biệt giữa người Hy Lạp và dân Man Di.” Thánh Tông Đồ nói tương tự: “Không còn Do-thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ; vì tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô Giêsu” (Gl 3,28). Hoàn cảnh lịch sử văn hóa của thời đại thánh Phaolô cũng ảnh hưởng đến những chọn lựa và quyết tâm của ngài. Thánh Phaolô đã được diễn tả như một “người của ba nền văn hóa,” kể cả nguồn gốc Do-thái của ngài, ngôn ngữ Hy Lạp, và đặc quyền “civis romanus” [công dân Rôma], cũng như tên gọi gốc La-tinh của ngài làm chứng. Chúng ta đặc biệt nhắc lại triết thuyết Khắc Kỷ, là triết lý nổi bật trong thời thánh Phaolô và cũng ảnh hưởng Kitô giáo dù chỉ một phần nào. Chúng ta tìm thấy nơi Zênô, Cleanthes, Sênêca, Musôniô những giá trị cao quý về đề tài nhân loại và sự khôn ngoan, là những điều được Kitô giáo đón nhận một cách tự nhiên. Thật là đủ để cho chúng ta nghĩ đến chẳng hạn những học thuyết hiểu vũ trụ như là một vật thể hòa hợp vĩ đại, và từ đó là học thuyết bình đẳng giữa mọi người không phân biệt về xã hội, rồi đến ý tưởng cần kiệm, về đo lường công bằng và tự chủ để tránh tất cả mọi thái quá. Khi thánh Phaolô viết cho tín hữu Philipphê: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại tiếng tốt, nếu có gì là nhân đức, đáng khen, thì anh em hãy để ý” (Pl 4,8), thì ngài không làm gì khác hơn là đưa ra một quan niệm thuần túy nhân bản thích hợp với sự khôn ngoan của triết lý trên (Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ).
[8] Do đó, để hiểu đúng Kinh Thánh, các tín hữu phải tìm hiểu những mẫu tư tưởng và hoàn cảnh thời đại tác giả và người biên tập sống để nắm bắt sứ điệp của họ. Ví dụ: để hiểu mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa với dân Israel trong sách Đệ Nhị Luật và các ngôn sứ, chúng ta cần tìm hiểu kỹ loại tương quan đó tại vùng Cận Đông cổ. Tương tự, các tín hữu cần biết lối diễn tả của người Sêmít cổ để hiểu đoạn Chúa Giêsu dạy phải “ghét” cha mẹ (x. Lc 14,26). Đó là do tiếng Híp-ri không có thể so sánh như hôm nay: tốt, tốt hơn, tốt nhất. 
[9] Yếu tố này thật rõ ràng trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Cựu Ước. Chúng ta không thể chỉ ra ai là tác giả cụ thể của các tài liệu trong Cựu Ước. Hầu hết các tác phẩm đã phát triển trong một thời gian dài và có lẽ nhiều người đã góp phẩn vào sự hình thành các tác phẩm đó. Nếu muốn hiểu đúng Kinh Thánh thì cần nhận ra và tìm hiểu từng giai đoạn cụ thể đó. Các bài trước đã tìm hiểu 2 sách Amos và Isaia như những tác phẩm tiêu biểu cho vấn đề này. Isaia chẳng hạn, đó là một quyển sách lắp ghép từ ba vị ngôn sứ sống vào các thời kỳ lịch sử khác nhau. Để hiểu đúng sứ điệp của mỗi vị cần hiểu đúng bối cảnh lịch sử các ngài sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét