Trang

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Ngành giải thích Kinh Thánh trong hoàn cảnh mới (10)


Ngành giải thích Kinh Thánh trong hoàn cảnh mới (10)



VRNs (18.12.2012) – Hà Nội – Một truyện cười kể rằng một lão nông kia nghe cậu con trai nhỏ đọc bài ca dao: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa,” liền quát: “Sai! Sai! Tao cày rồi mẹ mày cấy, con trâu đi sau bừa thì còn gì nữa mà ăn!” Bài ca dao đúng hay sai? Chúng ta biết bài ca dao đúng trong bản chất một bài ca dao. Ông bố đã lầm. Cậu bé đang đọc ca dao chứ không phải một nghiên cứu khoa học của kỹ sư nông nghiệp. Bản chất của bài ca dao khác với bản chất của một nghiên cứu khoa học. Người đọc không thể lẫn lộn, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Các triết gia hiện đại, Hans-Georg Gadamer (1900–2002) chẳng hạn, nhấn mạnh rằng muốn giải thích đúng đắn một bản văn, chúng ta cần xác định bản chất của bản văn trước, nếu không, chúng ta sẽ hiểu lầm ý nghĩa bản văn như lão nông kia.

Giải thích Kinh Thánh hiện nay: Cơ hội mới, thách đố mới
Theo văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh (VGTKTTHT), ban hành năm 1993, nét đặc trưng của ngành giải thích Kinh Thánh hiện nay đó là phương pháp giải thích đa dạng, ví như “trăm hoa đua nở.” Dù ngành giải thích Kinh Thánh đã có một lịch sử lâu dài, nhưng sự xuất hiện của phương pháp phê bình lịch sử vào thế kỷ 19 đã đánh dấu bước đầu của kỷ nguyên mới. Gần đây, thêm một loạt những phương pháp nghiên cứu chú giải khác đã xuất hiện. Tất cả các phương pháp cũ và mới này đều có những thế mạnh và điểm yếu riêng. Chúng vừa có những đóng góp quý giá vừa đưa ra những thách đố mới cho đức Tin và ngành giải thích Kinh Thánh Công giáo. Với một số người, sự đa dạng các phương pháp cho thấy nét phong phú. Nhưng người khác lại lên án là “lắm thầy thối ma”, vì lời giải thích của các phương pháp không thống nhất khiến cho các tín hữu bối rối, không biết tin ai. Các tín hữu tự hỏi sau cùng họ phải đọc và hiểu Kinh Thánh như thế nào; đâu là con đường chắc chắn để tìm được lương thực đích thực cho đời sống thiêng liêng của mình. Hoàn cảnh mới này đòi Hội Thánh phải có lời ứng đáp để xác định lập trường của mình và hướng dẫn các tín hữu đọc hiểu Kinh Thánh.
Như đã nói ở trên, muốn giải thích đúng bản văn Kinh Thánh, trước hết cần phải xác định Kinh Thánh là gì. Văn kiện VGTKTTHT đã lặp lại lời dạy của Hiến Chế Dei Verbum về bản chất Kinh Thánh (nhằm tránh những tranh luận hiện nay về linh hứng hoặc không sai lầm, x. Dẫn nhập, B.b). Hiến Chế Dei Verbum đã dùng mầu nhiệm Nhập Thể để diễn tả bản chất của Kinh Thánh. Có một sự hài hòa giữa Kinh Thánh và mầu nhiệm Nhập Thể.

Sự hài hòa giữa Kinh Thánh và mầu nhiệm Nhập Thể
Hiến Chế Dei Verbum đã sử dụng một công thức thần học nổi tiếng có trước để diễn tả bản chất của Kinh Thánh: Kinh Thánh là “lời Thiên Chúa được diễn tả trong ngôn ngữ loài người.” Hiến Chế dạy rằng: “Cũng như Lời bản thể của Thiên Chúa đã trở nên giống loài người về mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi, cũng vậy, những lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng các ngôn ngữ loài người, đã trở nên giống ngôn ngữ loài người trong mọi sự, ngoại trừ sự sai lầm” (13).
Công thức thần học này được rút ra từ định nghĩa thần học về hai bản tính của ngôi vị Chúa Giêsu Kitô có từ thời Công Đồng Chalcedon (451). Khi diễn đạt bản chất Kinh Thánh theo mầu nhiệm Nhập Thể, Công Đồng Vatican II muốn nhìn nhận cả bản tính siêu việt lẫn hình thức loài người của Kinh Thánh. Như Lời Nhập Thể có hai bản tính, Thiên Chúa và con người, Kinh Thánh cũng có hai yếu tố Thiên Chúa và con người. Như Chúa Giêsu vừa 100% là Thiên Chúa vừa 100% là người, thì Kinh Thánh cũng vừa 100% là lời Chúa vừa 100% là lời con người.

Giải thích diễn từ “Kinh Thánh là lời Chúa”
Vậy, lối nói thông thường “Kinh Thánh là lời Chúa”[1] có chính xác không? Trước hết, diễn từ “lời Chúa” giữ một vai trò căn bản trong thần học Do-thái giáo và Ki-tô giáo. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ về diễn từ “lời Chúa” trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước. Diễn từ “lời Chúa” cũng xuất hiện trong phụng vụ. Trong phụng vụ Công giáo, khi đọc Kinh Thánh, người đọc đọc: “Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia” hoặc “Tin Mừng Chúa Kitô theo thánh Matthêu.” Rồi sau khi đọc Kinh Thánh xong, người đọc xướng lên: “Đó là lời Chúa” và cộng đoàn đáp: “Tạ ơn Chúa” hoặc “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.”
Tuy nhiên, theo các cha Raymond E. Brown và Daniel J. Harrington, diễn từ “lời Chúa” bị dùng một cách hơi hàm hồ. Sự hàm hồ này có thể khiến ta hiểu sai bản chất Kinh Thánh và giải thích Kinh Thánh không đúng đắn. Các cha Brown và Harrington giải thích như sau:  
Diễn từ “lời Chúa” gồm có hai yếu tố, đó là “lời” và “Chúa.” Từ “Chúa” cho ta biết tác phẩm Kinh Thánh, mặc dù trông giống các sách khác và có thể được nghiên cứu như các sách khác, nghĩa là bằng những phương pháp phê bình, thì Kinh Thánh vẫn khác xét về nguồn gốc và bản chất của nó. Tính chất “khác” đó được diễn đạt trong Hiến Chế Dei Verbum bằng một số hạn từ như “mạc khải,” “linh hứng,” “không sai lầm” và “quy điển.” Những hạn từ này nhìn chung diễn tả các ý tưởng sau: (a) Thiên Chúa là “tác giả chính” của các sách Kinh Thánh, các sách Kinh Thánh bắt nguồn từ Thiên Chúa hoặc có một tương quan đặc biệt độc nhất vô nhị với Thiên Chúa; (b) mạc khải của Thiên Chúa đến với chúng ta qua Kinh Thánh; (c) một cách bí nhiệm, Thiên Chúa đã can thiệp vào quá trình biên soạn Kinh Thánh; (d) Kinh Thánh cung cấp một hướng dẫn khả tín cho những ai bước trên con đường dẫn đến ơn cứu độ của Thiên Chúa; và (e) Kinh Thánh tạo nên một chuẩn mực cho đời sống và đức tin của Hội Thánh qua mọi thời.
Sang phần “lời,” Hội Thánh nhìn nhận yếu tố con người của Kinh Thánh. Con người nói bằng lời nói, phát ra những âm thanh nghe được, và mọi lời trong Kinh Thánh đều do bàn tay con người ghi chép ra. Con người đã nghĩ ra những lời trong Kinh Thánh, phản ánh lên ý nghĩ và kinh nghiệm cuộc sống trong xã hội của tác giả. Vì vậy, cùng với Thiên Chúa, họ cũng là tác giả đích thực của Kinh Thánh, dù khác nhau về cấp độ. Hiến Chế Dei Verbum dạy rằng: Để viết ra các sách thánh, “Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong tài năng và sức lực của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi” (11). Nói cách rộng, từ “lời” trong Kinh Thánh có một khía cạnh “nhập thể”: Thiên Chúa gửi gắm sự chỉ dẫn của Người qua và trong bản văn của con người.
Cách hiểu Kinh Thánh dưới ánh sáng mầu nhiệm Nhập Thể giữ vai trò rất quan trọng cho ngành giải thích Kinh Thánh Công giáo hiện nay. Giữa cảnh “trăm hoa đua nở” hiện nay, Hội Thánh đã xác định mầu nhiệm Nhập Thể như hướng đi đúng đắn cho ngành chú giải Công giáo. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này ở bài sau.
LM. JM. Mười Một, CSsR




[1] Hiến Chế Dei Verbum nói: “Kinh Thánh là lời Thiên Chúa nói, xét theo tư cách được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần” (9), “Kinh Thánh chứa đựng lời Thiên Chúa và vì được linh hứng nên thật sự là lời Thiên Chúa” (24). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét