Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Lời Chúa Mỗi Ngày Chủ Nhật III Thường Niên, Năm C



Ðức Giêsu rao giảng Tin Mừng
trong nguyện đường ở Nadarét
Suy Niệm:
Trọng tâm của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cũng là đề tài chính của toàn thể Lời Chúa hôm nay: chúng ta thấy Ðức Giêsu đứng công bố Tin Mừng trong nguyện đường ở Nadarét. Như vậy, câu chuyện Ezra đứng đọc luật pháp Môsê ở trước mặt con cái Israen như bài đọc I hôm nay kể lại, chỉ là hình ảnh báo trước việc Chúa Kitô sẽ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Và như thế sinh hoạt của Hội Thánh hiện nay như thư Côrintô kể, cũng chỉ là hiệu quả của việc công bố Tin Mừng này. Chúng ta hãy suy nghĩ về cả ba bài đọc để hiểu rõ Lời Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta những gì chung quanh việc công bố Tin Mừng.
 1. Công Bố Tin Mừng Ðể Triệu Tập Dân Chúa
Bài sách Nêhêmya đưa chúng ta trở về thời sau lưu đày trong lịch sử Israen, vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Ðức Giêsu giáng sinh... Nhà cầm quyền Ba Tư bấy giờ cho phép các dân bị trị được phục hồi các truyền thống của dân tộc mình. Con cái Israen được khuyến khích bỏ đất Babylon để trở về quên quán. Họ dựng lại đền thờ và tái thiết Giêrusalem. Công việc gặp nhiều khó khăn.
Trước hết phần lớn những người Do Thái làm ăn được ở đất khách, không muốn trở về. Những người yêu nước và tha thiết với quê cha đất tổ, muốn trở về nhưng lại ít phương tiện. Rồi về đến nơi, họ lại gặp thái độ thù địch của dân đã đến sinh sống tại Giêrusalem trong thời gian lưu đày. Do đó việc trùng tu thánh điện tiến hành rất chậm. May có Ezra và Nêhêmya.
Hai người có uy tín với triều đình Ba Tư. Ezra là tư tế. Nhưng ở đất lưu đày không có nơi phụng thờ Giavê, ông đã chuyên khảo và suy niệm luật pháp Môsê. Ðang khi ấy Nêhêmya được giữ chức tiến rượu trong đền Vua, nhưng lòng vẫn hướng về Giêrusalem. Khi được tin công việc phục hưng xứ sở gặp nhiều khó khăn, ông đã xin phép hồi hương và được nhà vua phong làm Tổng đốc Giêrusalem. Nhờ sắc phong này ông đã giúp đồng bào xây dựng lại được tường thành để có thể sống yên ổn đối với dân đã đến lập cư tại Giêrusalem trong thời gian lưu đày. Nhưng thành quách chỉ là giới hạn bên ngoài. Muốn củng cố tinh thần của đồng bào ông và xây dựng lại cộng đồng con cái Israen, cần phải có luật pháp. Và đây là phần đóng góp của Ezra.
Bài đọc I hôm nay giới thiệu ông trong vai trò luật sĩ hơn là tư tế. Và rõ ràng con cái Israen đã cử hành phụng vụ Lời Chúa chứ không phải là phụng vụ tế lễ.
Ðó là đặc điểm của Do Thái giáo sau lưu đày. Toàn dân tập họp lại đủ mọi thành phần già trẻ, trai gái. Và trăm người như một. Tất cả đều chăm chú nhìn vào thầy Ezra đang "kiệu" sách Luật lên đứng trên một bục gỗ cao, kê quay xuống quần chúng... chung quanh thầy có các phụ tế, tăng thêm vẻ trang trọng cho việc công bố Lời Chúa sắp cử hành. Thầy Ezra bắt đầu bằng mấy lời chúc tụng danh Chúa. Cộng đoàn sốt sắng đáp lại bằng những chữ "Amen, Amen", kèm theo lễ nghi phủ phục thờ lạy. Rồi Thầy Ezra bắt đầu đọc Lời Chúa trong sách Luật. Thầy đọc dễ dàng, trang trọng. Nhưng sách viết bằng chữ Hipri. Rất nhiều người trong dân chúng không hiểu thứ tiếng ấy một cách dễ dàng nữa. Ít ra họ cũng thấy có nhiều điều khó hiểu khiến Nêhêmya và các phụ tế phải giúp thầy Ezra giải nghĩa cho dân. Càng nghe con cái Israen càng bùi ngùi xót xa. Họ thấy Chúa thương dân đến như vậy mà cha ông họ đã không nghe tiếng Người. họ thấm thía những hình phạt mà Người đã buộc lòng phải gửi đến. Nước mắt họ trào ra... Cả Nêhêmya và Ezra phải vội vàng tuyên bố: Hôm nay là ngày thánh, không được khóc như vậy... Ðúng hơn phải biến những giọt lệ xót xa vì tội lỗi nên niềm tin và ơn Chúa cứu độ. Nên hãy ăn uống và chia phần cho mọi kẻ đang túng thiếu.

Rõ ràng buổi phụng vụ Lời Chúa theo sách Nêhêmya chúng ta vừa đọc có những nét rất gần với nghi thức công bố Lời Chúa trong các buổi phụng vụ của chúng ta ngày nay. Ðó là khởi nguyên để chúng ta hoàn thành. Chúng ta nhất định phải làm tốt hơn con cái Israen ngày xưa. Họ đã tập họp đầy đủ, các thành phần già trẻ, trai gái. Gia đình chúng ta có thể làm được như vậy chứ! Họ đã nghiêm chỉnh, chăm chú nhìn vào người đọc và lắng nghe Lời Chúa. Họ lại chẳng chịu để lời nào nghe mà không hiểu, nhưng đã đòi được giải thích. Chúng ta có làm như vậy không? Nhất là họ để cho Lời Chúa, lương tâm khiến họ có thái độ thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình. Chúng ta cũng cần biến việc đọc và nghe Lời Chúa nên như cơ hội để thực hiện mầu nhiệm tử nạn phục sinh hầu tìm thấy ơn cứu độ của Chúa trong việc đọc và nghe Lời sách thánh.
Ước gì Lời Chúa từ nay trở thành sức mạnh tập họp và thánh hóa gia đình chúng ta và giáo xứ chúng ta. Có như vậy chúng ta mới hơn được con cái Israen ngày xưa.
Tuy nhiên chúng ta phải dành cho việc công bố Lời Chúa trong nhà thờ một địa vị quan trọng hơn. Và cho được như thế chúng ta hãy xem bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Ðức Giêsu rao giảng Tin Mừng trong nguyện đường ở Nadarét.
 2. Dân Chúa Hiểu Tin Mừng Theo Ðức Giêsu
Chúng ta hãy tạm không nói đến những lời đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay. Ðó cũng là những lời mở đầu của sách Tin Mừng theo thánh Luca. Rồi đây, chúng ta sẽ thấy rất ý nghĩa. Nhưng chúng ta hãy nhìn thẳng vào trọng tâm của bài Tin Mừng này.
Luca tóm tắt cho chúng ta thấy, Ðức Giêsu bấy giờ đầy Thánh Thần. Người ra khỏi sa mạc hẻo lánh sau 40 ngày đêm chay tịnh. Người trở về Galilê. Chắc chắn đi đến đâu Người cũng rao giảng Tin Mừng và chữa nhiều bệnh tật. Thế nên tiếng tăm Người đã đồn ra khắp nơi. Người ta đã nhiều lần hoan hô Người khi Người lên tiếng giảng dạy trong các hội đường. Vậy, Người đến Nadarét nơi Người sinh trưởng. Và theo tục lệ, người ta trao sách Thánh cho Người đọc... Người mở ra gặp trúng đoạn Isaia nói về người tôi tớ. Ðọc xong, Người gấp sách lại. Và trước mắt của trăm người như một đang hướng về Người. Người đã khởi sự giải thích Lời Chúa bằng những lời dễ dàng sau đây: "Lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe đọc, nay đang diễn ra".
Là vì người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã xức dầu Thánh Thần trong sách Isaia, không ai khác chính Người đang nói trước cử tọa trong nguyện đường ở Nadarét. Có lẽ khi viết những lời này, tác giả Isaia chỉ muốn chép quan niệm của các tiên tri về ơn gọi và sứ mạng của những người được Thiên Chúa cử làm ngôn sứ cho Người. Hết mọi người được trao phó sứ mạng rao truyền Lời Chúa đều được Người đổ Thần Linh của Người trong nghi lễ xức dầu mà sách các Vua I còn kể lại (19,16). Và sứ điệp mà họ phải tuyên bố chính là tin mừng cứu độ dành cho người khó nghèo, tù đày, để mọi nơi như được hân hoan cử hành những năm hồng ân đại xá mà nhân dân hằng mong ước. Những lời Isaia ấy hợp cho mọi ơn gọi ngôn sứ. Nhưng chắc chắn phải được dành riêng để nói về Người Tôi Tớ Ðức Giavê, một nhân vật mầu nhiệm trong sách Isaia mà chắc chắn chính là hình ảnh về Ðức Giêsu Kitô cứu thế.
Quả thật, ai đã được xức dầu Thánh Thần rõ ràng và dồi dào phong phú như chính Người sau khi chịu phép rửa ở sông Hòa Giang? Và vị tiên tri nào đã giảng dạy mà gây được niềm vui cứu độ như Người đã làm khi bỏ sa mạc trở về Galiêa? Nhiều bệnh nhân đã khỏi. Có những kẻ mù được trông thấy. Con người khó nghèo, tù đàuytrong cảnh lầm than không đang được giải thoát đó sao? Và khắp nơi đang nổi lên bầu khí hân hoan của những năm hồng ân đại xá. Ðức Giêsu thật có lý để tuyên bố: những lời tiên tri đang được thực hiện... và được thực hiện nhờ Người, do Người. Và người ta phải công nhận như vậy.
Có điều người ta chưa nhận ra đủ là Ðức Giêsu còn muốn đồng hóa mình với Người Tôi Tớ của Thiên Chúa mà Isaia muốn nói đến trong đoạn tiên tri này. Người không phải chỉ là tiên tri nhưng còn hơn tiên tri. Người đến không phải để chỉ công bố năm hồng ân, nhưng còn để thực hiện ơn cứu độ. Bà con thân thuộc của Người ở Nadarét chưa nhận ra điều ấy và sẽ không chấp nhận như chúng ta sẽ thấy trong ngày Chúa nhật sau. Họ không bằng lòng khi vừa nghe Người khẳng định Người là Ðấng Thiên Chúa sai đến vì trong thâm tâm, họ chỉ chờ được hưởng thụ những phép lạ mà Isaia đã loan báo và nghe rằng Người đã làm ở những nơi khác.
Luca viết đoạn Tin Mừng này không nhằm vào chúng ta đó sao? Lòng tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô dường như chưa thật vững chắc vì âm thầm có lẽ chúng ta cũng đang tiếc xót việc người không làm nhiều phép lạ ở giữa chúng ta. Người đã làm ở đất thánh ngày xưa, cho những người thời bấy giờ. Còn ngày nay đối với chúng ta, dường như Người không làm gì cả nhưng chỉ đòi chúng ta tuyên xưng Người là Ðấng Thiên Chúa xức dầu và sai đến...
Chính vì vậy Luca đã viết đoạn Tin Mừng này. Người viết cả quyển Tin Mừng thứ ba để, như trong lời mở đầu, chúng ta được am tường rằng giáo huấn chúng ta thụ lĩnh thực là đích xác. Và cho được như vậy Luca đã phải truy tầm gốc ngọn về mọi sự một cách tường tận rồi theo thứ tự đầu đuôi mà viết lại theo như các kẻ từ đầu đã được chứng kiến và phục vụ Lời Chúa đã truyền lại. Luca đã muốn cho tác phẩm của Người có giá trị đích xác để giúp chúng ta tin.
Nhưng thiết tưởng Người cũng đã làm gương để những ai muốn tin Chúa Giêsu Kitô cũng phải đào sâu giáo lý đã thụ lãnh. Không có sự truy tầm và suy niệm này, đức tin sẽ không chắc chắn và đích xác. Chúa Giêsu Kitô sẽ không rõ rệt ở trước mắt chúng ta. Người sẽ trở thành một nhân vật thuộc quá khứ hơn là hiện tại. Chúng ta sẽ thấy Người sống với dân Do Thái hơn là sống với chúng ta. Là vì chúng ta không thấy lời tiên tri đang thực hiện ở giữa chúng ta. Chúng ta đọc Kinh Thánh như những sự việc đã xảy ra mà đồng thời không thấy chúng diễn tả mầu nhiệm Ðức Kitô đang muốn ban ơn cứu độ cho mọi người. Nghĩa là không những chúng ta phải biết cử hành phụng vụ Lời Chúa như bài đọc I hôm nay đã cho chúng ta thấy. Nhưng chúng ta còn phải biết cử hành mầu nhiệm Ðức Kitô để Lời Chúa trở nên bánh nuôi tinh thần nữa. Và chúng ta chỉ làm được công việc này nhờ Hội Thánh và trong Hội Thánh vì chỉ ở đây mới có phụng vụ Lời Chúa. Nhưng phải làm thế nào để có thể ở trong Hội Thánh?
 3. Chúa Giêsu Kết Hợp Chúng Ta Trong Hội Thánh

Bài thư Phaolô hôm nay viết về Hội Thánh một cách đơn sơ nhưng không kém phần sâu xa, và nhất là có giá trị rất thực tiễn. Tất cả chúng ta ở trong Chúa Giêsu như các chi thể khác nhau ở trong cùng một thân thể. Thế thì cũng như các chi thể của một thân thể không phủ nhận và từ chối nhau, thì chúng ta cũng phải chấp nhận và mật thiết kết hợp với nhau ở trong Chúa Giêsu. Các phận vụ ở trong Hội Thánh rất khác nhau, vì Người được ơn gọi làm tông đồ, kẻ được Chúa gọi làm tiên tri... nhưng đó là để ai theo phận nấy mà làm bộ phận cho thân thể. Không do một thân thể con người? Chẳng bao giờ mắt muốn mọi bộ phận khác trong con người phải như mình... vì như vậy chỉ có ngàn mắt mà không có thân thể.
Cũng thế muốn có thân thể mầu nhiệm của Ðức Kitô, mỗi người phải chấp nhận cho người khác đóng vai trò của họ và hơn nữa phải biết đau với bộ phận đau, vinh dự với bộ phận cinh dự. Nói cách khác, theo kiểu so sánh này, muốn thấy Chúa Giêsu Kitô còn tiếp tục hoạt động trong Hội Thánh để chúng ta được kết hợp với Người, ai ai cũng phải tôn trọng người khác và liên kết cộng tá với họ như các bộ phận trong một thân thể.
Hơn nữa, như lời Phaolô ám chỉ trong bài thư hôm nay mọi người phải chiếu cố hơn đến những bộ phận được coi như yếu hơn và không trang nhã mấy.
Ðó chẳng phải là thái độ và sứ mệnh của chính Ðức Kitô sao? Người được sai đến như người tôi tớ được xức dầu Thánh Thần để đem Tin Mừng đến cho người nghèo khó, kẻ tù đày... Bài Tin Mừng Luca đã cho chúng ta thấy rõ Người đến thực hiện mọi lời Tiên Tri. Người thật là vị được tuyển chọn để công bố lời cứu độ mà Ezra xưa chỉ là hình bóng xa xôi. Người còn tiếp tục sứ mạng ấy trong Hội Thánh là thân thể có đầy đủ mọi bộ phận khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Chính khi kết hiệp với nhau mà các phần tử trong Hội Thánh thấy mình đang được thần trí của Chúa Giêsu Kitô làm cho sống động và mới thấy Người dang sống động trong Hội Thánh.
Thế nên chúng ta họp nhau lại để nghe Lời Chúa như con cái Israen xưa, thì chưa đủ. Chúng ta cùng nhau tham dự vào Mình Máu Chúa Giêsu để kết hợp với Người, như Người đã ở giữa cử tọa hội đường Nadarét xưa cũng chưa đủ. Nhận lãnh thần trí của Người rồi, chúng ta còn phải tôn trọng và muốn hợp tác với anh em, trong các công việc chung nữa, thì mới hiện đại hóa mầu nhiệm Chúa Giêsu đang cứu độ và cứu thế.
 (Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật III Thường Niên, Năm C

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Sách Thánh giúp con người giải quyết mọi vấn nạn của cuộc đời.

            Thiên Chúa không để con người lầm lẫn trong tối tăm của thế giới, Ngài ban cho con người một tấm gương soi là Kinh Thánh, Lời của Người. Con người có thể nhìn vào đó để nhận ra lỗi lầm quá khứ, để phiên dịch những gì đang xảy ra trong hiện tại, và để biết chuẩn bị cho tương lai đang tới. Điều cần là con người phải bỏ thời giờ để học hỏi và hiểu biết Kinh Thánh; nếu không, con người sẽ lầm lẫn trong bóng tối của cuộc đời, và không biết cách giải quyết những vấn nạn của cuộc sống.
            Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những ví dụ cụ thể của việc áp dụng Kinh Thánh trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, nhiều người Do-thái không hiểu lý do Thiên Chúa để Đền Thờ bị phá hủy, quốc gia bị xâm lăng, và dân chúng phải chịu lưu đày cực khổ khắp nơi. Trong ngày khánh thành Đền Thờ mới, tư tế Ezra cho đọc Sách Luật và các thầy Lêvi thay phiên nhau cắt nghĩa cho dân chúng. Họ hiểu ra lý do của những tai ương là tội của toàn dân đã khinh thường Lời Chúa và đã không thi hành Lề Luật. Họ khóc vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa hằng yêu thương và săn sóc họ.
            Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô đưa ra một ví dụ về thân thể mà con người có thể áp dụng trong cuộc sống để bảo trì sự hiệp nhất, thực thi đức bác ái, và cùng nhau xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô đến mức thập toàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng lời ngôn sứ Isaiah để nói cho khán giả biết Ngài chính là sự ứng nghiệm của những lời ấy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 1/ Bài đọc I: Toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật.
1.1/ Sách Thánh giúp dân chúng hiểu biết những gì đang xảy ra trong cuộc đời: Hoàn cảnh lịch sử của trình thuật hôm nay là ngày khánh thành Đền Thờ thứ hai. Sở dĩ có ngày khánh thành Đền Thờ thứ hai là Thiên Chúa đã đổi lòng vua Ba-tư là Cyrus và Darius, để hai vua này ban chiếu chỉ phóng thích cho dân Israel được hồi hương và giúp đỡ tài chánh để xây dựng lại Đền Thờ. Tư tế Ezra "đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật."
            Sự kiện đọc Sách Luật và giải thích cho dân chúng nghe hôm nay là một hiện tượng mới. Trước năm 538 BC, người Do-thái chỉ biết nghe theo lời những người lãnh đạo và các ngôn sứ của Thiên Chúa gởi tới, cầu nguyện và dâng lễ vật đền tội trong Đền Thờ. Sau biến cố này, người Do-thái thiết lập các hội đường để thường xuyên cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh trong ngày Sabbath. Việc nghe Kinh Thánh giúp dân chúng nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến tình thương của Thiên Chúa; đó là lý do dân chúng khóc vì nhận ra họ đã không trung thành với Thiên Chúa.
1.2/ Khinh thường Kinh Thánh là nguyên do của mọi đau khổ trong cuộc đời: Trong trình thuật hôm nay, dân chúng phải nghe giảng giải Kinh Thánh từ sáng sớm tới trưa, chứ không phải chỉ 15 phút trong thánh lễ mỗi tuần như nhiều người quan niệm. "Ông Ezra và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc."
            Điều mọi người đều nhận ra là Kinh Thánh không dễ hiểu, và có rất nhiều những giải thích sai lạc. Để hiểu, con người cần có thời giờ chuẩn bị tâm hồn cho tâm hồn lắng đọng và xin Thánh Thần soi sáng trước khi nghe Lời Chúa. Ngoài ra, dân chúng cần có những người chuyên môn am tường Kinh Thánh như các thầy Levi, để cắt nghĩa cho dân chúng về ý nghĩa và cách áp dụng Kinh Thánh trong cuộc sống.
            Kinh Thánh không phải là thứ sách đọc qua rồi bỏ; nhưng là tấm gương soi để con người thường xuyên dựa vào đó để xét mình xem coi mình đã thực hành Lời Chúa được đến đâu. Kinh Thánh giúp con người nhận ra những lỗi lầm họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến tha nhân.
            Kinh Thánh là nguồn khôn ngoan giúp con người dựa vào đó để tìm ra những giải pháp cụ thể cho mọi vấn nạn của cuộc đời. Thực hành những điều Thiên Chúa dạy dỗ sẽ giúp con người tránh được tội lỗi và những đau khổ sẽ xảy đến trong tương lai. Ngoài ra, Kinh Thánh giúp con người nhận ra tình thương Thiên Chúa và trung thành với Ngài trong suốt cuộc đời.

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn.
            Trình thuật hôm nay muốn nhấn mạnh đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân nằm trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Hiểu biết nền thần học thân thể của Phaolô sẽ giúp chúng ta loại bỏ những chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, kỳ thị, và hưởng thụ; đồng thời sẽ giúp chúng ta biết xây dựng gia đình, cộng đoàn, xã hội và Giáo Hội được bình an, tăng trưởng, và hạnh phúc.
2.1/ Phận vụ của các chi thể trong một thân thể: Thánh Phaolô liệt kê những kiến thức căn bản về thân thể:
- thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều chi thể, mà các chi thể của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể;
- các chi thể đều thuộc về thân thể cho dù chúng muốn hay không. Ví dụ, giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể," thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể;
- mỗi chi thể đều cần thiết cho thân thể hoạt động theo ý định của Thiên Chúa: "Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Giả như tất cả chỉ là một chi thể, thì làm sao mà thành thân thể được?"
- những chi thể xem ra yếu đuối nhất lại được coi là cần thiết nhất; và những chi thể coi là tầm thường nhất, lại được tôn trọng hơn cả;
- tất cả các chi thể đều góp phần trong việc xây dựng thân thể: nếu một chi thể đau, thì toàn thân đều đau.

 2.2/ Mỗi người tín hữu là chi thể của một Nhiệm Thể là Hội Thánh và Đức Kitô là Đầu: Thánh Phaolô áp dụng sự phân tích về thân thể vào Nhiệm Thể của Đức Kitô. Ngài dùng câu so sánh: "Đức Kitô cũng vậy."
- tất cả chúng ta, dầu Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
- mỗi người được Thánh Thần ban cho mỗi đặc sủng khác nhau: người được ơn làm phép lạ, người được đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.
- đặc sủng khác nhau đưa đến những ơn gọi khác nhau: Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy...
- đừng bắt người khác giống mình, vì điều đó đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa và không mang lại kết quả tốt đẹp: "Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?"

 3/ Phúc Âm: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."

 3.1/ Mục đích của thánh sử Lucas khi viết Tin Mừng: Tin Mừng được viết cho một khán giả đặc biệt và mục đích được Lucas tuyên bố rõ ràng: "Thưa ngài Theophile đáng kính ... mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc."
            Theo truyền thống Do-thái, lời chứng của hai, ba, hay nhiều người, là lời chứng vững chắc. Lucas nhắc nhở lời chứng của thế hệ thứ hai, những người đã nghe thế hệ thứ nhất thuật lại: "Có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta." Và Lucas thêm vào lời chứng của mình: "Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài." Điều cần lưu ý ở đây về cách cấu trúc văn chương của đoạn văn: cả đoạn đều là một câu; việc chia thành 4 câu là công việc của các học giả Kinh Thánh sau này.

 3.2/ Chúa Giêsu đọc và giải thích Kinh Thánh.
(1) Chúa Giêsu nhận ra tầm quan trọng của việc đọc và dạy dỗ Kinh Thánh: Trình thuật kể: "được Thánh Thần thúc đẩy Ngài đi khắp miền Galilee để giảng dạy dân chúng trong các hội đường." Như đã nói trên, kể từ thời Ezra trở đi, người Do-thái có thói quen thành lập các hội đường tại địa phương để cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh mỗi ngày Sabbath. Trong trình thuật hôm nay, "Đức Giêsu trở về Nazareth, nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách Thánh."
(2) Ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa." Đây là lời của ngôn sứ Isaiah, 61:1-2a, về sứ vụ của ông nhận được từ Thiên Chúa, để loan tin cho dân Do-thái nơi lưu đày biết họ sắp được phóng thích để hồi hương.
            Chúa Giêsu bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Đoạn văn của Isaiah không chỉ đúng cho Isaiah và người đương thời của ông, mà còn đúng cho Chúa Giêsu và khán giả thời của Ngài. Thánh Thần cũng xức dầu cho Đức Kitô trong biến cố Ngài chịu phép rửa tại sông Jordan. Ngài cũng được sai đi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, không chỉ cho dân Do-thái, mà còn cho tất cả mọi người. Ngài giải thoát con người không phải khỏi ách nô lệ của ngoại bang, nhưng là ách nô lệ của tội lỗi và các quyền lực của ma quỉ.
            Lời Kinh Thánh vẫn tiếp tục ứng nghiệm mỗi ngày trong cuộc đời cho đến tận thế. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta cũng nhận lãnh sứ vụ rao truyền Tin Mừng để giải thoát con người khỏi ảnh hưởng của những gian trá và tội lỗi. Khi chúng ta thực hành những gì Kinh Thánh dạy, chúng ta tìm thấy niềm vui và được hưởng những hiệu quả tốt đẹp. Ngược lại, khi chúng ta không làm những gì Kinh Thánh dạy, chúng ta không có sự bình an và phải lãnh nhận mọi đau khổ do tội lỗi mang lại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Lời Chúa là ánh sáng soi đường, là tấm gương soi chiếu cuộc đời, là nguồn khôn ngoan giúp chúng ta nhận ra sự thật và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống.
- Chúng ta cần biết tận dụng thời giờ để học hỏi và cố gắng thực thi Lời Chúa để tránh được những đau khổ không cần thiết trong cuộc đời. Nếu không chịu học hỏi, chúng ta sẽ lầm lũi trong đêm tối và phải lãnh nhận mọi hậu quả không tốt đẹp.
- Lời Chúa giúp chúng ta không những nhận ra những gian trá của ba thù, mà còn giúp chúng ta biết cách thức xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, mang bình an và hạnh phúc đến cho cá nhân và cộng đoàn.
- Lời Chúa vẫn tiếp tục ứng nghiệm hằng ngày trong cuộc đời mỗi người, gia đình, và nhân loại.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét