Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Khía cạnh con người của Kinh Thánh (13


Khía cạnh con người của Kinh Thánh (13



VRNs (08.01.2013) – Hà Nội – Có ba thầy dòng sinh viên đi thực tế mục vụ ở miền quê về lại Nhà Dòng. Dọc đường, các thầy ghé vào một quán nhỏ ăn trưa. Quán hôm ấy chỉ có thịt luộc, cá kho và rau muống chấm mắm ớt. Một thầy nổi hứng đề nghị: “Hễ ai đọc được câu Kinh Thánh chỉ về món ăn nào, thì ăn món đó. Hễ ai không đọc được thì phải chờ người khác ăn xong mới được ăn.” Hai thầy kia nổi máu anh hùng, chịu liền. Thầy thứ nhất thấy đĩa thịt liền đọc: “Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi” (x. St 9,3). Đọc xong, thầy kéo đĩa thịt về phía mình. Thầy thứ hai vội tiếp luôn: “Cầm năm cái bánh và hai con cá, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho…” (x. Mc 6,41). Thầy vừa đọc vừa kéo đĩa cá kho về phía mình, đắc thắng. Đĩa rau muống còn đó. Ai nấy đều nặn óc cố nghĩ ra câu Kinh Thánh nào nói đến rau muống. Bỗng thầy thứ ba mỉm cười, một tay cầm chén nước mắm, một tay bốc rau luộc chấm vào nước mắm, vừa đọc vừa vẩy vào hai thầy kia: “Lạy Chúa, xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền” (x. Tv 51,9). Hai thầy bị vẩy nước mắm la toáng lên, vội vàng đi lau rửa. Thầy thứ ba còn lại, ung dung ngồi… xơi hết.
Bản văn Kinh Thánh thật sự độc nhất vô nhị: Mang chứng tá ưu tuyển về Thiên Chúa. Kinh Thánh gắn liền với đời sống và căn tính của Hội Thánh. Dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã xác lập danh sách những bản văn Kinh Thánh nào được linh hứng, nghĩa là chứa những chân lý cứu độ, và sau đó nhìn nhận các Sách Thánh ấy như chuẩn mực và căn bản cho đức Tin và đời sống mình. Đó là chiều kích thần linh của Kinh Thánh và sẽ được bàn sau. Bài này và tiếp theo giới hạn vào khía cạnh con người. Nhưng cả hai dù khác biệt nhưng không tách biệt. Chỉ khi tôn trọng sự cân bằng của mầu nhiệm hợp nhất giữa hai chiều kích này, các tín hữu mới hiểu đúng Kinh Thánh, nhất là những đoạn khó hiểu thường gây ra nhiều vấn nạn.
Kinh Thánh: Nơi Thiên Chúa hạ mình
Dù ghi lại mạc khải của Thiên Chúa trong dòng lịch sử của dân Israel và Hội Thánh sau này, Kinh Thánh tự bản chất không phải là sách giáo khoa lịch sử hoặc khoa học. Kinh Thánh lưu giữ những chứng từ đức Tin giúp các tín hữu đạt được, không phải vài món ăn vật chất như câu truyện vui trên hoặc những kiến thức về lịch sử khoa học, dù có, nhưng là cuộc đối thoại mầu nhiệm và đi vào thông hiệp với sự sống của Thiên Chúa.
Kinh Thánh thực hiện cuộc đối thoại và thông hiệp giữa Thiên Chúa và con người bằng cách nào? Thưa, tương tự như Ngôi Lời nhập thể làm người, nghĩa là “mầu nhiệm kết hợp cái thuộc về Thiên Chúa với cái thuộc về con người trong một cuộc sống hoàn toàn có thể xác định được” (x. Diễn văn của ĐGH Gioan Phaolô II trong Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh, 7). Như Ngôi Lời Nhập Thể vừa 100% là Chúa vừa 100 % là người, Kinh Thánh cũng vừa từ Thiên Chúa siêu việt vừa từ con người với đầy “mùi” của con người. Tất cả “mùi” này hoàn toàn mang dấu ấn văn hóa lịch sử của con người tác giả và thời đại, và dĩ nhiên có thể nghiên cứu được cách khoa học. Kitô giáo thật sự là một tôn giáo lịch sử, không phải là một huyền thoại hoặc một hệ thống lý thuyết hoặc tư tưởng. Hiểu đúng bản chất Kinh Thánh như thế là điều tiên quyết các tín hữu cần có khi đọc từng trang Kinh Thánh.
Nhưng chính “mùi” con người cũng khơi lên nhiều vấn nạn, đưa đến nhiều hệ quả phức tạp (và cũng nhiều thú vị!) cho việc giải thích Kinh Thánh. Ví dụ: những trang Cựu Ước diễn đạt có vẻ tiêu cực về Thiên Chúa, các đấng Tổ phụ hoặc các anh hùng (ngay từ ban đầu, các thánh Giáo phụ cũng đã gặp khó khăn khi giải thích những bản văn này), các vấn đề về khoa học lịch sử, hạn như trình thuật sáng tạo, không như khoa học hiện đại khám phá, có vẻ trọng nam khinh nữ, ủng hộ chế độ nô lệ, có sự khác nhau dù nói về cùng một sự kiện, có những đoạn mang ý tưởng có vẻ trái ngược nhau hoàn toàn,…
Có người lý luận rằng nếu bản văn Kinh Thánh có những vấn đề như thế thì không thể là Lời Chúa mà chỉ là lời con người. Họ gấp sách. Thế là hết!
Chúng ta thì sao? Nếu đọc thấy những điều khó hiểu trong Kinh Thánh, chúng ta cần nhớ ngay Kinh Thánh là nơi ưu tuyển Thiên Chúa toàn năng đã chọn, như Lều Hội Ngộ năm xưa, để gặp gỡ và nói chuyện với con người và mời gọi họ vào hiệp thông với Người. Kinh Thánh chủ ý dạy về sự hạ mình của Thiên Chúa chứ không dạy lịch sử hoặc khoa học. Thiên Chúa toàn năng có thể soạn ra một bộ Kinh Thánh không có bất cứ câu khó hiểu nào. Nhưng Người không muốn vậy. Thiên Chúa cũng có thể cứu độ con người chỉ bằng một ý muốn của Người. Con Thiên Chúa không cần làm người. Nhưng Người không muốn vậy. Người muốn Con Người hạ mình xuống thế làm người và ở cùng chúng ta. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Con Thiên Chúa đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (470). Tác giả thư Híp-ri nói: “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị Thượng tế nhân từ và trung tín” (2,17), “Vị Thượng tế của chúng ta… đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (4,15).
Vậy, những điều có vẻ khó hiểu kia, thậm chí có vẻ mâu thuẫn và sai lầm, không phải là điều đáng sợ khiến chúng ta bỏ cuộc. Các tín hữu đừng quá ám ảnh về chúng như trẻ con ám ảnh về ngôi nhà ma. Thật ra, chúng là dấu chỉ về sự hạ mình của một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương loài người thấp. Chúng đều có thể được giải đáp cách thỏa đáng. Chỉ cần các tín hữu hỏi các vị thông hiểu Kinh Thánh.[1] Đừng vội hoài nghi Kinh Thánh hay đức Tin. Đừng vội gấp sách lại và bỏ cuộc! Trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và chúng ta, Thiên Chúa đã hạ mình nhiều, chúng ta cũng cần nghiêng mình một chút. Xin tạm gọi là “quy luật Ấm-Chén.”
Quy luật Ấm-Chén
Truyện kể rằng hai thầy trò đang ngồi đọc sách trước hiên, người học trò ra điều nghĩ ngợi, rời mắt khỏi trang sách và hỏi thầy: “Thưa thầy, làm thế nào để khiến người khác nghe mình ạ?” Người thầy đưa mắt nhìn học trò và nói: “Con vào nhà pha cho thầy ấm trà.” Rất nhanh chóng người học trò mang đến trước mặt thầy một ấm trà và vài cái chén nhỏ. Thầy chậm rã rót nước vào chén và nói với học trò: “Con hãy hình dung ấm trà này là người nói, muốn rót được nước – muốn đưa thông điệp đến với người nghe – con cần làm gì?” Người học trò nhanh nhẹn đỡ lấy ấm trà, nhấc một chiếc chén lên, từ từ rót nước vào và nói: “Thưa thầy, ấm và chén phải tiếp xúc với nhau, cái ấm phải nghiêng đi thì nước mới vào trong chén được ạ!” Thế đấy, nếu là người nói còn phải biết cách tiếp cận, tìm điểm chung với người nghe, biết chắt lọc thông tin trước khi truyền đạt cho người nghe và biết “nghiêng mình.” Còn nếu con là người nghe, hãy là người nghe tuyệt với nhất bằng cách tự nâng cao giá trị bản thân, đeo bám và cũng phải biết nghiêng mình để đón nhận thông tin. Và con nên nhớ, hãy là chiếc cốc rỗng, đừng áp đặt, đừng chỉ trích phê phán khi con thực sự muốn lắng nghe.
Dĩ nhiên, câu chuyện trên không phải là lời giải đáp tuyệt đối cho mọi vấn nạn trong Sách Thánh, nhưng nó gợi lên một hướng trả lời cho các vấn nạn đó: Kinh Thánh là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa đã hạ mình nên giống con người, mang lấy tất cả các “mùi” của con người, để nói với con người. Con người thì cần bám chặt vào đức Tin và cầu nguyện, nhất là sẵn lòng nghiêng mình để đón nhận dòng nước sự sống Chúa ban trong từng trang Sách Thánh. Khi ấy, ngay cả những lời trước kia họ thấy khó hiểu, nay đều trở nên trong sáng, ngọt ngào và kỳ diệu, như một người con hiếu thảo thấy tất cả sự kỳ diệu của tình mẫu tử hy sinh nuôi dưỡng mình nơi những nếp nhăn nheo xấu xí trên gương mặt của mẹ mình vậy.  
LM. JM. Mười Một, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét