Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

KHI LỜI BỪNG CHÁY XVII




KHI LỜI BỪNG CHÁY
XVII
DƯỚI BÓNG NHỮNG
PHỤ ÂM NỞ HOA

Nhưng không phải chỉ các bậc cao trọng, các Giáo Phụ, các nhà chú giải trứ danh mới biết tới “căn nguyên” của Kinh Thánh, mà cả mỗi người chúng ta nữa! Và khái niệm này về “căn nguyên” khiến ta nghĩ đến một đặc tính quan trọng của Lectio divina, dù rất mực thấp bé, ta hãy tận dụng các khả năng: tác tạo, sáng chế, đổi mới không ngừng. Những từ này có thể làm ta ngạc nhiên, ngay cả lo âu. Liệu có phải là một “khảo sát tự do?” Không hề có chuyện đó! Chỉ cần hiểu rõ những từ này.
Nếu việc chú giải Kinh Thánh làm tỏa lan thực sự đời sống của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bởi các bí tích, trong một niềm hân hoan trọn vẹn của việc gắn kết vào Truyền Thống và Giáo Huấn của Giáo Hội, nó không có một kỷ luật nào khác ngoài câu châm ngôn tuyệt vời của thánh Augustinô: “Cứ yêu đã, rồi làm tất cả những gì bạn muốn”.  Nếu quả thật ta đọc Kinh Thánh trong “Thần Khí đã được ban tặng” (Rm 5,5) và “nói với các Hội Thánh” (x. Kh 2, 7), thì Kinh Thánh sẽ luôn mãi là “căn nguyên” để chúng ta khám phá, phát minh, so sánh, sáng tác. Việc chú giải ấy mới là việc làm của “con cái trong nhà” (x. Ga 8, 35; Dt 3, 6), không có qui luật nào khác ngoài sự tự do và mới mẻ của Thần Khí.
Với Kinh Thánh, chúng ta thực sự đang ở trong nhà của mình: trong đó chúng ta phải vui đùa như những đứa con. Ngoài ra, khi đọc Origène, thánh Grê-gô-ri-ô Cả, thánh Bê-na-đô… người ta được lay động bởi đặc tính tự do chan hòa trong cách chú giải của các ngài. Đó mới đúng là những con người đang hoàn toàn tự do thỏa thích trong Vườn Kinh Thánh của họ, họ mặc sức bay nhảy! Tuy không có được thiên tài như các bậc tiền bối này, chúng ta cũng hãy học đòi nơi họ sự tự do chân thật và sâu sắc ấy.
Đối với lối chú giải “tác tạo, đầy thi vị” này, mỗi người chúng ta như được mời dự một lễ hội, một yến tiệc được thiết đãi “cách nhưng không” (x. Kh 22, 17). Không đòi hỏi trình độ trí tuệ phi thường, vì người Cha “đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25). Mỗi người chúng ta, một cách rất đơn sơ, kể từ khi được rửa tội, và một cách mới mẻ hơn nữa, là từ lúc chúng ta “trở lại”, đều có quyền đi vào khu Vườn Kinh Thánh, để cùng dạo bước với Thiên Chúa giữa những ngọn gió chiều hiu hiu thổi (x. St 3, 8) , (   “Claudel không dịch các Thánh vịnh. Ông dùng các thánh vịnh để cầu nguyện, nhảy múa và thêu dệt lại trong một cách đàm thoại vơi Thiên Chúa, không khácc gì Đa-vít và thánh Giêrônimô, trước hết là đạt tới ngay con tim của Đấng mà người ta muốn Người lắng nghe”, Pierre Claudel, Avant propos des Psaumes de Paul Claudel, Paris, 1966.)  để thong thả dừng chân trước những “phụ âm nở hoa”, và ung dung hái những cánh hoa xinh tươi mà thưởng thức, mà thưởng ngoạn sắc hương vô cùng phong phú nơi đây.
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét