Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Khi Lời bừng cháy XX




Khi Lời bừng cháy
XX
MỘT VIÊN ĐÁ
ĐỂ XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG

Dù ở một mình trong tĩnh lặng của phòng riêng, bạn cũng không cô đơn lẻ loi nếu ngày ngày, bạn ứng dụng từng đoạn Kinh Thánh vào cuộc sống theo lối chú giải hiện sinh một cách kiên trì.
Thời xưa người ta thích thu thập những cách chú giải Kinh Thánh khác nhau, để làm thành những chuỗi “chú giải dây chuyền”, như lối chú giải của xứ Palestina về Thánh vịnh 119: mỗi câu Thánh vịnh kèm với những lời chú giải của một tác giả khác nhau, như Origène, Athanasia, Didyme, Eusèbe… Và bạn cũng thế, mỗi khi đọc một đoạn Kinh Thánh và ghi những lời chú giải của mình, là bạn dự phần vào chuỗi chú giải dây chuyền sống động, mà mối dây đầu tiên thuộc thế hệ những người đương thời của Lễ Hiện Xuống, họ ngồi chung quanh Đức Ma-ri-a, Người đã “giữ mọi sự việc đó để suy đi nghĩ lại trong lòng”; và cuối cùng sẽ là thế hệ của những người sống trong ngày mà mọi sự đã hoàn tất, trời sẽ “bị cuốn đi như một cuốn sách cuộn lại” (x. Kh 6, 14; Is 34, 4).
Phải, bạn có chỗ đứng của bạn, dù khiêm tốn nhỏ bé, vì bạn thuộc vào số vô tận của những người, mà trong khi chờ đợi để được chiêm ngưỡng tỏ tường Đấng cất tiếng nói, đã biết thăm dò để ứng dụng lá thư tình do Người viết cho chúng ta. Nên dù trong cô tịch của phòng riêng, bạn vẫn đang liên đới với toàn thể nhân loại, “người nhận” của cùng một Cuốn Sách.
Ta đã thấy Lectio divina đòi hỏi một sự cộng tác, sự huy động của cả một “vũ trụ nhỏ bé” nơi cá nhân mỗi người chúng ta. Bây giờ ta hãy xem nó liên quan thế nào với toàn thể vũ trụ rộng lớn là Giáo Hội. Có thể chúng ta thường có khuynh hướng chỉ xem Lectio divina như một việc đạo đức riêng tư của cá nhân. Nhưng chiều kích Giáo Hội mang một tầm mức quan trọng đáng kể, mà chúng ta phải không ngừng thức tỉnh cái ý thức ấy: vì đó là một nguồn suối lớn lao của niềm vui.
Khi thực hành Lectio divina, là bạn tự gắn mình vào một công việc vượt ra ngoài mọi chiều kích của riêng bạn, bạn đi vào một công trình, với tính cách của một người thợ, giữa một đám đông vô số những người thợ khác. Trong việc thi hành công việc này, thực ra nó huy động và quy tụ mọi nguồn lực của con người bạn. Bạn là phần tử của Giáo Hội, chi thể của toàn Thân Thể nhiệm mầu. Chính luôn với tư cách là con, là thành phần của Hội Thánh mà bạn phải gặp gỡ Lời mà chỉ mình Giáo Hội mới chính thức và đích thực là tác nhân, người giữ kho. Xuyên qua sự khiêm tốn, tối tăm và cô tịch trong giờ Lectio divina của bạn, mà một cái gì đó vô cùng vĩ đại được khởi công xây dựng: Qua bạn và trong bạn, chính là Hội Thánh đang kiện toàn việc nội tâm hóa Lời một cách thân tình: “Ma-ri-a ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).  Và giờ đây bạn trở thành như “tiền đường” cho con tim mênh mông của Giáo Hội, để từ Lễ Hiện Xuống cho đến ngày Cánh Chung, nó không ngừng cất giữ, so sánh, đào sâu ý nghĩa Kinh Thánh, như một tấm gương, một mặt nhỏ của Thân Thể đầy mắt, của Sinh Vật đầy những mắt (x. Kh 4, 6), nó không ngừng nhìn ngó.
Vì bạn không phải một mình, không phải người đầu tiên cũng chẳng phải người cuối cùng đầu tư vào công việc tìm kiếm ý nghĩa Kinh Thánh. Vì bạn đang kết nghĩa huynh đệ cách âm thầm với tất cả những người đi trước, đồng thời cũng như theo sau bạn, để chất vấn cuốn Sách… nên bạn hiểu cách dễ dàng giá trị của Lectio divina, tầm quan trọng và ngay cả sự cần thiết của nó nữa. Cho dù tất cả những khám phá riêng của bạn trong Thánh Kinh, sẽ chẳng bao giờ được tiết lộ ra ngoài, những chú giải cá nhân thầm kín kia của bạn cũng vẫn mang lại cho việc xây dựng một “thánh đường của Ý Nghĩa”, cho việc chú giải toàn diện, cộng đồng, “công giáo”, mà Giáo Hội lữ hành xuyên qua lịch sử, vẫn là đối tượng, để dâng hiến một lời đáp của hôn ước, nhằm tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã ngỏ lời với con người. Từng chữ, từng câu trong Thánh Kinh đều được thốt ra từ chính miệng Thiên Chúa, những làn sóng âm thanh của Lời phải được lan truyền “tới tận cùng trái đất” (Tv. 19, 5) và sẽ vang dội tới tận con tim của mỗi người biết lắng nghe.
Và bây giờ tôi nói với bạn về một ‘mầu nhiệm’ mà có lẽ bạn không nghĩ tới: Ý nghĩa của một từ, dù khiêm tốn nhất trong Kinh Thánh, sẽ chỉ được vén mở cách trọn vẹn khi con người cuối cùng của lịch sử loài người, lắng nghe được âm vang của nó một cách lâu dài, và lên tiếng đáp lời lại cho nó. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, Ý nghĩa đã không ngừng tự kiểm kê, làm giàu và phân nhánh; cũng như một con sông không ngừng khơi rộng ra mỗi ngày :
Như một suối nước phát nguồn từ khe núi, càng chảy xuống càng lớn dần và phải phân phát dòng chảy của mình cho nhiều con suối khác, có thể rộng lớn hơn, nhưng bất kể dòng nước nào của các con suối này, miễn là được chảy xuống từ cùng một nguồn, băng qua nhiều vùng miền khác nhau. Cũng thế, câu chuyện về người phân phát Lời, phải cung cấp cho nhiều nhà diễn thuyết. Từ một bài thuyết trình nhỏ, có thể làm tuôn trào những dòng chân lý trong ngần, mà từ đó mỗi người kín múc cho riêng mình, sự thật họ có thể tìm thấy được trong những điều đã được nghe, để tán rộng ra thành những lời bất tận .
Bạn có thể xem đó là lạ lùng, táo bạo, nhưng cũng phải dám nói lên rằng: Ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh sẽ không trọn vẹn nếu thiếu bạn, nếu bạn không đưa phần chú giải cá nhân của bạn vào với toàn thể những lời chú giải “công giáo”, trong đó mọi phần tử của Nhiệm Thể đều mang phần đóng góp của họ. Bởi vì ý nghĩa tròn đầy của Thánh Kinh, cũng chính là tổng số đáng kể của các âm thanh hài hòa, được vang vọng đến tai con cái, mỗi khi Thiên Chúa nói: “Tôn nương hỡi, hãy lắng nghe” (Tv 45, 11).
Ý nghĩa mà bạn khám phá ra hôm nay trong căn phòng tĩnh lặng của bạn có quyền hòa nhịp vào với các âm thanh du dương kia. Ngay từ lúc này, nó đã được vĩnh viễn ghi trong tập Chú Giải mà mọi thế hệ vẫn kế tiếp nhau ghi chú bên cạnh, và cả giữa những hàng chữ của Bản Kinh Thánh. Tôi sẵn sàng giới thiệu với bạn công trình vĩ đại của việc chú giải Văn Bản Cổ này, đó là những lời chú giải nổi tiếng của các giáo trưởng Do-thái, nguyên sự góp mặt của chúng đã là những lời khích lệ quí giá cho chúng ta rồi. Văn Bản Kinh Thánh ở chính giữa, bằng kiểu chữ to in đậm nét, chung quanh là những lời bình chú của các giáo trưởng, bằng những kiểu chữ to/nhỏ, đậm/nhạt khác nhau. Đối với chúng ta, mặc dù Thầy Giê-su đã nhắn nhủ “đừng để ai gọi mình là thầy” (x.  Mt 23, 8), nhưng Thầy đã không cấm chúng ta, với lòng khiêm nhường, viết bên cạnh bản văn Thánh “lời tự thú” theo ý nghĩa của thánh Augustinô, tất cả những gì mà Lời của Thiên Chúa hằng sống đang khơi gợi lên trong ta.
Chúng ta đã nói về cách đọc Kinh Thánh theo kiểu đối chiếu với “Bản tương đồng”, nghĩa là phải lắng nghe cùng một lúc, trọn vẹn bản văn Thánh với đầy đủ âm điệu của nó. Những gì ta vừa nói về chiều kích Giáo Hội của Lectio divina, làm nảy ra một ý nghĩa mới mẻ khác của kiểu “đọc tương đồng” này: không phải chỉ nghe những âm điệu của bản văn Thánh, nhưng còn phải lắng nghe cả những gì Kinh Thánh đã khơi gợi lên cho con người, dọc suốt những thế kỷ chiêm niệm, chú giải.
Như thế, mỗi khi chúng ta học một đoạn Kinh Thánh một cách thực sự sâu sắc, thì sau khi nghe phần tương hợp nội tại, ta còn phải nghe những âm điệu phong phú và tiết tấu hài hòa của Truyền Thống. Nghe Origène, Cyrille d’Alexandrie, Ambroise, Jérôme, Augustin, và nhiều vị tiền bối khác nữa. Nghe Jean de la Croix và Thérèse de Lisieux, nghe Péguy và Claudel, nghe các Giáo Phụ, các nhà thần học, các thi nhân… Đó mới là cách đọc tương đồng, đọc trong tình huynh đệ và gia đình, một cách đọc công giáo của Thánh Kinh! Và trong cách đọc bằng công-giáo-tính của nhiều âm điệu “tường thuật” Kinh Thánh – “narrantes carmina Scripturarum” (họ ngâm nga những bài ca của Kinh Thánh, (Hc 44, 5) -  Không nhất thiết phải là những vĩ nhân mới lôi kéo sự chú ý của ta, mà rất có thể là một người thân, người bạn, một linh mục nào đó, một người anh em đã từng chia sẻ cho chúng ta những suy tư riêng của họ. Kinh Thánh cũng như Thánh Thể, là “di sản chung của toàn thể Giáo Hội”.
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét