Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Khi Lời bừng cháy XXI




ĐAM MÊ LỚN NHẤT
CỦA ĐỜI TA
Ngay từ những bước đầu, truyền thống đan tu đã cố gắng dẹp đam mê, không có đam mê trong kho tàng các nhân đức, mới là dấu hiệu chứng tỏ người đan sĩ đã đạt tới mức trọn lành! 
Có phải nhất thiết bài trừ mọi đam mê ra khỏi đời sống của ta không ?
Làm sao có thể được, khi chính Thầy Giê-su thổ lộ khát vọng lớn lao của Thầy là được ăn mừng lễ Vượt Qua với chúng ta (x. Lc 22, 15)? Và được thấy cháy bừng lên ngọn lửa mà Thầy đã thắp lên trên mặt đất (x. Lc 12, 49)? Và nếu có một đam mê nào được quyền cư ngụ trong con tim chúng ta, thì đó phải là đam mê Kinh Thánh !
“Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại”(Tv 119, 97)!
Nguồn vui khôn sánh :
“Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài, lạy Ðức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh” (Gr 15, 16).
Nguồn suối lệ :
“Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ rằng: "Hôm nay là ngày thánh hiến cho Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc".  Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật” (Nkm 8, 9).
Cách ly hoàn toàn, đan sĩ là người của một tình yêu duy nhất, cũng vì thế, trên bàn ở phòng riêng cũng chỉ có duy nhất một cuốn Sách được mở ra, để trong đó đêm ngày người đan sĩ thăm dò, nghe ngóng con tim của Người Yêu duy nhất. “Nghe đây, hỡi It-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6, 4)! Vậy làm sao lại không có một tình yêu đam mê đối với cuốn Sách duy nhất, mà từ đó Thiên Chúa nói với chúng ta? Đó là Sách Lịch Sử thượng đẳng, bao gồm công trình Sáng tạo, Cứu độ và sự Hoàn thành viên mãn. Là Sách mạc khải nguyên lý tối thượng của vạn vật và cùng đích của chúng. Là Bộ sách bách khoa toàn thư, xác thực hơn mọi khoa học và nhân văn, đem lại cho nhân loại sự bình an đích thực, có những giải đáp cho mọi vấn nạn của chúng ta về vũ trụ và con người. Là cả một vườn ẩn dụ mà từ đó nhà thần học xây dựng những khái niệm. Là bản kiểm kê con tim loài người theo danh mục, với một sự thật luôn trong sáng, có cả bạo lực và hiền dịu luân phiên nhau cách tế nhị nhất. Là một tập hình ảnh mà các “trẻ lớn” như chúng ta ai cũng muốn mở xem và ngắm nghía kỹ từng trang. Đúng là người ta không bao giờ cạn ý để nói về tất cả những gì cuốn Sách “LÀ” đối với con người chúng ta. Cuốn Sách chia sẻ ngay cả những thuộc tính của Đấng viết ra nó: Là Đấng giản dị, vô biên, vĩnh cửu.  Qua cuốn Sách này, Thiên Chúa đã “trao hiến” cho chúng ta Chân lý, Thiện hảo và Toàn mỹ của Người.
Đó là những “Lá Thư”, những lá thư này phải là tình yêu vĩ đại nhất của đời ta. Ở đây không hề có tranh cãi giữa “tình yêu của những lá thư” và “khát vọng của Thiên Chúa”, vì tác giả viết Thư cũng chính là Thiên Chúa, và vì trong sự ngoan ngoãn theo giáo dục của Mẹ Giáo Hội, trong môi trường sống của các bí tích, không ngừng được hiện thực hóa, những bức Thư này là con đường tất yếu đưa ta đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Chúng ta không có gì làm của riêng, thì Kinh Thánh là kho báu của ta. Chúng ta tuyên hứa vĩnh cư, thì đây, Kinh Thánh là không gian, là đồng cỏ cho ta. Chúng ta tự cách ly trong cô tịch, thì đây, Sách Thánh đồng hành với ta, là hiệp hội của ta, và không có một vai diễn nào trong đó, từ A-dong cho tới những nhân vật trong các Thư cuối cùng của thánh Phao-lô, mà chúng ta lại không là “đương thời” với họ. Ngày được gọi, Tổ Phụ Áp-ra-ham nghe Thiên Chúa phán: “Hãy rời bỏ xứ sở… mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1)! Mỗi người chúng ta cũng thế, trong ngày “trở lại” của mình, chúng ta cũng đứng trước Sách Thánh rộng mở, như trước một chân trời vô biên, như trước miền Đất Hứa, và nghe lệnh truyền rời bỏ mọi sự cho việc tìm gặp, để “nhận biết Người” (x. Ds 13, 17).
Kinh Thánh là Đất Hứa của chúng ta, là vương quốc, là cuộc phiêu lưu của chúng ta, một phiêu lưu của chú giải, nó kéo theo trọn cuộc sống của ta. Cho tới lúc chính Thiên Chúa đưa dẫn ta vượt trên mọi từ ngữ, mọi gương mặt, hình ảnh, mọi phụ âm, mà tiến vào khối lửa nơi Người cư ngụ, nơi Người cất tiếng ngỏ lời với chúng ta. Ta phải luôn giữ một tâm hồn “du mục” và theo đuổi cách hoan hỉ cuộc tìm kiếm, như một lữ hành đi tìm Ý nghĩa không mỏi mệt. Thầy Giê-su Phục Sinh khải hoàn gặp ta trên đường, cùng đồng hành với ta, Thầy chính là Ý Nghĩa, là sự Sung mãn và là nhà Chú Giải Kinh Thánh tuyệt vời, ở bên Thầy, mọi con tim, mọi phụ âm tất phải bừng cháy, phải nở hoa.
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét