Trang

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Lối giải thích Kinh Thánh “nguy hiểm” (16)




Lối giải thích Kinh Thánh “nguy hiểm” (16)
 

VRNs (29.01.2013) –
Theo Dân Trí, số ra ngày 23.10.2012, Cục thống kê lao động Hoa Kỳ (BLS), cơ quan chính phủ về những nghề nguy hiểm, đã liệt kê các công việc nguy hiểm nhất thế giới. Đứng đầu danh sách là ngư dân và công việc liên quan. Tỷ lệ tử vong thường ở 141 %. Kế đó là kĩ sư máy bay và phi công chuyên nghiệp, thợ đốn gỗ, thợ gia công sắt thép. Điều bất ngờ là nông dân cũng là nghề nguy hiểm, nguyên nhân chính là do số người tử vong vì sét đánh! Tỷ lệ tử vong khoảng 27%. Trong lãnh vực “nhà đạo” thì sao? Văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh (VGTKTTHT) đã xếp lối đọc Kinh Thánh duy văn tự (fundamentalism) vào mức độ “nguy hiểm.”[1] Chúng ta tiếp tục tìm hiểu lối đọc Kinh Thánh này.
Kinh Thánh dạy chân lý sao có những chỗ có vẻ “sai lầm” và “mâu thuẫn”?[2]
Theo văn kiện VGTKTTHT, lối giải thích văn tự nhấn mạnh quá đáng về sự vô ngộ của một số chi tiết trong các bản văn Kinh Thánh, nhất là về những gì liên quan đến những biến cố lịch sử hoặc những chân lý được giả thiết là có tính khoa học.[3] Chủ trương này thường lịch sử hóa cái chẳng có ý đòi hỏi tính cách lịch sử, bởi vì chủ trương này coi mọi điều được tường thuật hoặc kể lại với động từ ở thì quá khứ là có tính lịch sử, mà không chú ý đến khả năng có thể có một nghĩa biểu tượng hoặc nghĩa bóng.[4]
Chủ trương bảo thủ có khuynh hướng theo những quan điểm cực kỳ hẹp hòi, bởi vì phong trào coi quan niệm vũ trụ học cổ xưa, lỗi thời là phù hợp với thực tại, chỉ vì quan niệm vũ trụ học ấy được Kinh Thánh nói đến. Điều đó ngăn không cho đối thoại bất cứ cách nào với một quan niệm rộng rãi hơn về những tương quan giữa văn hóa với đức Tin.[5] Chủ trương này dựa trên một cách đọc không phê bình một số văn bản Kinh Thánh để củng cố những tư tưởng chính trị và những thái độ xã hội nặng thiên kiến, như phân biệt chủng tộc chẳng hạn, hoàn toàn trái ngược với Tin Mừng Kitô giáo.[6]
Bản chất lịch sử của quá trình hình thành Sách Thánh[7]
Chủ trương bảo thủ thường có khuynh hướng không đếm xỉa hoặc chối bỏ những vấn đề mà bản văn Kinh Thánh, trong hình thức nguyên bản Híp-ri, A-ram hoặc Hy-lạp, nêu ra. Chủ trương thường được gắn chặt một cách hẹp hòi với một lối phiên dịch cố định, cổ kính hoặc tân thời. Chủ trương này cũng bỏ không để ý đến những “việc đọc lại” (relectures) của một số bản văn trong chính Kinh Thánh.
Đối với những gì liên quan đến sách Tin Mừng, chủ trương bảo thủ không để ý đến sự tiến triển của truyền thống Tin Mừng, nhưng lại lẫn lộn một cách ngây thơ giai đoạn chung kết của truyền thống này (tức là những gì các tác giả sách Tin Mừng đã viết) với giai đoạn khởi đầu (các lời nói và việc làm của Đức Giêsu lịch sử). Đồng thời chủ trương này coi thường một dữ kiện quan trọng: đó là cách thức các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi đã hiểu về ảnh hưởng do Đức Giêsu Nazarét và sứ điệp của Người sản sinh ra. Thế nhưng đó lại là một chứng tá thuộc về nguồn gốc tông truyền của đức Tin Kitô giáo và cách diễn tả trực tiếp của đức Tin ấy. Như thế, chủ trương bảo thủ đã làm biến chất lời mời gọi do chính cuốn sách Tin Mừng đưa ra.
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] X. VGTKTTHT, 73 (“tự sát” và “nguy hiểm”); Ronald D. Witherup, Tiếp Cận Thánh Kinh Theo Chủ Nghĩa Cơ Yếu, 123 (ĐGH Bênêđictô nhận xét lối đọc Kinh Thánh duy văn tự là “nguy hiểm”).
[2] Vấn đề Kinh Thánh dạy chân lý sao lại có vẻ “sai lầm” và “mâu thuẫn” ở nhiều đoạn là vấn đề hóc búa và gây cho nhiều tín hữu bối rối, thậm chí có người mất đức Tin. Có người vô thần hoặc chủ trương tự do tư tưởng đã trưng ra những “sai lầm” và “mâu thuẫn” này rồi kết luận là Kinh Thánh không phải là Sách Thánh. Ví dụ: Sách Sáng thế có hai trình thuật khác nhau về sáng tạo, Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ vào đầu hay cuối sứ vụ?, Giuđa chết thế nào? Treo cổ tự tử (x. Mt 27,5) hay ngã lộn đầu, vỡ bụng, lòi cả ruột ra (x. Cv 1,18)? Sách Isaia 2,4 viết: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày.” Nhưng sách Giô-en 4,10 thì viết ngược lại: “Hãy lấy cuốc lấy cày đúc thành gươm đao.” Họ lý luận: Cựu Ước và Tân Ước cũng trái ngược nhau ở nhiều chỗ. Nếu một Thiên Chúa toàn năng linh hứng Thánh Kinh, thì Người đã không để cho có những “sai lỗi” và “mâu thuẫn” đó.
Lối đọc duy văn tự thì ngược lại. Họ tuyệt đối bảo vệ tính “vô ngộ” hoặc “không sai lầm” của từng chi tiết trong Kinh Thánh, ngay cả về khoa học và lịch sử. Họ lý luận một cách đơn giản theo tam đoạn luận: Thiên Chúa không thể sai lầm, Kinh Thánh là Lời Chúa, nên Kinh Thánh không thể sai lầm, nghĩa là không có một sai lỗi nào, dù thuộc khoa học hay lịch sử. Họ cũng lý luận rằng những bản văn nào không rõ ràng đều có thể được giải thích dựa vào những bản văn rõ ràng hơn, để cho những mâu thuẫn chỉ có tính biểu kiến hơn là thực. Họ tìm cách thật gượng ép và vòng vo để dung hòa tất cả những mâu thuẫn rõ ràng trong Kinh Thánh. Xin xem thêm 12 Ðiều Mà Mọi Người Công Giáo Phải Trả Lời Ðược của Deal Hudson (Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ) và Tiếp Cận Thánh Kinh Theo Chủ Nghĩa Cơ Yếu của cha Ronald D. Witherup, 68-71, 92-104.
Còn ngành giải thích Kinh Thánh Công giáo thì sao? Cách hiểu của Hội Thánh Công giáo về “chân lý/sự thật trong Kinh Thánh” thật sâu xa và khác với lối duy văn tự. Hiến Chế Dei Verbum, số 11, (Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo/SGLCHTCG trích lại, 107) dạy như sau: “Những gì Thiên Chúa mạc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần… Vì phải xem mọi lời tác giả được linh hứng, tức các thánh sử, viết ra, là những điều Chúa Thánh Thần xác quyết, nên phải tuyên xưng rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại nhằm cứu độ chúng ta.” Như vậy, Hiến Chế đã nối Kinh Thánh, ơn linh hứng với mạc khải cứu độ. Năm điểm sau sẽ giúp các tín hữu hiểu đúng Kinh Thánh, nhất là những trang có vẻ “tăm tối,” bị cho là “sai lầm” hoặc “mâu thuẫn.” Năm điểm này dựa trên tài liệu của Jake C. Yap và Ủy Ban Kinh Thánh. Đó là:
1/ Toàn bộ sách Cựu Ước lẫn Tân Ước, với tất cả các phần đoạn, đều là sách thánh được linh hứng và được ghi vào bản thư quy Kinh Thánh, “nhằm cứu độ chúng ta”; nên không thể hiểu là chỉ có phần này đoạn kia được linh hứng (vì hay, tốt hoặc thánh thiện), còn phần này đoạn kia thì không (vì không hay, không tốt hoặc sai lầm).
2/ Hiến Chế cũng không có ý nói có hai thứ chân lý hoặc phân biệt giữa chân lý đức tin-luân lý với chân lý khoa học-lịch sử, như một vài học giả Kinh Thánh giải thích. Theo các vị này, Kinh Thánh không sai lầm chỉ trong những vấn đề thuộc đức tin-luân lý (“nhằm cứu độ”), còn trong vấn đề khoa học-lịch sử thì có thể có sai lầm. Thật ra, “chân lý trong Kinh Thánh” được bày tỏ trong Kinh Thánh xét như Kinh Thánh là một toàn thể, chứ không xét riêng lẻ từng phần hoặc quyển của từng tác giả. Điều này không có ý nói rằng Hiến Chế phủ nhận sự không sai lầm của các tác giả; Hiến Chế chỉ giới hạn vấn đề chính, phần còn lại để dành cho các thần học gia tranh luận.
3/ “Chân lý trong Kinh Thánh” thật ra bao gồm cả những sự kiện lịch sử. Giống như mạc khải, “chân lý trong Kinh Thánh” hoàn toàn do thánh ý Thiên Chúa quyết định, dù cho nội dung nó xác quyết ra sao. Mạc khải và Kinh Thánh không thể thông tri ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa mà không đụng chạm đến nhiều ngành khoa học nhân văn, nhất là lịch sử. Nhưng mạc khải và Kinh Thánh làm điều này không từ nhãn quan của các ngành khoa học thuần túy mà từ cái nhìn đức Tin.
4/ Hiến Chế nói Kinh Thánh dạy ta “cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm” có nghĩa là Kinh Thánh, vì là đảm bảo muôn đời về chân lý cứu độ của Thiên Chúa cho loài người, nên là chứng tá cho lòng thành tín của Thiên Chúa trong giao ước Người đã ký kết với loài người. Chính bởi lòng thành tín giao ước này của Thiên Chúa mà các tín hữu có thể và cần đón nhận chân lý cứu độ trong Kinh Thánh một cách “không sai lầm.” Nói cách khác, sự không sai lầm của chân lý cứu độ trong Kinh Thánh chính là sự diễn tả lòng thành tín của Thiên Chúa đối với giao ước của Người.
5/ Sau cùng, để giải quyết những lập luận phủ nhận chân lý/sự thật của Kinh Thánh, các tín hữu cần nhớ tính tiệm tiến của mạc khải và tính duy nhất của toàn bộ Kinh Thánh. Nghĩa là các trang Kinh Thánh Cựu Ước còn “nhiều bất toàn và tạm bợ” và toàn bộ chân lý chỉ được hiện thực hóa nơi con người và công trình của Chúa Giêsu Kitô. Các tín hữu không nên đòi hỏi phải có những mức độ hoàn hảo như của Tin Mừng trong các trang Cựu Ước.
[3] Ví dụ, họ tin việc tạo dựng diễn ra trong sáu ngày y hệt như những gì sách Sáng thế đã thuật lại. Trái lại, ngành giải thích Công giáo nhìn nhận có những thể văn không mang tính lịch sử và những câu truyện hư cấu trong Kinh Thánh, nhất là cần ý thức các tác giả viết lịch sử theo cách thức khác với lối viết sử của chúng ta hôm nay. Nghiên cứu thể văn và chủ ý tác giả là điều rất quan trọng trong ngành giải thích Công giáo.
[4] Trái với lối đọc duy văn tự, Hội Thánh Công giáo dạy rằng có thể phân biệt hai nghĩa của Thánh Kinh: nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Nghĩa thiêng liêng lại được chia thành nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý và nghĩa dẫn đường (x. SGLCHTCG, 115). Xin lưu ý: “nghĩa văn tự” khác lối đọc duy văn tự. Các nghĩa của Kinh Thánh sẽ được bàn sau.
[5] Hoàn toàn khác với cái nhìn hạn hẹp của lối đọc Kinh Thánh duy văn tự, truyền thống Công giáo thường duy trì mối liên hệ giữa văn hóa và đức Tin đồng thời rất lạc quan về vai trò của lý trí trong việc đạt đến chân lý khách quan. Đây là sự tiếp nối một truyền thống lâu đời bao gồm những nhân vật nổi bật như linh mục Origen, thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô. Vì vậy, Hội Thánh nhấn mạnh việc nghiên cứu khoa học để tìm hiểu chân lý và ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh. Lập trường về khả năng của lý trí tự nhiên của Hội Thánh rất gần gũi với nền khoa học hiện đại, mở đường cho đối thoại giữa các nhà giải thích Kinh Thánh Công giáo và các ngành khoa học, lịch sử và văn hóa hôm nay. Nhìn chung, Hội Thánh Công giáo khẳng định có một tương quan tốt giữa đức Tin và Lý trí: Cả hai cùng nhau dẫn đưa con người đến Thiên Chúa.
[6] Chủ trương duy văn tự đọc Kinh Thánh mà không có óc phê bình nên thường tách một đoạn Kinh Thánh nào đó ra khỏi bối cảnh của nó. Trái lại, ngành giải thích Công giáo nhấn mạnh việc đọc Kinh Thánh cách phê bình (nghĩa là áp dụng phương pháp khoa học để tìm ra chính xác và khách quan ý nghĩa bản văn), cụ thể là các đoạn văn Kinh Thánh phải được đọc trong bối cảnh của nó; không được dùng những đoạn văn trong Kinh Thánh như là một đoạn để làm chứng cớ cho một vấn đề hoặc biện minh cho một lập trường nào đó. Ví dụ sách Isaia 2,4 viết rằng: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày.” Nhưng sách Giô-en 4,10 thì viết ngược lại: “Hãy lấy cuốc lấy cày đúc thành gươm đao.” Nếu tách khỏi bối cảnh của chúng, những câu vừa trích dẫn sẽ mâu thuẫn nhau. Để hiểu đúng, chúng ta phải biết bối cảnh trong đó câu văn được viết ra và chúng có ý nghĩa gì trong thời đại đó. Ngoài ra, chúng ta cũng cần biết cách áp dụng những câu trích như thế nào và áp dụng ở đâu trong thời đại ngày nay. Thánh Phao-lô nói rằng phụ nữ nên trùm khăn trên đầu, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong sứ điệp của ngài. Nếu xem những lời dạy dỗ của Thánh Phao-lô về khăn đội đầu quan trọng hơn những giáo huấn của ngài về đức ái và sự công chính thì thật là không công bằng đối với Thánh Phao-lô.
[7] Vì quá đề cao khía cạnh thần linh mà hạ thấp khía cạnh con người của Kinh Thánh, nên lối đọc duy văn tự không nhìn nhận tiến trình lịch sử trong việc biên soạn Sách Thánh, không có nhãn giới lịch sử trong việc giải thích Kinh Thánh, bỏ qua lịch sử của việc chú giải Kinh Thánh, phủ nhận vai trò của Hội Thánh trong việc hình thành và ấn định quy điển các Sách Thánh. Trái lại, ngành giải thích Kinh Thánh Công giáo nhìn nhận rằng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tất cả các yếu tố phức tạp này đã diễn ra trong dòng chảy lịch sử và đời sống con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét