Trang

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Công thức chúc lành của A-ha-ron, Ông Môsê không được vào đất hứa

Giải đáp thắc mắc Cựu Ước - Công thức chúc lành của A-ha-ron, Ông Môsê không được vào đất hứa
Giải đáp thắc mắc Cựu Ước của Lm Roland E. Murphy, O. Carm. (Dòng Cát Minh).

Giải đáp thắc mắc Cựu Ước
Lm Roland E. Murphy, O. Carm. (Dòng Cát Minh)
Nguyễn Trọng Đa dịch, Theo “Responses to 101 questions on the Biblical Torah”, Manila, St Pauls, 1999

Hỏi: Công thức chúc lành của A-ha-ron hoặc của tư tế là gì?
Đáp: Công thức chúc lành này được gọi như thế, bởi vì nó được mô tả là cách thức mà trong đó ông A-ha-ron (Aaron) và con cháu ông chúc lành cho dân Ít-ra-en. Các bạn đã quen với lời chúc lành này bởi vì nó cũng đã được đưa vào phụng vụ Kitô giáo rồi. Thoạt nhìn, nó xem như là lặp đi lặp lại, diễn tả một ý trong các cách khác nhau. Nhưng đây là bí quyết của tính cách song song trong thi ca Do Thái: mỗi hàng, mỗi động từ trong câu, kéo dài ý tưởng ra. Do đó, nó không phải là sự lặp đi lặp lại đơn thuần. Xin nhắc lại công thức chúc lành này (Ds 6, 24-26):
 "Nguyện Ðức Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)!
 Nguyện Ðức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)!
 Nguyện Ðức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)!
Có hai động từ trong mỗi câu, và động từ thứ hai kéo dài và mở rộng nghĩa của động từ thứ nhất. Việc chúc lành thường là một từ ngữ chung chung, và ở đây nó được làm sắc sảo và có tính đặc biệt bởi chữ “gìn giữ” mà người Do Thái rất cần trong sa mạc. Sự nhắc đến việc gìn giữ hoặc bảo vệ của Chúa là thường có trong Kinh thánh. Thánh vịnh 121 được nổi bật bởi khái niệm này: “Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (câu 6-8). Chúa được quan niệm như “khoác muôn vạn ánh hào quang” (Tv 104, 2), và ý tưởng tôn nhan rạng ngời của Chúa là cũng thường được mô tả trong Thánh vịnh (chẳng hạn Tv 31, 16; Tv 67, 2…). Lẽ tất nhiên đây là một dấu chỉ của tình thương mà Chúa để cho dân Chúa nhìn thấy một chút tôn nhan rạng ngời của Ngài. Khi Chúa chiếu sáng trên ai, thì sự thân tình đến với người ấy. Trong câu cuối “ghé mắt nhìn” chính là “tỏ ánh tôn nhan Ngài”, và có thể so sánh với Tv 4, 7: “Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Ngài trên chúng con”. Trái ngược với điều này là cụm từ “ẩn mặt đi” để nói lên sự không hài lòng của Chúa (Đnl 31, 18). Từ ngữ Do Thái “bình an” (shalom) đã đi vào nhiều ngôn ngữ với các sắc thái khác nhau. Nó có nghĩa nhiều hơn là một sự không có tranh cãi hoặc không có chiến tranh. Nó cho thấy một niềm hạnh phúc và thịnh vượng (và lẽ tất nhiên điều này được hiểu là do Chúa ban). Thật là tuyệt vời khi công thức chúc lành tư tế thật là mở rộng và toàn diện biết bao. Hơn nữa, khó mà tưởng tượng có được một lời kinh đại kết hay hơn thế.
          
Hỏi: Tại sao ông Môsê không được vào đất hứa?
Đáp: Đây là một trong các bí mật lớn của bộ Ngũ Thư và của truyền thống Israel. Tôi nghĩ câu trả lời đúng là rằng câu hỏi này gây nhiều ngạc nhiên cho họ cũng như cho chúng ta. Tại sao vậy? Bởi vì câu hỏi được nêu ra nhiều lần, ít là mặc nhiên, và chưa có câu trả lời rõ ràng nào xuất hiện cả. Tôi xin phép minh họa: chúng ta đã thấy một quan điểm nói rằng việc ông Môsê đập gậy hai lần vào tảng đá là một sự giải thích theo tập tục. Nhưng sách Dân số (Ds) 20, 2-14 không được giải thích như thế. Đó là có đoạn tương tự trong Xuất hành (Xh) 17, 1-7: một sự phiền trách đặc trưng khác – không có nước để uống. Chúa đến cứu ông Môsê và ông A-ha-ron; hai ông cầm chiếc gậy nổi tiếng, đứng trước toàn dân và “nói” (tức ra lệnh) với tảng đá và từ tảng đá, nước chảy ra. Theo Kinh Thánh, ông Môsê nói với toàn dân như thế này: “Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?” (Xh 20, 10). Ông Môsê giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống. Không có phản ứng tức giận nào từ Chúa cả, nhưng chỉ là một nhận xét khô khan và tẻ nhạt: “"Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Ít-ra-en, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng” (Xh 20, 12). Câu kế tiếp (câu 13) là một giải thích tầm nguyên luận của tên địa điểm ấy: “Ðó là mạch nước Mơ-ri-va (Meribah) - nghĩa là gây chuyện - nơi con cái Ít-ra-en đã gây chuyện với ÐỨC CHÚA, và Người đã biểu dương sự thánh thiện của Người giữa họ”. Trong một đoạn tương tự ở Xuất hành 17, 6-7, không nhắc đến việc đập gậy vào tảng đá hai lần, và sự việc được giải thích như là việc dân Do Thái thử thách Chúa. Sự giải thích này được nhắc lại trong Ds 20, 24 khi ông A-ha-ron qua đời; ông không vào đất hứa do sự nổi loạn của ông và ông Môsê ở Mơ-ri-va. Trong Ds 27, 12-14, lý do tương tự được nêu ra: trong khi ông Môsê lên ngọn núi kia của dãy A-va-rim (Abarim), để nhìn xem miền đất hứa, ông nhớ lại rằng ông chỉ được nhìn thấy đất hứa mà thôi, vì ông và ông A-ha-ron đã không tuân theo lời Chúa: “Các ngươi đã chống lại lệnh Ta truyền làm cho nước chảy ra, để tỏ bày sự thánh thiện của Ta trước mắt dân chúng” (câu 14). Không có sự giải thích nào thêm cho câu mù mờ “tỏ bày sự thánh thiện của Ta”. Nước được đồng hóa với nước của mạch Mơ-ri-va ở Ca-đê (Meribah-kadesh), trong sa mạc Xin (Zin). Sự việc này vẫn là bí mật. Không có lý do để cho rằng việc đập hai lần vào tảng đá giả thiết việc thiếu lòng tin.
             
Khi người ta trở lại với sách Đệ nhị luật (Đnl), có một sự trình bày khác cho việc cấm này. Trong phong cách của các “diễn ngôn” của ông Môsê, chúng ta nghe ông nói với dân chúng rằng Chúa đã nổi cơn thịnh nộ với ông “vì anh em” (Đnl 1, 37). Sự quở trách nằm nơi dân chúng! Sau một lời năn nỉ với Chúa để vượt qua sông Gio-đan “thời ấy” (khi bờ đông của sông Gio-đan là vùng an toàn, Đnl 3, 8-22), ông nhận được câu trả lời cộc lốc từ Chúa: ông không hề đặt lại vấn đề này nữa. Nhưng lý do vẫn là như cũ: “vì anh em” (3, 26). Phiên bản tương tự được tìm thấy lần nữa, trên môi miệng của ông Môsê khi ông nói với dân chúng, trong 4, 22. Có một dấu chỉ than vãn không nhầm lẫn trong lời ông: “Tôi sắp phải chết tại đất này: tôi sẽ không được sang sông Gio-đan, còn anh em thì sắp sang và sẽ chiếm hữu miền đất tốt tươi ấy”. Trong Đnl 32, 48-52, có lời nhắc lại chủ yếu của Ds 27, 12-14: Ông Môsê và ông Aharon (đã qua đời) không thể vào đất Canaan, bởi vì cả hai ông “đã không trung thành với Chúa” và “đã không biểu lộ sự thánh thiện của Chúa giữa con cái Ít-ra-en”.
             
Nếu chứng ta đi theo truyền thống trong Ngũ Thư, dường như rõ ràng rằng phiên bản tư tế đặt lời nguyền rủa (nhưng không nói rõ) lên ông Môsê, trong khi sách Đnl đặt lời nguyền rủa lên dân chúng (Đnl 32, 48-52 là rõ ràng được gán cho nguồn P). Với sự ngay thẳng không nao núng, các tác giả của Ngũ Thư đã đưa ra hai phiên bản khác nhau để giải thích lý do tại sao ông Môsê đã không bao giờ vượt qua sông Gio-đan – nhưng cả hai để lại các lý do được che giấu trong một sự tổng quát hóa bí mật.

Nguyễn Trọng Đa dịch
Theo “Responses to 101 questions on the Biblical Torah”, Manila, St Pauls, 1999, trang 67-68, 70-71)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét