Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

TRÒ CHƠI

TRÒ CHƠI

Trò chơi rất cần thiết trong việc phát triển con người về trí – thể - đức dục. Trò chơi giúp xây dựng bầu khí tươi vui, rèn luyện khéo léo và giáo dục chiều sâu nội tâm. Đối với Giáo lý, trò chơi giúp ghi nhớ nội dung giáo lý.

1. Định nghĩa

Trò chơi là một cuộc vận động sinh hoạt - Do một người Tổ chức - Cho một số người tham gia - Theo một qui ước có hướng dẫn - Trong một thời gian nhất định - Tại một nơi chốn. Mục đích là đem lại một ý nghĩa riêng cho mỗi người và chung cho mọi người có mặt.

2. Mục đích yêu cầu trong Giáo lý: Giáo dục chiều sâu.
Về nhân bản: Trò chơi giúp nhận thức kỷ luật tập thể, Tính trung thực trong thi đua. Ứng xử tốt đẹp xã hội; Ý chí cương quyết.
Về thiêng liêng: Trò chơi tôn giáo hình thành ý niệm Thiên Chúa và tha nhân, thêm yêu mến Kinh Thánh, đặc biệt là lời mời gọi của Phúc âm.

3. Điều khiển trò chơi

GLV làm người Quản trò (QT) là người hướng dẫn, điều khiển các trò chơi. Để đạt được thành công, nên cân nhắc chọn lựa trò chơi cho thích hợp với hoàn cảnh, nội dung bài dạy, lứa tuổi và số người tham dự. Quản Trò tốt luôn thực hiện 4 bước sau :

a. Chuẩn bị
Quản Trò cần nghiên cứu kỹ lưỡng :
  • Địa điểm tổ chức sinh hoạt.
  • Phân công cụ thể.
  • Chuẩn bị các dụng cụ chơi cho chu đáo.

b. Hướng dẫn

Khi người Quản trò hướng dẫn trò chơi cho mọi người, cần chú ý các điểm sau đây:
  • Tất cả phải im lặng chú ý nghe Quản Trò giới thiệu tên Trò chơi, phổ biến các qui ước trong luật chơi.
  • Quản trò giới thiệu rõ ràng và hấp dẫn, nên có câu chuyện, hoặc câu Lời Chúa để dẫn dụ vào trò chơi.
  • Ở từng điểm, nên cẩn thận hỏi lại xem mọi người đã hiểu, đã nắm vững luật chơi chưa.
  • Đề nghị chơi thử, xé nháp một hai lần cho chắc chắn, cũng là tạo bầu khí lôi cuốn mọi người vào cuộc chơi.

c. Diễn tiến
Đang khi tiến hành cuộc chơi, người Quản Trò phải chú ý các tính cách sau đây, liên quan đến tâm lý người chơi:
  • Quản Trò biết trực tiếp hoà mình một cách nhiệt tình trong trò chơi .
  • Luôn nhắc nhở, nêu cao tinh thần tự nguyện tự giác, trung thực.
  • QT khéo léo khuyến khích những ai nhút nhát, chưa quen sinh hoạt.

d. Kết thúc
Khi trò chơi chấm dứt, cần lưu ý đến các khía cạnh dưới đây:
  • Đừng bao giờ để các em chơi đến mức quá mệt, sinh ra dấu hiệu ngán ngẩm mà vẫn chưa chấm dứt trò chơi. Nên chuyển sang một trò chơi khác, nhẹ nhàng hơn.

  • Tuyên bố kết quả trò chơi sao cho công bằng, nhưng vẫn không quá chênh lệch giữa đội về nhất và đội về chót, khen người thắng và khuyến khích người chưa thắng.


  • Cuối cùng, nên vắn tắt nêu ý nghĩa của trò chơi vừa chơi xong, ý nghĩa nhân bản ở đời cũng như ý nghĩa hướng về chủ đề Giáo Lý.

  • Nếu trò chơi cần đến hình phạt, nên chuẩn bị sẵn một số trò chơi phạt dưới hình thức như một phần thưởng đặc biệt hay một màn biểu diễn.

Chú ý: Trò phạt không được hành hạ như một nhục hình, nhưng chỉ cốt gây thêm bầu khí vui; người bị phạt không thấy ngượng và mặc cảm; cũng không phạt riêng một người nào đó, nhưng có thêm vài người cùng chịu phạt cho vui và bớt cô đơn.

Tài liệu ĐTGLV/GTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét