Trang

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

KHẢ NĂNG NỘI TÂM HÓA

KHẢ NĂNG NỘI TÂM HÓA





Trẻ em ở tuổi đi học dễ bị hấp dẫn bởi thế giới bên ngoài. Để nội tâm hóa, trẻ cần ngưng nhìn ra bên ngoài, ngưng nghe tiếng động bên ngoài và ngưng hoạt động. Cần tạo bầu khí thuận lợi cho tĩnh tâm bằng cách bớt cường độ ánh sáng, yêu cầu trẻ nhắm mắt lại, thả lỏng tứ chi và không động đậy, nếm hưởng sự thinh lặng, thở chậm và sâu.

Thứ nhất, cần tạo những trò nho nhỏ giúp trẻ định tâm để có thể thư giãn mà quen hơn với đời sống nội tâm. Khi trẻ thích đánh đố, ta có thể đề nghị những cuộc thi nhỏ như: “Tôi tính xem em có thể nhắm mắt được bao lâu.” Trẻ vào cuộc và cố gắng làm tốt hơn. Càng nhỏ tuổi, ta càng phải cho chúng tập đi tập lại nhiều lần. Khi cảm thấy chúng sẵn sàng tiến xa hơn, thì đòi hỏi những việc khó hơn. Ví dụ: “Em nhắm mắt lại, ngồi ngay ngắn, giữ cho toàn thân được thoải mái và nghe tiếng thở ru.”

Thứ hai, từ từ dạy cho trẻ thấy, nghe và cảm nhận những gì ở bên trong. Trong những bài tập thật ngắn sử dụng những khả năng trên, ta mời gọi trẻ thấy viên kẹo chúng ưa thích. Giáo lý viên tiếp nhận những gì trẻ góp ý như loại kẹo, mầu sắc, hình dáng, độ lớn. Một số trẻ càng thấy nhiều, càng thưởng thức nhiều. Một số khác không thấy gì cả, thì yêu cầu chúng xem viên kẹo có gây tiếng động hoặc nói hoặc phát ra tiếng không. Cũng có thể đưa ra những trò chơi lắng nghe như đến gần người mà trẻ yêu mến nhất trên đời, rồi lắng tai nghe họ nói một lời dịu dàng. Trẻ thích kể lại kinh nghiệm của chúng: “Em đã nghe mẹ em nói và mẹ nói với em: mẹ thương con!” Một vài trẻ không nghe và không thấy gì cả, nhưng cảm nhận được hết. Khi ấy, bảo chúng tưởng tượng con thú mà chúng yêu thích rồi yêu cầu chúng chạm đến nó và tiếp nhận điều chúng cảm thấy cũng như cảm thấy thế nào. Chúng sẽ trả lời ngay: “Em đã chạm đến lông con mèo của em, em cảm thấy và cảm thấy rõ nó mềm mại.” Tất cả trẻ em đều thích những trò này, bất kể chúng mấy tuổi.

Thứ ba, ta giải thích cho trẻ hiểu chúng có thể xuống tận đáy lòng và nghe trọn một câu chuyện. Ta báo cho trẻ biết chúng luôn có tự do để tham dự hay không và chúng không bó buộc phải làm điều mà người ta nói trong câu chuyện ấy. Nếu ta đề nghị chúng thấy một điều gì đó, nhưng chúng lại nghĩ đến một kỷ niệm, thì chẳng hệ chi. Để trách cho một số trẻ cười như điên dại trong lúc nội tâm hóa, ta yêu cầu chúng không ngồi đối diện. Khi trẻ thấy khó khăn trong việc nội tâm hóa, giáo lý viên có thể nhẹ nhàng đặt tay trên vai và thường thì chúng ngồi yên mà không quấy rầy những em khác. Để mời gọi các em vị thành niên giãn xả, ta chỉ có thể yêu cầu chúng tìm cho mình một tư thế dễ chịu. Bảo đảm rằng đôi chân của trẻ đặt trên mặt đất để dễ dàng bước vào nội tâm hơn.

Sau khi nội tâm hóa, trẻ được mời viết hay vẽ lại điều chúng đã thấy, nghe, cảm thấy hay chạm đến. Các trẻ vị thành niên thích viết rồi khắc một biểu tượng đã gặp trong kinh nghiệm. Các trẻ nhỏ thì vẽ và kể lại. Những trẻ cảm nhận nghe hơn là thấy thường không biết vẽ ra sao. Khi ấy ta đề nghị chúng bày tỏ những tâm tình có được và những lời nghe được dưới hình thức một hình ảnh (image) rồi vẽ lại.

Người dịch: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Nguyên bản: À propos de la compétence à s’intérioriser trong ‘‘Une Catéchèse Biblique par le Jeu et les Symboles: 5 – 7 ans”, của Ghislaine Rigolt Beaudoin & Jacques Tremblay, Montreal, Mediaspaul, 2002, 204-205.

Tác giả: LM. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Nguồn: giaolyductin.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét