Trang

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

PHƯƠNG PHÁP NĂNG ĐỘNG NHÓM

PHƯƠNG PHÁP NĂNG ĐỘNG NHÓM

HỌP NHÓM và HỘI THẢO




Phương pháp năng động nhóm là những phương thế, kỹ thuật, nhằm gia tăng hiệu năng làm việc của mỗi thành viên trong nhóm. Phương pháp này đặt nền tảng trên lòng kính trọng con người và sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên của nhóm.
Mục đích: tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tích cực tham gia học hỏi, tìm hiểu. Qua năng động nhóm, mối quan hệ giữa người và người được thiết lập, sẽ giúp nhau trau dồi kiến thức và còn làm cho mỗi thành viên được chuyển biến sâu xa nơi tâm hồn. Phương pháp này thích hợp cho Lớp Giáo lý Thanh niên, người lớn.
Lợi ích của năng động nhóm:
  • Tạo cơ hội để “Tập nghệ thuật lắng nghe”. Nghe gì, nghe ai, nghe thế nào, nghe để làm gì ? Nghe để hiểu người, nghe với hết con tim và con người mình. Châm ngôn : “Lòng ta nghe ý bạn”
  • Tạo cơ hội để “Tập phát biểu”, từ suy nghĩ đến phát biểu thành lời là quá trình không luôn dễ dàng đâu ! Nhờ năng động nhóm, ta nỗ lực phát huy sức mạnh, tự khẳng định mình, tìm cơ hội để phát biểu.
  • Tạo cơ hội để “Thực sự gặp nhau” : Khi lột bỏ mặt nạ, cởi mở giao tiếp trực tiếp với các thành viên khác, ta tự “biết mình”, “biết người” chung quanh ta, để nhờ đó có một chuyển biến sâu xa hơn.
--------------------------------------

HỌP NHÓM


Họp nhóm là phương pháp áp dụng dạy Giáo lý cho tuổi Thanh thiếu niên khi có những đề tài cụ thể, gần gũi với các em.

CÁCH THỨC
GLV giới thiệu đề tài Giáo lý, nêu lên vấn đề dưới hình thức đặt câu hỏi thảo luận. Kế đến, chia lớp ra thành những nhóm nhỏ 7-8 em, cùng nhau suy nghĩ, trao đổi, ghi lại trên giấy. Sau đó, các nhóm họp chung, báo cáo kết quả nhóm mình. Đến phần thảo luận chung, GLV tổng hợp, làm nổi bật những ý kiến hay, bổ túc và đưa ra giải pháp chung cuộc về vấn đề đã thảo luận.


KẾT QUẢ: cuộc Họp nhóm tuỳ thuộc 2 yếu tố :
  • Sự đóng góp tích cực và thành thực của mỗi thành viên trong nhóm.
  • Sự hướng dẫn khéo léo và đúc kết chính xác của GLV.


DIỄN TIẾN

Bước 1: Giới thiệu đề tài và đặt câu hỏi
  • GLV khởi điểm bài Giáo lý bằng một đoạn Kinh Thánh, hoặc một sự kiện, một trường hợp. Từ đó, nêu lên một thắc mắc, một vấn đề để suy nghĩ, thảo luận, tìm ra giải đáp. Mục đích của phần nầy là gây ấn tượng.
  • Muốn gây ấn tượng, gây phản ứng, cần đặt câu hỏi dưới nhiều hình thức mới lạ, sắc bén, đôi khi bi thảm... Có thể đặt vấn đề bằng lời, chữ viết, tranh vẽ, trang báo... nhưng tất cả phải có khả năng gợi ý hướng về nội dung tôn giáo và đưa đến một giải đáp.

Bước 2: Họp nhóm nhỏ
  • Chia từng nhóm nhỏ để mọi người có thể : hiểu vấn đề, phát biểu ý kiến, quan điểm của mình về vấn đề đặt ra. Việc trao đổi nhóm còn nhằm tiếp thu các ý kiến và chuẩn bị cho phần thảo luận chung.
  • Điều quan trọng trong việc trao đổi nhóm, là mọi người đểu cởi mở phát biểu ý kiến, chú trọng và lắng nghe người khác, cho dù có vài điều mình không đồng ý. Đây chưa phải là lúc đối chiếu quan điểm.
  • Mỗi nhóm, chọn ra một trưởng nhóm, giữ vai trò Linh hoạt và điều hành. Trưởng nhóm biết gợi câu hỏi, mời phát biểu, biết tóm ý kiến chính xác và ngắn gọn. Cần có 1 thư ký để ghi lại những ý kiến đã phát biểu và tổng hợp để tường trình trong phần Họp chung.

Bước 3: Họp chung
- Tường trình : Thư ký mỗi nhóm sẽ tường trình cho cả lớp biết kết quả trao đổi của nhóm mình.


Việc tường trình theo 2 qui luật:
a) Tường trình theo thứ tự: - Tình hình chung của cuộc trao đổi. - Những điểm đã đề cập tới. - Các ý kiến phân làm mấy loại, tóm từng loại. - Những điều nổi bật đáng chú ý trong cuộc trao đổi.
b) Người tường trình sau: Không cần nhắc lại những điều nhóm trước đã trình bày. Nên theo thứ tự: - Nhóm tôi đồng ý với các nhóm trước về điểm này... - Xin bổ túc thêm về điểm này... - Có quan niệm khác, hoặc ngược lại về điểm này .. .
- Thảo luận chung : GLV nên ghi lại trên bảng theo từng loại : những ý kiến thuận rộng rãi, những ý mơ hồ cần suy nghĩ thêm, những ý kiến còn khác biệt. Rồi mời tất cả thảo luận.


GLV cần làm 4 việc :
- Đào sâu nỗ lực suy nghĩ, tìm hiểu của học viên.
- Xác định và chấp nhận những ý kiến đúng .
- Lưu ý về những điều chưa ai để ý tới.
- Đúc kết tất cả thành công thức ngắn gọn.


Bước 4: Đúc kết
Khi thảo luận xong, GLV tổng hợp các ý kiến cách mạch lạc, đánh giá những ý kiến, làm nổi bật những ý kiến góp phần giải đáp, rồi cuối cùng : tóm lược giải đáp, rút ra bài học bằng một câu ngắn gọn.


VÀI QUI LUẬT
Cuộc thảo luận lúc họp dễ gây rối loạn, lạc đề, đôi khi vượt ngoài khả năng hiểu biết và tự chủ, GLV cần áp dụng vài kỷ luật cho mọi người :
1) Trước khi phát biểu, phải suy nghĩ kỹ về quan điểm của mình và tìm cách phát biểu ngắn nhất, rõ ràng nhất.
2) Không được cắt ngang lời người đang nói, cần chờ đợi họ nói xong.
3) Trước khi nhận định về ý kiến của ai, ta cần yêu cầu người đó giải thích rõ ràng ý kiến của họ.
4) Khi các ý kiến đưa ra mơ hồ, GLV cần yêu cầu người phát biểu giải thích và trưng dẫn bằng chứng, sự kiện hoặc ví dụ cụ thể.

Phương pháp họp nhóm rất khó, đòi hỏi sự trưởng thành suy luận và kỷ luật tự phát nơi học viên. Cần phải dày công huấn luyện mới đạt.
--------------------------------------------

HỘI THẢO


1. HÌNH THỨC: có nhiều hình thức hội thảo, ở đây chỉ nói đến hình thức đơn giản và thông dụng gọi là “Panel”. Hội thảo là hình thức trao đổi của một nhóm hội thảo viên trước một cử toạ về những cảm nghĩ, quan điểm, kinh nghiệm bản thân về một vấn đề nào đó. Quan điểm của mình được đối chiếu với quan điểm của những người khác.

2. ĐIỀU KIỆN cần có để thành cuộc hội thảo :
  • Có nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề, nhưng phải có lý và có thể chấp nhận được.
  • Các hội thảo viên là những người có chủ trương và đã hành động theo quan điểm đó.
  • Cử toạ có thể phát biểu cảm nghĩ của mình, và dựa vào các quan điểm trình bày, có thể duyệt lại quan điểm riêng.

3. ÁP DỤNG vào Giáo lý
Trong giáo lý, Hội thảo là cơ hội đối chiếu các quan điểm sống đạo khác nhau, và còn là phương thế loan truyền Tin Mừng đích thực.
  • Tuy cùng chấp nhận một đức tin giống nhau, nhưng khi áp dụng Lời Chúa và sống đức tin trong hoàn cảnh khác nhau, nên mọi người có sự lựa chọn và thái độ khác nhau, vì thế cần đối chiếu quan điểm.
  • Nhờ đối chiếu các quan điểm khác nhau, mỗi người có thể duyệt lại các quan điểm của mình, xem có hợp lý và đứng vững không, sẽ đưa đến sáng suốt và xác tín hơn về sự lựa chọn của mình.
  • Hội thảo còn là dịp thuận lợi để mỗi người rèn luyện thái độ lắng nghe, hiểu nhau, chấp nhận sự khác biệt và tôn trọng lẫn nhau. Giúp cho hiểu và sống Tin Mừng cách sâu sắc...


4. DIỄN TIẾN

1) Khởi đầu
Cần chuẩn bị trước vài tuần cho các hội thảo viên được tuyển lựa : Giúp hiểu cách thức và diễn tiến hội thảo, giải thích đại cương đề tài hội thảo. Mỗi người có thể hỏi ý kiến cha mẹ, thầy, bạn, sách ... Cần chú trọng 3 điểm : - Hiểu rõ đề tài và vấn đề đưa ra.
- Xác định quan điểm riêng của mình về vấn đề này.
- Tìm lý lẽ bênh vực, tìm ví dụ cụ thể để biện hộ chọn lựa.

2) Sắp xếp phòng hội thảo
  • Số hội thảo viên có thể từ 4 đến 10, lý tưởng là từ 6 đến 8, nhằm đủ đối thoại và muốn có nhiều ý kiến khác nhau.
  • Bố trí vị trí : Hội thảo viên xếp ghế ngồi 2 bên hơi xéo, để có thể nhìn thấy nhau, GLV làm hướng dẫn viên ngồi ở giữa, đối diện với cử toạ.

3) Vai trò của GLV làm Hướng dẫn viên, điều phối chương trình
  • GLV tạo cơ hội cho mọi người phát biểu, yêu cầu giải thích thêm hoặc đưa ra bằng chứng. GLV hướng cuộc thảo luận về những điểm mới.

4) Chia giờ trong cuộc hội thảo.
- Hướng dẫn viên trình bày vấn đề: 5’
- Thảo luận giữa các Hội thảo viên: 30’
- Cử toạ đặt câu hỏi với Hội thảo viên: 20’
- Hướng dẫn viên kết luận: 5’
Phần kết thúc, GLV chú trọng 2 điểm :
  • Nhận định về mỗi lập trường đã được trình bày : giá trị và giới hạn.
  • Làm nổi bật lý do biện minh và chân lý đức tin làm nền tảng lập trường.


Tài liệu SPGL/GTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét