Trang

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

ĐỨC TIN CÓ Ý NGHĨA GÌ TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY HAY LỜI TUYÊN XƯNG “TÔI TIN” CÓ Ý NGHĨA GÌ HÔM NAY?


ĐỨC TIN CÓ Ý NGHĨA GÌ TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY HAY LỜI TUYÊN XƯNG “TÔI TIN” CÓ Ý NGHĨA GÌ HÔM NAY?



LTS. Dưới đây là bài nói chuyện của Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền
với Giáo lý viên Gp. Kontum nhân dịp thường huấn 2012. 

Tôi chọn chương đầu tiên trong phần dẫn nhập cuốn Đức tin Kitô giáo Hôm qua và Hôm nay của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, nay là Đức Thánh Cha Bênêđictô thứ XVI. Sách được xuất bản đầu tiên vào năm 1968 và ngay năm sau 1969 đã tái bản đến lần thứ mười. Năm 2000, sách lại được tái bản và năm 2009 được hai cha Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam dịch sang tiếng Việt. Trong lời giới thiệu bản dịch tiếng Việt này, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhận định: “Sách đã được viết cách đây hơn bốn mươi năm, nhưng nội dung còn rất mới mẻ và sinh động… Tác phẩm có hơi khó đối với những ai chưa quen tập tư duy và chưa quen đọc sách thần học, nhưng ích lợi cho những ai đang học triết học và thần học, cho linh mục, tu sĩ, giáo dân trí thức muốn có một chiều sâu tri thức về đức tin. Sách khó đọc, không phải vì dịch giả làm cho khó, cũng không phải vì dịch chưa thoát, nhưng vì nội dung đòi hỏi phải suy tư và động não. Nhưng sách sẽ nâng trình độ người đọc lên một bậc, sau khi người ấy cố gắng đọc và suy nghĩ.”

Tôi chọn chương này trước là vì nó hay, sau là vì nó, theo ý nghĩ chủ quan của tôi, có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào tâm thức của con người ngày nay, cách riêng người Việt đang sống dưới chế độ cộng sản vô thần; điều cần thiết cho việc giảng dạy nói chung và cho việc dạy giáo lý nói riêng. 

Khi chọn giới thiệu chương này, tôi có hơi do dự vì đọc đã khó thì trình bày càng khó hơn. Nhưng tôi lại nghĩ nếu chúng ta muốn học cái hay, mà không chịu khó thì làm sao hay được. Vì thế, tôi phải chịu khó để trình bày thế nào cho thật dễ hiểu, còn quý anh chị cũng phải chịu khó suy nghĩ và làm quen với triết học, để giáo lý không bị coi là “thần học vỡ lòng” vì chẳng hiểu chi triết học cả. Triết học là lãnh vực chuyên môn của cha phụ trách giáo lý ở đây nên tôi e mình sẽ múa rìu qua mắt thợ, nhưng không sao, chỗ nào sai sót thì xin cha “cứu bồ” vậy.  

Khi trình bày, tôi sẽ cố gắng trung thành với nội dung tư tưởng và hình thức trình bày của tác giả. Tuy nhiên, đôi chỗ vì lợi ích của cử tọa, tôi cũng phải thay đổi một chút. Tôi sẽ lần lượt trình bày qua các điểm sau: tin là một chọn lựa khó khăn trong thế giới hôm nay, tin là tín thác và hiểu, và tin là điều hữu lý.

TIN LÀ MỘT CHỌN LỰA KHÓ KHĂN

1.  Do thế lưỡng nan của phận người: vật vã giữa hoài nghi và tin tưởng

Theo tác giả, tin là một chọn lựa khó khăn trong thế giới ngày nay trước hết là do tính lưỡng nan của phận người luôn bị giằng co hay vật vã giữa hoài nghi và tin tưởng, tin hay không tin. Có khi ta đang vững tin, bỗng thấy những gì mình tin tưởng lung lay như muốn sụp đổ. Kẻ không tin cũng không thể dứt ra khỏi mối nghi ngờ biết đâu tin mới là sự thật. Thêm vào đó, chính khi gạt bỏ đức tin, ta mới thấy đức tin là điều không thể gạt bỏ được.

Kế đến, khó khăn còn phát xuất từ những điểm căn bản của đức tin. Tin có nghĩa là nhìn nhận rằng những gì mình nghe, thấy và chạm tới chưa phải là tất cả, còn cả một thế giới nằm ngoài bình diện của các quan năng, một thế giới vô hình qua đó con người có thể gặp gỡ Đấng Vô Hình. Vì thế, tin bao giờ cũng đòi hỏi thực hiện một “bước nhảy” vượt qua hố ngăn cách giữa hữu hình và vô hình, bởi khuynh hướng tự nhiên lôi kéo con người hướng đến điều mình có thể thấy và nắm bắt được. Hơn nữa, tin thường mang chiếc áo của “ngày xưa” và coi đó là chuẩn mực có giá trị mãi mãi, trong khi con người ngày nay thích có sự thay đổi và chuộng cái tiến bộ. Để tin, con người còn phải vượt qua hố ngăn cách giữa “ngày xưa và ngày nay”. Khuynh hướng tự nhiên hướng về điều mắt thấy tai nghe hay xa rời truyền thống này được cổ võ mạnh mẽ bởi quan niệm hiện đại về niềm tin; do đó, chọn lựa tin xem ra khó khăn hơn.

2.  Do quan điểm hiệnđại: duy lý, duy lịch sử và duy kỹ thuật

Thời xưa, con người nhìn vào và nhìn qua thực tại đến tận hữu thể và bản chất để tìm ra cái lý, cái lẽ, cái ý nghĩa của nó. Thời ấy, triết học xét như môn học tìm kiếm sự khôn ngoan mới là khoa học đúng nghĩa. Trong thời kỳ này, triết học và tôn giáo hoặc lý trí và đức tin gắn bó với nhau như đôi bạn thân thiết.

Tình bạn này bị khủng hoảng khi triết học hay lý trí muốn thống lĩnh con người hiện đại và họ chỉ còn tin những gì thấy được, biết được chứng minh được. Con người thời kỳ này không quan tâm đến ý nghĩa của thực tại, họ chỉ cần biết thực tại là gì, để tính toán xem phải làm gì với nó. Con người chuộng “suy tính” hơn là “suy tư”.

2.1. Thuyết duy lý

Sự thay đổi trong cách nhận thức được thể hiện rõ nét trong quan điểm của René Descarte (1596 – 1650), triết gia, nhà khoa học và toán học người Pháp. Theo Descarte, trên đường tìm kiếm sự thật, ta không cần quan tâm đến những gì mình không thể hiểu thấu đáo một cách chắc chắn như chứng minh của toán học. Quan điểm của ông được bày tỏ trong một câu nổi tiếng “tôi suy tư, vì thế tôi hiện hữu” nghĩa là suy tư của ông chứng minh ông hiện hữu. Trong thời kỳ này, toán học – khoa lý luận thuần túy – lên ngôi.

2.2. Thuyết duy lịch sử

Descarte đề cao “suy lý” nên tạm gác “sự kiện hay hiện tượng” sang một bên, còn triết gia người Ý Giambattista Vico (1688-1744) lại coi “sự kiện hay hiện tượng” mới là cách duy nhất con người có thể biết chắc. Vico cho rằng con người chỉ thực sự biết một vật khi người ấy biết được nguyên nhân của nó, kết cuộc con người chỉ biết chắc cái do mình tạo ra hay làm ra. “Sự kiện” lên ngôi thống trị, điều đó có nghĩa là từ nay con người chỉ suy nghĩ về công trình của mình. Trong thời kỳ này, môn lịch sử - khoa giải thích các sự kiện lịch sử - trước kia bị coi thường, bởi không mang tính khoa học, thì nay cùng với toán học được tôn lên hàng khoa học đúng nghĩa và chiếm hàng đầu trong các môn học.

2.3.  Thuyết duy kỹ thuật

Descarte chỉ dừng lại trong lãnh vực suy tư thuần túy. Karl Marx (1818 – 1883), triết gia người Đức, là người chuyển suy tư của Descarte sang lãnh vực hành động. Karl Marx nói: “Các triết gia chỉ chiêm ngưỡng thế giới, còn chúng ta sẽ cải tạo thế giới”. Điều này thay đổi tận căn nhiệm vụ của triết học, khoa tìm kiếm chân lý hay sự thật. Chân lý và sự thật mà con người hiện đại tìm kiếm không nằm ở chỗ con người là gì cũng như những gì con người đã làm trong quá khứ, nhưng ở chỗ biến đổi và cải tạo thế giới, một sự thật có liên quan đến tương lai và hành động. Như một hệ luận tất yếu, chúng ta chỉ biết được một cách chắc chắn những gì mình tạo ra hay làm ra mà thôi. Trong thời kỳ này, kỹ thuật hay lao động, lãnh vực mà trước đây không được coi là khoa học, nay thống lĩnh khoa học và trở thành đỉnh cao của khoa học.

3. Giới hạn của quan điểm hiện đại

Quan điểmcó giới hạn của nó khi giản lược sự thật vào sự kiện (factum) hay hành động (faciendum). Khi nó giản lược sự thật vào sự kiện, thì con người cũng bị liệt vào hàng sự kiện. Khi nó giản lược sự thật vào hành động, thì con người cũng bị liệt vào cái có thể làm ra hay sản phẩm. Thành thử quan điểm hiện đại tưởng đề cao con người, hóa ra hạ bệ con người.

4. Chỗ đứng của đức tin

Khi lịch sử lên ngôi, giản lược sự thật vào sự kiện, thì thần học trình bày đức tin dưới hình thức lịch sử. Khi kỹ thuật lên ngôi, giản lược sự thật vào khả năng tác tạo, thì thần học giải phóng được dùng để diễn tả đức tin. Những nỗ lực như thế, theo tác giả, chỉ làm sáng tỏ một vài khía cạnh nào đó của đức tin bị lãng quên. Tuy nhiên, không thể giản lược hoàn toàn đức tin vào bình diện sự kiện lịch sử hay bình diện hành động, vì đức tin Kitô giáo trước hết và trên hết không thuộc lãnh vực biết hay làm nhưng là tín thác và hiểu.

TIN LÀ TÍN THÁC VÀ HIỂU

Đức tin hoàn toàn không phải là cái có thể làm ra, cũng không phải là điều do con người tạo ra. Tin là đón nhận một điều lớn lao hơn những thứ con người có thể nghĩ ra, làm nền tảng nâng đỡ và mở ra cho khả năng tri thức và hành động của con người. Đối với Kitô hữu, tin là đón nhận Thiên Chúa, đón nhận những điều Chúa nói và đã làm cho ta, làm nền tảng xác lập cuộc đời của mình. Tin vào Chúa là tựa nương vào Ngài như nền tảng cuộc sống, nhờ đó mà con người có được ý nghĩa cuộc sống và đứng vững trong cuộc sống. Đức tin đem lại cho con người ý nghĩa cuộc sống và ý nghĩa đó không những đi trước mọi tính toán và hành động của con người mà còn là điều kiện thiết yếu để con người có thể tính toán và hành động.
  
Theo tác giả, “con người không sống nguyên bằng cơm bánh và bằng những gì con người làm ra, mà còn sống như một con người, và để làm người cách chân thực nhất, đúng nghĩa nhất mà họ cần đến Lời, cần đến Tình Yêu và Ý Nghĩa. Nếu không có Lời, không có ý nghĩa, không có Tình Yêu thì dù cuộc sống có thừa mứa tiện nghi đi nữa, con người vẫn rơi vào tình trạng vô vọng, không thể sống nổi … Tin theo Kitô giáo là tín thác vào ý nghĩa có sức nâng đỡ chúng ta và cả thế giới này. Tin là đón nhận ý nghĩa đó như nền tảng vững vàng mà tôi an tâm tựa nương … Tin đối với Kitô hữu là biến cuộc đời mình thành tiếng xin vâng, là đáp lại Lời, đáp lại Logos là nền tảng đỡ nâng và gìn giữ mọi sự. Tin là đón nhận và tín thác trọn vẹn bởi hiểu rằng, ý nghĩa là quà tặng chứ không phải là sản phẩm của mình » (73-74).

TIN LÀ ĐIỀU HỮU LÝ

Khi nói tin là tín thác, chúng ta không cổ võ cho việc tin cách mù quáng vào một điều phi lý, vì làm sao chúng ta có thể tín thác được khi không hiểu và đón nhận ý nghĩa cũng là sự thật mà mình lấy làm nền tảng cho cuộc sống. Tin gắn với tín thác nên tin cũng gắn với hiểu, vì đơn giản tín thác và hiểu không thể rời nhau.

Nét đặc trưng của đức tin Kitô giáo là chúng ta không ‘tin điều gì’ mà ‘tin vào Chúa’. Tin vào Chúa ở đây đồng nghĩa với gặp gỡ Chúa Giêsu và đón nhận Ngài như là ý nghĩa của thế giới và của cuộc đời mình. Ngài đã đến với ta và ban cho ta một tình yêu vĩnh cửu vốn khao khát mỗi ngày một hơn Đấng mà mình thuận tình « xin vâng » để có thể yêu mến Ngài hơn.

Thay cho lời kết, tôi xin mượn một vài ý tưởng của chính tác giả trong lời tựa cho ấn bản mới năm 2000 : « Khoa học biến con người thành như một đối tượng kỹ thuật, và con người ngày càng mất đi phẩm giá của một hữu thể nhân linh … Phải cư xử với con người đó như thế nào, bởi lẽ nó chỉ còn là sản phẩm mà con người có khả năng làm ra chứ còn gì là linh thiêng huyền nhiệm! Một khi Thiên Chúa bị gạt ra khỏi tâm hồn của con người thì những điều như thế không chỉ xảy ra trên ‘tầng cao khoa học’ mà còn xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống. Ngày nay có những vùng tự do ‘buôn người’, tiêu thụ người một cách bỉ ổi trước sự bất lực của xã hội … Ngày nay chúng ta đang trải qua cơn khủng hoảng liên quan đến nền tảng tối hậu của đạo đức, mà đã từ lâu không còn là vấn nạn mang tính chất lý thuyết, hàn lâm, nhưng thực sự thuộc lãnh vực hoạt động … Thế nhưng sách về đề tài đạo đức lại tràn ngập, điều đó một đàng cho thấy vấn đề trở nên bức thiết như thế nào, và đàng khác, người ta bối rối, mất định hướng như thế nào. Trong nỗ lực suy tư của mình, Kolakowski đã hết sức nhấn mạnh đến việc, khi con người đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa thì dù có xoay xở cách nào đi nữa, cuối cùng đạo đức cũng mất đi nền tảng » (22-23.25).

Tác giả nhận rằng nếu phải viết lại sách này, chắc chắn phải thêm vào những kinh nghiệm và những vấn nạn của ba thập niên cuối. Tuy nhiên, ngài cũng khẳng định chủ đích của sách vẫn giữ nguyên như ta đọc thấy trong lời tựa của ấn bản đầu tiên  là « giúp cho người theo Chúa trong thời đại ngày nay hiểu một cách mới rằng, đức tin là một cách thế giúp con người trở thành người đích thực » (12).

(Soạn theo « Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay », dẫn nhập, ch.1 «  Đức tin trong thế giới hôm nay », của Joseph Ratzinger, bản tiếng Việt của Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, Hà Nội 2009, 38-81).     
 
Tác giả: Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Nguồn: giaolyductin.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét