Trang

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Kitô hữu là những người noi gương Chúa Giêsu đi ngược dòng đời

Kitô hu là nhng người noi gương Chúa Giêsu đi ngược dòng đi

Kitô hữu là những người theo Chúa Giêsu đi ngược dòng đời bị ghi dấu bởi tội lỗi biểu lộ dưới nhiều hình thức của ích kỷ và bất công. Họ trung thành với Chúa và làm chứng cho Ngài cho tới chỗ anh hùng, từ bỏ và hy sinh chính mình cho tới chết vì Tin Mừng. Nhưng tử đạo không phải là lý tưởng cao nhất của cuộc sống kitô. Bởi vì trên nó còn có lòng bác ái, là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân. Sức mạnh đó là dấu chỉ niềm hy vọng lớn lao linh hoạt các vị tử đạo, một niềm hy vọng chắc chắn rằng không có gì và không ai có thể chia lìa họ khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

ĐTC đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 28.06.2017. Trong bài huấn dụ ĐTC khai triển đề tài “Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo”, bằng cách giải thích ý nghĩa vài câu trong chương 10 Phúc Âm thánh Mátthêu viết rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ…  "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 19,16-17.21-22). ĐTC nói: Trong Phúc Âm khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài không lừa dối các ông với các ảo ảnh của thành công dễ dãi, trái lại, Ngài báo trước một cách rõ ràng rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa luôn luôn bao gồm một sự chống đối. Và Chúa cũng dùng một kiểu nói lạ lùng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Mt 10,22). Các kitô hữu yêu thương, nhưng họ không luôn luôn được yêu thương. Chúa Giêsu đã lập tức đặt để chúng ta trước thực tại này: trong một mức độ nào đó ít nhiều mạnh mẽ việc tuyên xưng đức tin xảy ra trong một bầu khí thù nghịch. ĐTC định nghĩa các kitô hữu như sau:

** Như thế các kitô hữu là những người nam nữ đi “ngược dòng đời”: Đó là điều bình thường, bởi vì thế giới bị ghi dấu bởi tội lỗi, được biểu lộ ra trong nhiều hình thức khác nhau của ích kỷ và bất công, ai theo Chúa Kitô thì bước đi trên hướng ngược lại. Không phải vì tinh thần tranh luận nhưng vì trung thành với cái luận lý của Nước Thiên Chúa, là một luận lý của niềm hy vọng và được diễn tả ra trong kiểu sống dựa trên các chỉ dẫn của Chúa Giêsu.

Chỉ dẫn thứ nhất là sự nghèo khó. Khi Chúa Giêsu gửi các môn đệ đi truyền giáo, xem ra Ngài chú ý đến sự “lột bỏ các vị” nhiều hơn là “mặc cho các vị”. Thật thế, một kitô hữu không khiêm tốn và nghèo khó, tách rời khỏi các giầu sang và quyền bính và nhất là tách rời khỏi chính mình, thì không giống Chúa Giêsu. Kitô hữu đi trên con đường của mình trong thế giới với cái nòng cốt cho lộ trình, nhưng với con tim tràn đầy tình yêu thương. Sự thất bại đích thật của họ là rơi vào trong cám dỗ của báo thù và bạo lực, bằng cách lấy sự dữ đáp trả lại sự dữ. Chúa Giêsu nói: “Thầy sai anh em như chiên vào giữa sói” (Mt 10,10). Như vậy, không mõm, không móng vuốt, không vũ khí. Kitô hữu trái lại phải thận trọng, đôi khi cũng phải mưu mẹo: đây là các nhân đức được luận lý tin mừng chấp nhận. Nhưng  không bao giờ bạo lực. Để đánh bại sự dữ không thể chia sẻ các phương pháp của sự dữ.
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Sức mạnh duy nhất của kitô hữu là Tin Mừng. Trong các thời điểm khó khăn phải tin rằng Chúa Giêsu ở trước mặt chúng ta, và không ngừng đồng hành với các môn đệ Ngài. Bách hại không phải là một mâu thuẫn đối với Tin Mừng, nhưng là phần của nó: nếu họ đã bách hại Thầy của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng chúng ta được miễn phải chiến đấu? Tuy nhiên, giữa cơn lốc xoáy, kitô hữu không được mất đi niềm hy vọng, nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ rằng: “Cả đến tóc trên đầu các con cũng đã được đếm rồi” (Mt 10,30). Như thể nói rằng không có khổ đau nào của con người, kể cả các khổ đau nhỏ nhặt và kín ẩn nhất, là vô hình đối với con mắt của Thiên Chúa. Thiên Chúa trông thấy, chắc chắn che chở và giải thoát. Thật ra giữa chúng ta có Ai đó mạnh mẽ hơn sự dữ, mạnh mẽ hơn các tổ chức tội phạm, các mưu mô đen tối, mạnh mẽ hơn kẻ kiếm lời trên da thịt của những người tuyệt vọng, của ai nghiền nát kẻ khác với sự đàn áp… Có Ai đó luôn lắng nghe tiếng máu của Abel kêu lên từ đất.

** Như vậy các kitô hữu phải luôn luôn ở phiá bên kia của thế giới, phía được Thiên Chúa lựa chọn: chứ không phải là các người bách hại, không ngạo mạn nhưng khiêm tốn; không phải là những kẻ bán khói, nhưng là những người phục tùng sự thật, không phải là những người lừa đảo nhưng liêm chính. ĐTC định nghĩa kiểu sống này của Kitô hữu như sau:

Sự trung thành với kiểu sống của Chúa Giêsu – là kiểu sống của niềm hy vọng – cho tới chết, sẽ được các kitô hữu tiên khởi gọi với một tên rất đẹp “martirio” có nghĩa là “chứng tá”. Có biết bao nhiêu khả thể khác do từ này cống hiến: ta có thể gọi nó là sự anh hùng, sự từ bỏ, hy sinh chính mình. Trái lại, các kitô hữu tiên khởi đã gọi nó với một tên có hương vị của việc làm môn đệ. Các vị tử đạo không sống cho chính mình, không chiến đấu để khẳng định các tư tưởng riêng, và chấp nhận phải chết chỉ vì trung thành với Tin Mừng. Tử đạo cũng không phải lý tưởng tối cao của cuộc sống kitô, bởi vì trên nó còn có tình bác ái, được hiểu như là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Phaolô đã nói rất rõ trong bài thánh thi bác ái,: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,3). Các kitô hữu ghê tởm tư tưởng các người tự tử mưu sát được gọi là “tử đạo”: không có gì trong mục đích của nó có thể được để gần với thái độ của các con cái của Thiên Chúa.

Đôi khi đọc lịch sử của biết bao vị tử đạo hôm qua và ngày nay - nhiều hơn các thời kỳ ban đầu - chúng ra kinh ngạc trước sức mạnh của các vị khi đương đầu với thử thách. Sức mạnh đó là dấu chỉ của niềm hy vọng lớn lao linh hoạt các vị: niềm hy vọng rằng không có gì và không có ai có thể tách rời các vị khỏi tình yêu của Thiên Chúa  đã được ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 8,38-39)
Xin Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta sức mạnh là các chứng nhân của Ngài. Xin Chúa ban cho chúng ta sống niềm hy vọng kitô, nhất là trong sự tử đạo kín ẩn chu toàn tốt và với tình yêu thương các bổn phận thường ngày của chúng ta.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào ban nhạc La Rosablanche, và mời gọi các tín hữu Pháp và Thụy Sĩ đọc cuộc đời các vị tử đạo để khám phá ra các vị đã đương đầu với các thử thách với sức mạnh nào.

Chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Êcốt, vùng Galles, Thuỵ Điển, Australia, Hồng Kông, Indonesia, Philippines và Hoa Kỳ, nhất là các thành viên tham dự đại hội về lý do nền tảng của chức Linh mục, ngài cầu chúc họ được nhiều niềm vui và sự bình an của Chúa.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ngài đặc biệt chào người trẻ vùng Oldenburger Muensterland và cầu mong mọi người biết sống chứng tá cho Chúa Giêsu trong cuộc sống thường ngày.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC nhắc hôm nay là lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô Phaolo là các vị đã hiến dâng mạng sống vì tình yêu Chúa Kitô, xin các thánh cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng ta tất cả sức mạnh để làm chứng cho niềm hy vọng kitô bằng cách chu toàn bổn phận hằng ngày. Với các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC cám ơn các lời cầu nguyện của họ cho sứ vụ Phêrô của ngài.

Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào các tín hữu về Roma hành hương tháp tùng các TGM sẽ nhận dây Pallium ngày mai. Ngài khích lệ mọi người xin hai thánh Phêrô Phaolô bầu cử với Chúa cho họ là các chứng nhân trung thành của Chúa trong cuộc sống mọi ngày.

Trong các nhóm Italia ĐTC chào các nữ tu Thăm viếng Ốc đảo Tabor và các nữ tử Chúa Quan Phòng đang tham dự tổng tu nghị tại Roma, các tham dự viên hội nghi của Hiệp hội thân nhân của giáo sĩ Italia. Ngài nhắn nhủ họ vun trồng tình bạn với các linh mục, cách riêng với các vị cô đơn nhất bằng cách yểm trợ ơn gọi và sứ vụ của các vị. Ngài cũng chào các tham dự viên cuộc hành hương đền thánh Santiago di Compostella theo Con lộ Francigena, các quân nhân lữ đoàn 17 Acqui Capua, tín hữu Altamura và đoàn múa cờ tỉnh Grumo Appula.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn. Ngài nhắc cho mọi người biết hôm nay lễ kính hai thánh tông đồ Phêro Phaolo, Bổn Mạng Giáo Hội Roma. Ngài chúc các bạn trẻ noi gương hai thánh tông đổ tử đạo can đảm làm chứng cho các giá trị Tin Mừng; người đau yếu được các vị trao ban hy vọng trong thử thách khổ đau, và các cặp vợ chồng mới cưới biết dậy dỗ con cái sống đạo hạnh, tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải




GĐPV : Chén thánh cần được làm bằng kim loại quý.

Giải đáp phụng vụ: Chén thánh cần được làm bằng kim loại quý.
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Vài năm trước, Tòa Thánh Vatican đã công bố một huấn thị liên quan đến chất liệu phù hợp để sử dụng cho chén thánh. Nói tóm lại, kim loại là được phép, và các chất liệu dễ vỡ (kể cả tinh thể và gốm) là bị cấm. Tuy nhiên, hầu hết các giáo xứ mà con đã đến thăm đều sử dụng chén thủy tinh hoặc chén gốm, để cho các thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường sử dụng khi cho Rước lễ, trong khi linh mục sử dụng chén kim loại. Điều này có vẻ mâu thuẫn, hoặc ít nhất là không nhất quán. Một số linh mục, mà con đã nói chuyện với họ, hy vọng rằng quy định này sẽ được nới lỏng hoặc thay đổi. Một linh mục đã than van về giá cả của chén thánh bằng pha lê, mà ngài từng ưa thích sử dụng nhưng bây giờ thì không thể nữa. Và dường như Chúa chúng ta đã sử dụng một chén làm bằng gốm ở Bữa Tiệc Ly, vì vậy có vẻ là kỳ quặc rằng loại chén mà Chúa chúng ta có thể sử dụng và thấy là xứng đáng, thì Giáo Hội hiện nay không muốn. Thưa cha, liệu có thảo luận nào về việc thay đổi quy định này không? - M. P., Indianapolis, Indiana, Hoa Kỳ.

Đáp: Chúng tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự trong một bài vào khoảng đầu năm 2003. Lúc đó, mặc dù tôi đã trả lời rằng không nên sử dụng các chén thánh bằng thủy tinh hoặc gốm do tính dễ vỡ, tôi gợi ý rằng luật tại thời điểm đó là không hoàn toàn rõ ràng. Vấn đề này sau đó đã được giải quyết bởi Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ) năm 2005, vốn khẳng định như sau:

"117. Các bình thánh, dùng để đựng Mình và Máu Thánh Chúa, phải được làm hoàn toàn đúng với các quy tắc của truyền thống và của các sách phụng vụ. Theo sự phán đoán của các Hội Đồng Giám Mục, mà quyền hạn này đã được ban cho với sự Toà Thánh xác nhận (confirmatio) các hành vi của các ngài, có thể thích thời thực hiện các bình thánh bằng cách sử dụng những chất thể khác, với điều kiện là chúng phải được chắc chắn. Nhưng mà, trong mỗi vùng, đòi hỏi cách nghiêm chỉnh phải chọn lựa những chất thể mà mọi người đánh giá là quý, để tỏ sự tôn kính Chúa, và để tránh hoàn toàn, nơi mắt các tín hữu, mọi nguy cơ giảm bớt lòng tin nơi sự hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh và hình rượu. Như vậy, việc cử hành Thánh Lễ với bất cứ bình dùng hằng ngày hay thông thường hơn, phải được dứt khoát bài trừ, đặc biệt nếu đó là những đồ vật không có chút nào là nghệ thuật, hay chỉ là những cái giỏ thường, hay nữa là những đồ đựng bằng thuỷ tinh, đất sét, đất nung hay bằng những chất liệu khác dễ bể. Việc này cũng có giá trị đối với tất cả bình bằng kim loại hay được làm bằng những chất liệu dễ hỏng” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Trong trường hợp này, cụm từ "phải được dứt khoát bài trừ" có nghĩa rằng các tập tục trái ngược không thể có sức mạnh hiệu lực của luật, cho dù sự thực hành ấy đã có từ lâu.

Một số Hội Đồng Giám Mục đã sử dụng khả năng được cung cấp bởi các sách phụng vụ cho chất liệu của các bình thánh một cách chi tiết hơn.

Do đó, phiên bản Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma của Hoa Kỳ cho biết:

"327. Trong các vật dụng cần phải có để cử hành Thánh Lễ, các bình thánh phải được đặt biệt tôn trọng, và trong số đó, có chén thánh và đĩa thánh, dùng để dâng, truyền phép và rước bánh rượu.

“328. Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quý. Nếu được chế từ kim loại có thể bị rỉ sét hay kém hơn vàng, thì phía trong các bình phải được mạ vàng.

“329. Trong các Giáo phận của Hoa Kỳ, các bình thánh có thể được làm bằng những chất liệu khác vững bền và cao quý theo đánh giá chung của địa phương, thí dụ: ngà hay vài thứ gỗ cứng, miễn là thích hợp cho việc sử dụng thánh. Trong trường hợp này, luôn luôn nên chọn chất liệu không dễ vở hay hư hỏng. Ðiều này đặc biệt áp dụng cho các bình đựng Mình Thánh, như đĩa, bình, hộp, mặt nhật v.v...

“330. Về chén thánh và các bình đựng Máu Chúa, phần chứa đựng phải làm bằng chất liệu không thẩm thấu. Còn phần chân thì có thể làm bằng chất khác bền chắc và xứng đáng.

“331. Ðĩa đựng bánh thánh nên làm khá lớn để có thể đặt vào đó bánh cho vị tư tế, phó tế, các người giúp khác và tín hữu.

“332. Về hình dáng các bình thánh, các nghệ nhân chế tạo theo cách thích đáng, đáp ứng các thông tục của địa phương, miễn là thích hợp với việc sự dụng thánh mà chúng nhắm tới, và phân biệt rõ với những bình thông dụng.

“333. Việc làm phép các bình thánh phải theo nghi thức trong các sách phụng vụ.

“334. Nên giữ thói tục làm một giếng thánh trong phòng thánh, để đổ vào đấy nước rửa bình thánh và nước rửa chỗ bánh thánh rơi (x. số 280). (Bản dịch có tham khảo bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Đây là luật đang có hiệu lực. Đã có một số cuộc tranh luận gần đây về khả năng của các kỹ thuật mới, vốn sản xuất kính và gốm sứ thật cứng, thực sự cứng hơn so với kim loại và gỗ cứng. Nếu các kỹ thuật này được xác minh, thì tôi nghĩ rằng câu hỏi có thể được mở lại. Các điều cấm đối với thủy tinh và đồ gốm nói chung là do các chén giòn, dễ vỡ, vỡ vụn và thực sự không thể sửa chữa được.

Vấn đề không đề cập đến sự xứng đáng giá trị cố hữu, vì các chén thủy tinh và gốm sứ mỹ thuật có thể được ưa thích nhiều và thực sự có giá trị. Cũng đúng là các bình thánh bằng thủy tinh đã được sử dụng trong quá khứ.

Tuy nhiên, tôi sẽ không đồng ý rằng các nhà thờ sử dụng các chén không được chấp thuận cho các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ. Các chén là để chứa Mình Thánh, và chúng cần phải xứng đáng cho Ngài, cho dù thừa tác viên nào cầm chén ấy.

Không ai biết rõ là Chúa Kitô dùng chén loại nào cho Bữa Tiệc Ly. Thật là khó có được các vật liệu quý giá thời ấy, nhưng nó ở ngoài điểm chính. Các nghi lễ của Giáo Hội tiến triển. Việc thiết lập ban đầu của Bí Tích Thánh Thể đưa ra các yếu tố cơ bản, nhưng chúng được tô điểm cách tự nhiên theo dòng thời gian và biến đổi thành các nghi lễ, mà trong đó Kitô hữu mong muốn dâng hiến cái tốt nhất của họ trong việc thờ phượng Thiên Chúa.

Có thể là biểu tượng rằng trong năm 303, khi bắt đầu cuộc bách hại cuối cùng của Hoàng đế Diocletian đối với các Kitô hữu, một phái đoàn của các quan chức chính quyền Rôma đến nhà thờ ở Cirta, vùng Numidia (tức Constantine ngày nay ở Algeria), và đòi đưa ra các sách và tài sản khác của nhà thờ. Họ đã thực hiện sự kiểm kê sau đây:

"Hai chén thánh vàng, sáu chén thánh bạc, sáu bình bạc, một nồi nấu bằng bạc, bảy đèn bạc, hai khay bánh thánh, bảy cây nến bằng đồng với đèn riêng, mười một đèn bằng đồng với chuỗi riêng, 82 áo choàng phụ nữ, 38 chiếc áo choàng, 16 áo phụ phó tế, 13 đôi giày nam, 47 đôi giày nữ, và 19 cái cài móc nông dân. Khi kiểm tra chặt chẽ hơn, có thêm một chiếc đèn bạc và một hộp bạc, bốn cái bình lớn và sáu thùng từ phòng ăn, cũng như một sách chép tay lớn".

Nếu nhà thờ tương đối mờ nhạt này trong thời gian bách hại muốn sở hữu và sử dụng các chén như thế cho việc cử hành Thánh lễ bí mật, thì chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Giáo Hội vẫn tìm cách dâng lên Chúa Kitô những gì là tốt nhất vào thời sau có tự do hơn. (Zenit.org 27-6-2017)

Nguyễn Trọng Đa

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 15)

Giáo Hi Công Giáo Dưới Cái Nhìn ca Mt Ký Gi Hoa Kỳ (bài 15)
Vũ Văn An6/29/2017


Giáo huấn Công Giáo có bao giờ thay đổi không?

Trả lời câu hỏi này khá rắc rối, vì trên nguyên tắc, Giáo Hội tin rằng các giáo huấn của mình phát xuất từ mạc khải Thiên Chúa và do đó không thể sửa đổi được. Ấy thế nhưng, Đạo Công Giáo nhìn nhận điều Giáo Hội gọi là “phát triển” hay “khai triển” về tín lý, nghĩa là với thời gian, các giáo huấn có thể tiến tới chỗ được hiểu tốt hơn, được giải thích trọn vẹn hơn, hay được áp dụng tốt hơn vào các hoàn cảnh sống thực. Đôi khi các khai triển này cho người ta cảm giác rất mạnh chúng là các thay đổi thực sự. Người Công Giáo thường nói đùa rằng lúc một viên chức bắt đầu một phát biểu bằng câu “Như Giáo Hội vẫn dạy xưa nay…” thì điều này phần lớn có nghĩa một điều gì rất mới lạ sắp sửa được công bố!

Lâmbô là một thí dụ. Ý niệm này phát xuất trong Giáo Hội sơ khai như một cách để xử lý thế lưỡng nan: nếu Phép Rửa Tội là cần thiết để được cứu rỗi, thì phải nói sao về các trẻ sơ sinh chết lúc chưa được rửa tội, và chưa phạm bất cứ tội cá nhân nào cả? Ý tưởng về một nơi đặc biệt thuộc đời sau dành cho các trẻ sơ sinh này, một thứ “nửa đường” giữa thiên đàng và hỏa ngục, xem ra là giải pháp hiển nhiên.
Lâmbô có lúc cũng đã được cho là nơi giam những linh hồn công chính trước khi Chúa Kitô xuất hiện, như các tổ phụ của Cựu Ước. Với thời gian, ý niệm Lâmbô đi vào trí tưởng tượng bình dân và được rộng rãi coi như một niềm tin Công Giáo cổ điển. Nhiều thế hệ Công Giáo từng được dạy phải cầu nguyện cho “các trẻ sơ sinh ngoại giáo” có nguy cơ bị loại khỏi thiên đàng. Tuy nhiên, năm 2007, Vatican cho công bố một văn kiện dạy rằng Lâmbô chỉ là một ý kiến thần học khả hữu, và có “nhiều cơ sở nghiêm túc về thần học và phụng vụ để hy vọng rằng các trẻ sơ sinh chưa được rửa tội mà chết sẽ được cứu rỗi” không cần một nơi đặc biệt dành cho các em.

Ngày nay, phần lớn người Công Giáo không còn nghĩ nhiều tới Lâmbô nữa; họ thích nghĩ rằng lòng thương xót đầy yêu thương của Thiên Chúa sẽ tìm ra cách để đón chào các trẻ sơ sinh chưa được rửa tội chính thức, và các em sẽ được vào nước trời. Đây là một “thay đổi” hay là một “khai triển” về tín lý thì hoàn toàn tùy thuộc người quan sát.

Thần học luân lý Công Giáo phát xuất từ đâu?

Điều quan trọng là hiểu một số ý niệm căn bản của Công Giáo về các nguồn của luật luân lý , và cái khung lý thuyết họ áp dụng để đưa ra các quyết định luân lý.

Thần học Công Giáo thường dựa vào hai nguồn luân lý sau đây:

• Mạc khải, gồm Thánh Kinh và giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội, gọi là “huấn quyền”;
• Luật tự nhiên, nghĩa là các hiểu biết thấu suốt có thể thu lượm được từ suy nghĩ thuần lý về tạo thế.

Dựa vào hai nguồn trên, Đạo Công Giáo phân biệt hai loại nghĩa vụ luân lý. Loại thứ nhất là các bổn phận phát xuất từ mạc khải Thiên Chúa, như tham dự Lễ vào Chúa Nhật. Loại thứ hai là các nguyên tắc phát xuất từ lý lẽ nhân bản, như các ngăn cấm sát nhân và trộm cướp. Dù không luôn luôn hoàn toàn rõ ràng, ngày nay, Đạo Công Giáo cho rằng loại đầu không nên bị nhà nước áp đặt. Cùng một lúc, Đạo Công Giáo cũng nhấn mạnh rằng luật đời phải phản ảnh các đòi hỏi luân lý của luật tự nhiên. Giáo Hội cho rằng không có nền tảng này, luật đời sẽ quá dễ dàng trở thành luật rừng, trong đó, kẻ mạnh áp đặt ý riêng của họ lên người yếu. Như các nhà ngoại giao của Tòa Thánh thường nói, việc chọn lựa là giữa “sức mạnh của luật” hay “luật của sức mạnh”.

Nói về các phương thức căn bản, các nhà chuyên môn phân biệt ba phạm trù rộng rãi trong thần học luân lý Công Giáo. Nói chung, cả giáo huấn chính thức của Giáo Hội lẫn việc thực hành đời thực đều pha trộn cả ba phạm trù này, đó là:

• Nghĩa vụ học (deontological): Tiếng Hy Lạp deon có nghĩa là nghĩa vụ. Phương thức này nhấn mạnh tới các nghĩa vụ, nại tới các quy phạm, qui luật, luật lệ và nguyên tắc luân lý, và áp dụng chúng vào các hoàn cảnh cụ thể. Một trong các hệ luận thông thường của phương thức này là: một số hành vi không bao giờ được phép về luân lý bất kể hoàn cảnh hay ý hướng.

• Cứu cánh học (teleological): Tiếng Hy Lạp, telos có nghĩa là cứu cánh, mục đích. Phương thức này nhấn mạnh mục đích luân lý người ta cố gắng đạt tới, và do đó, ít lưu ý tới các phương tiện sử dụng. Nhiều nhà thần học chuyên phê phán giáo huấn chính thức của Công Giáo đã hành xử từ một dịch bản nào đó của phương thức này, qua việc cho rằng ngừa thai, chẳng hạn, có thể là điều sai “tiền luân lý” (premoral), nhưng có thể được biện minh, nếu ý hướng không phải là ngăn cản sự sống mà là duy trì sức khỏe của cặp vợ chồng.

• Đạo đức học nhân đức (virtue ethics): phương thức này chỉ trích cả suy tư nghĩa vụ học lẫn suy tư cứu cánh học vì đã qúa nhấn mạnh tới các hành vi hơn là tính tình. Đối với các nhà tư tưởng nhân đức, luân lý tính liên quan tới việc ta là ai cũng như ta làm gì. Mục tiêu của luân lý tính là vun trồng “các nhân đức”, nghĩa là các thói quen và khuôn thước thực hành điều tốt và sống tốt cuộc sống mình, và tránh các “thói hư nết xấu”.

Đạo Công Giáo hiểu như thế nào về tội lỗi?

Trong Thánh Kinh, các từ ngữ mà các nhà dịch thuật dịch là “tội lỗi” thường có nghĩa là không trúng đích, như người bắn cung bắn không trúng điểm giữa của bia tập bắn. Ý niệm này có nghĩa: phạm tội là không đạt tới lý tưởng luân lý, điều mà theo Thánh Kinh là luôn tuân theo lề luật của Thiên Chúa. Thần học Công Giáo có truyền thống nhìn nhận hai loại tội lỗi: tội trọng và tội nhẹ. Tội trọng được coi là một vi phạm hết sức trầm trọng khiến gây nguy hại nặng nề cho mối liên hệ của người ta với Thiên Chúa, như sát hại sự sống vô tội hoặc cố ý báng bổ Thiên Chúa. Tội nhẹ, như giận dữ hay nói láo nhẹ, làm yếu đi nhưng không tiêu diệt mối liên hệ của họ với Thiên Chúa.

Trong nhiều thế kỷ qua, truyền thống Công Giáo đã tiến tới chỗ nhìn nhận 7 cơn cám dỗ hết sức độc hại đối với đời sống luân lý đến nỗi gọi chúng là “bẩy mối tội đầu”. Chúng có thể là tội trọng hoặc tội nhẹ, nhưng chúng được coi có xu hướng đặc biệt dẫn đến các tội khác. Bẩy mối tội đầu này là: mê dâm dục, mê ăn uống, hà tiện (tham lam), làm biếng, hờn giận, ghen ghét, kiêu ngạo.

Thần học luân lý được đem ra thực hành như thế nào?

Phá thai, hôn nhân đồng tính, và kiểm soát sinh đẻ có lẽ là những điểm gây nhức nhối nổi tiếng hơn cả trong thần học luân lý, nhưng chính vì lý do này, chúng không tiết lộ nhiều điều lắm. Thay vào đó, ta hãy xem một vài điều khác, như việc chăm sóc về “cuối đời” chẳng hạn: tức cuộc tranh luận xem về phương diện luân lý, có bắt buộc phải cung cấp việc nuôi dưỡng và thở hydrô nhân tạo cho các bệnh nhân trong tình trạng thực vật vĩnh viễn hay không. Đây không hề là vấn đề chỉ có tính học thuật mà thôi, vì các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công Giáo ngày nào cũng phải đưa ra quyết định về nó.

Đối với những ai có khuynh hướng nghiêng về phương thức nghĩa vụ học, việc không cho bệnh nhân thức ăn và thức uống nữa, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều xâm phạm đến nhân phẩm của họ. Những người suy nghĩ như thế coi việc không cung cấp thực phẩm và nước uống nữa thực sự là một cách giết chết một người mà sự sống đã trở nên vô dụng hoặc bất tiện. Những người có quan điểm luân lý cứu cánh học hơn, thì ngược lại, cảnh cáo chống lại chủ trương thần tượng hóa việc tiếp tục sự hiện hữu có tính sinh học, nhất là khi mọi hy vọng hồi phục xem ra đã mất. Cả hai phía đều nại tới truyền thống Công Giáo, đặt giáo huấn của Giáo Hội về tính thánh thiêng của sự sống chống lại việc truyền thống này từ lâu vốn phân biệt cách chăm sóc “thông thường” và cách chăm sóc “phi thường” trong đó, sự chăm sóc “thông thường” thì bắt buộc, chứ không phải sự chăm sóc phi thường.

Chiều hướng trong giáo huấn chính thức thiên về lập trường có tính hạn chế hơn. Tháng Ba năm 2004, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng việc cung cấp thức ăn và thức uống cho các bệnh nhân trong tình trạng thực vật vĩnh viễn luôn luôn là phương tiện chăm sóc “thông thường”. Năm 2007, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican qui định rằng đây là đòi hỏi căn bản của nhân phẩm. Vatican chủ trương rằng rút thức ăn và thức uống khỏi các bệnh nhân còn ổn định sẽ là an tử (euthanasia).

Trong cuộc tranh cãi này, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tu Sĩ Phansinh Daniel Sulmasy, một bác sĩ nội khoa có bằng tiến sĩ triết học, mấy năm trước đây, được một gia đình của một phụ nữ mắc chứng bất ổn về ăn uống và lâm vào tình trạng thực vật vĩnh viễn hỏi ý kiến. Gia đình người phụ nữ này chuyển cô tới một nhà nuôi dưỡng, nơi cô lưu lại 4 năm. Cô nhiều lần bị chứng viêm phổi do việc sử dụng lâu dài các ống dẫn thức ăn, khiến cô phải ra vào bệnh viện nhiều lần. Cha mẹ cô muốn biết ý kiến xem liệu họ có bị buộc phải duy trì con gái họ trong tình trạng này vô hạn định hay không.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2007, Tu Sĩ Sulmasy nói rằng “tôi không nghĩ họ bị thúc đẩy bất cứ cách nào phải kết liễu đời của cô ấy một cách quá sớm vì cô ấy là một gánh nặng cho họ hay cho nhiều người khác. Tôi không nghĩ họ cho rằng cố ấy thiếu phẩm giá của một con người. Họ cảm thấy cô bị cắt rời khỏi họ, sống trong một thứ lâmbô. Họ cảm thấy cô ở trong một trạng thái chưa được hiệp thông với Đấng tạo nên cô, nhưng cũng không kết hợp với họ cách nào”. Cuối cùng, Tu Sĩ Sulmasy ủng hộ quyết định chấm dứt việc nuôi dưỡng và thở hydrô và người phụ nữ này qua đời lúc 25 tuổi.

Với mỗi điển hình như trên, lại có một điển hình ngược lại. Richard Doerflinger, viên chức phò sự sống hàng đầu của các giám mục Hoa Kỳ, trưng dẫn kinh nghiệm của chính ông. Ba mươi năm trước đây, người anh lớn tên Eugene của ông bị tai nạn xe hơi và lâm vào tình trạng thực vật. Các bác sĩ cho gia đình hay: anh ta sẽ không bao giờ bình phục. Chính vì thế, gia đình không quan tâm đến việc chỉnh lại chiếc vai trái bị lệch của anh cũng như cung cấp việc trị liệu vật lý. Sau gần 4 tháng, bỗng nhiên anh ta bình phục, dù hơi mất trí nhớ một chút. Doerflinger cho biết: anh trai ông bị ngồi xe lăn, một phần vì các bác sĩ bỏ cuộc quá sớm.

Ông nói: “chúng ta cần vạch một đường ranh chống lại việc bỏ rơi các bệnh nhân này chỉ vì họ không thể tự chăm sóc các nhu cầu căn bản của họ”.

Há Giáo Hội Công Giáo cũng đã không có một truyền thống mạnh mẽ về công bằng xã hội đó sao?

Chắc chắn có. Ngay từ đầu, Kitô Giáo đã có điều gì đó để nói về xã hội công bằng, và về vai trò kép mà các Kitô hữu phải đóng trong tư cách môn đệ và công dân. Câu nói thời danh của Chúa Giêsu trích dẫn từ Tin Mừng theo Thánh Mátthêu “Hãy trả cho Xêda điều gì của Xêda, và hãy trả cho Thiên Chúa điều gì của Thiên Chúa” đã vang vọng khắp các thế kỷ. Ấy thế nhưng, với các thay đổi xã hội ồ ạt của thế kỷ 19, các vị giáo hoàng và các nhà lãnh đạo Công Giáo khác đã khởi sự một suy tư có hệ thống hơn về công bằng kinh tế và xã hội dưới tên là “giáo huấn xã hội Công Giáo”. Xét một cách tổng quát, giáo huấn này ủng hộ một vai trò mạnh mẽ của nhà nước trong việc cổ vũ ích chung, và nói lên sự quan tâm mạnh mẽ của mình đối với các công nhân và người nghèo.

Giáo huấn xã hội Công Giáo bao trùm rất nhiều các vấn đề khác nữa, trong đó, có việc chống lại án tử hình, bảo vệ di dân và người tị nạn, và chống lại tranh chấp có vũ trang và việc buôn bán vũ khí. Người Công Giáo không chủ hòa; Đức Gioan Phaolô II giúp tạo ra hạn từ “can thiệp nhân đạo” (humanitarian intervention) khi nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế nên sử dụng sức mạnh để trợ giúp các nhóm tiểu số bị áp bức. Ấy thế nhưng, xu hướng vẫn là luôn chống chiến tranh, nhất là việc gây hấn đơn phương.

Truyền thống xã hội trên do đâu mà có?

Năm nguyên tắc cốt lõi sau đây nói lên tâm điểm giáo huấn xã hội Công Giáo:

1. Liên đới

“Liên đới” có hai bình diện ý nghĩa. Trên bình diện cá nhân, nó là việc bản thân cảm nhận tư cách thành viên của mình trong một gia đình nhân loại chung. Đây là điểm sửa sai việc quá nhấn mạnh tới các quyền lợi và quyền tự do cá nhân đang thống trị tư duy chính trị Tây Phương. Trên bình diện xã hội, liên đới cũng là một nguyên tắc hướng dẫn các mối tương quan giữa các chính phủ, các tập đoàn kinh doanh, các cơ quan phi chính phủ (NGO) và các tác nhân khác. Theo nghĩa này, liên đới bao hàm việc cải tổ các hệ thống kinh tế và chính trị để bảo đảm có sự công bằng và cơ hội lớn hơn.

2. Của cải thuộc mọi người

Trong thông điệp của ngài năm 1981 tựa là Laborem Exercens, Đức Gioan Phaolô II viết rằng: “truyền thống Kitô Giáo chưa bao giờ thừa nhận quyền tư hữu tuyệt đối và bất khả xâm phạm”. Trong thông điệp năm 1987 của ngài, tựa là Sollicitudo Rei Socialis, cũng vị giáo hoàng này đã sử dụng một ẩn dụ đáng lưu ý “Của cải trên thế giới này nguyên thủy vốn dành cho mọi người. … Thực vậy, quyền tư hữu chỉ là văn tự thế chấp xã hội (social mortgage)”. Học thuyết xã hội Công Giáo chủ trương rằng các quyền sở hữu phải được quân bình hóa đối với các thiện ích khác như quyền của mọi người được sống xứng hợp với nhân phẩm của họ.

3. Nhân phẩm và nhân quyền

Giáo Hội Công Giáo từ lâu vốn ủng hộ các hiến chương quốc tế về nhân quyền, cũng như hạ tầng cơ sở luật pháp hỗ trợ chúng, dựa trên tính thánh thiêng và phẩm giá mọi sự sống con người. Ngày nay, nhiều giới chức Giáo Hội lo sợ các nền móng triết học chống đỡ các nhân quyền bị xâm thực bởi chủ nghĩa duy tương đối, tức việc bác bỏ các sự thật khách quan đặt cơ sở trên bản chất phổ quát của con người. Làm sao người ta có thể lý luận để hỗ trợ cho quyền sống phổ quát hay cho tiêu chuẩn sống căn bản, nếu thực sự không có những điều như “các khái niệm phổ quát” (universals).

4. Ưu tiên chọn người nghèo

“Ưu tiên chọn người nghèo” là một chính sách đã có từ gương sáng của Chúa Kitô khi Người đặc biệt yêu thương những người ở ngoại biên xã hội. Trong suốt các năm qua, giáo huấn chính thức Công Giáo đã và vẫn đang rất cẩn trọng để ý niệm này không bị hiểu theo nghĩa ý thức hệ như thể rửa tội cho cuộc đấu tranh giai cấp kiểu Mácxít. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội cũng vốn nhấn mạnh rằng việc nghèo khó về vật chất không phải là cách nghèo duy nhất; người ta có thể có một trương mục kếch xù ở ngân hàng mà vẫn có thể tay trắng về thiêng liêng. Nói chung, “ưu tiên chọn người nghèo” tạo nên một lăng kính để qua đó, ta phải đọc thực tại xã hội. Nó ngầm hiểu điều này: câu hỏi đầu tiên bất cứ ai cũng phải đặt ra trước khi thi hành một chính sách là: “việc này làm được gì cho người nghèo?”

5. Phụ đới

Giáo Hội không phải là người muốn có một chính phủ lớn hay một nền hành chánh nặng tay. Đúng hơn, Giáo Hội dạy rằng các quyết định nên được đưa ra ở cấp thấp nhất bao nhiêu có thể để đạt ích chung, các thẩm quyền cao hơn chỉ nên can thiệp khi các cấp thấp hơn không thể làm được. Trong thực hành, điều này có nghĩa chính phủ nên tôn trọng “các định chế giữ vai trò trung gian” như các Giáo Hội và các hội thiện nguyện, và nhất là các gia đình. Phụ đới hàm nghĩa: thay vì coi nhà nước như giải pháp cho mọi cơn bệnh, thì vai trò thích đáng của nó là tạo ra các vùng tự do trong đó các cá nhân và các nhóm có thể hành động.

Còn tiếp


Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

GÀ GÁY VÀ NGÃ NGỰA

GÀ GÁY VÀ NGÃ NGỰA

Gà gáy và ngã ngựa là hai sự kiện nổi bật trong cuộc đời hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.  Tiếng gà gáy để phản tỉnh.  Cú ngã ngựa để hết tự mãn.  Phêrô và Phaolô, trước khi là thánh, hai vị cũng là người tội lỗi, yếu đuối, chập choạng trên con đường đức tin.  Các ngài có một quá khứ lầm lỗi.  Phêrô có lần bị Chúa quở là satan; ông đã ba lần chối Thầy.  Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt và giết chết những ai mang danh Kitô hữu; ông đã can dự vào việc ném đá Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội.  Cả hai đều hăng say năng nổ, muốn dùng sức lực của mình và phương tiện thế gian để bảo vệ Chúa mình tôn thờ, và muốn tiêu diệt những kẻ không theo đạo giống mình.  Chúa Giêsu đã cứu cả hai, mỗi người được cứu một cách.  Tiếng gà gáy và cú ngã ngựa là hai dấu ấn không phai trên hành trình nên thánh.

1. Tiếng gà gáy phản tỉnh

Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô.  Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: Phêrô, sao con lại chối Ta.  Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vấn hay sao?  Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya, nhắc nhở lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: “Trước khi gà gáy, con đã chối Ta ba lần.”  Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, cõi lòng xốn xang, mình chỉ là cát bụi, phận yếu hèn và quá dễ sa ngã!  Phêrô thổn thức. Mới hôm nào ông còn tuyên bố: “Dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ.”  Thế mà, giờ đây ông lại nhát gan khi đối diện nguy nan nên đã chối Thầy đến ba lần.  Và đêm hôm ấy, tiếng gà gáy đã thức tỉnh tâm hồn Phêrô.  Xuất thân là ngư phủ với bản tính chất phác, chân thật, có sao nói vậy, nên khi lầm lỗi ngài chân thành sám hối và òa khóc như một đứa trẻ.  Đó là hành trình của phàm nhân, những con người luôn mỏng dòn và yếu đuối, nhưng luôn được Thiên Chúa hải hà thương xót, thứ tha và thánh hóa.  Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mãnh, giữa trọn vẹn và dang dở.  Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng.  Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại.  Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục.  Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài.  Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa.  Thánh Phêrô có lòng quảng đại.  Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa.  Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: “Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời.”  Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường.  Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức.  Khiêm nhường là mẹ các nhân đức.  Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa.  Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì ngài cũng không giận Chúa.  Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa.  Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

2. Cú ngã ngựa để hết tự mãn

Saolô ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái-Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem.  Là biệt phái nhiệt thành nên Saolô đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Stêphanô và trên đường Đamat truy lùng các Kitô hữu.  Oai phong trên yên ngựa đang phi nước đại, thình lình, một luồng ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông, Saolô té nhào từ yên ngựa.  Nằm sóng soài dưới chân ngựa, Saolô nghe được tiếng gọi trong luồng ánh sáng phát ra từ trời: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?”  Saolô hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”  Tiếng từ trời đáp: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ.”  Không thể tin vào chính mình nữa, không ngờ ông Giêsu Nadarét, người đã bị đóng đinh vào thập giá như một tên tội phạm, lại chính là Thiên Chúa quyền năng đã quật ngã mình và đã tự đồng hóa với những Kitô hữu mà mình đang lùng bắt.  Dưới ánh sáng của Đấng Phục Sinh, đôi mắt của Saolô bị mù loà, nhờ đó ngài biết rằng trước đây mình thật là mù quáng.  Nhưng sau đó, qua trung gian của Khanania, đại diện của Giáo Hội, ngài đã được sáng mắt về phần xác và cả phần hồn để nhìn thấy con đường mình được mời gọi bước vào.

Hoàn toàn phó thác, ngài đã thưa với tất cả tâm tình phục thiện: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”  Con đường đức tin của Saolô đã hoàn toàn thay đổi kể từ lần gặp gỡ hi hữu ngoài sức tưởng tượng ấy.  Sự sống của Chúa Phục Sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông.  Được ơn trở lại từ cú ngã ngựa nhớ đời, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại.  Khi đã biết Chúa Kitô thì “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi.  Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.  Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.  Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu” (Pl 3,7-9).   Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.  Ngài trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường.  Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân.  Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2Cor 12,9).  Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2Cor 4,8-9).  Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14).  Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2,20).  Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ.  Cuộc sống bôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?  Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?...  Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

3. Là người tội lỗi được Chúa nhìn đến

Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ cùng chung một ngày.  Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma.  Cùng chia sẻ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đưa hai ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn.  Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng.  Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người.  Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha.  Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự.  Chúa đã dùng hai sự kiện gà gáy và ngã ngựa để thanh tẩy các ngài.  Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng.  Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng.  Cùng chịu tử đạo.  Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo.  Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6.  Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội.  Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.  “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả,” đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội. 

Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông đồ trở nên nền tảng hiệp nhất.  Hai ngài trở thành chói sáng như hai vì sao trong vòm trời Giáo Hội, đáng được các tín hữu chiêm ngắm noi theo.  Hai ngài đã biết khiêm tốn, nhận mình là thấp hèn tội lỗi rồi mở tâm hồn ra đón nhận tình thương của Thiên Chúa.  Khi trả lời câu phỏng vấn: "Jorge Bergoglio là ai?", Đức Thánh cha Phanxicô đáp: “Tôi là người tội lỗi được Chúa nhìn đến.”  Và ngài tuyên bố: “Chính tôi là người tội lỗi đây, có gì lạ đâu!  Cái lạ là ở chỗ được Chúa nhìn đến, được Chúa xót thương.  Và từ đó người ta tìm xem Chúa xót thương ở chỗ nào.”

Xin hai Thánh Tông Đồ giúp chúng con luôn biết tín thác vào tình thương của Chúa, luôn biết tiến bước theo các ngài trên con đường theo Chúa.  Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

VUI HỌC THÁNH KINH CHÚA NHẬT 16 TNA

VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 16 TNA
Tin Mừng thánh Mátthêu 13,24-43


TIN MỪNG

24 Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? " Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó! " Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? " 29 Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

31 Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn,35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe."37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

24 He proposed another parable to them.  "The kingdom of heaven may be likened to a man who sowed good seed in his field.

25 While everyone was asleep his enemy came and sowed weeds all through the wheat, and then went off.

26 When the crop grew and bore fruit, the weeds appeared as well.

27 The slaves of the householder came to him and said, 'Master, did you not sow good seed in your field? Where have the weeds come from?'28 He answered, 'An enemy has done this.' His slaves said to him, 'Do you want us to go and pull them up?'29 He replied, 'No, if you pull up the weeds you might uproot the wheat along with them.

30 Let them grow together until harvest;  then at harvest time I will say to the harvesters, "First collect the weeds and tie them in bundles for burning; but gather the wheat into my barn."'"




31 He proposed another parable to them. "The kingdom of heaven is like a mustard seed that a person took and sowed in a field.

32  It is the smallest of all the seeds, yet when full-grown it is the largest of plants. It becomes a large bush, and the 'birds of the sky come and dwell in its branches.'"

33 He spoke to them another parable. "The kingdom of heaven is like yeast that a woman took and mixed with three measures of wheat flour until the whole batch was leavened."

34  All these things Jesus spoke to the crowds in parables. He spoke to them only in parables,35 to fulfill what had been said through the prophet:  "I will open my mouth in parables, I will announce what has lain hidden from the foundation (of the world)."

36 Then, dismissing the crowds,  he went into the house. His disciples approached him and said, "Explain to us the parable of the weeds in the field."

37  He said in reply, "He who sows good seed is the Son of Man,38 the field is the world,  the good seed the children of the kingdom. The weeds are the children of the evil one,39 and the enemy who sows them is the devil. The harvest is the end of the age, and the harvesters are angels.

40 Just as weeds are collected and burned (up) with fire, so will it be at the end of the age.

41 The Son of Man will send his angels, and they will collect out of his kingdom all who cause others to sin and all evildoers.

42 They will throw them into the fiery furnace, where there will be wailing and grinding of teeth.

43 Then the righteous will shine like the sun in the kingdom of their Father. Whoever has ears ought to hear.

44 "The kingdom of heaven is like a treasure buried in a field, which a person finds and hides again, and out of joy goes and sells all that he has and buys that field.


I. HÌNH TÔ MÀU





* Chủ đề của bức ảnh này là gì?

… … … … … … … … … … … … …

* Bạn hãy viết câu TM thánh Mátthêu 13, 25.
… … … … … … … … … … … … …
… … … … … … … … … … … … …
… … … … … … … … … … … … …
… … … … … … … … … … … … …


II. TRẮC NGHIỆM

01. Khi giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giêsu nói kẻ gieo hạt giống tốt là ai? (Mt 13,37)
a. Người gieo giống
b. Các thiên sứ
c. Con Người
d. Chúa Cha.

02. Ruộng là ai? (Mt 13,38)
a. Thế gian
b. Con Người
c. Các tông đồ
d. Dân Ítraen

03. Hạt giống tốt, đó là ai? (Mt 13,38)
a. Những người nghe lời Thiên Chúa.
b. Các thánh.
c. Con cái Nước Trời.
d. Toàn những nghèo khó.

04. Thợ gặt là ai? (Mt 13,39)
a. Các tông đồ.
b. Con cái Ítraen.
c. Các thiên thần.
d. Những người công chính.

05. Vào ngày tận thế, người công chính sẽ như thế nào trong Nước của Cha họ? (Mt 13,43)
a. Hưởng hạnh phúc Nước Trời.
b. Chói lòa như mặt trời.
c. Sẽ được mọi người ca tụng.
d. Sẽ được chúc phúc.

III. Ô CHỮ 



Những gợi ý

01. Các thợ gặt là ai? (Mt 13,39)

02. Khi giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giêsu nói kẻ gieo hạt giống tốt là ai? (Mt 13,37)

03. Vào ngày tận thế, mọi kẻ làm điều gian ác sẽ bị quăng vào đâu? (Mt 13,42)

04. Cỏ lùng là con cái của ai? (Mt 13,38)

05. Vào ngày tận thế, người công chính sẽ như chói lòa như gì trong Nước của Cha họ? (Mt 13,43)

06. Hạt giống tốt, đó là con cái ai? (Mt 13,38)

07. Khi mọi người đang ngủ, kẻ thù gieo gì vào giữa lúa? (Mt 13,25)

08. Ruộng là ai? (Mt 13,38)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì ?



IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

“Người công chính
sẽ bị chói lọi như mặt trời”.
Tin Mừng thánh Mátthêu 13,53


  

Lời giải đáp
CHÚA NHẬT 16 TNA

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề :
Người gieo cỏ lùng

* Tin mừng thánh Mátthêu 13, 25 :

Khi mọi người đang ngủ,
 thì kẻ thù của ông đến
 gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.

II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM

01. c. Con Người (Mt 13,37)
02. a. Thế gian (Mt 13,38)
03. c. Con cái Nước Trời. (Mt 13,38)
04. c. Các thiên thần. (Mt 13,39)
05. b. Chói lòa như mặt trời. (Mt 13,43)

III.  Lời giải đáp Ô CHỮ

01. Thiên thần. (Mt 13,39)
02. Con Người (Mt 13,37)
03. Lò lửa. (Mt 13,42)
04. Ác thần. (Mt 13,38)
05. Mặt trời. (Mt 13,43)
06. Nước Trời. (Mt 13,38)
07. Cỏ lùng. (Mt 13,25)
08. Thế gian (Mt 13,38)

Hàng dọc : Nước Trời

 Nguyễn Thái Hùng