Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Năm Mục vụ Gia đình 2017 - Gặp gỡ II: Chúng mình kết hôn nhé

Năm Mục vụ Gia đình 2017 - Gặp gỡ II: Chúng mình kết hôn nhé



Năm Mục vụ Gia đình 2017: Chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống Hôn nhân
Gặp gỡ II: CHÚNG MÌNH KẾT HÔN NHÉ
Mục đích:
Giúp các bạn trẻ ý thức về bản chất của sự lựa chọn hôn nhân xuất phát từ việc họ yêu nhau và đảm nhận một Giao ước nghiêm túc.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Trong Cựu ước Chúa đã ký kết một Giao ước với dân Ngài. Đó là một Hôn ước, nghĩa là Giao ước tình yêu phu thê.
Chính Ngài đồng hành với anh chị trong thời gian đính hôn này để tình yêu của anh chị lớn lên đến mức chín muồi và đi đến quyết định kết hôn với nhau, để anh chị ý thức và dạn dĩ nói lên lời “ưng thuận” kết hôn và cử hành hôn phối. Và để rồi qua hôn ước của anh chị Thiên Chúa tiếp tục thực thi Giao ước của Ngài trong lịch sử.
Lời Chúa: trích trong sách tiên tri Hôsê
Đức Chúa phán:
“Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai Cập.
Vào ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa – ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa. Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa. Vào ngày đó, Ta sẽ đáp lại, – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ đáp lại trời, và trời sẽ đáp lại đất” (Hs 2,16.17b-18.21-23).
Lời nguyện của đôi bạn:
“Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh.
Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng!” (Dc 8,6).
Linh mục:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, vì với quyền năng vô song Chúa đã dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Ngài, và trao ban họ cho nhau như người bạn đường bất khả phân ly, để họ không còn là hai mà chỉ là một. Như thế, Chúa đã dạy rằng phân ly điều Thiên Chúa đã kết hợp nên một không hề là điều chính đáng. Xin cho những người con cái này của Chúa biết khám phá và thực hiện cách trung tín kế hoạch yêu thương và cứu độ của Ngài. Amen.
Câu hỏi giúp suy tư:
– Tại sao một người con trai và một người con gái quyết định kết hôn?
– Hai người kết hôn với nhau qua ký kết một khế ước, điều đó có ý nghĩa gì?
– Thiên Chúa có liên quan gì trong chọn lựa kết hôn của anh/chị?
Suy tư:
Một tình yêu dành cho nhau
Khi nói “chúng ta yêu nhau” là ta ý thức mình không chỉ tự yêu mình hay yêu một cái gì đó đáng yêu và làm ta thỏa lòng, nhưng là yêu một con người có thể đáp lại tình yêu của ta với một tình yêu cũng mãnh liệt như thế. Đó là một tình yêu tương hỗ, cho và nhận. Tình yêu của chúng ta là một kiểu tình bạn với ý nghĩa đặc biệt. Là một tình bạn giữa hai người “tự hiến” cho nhau, và có những đặc tính: trọn vẹn, duy nhất và độc hữu (không chấp nhận những bạn tình khác); ổn định và bền vững (một chọn lựa mãi mãi); phong nhiêu (mở ra với sự sống và gắn liền với tính dục hướng tới sinh sản không trước và không ngoài hôn nhân).
Một tình yêu vô cầu
Tình yêu là chân thực khi được hiến dâng không nhằm đến những mục đích thứ yếu. Sự vô cầu thuộc bản chất của tình yêu còn thể hiện qua chịu đựng tự nguyện những nỗi đau đớn, buồn khổ, bệnh tật, và cả trong cô đơn nữa. Ở đâu sự sống được hiến dâng không mong đền đáp, ở đó tình yêu hiển lộ tất cả sự thật và sự vĩ đại của nó. Yêu thương ai là nhắm tới hạnh phúc, những điều tốt đẹp, ích lợi của người đó! Đối nghịch với tình yêu vô cầu là thái độ ích kỷ, chỉ nhìn tha nhân như người trao hiến cho mình điều gì, hoặc tệ hơn, đối xử với tha nhân chỉ như là cơ hội đem lại cho mình cảm giác thỏa mãn.
“Trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô dành phần lớn của chương bốn để suy tư về tình yêu trong hôn nhân, dựa vào Bài ca Đức Ái (1Cr 13). Theo đó, gia đình là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm, học tập và vun đắp tình yêu chân thật.
Đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là;
tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;
tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác;
tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác;
tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi;
tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;
tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;
tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ;
tình yêu dung thứ, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;
tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác;
tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong;
tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực” (HĐGMVN, Thư gửi các Gia đình Công giáo, 8).
Một tình yêu cho đến cùng
Chúa Giêsu dạy và chỉ cho thấy không ai có tình yêu lớn hơn kẻ đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu: đây là phần khó chấp nhận nhất của tình yêu. Quả thật, ta quá gắn bó với mình, với cách nghĩ, những thói quen, cảm quan, sở thích của mình, … đến nỗi khó có thể từ bỏ mình được. Thế nhưng, hai người sẽ không trở thành một cặp đôi hoàn hảo cho tới khi nào cả hai biết chấp nhận chết đi cho cái gì đó nơi bản thân mình. Để làm được điều đó cần tạo một khoảng “chân không” nào đó trong con người của ta, bởi lẽ chừng nào “cái tôi” còn đầy ắp thì không có chỗ cho tha nhân trong ta! Hẳn là ta không bị buộc phải từ chối các giá trị hay những gì tốt đẹp giúp cho đời sống đôi lứa được thêm phong phú. Nếu người ta thấy rằng đòi hỏi ấy rốt cuộc tước đi nơi cá nhân hay đôi bạn một cái gì đó có thể giúp họ được phong phú thêm, thì khi ấy người ta phải trao đổi với nhau để cùng nhận biết cái gì là tốt hơn và cái gì là ích lợi hơn cho cả hai cùng thăng tiến. Chết đi cho chính mình và sống với và cho người khác là một chọn lựa quan trọng, đó là “biết nhân nhượng” cho dù có e sợ mình bị tha nhân lợi dụng.
Tình yêu phu thê và hôn nhân
“Trinh khiết và hôn nhân, là và phải là những cách thế khác nhau để yêu thương, vì con người không thể sống mà không có tình yêu” (Amoris Laetitia 161).
Cội rễ và sức mạnh để quyết định kết hôn nằm ở nơi tình yêu phu thê, tức là một tình yêu dành cho nhau và vô cầu, cho đến tận cùng. Kết hôn là mạnh dạn bước qua bậc thềm của một tình yêu phu thê như thế. Tình yêu ấy có thể được sống theo hai cách thức cơ bản: bậc độc thân khiết tịnh và bậc hôn nhân. Cả hai bậc sống này là những thể hiện cụ thể khác nhau của một sự thật sâu xa hơn của con người: con người là hữu thể được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Cả hai chọn lựa này (những ơn ban khác nhau và bổ túc cho nhau) hội tụ lại cùng diễn tả một mầu nhiệm hôn phối duy nhất, vừa phong nhiêu vừa mang ơn cứu độ, của Đức Kitô và Hội thánh. Là những cách thức biểu lộ và sống mầu nhiệm duy nhất của Giao ước của Thiên Chúa với Dân Người. Theo nghĩa đó, hôn nhân và trinh khiết không đối nghịch nhau.
Để sống chọn lựa tình yêu phu thê ấy như là một tình yêu hôn nhân, hai người bạn đính hôn cần phải quyết định trong sự tự do hướng tới một chọn lựa dứt khoát. Chọn lựa ấy cũng là một chọn lựa công khai bởi vì hai người là hai giới tính khác biệt và vì thế, bởi bản tính tự nhiên, hướng tới tương quan, tức bình diện xã hội. Từ đó, ta có thể và phải nói rằng đôi bạn kinh nghiệm sức mạnh kết hợp của chính tình yêu khi, với tự do, họ quyết định kết hôn với nhau trong khế ước hôn nhân: một khế ước bao hàm một sự chuẩn bị dài lâu và đặt cơ sở trên sự tự do và tôn trọng lẫn nhau. Một điều quan trọng là hai người đính hôn phải tránh những hành vi gọi là “quan hệ trước hôn nhân”, mà một cách nào đó, chúng đã khiến hai người dấn sâu vào một mức độ thân mật đến nỗi không còn có thể thoái lui được nữa, điều vốn là một đặc tính của thời đính hôn!
Hôn nhân là một khế ước và là giao ước
Giáo luật mới không còn định nghĩa hôn nhân như là một “giao kèo” (hay “hợp đồng”) nữa, mà gọi đó là một “khế ước” hôn phối. Cách nói này giúp chúng ta vượt qua được quan niệm hôn nhân như một “hợp đồng” vốn nặng tính luật pháp hành chánh, và diễn tả theo ngôn ngữ Kitô giáo, liên hệ đến hình ảnh của Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người. Như thế chúng ta khám phá được căn tính đích thật của hôn nhân, đó là tình yêu phu thê, một tình yêu rất nhân bản, và lôi kéo mỗi người vào trong “toàn thể thống nhất” hồn và xác. Ở cội nguồn của mọi cuộc hôn nhân đều có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính Ngài là tác giả đã ghi khắc vào con tim mỗi người khả năng và trách nhiệm của tình yêu và hiệp thông. Khế ước hôn nhân trở thành một bản sao và một sự tham dự vào Giao ước thần linh: nội dung của khế ước này là tình yêu phu thê. Người nam và người nữ, khi ấy, không còn trao đổi với nhau các quyền lợi trên những thiện ích kinh tế, cũng không còn trao đổi nhau các “quyền trên thân xác” nữa; nhưng trao đổi với nhau “quyền” trên toàn thể con người của nhau như một ngôi vị, tức trên toàn thể các chiều kích cả về thể lý, lẫn tình cảm và tinh thần. Bởi thế, tình yêu này phải có các thuộc tính độc hữu (một nam một nữ), bất khả phân ly và mở ra với sự sống phong nhiêu. Tình yêu này có tính độc hữu vì con người tự hiến ấy là một thụ tạo giới hạn và được mời gọi trao hiến toàn thể con người mình: người ấy có thể yêu cách trọn vẹn chỉ một người và thực hiện mình cách viên mãn chính khi mở ra tự hiến hoàn toàn cho người bạn đời. Tình yêu phu thê có tính bất khả phân lyvì con người sống trong thời gian và không thể tự hiến hoàn toàn nếu không biết hiến  trao chính mình cho người bạn đời trong suốt cuộc đời mình. Tình yêu phu thê phải mở ra với sự sống phong nhiêu vì con người còn đặc trưng bởi giới tính (là nam hay là nữ) và bởi sinh dục, và nhờ đó qua một gặp gỡ tính dục họ thực hiện chính mình và sẵn sàng đón nhận những sự sống mới.
Hôn nhân là một chọn lựa dứt khoát
Lời tuyên bố “ưng thuận” kết hôn hai người gửi trao cho nhau trong cử hành lễ cưới là nền tảng của khế ước hôn nhân. Đó là một hành vi thể hiện (hay hiện thể hóa) tình yêu phu thê. Ước nguyện đẹp nhất dành cho đôi vợ chồng là được thấy mỗi ngày tình yêu của họ tăng trưởng. Nhưng nếu như tình yêu ấy không còn tăng trưởng nữa, thì hôn nhân cũng ngưng lại: “sức khỏe”, sự “thịnh vượng” của hôn nhân sụt giảm. Quả thật, sức khỏe của tình yêu phu thê trước hết không phải là tình trạng kết quả thể lý, sức hấp dẫn tình dục, hay những tình cảm chan chứa…, nhưng là một hành vi của ý chí tự do, là một hành động thiêng liêng, mà hoàn cảnh bên ngoài không thể cung ứng được. Chọn lựa tự do không thể từ chối tình yêu một khi đã hứa còn vì lý do cấu trúc hôn nhân không chỉ phụ thuộc vào những người liên hệ, mà nối kết với thiện ích của chính các đôi bạn, vì nó gắn liền với ý muốn của Thiên Chúa, muốn hôn nhân là duy nhất và bất khả phân ly. Kinh nghiệm những khó khăn trong tình yêu đòi hỏi ta phải tự mình nỗ lực với sự trợ giúp của ân sủng của Chúa làm sống động lại tình yêu một khi nó suy yếu hay xem ra như chết đi.
Tình yêu và sự tha thứ
Trong cuộc sống hằng ngày khi một người khám phá mình yêu quý một ai đó, thì người ấy dấn thân cho tương lai. Nhưng trong con người mang dấu ấn tội lỗi như chúng ta, luôn luôn chực sẵn cám dỗ muốn khép kín mình lại và ta cũng kinh nghiệm tình yêu đòi hỏi một sự dấn thân: nó có thể đem lại niềm vui thỏa mà cũng có thể cho kinh nghiệm thương đau. Điều quan trọng là làm thế nào vượt qua được sự tính toán so đo trên những gì mình hiến dâng và những gì nhận lãnh, dựa theo mẫu gương của Chúa yêu thương vô điều kiện và chứng tỏ chúng ta có khả năng làm được như thế. “Kết hôn trong Chúa” có nghĩa là chúng ta có thể yêu cả khi bị mất mát mà không đánh mất chính mình. Làm cho tình yêu Thiên Chúa sống động trở lại có nghĩa là chúng ta phải luôn tha thứ. Không thể tha thứ và không thể làm cái “mãi mãi” được tái sinh liên tục, tình yêu sẽ không thể tồn tại.
“Điều này giả thiết chính chúng ta đã có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được công chính hóa cách vô điều kiện bởi ân sủng của Ngài chứ không bởi công trạng của chúng ta. Chúng ta đã đạt đến kinh nghiệm của một tình yêu đi bước trước mọi việc làm của mình, một tình yêu luôn luôn mang đến cho ta những cơ hội mới, một tình yêu thúc đẩy và khích lệ” (Amoris Laetitia 108).
Thảo luận theo nhóm:
– Chúng ta phản ứng tức thời như thế nào khi nghe trình bày những điều đó?
– Anh chị nghĩ gì về một tình yêu của hai người dành cho nhau, vô điều kiện và đi đến mức hiến dâng tất cả cho nhau?
– Đâu là những khác biệt về cuộc sống của một đôi vợ chồng so với các kiểu sống kết hợp khác, như sống chung hoặc kết hợp trong thực tế?
– Các quan hệ trước hôn nhân, dưới ánh sáng của những gì chúng ta vừa nói, có ý nghĩa gì không?
– Theo anh chị những khó khăn nào có thể gặp hằng ngày trong cuộc sống hôn nhân duy nhất, trung tín, bất khả phân ly và mở ra với sự sống phong nhiêu?

Văn phòng HĐGMVN

Năm Mục vụ Gia đình 2017 - Gặp gỡ I: Chúng ta yêu nhau

Năm Mục vụ Gia đình 2017 - Gặp gỡ I: Chúng ta yêu nhau





Năm Mục vụ Gia đình 2017: Chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống Hôn nhân
Gặp gỡ I: CHÚNG TA YÊU NHAU
Mục đích:
Trước tình hình người ta có những quan niệm rất khác nhau về hai chữ “tình yêu”, những buổi gặp gỡ hội thảo về chủ đề này nhằm giúp các bạn trẻ nhận ra những ý nghĩa khác nhau mà người ta thường gán cho hai chữ đó. Từ đó, họ phân biệt được ý nghĩa thật của tình yêu đôi lứa theo cái nhìn Kitô giáo so với các quan niệm thông thường khác: tình yêu ấy bắt nguồn từ Tình yêu Thiên Chúa và đặt nền tảng trên tình yêu đó; trong cuộc sống hằng ngày tình yêu ấy bị đe dọa bởi những lầm lỗi và tội lỗi của con người; tình yêu ấy cần được không ngừng vun trồng và làm thăng tiến.
Một khi nhận ra và cảm nếm được ý nghĩa đích thực của tình yêu vốn tự nó hướng tới một dự phóng chung trong đời hôn nhân, đôi bạn sẽ thấp thoáng thấy được “Niềm vui của Tình yêu” (Amoris Laetitia) trong đời sống gia đình mình đang hướng tới.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Thiên Chúa là tình yêu. Người đã tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống Ngài, cho họ tham dự vào khả năng yêu thương của Ngài. Chính Ngài đã ban anh chị cho nhau, đã cho anh chị được gặp nhau và đồng hành với anh chị để tình yêu của anh chị mỗi ngày trở nên đích thực hơn: một tình yêu dấn thân trọn vẹn con người mình, như một tặng phẩm dâng hiến cho người kia.
Lời Chúa: trích trong sách Sáng thế
Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra”. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau. (St 2,18-25).
Lời nguyện của đôi bạn:
Chúc tụng Chúa, là Chúa cả trời đất,
Vì Ngài đã ban cho chúng con sự sống và cho chúng con được gặp nhau.
Chúa là suối nguồn của tình yêu nảy nở giữa chúng con và giao phó trách nhiệm cho chúng con:
Xin hãy biến đổi tình yêu ấy mỗi ngày nên đẹp hơn, thật hơn, không vương vấn kiêu căng và ích kỷ, nhưng quảng đại tìm kiếm thiện ích cho tha nhân.
Xin cho chúng con biết dùng lời nói và việc làm tinh tuyền và trong sáng, để biểu lộ sự chân thành trao hiến cho nhau,
hầu gia tăng hiệp thông sự sống, cho tình yêu trở nên mỗi ngày một sâu sắc hơn.
Chỉ như thế chúng con mới có thể cảm nghiệm và làm chứng được tình yêu Chúa vô biên.
Câu hỏi giúp suy tư:
– Ngày nay người ta nghĩ gì về tình yêu?
– Tình yêu có nghĩa gì đối với anh chị?
– Những thứ ảo tưởng nào đe dọa tình yêu?
Suy tư:
Về chữ tình yêu
“Tình yêu” là một trong những từ ngữ được dùng nhiều nhất trong ngôn ngữ tôn giáo và xã hội dân sự nơi mọi dân tộc. Nó diễn tả những kinh nghiệm tôn giáo cao quý nhất, những dâng hiến quảng đại nhất, những kinh nghiệm kỳ diệu nhất… Mọi người đều tưởng mình biết ý nghĩa của tình yêu và hướng đến cùng một thực tại, đang khi thực ra họ hiểu theo những nghĩa khác nhau.
Không chỉ có một loại tình yêu duy nhất: có tình bạn, tình thân tâm giao, tình liên đới vốn khác biệt sâu xa với tình yêu hướng đến cô gái hay chàng trai mà mình phải lòng.
Tình yêu và tình dục
Tình yêu ban đầu khi mới nảy sinh, như bao điều tốt đẹp mới khởi đầu, bao giờ cũng tươi vui và hấp dẫn. Những người đang yêu luôn nhìn nhau trong lý tưởng. Tình yêu nảy nở nhiệm mầu trong con tim của chàng và nàng đòi hỏi đó phải là ái tình duy nhất và không san sẻ và, như thế là vì ta cảm thấy người kia lấp đầy khoảng trống trải ta thiếu thốn. Một mình ta không đủ để có hạnh phúc tròn đầy, ta được dựng nên vì người khác, để hạnh ngộ, để đi vào đối thoại. Ta hiện hữu trong một thân xác, vốn là thân xác của một người nam hay một người nữ, và tính dục là phần quan trọng của cuộc hạnh ngộ này, nhưng tính dục không phải là tất cả tình yêu. Văn hóa ngày nay, ngược lại, thường có xu hướng sống hai thái cực: một đàng, đề cao tính dục vì chính tính dục và ban cho nó những “công trạng” quá mức, đàng khác lại tương đối hóa tính dục đến độ dung tục.
Amoris Laetitia: “Tính dục không phải là một phương tiện để thỏa mãn hay để giải trí, vì nó là một ngôn ngữ liên vị trong đó tha nhân được nghiêm túc trân trọng, trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của người ấy. […] Trong bối cảnh này, ái tình xuất hiện như một sự thể hiện tính dục chuyên biệt của con người. Trong đó, người ta có thể tìm thấy lại “ý nghĩa hợp hôn của thân xác và phẩm giá đích thực của tặng phẩm trao hiến”.[1] Trong các bài giáo lý thần học về thân xác, Thánh Gioan Phaolô II đã dạy rằng thân xác với tính dục dị biệt không những là “nguồn của sự phong nhiêu và sinh sản”, mà nó còn sở hữu “khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu mà chính ở đó con người – nhân vị trở thành một quà tặng”.[2] Một khao khát tình dục lành mạnh, cho dù gắn với một mưu cầu lạc thú, đều giả thiết có một ý thức cảm thán, và chính bởi đó mà nó có thể làm cho các xung năng có tính nhân văn.”[3]
Ý nghĩa của tình yêu
Một khi đã khát khao con người của nhau, đôi bạn dần lớn lên trong tình yêu. Người này cảm thấy một nhu cầu tự nhiên nảy sinh muốn đem lại hạnh phúc cho người kia. Thế nhưng, thói ích kỷ vẫn luôn chực rình chờ, nó thường khiến mỗi người mệt mỏi không còn cố gắng “quên mình” để yêu tha nhân kia. Tình yêu đích thực thì khác với thứ tình yêu hời hợt hay giả hiệu ở chỗ nó có đặc tính của sự hiến trao bản thân: anh yêu em khi anh cảm thấy hạnh phúc vì làm em hạnh phúc, khi anh có thể nghĩ được là đã trao cho em đời sống của anh, hơn là nghĩ nhận lấy được gì từ cuộc sống của em.
Amoris Laetitia: “Trong bài ca đức mến của Thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy một số nét của tình yêu đích thực:
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
Không nóng giận, không nuôi hận thù,
Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”
(1 Cr 13,4-7)”[4].
Một bước sau cùng nữa của tình yêu tăng trưởng, đó là tình yêu thật thì hướng tới một dự phóng chung. Mỗi người, trong suy nghĩ của mình, hết sức chăm chút, ân cần, ra sức, hoàn toàn dấn mình cho việc chọn lựa người bạn đời, trợ tá của nhau, trên hành trình thực hiện viên mãn cuộc sống của mỗi người.
Hơn nữa, tình yêu tuôn tràn trong con tim của hai người nam và nữ thì cởi mở ra với Đấng siêu việt. Cuộc sống của mỗi thụ tạo thì hướng đến Thiên Chúa và mỗi kinh nghiệm, kể cả tình yêu, cũng phải được sống như nó đến từ Thiên Chúa và phải được nghĩ như là một sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Con người vượt qua được nỗi đơn độc nhờ Thiên Chúa, vì Ngài đã thổi vào trái tim con người Thần Khí của Ngài, chính khả năng yêu thương của Ngài. Bởi thế, cả người nam lẫn người nữ đều không thể nói với người bạn đời của mình một cách tuyệt đối rằng: “em là tất cả cuộc sống của anh”, hay “anh là tất cả cuộc sống của em”, và ngược lại. Bởi lẽ họ được tạo dựng cho nhau, và đồng thời cả hai thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, mỗi người đều mang một khát vọng trong mình về vô biên, mà không một con người thụ tạo nào có thể làm thỏa mãn được. Kinh nghiệm hôn nhân phải dành chỗ cho Thiên Chúa Đấng Vô Biên ấy, Ngài muốn đi vào trong cuộc sống của đôi vợ chồng, để “cung cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo của tình yêu nhân loại”[5] nơi họ, để dẫn họ đến bến bờ cuộc sống viên mãn.
Hành trình xây dựng đôi lứa
Tình yêu được sống trong một trạng thái thăng bằng nhưng thường xuyên bấp bênh, được xây đắp ngày này qua ngày khác, và cần được theo đuổi, vun trồng, bảo vệ, dự phòng. Không bao giờ được nghĩ là mình đã đạt tới đích. Tình yêu phải được học hỏi như những điều tốt đẹp trong cuộc sống khiến ta phải học: học yêu. Đức Giêsu minh họa điều này rất hay trong ví dụ hạt lúa phải chết đi nó mới làm trổ sinh nhiều bông hạt, và chính Người đã thực hiện như thế làm cho người ta thấy được trên thập giá, Người đã chọn lựa sống vì yêu, và thế nào là tình yêu đích thực. Việc khó nhất chính là cam kết dấn thân cả đời mình sống vì người khác, trong tư thế như từ bỏ chính mình, bỏ cách nghĩ của mình, bỏ những thói quen của mình, từ bỏ những sở thích, thú riêng tư…
Trợ giúp đôi bạn
Thường đôi bạn hay nhìn xung quanh mình và cảm thấy cô đơn. Nếu có các cặp bạn hữu nào đó để cùng vui sống những giờ phút thư giãn chứ không để bàn những chuyện nghiêm túc, như ngày cuối tuần chẳng hạn, thì rất có ích. Có khi, cũng không hiếm trường hợp, một đôi bạn cảm thấy mình cần gặp gỡ trao đổi với những người khác về những vấn đề hay những khó khăn làm cuộc sống mình bất ổn hay cay đắng. Ngày nay, có nhiều Nhóm các gia đình thân hữu (các cặp đính hôn, vợ chồng trẻ, các gia đình) đang phổ biến, vì tình thân hữu và bằng hữu giúp nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống, và của đôi bạn.
Amoris Laetitia: Đức Giáo hoàng mời gọi: “các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng việc đồng hành với những người đính hôn trong hành trình tình yêu của họ là một việc thiện ích cho chính họ. […] Đối với cộng đoàn Kitô hữu, những người kết hôn là “một nguồn tài nguyên quý giá vì, trong khi chân thành dấn thân lớn lên trong tình yêu và tự hiến cho nhau, họ có thể góp phần đổi mới chính tấm áo dệt nên toàn bộ thân thể Hội thánh. […] Điều quan trọng là “con đường khai tâm” vào Bí tích Hôn nhân khả dĩ cung cấp cho họ những yếu tố cần thiết để có thể lãnh nhận bí tích ấy với những điều kiện tốt nhất và khởi đầu cuộc sống gia đình một cách vững chắc”[6].
“Cũng nên tìm những phương thế để chuẩn bị từ xa khả dĩ giúp cho tình yêu của họ trưởng thành bằng một sự đồng hành gần gũi và chứng từ phong phú. Thường thì rất hữu ích nếu quy tụ được các nhóm bạn đang thời kỳ đính hôn và đề ra những buổi nói chuyện chuyên đề dựa trên một vài chủ đề khác nhau mà người trẻ quan tâm […]”[7].
Thảo luận theo nhóm:
– Chúng ta thường có những phản ứng tức thời nào trước một lời đề nghị của ai đó?
– Người ta có thể thực hiện những chọn lựa nào để gìn giữ phẩm giá của tình yêu trong thời gian đính hôn và trong cuộc sống đôi lứa?
– Anh chị có những dự phóng nào để mỗi ngày lớn lên trong tình yêu? Cần có những chọn lựa ưu tiên nào cho mục đích đó?
– Có mối liên hệ nào giữa tình yêu và tình dục? Đâu là những cản trở chính theo anh chị sẽ có thể gặp phải khi sống tình dục trong viễn ảnh này?
–––––––––––––––––––––
[1] Gioan Phaolô II, Thần học về Thân xác XLVIII, 1, bản dịch Việt ngữ, NXB Tôn giáo 2016, 352.
[2] Gioan Phaolô II, Thần học … cit., 125.
[3] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu),  151.
[4] Amoris Laetitia, cit., 90.
[5] Bênêđictô XVI, Tđ. Deus caritas est, 11. Cf. PhanxicôAmoris … cit., 70.
[6] Amoris Laetitia, cit., 207.
[7] Ibid., 208.

Văn phòng HĐGMVN

Sứ điệp Hoà bình 2017: Lắng nghe và suy nghĩ






Sứ điệp Hoà bình 2017: Lắng nghe và suy nghĩ
1. Đã thành thông lệ, cứ vào ngày đầu năm dương lịch, Đức Giáo hoàng lại ban hành Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới. Điều đặc biệt của Sứ điệp năm 2017: đây là dịp kỷ niệm 50 năm Hội Thánh Công giáo cử hành Ngày Hoà bình Thế giới, và Sứ điệp Hoà bình năm nay là Sứ điệp lần thứ 50.
Năm mươi năm trôi qua nhưng nội dung của Sứ điệp đầu tiên, năm 1967 của Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, vẫn còn nguyên tính thời sự: “Hoà bình là hướng đi duy nhất đích thực của sự phát triển con người – chứ không phải là những căng thẳng tạo ra do những thứ chủ nghĩa quốc gia đầy tham vọng, cũng như những cuộc chinh phục bằng bạo lực, hoặc những cuộc đàn áp nhân danh trật tự xã hội giả tạo” (Sứ điệp, số 1). Có lẽ được gợi hứng từ khẳng định căn bản này cũng như từ thực tế mà thế giới đang đối diện, chủ đề của Sứ điệp năm 2017 là: Bất bạo động, kiểu mẫu của nền chính trị phục vụ hoà bình.
2. Nói đến bất bạo động, người ta dễ nghĩ đến những khuôn mặt nổi bật như Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar Khan trong công cuộc giải phóng Ấn Độ, hoặc mục sư Martin Luther King trong phong trào chống phân biệt và kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Đúng thế, nhưng đừng quên rằng chính Đức Giêsu Kitô mới là đấng khơi nguồn cho chủ trương bất bạo động: “Khi Người ngăn cản những kẻ tố cáo định ném đá người phụ nữ bị bắt vì phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,1-11), và trong đêm Người bị bắt, khi Người ra lệnh cho Phêrô xỏ gươm vào bao (x. Mt 26,52), Chúa Giêsu đã mở ra con đường bất bạo động. Người đã bước đi trên con đường đó đến cùng, đến tận thập giá, ở đó Người trở thành sự bình an và chấm dứt mọi hận thù (x. Eph 2,14-16)” (Sứ điệp, số 3).
Chính vì thế, tất cả những ai mang danh Kitô hữu phải là người thực hành bất bạo động: “Ngày nay, để là những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, phải ôm ấp giáo huấn của Chúa về bất bạo động… Với các Kitô hữu, bất bạo động không chỉ là một ứng xử mang tính chiến thuật nhưng là một lối sống, là thái độ của một người xác tín vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến nỗi không sợ hãi đối diện với sự ác bằng vũ khí của tình yêu và chân lý mà thôi… Mệnh lệnh ‘Hãy yêu thương kẻ thù’ (x. Lc 6,27) phải được xem như hiến chương của bất bạo động Kitô giáo. Điều đó không có nghĩa là bị khuất phục trước cái ác nhưng là lấy sự lành đáp lại điều ác (x. Rm 12,17-21) và do đó, bẻ gẫy dây chuyền của bất công” (Sứ điệp, số 3).
Cũng vì thế, trong thời điểm hiện nay, khi đang có những cuộc khủng bố được dán nhãn tôn giáo, Đức Giáo hoàng Phanxicô có những khẳng định thật mạnh mẽ trước toàn thế giới: “Không có tôn giáo nào là khủng bố cả”; “Không thể lấy Danh Chúa để biện minh cho bạo lực. Chỉ có hoà bình là thánh thiện. Chỉ có hoà bình mới được gọi là thánh, không có chiến tranh nào là thánh cả!” (Diễn văn tại Assisi, ngày 20-10-2016).
3. Vì Chúa Giêsu là đấng khơi nguồn lối sống bất bạo động, nên để sống tinh thần bất bạo động cách đích thực, hãy lắng nghe giáo huấn và chiêm ngắm cách hành xử của Người. Theo Chúa Giêsu, bạo động hay hoà bình đều bắt nguồn từ trong lòng người: “Chính từ bên trong, từ lòng người, mà những ý định xấu xuất hiện” (Mc 7,21). Thế nên, phải bắt đầu xây dựng hoà bình từ bên trong. Phải gieo vãi và ươm trồng hạt giống hoà bình trong tâm hồn. Những phát minh và tiến bộ kỹ thuật, dù tinh vi đến đâu, cũng chỉ là phương tiện. Cội rễ chiến tranh hay hoà bình là ở trong lòng người: “Thật khó để biết rằng thế giới chúng ta hiện nay có nhiều hay ít bạo lực hơn quá khứ, hoặc những phương tiện truyền thông hiện đại và sự năng động ngày nay có làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực không, hay ngược lại, còn làm gia tăng bạo lực” (Sứ điệp, số 2). Người ta vẫn nhắc đến câu châm ngôn “Muốn có hoà bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”. Sẽ thật tuyệt vời nếu hiểu câu nói này từ góc nhìn nội tâm: hãy chiến đấu và chiến thắng những mầm mống tội lỗi trong tâm hồn, hoà bình sẽ xuất hiện trong mọi tương quan của đời sống xã hội.
Nếu bạo lực hay hoà bình đều bắt nguồn từ bên trong, và vì thế, phải gieo vãi và vun trồng hạt giống hoà bình trong tâm hồn từ tấm bé, vậy còn nơi nào lý tưởng hơn môi trường gia đình để làm công việc này? Vì gia đình là nơi vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em, học biết chia sẻ và quan tâm đến nhau. Gia đình là nơi những va chạm, kể cả xung đột, được giải quyết không phải bằng bạo lực nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, thương xót và tha thứ (x. Sứ điệp, số 5). Một khi đã cảm nhận được tình yêu thương, mối quan tâm, lòng quảng đại và sự tha thứ trong bầu khí gia đình, người ta cũng sẽ bước vào đời với tâm hồn rộng mở, biết sẻ chia và nâng đỡ tha nhân hơn là chỉ hành động theo bản năng bạo lực.
Trong suốt ba năm 2017-2019, người Công giáo Việt Nam được mời gọi quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình. Ước gì mỗi gia đình Công giáo thực sự là cái nôi bình an và cống hiến cho đời những sứ giả hoà bình: “Trong gia đình, chúng ta không cần đến bom đạn để hủy hoại hay phục vụ hoà bình – chỉ cần ở với nhau, yêu thương nhau… Và chúng ta sẽ vượt qua mọi cái ác trong thế gian” (Mẹ Têrêxa Calcutta, Diễn văn nhận giải Nobel, 1979).
29/12/2016

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

10 sự kiện Công Giáo nổi bật trong năm 2016

10 sự kiện Công Giáo nổi bật trong năm 2016
1. Vụ giết hại Cha Jacques Hamel tại một nhà thờ ở Normandy (Pháp)

Hồi Tháng Bảy, đang khi Cha Hamel (86 tuổi) cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ St Etienne-du-Rouvray tỉnh Normandie (Pháp) thì hai kẻ tấn công thuộc ISIS xông vào nhà thờ. Các nhân chứng kể lại rằng vị linh mục đã thốt lên: "Satan hãy cút đi!" trước khi chúng cắt cổ ngài.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là Cha Hamel là một vị tử đạo.

2. Hàng triệu bạn trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Kraków (Ba Lan)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bức ảnh selfie với các bạn trẻ Công Giáo trẻ sau khi ngài ăn trưa với họ tại Tòa tổng giám mục Kraków vào cuối Tháng Bảy.

Ngài đã cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại Hội với sự hiện diện của hơn một triệu bạn trẻ.

Cuộc tông du này, bao gồm một chuyến viếng thăm tới trại tập trung Auschwitz, là chuyến đi đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đông Âu.

3. Phát hành Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu) và xảy ra cuộc tranh luận 'dubia' 

Hồi Tháng Tư, Đức Thánh Cha công bố một Tông huấn của ngài về hôn nhân và gia đình dày 255 trang.

Đến Tháng Chín, nhằm muốn có sự rõ ràng về vấn đề ly dị, tái hôn và rước lễ, bốn Hồng Y cùng nộp một bản 'dubia' (yêu sách giải thích) lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã từ chối trả lời họ.

4. Lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa

Sau một tiến trình điều tra nhanh chóng về án tuyên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa vào Tháng Chín.

Các nữ tu đã quy tụ về Nhà Mẹ của Hội Thừa sai Bác ái ở Calcutta để theo dõi buổi lễ này.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô mời người tị nạn đến sống ở Vatican

Sau chuyến thăm một trại tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp với Đức Thượng phụ Đại kết Batôlômêô I, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một nhà lưu trú ở Vatican cho 12 người tị nạn Syria.

Những người tị nạn này được lựa chọn bởi xổ số ngẫu nhiên.

6. Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót

Năm Thánh Lòng Thương Xót tập trung vào việc làm bác ái và tha thứ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chuyến thăm hồi Tháng Chín của ngài tới phòng trẻ sơ sinh của bệnh viện San Giovanni ở Rôma là một kỷ niệm quan trọng nhất của ngài trong năm nay.

7. Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Thụy Điển để kỉ niệm 500 năm Cải cách Tin Lành

Tại một buổi cầu nguyện đại kết ở Thụy Điển đánh dấu kỷ niệm cuộc cải cách Tin Lành diễn ra hồi Tháng Mười, Đức Thánh Cha kêu gọi hòa giải giữa các Kitô hữu.

Ngài đã gặp gỡ Tổng Giám mục Lutheran Ante Jackelén - Giáo trưởng của Giáo Hội Tin Lành Thụy Điển - trong một nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa người Công Giáo và Tin Lành.

8. Kitô hữu Iraq trở về những ngôi nhà thờ đã được giải phóng

Một cuộc tấn công của quân đội Iraq đã giúp Kitô hữu trở về quê hương của họ gần Mosul.

Trong bức ảnh này, một người đàn bà Kitô hữu xúc động khóc khi bước vào nhà thờ St Addai, vốn đã bị chiến binh ISIS làm hư hại trong các vụ tấn công của chúng tại làng Keramlis. Tiếng chuông nhà thờ lần đầu tiên vang lên trong hơn hai năm qua kêu gọi Kitô hữu đến tụ họp để thờ phượng.

9. Người Công Giáo giúp Donald Trump thắng cử

Donald Trump đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ hồi Tháng Mười Một.

Cử tri Công Giáo đã giúp ông đắc cử Tổng thống. Thăm dò cho thấy rằng người Công Giáo bình chọn 52% cho tổng thống đắc cử và 45% cho Hillary Clinton.

10. Đức Hồng Y Sarah kêu gọi các linh mục bắt đầu cử hành Thánh Lễ quay mặt về hướng đông

Tại một hội nghị ở London, Đức Hồng Y Robert Sarah kêu gọi các linh mục quay mặt về hướng đông khi cử hành Thánh Lễ.

Ngài nói: "Quan trọng là chúng ta trở về một mẫu thức chung càng sớm càng tốt, đó là các linh mục và giáo dân quay lại với nhau theo cùng một hướng - hướng về phía đông hoặc ít nhất là hướng mái vòm nhà thờ - nơi Chúa ngự đến".

Vatican đã bác bỏ đề nghị này.

Chân Phương
12/27/2016 (vietcatholic)

HÀNH TRÌNH CHUẨN BỊ HÔN NHÂN: ĐÍNH HÔN


HÀNH TRÌNH CHUẨN BỊ HÔN NHÂN: ĐÍNH HÔN


Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa của Hội đồng Giám mục Việt Nam (ngày 7/10/2016) ấn định chủ đề mục vụ cho năm Phụng vụ 2016-2017 là: “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”. Giai đoạn chuẩn bị cho hôn nhân là thời kỳ “Đính hôn”; đó là giai đoạn các đối tượng trong hôn phối tìm hiểu nhau, đối thoại để san bằng cách biệt, tiến tới hòa đồng trong cảm thức và quyết định đính ước kết đôi; ngõ hầu hôn nhân được thành sự cách tốt đẹp. Xin cùng tìm hiểu ý nghĩa và những đặc điểm của thời kỳ “Đính hôn” trong hôn ước.

I. Khái niệm về Đính hôn:

Truyền thống cưới hỏi cổ thời của Việt Nam thường phải tiến hành theo 6 bước: *1- Lễ nạp thái; *2- Lễ vấn danh; *3- Lễ nạp cát; *4- Lễ nạp tệ (hay nạp trưng);  *5- Lễ thỉnh kỳ; *6- Lễ nghinh hôn (tức lễ rước dâu hay lễ cưới). Ngày nay, lễ nghi cưới hỏi đã được đơn giản đi rất nhiều, chỉ còn 3 lễ: *1- Lễ dạm ngõ; *2- Lễ đính hôn; *3- Lễ cưới (lễ nghinh hôn). Xin giới hạn theo chủ đề bài viết: Thủ tục Đính hôn.

Lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của xã hội loài người. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái. Theo từ nguyên, “Đính hôn” ( 訂 婚 ) có nghĩa: Định trước việc vợ chồng (Đính: Giao ước, ký kết. Hôn: cưới vợ, lấy chồng,). Lễ đính hôn giữ một vai trò rất quan trọng, đó là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Trong lễ này, nhà trai đem lễ vật đến nhà gái, nhà gái nhận lễ (nghĩa là công nhận sự gả con gái của mình), cô gái xem như chính thức đã có nơi có chốn, sau lễ này trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai, và cả 2 bắt đầu tập gọi song thân của người yêu mình là bố mẹ và xưng con.

Với Ki-tô giáo thì “đính hôn” là thời gian chuẩn bị hôn phối, mà “Chuẩn bị hôn nhân là điều rất quan trọng để lời cam kết của đôi hôn phối trở thành một hành vi tự do và có trách nhiệm, cũng như hôn ước có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài.” (Giáo lý HTCG, số 1632); “Trong thời gian thử thách này, họ học biết tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hy vọng được đón nhận nhau như quà tặng của Thiên Chúa. Họ sẽ dành những hành động biểu lộ tình yêu vợ chồng cho nhau sau ngày thành hôn.” (Giáo lý HTCG, số 2350). Trong bài giáo lý về “Hôn nhân gia đình” (giảng ngày 27/5/2016 tại quảng trường thánh Phê-rô), ĐTC Phan-xi-cô đã giải thích rõ ràng về vấn đề này:

“Đính hôn – chúng ta nghe bằng từ ngữ – nó có liên hệ đến sự tín thác, tin tưởng, đáng tin cậy – sự tin thác trong ơn gọi mà Thiên Chúa trao ban, bởi vì hôn nhân trước hết là sự khám phá ra ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Chắc chắn đó là một điều tốt lành mà ngày nay người trẻ có thể chọn để lập gia đình trên nền tảng tình yêu dành cho nhau. Tuy nhiên, sự tự do ràng buộc đòi hỏi một sự nhận thức hoà hợp về quyết định, không chỉ đơn thuần là hiểu về sự hấp dẫn của cảm xúc hay một khoảnh khắc, một thời gian vắn vỏi, thoáng chốc….nó đòi hỏi cả một cuộc đời. Nói cách khác, việc đính hôn là thời gian mà trong đó đôi bạn được mời gọi tích cực yêu thương, dự phần và chia sẻ để đi vào chiều sâu. Khi họ khám phá ra nhau, đó là người nam “học biết” về người nữ, người vợ sắp cưới; và người phụ nữ “học biết” người nam, vị hôn phu của mình.”

Vì tính cách quan trọng của thời kỳ đính hôn, nên xin dựa vào “Gợi ý Mục vụ 2017” của HĐGMVN để cùng học hỏi:

II. Đăc điểm của thời kỳ Đính hôn:

1- Đính hôn – thời gian của tăng trưởng: Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” (số 1) giải thích về giá trị của hôn nhân: “Vì biết rằng hôn nhân và gia đình là một trong những điều thiện hảo quý giá nhất của nhân loại, Giáo Hội muốn ngỏ lời và đem lại sự nâng đỡ cho những người đã biết được giá trị của hôn nhân cũng như gia đình và đang cố gắng sống trung thành với giá trị đó, cho những người đang sống trong ngập ngừng âu lo và đang đi tìm chân lý, cho những người đang bị ngăn cản cách bất công, không được tự do sống những dự phóng của gia đình họ. Trong khi đem lại sự nâng đỡ cho nhóm thứ nhất, ánh sáng cho nhóm thứ hai và sự trợ giúp cho nhóm người thứ ba, Hội Thánh muốn đem thân phục vụ mọi người đang bận tâm lo lắng cho số phận của hôn nhân và gia đình. Giáo Hội đặc biệt ngỏ lời với các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân trên con đường hôn nhân và gia đình, ngõ hầu mở ra cho họ những chân trời mới bằng cách giúp họ khám phá ra vẻ đẹp và sự cao cả của ơn gọi sống tình yêu phục vụ cho sự sống.”

Cũng vì thế, nên cần có thời gian chuẩn bị chu đáo cho hôn nhân được diễn ra. Thời gian dành cho thời kỳ đính hôn (từ lễ đính hôn đến lễ cưới) là trong khoảng từ 6 tháng tới một năm (có thể kéo dài hơn nếu gặp những trở ngại bất khả kháng, chẳng hạn như bất ngờ cha hay mẹ đôi bên từ trần, phải “cư tang” – chịu tang, giữ tang – 3 năm). Thời gian đính hôn là một cơ hội thuận tiện, cho phép cả hai tìm hiểu lẫn nhau để xem tình yêu của mình có được đặt trên một nền tảng vững chắc hay không? Trong giai đoạn này, họ có thể có những tranh luận hoặc bất đồng ý kiến với nhau trong khi thảo luận hay nói chuyện (đối thoại). Họ có thể dò xét những sở thích của nhau, tìm hiểu những ưu khuyết điểm của nhau và giúp nhau vượt qua những tính hư nết xấu nếu có. Dần dà như thế, họ có thể hiểu rõ hơn về đối tượng của chính mình để có một cái nhìn trung thực và chuẩn xác hơn; với hy vọng sau này họ sẽ khắc phục được những khó khăn khi về chung sống với nhau trong tư cách là vợ chồng.

So với bậc cha mẹ thuở xưa, người trẻ hôm nay, có rất nhiều tự do trong việc chọn lựa cho mình một người bạn đời; nhưng điều ấy cũng kèm theo sự gia tăng về trách nhiệm cá nhân. Điều ấy, nhìn theo khía cạnh tích cực thì nó có thể diễn tả sự trưởng thành trong quyết định của chính họ. Tuy vậy, cũng gặp không ít những khó khăn khi phải đối diện và bị ảnh hưởng bởi những trào lưu tư tưởng hiện đại, coi nhẹ giá trị của đời sống gia đình và định chế hôn nhân. Có thể nói điểm then chốt cơ bản trong thời kỳ đính hôn là thời gian để cả hai bên tìm hiểu, xem xét lẫn nhau, đồng thời thể hiện sự trưởng thành trong nhận thức và nhất là trong đức tin khi tìm về ý nghĩa cao cả của “hôn nhân trong Chúa”; bởi “Đây là thời kỳ đôi bạn sống trong niềm hân hoan và với cả những khó khăn, để hiểu biết nhau sâu đậm hơn và với cả những hiểu lầm, khó hiểu về nhau. Nếu thời kỳ này được sống cách nghiêm túc và trưởng thành, đó sẽ là thời gian thuận lợi cho đôi bạn đối diện và đối thoại với nhau, cùng tiến tới trên hành trình tăng trưởng nhằm xây dựng quan hệ lứa đôi.” (Gợi ý Mục vụ 2017, số 1).

2- Đính hôn – thời gian của trách nhiệm: Mục đích của hôn nhân Ki-tô giáo là để cho hai người phối ngẫu giúp nhau trở thành những con người như Thiên Chúa đã tạo dựng và mong muốn. Thiên Chúa không những thiết lập bí tích Hôn Phối để hai người nam nữ yêu thương nhau, mà còn giúp nhau khám phá và sống bản sắc của họ trong Chúa Ki-tô. Ấy là chưa kể còn được vui hưởng một vinh dự là cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Người (“Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể  làm được nếu ta không cộng tác với Người.” – Thánh Au-gus-ti-nô).

Nói cách khác, hôn phối Ki-tô giáo là một cuộc sống chung, trong đó hai người phối ngẫu đón nhận, thực hiện ơn gọi và thể hiện trách nhiệm cộng tác vời Thiên Chúa  trong vấn đề truyền sinh (sinh đẻ và dạy dỗ con cái). “Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ việc thể hiện ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế, mặc dù không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân. Nhờ đời sống lứa đôi, Người làm cho gia đình của Người ngày càng tiến triển và phong phú." (Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes”, số 50).

Trong thư gởi cho giáo đoàn Rô-ma, thánh Phao-lô xác quyết: “Dù sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm 14, 8). Qua hôn phối, Chúa Ki-tô ủy thác cho người tín hữu một trách nhiệm cao cả là chuẩn bị cho người phối ngẫu của mình được sống mãi với Chúa và trong Chúa. Đây chính là ý nghĩa của lời khuyên dành cho hai người phối ngẫu trong ngày thành hôn. Mỗi người phải trở thành một Chúa Ki-tô cho nhau. Thật ra, thánh hóa là mục đích của mọi bí tích, cho nên khi lãnh nhận bí tích Hôn Phối, hai người phối ngẫu được trao phó cho trách nhiệm là thánh hóa lẫn nhau. Khi kết hôn đôi bạn đă được Chúa trao cho một trách nhiệm trọng đại là giúp cho người bạn đời của mình trở thành con người như được Chúa tạo dựng và mong muốn.

Giáo lý HTCG (số 1638) đã lý giải: "Do hôn phối hữu hiệu, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Ngoài ra, trong hôn phối Ki-tô giáo, do một bí tích riêng biệt, vợ chồng được củng cố và như thế được thánh hiến nhằm tới thiên chức và những trách nhiệm của bậc sống" (x. CIC 1134).” Chính vì thế, nên “Thời đính hôn được xem như là thời gian của trách nhiệm. Thật vậy, trong viễn cảnh của ơn gọi, đây là thời gian thuận tiện để làm sáng tỏ hơn lần đầu tiên ơn gọi cá nhân đi đến kết hôn với người bạn của mình. Đây là một quyết định tạo khoảng không gian để kiểm nghiệm sau đó hướng tới lời ưng thuận dứt khoát mà hai người sẽ tuyên bố trong ngày cử hành hôn phối. Trách nhiệm của đôi bạn đính hôn được biểu lộ qua việc xây dựng mối quan hệ của họ ngày càng bền chặt, nhưng cũng đòi hỏi phải nuôi dưỡng và củng cố mối quan hệ thời kỳ này bằng một tình yêu thanh khiết.” (“Gợi ý Mục vụ 2017”, số 2).

3- Đính hôn – thời gian của ân sủng: Nói đến ân sủng của bí tích Hôn phối, Giáo lý HTCG (số 1641-1642) đã khẳng định: "Các đôi vợ chồng Ki-tô giáo được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa" (x. LG 11). Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn Phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. Nhờ ân sủng này, "họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái" (x. LG 11; LG 41). Quả thật “Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Ki-tô hữu, được kết hiệp do cùng một niềm hy vọng, cùng một ước nguyện, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ. Cả hai cùng là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa; không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong xác thịt; ngược lại, họ là hai trong cùng một xác thịt. Ở đâu có cùng một xác thịt, cũng có cùng một tinh thần." (Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 13).

Nhờ sức mạnh thiêng liêng của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Ki-tô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú trong hôn ước giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội (Ep 5, 32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng từ đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa. Sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử. Điều đó cho thấy chính từ nguồn cội Giao ước Tình Yêu giữa Thiên Chúa và con người trong công trình sáng tạo, bí tích Hôn Phối là một ân sủng – một đặc ân độc nhất vô song – mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại.

Tông huấn “Familiaris Consortio” (số 3) xác quyết: “Được Thiên Chúa thiết định ngay từ hồi sáng thế, hôn nhân và gia đình tự bản chất đã nhất thiết phải được hoàn tất trong Chúa Ki-tô và cần có ân sủng của Ngài để được chữa lành khỏi vết thương tội lỗi và được đưa về “tình trạng nguyên thuỷ”, nghĩa là nhận biết trọn vẹn và thực hiện đầy đủ ý định của Thiên Chúa. Trong một giai đoạn lịch sử mà gia đình đang bị nhiều sức ép tìm cách huỷ diệt hay ít ra là muốn làm méo mó nó, Hội Thánh – vì biết rằng lợi ích của xã hội và lợi ích riêng của mình đều được liên kết mật thiết với lợi ích của gia đình – nên đã ý thức một cách mạnh mẽ và bức thiết rằng, mình có sứ mạng công bố cho mọi người biết ý định Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, bằng cách bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống tràn đầy cũng như sự thăng tiến về phương diện nhân bản cũng như Ki-tô giáo, và như thế là góp phần vào việc canh tân xã hội và canh tân Dân Thiên Chúa.”

Bí tich Hôn Phối là một ân sủng, vậy thì thời gian chuẩn bị đón nhận bí tích ấy – thời kỳ đính hôn – cũng tất nhiên là một ân sủng. Thật vậy, thời đính hôn chính là thời gian để khám phá rồi sống những điều đã được thiết định ấy. Phải chân nhận đây là thời gian của ân sủng: một ơn huệ Thiên Chúa ban cho các người trẻ, nam cũng như nữ. Với ơn ấy, các bạn trẻ có khả năng làm triển nở tình yêu của họ đến mức trưởng thành, họ học tập nhìn và sống tình yêu ấy như một sự thông dự vào tình yêu của Đức Ki-tô bằng cách học hướng đến chính lý tưởng yêu thương: Thiên Chúa là Tình Yêu.

Cũng bởi vì “Nhờ đức tin soi sáng, một lần nữa Hội Thánh biết được tất cả sự thật về điều thiện hảo quý giá là hôn nhân và gia đình, và về ý nghĩa sâu xa nhất của các thực tại ấy. Hội Thánh còn thấy được tính cách khẩn thiết phải rao giảng Phúc Âm, tức là Tin Mừng, cho tất cả mọi người, nhưng cách riêng là cho những ai được mời gọi sống đời hôn nhân và đang chuẩn bị bước vào đời sống đó, cho mọi đôi vợ chồng và cho tất cả những bậc cha mẹ trên thế giới. Hội Thánh xác tín sâu xa rằng, chỉ khi nào biết tiếp nhận Tin Mừng, người ta mới có thể chắc chắn thực hiện được trọn vẹn tất cả những gì mà con người đang hy vọng cách chính đáng nơi hôn nhân và gia đình.” (“Gợi ý Mục vụ 2017”, số 3).

III. Kết luận:

Tóm lại, “Hôn nhân là một ơn gọi (x. 1Cr 7, 7.17), là tiếng Chúa kêu gọi mỗi người theo mỗi cách. Nó được ghi khắc trong ơn gọi bẩm sinh và nền tảng của mỗi người hướng đến tình yêu. Đó là ơn gọi bởi vì ở nguồn cội của nó là một hành động vĩnh cửu tiền định cho ta nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu: Thiên Chúa đã yêu dấu và quý mến tưởng nghĩ đến chúng ta như là hình ảnh Con của Ngài theo ơn huệ và đặc sủng tiêu biểu của đời đôi bạn. Chúa Thánh Thần hoạt động trong mầu nhiệm ơn gọi hôn nhân này làm sao để hai người được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô theo đặc sủng tình yêu phu thê. Tất cả những điều này được dần dần tỏ lộ ra trong thời gian, cách riêng trong thời kỳ đính hôn, chúng còn được hiểu và sống như là thời gian để chứng nghiệm ơn gọi này. Toàn bộ cuộc hành trình rồi sẽ đi tới lúc hai người tuyên bố long trọng và đóng dấu ấn dứt khoát trong cử hành bí tích hôn phối và đòi hỏi phải được sống trong cuộc sống hôn nhân và gia đình mỗi ngày.” (“Gợi ý mục vụ 2017”, số 2).

Theo viễn tượng ấy, thời kỳ đính hôn là thời gian của tăng trưởng trong đức tin, cầu nguyện, tham dự vào đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Cổ nhân đã từng dạy: “Công dục thiện kỳ sự tất tiên lợi kỳ khí” (Người thợ muốn làm ra sản phẩm tốt thì trước hết phải có công cụ thật tốt). Theo nhận xét chung, có tính cách mục vụ, thì những người trẻ sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, nếu họ bằng lòng chịu khó chuẩn bị cho mình một cách tỉ mỉ bằng việc tham dự học hỏi cho đến nơi, đến chốn, các lớp dự bị về hôn nhân, thì họ sẽ có nhiều điều kiện và cơ hội hơn, để xây dựng mái ấm gia đình được bền lâu, và họ sẽ sống hạnh phúc với nhau bền lâu trong ân nghĩa Chúa.

Đối với cộng đoàn Hội Thánh địa phương (Giáo xứ, Giáo hạt, Giáo phận) phải có trách nhiệm tổ chức các khóa dự bị hôn nhân cho giới trẻ và nói chung cho những cặp phối ngẫu đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Đây là điều tối cần thiết cho tất cả những ai muốn bước vào đời sống gia đình, muốn xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc (“Phải biết giáo dục thanh thiếu niên hợp thời và hợp cách về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình yêu vợ chồng, nhất là trong chính khung cảnh gia đình. Nhờ đó, một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, họ có thể tiến tới hôn nhân sau khi sống đúng đắn giai đoạn đính hôn – x. GS 49, 3” – GL/HTCG, số 2350). Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.