Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Kinh Thánh Giuse Niềm Vui Mỗi Ngày -01.3.2021



Niềm Vui Mỗi Ngày
 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 
1 tháng 3.2021

 
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
 
Kinh Thánh Giuse
 
Hội Thánh Latinh trong truyền thống phụng vụ dành ngày thứ tư để kính thánh Giuse.
 
Toà Ân giải Tối cao rộng ban ơn Toàn xá cho những Kitô hữu thực hành một việc đạo đức kính Thánh Giuse, hoặc đọc một bản kinh đã được chuẩn nhận hợp luật, đặc biệt trong các ngày 19 tháng Ba và 1 tháng Năm, ngày lễ kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, ngày Chúa nhật kính Thánh Giuse (theo truyền thống Byzantin), ngày 19 mỗi tháng và ngày thứ Tư mỗi tuần, vẫn được dành để kính Thánh Giuse theo truyền thống Latinh (1).
 
Sự tôn kính thánh Giuse có căn bản trong Tin Mừng, song phải chờ thời gian mới phát triển trong toàn Hội Thánh.
 
Giêsu-Maria-Giuse, ba Ðấng liên kết chặt chẽ với nhau theo mối quan hệ gia đình hết sức tự nhiên. Không thể nghĩ tới Con, tới Mẹ mà lại không nghĩ tới Cha được.
 
Những thế kỷ đầu, các Giáo phụ như Gioan Kim Khẩu, Giêrônimô, Âugutinh đã nhiệt liệt ca ngợi quyền cao chức trọng thánh Giuse trong bài giảng và tác phẩm của mình. (2)
 
Đây là Lời nguyện xin mọi ơn lành dâng thánh Giuse được viết vào khoảng năm 50, và đã mang lại nhiều ơn ích cho những ai siêng năng cầu khẩn cùng ngài.
 
“Ôi, lạy Thánh Giuse, thật lớn lao, mạnh mẽ và tức thì biết bao sự bảo trợ của ngài trước Ngai Thiên Chúa, con xin phó dâng cho ngài tất cả những ước nguyện của con. Lạy thánh Giuse, xin giúp con bằng lời chuyển cầu quyền phép trước dưỡng tử của ngài là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để con được hưởng những ơn ích thiêng liêng. Từ dưới đất này, con hướng về ngài đang ở trên nước Thiên Đàng với tất cả lòng biết ơn và tôn kính. Ôi lạy thánh Giuse, con không bao giờ mệt mỏi khi chiêm ngắm ngài cùng với Hài Nhi Giêsu đang ngủ yên trong tay ngài. Con không dám đến gần khi Người đang nằm nghỉ nơi cận kề trái tim ngài. Xin hãy thay con ôm Người, hôn vào khuôn mặt dễ thương của Người và xin Người hãy hôn lại con khi con chuẩn bị lìa thế. Lạy thánh Giuse, đấng bảo trợ kẻ mong sinh thì, xin cầu cho con. Amen.(3)
 
* Kinh khấn thánh Giuse bảo trợ những vụ khó khăn
 
Lạy thánh Giuse, xưa nay không ai kêu cầu Cha mà vô hiệu. Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi người ta có thể nói rằng:” Trên Trời thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”.
 
Lạy Cha hiền, xin cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho chúng con. Khi ở thế gian này. Cha đã từng là Cha nuôi và là vị bảo hộ trung thành của Chúa Con Chí Thánh, nay xin Cha bào chữa cho chúng con bên tòa Chúa. Chúng con trao phó nơi Cha vụ khó khăn này (…) Xin Cha giải gỡ giúp chúng con, để thêm một vinh quang mới vào bao nhiêu vinh quang sẵn có của Cha.
 
Lạy Thánh Giuse nhân từ, chúng con tin tưởng. Vâng, chúng con tin tưởng Cha có thể chấp nhận lời nguyện của chúng con và giải thoát chúng con khỏi những khổ cực ưu sầu mà chúng con đang gặp phải. Hơn nữa, chúng con vững lòng trông cậy. Cha không bỏ qua điều gì giúp cho những người sầu khổ kêu cầu Cha. Chúng con sấp mình dưới chân Cha, tha thiết nài xin Cha đoái thương đến những than van khóc lóc của chúng con. Xin Cha lấy tình thương như áo choàng che phủ chúng con và chúc lành cho chúng con. Amen.(4)
 
Lạy thánh cả Giuse, xin thương chúng con khi chúng con chạy đến cùng ngài.
 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
 
Nguyễn Thái Hùng
 
+++++++++++++++
 
 (1) https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/sac-lenh-cac-an-xa-dac-biet-trong-nam-kinh-thanh-giuse-41281
(2) (https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/lich-su-viec-ton-kinh-thanh-giuse-37483)
(3) https://dongten.net/2021/02/16/loi-cau-nguyen-day-uy-the-truoc-thanh-giuse/
 (4) http://xuanbichvietnam.net/trangchu/cac-kinh-kinh-thanh-giuse/a

Thánh Giuse Người Cha Dịu Dàng

 



Thánh Giuse Người Cha Dịu Dàng
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Thánh Giuse Người Cha Dịu Dàng

Đức tính dịu dàng của Thánh Giuse là điểm thứ hai Đức Thánh Cha đề cập đến, ngài viết : Thánh Giuse là người cha dịu dàng, nơi ngài, “Chúa Giêsu nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa” (x. Patris Corde, số 2).

Nói đến sự dịu dàng thường ta nghĩ ngay đến người mẹ cả trong văn chương cũng như trong đời sống, người cha thường cứng cỏi. Nói như vậy không có nghĩa là tình phụ tử giữa Thánh Giuse và Chúa Giêsu không bao la, trìu mến.

Nếu Đức Maria là người chăm sóc Chúa Giêsu, sớm khuya lo lắng cho con từ bữa ăn giấc ngủ với sự dễ thương của tình người mẹ, thì Thanh Giuse với tầm nhìn cao và mạnh mẽ hơn, là trụ cột gia đình, bảo vệ vợ con, vất vả mưu sinh, phải dịu dàng lắm mới nuôi được Con Đức Chúa Trời, gìn giữ Đức Nữ Đồng Trinh, là cột trụ cho gia đình được vững và là người dạy dỗ. Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu : “Ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4).

Tuổi thơ của Chúa Giêsu được Thánh Giuse bồng ẵm, áp má, nụ hôn, xoa đầu cách dịu dàng trìu mến, tay Chúa Giêsu lúc 12 trong tay Thánh Giuse dắt lên Đền thờ dự lễ. Chắc chắn Thánh Giuse là người cha dịu dàng, mềm lòng và quan tâm lắm mới có thể yếm Hài Nhi Giêsu như thế. Sự dịu dàng của Thánh Giuse đã ảnh hưởng trên cách sống và hành xử của Chúa Giêsu. Điều này không có sai, khi Đức Thánh Cha viết : “Trong những năm sống ẩn dật ở Nadarét, Chúa Giêsu đã học ở trường học của thánh Giuse…” (x. Patris Corde, số 3).

Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là bậc thầy của người có lòng dịu dàng. Vì có lòng dịu dàng thì Chúa Giêsu mới bảo các tông đồ hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa, để Người chạm đến chúng, vuốt ve chúng và trò chuyện với chúng (x.Mc 10,13-16). Có lòng dịu dàng trìu mến, Chúa Giêsu mới tiếp xúc gần gũi và chữa lành người mù, người câm điếc, người què quặt, người bị quỷ ám và người tội lỗi. Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình bị ném đá là một minh chứng cho ta thấy Chúa Giêsu là một người có lòng dịu dàng trìu mến. Chúa đã không lên án, kết án và nóng giận với người phụ nữ ấy. Ngài đến gần, mỉm cười và tha thứ tất cả những lỗi tội của người phụ nữ.

Sự dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. Chỉ tay và phán xét người khác thường là dấu hiệu của việc không thể chấp nhận sự yếu đuối, sự mong manh của bản thân chúng ta. Chỉ có tình yêu dịu dàng mới cứu chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của kẻ tố cáo (x. Kh 12,10).

Thời nào cũng vậy, vẫn có những người cha không hoàn hảo. Những người cha đánh đập chính những đứa con của mình. Vì họ bất lực trong cuộc sống, nên đánh đập chính con để giải sầu. Cũng có những người cha nghiện ngập, chỉ biết rượu chè, cờ bạc, hút chích, chẳng quan tâm gì đến con cái, chỉ biết có bản thân mình. Và những đứa trẻ, thật bất hạnh khi sống cùng những người cha như vậy.

Chúng ta không phủ nhận gánh nặng của người cha, người trụ cột trong gia đình là rất lớn. Cho nên, tất cả những công việc mà người cha phải gánh vác thật là nhiều, khiến cho người cha dễ nổi nóng, nghiêm khắc, hay khó tính. Nhiều người cha mang trong mình nhiều nỗi ưu tư, trăn trở về cuộc sống. Làm sao có thể chăm sóc, nuôi dưỡng con cái cho thật tốt. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đến với Thánh Giuse để học nơi Ngài sự dịu dàng.

Thánh Giuse dạy chúng ta rằng đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng Ngài có thể hành động cả khi chúng ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Ngài cũng dạy chúng ta rằng giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối cho chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn (Patris Corde, số 2).

Tình thương được diễn tả bằng nhiều cách. Dịu dàng sẽ làm cho động lực yêu thương đạt hiệu năng giáo dục cao. Có những người bề ngoài nóng nay nhưng cũng chỉ vì thương. Nhấn mạnh đến "dịu dàng" là chúng ta muốn nhắm đến không chỉ tình yêu thương, mà còn phải để ý đến cách ứng xử dịu dàng, dễ mến, dễ gần nữa.

Kính xin Thánh Giuse, người cha dịu dàng trợ giúp chúng ta.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Vietcatholic News

Phái Ngũ Tuần và những thách đố cho Giáo hội Công giáo

 

Phái Ngũ Tuần và những thách đố cho Giáo hội Công giáo

      
  •  


PHÁI NGŨ TUẦN VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Một số thông tin

Phái Ngũ Tuần hay còn được gọi là phong trào Hiện Xuống (Pentecostalism) mới chỉ bùng nổ vào những năm 1906-1909 ở Azusa Street tại Los Angeles (Hoa Kỳ), thế mà chỉ sau 100 năm, số tín đồ hiện tại (bao gồm cả phong trào canh tân đặc sủng của Công giáo) đã lên tới 600 triệu người, nghĩa là trở thành cộng đồng Kitô hữu lớn hàng thứ hai, chỉ sau Giáo hội Công giáo (1 tỷ 100 triệu) và lớn hơn các Giáo hội Tin Lành khác. Riêng tại Á châu, con số tín đồ thuộc phong trào này đã lên tới 135 triệu, phần lớn ở Hàn quốc, Trung Hoa, An Độ, Indonesia, nhưng cũng khá mạnh tại Philippines, Myanmar và Nhật Bản.

Sự phát triển của phong trào Hiện Xuống đồng thời cũng là mối đe dọa nặng nề cho Giáo hội Công giáo, bởi lẽ khá nhiều tín hữu công giáo đã rời bỏ Giáo hội để gia nhập phong trào này. Từ sheep-stealing (ăn cắp chiên) được sử dụng nghe sao cay đắng và xót xa cho dẫu phản ánh khá trung thực cách thế mà phong trào này áp dụng để lôi kéo tín đồ, những cách thế không mấy phù hợp với tinh thần Kitô giáo. Tình hình này đã là nỗi băn khoăn mà các giám mục từ nhiều miền trên thế giới đề cập với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI suốt 20 năm qua.

Ngoài ra, cũng nên ghi nhận phong trào này đã có mặt tại Việt Nam nhưng xem ra người Công giáo Việt Nam không nắm được tình hình. Theo phân tích của các chuyên viên thì phong trào này đã có mặt tại nhiều nước trong khu vực Á châu nhưng ở những giai đoạn khác nhau: giai đoạn ấu thơ, giai đoạn đang phát triển, và giai đoạn thành công rực rỡ.  Theo đó, phong trào Hiện Xuống tại Việt Nam được xếp vào giai đoạn ấu thơ, nghĩa là đã có sự hiện diện và đang tìm đường phát triển. Từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, cánh cửa đất nước mở rộng cho tiến trình toàn cầu hoá, đây là cơ hội thuận tiện cho phong trào này phát triển mạnh như tại Hàn quốc, Singapore, Malaysia, Philippines, và Indonesia.

Và những bài học

Những thông tin trên kéo theo những nỗi e ngại khi tự hỏi: Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đã biết đến tình hình này chưa? Đối diện với tình hình đó, định hướng mục vụ nào có thể được coi là thích hợp và hiệu quả nhất?

Có lẽ phản ứng tự nhiên là lên án, lên án những sai lầm về mặt đức tin cũng như cách thế chiêu dụ tín đồ của phong trào này. Thế nhưng nếu chỉ ngưng lại ở đó thì liệu có ích lợi gì ? Chính ở đây, khá nhiều bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm mục vụ của các Giáo hội chị em tại châu Á.

Bài học đầu tiên là cần mang lấy một lối nhìn tích cực hơn là tiêu cực, nghĩa là khám phá nơi đó sự hồi sinh tôn giáo. Chính Đức Gioan Phaolô II là người đi bước trước về thái độ này. Trong thông điệp Redemptor hominis, Ngài đã nhìn vấn đề và những thách đố của nó trong bối cảnh của một cuộc hồi sinh tôn giáo khi ngài viết: “Thời đại chúng ta vừa vĩ đại vừa hấp dẫn. Một đàng, trong khi xem ra người ta đang theo đuổi sự thịnh vượng vật chất và càng lúc càng chìm sâu trong chủ nghĩa tiêu thụ và duy vật, đàng khác ta lại đang chứng kiến sự kiếm tìm ý nghĩa đời sống, nhu cầu đời sống nội tâm, và một khát vọng học hỏi những hình thức và phương pháp mới giúp suy niệm và cầu nguyện. Không chỉ trong các nền văn hoá vốn có những yếu tố mạnh về tôn giáo nhưng ngay cả trong những xã hội tục hoá, người ta vẫn kiếm tìm chiều kích thiêng liêng của đời sống như phương thuốc chống lại tình trạng phi nhân. Hiện tượng này, cái được gọi là sự hồi sinh tôn giáo, không phải là không mơ hồ nhưng cũng là một cơ may” (số 38). Là một cơ may bởi lẽ người môn đệ Chúa Giêsu có thể giới thiệu cho thời đại này Tin Mừng như là lời đáp trả tuyệt hảo cho những khát vọng căn bản và sâu xa nhất của con người. Thế nhưng vấn đề là tại sao người ta không tìm thấy câu trả lời trong Giáo hội Công giáo mà lại đi tìm ở nơi khác, kể cả người Công giáo cũng bỏ đạo mà đi theo họ?

Câu hỏi đó dẫn đến bài học thứ hai mà hội nghị này muốn mọi tham dự viên quan tâm, ấy là thay vì trách người thì phải trách mình, thay vì vội vã lên án thì phải tự tra vấn cung cách làm mục vụ của mình. Đức Hồng y Walter Kasper đã nhấn mạnh đặc biệt điểm này khi ngài nói: Phản ứng đầu tiên của ta là phải nghiêm túc xét lại cách làm mục vụ của mình. Phải tự hỏi xem tại sao một số người Công giáo lại bỏ Giáo hội và trở thành những nạn nhân của các giáo phái và các nhóm ngoài Công giáo? Chúng ta không nên chỉ dừng lại với câu hỏi: đâu là điểm sai lầm của những giáo phái này, nhưng phải tự hỏi chính mình sai ở chỗ nào? Trong lòng Giáo hội, tín hữu cảm thấy thiếu thốn điều gì đến nỗi phải bỏ Giáo hội mà đi tìm trong những phong trào và giáo phái khác? Ta có thể học được điều gì từ họ?

Phong trào Hiện Xuống nhấn mạnh đến ba điểm, có thể được tóm tắt bằng ba từ tiếng Anh: believing, belonging, và behaving.

Believing là tin. Dĩ nhiên cả người Công giáo cũng như tín đồ của phong trào Hiện Xuống đều nhấn mạnh đến đức tin. Thế nhưng điều đáng nói là phong trào Hiện Xuống đề cao cảm nghiệm, cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, cảm nghiệm sự hiện diện và tác động của Thánh Thần, được biểu hiện cách cụ thể qua các đặc sủng, việc nói tiếng lạ, chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn... Những câu hỏi mà các tín đồ của phong trào Hiện Xuống hay đặt ra cho người khác là: Bạn đã gặp Chúa chưa? Bạn đã nhận Chúa Giêsu vào lòng bạn chưa? Bạn đã thực sự là Kitô hữu chưa? Bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chưa?  Đồng thời những buổi cầu nguyện của phong trào này thường đầy cảm xúc, tác động mạnh trên tình cảm của người tham dự.  Trong khi đó, xem ra phía Công giáo nhấn mạnh nhiều đến chân lý về mặt tri thức và có vẻ coi nhẹ cảm nghiệm vì cho rằng nó nặng cảm tính và dễ mang tính chủ quan. Câu hỏi có thể đặt ra là phải chăng chúng ta đã quá nhấn mạnh đến ý tưởng hơn là tình cảm, đến chân lý khách quan (objectivity) mà xem thường sự đáp ứng chủ quan của tín hữu (subjectivity)? Chẳng hạn như trong công tác giảng dạy, ta nhấn mạnh nhiều đến những lý luận mà không quan tâm xem những lý luận đó tác động trên tình cảm người nghe ra sao và được đón nhận thế nào. Rồi cử hành phụng vụ của ta không biết có tác động trên tâm hồn người tham dự không hay chỉ là những nghi thức máy móc, vô hồn? Nếu khoa tâm lý ngày nay nói với ta rằng không phải những ý tưởng nhưng chính tình cảm mới là cái gì sâu xa nhất nơi con người và có thể huy động sức mạnh của toàn bộ con người, thì nhận xét đó lại chẳng nên quan tâm trong cung cách làm mục vụ sao?

Thế rồi khi người Kitô hữu đặt niềm tin vào Chúa Kitô, thì đồng thời họ thuộc về Giáo hội của Chúa, đó là belonging. Nói về mặt lý thuyết là thế nhưng vấn đề là trong thực tế, người tín hữu có cảm nhận được rằng họ đang thuộc về một cộng đoàn, và được cộng đoàn đó yêu thương, quan tâm chăm sóc không. Không ít người cho rằng các cộng đoàn giáo xứ công giáo thường rộng lớn với nhiều ngàn người, vì thế khi đến nhà thờ dâng Thánh lễ, nhiều tín hữu cảm thấy mình như kẻ xa lạ và vô danh chứ không phải là thành viên của một cộng đoàn. Ấy là chưa kể đến một vài người có trách nhiệm mục vụ lại thích mang bộ mặt hình sự với giáo dân! Có vị giám mục Hồng Kông kể rằng có nhiều người công giáo Philippines sang Hồng Kông làm việc, và mỗi Chúa nhật, họ đến dự những buổi cầu nguyện của phong trào Hiện Xuống chứ không đi dâng lễ. Lý do là vì ở đó họ gặp được sự đón tiếp rất nồng hậu và cảm thấy được thoát ra khỏi tâm trạng cô đơn của những người phải làm việc xa nhà. Còn vị giám mục ở Mindanao, Philippines thì chia sẻ rằng ngài không phải lo lắng gì về phong trào này trong giáo phận của ngài, vì phần lớn các tín hữu thuộc về những cộng đoàn giáo hội cơ bản rất gắn bó với nhau và quan tâm chăm sóc cho nhau những gì rất cụ thể trong đời sống. Âu cũng là những kinh nghiệm quý báu cho các mục tử.

Cuối cùng, behaving là lối sống của những ai tin vào Chúa Kitô. Ở đây không muốn nói đến chuyện luân lý đạo đức nhưng chỉ liên tưởng đến điều mà Đức Hồng y Walter Kasper nhìn nhận rằng người Công giáo nên học hỏi từ các tín đồ của phong trào Hiện Xuống, ấy là dám tuyên xưng và làm chứng cho đức tin của mình. Cho dẫu không bằng lòng với cách thế loan báo Tin Mừng và chiêu dụ tín đồ của phong trào này, ta vẫn không thể phủ nhận sự nhiệt thành và lòng can đảm của họ trong việc giới thiệu Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho người khác. Họ sẵn sàng nói về Chúa ở bất cứ nơi đâu và nói say sưa, nói với tất cả xác tín. Còn người Công giáo thì sao? Trong nghi thức rửa tội, sau khi mời gọi người xin lãnh nhận Phép Rửa tuyên xưng đức tin, vị chủ sự kết thúc “Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh. Chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin đó trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.” Thế nhưng không biết người Công giáo có thực sự hãnh diện về đức tin của mình không? Có trang báo nào đó kể rằng trong một lớp học, khi giáo sư hỏi sinh viên nào là người Công giáo, chỉ có hai, ba cánh tay ngần ngại giơ lên đang khi có ít nhất là 10 sinh viên Công giáo trong lớp! Hình như mỗi lần ngồi ăn trong nhà hàng hay ngoài quán chợ, người Công giáo cũng cảm thấy ngại ngùng khi phải làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn. Nghe những nhận xét đó, có người giáo dân phản ứng ngược lại: ngay cả các cha, khi ra ngoài đường, cũng không muốn cho người khác biết mình là linh mục công giáo nữa là! Mà đã không hãnh diện về niềm tin của mình thì còn nói gì đến chuyện giới thiệu cho người khác, có chăng cũng chỉ là nói theo bổn phận thôi.

Như thế, khi thay đổi lối nhìn, người Kitô hữu  khám phá ra nhiều điều mình có thể và cần học hỏi từ người khác. Cùng với những bài học đó, chúng ta được nhắc nhớ về tầm quan trọng của việc dạy giáo lý. Theo các chuyên viên, hầu hết những người Công giáo rời bỏ Giáo hội để gia nhập phong trào Hiện Xuống là những người dân sống trong vùng nông thôn hoặc trong những khu ngoại ô nghèo. Và lý do sâu xa khiến họ rời bỏ Giáo hội là do thiếu hiểu biết về giáo lý. Thiếu hiểu biết về giáo lý nên dễ bị lung lạc trước những lời tố cáo Giáo hội không trung thành với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa. Do đó, Giáo hội Công giáo cần phải có nỗ lực mới trong việc giảng dạy giáo lý, đặc biệt là cho giới trẻ, để họ thực sự hiểu biết niềm tin của mình và vững vàng trước những tấn công của bất cứ ai. Theo Đức Hồng y Walter Kasper, để có thể làm công việc này cách hiệu quả, bước đầu tiên mà các Giáo hội địa phương phải quan tâm là đào tạo đội ngũ giảng viên giáo lý thật tốt, vì chính qua họ mà việc dạy giáo lý trong các giáo xứ và các cộng đoàn mới có thể đạt hiệu quả. Đây chính là công việc mục vụ cần được quan tâm đặc biệt trong Năm Đức Tin.

Kết luận

Phong trào Hiện Xuống là một thách đố lớn vì gây ra nhiều khó khăn cho đời sống Giáo hội. Nhưng cũng lại là cơ may vì không cho phép Giáo hội ngủ quên trong chiến thắng, đồng thời thúc bách Giáo hội đào sâu đức tin cũng như đổi mới cung cách làm mục vụ của mình. Vấn đề là làm sao biết vận dụng kairos (thời điểm) này và biến thách đố thành cơ may, thành lễ Hiện Xuống mới. Câu trả lời dĩ nhiên là của Chúa Thánh Thần nhưng cũng không loại trừ sự cộng tác của mỗi người và mọi người trong Giáo hội, cách riêng là các vị lãnh đạo cộng đoàn Dân Chúa.

WHĐ (28.02.2021)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 76 (Tháng 05 & 06 năm 2013)


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/phai-ngu-tuan-va-nhung-thach-do-cho-giao-hoi-cong-giao-41524

Những di tích lịch sử quan trọng của Iraq để hiểu Kitô giáo

 

Những di tích lịch sử quan trọng của Iraq để hiểu Kitô giáo

      
  •  


Di tích khảo cổ thành Ur cổ xưa, được tin là nơi sinh của tổ phụ Abraham 

NHỮNG DI TÍCH LỊCH SỬ QUAN TRỌNG CỦA IRAQ ĐỂ HIỂU KI-TÔ GIÁO

 Hồng Thủy

Vatican News (27.2.2021) – Với chuyến tông du Iraq từ ngày 5 đến 8/3 tới đây, Đức Thánh Cha sẽ là vị Giáo hoàng đầu tiên thực hiện cuộc viếng thăm Iraq, vùng đất trong Kinh Thánh, trong cuộc hành hương đến nơi được biết đến trong tiếng Ả rập là “vùng đất của hai con sông” – Tigris và Euphrates mạnh mẽ – và từng được biết đến với tên Mesopotamia, “chiếc nôi của nền văn minh.” Đất nước giàu truyền thống lịch sử này có rất nhiều các địa điểm tôn giáo quan trọng để tìm hiểu đức tin Kitô giáo.

Vườn Treo Babylon, Tháp Babel, những nơi chốn cổ xưa, nổi tiếng được cho là nằm ở Iraq cổ đại. Những người Do Thái bị lưu đày đến Iraq cổ đại vào thời Cựu Ước, chẳng hạn như ngôn sứ Đaniel, đã cảm nghiệm được ân sủng kỳ diệu của Thiên Chúa: Đaniel được cứu thoát khỏi hang sư tử và những người bạn thoát khỏi lò lửa.

Thành Ur

Iraq cũng là nơi tổ phụ Abraham bắt đầu cuộc hành trình. Tổ phụ Abraham được người Do Thái, Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo công nhận là tổ phụ của ba tôn giáo độc thần. Ngài sinh tại thị trấn phía nam thành Ur, địa điểm có từ năm 6.000 trước Công nguyên, nằm trên một lộ trình cũ của sông Euphrates, và là một trong những địa điểm lâu đời nhất của Iraq.

Đến đây Đức Thánh Cha sẽ thấy một vùng đồng bằng khô ráo, bằng phẳng và đất màu nâu vàng, nổi tiếng với các các tháp bậc thang hình chữ nhật được bảo quản tốt, có niên đại từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Ngoài ra, một số chữ viết được biết đến sớm nhất, chữ hình nêm, đã được phát hiện tại Ur.


Tháp bậc thang hình chữ nhật - Great Ziggurat - tại thành Ur

Vào khoảng năm 2.000 trước Công nguyên, Ur là một trung tâm đô thị sầm uất, thu hút các thương nhân từ cả Địa Trung Hải và tiểu lục địa Ấn Độ, cho đến khi bị Alexander Đại đế chinh phục vài thế kỷ trước Công nguyên. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự một cuộc họp liên tôn tại đó.

Najaf

Đức Thánh Cha sẽ đến Najaf, cũng ở miền Nam, nơi ngài sẽ có cuộc gặp gỡ quan trọng với một trong những nhân vật có thẩm quyền nhất của Hồi giáo dòng Shiite, Đại Giáo trưởng Ali al-Sistani, như một phần trong nỗ lực của ngài để ôm lấy toàn bộ thế giới Hồi giáo.


Các phụ nữ Iraq tại thành phố Najaf

Nằm cách thủ đô Baghdad gần 160 cây số về phía nam, Najaf, thành phố có hơn 1,2 triệu dân, là một trung tâm quyền lực tinh thần và chính trị của Hồi giáo Shiite cũng như một địa điểm hành hương cho tín đồ Shiite. Đền thờ Hồi giáo Imam Ali có mái vòm bằng vàng được coi là địa điểm linh thiêng thứ ba đối với người Hồi giáo dòng Shiite, sau Mecca và Medina ở Ả Rập Saudi.

Thủ đô Baghdad

Từ Roma bay đến Baghdad, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được đón tiếp trong một nghi lễ chào đón chính thức tại dinh tổng thống. Tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Cứu độ của Giáo hội Công giáo Syria ở thủ đô, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên. Nhà thờ là nơi xảy ra một vụ thảm sát vào ngày 31 tháng 10 năm 2010: 6 chiến binh thánh chiến đã tấn công nhà thờ trong Thánh lễ chiều Chúa Nhật và sát hại 58 người, trong đó có hai linh mục. Trong số những người bị sát hại có toàn bộ một gia đình gồm cha mẹ, con cái, một bé trai 3 tháng và cả một em bé còn trong bụng người mẹ bị sát hại. Ngày 31/10/2019, hồ sơ phong chân phước ở cấp giáo phận và công nhận sự tử đạo của các vị đã được kết thúc ở Baghdad. Nhóm al-Qaida của Iraq đã nhận trách nhiệm về vụ thảm sát.


Nhà thờ chính tòa thánh thánh Giuse của Giáo hội Công giáo Can-đê, ở thủ đô Baghdad

Thánh lễ được dự kiến tổ chức tại Nhà thờ Công giáo Thánh Giuse của Giáo hội Công giáo Can-đê, cũng ở thủ đô Baghdad, một thành phố có bề dày lịch sử, nơi có khoảng 8 triệu dân hiện đang sinh sống.

Bình nguyên Ninive

Đi về phía Bắc, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp các cộng đồng Kitô giáo ở vùng bình nguyên Ninive, một khu vực bị nhóm Nhà nước Hồi giáo chiếm vào năm 2014 cho đến khi được giải phóng ba năm sau đó. Ngôn sứ Giôna trong Cựu ước, người đã yêu cầu mọi người ăn năn và quay trở về với Thiên Chúa, đã sống ở Ninive.


Một thị trấn cổ ở Ninive, nơi các Ki-tô hữu sống

Đây là miền đất trung tâm lịch sử của Kitô giáo ở Iraq, nơi các Kitô hữu đã sống từ khi Chúa Giêsu thi hành sứ vụ trên thế gian, khi thánh Tôma, với sự trợ giúp của Thánh Giuđa, đã mang sứ điệp Tin Mừng đến vào khoảng năm 35 sau Công nguyên. Hai vị này được cho là đã đặt trụ sở tại thành phố Erbil, phía bắc của Kurdistan ngày nay, nơi các ngài rao giảng cho người dân địa phương.

Và chính tại thành phố đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chào đón bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự. Erbil và vùng đất Kitô giáo Ankawa gần đó đã đón nhận hàng chục ngàn Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác buộc phải trốn thoát khỏi những hành động tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo.


Giới tre tại Erbil

Đức Tổng giám mục Công giáo Chaldean Bashar Warda của Erbil nói rằng: cần có "sự hỗ trợ quốc tế cho các chương trình sinh sống" để giúp các gia đình ở lại Iraq.” Một số trong các nhóm đó bao gồm tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, Hội Hiệp sĩ Columbus và Hiệp hội Phúc lợi Công giáo Cận Đông.

Chương trình tái thiết

Một trong những chương trình cung cấp việc đào tạo để tìm sinh kế đó là Chương trình Viện trợ Kitô giáo miền Bắc Iraq do cha Emanuel Youkhana, người Iraq, giám đốc điều hành của Giáo hội Syria Đông phương, thành lập.

Cha Youkhana nói với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ rằng: "Chương trình Viện trợ Kitô giáo miền Bắc Iraq đã hỗ trợ khoảng 8.500 gia đình Kitô giáo di tản trở về các thị trấn ở vùng bình nguyên Ninive của họ, bằng cách trước tiên giúp xây dựng lại nhà cửa, cơ sở hạ tầng và cơ sở kinh doanh. Giờ đây, tổ chức này đang hỗ trợ việc học tiếng Anh và cung cấp việc đào tạo nghề cho các công việc thực tế cần thiết trên thị trường."


Hình ảnh chào đón Đức Thánh Cha tại Qaraqosh

Cha Youkhana nói rằng: mặc dù do thời gian hạn hẹp, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể là không thể đến thăm các dự án xây dựng lại, nhưng chắc chắn ngài sẽ được thông báo. Cha nói: “Khi Ngài đến thăm các nhà thờ ở Mosul và Qaraqosh, tất nhiên, Ngài sẽ được cập nhật về những nỗ lực tái thiết, bởi vì Ngài sẽ hỏi về điều đó và sự phá hủy đã xảy ra ở đó.”

Hội đồng giám mục Ý cho biết: một dòng nữ hiện đang điều hành một trường mẫu giáo ở Qaraqosh cho 130 trẻ em. Việc xây dựng lại Nhà thờ Đức Mẹ Đồng Hồ nổi tiếng của Mosul, được các tu sĩ Đaminh xây dựng vào những năm 1870, cùng với Nhà thờ Al-Tahera của Giáo hội Công giáo Syria, đang được tiến hành.

Các cộng đồng Hồi giáo và Kitô giáo cùng nhau hoạt động vì ích chung

Từ Erbil, cha Olivier Poquillon người Pháp nói với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ rằng: các nỗ lực tái thiết, bao gồm cả đền thờ Hồi giáo Al-Nouri mang tính biểu tượng của Mosul, là để nhìn thấy người Hồi giáo, Kitô hữu và các cộng đồng khác "làm việc cùng nhau, để làm điều gì đó tích cực cùng nhau.”. Và cha nói thêm rằng: các Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác phải nhìn thấy lại rằng, Mosul là "nhà của họ và họ đang ở trên đất của mình."


Mosul đang được tái thiết

Cha nói: "Chúng tôi biết sẽ là một thách đố đối với mọi người để xây dựng lại sự tin tưởng giữa mọi người, gia đình và cộng đồng. Nhưng đây là đức tin của chúng tôi. Chúng tôi tin vào Thiên Chúa của lòng thương xót và chúng tôi tin rằng: chúng tôi có nhân loại này như một trách nhiệm chung.”

vaticannews.va/vi/


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-di-tich-lich-su-quan-trong-cua-iraq-de-hieu-ki-to-giao-41523

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Bài giảng thứ nhất Mùa Chay 2021 trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa

 Bài giảng thứ nhất Mùa Chay 2021 trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa

Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
 

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 26 tháng Hai, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng đầu tiên cho Mùa Chay năm 2021 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề cho những suy tư Mùa Chay năm nay là “Các con nói Thầy là ai?”, trích từ Phúc âm Thánh Matthêu.

Trong bài giảng đầu tiên này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về Mùa Chay, tập trung vào chủ đề “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!”

Mở đầu bài giảng, ngài nói:

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng

Như thường lệ, chúng ta sẽ dành bài suy niệm đầu tiên này để giới thiệu chung về Mùa Chay, trước khi đi sâu vào chủ đề cụ thể mà chúng ta đã lên kế hoạch sau khi đã hoàn thành các bài tĩnh tâm của Giáo triều. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay năm B, chúng ta đã nghe lời tuyên bố long trọng qua đó Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Chúng ta muốn suy ngẫm về lời kêu gọi hãy ăn năn liên tục này của Chúa Giêsu.

Trong Tân Ước, sự hoán cải được đề cập đến trong ba thời điểm và bối cảnh khác nhau, mỗi thời điểm và bối cảnh này nêu bật một thành phần mới của tiến trình. Ba đoạn Phúc Âm kết hợp với nhau cho chúng ta một ý tưởng hoàn chỉnh về ý nghĩa của từ hoán cải trong Phúc âm. Chúng ta sẽ không nhất thiết phải trải nghiệm tất cả ba thành phần đó cùng nhau, với cùng một cường độ như nhau. Mỗi mùa của cuộc sống đòi hỏi một loại hoán cải chuyên biệt. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phải xác định được điều nào là phù hợp nhất ngay bây giờ.

Sám hối, nghĩa là tin!>

Kiểu hoán cải đầu tiên là kiểu hoán cải vang lên khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và được tóm lược trong những lời này: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” (Mc 1:15). Chúng ta hãy cố gắng hiểu ý nghĩa của từ ‘hoán cải’ trong bối cảnh này. Trước Chúa Giêsu, hoán cải luôn có nghĩa là ‘quay trở lại’ (từ shub trong tiếng Hêbơrơ có nghĩa là đảo ngược lộ trình, quay lại các bước của chính mình). Nó xác định hướng hành động của một ai đó khi, tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời, họ nhận ra rằng họ đang ‘đi chệch hướng’. Sau đó, họ dừng lại, để nghĩ lại tất cả; họ quyết định quay trở lại việc tuân giữ luật pháp và nối lại giao ước của họ với Thiên Chúa. Hoán cải, trong trường hợp này, về cơ bản có một ý nghĩa đạo đức và gợi lên ý tưởng về một điều gì đó đau đớn phải làm, chẳng hạn như thay đổi thói quen, ngừng làm điều này hoặc điều kia.

Trên môi của Chúa Giêsu, ý nghĩa đó thay đổi. Không phải là ngài thích thay đổi ý nghĩa của từ ngữ, nhưng với sự xuất hiện của Người, mọi thứ đã thay đổi. ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!’. Hoán cải hay ăn năn không còn có nghĩa là quay trở lại giao ước cũ và tuân thủ luật pháp, nhưng nó có nghĩa là nhảy vọt về phía trước và tiến vào Nước Trời, nắm lấy ơn cứu rỗi vươn đến cách nhưng không với mọi người, do sáng kiến tự do và tối cao của chính Thiên Chúa.

‘Hãy sám hối và tin tưởng’ không đề cập đến hai điều khác nhau và tiếp theo, mà là cùng một hành động cơ bản: sám hối, nghĩa là tin! Thánh Tôma Aquina cho biết: “Prima conversion fit per fidem”- “Hành động hoán cải đầu tiên bao gồm sự tin tưởng”. Tất cả điều này mời gọi một hành động ‘hoán cải’ thực sự, một sự thay đổi sâu sắc trong cách nhìn mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Nó đòi hỏi sự chuyển đổi từ ý tưởng về một Thiên Chúa yêu sách, ra lệnh và đe dọa, sang ý tưởng về một Thiên Chúa đến với chúng ta với hai bàn tay đầy ắp để ban cho chúng ta mọi thứ. Đó là sự chuyển đổi từ ‘luật pháp’ sang ‘ân sủng’ mà Thánh Phaolô đã rất trân quí.

‘Trừ khi anh em trở lại mà nên như trẻ nhỏ…’

Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe đoạn thứ hai trong Tin Mừng, nơi mà sự hoán cải được nhắc đến một lần nữa:

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-3).

Lần này hoán cải thực sự có nghĩa là quay ngược lại một chặng đường dài đến tận thời thơ ấu của chúng ta! Chính động từ được sử dụng, strefo, chỉ các hướng đảo ngược trong một cuộc diễn hành. Đây là sự hoán cải của những người đã vào Nước Trời, đã tin theo Phúc Âm và phục vụ Chúa Kitô trong một thời gian dài. Đó là sự hoán cải của chính chúng ta!

Đâu là giả định tiềm tàng trong cuộc thảo luận về ai là người lớn nhất? Có ý kiến cho rằng mối quan tâm chính không còn là Nước Trời, mà là vị trí của các Tông đồ, là bản ngã của họ. Mỗi người trong số họ phần nào được quyền khao khát trở thành người lớn nhất: Phêrô đã nhận được lời hứa về quyền tối cao, Giuđa nắm giữ hòm tiền, Matthêu có thể khẳng định mình đã trao ra nhiều hơn những người khác, Anrê là người đầu tiên theo Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan nghĩ rằng họ đã ở trên núi Tabor với Người… Kết quả của tình huống này rất rõ ràng: sự ganh đua, nghi ngờ, so sánh lẫn nhau, sự thất vọng.

Chúa Giêsu bất ngờ vén bức màn. Hãy quên việc trở thành người trước hết: anh em sẽ không bao giờ vào Nước Trời theo cách đó! Biện pháp khắc phục điều đó là gì? Quay đầu, thay đổi hoàn toàn quan điểm và hướng đi. Chúa Giêsu đưa ra một cuộc cách mạng đích thực. Cần phải chuyển trung tâm ra khỏi chính bạn và đặt lại trung tâm nơi Chúa Giêsu.

Nói đơn giản hơn, Chúa Giêsu mời gọi các Tông đồ trở nên giống như trẻ nhỏ. Đối với các ngài, trở lại làm trẻ nhỏ có nghĩa là quay trở lại lời mời gọi ban đầu của các ngài trên bờ hồ hoặc tại bàn làm việc của các ngài: không có các yêu cầu cá nhân hoặc chức danh, không có những so sánh lẫn nhau hoặc ghen tị và ganh đua. Của cải duy nhất của các ngài lúc đó là Chúa Giêsu, lời hứa của Ngài (‘Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người’) và sự hiện diện của Ngài. Khi đó các Tông đồ vẫn là bạn đồng hành với nhau; và đã không cạnh tranh cho vị trí trước hết.

Đối với chúng ta cũng vậy, quay trở lại làm trẻ thơ có nghĩa là quay trở lại thời điểm chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được gọi, thời điểm thụ phong linh mục, hay tuyên khấn của chúng ta, hoặc lần đầu tiên chúng ta thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu. Khi chúng ta nói: “ Chỉ một mình Chúa là đủ!” Và chúng ta đã tin vào điều đó.

‘Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng’

Bối cảnh thứ ba trong đó một lời mời gọi cấp thiết hoán cải được lặp đi lặp lại là bối cảnh của bảy bức thư gửi các Giáo hội của Sách Khải Huyền. Bảy bức thư này được gửi đến những người và các cộng đồng, những người cũng như chúng ta, từ lâu đã sống một đời sống Kitô và trên thực tế, đời sống Kitô ấy đóng một vai trò quan trọng trong họ. Các thư này được gửi đến thiên thần của các Giáo hội khác nhau: ‘Gửi thiên thần của hội Thánh ở Ê-phê-sô, Đây là lời...’ Danh hiệu thiên thần đó không thể giải thích cách nào khác hơn là muốn đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến những mục tử của các cộng đồng. Không thể tưởng tượng được rằng Chúa Thánh Thần lại đổ lỗi cho các thiên thần về những lỗi lầm và sai lạc được báo cáo trong các giáo hội khác nhau, hoặc thậm chí còn khó tin hơn nữa là lời kêu gọi hoán cải được gửi đến các thiên thần thay vì con người!

Trong số bảy bức thư gửi cho các Giáo hội, bức thư mà chúng ta nên suy ngẫm nhất là bức thư gửi cho Giáo hội Laođikia. Chúng ta khá quen thuộc với giọng điệu gay gắt của lá thư:

“Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta... Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn! (Rev, 3: 15ff.)”.

Trọng tâm ở đây là hoán cải từ tầm thường và lạnh nhạt. Trong lịch sử sự thánh thiện của Kitô Giáo, ví dụ nổi tiếng nhất về kiểu hoán cải đầu tiên, từ tội lỗi sang ân sủng, là do Thánh Augustinô đưa ra; Thánh Teresa thành Ávila đưa ra ví dụ điển hình nhất về kiểu chuyển đổi thứ hai, từ lạnh nhạt sang nhiệt thành. Những gì Thánh nữ nói về bản thân trong cuốn Cuộc Sống chắc chắn bị phóng đại và bị chi phối bởi bản chất nhạy cảm trong lương tâm Thánh nữ, nhưng, dẫu sao, nó có thể giúp tất cả chúng ta tự vấn lương tâm của chính mình:

“Như thế, tôi đã bắt đầu sa vào hết trò tiêu khiển này đến trò tiêu khiển khác, hết sự phù phiếm này đến sự phù phiếm khác, và hết dịp tội này đến dịp tội khác. Tôi đã sa vào rất nhiều những dịp tội nghiêm trọng như thế, đến nỗi giờ đây tâm hồn tôi đã lạc lối bởi tất cả những điều phù phiếm này […]. Tất cả những điều của Thiên Chúa đã mang lại cho tôi niềm vui lớn, nhưng tôi lại bị ràng buộc với những thứ của thế giới. Dường như tôi muốn dung hòa hai điều mâu thuẫn này, là những điều hoàn toàn trái ngược với nhau - cuộc sống tinh thần và các thú vui cũng như những niềm vui và những trò tiêu khiển của các giác quan. Tình trạng này dẫn đến sự bất hạnh sâu sắc: Tôi đã trải qua gần hai mươi năm trên vùng biển đầy bão tố đó, thường xuyên sa ngã như thế và mỗi lần như thế lại đứng dậy, nhưng chẳng đi đến đâu, vì tôi lại sa ngã một lần nữa. Cuộc sống của tôi quá tệ đến mức tôi ít khi băn khoăn đối với các tội nhẹ, còn đối với các tội trọng, mặc dù sợ chúng, tôi không sợ đến mức lẽ ra tôi phải sợ; vì thế tôi đã không tránh khỏi nguy cơ sa ngã. Tôi có thể làm chứng rằng đây là một trong những kiểu sống đau buồn nhất mà tôi nghĩ có thể tưởng tượng ra được, vì tôi không có niềm vui nào trong Chúa cũng như không có niềm vui nào trên đời. Khi tôi đang ở giữa những thú vui trần tục, tôi đau khổ vì nhớ đến những gì tôi mắc nợ Thiên Chúa; khi tôi ở với Chúa, tôi trở nên bồn chồn vì những hấp lực trần tục”.

Trong phân tích này, nhiều người có thể tìm thấy lý do thực sự khiến họ không hài lòng và không hạnh phúc. Vậy thì, chúng ta hãy đi sâu vào việc từ bỏ sự lạnh nhạt. Thánh Phaolô khuyến khích các Kitô hữu ở Rôma bằng những lời này: ‘Hãy nhiệt thành trong Thánh Linh, đừng trễ nải’(Ro 12:11). Có người sẽ bị cám dỗ để phản đối: ‘Chà, Phaolô thân mến, đó chính là vấn đề! Làm thế nào để bạn chuyển từ thờ ơ sang nhiệt thành nếu đó là điều bạn không may mắc phải?” Chúng ta có thể rơi vào trạng thái thờ ơ, cũng như có thể rơi vào cát lún, nhưng chúng ta không thể tự mình rút ra được bằng cách túm tóc mình mà lôi lên.

Sự phản đối mà chúng ta nêu ra là kết quả của việc bỏ qua hoặc hiểu sai cụm từ phụ trợ “trong Thánh Linh” (enneumati) mà Thánh Tông đồ đưa vào trong lời khuyên ‘Hãy nhiệt thành’ của ngài. Trong các thư của Thánh Phaolô, từ ‘Thánh Linh’ hầu như luôn luôn nhất quán chỉ ra hoặc bao gồm một ám chỉ đến Chúa Thánh Thần, điều đó chắc chắn đúng trong trường hợp này. Từ này hầu như không bao giờ chỉ đề cập đến tinh thần hoặc ý chí của chúng ta, ngoại trừ trong thư thứ Nhất gởi các tín hữu Thêxalônica (1 Th 5:23,) nơi từ ấy có nghĩa là thành phần của con người, cùng với thể xác và linh hồn.

Chúng ta là những người thừa kế của một linh đạo thường chứng kiến tiến trình dẫn đến sự trọn lành được chia thành ba giai đoạn cổ điển: từ purgativa, sang Illuminativa; rồi đến unitiva; nghĩa là thanh lọc, để được soi sáng, và hiệp nhất [trong Chúa]. Nói cách khác, chúng ta cần thực hành việc từ bỏ và khổ hạnh lâu dài trước khi chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng nhiệt thành. Tất cả điều này đều dựa trên trí tuệ tuyệt vời và kinh nghiệm hàng thế kỷ và sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng nó đã lỗi thời. Không, nó không lỗi thời, nhưng nó không phải là cách duy nhất mà ân sủng của Thiên Chúa phải theo.

Sự phân biệt nghiêm khắc như vậy cho thấy sự chuyển đổi tiệm tiến từ ơn Thánh Chúa sang nỗ lực của con người. Theo Tân Ước, đó là một quá trình tuần hoàn và diễn ra đồng thời, theo đó chắc chắn khổ hạnh là cần thiết để đạt được sự nhiệt thành của Thánh Linh, nhưng đồng thời, sự nhiệt thành của Thánh Linh cũng cần thiết để có thể thực hành việc khổ hạnh. Bắt tay vào một cuộc hành trình khổ hạnh mà không có sự thúc đẩy mạnh mẽ của Thánh Linh thì sẽ rất mệt mỏi và không tạo ra được gì ngoài ‘niềm tự hào về xác thịt’. Chúng ta được ban cho Thánh Linh để có thể khắc kỷ, chứ Thánh Linh không phải một phần thưởng cho việc tự hành hạ bản thân. Thánh Phaolô đã viết: “Nếu nhờ Thánh Linh, anh em diệt trừ được những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống”. (Rm 8:13).

Cách thứ hai này, đi từ nhiệt thành đến khổ hạnh và thực hành nhân đức, là cách mà Chúa Giêsu muốn các Tông đồ noi theo. Như nhà thần học Byzantine vĩ đại Cabasilas đã nói:

“Các Tông đồ và những người cha trong đức tin của chúng ta có lợi thế là được Đấng Cứu Độ đích thân hướng dẫn trong mọi giáo lý và nhiều hơn thế nữa. [...] Tuy nhiên, mặc dù đã biết tất cả những điều này, cho đến khi các ngài được làm phép Rửa [vào Lễ Ngũ Tuần, với Thánh Linh], các ngài đã không thể hiện bất cứ điều gì mới mẻ, cao quý, cao siêu, tốt hơn so với thời xưa. Nhưng khi các ngài nhận được phép Rửa và Đấng An Ủi ngự vào tâm hồn các ngài, thì các ngài trở nên mới mẻ và đón nhận một cuộc sống mới, các ngài là những người lãnh đạo người khác và làm cho ngọn lửa tình yêu dành cho Chúa Giêsu tỏa sáng trong chính các ngài và những người khác. [...] Cũng vậy, Thiên Chúa dẫn đưa tất cả các Thánh chào đời sau các ngài đến sự trọn lành”.

Các Giáo phụ đã thể hiện tất cả điều này bằng hình ảnh hấp dẫn của ‘cơn say tỉnh táo’. Điều khiến nhiều người trong số họ chấp nhận câu nói nghịch lý này, hay còn gọi là oxymoron, từ nhà hiền triết Philo thành Alexandria, là những lời của Thánh Phaolô nói với dân thành Êphêsô:

“Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thánh Linh. Hãy cùng nhau đối đáp những bài Thánh vịnh, Thánh thi và Thánh ca do Thánh Linh linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa”(Ep 5, 18-19).

Bắt đầu với Origen, vô số văn bản của các Giáo phụ đã mô tả hình ảnh này, bằng cách đưa ra các tương đồng hoặc tương phản giữa say rượu thể chất và say rượu tâm linh. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, một số người đã ngộ nhận các Tông đồ với những người say rượu. Họ nghĩ như thế là đúng - như Thánh Cyrilô thành Giêrusalem viết; sai lầm duy nhất của họ là liên hệ cơn say đó với rượu bình thường, trong khi đó là ‘rượu mới’, được làm từ ‘cây nho thật’ là Chúa Kitô; các sứ đồ thực sự đã say, nhưng cơn say của các ngài là một cơn say tỉnh táo để nghiền nát tội lỗi và hồi sinh tâm hồn họ.

Làm sao chúng ta có thể tiếp nhận lý tưởng say sưa tỉnh táo này và thể hiện nó trong hoàn cảnh hiện tại của lịch sử và của Giáo hội? Tại sao chúng ta lại có thể coi là hiển nhiên rằng cách cảm nghiệm Thánh Linh mạnh mẽ như vậy là một đặc ân riêng của các Giáo phụ và của lịch sử sơ khai của Giáo hội, nhưng đến thời chúng ta thì không còn nữa? Ân sủng của Chúa Kitô không giới hạn trong một thời đại cụ thể nào, nhưng được ban cho mọi thời đại. Vai trò của Thánh Linh chính là làm cho ơn cứu chuộc của Chúa Kitô trở nên phổ quát và vươn đến mọi người, ở mọi thời điểm và bất kỳ không gian nào.

Như một Giáo phụ thời sơ khai của Giáo Hội đã nói, một đời sống Kitô đầy những nỗ lực khắc kỷ và khổ hạnh, nhưng thiếu sự tác động của Thánh Linh, sẽ giống như một Thánh Lễ với nhiều bài đọc, nghi thức và lễ vật, nhưng không có linh mục truyền phép. Tất cả sẽ vẫn như trước đây, bánh mì vẫn là bánh mì và rượu vẫn chỉ là rượu. Như Giáo phụ này đã kết luận:

“Điều tương tự cũng áp dụng cho các Kitô hữu. Ngay cả khi họ đã hoàn toàn chay tịnh, tham gia vào lễ canh thức, hát Thánh vịnh, thực hiện mọi hành vi khổ hạnh và thực hành nhân đức, nhưng nếu ân sủng chưa khởi sự các hoạt động mầu nhiệm của Thánh Linh trên bàn thờ là tâm hồn họ, toàn bộ quá trình khổ hạnh đó là không hoàn chỉnh và hầu như vô ích, bởi vì họ không tràn đầy niềm vui của Thánh Linh hoạt động một cách nhiệm mầu trong lòng họ.”

Đâu là ‘những nơi’ mà ngày nay Thánh Linh hoạt động giống như Ngài đã hành động trong ngày Lễ Ngũ Tuần? Chúng ta hãy lắng nghe Thánh Ambrôsiô. Trong số các Giáo phụ Latinh, ngài là người tiên báo xuất sắc nhất về cơn say tỉnh táo (sobria ebrietas) của Thần Khí. Sau khi đề cập đến hai ‘địa điểm’ cổ điển – là Thánh Thể và Sách Thánh - nơi Thần Khí có thể được kín múc, ngài đã gợi ý về một lựa chọn thứ ba:

“Lại còn một cơn say nữa do cơn mưa Thánh Thần tuôn rơi. Cơn say ấy tương tự như cơn say trong sách Tông đồ Công vụ, khi các Tông đồ nói các ngôn ngữ khác nhau mà đối với những người nghe có vẻ các ngài là những người đầy rượu rồi.”

Sau khi đề cập đến các phương thế ‘bình thường’, với những lời này, Thánh Ambrôsiô gợi ý đến phương thế ‘ngoại thường’ thứ ba, trong đó ngài muốn nói đến một điều không được hoạch định trước, và cũng chẳng phải là một định chế. Đó là về việc làm sống lại kinh nghiệm của các Tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chắc chắn, Thánh Ambrôsiô không có ý định chỉ ra lựa chọn thứ ba này, để nói với thính giả của mình rằng nó không thể tiếp cận được với họ, chỉ dành riêng cho các Tông đồ và thế hệ đầu tiên của các tín hữu Chúa Kitô. Ngược lại, ngài muốn thúc đẩy cộng đoàn của mình trải nghiệm ‘cơn mưa Thánh Linh’ diễn ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Đó là điều mà Thánh Gioan XXIII muốn làm với Công Đồng Vatican II: một ‘Lễ Hiện Xuống mới’ cho Giáo Hội.

Do đó, chúng ta cũng có cơ hội kín múc Thánh Linh từ kênh này, hoàn toàn phụ thuộc vào hành động tự do và tối cao của chính Thiên Chúa. Một trong những cách mà Thánh Linh thể hiện theo cách này bên ngoài các kênh thể chế được gọi là ‘phép Rửa trong Thánh Linh’. Tôi chỉ gợi ý về điều đó trong bối cảnh này mà không có ý định chiêu dụ, nhưng chỉ để đáp lại lời khuyến khích thường xuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các thành viên của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo là hãy chia sẻ ‘dòng ân sủng’ trải qua từ phép Rửa trong Thánh Linh với toàn thể dân Chúa.

Cụm từ ‘Phép Rửa trong Thánh Linh’ bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu. Khi đề cập đến Lễ Hiện Xuống sắp xảy ra, trước khi lên trời, Người nói với các Tông đồ: “Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”. (Cv 1: 5). Nghi lễ đó không có gì cao siêu; đúng hơn, nó bao gồm những cử chỉ cực kỳ đơn giản, thanh thản và hân hoan, cùng với cảm xúc khiêm tốn, ăn năn và sẵn sàng trở nên giống như những đứa trẻ.

Đó là một sự canh tân với nhận thức mới mẻ không chỉ về Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mà còn về toàn bộ đời sống Kitô hữu, về bí tích hôn phối đối với những người đã lập gia đình, về bí tích truyền chức đối với linh mục, về lễ tuyên khấn đối với những người Thánh hiến. Ứng viên chuẩn bị cho phép Rửa trong Thánh Linh không chỉ bằng việc xưng tội cách trọn, mà còn tham gia vào các buổi họp hướng dẫn, nơi họ có thể tiếp xúc sống động và vui tươi với những chân lý và những thực tại chính yếu của đức tin như tình yêu của Thiên Chúa, tội lỗi, ơn cứu rỗi, cuộc sống mới và sự biến đổi trong Chúa Kitô, các đặc sủng, và những hoa trái của Thánh Linh. Kết quả quan trọng thường xuyên nhất là việc khám phá ra ý nghĩa của việc có một ‘mối quan hệ cá vị’ với Chúa Giêsu đã sống lại và đang sống. Theo cách hiểu của Công Giáo, Phép Rửa trong Thánh Linh không phải là điểm kết thúc của một cuộc hành trình, nhưng là điểm khởi đầu để trưởng thành với tư cách là các Kitô hữu và các thành viên dấn thân của Giáo hội.

Có chính đáng không khi mong đợi mọi người trải qua trải nghiệm này? Liệu đó có phải là cách duy nhất để cảm nghiệm ân sủng của Lễ Hiện Xuống đổi mới mà Công Đồng Vatican II đã hy vọng không? Nếu khi dùng cụm từ “phép Rửa trong Thánh Linh”, chúng ta muốn nói đến một nghi lễ, trong một bối cảnh nhất định nào đó, câu trả lời phải là không; đó chắc chắn không phải là cách duy nhất để tận hưởng một kinh nghiệm mạnh mẽ về Thánh Linh. Đã có và hiện có vô số Kitô hữu đã có kinh nghiệm tương tự, mà không hề biết gì đến phép Rửa trong Thánh Linh, nhưng vẫn nhận được sự gia tăng rõ ràng ân sủng và một sự xức dầu mới với Thánh Linh sau một buổi tĩnh tâm, một buổi họp nhóm hoặc nhờ điều gì đó mà họ đã đọc qua. Ngay cả một khóa tĩnh tâm cũng có thể kết thúc bằng một lời cầu khẩn đặc biệt đến Chúa Thánh Thần, nếu người lãnh đạo đã có kinh nghiệm đó và những người tham gia hoan nghênh điều này. Nếu có ai đó không thích cụm từ “phép Rửa trong Thánh Linh”, hãy để họ sang một bên và thay vì “phép Rửa trong Thánh Linh”, hãy cầu xin “Thần khí của phép Rửa Tội”, nghĩa là một sự đổi mới của ân sủng đã nhận được trong lễ rửa tội.

Bí quyết là hãy nói ‘Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến’, nhưng hãy nói điều đó với cả tấm lòng của bạn, vì biết rằng lời mời như vậy sẽ không thể không được lắng nghe. Nói điều đó với một “ đức tin mong đợi”, để cho Thánh Linh tự do đến theo cách thế và với những biểu hiện mà Ngài quyết định, chứ không phải theo cách chúng ta nghĩ rằng Ngài nên đến và thể hiện ra sao.

‘Phép Rửa trong Thánh Linh’ hóa ra là một phương tiện đơn giản và mạnh mẽ để đổi mới đời sống của hàng triệu tín hữu trong hầu hết các Giáo hội Kitô. Vô số người, những người chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa, nhờ kinh nghiệm đó đã trở thành Kitô hữu thực sự, tham gia vào việc cầu nguyện ngợi khen và trong các bí tích, những người truyền bá phúc âm tích cực, sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ mục vụ trong giáo xứ của họ. Một sự chuyển đổi thực sự từ thờ ơ thành nhiệt thành! Chúng ta thực sự nên tự nói với chính mình những gì mà Thánh Augustinô đã từng lặp lại, hầu như với sự phẫn nộ với chính mình khi nghe những câu chuyện về những người nam và những người nữ, những người mà tại một thời điểm nào đó, đã rời bỏ thế giới để hiến thân cho Chúa: “Si isti et istae, cur non ego”: “Nếu những người nam và những người nữ đó đã làm được, tại sao tôi lại không làm?”

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng mà Mẹ có được từ Con Mẹ tại tiệc cưới Cana miền Galilê. Qua lời cầu nguyện của Mẹ, vào dịp đó, nước đã biến thành rượu. Chúng ta hãy cầu xin rằng qua lời cầu bầu của Mẹ, nước lạnh nhạt của chúng ta có thể được biến thành rượu của lòng nhiệt thành mới. Chính là loại rượu mà các Tông đồ dùng trong ngày Lễ Ngũ Tuần đã gây ra cơn say tỉnh táo và khiến các ngài ‘nhiệt thành trong Thánh Linh’.

1. Thánh Tommaso, Thánh Tôma, I-IIae, q. 113, a. 4.
2. Thánh Teresa thành Ávila, Cuộc Đời Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, chs. 7-8; http://www.carmelitemonks.org/Vocation/teresa_life.pdf.
3. N. Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, II, 8: PG 150, 552 s.
4. Philo of Alexandria, Legum allegoriae, I, 84 (methē nefalios).
5 Thánh Cyrilô thành Giêrusalem, Cat. XVII, 18-19 (PG 33, 989).
6. Macarius the Egyptian, in Filocalia, 3, Torino 1985, p. 325).
7. Thánh Ambrôsiô, Bình luận về Thánh Vịnh 35, 19.
8. Thánh Augustinô, Tự Thú, VIII, 8, 19.


Source:Cantalamessa
 

Vietcatholic News