Trang

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

9 Làm sao đọc PÂ mà không mất đức tin - Anh em thân mến, hãy phạm tội

9 Anh em thân mến, hãy phạm tội



Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục  Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp).
Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Và kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: «Này con cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!» và kìa mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: «Ông này nói phạm thượng.» Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: «Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều, một là bảo: «Con đã được tha tội rồi, hai là bảo: «Đứng dậy mà đi» điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: «Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà đi!» Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế. (Mt 9:1-8)
Trong khi các vị tư tế kịch liệt lên án tội lỗi, và nguyền rủa những người phạm tội, thì trong lòng họ, không những họ mong muốn dân chúng phạm tội, mà còn mong dân chúng phạm càng nhiều càng tốt. Đó là những gì Thiên Chúa lên án các tư tế «chúng xơi lỗi của dân Ta, chúng ngóng cổ thèm tội của nó» (Hs 4:8). Giáo chức sống nhờ vật tế lễ dân chúng mang đến xin Thiên Chúa tha tội cho họ. Để duy trì số lượng dồi dào lễ vật, các tư tế không ngừng làm cho con người có mặc cảm bất xứng trước mặt Thiên Chúa và tình trạng tội lỗi không chữa lành được của mình. Họ tự cho mình là những người trung gian duy nhất và tối cần giữa Thiên Chúa là người tha thứ và con người là người được tha thứ. Khổ thay, nếu con người không phạm tội nữa, hay tìm ra một cách khác để xin Chúa tha tội hơn là cách của họ, thì các vị tư tế sẽ chết đói.
Cũng như sự tham lam của các mục tử Ítraen mà tiên tri Isaia cho là «lũ chó háu ăn, không hề biết chán» (Is 56:11), thì sự tham lam của các tư tế cũng nổi tiếng và đáng gờm: « Như quân cướp rình người, một bọn tư tế ra tay chém giết trên đường Sikem. Phải, việc chúng làm thật là bỉ ổi!» (Hs 6:9) Vừa làm tính tham lam riêng của mình thành luật thánh, vừa không ngần ngại trình diễn tính tham ăn của mình: «Hễ có ai dâng một lễ tế nào, là đứa hầu của tư tế đến, cái nĩa đinh ba đã cầm tay trong lúc người ta nấu thịt. Nó thọc vào vạc, vào nồi, vào chảo, vào niêu: hễ nĩa nhắc lên được gì là tư tế lấy». Ngay trước khi người ta nướng mỡ, thì người hầu của tư tế đã đến mà bảo người dâng lễ: «Cho tôi thịt để chiên cho các tư tế. Người không muốn thịt đã chín, nhưng chỉ muốn thịt sống.» Nếu người kia nói: «Để tôi chiên trước, rồi anh sẽ lấy cái gì anh muốn!» thì nó đáp: «Không, anh cho ngay bây giờ, bằng không tôi sẽ làm hung mà giựt nó.» (1Sm 2:13-16)
Lấy một, trả gấp ba
Các tư tế không phải là những người duy nhất hưởng công quả tội lỗi con người, nhưng ngay cả đền thờ Giêrusalem cũng được hưởng. Được xem như là ngân hàng lớn nhất Trung-Đông, đền thánh Giêrusalem giàu có nhờ của lễ của tất cả mọi người mang đến để xin tha tội hay xin các ơn đặc biệt. Mỗi người Do thái bắt buộc phải đến đền thờ Giêrusalem vào ba dịp lễ lớn: Vượt Qua, Ngũ Tuần và Lễ Lều (Xh 23:14-17).
Lên đền thờ Giêrusalem không duy nhất là một hành vi mộ đạo. Lời cảnh cáo dứt khoát của Kinh Thánh gán cho Thiên Chúa (nhưng để dùng độc quyền cho các vị tư tế) rõ ràng minh bạch: «Người ta sẽ không ra mắt trước Nhan Ta tay không.» (Xh 34:20; Hc 35:6) Và để tránh các hiểu lầm, các tư tế quyết định các loại và số lượng của lễ vật và lễ tế. Sách Lêvi viết lại danh mục chính xác giá biểu chỉ định cho mỗi lỗi phải dâng cúng những gì để được tha thứ. Lỗi của người cầm đầu dân chúng, Thiên Chúa đòi hỏi «một con dê đực hoàn hảo (Lv 4:23), nhưng «khi người phạm tội là một người dân, do sơ ý vi phạm một điều cấm kỵ của Thiên Chúa, thì họ phải đem lễ vật là một con dê cái hoàn hảo (Lv 4:27-28). Để du di, Thiên Chúa có thể bằng lòng nhận một con chiên (Lv 4:32). Với các lỗi khác, lễ vật là một con cừu đực (Lv 5:15). Nếu người dâng lễ là người nghèo, Thiên Chúa có thể hạ cơn phẫn nộ xuống còn «hai con chim cu hay hai con bồ câu non (Lv 5:7) và nếu người đó quá nghèo, không có một phương tiện nào, thì một chút bột là đủ, miễn là không được bỏ «hương thơm vào bột» (Lv 5:11). Lúc dâng con vật làm lễ, sắc lệnh thiêng liêng xác định những phần ngon nhất: ngực và đùi phải dành cho các vị tư tế (Lv7: 28-35), cũng như theo ý Chúa, «phần béo nhất nơi dầu, nơi rượu mới và lúa miến» cũng dành cho các vị tư tế (Ds18:12).
Mỗi ngày, người ta dâng trong đền thờ cả ngàn con vật để chuộc không biết bao nhiêu điều vi phạm Lề Luật làm cho con người «ô uế». Vào thời Đức Giêsu, những người mua bán súc vật dùng vào lễ tế là những người thuộc gia đình vị thượng tế Anna. Là nạn nhân thật sự của lễ vật hiến sinh, người hành hương bắt buộc phải mua súc vật ở nhà vị thượng tế, để sau đó lại dâng lên người…, và nếu họ muốn ăn, họ lại phải mua thịt trong các tiệm bán thịt ở Giêrusalem, tất cả cửa hàng này lại cũng do vị  thượng tế, người bán thịt của Thiên Chúa cho thuê. 
Các vị tư tế thất nghiệp
Hành động của Đức Giêsu nhằm loại bỏ tận gốc việc mua bán thần thánh này. Gắn liền với truyền thống ngôn sứ nguyên thủy, nhất là lên án việc thờ phượng không do Thiên Chúa đòi hỏi (nhưng khốn thay, lại làm «vui lòng»  cho những người «tự nhận» (Am 4:5), Đức Giêsu sẽ tố cáo đền thờ như là «sào huyệt của bọn cướp» (Mt 21:13), nơi người ta dâng lên Thiên Chúa lễ vật mà họ đi ăn cắp. Tiên tri Hôsê đã tuyên bố rõ ràng rằng ai tưởng tượng sẽ tìm được Thiên Chúa với «dê, bò thì sẽ không bao giờ tìm thấy người.» (Hs 5:60) Và ở sách Mikha, «Tôi phải lấy gì mà ra tiếp đón cho xứng đáng Giavê, với những con bê đầy năm hay hàng ngàn con cừu đực và hàng vạn tấn dầu? Thiên Chúa trả lời: Người đã mặc khải cho người biết cái gì tốt và cái gì Thiên Chúa đòi hỏi ở ngươi: không gì khác hơn là thực thi công lý, yêu mến lòng lân tuất và khiêm tốn bước đi bên cạnh Thiên Chúa của ngươi.» (Mk 6:6-8; 1Sm 5:22). Quan hệ với Thiên Chúa không thiết lập qua việc thờ phượng, nhưng trong đời sống: «Vì Ta muốn tín nghĩa, chứ không phải tế tự.» (Hs 6:6; Mt 9:13)
Đó là những chủ đề mà các thánh sử triển khai trong câu chuyện chữa lành người bại liệt ở thành Caphanaum (Mt 9:1-18), một đoạn quan trọng, bởi vì trong Phúc âm, đó là lần duy nhất mà Đức Giêsu tha thứ những người tội lỗi (trong Phúc âm thánh Luca, Đức Giêsu cũng tha thứ cho người đàn bà làm điếm một lần, Lc 7:48). Trong giảng dạy và trong các hành động của Người, Đức Giêsu cho thấy một Thiên Chúa trao ban cho tất cả mọi người tình yêu của Người (Mt 8:1-13), «người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường». Thấy đức tin của những người này, Đức Giêsu âu yếm nói với kẻ bại liệt: «Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi», «đức tin», có nghĩa là đi theo Đức Giêsu, đã xóa hết tội của người đàn ông này. Mới đầu, hành động của Đức Giêsu hình như không đáp ứng mong chờ của người bại liệt đang mong được chữa lành. Trong văn hóa thời bấy giờ, một mong chờ như vậy không nằm trong hy vọng của người bại liệt, vì người bại liệt bị xem như một cái xác còn thở, và đương nhiên, cũng được xem như một bệnh không thể chữa lành.
Trong cả Thánh Kinh, không có một trường hợp chữa lành nào cho một người đã bại liệt hoàn toàn, và trong sách Talmud, người ta cầu nguyện cho tất cả mọi chuyện và tất cả mọi người, nhưng người ta không tìm ra một lời cầu nguyện nào để xin chữa lành cho người bại liệt. Câu tuyên bố của Đức Giêsu gây ra một phản ứng không xứng đáng nơi các nhà thần học chính thống hiện diện lúc đó: họ thấy việc tha tội được Thiên Chúa ban chuẩn không phù hợp với giáo lý truyền thống họ giảng dạy, nên họ đưa ra ngay lập tức phán quyết của họ. Ẩn ý muốn nói đến Đức Giêsu một cách khinh thường, họ quan sát, khiêu khích: «Ông này nói phạm thượng!, bởi vì theo như giáo lý giảng dạy, «chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi» (Mc 2:7). Thánh sử nhấn mạnh xung khắc triệt để giữa Đức Giêsu và cơ chế tôn giáo mà họ đại diện: lần đầu tiên các thành viên trong hàng ngũ tôn giáo nghe từ Đức Giêsu, không những họ không nhận biết nơi Người lời của Chúa, mà họ còn tố cáo Người như kẻ phạm thượng.
Đối với những người bảo vệ chính truyền, hành vi đem lại sự sống mà Đức Giêsu đã hoàn tựu bị xem như một tội ác đáng tội chết (Lv 24:16) và qua sự kiện này, Đức Giêsu sẽ bị vị thượng tế, quyền lực tôn giáo tối cao, và Hội Đồng Công Tọa Do Thái lên án tử hình vì tội phạm thượng: «Hắn nói phạm thượng, hắn đáng chết» (Mt 26:65-66). Đối với cơ chế quyền lực, hành vi của Đức Giêsu rất nguy hiểm. Đức Giêsu đã tha thứ tội lỗi cho người bại liệt này mà không nhân danh Thiên Chúa và người bại liệt này cũng không xin Thiên Chúa tha thứ, không xưng tội, không đọc «lỗi tại tôi» và nhất là, không trả một cái gì hết cho việc đền tội, ngay cả một con gà cũng không trả.
Nếu nghiêm túc nghe lời giảng dạy của Đức Giêsu, Người khẳng định muốn được tha thứ tội lỗi thì chỉ cần tha các lỗi của người khác (Mc 11:25), bởi vì «nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.» (Dt 10:18), lúc đó người ta không đi đến Đền thánh để xin được giải tội, Đền thánh sẽ phá sản, các vị tư tế sẽ thất nghiệp. Cơ chế tôn giáo lo lắng: «Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy.» (Ga 11:47) Đó là đụng chạm đầu tiên giữa Đức Giêsu và các nhà cầm quyền tôn giáo. Khi đó Đức Giêsu «thấy» đức tin nơi những người mang kẻ bại liệt, và thấy «ý xấu trong bụng của họ». Đức Giêsu không chạm trán với họ trên mặt thần học, nhưng trên mặt sự sống: Theo các ông, trong hai điều: một là bảo: «Con đã được tha tội rồi», hai là bảo: «Đứng dậy mà đi, điều nào dễ hơn?» Một người thật sự được Thiên Chúa tha thứ không phải là một sự kiện có thể thấy được, và không một ai có thể bảo đảm điều đó, nhưng chữa lành một người tàn tật đã bị xem như không thể chữa được thì đó là một điều mọi người có thể kiểm chứng.
Không chờ câu trả lời, Đức Giêsu hành động liền, chữa lành người bại liệt, người bại liệt «đứng dậy và đi về nhà». Đức Giêsu không chỉ giới hạn vào việc tha thứ quá khứ tội lỗi của người đàn ông này mà còn ban cho anh ta sức mạnh thiết yếu cho sự sống để có một đời sống mới. Hiểu được quyền lực này không phải chỉ do một mình Đức Giêsu, đám đông thấy sự kiện như vậy nên đã «tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.» Lâu đài thần học của những người luật sĩ sập đổ kéo theo hình ảnh của một Thiên Chúa mà họ rao giảng lâu nay. Nhưng, cũng cùng một lúc, chỉ còn một việc là nếu chỉ một mình Thiên Chúa có thể «tha thứ mọi tội lỗi và chữa mọi tật nguyền» (Tv 103:3), là bởi vì Thiên Chúa đó đang ở trong Đức Giêsu. Không phải Người là «người phạm thượng», nhưng là các nhà cầm quyền tôn giáo vu cáo Thiên Chúa khi giới thiệu Người như kẻ ham muốn lễ vật của con người.
Các nhà thần học và các vị tư tế, các người có bổn phận giảng dạy dân chúng, lại «làm cho dân chết vì thiếu trí tri» (Hs 4:6). Để bảo vệ quyền lợi của họ và uy danh riêng của họ, họ đi đến việc làm giả lề luật của Thiên Chúa mà họ cho là họ quan sát một cách thận trọng: «Làm sao các ngươi dám nói: «Chúng tôi là hạng khôn ngoan, chúng tôi có luật của Giavê? Đã hẳn, đó là lời xảo trá do cây bút ngụy tạo của hàng luật sĩ!» (Gr 8:8) Các nhà cầm quyền thiêng liêng và tôn giáo loan truyền cho dân chúng một ý tưởng sai về Thiên Chúa và về các đòi hỏi của Người, đẩy dân chúng đến việc tôn thờ một ngụy thần, tạo ra việc lạm dụng cho quyền lợi riêng của mình. Như thế, dân chúng đi đến một tình trạng phi lý, vì họ càng tưởng họ tôn kính Thiên Chúa, thì thật sự, họ càng xa lánh Người: «Nó đã tăng lên số bàn thờ để tha tội, nhưng số bàn thờ này đã nên dịp tội cho nó.» (Hs 8:11)
Ignace Trần An Huy dịch

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

Thánh Lễ Mừng Kỷ Niệm Hôn Phối Tại Nhà Thờ Chính Tòa


Thánh Lễ Mừng Kỷ Niệm Hôn Phối
Tại Nhà Thờ Chính Tòa





Gia đình là một thành phần quan trọng của Hội Thánh và xã hội.
Chính vì nhìn thấy tầm quan trọng của gia đình trong thế giới hôm nay, nên khi được bầu làm đại diện Chúa Kitô ở trần gian, Đức Thánh Cha Phanxicô Phanxicô đã triệu tập 2 Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới (2014 và 2015) để bàn về những thách đố của gia đình, với chủ đề : “Ơn gọi và Sứ Mạng Của Gia Đình Trong Giáo Hội và Trong Thế Giới Ngày Nay”. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết Tông Huấn “Niềm Vui của Tình Yêu – Amoris Laetitia”. Hòa nhịp với Hội Thánh hoàn vũ, Hội Thánh Việt nam cũng đã mở ra hướng mục vụ kéo dài 3 năm (2017-2018-2019) với các chủ đề về Gia Đình:
* Năm 2017: Chuẩn Bị Cho Người Trẻ Bước Vào Đời Sống Hôn Nhân.
* Năm 2018: Đồng Hành Với Các Gia Đình Trẻ.
* Năm 2019: Đồng Hành Với Những Gia Đình Gặp Khó Khăn.
Nhà Thờ Chính Tòa, Giáo xứ Thánh Tâm, giáo phận Ban Mê Thuột đã nhiều lần tổ chức mừng lễ kỷ niệm ngày cử hành Bí tích Hôn Phối cho các gia đình trong giáo xứ. Và hôm nay, thứ bảy, lễ mừng trước kính Thánh Gia Thất năm 2019, Nhà Thờ Chính Tòa lại tổ chức cho những gia đình đã cử hành Bí tích Hôn Phối từ 15 năm đến 44 năm, để hâm nóng lại tình yêu và lòng nhiệt thành của các gia đình trong ơn gọi hôn nhân gia đình.








Lời Cám Ơn

Trọng kính Cha Chánh xứ,
Kính thưa Quý Cha phó,
Kính thưa Ban Mục Vụ Hội Đồng Giáo Xứ,
Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Hôm nay, Hội Thánh mừng kính lễ Thánh Gia Thất giúp chúng con đào sâu ơn gọi của người Kitô trong bậc sống gia đình để gia đình Kitô có thể thực sự là một tổ ấm, mà trong đó mọi phần tử trong gia đình luôn giúp nhau tìm kiếm và thực hành thánh ý Chúa.

Kính thưa Quý Cha và Cộng đoàn,
Hôm nay chúng con, những gia đình đã cử hành Bí tích Hôn Phối từ 15 năm đến 44 năm, được mừng kỷ niệm ngày cưới của mình. Chúng con hiện diện nơi đây để nói lên lòng trung thành của chúng con với Hội Thánh, với giao ước Hôn Phối mà chúng con đã thề hứa, dẫu đường đời của mỗi người chúng con / có những chông gai thử thách, có những gian nan vất vả và cũng có lúc chúng con ngã lòng...

Chúng con hiện diện nơi đây để làm chứng cho gia đình, cộng đồng của sự sống: Con cái được sinh ra từ tình yêu của cha mẹ, được triển nở từ tình yêu gia đình và cũng được nuôi dưỡng giáo dục và khôn lớn trong gia đình. Cho nên, có thể nói gia đình là cộng đồng của sự sống.

Chúng con hiện diện nơi đây để làm chứng cho gia đình, cộng đồng của tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu”. Chính tình yêu đã giúp cho đôi vợ chồng vượt qua những thử thách và cám dỗ để sống chung thủy với nhau đến trọn đời; và cũng chính vì tình yêu, cha mẹ đã dành cho con cái những sự tốt đẹp nhất dẫu phải hy sinh, vất vả.

Chúng con hiện diện nơi đây để làm chứng cho gia đình, cộng đồng thánh thiện: Sự thánh thiện hiểu theo nghĩa là sống theo đúng giới luật của Thiên Chúa, gắn bó với Chúa và luôn có Thiên Chúa ở cùng thì gia đình chính là một cộng đồng thánh thiện. Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse hợp thành một gia đình gọi là gia đình thánh. Đây chính là gương mẫu cho mọi gia đình Kitô.

Kính thưa Quý Cha và Cộng đoàn,
Chúng con xin chân thành cám ơn Quý Cha và Ban Mục Vụ Hội Đồng Giáo Xứ đã tổ chức cho chúng con lễ kỷ niệm này, để hâm nóng lại tình yêu và lòng nhiệt thành của chúng con trong ơn gọi hôn nhân gia đình.

Chúng tôi cũng xin cám ơn Quý Soeurs, quý ca đoàn, các cháu lễ sinh cùng tất cả cộng đoàn đã đến hiệp dâng thánh lễ, cầu nguyện cho chúng tôi ngày càng trung thành với Hội Thánh, với giao ước Hôn Phối mà chúng tôi đã thề hứa trong một xã hội đầy cám dỗ, hưởng thụ và muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình.

Một lần nữa chúng con xin chân thành cám ơn Quý Cha và Cộng đoàn. Và giờ đây, xin Cha nhận bó hoa tươi thắm nói lên tình yêu, sự trung thành và lòng biết ơn của chúng con với Hội Thánh.

Lễ Thánh Gia Thất 2019
Gb. Nguyễn Thái Hùng














Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

Thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2019

Thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2019
J.B. Đặng Minh An dịch
 
Lúc 12 giờ trưa ngày lễ Giáng Sinh 25/12/2019, Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô để đọc thông điệp Giáng Sinh gởi dân thành Rôma và toàn thế giới.

Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chúc mừng Giáng Sinh!

Từ cung lòng của Giáo Hội Mẹ, Con Thiên Chúa nhập thể được tái sinh vào đêm nay. Danh Ngài là Giêsu, nghĩa là: “Thiên Chúa cứu độ”. Chúa Cha, là tình yêu vĩnh cửu và bất tận, đã sai Người đến thế gian không phải để kết án nhưng là để cứu thế gian (x. Ga 3:17). Chúa Cha đã ban Con Ngài cho chúng ta với lòng thương xót vô biên. Chúa Cha đã trao ban Con Ngài cho mỗi người chúng ta mãi mãi. Chúa Con được sinh ra, giống như một ánh sáng nhỏ chập chờn trong cái lạnh lùng và tăm tối của màn đêm.

Hài Nhi đó, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, là Ngôi Lời của Thiên Chúa hóa thành nhục thể. Ngôi Lời, Đấng đã hướng dẫn trái tim của tổ phụ Ápraham và những bước chân của ông hướng về miền đất hứa, và Người tiếp tục lôi kéo về phía mình tất cả những ai tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã dẫn dắt người Do Thái trên hành trình từ nô lệ đến tự do và tiếp tục kêu gọi những người nô lệ trong mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta, hãy bước ra khỏi các nhà tù của họ. Ngài là Ngôi Lời sáng hơn mặt trời, được hóa thành phàm nhân trong người con trai bé nhỏ của con người: Đó là Chúa Giêsu là ánh sáng của thế giới.

Đây là lý do tại sao tiên tri Isaia thốt lên: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” ( Is 9: 1 ) Trong trái tim con người, dầy đặc những bóng tối, nhưng ánh sáng của Chúa Kitô còn mạnh hơn. Có bóng tối trong các mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội, nhưng ánh sáng của Chúa Kitô mạnh hơn thế nữa. Có bóng tối trong các cuộc xung đột về kinh tế, địa chính trị và sinh thái, nhưng ánh sáng Chúa Kitô vẫn mạnh hơn.

Cầu xin Chúa Kitô mang ánh sáng của Người đến cho nhiều trẻ em đang bị đau khổ vì chiến tranh và xung đột ở Trung Đông và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cầu xin Người mang lại ơn an ủi cho người dân Syria yêu dấu, những người vẫn không thấy dấu chấm hết cho tình trạng thù địch đã xâu xé đất nước họ trong thập kỷ qua. Cầu xin Người khuấy động lương tâm của những người nam nữ có thiện chí. Cầu xin Người truyền cảm hứng cho các chính phủ và cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp để các dân tộc trong khu vực đó có thể chung sống trong hòa bình và an ninh, và chấm dứt những khổ đau của họ. Cầu xin Người nâng đỡ người dân Li Băng và giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại và tái khám phá ơn gọi của mình là trở thành cho tất cả mọi người một thông điệp về tự do và cùng tồn tại hài hòa.

Xin Chúa Giêsu mang ánh sáng đến Thánh địa, nơi Người đã được sinh ra là Cứu Chúa của nhân loại, và nơi có rất nhiều người – dù phải đấu tranh cam go nhưng không nản lòng - vẫn đang mong chờ một thời kỳ hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Cầu xin Người mang lại niềm an ủi cho Iraq trong bối cảnh căng thẳng xã hội hiện tại và cho đất nước Yemen, đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Xin Chúa Hài Đồng Bethlehem mang lại hy vọng cho toàn lục địa Mỹ châu, nơi một số quốc gia đang trải qua những thời kỳ biến động xã hội và chính trị. Xin Ngài khuyến khích người dân Venezuela yêu quý, đã và đang phải chịu những thử thách lâu dài bởi những căng thẳng chính trị và xã hội, và bảo đảm rằng họ nhận được sự trợ giúp cần thiết. Cầu xin Chúa chúc phúc cho những nỗ lực của những người không từ bỏ bất cứ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy công lý và hòa giải, và nhằm vượt qua các cuộc khủng hoảng đa dạng và nhiều hình thức bần cùng hóa xúc phạm đến phẩm giá của mỗi người.

Xin Đấng Cứu chuộc thế giới mang lại ánh sáng cho Ukraine yêu dấu, nơi đang khao khát những giải pháp cụ thể cho một nền hòa bình bền vững.

Xin Chúa Hài Nhi mang lại ánh sáng cho người dân châu Phi, nơi những tình huống chính trị xã hội dai dẳng thường buộc các cá nhân phải di cư, bỏ lại nhà cửa và gia đình. Xin Chúa mang lại hòa bình cho những người đang sống ở miền đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi vẫn đang bị xâu xé bởi những xung đột đang tiếp diễn. Xin Người mang lại niềm an ủi cho tất cả những người phải đau khổ vì bạo lực, thiên tai hay dịch bệnh. Xin Chúa mang lại niềm ủi an cho những người bị bách hại vì niềm tin tôn giáo, đặc biệt là các nhà truyền giáo và các tín hữu đã bị bắt cóc, và an ủi các nạn nhân của các nhóm cực đoan, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Nigeria và Niger.

Nguyện xin Con Thiên Chúa từ trời xuống, bảo vệ và nâng đỡ tất cả những ai, do những những bất công đa dạng, buộc phải di cư với hy vọng có được một cuộc sống an toàn. Chính là vì bất công mà họ phải băng qua các sa mạc và biển cả là những nơi trở thành mồ chôn của họ. Chính bất công buộc họ phải gánh chịu các hình thức lạm dụng không thể kể xiết, các hình thức nô lệ đủ loại và các phương thế tra tấn vô nhân đạo trong các trại giam.Chính bất công xua đuổi họ khỏi những nơi mà lẽ ra họ có thể hy vọng về một cuộc sống xứng đáng, để rồi sau đó họ lại thấy mình đứng trước những bức tường thờ ơ.

Xin Đấng Emmanuel mang lại ánh sáng cho tất cả các thành viên đang đau khổ trong gia đình nhân loại của chúng ta. Xin Ngài làm mềm trái tim thường xuyên chai đá và tự cho mình là trung tâm của chúng ta, và biến trái tim chúng ta thành những kênh tình yêu của Người. Xin Chúa mang nụ cười của Người, thông qua những khuôn mặt đáng thương của chúng ta, đến với tất cả trẻ em trên thế giới: đến những người bị bỏ rơi và những ai đang đau khổ vì bạo lực. Qua bàn tay yếu đuối của chúng ta, xin Ngài mặc lấy áo xống cho những người không có gì để mặc, trao bánh cho những người đói khát và chữa lành cho các bệnh nhân. Cầu xin cho thông qua tình bạn của chúng ta, dù thế nào đi chăng nữa, cũng có thể mang Chúa đến gần những người già và những ai cô đơn, những người di cư và những ai bị thiệt thòi. Vào ngày Giáng Sinh vui mừng này, xin Chúa mang sự dịu dàng của Ngài đến với tất cả mọi người và xua tan bóng đêm tăm tối của thế giới này.

Source:Libreria Editrice Vaticana

Gia Đình Nadaret

Gia Đình Nadaret
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Lễ Thánh Gia

Tất cả ý nghĩa của lễ Giáng Sinh xoay quanh một Đứa Trẻ. Chỉ cần nhìn vào đứa trẻ này, nhìn vào đôi mắt của đứa trẻ này, ta sẽ thấy tất cả nguồn mạch của niềm vui Giáng Sinh.Thiên Chúa đã làm người, làm một Hài Nhi nằm trong máng cỏ, có cha mẹ là Giuse và Maria. Nơi hang đá Bêlem, Thiên Chúa thật gần gũi con người, hoàn toàn không có một khoảng cách nào.

Ai muốn gặp Đức Giáo Hoàng thì phải đi Rôma; ai muốn gặp Tổng thống Trump thì phải sang Mỹ, mà có đi đến nơi đâu dễ mà gặp được! Còn Thiên Chúa, trong hình hài một Đứa Trẻ, “một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ”, thì ai cũng có thể gặp được.Thiên Chúa từ trời cao xa tít tắp đã đến thế giới này để ta có thể gặp được Ngài. Thiên Chúa vĩ đại, quyền uy đã hiện thân nơi một đứa trẻ bé bỏng mong manh, bọc tã, nằm trong máng cỏ, để cho ta có thể gặp được.

Ngày lễ Thánh Gia hôm nay, Tin mừng Matthêu thuật lại câu chuyện Thánh Giuse đưa “Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập”. Trong trình thuật này, Con Trẻ giữ địa vị ưu tiên: tác giả muốn làm nổi bật chức vị của Con Trẻ. Vì có những đe dọa từ bên ngoài muốn làm hại mạng sống của Con Trẻ, cả gia đình đã phải làm cuộc hành trình di dân.

Khác với mọi gia đình trần gian, gia đình Nadarét quy tụ chung quanh Con Trẻ, chứ không phải chung quanh những người lớn. Chính Con Trẻ đem lại cho gia đình ý nghĩa độc đáo. Toàn bộ gia đình đều hướng về việc chuẩn bị cho sứ vụ của Ðức Giêsu. Gia đình ấy không sống cho riêng mình. Gia đình ấy chỉ đạt được ý nghĩa của mình khi giúp Con Trẻ sống cho Thiên Chúa.

Lễ Thánh Gia, Giáo hội mời gọi mỗi gia đình Công Giáo hướng về gia đình Nadarét. Không phải lúc nào cũng màu hồng mà Tin Mừng cho thấy Thánh Gia đã trải qua những lận đận lao đao vất vả giữa bao hiểm nguy khó khăn thử thách trăm bề. Thánh Giuse khéo léo chống chèo vượt qua tất cả và cùng với Mẹ Maria, Chúa Giêsu để xây dựng mái ấm hạnh phúc.

Thánh Gia là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác, chuẩn bị cho Chúa Giêsu gánh vác sứ vụ Chúa Cha trao phó sau này. Chúa Giêsu đã vâng phục kỷ luật trường này, chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ và Người đã lớn lên chững chạc, trưởng thành, quân bình thể xác trí tuệ, tâm linh. Chúa đã sống học tập rèn luyện 30 năm để rao giảng 3 năm. Một năm Chúa Giêsu giảng đạo thì 10 năm Người ở với gia đình. Chúa ưu tiên và đề cao tầm quan trọng của gia đình biết bao.

1. Gia đình, trường học đầu tiên

Con trẻ ra đời trong gia đình, chúng không được chọn lựa. Người ta có thể lựa lúc để sinh con nhưng không thể lựa chọn tính chất, tài năng, giới tính hay màu tóc của con cái. Con trẻ được yêu thương vì chúng là hoa trái của tình yêu và chúng cũng học cách yêu thương nhau bởi vì tất cả chúng đều được cha mẹ đón nhận. Chính nhờ sự bao bọc và che chở của tình yêu hôn nhân mà con trẻ có thể lớn lên trong tin tưởng và trở thành chính mình; con trẻ học biết những bất trắc trong tương quan với những người khác, giúp chúng biết đón nhận những khác biệt và ý nghĩa của cử chỉ hoà hoãn trong xung đột. Đó là “thao trường” đầu tiên của “trường đời”.

Gia đình chuyển tải những yếu tố đầu tiên của các đức tính của con người. Khoa sư phạm hiện đại cho chúng ta biết rằng, việc giáo dục trẻ em khi chúng còn nhỏ tuổi để lại dấu ấn rất khó xoá nhoà trong nhân cách của trẻ. Chính vì vậy mỗi gia đình chuyển tải cho thế hệ kế tiếp toàn bộ các giá trị sẽ tác động đến sự phát triển và quan niệm sống của thế hệ mới.

Hình thức giáo dục đầu tiên này không mang tính học đường hay tính sư phạm. Không phải những khuyên nhủ hằng ngày đem lại hoa trái, nhưng đúng hơn là do việc giáo dục hành vi, do gương sáng (của cha mẹ) trong tương quan với những người khác và trong việc phục vụ lẫn nhau. Chính nhờ những điều chỉnh thường nhật này đã hình thành những quy chiếu cơ bản: yêu mến sự thật, tôn trọng người khác, hiểu biết ý nghĩa của việc phục vụ, giáo dục trách nhiệm cá nhân… Sau này, trường học giúp sẽ giúp trẻ đối chiếu những tập tục này của gia đình mình với những tập tục của các gia đình khác, giúp trẻ học cách suy nghĩ về những gì chưa được áp dụng, cởi mở đối với những lối suy tư và lý luận khác. Đó phải là sứ mạng của học đường, và sứ mạng này không bao giờ thay thế cho sứ mạng của gia đình mà chỉ bổ sung bằng các phương pháp giáo dục có tính sư phạm cao hơn lối giáo dục gia đình. Đó là việc quản lý giữa đời sống nội bộ gia đình và những tương quan bên ngoài, nhờ vậy làm nảy nở và phát triển tự do cá nhân.(x.Thời sự Thần học – Số 1, Tháng 3/2009).

2. Gia đình, Giáo hội tại gia

Chính nhờ gia đình mà đứa trẻ nhận biết mình là Kitô hữu và được khai tâm đức tin Kitô giáo. Thế nhưng, gia đình không phải là nơi để cha mẹ dạy cho con cái những bài giáo lý vượt quá khả năng hiểu biết của con trẻ. Nhưng đúng hơn là dạy cho con cái biết học hỏi những thái độ cụ thể của đời sống Kitô giáo phát xuất từ cuộc sống thường nhật: học làm dấu thánh giá, đọc những lời nguyện đầu tiên, khám phá nhà thờ giáo xứ, nơi đứa trẻ được rửa tội…

Nhưng sâu xa hơn cả trường học đầu đời của trẻ, gia đình còn mang lại cho con trẻ một kinh nghiệm đặc biệt: đó là kinh nghiệm về một xã hội được xây dựng trên Hồng ân của Thiên Chúa. Thật vậy, chính ân sủng của bí tích hôn nhân đã thể hiện một cách sâu sắc phúc lộc của gia đình (con trẻ), khả năng phát triển tương quan tình yêu, không ngừng hoán cải và hoà giải, nhưng cũng không ngừng làm triển nở hy vọng về một bước tiến mới trong đức tin. Về phương diện này, gia đình thật sự là trường học của kinh nghiệm sống các bí tích. Có lẽ chiều kích bí tích này của đời sống gia đình không phải lúc nào cũng tìm thấy những từ ngữ để diễn tả và thể hiện. Nhưng chính đời sống hiệp thông giữa các thành viên trong gia đình, cách giải quyết của các thành viên trong việc tha thứ và hoà giải, sự kiên trì trong tình yêu bất chấp những yếu đuối và thiếu sót của các thành viên trong gia đình, tất cả những điều ấy vừa giúp con trẻ khai tâm về sự trung tín và lòng vị tha của Thiên Chúa, vừa giúp con trẻ khám phá thể chế bí tích của đời sống Kitô giáo: diễn tả những thực tại của tình yêu bằng cử chỉ. Chính vì vậy mà gia đình được xem như là một “Giáo hội nhỏ”. (x.Thời sự Thần học – Số 1, Tháng 3/2009).

3. Hạnh phúc gia đình

Theo Đức cha Bùi Tuần, có ba yếu tố làm nên hạnh phúc gia đình: Quy tụ gia đình; Lễ giáo gia đình và Tình nghĩa gia đình.

- Quy tụ gia đình

Gia đình là nơi con người được “ở với nhau”. Các môn đệ đầu tiên không tìm đến với Chúa Giêsu như một vị thầy dạy học, nhưng như “Đấng ở với” (Ga 1,38). Chúa đã mời gọi các ông, trước tiên không phải là học một bài học, mà là xem chỗ Người ở và ở lại với Người (Ga 1,39). Cũng vậy các thành viên trong gia đình hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình, được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, gia đình là nơi chốn bình an cho tâm hồn mình; “Đấng Tạo Hoá đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người nên gia đình trở thành ‘tế bào đầu tiên và sống động của xã hội’ (x.Tông huấn gia đình số 42).

Quy tụ là họp mặt, là gặp nhau, là nói chuyện với nhau, là gần gũi nhau, là chia sẻ với nhau. Quy tụ gia đình làm nên một bầu khí ấm áp thiêng liêng. Có thể nói, mọi quy tụ gia đình, dù thường ngày, dù bất thường, đều mang bầu khí đạo đức, có ánh sáng của đức tin và có hương thơm của đức ái.Quy tụ gia đình như thế sẽ có Chúa hiện diện. Nhờ có Chúa hiện diện, gia đình sẽ biết phân định điều gì là tốt cần làm, điều gì là xấu cần tránh, nhất là trong tình hình hiện nay tốt xấu lẫn lộn một cách quá phức tạp.

Lễ giáo gia đình

Lễ giáo là nghi lễ và giáo dục gia đình. Gia đình là một cộng đoàn, một đời sống chung của những con người. Họ có những dây liên đới với nhau. Nên cần phải có những hình thức thể hiện những dây liên đới đó. Do vậy, mà phải được giáo dục, để có được lối sống liên đới tốt đẹp, trong trật tự. Liên đới thấp nhất thuộc nhân bản của cộng đoàn là biết diễn tả sự gần gũi nhau và có trách nhiệm đối với nhau. Biết siêng năng và lương thiện làm hết sức mình, để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc chung gia đình, đó là nét đẹp căn bản của lễ giáo gia đình.Biết chào kính, chào thăm, chào hỏi, với nhiều bình thức, là một nghi lễ đơn sơ chứng tỏ con người có giáo dục gia đình. Biết cảm ơn, biết xin lỗi cũng là những điều lễ phép thô sơ của con người có giáo dục trong cộng đoàn. Biết kính trên nhường dưới cũng là một biểu hiện lễ phép của nền giáo dục liên đới. Biết sống chân thành và trung thành trong các liên đới gia đình cũng là một giá trị của con người có giáo dục gia đình.

Tình nghĩa gia đình

Tình nghĩa gia đình cần được vun trồng, cần được chăm sóc, cần được xây dựng với những tình tiết nhỏ. Người tình nghĩa đích thực là người biết xót thương như người Samari đó. Chúng ta chỉ có được một cách đích thực bằng tấm lòng bén nhạy và giàu tình xót thương với những tình tiết nhỏ, do trực giác đạo đức hơn là do lý luận.

Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con trẻ. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nãn, buồn phiền, không thích học nữa, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ.Một số phụ huynh chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Họ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có những em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế và lao vào thế giới ảo, lối sống ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau.

Hạnh phúc gia đình phải khởi đi từ tình yêu, niềm tin và hoà bình. Gia đình sẽ là “vườn ươm” các nhân đức, là “nơi đào tạo” nhân bản và tâm linh cho con cái, để trở thành một Hội Thánh tại gia.Chính tình yêu là chất keo liên kết những người cùng sống dưới một mái nhà. Không gì khác ngoài tình yêu làm cho mái nhà thành mái ấm, gia đình thành tổ ấm. Ở đó có một tình mẫu tử dịu dàng, có một tình phụ tử lo toan, và có một tình hiếu thảo. Thiếu tình yêu, mái gia đình tựa cây cỏ không lên được màu xanh vì thiếu ánh nắng. Thiếu tình yêu, những người sống dưới mái nhà cũng còi cọc không phát triển được về cả tinh thần lẫn thể lý.

Bài đọc 1 trích sách Huấn Ca dạy rằng: con cái biết thảo hiếu và chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ già yếu và bệnh tật. Bài đọc II, trong thư gửi tín hữu Côlôxê, thánh Phaolô khuyên bảo: lòng bác ái là mối giây gìn giữ cho gia đình được bình an và hạnh phúc. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Đây là những giáo huấn quan trọng giúp con trẻ phát triển nhân cách và nên thánh.

Muốn canh tân xã hội và thế giới phải canh tân gia đình trước tiên. Khi mỗi gia đình đều nỗ lực theo gương Thánh Gia, người ta có quyền hy vọng căn nhà chung là thế giới sẽ tràn ngập niềm vui tươi và hân hoan, dấu chỉ của ơn cứu độ Thiên Chúa đem đến cho nhân loại.

8 Làm sao đọc PÂ mà không mất đức tin - Tính ưu việt của cô gái điếm


Tính ưu việt của cô gái điếm


 



Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục  Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp).
Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người biệt phái ấy và vào bàn ăn. Và kìa người phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được người đang dùng bữa tại nhà ông biệt phái, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm đổ lên. 
Thấy vậy, ông biệt phái đã mời Người liền nghĩ bụng rằng; «Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!» Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: «Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!» Ông ấy liền thưa: «Dạ, xin Thầy cứ nói.» Đức Giêsu nói: «Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?» Ông Simon đáp: «Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.» Đức Giêsu bảo: «Ông xét đúng lắm.» 
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: «Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước  mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.» Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: «Tội của chị đã được tha rồi.» Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng; «Ông này là ai mà lại tha được tội» Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: «Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.» (Lc 7:36-50)
Người đàn bà đầu tiên và người đàn bà cuối cùng xuất hiện trong Tân Ước đều là những người đàn bà làm điếm (Mt 1:3; Kh 17:16-18), nhưng «người đàn bà phạm tội» của câu chuyện thánh Luca kể là người đàn bà duy nhất, là nhân vật chủ chốt trong cuộc gặp gỡ thân mật với Đức Giêsu (Lc 7:36-50). Dù thánh sử không nói tên người đàn bà này, nhưng trong quá khứ, ước muốn cho chắc để bà có phần rỗi đã đi đến việc nhận diện sai lầm người đàn bà làm điếm này là Maria Mácđala. Bà Maria Mácđala này không dính dáng gì đến bà làm điếm trong phúc âm thánh Luca, nhưng bởi vì thánh Gioan đã để bà đứng gần thập giá Đức Giêsu (Ga 19:25), nên truyền thống xưa muốn xem bà là bà Mađalêna ăn năn hối cải, để các nhà luân lý và các người nệ cổ được yên tâm.
Cái nghề xưa nhất thế giới này cũng đã được một vài tổ tiên của Đức Giêsu hành nghề. Như Rahab (Mt 1:5; Gs 2:1), chủ phòng trọ, «bên tường thành phố», một «quán trọ» nổi tiếng và đông khách, mà nhà viết sử Flavius Josèphe dùng lối nói vòng vo kín đáo để mô tả đó là nhà chứa (Antiquités judaiques 5:7), hay như Thamar cũng hành nghề này, nhưng cao cấp hơn: điếm, đúng, nhưng «thiêng liêng» (St 38:21). Khi nhà cầm quyền Do thái ném vào mặt Đức Giêsu câu nói «chúng tôi, chúng tôi đâu phải là con của điếm» (Ga 8:41), chữ «chúng tôi» được nhấn mạnh là chữ làm cho người ta ngầm nghĩ đến nguồn gốc không rõ ràng của Đức Giêsu và «vết chàm» trong lý lịch gia đình của Người.
Để hiểu tai tiếng gây ra do sự hiện diện của cô điếm trong bữa tiệc danh dự đãi Đức Giêsu ở nhà ông Simon, chúng ta cần phải dựng lại tình tiết và các nhân vật theo văn hóa thời bấy giờ.
Các người biệt phái   
Những người biệt phái là những người mộ đạo, mong chóng thấy Nước Trời, dốc hết tâm trí để sống mỗi ngày theo lời chỉ dẫn của vị tư tế trong thời gian ấn định cho việc phụng vụ ở Đền thờ của họ. (Lêvi 9:10; 21:22; 1:9). Cách sống của họ làm họ khác biệt và tách biệt với những người thường (chữ Biệt phái có nghĩa là «tách biệt»). Đời sống của một người biệt phái bị chế ngự do việc chú tâm quan sát chính xác một trăm mười sáu (116) giới luật. Bị ám ảnh phải tuyệt đối nghỉ ngày sabát, người biệt phái chăm chú tránh không làm một ngàn năm trăm hai mươi mốt (1521) điều cấm kỵ của ngày sabát, và không để rơi vào việc vi phạm luật viết dù chỉ « hai chữ » trong mẫu tự, vì vi phạm luật là một lỗi rất nặng. Một điều chú tâm lớn khác của họ là giữ luật trong sạch, họ chú tâm đến độ bệnh hoạn, tránh không để bị đụng tới hay do vô ý mà đụng tới những đồ vật hay những người ô uế, vì như thế sẽ làm cho bao nhiêu lời cầu nguyện của họ trong ngày trở thành vô ích: từ bài hát con gà («Ca tụng Đấng đã cho con gà trí thông minh biết phân biệt được ngày và đêm») đến khi họ mở mắt («Ca tụng Đấng làm cho người mù được thấy») và cho đến khi họ khép mắt («Ca tụng Đấng làm cho giấc ngủ đến trong con mắt tôi»).
Một tập sách Những lời chúc phúc ghi nội dung và số lượng các kinh cầu nguyện phải đọc để được vừa lòng Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi con người ca tụng mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong cầu tiêu: «Chúc tụng Thiên Chúa đã hình thành con người một cách khôn ngoan và đã tạo cho con người có nhiều lỗ. Rõ ràng là nếu có một lỗ mở ra hay một lỗ bị nghẽn, con người không thể nào sống được.» Đức Giêsu gọi những người biệt phái này là những người «đạo đức giả»: thay vì thực hành những «việc làm tốt đẹp» để con người «làm vinh danh Chúa Cha trên trời» (Mt 5:16) thì họ lại phô trương không biết bao nhiêu việc sùng bái để được con người «vinh danh» (Mt 6:2). Làm «những việc sùng kính» thành những chuyện đồi bại, theo lợi lộc riêng tư của họ thay vì phục vụ cho con người, những người biệt phái quy vinh quang về mình thay vì về Thiên Chúa: họ tưởng họ thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thật sự họ làm việc thờ phượng có tính cách tôn thờ thần tượng. Như thế, như Sách Thánh giảng dạy: «Ý kiến làm ra thần tượng là nguồn gốc của mãi dâm» (Kn 14;12). Nhưng hình thức mãi dâm này không phải là không được thừa nhận trong môi trường thiêng liêng; ngược lại, nó còn được khuyến khích và được xem như gương mẫu cho việc toàn thiện.
Cô gái điếm 
Trong tất cả các nền văn hóa, nếu việc sinh ra đời một em bé gái là điều không bao giờ được mong ước (Auguri et figli maschi: chúc mừng con trai) thì trong thế giới của người Do thái, một thế giới được cai trị bởi những người đàn ông, việc sinh ra một em bé gái là một bất hạnh bị lời Chúa trừng phạt («Chính bởi người đàn bà mà tội lỗi đã bắt đầu và chính vì đàn bà mà tất cả chúng ta sẽ chết» Hc 25:24), bị lời Talmud cho rằng («Thế giới không thể tồn tại mà không có con đực, con cái, nhưng hạnh phúc cho ai có con trai, và bất hạnh cho ai có con gái,») và con người được chuẩn nhận trong lời cầu nguyện mà mỗi người đàn ông Do thái cám ơn Chúa mỗi ngày ba lần: «Ca tụng Đấng đã làm cho tôi không phải là người ngoại đạo, đã làm cho tôi không phải là đàn bà, và đã không làm cho tôi là người thô lỗ.»
Khi đã có hai em bé gái trong một gia đình, thì người ta không dung thứ được em bé gái thứ ba (mà việc sinh ra em làm người mẹ ô uế trong vòng ba tháng Lv 12:2-5). Lúc đó cách xử thông thường là đem em bé đi và «phô em bé ra», có nghĩa là bỏ em bé ngoài làng, như thời đó người ta đã làm, và chính Thánh Kinh cũng nói: «Dù cho nhà nghèo, thì người ta cũng nuôi một em bé trai; nhưng dù cho người ta có giàu, thì người ta cũng luôn luôn vứt bỏ em bé gái.» Nếu em bé gái sống sót mà không bị các súc vật ăn, thì em cũng được các người buôn nô lệ «cứu», họ đi chung quanh các lối vào thành phố hay làng mạc để tìm các em bé gái. Một hành động không phải là thương người, nhưng là để buôn bán: em bé gái được đem về, nuôi nấng để bán dâm. Từ lúc em lên năm, em bắt đầu hành lạc. Và đến năm lên tám, em đã sẵn sàng để giao hợp một cách trọn vẹn. Vào thế kỷ thứ hai, Justin còn lên án những ai «nuôi các trẻ em để sử dụng một cách hèn mạt.»
Một bữa ăn không như ý
Người biệt phái đã bất cẩn khi mời Đức Giêsu đến nhà ăn. Đức Giêsu không phải là vị khách dễ tính. Tất cả các lần người biệt phái mời Người ăn, họ đã nhẫn nhục chịu đựng Người (Lc 11:37-54; 14:1-24). Câu chuyện diễn tiến một cách căng thẳng, cường độ tăng dần. Như thường thấy trong các bữa tiệc, những người được mời ăn nằm dài trên đi-văng chung quanh bàn, khi «một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành» đi vào. Nhà của người biệt phái là nhà mà không một người nào vào, mà trước hết, không được tẩy uế (Mc 7:3-4), ngôi nhà này bị ô uế do sự hiện diện «của một phụ nữ tội lỗi trong thành phố.»
Khi nhấn mạnh thái độ ngạc nhiên của những người tham dự bằng câu: «Và kìa,» thánh sử mô tả người đàn bà này vào nhà với một bình bạch ngọc đựng dầu thơm, chị «đứng đàng sau» Đức Giêsu, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Làm như cảnh này chưa gây bối rối đủ, thánh sử còn thêm vào một nét rất gợi cảm: mái tóc. Ngày xưa, mái tóc được xem như một vũ khí có tác dụng khiêu dâm không cưỡng lại được, (Judith « đã chải tóc từ trên đầu chải xuống», để quyến rũ Holoferne, Gđt 10:3). Luật cấm đàn bà để tóc trần. Người đàn bà luôn luôn phải che mặt, chỉ có ngày đám cưới, người đàn bà mới được để đầu trần. Suốt cuộc đời còn lại, họ không bao giờ được để đầu trần, ngay cả trong nhà, và người chồng có quyền để vợ nếu bà vợ không đội khăn che, vì «người đàn bà phải mang trên đầu một dấu hiệu chứng tỏ sự lệ thuộc của mình» (1Cr 11:10). Chỉ những người làm điếm mới để đầu trần để lôi cuốn khách hàng. Và người đàn bà làm điếm này, không những để tóc trần mà không bị phạt, lại còn dùng tóc để lau chân Chúa, sau khi đã đổ dầu thơm và hôn chân Người bằng miệng. Phản ứng của Đức Giêsu? Không. Không một phản ứng. Tuy nhiên, chỉ nội một việc để cho «một trong những người phụ nữ tội lỗi» này chạm nhẹ vào người là đã làm cho người đàn ông ô uế, không xứng đáng đến gặp Chúa (các giáo sĩ Do thái buộc phải đứng xa đàn bà điếm hai mét). Làm sao Đức Giêsu lại có thể không tránh né bà ta? Vì sao Người không khiển trách bà ta?
Đối với ông Simon biệt phái, đương nhiên Đức Giêsu không phải là một vị tiên tri, «nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai: một người làm điếm.» Ngoài ra, làm sao có thể xem đây là một người của Thiên Chúa «một tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.» (Lc 7:34)? Ở đây có hai cách nhìn đối nghịch nhau: cách nhìn của người Biệt phái, quen lên án theo những tiêu chuẩn tôn giáo, và cách nhìn của Đức Giêsu, thể hiện tình thương của Chúa Cha, Người đến không phải để lên án, nhưng để «tìm và cứu những ai đi lạc (Lc 19:10). Đối với ông Simon, ông không thấy đó là một người «đàn bà», nhưng thấy đó là một người «tội lỗi»,  Đức Giêsu sửa đổi cách nhìn này: «Ông thấy người phụ nữ này chứ»? Nhưng chính người biệt phái, vừa gọi Đức Giêsu là «Thầy» mà vừa lại muốn cho Người một bài học: (« Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà này là thứ người đàn bà nào.)
Điều này, dưới mắt của một người mộ đạo, là vi phạm đạo đức, là kích động phạm tội, chứ không có gì như Đức Giêsu nói là thái độ thể hiện đức tin («đức tin của con đã cứu con»), người Biệt phái thấy sự chết (tội lỗi) trong cái mà Đức Giêsu diễn tả sự sống (đức tin). Nơi Đức Giêsu thấy đó là sự sống, người ta thấy đó là tội: «Người phàm nhìn dáng vẻ bên ngoài, còn Thiên Chúa nhìn quả tim» (1Sm 16:7). Người đàn bà tội lỗi không đến xin Đức Giêsu tha tội, nhưng đến nói lên lời cám ơn bà đã được tha thứ mà bà biết bà đã được Thiên Chúa mà Đức Giêsu tuyên xưng «người vẫn nhân hậu với phường vô ân và quân độc ác» (Lc 6:35) tha thứ. Và bà đã diễn tả lòng biết ơn theo cách riêng bà có thể làm được, bà dùng tất cả phương tiện bà có: mái tóc, môi miệng, nước hoa và bàn tay chuyên môn «sờ» (người Biệt phái dùng động từ để tả hành động của người đàn bà có tích cách rất khiêu dâm: «sờ») Đức Giêsu không nói bà «đừng phạm tội nữa» (như Người đã khuyên người đàn bà ngoại tình, Ga 8:11) và Người cũng không đòi hỏi bà đổi «nghề» vì đó là điều không thể được với hạng đàn bà này. Bà cũng không thể quay trở về gia đình của bà (nếu như bà còn gia đình để quay về), nhưng bà có thể vào cộng đoàn Nước Trời: ngay lập tức sau đoạn này, thánh sử đã nói thêm «và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh» (Lc 8:2) cũng gia nhập vào nhóm người của Đức Giêsu.
Trong khi người biệt phái than phiền tình trạng Nước Trời không thể hiện được vì những người tội lỗi như những người làm điếm, những người thu thuế, thì Đức Giêsu báo cho họ, nếu họ liếc mắt nhìn, họ sẽ thấy chính những người thu thuế, những người làm điếm đã vào Nước  Trời (Mt 21:31). Những người mộ đạo này chờ một nước trời dành riêng cho một thiểu số người được ưu tiên, những người có hạnh kiểm không tì vết: những người «công chính» vào Nước Trời vì công nghiệp của họ. Trong khi Nước Trời mà Đức Giêsu khánh thành, đó là đất tình yêu của Chúa Cha, nơi người ta vào Nước Trời không phải do cố gắng riêng tư của mình, nhưng do lòng thương xót của «Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng lời, để thương xót mọi người» (Rm 11:32), và ở đó có chỗ cho «cả người tốt lẫn người xấu» (Mt 22:10) gồm cả những người thu thuế và những người làm điếm (Mt 9:9).
Ignace Trần An Huy dịch

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

7 Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin - Thiên Chúa, người đứng ngoài lề xã hội


 7 Thiên Chúa, người đứng ngoài lề xã hội






Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục  Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp).
Có một bà kia bị băng huyết đã muời hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang. Lại còn thêm nặng là đàng khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: «Tôi mà được sờ vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.» Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: «Ai đã sờ vào áo tôi?» Các môn đệ thưa: «Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?» Đức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: «Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và con đã khỏi hẳn bệnh.» (Mc 5:25-34)
“Băng huyết”: dưới đầu đề không được lịch sự cho lắm này, các thánh sử đã mô tả người đàn bà vô danh “bị băng huyết đã mười hai năm,” nhân vật chính trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu (Mc 5:25-34). Thánh sử đưa vào câu chuyện một yếu tố rất quan trọng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đoạn này: con số mười hai, con số tượng trưng cho dân tộc Ítraen, mà ban đầu, họ có mười hai bộ tộc (St 49:1-28). Dấu chỉ người đàn bà này bị đau từ “mười hai năm” là một cách văn hoa mà thánh sử muốn ám chỉ nhân vật này đại diện cho Ítraen, và ý nghĩa câu chuyện không chỉ giới hạn vào nhân vật nữ ở đoạn này, mà trải rộng ra cho toàn dân Do thái. Ngày xưa, người ta có khuynh hướng đặt tên cho tất cả mọi vật, tất cả mọi chuyện và họ đã đặt tên cho người đàn bà vô danh này là Vêrônica, trước khi làm cho bà thành nữ nhân vật chính trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu trên đường lên núi Sọ (Phúc âm của Nicôđêmô, 7)
Trong thế giới Đông phương, khi có một người đau ốm, nếu gia đình chỉ gọi một bác sĩ đến thì xem đó như dấu hiệu gia đình không thương yêu nhiều, người ta mời càng nhiều bác sĩ đến càng tốt, kết quả là có nhiều đơn thuốc trái ngược nhau với nhiều biên lai tính tiền khác nhau. Có thể đó là lý do mà những người hồi đó không ca tụng các bác sĩ cho mấy, họ xem đó là hiệp hội các người bất lương. Nếu Thánh Kinh nhấn mạnh đến khía cạnh không mấy đạo đức của họ (“Bệnh kinh niên nhại cả thầy lang, Hc 10:10), thì một cách rõ nét hơn, sách Talmud hoàn toàn lên án nghề này: “Người tốt nhất trong các bác sĩ xứng đáng vô vực lửa.” (Qid 4:14) Sống sót, sau khi bị các bác sĩ lột sạch, từ nay bà ở trong một tình trạng tuyệt vọng. Thánh sử mô tả bà là người bị băng huyết hay bị dòng máu trào ra ngoài kỳ kinh nguyệt bình thường.
Trong văn hóa Do thái, máu tượng trưng cho cả đời sống của một con người (“Vì sinh khí của mọi thân xác là máu của nó” (Lv 17:14), mất máu có nghĩa là mất sự sống: từ từ, người đàn bà này sẽ chết. Không chỉ như thế. Một người đàn bà mắc bệnh này bị xem như không trong sạch, bị so sánh như người phong cùi (Zav 5;1-6): bà không được đến gần ai và cũng không ai được đến gần; nếu bà có chồng, bà không được gần chồng, nếu bà còn độc thân, bà không được lấy chồng. Vì tình trạng này, tôn giáo lên án bà tuyệt sản; máu chảy không ngừng cũng báo trước cái chết. Người đàn bà không có một hy vọng nào và không có phương tiện nào lành bệnh, chỉ biết chờ chết. 
Thiên Chúa, bác sĩ phụ khoa
Uy quyền duy nhất có thể cứu bà là Thiên Chúa. Nhưng bà, “không trong sạch”, không thể nghĩ đến việc quay về với “Thánh, thánh, thánh” (Is 6:3) Đấng quyết định một cách dứt khoát ai đụng đến giới tính phải bị xếp vào loại không “trong sạch”. Không tin tưởng vào con người, chính Chúa làm một danh sách, với đầy đủ chi tiết, như cẩm nang y khoa, tất cả đàn ông cũng như đàn bà bị cho là “không trong sạch”, một điều kiện làm họ không tiếp cận được với Thiên Chúa (Lv 5:2-3; 22:3). Ngay cả khi sinh ra được đứa con trai, bà mẹ cũng bị cho là “không trong sạch trong vòng bảy ngày” và bà phải “thanh tẩy máu của mình trong vòng ba mươi ba ngày” (các con số này sẽ nhân lên gấp đôi nếu người đàn bà sinh đứa con gái, Lv 12:1-5). Còn đàn ông, không những họ bị xem không trong sạch khi bị bệnh lậu, một bệnh phổ biến thời bấy giờ, mà lúc “xuất tinh” cũng làm cho họ “mắc uế cho đến chiều” và “khi người đàn bà và đàn ông giao hợp có xuất tinh, thì cả hai phải tắm trong nước và mắc uế cho đến chiều.” (Lv 15:18).
Tình trạng người đàn bà còn phức tạp hơn: “Khi người đàn bà xuất huyết, bà mắc uế trong vòng bảy ngày.” (Lv 15:19) Thời gian này, người đàn bà như người mắc bệnh dịch hạch. Các người đàn bà trong tình trạng này bị cấm không được vào Đền thánh và không được tham dự vào việc thờ phượng. Trong danh sách những người không được tham dự vào lễ Phục Sinh, Flavius Josèphe xếp họ vào hạng “người phong cùi và những người bị bệnh lậu” (Sách cổ Do thái 3:261). Không những “ai đụng đến bà sẽ mắc uế cho đến chiều”, mà bà sẽ làm uế “tất cả vật gì bà dùng để nằm ngủ và tất cả bàn ghế mà bà đã ngồi” và tất cả những ai đụng đến bà (Lv 15:19-24). Trong trường hợp có giao hợp, người đàn ông cũng bị nhiễm và ông sẽ bị “uế trong vòng bảy ngày và tất cả giường ông nằm ngủ cũng sẽ bị uế” (Lv 15:24). Các chuyện này càng trầm trọng hơn khi người đàn bà không điều hòa kinh nguyệt, làm cho người đàn bà mắc uế trong suốt thời gian máu chảy. Ngày thứ tám, bà sẽ đem “hai con chim cu hay hai con bồ câu non cho vị thượng tế ở cánh cửa Trướng Tao Phùng.” (Lv 15:28-29)
Danh sách vừa nặng nề vừa nhục nhã đã được chính Chúa đặt ra, được truyền thống Do thái nhắc lại và phóng đại thêm làm cho phương châm này lại càng thêm thê thảm-khôi hài. Trong phần cuối của sách Talmud, người ta ghi lại tất cả những gì làm ô uế, có một đoạn dành hoàn toàn cho việc ô uế do kinh nguyệt của đàn bà. Như thế cũng còn chưa đủ, chủ đề kinh nguyệt còn trải dài cả sách Talmud, trong những toa thuốc lẫn lộn các hiểu biết về phụ khoa sơ khai cũng như các chuyện cấm kỵ không được đụng đến, các chuyện dị đoan, các chuyện khủng bố tôn giáo. Ở đó, người ta dạy “một người đàn bà kinh nguyệt không điều hòa không có quyền giao hợp, không có quyền nhận của hồi môn, cũng không được bồi hoàn của cải, và người chồng phải bỏ vợ và không bao giờ được lấy lại bà ta.” (Tb.12b); coi thường không tuân giữ các phương châm về kinh nguyệt tạo ra cái chết của người đàn bà (Tb. 31b). Người ta còn chính xác ghi cả kích thước giọt máu chảy ra đủ để phải nhờ đến nghi thức thanh tẩy (“to bằng hạt mù tạt,” (Tb. 31a.) và người ta báo cho hay rằng việc gặp gỡ một người đàn bà đang có kinh nguyệt rất nguy hiểm, bởi vì “khi một người đàn bà đang có kinh nguyệt trao đổi giữa hai người đàn ông, nếu vào đầu kỳ kinh nguyệt, bà sẽ giết một người; nếu bà đang ở cuối kỳ kinh nguyệt, bà sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa hai người.” (Pes.111a)
Thiên Chúa, người giải phóng 
Trong một thế giới mà các giáo sĩ gần như giỏi về phụ khoa hơn là thần học, Đức Giêsu đã đem việc tiếp cận với Thiên Chúa về với giá trị đích thực của nó. Chính thái độ đối với người khác cho phép hay không cho phép con người hiệp thông với Thiên Chúa, chứ không phải việc tuân giữ các phương châm do con người sáng chế ra (Mt 15:1-20).
Cuộc gặp gỡ của người đàn bà tuyệt vọng bị “băng huyết”, một người đàn bà chết mòn, với sự sống mà Đức Giêsu thông hiệp, diễn ra trong khi người đang đi về nhà ông Gia-ia, ông trưởng hội đoàn, để đến “đặt tay” lên cô bé gần chết (Mc 5;23).
Thánh sử nhấn mạnh đến việc người đàn bà đã nghe nói về Đức Giêsu, những gì bà nghe đã khơi dậy trong bà một nguồn hy vọng mới, cho bà sức mạnh để làm được hành vi như bà đã làm. Đức Giêsu nổi tiếng như một người, mà bằng lời và bằng cử chỉ cụ thể, loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, không phân biệt đạo đức, tôn giáo, không phân chia họ thành những hạng người tinh tuyền hay ô uế (Mc 1;10-45; 2:1-17). Nhất là, Đức Giêsu không chấp nhận một trở ngại nào được đặt ra giữa tình yêu Thiên Chúa và nhân loại.
Người đàn bà nắm lấy cơ hội được gặp gỡ Đức Giêsu, bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Luật Chúa cấm bà không được chạm đến ai, nhưng ước muốn được sống thì mạnh hơn là điều cấm kỵ luân lý và tôn giáo. Nếu bà tuân giữ Lề Luật, bà sẽ không phạm tội, nhưng bà sẽ chết; nhưng nếu bà dám phạm tội, bà sẽ có cơ may được sống. Người đàn bà rẽ đám đông theo Đức Giêsu, và lúc đến được sau lưng Người, hy vọng không ai thấy bà, bà chạm vào gấu áo Người và “tức khắc, máu cầm lại, bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.” Nhận ra ngay, Đức Giêsu liền quay lại đám đông và hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?”
Giữa đám đông, các đồ đệ, những người duy nhất không nhận ra cường độ của giây phút này, và với thái độ không giữ ý, họ nói với Đức Giêsu: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?” Luôn luôn hẹp hòi, họ tháp tùng Đức Giêsu nhưng họ không theo Người được. Họ đứng bên cạnh nhưng họ không gần Người, vì vậy họ không nhạy cảm với đời sống mà Đức Giêsu thông hiệp với tất cả những ai đến gần Người. Đối với các đồ đệ, Đức Giêsu “nhìn đám đông”, nhưng ánh nhìn của Đức Giêsu thấy đang tìm chung quanh “để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.”
Bây giờ là giây phút lôi kéo người đàn bà khốn khổ ra ngoài ánh sáng mặt trời và dự tính cho bà một hình phạt đích đáng nào đây. Hành vi của bà đã truyền cái ô uế của bà qua Đức Giêsu, và bây giờ đến lượt Đức Giêsu bị ô uế. Sách Lêvi cho biết vi phạm luật ô uế sẽ bị hình phạt của Thiên Chúa: “Các ngươi sẽ tránh cho con cái Ítraen khỏi các sự nhơ uế của chúng, ngõ hầu chúng khỏi chết vì các nhơ uế của chúng mà làm cho Nhà tạm của Ta ở giữa chúng phải ra nhơ uế.” (Lv 15:31) Người đàn bà này đã vượt quá các giới hạn, và bây giờ bà chờ bị sỉ nhục trước công chúng và bị phạt. Tất cả điều đó không làm cho bà mất vui vì được khỏi bệnh và được trở lại với đời sống. Vừa “sợ phát run”, bà can đảm thú tội. Thay vì bị khiển trách, người đàn bà tưởng mình sẽ ở ngoài tình yêu Thiên Chúa vì bị bệnh, lại nhận được lời khen ngợi và thấy lời thú tội của mình là hành vi tuyên xưng đức tin: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và trong bản văn của thánh Mátthêu, Đức Giêsu còn công khai khuyến khích bà (“Yên tâm”, Mt 9:22).
Cái gì dưới mắt tôn giáo là phạm thượng, thì đối với Đức Giêsu là cách diễn đạt đức tin. Thay vì bị phạt vì vi phạm luật, Đức Giêsu chúc bà có một tương lai an bình: “Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” Vực thẳm mà tôn giáo đào ra giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và ô uế của con người đã được phá bỏ bởi Đức Giêsu, khi người quay qua người đàn bà và gọi bà là “con gái của ta”, thành ngữ đầy hiệp thông mật thiết đã xóa bỏ mọi khoảng cách. Khi lành bệnh, người đàn bà bị áp bức vì bệnh  không bị bắt phải đem của lễ đến đền thờ để tạ ơn như luật ghi (Lv 15:29), nhưng “hãy về bình an”, chữ bình an, tiếng Hêbrơ là “shalom”, nói lên toàn bộ các điều kiện làm cho một con người được hạnh phúc.
Ignace Trần An Huy dịch