Trang

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Tình Thơ

Tình Thơ

Phượng rơi thắm sân trường
Hè về gọi nhớ thương
Thầy cô, bạn bè cũ
Xa nhau lòng vấn vương.

Ba tháng ở miền quê
Vui với tình đồng nội
Diều bay lên phất phới
Như lòng em chơi vơi.

Cơn gió thoảng bay cao
Như cuộc tình một dạo
Sân trường đầy hoa phượng
Em về tôi theo sau.

Rồi mùa hè trôi qua
Tôi trở lại trường cũ
Tìm em người áo lụa
Bây giờ biết nơi mô !

Con đường quen giờ vắng
Gót chân hồng ngày xưa
Sân trường giờ nhạt nắng
Buồn rơi dấu hững hờ !

Nguyễn Thái Hùng

Ngàn Cánh Phượng

Ngàn Cánh Phượng

Ngàn cánh phượng đỏ trên lối nhỏ
Vạn tà áo trắng trước cổng trường
Hè về lòng bao nỗi nhớ thương
Một thời áo trắng vấn vương tuổi hồng.

Em xa như cánh chim trước gió
Cuộc đời, đầy ắp những gian truân
Sách vở để lại bao nhiêu mộng
Tình đầu, đoá hồng đẹp thiên thu.

Giờ xa, giữa cuộc đời dâu bể
Nhớ về chùm phượng thuở hoa niên
Người trao một cánh, bao luyến tiếc
Một chút tình yêu thuở đầu đời.

Nguyễn Thái Hùng

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Vấn đề ngôn ngữ tôn giáo

Vấn đề ngôn ngữ tôn giáo

Môn học: Triết học tôn giáoGiáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.Học viên: Đoàn Công Trình, S.J.
Có một thực tế là: con người sử dụng ngôn ngữ của mình để nói về Thiên Chúa. Trong bối cảnh của triết học tôn giáo, vấn đề nảy sinh là liệu ngôn ngữ của con người vốn giới hạn có thể diễn tả đúng về Thiên Chúa không? Nói khác đi, nếu ngôn ngữ tôn giáo có vai trò quan trọng như thế, liệu chúng có đảm nhận hay có khả năng chứng minh Thiên Chúa hiện hữu hay không?

Dẫn nhập

Thiên Chúa hay Thượng Đế có hiện hữu không hẳn là một câu hỏi rất quan trọng vì nó liên quan đến ý nghĩa và mục đích cuộc sống con người. Thế nên, không ít triết gia nỗ lực chứng minh sự hiện hữu của Ngài, nhưng cũng không thiếu những người khác phủ nhận sự hiện hữu ấy vì thiếu những bằng chứng thực sự thuyết phục. Trong bối cảnh của triết học tôn giáo, vấn đề nảy sinh là liệu ngôn ngữ của con người vốn giới hạn có thể diễn tả đúng về Thiên Chúa không? Vì chưng, những khái niệm về Thiên Chúa hay những thuộc tính Ngài lại do ngôn ngữ đảm nhận. Nói khác đi, nếu ngôn ngữ tôn giáo có vai trò quan trọng như thế, liệu chúng có đảm nhận hay có khả năng chứng minh Thiên Chúa hiện hữu hay không?
Bằng lối tiếp cận cụ thể vấn đề ngôn ngữ tôn giáo trong tác phẩm Philosophy of Religion của John H. Hick,[1] bài viết trình bày ba phần không kể dẫn nhập và kết luận. Phần thứ nhất bàn về tính chất đặc thù của ngôn ngữ tôn giáo như định hướng cho phạm vi của vấn đề. Phần thứ hai bàn về ba lập trường trong vấn nạn ngôn ngữ tôn giáo, gồm lập trường của phái thực chứng luận lý (logical positivism), lập trường của nhóm chủ trương ngôn ngữ tôn giáo mang tính nhận thức sự kiện (cognitive) và chủ trương ngôn ngữ tôn giáo mang tính phi nhận thức sự kiện (incognitive). Phần thứ ba là một vài nhận định của người viết về vấn đề này.

1.   Tính chất đặc thù của ngôn ngữ tôn giáo

Như John Hick ghi nhận, ngôn ngữ tôn giáo được sử dụng trong các phát biểu về Thiên Chúa cần phải hiểu theo một cách đặc thù. Tuy nhiên, chúng vẫn lệ thuộc vào bối cảnh của đời thường vốn phát sinh ra nó trước đó. Một từ ngữ nào đó, vốn phát sinh và được áp dụng và được xác định ý nghĩa phù hợp trong đời thường trước khi được áp dụng cho Thiên Chúa. Chẳng hạn, khi nói rằng “Ông Trời có mắt” hay “Trời biết trước mọi sự,” thì không có nghĩa rằng Thiên Chúa có mắt giống như con mắt của con người, nhưng qua đó nói lên phẩm tính toàn tri của Ngài. Như vậy, một trong những cách hiểu quan trọng của ngôn ngữ tôn giáo là ngôn ngữ ẩn dụ (metaphor). Hơn nữa, vì chính Đức Giêsu cũng dùng ngôn ngữ ẩn dụ để nói về Nước Trời, nên chúng ta có thể hiểu ngôn ngữ tôn giáo dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa qua các ẩn dụ dẫu cho nó còn lời mờ. Như thánh Phaolô nói: chúng ta nhìn qua một tấm kính mờ, và kết quả của ngôn ngữ loại suy thì được soi sáng phần nào sự thật về những phát biểu về Thiên Chúa.[2]  Thế nhưng, dường như người ta không chấp nhận phạm vi đặc thù của ngôn ngữ tôn giáo. Có người ủng hộ, nhưng cũng có những kẻ chống đối, và lại có những tư tưởng xem ra đề xuất những giải pháp dung hòa.

2. Ba lập trường trong vấn nạn ngôn ngữ tôn giáo

2.1 Phái thực chứng luận lý (Logical Positivism)

Phái thực chứng luận lý cho rằng những phát biểu như “Thiên Chúa hiện hữu” hay “Thiên Chúa yêu thương” vốn không có ý nghĩa gì về mặt luận lý, vì không thể chứng minh bằng cách quy về kinh nghiệm của con người được. Bởi lẽ, những mệnh đề kinh nghiệm bao giờ cũng có tính có thể, nghĩa là có thể đúng và có thể sai. Chỉ có những mệnh đề tiên thiên mới được xác định về mặt lôgic. Theo Alfred Jules Aye, những mệnh đề về Thiên Chúa như đã nói ở trên là vô nghĩa về nhận thức luận; chúng không có bất cứ một ý nghĩa minh xác nào.[3]
Xét về phương pháp luận, giả sử như kết luận “Thiên Chúa tồn tại” là xác định, vậy thì tiền đề của nó cũng là xác định; bởi vì kết luận của phương pháp diễn dịch hàm chứa ngay trong tiền đề, bất cứ tính không xác định nào của tiền đề tất nhiên sẽ dẫn tới tính không xác định của kết luận.[4] Như thế, một mệnh đề có ý nghĩa hay không, quyết định ở chỗ có thể dùng thực tế kinh nghiệm để kiểm chứng tính đúng sai của nó hay không; cũng có nghĩa là, nếu được kinh nghiệm thực tế kiểm chứng thì mệnh đề đó có ý nghĩa, nếu không thì nó bị loại trừ. Theo tiêu chuẩn này, những mệnh đề như “Thiên Chúa hiện hữu” hiển nhiên không thuộc mệnh đề có thể chứng thực hoặc có ý nghĩa.

2.2 Ngôn ngữ tôn giáo mang tính nhận thức sự kiện (cognitive)

Chủ trương ngôn ngữ tôn giáo có tính nhận thức sự kiện cho rằng cần phải hiểu ngôn ngữ tôn giáo theo nghĩa khác chứ không theo nghĩa thông thường, vì tính chất đặc thù của ngôn ngữ tôn giáo. Họ dùng những phương pháp đặc biệt để diễn tả, biểu đạt về Thiên Chúa. Trước hết là thánh Tôma Aquinô với phương pháp loại suy, kế đến và Paul Tillich với ngôn ngữ biểu tượng; và ý nghĩa của việc Đức Giêsu Nhập Thể.

2.2.1 Phương pháp loại suy (analogical method) của thánh Tôma Aquinô

Phương pháp loại suy cho thấy giữa hai hay nhiều chủ thể loại suy có một phần giống nhau và một phần khác nhau. Nhờ đó, người ta thiết lập một sự tương tự, một sự loại suy nào đó giữa những thụ tạo thấp kém hơn lên tới thực tại tối hậu, gọi là loại suy “đi lên.” Nhưng đôi khi, người ta cũng loại suy “đi xuống” nữa.
Theo thánh Tôma, khi loại suy “đi xuống” người ta sử dụng những phẩm tính mà chủ thể loại suy có được cách chắc chắn hơn để áp dụng cho thực tại thấp kém hơn. Chẳng hạn khi ta nói “con chó này thông minh” thì ta đang dùng loại suy đi xuống để chỉ về phẩm tính thông minh của con chó. Phẩm tính ấy được loại suy ra từ chính phẩm tính thông minh của con người. Vì nét tương đồng giữa phẩm tính thông minh của con người và của con chó mà ta dùng chữ “thông minh” một cách dị nghĩa. Nhưng, có một sự khác biệt rất lớn giữa phẩm tính thông minh của con chó và con người. Do sự khác biệt này chúng ta không dùng chữ “thông minh” này theo đơn nghĩa, nhưng ta dùng nó theo lối loại suy. Thế nên, điều căn bản vẫn phải luôn nhớ rằng, sự thông minh của con người thì khác hẳn sự thông minh của con vật, cũng giống như con người khác con vật vậy.[5]
Trong khi loại suy “đi lên” từ thụ tạo thấp kém lên tới thực tại tối hậu, nghĩa là từ con người lên Thiên Chúa, thì những thuộc tính hay phẩm tính được loại suy ấy chỉ là bóng mờ bởi nơi Thiên Chúa mọi sự đều hoàn hảo. Chẳng hạn, khi nói “Thiên Chúa yêu thương,” mặc nhiên ta dựa vào khả năng yêu thương của chính mình để cố hình dung ra một tình yêu viên mãn hoàn hảo nơi Thiên Chúa. Thế nên, Thánh Tôma dạy: “Đối với những từ ngữ được dùng cho cả Thiên Chúa lẫn thụ tạo thì chữ ấy không được sử dụng đơn nghĩa (univocally), nghĩa là cùng một ý nghĩa như nhau cho cả hai; cũng như không thể dùng theo cách người cách dị nghĩa (equivocally), nghĩa là với những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, nhưng là loại suy.”[6]
Thế nhưng, loại suy không phải là phương pháp khám phá và vạch ra bản tính vô hạn của Thiên Chúa; đó chỉ là cách thức lý giải các hạn từ được áp dụng cho Thiên Chúa, như thánh Tôma nói.[7] Nói cách khác, phương pháp này không nói rõ các thuộc tính hoàn hảo của Thiên Chúa như thế nào, nhưng chỉ nói lên mối tương quan giữa các ý nghĩa khác nhau của một hạn từ khi vừa áp dụng cho con người vừa áp dụng cho Thiên Chúa căn cứ trên mạc khải. Như thế, thuyết loại suy đề ra một cái khung để người ta có thể nói về Thiên Chúa, để không rơi vào chủ trương bất khả tri và xâm phạm mầu nhiệm khôn dò Thiên Chúa.[8]
Như thế, mặc dầu phương pháp loại suy rất quý giá, bởi nó tỏ ra có nhiều ưu điểm khi diễn tả về Thiên Chúa, nhưng nó vẫn có những bất toàn bởi loại suy bao giờ cũng mang phần chủ quan; những hình ảnh, ý niệm, thuộc tính hay điều gì khác nữa mà chúng ta biết về Thiên Chúa cũng chỉ có giá trị tương đối. Vì chúng được loại suy luôn luôn có thể đánh lừa ta nên khi sử dụng phương pháp này, ta cần hết sức thận trọng đối với những gì đã thâu lượm được, đừng bao giờ ngưng xét lại những “hiểu biết” này.[9] Do đó, khi sử dụng chúng, phải không ngừng phê bình và duyệt xét lại những hình ảnh hay ý niệm ấy để chúng ngày càng trở nên chính xác và tinh tuyền hơn.

2.2.2 Ngôn ngữ tôn giáo mang tính biểu tượng của Paul Tillich

Paul Tillich chủ trương rằng chỉ có thể nói về Thiên Chúa bằng ngôn ngữ biểu tượng. Do đó, sẽ thật là sai lầm khi dùng cách hiểu của ngôn ngữ tôn giáo cho các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị hay ngược lại, vì mỗi lãnh vực có những quy ước riêng. Ông định nghĩa tôn giáo như là “mối quan tâm tối hậu.” Trong phạm vi ngôn ngữ tôn giáo, nó mang tính biểu tượng chứ không mang nghĩa đen. Điều này áp dụng cho mọi phát biểu về Thiên Chúa, ngoại trừ một phát biểu phải hiểu theo nghĩa đen: “Thiên Chúa là hữu-thể-tự-tại.”
Ngôn ngữ đức tin là ngôn ngữ của biểu tượng vì những quả quyết cụ thể về Thiên Chúa phải sử dụng một phần kinh nghiệm hữu hạn của con người để nói về Ngài vốn là hữu thể siêu việt vô hạn. Quả quyết về Thiên Chúa luôn luôn vượt quá kinh nghiệm mặc dầu nó có bao hàm một phần kinh nghiệm nào đó. Phần quả quyết về Thiên Chúa vừa được khẳng định lại vừa bị bác bỏ trong trong cùng một lúc. Nó trở thành biểu tượng, vì cách diễn tả biểu tượng là cách mà ý nghĩa riêng phải bị bác bỏ bởi chính cái mà nó chỉ đến.[10]
Như thế, Paul Tillich khẳng định rằng đức tin tôn giáo chỉ có thể được diễn tả ngang qua ngôn ngữ biểu tượng. Vì chưng những từ ngữ người ta sử dụng chỉ được rút ra từ kinh nghiệm hữu hạn của con người, nên chúng không thể xứng hợp để áp dụng cho Thiên Chúa. Trong chiều hướng tư tưởng này của Tillich, xét về mặt tôn giáo, nó như lời cảnh tỉnh để người ta không bị rơi vào nhân hình thuyết.
Bên cạnh đó, Paul Tillich còn đóng góp thêm cho nỗ lực của ngôn ngữ con người trong việc tìm cách diễn tả về Thiên Chúa bằng lý thuyết về sự “thông phần.”[11] Ông cho rằng, đức tin cần ngôn ngữ cho chính nó, như mỗi cá nhân hành động cho chính mình vậy. Và rồi, ngôn ngữ tôn giáo hay các biểu tượng thần bí tôn giáo được cộng đồng những kẻ tin tạo nên, nên chúng không thể được hiểu cách đầy đủ ở ngoài cộng đồng ấy. Chính ở bên trong cộng đồng, ngôn ngữ tôn giáo có khả năng đưa đến các hành động của đức tin với những nội dung cụ thể. Và “các ý tưởng không được lấy ra khỏi bối cảnh [nghĩa là cộng đồng] vì ý tưởng và bối cảnh là một tương quan nội tại. Các ý tưởng có được ý nghĩa của nó trong hệ thống của nó.”[12]
Với quan điểm ngôn ngữ tôn giáo mang tính biểu tượng, dường như Paul Tillich có khuynh hướng quy kết cảm thức tôn giáo trở thành cảm thức thẩm mỹ và sẽ đưa đến chiều hướng duy tự nhiên. Vì quan niệm về ngôn ngữ mang tính biểu tượng áp dụng dễ dàng cho nghệ thuật hơn là cho các quan niệm và khẳng định của thần học. Chính ở điểm này mà tư tưởng của Paul Tillich dù có nhiều giá trị vẫn không đáp ứng được những đòi hỏi của triết học. [13]

2.3 Chủ trương ngôn ngữ tôn giáo mang tính phi nhận thức (noncognitive)

Chủ trương ngôn ngữ tôn giáo mang tính phi nhận thức cho rằng, ngôn ngữ tôn giáo không nhắm đến mô tả thực tại hay không cố gắng chứng minh tính đúng hay sai; nhưng họ diễn tả thái độ hướng thái độ về thực tại, một cách hiểu biết và liên hệ với thực tại hơn là tin rằng những thực tại ấy có hay không có. Đại diện cho chủ trương này là Radall, Braithwaite và Wittgenstein.

2.3.1 Lý thuyết của Randall và Braithwaite

Randall đề xuất rằng người ta không thể kiểm chứng được sự trùng khớp hoàn toàn giữa ngôn ngữ tôn giáo và thực tại vì ngôn ngữ tôn giáo phi nhận thức (noncognitive) và phi biểu tượng (nonrepresentative). Theo ông, nhận thức tôn giáo giống những hoạt động khác của con người, như khoa học, nghệ thuật. Thế nên, điều quan trọng là nhận ra những biểu tượng tôn giáo thuộc về các biểu tượng xã hội và nghệ thuật, mà những biểu tượng này chẳng mang tính đại diện cũng không quy chiếu cho những thực tại mà chúng chỉ về. Do đó, không thể kiểm tra tính đúng sai của chúng vì chúng thuộc về văn hóa,[14] và chúng không quy chiếu về thực tại nào cả. Nhưng chúng vẫn tồn tại vì chúng hữu dụng. Như người Việt Nam vẫn tự hào nhận mình thuộc dòng giống Con Rồng Cháu Tiên. Trên thực tế không có rồng cũng chẳng có tiên. Cả Tiên và Rồng đều không mang tính đại diện và không nhận thức được hay không quy chiếu được, nhưng người ta vẫn chấp nhận nó. Lý do đơn giản vì nó là biểu tượng về nguồn gốc cao quý của người Việt. Hình ảnh Tiên Rồng tuy không đúng về mặt nhận thức nhưng hữu dụng và đáp ứng được tính tự hào về nguồn gốc của người Việt.
Trong khi đó, Braithwaite lại cho rằng đừng bắt tôn giáo phải chứng minh những phát biểu của họ, bởi những phát biểu hay những câu truyện trong tôn giáo hướng người ta vào một lối sống đạo đức. Những khẳng định của tôn giáo dạy những bài học luân lý có tác dụng tốt cho đời sống xã hội. Chúng có lợi cho con người nên chẳng cần phải chứng minh những phát biểu hay những chân lý tôn giáo. Theo Braithwaite, khi người ta tin vào những chân lý tôn giáo, người ta sẽ sống tốt. Vậy những câu truyện tôn giáo cũng giống như “những chỉ dẫn hay liều thuốc tâm lý” cho con người.[15]

2.3.2 Ludwig Wittgenstein với “Trò chơi ngôn ngữ” (Language Games)

Có lẽ người có ảnh hưởng hơn cả trong chủ trương ngôn ngữ tôn giáo không mang tính nhận thức là Ludwig Wittgenstein (1889-1951). Ông cho rằng chúng ta không thể hiểu ngôn ngữ mà không có sự hiểu biết về những cách thức trong đó ngôn ngữ được sử dụng, và bằng cách nào mà ngôn ngữ tương tác với cách chúng ta sống và hành động. Với lý thuyết “Trò chơi ngôn ngữ,” ông cố gắng minh họa bản chất của ngôn ngữ qua việc so sánh ngôn ngữ với các trò chơi.[16] Như thế, ông cho rằng ngôn ngữ tôn giáo chỉ được hiểu trong phạm vi của nhóm người, cộng đồng của những kẻ cùng niềm tin. Bởi vì ngôn ngữ lệ thuộc cách thiết yếu vào cộng đồng những người sử dụng nó. Chính cộng đồng ấy tạo nên những nguyên tắc vốn mang ý nghĩa nào đó mà mọi thành viên trong cộng đồng phải tuân theo. Không có những nguyên tắc như thế, không sự diễn tả nào đưa ra được điều gì đó có ý nghĩa.[17] Theo đó, những hạn từ như: nài xin, cầu khẩn, vâng phục, tạ ơn, Thiên Chúa, cầu nguyện, chữa lành và những hạn từ tương tự chỉ có thể hiểu trong “sân chơi” của những người cùng niềm tin với nhau.[18]
Theo Wittgenstein, “Thiên Chúa tồn tại” không phải là một phát biểu của nhận thức sự kiện. Phát biểu ấy không nói về một vật, một đối tượng như một phần của thế giới. Nó không phải là phát biểu về một thực thể nào hết. Nhưng nó thực sự là một lối sống, một cách dấn thân đầy nhiệt huyết vào thế giới. Như thế, một trong những ngụ ý quan trọng của quan điểm nhận thức không mang tính đúng sai là chúng ta không thể phê bình hoặc hỗ trợ niềm tin tôn giáo bằng cách sử dụng các bằng chứng. Niềm tin tôn giáo không thể bị phê bình trên những nền tảng chúng không đúng hoặc chúng không thể chứng minh, vì những tiền giả định này cho rằng ngôn ngữ tôn giáo tạo nên những tuyên bố đầy ý nghĩa.

3.   Một vài nhận định

Rõ ràng là lập luận của thực chứng luận lý khó có thể chấp nhận bởi lẽ tính đặc thù của ngôn ngữ tôn giáo. Thật ra, với não trạng khoa học thực nghiệm hiện nay, khi nói đến việc chứng minh, người ta thường nghĩ tới những bằng chứng khoa học thực nghiệm có thể kiểm chứng được qua kinh nghiệm của con người, như trường phái thực chứng luận lý đòi hỏi nơi ngôn ngữ tôn giáo. Qua đó, ta thấy chủ trương này dường như chỉ yêu cầu trả lời câu hỏi phải chăng ngôn ngữ tôn giáo có thể chỉ về một sự kiện hay một thực tại vốn là điều muốn chứng thực. Vì theo chủ trương này, không thể có bất cứ một chân lý siêu nghiệm nào về ý nghĩa tôn giáo nên những câu nói mà người hữu thần dùng để biểu đạt chân lý là vô nghĩa về mặt tri thức luận lý. Thế nhưng, rõ ràng yêu cầu này rơi vào bế tắc vì chính đòi hỏi mang tính bằng chứng của nó.
Trong khi đó, chủ trương cho ngôn ngữ tôn giáo có tính nhận thức sự kiện lại rất chú trọng vào phương pháp loại suy. Thế nên, vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta lại có thể dùng phương pháp loại suy để nói về Thiên Chúa? Thật vậy, nền tảng căn bản của tất cả những khẳng định mang tính loại suy về Thiên Chúa được đặt nền yếu tố “tham dự,” hay “dự phần.” Quả thực, chúng ta được thông dự, tham dự vào sự hoàn hảo của Thiên Chúa. Do đó, khi dùng phương pháp loại suy[19], ta có thể áp dụng những hạn từ vốn nằm trong kinh nghiệm và giới hạn của chúng ta nhằm nói về Thiên Chúa.[20] Nhưng những điều ấy không giúp chúng ta khẳng định điều gì đó về Thiên Chúa, như thánh Tôma nói.
Còn lập luận của chủ trương ngôn ngữ tôn giáo không mang tính nhận thức có nhiều điểm yếu. Trong khi Randall và Braithwaite có vẻ hướng đến chủ trương thực dụng vì cho rằng dẫu ngôn ngữ tôn giáo không đem lại tri thức sự kiện nhưng vì nó hữu dụng cho con người nên cứ việc dùng nó; còn Wittgenstein có khuynh hướng giới hạn Thiên Chúa vào trong một sân chơi nhỏ, và như thế làm mất đi tính phổ quát của Thiên Chúa. Vì không mang sự kiện nên ngôn ngữ tôn giáo, theo Wittgenstein, dường như chú trọng đến việc giải thích lại về niềm tin tôn giáo chứ không phân tích nó. Do không có yếu tố nhận thức sự kiện nên điều quan trọng là sống như thế nào chứ không phải là tin vào ai. Điều này hẳn nhiên là loại bỏ Thiên Chúa khách quan nên khó lòng được chủ trương hữu thần chấp nhận. Chúng ta có thể đồng ý với Wittgenstein về điểm sử dụng mang tính diễn tả của ngôn ngữ tôn giáo. Dĩ nhiên khó chấp nhận điều ông cho rằng niềm tin tôn giáo diễn tả thái độ, chứ không là những kinh nghiệm thực sự. Nói khác đi, ông có nỗ lực bảo vệ tôn giáo nhưng lại hạ giá tôn giáo vì bỏ đi Thiên Chúa là thực tại khách quan. Như vậy, dù cố gắng cho thấy sự hợp lý của ngôn ngữ tôn giáo nhưng chủ trương này lại phủ nhận Thiên Chúa hiện hữu cách khách quan.
Từ những trình bày, phân tích và tóm kết ở trên, ta có thể thấy một số điểm sau:
Trước hết, có thể nói ngôn ngữ tôn giáo không đảm nhận vai trò chứng minh Thiên Chúa hiện hữu mà chỉ đảm nhận vai trò biểu đạt những chân lý tôn giáo theo những cách thức riêng của ngôn ngữ tôn giáo. Thật ra, việc chứng minh Thiên Chúa hiện hữu dường như luôn là bất khả: bất khả cho lập trường phủ nhận và bất khả cho cả lập trường khẳng định. Do đó, người viết đồng tình với quan điểm không cần phải chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Thực ra, việc chứng minh ấy có nguy cơ hạ giá mạc khải và đóng khung Thiên Chúa trong nhãn giới và khái niệm, hơn là dẫn đến những cuộc gặp gỡ và biến đổi nào đó. Tuy nhiên, việc không cần chứng minh Thiên Chúa không có nghĩa là ta được miễn khỏi trách nhiệm tra vấn về niềm tin của mình để nó mỗi ngày càng sáng tỏ và vững chắc hơn.
Thứ đến, cần lưu tâm đến giới hạn của ngôn ngữ khi dùng nó để nói về Thiên Chúa. Làm sao hữu thể hữu hạn với thứ ngôn ngữ giới hạn lại có tham vọng nói đầy đủ và chính xác về Thiên Chúa vốn là Hữu Thể vô hạn, tuyệt đối. Do đó, những nỗ lực từ các phương pháp loại suy, biểu tượng tính của ngôn ngữ tôn giáo và nhất là việc Đức Giêsu Nhập Thể củng cố thêm những hình ảnh và thuộc tính của Ngài mà chúng ta có thể thủ đắc được. Tuy nhiên, những hình ảnh và ý niệm ta có về Thiên Chúa phải suy xét lại cách thường xuyên.
Thứ ba, có lẽ chúng ta cần một ngôn ngữ khác khi nói về Thiên Chúa. Ngôn ngữ ấy có khả năng xây dựng nên một tương quan sống động với Thiên Chúa. Đó là ngôn ngữ của thinh lặng. “Thinh lặng không có nghĩa là không nói gì, nhưng là thinh lặng thẳm sâu, không thốt nên lời vì quá trào tràn, đầy ứ. Đây là kiểu thinh lặng sau khi nói, là kiểu thinh lặng của người biết chứ không phải của người không biết. Thực ra, Thiên Chúa vượt lên trên mọi kinh nghiệm của con người nhưng Ngài ở trong tương quan với con người.”[21]

Kết luận

Có thể nói rằng, dù không có lập trường nào về vấn đề ngôn ngữ tôn giáo được hoàn toàn chấp nhận, nhưng có thể nói, ba lập trường này cũng tạo nên những điểm nhấn khi giúp người ta ý thức về giới hạn của mình và giới hạn của ngôn ngữ mà mình sử dụng. Và quả thực, ngôn ngữ tôn giáo vẫn có tác dụng biểu đạt đức tin, và vẫn là cơ hội mở ra cho tự do của con người trước thái độ chấp nhận hay từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa. Hay nói theo Kasper: ngôn ngữ tôn giáo là những “lý lẽ mời gọi ta tin.”
Thế nên, mới thấy rằng, tất cả những nỗ lực của con người khi nói về Thiên Chúa chỉ là những cố gắng, chỉ là những tiếng bập bẹ, chỉ là thái độ mon men khi bàn về một thực tại tối hậu siêu việt. Nhưng không vì thế mà ta im lặng không dám bàn thảo gì về Thiên Chúa, dẫu cho những phát biểu hay diễn tả của ta về Ngài đầy khiếm khuyết. Vì nếu im lặng không dám nói gì về ngài, chúng ta có nguy cơ rơi vào chủ trương bất khả tri; trái lại, nếu khẳng định mình có thể nói đầy đủ về Thiên Chúa, nghĩa là ta đã khẳng định về Ngài, khi ấy ta có nguy cơ rơi vào chủ trương nhân hình thuyết. Do đó, phải hết sức hồ nghi những ai nói “hiểu” Thiên Chúa một cách quá dễ dàng, vì như thánh Augustinô thường nói: “Nếu bạn hiểu, thì đó không còn là Thiên Chúa nữa!”
Tài liệu tham khảo:
Alfred Jules Ayer. Language, Truth and Logic. New York: Dover Publications, Inc., 1946.
Daniel Kasomo. An assessment of Religious language in Philosophy of Religion.http://article.sapub.org/10.5923.j.ijas.20120201.01.html, accessed Feb 05, 2018.
Dominique Morin, Gọi Tên Thượng Đế. Dịch bởi Đặng Xuân Thành và Nguyễn Anh Tuấn. NXB Phương Đông, 2008.
Đậu Văn Hồng. Triết Trung Cổ. Lưu hành nội bộ 2017.
Frederick Copleston, SJ. Contemporary Philosophy: Studies of Logical Positivism and Existentialism, Westminster- Maryland, 1956.
Irving Hexham, Paul Tillich’s Solution to the Problem of Religious Language, JETS 25/3. September 1982.
John Hick. Philosophy of Religion. 4th ed. New Jersey: Prentice-Hall, Inc., 1990.
Michael Lacewing. Wittgenstein’s Account of Religious Language. Routledge, Taylor and Francis Group.
Trương Chí Cương. Tôn Giáo Học Là Gì? NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2007.
William Norris Clarke, SJ. The Philosophical Approach to GodA New Thomistic Perspective. 2nd ed.  New York: Fordham University Press 2006.
William P. Alston. The Epistemology of Religious Experience. Cornell University Press, 1991.
[1] Tác phẩm Philosophy of Religion đề cập đến một số vấn đề mà triết học tôn giáo đã và vẫn đang phải đối diện, đó là: vấn đề Thiên Chúa và niềm tin vào Thiên Chúa, vấn đề sự dữ, mạc khải và niềm tin, vấn đề ngôn ngữ tôn giáo, kiểm chứng và tranh luận tôn giáo, cùng vấn đề về số phận con người. Nhưng trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ bàn về vấn đề ngôn ngữ tôn giáo xét như một cách chứng minh Thiên Chúa hiện hữu.
[2] X. Copleston, Frederick. SJ. Contemporary Philosophy: Studies of Logical Positivism and Existentialism, Westminster- Maryland, 1956., 102.
[3] X. Ayer, Alfred Jules., Language, Truth and Logic, (New York: Dover Publications, Inc., 1946), 114-115.
[4] X. Cương, Trương Chí., Tôn Giáo Học Là Gì?, (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2007), 143.
[5] X. Hick, John., Philosophy of Religion, 4th ed. (New Jersey: Prentice-Hall, Inc., 1990), 83-84.
[6] X. Hick, 118.
[7] Frederick Copleston, S.J., cũng cho rằng khi xác quyết những thuộc tính của Thiên Chúa, chúng ta không hoàn toàn sáng chế ra những từ ngữ hay biểu tượng mới, mà chỉ sử dụng những hạn từ đã có ý nghĩa vốn đã được xác lập trong kinh nghiệm của ta rồi. Chẳng hạn, mệnh đề “con người thông minh” hàm ý nói về một con người có khả năng suy nghĩ, nói năng, hành động cách chắc chắn, hữu hiệu. Nhưng khi chúng ta mở rộng phạm vi áp dụng thuộc tính ấy qua Thiên Chúa: “Thiên Chúa thông minh,” thì hạn từ “thông minh” không được hiểu giống y hệt như khi nói cho con người, nhưng cũng không hoàn toàn khác khi áp dụng nó cho con người. Bởi lẽ, chúng ta không thể nói rõ ràng về các phẩm tính của Thiên Chúa vì chúng ta không nhìn thấy và không thể nhìn thấy Ngài, mà nếu những hạn từ được sử dụng có ý nghĩa khác với ý nghĩa thông thường mà con người đã kinh nghiệm được trong việc nói về Thiên Chúa, thì Ngài không thể mô tả được; không một thuộc từ nào có thể mô tả cách có ý nghĩa về Ngài. Do đó, những hạn từ được dùng để nói về hữu thể hữu hạn không hoàn toàn giống cũng không hoàn toàn khác so với ý nghĩa khi dùng để nói về Thiên Chúa. (x. Copleston, Frederick. SJ., 127).
[8] X. Hick, 84.
[9] X. Morin, Dominique., Gọi Tên Thiên Chúa, Đặng Xuân Thành và Nguyễn Anh Tuấn trans., (NXB Phương Đông, 2008), 22.
[10] Hick, 86.
[11] X. Hick, 87.
[12] Irving Hexham, Paul Tillich’s Solution to the Problem of Religious Language, JETS 25/3 (September 1982), 343-344.
[13] Hick, 87-88.
[14] Hick, John., 89.
[15] Hick, 94.
[16] Một cách cụ thể, giống như các trò chơi, ngôn ngữ là một hoạt động được hướng dẫn bởi các quy luật. Trong các trò chơi, các quy luật điều hành điều người ta hành động; trong ngôn ngữ, các quy luật xác định ý nghĩa. Ý nghĩa được học hỏi từ những quy luật vốn quy định những từ ngữ, câu cú phải được hiểu bằng cách họ sử dụng chúng như thế nào thì cũng giống như các trò chơi được luật lệ riêng quy định vậy.
[17] X. Alston, William P., The Epistemology of Religious Experience, (Cornell University Press, 1991), 119.
[18] X. Irving Hexham, 343-344.
[19] Tính năng động của phương pháp loại suy rất gần với phương pháp thần học phủ định với ba thời nhịp của Dionysius. Thứ nhất, khẳng định cố gắng nói những gì có thể nói về Thiên Chúa, nhịp thứ nhất này đóng vai trò như một nhip cầu. Thứ hai, phủ định những gì đã được khẳng định, đây không phải là hành vi mâu thuẫn hay chỉ là phủ định, nhưng là phủ định để vượt lên. Thứ ba, đưa tinh thần tiến vào vị thế bên trên mọi vị thế của khẳng định và phủ định. Như vậy, Dionysius cho rằng Thiên Chúa vượt lên trên mọi phán đoán của con người. Thiên Chúa không nên bị đóng khung trong một phạm trù nào cả, dù là tốt lành đi chăng nữa, vì nó không đủ.[19]
[20] Clarke, W.Norris., SJ. The Philosophical Approach to GodA New Thomistic Perspective. 2nd ed.  New York: Fordham University Press 2006), 78.
[21] Hồng, Đậu Văn., Triết Trung Cổ, (Lưu hành nội bộ, 2017), 44.

CHỨNG CỚ KINH THÁNH VỀ ĐỨC MẸ ĐỒNG TRINH

CHỨNG CỚ KINH THÁNH VỀ ĐỨC MẸ ĐỒNG TRINH

“Đức Maria vẫn còn đồng trinh khi thụ thai hay sinh hạ, khi cưu mang hay nuôi con, Đức Maria trọn đời đồng trinh” (GLCG, số 510).

Hầu như chẳng có Kitô hữu nào phủ nhận tằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vả trọn đời đồng trinh, kể cả tín nhân Tin Lành. Các nhà lãnh đạo phong trào này cũng đã hoàn toàn chấp nhận tín điều này: bao gồm Luther, Calvin, Zwingli, Bullinger, Turretin, và Cranmer. Hơn nữa, đa số các nhà chú giải Kinh Thánh Tin Lành vẫn tin Đức Mẹ đồng trinh– ít là trong suốt 350 năm.

Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, mọi thứ khác nhau, thế nên cũng tốt để xem lại các tranh luận về Kinh Thánh, vì Kinh Thánh được mọi Kitô hữu tôn kính chung. Có thể phát hiện điều ngạc nhiên.

1. Lc 2:41-51 cho biết rằng Cô Maria và Chú Giuse đưa Con Trẻ Giêsu trẩy hội Đền Thờ lúc Con Trẻ được 12 tuổi, để mừng Lễ Vượt Qua. Ai cũng đều đồng ý rằng Ngài là Con của bà Maria, như vậy nếu có vài anh em nữa, thì tại sao không có gợi ý nào cho biết điều đó?

2.Tiếng Do Thái và tiếng Aram đều có từ để chỉ “anh em họ”.Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp, cũng có từ như vậy (sungenis), nhưng Chúa Giêsu và các môn đệ nói tiếng Aram (phiên bản mới của tiếng Do Thái), chữ ACH trong tiếng Do Thái được dịch là ADELPHOS, tương đương với tiếng Anh là “brother” (người anh em). Trong Kinh Thánh, chữ này có nhiều nghĩa ngoài nghĩa “sibling” (anh chị em ruột),như chữ “brother” trong tiếng Anh. Như vậy, chữ này được dùng trong Tân Ước để diễn tả “anh em họ” (cousins) hoặc“người bà con nam giới” (kinsmen), v.v...

3.Chính Chúa Giêsu đã dùng từ “anh em” (adelphos) theo nghĩa“không là anh em ruột” (non-sibling sense).Ngài gọi “đám đông” là “anh em” (x. 12:49-50), và gọi “các môn đệ” là “anh em” (x. Mt 23:1-12). Nói cách khác, họ đều là “anh em” của nhau: TÌNH HUYNH ĐỆ CỦA CÁC KITÔ HỮU.

4.Khi so sánh Mt 27:56, Mc 15:40, và Ga 19:25, chúng ta thấy rằng Giacôbê, Giôxếp, Simon và Giuđa là “anh em” của Chúa Giêsu (được đề cập trong Mt 13:55),là con của bà Maria, vợ ông Clopas. Một bà Maria khác (Mt 27:61; 28:1) được gọi là SADELPHE của Đức Mẹ trong Ga 19:25. Không có hai phụ nữ có tên Maria trong một gia đình, rõ ràng cách dùng này có nghĩa là “anh chị em họ” hoặc những người bà con xa. Mt 13:55-56 và Mc 6:3 nhắc tới Simon, Giuđa và “các chị em” với Giacôbê và Giôxếp, gọi chung là ADELPHOI. Cách dịch hay của những điều liên quan này là dùng chữ ADELPHOS – nghĩa là “anh em họ” (hoặc có thể là anh em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha) chứ KHÔNG là “anh em ruột”. Chúng ta biết chắc rằng Giacôbê, Giôxếp, Simon và Giuđa đều KHÔNG là anh em ruột của Chúa Giêsu.

Đó không chỉ là cách bênh vực đặc biệt để tranh luận theo kiểu này, cũng không phải cái gọi là “sự thất vọng” của người Công giáo khi tin nhận tín điều Đức Mẹ trọn đời đồng trinh. Nhiều cách chú giải của các học giả Tin Lànhcũng xác nhận quan điểm này: đặc biệt trong các bài bình luận cổ xưa hơn. Chẳng hạn, thế kỷ 19 có tài liệu “Commentaryon the Whole Bible” của Jamieson, Fausset & Brown, nói về Mt 13:55 thế này:

Ở đây có một vấn đề khó: Cách nói “anh em” và “chị em” với Chúa Giêsu là gì? Họ có phải là anh chị em đúng nghĩa? Hay họ là anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha (step-brothers and step-sisters), con cái của ông Giusedo cuộc hôn nhân trước? Họ là anh em họ, theo cách nói của người Do Thái tôn trọng những người con cháu có họ nhưng khác chi (collateral descent)? Về vấn đề này,người ta không đưa ra ý kiến đồng ý hay không. Ngoài các lời phản đối khác, nhiều dịch giả giỏi thích ý kiến thứ ba... Như vậy,chúng tôi muốn bỏ qua vấn đề gây phật ý này, coi đó làvấn đề gặp nhiều khó khăn.

5.Đức Maria được Chúa Giêsu ủy thác việc chăm sóc cho môn đệ Gioankhi Ngài ở trên Thập Giá (Ga 19:26-27).Chắc chắn Chúa Giêsu đã khônglàm điều đónếu Ngài có các anh em khác (và họ phải trẻ hơn Chúa Giêsu). 

6. Mt 1:24-25 cho biết: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông KHÔNG ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”.

Trình thuật này được sử dụng như cách tranh luận rằng Đức Maria khôngcòn đồng trinh sau khi sinh Chúa Giêsu, nhưng lời phê bình tương tự của Tin Lành nói thế này:“Liên từ‘cho đến khi’ không có ý nói rằng họ sống nhờ vào chỗ khác sau đó (cách dùng tương tự có trong 1 Sm 15:35; 2 Sm 6:23; Mt 12:20); chữ “con đầu lòng” (first-born) cũng không quyết định VẤN ĐỀ GÂY NHIỀU TRANH LUẬN, dù bà Mariacó convới ông Giuse sau khi sinh Chúa Giêsu hay không”. Lightfoot nói:“Nói về con đầu lòng, luật không coi trọng việc có con sau đó hay không, mà chỉ chú ý rằng trước đó không đứa con nào được sinh ra”.

John Calvin dùng cách tranh luận tương tự để ủng hộ sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria. Thật vậy, trong bài bình luận “Harmony of the Gospels” (Sự Hài Hòa của các Phúc Âm), nói về Mt 1:25, ôngcho rằng luận điểm về các anh chị em ruột khác dựa trên đoạn văn này là vô căn cứ. Ông viết:“Không ai bướng bỉnh mà cứ giữ cách tranh luận này, trừ phi thích tranh luận”.

7.Tông đồ Giuđa (Tađêô) được gọi là “anh em của Chúa” (x. Mt 13:55 và Mc 6:3). Đây là chính Giuđa đã viết Thư Giuđa (như nhiều người nghĩ vậy), ông nhận mình là “tôi tớ của Đức Giêsu Kitô và anh em với ông Giacôbê” (Gđ 1:1). Giả sử ông là anh em máu huyết của Chúa Giêsu, hẳn là ông không dám nhận mình là anh em ruột của Chúa Giêsu (trong khi chúng ta biết rằngcách diễn đạt như vậy xảy ra vài lần trong Tân Ước, nói tới mối quan hệ anh em ruột),và thay vì thế, ông chỉ nhận mình là anh em của Chúa Giêsu.

Điều này quá lạ và không thể tin được. Hơn nữa, ông Giacôbê cũngkhôngnói ông là anh em của Chúa Giêsu, nhưng ông cho biết: “Tôi là Giacôbê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô” (Gc 1:1), thế mà Thánh Phaolô lại nhận mình là “người anh em của Chúa” (Gl 1:19).

  1. tín điều Đức Maria trọn đời đồng trinh,KINH THÁNH KHÔNG CÓ GÌ TRÁI NGƯỢC VỚI TÍN ĐIỀU ĐÓ, và cũng KHÔNG CÓ GÌ TRONG TÍN ĐIỀU ĐÓ TRÁI NGƯỢC VỚI KINH THÁNH.

DAVE ARMSTRONG

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ NCRegister.com)
Chuẩn bị Tháng Hoa Đức Mẹ – 2018

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

VHTK 68 DẪN VÀO LỜI CHÚA (TÂN ƯỚC) 4 Trắc Nghiệm

VUI HỌC THÁNH KINH 68
DẪN VÀO LỜI CHÚA (TÂN ƯỚC) 4
Trắc Nghiệm
GB. NGUYỄN THÁI HÙNG

2018


CÁC THƯ CHUNG

247. Ngoài 13 của thánh Phaolô và thư gởi tín hữu Do thái, Tân Ước còn bao nhiêu thư nữa ?
          a. 5 thư
          b. 7 thư
          c. 9 thư
          d. 21 thư

248. Các thư này là những thư nào ?
          a. 1 thư của th. Giacôbê, 1 thư của thánh Giuđa
          b. 2 thư của thánh Phêrô
          c. 3 thư của thánh Gioan
          d. Cả a, b và c đúng.

249. Vì sao gọi các thư này là thư chung ?
          a. Vì các thư này không gởi đến một cá nhân
          b. Vì các thư này không gởi đến một giáo đoàn
          c. Vì các thư này nhắm đến một phạm vi độc giả lớn hơn
          d. Cả a, b và c đúng.

250 Hãy kể lại thứ tự các thư chung ?
          . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

251. Tác giả thư Giacôbê là ai ? (Gc 1,1 ; Mt 13,55 ; Cv 12,17)
          a. Ông Giacôbê, con ông Dêbêđê (Mt 4,21)
          b. Ông Giacôbê, con ông Anphê (Mt 10,3)
          c. Ông Giacôbê, người anh em của Chúa Giêsu (Gc 1,1 ; Mt 13,55 ; Cv 12,17)
           d. Thánh Phêrô tông đồ

252. Tác giả thư Giacôbê là người anh em của Chúa Giêsu, đứng đầu cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, ngài bị người Do thái giết chết vào năm nào ?
a. Khoảng năm 44
          b. Khoảng năm 51
          c. Khoảng năm 62
          d. Khoảng năm 70

253. Thư Giacôbê được biện soạn năm nào ?
a. Khoảng năm 40-44
          b. Khoảng năm 58-62
          c. Khoảng năm 63-66
          d. Khoảng năm 70-73

254. Thư Giacôbê được biện soạn tại đâu ?
a. Tại Giêrusalem
          b. Tại Makêđônia
          c. Tại Êphêxô
          d. Tại Đamát

255. Mục đích của Thư Giacôbê là gì ?
          a. Thư này có mục đích luân lý, khuyến khích.
          b. Tác giả chú ý đến cách cư xử giữa người ta với nhau, khuyên giữ miệng lưỡi,
          c. Tác giả khuyên kiên tâm bền chí khi bị thử thách và phải có lòng kính trọng người nghèo, đồng thời lấy việc làm chứng minh đức tin.
          d. Cả a, b và c đúng.  

256. Nội dung thư Giacôbê là gì ?
          a. Bàn về người giàu và người nghèo, thử thách, cám dỗ, đức hạnh,
          b. Bàn về thành kiến, đức tin và việc làm,
          c. Bàn về kiềm chế miệng lưỡi, sự khôn ngoan, cãi cọ, kiêu hãnh và khiêm tốn, xét đoán, huyênh hoang, kiên nhẫn và cầu nguyện.
          d. Cả a, b và c đúng.

257. Thư Giacôbê có bao nhiêu chương ?  
a. Có 3 chương
          b. Có 5 chương
          c. Có 11 chương
          d. Có 13 chương

258. Thư Giacôbê dài 5 chương có bao nhiêu câu ?
a. Có 108 câu.
          b. Có 195 câu.
          c. Có 253 câu.
          d. Có 303 câu.

259. Thư thư Giacôbê có 5 chương được bố cục thế nào ?
         
Được chia làm 11 phần như sau :
         
I.       Lời chào thăm (1,1)
II.      Đức tin và sự khôn ngoan (1,2-8)
III.    Nghèo khó và giàu có (1,9-11)
IV.    Thử thách và cám dỗ (1,12-18)
V.      Lắng nghe và thực hành Lời Chúa (1,19-27)
VI.    Kính trọng người nghèo (2,1-13)
VII.   Đức tin và hành động (2,14-26)
VIII. Kiềm chế miệng lưỡi (3,1-18)
IX.    Kitô hữu và thế gian (4,1-5,6)
X.      Ngày Chúa quang lâm (5,7-11)
XI.    Những lời khuyên cuối cùng và bí tích Xức dầu bệnh nhân (5,12-20)


260. Thánh Phêrô, một ngư phủ Galilê, người đứng đầu nhom Mười Hai, đã nhờ thư ký của ngài là ai để viết thư 1 Phêrô ?
          a. Apôlô
          b. Xinvanô
          c. Agabô
          d. Tykhicô

261. Thánh Phêrô, lãnh đạo Hội Thánh Rôma, tử đạo năm nào ?
          a. Năm 44
          b. Năm 51
          c. Năm 66
          d. Năm 70

262. Thánh Phêrô, lãnh đạo Hội Thánh Rôma, tử đạo dưới triều hoàng đế nào ?
          a. Hoàng đế Âugúttô
          b. Hoàng đế Nêrô
          c. Hoàng đế Đômitianô
          d. Hoàng đế Contantinô

263. Thư 1 Phêrô được biên soạn năm nào ?
a. Khoảng năm 40-44
          b. Khoảng năm 51-52
          c. Khoảng năm 64-65
          d. Khoảng năm 70-73

264. Thư 1 Phêrô được biên soạn tại đâu ?
a. Tại Pátmô
          b. Tại Giêrusalem
          c. Tại Rôma
          d. Tại Đamát

265. Mục đích của thư 1 Phêrô là gì ?
          a. Khuyên nhủ các Giáo Hội đang bị bách hại, sống thánh thiện, ăn ở ngay lành giữa dân ngoại,
          b. Kiên trì khi gặp gian nan thử thách,
          c. Can cường theo gương Chúa Kitô.
          d. Cả a, b và c đúng.

266. Nội dung thư 1 Phêrô là gì ?
          a. Giữa một thế giới thù địch, người Kitô phải sống đàng hoàng tử tế để cho những người thù ghét cũng thấy việc lành của mình.
          b. Phải chu toàn nhiệm vụ theo hoàn cảnh và địa vị của mình, các Kitô hữu phải yêu thương nhau, tránh thói trả đũa và coi chừng lời ăn tiếng nói, trước những thù nghịch phải giữ vững niềm trông cậy vào Đức Kitô.
          c. Khi bị bắt bớ vì Danh Đức Kitô thì hãy sẵn sàng chịu vì đó là thông phần vào đau khổ của Đức Kitô, hãy tỉnh thức và kiên trì,
          d. Cả a, b và c đúng.

267. Thư 1 Phêrô có bao nhiêu chương ?
a. Có 3 chương
          b. Có 5 chương
          c. Có 11 chương
          d. Có 13 chương

268. Thư 1 Phêrô dài 5 chương có bao nhiêu câu ?
a. Có 105 câu.
          b. Có 195 câu.
          c. Có 253 câu.
          d. Có 303 câu.

269. Thư 1 Phêrô có 5 chương được bố cục thế nào ?
           Được chia làm 6 phần :

      I.            Lời mở đầu và lời chào (1,1-2)
   II.            Nhắc lại Ơn cứu độ của Thiên Chúa (1,3-13)
III.            Những lời khuyên hãy sống thánh thiện (1,13-2,10)
IV.            Những bổn phận của Kitô hữu trong thời bách hại (2,11-4,19)
  V.            Những lời khuyên bậc kỳ mục và các Kitô hữu (5,1-11)
VI.            Lời khuyên cuối cùng và lời chào (5,12-14)

270. Tác giả thư 2 Phêrô là ai ?
          a. Một môn đệ mượn danh nghĩa thánh Phêrô
          b. Thánh Luca
          c. Thánh Máccô
          d. Ông Apôlô

271. Thư 2 Phêrô được biên soạn năm nào ?
          a. Khoảng năm 44
          b. Khoảng năm 52
          c. Khoảng năm 66
          d. Khoảng năm 125

272. Theo một số tác giả Thư 2 Phêrô được biên soạn tại đâu ?
          a. Tại Pátmô
          b. Tại Makêđônia
          c. Tại Ai cập
          d. Tại Đamát

273. Mục đích của Thư 2 Phêrô là gì ?
          a. Tác giả cảnh báo các tín hữu về các thầy dạy giả hiệu dẫn người ta vào con đường hư đốn.
          b. Tác giả khuyên các tín hữu hãy lớn lên trong đức tin và sự hiểu biết Chúa Kitô, qua việc sống đạo đức và thánh thiện, không chi đáng trách,
          c. Chờ đợi ngày Chúa Giêsu trở lại.
          d. Cả a, b và c đúng.

274. Nội dung thư 2 Phêrô là gì ?
          a. Người Kitô được “thông phần bản tính Thiên Chúa”, được “biết” Đức Kitô, và được vào vương quốc của Ngài.
          b. Ơn linh hứng Thánh Kinh được xác định.
          c. Chắc chắn Chúa sẽ quang lâm.
          d. Cả a, b và c đúng.

275. Thư 2 Phêrô có bao nhiêu chương
          a. Có 3 chương
          b. Có 6 chương
          c. Có 11 chương
          d. Có 13 chương

276. Thư 2 Phêrô dài 3 chương có bao nhiêu câu ?
a. Có 55 câu.
          b. Có 61 câu.
          c. Có 77 câu.
          d. Có 93 câu.

277. Thư 2 Phêrô có 3 chương được bố cục thế nào ?

          Được chia làm 6 phần như sau :
      I.            Lời mở đầu (1,1-2)
   II.            Ơn huệ của Thiên Chúa và nhân đức của tín hữu (1,3-11)
III.            Những đảm bảo cho hy vọng ngày cánh chung (1,12-21)
IV.            Lên án những thầy dạy giả hiệu (2,1-22)
  V.            Quang lâm và phán xét (3,1-16)
VI.            Kết thư (3,17-18)

278. Dựa vào đâu để biết thư 1, 2 & 3 Gioan cùng tác giả với Tin Mừng thứ tư ?
          a. Vì có sự giống nhau về từ ngữ,
          b. Vì có sự giống nhau về tư tưởng
          c. Vì có sự giống nhau về vấn đề giữa các thư Gioan và Tin Mừng thứ tư.
          d. Cả a, b và c đúng.

279. Thư 1, 2 & 3 Gioan được viết vào khoảng thời gian nào ?
          a. Khoảng năm 40-44
          b. Khoảng năm 51-52
          c. Khoảng năm 63-66
          d. Khoảng năm 80-90

280. Thư 1, 2 & 3 Gioan được viết tại đâu ?
a. Tại Pátmô
          b. Tại Makêđônia
          c. Tại Êphêxô
          d. Tại Đamát

281. Mục đích của thư 1 Gioan là gì ?
          a. Củng cố đức tin của các Kitô hữu
          b. Chống lại các thầy dạy giả mạo
          c. Khích lệ các tín hữu bước đi trong ánh sáng Đức Kitô, tuân giữ các giới răn của Ngài là yêu thương nhau.
          d. Cả a, b và c đúng.

282. Nội dung thư 1 Gioan là gì ?
          a. Đề cập tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa
          b. Khuyên các kitô hữu hãy cảnh giác đề phòng phản Kitô,
          c. Sống như con cái Thiên Chúa là lánh xa tội lỗi và nắm giữ các giới luật yêu thương.
          d. Cả a, b và c đúng.

283. Thư 1 Gioan có bao nhiêu chương ?
a. Có 3 chương
          b. Có 5 chương
          c. Có 11 chương
          d. Có 13 chương

284. Thư 1 Gioan có bao nhiêu câu ?
a. Có 95 câu.
          b. Có 105 câu.
          c. Có 155 câu.
          d. Có 187 câu.

285. Thư 1 Gioan có 5 chương được bố cục thế nào ?
          Được chia làm 5 phần như sau :
         
I.       Lời dẫn nhập (1,1-4)
II.      Bước đi trong ánh sáng (1,5-2,28)
1.      Đoạn tuyệt với tội lỗi (1,5-2,2)
2.      Tuân giữ các điều răn, nhất là điều răn bác ái (2,3-11)
3.      Coi chừng thế gian (2,12-17)
4.      Đề phòng những kẻ phản Kitô (2,18-28)
III.    Sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa (2,29-4,6)
1.      Đoạn tuyệt với tội lỗi (2,29-3,10)
2.      Tuân giữ các điều răn, nhất là điều răn bác ái (3,11-24)
3.      Đề phòng thế gian và những ngôn sứ giả (4,1-6)
IV.    Dấu chỉ của những người thuộc về Đức Kitô (4,7-5,13)
1.      Thực thi lòng mến (4,7-5,4)
2.      Đức tin chân chính sẽ chiến thắng (5,5-13)
V.      Bố túc (5,14-21)
1.      Cầu nguyện cho người tội lỗi (5,14-17)
2.      Tóm lược lá thư (5,18-21)

286. Mục đích của thư 2 Gioan là gì ?
          a. Khuyên các tín hữu trong giáo đoàn giữ vững đức tin chân chính,
          b. Khuyên các tín hữu yêu thương nhau
          c. Khuyên các tín hữu xa lánh những kẻ gieo rắc tà thuyết.
          d. Cả a, b và c đúng.

287. Nội dung thư 2 Gioan là gì ?
          a. Yêu cầu giáo đoàn coi chừng các kẻ mê hoặc không tuyên xưng Đức Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, những kẻ không ở lại trong giáo huấn của Đức Kitô
          b. Thư còn khuyên các tín hữu giữ vững đức tin chân chính , yêu thương nhau
          c. Thư khuyên các tín hữu đoạn tuyệt với những kẻ gieo rắc tà thuyết.
          d. Cả a, b và c đúng.

288. Thư 2 Gioan có bao nhiêu câu ?
          a. Có 13 câu.
          b. Có 18 câu.
          c. Có 25 câu.
          d. Có 33 câu.

289. Thư 2 Gioan có 13 câu được bố cục thế nào ?

          Được chia làm 4 phần như sau :
      I.            Lời chào (1-3)
   II.            Điều răn yêu thương (4-6)
III.            Những kẻ phản Kitô (7-11)
IV.            Kết luận (12-13)

293. Mục đích của thư 3 Gioan là gì ?
          a. Giải quyết một số vấn đề trong giáo đoàn như phải giúp đỡ những người có trách nhiệm,
          b. Cảnh cáo người tham quyền cố vị
          c. Cổ võ đón nhận sứ điệp chân chính.
          d. Cả a, b và c đúng.

291. Nội dung thư 3 Gioan là gì ?
          a. Đề cao gương sáng của ông Gaiô về đức tin và đức ái đối với các nhà truyền giáo,
          b. Tuyên dương ông Đêmếtriô
          c. Thái độ và cách xử trí của ông Điốtrêphét
          d. Cả a, b và c đúng.

292. Thư 3 Gioan có bao nhiêu câu ?
          a. Có 13 câu.
          b. Có 15 câu.
          c. Có 25 câu.
          d. Có 33 câu.

293. Thư 3 Gioan có 15 câu được bố cục thế nào ?
          Được chia làm 5 phần như sau :
I.       Lời chào (1-2)
II.      Ca tụng ông Gaiô (3-8)
III.    Hành vi của ông Điốtrêphét (9-11)
IV.    Làm chứng cho ông Đêmếtriô (12)
V.      Lời kết thúc (13-15)

294. Tác giả thư Giuđa là ai ?
          a. Ông Giuđa Ítcariốt.
          b. Ông Giuđa, con ông Giacôbê còn gọi là Tađêô (Lc 6,16).
          c. Ông Giuđa, anh em của Đức Giêsu và cúng là anh em của Giacôbê (Mt 13,55).
           
295. Thư Giuđa được biên soạn năm nào ?
          a. Khoảng năm 40-44
          b. Khoảng năm 51-52
          c. Khoảng năm 63-66
          d. Khoảng năm 70-80

296. Mục đích của thư Giuđa là gì ?
          a. Nhắc nhở các tín hữu nhiệt thành giữ đạo,
          b. Giữ vững đức tin
          c. Chống lại những tư tưởng lệch lạc.
          d. Cả a, b và c đúng.

297. Nội dung thư Giuđa là gì ?
          a. Dặn dò anh em tín hữu đừng nghe theo một số người xấu đã len lỏi vào cộng đoàn, gieo rắc lối sống và tư tưởng lệch lạc.
          b. Đề cao gương sáng của ông Gaiô về đức tin và đức ái đối với các nhà truyền giáo,
          c. Đề cập tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa
          d. Cả a, b và c đúng.

298. Thư Giuđa có bao nhiêu câu ?
          a. Có 13 câu.
          b. Có 15 câu.
          c. Có 25 câu.
          d. Có 33 câu.

299. Thư thư Giuđa có 28 câu được bố cục thế nào ?

          Được chia làm 5 phần như sau :
      I.            Lời mở đầu (1-2)
   II.            Lý do viết thư (3-4)
III.            Chống các giáo sư giả (5-16)
IV.            Lời khuyên nhủ các tín hữu (17-23)
  V.            Vinh tụng ca (24-25)

KHẢI HUYỀN

300. Tác phẩm cuối cùng của Tân Ước là gì ?
          a. Thư Do thái
          b. Công vụ Tông đồ
          c. Thư Giuđa
          d. Khải Huyền

301. Khải Huyền nghĩa là gì ?
          a. Vén lên tấm màn che giấu những điều huyền nhiệm,
          b. Tỏ ra cho biết những điều về tương lai mà nay hãy còn được ẩn giấu
          c. Mặc khải mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh
          d. Chỉ có a và b đúng.

302. Trong toàn bộ Thánh Kinh, ngoài tác phẩm Khải huyền còn có tác phẩm nào viết theo thể văn khải huyền nữa ?
          a. Sách Đanien,
          b. Sách Giôen,
          c. Một phần sách Isaia (ch 24-27), Dacaria (9-11) và Êdêkien
          d. Cả a, b và c đúng.

303. Ai là tác giả sách Khải Huyền ?
          a. Thánh Giuđa
          b. Thánh Luca
          c. Thánh Phaolô
          d. Thánh Gioan

304. Sách Khải Huyền được biên soạn tại đâu ?
          a. Tại Rôma
          b. Tại Pátmô
          c. Tại Đamát
          d. Tại Giêrusalem

305. Sách Khải Huyền được biên soạn năm nào ?
          a. Năm 55.
          b. Năm 75.
          c. Năm 95.
          d. Năm 125.

306. Mục đích của sách Khải Huyền là gì ?
          a. An ủi và khích lệ tín hữu đang bị bách hại hãy trung kiên và vững tin vào sự toàn thắng của Chúa Kitô, ngài sẽ dành phần thưởng cho những ai chiến thắng
          b. Xác quyết Thiên Chúa sẽ can thiệp
          c. Thiên Chúa sẽ phán xét những kẻ làm hại Hội Thánh
          d. Cả a, b và c đúng.

307. Các công đoàn Kitô hữu đón nhận sứ điệp này là những cộng đoàn nào ?
          a. Êphêxô, Ximiếcna,
          b. Pécgamô, Thyatira,
          c. Xácđê, Philađenphia, Laođikia.
          d. Cả a, b và c đúng.

308. Nội dung của sách Khải huyền là gì ?
          a. Một là Các thế lực sự dữ đang hoành hành trên thế giới khiến các Kitô hữu có thể phải đau khổ và phải chết.
          b. Đức Giêsu là Chúa. Ngài sẽ chiến thắng mọi dân tộc và mọi sức mạnh đối nghịch với Thiên Chúa.
          c. Thiên Chúa sẽ ban thưởng thật hậu hĩ cho những kẻ tín trung với Ngài, đặt biệt là những kẻ hy sinh mạng sống phụng sự Ngài.
          d. Cả a, b và c đúng.

309. Sách Khải Huyền có bao nhiêu chương ?
          a. Có 12 chương.
          b. Có 16 chương.
          c. Có 20 chương.
          d. Có 22 chương.

310. Sách Khải Huyền dài 22 chương có bao nhiêu câu ?
a. Có 297 câu.
          b. Có 333 câu.
          c. Có 365 câu.
          d. Có 405 câu.

311. Sách Khải Huyền có 22 chương được bố cục thế nào ?

Được chia làm 5 phần như sau :
          I. Lời tựa (1,1-8)
          II. Thị kiến về những sự đã qua (1,9-20)
          III. Thị kiến về những sự đang xảy ra (ch. 2-3)
1. Thư gởi Hội Thánh Êphêxô (2,1-7)
2. Thư gởi Hội Thánh Ximiếcna (2,8-11)
3       Thư gởi Hội Thánh Pécgamô (2,12-17)
4       Thư gởi Hội Thánh Thyatira (2,18-29)
5 Thư gởi Hội Thánh Xácđê (3,1-6)
6       Thư gởi Hội Thánh Philađenphia (3,7-13)
7 Thư gởi Hội Thánh Laodikia (3,14-22)
          IV. Thị kiến về những sự sẽ xảy đến (4,1-22,15)
1.    Thời thử thách (4,1-19,21)
2.    Triều đại 1000 năm vương quyền Đức Kitô (20,1-15)      
3.    Trời mới đất mới (21,1-22,15)
V. Lời kết (22,16-21)

312. Ai là nhân vật trung tâm sách Khải Huyền ?
          a. Các hoàng đế độc ác
          b. Các Kitô hữu bị bách hại
          c. Đức Giêsu Kitô
          d. Xatan

313. Đức Giêsu Kitô nhân vật trung tâm sách Khải Huyền. Tất cả lịch sử xoay quanh Ngài, Ngài làm gì ?
          a. Ngài nắm giữ vận mệnh thế giới
          b. Tập hợp những kẻ được truyển chọn quanh ngai tòa Thiên Chúa.
          c. Ngài chịu đóng đinh và thập giá
          d. Chỉ có a và b đúng.

314. Hình thức diễn tả trong sách Khải Huyền thế nào ?
          a. Vay mượn hình ảnh của Cựu Ước
          b. Vay mượn hình ảnh các thần thoại
          c. Vay mượn hình ảnh chuyện dân gian miền Tiểu Á
          d. Cả a, b và c đúng.

315. Hình thức diễn tả trong sách Khải Huyền vay mượn hình ảnh của Cựu Ước, các thần thoại hay chuyện dân gian miền Tiểu Á. Cụ thể là những điều gì ?
          a. Vai trò các thiên sứ 7,13 ; sách được niêm ấn 5,1 ;
          b. Sách để nuốt 10,1-11 ; kèn 8,2 ;bát 15,8 ; chớp và sấm 4,5 & 10,3 ;
          c. Đại chiến vào thời thế mạt 19,11-22,10 ; Gốc và Magốc 20,8 ; tiệc cánh chung 19,17-18.
          d. Cả a, b và c đúng.

316. Hình ảnh trong Khải Huyền có ý nghĩa gì ?
          a. Hình ảnh có tính biểu tượng
          b. Hình ảnh để diễn đạt một ý tưởng
          c. Hình ảnh nói lên sự hài hòa của sự vật
          d. Chỉ có a và b đúng.

317. Màu sắc trong Khải Huyền mang tính biểu tượng. Màu trắng biệu tượng điều gì ?
          a. Niềm vui,
          b. Sự trong sạch,
          c. Chiến thắng.
          d. Cả a, b và c đúng.

318. Màu sắc trong Khải Huyền mang tính biểu tượng. Màu đỏ biệu tượng điều gì ?
          a. Bạo lực,
          b. Máu các thánh tử đạo
          c. Sự chết chóc
          d. Cả a, b và c đúng.

319. Màu sắc trong Khải Huyền mang tính biểu tượng. Màu đen biệu tượng điều gì ?
          a. Sự chết,
          b. Sự vô đạo.
          c. Các tai ương
          d. Cả a, b và c đúng.

320. Con số trong Khải Huyền mang tính biểu tượng. Số 7 nói lên điều gì ?
          a. Chỉ sự hoàn hỏa
          b. Chỉ sự trọn vẹn
          c. Chỉ sự thiếu sót
           d. Chỉ có a và b đúng.

321. Con số trong Khải Huyền mang tính biểu tượng. Số ba rưỡi nói lên điều gì ?
          a. Chỉ sự bất toàn
          b. Chỉ một thời gian ngắn
          c. Chỉ thời gian thử thách và bách hại.
          d. Cả a, b và c đúng.

322. Con số trong Khải Huyền mang tính biểu tượng. Số 4 nói lên điều gì ?
          a. Nói đến địa cầu
          b. Nói đến địa ngục
          c. Nói đến thế giới mới
          d. d. Cả a, b và c đúng.

323. Con số trong Khải Huyền mang tính biểu tượng. Số 12 ám chỉ điều gì ?
          a. Dân Ítraen
          b. 12 tông đồ
          c. Hội Thánh
          d. Cả a, b và c đúng.

324. Con số trong Khải Huyền mang tính biểu tượng. Số 1000 nói lên điều gì ?
          a. Nói đến vĩnh cửu
          b. Nói đến thời gian lâu dài
          c. Nói đến thời thế mạt
          d. Cả a, b và c đúng.

325. Màu sắc trong Khải Huyền mang tính biểu tượng. Tóc trắng biểu tượng sự gì ?
          a. Sự bách hại
          b. Sự vĩnh cửu
          c. Sự mong manh
          d. Cả a, b và c đúng.

326. Đai vàng biểu tượng sự gì ?
          a. Thập giá
          b. Ngai vàng
          c. Thành đô
          d. Cả a, b và c đúng.

327. Cái sừng biểu tượng điều gì ?
          a. Sức mạnh
          b. Sự sợ hãi
          c. Chiến đấu
          d. Kiên nhẫn

328. Áo dài biểu tượng sự gì ?
          a. Người tin Chúa
          b. Chỉ chức tư tế
          c. Thượng tế Do thái
          d. Những người tử đạo

329. Sách Khải Huyền viết cho các kitô hữu đang bị bách hại, gặp nhiều thử thách khó khăn giúp họ điều gì ?
          a. Nhẫn nại trong cơn gian lao.
          b. Tin tưởng trong cơn gian lao.
          c. Rao giảng Tin mừng cho họ
d. Chỉ có a và b đúng.

330. Sứ điệp sách Khải Huyền gởi đến cho độc giả, chúng ta hôm nay điều gì ?
          a. Đừng sợ phải sống niềm tin của mình,
          b. Dù phải lội ngược dòng,
          c. Dù bị bách hại,
          d. Cả a, b và c đúng.

331. Sách Khải Huyền cho chúng ta biết điều gì ?
          a. Lịch sử nhân loại đã được cứu chuộc
          b. Lịch sử nhân loại đang đi tới cùng đích
          c. Con Chiên bị sát tế mang lại chiến thắng cho những ai tin vào Thiên Chúa.
          d. Cả a, b và c đúng.

332. Ngày hôm nay đứng trước những thách đố trong cuộc sống để sống đức tin, chúng ta cần phải làn gì ?
          a. Gắn bó hơn với Chúa Giêsu
          b. Gắn bó hơn với Lời Chúa
          c. Gắn bó hơn với Hội Thánh là Hiền Thê của Ngài
          d. Cả a, b và c đúng.

333. “Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Kitô của Người ; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (11,15) Đây là lời trích trong sách nào ?
          a. Thư Do thái
          b. Sách Khải Huyền
          c. Thư Giuđa
          d. Tin Mừng Gioan

LỜI CHÚA

334. “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (10,28) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          a. Tin mừng Mátthêu
          b. Tin mừng Máccô
          c. Tin mừng Luca
          d. Tin mừng Gioan

335. “ Phúc thay anh em khi vì Thầy
mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”(5,11-12a) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          a. Tin mừng Mátthêu
          b. Tin mừng Máccô
          c. Tin mừng Luca
          d. Tin mừng Gioan

336. “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (14,15) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          a. Tin mừng Mátthêu
          b. Tin mừng Máccô
          c. Tin mừng Luca
          d. Tin mừng Gioan

337. Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.”(12,32) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          a. Tin mừng Mátthêu
          b. Tin mừng Máccô
          c. Tin mừng Luca
          d. Tin mừng Gioan

338. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”(15,12) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          a. Tin mừng Mátthêu
          b. Tin mừng Máccô
          c. Tin mừng Luca
          d. Tin mừng Gioan

339. “Đừng hoảng sợ ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì ! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.”(16,6) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          a. Tin mừng Mátthêu
          b. Tin mừng Máccô
          c. Tin mừng Luca
          d. Tin mừng Gioan

340. “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (6,27-28) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          a. Tin mừng Mátthêu
          b. Tin mừng Máccô
          c. Tin mừng Luca
          d. Tin mừng Gioan

341. “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1,1-3) Đây là lời mở đầu thư nào của thánh Phaolô ?
          a. Thư 1 Côrintô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Rôma
          d. Thứ Galát

342. Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(8,28)
          a. Thư 1 Côrintô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Rôma
          d. Thư 1 Thêxalônica

343. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(13,13
          a. Thư 1 Côrintô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư 2 Côrintô
          d. Thư 1 Thêxalônica

344. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(4,10)
          a. Thư 1 Côrintô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư 2 Côrintô
          d. Thư 1 Thêxalônica

345. Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(4,10)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư 1 Thêxalônica

346. “Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(1,23)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư Philípphê

347. Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(1,27)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư Philípphê

348. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(3,17)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư Philípphê

349. “Tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(5,5)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư 1 Thêxalônica

350. Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(8,35)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư Rôma

351. “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(8,37)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư Rôma

352. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(9,16b)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư 1 Corintô
          d. Thư Rôma

353. Anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí !” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(3,13)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư 2 Thêxalônica

354. “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Đức Kitô Giêsu.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ? (2,5)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư 1 Timôthê

355. Nếu ta cùng chết với Người,
ta sẽ cùng sống với Người.
Nếu ta kiên tâm chịu đựng,
ta sẽ cùng hiển trị với Người.
Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ? (2,11-12)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Côlôxê
          c. Thư Galát
          d. Thư 2 Timôthê

356. Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” Câu này được trích trong thư nào ? (13,8)
          a. Thư Êphêxô
          b. Thư Do thái
          c. Thư Galát
          d. Thư 2 Timôthê

357. “Đức tin không có hành động là đức tin chết.” Đây là lời trích trong thư chung nào ? (2,26)
          a. Thư Giacôbê
          b. Thư 1 Phêrô
          c. Thư 1 Gioan
          d. Thư Giuđa

358. “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” Đây là lời trích trong thư chung nào ? (3,15)
          a. Thư Giacôbê
          b. Thư 1 Phêrô
          c. Thư 1 Gioan
          d. Thư Giuđa

359. “Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” Đây là lời trích trong thư chung nào ? (3,8-9)
          a. Thư Giacôbê
          b. Thư 2 Phêrô
          c. Thư 1 Gioan
          d. Thư Giuđa

360. “Anh em thân mến,
 chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương,
thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa.
Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa là tình yêu.” Đây là lời trích trong thư chung nào ? (4,7-8)
          a. Thư Giacôbê
          b. Thư 1 Phêrô
          c. Thư 1 Gioan
          d. Thư Giuđa

361. “Điều răn chúng ta đã có từ lúc khởi đầu - đó là : chúng ta phải yêu thương nhau.” Đây là lời trích trong thư chung nào ? (5)
          a. Thư Giacôbê
          b. Thư 1 Phêrô
          c. Thư 2 Gioan
          d. Thư Giuđa

362. “Ai làm điều lành thì thuộc về Thiên Chúa; kẻ làm điều dữ thì đã không thấy Thiên Chúa.” Đây là lời trích trong thư chung nào ? (11b)
          a. Thư Giacôbê
          b. Thư 1 Phêrô
          c. Thư 3 Gioan
          d. Thư Giuđa

363. “Anh em thân mến, hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời.” Đây là lời trích trong thư chung nào ? (20-21)
          a. Thư Giacôbê
          b. Thư 1 Phêrô
          c. Thư 1 Gioan
          d. Thư Giuđa

364. “Thầy đây mà, đừng sợ !”(6,20) Đây là lời trích trong Tin mừng nào ?
          a. Tin mừng Mátthêu
          b. Tin mừng Máccô
          c. Tin mừng Luca
          d. Tin mừng Gioan

365. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”(16,33) Đây là lời trích trong Tin mừng nào ?
          a. Tin mừng Mátthêu
          b. Tin mừng Máccô
          c. Tin mừng Luca
          d. Tin mừng Gioan

 Gb. Nguyễn Thái Hùng



Lời giải đáp

VUI HỌC THÁNH KINH 68
DẪN VÀO LỜI CHÚA (TÂN ƯỚC) 4
Trắc Nghiệm

CÁC THƯ CHUNG

247. b. 7 thư
248. d. Cả a, b và c đúng.
249. d. Cả a, b và c đúng.
250 Thư thánh Giacôbê,
Thư 1 thánh Phêrô,
Thư 2 thánh Phêrô,
Thư 1 thánh Gioan,
Thư 2 thánh Gioan,
Thư 3 thánh Gioan 
Thư thánh Giuđa.
251. c. Ông Giacôbê, người anh em của Chúa Giêsu (Gc 1,1 ; Mt 13,55 ; Cv 12,17)
252. c. Khoảng năm 62
253. b. Khoảng năm 58-62
254. a. Tại Giêrusalem
255. d. Cả a, b và c đúng.  
256 . d. Cả a, b và c đúng.
257. b. Có 5 chương
258. a. Có 108 câu.
259. Thư Giacôbê có 5 chương được chia làm 11 phần
260. b. Xinvanô
261. c. Năm 66
262. b. Hoàng đế Nêrô
263. c. Khoảng năm 64-65
264. c. Tại Rôma
265. d. Cả a, b và c đúng.
266. d. Cả a, b và c đúng.
267. b. Có 5 chương
268. a. Có 105 câu.
269. Thư 1 Phêrô có 5 chương được chia làm 6 phần
270. a. Một môn đệ mượn danh nghĩa thánh Phêrô
271. d. Khoảng năm 125
272. c. Tại Ai cập
273. d. Cả a, b và c đúng.
274. d. Cả a, b và c đúng.
275. a. Có 3 chương
276. b. Có 61 câu.
277. Thư 2 Phêrô có 3 chương chia làm 6 phần
278. d. Cả a, b và c đúng.
279. d. Khoảng năm 80-90
280. c. Tại Êphêxô
281. d. Cả a, b và c đúng.
282. d. Cả a, b và c đúng.
283. b. Có 5 chương
284. b. Có 105 câu.
285. Thư 1 Gioan có 5 chương được chia làm 5 phần
286. d. Cả a, b và c đúng.
287. d. Cả a, b và c đúng.
288. a. Có 13 câu.
289. Thư 2 Gioan có 13 câu được chia làm 4 phần
293. d. Cả a, b và c đúng.
291. d. Cả a, b và c đúng.
292. b. Có 15 câu.
293. Thư 3 Gioan có 15 câu được chia làm 5 phần
294. c. Ông Giuđa, anh em của Đức Giêsu và cúng là anh em
của Giacôbê (Mt 13,55).
295. d. Khoảng năm 70-80
296. d. Cả a, b và c đúng.
297.a. Dặn dò anh em tín hữu đừng nghe theo một số người xấu đã
 len lỏi vào cộng đoàn, gieo rắc lối sống và tư tưởng lệch lạc.
298. c. Có 25 câu.
299. Thư Giuđa có 28 câu được chia làm 5 phần :

KHẢI HUYỀN

300. d. Khải Huyền
301. d. Chỉ có a và b đúng.
302. d. Cả a, b và c đúng.
303. d. Thánh Gioan
304. b. Tại Pátmô
305. c. Năm 95.
306. d. Cả a, b và c đúng.
307. d. Cả a, b và c đúng.
308. d. Cả a, b và c đúng.
309. d. Có 22 chương.
310. d. Có 405 câu.
311. Sách Khải Huyền có 22 chương được chia làm 5 phần
312. c. Đức Giêsu Kitô
313. d. Chỉ có a và b đúng.
314. d. Cả a, b và c đúng.
315. d. Cả a, b và c đúng.
316. d. Chỉ có a và b đúng.
317. d. Cả a, b và c đúng.
318. d. Cả a, b và c đúng.
319. d. Cả a, b và c đúng.
320. d. Chỉ có a và b đúng.
321. d. Cả a, b và c đúng.
322. a. Nói đến địa cầu
323. d. Cả a, b và c đúng.
324. b. Nói đến thời gian lâu dài
325. b. Sự vĩnh cửu
326. b. Ngai vàng
327. a. Sức mạnh
328. b. Chỉ chức tư tế
329. d. Chỉ có a và b đúng.
330. d. Cả a, b và c đúng.
331. d. Cả a, b và c đúng.
332. d. Cả a, b và c đúng.
333. b. Sách Khải Huyền

LỜI CHÚA

334. a. Tin mừng Mátthêu
335. a. Tin mừng Mátthêu
336. d. Tin mừng Gioan
337. c. Tin mừng Luca
338. d. Tin mừng Gioan
339. b. Tin mừng Máccô
340. c. Tin mừng Luca
341. c. Thư Rôma
342. c. Thư Rôma
343. a. Thư 1 Côrintô
344. c. Thư 2 Côrintô
345. c. Thư Galát
346. a. Thư Êphêxô
347. d. Thư Philípphê
348. b. Thư Côlôxê
349. d. Thư 1 Thêxalônica
350. d. Thư Rôma
351. d. Thư Rôma
352. c. Thư 1 Corintô
353. d. Thư 2 Thêxalônica
354. d. Thư 1 Timôthê
355. d. Thư 2 Timôthê
356. b. Thư Do thái
357. a. Thư Giacôbê
358. b. Thư 1 Phêrô
359. b. Thư 2 Phêrô
360. c. Thư 1 Gioan
361. c. Thư 2 Gioan
362. c. Thư 3 Gioan
363. d. Thư Giuđa
364. d. Tin mừng Gioan
365. d. Tin mừng Gioan

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG
2018