Trang

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 24 KHÔNG ĐƯỢC LÀM HẠI SỰ SỐNG


KHÔNG ĐƯỢC LÀM HẠI SỰ SỐNG

Trích Sách Khởi Nguyên, 22.1-19

Sau khi Yavê đã cho ông A-bra-ham tuổi già hiếm muộn sinh được một đứa con trai độc nhất, tên là Y-sa-ác, thì Yavê thử lòng ông. Người phán:

- A-bra-ham! Hãy lấy đứa con một yêu dấu, tức là Y-sa-ác, đem lên núi kia mà tế nó làm lễ toàn thiêu.

Đau đớn khôn xiết, nhưng vâng lệnh Chúa, ông dắt con, chất củi, cùng hai đầy tớ, thắng lừa đi đến địa điểm Chúa chọn. Tới chân núi, ông dặn hai đầy tớ:

- Các anh ở lại đây với con lừa. Ta và đứa trẻ phải đi tới đằng kia mà thờ lạy.

A-bra-ham chất củi lên vai Y-sa-ác, còn ông cầm đá lửa và dao phay, rồi cả hai cùng đi. Y-sa-ác hỏi:

- Cha ơi! Đây đã có củi và lửa, vậy vật tế lễ ở đâu?

A-bra-ham đáp:

- Thiên Chúa sẽ lo liệu vật hi sinh, con ạ!

Khi đến nơi, A-bra-ham xếp đá xây thành bàn thờ tế lễ, ông xếp củi lên, rồi trói Y-sa-ác đặt lên trên, đoạn ông cầm dao phay, giơ tay để tế sát con...

Nhưng Thần sứ Yavê từ trời gọi ông:

- Abraham! Đừng giơ tay hại mạng đứa trẻ. Bây giờ, Ta biết ngươi là người có lòng kính sợ Thiên Chúa, vì ngươi không từ chối con một ngươi với Ta.

A-bra-ham ngước mắt lên, thấy một con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây: đó chính là Yavê đã lo liệu lễ vật. Ông A-bra-ham liền bắt lấy nó làm lễ hi sinh thay con ông. Xong xuôi, Yavê lại phán:

- A-bra-ham! Ta lấy mình Ta mà thề rằng: vì ngươi đã không từ chối con một ngươi với ra, thì Ta sẽ ban phúc lành cho ngươi. Y-sa-ác là dòng giống ngươi đó, Ta sẽ làm cho nó sinh sôi nảy nở đông như sao trời, cát biển... Mọi dân tộc sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho mình. Tất cả những sự ấy chỉ vì ngươi đã vâng nghe lời Ta.

Đoạn A-bra-ham cùng Y-sa-ác trở lại chỗ đầy tớ, rồi cùng nhau trở về nhà.

* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa

Thiên Chúa là Đấng đã ra luật: chớ giết người, lẽ nào chính Người lại giết? Thiên Chúa là Đấng đã sinh dựng nên loài người, lẽ nào Người lại vui sướng bảo giết họ? Cho dù là giết với mục đích cao đẹp là làm của lễ hi sinh dâng cho chính Người, Người cũng không muốn, như ta vừa nghe kể truyện ở trên. Ngay từ đầu truyện, Kinh Thánh đã nói rõ là Thiên Chúa muốn thử lòng A-bra-ham. Rồi chính Người từ trời gọi xuống, cản A-bra-ham đừng hại mạng sống con trẻ. Rồi Người lo sẵn một con cừu đực để A-bra-ham giết mà tế lễ thay cho con mình.

Chúng ta càng hiểu thêm ý Chúa, khi biết rằng đang thời ấy, các dân tộc chung quanh thường có thói quen giết các con của họ là tế vật cho các thần tà giáo, nhất là thần Mô-lốc. Còn trong dân Israel, Thiên chúa ra lệnh cấm ngặt việc ấy.

Cho nên, trong sách Thánh, có đoạn kia khen Chúa rằng: “Chúa là Chúa tể hiếu sinh”. “Những gì có trong vạn vật Người đều yêu mến, Người không ghét bỏ sự gì Người đã làm ra” (Kng 1.24-26). “Người không vui khi thấy sinh linh bị giết, Người đã dựng nên mọi sự cho chúng được tồn tại” (Kng 1.13-14).

Tất cả các điều trên muốn đưa đến kết luận này: Thân xác và mạng sống con người, là tinh hoa của mọi loài, mọi vật, quí trọng hơn hết, là chóp đỉnh của tạo thành, không ai được phép làm hại hay giết đi. Nó sẽ tồn tại vì Thiên Chúa bảo vệ, giữ gìn, sẽ cho nó sống lại ngày tận thế, và sẽ sống mãi đời đời. Chắc Thiên Chúa phải quí trọng nó lắm, nên mới cho Ngôi Hai mặc lấy một thân xác loài người làm thân xác mình, và sau cuộc sống trần gian, Ngài đã giữ lấy nó sống mãi đời đời trên thiên đàng, giữa cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thiên Chúa quí trọng thân xác và sự sống như thế. Còn ta là ai mà dám khinh khi, xài xể, buông tuồng? Thế cho nên, về điều này, ta đừng để cho người ngoại, người vô tín ngưỡng lôi kéo ta theo các tư tưởng của họ mà làm hại, khinh rẻ, hay phá huỷ mạng sống và thân thể. Trái lại, Thánh Phaolô dạy: “hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân mình anh em” (1Cr 6.19-20).

Đã đành, thân xác ta vì tội lỗi, đã trở nên xấu xa. Nhưng chúng ta đã được Phép Rửa tội thanh tẩy, thánh hoá rồi. Đôi khi, tội lỗi lại làm nhơ uế, thì phép Hoà Giải đến tha tội và tẩy sạch. Cho nên, thân xác người tín hữu đều đã được thánh hoá rồi. Vậy phải tôn trọng nó cách riêng. Thực tế, phải làm những điều sau này:

1/ Phải cám ơn Chúa mỗi ngày đã ban cho ta một thân xác, được sống làm người (có thể dùng kinh Cám ơn).

2/ Dùng thân xác tôn vinh Thiên Chúa không chỉ trong các giờ phụng vụ, lễ nghi (ở nhà thờ hoặc ở nhà) như khi đi dự lễ: miệng ca hát, đọc kinh, tung hô; chân quì gối, mình cúi lạy, tay làm dấu, vv...; nhưng còn tôn vinh trong tất cả cuộc sống nhờ Thánh Phaolô chỉ bảo: dù ăn, dù uống, dù làm sự gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10.31). Không phải chỉ việc nào đạo đức mới tôn vinh Chúa, ngay cả các việc bình thường của đời sống, việc phàm trần như ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí, lao động... cũng có thể tôn vinh Chúa được.

Nhưng, việc tôn vinh Chúa cách riêng là dâng thân mình và cả đời sống ta làm lễ tế sống, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12.1t).

3/ Rồi ta hãy giữ đừng để thân xác mình làm dụng cụ phạm tội. Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng hiến chi thể mình làm khí giới bất chính cho tội lỗi” (Rm 6.12). Cách riêng, tội trực tiếp phạm đến thân xác là tội dâm dục. Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy tránh tà dâm! Phàm mọi tội người ta phạm, thì đều ở ngoài thân xác; còn kẻ tà dâm, thì có tội phạm đến chính thân xác mình” (1Cr 6.18).

4/ Có nhiều điều làm hại thân xác và mạng sống ta phải tránh: như lười biếng tập thể dục, vận động, tập dưỡng sinh... làm thân xác ta ra èo uột, ốm yếu..., hoặc ngược lại, quá chiều dưỡng, quá lo lắng về sức khoẻ: ăn uống thái quá, làm thân xác béo phệ, nặng nề, chiều chuộng xác thịt quá đáng: để hết tâm trí vào việc tìm mọi thứ làm cho thân xác được khoái lạc. Thánh Kinh dạy: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô và đừng lo toan về xác thịt cho thoả các đam mê (Rm 13.14). Cách sống nhu nhược ấy là thửa đất màu mỡ cho các tình dục và đam mê lôi kéo không còn phương kìm hãm được.

5/ Đừng dùng những chất độc hại như thuốc lá (gây ung thư phổi), rượu... (khỏi cần nói: các sách gần đây phân tích tỉ mỉ các tai hại của rượu trên cơ thể và bộ não cách riêng)..., ma tuý: thuốc phiện, cần sa, bạch phiến, vv... Người Kitô hữu phải kiêng kỵ hẳn những cái đó, không chỉ vì lý do sức khoẻ như mọi người, song vì chúng huỷ hoại thân mình ta, là Đền Thờ Thiên Chúa. Đây, lời Kinh Thánh dạy: “Anh em là Đền Thờ Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trong anh em. Ai huỷ hoại Đền Thờ Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng huỷ hoại người đó, vì Đền Thờ Thiên Chúa là vật thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3.16-17).

6/ Không được huỷ hoại thân thể cách trực tiếp là tự sát. Đây là một tội trọng, rất nặng nề. Chỉ mình Thiên Chúa là chủ sự sống cũng như sự chết. “Chính Ta cho chết và cho sống, tác sinh và tác tử, và không ai có tài giựt ra khỏi tay Ta” (Tl 32.39; 1S 2.6). Nhất là khi gặp sầu khổ nặng nề, bệnh tật lâu dài, ta phải nhẫn nại chịu đựng, kết hợp đau đớn mình với đau khổ của Chúa trên thập giá, và trung tín đến chết với Chúa. Những kẻ vô đạo, vô tín, họ muốn tự sát vì lý do gì mặc kệ, phần ta chỉ biết nghe lời Chúa dạy.

Có những hình thức tự tử cách gián tiếp, giết người gián tiếp, vì thế ít người chú ý như: phóng xe quá tốc độ, lạng xe, lách xe, chạy trái luật lưu thông, lái xe ẩu, lái xe trong tình trạng say rượu, chơi những trò nguy hiểm vô ích, vv...

7/ Ở đây, phải nói cách riêng đến việc sát hại bào thai, hay phá thai... là hình thức phá hoại mạng sống những kẻ vô tội, yếu đuối, và không thể tự vệ. Tuân theo lệnh Thiên Chúa, Hội Thánh cương quyết cấm phá thai một cách rất nghiêm ngặt. Ai làm tội này, nhất là làm nghề phá thai, hoặc đồng loã, đồng tình, đồng mưu, bị phạt vạ tuyệt thông, nghĩa là loại ra khỏi Hội Thánh, và chỉ Linh mục nào có thấm quyền mới giải vạ ấy được. Nhẹ nhất là không được chịu các Bí tích.

Ta cũng nên tìm hiểu lý lẽ người đời nêu ra để cho phép họ phá thai. Họ nói: các nhà khoa học cho rằng bào thai từ khởi đầu cho đến 4 hoặc 5 tháng: chưa phải là bào thai loài người, chưa là người, vì trong tiến trình tiến hoá, nó chưa có hình thù và các cơ quan của loài người, mới chỉ là hình thù đại khái như con nòng nọc, hoặc ếch nhái, hoặc một động vật nào đó thôi. Cho nên, chỉ cấm phá thai khi đã 5, 6 tháng trở đi...

Nhưng Hội Thánh không dựa vào các khoa học gia, mà dựa vào ý Chúa: Ta là chủ sự sống và sự chết. Mà bào thai, tự lúc khởi đầu thụ thai, là bắt đầu một con người rồi. Giết nó là giết người. Để giúp dễ xác tín hơn, ta hãy dựa vào một đoạn Kinh Thánh Luca 1.26tt: đó là trình thuật truyền tin và Đức Mẹ đi thăm bà E-li-sa-bet.

Sau ngày truyền tin ít hôm, Đức Mẹ đi thăm bà E-li-sa-bet, vì Thiên thần báo là bà đã thụ thai được 6 tháng rồi. Cuộc hành trình từ Nadarét đến Ain-ka-rim, xứ Yuđê mất độ 5, 6 ngày. Khi vừa vào nhà, E-li-sa-bet thoạt nghe tiếng chào của Đức Mẹ, thì hài nhi (tức bào thai trong lòng bà) nhảy mừng và bà được đầy Thánh Thần mà kêu lên: “Trong nữ giới có bà là diễm phúc. Đáng chúc tụng thay hoa quả lòng bà! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến với tôi?”

Bà Elisabet được đầy Chúa Thánh Thần mà kêu lên, có nghĩa là bà được Thánh Thần soi sáng mà nói lên ba điều chân thật này:

a/ Bào thai nhảy mừng: Theo kiểu nói Kinh Thánh, có ý nói là được ơn cứu độ, được ơn thánh sủng, do được tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa hiện diện trong lòng Đức Mẹ. Như thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống mặc xác trong lòng Đức Mẹ lúc ấy rồi, chứ không đợi đến 5, 6 tháng sau, khi bào thai trong dạ Đức Mẹ thành hình người mới xuống, và Chúa thánh hoá Gioan Tẩy giả đang còn trong lòng mẹ.

b/ Hoa quả lòng bà đáng chúc tụng: Hoa quả lòng bà, có ý nói là đứa con của bà. Đáng chúc tụng: lời chúc này dành riêng cho Thiên Chúa. Như vậy, bà E-li-sa-bet chúc tụng Chúa đang ngự trong lòng Đức Mẹ, làm con Đức Mẹ rồi.

c/ Mẹ Chúa tôi đến thăm tôi: Nếu Chúa Ngôi Hai chưa xuống mặc xác phàm trong lòng Đức Mẹ, làm sao Đức Mẹ được xưng là “Mẹ Chúa tôi” được?

Vậy tất cả các điều đó đều nói rằng: bào thai trong lòng Đức Mẹ lúc ấy cho dù mới khởi đầu, còn trứng nước, song đã được nhìn nhận là Chúa Ngôi Hai đã xuống mặc xác ngay rồi, chứ không đợi bào thai lớn 5, 6 tháng.

Hội Thánh còn dựa theo một luận chứng thần học nữa để bảo rằng: bào thai ngay từ giây phút thụ thai, đã là một con người, một mạng người, tuy còn trứng nước! Đó là thoạt khi đậu thai, thì Thiên Chúa ban xuống một linh hồn ngay, linh hồn ấy như kiến trúc sư sẽ điều khiển sự phát triển bào thai ấy, kiến thiết toà nhà là thân xác từ khởi sự cho đến hoàn thành.

Hôm nay, gia đình chúng con làm giờ thánh cầu nguyện này, để đền tạ với Chúa, vì chúng con vô ơn bội nghĩa, làm đủ mọi điều nói chẳng sao xiết hại đến thân xác và mạng sống, là món quà quí giá, là kiệt tác Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con là con cái Chúa, mà cách sống chúng con chẳng khác gì người ngoại đạo và vô tín... Xin Chúa tha thứ cho chúng con, và giúp chúng con cải thiện cách sống theo Lời Chúa dạy.

Tích truyện

Vì quá yêu chàng, một thiếu nữ nọ đã có thai cách lén lút và bất hợp pháp. Cô xấu hổ, sợ gia đình mang tiếng, cha mẹ đánh đập, nên cô có ý phá thai. May nhờ một người bạn tốt an ủi và nâng đỡ, giúp cô lánh xa gia đình ít lâu, lấy cớ đi công tác. Cô đã sinh ra đời một cậu bé kháu khỉnh và thông minh. Được yêu thương, săn sóc, lớn lên, cậu đã trở thành một nhà nhạc sĩ nổi danh khắp năm châu, một thần đồng, một thiên tài hiếm có... Đến lúc ấy, người bạn kia mới nói đùa với cô:

- Giả sử em đã không nghe tôi mà phá thai, em đã làm cho thế giới mất đi một vĩ nhân, một thiên tài!

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN
Biên soạn

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 23 THIÊN CHÚA CHỌN NGƯỜI ANH DŨNG

THIÊN CHÚA CHỌN NGƯỜI ANH DŨNG

Trích sách thẩm phán, ch.7

Quân Ma-đi-an kéo 135.000 người đến xâm lăng đất Israen. Thiên Chúa ban Thần Khí xuồng trên ông Ghê-đê-ôn, làm ông mạnh sức, đứng lên triệu tập dân chúng để cứu Israen. 32.000 trai tráng can đảm đáp lại tiếng gọi trưng binh của ông. Để cho họ thêm phấn chấn, Ghê-đê-ôn kêu lên Chúa:

- Nếu quả thực, Người định dùng tay tôi để cứu Israen, xin hãy làm một phép lạ: nay tôi trải một mảnh lông chiên ngoài sân, sương đêm chỉ làm mảnh lông ấy ướt đẫm, trong khi chung quanh mặt đất vẫn khô.

Và đã xảy ra đúng như vậy. Sáng hôm sau, ông dậy sớm và vắt sương tự lông chiên ra đầy một tô nước. Ông lại xin một dấu ngược lại, là đêm sau, mảnh lông chiên thì khô, đất chung quanh được sương thấm ướt. Và Thiên Chúa đã làm y như vậy. Thánh ý Thiên Chúa đã quá rõ ràng. Toàn đạo quân nức lòng sẵn sàng quyết tử chiến. Nhưng Thiên Chúa phán:

- Quân như thế quá đông, nếu thắng trận, họ sẽ cho là do tài sức mình mà đâm vinh vang, kiêu ngạo. Ngươi hãy ra lệnh cho kẻ nào sợ sệt hãy lui về nhà.

Thế là 22.000 lui về, chỉ còn một vạn. Thiên Chúa vẫn còn cho là quá đông:

- Ngươi hãy dẫn tất cả đến suối nước, ở đó, Ta sẽ luyện lọc họ cho ngươi... Kẻ nào không chịu quì gối xuống uống nước, mà chỉ múc nước vào bụm tay mà hớp như chó tớp nước, thì hãy chọn những kẻ ấy.

Số người này là 300 người. Còn quân Ma-đi-an, đóng trại ở đồi trước mặt thì đông như châu chấu, lạc đà của chúng không biết cơ man nào mà kể. Ghê-đê-ôn vững lòng tin vào Chúa. ông chia 300 người làm 3 cánh quân, sườn đeo tù và, tay cầm vò rỗng, dấu một bó đuốc bên trong. Vào canh khuya đêm ấy, ba cánh quân theo ba đường lẻn vào doanh trại địch quân, đồng một trật thổi tù và, vừa la hét: “Thánh chiến cho Yavê!”, rồi đập bể vò, đuốc bừng sáng như muôn ngàn vùng lửa, làm địch quân đang ngủ giật mình, mắt nhắm mắt mở, tưởng là quân Ghê-đê-ôn đông hằng hà sa số, nên sợ hãi, họ bỏ lều chạy tháo thân...

Chỉ với 300 người anh dũng, Ghê-đê-ôn đã đánh bại được cả một đạo quân đông đảo.

* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa

Không cần nhiều, chỉ cần những người anh dũng. Những người này tỏ chí khí ngay trong việc uống nước. Sau khi tập trận, ai cũng khát, song rất nhiều kẻ quen thói ươn ái, lè phè, đành lòng quì gối để uống cho đã, cho no bụng... Thế thì còn làm gì được nữa, huống hồ đánh giặc! Họ chỉ lo no nê, thoả mãn cái bụng, làm sao quả tim còn dũng khí được? Còn 300 người đặc biệt kia, trái lại, không quì gối, chỉ vốc nước bằng tay, rồi vội vàng tớp nước gọi là cho đỡ khát, để còn đủ nhẹ nhàng, nhanh nhẹn mà chiến đấu. Và Thiên Chúa bảo tướng Ghê-đê-ôn chọn mấy người đó để làm nên đại sự.

Phần chúng ta cũng vậy, cũng chia hai phe:

Đa số nghe theo tiếng gọi của thế gian, nghe theo luận điệu của người đời bày vẽ: hãy sống như chúng tôi, như mọi người: nào là kiếm cho thật nhiều tiền bằng bất cứ thủ đoạn nào: gian dối, móc ngoặc, chạy mánh..., nào ăn thật ngon, xào nấu món này phải thêm cái nọ cái kia, ngũ vị hương, tương, ớt, hành mới thật hết xẩy, nếu cần cho vợ con đi học gia chánh về để phụng sự cái bụng mình... Đi đâu cũng hỏi có quán nhậu nào ngon nhất, thì dù xa mấy cũng tìm cách tới ăn...; nào phải chơi cho đã, mặc cho đẹp, cho đúng mốt, đúng thời trang, người ta mới có mốt ống túm, phải bỏ hết quần áo đang mặc, dù còn tốt, để may quần ống túm, đến khi quần ống loa lại đổi sang ống loa, đến lúc mốt “đít-cô”, lai đua đòi, mốt “áo bay”, cũng chạy theo..., quên rằng mặc để che thân, chứ không phải mặc đề chưng diện, cũng như ăn để sống, chứ không phải sống để ăn! Thế là họ cung phụng thân xác, làm nó hư hỏng!

Còn một số khác nghe theo Lời Chúa, nghe giảng dạy ở nhà thờ, đọc sách thiêng liêng, đạo đức dạy hãy từ bỏ mình, vác thập giá, phải hãm dẹp các chi thể đang làm giặc trong mình, vì một trong ba kẻ thù ghê gớm là xác thịt mình; nên họ ra sức kìm hãm những thói lăng loàn, những đòi hỏi thể xác quá trớn, sống thanh đạm, rèn luyện thân xác cho mạnh mẽ, để phục vụ cho linh hồn được sáng suốt, tinh anh, làm chủ các dục vọng và đam mê, đúng như Lời Chúa: “Những ai thuộc về Chúa Kitô, thì đã đóng đinh tính xác thịt và các đam mê vào thập giá” (Galát 5.24). Họ xứng đáng làm lính của Chúa Kitô, thân xác họ xứng đáng làm Đền Thờ Thiên Chúa, và xứng đáng hưởng sự sống lại ngày tận thế.

Vì sao hai hạng người nói trên sống khác nhau như thế? Thưa: vì hạng thì có một quan niệm đúng đắn về đời sống thể xác, theo như Chúa dạy và giáo huấn của Hội Thánh; còn hạng kia thì nghe theo quan niệm của người đời và thế gian dạy họ.

Vậy chúng ta hãy có một lòng tin cho rõ rệt, đúng đắn một lần cho hẳn về đời sống thể xác, hầu biết sống đúng mức.

Bài kỳ trước đã nói sơ qua: sự sống, thân xác, là một ơn huệ, là một quà tặng quí báu Thiên Chúa ban cho ta. Bởi đó, ta có hai bổn phận phải làm:

- Tạ ơn Chúa,

- Tôn trọng sự sống và thân xác, đừng để tội lỗi xâm phạm làm hư hỏng.

Kỳ này, ta chỉ xét về:

Bổn phận thứ nhất là tạ ơn: Hãy xem Đức Giêsu: Ngài đã cất tiếng cảm tạ Chúa Cha: “Lạy Cha! Cha đã nắn nên một thân xác cho con...” (Hr 10.5), thân xác đã do quyền phép Chúa Thánh Thần, lấy chất liệu trong lòng trinh khiết của Đức Mẹ. Đức Giêsu đã có một thân xác như chúng ta, không khác mảy may. Vì ta tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, rồi cứ gọi Ngài là Chúa, cộng thêm việc Ngài sống xa cách ta cả 2.000 năm..., tất cả những cái đó hợp lại, làm ta có cảm tưởng Ngài thiêng liêng quá! Hình ảnh Ngài trong tâm trí ta là hình ảnh cao siêu, vô hình; mà ta quên Ngài có một thân xác như ta. Ngài đã sinh ra, đã sống đời trẻ thơ, đã chơi với các bạn lối xóm, đã lớn lên như một chú tập sự thợ mộc bên cạnh ông Giuse. Từ nhỏ, cậu Giêsu quen lao động, và nhờ ông Giuse dạy bảo, tập tành, cậu dần dần biết sửa cái cầy, cái bừa.:., biết đóng bàn, đóng ghế... Chắc nhiều lần cậu Giêsu đã phải vác các khúc gỗ nặng từ xa về xưởng mộc của bố Giuse, hoặc khuân đi trao cho khách hàng những đồ đạc bằng gỗ đã hoàn thành. Sau này, trên đường rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu luôn đi bộ trên đường dốc dác, gồ ghề của quê hương toàn đồi núi. Có những ngày, Ngài phải đi một mạch từ Yêrusalem đến Ga-li-lê, đường dài 150km. Phải có sức khoẻ và dầy dạn gió mưa lắm, Ngài mới có thể ăn ngoài đường, ngủ ngoài trời, ngày thì nóng như thiêu, đêm thì lạnh như cắt, nơi cái xứ sở miền cao nguyên ấy. Mà lại thiếu thốn nữa chứ: “Con chồn có hang, con chim có tổ, còn Con Người không có cái kê đầu” (Mt 8.20). Vậy mà, có lúc Ngài ngủ say đến độ thuyền bị sóng xô, gió nhào, lồng lên, lộn xuống mà Ngài vẫn không thức giấc. Ta có thể tưởng tượng thân thể Ngài phải khoẻ mạnh và dẻo dai đến mức nào, để chịu được một cuộc ăn chay dài 40 ngày đêm không?

Vậy, là Kitô hữu, ta không được khinh rẻ thân xác; trái lại, theo gương Đức Giêsu, ta phải biết cảm tạ Thiên Chúa, vì đã nắn cho ta một thân xác tuyệt diệu, một tuyệt tác của Thiên Chúa. Mới đây, có ai đã ca tụng - dù chỉ mới một phần của thân xác ấy - là Đôi Mắt:

“Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời,
để nhìn đời và để làm duyên.
Đời cho em đôi mắt màu đen
để thương, để nhớ, để ghen, để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngõ tâm hồn,
là bài thơ hay nhất,
là lời ca không dứt,
là tuyệt tác của thiên nhiên”...

Mà cách cảm tạ Thiên Chúa hay nhất là làm thế nào cho thân xác ấy được mạnh khoẻ, đầy sinh lực, dẻo dai, tươi trẻ, đẹp đẽ, làm dụng cụ để linh hồn sai khiến mà vươn lên cao và phục vụ anh em đồng loại. Muốn thế, ai cũng biết là phải gìn giữ thân thể sạch sẽ, gọn gàng, ăn mặc tử tế, biết ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cho dù thanh đạm, biết ngủ nghỉ đủ giờ, biết giải trí... Có một điều ta nên nhấn mạnh hơn, nhất là trong xã hội ngày nay, là phải vận động, tập thể dục, tập dưỡng sinh... Tây phương có câu: “Hồn lành trong xác mạnh”. Trừ những ai lao động nhiều không kể, thường thì đa số cả ngày ngồi hoặc làm việc bàn giấy, văn phòng, ít vận động, thân thể cứ mập béo ra mà không rắn rỏi, dẻo dai... Ngày nay, người ta lập ra những môn thể dục, thể thao rất hay như: y võ dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu... và các phong trào thể thao: bơi, đua bóng, chạy... Các người cha mẹ và nhà giáo dục hãy gợi nơi con em mình sớm có tính yêu thích thiên nhiên, thích đi dạo chơi ngoài trời, về đồng quê, đi tắm biển, tắm sông... thay vì để chúng chúi vào xó tôi đánh cờ, đánh bạc, hút thuốc... hay ngồi thụ động cả ngày xem ti vi, xem vidéo hoặc đọc truyện...

Sở dĩ chúng ta cổ võ thể dục, thể thao, vệ sinh và tập thân thể trong bài Lời Chúa của giờ đền tạ có tính cách thiêng liêng, đạo đức này, là có ý nhấn mạnh đến câu: Hồn lành trong xác mạnh! Tức là, nhấn đến tập luyện thân xác cho mạnh mẽ, bền dai để không những làm vinh quang cho Thiên Chúa trước hết, sau là để trở nên dụng cụ nâng nỡ tâm hồn. Vì một người biết làm chủ thể xác, thì cũng dễ làm chủ linh hồn mình. Hồn và xác có ảnh hưởng trên nhau. Tỉ dụ: một người luôn luôn ăn ở dơ bẩn, áo quần lôi thôi..., đó là một người lười biếng. Thế thì trong tâm hồn, người ấy cũng rất dễ lười biếng, không có nghị lực tẩy rửa hồn mình sạch các tính xấu, các đam mê, dục vọng, mà cứ để buông tuồng, luộm thuộm. Cũng vậy, người không có trật tự ngoài thể xác, bạ đâu quăng đó, đồ đạc lung tung, bừa bãi..., tức cũng không có nghị lực mà sắp xếp, dọn dẹp những điều bề bộn trong tâm hồn được.

Nhưng, buồn thay! Thời nay người ta lại đi quá đà trong việc tập luyện cho thân xác, chăm lo thân xác đến mức ta tưởng là họ thờ phụng thể xác. Báo chí, tập san tranh ảnh, máy thu thanh và truyền hình lôi kéo người ta chú ý đến các kỷ lục điền kinh, thế vận hội..., đến chức vô địch trong thể thao, bóng đá, bơi lội..., đến các cuộc thi đua bắp thịt, thi đua sắc đẹp thân thể... Như thế, người ta không còn coi thể dục, thể thao như một phương pháp phát triển thân thể, mà trái lại, sử dụng nó như khí cụ để chiếm giải. Một ví dụ về những cảnh gai mắt: các phụ nữ thi chạy đua 4.000m, 5.000m, tóc tai rối bời, mặt mũi hốc hác, bơ phờ, tay chân gân guốc, gớm ghiếc..., nào còn đâu vẻ diễm lệ của nữ tính, vẻ mềm mại, đáng yêu của phụ nữ. Để khoẻ mạnh, phụ nữ đâu cần phải đua đòi với nam giới cái kiểu đó, thiếu gì cách tập cho thân thể khoẻ mạnh, máu huyết lưu thông mà vẫn giữ được duyên dáng của mình! Còn biết bao điều quá trớn như thế nữa...

Trong giờ đền tạ này, chúng ta xin Chúa thứ tha, vì đã không biết cảm tạ Chúa đã ban cho ta một thân xác tuyệt diệu, và đã không biết phát triển thân thể quí báu ấy. Ngược lại còn phá huỷ nó bằng đủ cách: nào rượu, nào cà phê, thuốc lá, thuốc phiện, cần sa, ma tuý và các việc độc hại khác..., làm thân thể tuyệt tác, tinh vi của ta đâm yếu nhược, nếu không chết ngay, thì cũng ốm o, xo bại, chẳng ích cho ai, làm hại cho mình, vạ lây cho người khác.

Gia đình ta thề quyết với Chúa từ giờ phút này, từ bỏ các điều độc hại đó. Xin Chúa ban ơn can đảm, ban ơn phù giúp và ban ơn yên ủi.

Tích truyện

Trong một chuyến phản lực từ Rôma sang Nữu Ước, cô tiếp viên hàng không xinh đẹp rất khó chịu vì thấy trong số hành khách trên tàu, có một vị hồng y, mặc áo chùng thâm tu hành, mà cứ nhìn mình chằm chặp. Lúc cô đi qua lại để phục vụ hành khách, vị hồng y nói với cô:

- Cô đẹp lắm!

Nghe vậy, cô càng bực mình. Đến khi phi cơ hạ cánh trên phi trường, hành khách lần lượt xuống, thì cái ông hồng y kỳ quặc kia lại như cố tình đi chậm lại sau cùng... Và khi đi qua trước mặt cô, ông dừng lại nói:

- Cô hãy cám ơn Thiên Chúa vì sắc đẹp của mình!

Cô nghĩ thầm:

- Tu hành gì mà kỳ cục quá!

Thế rồi, không biết sao, hai tuần sau, tại văn phòng vị hồng y đó - Chính là Đức Hồng Y Fulton Sheen, lừng danh nước Mỹ vì các bài nói chuyện về đạo và đời hàng ngày trên ti vi - một chiều đẹp trời, cô tiếp viên nọ đến gõ cửa. Đức Hồng Y nhận ra ngay. Cô nói:

- Thưa Đức Cha, lời Đức Cha hôm nọ trên phi cơ làm con suy nghĩ rất nhiều. Sau khi cầu nguyện, con đến đây xin Đức Cha chỉ dạy con phải làm thế nào để cám ơn Chúa vì sắc đẹp của mình.

Đức Hồng Y lấy bản địa đồ thế giới, chỉ cho cô thấy nước Việt Nam, trên miền cao nguyên có trại người cùi ở Di Linh. Rồi Ngài nói:

- Con biết không, Thiên Chúa đã lấy tất cả sắc đẹp của những người này mà tô điểm cho con. Vậy cách con cám ơn Chúa tốt hơn cả là sang đó phục vụ cho họ!

Quả thật, cô đã từ giã cha mẹ, từ bỏ chức nghiệp, lìa quê hương sang Việt Nam, tìm đến trại cùi Di Linh phục vụ.

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN

Biên soạn

VUI HỌC THÁNH KINH THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY



VUI HỌC THÁNH KINH
THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY
              Tin Mừng thánh Mátthêu 9,35-10,1     
Ngày 4 tháng 8


Tin Mừng

35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."

1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

35 Jesus went around to all the towns and villages, teaching in their synagogues, proclaiming the gospel of the kingdom, and curing every disease and illness.

36 At the sight of the crowds, his heart was moved with pity for them because they were troubled and abandoned, like sheep without a shepherd.

37 Then he said to his disciples, "The harvest is abundant but the laborers are few;38 so ask the master of the harvest to send out laborers for his harvest."

1  Then he summoned his twelve disciples  and gave them authority over unclean spirits to drive them out and to cure every disease and every illness.







I. HÌNH TÔ MÀU



* Chủ đề của hình này là gì?
………………………………………………

* Bạn hãy viết câu Tin Mừng thánh Mát thêu 9,38
………………………………………………
………………………………………………
………………………………………………
………………………………………………

II. TRẮC NGHIỆM


A.
a1. Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc làm gì? (Mt 9,35)
a. Rao giảng Tin Mừng Nước Trời
b. Làm phép rửa cho mọi người
c. Trừ quỷ
d. Cả a, b và c đúng

a2. Với các bệnh nhân, Đức Giêsu làm gì? (Mt 9,35)
a. Yêu mến họ
b. Nâng đỡ họ
c. Chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền
d. Trừ quỷ cho họ

a3. khi nhìn thấy đám đông lầm than vất vưởng, Đức Giêsu có tâm tình gì? (Mt 9,36)
a. Bối rối
b. Chạnh lòng thương
c. Hoang mang
d. Vui mừng

a4. Đức Giêsu nói với ai : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít”? (Mt 9,37)
a. Dân chúng
b. Môn đệ
c. Người Pharisêu
d. Các phụ nữ đạo đức

a5. Khi sai 12 tông đồ đi giảng, Đức Giêsu ban cho họ điều gì? (Mt 10,1)
a. Quyền trên các thần ô uế để trừ chúng
b. Quyền chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền
c. Quyền làm cho người chết sống lại
d. Chỉ a và b đúng



B.
b1. Cha thánh Gioan Maria Vianney được sinh ra trong một gia đình nông dân đạo đức, luôn biết kính sợ Thiên Chúa vào năm 1786 thuộc nước nào?
a. Pháp
b. Ý
c. Bồ Đào Nha
d. Tây Ban Nha

b2. Cha Vianney được lãnh sứ vụ linh mục năm 1815, và năm 1818, ngài được bổ nhiệm làm cha sở họ nào?
a. Cha Sở họ Lộ Đức
b. Cha Sở họ Fatima
c. Cha Sở họ Ars
d. Cha Sở họ Mễ Du

b3. Đây là những việc cha Vianney luôn chu toàn trách nhiệm chủ chăn của mình :
a. Chăm chỉ dậy giáo lý,
b. Hướng dẫn giáo dân,
c. Siêng năng đọc kinh nguyện gẫm và chuyên cần giải tội.
d. Cả a, b và c đúng

b4. Cha Vianney về cùng Chúa trong bình an vào ngày 04/8/1859. Chúa thưởng công Ngài bằng vô số những phép lạ sau khi Ngài qua đời. Đức Giáo Hoàng nào đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1925 ?
a. Đức Giáo Hoàng Piô X
b. Đức Giáo Hoàng Piô XII
c. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII
d. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

b5. Đức Giáo Hoàng nào đã đặt Ngài làm bổn mạng các cha xứ?
a. Đức Giáo Hoàng Piô XII
b. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII
c. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
d. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI


III. Ô CHỮ 


Những gợi ý

01. Lúc chín đầy đồng mà ai lại ít? (Mt 9,37)

02. Đức Giêsu sai bao nhiêu môn đệ đi giảng dạy? (Mt 10,1)

03. Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong đâu? (Mt 9,35)

04. Đức Giêsu nói với ai : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít”? (Mt 9,37)

05. Đức Giêsu ban cho các môn đệ quyền trên các thần nào? (Mt 10,1)

06. Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng gì? (Mt 9,35)

07. Ai đã đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời? (Mt 9,35)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?


IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.
Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt
sai thợ ra gặt lúa về.”
Tin Mừng thánh Mátthêu 9,37b-38


Lời giải đáp VUI HỌC THÁNH KINH
THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY
              Tin Mừng thánh Mátthêu 9,35-10,1     
Ngày 4 tháng 8

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề
Cha thánh Gioan Maria Vianney

* Tin Mừng thánh Mát thêu 9,38:

“Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt
sai thợ ra gặt lúa về."

II. TRẮC NGHIỆM

A.
a1. a. Rao giảng Tin Mừng Nước Trời (Mt 9,35)
a2. c. Chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền (Mt 9,35)
a3. b. Chạnh lòng thương (Mt 9,36)
a4. b. Môn đệ (Mt 9,37)
a5. d. Chỉ a và b đúng (Mt 10,1)

B.
b1. a. Pháp
b2. c. Cha Sở họ Ars
b3. d. Cả a, b và c đúng
b4. b. Đức Giáo Hoàng Piô XII
b5. a. Đức Giáo Hoàng Piô XII


III. Ô CHỮ 



01. Thợ gặt (Mt 9,37)
02. Mười Hai (Mt 10,1)
03. Hội đường (Mt 9,35)
04. Môn đệ (Mt 9,37)
05. Ô uế (Mt 10,1)
06. Nước Trời (Mt 9,35)
07. Đức Giêsu (Mt 9,35)

Hàng dọc : Tin Mừng

NGUYỄN THÁI HÙNG
http://vuihocthanhkinh.blogspot.com/












NỮ VƯƠNG HỒN XÁC LÊN TRỜI




NỮ VƯƠNG HỒN XÁC LÊN TRỜI

Tác giả: 


Mỗi khi mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đoàn con cái Mẹ nơi trần thế lại thêm một lần được chiêm ngắm hình ảnh đẹp nhất của Mẹ Maria, vẹn tuyền, trinh trong đang hưởng phúc bên ngai tòa Thiên Chúa trên Thiên Quốc. Nói hay viết về Hiền Mẫu Maria – Đấng mà các thánh Giáo  phụ đã cho rằng “De Mariam nunquam satis” (nói về Đức Maria thì không bao giờ cùng) – con cái Mẹ trên khắp địa cầu muôn đời sẽ không đủ ngôn từ để có thể diễn tả cho hết được những đức tính cao vời khôn ví của Mẹ, mà qua đó Mẹ được hưởng những ân sủng đặc biệt Thiên Chúa đã dành cho Mẹ. Chỉ với đức tin mới có thể cảm nghiệm được, quả thực Mẹ Maria đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử cứu rỗi nhân loại. Mẹ đã được tuyển chọn giữa muôn triệu người nữ để đón nhận Con Thiên Chúa làm người trong cung lòng trinh khiết của Mẹ. Mẹ chính là một cộng tác viên đắc lực nhất, tuyệt vời nhất của Thiên Chúa trong công trình Cứu Độ loài người.

Xuất phát từ mầu nhiệm phó thác dưới chân thập tự (Đức Giê-su Thiên Chúa phó thác đoàn con cái đang bơ vơ trên đường dương thế cho Đức Mẹ – thông qua thánh Gio-an Tông đồ – Ga 19, 26-27), Giáo Hội đã hoàn toàn tín thác vào Người Mẹ độc nhất vô song ấy. Và để xác tín, Giáo Hội đã công bố bốn tín điều cơ bản về Đức Mẹ: 1- Tín điều ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA; 2- Tín điều ĐỨC MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH; 3- Tín điều ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI; 4- Tín điều ĐỨC MARIA LÊN TRỜI CẢ HỒN LẪN XÁC. Ngoài ra, còn lời công bố tước hiệu ĐỨC MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI (được coi như tín điều thứ năm). Khi công bố những tín điều về Đức Mẹ, một mặt Giáo Hội bày tỏ lập trường dứt khoát trong đức tin nền tảng về Thiên Chúa Tình Yêu – Đấng Cứu Độ nhân loại – đã ban cho con cái trần gian một Eva mới, một Người Mẹ trên hết các người mẹ thế gian, để từ đó trả lời cho những ngụy thuyết đối nghịch (phái Thệ Phản, Ly Giáo, các bè rối...); và mặt khác, củng cố đức tin cho mọi Ki-tô hữu về một Người Mẹ diễm phúc trong hồng ân Mẹ Thiên Chúa + Mẹ Nhân Loại.

Khi người tín hữu tuyên tín Đức Maria là Đấng tinh tuyền thánh thiện siêu vượt trên hết mọi loài thụ tạo, thực tế là tuyên xưng rằng tất cả những gì làm cho Mẹ đáng chiêm ngưỡng và thán phục đều phát xuất từ lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa. Một cách cụ thể là những lời tuyên xưng xuất phát tự đáy lòng người Ki-tô hữu ấy chính là những lời tạ ơn, ca tụng và tôn vinh danh thánh Chúa Trời vì Người đã nâng một thụ tạo lên bậc trọn hảo và vinh quang nhường ấy. Để minh nhiên lời tuyên tín, xin liệt kê những tín điều mà Giáo Hội đã công bố theo thứ tự thời gian (xc Trang "Tài liệu về Mẹ Maria" – Thanhlinh.net):

1- TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA LÀ ME THIÊN CHÚA : Công đồng chung Ê-phê-sô, vào ngày 22-6-431, đã tuyên tín: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (Theotokos) (vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt)”. (DS, 252; “The Christian Faith” {TCF} trang 149).

2- TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH : Năm 649, Công Đồng La-tê-ra-nô tuyên tín: “Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Maria, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ”. (DS 503 ; TCF, trang 166)

3- TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI : Vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm (8/12/1854), Đức Thánh Cha Pi-ô IX ban hành sắc lệnh “Ineffabilis Deus” long trọng tuyên bố: “Để vinh danh Ba Ngôi thánh thiện duy nhất, để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, để phấn khởi đức tin Công Giáo và phát triển Ki-tô Giáo; bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của các thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi tuyên xưng, công bố và xác nhận rằng: Tín lý cho rằng rất Thánh Nữ Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu thai của mình, nhờ ơn sủng cùng với đặc ân chuyên nhất của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội, là điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế, tất cả mọi tín hữu đều phải mạnh mẽ và liên lỉ tin tưởng”. (DS,  2803 ; TCF, trang 204)

4- TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA LÊN TRỜI CẢ HỒN LẪN XÁC : Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã long trọng tuyên bố tín điều này qua Tông hiến "Munificentissimus Deus", vào ngày lễ Các Thánh Nam Nữ (1-11-1950): “Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng là Đấng đã ban muôn vàn ơn lành đặc biệt của Ngài trên Trinh Nữ Maria, để tôn kính Con Ngài là Vua muôn đời, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để Người Mẹ cao cả của Người được hiển vinh hơn, và để toàn thể Giáo Hội hân hoan phấn khởi; bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của các thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi công bố, tuyên xưng và xác nhận như là một tín điều được Thiên Chúa mạc khải: Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Thiên Chúa, Đức Maria Trinh Nguyên, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế của mình, đã được mang lên hưởng vinh quang trên trời cả thân xác lẫn linh hồn”. (DS 3903 ; TCF, trang 207). Cũng như ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra để xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Thánh Cha Pi-ô IX công bố thế nào, Mẹ cũng tỏ ra xác nhận tín điều Mẹ được diễm phúc Hồn Xác Lên Trời do Đức Thánh Cha Pi-ô XII công bố như vậy, khi cho ngài được thị kiến bốn lần (vào những ngày 30, 31/10 và ngày 01, 8/11/1950) hiện tượng “mặt trời nhẩy múa” (như ở Fatima ngày 13-10-1917 trước kia) (TWTAF 3, 284-287).

5- TƯỚC HIỆU ĐỨC MARIA LÀ MẸ CỦA GIÁO HỘI: Đức Thánh Cha Phao-lô VI long trọng tuyên bố ngay trong buổi họp Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II để ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân) vào ngày 21/11/1964, như sau: “Khi chúng ta xét đến những liên hệ chặt chẽ gắn bó Đức Maria và Giáo Hội, như những mối liên hệ này đã được diễn đạt hết sức rõ ràng trong Hiến Chế Công Đồng này, những mối liên hệ khiến chúng ta phán quyết, trong giây phút rất long trọng này đây, đặc biệt rất thích đáng để làm mãn nguyện một ước vọng, một ước vọng chúng tôi bộc lộ ở vào lúc kết thúc buổi họp cuối này, và cũng là ước vọng của rất nhiều vị Nghị Phụ, khẩn khoản yêu cầu là trong Công Đồng đây, vai trò Từ Mẫu mà Đức Thánh Trinh Nữ Maria thực hiện đối với dân Ki-tô Giáo cần phải được công bố bằng những từ ngữ rõ ràng. Vì lý do này, chúng tôi thấy rằng, trong cuộc họp công khai này, chúng tôi phải chính thức công bố tước hiệu mà Đức Trinh Nữ Maria cần được tôn kính, tước hiệu đã được đệ xin từ nhiều nơi trong Giáo Hội hoàn vũ, và cũng là một tước hiệu đối với chúng tôi đáng chấp nhận và thỏa lòng cách đặc biệt; vì tước hiệu này mang lại một cách xác thực tuyệt vời vị trí hiển nhiên xứng hợp với Mẹ Thiên Chúa trong Giáo Hội được Công Đồng này đã công nhận. Bởi thế, để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Maria là Mẹ Giáo Hội, tức là Mẹ của toàn thể Dân Ki-tô Giáo, cả giáo dân lẫn mục tử, mọi thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì thế chúng tôi truyền cho toàn thể Dân Ki-tô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm kính tôn hơn nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này”. (“Theotokos” – xb. 1988, trang 251).

Trải dài theo bề dầy 20 thế kỷ của lịch sử Giáo Hội, với những tín điều được công bố như trên, đã cho thấy cả một quá trình đấu tranh giữa một bên là các Giáo phụ chính thống và một bên là các bè rối theo các nguỵ thuyết chống lại Giáo Hội (đáng buồn là trong đó cũng có cả các Giáo sĩ). Về tín điều Mẹ Thiên Chúa, phe chống đối đã đưa ra lập luận chỉ công nhận Đức Maria là Mẹ Chúa Ki-tô (bằng thể xác), không công nhận thiên chức Mẹ Thiên Chúa, vì cho rằng Thiên Chúa sinh ra loài người thì không thể có việc loài người sinh ra Thiên Chúa được. Về tín điều Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh thì họ cho rằng dù Mẹ “không biết đến việc vợ chồng”, thì khi sinh hạ Đức Giê-su, Mẹ cũng không còn trinh nguyên nữa. Đến tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì họ lập luận là Nguyên tổ đã mắc tội với Thiên Chúa và tội đó đã truyền tử lưu tôn đến đời đời kiếp kiếp, thì không thể có một người là con cháu của Nguyên tổ lại không vướng tội Tổ tông được. Còn tín điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời thì họ cho rằng đã có chuyện giấu xác Đức Mẹ (kiểu như cách nghĩ của Maria Mac-đa-la khi đi thăm mộ Chúa mà không thấy xác Đức Giê-su – Ga 20, 2), rồi phao lên Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác. Loài người từ Nguyên tổ đến nay chẳng có ai được như vậy vì thân xác chỉ là "cái vỏ bằng đất làm linh hồn ra nặng" (Kn 9, 15) mà thôi.

Cứ kể ra, mới thoạt nghe lý luận của họ thì thấy cũng có lý. Tuy nhiên, "tư tưởng đó không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mc 8, 33), vì họ đã nhìn và đánh giá sự việc bằng con mắt thịt với nhãn quan và trí khôn bất toàn của nhân loại. Họ đã quên mất một điều căn bản trong đức tin, là khi họ đã tin thật có Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đã dựng nên cả vũ trụ và con người, thì còn việc gì khiến Người không thể làm được? Vậy thì những chuỵên họ cho là “không thể”, thì đối với Thiên Chúa, đều trở thành “có thể”. Đối với Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu trong uy quyền tối thượng, thì những chuyện ban cho Đức Mẹ được “vô nhiễm nguyên tội”, được “trinh nguyên vẹn tuyền” khi cưu mang Con Thiên Chúa làm người, được vinh thăng “hồn xác lên trời”, tất cả chỉ là chuyện nhỏ, chuyện quá nhỏ. Như vậy thì Mẹ Maria chính là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, đó là điều hiển nhiên, không cần bàn cãi.

Hiểu được như vậy, toàn thể Ki-tô hữu trên thế giới phải nghĩ gì và làm gì cho xứng với công ơn tuyệt đỉnh mà Thánh Mẫu Maria đã đồng công cùng Thiên Chúa chí tôn dành cho nhân loại? Tất nhiên không phải chỉ là những lời tuyên xưng trên môi miệng, mà phải biến những tín điều thành hành động cụ thể, vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương nhìn đến tôi tớ khiêm nhường của Chúa là Ðức Trinh Nữ Maria, và ban ân huệ tuyệt vời là cho Người làm Mẹ của Con Một Chúa nhập thể, và hôm nay còn ân thưởng cho Người vinh phúc vô song. Phần chúng con đã được Chúa thương cứu chuộc, xin Chúa nhận lời Ðức Trinh Nữ cầu thay nguyện giúp, cho chúng con cũng được hưởng vinh quang trên trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguỵên nhập lễ lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời).

“Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng. Ðàn ca, các thánh tung hô, nhân loại vui hát mừng, vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung.” (“Mẹ Lên Trời” – TCCĐ). Ôi! Lạy Mẹ! Con xin hiệp cùng ca đoàn Thiên quốc, dâng lên Mẹ những vần thơ thô thiển:

MẸ LÊN TRỜI

Cả vũ trụ bỗng rùng mình chuyển động
Sấm sét gầm, rồi mưa đá chan hoà
Ánh chớp loà Đền Thiên Chúa mở ra
Và xuất hiện một Hòm Bia Giao Ước. (1)

Một Người Nữ giữa thinh không dừng bước
Chân đạp mặt trăng, khoác áo mặt trời
Triều thiên sao sáng đủ mười hai ngôi
Trùm mái tóc như vành khăn toả sáng. (2)

Bà quằn quại, vì tới ngày, tới tháng
Sắp sinh con, Bà rên siết kêu la
Bỗng từ đâu xuất hiện một Mãng Xà
Với bảy đầu và mười sừng rực lửa. (3)

Mãng xà giương oai trước mặt Người Nữ
Chờ Bà sinh, lập tức nuốt Con Bà.
Lạ lùng thay! Con trẻ mới sinh ra
Được đưa ngay lên trước Toà Vinh Hiển.(4)

Thoát khỏi nanh vuốt mãng xà nguy hiểm
Và Người Nữ vào sa mạc hoang sơ
Để từ đây muôn vạn tiếng tung hô:
“Thiên Chúa chúng ta ban ơn Cứu Độ. (5)

Giờ đây biểu dương vương quyền, uy vũ
Đức Ki-tô Con Thiên Chúa giáng trần
Cũng biểu dương quyền bính, cho phàm nhân
Được mạc khải về hồng ân Cứu Thế”. (6)

Mầu nhiệm thay! Nhờ Ngôi Lời Nhập Thể
Xua tan tội lỗi hãm hại loài nguời
Và triệt tiêu cả sự chết đời đời
Của nanh vuốt ác thần thật hiểm ác.

Người Nữ ấy cùng đồng hành cộng tác
Với Người Con trên Chính Lộ Tình Yêu
Để giờ đây hanh phúc biết bao nhiêu
Cả Hồn Xác được vinh thăng Thiên Quốc.

Chính là Mẹ được muôn vàn ơn phước
Từ nguyên sơ không mắc tội tông truyền
Hạ sinh Con Trời, Mẹ vẫn trinh nguyên
Để hiệp cùng Con đồng công cứu chuộc

Ôi! Lạy Mẹ! Dưới cõi trần nhơ nhuốc
Ngước nhìn lên ngai toà Mẹ Từ Nhân
Con khấn xin khi rũ sạch bụi trần
Được cùng Mẹ hưởng Thánh nhan Thiên Chúa.

JM. Lam Thy ĐVD.

Chú thích: (1 – 6) Xin coi “Khải Huyền” chương 11, 19; chương 12, 1-6.10).