Trang

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Quê ngoại Yêu Dấu – NVMN

 


 Quê ngoại Yêu Dấu – NVMN

Quê ngoại Yêu Dấu – NVMN
  
Niềm Vui Mỗi Ngày
 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 
 

 
NVMN 
 
Quê ngoại Yêu Dấu
 
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Vào năm 1967, Tòa Thánh đã thiết lập giáo phận Ban Mê Thuột với Sắc Chỉ “Qui Dei Benignitate”, và linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai được chọn làm Giám mục tiên khởi của giáo phận. Giáo phận Ban Mê Thuột được thành lập gồm tỉnh Đaklak, tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông) và một phần của tỉnh Phước Long (nay tình Bình Phước). Ban Mê Thuột là tên được dùng trong giáo quyền, còn ngoài xã hội, chính quyền gọi là thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc.

Ban Mê Thuột không xa lạ với tôi cả, vì năm mươi năm trước, từ năm 1972,  tôi đã theo học dưới mái trường Chủng viện Lê Bảo Tịnh, tọa lạc trên ngọn đồi tại ngã ba km 5, đường đi Nha Trang và Đà Lạt.

Sau ngày thống nhất đất nước, với những đổi thay, mái trường chủng viện Lê Bảo Tịnh được trao cho nhà nước quản lý, và với số ít chủng sinh được chọn, trường được chuyển về địa chỉ 104 Phan Chu Trinh, tạm trong cơ sở Tòa Giám Mục giáo phận Ban Mê Thuột cho đến giữa năm 1983 thì bị giải tán trường. Mọi chủng sinh đều phải trở về với gia đình.

Sau bảy năm “lang thang” Sài Gòn, Nha Trang, Bà Rịa, Vũng Tàu, Camphuchia, Thái Lan ... tôi lại quay trở về và chọn Ban Mê Thuột làm quê ngoại.

Khi nói đến quê ngoại tôi lại nhớ đến tác phẩm Quê Ngoại của Hồ Dzếnh / Hà Triệu Anh, cha người Quảng Ðông Trung Hoa, mẹ người Việt Nam, sinh năm 1916 tại làng Ðông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa.

Trong tác phẩm Quê Ngoại, tôi thích nhất là bài Màu Cây Trong Khói, mỗi khi đọc thì lòng lâng lâng nhớ đến quê cha, Phước Long yêu dấu:

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây...
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?

Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng,
Ngỡ hồn mình là mây,
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây...

                                                      Hồ Dzếnh

Khi nhắc đến quê ngoại, tôi lại nhớ đến thánh Giuse, thân phụ của Chúa Giêsu. Cuộc đời của ngài cũng lưu lạc nhiều nơi trên đất nước Paléttina và ngay cả nước ngoài.

Với dòng dõi hoàng tộc Đavít, quê ngài là Bêlêm, nơi ngài trở về với người bạn đời để kê khai nhân khẩu (Lc 2,1-5). Và tại Bêlêm, Chúa Giêsu đã hạ sinh (Lc 2,6-7). Song Đức Maria lại sinh sống ở Nadarét, một làng quê nhỏ ở miền Galilê, phía bắc nước Paléttina (Lc 1,26). Khi được truyền tin, Đức Maria đã đính hôn với ông Giuse, nhưng chưa về chung sống (Mt 1,18). Có lẽ Giuse đã đi xa Bêlem nhiều năm và chỉ trở về quê quán khi có lệnh bắt buộc (x. Lc 2,1-5). Gia đình thánh gia cũng phải bôn ba xứ người nhiều năm (Mt 2,19). Đó là “quê ngoại” của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria và của thánh Giuse. Tại đây, ít ra, trong những năm đầu đời của Chúa Giêsu, ngài được những người dân tại đây ưu ái, cưu mang cho đến khi gia đình thánh gia quay trở lại Paléttina.

Khi vua Hêrôđê Cả băng hà (Mt 2,20), thánh Giuse có ý định trở về miền nam, Giuđê, nơi quê quán của hoàng tộc Đavít sinh sống song khi biết Áckhêlao, một ông vua tàn ác, kế vị vua cha trị vì miền Giuđê (Mt 2,22a), nên ngài được mộng báo lên miền Galilê và ẩn cư tại thành Nadarét (Mt 2,22b), và từ nơi đây, Chúa Giêsu được gọi là Giêsu người Nadarét (Mt 2,23).

Bố mẹ tôi cũng là người di dân triền miên. Từ Cửa Tùng, qua An Du Bắc – Vĩnh Linh, Quảng Trị, đến Đức Bổn, Phước Vĩnh, Nhân Hòa I, tỉnh lỵ Phước Long và sau ngày tỉnh Phước Long được giải phóng, lại quay trở lại Phước Vĩnh, nay thuộc tỉnh Bình Phước. Tôi sinh ra tại Đức Bổn, tỉnh Phước Long nhưng lại chọn Ban Mê Thuột làm quê ngoại, quê hương thứ hai bao yêu dấu.
 


Ngày 1 tháng 9 là ngày giỗ lần thứ 16 của ngoại. Ngoại bỏ lại con cháu để ra đi mãi mãi. Một chuyến đi xa chữa bệnh và không trở về. Tôi nhớ mãi những năm tháng đầu đời của một gia đình mới, ngoại đã yêu thương cưu mang tất cả gia đình. Ngoại yêu các cháu rất nhiều. Nhưng phận người cuối đời thì phải ra đi, trở về với Chúa.

Năm nay, giữa đại dịch Covid-19, thành phố Buôn Ma Thuột đang thực hiện Chỉ thị 16 để “truy tìm” F0, không biết con cháu có ra thăm ngoại được không? Nhưng dẫu sao, trong tâm tình con thảo, việc hy sinh, lời kinh nguyện và thánh lễ online vẫn dâng lên Thiên Chúa nguyện cầu cho ngoại sớm được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa trên thiên đàng.

Ngoại ơi, nhớ ngoại nhiều lắm và xin ngoại cầu bầu cho chúng con.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...

                                  Nguyễn Thái Hùng
                                        1.9.2021



 

Bài 19 – Gương thánh trẻ Kateri Tekakwitha: Nên thánh bằng việc bình thường

 

Giáo lý loan báo Tin Mừng (30.08.2023): Bài 19 – Gương thánh trẻ Kateri Tekakwitha: Nên thánh bằng việc bình thường

 
  •  
  •  


Đức Thánh Cha Tiếp Kiến Chung

GIÁO LÝ VỀ LOAN BÁO TIN MỪNG
Bài 19: GƯƠNG THÁNH TRẺ KATERI TEKAKWITHA: NÊN THÁNH BẰNG NHỮNG VIỆC BÌNH THƯỜNG

Vatican News

Vatican News (30.08.2023) – Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 30.08.2023, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu noi gương vị thánh trẻ Kateri Tekakwitha để biết cách sống cuộc sống bình thường một cách phi thường và trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về chủ đề lòng nhiệt thành tông đồ và niềm đam mê loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã trình bày với các tín hữu về mẫu gương của Thánh nữ Kateri Tekakwitha, người phụ nữ bản địa Bắc Mỹ đầu tiên được phong thánh. Khi Kateri mới bốn tuổi, cha mẹ và em trai cô qua đời vì bệnh đậu mùa. Cô sống sót nhưng trên mặt mang nhiều vết sẹo và đôi mắt hầu như bị mù. Ở tuổi hai mươi, cô đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Quyết định này đã gây ra những hiểu lầm và đe dọa, khiến cô phải ẩn náu trong vùng của người Mohawk, trong cơ sở truyền giáo của các Cha Dòng Tên.

Tất cả những biến cố này đã khơi dậy nơi Thánh Kateri một tình yêu lớn lao đối với thập giá, thập giá là dấu chỉ dứt khoát về tình yêu của Chúa Kitô dành cho tất cả chúng ta. Trong cộng đoàn, cô nổi bật nhờ đời sống cầu nguyện và sự phục vụ khiêm tốn và liên tục. Cô dạy trẻ em cầu nguyện, chăm sóc người bệnh và người già. Tóm lại, cô biết làm chứng cho Tin Mừng bằng cách sống cuộc sống hằng ngày một cách trung thành và đơn giản.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng mỗi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh, nên thánh mỗi ngày trong đời sống hàng ngày của Kitô hữu, được mời gọi dấn thân hoàn toàn cho ơn gọi và sứ vụ được Thiên Chúa giao phó, phục vụ Chúa và tha nhân với lòng yêu thương bác ái. Ngài khuyến khích các tín hữu noi gương vị thánh trẻ Kateri để biết cách sống cuộc sống bình thường một cách phi thường và trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Việc loan báo Tin Mừng được bắt đầu bằng những cử chỉ đơn giản, nhỏ bé

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Giờ đây, tiếp tục bài giáo lý về chủ đề lòng nhiệt thành tông đồ và niềm đam mê loan báo Tin Mừng, hôm nay chúng ta nhìn ngắm Thánh nữ Kateri Tekakwitha, người nữ bản địa Bắc Mỹ đầu tiên được phong thánh. Ngài sinh vào khoảng năm 1656 tại một ngôi làng ở Bang New York, là con gái của một tù trưởng Mohawk chưa được rửa tội và một bà mẹ Kitô hữu sắc tộc Algonquino, người đã dạy Kateri cầu nguyện và hát thánh ca ngợi khen Thiên Chúa. Nhiều người trong chúng ta cũng được giới thiệu với Thiên Chúa trước hết trong môi trường gia đình, đặc biệt là bởi những người mẹ, người bà của chúng ta.

Việc loan báo Tin Mừng thường bắt đầu như thế này và chúng ta đừng quên điều này: đức tin được chuyển trao bằng ngôn ngữ bình dân bởi những người bà, người mẹ, và chúng ta đón nhận đức tin bằng ngôn ngữ này từ các bà mẹ, từ những người bà. Việc loan báo Tin Mừng được bắt đầu bằng những cử chỉ đơn giản, nhỏ bé, chẳng hạn như cha mẹ giúp con cái học cách nói chuyện với Thiên Chúa trong cầu nguyện và nói với chúng về tình yêu cao cả và nhân hậu của Người. Nền tảng đức tin đối với Kateri, và thường cũng đối với chúng ta, đã được đặt nền theo cách này.

Chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách nếu mở lòng mình ra với Chúa Giêsu

Khi Kateri được bốn tuổi, một trận dịch đậu mùa nghiêm trọng ập đến với người dân của cô. Cả cha mẹ và em trai cô đều qua đời, còn bản thân Kateri thì bị những vết sẹo trên mặt và các vấn đề về thị lực. Từ lúc đó trở đi Kateri phải đối mặt với nhiều khó khăn: chắc chắn là những khó khăn về thể chất do ảnh hưởng của bệnh đậu mùa, nhưng cũng có những hiểu lầm, bắt bớ và thậm chí cả những lời dọa giết mà cô nhận được sau khi lãnh nhận Phép rửa vào Chúa Nhật Phục sinh năm 1676. Tất cả những điều này đã mang lại cho Kateri một tình yêu lớn lao đối với thập giá, dấu chỉ chắc chắn về tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến thân vì chúng ta cho đến cùng.

Thực ra, chứng tá của Tin Mừng không chỉ nói về những điều dễ chịu; chúng ta cũng phải biết cách vác thánh giá hàng ngày của mình với lòng kiên nhẫn, tin tưởng và hy vọng. Nhẫn nại, trước những khó khăn, là một nhân đức Kitô giáo quan trọng. Người nào không có lòng kiên nhẫn thì không phải là một Kitô hữu tốt. Nhẫn nại để bao dung: bao dung với khó khăn và cũng bao dung với người khác, những người đôi khi nhàm chán hoặc gây khó khăn cho bạn... Cuộc đời của Kateri Tekakwitha cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách nếu mở lòng mình ra với Chúa Giêsu, Đấng ban cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần, đó là sự nhẫn nại và trái tim rộng mở, những điều để sống tốt.

Đức tin luôn thể hiện trong sự phục vụ

Sau khi được rửa tội, Kateri phải ẩn náu giữa những người Mohawk tại cơ sở truyền giáo Dòng Tên gần thành phố Montreal. Ở đó, cô tham dự Thánh lễ mỗi sáng, dành thời gian để chầu Thánh Thể, lần hạt Mân côi và sống một cuộc đời sám hối. Những việc thực hành tâm linh này của cô đã gây ấn tượng với mọi người ở cứ điểm truyền giáo; họ nhận ra nơi Kateri một sự thánh thiện rất thu hút bởi vì nó xuất phát từ tình yêu sâu đậm của cô dành cho Thiên Chúa. Chính sự thánh thiện thu hút. Đồng thời cô dạy trẻ em của cơ sở truyền giáo cầu nguyện và, qua việc thường xuyên chu toàn các trách nhiệm của mình, bao gồm cả việc chăm sóc người bệnh và người lớn tuổi, cô nêu gương khiêm nhường và yêu thương phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Đức tin luôn thể hiện trong sự phục vụ. Đức tin không phải để trang điểm cho chính mình, nhưng là để phục vụ.

Mỗi Kitô hữu được kêu gọi mỗi ngày hoàn toàn dấn thân cho ơn gọi và sứ vụ

Mặc dù được khuyến khích kết hôn nhưng Kateri lại muốn dâng hiến cuộc đời mình hoàn toàn cho Chúa Kitô. Không thể bước vào đời sống thánh hiến, cô đã khấn trọn đời đồng trinh vào ngày 25 tháng 3 năm 1679. Sự lựa chọn này của cô cho thấy một khía cạnh khác của lòng nhiệt thành tông đồ của cô: sự tận hiến hoàn toàn cho Chúa. Tất nhiên, không phải ai cũng được kêu gọi thực hiện lời thề hứa giống như Kateri; tuy nhiên, mỗi Kitô hữu được kêu gọi mỗi ngày dấn thân với tấm lòng không chia sẻ cho ơn gọi và sứ vụ được Thiên Chúa giao phó bằng cách phục vụ Chúa và tha nhân trong tinh thần bác ái.

Kết hợp với Chúa Giêsu và truyền bá vẻ đẹp của sứ điệp Kitô giáo

Anh chị em thân mến, cuộc đời của Kateri là một bằng chứng nữa cho sự thật rằng lòng nhiệt thành tông đồ bao hàm cả sự kết hợp với Chúa Giêsu, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và các bí tích, lẫn ước muốn truyền bá vẻ đẹp của sứ điệp Kitô giáo qua lòng trung thành với ơn gọi đặc biệt của mình. Những lời cuối cùng của Kateri thật đẹp. Trước khi qua đời ngài đã nói: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”.

Thực hiện những hành động bình thường một cách phi thường

Do đó, chúng ta cũng vậy, kín múc sức mạnh từ Chúa, như Thánh Kateri Tekakwitha đã làm, hãy học cách thực hiện những hành động bình thường một cách phi thường và nhờ đó được ngày càng tăng trưởng trong đức tin, bác ái và lòng nhiệt thành làm chứng cho Chúa Kitô.

Được mời gọi nên thánh mỗi ngày

Chúng ta đừng quên: mỗi người chúng ta được mời gọi nên thánh, nên thánh mỗi ngày, nên thánh trong đời sống thường ngày của Kitô hữu. Mỗi người chúng ta đều có lời kêu gọi này: chúng ta hãy tiếp tục tiến bước trên con đường này. Chúa sẽ không làm chúng ta thất vọng. Cảm ơn anh chị em.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Yêu và sống theo con đường, sự thật và sự sống

 

Yêu và sống theo con đường, sự thật và sự sống

 
  •  
  •  

Song_about_summer | Shutterstock

YÊU VÀ SỐNG THEO CON ĐƯỜNG, SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG

Joseph Pearce

WHĐ (30.08.2023) – Nếu chúng ta muốn trở nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống với Ngài bằng cách để Ngài sống trong chúng ta.

Là người Công giáo, chúng ta biết rằng mục đích của cuộc sống là đạt tới thiên đàng và con đường đạt tới thiên đàng là theo Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cũng biết rằng cách bước theo Chúa Kitô là trở nên giống Chúa Kitô bao nhiêu có thể. Vì vậy, trở nên giống Chúa Kitô là con đường dẫn tới thiên đàng. Chúng ta cũng biết rằng điều này không thể thực hiện được nếu không có sự giúp đỡ của Ngài. Nếu chúng ta muốn trở nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống với Ngài bằng cách để Ngài sống trong chúng ta. Chúng ta thực hiện điều này bằng cách để Ngài ở trong chúng ta. Chúng ta phải để cho Ngài trở thành chính Ngài trong chúng ta.

Ngài là ai? Đó không phải là một câu hỏi khó vì Ngài cho chúng ta biết Ngài là ai.

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6).

Chúng ta phải trở thành chính Ngài bằng cách để cho con đường, sự thật và sự sống sống động trong chúng ta. Chúng ta làm điều này bằng cách sống theo con đường, sự thật và sự sống.

Việc này được thực hiện như thế nào?

Con đường là tình yêu hy sinh. Đó là hy sinh bản thân vì người khác, kể cả kẻ thù của chúng ta.

Sự thật là sống theo lẽ phải đích thực. Đó là biết những nền tảng hợp lý của Đức tin. Đó là biết những lời dạy của Giáo hội và tuân theo những lời dạy đó như là cách duy nhất để sống một cuộc sống thực sự hợp lý.

Sự sống đang sống động trước sự hiện diện sống động của Chúa trong Công trình sáng tạo của Ngài. Đó là nhìn các tạo vật của Ngài như những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, đầy lòng nhân lành của Đấng Tạo Hóa. Sự sống của Chúa Kitô là vẻ đẹp của chính sự sống. Vẻ đẹp này vẫn sống động vì nó ca ngợi sự hiện diện của Vẻ Đẹp Sống Động, đã thổi hơi thở sự sống vào đó. Sự sống đó không chỉ đơn thuần là sự sống sinh học, có thể bị phân hủy và chết đi. Đó là sự sống thiêng liêng hiện diện trong mọi tạo vật - hoàng hôn, núi non, cây cối, hoa lá và tất nhiên, trong chính chúng ta và những người chung quanh. Sự sống này chỉ có thể được nhìn thấy nếu chúng ta vẫn sống với sự hiện diện của sự sống đó. Chúng ta phải có sự sống trong mình thì mới thấy được sự sống ở những thứ khác. Sự sống đó, phát sinh từ sự hiện diện của lòng khiêm nhường và lòng biết ơn, vốn là hoa trái của ân sủng, không gì khác hơn là sự sống của chính Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.

Yêu Chúa Kitô là yêu con đường, sự thật và sự sống. Sống với Chúa Kitô là sống theo con đường, sự thật và sự sống.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từaleteia.org (28.08.2023)


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/yeu-va-song-theo-con-duong-su-that-va-su-song-52486

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Ngày Lễ Vu Lan – NVMN

 Ngày Lễ Vu Lan – NVMN  

 
Niềm Vui Mỗi Ngày

“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 
NVMN

Ngày Lễ Vu Lan

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

          Tháng 7 mưa ngâu
          Như giọt lệ sầu
          Lăn dài trên má
          Thương nhớ mẹ cha.

Lễ Vu Lan, còn gọi là lễ báo hiếu là một trong các ngày lễ của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ, tổ tiên của kiếp này và cả những kiếp trước.

Ngày lễ Vu Lan, nhằm ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Năm 2021, nhằm ngày Chúa Nhật 22 tháng 8.

Ngày lễ Vu Lan ra đời theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Theo kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên sau khi tu luyện thành công, ông nhớ mẹ là bà Thanh Đề đã qua đời nên dùng mắt phép để tìm bà khắp thế gian, ông thấy bà bị đày thành Ngạ quỷ (quỷ đói), bị đói khát hành hạ, vì những việc ác trong các kiếp luân hồi của bà. Đau lòng vì mẹ bị đày đọa, ông hóa phép thành thức ăn dâng lên mẹ nhưng tất cả thức ăn đều biến thành lửa đỏ trước miệng mẹ.

Mục Kiền Liên cầu cứu lên Phật Tổ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu, chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Phật cũng dạy thêm rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Theo lời Phật dạy Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ mình và từ đó ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.

Ở Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức bông hồng cài áo. Đây là nghi thức khởi xướng bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách “Bông Hồng Cài Áo” viết năm 1962. Những ai may mắn còn cha mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ và một bông hồng trắng cho những ai cha mẹ đã đi vào cõi luân hồi. Các tu sĩ mượn thân cha mẹ để phổ độ chúng sinh, họ cài bông hồng màu vàng để thể hiện lý tưởng cao quý này. 

Bông hồng được xem là vua các loại hoa, là biểu tượng của tình yêu, sự cao quí, ngát hương. Bông hồng cài trên ngực áo thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của người con dành cho cha mẹ mình. (1)

         Bông hồng trắng tặng cha
         Bông hồng đỏ tặng mẹ
         Cây nến vàng dâng Chúa
         Lệ sa một kiếp người.

Ngày lễ Vu Lan tôi nhớ đến những lời của thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêxô: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa, vì đó là điều phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất”.(Ep 6,1-2).

Thảo kính cha mẹ là lệnh truyền thứ nhất trong đạo yêu người. Trong  Mười Điều Răn, được Thiên Chúa ban cho dân Ítraen qua trung gian ngôn sứ Môsê, chia làm hai phần: Mến Chúa và yêu người. Phần đầu gồm 3 điều dạy ta phải kính thờ Thiên Chúa cách tuyệt đối. Phần sau nói về bổn phận đối với tha nhân và đối với chính mình, gồm 7 điều, trong đó điều đầu tiên là: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” (Xh 5,16).

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”. (Xh 20,12)

Điều này được nhấn mạnh một lần nữa trong sách Đệ Nhị Luât:

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi”. (Đnl 5,16)
 
Hay như ở sách Huấn ca:

“Hỡi các con, hãy nghe luật nghiêm phụ,
hãy xử sao để được độ sinh.
Vì Chúa đặt vinh quang người cha ở trên con cái
và để quyền người mẹ vững chãi lướt hẳn đàn con.
Kẻ tôn kính cha thì được xoá lỗi lầm,
và trọng kính mẹ thì khác gì tích trữ bảo tàng.
Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,
nó sẽ làm tôi các bậc sinh thành nó như chủ của nó.
Nơi việc làm và nơi lời nói, con hãy tôn kính cha con,
ngõ hầu mọi chúc lành đổ xuống trên con.
...
Hỡi con, hãy chăm sóc cha con lúc tuổi già.
Lúc người sinh thời, chớ làm người sầu tủi.
Trí khôn người có suy giảm, con cũng nể vì.
Đừng nhục mạ người, thời con đang sức.
Vì việc nghĩa con làm cho cha sẽ không bị xoá,
nó sẽ đắp điếm các lỗi lầm.
Vào ngày bĩ cực, công việc của con sẽ được nhớ đến,
như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi.
Kẻ bỏ bê cha là lộng ngôn phạm đến Chúa,
Kẻ khinh bỉ mẹ là chọc giận Đấng tạo thành ra nó”.
                                                                     (Hc 3,1-16)

Hoặc sách Cách Ngôn:

“Con ơi giữ lấy lời cha,
Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.
Đèn soi trong chốn tối tăm,
Ấy là chính những lời răn lệnh truyền.
Và lời dạy dỗ nhủ khuyên,
Ví như ánh sáng dịu hiền toả lan.
Còn lời khiển trách can ngăn,
Chính là sự sống là đàng con đi.”
                                               (Cn 6,20-2)

Và hôm nay, ngày rằm tháng bảy lại đến:

         Tháng bảy Vu Lan lại về
         Lòng con thương nhớ khôn nguôi
         Bông hồng ai đặt mộ mẹ
         Nén hương ai thắp mộ cha?
         Con nơi viễn xứ xa nhà
         Chuông lòng vọng tiếng thiết tha.
         Mẹ ơi tháng ngày thương nhớ
         Cha ơi năm tháng mõi mòn!
                          (Tháng Bảy Vu Lan)


Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...

                                                                    Nguyễn Thái Hùng
                                                                             22.8.2021


+++++++++++++++

https://vi.wikipedia.org/wiki/Vu-lan
   https://www.dienmayxanh.com/kinh-nghiem-hay/le-vu-lan-bao-hieu-la-ngay-nao-trong-nam-1185804