Trang

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Thánh Phêrô – NVMN 29.6.2021

 Thánh Phêrô – NVMN 29.6.2021

Niềm Vui Mỗi Ngày

“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4



NVMN 29.6.2021

Thánh Phêrô

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Thánh Phêrô (tiếng hy lạp: Πέτρος, Pétros “Đá”, Kêpha) thi thoảng  gọi là Simôn con ông Giôna (Mt 16,17) là tông đồ trưởng trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu.

Tên khai sinh là Shimon, Simeon, hay Simon được Chúa Giêsu gọi là “Phêrô”, tiếng La Tinh là “Petrus”,  là “đá” (Mt 16,18).

Ông sinh tại Bethsaida, một thị trấn nhỏ thuộc miền Galilê, trên bờ hồ Tiberias, xứ Palestine. Ông có một người mẹ vợ được đề cập đến trong Kinh Thánh và được Chúa Giêsu chữa lành một cách kỳ diệu (Mt 8,14-15, Lc 4,38, Mc 1,29-31). Theo thánh Clêmentê thành Alexandria, Phêrô đã lập gia đình, có những người con, một người con gái tên là Petronilla, vợ ông đã chịu đau khổ và chịu tử vì đạo.

Phêrô là em của Anrê. Hai ông làm nghề đánh cá ở Caphácnaum bên cạnh hồ Galilê (Mt 4,13). Ông đã gặp Chúa Giêsu qua sự giới thiệu của Anrê. Ông đến gặp Chúa Giêsu và được Người đặt tên là Kêpha (tức là Phêrô) (Ga 1,41-42). Tin Mừng Luca cho ta biết ông trở thành môn đệ của Chúa Giêsu sau khi Chúa cho ông đánh được một mẻ lưới đầy cá (Lc 5,4-11).

Theo các sách Tin mừng (Mc 1,16-18; Mt 4,18-22; Lc 5,1-11; Ga 1,40-42) ông thuộc vào số những người đầu tiên được Ðức Giêsu kêu gọi làm môn đệ (cùng với Anrê, Gioan và Giacôbê). Trong danh sách của 12 tông đồ, ông luôn được xếp hàng đầu (Mc 3,16-19; Mt 10,2-4; Lc 6, 14-16; xem thêm Cv 1,13). Tên của ông luôn được nhấn mạnh Mt 10,2: “Sau đây là tên của mười hai Tông đồ đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô” (xt. Mc 2,14-16; Lc 6,13 -14). Trong nhiều dịp khác, Phêrô đã nhân danh các tông đồ khác mà nói (Mt 15,15; 19,27; Lc 12, 41; Mt 16,16). Chúa Giêsu cũng thường nói riêng với Phêrô (Mt 26,40; Lc 22, 31).

Khi đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Phêrô là người đã tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Và chính tại đây, Chúa Giêsu đặt là người đứng đầu và làm nền móng cho Hội Thánh: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,17-19 và Ga 21,15-17)

Cả ba sách Tin mừng Mátthêu, Máccô và Gioan đều ghi lại việc Phêrô được đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu (Mt 14,28-31, Mc 6,45-52; Ga 6,16 -21). Mátthêu còn mô tả thêm vì sợ hãi nên ông bắt đầu chìm (Mt 14,28-31).

Sau khi nói về Bánh Trường Sinh (Ga 6,35-59) nhiều người trong nhóm môn đệ đã bỏ Chúa Giêsu mà đi (Ga 6,66). Chúa Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”  Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6,68-69)

Cùng với Giacôbê và Gioan, ông Phêrô được chứng kiến vài biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu như khi Người cho con gái ông Giaia chết sống lại (Mc 9,1; Lc 8,51); sự hiển dung của Đức Kitô (Mt 9,1; Lc 9,22); cơn hấp hối của Người trong vườn Giếtsimani (Mt 26,37; Mc 14,3).

Tin mừng Gioan cho biết: Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,5). Phêrô từ chối không để cho thầy rửa chân cho ông. Nhưng khi Chúa Giêsu nói “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” thì ông lại xin Chúa rửa cả tay và đầu của ông nữa (Ga 13,6-9).

Trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, mặc dù Phêrô đã cam đoan sẽ sống chết với Thầy (Mc 14, 29-31), nhưng khi Thầy bị bắt, ông đã chối Thầy ba lần (Mt 14,66-72). Việc ba lần ông chối Thầy đã được tiên báo (Mt 26,30-35, Mc 14,26-31; Lc 22,31-34; Ga 13, 36-38). Ông đã được ơn hoán cải và hơn thế nữa, được ủy thác nhiệm vụ củng cố anh em mình: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32).

Cả bốn Tin mừng đều kể lại rằng: Khi Chúa Giêsu bị bắt, một trong những kẻ theo Người vung tay, tuốt gươm và chém đứt tai phải một tên đầy tớ của thượng tế (Mt 26,51; Mc 14,47; Lc 22,50; Ga 18,10-11). Tin mừng Gioan cho biết người tuốt gươm là Phêrô, còn tên đầy tớ bị chém đứt tai là Mankhô. Chúa Giêsu đã chữa liền tai cho tên đầy tớ ấy (Lc 22,51).

Sau khi được bà Maria Mađalêna báo tin là xác của Chúa Giêsu biến mất thì Phêrô và môn đệ mà Đức Giêsu yêu dấu đã chạy ra mộ. Hai ông đã kiểm chứng là không có dấu tích của sự xâm phạm, bởi vì các khăn vải còn y nguyên (Ga 20,6-7). Vai trò của Phêrô trong cộng đồng tiên khởi được biểu lộ qua câu nói: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn” (Lc 24,34). Trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Côrintô, Phêrô (Kêpha) đứng đầu danh sách những người được Chúa hiện ra (1Cr 15,5).

Trong các trình thuật sau khi Giêsu sống lại, Phêrô dẫn đầu các môn đệ khi Chúa hiện ra ở Galilê (Mc 14,28; xc.16,7; Lc 24,34). Ở lần hiện ra khác, Chúa Giêsu đã trao quyền chăn dắt đoàn chiên của Ngài cho Phêrô (Ga 21,15-17).

Trong những chương đầu của sách Công vụ Tông đồ, ta thấy hai ông Phêrô và Gioan thường xuất hiện với nhau khi làm chứng cho Chúa Phục sinh (Cv 3-4). Trong cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem, Phêrô giữ vai trò lãnh đạo.

Chính ông chủ tọa việc bầu một người thay thế Giuđa Ítcariốt (Cv 1,15-26) và tiên phong rao giảng Tin mừng sau khi lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2,14). Ngài chủ tọa Công đồng Giêrusalem (Cv 15) - thường được coi là công đồng đầu tiên. Khi lên Giêrusalem lần đầu tiên, ông Phaolô chỉ đi gặp ông Phêrô (Kêpha) và ông Giacôbê (Gl 1,18-19); về sau, ông Phaolô thêm ông Gioan nữa: cả ba họp thành “cột trụ của Giáo hội” (Gl 2,9).

Phép lạ thánh Phêrô chữa người què ở cửa đền thờ đã làm cho người ta để ý đến các tông đồ và cộng đoàn sơ khai (Cv 3,1-11).

Công nghị Do Thái lo ngại, bắt giam Phêrô và Gioan. Trước phiên toà, hai ông can đảm minh chứng cho Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Sau khi ngăn đe lần nữa, họ thả hai ông về vì không tìm được cớ trừng trị hai ông (Cv 4).

Chương 12 sách Công vụ Tông đồ thuật lại việc Phêrô bị bắt một lần nữa. Vua Hêrôđê cho bắt Phêrô, tống vào ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau Lễ Vượt qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Thế nhưng ông đã được một thiên sứ cứu cách lạ lùng ngay trong đêm trước ngày ông bị đem ra xử (Cv 12). Sau khi kể lại với mọi người việc ông được cứu thoát, ông đã ra đi đến một nơi khác (Cv 12,17). Việc điều khiển Giáo hội Giêrusalem được trao cho ông Giacôbê.

Các tác phẩm của Tân Ước không cho ta biết chi tiết về hành trình của ông, nhất là kể từ sau Công đồng tại Giêrusalem (Cv 15). Chương 8, (14-25) Phêrô cùng với Gioan đi thăm viếng các tân tòng tại Samari trở lại sau khi nghe ông Philippê giảng. Chương 9, (32-42) chúng ta thấy ngài hoạt động ở Giaffa (Giaphô) cũng thuộc miền Samari. Chương 10, ông đi Cesarêa, một thành phố thuộc miền ngoại đạo, vào nhà ông Cornêliô. Nhóm bảo thủ đã trách móc ngài là vi phạm luật Môsê ngăn cấm chung đụng với dân ngoại (Cv 11,3).

Theo truyền thống khoảng năm 44 Phêrô mới đi khỏi Giêsusalem và năm 49 lại có mặt tại đó để chủ tọa công đồng. Có lẽ sau khi đi khỏi Giêrusalem vào năm 44, Phêrô đã qua Antiokia, rồi sang Rôma, rửa tội cho nhiều người trong số ấy có gia đình ông bà Aquila và Priscilla, và tổ chức một giáo đoàn khá lớn ở đó, vài năm sau, ngài phải rút khỏi do lệnh của hoàng đế Claudius trục xuất người Do Thái vào khoảng năm 46.

Có người cho rằng thánh Phêrô chỉ tới Rôma sau năm 50 và được tử đạo dưới thời hoàng đế Nêrô năm 64.

Lễ thánh Phêrô, tôi nhớ đến ba. Tên thánh của người là Phêrô. Thân xác cũng cao to như người ngư phủ xứ Galilê để đủ sức chống chọi với những nghịch cảnh của cuộc đời. Những đợt di dân triền miên. Mười ba ngôi nhà đã được cất lên. Lưng luôn thẳng thắn và cương nghị. Nghề nghiệp là thợ mộc. Âm thầm và lặng lẽ trước cuộc đời như thánh Giuse.

Mừng bổn mạng của người hôm nay, trên thiên đàng, chắc người đang mỉm cười nhìn đàn con nơi trần thế bước đi trong hy vọng và yêu thương. Hy vọng như cuộc đời người đã sống. Yêu thương như người đã yêu thương. Cha ơi, xin luôn hộ phù cho chúng con.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...

                                                                              Nguyễn Thái Hùng

 

ÊDÊKIEN, NGÔN SỨ CỦA THẦN KHÍ THIÊN CHÚA

 ÊDÊKIEN, NGÔN SỨ CỦA THẦN KHÍ THIÊN CHÚA

Tác giả: Đức Hồng y Fernando Filoni
Chuyển ngữ: Linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ: L’Osservatore Romano, số 10, thứ Sáu, 05 tháng Ba 2021, tr. 4 <osservatoreromano.va/it (02.03.2021)>

WGPQN (03.03.2021) - Ở Iraq, trong miền đất Babylon cổ xưa, có một điểm lịch sử rất thân quen với người Do Thái, Kitô hữu và Hồi giáo: ngôi mộ của Ngôn sứ Êdêkien, biểu tượng của những thị kiến và sấm ngôn; hành trình của Đức thánh cha đến vùng Mesopotamia đem lại một nhãn quan chung sống hoàn toàn cần thiết ở Iraq Trung Đông. Hồng y Fernando Filoni, Đại Thống lĩnh Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem và nguyên Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq, đã có những suy tư về nơi thánh này mà ngài biết rất rõ và đã hành hương đến đó.

Ngôn sứ Êdêkien (Michelangelo, 1510)

Mùa Xuân năm 2002, cùng với vài người bạn Iraq, tôi hành hương đến Kafel-al-Hilla. Di tích Babylon cổ đại của Chaldeans không xa; xa hơn về hướng Nam ở al-Najaf hiện giờ là nơi sinh sống của thủ lãnh tối cao của người Shiites, vị Đại giáo chủ Ayatollah al-Sistani, người mà Đức thánh cha Phanxicô sẽ thăm viếng vào ngày 6 tháng Ba. Ở Kafel-al-Hilla có một ngôi hội đường với những dòng chữ Do Thái rõ nét, điểm đến của những cuộc hành hương Hồi giáo và một ít Kitô hữu vẫn mạo muội đến đây, nhưng không có một người Do Thái nào vì cộng đoàn cuối cùng đã bị trục xuất khỏi Iraq sau cuộc chiến Ả Rập – Israel vào thập niên 1980. Truyền thống cho biết ở đây có ngôi mộ của ngôn sứ Êdêkien. Đây là nơi thánh. Ngôi mộ được bao quanh bằng lưới sắt để bảo vệ. Đây là nơi cầu nguyện, được các phụ nữ Shiite yêu thích đến đây để cầu xin giúp đỡ trong thai kỳ đầu và cuối. Vì thế, đây là nơi ngôn sứ Êdêkien được tôn kính. Nếu người ta nói rằng thần khí của Giona, nhà giảng thuyết về sự hoán cải, vẫn còn lưu lại Nineveh, thì miền đất Babylon cổ xưa này vẫn còn thần khí của Êdêkien, một tư tế bị lưu đày vào năm 597 trước Công nguyên, cùng với Jehoiachin, vua Giuđa. Ngôn sứ Êdêkien là bạn đồng hành suốt đời của người bị lưu đày.

Nói theo Kinh Thánh, ông là ngôn sứ của Thần khí Thiên Chúa, là người mà với những thị kiến lớn lao đã khuyên nhủ những kẻ bị lưu đày, an ủi và giáo dục họ trong niềm hy vọng, nhắc nhớ rằng chính Thiên Chúa sẽ ban “một trái tim mới và một thần khí mới” (cf. Ed 11,19). Người ta viết rằng ngôn sứ Êdêkien đã rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa khiến lòng ăn năn quay đi: chúng ta ở trên đỉnh của hồng ân (P. Auvray). Nhưng điều chúng ta đặc biệt nhớ về vị ngôn sứ này là thị kiến vĩ đại của ông về thung lũng đầy xương khô (cf. Ed 37,1-14) đã hồi sinh và mang lấy hình dáng con người, hình thành nên những đám đông người đến vô hạn; thị kiến này luôn đi cùng với lời sấm của Thiên Chúa Toàn Năng.

Trong những ngày đen tối của Isis, khi Mosul và đồng bằng Nineveh bị chiếm đóng vào mùa hè năm 2014, và hàng ngàn Kitô hữu, người Yazidis và Hồi giáo chạy trốn, tìm kiếm nơi tị nạn ở Đông và Bắc Kurdistan, Đức thánh cha đã ấp ủ sáng kiến về một cuộc hành trình đến với những người tuyệt vọng này. Sự bất ổn định của Iraq đã làm chậm trễ chuyến tông du. Hiện giờ những mối lo lắng vẫn không thiếu; dịch Covid-19 đã thêm vào đó. Nhưng ta không thể biểu lộ sự đoàn kết chỉ bằng cách chờ đợi những thời gian hạnh phúc hơn. Niềm hy vọng về hòa bình, hài hòa, sự chung sống trong một miền đất thường hay bị rung chuyển bởi lòng thù hận, đã khiến ta nhớ đến những lời đầy hy vọng của Giona với Nineveh (thế kỷ VII trước Công nguyên), của Nahoum với Assyria (thế kỷ VII trước Công nguyên) và Êdêkien với Babylon (thế kỷ VI trước Công nguyên).

Sự đoàn kết được đặc biệt đánh giá cao trong những thời khắc khó khăn. Trong thời hoạn nạn, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài, điều này nhắc lại sách Xuất Hành (4,31), và vào thời Đức Giêsu, khi thấy những điều tốt đẹp Ngài đã thực hiện, đám đông đã bình luận rằng: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài” (Lc 7,16).

Tại Iraq ngày nay vẫn cần đến thị kiến và sấm ngôn; vẫn cần đến chuyến thăm viếng của Đức thánh cha, bởi vì biến cố tông du này – không phải là một hành động cá nhân mà là hành động của toàn thể Giáo Hội – sẽ đem lại điều đó. Đây là hơi thở nồng ấm mang lại sự sống cho nhiều vị tử đạo và cho đức tin của nhiều Kitô hữu đã bị giết, bách hại và phân biệt đối xử; nhưng cũng còn cho nhiều người thuộc các tôn giáo và sắc tộc khác đã phải gánh chịu cùng những bạo lực như thế. Có một nhu cầu phải sắp xếp lại những rạn nứt nhiều vô cùng giữa người dân và miền đất này. Có một nhu cầu cho các Kitô hữu, người Yazidis, người Mandaeans và tất cả những dân tộc thiểu số khác cùng với người Shiites và Sunnis tìm lại được cuộc sống dân sự mà trong đó quyền của mọi người được tôn trọng. Có thể là anh chị em với nhau nếu có Thần khí của Thiên Chúa. Chuyến tông du của Đức thánh cha, theo như ước muốn của Đức Gioan Phaolô II (năm 2000), có thể là hạt giống giàu sức sống sẽ mang lại hoa trái. Điều này trước hết tùy thuộc vào trách nhiệm của người dân Iraq và rồi tiếp đến là sự góp phần của mọi người.

Nguồn: gpquinhon.org 

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Hai chứng nhân lịch sử tử đạo: Phêrô và Phaolô

 Hai chứng nhân lịch sử tử đạo: Phêrô và Phaolô

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

(Mt 16,13-19)

Ngày 29 tháng 6, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng lúc tôn kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài là hai cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô, và theo Truyền Thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính và biết ơn đối với hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, vừa đồng thời là một lời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền.

Thánh Phêrô có tên gốc là Simon, làm ngư phủ người Galilê, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Thánh Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô, họ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa. Phêrô bị bắt và được cứu cách lạ lùng : « Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do thái mong muốn tôi phải chịu». (Cv 12, 11).

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Ki-tô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phê-rô. Thánh Phaolô là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc. Thánh Phêrô, người đánh cá miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô là người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Người còn sống. Nhưng ông gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, Phaolô trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin. (x. Cv 9, 1-22)

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Người. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.

Chúa Giê-su đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phêrô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói : « Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời » (Mt 16, 19). Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, ngài không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)

Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại. Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28); « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).

Cả hai vị thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 

Đá tảng Đức tin của Tông đồ Phêrô

 Đá tảng Đức tin của Tông đồ Phêrô

Lm. Đan Vinh

 
LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ (29/06)
Cv 12,1-11; 2 Tm 4,6-8.17-18; Mt 16,13-19
ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ.

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG:

(13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (15-16), ông đã được khen là có phúc (17), được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (18). Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi (19).

3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng Tông đồ Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người?

ĐÁP:

Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi Sa-lô-mon, con vua Đa-vít. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu "Con Vua Đa-vít" này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng tước hiệu "Con Thiên Chúa hằng sống", Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giê-su đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này là nói về bản tính Thiên Chúa, qua lời khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải cho biết sự thật ấy (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giê-su đổi tên Si-mon thành Phê-rô? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18)?
ĐÁP:

Cũng có thể Đức Giê-su đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giê-su đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phê-rô vào Đức Giê-su chính là tảng đá vững chắc mà trên đó, Người xây dựng Hội Thánh của Người. Ngoài ra Đức Giê-su còn trao tối thượng quyền cho ông để ông cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Người cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu chu tòan sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Người còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông nữa (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được?

ĐÁP:

Từ ngày được Đức Giê-su gọi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy cảnh báo không được dự phần với Thầy, vì đã từ chối không cho Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất là vì quá tự tin vào sức mình nên ông đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).

Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giê-su tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được Chúa đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giê-su hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao thêm sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin vào lời dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giê-su đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), chứng kiến phép lạ bé gái mới chết được Người cho sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến lúc Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).

Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giê-su đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm đạt được đức tin vào mầu nhiệm phục sinh của Thầy (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), có khả năng chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm quay vào thành Rô-ma để bị bắt và chịu khổ hình thập giá, dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa cao độ, và nêu gương đức tin vững như đá tảng, để các tín hữu chúng ta học tập noi theo.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA:

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU TRONG VIỆC BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI :

Nữ tu Antoinette được bề trên sai đến phục vụ tại một bệnh viện lớn. Tại đây có một ông già cực kỳ khó tính. Tiếp xúc với ai ông cũng nạt nộ la mắng. nhất là khi gặp chuyện trái ý, ông lại to tiếng ầm ĩ khiến mọi người chung quanh đều khó chịu xa lánh.

Ngày nọ, khi đang mải mê làm việc giúp các bệnh nhân khác, nữ tu Antoinette nghe thấy tiếng hét lớn của ông già khó tính: “Mau mau mang ra đây cho tôi một quả trứng luộc". Các y tá khác đều lảng tránh sang phòng bên, riêng nữ tu Antoinette đã mau mắn đến nhà bếp đem quả trứng đến cho ông già này.

- Sao trứng chưa chín mà đã đem cho tôi hả? Bộ muốn tôi đau bụng chết sao? Ông lão khó tính cau có trách mắng. Nữ tu Antoinette không đáp lại mà đem trứng xuống bếp luộc lại.

- Trứng gì mà luộc chín quá vậy? Sao lại làm ăn vô ý vô tứ như vậy hả?

Antoinette chẳng biết phải làm gì để chiều ý ông lão. Chị liền đi lấy một cái bếp lò đến kê bên giường và trao cho ông già khó tính một trái trứng để luộc cho vừa ý. Thấy thế ông ta liền nổi nóng đạp đổ bếp lò, quăng quả trứng kia xuống nền gạch và lớn tiếng: "Cô không biết tôi là bệnh nhân sao? Bệnh nhân mà lại phải tự luộc trứng hả?"
Nữ tu Antoinette không nói nửa lời. Chị im lặng đi lấy chổi và cây lau nhà đến quét dọn và lau sạch sàn nhà… Lát sau, chị đem đến cho lão già khó tính một trái trứng khác và nói: "Ông cố gắng dùng thử trứng này, tôi đã luộc vừa chín tới thôi?" Bất giác, ông lính già rùng mình cảm động, nói lí nhí trong miệng: "Tôi thật có lỗi vì đã vô lý quát mắng cô. Giờ đây tôi sẽ ăn quả trứng này cũng để cám ơn lòng tốt của cô !"

Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng hơn bất cứ một sự biến đổi lạ kỳ nào, nhất là nó có khả năng biến đổi cả lòng những con người độc ác nữa. Ước gì chúng ta biết noi gương theo Thầy Chí Thánh Giê-su luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người đang lầm lạc trong cuộc đời này để dùng tình yêu biến đổi cảm hoá họ.

2) PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU?

Ngày xưa, một ông vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng về chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban phần thưởng lớn cho những tác phẩm giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước chung quanh đã ùn ùn kép đến Hy Lạp xin vào hoàng cung ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm dành được giải thưởng của nhà vua. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.

Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí chỗ ở và làm việc tại một phòng trong khu hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Nhà vua hết sức hài lòng, khi chiêm ngưỡng các tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình, do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Mỗi bức tượng, tranh tượng hay phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày của các nghệ nhân Hy Lạp thì nhà vua và bá quan rất ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào được trưng bày, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi tác phẩm đâu, thì một người đã đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực bằng hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ nhân Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do đến chiêm ngưỡng.

3) THAY ĐỔI LỐI SỐNG LÀ PHƯƠNG CÁCH SÁM HỐI HỮU HIỆU NHẤT:

Tại một vùng miền quê nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì cùng quẫn đã trở thành kẻ đạo tặc là cùng nhau đi ăn cắp cừu của một trang trại trong vùng. Chẳng may cả hai anh em đều bị bắt. Hội đồng xét xử ra án phạt xăm lên trán họ hai chữ “ST”, có nghĩa là tên trộm cừu (viết tắt của chữ Sheep Thief). Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống để mong chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng, anh luôn phải bối rối và ấp úng khi nhiều người cứ thắc mắc hỏi anh về ý nghĩa của hai chữ ST xâm tên trán anh.

Còn người em đã tự nhủ: “Ta cần chi phải trốn đi nơi khác. Điều cần làm là ta phải thay đổi lối sống thành một người lương thiện thì chắc chắn ta sẽ sớm lấy lại lòng tin yêu của dân làng. Thế là anh quyết định ở lại quê hương. Anh đã lao động vất vả bằng đôi tay của mình và dành một phần hoa lợi giúp đỡ cho người nghèo. Anh sống chan hoà yêu thương với mọi người dân làng. Sau một thời gian tuy hai chữ “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán của anh, nhưng chẳng mấy ai để ý đến ý nghĩa hai chữ ST đó.

Ngày nọ, một doanh nhân từ xa nghe tiếng tốt về anh đã đến tận nơi tìm hiểu để sẽ hợp tác làm ăn với anh. Sau khi ra về ông ta gặp một cụ già trong làng và hỏi về ý nghĩa hai chữ ST trên trán của anh. Cụ già suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ ấy. Nhưng cứ nhìn vào đời sống tốt lành của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là một người “thánh thiện” (Saint)”.

Cuộc đời của hai vị thánh Phê-rô và Phao-lô cũng nhiều tội lỗi: Phê-rô có lần bị Chúa quở là “Satan” vì dám cản Thầy làm theo ý Chúa Cha, rồi ông cũng đã ba lần chối không biết Thầy trước mặt người khá. Còn Phao-lô đã từng chống lại Chúa Giê-su khi mang quân đi lùng bắt các tín hữu ở thành Đa-mát. Cũng chính Phao-lô đã can dự vào việc ném đá ông Stê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh. Nhưng điều chúng ta cần học tập các ngài là sự sám hối: Các ngài đã mau mắn trỗi dậy sau khi vấp ngã và chuộc lỗi lầm bằng việc can đảm làm chứng cho Chúa.

3. SUY NIỆM:

Hôm nay, Hội Thánh mừng kính 2 vị Tông đồ là Phêrô và Phaolô chung trong một ngày lễ. Chúng ta cùng suy nghĩ về cuộc đời của hai Tông đồ trụ cột này của Hội Thánh để thấy được sức mạnh tình thương của Thiên Chúa trong việc biến đổi lòng người.

1) Về ơn kêu gọi của hai Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

- Phê-rô làm nghề đánh cá tại làng Bet-sai-đa, gần hồ Ga-li-lê. Phê-rô tên thật là Si-mon, có em là An-rê. Khi An-rê được thầy mình là Gio-an Bao-ti-xi-ta giới thiệu về Đức Giê-su thì"Trước hết ông gặp anh mình là Si-mon và nói : Chúng tôi đã gặp được Đấng Mê-si-a. Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn Phê-rô và nói: "Anh là Si-mon, con ông Gio-na, anh sẽ được gọi là Kê-pha nghĩa là Đá" (Ga 1,41-42). Sau đó ít ngày, đang lúc Đức Giê-su đi trên bờ hồ Gê-nê-sa-rét, có đám đông dân chúng đi theo. Người thấy ông Si-mon đang giặt lưới dưới thuyền, nên Người đã xuống thuyền ấy mà giảng dạy dân chúng ngồi trên bờ hồ. Giảng xong, Người bảo Si-mon chèo thuyền ra giữa hồ đánh cá. Mặc dù suốt đêm vất vả mà không bắt được con nào, nhưng Si-mon vẫn vâng lời Thầy: Ông chèo thuyền ra khơi thả lưới và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Trước sự lạ ấy, Si-mon tỏ vẻ kính sợ, nhưng Người bảo ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới người ta. Thế là ông đưa thuyền vào bờ rồi đi theo làm môn đệ Người” (Lc.5,10-11).

- Phao-lô tên thật là Sao-lê quê thành Tác-sô, miền Ki-li-ki-a. Theo học với ông thầy nổi tiếng là Ga-ma-li-en. Sao-lê giữ luật Mô-sê nghiêm chỉnh. Tuy là người Do Thái nhưng ông cũng có quốc tịch Ro-ma. Sao-lê rất sùng đạo Do thái nên rất ghét đạo mới của Đức Giê-su. Nghe tin ở Đa-mát có nhiều tín hữu Ki-tô, Sao-lê đã xin lệnh của thượng tế, đem quân đến thành Đa-mát bắt các tín hữu mang về Giê-ru-sa-lem trị tội. Nhưng khi đến cửa thành, Sao-lê đã bị một làn chớp sáng đánh trúng bị té xuống ngựa, mắt ông bị loà không nhìn thấy gì. Ông nghe thấy tiếng Chúa Giê-su hiện ra hạch hỏi và ông đã khuất phuc Người. Rồi ông được một người trong thành là A-na-ni-a đón vào thành và dạy đạo. Sau khi được chịu phép rửa tội, Sao-lê lại được sáng mắt và được đổi tên thành Phao-lô. Ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra dạy dỗ cách riêng và trao cho sứ mệnh làm tông đồ rao giảng Tin Mừng (x. TĐCV 22,3-21). Thế là từ một người cuồng tín đi bắt đạo, Phao-lô đã được ơn Chúa biến đổi thành một Tông đồ dân ngoại.

2) Tính cách của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

a) Tông đồ Phê-rô khi đi theo Đức Giê-su gần ba năm, thường đại diện Nhóm 12 trả lời Thầy. Khi Người hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?” Phê-rô đã đại diện anh em thưa rằng: "Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống". Có lần Phê-rô ngăn cản Thầy đừng đi Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, và ông đã bị Thầy nặng lời quở trách. Phê-rô đã được các tác giả Tân Ước đề cập tới 195 lần. Ông có tính tình nóng nảy và yêu mến Thầy. Khi nghe Đức Giê-su cho biết các môn đệ sắp hèn nhát bỏ Thầy chạy trốn, Ông đã hứa với Thầy: “Dù moi người bỏ thầy, còn Phê-rô sẽ không bao giờ". Tuy nhiên, ông cũng là một người yếu đuối, nên ông đã phạm tội chối Thầy 3 lần: "Tôi không biết ông Giê-su là ai". Đến khi nghe tiếng gà gáy và Đức Giê-su bị trói đi ngang qua chỗ ông và Người nhìn ông, thì ông đã xúc động ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Đức Giê-su sau khi sống lại, đã hiện ra hỏi Phê-rô ba lần có mến Thầy hơn những người này không, thì cả ba lầm ông đều tuyên xưng lòng mến: "Thưa Thầy, có. Thầy biết con mến Thầy”. Mỗi lần như thế, Chúa đều trao cho ông trách nhiệm chăn dắt đàn chiên của Người (x. Ga 21,15-19)

b) Tông đồ Phao-lô sau khi trở lại với Chúa, đã hết lòng loan báo Tin Mừng. Ông đã đi khắp vùng Đế Quốc Rô-ma rao giảng cho dân ngoại tin theo Chúa, chấp nhận mọi gian nan chống đối gặp phải: bị bắt bớ xét xử, bị đánh đòn, đắm tầu, đói rét, ở trần… vì Danh Chúa. Nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Phao-lô đã viết nhiều bức thư để tiếp tục giáo huấn về cách ăn nết ở cho các tín hữu trong các giáo đoàn đã nghe ngài giảng mà tin theo Chúa Giê-su, nhằn răn dạy họ bỏ các tội lỗi mà sống tốt lành theo Chúa Giê-su. Ông cũng dạy họ đào sâu về nhiều mặt như: Kinh Thánh, tín lý, luân lý, phụng vụ… Phao-lô còn nêu gương sẵn sàng chịu mọi đau khổ hơn mọi người vì danh Chúa Giê-su như ông đã viết: “Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: Tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một. Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đã, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi… (2 Cr 11,23-25…)

3) Về lòng mến Chúa của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

- Tông đồ Phê-rô: Theo sách Công vụ Tông đồ, vào lễ Ngũ Tuần, sau khi đón nhận đầy ơn Thánh Thần, Phê-rô đã cùng các Tông đồ bắt đầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ông đã giảng một bài đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, đã có 3 ngàn người xin tòng giáo. Sau đó Phê-rô cùng Nhóm 11 chọn ông Mat-thi-a thế chỗ cho Giu-đa phản bội. Ông cũng được Thánh Thần ban ơn làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế kèm theo lời giảng. Ông đã chữa cho một người què tại cửa Đền thờ, và đón nhận dân ngoại vào Hội Thánh. Người ta tin rằng chỉ cần cái bóng của ông lướt qua bệnh nhân cũng đủ chữa lành cho họ. Phê-rô và các Tông đồ trong Nhóm 12 ưu tiên loan báo Tin Mừng cho dân Do thái. Ông đã bị các đầu mục dân Do thái bắt bớ xét hỏi nhiều lần và cấm rao giảng Danh Đức Giê-su. Nhưng ông đã tuyên bố trước Thượng Hội Đồng rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm… Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5,29-32). Vào lúc cuối đời, khi đang ở Rô-ma và có nguy cơ bị bắt, Phê-rô đã nghe lời các tín hữu để cải trang và đã trốn thoát ra ngoài thành Rô-ma để tiếp tục lãnh đạo Hội Thánh. Nhưng sau đó ông đã gặp Đức Giê-su đang vác thánh giá đi về thành. Ông hỏi Người: “Quo vadis?” (Thầy đi đâu?). Chúa trả lời: “Ta vào thành Rô-ma để chịu đóng đanh một lần nữa” rồi Chúa biến mất. Phê-rô hiểu ý Chúa muốn ông ở lại Rô-ma để làm chứng cho Chúa giữa các tín hữu, nên ông lại đi vào thành. Sau đó Phê-rô bị bắt và bị kết án tử hình thập giá vào năm 65 dưới thời hoàng đế Nê-rông. Khi chịu đóng đinh, để tỏ lòng tôn kính Chúa Giê-su, ông xin lính đóng đinh và quay ngược đầu xuống đất. Ngày nay một ngôi Đền thờ Thánh Phêrô to lớn trong thành Rô-ma, có chứa mộ phần của thánh Phê-rô. Trong thời gian giảng đạo ở Rô-ma, thánh Phê-rô đã viết 2 bức thư cho các tín hữu miền Tiểu Á đang chịu bách hại, khuyên dạy họ hãy can đảm sống đức tin bằng việc thực thi sự hiệp nhất yêu thương nhau, vâng phục các mục tử, đoạn tuyệt tội lỗi và chờ đợi ngày Chúa quang lâm sắp đến.

- Tông đồ Phao-lô: Phao-lô thực là dụng cụ Chúa dùng để đưa nhiều người về với Chúa. Ông là một người trung thành, can đảm, thẳng thắn… Là cầu nối kết giữa dân Do thái và dân ngoại, giữa Cựu ước và Tân ước. Nhờ Phao-lô mà dân ngoại trong đó có chúng ta không phải chịu nghi thức cắt bì của đạo Do Thái và không phải mang “ách Luật Mô-sê” như dân Do thái xưa. Từ khi gặp Chúa và theo làm Tông đồ của Chúa, Phao-lô có lòng yêu mên Chúa cách đặc biệt. Ông đã nêu gương sáng về lòng tin yêu Chúa Giê-su để các tín hữu noi theo. Chẳng hạn: “Đối với tôi sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21) “Tôi coi mọi sự như phân tro, để chỉ mong được lời lãi Tình yêu Chúa Ki-tô" (Pl 3,8).- "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39). "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2,20). Cuối cùng, trong thời kỳ người Rô-ma bách hại đạo Công Giáo, Phao-lô đã bị bắt tù, và sau cùng ngài đã bị án chém đầu ở ngoài thành Rô-ma vào năm 67.

4) Sống “hiệp nhất” để làm chứng cho Chúa noi gương hai vị Phê-rô và Phao-lô:

- Hiệp nhất trong đức tin: Hai vị Tông đồ đã hiệp nhất một lòng một ý trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Mặc dù còn có nhiều khác biệt về bản thân, tính tình, về ơn gọi theo Chúa, về xu hướng truyền giáo… nhưng cả hai đã tạo nên một sự hiệp nhất trong đa dạng, qua việc cùng trở thành nền tảng xây dựng toà nhà Hội Thánh, sẵn sàng chết vì Danh Chúa. Hai vị đã được Hội Thánh tôn vinh trong một ngày đại lễ. Các ngài đã trở nên biểu tượng của sự hiệp nhất trong đa dạng của Hội Thánh: “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”. Đó chính là khuôn vàng thước ngọc cho các tín hữu noi theo.

- Hiệp nhất trong lòng mến: Ngày nay muốn trở nên tông đồ của Chúa Giê-su, các tín hữu chúng ta phải có lòng mến Chúa noi gương hai vị Tông đồ. Nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng ta sẽ được ơn Chúa thanh luyện khỏi những đam mê, thói hư, các vết nhơ tội lỗi. Nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và tham dự thánh lễ rước lễ mỗi ngày, xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, học tập theo Chúa Giê-su… chúng ta cũng sẽ có thể nhìn tha nhân bằng ánh mắt bao dung nhân hậu, sẽ ăn nói điềm đạm, vui vẻ chân thành, ứng xử hiền hòa và khiêm tốn phục vụ … Nhờ đó chúng ta sẽ nên tông đồ giáo dân nhiệt thành làm chứng cho Chúa, noi gương hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô.

4. THẢO LUẬN:

Đối với bạn, Đức Giê-su là ai? (Là một ngôn sứ, để xin Người cầu bầu với Chúa Cha cho ta; hay là một thần tượng để ta chiêm ngưỡng thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin theo và sẵn sàng bỏ mọi sự theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là đón nhận các đau khổ gặp phải, kết hiệp với sự đau khổ của Người trên cây thập giá để góp phần cứu rỗi tha nhân?)

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU.

Tòa nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm đến nay vẫn đang tiếp tục được xây dựng những chỗ còn dang dở. Xin Chúa giúp mỗi tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm hoàn thành. Xin cho chúng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết Chúa và cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


 

Huấn dụ của ĐTC trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa CN 27.6, 2021

 Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27 tháng Sáu, 2021

J.B. Đặng Minh An dịch
 
Chúa Nhật 27 tháng Sáu Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 13 Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta hai phép lạ ngoạn mục của Chúa Giêsu.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía. Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.} Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay trong bài Tin Mừng (x. Mc 5,21-43) Chúa Giêsu đối diện với hai hoàn cảnh bi đát nhất của chúng ta là cái chết và bệnh tật. Ngài giải thoát hai người khỏi các hoàn cảnh bi thảm này: một bé gái, là người vừa chết khi cha cô chạy đi cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu; và một phụ nữ, bị mất máu nhiều năm. Chúa Giêsu cảm động trước sự đau khổ và cái chết của chúng ta, và Ngài làm ra hai dấu chỉ chữa lành để cho chúng ta biết rằng cả đau khổ và sự chết đều không có tiếng nói cuối cùng. Ngài nói với chúng ta rằng chết không phải là hết. Ngài đánh bại kẻ thù này, kẻ thù mà một mình chúng ta mà thôi thì không thể giải phóng được mình.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thời điểm mà bệnh tật vẫn là trung tâm của các bản tin, chúng ta nên tập trung vào một dấu chỉ khác, đó là sự chữa lành cho người phụ nữ bị mắc chứng xuất huyết. Không chỉ có vấn đề về sức khỏe mà thôi, tình cảm của cô ấy cũng đã bị tổn hại. Tại sao? Cô bị xuất huyết và do đó, theo suy nghĩ của người thời đó, cô bị coi là người không trong sạch. Cô ấy là một phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội; cô ấy không thể có những mối quan hệ ổn định; cô ấy không thể có chồng; cô ấy không thể có một gia đình, và không thể có những mối quan hệ xã hội bình thường, bởi vì cô ấy “không trong sạch”, một căn bệnh đã khiến cô ấy “không trong sạch”. Cô sống cô đơn, với một trái tim đầy vết thương. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là gì? Bệnh lao chăng? Đại dịch chăng? Thưa: Không phải như thế. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu; là không thể yêu. Người phụ nữ tội nghiệp này bị bệnh, vâng, vì mất máu, nhưng kết quả là, thiếu tình yêu thương, vì cô ấy không thể ở bên người khác trong xã hội. Và sự chữa lành ngoạn mục nhất là sự chữa lành về tình cảm. Nhưng làm thế nào để chúng ta tìm thấy sự chữa lành? Chúng ta có thể nghĩ về những người chúng ta thương mến: họ có bị bệnh không hay đang có sức khỏe tốt? Nếu họ mắc bệnh, Chúa Giêsu có thể chữa lành cho họ.

Câu chuyện về người phụ nữ vô danh này - chúng ta hãy gọi cô ấy như vậy, “người phụ nữ vô danh” -, người mà tất cả chúng ta có thể thấy chính mình nơi cô ấy, là một mẫu gương. Trình thuật Tin Mừng nói rằng cô ấy đã thử nhiều phương pháp điều trị, “đã tiêu hết những gì cô ấy có, mà chẳng khá hơn nhưng càng ngày càng tệ hơn” (câu 26). Chúng ta cũng vậy, chúng ta có thường xuyên lao vào những phương dược chữa trị sai lầm để thoả mãn sự thiếu thốn tình yêu của mình không? Chúng ta nghĩ rằng thành công và tiền bạc làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng tình yêu không thể mua được; tình yêu là nhưng không. Chúng ta ẩn mình trong ảo ảnh, nhưng tình yêu là hữu hình. Chúng ta không chấp nhận bản thân mình như thực chất của chúng ta và chúng ta ẩn sau những dáng vẻ bề ngoài, nhưng tình yêu không phải là hình thức bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm giải pháp từ các trò ma thuật và từ các chuyên gia, để rồi thấy mình hết cả tiền và hết cả bình yên, giống như người phụ nữ đó. Cuối cùng, cô chọn Chúa Giêsu và lao mình vào đám đông để chạm vào áo của Chúa Giêsu. Nói cách khác, người phụ nữ đó tìm cách tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc thể lý với Chúa Giêsu. Đặc biệt trong thời điểm này, chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc tiếp xúc và các mối quan hệ như thế nào. Điều tương tự cũng đúng trong mối quan hệ với Chúa Giêsu: đôi khi chúng ta bằng lòng tuân theo một số giới luật và lặp đi lặp lại lời cầu nguyện - nhiều lần, giống như những con vẹt -, nhưng Chúa chờ đợi chúng ta gặp gỡ Người, để mở lòng chúng ta ra với Người, vì chúng ta, như người phụ nữ, cần chạm vào quần áo của Người để được chữa lành. Khi trở nên thân mật với Chúa Giêsu, tình cảm của chúng ta sẽ được chữa lành.

Chúa Giêsu muốn điều này. Trên thực tế, chúng ta đọc thấy rằng, ngay cả khi bị đám đông thúc ép, Ngài vẫn nhìn xung quanh để tìm xem ai đã chạm vào Ngài. Các môn đệ đã nói: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem “Ai đã chạm vào tôi?” Đây là cái nhìn của Chúa Giêsu: có rất nhiều người, nhưng Ngài đi tìm một khuôn mặt và một tấm lòng tràn đầy đức tin. Chúa Giêsu không hờ hững nhìn chung chung như chúng ta, nhưng Ngài nhìn vào từng cá nhân. Ngài không dừng lại ở những vết thương và sai lầm của quá khứ, mà còn vượt lên trên những tội lỗi và định kiến. Tất cả chúng ta đều có một lịch sử, và mỗi người chúng ta, trong bí mật của mình, đều biết rõ những vấn đề xấu xa trong lịch sử của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu đã nhìn vào đó để chữa lành. Trái lại, chúng ta thích nhìn những vấn đề xấu xa của người khác. Biết bao lần khi trò chuyện, chúng ta lại rơi vào tình trạng huyên thuyên nói xấu người khác, “xỉa xói” người khác. Nhưng này: làm như thế thì đi đến đâu? Chúng ta thường không hành động như Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn vào những cách thế để cứu chúng ta; Ngài nhìn vào ngày hôm nay; Ngài không nhìn vào lịch sử xấu xa mà chúng ta có. Chúa Giêsu vượt lên trên tội lỗi. Chúa Giêsu vượt ra ngoài những định kiến. Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở những vẻ bề ngoài, nhưng đi đến tận thẳm sâu trái tim. Và Ngài chữa lành hoà toàn cho cô ấy, là người đã bị mọi người khước từ như một người phụ nữ không trong sạch. Ngài dịu dàng gọi cô là “con” (câu 34) - phong cách của Chúa Giêsu là gần gũi, từ bi và dịu dàng: “Này con” - và Ngài ca ngợi đức tin của cô, khôi phục sự tự tin cho cô.

Anh chị em đang hiện diện ở đây thân mến, hãy để Chúa Giêsu nhìn vào và chữa lành trái tim anh chị em. Tôi cũng phải làm điều này: là để Chúa Giêsu nhìn vào trái tim tôi và chữa lành nó. Và nếu anh chị em đã cảm thấy sự dịu dàng khi Ngài nhìn vào anh chị em, hãy bắt chước Ngài, và làm như Ngài đã làm. Nhìn xung quanh: anh chị em sẽ thấy rằng nhiều người sống bên cạnh anh chị em cảm thấy bị thương và cô đơn; họ cần cảm thấy được yêu thương: hãy thực hiện từng bước. Chúa Giêsu yêu cầu anh chị em một cái nhìn không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, nhưng đi vào trái tim: một cái nhìn không phán xét, nhưng chào đón - chúng ta hãy ngừng phán xét người khác - Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một cái nhìn không phán xét. Vì chỉ tình yêu mới có thể hàn gắn cuộc đời. Xin Đức Mẹ, Đấng An Ủi những người đau khổ, giúp chúng ta có thể vuốt ve những người có trái tim bị tổn thương mà chúng ta gặp trên hành trình của mình. Và đừng phán xét; đừng phán xét thực tế cá nhân, xã hội của người khác. Chúa yêu tất cả mọi người! Đừng phán xét; hãy để người khác sống và cố gắng tiếp cận họ bằng tình yêu thương.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến! Hôm nay, gần Lễ Các Thánh Phêrô và Phaolô, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Hãy cầu nguyện một cách đặc biệt: Đức Giáo Hoàng cần lời cầu nguyện của anh chị em! Cảm ơn anh chị em. Tôi biết anh chị em sẽ làm như vậy.

Nhân Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông hôm nay, tôi mời mọi người cầu xin lòng thương xót và hòa bình của Thiên Chúa cho khu vực đó. Xin Chúa ủng hộ nỗ lực của những người tham gia đối thoại và chung sống huynh đệ ở Trung Đông, nơi đức tin Kitô được sinh ra và luôn sống động, bất chấp những đau khổ. Xin Chúa luôn ban cho những người thân yêu của chúng ta ở đó sự bình an, sự kiên trì và lòng can đảm.

Tôi bảo đảm sự gần gũi của tôi với những người dân ở phía Tây Nam của Cộng hòa Tiệp bị tấn công bởi một cơn bão mạnh. Tôi cầu nguyện cho những người đã ra đi và những người bị thương và những người đã phải rời bỏ ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng của họ.

Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả các bạn, đến từ Rôma, từ Ý và từ các quốc gia khác. Tôi thấy người Ba Lan, người Tây Ban Nha…. Rất nhiều ở đó và ở đó…. Cầu chúc cho chuyến viếng thăm mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô củng cố trong anh chị em tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với Giáo hội của Người.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng. Xin chào tạm biệt! Tuổi trẻ của Đức Mẹ Vô nhiễm, các con xuất sắc lắm!

Source:Holy See Press Office
 

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Thiên Chúa muốn con người được sống

 Thiên Chúa muốn con người được sống

Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
 
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN



Kn 1,13-15.2,23-25; 2 Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về một chủ không ai thích, nhưng lại có ích, đó là sự chết. Trong bài đọc I, chúng ta nghe lời khẳng định này: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong... Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt... Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 1,13.2,25).

Những lời này cho chúng ta chìa khóa để hiểu tại sao chết là nỗi ám ảnh và sợ hãi lớn nhất của con người. Lý do chính yếu là chúng ta không được dựng nên để chết, nhưng để sống mãi mãi. Thiên Chúa không muốn con người phải chết. Người cũng không sáng tạo nên cái chết. Nhưng nó là kết quả của “sự ghen tương của ma quỷ.” Vì thế, chúng ta tìm mọi cách để thoát khỏi cái chết và được sống mãi.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta tìm thấy một chứng tá cụ thể cho lời khẳng định rằng Thiên Chúa không muốn sự chết và định mệnh cuối cùng của con người là “sự bất tử” hay được sống đời đời. Đó là phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện khi làm cho đứa con gái của ông trưởng hội đường Giaia đã chết được sống lại. Đây là một trình thuật rất đặc biệt với các sự kiện diễn ra một cách tuần tự và liên tục, trong những địa điểm khác nhau.

Trước hết đó là cảnh ở trên mặc biển hồ. Chúa Giêsu xuống thuyền, sang bờ bên kia, đám đông lại tụ lại quanh người. Có một ông tên là Giaia đến sụp xuống dưới chân người và nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngày đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (Mc 5,23). Nghe thế, Chúa Giêsu liền đi với ông.

Cảnh tượng thứ hai là ở trên đường. Một người đàn bà bị bệnh băng huyết đã mười hai năm. Nghe đồn về Chúa Giêsu, bà tìm cách tới gần Chúa để đụng vào áo của Người. Sau khi sờ vào áo Người, bà được khỏi bệnh. Khi Chúa Giêsu đang nói với bà, người nhà ông Giaia đến đến nói với ông rằng: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5,35). Nghe thế, Chúa Giêsu liền nói với viên trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” Đây là lời mà Chúa Giêsu thường nhắc lại nhiều lần trên miệng Người. Cả người đã bà vừa được chữa lành khỏi bệnh rong huyết, Người cũng nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Cảnh tượng cuối cùng là một bi kịch, diễn ra tại nhà ông Giaia. Một cảnh tang tóc đè nặng tang quyến, người ta khóc than người chết. Chúa Giêsu vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! Họ chế nhạo Người, nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha, mẹ con đứa trẻ và những ai theo Người vào nơi đứa bé nằm. Chúa cầm lấy tay nó và nói: “Talità kum, nghĩa là: Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức, đứa bé chỗi dậy và đi lại được. Vì nó đã mười hai tuổi. Mọi người ngạc nhiên và sửng sờ. Chúa Giêsu nghiêm cấm họ không được để ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn. Trình thuật này là một trình thuật “siêu phàm,” vì nó trình thuật với những lời rất đơn giản, bình thường, nhưng nói lên những sự kiện siêu việt, những phép lạ mà Chúa thực hiện để cứu con người khỏi cái chết. Đó là những phép lạ vì con người và minh chứng quyền năng của Người vượt trên cái chết và bệnh tật. Những hành vi và lời nói của Chúa Giêsu quả thực phát xuất từ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng, một điều đặc biệt mà chúng ta cần biết đó là Chúa Giêsu là Đấng có quyền năng thực hiện những điềm thiêng dấu lạ, nhưng khi đối diện với đau khổ và cái chết, nhiều lần Người cũng xúc động, đồng cảm và chia sẻ nỗi đau với những ai đang phải than khóc. Chúa Giêsu đã khóc với người khóc. Người đã khóc khi chứng kiến nỗi đau bà góa thành Nain mất đứa con trai duy nhất. Người đã khóc với Mácta và Maria khi họ mất người em Ladarô. Điều này nhắc nhở chúng ta luôn nhớ lời ở trên: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13). Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta đau khổ. Người không đứng ở đằng xa mà nhìn chúng ta đau khổ. Nhưng Người đã đến làm người, ở với chúng ta, để chia sẻ đau khổ với chúng ta và đã chết vì chúng ta.

Đối diện với đau khổ và cái chết, Lời Chúa hôm nay mang đến cho chúng ta một chìa khóa để trả lời cho những vấn vạn về sự dữ và mang lại ánh sáng khi chúng ta ở trong bóng tối của đau khổ, đó là: “Đức tin.” Đức tin là điều kiện cần thiết để Chúa Giêsu thực hiện phép lạ. Bởi thế, bất cứ ai đến xin Chúa làm phép lạ, Người đều đòi hỏi họ phải có đức tin. Nhưng đức tin ở đây không phải là một thứ đức tin chung chung, nhưng là đức tin vào chính Chúa Giêsu. Tin Mừng phân biệt rõ ràng hai dạng tin: tin cái gì và tin vào ai. Tin vào Ai (viết hoa) chính là tin vào Thiên Chúa. Ở đây, tin vào Thiên Chúa cũng là tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế.

Cuộc đối thoại giữa Giêsu với người chị của Ladarô là một chứng tá hùng hồn cho những gì vừa nói. Mácta nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11,21-22).

Có lẽ có rất nhiều cha mẹ và vợ chồng của người bệnh cũng cầu nguyện với Chúa Giêsu như thế: “Lạy Chúa, nếu Ngài ở đây, hay nếu chúng con sống ở Palestina, chúng con sẽ chạy đến với Ngài... Nhưng lúc này, chúng con xin Chúa nếu Chúa muốn, xin làm một phép lạ cho con...”

Chúa Giêsu trả lời với Mácta: “Em chị sẽ sống lại!” Nhưng cô Mácta không hài lòng với lời hứu này vì phải chờ lâu quá. “Con viết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11,24). Như thế không đủ, con muốn ngay bây giờ. Và lời quả quyết của Chúa Giêsu với Mácta và với tất cả chúng ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” (Ga 11,25-26). Ở đây, Chúa Giêsu cho thấy phép lạ lớn nhất là tin vào Người. Với niềm tin đó, mọi sự đều có thể.

Chúng ta cần nói về khía cạnh khác của bài Tin Mừng là Chúa Giêsu không chỉ nói về cái chết thể lý, còn muốn nói đến cái chết của con tim và linh hồn. Chết linh hồn khi chúng ta sống trong tội lỗi, cái chết của con tim khi chúng ta sống trong buồn phiền, thất vọng và chán nãn. Lời Chúa Giêsu: “Talità kum, hỡi con, hãy chỗi dậy!” Những lời không chỉ dành cho đứa trẻ đã chết, nhưng cả những người đang sống.

Như thế, Lời Chúa hôm nay minh chứng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không muốn con người phải chết, nhưng được sống mãi. Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, Người đến để giải thoát con người khỏi đau khổ và cái chết. Điều kiện để được Chúa Giêsu cứu độ là tin vào Người. Chúng ta hãy làm như thế để được sống đời đời. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 

Mối liên hệ giữa đức tin và việc chữa lành

 

Mối liên hệ giữa đức tin và việc chữa lành

 
  •  
  •  


MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐỨC TIN VÀ VIỆC CHỮA LÀNH

Chúa Nhật XIII Thường Niên B
Kn 1, 13-15; 2, 23-25; 2 Cr 8, 7.9.13-15; Mc 5, 21-43

Tác giả: Jaime L. Waters
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển
Từ: americamagazine.org (20.5.2021)

WGPNT (24.6.2021) - Sách Bài đọc đề nghị một bài ngắn và một bài dài cho bài Tin mừng Maccô của Chúa nhật XIII quanh năm. Bài ngắn tập trung vào việc chữa lành cho một bé gái. Nếu chọn đọc bài dài thì chúng ta sẽ nghe thêm việc chữa lành cho người phụ nữ. Nên ưu tiên chọn bài dài để thấy được sự nối kết giữa hai lần chữa lành.

Thánh Maccô thường sử dụng một kỹ thuật viết văn là khi đã kể một câu chuyện, ngài lại thêm vào một câu chuyện khác rồi mới kết thúc câu chuyện đầu tiên. Phương pháp kể chuyện này báo trước cho người đọc mối liên hệ cũng như việc cung cấp thông tin giữa hai trình thuật.

Trình thuật đầu tiên nói về con gái của ông trưởng hội đường. Ông Giairô kể cho Chúa Giêsu về đứa con gái đang đau nặng, mà sau đó chúng ta biết em này được 12 tuổi, và ông nài xin Chúa Giêsu đến đặt tay chữa lành cho con gái mình. Đang trên đường đến chữa con ông Giairô thì một người phụ nữ bị băng huyết 12 năm chạm vào áo của Đức Giêsu với hy vọng bệnh của bà được thuyên giảm. Hành động này liền có hiệu quả, bà được lành bệnh ngay lập tức. Khi đến nhà ông Giairô, dù nghe nói đứa bé đã chết, thế nhưng Đức Giêsu vẫn bước vào nhà cùng với Phêrô, Giacôbê, Gioan và cha mẹ của em. Ngài hồi sinh đứa bé khi chạm vào tay và truyền cho em chỗi dậy.

Tại sao Maccô lại gộp đọc chung hai việc chữa lành với nhau? Một trong những nét tương đồng là cả hai câu chuyện đều liên quan đến người nữ đang mắc bệnh. Bé gái được chữa lành nhờ vào đức tin của cha mẹ, và người phụ nữ được chữa lành nhờ vào chính đức tin của bà. Một điểm chung khác đó là thời gian. Người phụ nữ bị bệnh băng huyết trong khoảng thời gian tương đương với tuổi của cô bé, điều này nhấn mạnh đến nỗi thống khổ cùng cực của người phụ nữ này. Em bé gái đang trong tình trạng nguy kịch, gần kề cái chết, nhưng bài đọc không cho biết chi tiết bệnh tật của em.

Phương pháp chữa bệnh của Chúa Giêsu cũng rất đáng lưu ý. Ông Giairô nài xin Đức Giêsu đến đặt tay trên con gái mình, nhưng khi chữa lành, Ngài nắm lấy tay em và tuyên bố em sẽ sống lại. Việc chữa lành này hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của em, vì cha mẹ em đã xin chữa lành thay cho em. Còn phép lạ với người phụ nữ thì xảy ra theo chiều hướng ngược lại. Bà ta bắt đầu tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu” và việc lành bệnh xảy ra ngay lập tức. Đức Giêsu không hề chạm vào bà ấy và dường như cũng không biết chuyện gì đã xảy ra, vì Ngài hỏi ai đã chạm vào mình. Khi nhận ra hành động của người phụ nữ, Đức Giêsu ca ngợi bà, cho rằng phép lạ xảy ra không chỉ do quyền năng của chính Ngài, mà còn là nhờ vào chính đức tin của bà.

Những câu chuyện chữa lành trong các sách Tin mừng có nhiều mục đích. Chúng biểu lộ cách hiển nhiên và rõ ràng quyền năng của Đức Giêsu. Các ngôn sứ trong thời Cựu ước như Êlia và Êlisa cũng thường được mô tả làm những hành động phi thường chữa lành tương tự như là dấu hiệu của việc được nối kết với quyền năng thần linh. Ngoài chức năng trên, những câu chuyện chữa lành này còn truyền đạt các chân lý thiết yếu để hiểu Tin mừng.

Trong cả hai phép lạ này, Chúa Giêsu nhắc lại tầm quan trọng của đức tin. Ngài khen ngợi lòng tin của người phụ nữ. Tương tự, khi đám đông nói với ông Giairô rằng con gái ông đã chết, Đức Giêsu đáp: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Hãy nhớ lại bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước. Khi các tông đồ kinh hãi đang lúc thuyền gặp sóng gió, Chúa Giêsu bảo các ông: “Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4,40). Những câu chuyện như thế tỏ bày quyền năng của Chúa Giêsu cũng như những hành động cần có nơi những kẻ đi theo Ngài. Hai câu chuyện của Chúa nhật này là lời nhắc nhớ quan trọng về sức mạnh của đức tin để vượt qua cả những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Nguồn: giaophannhatrang.org