Trang

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Giải thích thật khúc triết của Đức Thánh Cha về dụ ngôn hai người con làm vườn nho

 Giải thích thật khúc triết của Đức Thánh Cha về dụ ngôn hai người con làm vườn nho

Đặng Tự Do
 


Chúa Nhật 27 tháng 9, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên với bài Phúc Âm sau trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!” Nó thưa lại rằng: “Con không đi”. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: “Thưa cha, vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Ở đất nước tôi người ta thường nói: “Thời tiết xấu đến đâu, mặt mũi vẫn nên tươi tỉnh”. Với “mặt mũi tươi tỉnh” này, tôi mến chào anh chị em!

Khi rao giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu chống lại một thứ tôn giáo không liên quan gì đến đời sống con người, không thách thức lương tâm và trách nhiệm của cá nhân trước điều lành và điều ác. Ngài minh chứng điều này qua dụ ngôn về hai người con trai, được ghi lại trong Phúc âm theo Thánh Matthêu chương 21 từ câu 28 đến câu 32. Người cha bảo họ đi làm vườn nho, người con trai cả hấp tấp trả lời “không, con không đi đâu”, nhưng sau đó anh ta ăn năn và đến vườn nho làm việc. Trái lại, người con út, ngay lập tức trả lời “vâng, vâng, thưa cha”, nhưng trên thực tế thì anh ta không đi. Sự vâng lời không hệ tại ở những lời đầu môi chót lưỡi nói “vâng” hay nói “không”, nhưng hành động mới luôn luôn là điều đáng kể, trong câu chuyện này là làm vườn nho, là nhận biết Nước Thiên Chúa, là làm điều thiện. Với ví dụ đơn giản này, Chúa Giêsu muốn vượt lên trên một thứ tôn giáo chỉ gói ghém trong những thực hành bên ngoài và những thói quen, không ảnh hưởng gì đến đời sống và thái độ của con người, một thứ tôn giáo hời hợt, chỉ chuộng “nghi lễ”, theo nghĩa xấu của từ ngữ này.

Những nhân tố của loại tôn giáo “bề ngoài” này, mà Chúa Giêsu cực lực chỉ trích, vào thời bấy giờ là “các thượng tế và các kỳ lão trong dân” (Mt 21:23), những người theo lời quở trách của Chúa Giêsu, sẽ bị những người thu thuế và gái điếm qua mặt trên con đường tiến về Nước Trời (xem câu 31). Chúa Giêsu nói với họ: “những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Lời khẳng định này không nên khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa tuyên dương những người không tuân theo giới răn Thiên Chúa, những người không giữ gìn đạo đức, và nói: “Dù sao đi nữa, những người đi nhà thờ còn tệ hơn chúng ta!” Không, đây không phải là lời dạy của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không cho rằng những người thu thuế và gái điếm là khuôn mẫu của cuộc sống, nhưng Ngài nói rằng họ là những người được ban “ân sủng” biết hoán cải. Và tôi muốn nhấn mạnh từ “ân sủng” này, sự hoán cải luôn luôn là một ân sủng. Đó là ân phúc Chúa ban cho bất cứ ai mở lòng ra và hoán cải tâm hồn để hướng về Ngài. Trên thực tế, những người này, khi nghe lời giảng của Ngài, đã ăn năn và đổi đời. Chúng ta hãy nghĩ, chẳng hạn, đến Thánh Matthêu. Thánh nhân là một người thu thuế, một kẻ phản bội quê hương của mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người gây ấn tượng tốt nhất là người anh cả, không phải vì anh ta nói “không” với cha mình, mà vì sau từ “không” đó, anh đã hoán cải và chuyển thành tiếng “vâng”, anh ta đã ăn năn. Thiên Chúa kiên nhẫn với mỗi người chúng ta: Ngài không mệt mỏi, Ngài không bỏ cuộc sau khi chúng ta nói “không” với Ngài; ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài và phạm sai lầm. Sự kiên nhẫn của Chúa thật tuyệt vời! Chúa luôn chờ đợi chúng ta; Ngài luôn bên cạnh giúp đỡ chúng ta; nhưng Ngài tôn trọng tự do của chúng ta. Và Ngài háo hức chờ đợi tiếng “vâng” của chúng ta, để chào đón chúng ta một lần nữa trong vòng tay yêu thương của người cha và lấp đầy chúng ta bằng lòng thương xót vô hạn của Người. Đức tin nơi Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mỗi ngày, phải lựa chọn điều thiện chứ không phải điều ác, lựa chọn sự thật chứ không phải là sự dối trá, lựa chọn tình yêu tha nhân hơn là sự ích kỷ. Ai hoán cải theo những lựa chọn này, dù đã trải qua tội lỗi, sẽ tìm được những vị trí cao trọng trong Nước Thiên Đàng, nơi bùng lên nhiều niềm vui khi thấy một tội nhân có lòng hoán cải hơn là chín mươi chín người công chính (x. Lc 15: 7).

Nhưng sự hoán cải, thay đổi tấm lòng, là một tiến trình, một tiến trình thanh lọc chúng ta khỏi những ô nhiễm luân lý. Và đôi khi đó là một tiến trình đau đớn, bởi vì không có con đường nào dẫn đến sự thánh thiện mà không có những từ bỏ và không có những chiến đấu trong tâm hồn. Chiến đấu cho điều thiện, chiến đấu để không rơi vào cám dỗ, làm những gì chúng ta có thể làm về phần mình, để sống trong bình an và niềm vui của các Mối Phúc Thật. Bài Tin Mừng hôm nay đặt ra cho chúng ta câu hỏi về lối sống của người Kitô hữu. Lối sống ấy không được tạo nên từ những ước mơ và khát vọng cao đẹp, nhưng từ những cam kết cụ thể, luôn mở lòng ra đón nhận thánh ý Chúa và yêu thương anh em mình. Những điều này, ngay cả một cam kết cụ thể nhỏ nhất, cũng không thể được thực hiện nếu chúng ta không có ân sủng. Hoán cải là một ân sủng mà chúng ta phải luôn cầu xin: “Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng để con được cải thiện. Hãy ban cho con ân sủng để trở thành một Kitô hữu tốt lành”.

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng con ngoan ngoãn trước tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng làm tan chảy sự chai cứng của trái tim và khiến chúng ta ăn năn, để có được sự sống và ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu đã hứa ban.

http://www.vietcatholic.com/News/Home/Archive?date=2020-09-27

Quis ut Deus - Ai bằng Thiên Chúa ?

 Quis ut Deus - Ai bằng Thiên Chúa ?

Lm. Đa Minh Nguyễn Ngọc Long
 
Hằng năm Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Tổng lãnh Thiên Thần Michael chung với hai Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel và Rafel vào ngày 29.09.

Tổng lãnh Thiên Thần Michael là ai?

Theo truyền thuyết Tổng lãnh Thiên Thần Michael được Thiên Chúa sai cầm gươm canh giữ cửa khu vườn địa đàng không cho Ông Bà Adong-Evà trở lại khu vườn, sau khi bị Thiên Chúa phạt đuổi ra khỏi nơi đó. ( Sách Sáng Thế 3, 23-24)

Vị Tổng lãnh Thiên Thần này cũng là người đã cứu giúp mạng sống cho Hagar bị Sara vì lòng ghen tức đã đuổi bắt đi lang thang trong sa mạc, tìm đến chỗ có nước uống đang khát mệt lả đang mang thai. ( Sáng Thế 16,7-12).

Vị Tổng lãnh Thiên Thần Michael được cho hiểu là một trong ba người đàn ông đã đến thăm nhà Tổ phụ Abraham. ( Sáng thế 18,1-16).

Tổng lãnh Thiên Thần Michael cũng là người Thiên Chúa sai đến can ngăn không để cho Tổ phụ Abraham cầm gươm giết con mình là Isaak trên núi Moriah làm lễ tế dâng Thiên Chúa. Ngày nay nơi này có đền thờ Jerusalem. ( Sáng Thế 22,11-18).

Kinh Thánh thuật lại biến cố Tổ phụ Jacob vật lộn với người của Thiên Chúa. Vị đó được cho là Tổng lãnh Thiên Thần Michael. Jacob đã thắng. Nhưng Jacob không chịu buông vị đó ra. Ông Jacob để lại câu nói hay lời cầu xin thời danh:“ Vâng, tôi chỉ buông Ông ra, trước khi Ông chúc phúc lành cho tôi!“. ( Sáng Thế 32,24-29).

Khi dân Do Thái đi trở về quê hương Thiên Chúa hứa ban từ miền đất nô lệ bên Aicập, Thiên sứ của Thiên Chúa đi trước dẫn đường. Khi tới biển đỏ, vị Thiên Thần đó lại lui về đàng sau hộ vệ cho dân chúng đi qua biển an toàn. Vị Thiên sứ đó là Tổng lãnh Thiên Thần Michael. ( Xuất hành 14, 19-22).

Sách Ngôn sứ Daniel thuật lại, khi Satrac, Mesac và Avet Nago bị kết án quăng vào lò lửa cháy rực cho bị thiêu sống. Nhưng Thiên Thần Chúa hiện đến cứu họ không bị chết cháy. Vị Thiên Thần đó là Tổng lãnh Thiên Thần Michael đưực Thiên Chúa sai đến (Daniel 3,25-26).
Ngôn sứ Daniel trong thị kiến thấy Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng về phía Thiên Chúa chống lại các thiên sứ của vương quốc Batư âm mưu phản loạn chống Thiên Chúa. ( Daniel 10,13)

Tổng lãnh Thiên Thần Michael trong ngày chung thẩm là vị cứu giúp bảo vệ dân của Chúa, và thổi loa kêu gọi những người đã qua đời trong mồ mả sống lại ra trước tòa Thiên Chúa.( Daniel 12,1-2).

Thánh Gioan Tông đồ trong thị kiến đã thuật lại cuộc chiến giữa Tổng lãnh Thiên thần Michael với con rồng ma qủi cùng các thần dữ trên trời. Michael đã chiến thắng và con rồng rắn cùng đồng bọn thần dữ bị xổ đẩy khỏi chỗ ở trên trời. ( Sách Khải Huyền 12,4-7).

Thánh giáo phụ Cyrillo thành Jerusalem đã có suy luận: „ Khi Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người, Thiên Chúa Cha đã chọn một sức mạnh uy hùng là Michael, là người trung thành đồng hành lo cho Chúa Kitô.“

Peter Anton năm 1753 đã đúc tượng Tổng lãnh Thiên Thần Michael trên nóc lâu đài Thiên Thần ở Roma trình bày như hình ảnh một vị chiến sĩ, người ngay từ khởi đầu công trình sáng tạo trời đất, ngay cả trước khi vũ trụ được tạo thành đã đánh đuổi thần qủi dữ Luzifer ra khỏi thiên đàng trên trời.

Tổng lãnh Thiên Thần Michael được hiểu cho là vị linh hướng đồng hành với linh hồn con người. Tin tưởng này cũng đã có trong thần thoại cổ đại của người Aicập về Thần Hot, và về Thần Hermes của người Hylạp cầm chiếc cân có hai đĩa bàn cân linh hồn.

Tổng lãnh Thiên Thần Michael còn có biệt danh Quis ut Deus - Ai bằng như Thiên Chúa. Tên gọi này có nguồn gốc từ tiếng Do Thái מיכאל viết trong những cuộn sách Kinh thánh Qumran được tìm thấy năm 1947 và 1948 ở vùng bờ biển chết bên Israel. Tên Michael diễn tả là „ Vị Thần hoàng ánh sáng“.

Tổng lãnh Thiên Thần Michael thường được vẽ khắc chạm với gươm kiếm, cây gậy chỉ huy, chiếc cân có hai đĩa bàn cân, qủa địa cầu, áo mầu đỏ và ngọn lửa.

Gươm kiếm diễn tả sự chiến đấu dũng cảm của Michael chống lại con rồng ma qủi và những thế lực bóng tối sự dữ.

Cây gậy chỉ huy trái lại diễn tả ý nghĩa sự khôn ngoan của vị tổng chỉ huy Michael trên các Thiên Thần khác.

Qủa địa cầu nói lên sự ảnh hưởng của Tổng lãnh Thiên Thần Michael trên toàn thể từ khi vũ trụ được tạo dựng cho đến thời gian tận cùng lúc ngày chung thẩm phán xét sau cùng xảy đến.

Mầu áo đỏ và hình ngọn lửa rực sáng diễn tả sự hăng say nồng nhiệt của Tổng lãnh Thiên thần Michael dấn thân cho nhiệm vụ được Thiên Chúa giao phó cho.

Tổng lãnh Thiên Thần Michael không là Thiên Thần nhỏ bé dễ thương như một em bé. Nhưng là một Thiên Thần với tràn đầy sức mạnh hùng dũng. Và sức mạnh này Thiên Chúa gửi đến mỗi người, để họ không bị những sức mạnh trần gian đè bẹp uy hiếp. Đó là sứ điệp niềm an ủi. Bên cạnh con người có một Thiên Thần cùng đồng hành bênh vực chiến đấu cho chúng ta giúp chống lại thần sự dữ.

Theo tin tưởng Tổng lãnh Thiên Thần Michael là vị đón nhận linh hồn những qua đời trên thiên đàng cũng như Thánh Phero nơi cửa thiên đàng.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic News

Niềm vui của Tin mừng sự sống

 

Niềm vui của Tin mừng sự sống

 
  •  
  •  


NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG SỰ SỐNG

Đức hồng y Sean P. O’Malley, O.F.M Cap.
Chuyển ngữ: Antôn Uông Đại Bằng

WHĐ (27.9.2020) – Khi tôi còn là giám mục ở miền Tây Ấn, chúng tôi đã cử hành lễ kim khánh hôn phối cho một đôi vợ chồng rất tuyệt vời trong giáo xứ. Sau năm mươi năm kết hôn, họ vẫn còn rất yêu thương nhau và họ toát ra một tinh thần vui tươi và đầy nhiệt huyết khơi nguồn cảm hứng thực sự cho cả xứ đạo. Chúng tôi cử hành thánh lễ với nghi thức lặp lại giao ước hôn phối. Trước khi cử hành, tôi có nói chuyện với ông Alfonso về cuộc hôn nhân lâu dài và thành công của ông. Ông nói: “Thưa Đức Cha, khi vợ con và con kết hôn, chúng con đã quyết định là tất cả mọi quyết định sẽ được thực hiện một cách khoa học, và do đó, sẽ tránh được những tranh cãi không cần thiết.” Tôi mới hỏi: “Ông bà thực hiện điều đó như thế nào?” Ông nói: “Rất đơn giản, thưa Đức Cha, chúng con thỏa thuận rằng con sẽ quyết định mọi việc lớn, còn vợ con sẽ quyết định những việc nhỏ.” “Và rồi điều đó tiến triển ra sao?” Tôi hỏi. Và ông Alfonso trả lời “Tiến triển rất tốt ạ. Nhưng Đức Cha biết không? Vẫn chưa có quyết định lớn nào cả!”

Thực ra, quyết định lớn nhất là yêu thương. Như Đức Bênêđictô đã nói trong Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu: “Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa; bằng những từ ngữ đó, người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định nền tảng của đời mình.”

Vâng, quyết định nền tảng của đời ta là yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã thương yêu chúng ta trước, và thương yêu người lân cận như chính bản thân ta. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình phải là trường học yêu thương, trong đó ta học trao hiến bản thân ta cho Thiên Chúa và cho tha nhân, như tình yêu sẵn sàng hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá là nguồn mạch sự sống của chúng ta, những môn đệ của Ngài. Quyết định yêu thương phát sinh từ sự gặp gỡ với Đấng Thiên Chúa hằng sống, mà tình yêu của Người là nền tảng sự sống của chúng ta, và đặt ra những câu hỏi quan trọng về Thiên Chúa là Đấng nào và chúng ta là ai.

Nhiều năm về trước, khi còn dạy văn chương Tây Ban Nha, tôi luôn ưa thích nói chuyện về một cuốn tiểu thuyết có tên là Marianela, tác phẩm của Perez Galdos. Đây là câu chuyện về một thiếu phụ trong một ngôi làng ở Tây Ban Nha. Thiếu phụ này có một khả năng vĩ đại về tình bạn, lòng tốt và tình yêu thương. Marianela có một bạn trai tên là Pablo, anh này bị mù. Marianela nấu nướng cho Pablo ăn, đọc sách cho Pablo nghe, giặt giũ quần áo cho Pablo, dẫn dắt Pablo đi đó đi đây, và là người bạn trung thành của Pablo.

Một ngày kia, Pablo được gia đình đưa lên thành phố lớn để gặp các bác sĩ trên đó, và các vị này đã chữa anh khỏi mù lòa.

Bây giờ anh trở lại làng quê, và lần đầu tiên trong đời, Pablo nhìn thấy người thiếu phụ hằng yêu thương anh hơn bất cứ ai khác trên đời này có thể yêu anh và sẽ yêu anh được như thế.

Nhưng bây giờ khi đôi mắt Pablo đã tỏ, anh nhận thấy còn có những phụ nữ trẻ trung khác trong làng xinh đẹp hơn Marianela. Và anh bỏ chị mà đi cưới một trong các người nữ kia.

Sự trớ trêu trong chuyện này là: Khi Pablo còn mù, anh đã có thể thấy. Anh đã thấy được lòng tử tế, cái đẹp, tình yêu của Marianela. Nhưng khi anh nhìn được với đôi mắt của mình, anh chỉ có thể nhìn thấy những cái ở ngoại diện, những gì thuộc ngoại hình. Và những cái ngoại hình thường lừa dối. Ta cần phải có khả năng nhìn thế giới này qua đôi mắt của Thiên Chúa, để nhìn thấy được những gì thực hữu, những gì thực sự đẹp, những gì thực sự quan trọng. Đó là cái nhìn của đức tin làm cho ta lấy những quyết định chính xác, những quyết định về sự sống, về ơn gọi cho mỗi người chúng ta, về sứ mệnh của chúng ta, về sự chúng ta đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa.

Như Đức Phanxicô nói trong Thông điệp Niềm Vui Tin Mừng: “Nếu chúng ta đã nhận lãnh tình yêu vốn phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta, làm sao chúng ta lại có thể không chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác?” Đức Thánh Cha đã nói rất rõ rằng: ơn chúng ta được kêu gọi làm môn đệ chính là ơn gọi làm môn đệ thừa sai.

Ta chỉ trung thành với sứ mệnh của ta là gia đình của Đức Kitô, khi nào ta biết mời gọi tha nhân cũng tham gia vào sứ mệnh này, và khi nào ta biết giúp cho các gia đình “trở nên đúng như căn tính của mình.” Trong kế hoạch của Thiên Chúa, các gia đình là những nhà truyền giáo. Gia đình chuyển giao đức tin cho các thế hệ mới và chia sẻ với các thành viên mới kho tàng và sản nghiệp đã được nhận lãnh. Hôn nhân trong kế hoạch của Thiên Chúa là cung thánh của sự sống, và gia đình là một cộng đồng của tình yêu.

Đó là phần rất quan trọng của sứ điệp Tin Mừng, mà chúng ta phải sống và công bố. Như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Gia đình, giống như Hội Thánh, phải là nơi Tin Mừng được chuyển giao và từ đó Tin Mừng chiếu tỏa. Trong một gia đình có ý thức về sứ mệnh này, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều loan báo Tin Mừng và được loan báo Tin Mừng. Cha mẹ không chỉ truyền đạt Tin Mừng cho con cái họ, nhưng chính họ còn có thể nhận lãnh cùng một Tin Mừng ấy từ nơi con cái như đã được sống một cách sâu xa nơi bản thân chúng. Và một gia đình như thế trở nên người loan báo Tin Mừng cho nhiều gia đình khác.”

Chúng ta tất cả đều có diễm phúc biết được những gia đình như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã mô tả. Một trong các gia đình như vậy đã cho tôi một ấn tượng sâu xa lúc tôi còn là chủng sinh – chính là gia đình Gauchat. Billy và Dorothy đều là những bạn thân của Dorothy Day và Peter Maurin trong Phong trào Lao động Công giáo. Gia đình Gauchat đã có sáu người con rồi, nhưng tại trang trại họ sinh sống ở Avon, thuộc tiểu bang Ohio, họ còn đón nhận hàng tá đứa trẻ bị khuyết tật nặng mà cha mẹ chúng không đủ khả năng hoặc thậm chí không muốn nuôi nấng chúng nữa. Bill và Dorothy đã từng dạy con cái họ biết phải yêu thương và chăm sóc ra sao những đứa trẻ khốn khổ này mà nay trở thành anh em chị em ruột thịt của chúng. Đó quả là một công trình bởi tình yêu thương. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái ấn tượng gia đình này để lại trong tôi khi lần đầu tiên tôi thăm viếng và trông thấy những đứa trẻ có những biến dạng ghê sợ như thế lại đang nhận được biết bao là tình yêu thương trong gia đình này. Thật chúng đã moi ra được tình thương yêu ấy và chúng chính là phúc lành và ân sủng.

Là một gia đình trong gia đình của Thiên Chúa, vốn chính là một cộng đồng yêu thương, ở đó ta học trao hiến bản thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Những gia đình tuyệt vời này làm thay đổi dòng lịch sử, mở ra cánh cửa cho ánh sáng Thiên Chúa tràn vào thế giới chúng ta. Chứng tá của các gia đình ấy giúp cho những người khác biết mở lòng ra đón nhận sự sống.

Khi tôi còn ở chủng viện, vị giám tỉnh chúng tôi, cha Victor, đã viết một lá thư gửi sang Rôma, trong đó ngài viết rằng: sứ vụ của tu sĩ dòng Capuxinô tại Puerto Rico đang phát triển và tỉnh dòng chúng tôi đã được chuẩn bị để đảm nhiệm một sứ vụ thứ hai. Ngài nói ngài muốn xin một sứ vụ khó khăn nhất trên đời. Lời đề nghị này ngay lập tức được đáp ứng. Chúng tôi được yêu cầu mở ra một sứ vụ tại vùng cao nguyên ở Papua Tân Ghinê. Những tu sĩ đầu tiên của chúng tôi đặt chân lên đó kể lại rằng: khi những thổ dân nhìn thấy máy bay lần đầu tiên trong đời, họ đã hỏi máy bay là con đực hay con cái. Rồi họ bảo rằng: “Nếu nó là con cái, ta sẽ có một quả trứng.”

Nhiều khi vì ưu thế kỹ thuật của chúng ta, chúng ta lại tự lừa dối mình để nghĩ rằng ta giỏi giang và khôn ngoan hơn những người thuộc thế giới đang phát triển. Điều này rất không đúng. Điều này tôi đã cảm nhận được một cách đầy xúc động khi nhóm thừa sai đầu tiên tới Tân Ghinê chia sẻ một câu chuyện khác hết sức đặc biệt về một nhóm thổ dân đã theo Công giáo trong miền truyền giáo của chúng tôi. Một hôm họ đi xa khỏi làng quê của họ và gặp một nhóm thổ dân đến từ một nơi khác rất xa trên đảo. Họ khám phá ra rằng những người này cũng là Kitô hữu, nhưng lại thuộc giáo phái Tin lành Lutêrô. Họ trở về trụ sở chúng tôi và nói rằng họ thất vọng biết bao khi biết các môn đệ của Chúa Giêsu lại không hiệp nhất.

Họ lấy làm bực bội vì thấy có những sự chia rẽ như thế. Anh em tu sĩ cũng cảm thấy bối rối và xấu hổ. Khi họ nói với chúng tôi về điều đó, chúng tôi cảm thấy quá bối rối vì chúng tôi đã tự mãn và dửng dưng trước cái gương xấu là sự chia rẽ ngay giữa các môn đệ của Đức Kitô. Những thổ dân còn sơ khai này ngay lập tức thấy được tấn thảm kịch và sự mâu thuẫn của tình huống này. Đức Kitô đã mong mỏi sự hiệp nhất và tình huynh đệ giữa các môn đệ của Ngài, và chúng ta thì lại đi đến chỗ chấp nhận sự chia rẽ ấy như là bình thường, chẳng đáng lưu ý và không thể nào tránh được. Chúng ta có biết bao điều để học hỏi từ những người thổ dân đơn sơ này, vì họ đã nắm bắt được ý nghĩa của Tin Mừng và khước từ ý niệm chia rẽ.

Trong Bữa Tối Cuối Cùng, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ và ban cho chúng ta Điều Răn Mới: Hãy thương yêu nhau như Chúa đã thương yêu chúng ta. Ngài cầu xin: “Lạy Cha, ước gì tất cả chúng được hiệp nhất như Cha và con luôn hiệp nhất hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con.” Nếu thế gian không tin, một phần chính là vì chúng ta không hiệp nhất.

Tôi rất hài lòng là mục sư Rick Warren hiện diện với chúng ta trong Hội nghị này. Đây là một chứng tá cho sự hiệp nhất cực kỳ quan trọng trong thế giới ngày nay đang khi chúng ta công bố Tin Mừng của Sự Sống, nhu cầu bảo vệ hết mọi con người, từ giây phút đầu tiên lúc thụ thai cho đến lúc lìa đời một cách tự nhiên, và nhu cầu bảo vệ gia đình như cung thánh của sự sống, và hôn nhân như giao ước thánh thiêng được mô tả trong những trang đầu của Kinh Thánh – như một người nam lìa cha mẹ mà gắn bó nên một thân thể với vợ mình. Thật là niềm an ủi lớn lao cho tôi được đứng trên sân khấu này cùng với một người anh em cùng là Kitô hữu vốn hằng tận tụy trong việc rao giảng Tin Mừng. Chúng ta thực sự có phúc nhờ chứng tá và tình bằng hữu của ông.

Nếu cha giám tỉnh chúng tôi hôm nay viết thư xin được thực hiện sứ vụ khó khăn nhất, có lẽ chúng tôi sẽ không được sai đi Papua Tân Ghinê đâu, mà sẽ được sai đi tới Hoa Kỳ và những nơi khác của thế giới Tây phương là nơi hiện tượng giải-Kitô-giáo đang thắng thế. Đây là những lãnh thổ truyền giáo mới cho Hội Thánh.

Chúng ta cần tìm kiếm những cung cách mới để đưa Tin Mừng đến cho thế giới đương thời, để loan báo Chúa Kitô lần nữa và một cách mới mẻ, và để trồng cấy đức tin. Nhiệm vụ chúng ta là biến đổi những người mê tiêu thụ trở thành những môn đệ và những người thừa sai. Chúng ta cần chuẩn bị cho những người nam và người nữ biết làm chứng tá cho đức tin, chứ không phải là cử nhau đi tham gia vào chương trình bảo vệ cho chứng tá.

Chúng ta cần phải trang bị cho các tín hữu làm người môn đệ. Họ cần phải am tường các chân lý của đức tin, nhưng họ cũng cần phải biết sống những chân lý đó như thế nào. Cái cung cách đa phần chúng ta trở thành Kitô hữu đích thực là nhìn qua vai của người khác, noi gương một thành viên lớn tuổi hơn đáng khâm phục trong gia đình hay giáo xứ, nói đồng ý và yêu thích một cung cách sống đã được thể hiện và có thể tiếp cận nhờ chứng tá của một người khác. Chúng ta học làm môn đệ theo cung cách chúng ta học nói một ngôn ngữ, bằng cách sống trong một cộng đồng nói ngôn ngữ ấy.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị ám ảnh bởi những người nổi tiếng, một thế giới trong đó tất cả những người nổi tiếng quá nhiều khi thay thế các nam anh nữ kiệt. Nhiều khi những nhân vật nổi tiếng này, với tất cả những nét ưa nhìn và tài năng ca hát, diễn xuất hoặc chơi thể thao, họ lại có những lối sống phù phiếm, vị ngã và hỗn độn. Trái lại, Hội Thánh luôn nêu cho ta thấy những đời sống các Thánh như mẫu gương cho lời mời gọi phổ quát nên thánh. Các Thánh nêu gương mẫu cho chúng ta noi theo để chiến đấu hầu thắng vượt những yếu đuối và tội lỗi của con người và sống gắn bó theo thánh ý Chúa.

Trong cả bốn sách Tin Mừng đều có một sự đối chọi giữa thực tại gọi là đám đông và thực tại gọi là cộng đồng. Đám đông là một tập hợp những cá nhân, được thúc đẩy bởi tư lợi, được đưa đẩy vào với nhau bởi hoàn cảnh và thường vô cảm, dửng dưng. Trong Tin Mừng ta đọc thấy người hành khất Báctimê, hay ông trưởng ty thuế vụ bị thách thức về chiều cao Dakêu cứ ra sức len lỏi tới gần Chúa Giêsu, nhưng đám đông cứ đẩy bật họ đi. Hồi còn nhỏ, câu chuyện Tin Mừng tôi yêu thích nhất là câu chuyện trong đó đám đông quá dày đặc đến nỗi họ không thể nào đưa một người bất toại vào được trong nhà ông Phêrô để anh tới được bên Chúa. Bạn hữu của anh mới đưa anh lên mái nhà, dỡ ngói để có một khoảng trống và dùng dây thả anh xuống ngay trước mặt Chúa, và Ngài đã chữa lành cho anh. Tôi thường nghĩ: “Ồ, tôi muốn có những bạn hữu như thế.” Và tôi hy vọng cũng là một người bạn như thế.

Vâng, trong Tin Mừng, đám đông luôn xô đẩy người ta xa khỏi Chúa, và cộng đồng bao giờ cũng giúp đem người ta lại gần Chúa. Nhiệm vụ chúng ta là biến đổi đám đông thành một cộng đồng. Đó chính là ý nghĩa của phúc âm hóa – của loan báo Tin Mừng, và công việc đó phải khởi sự từ trong các gia đình chúng ta, bằng cách biến đổi một tập hợp các cá nhân thành một cộng đồng, thành hội thánh tại gia, ở đó chúng ta cầu nguyện chung với nhau, chia sẻ đức tin cho nhau, học biết tha thứ và yêu thương vô điều kiện.

Quá nhiều khi thông điệp chớp nhoáng của những bậc cha mẹ theo kiểu máy bay trực thăng là: “Nếu con không xuất sắc về mọi mặt, con sẽ không xứng đáng nhận được tình yêu thương của ta đâu.” Trong các gia đình, ta học biết tha thứ, chia sẻ, chăm sóc và nuôi dưỡng. Ta cần phải quây quần lại với nhau chung quanh bàn ăn của gia đình để cùng ăn uống với nhau. Ta cũng cần quây quần chung quanh bàn tiệc Thánh Thể. Ở tại bàn ăn và bàn thờ ta học biết căn tính của ta, và tìm thấy được sức mạnh để thực sự trở nên đúng căn tính ấy và trao hiến chính mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong thông điệp mới nhất của ngài, Laudato Si’, thúc đẩy chúng ta chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và chăm sóc tất cả những gì Chúa ban tặng, trở thành người bảo vệ các hồng ân của Thiên Chúa. Ngài cũng thường thúc đẩy chúng ta biết chăm sóc lẫn nhau. Đó chính là lý do tại sao chúng ta hiện diện ở đây. Chúng ta hiện diện ở đây để xây dựng nền văn minh tình yêu, để là một bệnh viện dã chiến có khả năng thể hiện tình yêu nhân hậu của Chúa Giêsu.

Chúng ta ở trên trái đất này với sứ mệnh chăm sóc lẫn nhau, xây dựng nền văn minh tình yêu. Ngày hôm nay chúng ta tìm thấy được cảm hứng nơi biết bao người nam cũng như nữ tràn đầy đức tin từng đi trước chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy tái cam kết thi hành sứ vụ này – nhiệm vụ làm môn đệ thừa sai, chuyển giao kho tàng đức tin cho các thế hệ tương lai. Ước mong chúng ta cũng quảng đại, trung thành và thành công như những thế hệ đã đi trước chúng ta.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 95 (Tháng 7 & 8 năm 2016)

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/niem-vui-cua-tin-mung-su-song-40664

Đức Mến luôn tin tưởng và hy vọng (1Cr 13, 8)


  
  •  
  •  


ĐỨC MẾN LUÔN TIN TƯỞNG VÀ HY VỌNG (1Cr 13, 8)

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 29/09/2020

WHĐ (29.9.2020) – “In obsequio Jesu Christi - Trung thành theo gương Đức Giêsu Kitô” không chỉ là khẩu hiệu mà là một cam kết thiêng liêng, là lối sống đầy quả cảm và là cả một di sản tinh thần cao quý mà các tu sĩ Cát Minh đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tinh thần trung tín theo chân Chúa được cụ thể hóa nơi mẫu gương sống của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đóa hồng tinh khôi tươi thắm một tình yêu son sắt và ngát hương trung trinh vẹn toàn. Suốt cả một đời, Thánh Nữ đã tuyệt đối trung thành với lý tưởng “trở nên tình yêu giữa lòng Hội Thánh.” Giữa bao bất ổn của thời đại hôm nay, chúng ta như tìm được sự khích lệ quý báu từ mẫu gương sống của Thánh Nữ Têrêsa. Để vượt qua gian lao nghịch cảnh, chúng ta không trốn chạy nhưng đối diện với chúng bằng đức mến nồng nàn đáng thuộc về một mình Thiên Chúa và lòng bác ái chân thực dành cho anh chị em xung quanh, vì chưng “đức mến thì tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả và sẽ tồn tại đến muôn đời” (x. 1Cr 13, 8).   

Đức mến tin tưởng tất cả

Trải qua muôn vàn thăng trầm biến đổi, Dòng Cát Minh trên thế giới nói chung và tại nước Pháp nói riêng đã có lúc gần như “tuyệt chủng.” Cuối Thế kỷ 18, đầu Thế kỷ 19, giữa những làn sóng bắt hại tôn giáo do cuộc Cách Mạng Pháp (1789) gây ra đã khiến cho lịch sử muôn đời ghi nhớ hình ảnh 16 nữ tu Cát Minh Compiègne can trường thà chịu chết để giữ vững lòng trung thành đối với Đức Kitô, với Giáo Hội, với ơn gọi Cát Minh chứ nhất quyết không chịu phục tùng bất cứ một tà quyền hay lý tưởng trần tục nào. Máu của các nữ đan sĩ ngày đó đã tuôn ra nhuộm thắm đoạn đầu đài trước Dinh Công Lý (tại Paris, Pháp) như thế nào thì nay cũng không ngừng nhuộm thắm hành trình Cát Minh của con cháu hậu duệ. Quả thực, thời nào cũng có những hình thức bắt bớ và bách hại đạo thánh Chúa Kitô. Điều đáng nói là 100 năm sau biến cố Compiègne, hạt giống đức tin và lòng trung thành của 16 đan sĩ Cát Minh đã trổ sinh hoa trái là vị thánh vĩ đại của Thế kỷ 19 - Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người mà các tu sĩ Cát Minh vẫn hay gọi một cách thân thương là “chị Thánh Têrêsa”.  

Đọc lại Truyện Một Tâm Hồn, chúng ta nhận ra rằng bí quyết giúp cho Thánh Têrêsa vượt qua mọi gian nan thử thách mà vẫn kiên trung với ơn gọi tu trì chính là lòng mến mãnh liệt ngày đêm cháy bỏng trong trái tim chị. Lòng mến của chị Thánh dành Chúa Giêsu, nhất là Chúa Giêsu Thánh Thể mạnh đến nỗi dù đang sống trong thời đại và hoàn cảnh mà hầu như tất cả tự do của con người đều bị lấn át bởi luật lệ và quy tắc, vậy mà Têrêsa đã không ngần ngại tuyên bố: “Giáo Hội cũng cần có một con tim nơi mà tình yêu được nuôi sống… Trái tim đó đang ngày đêm khiến cho Giáo Hội đập từng nhịp sống yêu thương.”[1]  Đối với chị Thánh, không có bất cứ một điều luật nào có thể thắng vượt được giới luật do chính Đức Kitô trối lại cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu mến anh em” (x. Ga 15, 17). Quả thật, kể từ khi khám phá ra ơn gọi “trở thành tình yêu”, chị Thánh đã không ngừng dùng tình yêu và sự chân thành mà đối đãi với mọi người xung quanh. Tình yêu Thiên Chúa đã thánh hóa chị và biến đổi chị để chị có khả năng xem xét và đón nhận từng người và từng sự việc theo đúng tiêu chuẩn của đức ái.

Đức mến không chỉ là chuẩn mực Thánh Nữ Têrêsa đã dựa vào đó mà quyết định các lựa chọn quan trọng của đời chị. Đức mến đã tự bao giờ trở thành nếp sống và con người của chị Thánh rồi. Đọc lại tiểu sử của chị, chúng ta không khỏi thắc mắc làm sao một người thiếu nữ nhỏ bé mong manh như Têrêsa mà lại có những tư tưởng táo bạo và một phong cách sống đầy bản lãnh đến làm vậy? Chị Thánh đã từng ước ao không chỉ trở thành một vị anh thư tài ba như Thánh Jeanne d’Arc của nước Pháp lẫy lừng mà còn mong muốn trở thành một linh mục nhiệt thành dấn thân nơi cánh đồng truyền giáo mênh mông của Chúa. Về sau, chúng ta nhận thấy Thánh Têrêsa đã tỏ ra tự tin hơn rất nhiều khi khám phá ra rằng thánh nhân của chị không cần phải làm gì khác để có được tình thương và ân điển của Thiên Chúa. Đây cũng chính là bài học quan trọng vị Thánh trẻ đã truyền lại cho chúng ta. Chị Thánh hoàn toàn xác tín rằng, chúng ta chỉ cần là chính mình, chỉ cần sống chân thực và yêu mến Thiên Chúa cách chân thành nhất thì lúc đó chúng ta sẽ nhận ra rằng mình lúc nào cũng được bao bọc bởi tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Nói cách khác, cho dù chúng tồi tệ đến cỡ nào đi nữa thì Thiên Chúa vẫn một mực yêu thương chúng ta và mong chúng ta hối cải. “Ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Đức Kitô đã chết vì chúng ta, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (x. Rm 5, 8).  

Đức mến không phô trương, không tự đắc.

Cuộc đời vắn vỏi của người nữ tu khiếm tốn Dòng Kín Lisieux lại chứa đựng thật nhiều những bài học mới lạ bổ ích cho tiến trình nên thánh của mỗi người chúng ta. Linh đạo “Con đường thơ ấu thiêng liêng” của chị Thánh nhanh chóng thu hút bao nhiêu Kitô hữu khắp nơi, kể cả giới trí thức và nhất là giới trẻ, chứng tỏ rằng đó là công trình Thiên Chúa đã thực hiện qua con người của Thánh Nữ Têrêsa. “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15). Tinh thần thơ bé của chị Thánh trước hết thể hiện nôi thái độ khiêm tốn tự hạ. Thánh Têrêsa vẫn thường hay nhận mình như một nụ hoa nhỏ dại mọc ven đường trong tương quan đối chiếu với Bông Hoa vĩ đại rạng ngời nhân đức của Vườn Thiên Cung đó chính là Đức Trinh Nữ Maria. Tinh thần khiêm tốn của chị Thánh vạch ra cho chúng ta cả một “chiến lược” nên thánh rõ ràng: Nên thánh không nhất thiết phải làm những chuyện trọng đại cả thể, không nhất thiết phải tử vì đạo hay phải thực hành khổ chế nhiệm nhặt mới là nên thánh. Têrêsa không hề có ý bài xích những phương thế nên thánh mà chúng ta vừa kể, nhưng chị đã đề xuất một phương án mới mang tính đột phá và khả thi hơn nhiều. Nên thánh, đối với Têrêsa, là làm những việc tầm thường nhất một cách phi thường nhất. Bí quyết khiến cho tất cả những gì chúng ta làm trở nên có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa đó chính là tình mến, nghĩa là làm mọi sự vì lòng yêu mến Chúa.       

Đức mến chịu đựng tất cả, hy vọng tất cả.

Lòng mến của Thánh Têrêsa đối với Thiên Chúa còn giúp cho chị trở nên mạnh mẽ phi thường trước vô vàn đớn đau bệnh tật. Các sơ đã từng chăm sóc cho Têrêsa trong những ngày cuối đời đã làm chứng rằng chị Thánh luôn mỉm cười bình an sau những lần bị những cơn ho tra tấn hay thậm chí sau những lần thổ huyết đau đớn cùng cực. Thánh nữ thích dùng những câu nói dí dỏm và lối nói tự trào để diễn tả về bệnh tật thể xác mà chị đã trải qua vào lúc cuối đời. Óc hài hước và trí khôi hài của chị khiến cho những người đến viếng thăm bệnh có cảm giác như họ là người được khích lệ chứ không phải là người đi an ủi kẻ liệt. Giữa lúc thân thể bị bệnh tật dày vò, Thánh Têrêsa vẫn toát lên nghị lực phi thường và truyền nghị lực ấy cho người xung quanh, giúp họ vững lòng trông cậy rằng Thiên Chúa không hề bỏ rơi con người trong lúc bệnh tật ốm đau. Đây chính là niềm hy vọng Kitô Giáo. Thánh Têrêsa đã chỉ cho chúng ta thấy thế nào là vững lòng tin tưởng, vững lòng cậy trông vào tình yêu Thiên Chúa quan phòng. Ngày nay, khi chiêm ngắm lại đời sống thánh thiện của chị Thánh, chúng ta như càng thấm thía hơn với những lời tự sự của Thánh Phaolô Tông Đồ khi xưa:

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được.” (1Cr 13, 1-8)

Đúng vậy, đức mến hay tình yêu theo khuôn mẫu của Thiên Chúa thì không bao giờ mất được vì Thánh Gioan Tông Đồ đã từng quả quyết “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 18) mà Thiên Chúa thì vĩnh cửu, vô thủy vô chung (x. Kh 21, 13). Với đức ái, Thánh Nữ Têrêsa vượt qua mọi nghịch cảnh và nếm trải hạnh phúc thiên đàng ngay tại thế. Thử thách cuộc đời dẫu gian nan khốn khó đến đâu cũng sẽ không thể nhấn chìm và cản bước của những ai một lòng sống chết với lựa chọn “yêu Chúa hết lòng và làm cho Chúa được yêu mến bởi hết mọi người.”[2]


Nhân ngày lễ kính “vị Thánh lớn nhất của thời đại mới”, chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường thơ ấu thiêng liêng mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã vạch ra. Con đường đó đã giúp chị Thánh thành công với ơn gọi “Tình yêu” và sẽ giúp chúng ta giữ vững đức tin và niềm  hy vọng giữa muôn vàn thách đố của thời cuộc: Con đường “trở về với những điều cốt yếu nhất, với bí mật thiêng liêng mà Thiên Chúa đã mạc khải cho những kẻ bé mọn, trở về với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. [3]



[1] x. “Thủ bản Tự Thuật B” trong Truyện Một Tâm Hồn, bản dịch Anh Ngữ của John Clarke, OCD, ICS Publications, 1979

[2] x. Tuyển tập các lá thư viết tay, số 220

[3] x. Bài Giảng của Thánh GH Gioan Phaolô II, Lễ Tuyên Phong Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là Tiến Sĩ Hội Thánh, 19/10/1997


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-men-luon-tin-tuong-va-hy-vong-1cr-13-8--40678

Phương pháp ba bước của cố Hồng Y Carlo Maria Martini khi Lãnh nhận Bí tích Giải tội

 

Phương pháp ba bước của cố Hồng Y Carlo Maria Martini khi Lãnh nhận Bí tích Giải tội

 
  •  
  •  


Phương pháp ba bước của cố Hồng Y Carlo Maria Martini khi Lãnh nhận Bí tích Giải tội và Giao hoà

Carlo Maria Martini
Lm. Xuân Hy Vọng chuyển ngữ

WGPNT(19/09/2020) - Lm. Xuân Hy Vọng lược dịch bài viết của Cha Gio-an Lu-ca “Carlo Maria Card. Martini’s Threefold Method in Approaching The Sacrament of Penance and Reconciliation” (tạm dịch: Theo Hồng Y Carlo Maria Martini, Phương pháp ba bước khi Lãnh nhận Bí tích Giải tội và Giao hoà)

Tác giả cuốn sách “Thừa Tác Viên Phúc Âm” luôn khởi đầu bằng Lời Chúa, và chỉ sau khi suy niệm, cầu nguyện thâm sâu thì mới chia sẻ những suy tư của bản thân về các chủ đề khác nhau. Thiết nghĩ, cách thức này rất thích hợp cho chúng ta khi bàn thảo đề tài “cảm thức về tội lỗi”. Và thật sự, đây cũng là lời mời gọi mở đầu trong Nghi Thức Sám Hối: 
(...) Qua Lời Chúa, Ki-tô hữu lãnh nhận ánh sáng hầu nhận ra tội lỗi của mình và cũng được mời gọi hoán cải, tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tin Mừng: Sức Mạnh Thứ Tha cho Tất Cả Những Ai Tin

Chúng ta thử lướt qua những trưng dẫn Kinh Thánh mà ĐHY Mar-ti-ni dùng trong phương pháp của Ngài. Dưới đây là 3 trưng dẫn trích từ Tin Mừng theo Thánh Lu-ca nói về tác vụ rao giảng Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su, tuy nhiên chúng ta hãy chú ý đến nét tương đồng:

 Chúa Giê-su gọi ông Phê-rô: Lc 5, 1-11

 Chúa Giê-su chữa lành người bất toại: Lc 5, 17-26

 Chúa Giê-su tha tội cho người phụ nữ tội lỗi khi dùng tiệc tại nhà ông Si-mon: Lc 7, 36-50.

Điểm tương đồng trong 3 trưng dẫn trên đó là cảm thức về tội lỗi hoặc ơn được tha tội.

Ở trình thuật thứ nhất, quyền năng và sự thánh thiện của Chúa Giê-su lột tả con người tội lỗi của ông Phê-rô (“Hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”). Phê-rô cảm nhận được có quá nhiều bất ổn trong cuộc sống của bản thân. Và đây, Chúa Giê-su muốn đưa đường chỉ lối cho Phê-rô đến việc tẩy luyện tinh tuyền, lòng khiêm nhu, và nhận ra nhu cầu cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, để rồi ông được thấu hiểu sự bao dung của Tin Mừng và Lời Cứu độ. Chẳng chút bối rối và hà khắc, Chúa Giê-su đã dẫn ông đến con đường hoàn toàn tự do và mang tính nhân vị. Đoạn trần thuật này dạy chúng ta ý thức về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, về quyền năng và sự trọn lành của Ngài hầu giúp chúng ta nhận ra sự yếu đuối, nghèo hèn của mình, cũng như khát khao ơn cứu độ.

Trong trình thuật thứ hai, Chúa Giê-su được xem như là Đấng tha thứ và chữa lành khi Ngài chứng kiến hành động dũng cảm và đầy lòng tin tưởng của những người khiên kẻ bại liệt đến với Ngài bằng việc dỡ mái nhà, thòng người bại liệt xuống trước mặt Ngài.

Sau cùng, đoạn trình thuật thứ ba kể về người phụ nữ tội lỗi dám tiến đến Chúa Giê-su van xin ơn tha thứ qua cử chỉ rửa chân cho Ngài, bất chấp mọi quy định và có thể làm những người xung quanh khó chịu. Hành vi của người phụ nữ này trở nên mẫu gương hoàn thiện cho tất cả những ai đang tìm đến sự thanh luyện và khao khát ơn thứ tha của Thiên Chúa qua hành động yêu thương cảm hoá cả cuộc đời họ. Trên hết, ngôn từ tình yêu chính là trung tâm điểm của trình thuật này: “Cô được tha thứ nhiều vì đã yêu mến nhiều.”

Cả ba trình thuật này nhắc nhở chúng ta rằng rao truyền Tin Mừng, nghĩa là sự tự do nội tại thâm sâu của con người, mà nó hệ tại nơi tiềm năng hay khả năng đích thật của bản thân, giúp họ diễn tả chính mình và vượt lên trên gánh nặng của tội lỗi.

Cách Thức Hoán Cải Cá Nhân

Chúng ta đã nhận thấy ông Phê-rô bị đánh động và nhanh nhẹn thưa “Hãy rời xa con vì con là kẻ tội lỗi”, cũng như người bại liệt nghe lời Chúa Giê-su nói “Tội của anh được tha rồi”, và sau cùng Ngài tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi “Cô được thứ tha nhiều vì đã yêu mến nhiều.”

Giờ đây, chúng ta xem xét kỹ lưỡng về cách thức ăn năn, hối cải của bản thân chúng ta. Cố Hồng Y Car-lô Ma-ri-a Mar-ti-ni đã từng cảm nghiệm “đối thoại hoán cải”, mà hiệu quả là khôi phục lại những giá trị của việc xưng tội theo lối truyền thống, nhưng cũng ảnh hưởng sâu đậm trên chiều kích cá nhân. Vậy đối thoại hoán cải là gì? Nghĩa là cuộc đối thoại với vị đại diện Giáo Hội, cụ thể là linh mục. Qua đó, chúng ta cảm nghiệm được ơn giao hoà trọn hảo hơn khi chỉ mất chút ít thời gian xưng thú tội lỗi của mình. Nếu có thể được, tốt nhất chúng ta nên khởi sự cuộc đối thoại này bằng việc đọc một đoạn Kinh Thánh, ví dụ Thánh Vịnh chẳng hạn, hay một đoạn trưng dẫn phù hợp với tình trạng tâm linh của mình, sau đó cầu nguyện, có thể cầu nguyện tự phát để giúp chúng ta tạo nên bầu khí tĩnh nguyện. Vì vậy, chúng ta có thể theo 3 bước cụ thể mà ĐHY Mar-ti-ni đưa ra như sau: xưng tụng (confessio laudis), giãi bày cuộc sống (confessio vitae) và tuyên xưng đức tin (confessio fidei).

Xưng Tụng: nhắc lại cảm nghiệm của thánh Phê-rô (Lc 5). Thoạt tiên, ông nhận ra Chúa Giê-su vĩ đại dường bao, vì Người thực hiện biết bao nhiêu điều kỳ diệu cho ông, cũng như ban cho ông những ơn hơn cả mong đợi. Điều này có nghĩa là chúng ta tự vấn khi bắt đầu cuộc đối thoại hoán cải này, ví như: “kể từ lần xưng tội trước, tôi nên cảm tạ Chúa vì những điều gì? Khi nào Thiên Chúa gần gũi tôi một cách đặc biệt? Và lúc nào tôi cảm nhận được sự hiện diện và ơn trợ giúp của Ngài? Khởi đầu bằng việc tán tụng và cảm tạ Thiên Chúa giúp chúng ta đặt cuộc sống của chính mình vào chiều kích đúng đắn. Thật ra, bước một này lột tả lòng bất trung của cá nhân tôi, nhưng mặt khác, nó cũng diễn tả cảm thức tín thác đích thực và lòng thư thái cho việc xưng tội nên.

Giãi Bày Cuộc Sống: ở bước này, chúng ta tự vấn như sau: kể từ lần xưng tội trước đến này, tôi hối tiếc điều gì nhất trước Chúa? Điều gì làm tâm tư tôi nặng trĩu? Sau đó, thay vì cố gắng đưa ra một loạt tội lỗi đã phạm – nặng hay nhẹ – chúng ta nên nhìn lại những sự kiện khác nhau làm bản thân bận tâm và những gì chúng ta ước ao giá mà nó đừng xảy ra. Và chính vì lí do này, chúng ta dâng hết tất cả sự việc ấy cho Chúa, xin Ngài thanh luyện và giải thoát chúng ta. Trong cách thức này, chúng ta nhìn lại chính mình cũng như cảm nhận được con người thật của mình. “Tôi muốn điều gì diễn ra? Trước nhan thánh Chúa, điều gì khiến tôi bận tâm? Và tôi ước ao Chúa giải thoát tôi cụ thể từ sự việc gì?” Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa giải thoát chúng ta nhờ quyền năng cứu rỗi của Ngài. Chúng ta hãy dẹp bỏ cách sống luân lý bằng việc cân đo đong đếm với Chúa! Ngài muốn ban ơn bình an và một tâm hồn mới cho chúng ta để chúng ta bắt đầu lại hoàn toàn mới mẻ, thanh thoát.

Tuyên Xưng Đức Tin: đây là bước chuẩn bị để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta nên thưa chuyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết những yếu đuối của bản thân, nhưng con tin rằng Chúa quyền năng, mạnh mẽ hơn chúng. Con tín thác vào sức mạnh của Chúa trải rộng xuyên suốt cuộc đời con, và con tin rằng Ngài sẽ cứu chuộc con như chính con người con.” Đây là lời kinh nguyện tha thiết sau cùng, đặt hết niềm cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Hết sức cần thiết cho chúng ta cảm nghiệm được ơn cứu độ với cả lòng tín thác, hân hoan, vì trong giây phút này Thiên Chúa bước vào cuộc sống của ta và trao ban Tin Mừng: “Con hãy về bình an, Cha đã vác trên mình gánh nặng tội lỗi của con, sự yếu nhọc của con, sự thiếu vắng niềm tin, nỗi đau khổ nội tâm, và thập giá của con. Cha đã vác lấy tất cả những gánh nặng trên mình Cha để con được giải thoát.”

Trong vô số phương pháp, đối thoại này là cách thức hữu hiệu đáng kể cho chúng ta. Xưng tội không chỉ là nghĩa vụ, mà chính là một cơ hội vui mừng cần nhắm tới. Những câu hỏi mà tác giả đề nghị ở trên hàm ý đặt cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với hối nhân ở cấp độ thân mật, khác biệt hơn, hầu giúp cha giải tội bước vào đời sống thật của hối nhân. Vì thế, việc xưng tội được hiểu theo một cuộc đối thoại hoán cải gồm 3 phần, giúp chúng ta tiến đến sự thật về cuộc sống cá nhân, đem lại sự bình an nội tâm nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi cuộc đối thoại này trở nên “bí tích” đích thật của tình yêu bao dung và lòng vị tha của Thiên Chúa.

Nguồn: giaophannhatrang.org  

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/phuong-phap-ba-buoc-cua-co-hong-y-carlo-maria-martini-khi-lanh-nhan-bi-tich-giai-toi-40634