Trang

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

VUI HỌC THÁNH KINH ÔNG AĐAM - BÀ EVÀ


VUI HỌC THÁNH KINH
ÔNG AĐAM - BÀ EVÀ
Sáng thế ký 1, 26-31

 
THÁNH KINH

26 Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."
27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất."29 Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.30 Còn đối với mọi dã thú,
chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy."31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.

Sáng thế ký 1,26-31

26 Then God said: "Let us make man in our image, after our likeness. Let them have dominion over the fish of the sea, the birds of the air, and the cattle, and over all the wild animals and all the creatures that crawl on the ground."27 God created man in his image; in the divine image he created him; male and female he created them.

28 God blessed them, saying: "Be fertile and multiply; fill the earth and subdue it. Have dominion over the fish of the sea, the birds of the air, and all the living things that move on the earth."29 God also said: "See, I give you every seed-bearing plant all over the earth and every tree that has seed-bearing fruit on it to be your food;30 and to all the animals of the land, all the birds of the air, and all the living creatures that crawl on the ground, I give all the green plants for food." And so it happened.

31 God looked at everything he had made, and he found it very good. Evening came, and morning followed--the sixth day.



I. HÌNH TÔ MÀU


* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
* Bạn hãy viết câu Thánh Kinh Stk 1,27ab
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 

II. TRẮC NGHIỆM

01. Những người con của ông Ađam và bà Evà là ai? (St 4, 25)
a. Aben – Sết – Cain.
b. Cain – Aben – Noê.
c. Aben – Cain – Kham.
d. Aben – Sêm – Cain.

02. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Thiên Chúa để con người làm gì? (St 1, 26-27)
a. Trở nên giống Thiên Chúa.
b. Làm bá chủ cá biển, chim trời,…
c. Để con người phục tùng Thiên Chúa.
d. Cả a, b và c đúng.

03. Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa đã nói gì? (St 1,28)
a. Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất.
b. Hãy thống trị mặt đất.
c. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.
d. Cả a, b và c đúng.

04. Thiên Chúa lấy cái gì đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người? (St 2,22)
a. Cái đầu.
b. Cái xương sườn.
c. Cái ngón tay.
d. Cái gót chân.

05. Khi nhìn thấy người đàn bà, con người đã nói gì? (St 2,23)
a. Ôi người yêu của tôi ơi.
b. Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.
c. Ôi em yêu dấu, em đẹp biết bao.
d. Đây là phần thưởng Thiên Chúa dành cho tôi.

06. Thiên Chúa sáng tạo nên con người vào ngày thứ mấy? (St 1, 26-31)
a.Thứ nhất.
b.Thứ năm.
c.Thứ sáu.
d.Thứ bảy.

07. Đây là lời con rắn nói với người đàn bà: ngày nào ông bà ăn trái cây đó … … (St 3,5)
a. Mắt ông bà sẽ mở ra.
b. Ông bà trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.
c. Ông bà sẽ trở nên bất tử.
d. Chỉ a và b đúng.

08. Lời Thiên Chúa nói với người đàn bà : (St 3,16)
a. Ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén.
b. Ngươi phải cực nhọc lúc sinh con.
c. Người sẽ được hưởng hạnh phúc suốt cuộc đời.
d. Chỉ a và b đúng.

09. Lời Thiên Chúa nói với con người : (St 3,17)
a. Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi.
b. Ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời.
c. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn.
d. Cả a, b và c đúng.

10. Thiên Chúa đặt các Kêrubim với lưỡi gươm sáng lóe để làm gì? (St 3,24)
a. Canh giữ đường đến cây trường sinh.
b. Canh giữ ác thần.
c. Xua đuổi ma quỷ.
d. Gìn giữ vườn địa đàng xanh tốt.


III. Ô CHỮ 




Những gợi ý

01. Khi nghe tiếng Chúa gọi, ông Ađam đã có tâm trạng gì vì mình trần truồng? (St 3,10)

02. Sau khi ăn trái cây mà Thiên Chúa cấm, mắt 2 người mở ra và họ thấy mình thế nào? (St 3,8)

03. Thiên Chúa đã lấy cái gì của con người làm thành 1 người đàn bà và dẫn đến với con người? (St 2,22)

04. Người con cả của ông Ađam và bà Evà tên là gì? (St 4,1)

05. Sau khi sáng tạo nên con người, Thiên Chúa đã đặt con người ở đây. (St 2,15)

06. Ông Aben làm nghề gì? (St 4,2)

07. Cha của ông Sết tên là gì? (St 4,25)

08. Cain đã giết ai? (St 4,8)

09. Thiên Chúa sáng tạo nên con người vào ngày thứ mấy? (St 1, 26-31)

10. Con út của ông Ađam và bà Evà tên là gì? (St 4,25)

11. Mẹ của ông aben tên là gì? (St 4,2)

12. Con vật nào đã dụ dỗ bà Evà? (St 3,1)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?


IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

“Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất."
Sáng thế ký 1, 19c



Lời giải đáp VUI HỌC THÁNH KINH
ÔNG AĐAM - BÀ EVÀ

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề :
Thiên Chúa tạo dựng con người

* Thánh Kinh Sáng thế ký 1,27ab

Thiên Chúa
sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo
con người theo hình ảnh Thiên Chúa.”

II. TRẮC NGHIỆM

01. a. Aben – Sết – Cain (St 4, 25).
02. b. Làm bá chủ cá biển, chim trời, … (St 1, 26-27).
03. d. Cả a, b và c đúng. (St 1,28).
04. b. Cái xương sườn St 2,22).
05. b. Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi (St 2,23).
06. c.Thứ sáu (St 1,26-31).
07. d. Chỉ a và b đúng  (St 3,5).
08. d. Chỉ a và b đúng (St 3,16).
09. d. Cả a, b và c đúng (St 3,17).
10. a. Canh giữ đường đến cây trường sinh (St 3,24).


III. Ô CHỮ 

01. Sợ hãi (St 3,10).
02. Trần truồng (St 3,8).
03. Xương sườn (St 2,22).
04. Cain (St 4,1).
05. Vườn Êđen (St 2,15).
06. Chăn chiên (St 4,2).
07. Ađam (St 4,25).
08. Aben (St 4,8).
09. Thứ sáu (St 1, 26-31).
10. Sết (St 4,25).
11. Evà (St 4,2).
12. Con rắn (St 3,1).

Hàng dọc : Ông Ađam bà Evà

NGUYỄN THÁI HÙNG






Vì sao Chúa không làm gì hoặc không ngăn chặn tai ương này?

paris.catholique.fr, Đức Giám mục Philippe Marsset, 2020-03-29
Trên trang web của Giáo hội công giáo giáo phận Paris
Chúa gởi coronavirus đến cho chúng ta? Đại dịch tấn công nước Pháp và thế giới buộc chúng ta phải nghĩ đến các sáng kiến mục vụ mới. Nó đặt ra nhiều câu hỏi về việc duy trì mối quan hệ giữa chúng ta, luôn có mặt bên cạnh những người yếu đuối nhất… Nó cũng đặt ra câu hỏi về Chúa. Để giúp nhau trong giai đoạn khó khăn, chúng tôi quyết định mở trang web này cho các linh mục giáo phận Paris để các linh mục nuôi dưỡng suy tư của mình.
Đức Giám mục Philippe Marsset, giám mục phụ tá giáo phận Paris, tổng đại dịch. © Marie-Christine Bertin
Cách đây một năm, địa phận chúng ta mất nhà thờ chính tòa. Năm nay trong Mùa Chay chúng ta dâng thánh lễ không có giáo dân! Mái nhà thờ chính tòa bị cháy, nhưng trong đêm hỏa hoạn thập giá vinh quang vẫn còn sáng trong nhà thờ. Khi người ta hỏi tôi, có phải Chúa muốn cho có hỏa hoạn này không, tôi đưa hình ảnh thập giá ra vì chúng ta không thể gán mọi sự là Chúa nói, để Chúa gánh tất cả những không hiểu thấu của chúng ta! Thiên Chúa mà chúng ta tin không chỉ hiện diện trong bất hạnh hay trong hạnh phúc, như thử vào một lúc nào đó, Ngài phân phát một sự kiện nào đó làm chúng ta chới với. Ngài cũng không vắng mặt vì có bất hạnh. Ngài luôn ở bên chúng ta, chính chúng ta mới không ở bên Ngài. Nhưng hỏa hoạn hay coronavirus là dịp để một số người bắt Ngài chịu trách nhiệm.
Các con coronavirus gieo sợ hãi vì nó vô hình: chúng ta chưa chế ngự được nó, nó âm thầm, có thể gây chết người và chúng ta truyền nó mà không biết. Như sự dữ, như tội lỗi, chúng ta biết nó qua tác hại của nó để lại trên chúng ta và chung quanh chúng ta. Con siêu vi trùng buộc cả hành tinh phải suy nghĩ về các định hướng của chúng ta trong cuộc sống: vi-rút không có biên giới, nó không có vếc-tơ nào khác hơn là cơ thể, nước bọt, ý chí chúng ta. Nó đặt cho mỗi người chúng ta câu hỏi về sự hiện thân của mình, về tình đoàn kết, về ý nghĩa của trách nhiệm. Trước hết, thái độ và hành vi của chúng ta ở trọng tâm câu hỏi này: Chúng ta sống như thế nào? Chúng ta bảo vệ người khác như thế nào? Thiên Chúa không gởi bất hạnh đến, nhưng câu hỏi được đặt ra: “Vì sao Chúa không làm gì, vì sao Chúa không ngăn chặn?” Câu trả lời, nếu có được một câu trả lời, tôi có thể tìm hoặc trong cơn nổi dậy tức thì của tôi, hoặc khi tôi nhìn lại mối quan hệ của tôi với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa trong nỗi bất hạnh này như thế nào.
Trong Sự Thương Khó của Chúa Giêsu mà Ngài chịu một cách bất công, Ngài giữ đức tin, tình yêu và hy vọng trong nỗi đau đớn này. Ngài không nghĩ đến mình, Ngài nói với mẹ mình, Ngài nói với người kẻ trộm lành, anh sẽ ở thiên đàng với tôi ngay chiều hôm nay, Ngài chăm lo cho môn đệ mình… Ngài không đi tìm ý nghĩa cho sự đau khổ của mình (một giải thích thần học), Ngài mang ý nghĩa của tình yêu, tha thứ, phục vụ, cứu rỗi cho ai tự chính mình không có! Có phải điều bất hạnh chúng ta chịu đựng hôm nay là dịp để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta không?
Và chúng ta bây giờ, trong nhiều tuần không có thánh lễ, đúng ngay giữa Mùa Chay, một khổ hạnh Thánh Thể! Nhưng thực tế không phải vậy: các linh mục vẫn dâng thánh lễ mỗi ngày hiến tế hy sinh của Chúa. Thánh lễ được dâng nhưng chúng ta không hiện diện với thể lý của mình để rước Mình Thánh Chúa. Các ý chỉ cầu nguyện của chúng ta được linh mục dâng trong thánh lễ một mình, hoặc gần như một mình.
Chúng ta không phải là người nắm giữ mầu nhiệm trần thế, hữu hình, nhưng chúng ta dâng theo cách mà Chúa Giêsu đã chọn để hiện diện giữa chúng ta: trong thực tại bí tích. Bí tích đặt chúng ta trong một chiều kích khác, chiều kích của niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Ngày nay chiều kích này được thể hiện qua việc thiếu thánh lễ. Hay đúng hơn, trong thử thách, đó là lòng bác ái xua tan nỗi sợ, đó là lòng thương xót khi thăm người bệnh, đó là đức tin khi chúng ta cầu nguyện không ngừng. Trong tiếng nói này, tín hữu kitô là dấu chỉ của hai chiều kích cấu trúc cho cuộc sống: chiều ngang để sống cho tình huynh đệ và chiều dọc là nguồn của mọi sự sống.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch:

Câu hỏi 109: Thánh Lễ là cho người sống hay cho người chết?

Câu hỏi 109: Thánh Lễ là cho người sống hay cho người chết?

Thánh lễ có thể được cử hành cho người còn sống cũng như người đã qua đời. Tại sao? Bởi vì đó là công nghiệp đời đời Chúa Kitô đã chiến thắng trên thập giá cho chúng ta. Công nghiệp này dành cho linh hồn người còn sống lẫn người đã chết. Chúng ta là một Giáo Hội rộng lớn gồm ba thành phần. Trước hết là Giáo Hội chiến thắng. Giáo Hội này bao gồm tất cả các thiên thần và các thánh trong bàn tiệc vĩnh cửu mà Chúa Kitô đã chuẩn bị cho họ trên thiên đàng. Đó là một cộng đoàn tràn ngập niềm vui. Thứ hai là Giáo Hội đau khổ. Giáo hội này bao gồm các linh hồn trong luyện ngục. Những linh hồn này là những người đã chết trong ân nghĩa với Chúa, nhưng cần được thanh luyện và tẩy rửa thêm vì họ chưa hoàn tất việc đền bù những tội lỗi đã được tha thứ hoặc vẫn còn những vướng mắc thế gian cần phải giải quyết. Cuối cùng là Giáo Hội chiến đấu, là các tín hữu đã được rửa tội, những người luôn chiến đấu với sự thiện chống lại sự dữ.
(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Cả ba Giáo Hội đều hiệp thông cầu nguyện quanh bàn thờ trong Thánh Lễ. Vì có một khoảng khắc phi thời gian và không gian trong Thánh lễ, hy lễ Canvê đi xuyên qua các thời đại và mọi linh hồn, trên thiên đàng, trong luyện ngục, hoặc trên trái đất trong Thánh lễ, dâng lời khen ngợi và phụng thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh lễ là lời cầu nguyện hoàn hảo nhất. Đó là hiến lễ của Chúa Con hằng hữu dâng lên Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần thay cho các tín hữu. Hoa trái của hiến lễ này là ân sủng bí tích.
Các thánh trên trời và các tín hữu trên mặt đất có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục bằng những lời cầu nguyện. Các thánh có thể thay mặt họ chuyển cầu lên Thiên Chúa, và các tín hữu, qua trung gian các linh mục, có thể dâng lễ cầu thay cho họ. Công nghiệp vô cùng Chúa Kitô đã chiến thắng trên thập giá được dành cho linh hồn họ trong Thánh Lễ. Khi đó, các ân sủng thiêng liêng trợ lực cho các linh hồn trong luyện ngục và giảm bớt thời gian cho họ ở đó. Đó là lý do tại sao người Công Giáo xin ý lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thường thì điều này được làm vào ngày sinh nhật hoặc ngày giỗ của họ. Nếu một Thánh Lễ nào đó được dâng cho một người đã qua đời và người đó thực sự ở trên thiên đàng, thì ân sủng này không bị lãng phí. Thay vào đó, linh hồn tiếp theo trong luyện ngục khi đó sẽ được hưởng lợi ích từ Thánh Lễ này.
Thánh lễ cũng có thể được dâng cho người còn đang sống. Một Thánh Lễ được dâng cho một ai đó có giá trị rất nhiều sau khi họ qua đời. Đó là truyền thống dâng lễ cầu nguyện trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm hôn phối hay một số ngày vui khác.
Thật là một món quà ý nghĩa khi tặng ai đó Hy Lễ Thánh của Chúa Giêsu trong ý lễ cho họ.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 151-52.

Câu hỏi 108: Thánh lễ là một việc tưởng niệm hay là một hy lễ?

Câu hỏi 108: Thánh lễ là một việc tưởng niệm hay là một hy lễ?

Thánh lễ vừa là một việc tưởng niệm vừa là một hy lễ. Chúa Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh, và Thánh Lễ trở thành cử hành phụng vụ từ biến cố này. Thứ Năm tuần thánh là đêm trước khi Chúa Giêsu chịu chết. Ngài đã ban bí tích này cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Nhờ những lời này, Chúa Giêsu đã truyền chức linh mục cho mười hai Tông Đồ. Ngài đã làm như vậy để duy trì bí tích Thánh Thể cho đến tận thế. Theo cách này, Thánh Lễ là một việc tưởng niệm. Thánh Lễ làm mới lại hy lễ của Chúa Kitô. Hy lễ thánh lễ không phải là một hy lễ mới hay một hy lễ như các tư tế Do Thái hay ngoại giáo sẽ thực hiện. Đúng hơn, đó là hy lễ của Chúa Giêsu trên thập giá. Một sự khác biệt lớn là hy lễ hiện tại được dâng theo một cách thức không đổ máu.

(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Phần thánh hiến riêng biệt (bánh và rượu) trong Thánh lễ biểu thị sự đóng đinh của Chúa Kitô. Theo cách hiểu của người Do Thái, chết là khi tách lìa máu ra khỏi thân xác. Trong Thánh lễ, khi linh mục thánh hiến bánh, và bái thờ; rồi sau đó thánh hiến rượu, và bái thờ, là biểu thị cho việc tách lìa máu ra khỏi cơ thể, nghĩa là biểu thị sự chết. Hy lễ Thánh lễ cũng là sự phục sinh. Sau khi thánh hiến, và trước khi rước lễ, các linh mục bẻ một mẩu nhỏ Thánh Thể bỏ vào Máu châu báu trong chén thánh. Điều này ám chỉ sự phục sinh. Trong thánh lễ, người Công giáo không tiếp nhận Chúa Kitô đã chết, mà là Đấng Cứu Thế đã phục sinh và được tôn vinh. Mỗi mẩu bánh Thánh, mỗi giọt Máu châu báu là trọn vẹn Đấng Cứu Thế phục sinh. Tất cả những điều này xảy ra như thế nào là một mầu nhiệm đức tin.
Giáo dân không chỉ được rước Mình và Máu Chúa Kitô, mà cả linh hồn và thần tính của Ngài nữa. Bất cứ nơi nào có Chúa Con, thì Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Do đó, người Công giáo lãnh nhận Thiên Chúa Ba Ngôi khi rước lễ, nhưng Chúa Kitô vẫn hiện diện sau Hy lễ Thánh lễ. Ngài vẫn hiện diện bao lâu hình bánh vẫn còn có thể được nhận ra. Một khi hình bánh không còn được nhận ra, người ta tin rằng Chúa Giêsu không còn hiện diện thực sự nữa. Điều này đặc biệt đúng khi Thánh Thể rơi xuống sàn và không thể rước được nữa. Người ta có thể bỏ Thánh Thể đó vào trong một ly nước. Một khi bị hòa tan, họ có thể đổ nước với bánh hòa tan vào trong giếng thánh, giống như một bồn rửa trong phòng thánh dùng cho các đồ thánh, mà không được đổ xuống đất.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 150-51.

Hỏi đáp Triết học (180 -181)

Hỏi đáp Triết học (180) – Tại sao Bernardo Telesio được F.Bacon gọi là “người khởi đầu của thời hiện đại”?

Bernardo Telesio (1509-1588) đã nghiên cứu Triết học, Vật lý và Toán học ở Đại học Padua. Ngài nhận bằng tiến sĩ năm 26 tuổi. Những hoạt động sư phạm của ngài về sau bao gồm những cuộc đối thoại với những người bạn dưới sự bảo trợ của gia tộc Carafa ở Naples. Sau đó, ngài được Đức Giáo Hoàng Gregory XIII (1502-1585) mời tới Rome. Công trình chính của B.Telesio là On the Nature of Things According to their Principles.
(Tượng của Benardo Telesio tại Cosenza, Italia – ảnh st từ Internet)
Sáng kiến của B.Telesio là đề xuất rằng, hiểu biết về tự nhiên được dựa trên thông tin giác quan về vật chất và những ảnh hưởng của hơi nóng và lạnh. Vì sự nhấn mạnh vào thông tin cảm giác này mà Telesio được cho là đặt cơ sở cho những ý tưởng chính xác hơn về nghiên cứu khoa học vốn ngay sau đó được áp dụng trong công trình của Francis Bacon (1561-1626) và Galileo Galilei (1564-1642). Tuy nhiên, những học thuyết riêng của B.Telesio về những hoạt động của tự nhiên lại không đi ra khỏi những viễn tượng của phái Tân-Plato.
Theo B.Telesio, hơi nóng, mà bầu trời làm biểu trưng là nguồn của sự sống và nguyên nhân của những chức năng sinh học. Lạnh được biểu trưng bởi Trái đất và nó đối lại với hơi nóng. Nóng cũng phát sinh “tinh thần”, vốn trong động vật và con người được đặt ở bộ não, vì mục đích của việc dự liệu trước và lãnh nhận thông tin cảm giác. Con người cũng có một anima supperaddita, hay là tâm trí vốn được Thiên Chúa tạo dựng và biểu tỏ bởi cả tinh thần và thân xác. Mọi hữu thể đều có một khát vọng hoặc sự thúc đẩy hướng tới sự tự bảo tồn vốn ở nơi con người bao gồm một mục đích của sự sống đời đời.
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book (Visible Ink




Hỏi đáp Triết học (181-2) – Về thánh Terexa Avila và tư tưởng của ngài

181. Thánh Teresa Avila là ai và những tư tưởng chính của ngài là gì?
Thánh Teresa thành Ávila (1515-1582) gia nhập dòng Carmelite (Cát-minh) năm 22 tuổi và nơi ấy, ngài đi tìm sự hướng dẫn về cách thức cầu nguyện cho tới lúc 47 tuổi. Vào năm 1560 ngài trở thành một bộ phận của phong trào canh tân giữa những tu sĩ dòng Carmelite Tây ban nha. Những trước tác chính của ngài là Vida (Cuộc sống)- tự thuật thiêng liêng của ngài, Way of Perfection (Con đường hoàn thiện) và The Interior Castle (Lâu đài nội tâm). Dự phóng chính của ngài là giúp những độc giả dâng hiến chính mình cho Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thánh Teresa cho rằng, chủ nghĩa thần bí đã phát triển trong nhiều giai đoạn. Trong cuốn Vida, ngài viết rằng, linh hồn giống như một khu vườn. Trước hết, những loài cỏ dại cần phải được loại bỏ và sau đó nước cũng cần được dẫn về từ một cái giếng. Những giác quan cần phải được kìm nén để làm giảm đi sự chia trí trong suốt thời gian đầu của giờ cầu nguyện và suy gẫm. Cầu nguyện trong thinh lặng là giai đoạn thứ hai giống như sự tưới chăm với sự trợ lực của một bánh xe nước; trong giai đoạn thứ ba, một điều kiện chiêm niệm được đạt tới, là giai đoạn có tính loại suy để có một dòng suối tuôn chảy ngang qua khu vườn của họ. Vào lúc này, những giác quan không còn giữ chức năng thông thường nữa và linh hồn muốn rút khỏi thế gian và kết hiệp với Thiên Chúa. Trong giai đoạn thứ 4, sự hiệp nhất này thành tựu.
Trong cuốn The Interior Castle, thánh Teresa sử dụng lối loại suy về một lâu đài với nhiều căn phòng để diễn tả một đời sống chiêm niệm. Sau sáu giai đoạn đầu, linh hồn dần đi vào sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa.
(Tượng Thánh nữ Terexa Avila tại nhà nguyện Cornaro, Italia – Ảnh st từ Internet)
182: Trong cách thức nào mà thánh Teresa thành Ávila được xem là một điển hình của giai đoạn Phục hưng?
Các bài viết của thánh Teresa thành Ávila (1515-1582) đã ghi chép một cách tường tận sự tiến triển về đàng thiêng liêng trong một cách thức mời gọi độc giả mang lấy cùng một con đường ấy cho mình. Không giống với thánh Augustine – tự thú của ngài tập trung hoàn toàn vào Thiên Chúa và cộng đồng tôn giáo, thánh Teresa đã tập trung vào cõi lòng và linh hồn cá nhân. Việc sử dụng hình ảnh giác quan của thánh Teresa và sự sánh ví của ngài trong sự tiến triển chủ nghĩa thần bí với sự tỏ tình và yêu đương trong toàn bộ những bài viết của ngài, hầu chắc chưa từng được viết trong suốt thời kỳ Trung cổ. Trước thời Phục hưng, cũng không hề có tiếng nói người phụ nữ rõ ràng nào có những diễn giải tôn giáo như vậy được tìm thấy.
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book (Visible Ink Pr

Câu hỏi 107: Tại sao trước kia Giáo Hội chỉ dâng lễ bằng tiếng La tinh?

Câu hỏi 107: Tại sao trước kia Giáo Hội chỉ dâng lễ bằng tiếng La tinh?

Thánh Lễ vẫn có thể được cử hành bằng tiếng La tinh, vì đó là ngôn ngữ chính thức của Giáo hội. Trong nhiều nguyện đường, đền thánh, và thậm chí cả giáo xứ, Thánh lễ vẫn tiếp tục được cử hành bằng ngôn ngữ này. Trên thực tế, Công đồng Vatican II đã khuyến khích sử dụng tiếng La tinh. Các bài thánh thi và lời cầu nguyện bằng tiếng La tinh vẫn được giữ lại ngay cả trong các Thánh lễ trong đó các ngôn ngữ bản địa được sử dụng.

(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Thánh lễ đầu tiên được cử hành theo ngôn ngữ của Chúa Kitô, nghĩa là ngôn ngữ Aram cổ đại. Khi thánh Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên, đến Roma, thủ phủ của đế quốc, tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ được các học giả sử dụng, và sau đó nó trở thành ngôn ngữ được dùng trong Phụng vụ trong nhiều thế kỷ. Thần học và triết học đều được dạy bằng ngôn ngữ này. Tiếng Latin được coi là ngôn ngữ phổ thông của người dân. Ý kiến ​​thần học thời đó cho rằng Phụng vụ thánh, Thánh lễ, nên sử dụng ngôn ngữ học giả, như một dấu hiệu của phẩm giá.
Sau thời bình Constantine (từ sau chiếu chỉ Milan 313), Giáo hội được hợp thức hóa và mở rộng nhanh chóng. Đại khái, điều này trùng hợp với sự sụp đổ của Đế chế La Mã ở phương Tây và sự phát triển của các ngôn ngữ bản địa. Tiếng La tinh sau đó trở thành ngôn ngữ của các học giả, thần học gia và triết gia; và do đó, Thánh lễ sau đó đã được dịch sang tiếng La tinh. Trong Đế quốc phương Đông, thủ phủ là Constantinople, tiếng Hy Lạp vẫn được giữ lại.
Trong nhiều thế kỷ, tiếng La tinh thường được sử dụng trong các tài liệu của Giáo hội, Giáo luật, bài đọc sách thánh, cử hành bí tích và cầu nguyện. Tiếng Latinh đã và là ngôn ngữ chính thức của Giáo hội. Chỉ trong thời gian gần đây, Tòa Thánh mới cho phép các ngôn ngữ bản địa được sử dụng để cử hành các Bí tích. Tuy nhiên, việc sử dụng này không có cách nào làm giảm tầm quan trọng của tiếng La tinh trong Phụng vụ.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 149-50.

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Suy Gẫm Các Dấu Thánh Chúa Giêsu


Suy Gẫm Các Dấu Thánh Chúa Giêsu
(Ghi chú: Có thể dùng để suy gẫm hay lần hạt Lòng Chúa Thương Xót)

Lời Nguyện Mở Đầu:
Lạy Chúa Giêsu, làm sao chúng con có thể hiểu thấu được tình yêu và lòng thương xót mà Chúa dành cho chúng con, nếu chúng con không dìm mình vào đại dương lòng thương xót, và suy gẫm các Dấu Thánh của Chúa. Ôi lạy Chúa, con người là chi mà Chúa phải nhớ tới, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm. Chúng con thật quý giá trước mặt Chúa, và hạnh phúc được làm con Chúa.
Xin Thánh Thần Chúa dẫn chúng con đi vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, giúp chúng con nghiệm được những đau đớn mà Chúa đã chịu vì tội lỗi chúng con; để từ đó, chúng con luôn biết tạ ơn Chúa, vui lòng chấp nhận và kết hợp với Chúa trong những thập giá của chính chúng con. Xin ban cho chúng con tìm được sức mạnh nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, biết tín thác nơi Chúa Giêsu lòng thương xót, và đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu phục sinh. Amen.

1- Suy Gẫm Dấu Thánh Mão Gai Chúa Giêsu

Để sỉ nhục Chúa là một vị Vua cao cả trên trời và dưới đất, quân lính đã lột áo Chúa ra, rồi khoác lên Chúa một tấm áo choàng đỏ. Chúng kết một vòng gai làm vương niệm và đội lên đầu Chúa. Những gai nhọn đâm thấu tim óc của Chúa. Những giọt máu chảy lăn dài xuống khuôn mặt của Chúa. Sau đó, quân dữ trao vào tay Chúa một cây sậy, và quỳ xuống chế nhạo rằng: “Tâu vua dân Do-thái”. Ôi, còn sự sỉ nhục nào tệ hơn nữa mà Chúa phải chịu vì tội lỗi của nhân loại. Vì yêu thế gian, Chúa vỗn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Chúa còn hạ mình, vâng lời, cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì vâng theo thánh ý Chúa Chúa cho mục đích cao cả này, Chúa đã cam chịu những gai nhọn đâm vào đầu.

Trong cuộc thương khó của Chúa, Chúa đã nghĩ tới những người đang kiếm tìm vương niệm vinh quang, danh vọng, phú quý chóng qua ở trần gian này, hơn là tìm kiếm những gì thuộc về nước trời. Họ bất chấp tất cả, ngay cả dù phải mất linh hồn để đạt được những mục đích ấy. Chúa càng đau đớn hơn, khi nghĩ tới những mão gai mà con người đã đội lên đầu của nhau, khi họ vu khống, nói xấu, dèm pha, chụp mũ nhau…

Lạy Chúa Giêsu, Suy Gẫm Dấu Thánh Mão Gai của Chúa, chúng con dâng lên Chúa những sự sỉ nhục mà chúng con đã phải chịu vì danh Chúa, vì Tin Mừng và vì yêu mến tha nhân. Những sỉ nhục vì chúng con là người thấp cổ bé miệng, người tứ cố vô thân. Chúng con xin kết hợp và nên một với Chúa trong cuộc thương khó của chúng con. Xin Chúa thêm sức mạnh, nâng đỡ và an ủi con. Amen.

2- Suy Gẫm Dấu Thánh Đôi Chân Chúa Giêsu
Khi vừa lên tới đỉnh đồi Canvariô, chẳng đợi chờ một giây phút nào, quân lính như thú dữ xông tới lột áo Chúa, và xô ngửa Chúa ra trên cây thập giá. Bị kiệt sức và bị ngược đãi, Chúa cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Chúa chẳng hề mở miệng để làm của lễ đền thay tội lỗi nhân loại. Quân lính kéo chân tả và chân hữu Chúa đặt vào thánh giá. Chúng bắt đầu đóng đinh chân Chúa. Tiếng búa chát chúa vang lên cùng với những tiếng gầm gừ hung tợn. Ôi, mũi đinh đóng đầu tiên vào chân làm Chúa đau đớn khôn tả. Ba năm mỏi chân đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân, giờ đây đôi chân Chúa bị đinh sắt đóng vào thập giá.

Trong cuộc thương khó của Chúa, Chúa đã nghĩ tới những người đang vấp ngã, lạc bước, và quay lưng lại với Chúa. Chỉ cần họ sám hối trở về dưới chân thập giá của Chúa, họ sẽ tìm được nguồn tha thứ và hạnh phúc của Chúa. Chúa càng đau đớn hơn khi nghĩ tới thế giới hôm nay đang lầm bước trong đêm tối, họ không chấp nhận Chúa trong đời sống của họ, khi chạy theo tôn thờ những ngẫu tượng, thần tượng của thế gian.

Lạy Chúa Giêsu, Suy Gẫm Dấu Thánh Chân của Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa những lần chúng con yếu đuối sa ngã, những lần chúng con lạc bước. Chúa là đường là sự thật và là sự sống, xin giúp chúng con đừng bước theo con đường giả tạo, tiếng mời gọi nào khác ngoài Chúa. Chúng con xin kết hợp và nên một với Chúa trong mọi nẻo đường chúng con đi. Cho dù trông gai, gian khó, có Chúa là thành lũy che chở, chúng con can đảm và không sợ hãi gì. Amen.

3- Suy Gẫm Dấu Thánh Đôi Tay Chúa Giêsu
Chúa còn đang đau đớn vì đinh sắt đóng thâu qua hai chân Chúa, thì quân dữ lại kéo giãn tay Chúa ra và đóng đinh vào thập giá. Những giọt máu từ vết đinh chảy ra nhỏ xuống đất. Lòng hận thù, giận dữ của binh lính trút lên những nhát búa đóng xuống đôi tay của Chúa. Đôi tay của Chúa đã từng làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5 ngàn người ăn, đã từng đặt lên mắt người mù chữa lành cho họ… thế mà giờ đây lại được trả oán bằng những đinh sắt.

Trong cuộc thương khó của Chúa, Chúa đã nghĩ tới những người đang đóng đinh những người khác qua những lời kết án, nguyền rủa, ghen ghét, hận thù, nói xấu nhau... Chúa đến loan Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân cho nhân loại, nhưng Lời Chúa lại như những hạt giống gieo vào bụi gai và bị chết ngẹt.

Lạy Chúa Giêsu, Suy Gẫm Dấu Thánh Tay của Chúa, chúng con hãy dâng lên Chúa những lần chúng con bị người khác đóng đinh, bị hiểu lầm, vu khống. Những lần chúng con bị ức hiếp, bị trừng phạt, cấm đoán, khinh chê, ruồng bỏ… Xin Chúa sẽ nâng đỡ và bổ sức cho chúng con, vì ách của Chúa thì êm ái và gánh Chúa thì nhẹ nhàng. Amen.  

4- Suy Gẫm Dấu Thánh Cạnh Nương Long Chúa Giêsu
Buổi chiều tím trên đỉnh đồi Canvariô hoang vắng, quân lính reo hò dựng Thánh Giá Chúa lên như một chiến tích lẫy lừng. Thân xác nặng kéo giãn đôi tay và lồng ngực Chúa ra. Chúa nhớ lại lời Chúa đã nói với dân chúng: “một khi được giương lên khỏi mặt đất, Chúa sẽ kéo mọi người lên với Chúa”. Chúa biết giờ ấy đã gần đến. Chúa cố gắng dùng đôi chân đẩy người lên để có thể hít thở dễ hơn, nhưng Chúa đã quá yếu sức không thể làm được điều đó. Chúa âu yếm cúi xuống nhìn Mẹ Maria, và người môn đệ yêu dấu lần cuối. Chúa kêu lên một tiếng phó linh hồn trong tay Chúa Chúa, rồi trút hơi thở.
Quân lính biết Chúa đã chết, nhưng nào họ có tha cho Chúa. Họ không đánh giập ống chân Chúa, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, nhưng một người đã lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa. Tức thì, từ trái tim Chúa vọt ra dòng nước hằng sống, và lòng thương xót cho toàn thể nhân loại.

Trong cuộc thương khó của Chúa, Chúa đã nghĩ tới những người có trái tim chai đá, vô cảm và đầy hận thù. Những điều này làm xé nát trái tim Chúa. Chúa muốn nói với họ như đã nói với Giêrusalem: “đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái các ngươi lại như gà mẹ ấp ủ các con dưới cánh, nhưng các ngươi không chịu”.

Lạy Chúa Giêsu, Suy Gẫm Dấu Thánh Cạnh Sườn của Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa những thương tích trong trái tim chúng con chưa được chữa lành, khiến chúng con không thể yêu thương, không thể tha thứ, không thể chấp nhận và buông thả được. Xin dòng máu từ trái tim Chúa làm mới lại trái tim của con. Xin Chúa bước vào đời sống, làm chủ cuộc đời chúng con, và chữa lành các thương tích cho chúng con. Amen.


5- Suy Gẫm Dấu Thánh Cây Thánh Giá Chúa Giêsu
Chúng ta thấy trên Thập giá là một ông vua nghèo nàn nhất, một ông vua sinh ra trong máng cỏ đêm đông giá buốt, và khi lìa đời, chết treo giữa trời không tấm áo che thân, không mồ chôn. Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con Thiên Chúa đến thế gian không có nơi gối đầu. Ơn Cứu Độ đã đi vào lịch sử với cái chết treo trên thập giá của Chúa Giêsu. Đối với người đời, đó là một cái chết ô nhục và thập giá là định mệnh oan trái, nhưng đối với Thiên Chúa là một tình yêu cao cả, vì nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Sự chết của Chúa Giêsu mang lại sự sống cho nhân loại. Chứng tích tình yêu Chúa để lại cho thế gian là cây Thánh Giá. Nơi thánh gía chúng ta tìm thấy tình yêu và ơn cứu độ của Chúa. Và Chúa mời gọi: Ai muốn theo Chúa, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Chúa.
Trong cuộc thương khó của Chúa, Chúa đã nghĩ tới những người khước từ, ghét bỏ thập giá của mình, những người chất nặng thập giá lên vai của của người khác. Những cây thập giá của sự cay đắng, hận thù, ghen ghét, ích kỷ, chia rẽ, bất hòa… khiến Chúa đã ngã xuống đất trên đường lên đồi Canvariô.

Lạy Chúa Giêsu, Suy Gẫm Dấu Thánh Cây Thánh Giá của Chúa, chúng con xin dâng Chúa những thập giá chúng con đang có trong cuộc đời, để xin Chúa thêm sức mạnh, nâng đỡ, an ủi chúng con. Chúng con tin rằng không một thử thách nào đã xảy ra cho chúng con mà lại vượt quá sức của chúng con; nhưng một khi để chúng con bị thử thách, Chúa sẽ cho kết thúc tốt đẹp. Chúng con xin đặt niềm tín thác, cậy trông nơi Chúa, và luôn nhớ rằng: ơn của Chúa đã đủ cho chúng con, vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Xin Chúa luôn ở bên chúng con. Amen.

Lời Nguyện Kết Thúc:
Lạy Chúa Giêsu, khi Suy Gẫm các Dấu Thánh trong cuộc thương khó của Chúa, chúng con cảm nghiệm được sự đau đớn của Chúa là dường nào vì tội lỗi của chúng con, và vì yêu thương chúng con. Xin nhận chìm chúng con vào các thương tích thánh của Chúa để chữa lành thân xác, linh hồn chúng con. Xin in khuôn mặt thương tích của Chúa vào lòng chúng con như in vào khăn bà Veronica vậy, và cho chúng con có trái tim tan chảy trước tình yêu Chúa chết cho mỗi người chúng con. Chúng con quyết tâm dốc lòng sám hối ăn năn, và vui lòng đón nhận thập giá mình bước theo Chúa. Có Chúa ở bên chúng con, cùng đồng hành với chúng con, chúng con không còn sợ chi. Chúng con tin tưởng và tín thác cuộc đời của chúng con vào lòng thương xót của Chúa.

Kính Lạy Dấu Thánh Mão Gai Chúa Giêsu.
Xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
Kính Lạy Dấu Thánh Đôi Chân Chúa Giêsu.
Xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
Kính Lạy Dấu Thánh Đôi Tay Chúa Giêsu.
Xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
Kính Lạy Dấu Thánh Cạnh Nương Long Chúa Giêsu.
Xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
Kính Lạy Dấu Thánh Cây Thánh Giá Chúa Giêsu.
Xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Amen.

Cát Minh