Trang

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Bốn lời khuyên của linh mục Pascal Ide để chiến đấu với mối tội đầu

Bốn lời khuyên của linh mục Pascal Ide để chiến đấu với mối tội đầu

lavie.fr, Anne-Laure Filhol, 2017-02-22
Linh mục Pascal Ide thuộc giáo phận Paris, thành viên cộng đoàn Emmanuel, bác sĩ, tiến sĩ thần học và triết lý. Linh mục xuất bản quyển sách Bảy mối tội đầu hay sự xấu chúng ta phải chống lại (Les 7 Péchés capitaux ou ce mal qui nous tient tête, nxb. Mame)
  1. Nhận biết tội của mình
Không phải nói mình là “kẻ có tội”, mình “bất toàn” là đủ. Nói như thế không cam kết gì và ai mà không có tội, ai mà hoàn hảo? Các bạn hãy xét mình một cách sáng suốt, nêu ra tội chính xác của mình. Để làm được công việc này, phải nhìn thẳng vào các ước muốn sâu đậm của mình. Thánh Tôma Aquinô nói, mọi tội dựa trên một khao khát tự nhiên. Chẳng hạn, quan tâm thái quá đến tiền bạc dẫn đến tội hà tiện. Bạn hãy đặt cho mình các câu hỏi như: Từ khi nào khát khao tiền bạc của tôi trở thành thái quá? Đâu là số lần lặp đi lặp lại tật xấu này của tôi? Tôi có khó khăn khi cự lại nó không? Mối tội hà tiện này đã gây ra các lỗi lầm nào khác trong đời tôi? Khía cạnh nào trong đời tôi và những người nào đã bị tác động bởi mối tội này? Đâu là các tổn thương đã làm dễ dàng cho việc phạm mối tội này?
  1. Thuận ý với nó
Thuận ý không phải với tội nhưng nhận mình có trách nhiệm với tội, không tìm cách biện minh hoặc làm nhẹ nó: “Tôi ăn quá, nhưng chuyện cũng thường thôi, tôi bị stress…”; “đáng lý tôi không sỉ nhục bạn, nhưng bạn phải biết, bạn xứng đáng bị tôi sỉ nhục”.
  1. Mở lòng mình ra với lòng thương xót
Khi biết tội mình, có thể bạn sẽ bị nản chí. Nhưng điều tệ nhất là bạn mù quáng. Bạn đừng quên là cái khốn cùng của bạn làm Chúa thương xót bạn. Nói rằng Chúa không thể thương mình vì các khốn cùng của mình là ngăn Chúa không phải là Chúa, Chúa không biết làm gì khác hơn là yêu thương. (1 Ga 4, 8.16). Khi chúng ta phạm tội, chúng ta đừng bị rơi vào cám dỗ khép kín mình lại nhưng hãy mở quả tim thương tổn của mình ra để hướng về Chúa. Than khóc cho các cùng khổ và số phận của mình thì vô ích, chỉ làm chậm thời gian quay về với Chúa Cha. Nhận thức sự dữ cũng bao gồm nhận thức biết sự Thiện, như bóng tối tách ra trên nền ánh sáng.
  1. Quyết định có một quyết tâm
Ý chí muốn hoán cải được thể hiện qua hành động cụ thể, dù hành động này rất nhỏ, bạn cố gắng giữ quyết tâm này hàng ngày. Bạn sẽ dần dần xóa đi một vài tật xấu để dọn đường cho các đức tính tốt mới được phát triển.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

21 lời hối tiếc trên giường chết!

21 lời hối tiếc trên giường chết!


fr.aleteia.org, Sư huynh Nelson Medina, 2016-12-17
Chúng ta tất cả đều nghe: “Trên giường chết không ai nói ‘phải chi tôi để nhiều thì giờ hơn để làm việc…’”. Các hối tiếc thường về “những gì mình đã làm và không làm”.
Sư huynh Nelson đưa ra một số câu thầy thường nghe khi tháp tùng những người sắp chết.
  1. Bao nhiêu lần tôi đã làm gương xấu và có người đã theo gương xấu đó.
  2. Tôi đã dửng dưng trước sự đau khổ của người anh em.
  3. Tôi đã đã không nói những lời khen ngợi, những lời biết ơn, những lời khuyến khích với những người xứng đáng được nghe hay những người cần nghe.
  4. Tôi đòi phần cho các thành công của tôi, nhưng lại lên án các tình huống đã làm cho tôi thất bại.
  5. Tôi thiếu tôn trọng sự vô tư của một người hoặc tôi chận các giấc mơ của người khác.
  6. Đã tiêu tiền cho những chuyện mà tôi không cần và tôi không bao giờ dùng đến.
  7. Biết bao nhiêu lần tôi đã chậm tha thứ và tôi không cố gắng đủ để tha thứ.
  8. Tôi đã lợi dụng những người thương tôi để có được những chuyện chỉ vì ích kỷ.
  9. Đã không hướng dẫn những người đáng lý tôi phải giáo dục, trước khi quá trễ,
  10. Đã không đi thăm hoặc không bỏ thì giờ đủ cho người anh em, vì tôi thấy họ không có gì lợi, không giúp gì được cho tôi.
  11. Biết bao nhiêu lần tôi chạy trốn thập giá.
  12. Biết bao nhiêu lần tôi thích nịnh hót dù tôi biết đó là sai.
  13. Tôi đã nói những lời dữ dằn, thô tục, vô lễ.
  14. Đã tham dự vào các cuộc nói chuyện chế nhạo Chúa, đức tin hay Giáo hội.
  15. Đã phí phạm thì giờ cho những chuyện phù phiếm… Bỏ phí thì giờ không thể lấy lại được.
  16. Tôi đã hứa mà không làm.
  17. Bao nhiêu lần đáng lý tôi phải cầu nguyện nhiều hơn và nhất là yêu thương nhiều hơn.
  18. Đã quên Chúa.
  19. Đã làm tổn thương người anh em cách này cách khác.
  20. Đã thiếu tình thương. Đáng lý tôi yêu Chúa và người anh em nhiều hơn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

20 Nét đặc biệt của Đức Phanxicô

20 Nét đặc biệt của Đức Phanxicô


Đức Phanxicô có rất nhiều nét đặc biệt, chỉ gói gọn trong 20 nét là để tóm các điểm nổi bật trong triều giáo hoàng của ngài, nhưng cũng không thể nào gọi là những điểm nổi bật nhất vì điểm nào cũng có nét đặc biệt riêng của nó. Sau đây là hai mươi nét đặc biệt của ngài:
  1. Ngài đề cập đến những chi tiêu hoang phí của Giáo hội
Trung bình phẩm phục của các hồng y trị giá trên 20 000$. Ngài đã xin các hồng y ăn mặc khiêm tốn và đừng phí phạm tiền bạc vào công việc này.
  1. Ngài mời một em bé bị chứng lang-đon-đao lên ngồi cùng xe với ngài
Ngày 19 tháng 6-2013, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Phanxicô đã mời em Alberto di Tullio, một thanh niên 17 tuổi bị chứng lang-đơn-đao lên ngồi cùng xe với ngài để đi một vòng quảng trường Thánh Phêrô. Em Alberto và cha của em rất xúc động khi được Đức Phanxicô dành cho ưu tiên này.
Ngài ôm hôn ông Vinicio Riva
Ngày 6 tháng 11-2013, 00 buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã ôm hôn ông Vinicio Riva, ông bị chứng bệnh di truyền. Ông chống chõi với cơn đau khủng khiếp mỗi ngày. Hành vi của Đức Phanxicô đã tạo niềm tin cho người mà mỗi lần ra đường họ thường bị chế nhạo.
Ngài lên án các phê phán về người đồng tính
Đức Phanxicô lên tiếng nhiều lần, rằng Giáo hội không được quyền can thiệp về mặt tinh thần trong cuộc sống của những người nam, nữ đồng tính. Dù ngài có tư cách để nói lên các ý kiến về vấn đề đồng tính nhưng ngài cho rằng, người Kitô không được phê phán hay chế diễu những người đồng tính. Điều này làm cho tờ báo “The Advocate”, một tờ báo bênh vực quyền lợi cho người đồng tính, cho rằng Đức Phanxicô là người duy nhất trong năm 2013 có ảnh hưởng mạnh nhất trên các người nam nữ đồng tính.
Ngài dâng thánh lễ ở Nhà tù Casal del Marmo
Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 17 tháng 4-2014, Ngài dâng thánh lễ ở Nhà tù Casal del Marmo một nhà tù dành cho trẻ thiếu niên phạm pháp ở vùng ngoại vi Rôma. Trong thánh lễ ngài đã rửa chân và hôn chân 12 em để nhớ lại hành vi khiêm tốn Chúa Giêsu đã làm với các tông đồ của ngài hôm trước ngày chịu nạn. Trong buổi lễ này, ngài đã vượt lên truyền thống, ngài rửa chân cho phụ nữ và cho cả người Hồi giáo.
Ngài yêu cầu bảo vệ rừng già Amazon
Trong lần viếng thăm nước Ba Tây nhân Ngày Thế Giới Trẻ tháng 7-2013, ngài gặp các thổ dân đang đấu tranh chống các nhà chăn nuôi, các nhà nông nghiệp muốn lấn chiếm đất của họ. Ngài khuyến khích phải xem vùng Amazon như một khu vườn và phải bảo vệ nó cũng như phải bảo vệ các thổ dân.
7. Ngài đã gọi điện hỏi thăm an ủi một nạn nhân bị hiếp dâm
Một phụ nữ Argentina, 44 tuổi, bị một cảnh sát hiếp, bà là một trong hàng ngàn người viết thư cho Đức Phanxicô trong năm 2013. Bà rất ngạc nhiên khi nhận cuộc điện thoại của Đức Phanxicô, ngài an ủi bà và nói với bà: “Bà không khổ một mình”.
8. Ngài tặng chiếc xe Harley-Davidson của ngài để bán đấu giá cho người nghèo
Ngài được quà tặng là chiếc xe Harley-Davidson, tháng 10 năm 2013, ngài giao chiếc xe này cho công ty bán đấu giá để họ bán lấy tiền dùng cho việc sửa căng tin và căn nhà để giúp người nghèo và người vô gia cư ở Roma có nơi ăn ở.
  1. Ngài công nhận những người vô thần cũng là những người tốt
Năm 2013, Đức Phanxicô tuyên bố chống cách nói chung chung của Giáo hội, cho rằng tự bản chất, người vô thần là người không tốt. Ngài khẳng định, “người vô thần cũng là người tốt nếu họ làm điều tốt”. Sau cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô, tổng thống Uruguay, ông Jose Mujica người tự nhận mình là vô thần đã so sánh Đức Phanxicô như người láng giềng thân thiện.
  1. Ngài tố cáo hệ thống kinh tế toàn cầu
háng 5-2013, Đức Phanxicô tố cáo hệ thống kinh tế toàn cầu đã áp chế người nghèo, biến con người thành vật dụng tiêu dùng lâu dài. Ngài nói “tiền bạc dùng để phục vụ chứ không phải là cùng đích!”
  1. Ngài đấu tranh cho việc đối xử không tốt với trẻ con
Trong những năm vừa qua, Giáo hội Công giáo bị chấn động mạnh về các viện dẫn và các thú nhận đã đối xử không đúng với trẻ con của các thành viên trong Giáo hội. Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên có những biện pháp hiệu quả để chống tội ác tàn bạo này. Ngài đã đổi luật của Vatican để đưa những vụ lợi dụng trẻ con là một tội ác và ngài thành lập một Hội đồng để xét xử.
  1. Ngài lên án cuộc nội chiến đầy bạo lực ở Syria
Đối với việc dùng vũ khí hóa học ở Syria, ngài yêu cầu thiết lập hòa bình và tuyên bố: “Không bao giờ được tái lập chiến tranh. Bạo lực không dẫn đến hòa bình, chiến tranh sinh chiến tranh, bạo lực sinh bạo lực”.
  1. Ngài đề nghị bỏ vào quỹ từ thiện tiền thưởng của nhân viên
Khi một tân giáo hoàng được bầu chọn, các nhân viên của Vatican nhận được tiền thưởng. Sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã xin được chuyển khoản số tiền thưởng này vào một cơ quan từ thiện.
  1. Ngài chống lại sự ám ảnh của Giáo hội đối với các vấn đề như phá thai, hôn nhân đồng tính và ngừa thai.
Dùng lối nói lý luận, Đức Phanxicô đã làm cho các tín hữu bị sốc khi tuyên bố Giáo hội có một ám ảnh không lành mạnh về chuyện phá thai, hôn nhân đồng tính và ngừa thai. Ngài chỉ trích Giáo hội đặt giáo điều trước tình yêu, ấn định thứ bậc các giáo điều luân lý thay vì phục vụ người nghèo và những người ở bên lề xã hội.
  1. Ngài kêu gọi sự hợp tác giữa các Kitô hữu và người đạo Hồi
Trong một buổi Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô tỏ lòng tôn trọng ngày kết thúc thời gian ăn chay Ramadan. Ngài tuyên bố người Kitô hữu và người theo đạo Hồi cùng thờ một Chúa, ngài hy vọng tín hữu hai đạo cùng làm việc chung để cổ võ cho lòng tôn trọng chung.
  1. Ngài vui vẻ chụp selfie với các bạn trẻ
Trong cái gọi là cùng khám phá để cùng tiến bộ, Đức Phanxicô gặp các người trẻ và cùng họ thử trò chơi tự chụp chân dung. Tiếp nhận hiện tại, chắc chắn ngài mời gọi Giáo hội ân cần hơn để chấp nhận tương lai.
  1. Ngài mời những người vô gia cư đến dự sinh nhật của ngài
Ngày 17-12-2013 ngài mới các người vô gia cư  (và họ được đem theo chó của mình) đến ăn sinh nhật với ngài. Ngài muốn có một buổi sinh nhật nhỏ có một ý nghĩa hữu ích hơn là một lễ sinh nhật lớn và tốn tiền.
  1. Ngài để yên cho Carlos, một em bé bị bệnh tự kỷ đến gần và ôm hôn ngài
Khi đọc bài diễn văn về năm đức tin, em Carlos đã lên bục đứng bên cạnh ngài. Ban An ninh cố gắng đưa em đi xuống nhưng em không chịu, Đức Phanxicô để em tiếp tục ở bên cạnh ngài.
  1. Ngài nâng đỡ người tị nạn
Tháng 4-2016, trên chuyến bay từ đảo Lesbos, Hy Lạp về Rôma, ngài đem 12 người tị nạn về theo mình giúp họ có một đời sống ổn định tại Ý. Đối với ngài, người tị nạn là người anh em của mình.
  1. Người nghèo, người bệnh, trẻ em, người vô gia cư luôn ở trong trái tim của Đức Phanxicô.
Ngài mời họ nghe nhạc, mời họ vào xem Nhà Nguyện Sixtine, mở nhà tắm, tiệm cắt tóc, nhà ngủ để phục vụ cho các nhu cầu tối thiểu của họ.
Ngài còn đến ăn cơm với nhân viên ở Vatican, ngài đi thăm các linh mục đã về lập gia đình…
Ngài còn làm rất nhiều việc khác nữa, chúng con không thể kể hết được, chúng con chỉ biết cầu nguyện cho ngài sống lâu sức khỏe!

Các điểm mốc trong tiểu sử Đức Bênêđictô XVI

Các điểm mốc trong tiểu sử Đức Bênêđictô XVI


Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald. Nxb. Fayard.
1927
16 tháng 4: Josef Aloisius Ratzinger sinh ngày Thứ bảy Tuần thánh lúc 4h15 sáng tại Marktl am Inn, thuộc giáo phận Passau, Đức quốc, được rửa tội lúc 8h30 cùng ngày. Cha của ngài là Josef Ratzinger (6 tháng 3-1877-25 tháng 8-1959), nhân viên cảnh sát. Mẹ của ngài là bà Maria Ratzinger, tên họ riêng là Paintner (8 tháng 1-1884-16 tháng 12-1963), con của một gia đình làm bánh. Là người con thứ ba của gia đình, chị cả là Maria Theogona (7 tháng 12-1921-2 tháng 11-1991), anh kế là Georg (15 tháng 1-1924).
1929-1942
11 tháng 7-1929: Gia đình dọn về Tittmoning.
5 tháng 12-1932: Dọn về Aschau am Inn.
Tháng 4-1937: Thân phụ về hưu, gia đình mua một căn nhà, một nông trại cũ (có từ năm 1726), định cư ở Hufschlag, gần Traunstein.
1937: Vào trường Traunstein.
16 tháng 4-1939: Vào tiểu chủng viện giáo phận Saint-Michel ở Traunstein.
1943-1945
Tháng 8-1943 đến tháng 9-1944: Thanh niên đoàn của Lực lượng phòng không (DCA) ở Unterfưhring, ở Ludwigsfeld, gần  Munich và ở Gilching, gần Ammersee.
Mùa thu 1944: Phục vụ cho đế quốc Đức (Reich) ở Burgenland nước Áo.
13 tháng 12-1944: “Gia nhập bộ binh của binh đoàn thứ 179 lực lượng trừ bị và lính tinh nhuệ”.
Tháng 5-1945: Bỏ hàng ngủ Wehrmacht.
Từ tháng 5 đến 19 tháng 7-1945: Tù chiến tranh trong một trại của Mỹ gần Neu-Ulm.
1946-1958
3 tháng 1-1946 đến mùa hè 1947: Học triết học và thần học ở Freising. Sau đó học thần học ở Đại học Munich.
Cuối mùa thu 1950 đến tháng 6-1951: Năm phó tế ở Đại chủng viện Freising.
29 tháng 6-1951: Thụ phong linh mục ở Nhà thờ chính tòa Freising.
Bắt đầu 1 tháng 7-1951: Linh mục phụ tá ở Munich-Moosach (giáo xứ Saint-Martin).
Bắt đầu 1 tháng 8: Cha phó ở Munich-Bogenhausen (giáo xứ Máu Cực Thánh).
1 tháng 10-1952 đến 1954: Giáo sư thỉnh giảng ở Đại Chủng viện Freising.
1953: Tiến sĩ thần học ở Đại học Munich (luận án: Dân Chúa và Nhà Chúa trong tư tưởng của Thánh Âugutinô về Giáo hội).
Từ năm 1953-1954: Giáo sư ngoại hạng về thần học tín điều và cơ bản ở Đại Chủng viện Freising.
1957: Giáo sư Đại học Munich về Thần học cơ bản (Chủ đề: Thần học của lịch sử nơi Thánh Bonaventure); lần bảo vệ luận án đầu tiên bị thất bại vì chống với nhà tín điều học Michael Schmaus.
1 tháng 1-1958: Giáo sư thần học tín điều và cơ bản ở Freising.
1959-1977
1959-1963: Giáo sư thần học cơ bản ở Đại học Bonn.
Tháng 8-1959: Thân phụ qua đời ở Traunstein.
1962-1965: Cố vấn cho Hồng y Joseph Frings, giáo phận Cologne và chuyên gia công đồng của Công đồng Vatican II. Thành viên của Ủy ban tín lý của Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban thần học quốc tế ở Rôma.
1963-1966: Giáo sư thần học tín lý và lịch sử tín điều ở Westfälische Wilhelms-Universität, Münster.
Tháng 12-1963: Thân mẫu qua đời.
1966-1969: Giáo sư thần học tín lý và lịch sử tín điều ở phân khoa thần học công giáo Đại học  Tübingen.
1968: Xuất bản Đức tin Kitô hôm qua và ngày nay (Einfiihrung in das Christentum).
1969-1977: Giáo sư Tín lý và Lịch sử tín điều tại Đại học Ratisbonne.
1976-1977: Phó viện trưởng Đại học Ratisbonne.
1977-1981
25 tháng 3-1977: Tổng Giám mục giáo phận Munich và Freising, Đức Phaolô VI bổ nhiệm.
28 tháng 5-1977: Tấn phong Giám mục ở Munich.
29 tháng 6-1977: Tấn phong Hồng y.
25 tháng 11-1981:  Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh và Ủy ban Thần học.
1982-2005
28 tháng 2-1982: Rời Toà Tổng Giám mục Munich và Freising.
1986-1992: Chủ tịch Ủy Ban Soạn Thảo Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo.
Tháng 9-1991: Bị tai biến, nằm nhiều tuần ở bệnh viện.
2 tháng 11-1991: Chị Maria qua đời, chị lo văn phòng và nhà ở của em mình trong ba mươi bốn năm.
1992: Thành viên Viện Khoa học Luân lý và Chính trị, nước Pháp.
1993: Hồng y-giám mục tòa Velletri-Segni.
1998: Được bầu Phó niên trưởng Hồng y đoàn.
2002: Niên trưởng Hồng y đoàn.
2 tháng 4-2005: Đức Gioan-Phaolô II qua đời.
8 tháng 4-2005: Niên trưởng Hồng y đoàn, ngài cử hành tang lễ Đức Gioan-Phaolô II.
2005-2013
19 tháng 4-2005: Sau 26 giờ mật nghị và sau lần bỏ phiếu thứ tư, Joseph Ratzinger là Giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội công giáo La Mã. Ngài lấy tên Bênêđictô XVI. Đó là Giáo hoàng người Đức đầu tiên sau Giáo hoàng Adrien VI, 482 năm trước đó. Và đó là cũng là giáo hoàng đầu tiên của thời hiện đại để logo miện trên huy hiệu giáo hoàng, biểu hiệu của uy quyền thế tục, thay vì để trên mũ giám mục.
Tháng 8-2005: Tham dự Ngày Thế giới Trẻ ở Cologne, Đức với hơn một triệu người tham dự.
Tháng 10-2005: Thượng hội đồng giám mục ở Rôma.
2006: Bỏ chức “Thượng phụ phương Tây”. Bắt đầu cải cách Giáo triều với việc sát nhập nhiều hội đồng giáo hoàng. Hành hương Ba Lan và thăm trại tập trung Auschwitz. Tông du Tây Ban Nha nhân dịp ngày Gặp gỡ Quốc tế gia đình. Thăm Bavière, nơi sinh của ngài. Gặp Thượng phụ Báctôlômêô I của Giáo hội chính thống ở Istanbul. Công bố Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu (Deus caritas).
Trong 2 872 ngày giáo triều của mình, Đức Bênêđictô XVI đã thảo 18 tự sắc, 116 tông hiến, 144 tông huấn. Thêm vào đó là 278 tông thư, 242 thư cho các đại diện Giáo hội và các chính quyền. Các tác phẩm của ngài gồm các thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, Niềm hy vọng Cứu rỗi, Bác ái trong Chân lý (Deus caritas est, Spe salvi, Caritas in veritate). Thông điệp thứ tư của ngài, Ánh sáng Đức tin (Lumen fìdei) được vị kế nhiệm công bố. Được in hàng triệu ấn bản, tác phẩm ba quyển về Chúa Giêsu được in trong 20 ngôn ngữ và được các tín hữu trên 72 nước đọc.
Đức Bênêđictô XVI cử hành 352 nghi lễ phụng vụ, có 340 buổi tiếp kiến (không kể các chuyến tông du nước ngoài và các buổi tiếp kiến riêng), ngài công bố 62 án tôn phong chân phước và 28 án phong thánh. Ngoài 27 buổi cầu nguyện, 352 bài giảng, ngài còn đọc 452 lần Kinh Truyền Tin/Regina Caeli với tín hữu. Trong triều giáo hoàng của mình, ngài đọc tổng cộng 1491 bài diễn văn. Ngài đi 24 chuyến đi ngoài nước Ý (22 nước) và 30 chuyến đi trong nước Ý. Các lần ngài xuất hiện ở Rôma và Castel Gandolfo thu hút 18 triệu người đến tham dự.
1 tháng 2-2013: Vào năm thứ tám của triều giáo hoàng của mình, Đức Bênêđictô XVI tuyên bố từ nhiệm và có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 2-2013. Ngài là giáo hoàng đầu tiên đang tại chức từ nhiệm chức vụ của Thánh Phêrô.
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Từ Joseph Ratzinger đến Bênêđictô XVI

Từ Joseph Ratzinger đến Bênêđictô XVI


liberation.fr, Sylvain Mouillard, 2013-02-11
Ở trong đoàn thanh niên Hitler trong tuổi thơ ấu, Joseph Ratzinger đã thành một thần học gia danh tiếng trước khi là giáo hoàng thứ 265 vào năm 2005. Tám năm đứng đầu Giáo hội bị đánh dấu bởi nhiều vấn đề.
Joseph Alois Ratzinger sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 ở Marktl, Bavière, là người con út của ông bà Joseph – Maria Ratzinger. Thân phụ của ngài là hiến binh, ông giữ đạo sốt sắng và rất lo lắng cho phong trào phát xít đang lên rất mạnh ở Đức.
Hình chụp năm 1932, Joseph Ratzinger vào chủng viện năm ngài 12 tuổi. Photo Reuters
Joseph Ratzinger ở trong phong trào thanh niên Hitler. Hình chụp năm 1943 trong bộ đồng phục quân nhân phụ tá trong đội phòng không Munich, bị người Mỹ bắt và bỏ tù và được trả tự do vào tháng 6 năm 1945.
Photo KNA-Bild. AFP
Ngày 29 tháng 6-1951, Joseph Ratzinger (bên phải) cùng với anh cả Georg và người bạn Rupert Berger được thụ phong linh mục. Học hành xuất sắc, ngài tiếp tục học thần học và từng bước thăng chức trong thứ bậc Giáo hội công giáo. Ngài tham dự Công đồng Vatican II từ năm 1962 đến 1965, ngài bảo vệ các quan điểm có tính cách cải cách.
Photo KNA-Bild. Reuters
Năm 1977, Joseph Ratzinger là Tổng Giám mục giáo phận Munich, sau đó được Đức Giáo hoàng Phaolô VI phong hồng y. năm 1981, Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm ngài đứng đầu Bộ Tín lý đức tin. Ngài tham dự vào việc chấn chỉnh lại các thần học gia giải phóng ở Châu Mỹ La Tinh và những người tìm một tổng hợp giữa các ý tưởng hiện đại và giáo điều xưa cổ. Ở Đức ngài có biệt danh “hồng y xe tăng, Panzerkardinal”.
Photo Reuters
Gặp gỡ giữa Ratzinger và Đức Gioan-Phaolô II năm 2004. Hai người có các liên hệ rất vững chắc: Giáo hoàng là các bục giảng và truyền thông, Hồng y Ratzinger là thần học chặt chẽ.
Photo Reuters
Sau khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời, Đức Hồng y Joseph Ratzinger là giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội. Ngài được bầu chọn ở vòng bầu thứ tư, thắng Hồng y Argentina Jorge-Maria Bergoglio. Bài giảng trước khi họp mật nghị nói lên các khát nguyện của ngài, khát nguyện quay về nguồn: “Có được đức tin trong sáng, theo Đức tin của Giáo hội thường bị cho là theo trào lưu chính thống. Người ta đang tái lập nạn độc tài theo chủ thuyết tương đối hóa, một chủ thuyết không xem cái gì là có tính cách quyết định”.
Photo Arturo Mari. Reuters
Một vài tuần sau khi được bầu chọn, Đức Bênêđictô XVI cử hành Ngày Thế Giới Trẻ tại Cologne, nước Đức. Ngày 21 tháng 8 năm 2005, gần một triệu tín hữu về nghe ngài nói những lời: “Cùng với sự lãng quên Thiên Chúa là sự bùng nổ về mặt tôn giáo. Tôi  không muốn làm mất uy tín tất cả những gì trong khuynh hướng này (…). Nhưng trong bối cảnh này, tôn giáo trở nên gần như là một sản phẩm tiêu dùng. Người ta lựa chọn cái gì làm mình hài lòng, và thậm chí có một số người còn rút tỉa lợi ích từ đó”.
Photo Michael Dalder. Reuters
Tại biệt thự mùa hè Castel Gandolfo, Đức Bênêđictô XVI đã đối diện với cuộc tranh cãi lớn đầu tiên của triều giáo hoàng của mình. Ngày 17 tháng 9 năm 2006, ngài xin lỗi người hồi giáo trên toàn thế giới sau khi phát biểu tại Regensburg về vấn đề hồi giáo và bạo lực.
Photo Dario Pignatelli. Reuters
Tháng 7 năm 2007, Đức Bênêđictô XVI nghỉ hè. Vào đầu tháng, ngài công bố một văn bản cho phép sử dụng rộng rãi truyền thống thánh lễ Latinh. Một biện pháp để đưa vào Giáo Hội phong trào Công giáo bảo thủ cực đoan do giám mục người Pháp Marcel Lefebvre thành lập, người bị vạ tuyệt thông thành lập.Photo Reuters
Một bầu khí đen mới cho giáo hoàng vào tháng 1 năm 2009. Quyết định bỏ vạ tuyệt thông cho bốn giám mục theo trào lưu chính thống của Huynh đoàn Thánh Piô X đã tạo tranh cãi. Một trong các giám mục này, giám mục Richard Williamson đã tuyên bố “chỉ có từ 200 đến 300 000 người Do Thái bị thiệt mạng trong các trại tập trung, nhưng không có một ai trong phòng hơi ngạt”.
Photo Tony Gentile. Reuters
Trong chuyến đi Bồ Đào Nha tháng 5 năm 2010, Đức Bênêđictô XVI thừa nhận “các tấn công chống lại Giáo Hội không những đến từ bên ngoài, nhưng còn từ những đau khổ đến từ bên trong, các tội lỗi từ trong nội bộ Giáo hội.” Hai năm trước đó, ngài đã thố lộ mình “xấu hổ”, đó chỉ là mới việc ghi nhận có rất nhiều tai tiếng về nạn ấu dâm trong Giáo hội Công giáo, nhất là ở Mỹ. Photo Stefano Rellandini. Reuters
Ký giả Peter Seewald, người đồng tác giả với Giáo hoàng đưa cho ngài quyển sách “Ánh sáng của thế gian” (Lumière du monde). Một quyển sách xuất bản tháng 11 năm 2010, trong đó Đức Bênêđictô XVI xác nhận, lần đầu tiên trong lịch sử giáo hoàng, bao cao su có thể là một điều xấu nhỏ dưới mắt Giáo Hội. Ngài vẫn còn rất bảo thủ về các vấn đề phong tục khác như (phá thai, trợ tử, gia đình, đồng tính luyến ái).
Photo Reuters
Năm 2012 là năm của vụ Vatileaks. Ông Paolo Gabriele, quản thủ của Giáo hoàng bị cho là người chịu trách nhiệm chính trong việc rò rỉ tài liệu mật của Vatican cho báo chí. Vụ này gây căng thẳng trong nhiều giới, giữa người bảo thủ và tiến bộ, giữa người theo truyền thống và theo hiện đại, giữa người chủ trương trong suốt và người chủ trương bảo mật.
Photo Alessandro Bianchi. Reuters
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

TỪ BỎ ĐỂ SỐNG MÙA CHAY


TỪ BỎ ĐỂ SỐNG MÙA CHAY

Thứ Tư Lễ Tro là khởi đầu Mùa Chay. Mùa Chay tới, nhiều người nghĩ phải cố gắng từ bỏ điều gì đó để bước theo Đức Kitô. Tuy nhiên, những điều này lại thường ítảnh hưởngđến cuộc sống, chúng ta “khôn lỏi” lắm!

Dưới đây là 40 thứ có thể từ bỏ để sống Mùa Chay. Không phải là những thứ liên quan việc ăn uống, nhưng chúng thực sự cần từ bỏ. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, mỗi ngày cố gắng từ bỏ 1 điều. Trong 40 điều này, có những điều không chỉ từ bỏ trong Mùa Chay mà phải từ bỏ suốt cả đời.

1. SỢ THẤT BẠI – Bạn không thành công nếu chưa trải qua thất bại. Đúng như tục ngữ Việt Nam nói:“Thất bại là mẹ thành công”.

2. VÙNG AN TOÀN – Đó là “vùng thoải mái”, sợ khó. Dám ra ngoài “vùng”này thì chúng ta mới có thể khám phá những điều mới lạ.

3. CẢM THẤY HOÀI NGHI – Có lúc chúng ta nghi ngờ rằng không biết Tạo Hóa có tạo dựng nên mình hay không.Hãy xác định như tác giả Thánh Vịnh: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự”(Tv 139:13-16).

4. THIẾU KIÊN NHẪN – Thời giờ của Thiên Chúa là thời giờ hoàn hảo. Mọi thứ đều đúng hẹn, đúng kỳ theo ý Ngài tiền định và quan phòng.

5. SỐNG ẨN DẬT – Còn hít thở, chúng ta còn sống với người khác và tương tác với họ vì Đức Kitô. Công việc của chúng ta luôn ảnh hưởng người khác.

6. LÀM VUI LÒNG NGƯỜI KHÁC – Không ai có thể làm vừa lòng mọi người, nhưng chúng ta phải luôn cố gắng làm vui lòng người khác, còn họ có vừa lòng hay không là phần của họ.

7. SO SÁNH – Một là cảm thấy mình kém cỏi hơn người khác, hai là cảm thấy mình “ngon lành” hơn người khác. Dạng nào cũng không được.

8. TRÁCH CỨ – Chúng ta có xu hướng không dám nhận lỗi, và luôn muốn đổ lỗi cho người khác.

9. PHẠM TỘI – Nhân vô thập toàn. Mặc dù chúng ta là tội nhân, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta, và Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta. Hôm nay là ngày mới, hôm qua đã không còn.

10. MẤT TỰ CHỦ – Do đó chúng ta khó có thể hoàn tất công việc và làm tốt hơn.

11. THIẾU DỰ ĐỊNH – Các quyết định khôn ngoan hiếm khi trở thành vô ích.

12. KHÔNG MINH BẠCH – Một là không minh bạch về điều này hoặc điều nọ (khuất tất), hai là không trong sạch (nhân đức).

13. TỰ QUYỀN – Thiên Chúa không mắc nợ chúng ta điều gì, thế giới cũng chẳng mắc nợ chúng ta điều gì. Hãy cố gắng sống trong ân sủng và khiêm nhường.

14. LÃNH ĐẠM – Cuộc đời có bao nhiêu mà hững hờ. Không quý mến nhau thì cũng đừng kèn cựa nhau. Tranh chấp nhau, giành giật nhau, hơn thua nhau làm gì?

15. GHEN GHÉT – Hãy cảnh giác kẻo mắc lừa ma quỷ, bởi vì chúng rất ranh mãnh. Kinh Thánh căn dặn:“Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác”(Rm 12:21).

16. TIÊU CỰC – Hãy cố gắng quan hệ hòa nhã với mọi người. Tránh né người khác là tiêu cực, mà cũng chỉ vì chúng ta không coi trọng người khác nên mới tránh né họ.

17. MÊ VẬT CHẤT – Hãy nhớ rằng có Thiên Chúa là có tất cả,mất Thiên Chúa là mất tất cả: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23:1).

18. SỐNG MÁY MÓC – Càng đầu tư nhiều thì càng có lợi nhiều. Về tinh thần và tâm linh cũng vậy.

19. THAN PHIỀN – Đừng cằn nhằn, khó tính, than thân trách phận hoặc trách móc người khác,hãy cố gắng xử lý và giải quyết vấn đề cho thấu đáo.

20. BẤT CẦN – Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc cả đời này và đời sau. Đó là niềm vui sống. Đừng buông xuôi, bất cần đời!

21. GAY GẮT – Đó là tự làm khổ mình, và tất nhiên cũng làm khổ người khác. Tâm bất an thì không thể nào sống vui và sống khỏe, bệnh tật phát sinh từ đó.

22. CHIA TRÍ – Cuộc sống có nhiều thứ khiến chúng ta chia trí,vì thế cầnphải tập trung vào mục đích của mình.

23. MẶC CẢM – Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta, dù chúng ta xấu xa và tội lỗi: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27:10).

24. TẦM THƯỜNG – Cuộc đời chúng ta có thể không ai biết đến, không có gì khác thường, sống rất bình thường, nhưng tuyệt đối đừng sống tầm thường.

25. GÂY CHIA RẼ – Chia rẽ là chết, đoàn kết mới sống. Khuyến khích nhaulà điều cần thiết, mọi nơi và mọi lúc: “Phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần”(DT 10:25).

26. BẬN RỘN – Đó là “huy hiệu danh dự” của người mê công việc mà bỏ bê những thứ cần thiết khác.

27. CÔ ĐỘC – Có Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không cô độc. Ngài luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta.

28. BẤT HÒA – Xung đột là mối nguy cho cuộc sống, cả đời thường và tâm linh. Xung đột xảy ra thì không thể hợp tác. Sự cộng tác và đồng tâm nhất trí rất cần: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”(Mt 18:19).

29. VỘI VÀNG – Dục tốc bất đạt. Dù to hay nhỏ, cái gì cũng cần có thời gian, không thể một sớm một chiều.

30. LO LẮNG – Thiên Chúa kiểm soát mọi sự,chúng ta có lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:33-34).

31. THẦN TƯỢNG HÓA – Đừng thần tượng hóa bất cứ ai, bắt chước là ngu xuẩn, hãy cứ là chính mình! Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo mà thôi.

32. CỐ CHẤP – Cuộc sống luôn phải thay đổi để thích nghi mọi thứ. Cố chấp là ích kỷ, là hèn nhát.

33. KIÊU NGẠO – Thiên Chúa hạ bệ kẻ kiêu ngạo, nhưng nâng cao người khiêm nhường (Lc 1:51-52).

34. NÔNG CẠN – Đừng nói rằng vấn đề khó quá, chính vấn đề khó đó cho chúng ta biết Thiên Chúa vĩ đại.“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Thái Học).

35. ĐỐ KỴ – Người Pháp có câu nói chí lý: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác”. Mọi người đều là anh em và là con một Cha trên trời.

36. VÔ ƠN BẠC NGHĨA – Cuộc sống là những ngày tháng chúng ta mắc nợ Thiên Chúa mọi, chúng ta cũng mắc nợ tha nhân và xã hội nhiều thứ. Do đó, chúng ta không thể không biết ơn Thiên Chúa và cuộc đời.

37. THAM LAM – Thiên Chúa có kế hoạch riêng dành cho mỗi người: “Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta” (Is 45:4). Hãy cố gắng làm trọn công việc Ngài giao phó.

38. TỰ MÃN – Chúa Giêsu là sức mạnh của chúng ta:“Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết”(Pl 4:13). Có Ngài thì chúng ta mới làm được công kia việc nọ, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm nên trò trống gì đâu: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

39. ƯU SẦU – Buồn thì cứ khóc, xong rồi thôi. Đừng giam mình trong vòng ưu sầu. Mọi sự sẽ qua, cứ tín thác vào Thiên Chúa:“Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người”(Tv 30:5b).

40. CUỘC ĐỜI – Thế gian là cõi tạm, rồi sẽ qua đi. Đừng coi nặng vật chất, kể cả cuộc sống của chúng ta, tất cả chỉ là bụi tro mà thôi. Chúa Giêsu đã nói:“Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”(Ga 12:25).

TRẦM THIÊN THU(biên soạn theo GreaterThingsToday)
Khởi đầu Mùa Chay – 2017