Trang

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Lời nguyện mùa Chay thánh

 

Lời nguyện mùa Chay thánh

Mùa Chay của Giáo Hội Công Giáo thường được gọi là Mùa Chay Thánh. Một phần vì trong Mùa Chay, con cái giáo hội gia tăng các việc thực hành đạo đức và thánh thiện. Nhưng quan trọng hơn, Mùa Chay là mùa nhắc lại cho mỗi người về ơn gọi nên thánh của mình.

Trong hành trình vượt qua sa mạc để tiến về Đất Hứa, qua trung gian Môsê, Thiên Chúa đã gởi đến cho toàn dân lệnh truyền nên thánh: “Hãy nói với dân ta rằng: các ngươi hãy là Thánh, vì Ta, Thiên Chúa của các ngươi, là Đấng Thánh” (Lv 19, 2)

Chúng ta là những người được tháp nhập vào dân Thiên Chúa bằng phép Rửa Tội. Chúng ta cùng chia sẻ ơn gọi nên thánh với toàn thể dân Thiên Chúa. Với phép rửa tội, mỗi người được thánh hóa để trở thành vương đế, tư tế, và ngôn sứ của Thiên Chúa. Vương đế là người sống xứng đáng với phẩm vị là con cái Thiên Chúa. Tư tế là người phụng sự Thiên Chúa. Ngôn sứ là người loan báo cho mọi người biết về một Thiên Chúa là Cha tốt lành và thánh thiện. Sống đúng với ơn gọi của mình, mỗi người sẽ là một vị thánh của Chúa.

Có thể với nhiều người trong chúng ta, ơn gọi nên thánh là điều còn quá xa lạ và cao vời, là điều chỉ dành cho một số thành phần trổi trang trong Giáo Hội. Tuy nhiên, trong giáo hội của Thiên Chúa, một vị thánh không phải là một kẻ từ trên trời rơi xuống, nhưng là một người từ dưới đất đi lên. Là con người sống giữa trần gian, ai cũng phải chịu ít nhiều những dằng con níu kéo của phù hoa vật chất, của yếu đuối xác thịt. Một vị thánh không hẳn là người được giải phóng hoàn toàn khỏi những níu kéo trần tục, nhưng đúng hơn, là người có thể hướng về Chúa ngay giữa những níu kéo ấy. Một vị thánh là người biết cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa để vượt thoát khỏi những điều thấp hèn và hướng đời mình đến những giá trị cao quý hơn. Ai cũng nên thánh từ chính những yếu đuối của thân phận con người.

Tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, cậy trông vào sự trợ giúp của Chúa, và yêu mến Thiên Chúa là Đấng Thánh, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện cho việc sống ơn gọi nên thánh của mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa,
trong thời điểm này của Mùa Chay
Chúa mời gọi chúng con sống trong niềm vui.
Vui vì chúng con là những người được Chúa ghé mắt đoái thương,
được tuyển chọn và kêu gọi để nên thánh.
Vui vì đời sống của chúng con có một ý nghĩa và mục đích rõ ràng.
Là con cái Thiên Chúa, chúng con sống và xây dựng đời mình
để mỗi ngày một trở nên giống Chúa hơn.

Nhưng lạy Chúa
Chúa vẫn biết chúng con chỉ là những con người bằng xương bằng thịt
với đầy những yếu đuối và thấp hèn, với cả những kém cỏi và tệ bạc.
Đôi lúc, việc sống với những điều phàm tục
lại khiến chúng con cảm thấy dễ dàng
hơn là phải chiến đấu để sống cho những điều cao cả thánh thiêng.
Đôi khi việc đắm chìm vào trong những thú vui xác thịt
lại khiến chúng con cảm thấy thoải mái
hơn là hướng đến một đời sống thanh thoát và trong sạch.
Cuộc sống càng ngày càng có nhiều cám dỗ hấp dẫn
chỉ muốn trói chặt chúng con vào mặt đất này
và ngăn cản chúng con hướng lòng về trời cao.

Lạy Chúa,
Được Chúa chọn ngay giữa thế gian này,
là một ơn gọi cao quý, nhưng cũng là một thách đố cho chúng con
Làm sao để chúng con sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian.
Làm sao để chúng con đi giữa những tạp nhạp của cuộc đời
mà vẫn vươn lên như đóa sen thanh khiết và thơm ngát.
Mùa Chay là mùa sống với ơn gọi nên Thánh của mình,
là mùa để chúng con sống trong niềm tín thác bền bỉ,
trong niềm hạnh phúc trọn vẹn, và trong niềm bình an sâu lắng
Niềm vui của cuộc đời chúng con chỉ có ý nghĩa,
hạnh phúc của cuộc đời chúng con chỉ trọn vẹn,
và bình an của tâm hồn chúng con chỉ sâu lắng,
khi chúng con sống đúng với ơn gọi của đời mình
là bước đi mỗi ngày trên con đường nên thánh.

Chúa đã mời gọi chúng con bước lên đường
chắc chắn Chúa cũng ban đủ ơn lành
để chúng giúp con vững bước trong cuộc hành trình.
Xin cho chúng con biết yêu quý con đường nên thánh.
Xin giúp chúng con biết hướng lòng mình luôn về Chúa
và cộng tác với Chúa mỗi ngày
trong công trình xây dựng cuộc đời mình,

thành một vị thánh của Chúa. Amen. .

Cao Gia An, S.J.


https://dongten.net/l%e1%bb%9di-nguy%e1%bb%87n-mua-chay-thanh/

Thần học từ dưới lên giúp đọc Thánh Kinh

 

Thần học từ dưới lên giúp đọc Thánh Kinh

  • “Chúa ơi, lúc này con đang buồn vì chuyện gia đình. Trong lúc con đọc Lời của Ngài, xin đến an ủi và giúp con với.”
  • “Mình đang bế tắc trong chuyện làm ăn. Không biết quyết định sao cho đúng ý Chúa. Mình cần đọc một đoạn Kinh Thánh nào đó để hy vọng Chúa giúp mình.”
  • “Tại sao lại có đau khổ nhỉ? Mình cần kể cho Chúa nghe những đau khổ của nhân loại, cần Lời Chúa hướng dẫn trước những câu hỏi về thế thái nhân tình.”

Ba trường hợp trên đây chúng ta đang đứng trước một lối nhìn “thần học từ dưới lên–Theology from below”. Có lẽ đây là cụm  từ rất mới đối với nhiều người. Tuy vậy những ai đã học thần học, họ thường bắt gặp thuật ngữ ngày. Trước tiên, thần học nghĩa là học về Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ là đối tượng để chúng ta tìm hiểu và tra khảo, nhưng quan trọng hơn, thần học còn là gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi khôn ngoan. Đây là “Nền thần học quỳ gối”[1]. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta bắt gặp một khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Chính mầu nhiệm nhập thể phắc họa rõ nét nền thần học “từ dưới lên”.

Thiên Chúa đến ở với và chia sẻ cuộc sống với con người. Ngôi Lời như là Đấng trung gian để nối kết con người với Thiên Chúa. Ngôi Lời ấy gần gũi và hiểu được con người. Chính con người cũng hiểu được những gì Ngôi Lời nói trong Kinh Thánh. Theo giáo sư Phêrô Phan Đình Cho: “Thần học Ba Ngôi của Karl Rahner là một nền thần học khởi đi từ dưới lên hoặc từ dưới (from below) như nó là, nghĩa là, khởi đi từ những kinh nghiệm cụ thể và lịch sử của chúng ta về sự thông ban chính mình của Thiên Chúa (God’s self – communication) trong ba phương thức của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[2]

Có lẽ giải thích của Alfons Auer giúp ta hiểu thế nào là thần học từ dưới lên: “Đó là khởi đi từ kinh nghiệm về con người đem tất cả những cái đó vào trong nhãn giới đức tin nơi Đức Kitô.” Nói cách khác, những biến cố đang xảy ra, những điều chúng ta đang vướng bận, hãy mang chúng vào trong cầu nguyện. Rồi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta hy vọng cảm nhận được bàn tay của Thiên Chúa trong mỗi biến cố cuộc đời. Theo cách này chúng ta sẽ thấy thú vị hơn nhiều khi cầu nguyện với Kinh Thánh, vì ba lý do sau đây:

  1. Kinh Thánh là cuộc sống

Có lẽ cuốn Kinh Thánh không chỉ là lời của Thiên Chúa, nhưng còn là lịch sử của một dân tộc Israel. Trải qua bao biến cố thăng trầm của dân tộc, “tác giả Kinh Thánh” đã lắng nghe được tiếng Chúa. Họ biết cách lồng ghép những câu chuyện lịch sử có thật vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì điều này mà nhiều người cảm thấy Kinh Thánh như là sách lịch sử, một lịch sử Thánh. Thực tế Thiên Chúa không nói mông lung, nhưng nói trong từng biến cố. Vì thế chúng ta rất dễ nhận ra bàn tay của Chúa trong các câu chuyện Thánh Kinh. Đơn giản là Kinh Thánh được viết lên từ chính kinh nghiệm của con người về Thiên Chúa.

Có lẽ nét nổi bật nhất chúng ta phải kể đến Đức Giêsu như là con người lịch sử. Trong bốn cuốn Tin Mừng, Đức Giêsu luôn gần gũi. Ngài tìm mọi cách để con người hiểu về mầu nhiệm Nước Trời. Nhất là trong các dụ ngôn, ngài dùng vô số hình ảnh đời thường để khéo léo giải nghĩa những điều khó hiểu. Nếu đọc Thánh Kinh, chúng ta nhận ra mình trong đó. Chẳng hạn dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,36-43): lúa tốt, cỏ lùng, mùa gặt, nhổ cỏ, bội thu, lúa lép, v.v. Chúng ta đọc cũng hiểu Đức Giêsu lấy những câu chuyện này từ cuộc sống để diễn giải Nước Trời. Nhờ đó dân chúng có thể hiểu được. Đây là nền thần học từ dưới lên.  

Đức Giêsu khởi đi từ bối cảnh của con người. Ngài hiểu được từng hoàn cảnh của những ai Ngài gặp. Mỗi người đều có lịch sử riêng, có văn hóa và cách nghĩ khác nhau. Chính Thiên Chúa là Đấng Emmanuel “bắt chuyện” với họ. Rồi trong chính câu chuyện ấy, Thiên Chúa từ từ tỏ lộ thần tính hoặc căn tính của Thiên Chúa ra. Cách này khiến họ cảm nhận được, tuy nhiên cần thời gian. Hơn nữa, chúng ta cũng cảm thấy dễ đón nhận Lời Chúa, khi thấy mình trong đó. Nói cách khác, cuộc sống của mình hình như cũng cần Lời của Chúa chỉ dạy. Đây là cách chúng ta cầu nguyện trong tư thế “từ dưới lên”.  

  1. Ánh sáng Lời Chúa chiếu rọi lối ta đi

Đêm tối chúng ta cần đèn chiếu sáng. Lúc thất vọng ai cũng cần đỡ nâng. Khi lầm đường lạc lối, người ta cần ai đó chỉ đường. Nói chung nếu có vấn đề, chúng ta cần đối diện để giải quyết. Một trong những cách thế là hãy để Thiên Chúa giúp mình. Cụ thể, hãy mang những vấn đề, tâm tư tình cảm và suy nghĩ của mình vào trong cầu nguyện. Thiên Chúa thích nghe những tâm sự của ta. Nếu hiểu theo cách này, những chia trí mà chúng ta hay nói là nên tránh, có khi là những chia trí cần thiết. Nghĩa là gì?

Thưa, bạn đang buồn sầu vì mất người thân yêu. Nỗi buồn thướng tiếc ấy cứ ở trong tâm trí bạn. Trong khi đó, bạn cũng muốn chạy đến với Chúa, muốn đọc Kinh Thánh để tìm niềm ủi an. Sẽ là ảo tưởng nếu bạn loại bỏ hoàn toàn chia trí này trong cầu nguyện. Trong hoàn cảnh này, các nhà tu đức khuyên bạn cứ mang những buồn đau ấy kể cho Chúa nghe. Một mặt bạn chút bầu tâm sự cho Chúa; mặt khác cũng quan trọng, bạn để Lời Chúa hướng dẫn mình trong hoàn cảnh cụ thể này. Chúa ban ơn và hướng dẫn bạn vượt qua khó khăn này bằng chính Lời của Ngài. Một khi bạn cảm nhận được ánh sáng lời Chúa tác động lên  bạn, kinh nghiệm về Thiên Chúa sẽ sống động hơn nhiều.

Thực ra nền thần học từ dưới lên không quá mới, vì đã có trong Tin Mừng. Phần lớn các câu chuyện Tin Mừng đều nói đến trước hết là nỗi bận tâm của con người, sau đó là Chúa sẽ trợ giúp. Chẳng hạn câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35). Rồi những người ốm đau, tội lỗi, khổ sầu hay mất định hướng, họ mang những vấn đề của mình đến kể cho Đức Giêsu nghe. Trước nỗi đau này, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và làm phép lạ chữa lành bệnh tật. Trong đó, Đức Giêsu thường hướng người ta đến chân lý Nước Trời, đến sự sống vĩnh cửu. Đó là nền thần học từ dưới lên.  

  1. Có Chúa đồng hành

Nếu đọc Kinh Thánh trong cái nhìn từ dưới, chúng ta dễ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi biến cố cuộc đời. Dấu ấn của Thiên Chúa được nhìn từ trong chính các thực tại, vốn gần với ta. Nói theo ngôn ngữ thần học của Karl Rahner “thần khí trong thế giới”, “Thế giới của Ân sủng dư đầy[3]. Chỗ khác Rahner cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong Thế Giới, nghĩa là: “Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể bao hàm tất cả mọi khía cạnh của con người, cả những góc độ đối lập nhau cũng có thể hợp nhất, vì tất cả đều qui tụ về Thiên Chúa. Chỉ có sự hợp nhất và vô biên của Thiên Chúa mới có thể làm cho con người hòa hợp, vì Thiên Chúa hợp nhất những đa nguyên giới hạn chứ không khai trừ một thành phần nào.”[4]

Vì điểm trên mà nhiều nhà thiêng liêng cổ vũ một lối cầu nguyện chiêm niệm. Chẳng hạn thánh Phanxicô Assisi và Bonaventura nổi tiếng với cách chiêm ngắm thiên nhiên, thế giới như là cuốn sách Kinh Thánh chúng ta cần đọc với ngũ quan. Trong khi đó thánh I-nhã nhận thấy cần “chiêm niệm trong chính hoạt động”[5] hằng ngày để nhận ra Thiên Chúa luôn đồng hành. Cả hai cách cầu nguyện này đòi hỏi chúng ta có tâm hồn nhạy bén trước mỗi sự vật hoặc biến cố cuộc đời.

Để làm được điều trên, một trong những lối tập là chúng ta mang cả con người mình vào trong cầu nguyện. Khởi đi từ chính mình, sau đó để Thiên Chúa tác động và hướng dẫn. Cuối cùng là chúng ta ngoan ngoãn làm theo thánh ý Chúa. Tiến trình này giúp mỗi người cảm thấy Thiên Chúa thật gần gũi. Ngài thích ở với con người và muốn mang con người từ thế giới này về cho Chúa Cha.

Sau cùng, “từ dưới lên” giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu, như là con người lịch sử, dễ dàng hơn. Chúng ta thấy Chúa Giêsu gần gũi, từng lời nói hành động của ngài có thể cảm nhận được. Lý do Chúa Giêsu cũng là con người, có văn hóa, ngôn ngữ và tư duy giống con người. Từ điểm này mà những nhà thần học “nhìn từ dưới lên” đã khám phá ra nhiều khía cạnh thú vị nơi chân dung Đức Giêsu[6]. Chân dung ấy vẫn mời gọi mỗi người nhận ra trong Kinh Thánh. Chân dung ấy đòi chúng ta đóng góp chút bánh của chính mình (Mc 6,34-44), để từ đó, Ngài sẽ làm phép lạ hóa bánh ra nhiều trong cuộc đời của mỗi người.

Thay lời kết

Chúng ta hãy khép lại đề tài này với lời chia sẻ của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận: “Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài. Đó là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa.” Từ con tim, bạn cứ nói lên những gì mình cảm thấy, những nối niềm của mình như một người con với một người Cha.  

Chúa hiểu chuyện của chúng ta hết, nhưng thật tốt để nói với Chúa hoàn cảnh thật của mình. Cũng dành giờ để Chúa chia sẻ nữa. Ánh sáng của Chúa sẽ đi vào cuộc đời của chúng ta. Từ đó, ta sẽ hiểu thế nào là “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi.” (Tv 118,105).

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-thanh-cha-chao-tham-cac-hong-y-ucraina-va-ca-ngoi-nen-than-hoc-quy-goi-cua-duc-hong-y-kasper-32354

[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/mau-nhiem-an-sung-va-on-cuu-do-than-hoc-ba-ngoi-cua-karl-rahner-46677

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/mau-nhiem-an-sung-va-on-cuu-do-than-hoc-ba-ngoi-cua-karl-rahner-46677#_Toc117457383

[4] https://vntaiwan.catholic.org.tw/thanhoc/luanly.htm

[5] https://dongten.net/dac-net-inha-chiem-niem-trong-hoat-dong/

[6] http://www.feranil.com/cms/links/haight04.htm


https://dongten.net/than-hoc-tu-duoi-len-giup-doc-thanh-kinh/

“Giuđa cho chúng ta thấy chính chúng ta”

 

 “Giuđa cho chúng ta thấy chính chúng ta”



Bài suy niệm thứ năm của Linh mục Michelini
fr.zenit.org, Anne Kurian, 2017-03-08
Chủ đề bài suy niệm thứ năm khóa tĩnh tâm của Đức Giáo hoàng và Giáo triều La Mã sáng thứ tư 8 tháng 3-2017: Giuđa và sự nguy hiểm của việc mất đức tin.
Ý tưởng suy niệm thứ nhất, linh mục ngừng ở hình ảnh người tông đồ đã phản bội Chúa và cho rằng “Giuđa đã cho chúng ta thấy chính hình ảnh của mình”. Linh mục nêu lên thảm kịch tự tử của Giuđa để hiểu làm sao một tông đồ lại có thể phản thầy của mình. Một trong các giả thuyết cho rằng Giuđa muốn có một Đấng Thiên Sai là chiến sĩ, là chính trị gia, là người giải phóng nên ông muốn làm áp lực trên Chúa Giêsu. Một giả thuyết khác: lúc đó Giuđa đã mất đức tin. Linh mục Michelini mời tham dự viên tự hỏi xem “có lúc nào trong cuộc sống, chúng ta đã bỏ Chúa Kitô … tình yêu của chúng ta, để theo điều hư ảo, nhục dục, lợi lộc, an toàn, thù hận, báo thù không? Chúng ta khó biện minh chuyện của mình khi nói về sự ghê tởm của kẻ phản bội. Giuđa cho chúng ta thấy chính mình”. Linh mục nhắc lại kinh nghiệm của tác giả Emmanuel Carrère trong quyển tự thuật “Vương quốc (Le Royaume, 2014)”. Ông đã tìm lại đức tin ba năm, rồi lại mất đức tin. Ở đây là cuộc chiến nội tâm của một người mà vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh viết rằng mình sẽ dự lễ Phục sinh dù không còn tin vào cuộc Phục sinh của Chúa Kitô, nhưng ông viết: “Con bỏ Chúa, Lạy Chúa. Còn Chúa, Chúa không bỏ con”.
Ý tưởng suy niệm thứ hai, các mục tử cũng phải tự hỏi làm sao để gặp những người xa lánh đức tin, linh mục nói lên kinh nghiệm riêng của mình: “Tôi sống với một cộng đoàn các người trẻ, mỗi năm các em có hai tuần đại phúc (Mùa Vọng và Mùa Chay). Tôi thường hay chọc các em vì các em sẽ ca múa ngoài đường phố, đi vào các tiệm nhạc nhảy, các quán rượu … Vì là giáo sư, tôi không cho phép mình làm những điều như thế và từ nhiều năm nay, từ khi đi dạy học, tôi không còn làm các tuần đại phúc. Nhưng các em biết tôi đề cao công việc này, các em đã đến đó, nơi có những chuyện chúng ta không muốn nhìn… có những người trẻ đang ở trong tình trạng tuyệt vọng… Dù chúng ta không thể chu toàn bổn phận này, nhưng chúng ta cũng biết ơn và tương trợ với những người, như Chúa Giêsu đã nói, đi tìm những người ngoài đường, các lương dân, các người thu thuế.”
Cuối cùng, Linh mục Michelini nêu lên vấn đề tự tử của Giuđa, ngài nhắc đến nhân vật “Innominato” trong tiểu thuyết “Những người hứa hôn” của văn sĩ Alessandro Manzoni: nhận ra mình đã làm những chuyện xấu, ông muốn tự tử nhưng ông nghĩ lại lời của nữ nhân vật chính Lucie về lòng thương xót Chúa. Sau đó ông gặp Hồng y Federigo Borromeo và ngài lấy làm tiếc là đã không đi tìm người này trước. Đây là những trang sách mời gọi chúng ta đi tìm những người có tội.
Linh mục cũng tố cáo trách nhiệm của các lãnh đạo tôn giáo “những người trí thức tôn giáo” trong vụ tự tử của Giuđa. Ngài chất vấn các mục tử: “Làm thế nào chúng ta có thể giúp các tín hữu kitô thời này để họ không bị mất đức tin, họ ý thức lại về lương tâm của mình, đức tin mà Tân Ước nói, một đức tin hân hoan…, gắn kết vào Chúa Giêsu. Chúng ta có thể làm gì để các vụ tự tử này không xảy ra nữa?”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
http://phanxico.vn/2017/03/09/tinh-tam-mua-chay-giuda-cho-chung-ta-thay-chinh-chung-ta/

Hình ảnh mùa chay

 Hình ảnh mùa chay


Ronald Rolheiser


, 2008-02-03

Mùa Chay có ý nghĩa như thế nào? Tại sao hằng năm chúng ta dành ra bốn mươi ngày tự nguyện từ bỏ các thú vui chính đáng để chuẩn bị lễ Phục Sinh.

Nhu cầu chay tịnh có lẽ đã ăn sâu trong tế bào ADN di truyền của chúng ta. Một vài hình ảnh về mùa chay sẽ giúp chúng ta rõ hơn về điều nầy.

Hình ảnh tôn giáo đẹp nhất về mùa chay là hình ảnh Đức Giê-su đi vào sa mạc để chay tịnh và cầu nguyện. Kinh thánh cho biết Đức Giê-su ở trong sa mạc bốn mươi đêm ngày và trong thời gian đó, Người không ăn uống gì cả. Điều này không nhất thiết theo nghĩa đen Người không dùng một thức ăn hay nước uống nào, nhưng còn hơn vậy, Người tự từ bỏ mọi nhu cầu vật chất (thức ăn, nước uống, thú vui, tiêu khiển), bảo vệ cho Người khỏi những xúc động, cám dỗ, phụ thuộc để trọn vẹn phó thác niềm tin vào Chúa Cha. Và trong khi làm như vậy, chúng ta biết rằng Người cũng cảm thấy đói và dễ sa ngã trước cám dỗ của ma quỹ, tuy nhiên nó lại càng làm cho niềm tin của Người vào Chúa Cha mạnh hơn.

Sa mạc lấy đi khỏi chúng ta sự an toàn che chắn của cuộc sống bình thường, bóc trần chúng ta và để chúng ta trần trụi trước Thiên Chúa và quỹ dữ. Nó khiến chúng ta đối mặt với những xáo trộn của chính mình. Đó là một hình ảnh của mùa chay.

Nhưng chúng ta cũng có một vài hình ảnh khác mang tính nhân loại học tuyệt đẹp về mùa chay. Tôi xin đề cập ngắn gọn ba trong số các hình ảnh đẹp này.

Thực tế, nền văn hóa nào cũng có khái niệm của việc phải “ngồi trong tro tàn một lần” như một chuẩn bị cần thiết trước khi đón nhận  niềm vui hay hân hoan.

Chẳng hạn câu chuyện Cô Bé Lọ Lem – Cinderella. Cái tên Cinderella bao gồm hai từ: Cinders nghĩa là tro và Puella tiếng la-tinh có nghĩa là cô gái trẻ. Cinderella nghĩa là cô gái bất diệt ngồi giữa tro tàn, với một ý nghĩa xa hơn, trước khi cô hay bất cứ ai khác, muốn được là người mặc áo da hội, đi đến cung điện và khiêu vũ với hoàng tử thì trước tiên họ phải ngồi giữa tro tàn, nếm trải cô đơn, cảm giác bất lực, và tin rằng tình trạng bị bỏ rơi và làm nhục sẽ mang lại sự chín chắn cần thiết để đi dự buổi khiêu vũ hoàng gia.

Nền văn hóa thổ dân Bắc Mỹ cũng có những câu chuyện tương tự, mọi người chấp nhận bất cứ ai rồi cũng phải trải qua một mùa ngồi giữa tro tàn. Chẳng hạn, có một vài bộ lạc sống chung trong những ngôi nhà dài, các bếp lửa nấu nướng và sưởi ấm được đặt ở trung tâm ngôi nhà, một phần mái nhà để hở để làm ống khói. Tro dĩ nhiên sẽ được chất thành đống xung quanh bếp lửa và thỉnh thoảng có một người của bộ lạc sẽ bỏ ra một thời gian đơn giản chỉ ngồi giữa đống tro tàn, tách mình ra khỏi sinh hoạt thường ngày, dùng rất ít thức ăn và nước uống. Cho đến một ngày, người đó sẽ đứng dậy, rửa sạch tro và trở lại sinh hoạt bình thường. Không ai hỏi lý do tại sao. Nhưng đó là điều bảo đảm rằng người này đang vượt qua một cái gì đó, tâm trạng bị ruồng bỏ và hoang mang; cần có những khoảng trống, thinh lặng, tách khỏi sinh hoạt bên ngoài để vượt qua các cơn xáo trộn, cám dỗ bên trong. Ngắn gọn, người đó cảm thấy cần có một thời gian chay tịnh.

Hình ảnh thứ ba là trở thành đứa con của sao Thổ. Trong một vài thần thoại, sao Thổ là hành tinh gây ra buồn chán, thất vọng. Và vì thế, nếu bạn là thi sĩ, nghệ sĩ, triết gia, nhà văn hay là nhà tư tưởng tôn giáo thì thỉnh thoảng bạn sẽ muốn ngồi dưới vòm sao Thổ, lúc đó là lúc bạn đi vào nội tâm mà bình thường có thể bạn muốn lẫn tránh. Bởi vì chúng gây nên xáo trộn, buồn chán, nặng nề và thất vọng. Một phần của ý tưởng nầy là có một dịp nào đó trong cuộc đời, bạn sẽ dành thời gian để trở thành đứa con của sao Thổ, nghĩa là bạn sẽ ở trong tình trạng buồn chán, nặng nề, bạn sẽ dừng lại các sinh hoạt bình thường  và ngồi một thời gian với nó. Hãy kiên nhẫn học hỏi những bài học mà chỉ một tâm trạng buồn chán nào đó mới có thể dạy cho bạn. Lại thêm có một vài công việc bên trong rất cần thiết, cái mà bạn chỉ có thể làm trong lúc buồn và nặng nề, và thỉnh thoảng chúng ta cần thực hiện chúng một cách tự nguyện.

Cuối cùng, có một vài hình ảnh đẹp khác có tính nhân loại học có thể giúp chúng ta hiểu được mùa chay, hình ảnh giọt nước mắt, chúng kết nối chúng ta vào dòng chảy chung của cuộc đời. Nước mắt của chúng ta là nước muối của đại dương, là nơi tối hậu của những khởi đầu của tất cả đời sống trên hành tinh này. Thỉnh thoảng, từ bỏ các thú vui của cuộc sống để dành cho sự mặn mà của những giọt nước mắt cũng là một điều tốt đẹp. Bởi vì chỉ có chúng mới làm cho chúng ta trở nên sâu đậm và giúp chúng ta kết nối với nguồn gốc và nền tảng của chúng ta.

Đích thực mùa chay có ý nghĩa như vậy. 

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2018/03/01/hinh-anh-mua-chay/

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Điều gì làm cho em Anne-Gabrielle Caron thành một vị thánh

 Điều gì làm cho em Anne-Gabrielle Caron thành một vị thánh

fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2023-02-23



Mười bốn năm trước, ngày 24 tháng 2 năm 2009, sau khi làm sinh thiết, em bé Anne-Gabrielle Caron 7 tuổi biết mình bị mắc chứng Ewing’s sarcoma, một loại ung thư xương rất nguy hiểm. Án phong chân phước được bắt đầu vào tháng 9 năm 2020 tại giáo phận Toulon và tiến trình phong thánh cho Anne-Gabrielle sắp kết thúc ở giai đoạn cấp giáo phận. Trang Aleteia phỏng vấn ông Pascal Barthélemy, cáo thỉnh viên của án phong thánh này.

Một nụ cười phản chiếu nụ cười của Chúa. Đó là cách tu sĩ Dòng Xitô Thụy Sĩ Jean-François de Louvencourt, tác giả quyển sách Người đã làm Chúa tỏa sáng (Celle qui rayonnait Dieu, nxb. Téqui) mô tả về Anne-Gabrielle Caron, em bé đã qua đời vì ung thư khi 8 tuổi và án phong chân phước đã được mở từ năm 2020.

Sinh ngày 29 tháng 1 năm 2002 tại Toulon, Anne-Gabrielle Caron có một tuổi thơ hạnh phúc trong một gia đình rất mộ đạo. Lúc 6 tuổi rưỡi, em kêu đau ở chân phải. Ngày 24 tháng 2 năm 2009, sinh thiết xương cho biết em bị chứng Ewing’s sarcoma, một loại ung thư xương rất nguy hiểm. Được nuôi dạy trong đức tin công giáo, em được một linh mục tháp tùng và em thấy em có thể mang lại ý nghĩa cho đau khổ bằng cách kết hợp với đau khổ của Chúa Kitô, dâng đau khổ của mình cho những ý chỉ cầu nguyện khác. Vì thế căn bệnh khủng khiếp của em đã thành cơ hội lớn lên trên con đường thiêng liêng của một em bé ở tuổi của em. Em qua đời ngày 23 tháng 7 năm 2010 khi 8 tuổi. Nụ cười của em, cách em sống với căn bệnh, tình yêu của em dành cho Đức Mẹ, những lời nói sáng ngời của em… Rất nhiều dấu hiệu đã làm cho giáo xứ Thánh Phanxicô Paule ở Toulon của em làm hồ sơ phong thánh cho em. Ngày 12 tháng 9 năm 2020, giáo phận Fréjus-Toulon đã chính thức mở hồ sơ, từ đó em Anne-Gabrielle Caron mang tước hiệu Tôi tớ Chúa.

Ông Pascal Barthélemy, cáo thỉnh viên tìm tài liệu về ‘danh tiếng thánh thiện’ của em (vì sao em được giáo dân xem là người thánh thiện và ở mức độ nào) và tài liệu về ‘danh tiếng qua các dấu hiệu’ (các ơn em nhận được). Với 40 năm kinh nghiệm chuyên môn trong ngành công nghiệp và tư vấn, ông Pascal Barthélemy không hề biết em Anne-Gabrielle trước khi được giáo xứ Toulon bổ nhiệm làm cáo thỉnh viên tháng 4 năm 2019. Ông trả lời cho trang Aleteia về thủ tục tiến hành và làm chứng cho đời sống thiêng liêng phi thường của Anne-Gabrielle, ‘một hình ảnh nhỏ bé cho sự huy hoàng của Chúa’, một món quà tuyệt vời mà sứ mệnh của em che giấu, đó là ‘chạm đến lời tạ ơn hàng ngày’.

Xin ông cho biết tiến trình phong thánh của em Anne-Gabrielle đã đến được đâu rồi?

Pascal Barthélemy: Phiên tòa cấp giáo phận đã được mở ngày 12 tháng 9 năm 2020. Trước đó, Hội đồng Giám mục Pháp đã bật đèn xanh với 78% ý kiến thuận để lên hồ sơ phong thánh ngày 10 tháng 6 năm 2020 và Bộ Phong thánh đã cho biết, không có gì cản trở việc xem xét án phong thánh này (nihil obstat) trong các thánh bộ ở Rôma. Chúng tôi hiện đang hoàn tất giai đoạn điều tra cấp giáo phận: một hội đồng đặc biệt đang nghe các nhân chứng cuối cùng. Mọi thứ đang tiến triển tốt và giai đoạn này có thể kết thúc vào giữa năm 2023.

Và tiếp sau đó sẽ đến giai đoạn nào?

Hồ sơ được gởi về Rôma. Bộ Phong thánh xem xét tính hợp lệ của thủ tục cấp giáo phận và cáo thỉnh viên Rôma thảo Quan điểm về cuộc đời, nhân đức và danh tiếng thánh thiện (Positio super Vita, Virtutibus et Fama Sanctitatis), trong đó trình bày các yếu tố để có được sự bảo đảm về mặt luân lý cho sự thánh thiện của em Anne-Gabrielle. Tiếp theo, án được trình bày trước đại hội gồm các chuyên gia thần học và trước Hội đồng thường lệ gồm các thành viên của Bộ, họ sẽ đưa ra phán quyết về án và quyết định có trình lên giáo hoàng hay không. Sau đó, chính ngài là người có thể tuyên bố tôi tớ của Chúa là đáng kính bằng một sắc lệnh về các đức tính anh hùng. Kế tiếp, nếu có một phép lạ được cho là nhờ cầu bàu với Anne-Gabrielle thì Anne-Gabrielle có thể được tuyên bố là chân phước. Để phong thánh, cần có một phép lạ thứ hai.

Chính Thiên Chúa Quan phòng chỉ định thông qua các ơn và phép lạ mà án sẽ được tiến hành.

Các bước có thể mất nhiều năm! Nhưng chúng ta nên hiểu, chúng ta không quyết định điều này mà chính Chúa Thánh Thần sẽ quyết định. Qua những ơn nhận được, chính Chúa Thánh Thần đứng sau và cho Giáo hội thấy án này được chấp nhận. Chính Đấng Quan phòng chỉ định thông qua các ơn và phép lạ mà án sẽ được tiến hành.

Đâu là những dấu hiệu có thể mở ra án cho Anne-Gabrielle?

Sau cái chết của Anne-Gabrielle, đã có rất nhiều chứng từ cho thấy những người xin ơn đã nhận được ơn. Và dường như em dành cảm tình đặc biệt cho các gia đình! Các gia đình mong chờ có em bé từ lâu, chữa lành căn bệnh tưởng như không còn hy vọng. Tìm được việc… Tôi đếm được hàng chục trường hợp các cặp vợ chồng trẻ không thể có con.

Họ đã cầu nguyện rất nhiều! Nhưng khi họ cầu với Anne-Gabrielle thì họ được nhận lời. Có những dấu hiệu rất nổi bật. Tôi nghĩ đến trường hợp một cặp vợ chồng sinh con đúng chín tháng sau khi làm tuần cửu nhật cầu xin với Anne-Gabrielle. Chúng tôi cũng điều tra ba trường hợp khác để tìm hiểu xem đây có phải là phép lạ hay không, nhưng các yếu tố chưa được kết hợp.

Điều gì giúp xác định được linh đạo của Anne-Gabrielle?

Trước hết, đó là lời chứng của những người biết Anne-Gabrielle, dù xa hay gần và những người có thể làm chứng về cách em đã sống. Nhờ các nữ tu khuyên, mẹ của em đã thu thập và cẩn thận ghi chú các lời của Anne-Gabrielle. Đối với một án phong thánh thì đây là điều đáng ghi nhận! Vì chúng tôi có những lời của Anne-Gabrielle được đảm bảo, đáng tin cậy và phù hợp với những lời chứng mà chúng tôi đã nhận được.


Anne-Gabrielle-Caron-1.jpg – Hiệp hội Anne-Gabrielle

Chúng tôi chỉ có hai trang viết, còn ít lắm! Nếu so với án của giáo sư Lejeune thì rất ít vì giáo sư có hàng ngàn bài viết, các thư từ, các hội thảo… Và cũng vì số tuổi của em, chúng tôi gần như chẳng có gì, vì thế không phải qua các bài viết của em mà chúng tôi nhận ra sự thánh thiện của Anne-Gabrielle, đúng hơn là qua những gì em nói, những gì em sống trong khoảng thời gian khá hạn chế vì bệnh của em.

Chúng ta có thể nói ‘nhờ’ hay ‘vì’ căn bệnh mà em đi trên con đường thánh thiện không? Nói cách khác, nếu em không bệnh thì em có nên thánh không?

Điều này khó mà nói được! Hiển nhiên là Anne-Gabrielle đã biết nắm cơ hội bệnh để phát triển sự thánh thiện. Điều nổi bật ở em là mối liên hệ giữa giáo dục em nhận được và nhờ ơn Chúa. Cha mẹ của em đã giáo dục em rất giỏi, tạo nền tảng để ơn Chúa có thể hành động. Điều duy nhất chúng ta có thể hiểu, nếu cuộc sống của chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô thì khi gặp bệnh tật, chúng ta dễ chấp nhận thử thách hơn. Điều này phần nào tạo điều kiện cho em bé có khả năng chấp nhận căn bệnh và chịu đựng đau khổ của mình, hơn là rơi vào tình trạng nổi loạn, trong trường hợp của em Anne-Gabrielle là hoàn toàn chính đáng! Như thế cho thấy Anne-Gabrielle không muốn căn bệnh này, em đã chiến đấu chống lại, em đã xin có phép lạ! Nhưng cách tiếp xúc cá nhân của em là em nói, ‘nếu đó là ý Chúa, con sẵn sàng chấp nhận’, đó là nhờ ân sủng, được tạo điều kiện thuận lợi nhờ giáo dục của em. Tôi muốn nói giáo dục c

Thật không may, có nhiều trẻ em khác bị bệnh, can đảm và lớn lên trong đức tin công giáo. Điều gì xác định sự thánh thiện của Anne-Gabrielle?

Chúng tôi đã phát hiện ra ba yếu tố quan trọng ở Anne-Gabrielle. Đầu tiên là chấp nhận bệnh tật của mình cùng với ý chí muốn vượt lên căn bệnh. Dĩ nhiên em đã có những lúc nghi ngờ, đôi khi với những biểu hiện mâu thuẫn, em nói: “Xin cho ý Cha được thể hiện, nhưng xin Cha chữa lành căn bệnh cho con.” Em cũng thắc mắc: “Con muốn biết vì sao Chúa chọn con mà không chọn ai khác. Dù sao thì cũng có rất nhiều người bệnh. Nhưng con muốn chấp nhận nó.” Cuối cùng, em luôn chấp nhận, hiệp nhất với những đau khổ của Chúa Kitô.



Khía cạnh thánh thiện thứ nhì của Anne-Gabrielle là cách em dâng đau khổ của em, một dấu hiệu của sự trưởng thành đặc biệt. Em chấp nhận tất cả, nhưng không phải vì dũng cảm nhưng vì người khác. Với thời gian, chúng ta thấy Anne-Gabrielle là người trung gian cầu bàu. Em dâng đau đớn của em cho các trẻ em bệnh tật, cho các linh hồn trong luyện ngục. Một hôm, em nói với mẹ: “Con đã xin Chúa cho con tất cả những đau khổ của các em bé trong bệnh viện… – Nhưng con không nghĩ là con đã đau khổ đủ rồi sao? – Đúng mẹ ạ, con đau lắm, nhưng giá mà các em ấy không đau…”    Anne-Gabrielle-Caron-3.jpg – Hiệp hội Anne-Gabrielle

Cuối cùng, và đây có lẽ là điều đặc trưng nhất của em, Anne-Gabrielle chịu đựng bệnh tật và đau khổ của mình với một nụ cười. Một nụ cười phi thường. Chính em cho biết: “Thường thì con  không biết phải nói gì, vì vậy con mỉm cười.” Và một cô y tá đã nói: “Tôi chưa thấy ai có một nụ cười như vậy và cười nhiều như vậy, nhất là trong bệnh viện này.” Một nụ cười phản ánh sâu thẳm trái tim của em.

Tuần cửu nhật cầu bàu với Anne-Gabrielle Caron

Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh,

Nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, chúng con cảm tạ Chúa vì Anne-Gabrielle, vì tất cả những gì Chúa đã thực hiện trong cuộc đời ngắn ngủi của em.

Em đã phó mình cho Tình yêu của Chúa và được thúc đẩy bởi tấm lòng nhiệt thành cao cả cho việc cứu rỗi các linh hồn.

Chúng con cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Anne-Gabrielle ban cho chúng con ơn…, mà chúng con xin từ Lòng Thương Xót vô biên của Chúa, nếu đó là Ý của Tình yêu Chúa dành cho chúng con.

Amen.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2023/02/28/dieu-gi-lam-cho-em-anne-gabrielle-caron-thanh-mot-vi-thanh/

Người kitô hữu sống đức tin giữa lòng thế giới - Giải đáp thắc mắc cho người trẻ

 

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ - Người kitô hữu sống đức tin giữa lòng thế giới

 
  •  
  •  


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 78NGƯỜI KITÔ HỮU SỐNG ĐỨC TIN GIỮA LÒNG THẾ GIỚI

Phêrô Dương Hải Văn, SDB

Hỏi: Đức tin Công giáo nói gì về cuộc sống trần gian này? Và người Công giáo cần phải sống với thái độ nào?

Trả lời:

Bạn thân mến,

Một trong những ưu tư và thắc mắc của nhân loại nói chung và với người Công giáo nói riêng, đó là về chính cùng đích của đời sống con người. Phải chăng cuộc sống trần gian là cùng đích của mọi sự, là giá trị trọn vẹn của cuộc đời nhân thế? Hay trần gian là nơi để giúp con người thành toàn chính mình, từng ngày nỗ lực thăng tiến để qua đó hướng đến một đời sống vĩnh cửu mai sau? Chúng ta cùng tìm hiểu, để từ đó xác tín cho bản thân về ý nghĩa của cuộc sống trần gian trong thánh ý Thiên Chúa, và lời mời gọi để sống đúng với những giá trị của ơn gọi làm người và làm con Chúa trong thế giới hôm nay.

Thế giới tạo thành trong thánh ý Thiên Chúa

Thiên Chúa dựng nên vũ trụ và con người trong ý định và tình yêu của Ngài: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi Lời của Thiên Chúa; vì thế những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11,3). Không những thế, sau khi đã tạo dựng mọi sự, đặc biệt là sau khi tạo dựng con người, thì “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Sự tốt đẹp đó cho thấy mọi sự trong thế giới này đều có giá trị riêng của nó, bởi nó được tạo dựng từ chính Thiên Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương: “Vẻ đẹp của công trình tạo dựng phản chiếu vẻ đẹp vô biên của Đấng Tạo Hóa” (GLHTCG, 341).

Ngài muốn cho thụ tạo được thừa hưởng sự sung mãn và tròn đầy của nó trong chính giá trị và mục đích riêng của mỗi loài: “Các thụ tạo khác nhau, trong bản chất riêng của mình, mỗi thụ tạo một cách, đều phản chiếu một tia sáng của sự khôn ngoan vô biên và sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa” (GLHTCG, 339). Đồng thời, chính trong mầu nhiệm sáng tạo, chúng ta hiểu rằng, mọi sự chỉ có giá trị toàn vẹn khi hướng về Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của mọi loài.

Từ đó, con người nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này, cũng như biết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, và sống đúng giá trị của ơn gọi làm người: “Tín hữu phải nhận biết rằng bản tính sâu xa cũng như giá trị và định hướng của toàn thể thụ tạo là phải ca tụng Thiên Chúa, đồng thời ngay cả trong những công việc trần thế, họ phải giúp nhau sống thánh thiện hơn”[1]. Con người là một thành phần trong vũ trụ tạo thành, là chóp đỉnh trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27). Vì thế, công trình sáng tạo của Thiên Chúa là một sự hoàn hảo và tốt đẹp mà Ngài đã làm ra, và Ngài đã trao ban cho con người, để con người cai quản vũ trụ tạo thành trong ý thức và trách nhiệm của mình: “Con người phải trung thành với nền móng này và tôn trọng những định luật mà Đấng Tạo Hóa đã khắc ghi trên đó” (GLHTCG, 346).

Tuy nhiên, vì tội bất trung của con người, tội lỗi đã xâm nhập vào thế giới tạo thành, khiến cho trật tự tốt lành của tạo dựng đã không còn sự nguyên tuyền như thửa ban đầu[2]. Chính vì tội lỗi đã đi vào thế giới tạo thành, nên sự hài hòa tốt đẹp trong vũ trụ đã bị đánh mất, khiến cho khổ đau, bất công, kiêu căng và dục vọng vây kín và lôi cuốn đời sống con người: “Sự hài hòa với công trình tạo dựng bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người. Vì con người, muôn loài đã phải lệ thuộc vào cảnh hư nát” (GLHTCG, 400).

Như thế, vì tội đã xâm nhập vào thế gian qua sự bất tuân của con người, nên không chỉ con người đánh mất sự thánh thiện và tốt đẹp nguyên thủy trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, mà cả muôn loài thụ tạo cũng đều chịu tác động và ảnh hưởng bởi tội lỗi của con người: “Khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguồn gốc của mình, con người cũng đã phá đổ sự quy hướng cần thiết về cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ toàn bộ sự hài hòa của mình đối với chính bản thân, đối với những người khác và đối với mọi loài thụ tạo”[3]. Và chính trong chiều hướng này, đời sống con người trở nên ngày càng ích kỷ và tham lam hơn. Nhiều người chỉ biết chạy theo những dục vọng trần gian, những khát khao của cải vật chất, mà quên đi cùng đích của cuộc đời mình chính là hướng về Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành và cùng đích của mọi loài.

Tuy nhiên, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đã không bỏ rơi thế giới tạo thành, không làm ngơ trước thực trạng đời sống và tội lỗi của con người, Ngài đã ban Đấng Cứu Độ, là chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đến thế gian, để giải thoát con người và vũ trụ khỏi cảnh hư nát và khốn khổ do tội lỗi gây nên: “Đấng đã làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát” (GLHTCG, 432).

Vì thế, trong tình yêu cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn trao ban ơn tha thứ cho con người, và mời gọi con người biết nhận ra hạnh phúc đích thực của mình là hướng về và ở trong Thiên Chúa; cũng như nhận biết rằng, cuộc sống trần gian là nơi giúp con người tiến bước trong sự trưởng thành và sự thánh thiện của ơn gọi làm người và làm con Chúa cách sung mãn, chứ không phải là cùng đích của đời sống con người. 

Sứ mạng của người tín hữu trong cuộc sống trần gian

Chính anh em là muối cho đời … là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13–14). Lời mời gọi của Chúa Giêsu chính là sứ mạng của người tín hữu sống trong thế giới này. Người Kitô hữu không coi thế gian là địa ngục, là nơi giam cầm của những nỗi thống khổ, cũng như không coi thế gian là hạnh phúc vĩnh cửu cho cuộc đời mình, nhưng là nơi để Thiên Chúa tỏ lộ tình yêu của Ngài qua sự cộng tác của con người, và là nơi để con người được thực thi ơn gọi và sứ mạng Kitô hữu của mình trong một tình yêu dấn thân và thánh hóa thế giới: “Tham dự vào lãnh vực trần thế, là phận vụ phát xuất từ bản tính nội tại và sứ mạng của mình”[4].

Thiên Chúa muốn người tín hữu trở thành muối, thành ánh sáng cho thế giới bằng chính đời sống dấn thân phục vụ của mình, qua đó thánh hóa và đưa thế giới thụ tạo đi vào đúng ý định tạo thành của Thiên Chúa, là tôn vinh quyền năng và tình yêu của Ngài: “Trần gian được tạo dựng để làm vinh danh Thiên Chúa”[5]. Đồng thời, chính khi dấn thân thánh hóa thế giới, người tín hữu đưa thụ tạo và chính mình hướng đến cùng đích tối hậu trong Thiên Chúa, trả lại cho thụ tạo giá trị hữu dụng trong bản chất của chính nó, chứ không phải tôn vinh thụ tạo thành cùng đích, thành giá trị vĩnh cửu cho đời sống con người.

Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội cũng xác định:

“Do chính ơn gọi đặc biệt của mình, giáo dân có bổn phận tìm kiếm Vương Quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa… Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi, để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hóa từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng từ đời sống tỏa sáng đức tin, đức cậy, đức mến”[6].

Người tín hữu được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng của Ngài, hầu canh tân và làm cho trật tự trần thế ngày càng thêm tốt đẹp. Qua việc dấn thân phục vụ vì lợi ích chung và làm dậy men Tin Mừng trong thế giới, người tín hữu từng bước hoàn thiện chính mình, hướng đến những giá trị cốt lõi của đời sống nơi và trong Thiên Chúa. Vì thế, ơn gọi nên thánh của người Kitô hữu không tách khỏi trần thế, nhưng là hội nhập để biến đổi và canh tân bằng men Tin Mừng, bằng tinh thần và đời sống nhập thể của Đức Giêsu. Nhờ đó tiếp tục làm cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thấm nhập vào thế giới, và làm cho các giá trị Tin Mừng ngày càng lan tỏa trong đời sống nhân loại.

Như vậy, là người Kitô hữu, chúng ta biết rằng hạnh phúc và đời sống vĩnh cữu của mỗi người chúng ta là được ở trong Thiên Chúa, là hướng đến những giá trị cao quý của Tin Mừng, là nỗ lực để vươn tới hạnh phúc Nước Trời mai sau. Nhưng để có thể hiện thực hóa những giá trị và hạnh phúc đó, người tín hữu đang từng bước lớn lên bằng một đức tin sống động và cụ thể ngay trong cuộc sống trần gian này: “Anh chị em không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không tự mình dấn thân, bằng cả thân xác lẫn linh hồn, để cố gắng hết sức cho nỗ lực này”[7].

Người tín hữu không coi cuộc sống trần gian là cùng đích, là giá trị tối hậu. Cuộc sống này là nơi để diễn tả ơn gọi làm người qua những thực hành của đời sống đức tin, dấn thân thánh hóa thế giới và trao ban bằng đức ái trọn hảo. Để nhờ đó, người tín hữu thánh hóa chính mình và từng bước làm cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa đi đến chỗ thành toàn. Chúng ta cần “hướng đến việc phụng tự và tôn thờ Thiên Chúa” (GLHTCG, 347).

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)

WHĐ (27.02.2023)


[1] CĐ Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 36.

[2] x. St 3, 1-24.

[3] CĐ Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, 13.

[4] ĐTC Gioan Phaolô IITông Huấn Christifideles laici, 15.

[5] CĐ Vatican I, Hiến Chế Tín Lý Dei Filius, De Deo rerum omnium Creatore, 5: DS 3025.

[6] CĐ Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 31.

[7] ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et Exsultate, 25