Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Thánh vịnh 90,3-17

Thánh vịnh 90,3-17

Trong hình thái thánh vịnh 90 là một lời than van công cộng trình bầy là điều kiện bấp bênh khốn khó của mọi kiếp người nói chung. Tuy có nhiều lý do để than van con người cựu ước ý thức được sự bất an trong cuộc sống của nó, và không cảm thấy bị hư mất. Nó tìm thấy các lý do có giá trị giúp hy vọng và có được niềm an ủi nơi sự toàn thiện của Thiên Chúa và sự sẵn sàng tha thứ của Ngài. Niềm tin của nó bảo đảm rằng nhờ ơn thánh Chúa sự nhục nhã có thể biến thành chiến thắng, buồn khổ có thể biến thành niềm vui. Việc gán thánh vịnh cho ông Môshê như viết trong tựa đề có lẽ đã được gợi ý bởi vài yếu tố của sách Sáng Thế, các chươg 1-3, hay sách Đệ Nhị Luật, các chương 32-33, hiện diện trong thánh vịnh. Tuy nhiên thời gian sáng tác chắc hẳn thuộc thời hậu lưu đầy.

Văn thể là lời than van công cộng với việc sử dụng các đề tài thánh thi và khôn ngoan. Thánh vịnh gồm phần dẫn nhập, các câu 1-2; lời than van trình bầy trường hợp, các câu 3-12; lời cầu, các câu 13-15; và phần kết luận, các câu 16-17.

Các câu 3-12 là phần đầu của thánh vịnh 90 trình bầy trường hợp của tác giả, dưới hình thức của một suy niệm khổ đau nhưng không tuyệt vọng liên quan tới sự hư nát của cuộc sống con người, nhưng nhất là lý do của nó, nghĩa là tội lỗi của nó khiến cho Thiên Chúa thịnh nộ. Cả tín hữu Israel đến trình diện với Thiên Chúa của mình cũng mang các dấu vết không thể nhầm lẫn được của tiến trình héo tàn không thể tránh được và của con đường dẫn đến chỗ tàn lụi, giống như mọi con người tội lỗi phải chết. Nhưng ở đây tín hữu có một phương dược khác: ông có thể hướng tới Chúa, là Đấng ban cho ông sự khôn ngoan sẽ mở tâm trí ông cho việc hiểu biết lý do bí ẩn của các sự dữ phải chịu, là sự thịnh nộ của Thiên Chúa, và  mở tâm trí ông cho con đường phải theo để có được sự trợ giúp của Ngài là một lòng thống hối trao ban ơn cứu rỗi.

” Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: "Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! " Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi! Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. Ngài thịnh nộ, chúng con phải mạng vong, nổi trận lôi đình: thấy mà khủng khiếp! Tội chúng con, Chúa bày ra trước mặt Ngài, lỗi thầm kín, Thánh Nhan đều soi tỏ. Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài. Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi. Cơn giận Ngài, ai lường được sức mạnh, trận lôi đình, ai hiểu thấu căn nguyên? Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.”

“Chúa khiến con người trở về đất bụi”: kiểu nói này nêu bật cái trái ngược với sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, và của giá trị gấp ngàn lần ngày của Thiên Chúa đối với ngày của con người. Tác giả gợi lại lời phán xử Thiên Chúa đã đưa ra cho nhân loại sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội bất tuân lệnh Chúa như viết trong chương 3 sách Sáng Thế: “Với con người, Chúa phán: "Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: "Ngươi đừng ăn nó", nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra.  Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,17-19). Qua đó con người kinh thánh thừa nhận sự giòn mỏng mau qua bẩm sinh của con người, và sự khác biệt nòng cốt giữa bản tính con người phải chết và bản tính bất tử của Thiên Chúa và sự kiện thê thảm con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, lại đã đánh mất đi sự bất tử của mình, vì tội lỗi đã phạm. Số phận là bụi đất của con người cũng được ông Abraham hoàn toàn ý thức khi ông thưa chuyện với Thiên Chúa và mặc cả với Ngài để cứu dân thành Sodoma và Gomora: “Ông Áp-ra-ham lại nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa” (St 18,27). Ông Gióp thì than với Chúa: “Người quăng tôi vào đống bùn nhơ, khiến tôi trở nên như tro như bụi.” (G 30,19).

“Phải, dưới mắt Chúa ngàn năm như thể ngày hôm qua đã qua đi, hay một canh ban đêm”: Thời gian của Thiên Chúa không giống thời gian của con người đó cũng là điều được khẳng định trong thánh vịnh 84: “Một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày. Thà con ở cổng đền Thiên Chúa vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân!” (Tv 84,11). Tác giả thư thứ II  thánh Phêrô cũng khẳng định: “Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pr 3,8).

“Như cỏ đồng trổi mọc ban mai”: là hình ảnh diễn tả rất sống động sự mỏng manh mau qua của kiếp người, rất thường được nói tới trong các thánh vịnh. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 102 khẳng định: “Ngày tháng đời con: chiều tà bóng ngả, tấm thân này: cỏ úa vàng khô.” (Tv 102,12). Còn tác giả thánh vịnh 103 thì nói: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103,15-16).
“Vâng chúng con bị tàn phá bởi cơn thịnh nộ của Ngài”: ở đây chúng ta tìm lại được tư tưởng nền tảng của toàn tôn giáo cựu uớc đó là lý do của mọi sự dữ mà toàn nhân loại, cũng như Israel quốc gia được tuyển chọn và các cá nhân phải gánh chịu, phải được tìm trong cơn thịnh nộ trừng phạt của Thiên Chúa chống lại các tội lỗi rõ ràng cũng như kín ẩn. Tuy nhiên, cần ghi nhận một điều đó là khi tín hữu cựu ước nhấn mạnh trên tương quan giữa lý do mà ông thấy giữa các khốn khó ông phải chịu và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, ông không làm thế vì một quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa, làm như thể ông vui thích giới thiệu Thiên Chúa tàn ác đối với con người tội lỗi. Trái lại, ông nhắc tới tương quan đó chỉ vì biết rằng chỉ khi khiêm tốn thừa nhận lỗi lầm của mình, ông mới có thể kêu lên lòng lành vô biên của Chúa mình, và như vậy tin tưởng nơi sự can thiệp giải thoát của Ngài.

“Các năm của con kết thúc như một hơi thở”: đó cũng là nhận xét của tác giả thánh vịnh 39:” Chúa trị tội nhằm sửa dạy con người, điều họ tha thiết, Ngài làm tiêu tan như mối đục, thật con người chỉ như hơi thở.” (Tv 39,12).

“Các năm đời chúng con” dịch sát chữ là “các ngày của các năm của chúng con”. Có một văn bản Ai cập viết rằng: “60 năm là lộ  trình cuộc sống thần Thot đã xác định cho người đạo đức”. Ở đây tác giả cho cuộc đời những người khỏe mạnh nhất kéo dài 70, 80 năm, nhưng chỉ toàn là gian lao khốn khổ. Tổ phụ Giacóp cha của quan Giuse trả lời Pharao Ai Cập: “"Cuộc đời phiêu bạt của tôi mới được một trăm ba mươi năm, đó là những năm tháng ngắn ngủi và khổ cực, không được như cuộc đời của cha ông tôi, những người cũng sống phiêu bạt”, như kể trong chương 47 sách Sáng Thế.

Sức mạnh cơn giận của Thiên Chúa, lý do sự lôi đình của Ngài con người ai mà nhận ra được? Vì vậy trên bình diện đức tin và việc thực hành tôn giáo biết nhận ra và thừa nhận bàn tay đánh phạt của Thiên Chúa là một bí mật mà đa số con người không thể hiểu. Do đó, việc đánh giá đúng đắn mọi sự, đặc biệt là các khía cạnh tiêu cực của cuộc sống là môt ơn cần phải nài xin Thiên Chúa ban cho. Qua đó tâm trí con người sẽ đạt được sự khôn ngoan. Chỉ có sự khôn ngoan mới có thể giúp con người trong điều kiện cam go và buồn thảm cuả nó.

Các câu 13-16 của thánh vịnh 90 là lời than van của cộng đoàn cầu nguyện, nài xin Thiên Chúa xót thương làm một phép lạ xoá bỏ quá khứ cũng như hiện tại đầy hổ nhục của họ, và thay thế vào đó bằng một tương lai tràn đầy các ân huệ của Ngài.

“Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.” Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.” ”Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài.”

“Từ buổi sáng xin cho chúng con được no say tình Chúa:” Ban sáng là thời gian đặc biệt thuận tiện để Thiên Chúa chấp nhận lời cầu của tín hữu, như viết trong thánh vịnh 5: “Lạy Đức Vua là Thiên Chúa con thờ, xin Ngài nghe tiếng con đang cầu cứu. Vâng, lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con van vỉ, ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con. Ngay từ sớm, con tỏ bày ước nguyện, rồi chăm chú đợi trông.” (Tv 5,3-4). Hay như trong thánh vịnh 59: “Lạy Chúa, sức mạnh Ngài, con xin mừng hát, tình thương Ngài, sớm sớm nguyện tung hô, bởi con được Chúa nên đồn nên luỹ, chốn con nương mình trong buổi gian truân.” (Tv 59,17). Ở đây chúng ta có sự chắc chắn được nhận lời và lời hứa  tạ ơn: việc tạ ơn sẽ đi theo những người được ân huệ suốt cuộc đời họ, như viết trong thánh vịnh 79:” Phần chúng con là dân của Ngài, đoàn chiên Ngài chăn dắt, chúng con sẽ tạ ơn Ngài mãi mãi và dâng lời ca tụng đến muôn thuở muôn đời.” (Tv 79,13)

“Bù cho những ngày Ngài đã khiến chúng con khổ sầu”. Ngôn sứ Isaia an ủi dân Israel như sau: “Anh em đã lãnh gấp đôi phần tủi nhục đã chuốc vào thân sự nhục nhằn phỉ báng; bù vào đó, anh em sẽ được lãnh gấp đôi phần gia nghiệp trên đất chúng, và sẽ được niềm vui vĩnh cửu.” (Is 61,7)
Câu 17 kết thúc thánh vịnh 90 xin Thiên Chúa cho dân được tuyển chọn thấy trong tương lai tất cả lòng nhân hậu của Ngài bằng cách nâng đỡ họ trong mọi việc làm.

“Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.”

Đây cũng là tâm tình của tác giả thánh vịnh 89: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.” (Tv 89,2)

Linh Tiến Khải

Kinh Thánh Nói Gì Về Tận Thế?

Kinh Thánh Nói Gì Về Tận Thế?


 
Trong những dịp cuối năm vào những lúc rỗi rảnh, người ta thường bàn đến chuyện tận thế. Cách đây không lâu, rộ lên những đồn đoán rằng theo lịch cổ của người Maya, thế giới sẽ tận tuyệt vào năm 2012.
tanthe.jpg  
Thời điểm đó qua đã lâu, mọi thứ cứ vận hành và sinh hoạt như thường lệ.  Thế nhưng đến nay vẫn còn những kẻ rỗi sự, tiếp tục bàn chuyện khi nào tận thế đến, mặc cho Lời Chúa đã khuyến cáo  "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là Cha!" (Mc 13, 32).

Tận thế trong Cựu Ước

Ngày tận thế có nguồn gốc trong Kinh Thánh, dầu các sách Kinh Thánh cổ xưa nhất không nói đến ngày này. Các tiên tri là những người đầu tiên rao giảng về “Ngày của Chúa”, ngày trừng phạt, khi quốc gia Ít-ra-en đến ngày tận cùng của nó (Êz 7,1-27; Am 5, 18-20; So 1,14-18; 2,2-3). Sau đó, một vài tiên tri đã thấy Ngày của Chúa như thời điểm Chúa xét xử và là lúc tai ương lan tràn cả mặt đất “ Ðất phải cư tang, giẫy chết, dương gian ủ rũ; giẫy chết, ủ rũ tất cả, cao vời với đất thấp…” (Ys 2,9-17; 24:1-6,21,23; Yô 3,4, Só,18; 3,8)  ). Sách tiên tri Đaniel đã nói về  tận thế: “Phần ngươi, hãy đi cho đến mút cùng. Ngươi sẽ được an nghỉ. Và ngươi sẽ đứng lên lãnh phần ngươi vào lúc cùng tận những ngày thời gian" ( Đn 12,13). Thị kiến nổi danh của tiên tri Đaniel về bốn con mãnh thú, về Ðấng cao niên và Con người có thể được cắt nghĩa như thị kiến về khung cảnh Chúa phán xét vào lúc tận thế. (Đn 7,1-27).

Tận thế trong Tân Ước

 Chúa  Giêsu và các môn đệ tin chắc thế giới sẽ tới ngày tận cùng của nó. Các Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu ghi lại việc Chúa Giêsu đã diễn tả chuyện gì sẽ xảy ra vào lúc tận thế, mặc dầu những biến cố đó đôi khi bị cắt nghĩa lẫn lộn với việc quân La Mã phá hủy thành Giêrusalem vào năm 70 sau Công Nguyên. Nơi Tin Mừng Mác-cô đoạn 13, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về ngày tận cùng của thành Giêrusalem, và trong câu trả lời của Chúa, ta thấy có những chi tiết về thờ thế mạt: "Nhưng trong những ngày ấy, sau cơn khốn quẩn ấy, mặt trời sẽ tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú tự trời sa xuống, và các quyền năng từng trời bị lay chuyển" (Mc 13, 24-25). Kế tiếp, Chúa  nhắc đến thị kiến trong sách Đaniel đoạn 7, khi tiên báo rằng Con Người sẽ đến trong đám mây (Mc 13, 26). Đoạn song song nơi Tin Mừng Luca không nói gì đến tận thế (Lc 17, 23-37).  Thế nhưng đoạn song song nơi Tin Mừng Mát-thêu cung cấp nhiều chi tiết hơn về thời điểm này (Mt 24,1 - 25,46). Chúa  tiên báo rằng sau khi Tin Mừng được loan báo khắp thiên hạ, “ bấy giờ cùng tận sẽ đến." Ngài cũng diễn tả tận thế trong hình thức phán xét. (Mt, 25, 31-46). Thánh sử Mát-thêu đã thường nhắc tới “tận thế, buổi tận thế, thời tận thế trong Tin Mừng ngài viết. (Mt 13,39-40; 24,3.6.13-14; 28,20).

Thánh Phaolô cũng nhắc đến tận thế một vài lần, đặc biệt khi ngài giảng dạy các môn đệ về chuyện các kẻ chết sống lại: “Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi” (1Co 15, 51-52; xin đọc thêm 1Co 1,8; 10,11; 15,24; 1Th 4,13-17; 2Th 1,8-10). Thánh Phêrô (1P 4,7) và  tác giả thơ Do Thái (Hr 3,14; 6,11; 9,26) cũng nhắc đến “Thời cùng tận “. Sách Khải Huyền có những đoạn viết về các thị kiến về thời cùng tận của thế giới và về trời mới và đất mới (Kh 21,1-22,5)
 
Lm. Timothy A. Lenchak, SVD
Bible Today, Nov/Dec 2015

(Luke Quang dịch, WGP.Qui Nhơn 04.12.2015)

Các hiệu quả của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Các hiệu quả của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân


Sau khi miêu tả diễn tiến nghi thức xức dầu cho bệnh nhân văn bản chương 5 thư thánh Giacôbê trình bầy các hiệu qủa của bí tích này trên thân xác cũng như trong tinh thần.
Vì bản thể con người gồm thân xác và tinh thần nên bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cũng tác động trên sức khỏe vật lý cũng như sức khỏe tinh thần, như đã viết: ”Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,15). Ở đây chúng ta thấy tác giả của thư nhấn mạnh trên chiều kích của đức tin ”Lời cầu nguyện được làm với đức tin”, hầu như để nêu bật rằng tất cả đều nhận lãnh giá trị chiều kích của lòng tin.

Đây không phải là một lễ nghi ảo thuật, cũng không phải là một giàn dựng để tạo ra một ảnh hưởng tâm lý tốt. Việc xức dầu thánh hiệp với lời cầu nguyện có đức tin của toàn cộng đoàn, được diễn tả ra bởi các ”trưởng lão”, tức các linh mục, có quyền năng ”chữa lành” người bệnh do sức mạnh Thiên Chúa ban.

Và sự cứu rỗi đầu tiên hướng tới thân xác như văn bản nói rõ: ”Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy”. Động từ ”nâng dậy” ám chỉ việc người bệnh chỗi dậy khỏi giường, nơi người ấy phải nằm “kámnonta” nghĩa là nằm dài ra vì đau yếu. Việc cứu rỗi thứ hai là giải thoát người bệnh khỏi tội lỗi, nếu người bệnh đã ở trong tình trạng ấy: ”Và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha”. Sự giải thoát gồm hai chiều kích như thế do tương quan mà Thánh Kinh thường trông thấy giữa bệnh tật và tội lỗi. Theo quan niệm kinh thánh bệnh tật là hậu qủa của tội lỗi, không phải trong các trường hợp riêng rẽ, nhưng như tình trạng chung của nhân loại. Đó là ý nghĩa điều thánh Phaolô khẳng định trong chương 5 thư gửi tín hữu Roma: ”Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12).

Tội lỗi khiến cho linh hồn con người bị hoen ố và bệnh hoạn, vì thế tình trạng tội lỗi này cũng ảnh hưởng trên tinh thần và thân xác con người, khiến cho chúng bị yếu nhược. Đây là kinh nghiệm mà tất cả mọi người đều sống và cảm nghiệm, thường khi trong tình trạng vô thức. Nhưng nó cũng là điều được chứng minh bởi các ngành y khoa, tâm lý và phân tâm ngày nay. Lý do là vì bản thể con người bao gồm ba chiều kích thân xác, tâm lý và tinh thần: soma, psiche và pneuma; nói một cách ngắn gọn là bao gồm xác và hồn, có tương quan mật thiết với nhau, nên ảnh hưởng trên nhau.

Tất cả những gì chúng ta đã nói không có nghĩa là việc xức dầu thánh phải ”luôn luôn” đem lại tất cả các hiệu qủa mà chúng ta đã nhắc tới, bởi vì ý muốn của Thiên Chúa, mà sự sống và cái chết của chúng ta tùy thuộc, cũng có thể sắp xếp một cách khác. Nhưng điều này không lấy mất đi giá trị của lễ nghi xức dầu thánh cho bệnh nhân, bởi vì nó sẽ luôn luôn có hiệu qủa là thanh tẩy linh hồn và thần trí chúng ta khỏi tội lỗi, và khiến cho chúng ta ngoan ngoãn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, khiến cho chúng ta chấp nhận sự đau khổ và chính cái chết như là hiến lễ cao cả của tình yêu dâng lên Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu đã làm trên thập giá.

Trong cách thế như vậy chúng ta không nhận chịu cái chết, mà là những người chủ động biến cái chết thành một hành động của sự sống, bằng cách tự chuộc mình khỏi các nỗi sợ hãi và khỏi cả sự nổi loạn trước điều xem ra chỉ là một sự thất bại trong kinh nghiệm thân phận làm người của chúng ta.

Như vậy bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là ”một phương thế trợ giúp thân xác và linh hồn của mọi Kitô hữu, mà tình trạng sức khỏe bị hao mòn bởi bệnh tật hay tuổi già. Hai yếu tố xác hồn luôn luôn đi đôi và gắn liền với nhau trong bản chất, phải được chú ý, nếu chúng ta muốn hiểu dấu chỉ và ơn thánh của việc xức dầu bệnh nhân. Thật thế, bệnh tật vật lý khiến cho sự giòn mỏng tinh thần của mọi Kitô hữu trở thành trầm trọng hơn, và nếu không có ơn thánh Chúa, nó có thể dẫn đưa tới chỗ khép kín ích kỷ trong chính mỉnh, hay tới thái độ nổi loạn chống lại sự quan phòng, hoặc tới độ dẫn đưa đến nỗi tuyệt vọng (CEI, Việc rao giảng Tin Mừng và bí tích Xức dầu bệnh nhân, 1974 s. 140).

Văn bản chương 5 thư thánh Giacôbê không nói tới Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, nhưng chỉ đề cập tới lễ nghi xức dầu và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, chúng ta có tất cả các yếu tố tạo thành một bí tích đích thật: các linh mục, các vị thừa tác của Chúa là những người ban bí tích; các bệnh nhân là những người lãnh nhận bí tích; lễ nghi bao gồm các yếu tố vật chất là xức dầu ô liu, và các yếu tố tinh thần là lời cầu nguyện của vị thừa tác và cộng đoàn; và các hiệu qủa nhằm đạt được là ơn lành bệnh trên thân xác và ơn tha tội trong linh hồn cho người bệnh được xức dầu; và yếu tố cần thiết nhất là phải có là đức tin.

Chính vì thế Công Đồng Chung Trento có lý, khi chống lại lập trường của các tín hữu Tin Lành, và thiết định rằng đây là một bí tích đích thực ”do Đức Kitô Chúa chúng ta thành lập” (x. Mc 6,13) và được thánh Giacôbê tông đồ công bố” (Gc 5,14), và nó không chỉ là một lễ nghi nhận được từ truyền thống giáo phụ hay của một sáng chế loài người nào (x. DS 1716).

Ở đây không cần thiết phải bước vào trong việc nghiên cứu tường tận các lý lẽ thần học. Nhưng điều cấp thiết là phải tái khám phá ra ý nghĩa sâu xa của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, vì nó không chỉ giúp chúng ta tái khám phá ra ý nghĩa của bệnh tật, khổ đau và cái chết, trong một thời đại mà con người có khuynh hướng tầm thường hóa, hay một cách đơn sơ sinh học hóa các sự kiện gây ra chấn thương tinh thần; nhưng nó cũng còn giúp chúng ta tái khám phá ra sứ mệnh của Chúa Kitô là ”thầy thuốc” của thân xác và linh hồn con người, như các Phúc Âm đã trình bầy.

Nhưng bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là bí tích cần được đào sâu và giải thích nhiều hơn nữa để giúp Kitô hữu sống bệnh tật, khổ đau và cả cái chết một cách nghiêm chỉnh và sâu đậm hơn. Chính vì thế thật là ý nghĩa, khi tìm hiểu bệnh tật từ quan điểm nhân chủng học, không chỉ như là tình trạng hư hỏng các cơ cấu và nhiệm vụ của một hay nhiều cơ phận trong thân thể con người; nhưng còn là tình trạng hạn chế, điều kiện hóa thái độ con người sống kinh nghiệm đặc biệt về chính mình và các tương quan với thế giới nữa.

Thật vậy, người bệnh sống một kinh nghiệm về sự tha hóa khỏi chính thân thể của mình. Nó ”làm đau” cho con người, nó không tuân lệnh nữa, và nó khiến cho bệnh nhân cảm thấy trước rằng mình có thể chết. Ngoài ra người bệnh cũng bị tha hóa với chính môi trường sống của mình, vì bị tách rời khỏi các tương quan bình thường trong môi trường gia đình, nghề nghiệp, học đường, sinh hoạt và giải trí vv.... Họ bị tách rời khỏi các người khác, cần đến người khác nhiều hơn trước, không làm gì được để đổi lại các phục vụ ấy của tha nhân, và không thể tránh né các phục vụ ấy đến độ phải nhận ra rằng mình ở trong tình trạng hoàn toàn tùy thuộc người khác. Sau cùng bệnh nhân phải sống kinh nghiệm của sự hạn chế, nghĩa là thấy mình ở trước một bức tường mà không thể ủi sập được, trong một tình trạng khó chịu đau đớn, mà ít nhất trong lúc này đây không thể loại bỏ được. Và như thế người bệnh sờ mó được các hạn hẹp, sự giòn mỏng, bất lực, và tính cách tương đối, ngẫu nhiên của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tiêu cực ấy cũng có các khía cạnh tích cực. Người bệnh bị thách đố có một ý niệm thực tế hơn và sâu xa hơn về chính mình. Sự hạn hẹp của tương lai tương đối quy chiếu họ về tương lai tuyệt đối, và cái bất bình thường của việc sát nhập vào trong thế giới tự tại nhắc nhở họ phải chú ý tới sự cần thiết tìm kiếm một hướng đi mới để tiến tới sự siêu việt, cho phép chống trả lại bệnh tật, trong nghĩa có thể thắng vượt nó và chấp nhận nó, khi không thể thắng vượt được nó. Các hư hoại hay sự tắt lịm của ”các niềm hy vọng” là một sức đẩy rộng mở cho niềm ”hy vọng”.

Trong tình trạng tiến bộ hiện nay của nhân loại, tất cả những điều này có một tầm quan trọng lớn hơn trong qúa khứ. Vì trong các thế kỷ trước một bệnh nặng chỉ kéo dài rất ít thời gian, vì nó mau chóng kết thúc với cái chết; trong khi hiện nay tiến bộ của y khoa đã khiến cho các trường hợp bệnh nặng trở thành thường xuyên và bệnh nhân có thể sống lâu hơn. Do đó họ cũng có nhiều thời gian và cơ may hơn để hướng tới cuộc sống siêu việt, và có thể biến đổi ý nghĩa của bênh tật, khổ đau và cái chết.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1136)


Linh Tiến Khải

Việc xức dầu trong truyền thống kinh thánh

Việc xức dầu trong truyền thống kinh thánh

Trong truyền thống kinh thánh dầu ô liu có một tầm quan trọng rất lớn. Nó đã không chỉ là dấu hiệu của niềm vui, sự giầu có và niềm hạnh phúc, mà còn được coi như là một phương dược có khả năng đem lại sức khỏe, hay làm dịu các đau đớn của thân xác và củng cố sức mạnh cho con người nữa.
Trong bài ca mừng hôn lễ Quân vương, tác giả Thánh Vịnh 45 viết: ”Ngôi báu Thiên Chúa tặng ban cho ngài sẽ trường tồn vạn kỷ, vương trượng ngài, vương trương công minh; ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác. Chính vì vậy, Chúa là Thiên Chúa của ngài đã tôn phong ngài vượt trổi các đồng liêu mà xức cho dầu thơm hoan lạc” (Tv 45,7-8). Chương 27 sách Châm Ngôn thì nói: ”Dầu và hương thơm làm phấn khởi lòng người, tình bạn ngọt ngào giúp tinh thần thêm vững mạnh” (Cn 27,9). Còn ngôn sứ Isaia miêu tả ơn gọi của vị ngôn sứ trong chương 61 như sau: ”Thần Khí của Giavê là Thiên Chúa ngự trên tôi, vì Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin cho người nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Giavê, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta. Người sai tôi đi yên ủi những kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Sion tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày lễ hội thay tâm thần sầu não” (Is 61,1-3).

Khi báo cho dân Israel biết Thiên Chúa sẽ chấm dứt các năm đi đầy bên Babihlonia và cho họ hồi hương, ngôn sứ Giêrêmia tả cuộc sống sung túc tại quê cha đất tổ và viết trong chương 31: ”Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Sion, lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc Giavê. Nào lúa thơm rượu mới dầu tươi, nào bò bê cùng với chiên cừu. Lòng thỏa thuê như vườn cây tưới nước, họ chẳng còn mỏi mệt héo hon” (Gr 31,12). Tác giả thánh vịnh 91 thì khẳng định Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực ”xức dầu thơm mát” cho thân thể người công chính (Tv 91,11).

Còn tác giả Thánh vịnh 104 chúc tụng tình yêu thương của Thiên Chúa Tạo Hóa đối với con người như sau: ”Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ” (Tv 104,15).

Trong khi tác giả thánh vịnh 133 thì ca ngợi cảnh anh em trong gia đình sống thuận hòa như sau: ”Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau, như dầu qúy đổ trên đầu, xuống râu xuống cổ áo chầu Aharon” (Tv 133,1-2).

Trong thời cựu ước cùng với bò, dê, cừu, bồ câu và chim cu gáy và tinh bột, dầu ô liu là một trong các sản phẩm trong các lễ vật tín hữu Do thái dâng cho Thiên Chúa như tả trong sách Lêvi. Dầu ô liu cũng được dùng để xức trong các lễ nghi phong chức tư tế, như ông Môshê đã làm đối với ông Aharon (Xh 29,7), hay trong trường hợp của các Thượng Tế được xức dầu thánh hiến (Lv 21,10).

Nhất là trong cuộc sống thường ngày người xưa dùng dầu để băng bó các vết thương. Trong chương 1 ngôn sứ Isaia tả cảnh thảm thương của dân Israel như sau: ”Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng còn nơi lành lặn: vết bầm, vết đánh, vết thương còn mới, chưa có ai lau chùi, chưa có ai băng bó, chưa có ai thoa dầu” (Is 1,6). Ngôn sứ Edekiel miêu tả những săn sóc mà Thiên Chúa dành cho Israel là một bé gái mới sinh đã bị bỏ rơi ngoài đồng như sau: ”Ta đã lấy nước tắm rửa, gột sạch máu me, rồi xức dầu thơm cho ngươi” (Ed 16,9). Trong dụ ngôn người Samaritano nhân hậu thánh sử Luca kể rằng khi thấy người bị cướp đánh trọng thương nằm giữa đường từ Giêrusalem tới Giêricô, ”ông ta chạnh lòng thương, lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,33-34).

Dầu ô liu cũng thường được dùng để xoa bóp, gia tăng sức mạnh cho da và các cơ bắp trên thể con người. Chính nhờ các phẩm chất của nó và do ơn thánh Chúa ban, người được xức dầu thánh hiến có thể làm được các điều ngoại thường. Điển hình như biến cố ông Saul đựơc ngôn sứ Samuel xức dầu phong vương như kể trong chương 10 sách Samuel I (1 Sm 10,1-6), hay vụ ngôn sứ Samuel xức dầu phong vương cho chú bé Davít con ông Giêssê, như trình thuật trong chương 16 sách Samuel I (1 Sm 16,1-13; x. 2 Sm 23,1-2). Đấng Cứu Thế cũng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong và giao cho các nhiệm vụ cao qúy, như ngôn sứ Isaia đã miêu tả trong chương 61. Văn bản này đã được Đức Giêsu áp dụng cho chính Người và sứ mệnh cứu thế của Người, khi giảng dậy trong hội đường làng Nagiarét (Lc 4,18-19). Qua các văn bản nói trên chúng ta có thể nói rằng việc xức dầu giống như phương cách Thần Khí của Thiên Chúa, thấm nhập và biến đổi các người được Thiên Chúa tuyển chọn, và ban cho họ sức mạnh và các khả năng đặc biệt cần thiết thích hợp với ơn gọi của họ: ơn gọi là vua, là tư tế hay là ngôn sứ.

Liên quan tới Thần Khí thánh Gioan hai lần nói về ciệc ”xức dầu (chrisma), mà Kitô hữu đã nhận được và nó cho phép họ phân biệt giáo lý thật với giáo lý giả. Thánh nhân viết trong chương 2 thư thứ I như sau: ”Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết” (1 Ga 2,20). Và thánh nhân lập lại trong câu 27 cùng chương: ”Phần anh em, dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy đỗ nữa. Nhưng vì dầu của Người dạy đỗ anh em mọi sự - mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá - thì theo như dầu ấy đã dạy anh em, anh em hãy ở lại trong Người” (1 Ga 2,27).

Mặc dù không loại trừ việc quy chiếu về bí tích Rửa Tội, ở đây thánh Gioan đề cập tới Chúa Thánh Thần, mà tín hữu đã lãnh nhận qua bí tích Rửa Tội. Nó là bí tích dẫn đưa tín hữu ”vào trong tất cả sự thật”. Thánh Gioan ghi lại các lời Chúa Giêsu dặn dò các tông đồ trong bữa Tiệc Ly và viết trong chương 14 như sau: ”Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).

Xa hơn Chúa Giêsu nói: ”Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với các con từ nơi Chúa Cha, Người là thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26). Cũng trong khung cảnh của Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói thêm với các tông đồ: ”Thầy còn nhiều điều phải nói với các con. Nhưng bây giờ các con không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến Người sẽ dẫn các con tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho các con biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho các con. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho các con” (Ga 16,12-15).

Như thế, thời gian của Giáo Hội là thời gian hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ thay Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ các Tông Đồ, ban cho các vị sự khôn ngoan, sức mạnh giúp loan báo, làm chứng và sống theo Tin Mừng, soi sáng, nhắn nhủ và giúp các ông nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói với các ông.

Qua những gì trình bầy cho tới nay chúng ta nhận ra bối cảnh đức tin trong lễ nghi xức dầu cho các bệnh nhân, trong đó nổi bật lời cầu nguyện: cầu nguyện chúc tụng cũng như cầu nguyện nài xin ơn khỏi bệnh cho những anh chị em đau yếu. Ở đây là trường hợp của tín hữu bị bệnh nhưng rất ý thức được tình trạng yếu liệt của mình nên sai người đi mời các ”presbyteroi”, tức các ”trưởng lão” hay các “linh mục”, các ”thừa tác viên của Chúa” có nhiệm vụ lo lắng, chăn dắt và hướng dẫn cộng đoàn tín hữu được giao phó cho các vị. Như thế, mỗi khi các tín hữu bị bệnh đều có thể sai người đi mời các linh mục tới xức dầu và cầu nguyện cho họ để họ được lành bệnh.

Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân như vậy là bí tích có mục đích tái tạo sức khỏe trên thân xác cũng như tinh thần. Nhưng từ từ tín hữu đánh mất đi ý nghĩa đó và hiểu sai nó là bí tích dành cho người sắp chết. Vì thế thay vì mời các linh mục ngay khi người thân mới bị đau yếu, thì người ta chờ cho tới khi bệnh nhân sắp chết, không còn làm gì được nữa, mới đi mời linh mục. Và thế là bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân để chữa lành lại trở thành bí tích dọn mình và tiễn xưa người chết. Và người ta lo âu buồn phiền, khi có người thân chết mà không nhận được bí tích xức dầu. Đôi khi người bệnh đã chết rồi mà thân nhân cứ nài nẵng linh mục ban bí tích xức dầu cho họ. Tất cả đều sai lạc với ý nghĩa và mục đích của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

Ngày nay nhiều cha xứ thường tổ chức lễ Xức Dầu cho các bệnh nhân và những người già trong toàn giáo xứ mỗi năm vài lần, đặc biệt trước mùa hè và trước mùa đông, là hai thời điểm thường có nhiều người già được Chúa gọi về Nhà Cha. Trong thánh lễ sau bài giảng, có nghi thức ban bí tích Xức Dầu cho các bệnh nhân và người già.

Mục đích là để tái lập ý nghĩa đích thật của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, giúp tín hữu tìm lại được sức khỏe, gây ý thức cho mọi người về bổn phận đối với các bệnh nhân và người già cả, cũng như tránh cho nhiều người nỗi sợ hãi chết mà không được xức dầu.

Những ngày lễ như thế trở thành lễ toàn giáo xứ cầu nguyên cho các bệnh nhân và người già cả, có sự hiện diện của các con cái và thân nhân bao quanh họ trong sự liên đới, qúy trọng, lóng biết ơn và tình yêu thương.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1135)


Linh Tiến Khải

SƯ PHẠM GIÁO LÝ - 30 CÂU HỎI

SƯ PHẠM GIÁO LÝ - 30 CÂU HỎI





 



NHỮNG CÂU HỎI CỦA GIÁO LÝ VIÊN GIÁO XỨ TÂN PHÚ (SAIGON) VỀ SƯ PHẠM GIÁO LÝ VÀ NHỮNG CÂU TRẢ LỜI CỦA LM. Pr. NGUYỄN VĂN HIỀN, TRƯỞNG BAN GIÁO LÝ TGP. SAIGON, NGÀY 2.8.2017

I. VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
1. Hỏi: Mục đích của việc dạy giáo lý là gì?
Đáp: Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là giúp cho học viên gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu kết hợp với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, tức kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa.
2. Hỏi: Giáo lý viên cần thiết phải làm và phải có những gì?
Đáp: Những điều cần thiết GLV phải làm là thông truyền Mặc khải và giáo dục đức tin. Mặc khải duy nhất và trọn vẹn là Chúa Giêsu nên thông truyền Mặc khải là loan báo Chúa Giêsu. Giáo dục đức tin là giúp cho con người mở lòng đón nhận Chúa Giêsu để nên giống và nên một với Người. Vì thế, những điều cần thiết GLV phải có là biết Thiên Chúa và biết con người.
3. Hỏi: Điểm đến của việc dạy giáo lý là gì?
Đáp: Điểm đến cuối cùng khi dạy giáo lý là học viên nhận biết, yêu mến, nên giống và nên một với Chúa Giêsu (Thiên Chúa), nhờ đó yêu mến, phục vụ tha nhân và môi trường, cách riêng là giúp họ nhận biết Chúa để được cứu rỗi. Nói cách khác, việc dạy giáo lý nhắm đến hiệp thông mang tính truyền giáo.
4. Hỏi: Chúng ta phải làm gì để sống kết hiệp với Chúa?
Đáp: Để sống kết hiệp với Chúa Kitô, chúng ta phải gặp gỡ Người bằng cách lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa để ở lại trong tình yêu của Người – nghĩa là ra khỏi chính mình và trở nên gần gũi hơn với Thiên Chúa đồng thời làm cho Thiên Chúa nên gần gũi hơn với mọi người.

II. VỀ GIÁO LÝ VIÊN
5. Hỏi: Giáo lý viên là ai?
Đáp: Là chứng nhân, là người làm chứng cho Tin Mừng, là thầy dạy, người giúp cho học viên biết sự thật này là Thiên Chúa yêu thương họ và đã cho Con Một của Người chết trên Thánh giá để được cứu độ, và là sứ giả, người được Chúa kêu gọi để ở lại với Người và sai đi loan báo Tin Mừng.
6. Hỏi: Giáo lý viên tốt là người thế nào?
Đáp: Giáo lý viên tốt là người sống hiệp thông với Chúa và có khả năng dẫn người ta đến sự hiệp thông với Chúa, với tha nhân và môi trường.
7. Hỏi: Yếu tố quan trọng nhất của giáo lý viên là gì?
Đáp: Theo ĐTC Phanxicô, giáo lý viên phải luôn trở về với lời loan báo Tin Mừng đầu tiên “Chúa yêu bạn”, để cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa cũng như để cho tình yêu ấy thúc bách mình ra khỏi chính mình và đến với anh chị em hầu làm cho họ nên gần gũi với Chúa (xem Sứ điệp ĐTC gửi cho Đại hội Quốc tế về Giáo lý tại Buenos-aires, Argentine từ 11-14/7/2017).
8. Hỏi: Giáo lý viên trau dồi kiến thức giáo lý ở đâu?
Đáp: Nội dung giáo lý chứa đựng trong sách GLHTCG, gồm 4 phần: tín lý, phụng vụ, luân lý và cầu nguyện. Nội dung này được thâu tóm trong cuốn Toát Yếu GLHTCG và được làm cho dễ hiểu trong bản Hỏi-Thưa GLHTCG. Bạn có thể tìm để tự học hoặc tham dự các lớp đào tạo giáo lý viên của BGL.TGP, tại một trong năm cơ sở sau: Sài Gòn (TTMV), An Nhơn, Tân Hương, Bùi Môn và Tam Hải.
9. Hỏi: Băn khoăn vì “không sống đúng những điều mình dạy”, giáo lý viên phải làm thế nào?
Đáp: Băn khoăn của bạn là một băn khoăn thánh thiện. Tuy nhiên, nếu đợi cho đến khi mình hoàn thiện, thì đến khi nào chúng ta mới có thể giúp đỡ người khác. Vì thế, khi dạy giáo lý, chúng ta cần khiêm tốn và tối thiểu có ý muốn ngay lành; đó là cố gắng tuân giữ những điều mình dạy, dù chưa thể thực hiện trọn vẹn ở đây và lúc này.

III. VỀ SƯ PHẠM GIÁO LÝ
10. Hỏi: Sư phạm giáo lý là gì?
Đáp: Là đường lối hay cách thức truyền đạt chân lý đến với người tìm kiếm Chúa. Thông thường có hai cách truyền đạt: một là cách đi xuống; hai là cách đi lên. Đi xuống là lối đi từ chân lý đến kinh nghiệm, từ nguyên tắc đến áp dụng, từ Sách Thánh đến cuộc sống (diễn dịch). Đi lên là lối đi từ cuộc sống đến Sách Thánh, từ những áp dụng cụ thể đến những nguyên tắc chung, từ kinh nghiệm đến chân lý hay giáo thuyết (quy nạp). Trong việc dạy giáo lý, chúng ta thường sử dụng cách đi lên, khởi đi từ con người với kinh nghiệm sống của họ.
11. Hỏi: Tại sao giáo lý viên phải đặt trọng tâm nơi người học giáo lý?
Đáp: Để có thể gặp gỡ và tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa cho con người, Thiên Chúa đã cử Con Một của Người đến trong trần gian làm người và nên giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, để có thể nói với con người bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Vì thế, muốn con người nhận biết và đón nhận tình thương của Thiên Chúa thì giáo lý viên không có cách nào khác hơn. Giáo lý viên phải hiểu tâm lý, hoàn cảnh, khả năng và nhu cầu của học viên để có thể truyền đạt không chỉ bằng môi miệng nhưng từ trái tim đến trái tim. Phải tôn trọng học viên vì họ là chủ thể của công cuộc giáo dục, là yếu tố chính yếu quyết định thành quả của giáo dục.
12. Hỏi: Giáo lý viên có nên khảo thuộc lòng bài cũ đầu giờ không?
Đáp: Việc khảo bài cũ ở đầu giờ khiến các em sợ hãi và làm mất hứng khởi ngay từ đầu buổi gặp gỡ giáo lý. Nên chăng cho các em chia sẻ việc thực hiện quyết tâm trong tuần, rồi cho các em nhắc lại nội dung chính của buổi gặp gỡ trước (có thể dùng những câu hỏi thưa của buổi gặp gỡ trước). Sau đó, giáo lý viên chuyển sang đề tài mới để có sự liên tục và tiếp nối giữa các buổi gặp gỡ giáo lý.
13. Hỏi: Muốn dạy giáo lý bằng câu chuyện Thánh Kinh, phải làm thế nào?
Đáp: Dạy giáo lý bằng cách kể chuyện Thánh Kinh là cách dạy giáo lý tuyệt hảo. Tuy nhiên, để có thể khám phá và trình bày được thông điệp của câu chuyện hay bản văn Thánh Kinh, bạn cần phải học cách chú giải hay giải thích một bản văn Thánh Kinh.
Thông thường, người ta dùng sự tương phản giữa khởi đầu và kết cuộc của câu chuyện, để tìm kiếm lý do của sự chuyển biến hay sự thay đổi này. Lý do ấy khám phá thông điệp của bản văn. Ví dụ, khi Chúa Giêsu đến thăm bà mẹ vợ ông Phêrô, bà bị sốt nặng, nằm trên giường, buồn vì chẳng làm được gì cho Ngài, nhưng kết cuộc bà đã trỗi dậy và phục vụ Ngài. Vì sao có chuyển biến này? Thưa vì Chúa Giêsu đã bước đến gần, cầm lấy tay bà, đỡ dậy và cơn sốt dứt, bà vui vẻ phục vụ Ngài. Sứ điệp: Qua câu chuyện này, thánh Mác-cô như muốn nói với chúng ta: Chúa Giêsu thật tốt lành và quyền năng!
14. Hỏi: Các bạn ngoài Công giáo hiểu chưa đúng về Cựu Ước, chẳng hạn về  trình thuật sáng tạo, về  sự  giáng phạt  của Thiên Chúa vv... thì phải làm thế nào?
Đáp: Bạn hãy giúp cho người ấy hiểu mối tương quan giữa Cựu ước và Tân ước. Cựu ước (giao ước cũ) chuẩn bị và mở đường cho Tân ước (giao ước mới) và Tân ước hoàn thiện Cựu ước. Vì thế, chân lý được tỏ bày trong Cựu ước chưa hoàn hảo, cần được hoàn thiện và làm cho hoàn hảo bởi Tân ước nghĩa là bởi giao ước mới được ký kết trong máu của Chúa Giêsu.
15. Hỏi: Làm thế nào để quân bình giữa việc dạy giáo lý và sinh hoạt giáo lý?
Đáp: Vấn đề ở đây không phải là quân bình, nhưng là sự tương hỗ giữa nội dung giáo lý và hình thức trình bày. Để giúp cho học viên lĩnh hội được nội dung giáo lý thường mang tính trừu tượng, giáo lý viên phải dùng một hoạt động nào đó (activity) để giúp học viên hình thành khái niệm trước. Nhờ đó, khi tiếp cận với nội dung giáo lý, họ sẽ “ngộ” hay hiểu ra ngay. Ví dụ: giáo viên nhạc thường hướng dẫn cho học viên vỗ tay và đếm số để giúp họ hình thành khái niệm; nhờ đó, hiểu được trường độ của dấu tròn kéo dài bằng hai dấu trắng, bằng bốn dấu đen và tám dấu móc đơn.
16. Hỏi: Giáo lý viên phải triển khai một bài giáo lý thế nào?
Đáp: Khi triển khai một buổi học giáo lý, giáo lý viên cần có bốn bước trọng tâm; đó là các bước:
a/ Công bố Lời Chúa
b/ Quan sát và tìm hiểu ý nghĩa của bản văn Lời Chúa
c/ Nội tâm hóa hay đón nhận Lời Chúa: học viên thinh lặng, sinh hoạt và đối thoại mục vụ với giáo lý viên.
d/ Cầu nguyện giữa giờ và quyết tâm sống Lời Chúa.
-       Để dẫn vào 4 bước này, glv có thể thêm phần tiếp đón + cầu nguyện đầu giờ + chia sẻ thực hiện quyết tâm tuần trước + kinh nghiệm sống để dẫn vào chủ đề mới.
-       Để kết 4 bước này, glv có thể thêm phần củng cố + ghi nhớ (học thuộc lòng) + cầu nguyện kết thúc.
Giáo lý viên cần tiến hành nhanh gọn các bước trước và sau, để dành thời gian cho các bước trọng tâm.
17. Hỏi: Phương pháp dạy giáo lý nào là phương pháp tốt nhất?
Đáp: Phương pháp tốt nhất là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất.
18. Hỏi: Làm thế  nào để giúp các em tập trung sự chú ý vào nội dung giáo lý?
Đáp: Các em không thể tập trung lâu và theo kịp những lý luận dài. Vì thế, cần đi thẳng vào trọng tâm, nên dùng câu vắn và đơn giản. Tốt nhất là giáo lý viên đối thoại với các em và dùng các câu hỏi gợi mở (gợi ý và mở đường) để giúp các em dễ theo dõi. Có thể dùng trò chơi, câu đố, ô chữ, màn hình, xếp giấy,… như những hoạt động (activity) để hình thành khái niệm trước khi giúp các em tiếp cận nội dung giáo lý. Ví dụ: Giáo lý viên cho các em nhắm mắt một lúc rồi cho các em mở mắt ra và  chia sẻ những cảm nhận khó chịu khi ở trong bóng tối để giúp các em hình dung được phần nào nỗi khó khăn của người khiếm thị và niềm vui của họ khi được sáng mắt.
19. Hỏi: Phải ứng xử  thế nào với các em hiếu động và thụ động trong lớp?
Đáp: Hãy khích lệ các em thụ động tham gia và giao việc cho em hiếu động. Hãy học cách ứng xử của Chúa Giêsu với đám đông xô đẩy người phụ nữ ngoại tình xuống trước mặt Ngài. Để cho đám đông “hiếu động” trầm tĩnh lại, Chúa Giêsu chẳng nói gì, chỉ âm thầm cúi xuống, viết trên đất. Rồi khi họ thúc Chúa Giêsu phải trả lời, thì Ngài chỉ nói một câu vắn rồi ngồi xuống tiếp tục viết trên đất để tạo cơ hội cho họ suy nghĩ và chọn lựa một giải pháp thích hợp.
Còn đối với người phụ nữ “thụ động”, Chúa Giêsu hỏi han và khích lệ chị can đảm bước vào đời sống mới.
20. Hỏi: Phải làm thế nào để không nóng giận trong khi đứng lớp?
Đáp: Nóng giận là cảm xúc (tình cảm + bức xúc) nên khi đã bộc lộ thì khó mà ngăn cản được, dẫu có ngăn được thì bạn có thể bị ức chế.
Vì thế, bạn cần dự phòng hay phòng bị từ xa bằng cách thay đổi cách nghĩ, tránh nghĩ tiêu cực theo kiểu “bó tay.com”, trái lại nên có suy nghĩ lạc quan và tích cực; nhờ đó, tâm tình tiêu cực được hóa giải. Khi cảm thấy bức xúc, b ạn nên thở sâu và chậm lại, để điều tiết xúc cảm của mình.
Nói tóm lại, bạn cần chữa tính nóng giận bằng cách nghĩ tích cực, thậm chí phải biết đùa hay tiếu lâm, để giải tỏa bầu khí căng thẳng gây nóng giận. Ví dụ: Khi họ đạo mở tiệc mừng 50 năm thành lập, một nhóm trong họ  đạo đòi bày cỗ hẳn hoi vì trong các vị ân nhân có nhiều bậc vị vọng, nhóm khác chủ trương mỗi người một hộp, vừa đơn giản vừa tránh lãng phí do không biết đích xác số người tham dự. Cả hai nhóm quay sang cha xứ quyết định thế nào? Cha xứ cười và bảo: “Xem ra học thần học còn dễ hơn quyết định ăn cách nào!”. Mọi người cười rộ lên. Trong bầu khí này, cha xứ  mới đề nghị một giải pháp khả dĩ cả hai phía đều có thể chấp nhận.
21. Hỏi: Giáo lý viên cần có kiến thức nào để dạy cho học sinh năm 3?
Đáp: Bạn không rõ năm ba của bộ giáo lý nào? Nếu là bộ  giáo lý Hiệp thông thì năm ba là năm cuối của giáo lý thiếu nhi 1 (9 tuổi). Trong năm học này, các em chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Do đó, giáo lý viên cần nắm vững giáo lý về điều răn mới và thập điều răn cũng như giáo lý về hai bí tích này.

IV. VỀ KỸ NĂNG
22. Hỏi: Làm thế nào để dạy giáo lý...
a)     ... hấp dẫn, cuốn hút, các em thích và ham học giáo lý?
b)    ... sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng?
c)     ... sao cho các em gần gũi với Chúa, thánh thiện và ngoan hiền hơn?
Đáp: Câu này có hơn 20 anh chị đặt câu hỏi.
a)     Phần a) liên quan đến những việc cần làm trước giờ giáo lý.
b)    Phần b) liên quan đến những việc cần làm trong giờ giáo lý.
c)     Phần c) liên quan đến tác động hoặc ảnh hưởng sau giờ giáo lý.
Muốn hấp dẫn và lôi cuốn các em đến với giáo lý, thì trước hết giáo lý viên phải có khả năng dạy giáo lý vui tươi, sinh động. Muốn dạy giáo lý cách vui tươi và sinh động thì giáo lý viên tránh độc thoại hay thuyết trình, trái lại, nên tiến hành đối thoại với các em bằng cách đặt những câu hỏi gợi mở và đơn giản, nghĩa là tạo điều kiện cho các em tham gia qua những hoạt động giáo lý như truyện kể, câu đố, ô chữ, xếp hình, hình vẽ, trò chơi… Tuy nhiên, các hoạt động này phải hỗ trợ cho việc trình bày nội dung giáo lý.
Muốn cho việc học giáo lý của các em có ảnh hưởng tích cực trên gia đình, trường học, khu xóm… giáo lý viên phải dạy theo hướng giáo dục toàn diện bằng cách hoàn tất ba việc này: “thông tin (inform), huấn luyện (form) và biến đổi (transform)”. Giáo lý viên không dừng lại ở “ý chính và tâm tình” mà còn lưu ý đến “hành động” (làm gì sau buổi gặp gỡ giáo lý?). Việc dạy giáo lý phải giúp học viên vừa mở trí và mở lòng, vừa mở rộng đôi tay và mở rộng tương giao. Giáo dục là “toàn diện” (integrated) khi tác động trên các yếu tố làm nên con người; “toàn vẹn”(hollistic) khi tác động trên cả bản thân lẫn môi trường sống (bản thân, gia đình, khu xóm, trường học…).

V. VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ THIẾU NIÊN
23. Hỏi: Phải dạy giáo lý thiếu niên thế nào?
Đáp: Các em ở tuổi thiếu niên (13 – 15, 16 – 18) lớn hơn các em thiếu nhi (7 – 9; 10 – 12) trên bình diện thể lý, trí tuệ, tình cảm, tương giao và kinh nghiệm sống. Vì thế, cần thích ứng trong cả nội dung và hình thức trình bày giáo lý.
Nội dung giáo lý tuổi thiếu niên phải hỗ trợ các em trong tiến trình hình thành nhân cách (tôi là ai?) của lứa tuổi này và phương thức trình bày phải tạo điều kiện cho các em tham gia, cho các em trải nghiệm. Phương pháp thích hợp đối với tuổi này là phương pháp Xem-Xét-Làm. Xem là nhìn vào kinh nghiệm. Xét là suy nghĩ dưới ánh sáng của lý trí và đức tin (Lời Chúa). Làm là hành động để giải quyết vấn đề hay sống đức tin trong hoàn cảnh cụ thể.
24. Hỏi: Giáo lý viên cần biết những gì về tâm lý của tuổi thiếu niên?
Đáp: Tuổi này là tuổi mơ mộng, mơ cả ban ngày (daydream) và sống thiên về tình cảm. Do đó, các em sẽ không thích nghe thuyết giảng nhưng muốn khám phá và học hỏi từ những trải nghiệm của mình.
Tuổi này tỏ ra ngang bướng, bất cần nhưng tận đáy lòng rất cần ta giúp đỡ và mang trong lòng những khát vọng về cuộc sống có ý nghĩa và trách nhiệm.
Đừng ra lệnh và quyết định thay nhưng tạo điều kiện để các em trải nghiệm và khám phá các giá trị cần thiết để lớn lên. Bao dung với các em nghĩa là chấp nhận cho các em sai lầm và có cơ hội học từ những sai lầm của mình. Đừng tìm thắng thua với trẻ nhưng là cảm thông và hướng dẫn.
25. Hỏi: Điều giáo lý  viên cần làm và cần tránh khi dạy giáo lý cho thiếu niên?
Đáp: Tránh giáo điều, độc đoán và quy kết vì các em yêu thích tự do. Hãy là người hướng dẫn mà các em yêu thương và tín nhiệm, cảm thông và nâng đỡ.
Tránh thành kiến, dán nhãn, xếp loại các em và trói chặt các em trong các khung – nhãn – loại ấy. Phải chân nhận rằng ai cũng có thể trở nên tốt; các em hôm nay xấu, nhưng mai vẫn có  thể  trở nên tốt, nhờ đó nhân hậu, nhẫn nại, bao dung và luôn cho các em cơ hội để trở nên tốt hơn.
Tránh coi các em là con nít, cũng đừng vội coi các em là người lớn; đơn giản là các em đang lớn lên. Các em cũng có những khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp này. Hãy yêu thương và tôn trọng các em là những con người có phẩm giá và tự do, là hình ảnh của Thiên Chúa luôn mang tận đáy lòng khát khao chân thiện mỹ.
26. Hỏi: Làm thế nào giúp cho các em thiếu niên có đủ hành trang sống đức tin trong xã hội tôn thờ cái tôi và vật chất?
Đáp: Ngay cả các linh mục và tu sĩ là  những người đã được huấn luyện nhiều năm trước khi ra đi phục vụ. Thế mà nhiều vị vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ và ích kỷ, vênh vang và tự đắc. Điều này giúp ta bao dung và nhẫn nại hơn với các em thiếu niên. Tập sống chậm lại, sống giản dị, biết quan tâm giúp đỡ người khác, khổ chế và hy sinh từ những cái nhỏ bé trong đời sống hằng ngày là những cách ứng phó hữu hiệu với lối sống hưởng thụ ích kỷ. Cần giúp các em khám phá ra giá trị của hồng ân sự sống, để biết sống có ý thức và trách nhiệm. Hãy giúp các em khám phá  các giá trị để  biết hy sinh và  cống hiến bởi yêu mến và cảm phục. Các em sẵn sàng hy sinh và khổ chế vì đón nhận một giá trị lớn hơn.

VI. VỀ NỘI DUNG GIÁO LÝ
27. Hỏi: Làm sao biết và sống theo thánh ý Chúa?
Đáp: Trước hết, Thiên Chúa dựng nên con người để được sống và sống với Chúa. Vậy tất cả những gì nghịch lại sự sống của con người, ngăn cản họ sống với Thiên Chúa đều nghịch lại thánh ý của Thiên Chúa.
Thánh ý của Thiên Chúa trong Cựu Ước được thể hiện qua lề luật, đặc biệt là thập điều khắc ghi trên hai bia đá, nhưng trong Tân Ước, Chúa Giêsu là “con đường, là sự thật và là sự sống”, chính Ngài là lề luật. Điều Ngài dạy là thánh ý Thiên Chúa. Nếu không làm điều Chúa Giêsu dạy là nghịch lại thánh ý Chúa.
Tuy nhiên, để có  thể sống như Chúa Giêsu dạy trong từng hoàn cảnh, chúng ta phải học “phân định” (discerment) để biết đâu là thánh ý Chúa dành cho ta ở đây và lúc này. Thánh Y Nhã Chúa giúp cho chúng ta những cột mốc để phân định: có cái tốt, tốt hơn và tốt nhất. Giữa điều xấu và điều tốt, phải chọn điều tốt; trong những điều tốt, phải chọn điều tốt hơn; trong những điều tốt hơn, phải chọn điều tốt nhất là điều giúp chúng ta chịu sỉ nhục với Đức Kitô.
28. Hỏi:  Nguồn gốc của tội là gì?
Đáp: Sau khi nguyên tổ phạm tội, con người mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ. Thay vì qui hướng về Thiên Chúa như căn nguyên và cùng đích của mình, thay vì hướng về và làm điều lành, con người hướng về v à l àm điều dữ. Nguyên tội làm cho con người bị suy yếu và dễ nghiêng chiều và làm điều dữ, nghịch lại với Thiên Chúa.
Hơn nữa, Thiên Chúa còn dựng nên thiên thần: thần lành giúp người ta phụng sự Thiên Chúa, thần dữ xúi giục con người chống lại Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người vẫn có tự do để ưng thuận và từ chối làm hay không làm điều ma quỷ xúi giục.
Tội được hiểu như việc con người nghe theo lời xúi giục của ma quỷ, lạm dụng tự do mà bất tuân cùng Thiên Chúa, làm điều nghịch lại Thiên Chúa.
29. Hỏi: Chúng ta đã có đức tin, sao vẫn sống như người không có đức tin?
Đáp: Vì đức tin vừa là hồng ân, vừa là một trách nhiệm. Đức tin phải được nuôi dưỡng và vun trồng bởi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích và tham gia vào đời sống cộng đoàn.
30. Hỏi: Phải trả lời thế nào trước lập luận “đạo nào cũng tốt”?
Đáp: Nếu lương tâm ngay thẳng của người ấy tin như thế, thì bạn khuyên họ cứ sống như vậy. Tuy nhiên, khi lương tâm người ấy mách bảo có một thứ đạo tốt hơn hoặc tốt nhất thì họ đừng át đi tiếng lương tâm, nhưng hãy can đảm lên đường tìm kiếm thứ đạo ấy, thứ đạo dẫn chúng ta ra khỏi sự ích kỷ của bản thân, mở chúng ta ra với thế giới và dẫn chúng ta đến một cuộc sống đầy ý nghĩa và ngập tràn hạnh phúc thật, đời này lẫn đời sau. Nếu người ấy muốn tìm hiểu niềm tin Kitô giáo, bạn hãy sẵn đồng hành với họ.

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Nguồn: giaolyductin.net

Thư ngỏ của Uỷ ban Giáo lý Đức tin về Đại hội Giáo lý toàn quốc lần thứ V

Thư ngỏ của Uỷ ban Giáo lý Đức tin về Đại hội Giáo lý toàn quốc lần thứ V


Uỷ ban Giáo lý Đức tin
trực thuộc HĐGMVN
Kính thưa quý Đức Hồng Y, quý Đức Cha,
quý Cha, quý Tu sĩ, cùng toàn thể cộng đồng Dân Chúa,
Theo định kỳ 3 năm một lần, Uỷ ban Giáo lý Đức tin tổ chức Đại hội Giáo lý toàn quốc, nhằm tạo điều kiện cho các giáo phận chia sẻ kinh nghiệm mục vụ giáo lý và tìm phương hướng hành động chung, đẩy mạnh hoạt động huấn giáo và loan báo Tin Mừng hiệu quả hơn trong bối cảnh xã hội Việt Nam.
Năm nay, Đại hội Giáo lý lần thứ V được tổ chức tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc, từ thứ Hai 28/8 đến thứ Sáu 01/9/2017, với 270 tham dự viên là các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân của các giáo phận trong toàn quốc.
Chủ đề của Đại hội: Đào tạo giáo lý viên, con người của hiệp thông để loan báo Tin Mừng. Chủ đề này được khai triển và đào sâu qua 5 đề tài chính:
– Đề tài 1: Đào tạo giáo lý viên (GLV), con người của hiệp thông.
– Đề tài 2: Đào tạo GLV hiệp thông với Thiên Chúa nhờ Lời Chúa và các Bí Tích.
– Đề tài 3: Đào tạo GLV hiệp thông với Hội Thánh: tham gia và trách nhiệm.
– Đề tài 4: Đào tạo GLV hiệp thông với mọi người: đối thoại.
– Đề tài 5: Đào tạo GLV chứng nhân của Niềm vui Tin Mừng.
Trong tinh thần hiệp thông, chúng con xin kính báo và kính xin quý Đức Hồng Y, quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ cùng toàn thể Cộng đồng Dân Chúa hiệp lời cầu nguyện cho Đại hội được mọi sự tốt đẹp.
Chúng con xin chân thành cảm ơn quý Đức Hồng Y, quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ, cùng toàn thể cộng đồng Dân Chúa.

Kính báo

Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang
Thư ký UBGLĐT


UB Giáo lý Đức tin / HĐGMVN

CHÌA KHOÁ NƯỚC TRỜI




CHÌA KHOÁ NƯỚC TRỜI
CN 21 A

Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống; và với lời tuyên xưng này, thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu trao “Chìa Khóa Nước Trời", tức là quyền lãnh đạo Dân Chúa.

Trong Kinh Thánh, chìa khóa tượng trưng cho quyền cai quản và điều hành, như Thiên Chúa ban cho Êliakim quyền điều hành nhà Ðavid (Is 22,20-22), hay quyền hành của Chúa Giêsu trên sự chết (Kh 1,17-18).

Chìa khóa, theo Thánh Kinh, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền và trách nhiệm. Chúa Giêsu đã trao chìa khóa cho thánh Phêrô. Chúa tin tưởng thánh Phêrô, trao cho Ngài quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo Hội trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh (GLHTCG, số 553). Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết nghiêm trọng (NJBC,659).

Ngoài ra, theo một số nhà chú giải Thánh kinh như Kevin O’Sullivan, OFM và Paul J Achtemeier, “Chìa khóa Nước Trời” ám chỉ đến hình ảnh một người đầy tớ với chìa khóa trong tay để mở cửa các phòng trong nhà. Người có chìa khóa trong tay không chỉ có quyền xác định ai được vào và ai không được vào, mà còn có trách nhiệm toàn quyền trông coi để ý mọi sự trong nhà của chủ mình. (Harper’s Dict 524-525).

Nếu trách nhiệm được trao không chu toàn, nếu quyền hành được ban bị lạm dụng, và bị mất tin tưởng, thì chắc chắn chìa khóa sẽ bị lấy lại. Tiên tri Isaia trong bài đọc 1 đã minh chứng điều đó. Sobna, quan cai đền thờ đã bị cách chức và trục xuất khỏi địa vị cũng chỉ vì đã lạm dụng quyền hành. Ông đã lạm dụng quyền hành bắt ép vua Hezekiah (716-687) nổi dậy chống lại Assyria và chạy đến Ai cập cầu cứu. Tiên tri Isaia đã hoàn toàn phản đối việc này. Ngài kêu gọi Giuđa phải nên tin tưởng vào Thiên Chúa của mình, chứ không phải nơi sự trợ giúp của dân ngoại. Nhưng Giuđa đã không tin tưởng nơi Thiên Chúa, và cuối cùng vào những thế kỷ sau đó, Giuđa và Giêrusalem đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Và như chúng ta được biết, chìa khóa của Sobna đã bị lấy lại và trao cho Êliaqim, con trai Helcia. (Kevin O’Sullivan, OFM, The Sunday Readings (A) 309-314).

Trước lễ cung hiến Nhà thờ mới, có nghi thức trao chìa khoá mở cửa Nhà thờ. Đức Giám Mục trao chìa khóa cho Linh Mục Quản Xứ để ngài mở cửa Nhà thờ.Nghi thức này muốn nói lên rằng: việc quản trị Nhà thờ trên toàn Giáo phận là thuộc Đức Giám Mục Giáo Phận, còn Linh Mục Quản Xứ chỉ là người nhận quyền từ Đức Giám Mục, thay mặt Đức Giám Mục trông coi, cũng như cử hành và ban phát các bí tích cho cộng đoàn Dân Chúa tại Nhà thờ này.

Nếu hiểu chìa khóa là biểu tượng nói lên sự tin tưởng, quyền hành và trách nhiệm thì không chỉ riêng thánh Phêrô đã lãnh nhận chìa khóa Chúa trao; mà qua Ngài, qua Giáo hội, hết thảy mọi tín hữu cũng đều được lãnh nhận chìa khóa ấy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chìa khóa ấy không gì khác hơn là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và đồng thời tin tưởng chúng ta cũng là con Thiên Chúa. Đức tin dạy rằng, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa theo bản tính. Còn chúng ta cũng là con Thiên Chúa theo ân sủng. Quyền làm con Thiên Chúa và trách nhiệm đi kèm là một ơn rất trọng đại và cũng chính là “chìa khóa Nước Trời” cho mỗi người và cho những người có trách nhiệm liên hệ. Chìa khóa chính là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí tích Rửa tội giúp họ mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các Bí tích. “Với Chúa, mọi sự đều có thể” ; “ơn được làm con Thiên Chúa”, đó là chìa khóa Nước Trời mà Thiên Chúa trao cho mỗi người tín hữu. Chìa khoá mở lối vào Thiên Quốc Vĩnh Hằng có độ rắn của lòng trung thành, liên lỉ trong cầu nguyện; có độ bền của sự hiền hậu, khiêm nhường; có cấu trúc đẹp của lòng bao dung, tha thứ. Nó không làm bằng kim loại vật chất của trần gian, mà được đúc kết bằng hợp kim của niềm tin tâm linh và tính thánh thiêng. Nó có thể mở được tất cả các cánh cổng của những vấn nạn nghiêm trọng trong cuộc sống, và của mỗi thân phận con người.

Thánh Phêrô đã trải qua nhiều đau khổ, chịu bách hại và đã đổ máu vì danh Đức Kitô. Chúa đã đặt Ngài là: “Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng được”. Thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” và đã tuyên xưng tình yêu “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Vì niềm tin yêu vào Chúa Giêsu Kitô, Thánh Phêrô đã chia sẽ sứ mạng của Thầy Chí Thánh và hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên. Thánh Phêrô đã sống theo chân lý: ‘Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ai có thể đánh bại chúng ta?’. Chúa là sức mạnh của thánh nhân, không gì có thể tách Ngài ra khỏi lòng mến của Chúa Kitô. Thánh Phêrô xứng đáng để nắm giữ “Chìa khóa Nước Trời”.

Có câu chuyện “Chìa khoá và ổ khoá Thiên Đàng” thật ý nghĩa.

Một hôm nọ, khoá cửa Thiên Đàng bị hư, Thánh Phêrô đích thân mang cả chìa lẫn khoá xuống trần gian để tìm người sửa chữa. Ngài tới nhà anh thợ khoá đầu tiên.

- Chào anh, tôi có cái ổ khoá bị hư, anh làm ơn sửa giùm.

- Cụ làm nghề gì mà cửa nhà cụ lại có cái ổ khoá to và quý thế này ?

- Tôi làm nghề đánh cá, sau đổi sang nghề chăn chiên anh ạ .

- Ừ ! Nhìn quần áo và chân tay của cụ, tôi tin. Nhưng cụ nói thật đi, cụ "chôm" cái của quý bằng vàng ròng này ở đâu vậy?

Thánh Phêrô tần ngần trả lời :

- Của tôi đó, vì đây là khoá cửa của Thiên Đàng, còn tôi là Phêrô.

Anh thợ vồn vã :

- À! Thế thì lại khác, chỉ 1 giờ là tôi sửa xong cho cụ thôi, cụ cho xin 100.000 đồng .

Thánh Phêrô giật mình :

- Đắt thế à ? Tôi chỉ có 1.000 thôi.

- Không được đâu cụ ơi. Tôi nghe ngày xưa cụ đứng đầu Hội Thánh, hẳn là cụ giàu có lắm ?

- Anh hiểu lầm rồi ! Trong Hội Thánh chúng tôi, ai càng đứng đầu thì lại càng là người tôi tớ phục vụ, sống khiêm hạ khó nghèo như Đức Giêsu làng Nazareth. Thôi anh cố sửa nó đi, có thể vì công khó của anh mà tôi sẽ xin Chúa cho anh vào Thiên Đàng .

Anh thợ mỉm cười lắc đầu

- Tôi cần cái thực tế. Tiền thôi cụ ạ, còn Thiên Đàng thì xa lạ quá. Vả lại ở Thiên Đàng mà nghèo như cụ thì tôi chẳng ham. Thôi cụ đi xoay xở đâu đó thêm đi, rồi quay lại đây.

Thánh Phêrô bước đi, buồn bã nghĩ thầm : Anh thợ này sửa được nhiều thứ khoá, chỉ trừ khoá của Thiên Đàng. Đồng tiền quý đến thế kia ư ?

Ngài lại tìm đến nhà một anh thợ khác, nổi tiếng khéo tay và giàu có nhất vùng, hy vọng gặp được người yêu mến Thiên Đàng hơn chuyện tiền bạc.

Anh thợ đon đả chạy ra đón mừng .

- Tôi nhận ra ngài rồi. Tay cầm chìa khoá vàng, khuôn mặt và thân hình lại giống hệt bức tượng trong nhà thờ xứ tôi. Vào đây, gia đình tôi hân hạnh tiếp đón Thánh Cả.

Thánh Phêrô vui mừng, nhưng cũng ngần ngại dò hỏi :

- Tôi có cái khoá cửa thiên đàng bị hỏng, tôi chỉ có 1.000 đồng, nhờ anh sửa giúp

- Xin cất đi, tôi còn phải biếu ngài thêm lộ phí nữa kìa. Còn cái khoá thì không thành vấn đề, chỉ độ nửa tiếng là xong thôi. Có điều là, xin ngài hứa cho tôi một việc.

- Tốt lắm, anh cứ nói .

- Xin ngài đưa tôi vào Thiên Đàng và cho tôi làm trùm phường khóa ở trên đấy. Ngồi trên các Thánh hay các thiên thần thì tôi không dám, nhưng làm sếp đám thợ khoá thì tôi dư sức. Ngài sẽ thấy tay nghề của tôi khi sửa khoá cho ngài, xem tôi có đáng ngồi chỗ tốt hay không.

Bỗng có tiếng ầm ầm từ đầu ngõ, hàng trăm dân làng ùa chạy tới nhà anh thợ khoá khi nghe nói Thánh Phêrô đang ở nhà anh. Tiếng hò hét vang lừng từ ở cổng ra vào.

- Lạy Thánh Phêrô, Ngài cho vợ chồng con vào Thiên Đàng với.

- Đứa nào xô tao vậy, đây là cổng nhà anh thợ khoá chứ đã phải là cửa Thiên Đàng đâu mà chen dữ thế ? Phải có hàng lối chứ .

-Gặp Thánh Phêrô chứ có phải đi mua vé xinê,hay đi mua thịt mua cá đâu mà phải xếp hàng cha nội.

- Chúng mày biết gì ? Ông Trùm nói có lý đấy. Thế chúng mày không nghe cha giảng là ở trên Trời có " Đám rước mặc quần áo trắng tinh tay cầm cành thiên tuế " à ? Phải trật tự chứ !

- Chúa ơi ! Chết con rồi.
………

Thánh Phêrô lắc đầu ngán ngẩm. Cần phải "gửi" đi đâu nữa, họ đang ở hoả ngục rồi còn gì! Họ cãi nhau chí chóe, chửi thề, dẫm đạp lên nhau để "tranh" Thiên Đàng. Có kẻ đã dúi được vào túi Thánh Phêrô phong bì, hoa, nến. Rồi hí hửng vì đã "hối lộ" được người giữ cửa đầy quyền uy.

Bỗng có một cơn gió mù mịt cuốn lấy Thánh Phêrô. Thiên Thần đã đưa ngài đi trong gió. Để lại đám dân làng khóc la tiếc nuối, và anh thợ khoá tiu nghỉu vì tan giấc mộng vàng.

Thiên Thần đưa Phêrô tới bên một bờ suối rồi chào tạm biệt ra đi. Thánh nhân nhẹ gật đầu từ tạ. Ngài vẫn còn bực bội vì chuyện xảy ra vừa rồi. Tại sao con người lại coi nhẹ Thiên Đàng để kiếm tìm tiền tài danh vọng nhỉ ? Ngay cả đám dân muốn "xấn xổ" vào Thiên Đàng, họ có nghĩ gì tới Chúa và anh em mình đâu, lợi lộc riêng tư đã che mắt họ. Người ta có thể nhân danh một Thiên Đàng tốt đẹp để giành giật, gấu ó nhau đến vậy hay sao? Ôi ! Nếu có Gioan và Giacôbê ở đây,"những người con của sấm sét" chắc cũng sẽ như xưa, muốn xin lửa Trời xuống đốt tiệt cái đám dân nông cạn này.

- Hãy uống bát nước này cho mát đi, cụ đang có lửa trong lòng đó.

Thánh Phêrô giật mình quay lại. Một cậu bé thật xinh trai, tay cầm ly nước,đã đứng sau lưng mình từ lúc nào. Ngài cầm lấy ly nước, uống một hơi thật sảng khoái.

- Cám ơn cậu bé, cậu thật tốt bụng.

Cậu bé lém lỉnh nhìn cái ổ khoá trên tay Thánh Phêrô.

- Ổ khoá này đẹp quá, cụ cho tôi xem tí nào.

- Khoá cửa Thiên Đàng đó mà. Cậu có muốn lên đấy không, tôi dẫn cậu đi ?

- Chả cần cụ dẫn đâu, tôi thừa biết nó ở đâu rồi .

- Thật không ?

- Thật chứ !Thiên Đàng thuộc về những người bé nhỏ như tôi mà, cụ quên rồi à ?

Ngạc nhiên trước câu trả lời ngộ nghĩnh, Thánh Phêrô cảm thấy mến cậu bé thông minh này. Ngài đưa cả ổ khoá lẫn chìa cho cậu bé.

- Cẩn thận kẻo rơi nhé.

Cậu bé cầm cả hai ngắm nghía, rồi cậu tinh nghịch trả lại chìa khoá cho Phêrô.

- Cụ giữ lấy chìa khoá này như một kỷ niệm hay một biểu tượng cho bổn phận và quyền uy. Còn cái này thì…Chưa dứt lời, cậu đã ném ổ khoá đánh "tõm" xuống giữa lòng suối sâu.

Thánh Phêrô giật mình lớn tiếng :

- Ôi Chúa ơi ! Cậu làm gì vậy ?

Cậu bé mỉm cười trả lời :

- Thật ra cửa Thiên Đàng đâu cần ổ khoá. Điều quan trọng không phải là nó đóng hay mở, mà là sự "đóng hay mở" của lòng người. Phải giải quyết chuyện này ở dưới đất chứ không phải trên trời cụ ạ ." Điều gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc. Điều gì con tháo mở dưới đất, trên Trời cũng tháo mở ". Có người đã nói với cụ câu đó, cụ không nhớ sao ?

Thánh Phêrô ngẩn ngơ hỏi lại :

- Nhưng làm sao để họ mở hay đóng để tôi cầm buộc hay tháo gỡ ? Vì họ cứ khép kín trước vẻ đẹp của Thiên Đàng, nhưng lại sẵn sàng mở lòng ra với tiền tài, danh vọng. Làm sao để họ làm ngược lại đây, cậu bé ?

- Cụ đừng chỉ trỏ lên trời và nói những chuyện cao xa của Thiên Đàng với họ nữa.Ngược lại, phải dẫn họ tới một nơi để họ học biết khó nghèo, khiêm hạ, hy sinh. Cụ có muốn tôi đưa cụ tới đó, để rồi sau cụ có thể dẫn họ đi không ?

Thánh Phêrô sốt sắng :

- Được rồi, tôi theo cậu. Nhưng đi đâu mới được chứ ?

Cậu bé mỉm cười, nheo mắt nhìn Phêrô :

- Đi Bêlem, rồi lên Núi Sọ .

Nói xong, cậu quay lưng, lững thững bước đi về phía có ánh nắng chói chang, phía của Mặt Trời.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An