Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

“TÁI SINH” LÀ GÌ?

 “TÁI SINH” LÀ GÌ?
“Tái sinh” hay “sinh ra bởi ơn trên” nghĩa là gì? Nếu bạn là người phái Phúc âm hay phái Baptist, có lẽ bạn đã có câu trả lời. Tuy nhiên, nếu bạn là người công giáo La Mã hay người Tin Lành chính tông, thì cụm từ này có lẽ không nằm trong vốn từ vựng đạo của bạn, và thật sự sẽ gợi lên cho bạn một kiểu trào lưu chính thống Kinh thánh làm cho bạn hoang mang.

“Tái sinh” là gì? Từ ngữ này trong Phúc âm thánh Gioan, trong đoạn Chúa Giêsu nói chuyện với ông Nicôđêmô. Chúa Giêsu bảo ông “phải được sinh ra bởi ơn trên”. Nicôđêmô hiểu theo nghĩa đen và ông phản đối, một người trưởng thành không thể nào chui vào bụng mẹ để sinh ra lần nữa. Thế nên, Chúa nói lại câu này theo ẩn dụ, cho Nicôđêmô biết rằng lần tái sinh của một người thì không như lần đầu, không phải bởi xác thịt, nhưng là “bởi nước và Thần Khí”. Chà… Nói thế vẫn chưa đủ rõ với Nicôđêmô hay chúng ta. “Sinh ra bởi ơn trên” nghĩa là gì?

Có lẽ có quá nhiều câu trả lời. Sinh ra về mặt thiêng liêng, không như sinh ra về mặt thể lý, là điều không phải ai cũng hiểu như nhau. Tôi có những người bạn ở phái Phúc âm nói rằng, với họ, điều này nói đến một thời khắc tác động mạnh mẽ trong đời họ, khi họ có cuộc gặp riêng với Chúa Giêsu, như bà Maria Mađalêna gặp Chúa trong vườn vào ngày Phục Sinh. Một cuộc gặp gỡ khẳng định tình yêu của Ngài cho chúng ta, một khẳng định ghi khắc mãi trong lòng chúng ta. Lúc đó, theo lời họ, “họ đã gặp Chúa Giêsu Kitô” và “được tái sinh”, dù cho họ đã là kitô hữu và biết Chúa Giêsu Kitô từ thời thơ ấu.

Hầu hết người công giáo La Mã và người Tin Lành chính tông không đồng nhất việc “biết Chúa Giêsu Kitô” với một trải nghiệm riêng sâu sắc như thế. Nhưng họ tự hỏi chính xác Chúa Giêsu muốn nói gì khi Ngài đòi buộc chúng ta “tái sinh bởi ơn trên”.

Một linh mục tôi quen đã chia sẻ câu chuyện này, về cách hiểu của cha đối với “tái sinh nhờ ơn trên”. Bố của cha mất không lâu trước khi cha chịu chức, mẹ của cha sống ở cùng giáo xứ mà cha được phân về. Đó là một ơn lành khi hàng ngày được gặp mẹ trong nhà thờ, nhưng bà mẹ góa cô đơn bắt đầu đòi hỏi con dành thêm thì giờ cho mình, và người con có hiếu giờ phải dành hết thời gian rảnh rỗi cho mẹ, đưa mẹ đi ăn, lái xe chở mẹ đi đây đó, đây là mối liên kết duy nhất của bà với thế giới bên ngoài nhà hưu dưỡng của bà. Trong thời gian ở bên cạnh nhau, bà luôn nhắc chuyện cũ và buồn vì bây giờ mình cô đơn, cô độc. Nhưng đến một ngày, khi chở bà đi, sau một khoảng thời gian thinh lặng, bà nói một điều làm cha ngạc nhiên và chú ý nhiều hơn: “Mẹ từ bỏ nỗi sợ! Mẹ không còn sợ gì nữa. Mẹ đã sống cả đời trong nỗi sợ. Nhưng bây giờ mẹ không còn như vậy nữa, vì mẹ không còn gì để mất! Mẹ đã mất mọi thứ, mất chồng, mất cơ thể trẻ trung, mất sức khỏe, mất địa vị, mất niềm tự hào, mất phẩm giá. Giờ mẹ tự do! Mẹ không còn sợ nữa!”

Con trai bà, lâu nay chỉ nghe nửa vời những lời bà nói, bây giờ tập trung chú ý. Cha bắt đầu dành thêm giờ với bà, nhận ra rằng bà có điều gì đó quan trọng để dạy cho mình. Vài năm sau, bà qua đời. Và đến lúc đó bà đã có thể truyền cho con mình đôi điều giúp cha hiểu sâu sắc hơn về đời mình. Cha nói, “mẹ tôi đã sinh tôi hai lần, một lần từ hạ giới, và một lần từ thượng giới.” Bây giờ cha hiểu ra một điều mà ông Nicôđêmô đã không hiểu được.

Chắc chắn, tất cả chúng ta cũng có câu chuyện của mình.

Và các nhà học giả Kinh Thánh dạy chúng ta thế nào về điều này? Các học giả nói rằng, các Phúc âm nhất lãm bảo chúng ta chỉ có thể vào nước Trời nếu trở nên như trẻ thơ, nghĩa là chúng ta, theo lối sống của mình, phải nhận thức sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta không tự đủ và như thế có nghĩa, chúng ta nhận ra và sống lệ thuộc vào sự quan phòng nhưng không của Thiên Chúa. Làm như thế chính là sinh ra bởi ơn trên.

Phúc âm theo thánh Gioan thêm một điều nữa. Khi dẫn giải về Phúc âm theo thánh Gioan, Raymond E Brown đã giải thích như sau: Sinh ra bởi ơn trên nghĩa là, đến lúc nào đó trong đời, chúng ta phải hiểu rằng sự sống của chúng ta đến từ bên ngoài thế giới này, từ một nơi và một nguồn nằm ngoài dạ mẹ, và ở đó có sự sống thâm sâu hơn cũng như ý nghĩa thâm sâu hơn. Và thế là chúng ta phải có hai lần sinh ra, một lần cho chúng ta sự sống sinh học (sinh ra trong thế giới này) và một lần cho chúng ta sự sống cánh chung (sinh ra chúng ta trong thế giới của đức tin, linh hồn, tình yêu, và thần khí). Và đôi khi, như trường hợp của bạn tôi, có thể người mẹ sinh ra bạn sẽ là người hỗ trợ cho lần sinh thứ hai. Nicôđêmô không thể vượt qua được chủ nghĩa kinh nghiệm bản năng của mình. Cuối cùng, ông không hiểu được. Còn chúng ta thì sao?

J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn: phanxico.vn

NIỀM HY VỌNG THEO QUAN ĐIỂM CỦA THƯ THỨ NHẤT PHÊRÔ


NIỀM HY VỌNG THEO QUAN ĐIỂM CỦA THƯ THỨ NHẤT PHÊRÔ

Dẫn Nhập

Khi đối diện với những nguy khó cuộc sống, con người thường có khuynh hướng co cụm, buông xuôi và thất vọng. Thấu cảm được nỗi lòng người tín hữu trước những gian nan, thánh Phêrô đã chiếu vào cuộc đời họ ánh sáng hy vọng khởi đi từ Thiên Chúa khả dĩ giúp họ có cái nhìn lạc quan và tín thác để vượt thắng những chướng ngại trên đường đời. Thánh nhân cho biết những thử thách mà các tín hữu đang đối diện chưa phải là dấu chấm hết, nhưng là cơ hội giúp họ giúp họ thanh luyện đức tin, kiến tạo lương tâm ngay thẳng hầu xây dựng cuộc sống chan hoà niềm vui và hạnh phúc. Như vậy, niềm hy vọng mà thánh Phêrô rót vào cung lòng người tín hữu là cánh cửa mở ra với Thiên Chúa qua cầu nguyện và lối dẫn tới tha nhân bằng yêu thương phục vụ. 

Vậy để phần nào hiểu niềm hy vọng dưới cái nhìn của Thánh Phêrô, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những điểm sau.


  1.   Khái Niệm
Dưới cái nhìn của Thánh Kinh Tân Từ Điển thì chia làm hai khía cạnh:

*  Tâm Lý: Hy vọng là điều tất yếu muốn nghĩ về tương lai, ngay cả khi không có lý do chính đáng để hy vọng. 


*  Niềm Tin
: Niềm hy vọng dựa trên nền tảng Kinh Thánh gắn liền với niềm tin nơi Thiên Chúa, vì những gì Ngài đã làm trong quá khứ, đặt biệt nơi Đức Kitô Giêsu, Đấng cứu độ con người. Niềm hy vọng sẽ được vinh hiển trong tương lai vì có Đức Kitô ở cùng, chia sẽ những thăng trầm cuộc sống và cứu độ cn người. Bởi đức tin, người Kitô hữu xác tín niềm hy vọng này là có thực và sẽ không bao giờ làm cho họ thất vọng. Trái lại, giúp họ mạnh mẽ chống lại điều ác, bảo vệ đức tin và làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu[1]
Theo quan điển của Công Giáo Phổ Thông, niềm hy vọng được hiểu dưới hai chiều kích khác:


*  Nhân Đức: Hy vọng là nhân đức ta có được khi chịu phép Rửa tội; đối tượng ưu tiên của nhân đức này là có Thiên Chúa ở với mình. Niềm hy vọng dựa vào sự toàn năng, tốt lành của Chúa và sự trung tín của Người đối với những gì Người đã hứa. Niềm hy vọng cần thiết cho ơn cứu độ. 


*  Hành Vi
: Hành vi biểu lộ sự mong chờ và tin tưởng sẽ có được Thiên Chúa trên trời và những ơn cần thiết để đạt đến hạnh phúc đó. Phải thực hiện hành vi hy vọng khi bị cám dỗ và thất vọng. Mọi việc tốt về mặt siêu nhiên đều giả thiết phải có niềm hy vọng[2]


Nhìn chung, niềm hy vọng hệ tại việc đặt niềm tin vào Thiên Chúa và ơn Người cứu độ được thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu. Niềm hy vọng này giúp người tín hữu vượt qua những thử thách, rèn luyện nhân đức và củng cố ân sủng Chúa ban.


  1.   Thiên Chúa- Cội Nguồn Hy Vọng
Thư thứ nhất Phêrô chỉ cho các tín hữu biết rằng niềm hy vọng đích thực không thể đến từ cái bất toàn của trần gian. Có chăng, đó chỉ là sự an ủi giả tạo và chống qua, không có sức giải thoát con người khỏi những bế tắc cuộc sống. Niềm hy vọng đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi, được thể hiện trong Đức Kitô Giêsu. Chính tình yêu Thiên Chúa đã cho ta được tái sinh nhờ cái chết và phục sinh của Đức Kitô, để ta nhận lãnh niềm hy vọng sống động và mang lại cho cuộc sống một giá trị. Thánh Phêrô viết: “Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại” (1, 3).
 
Như vậy, niềm hy vọng mà người tín hữu nhận lãnh từ Thiên Chúa sẽ là hành trang giúp họ đứng vững trước những chống đối, bách hại và cám dỗ. Có Thiên Chúa làm khiên che thuẫn đỡ, người tín hữu luôn an lòng tiến bước và có khả năng “trả lời cho bất cứ ai chất vần về niềm hy vọng của mình” (3, 15). 


Dĩ nhiên, Thiên Chúa vẫn dành một “khoảng trống” cho sự đáp trả của con người. Niềm hy vọng này cần được xây dựng trên mối tương quan “song phương” giữa Thiên Chúa và con người, chứ không mang tính áp đặt. Do đó, để đáp lại tình yêu Thiên Chúa và củng cố niềm hy vọng ngày một vững chắc, người tín hữu cần có một đời sống cầu nguyện và dấn thân phục vụ tha nhân. 


a. Cầu Nguyện


Trong khung trời cầu nguyện, người tín hữu tạo nên mối giây hiệp thông thân tình với Thiên Chúa. Nhờ đó, họ có thể soi dọi đời mình trong lăng kính của Chúa, hầu có thể nhận ra những gì là chân thiện mỹ, những gì đẹp lòng Chúa, cũng như tạo cho mình cuộc sống chừng mực và tiết độ. Thánh nhân khuyên các tín hữu: “Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ hầu có thể cầu nguyện được” (4, 7). Điều này đống nghĩa một cuộc sống buông thả không thể đi đôi với cầu nguyện. Một con người thuộc trọn về Chúa, được nuôi dưỡng bằng ân sủng và Lời của Ngài thì khó trở thành một con người phóng túng và bị những sự đời lèo lái, mua chuộc. Bởi vì, “Chính Thiên Chúa là nguồn ân sủng, cũng chính Người kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô… Chính Thiên Chúa sẽ cho anh em nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên trì” (5, 10). Dĩ nhiên, thánh nhân cũng không quyên cảnh tỉnh người tín hữu “hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (5, 8- 9). 
Niềm hy vọng chỉ có được từ việc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa và có khả năng trao ban cho người khác. Do đó, cầu nguyện không chỉ là chiếc cầu nối kết con người với Thiên Chúa, mà còn là cửa ngõ mở ra với tha nhân bằng yêu thương phục vụ.


  1.   Yêu Thương- Phúc Vụ
Có thể nói phục vu tha nhân với tất cả tình yêu là chiếc cân đo lường mức độ đón nhận ân sủng của mỗi người nơi Thiên Chúa. Ơn Thiên Chúa ban không phải là “của hồi môn” hay một kỷ vật để trang trí. Đúng hơn, nó là nén bạc Thiên Chúa muốn con người làm sinh lời vì lợi ích bản thân và tha nhân, cũng như nhằm tôn vinh Ngài. Có thế, người tín hữu mới là người quản lý trung tín và tài giỏi các ân huệ của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em hãy dung mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là người quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (4, 10). 

Tất nhiên, khi bước vào con đường dấn thân phục vụ, mỗi người cần gác sang một bên những điều mình cần làm vì lợi ích cá nhân để ưu tiên những gì mang lại lợi ích cho người khác[3]. Chính cuộc sống tràn đầy hy vọng sẽ mang lại cho chúng ta một cái nhìn lạc quan về người- về đời hầu có thể cảm thông và tha thứ những nỗi yếu hèn của tha nhân. Bởi vì, người tín hữu chân nhận rằng mình cũng là tội nhân được Thiên Chúa thứ tha, một lữ khách được người khác cùng đồng hành và chia sẻ. 


Như vậy, niềm hy vọng kín múc từ Thiên Chúa là lối mở giúp người tín hữu bước ra khỏi cái tôi vị kỷ để phục vụ người khác với tất cả sự tin yêu và chân thành. Đàng khác, nó cũng là chất xúc tác tẩy trừ tội lỗi (x. 4, 18), tinh luyện đức tin và kiến tạo cuộc sống chan chứa niềm vui.


  1.   Kiên Trì Trong Thử Thách
  1.   Tinh Luyện Đức Tin
Hành trình bước theo Đức Kitô, không Làn cho người tín hữu hết khổ đau, cám dỗ và thử thách. Tất cả vẫn còn đó và lắm lúc làm cho cuộc sống người môn đệ chao đảo, buông xuôi. Điều làm cho người tín hữu vững bước là vì tin rằng Thiên Chúa vẫn có đó khi đời mình cô đơn, Ngài vẫn yêu thương khi ta lỗi lầm và Ngài hằng nâng đỡ khi ta tưởng chừng quỵ ngã. 
Những thử thách có thể là hố sâu chôn vùi cuộc đời trong u mê hờn oán, nhưng cũng là phương thế gột rửa tội lỗi, thanh luyện đức tin và thắp sáng niềm hy vọng. Thánh Phêrô đã nói lên ý hướng này: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội… Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi và đem lại vinh quang, danh dự” (1,7).  

Có thể nói, một ngôi nhà được đặt trên nền đá sẽ vững bền theo thời gian. Cũng vậy, một khi “đặt đức tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1, 21), các tín hữu cũng sẽ đứng vững trước những thế lực sự dữ và đủ sức vượt qua những bóng đêm thử thách. Người tín hữu không dừng lại ở thử thách mà nhắm tới hạnh phúc vĩnh hằng mà Thiên Chúa đang gọi mời. Nói cách khác, niềm tin vào Thiên Chúa đã mở ra chân trời hy vọng và thanh luyện con người từ nội tâm và hành động. Về điểm này, đức thánh Phanxicô cho chúng ta biết rõ hơn: “Niềm tin trong Chúa Kitô cứu thoát chúng ta chỉ vì trong Người, cuộc sống được mở ra cách tuyệt đối cho một tình yêu đi trước và chuyển hoá chúng ta từ nội tâm, hành động[4]


Chắc hẳn, một đức tin được thanh luyện sẽ luôn hướng về chân trời lạc quan và hy vọng. Từ đây, người tín hữu xác tín rằng tất cả đều sinh ích lợi cho những ai đặt niềm tin yêu vào Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống vì người mình yêu. Nhờ đó, những thử thách mà họ gặp phải trong hành trình chứng nhân đã trở nên lời khen ngợi và niềm vui, vì tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và ở cùng tôi.


  1.   Mang Lại Niềm Vui
Niềm vui trong Chúa Kitô không đương nhiên làm cho người môn đệ vắng bóng đau khổ, thử thách. Đúng hơn, niềm vui này là dưỡng chất cho hành trình chứng nhân và luôn hướng về một tương lai tươi sáng. Thánh Phêrô cho ta biết về điều này khi nói: “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa tram chiều thử thách” (1, 6). Như vậy, những thử thách mà người tín hữu trải qua không phải là một ngỏ cụt, mà là cách thức giúp cải quá tự tân hầu xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ ngang qua con đường đức tin. Thánh phêrô viết: “Anh em được chan chứa niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả đức tin là ơn cứu độ con người” (1, 8- 9). 

Hơn nữa, niềm vui của người môn đệ không dừng lại ở phần thưởng cá nhân mà còn là được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô. Nói cách khác, những đau khổ của người môn đệ không đi vào quyên lãng hay trở nên đơn điệu, vô ích nhưng thành cơ hội thông phần vào cuộc thương khó của Đức Kitô và để tôn vinh Thiên Chúa (x. 4, 12). Đó cũng là ý tưởng thánh Phêrô muốn trình bày: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỷ” (4, 13). 


Dĩ nhiên, thánh nhân không cổ võ người tín hữu đi tìm đau khổ. Ngài chỉ muốn họ đón nhận  những ngang trái cuộc đời với tâm tình tin yêu và phó thác. Đồng thời, ngài soi chiếu vào người tín hữu ánh sáng hy vọng: những đau khổ chưa phải là vực thẳm chôn vùi tất cả; nó sẽ mang lại cho đời nét xuân tươi ngay giữa những chông gai của gian khó. Đàng sau đau khổ, người tín hữu luôn tìm được sự an ủi vỗ về và vòng tay Chúa mở rộng chờ đợi ta bước tới.


  1.   Dấu Chứng Cho Nhân Thế

  1.   Lương Tâm Ngay Thẳng

Sống giữa cảnh đời tranh đua xua nịnh, người ta đang chờ đợi nơi người kitô hữu một dấu chứng về sự chân thành và ngay thẳng. Với lương tâm ngay thẳng, cánh cửa cuộc đời Kitô hữu sẽ mở rộng và có sức thúc đẩy người khác tìm đến Chúa. Francois Varillon chia sẻ cho ta về kinh nghiệm này: “Tất cả những gì người Kitô hữu có thể làm, đó là giúp người không Kitô giáo khám phá ra mình đang ở trong sự thật và giúp họ nhận ra điều đó[5]


Tư tưởng này chúng ta gặp thấy nơi thư thứ nhất của Phêrô. Với thánh nhân, cách làm chứng tá tốt nhất để giúp người khác nhận ra và tôn vinh Thiên Chúa chính là cuộc sống ngay lành và đượm chất Tin Mừng. Ngài viết: “Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại… để họ thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người viếng thăm” (2, 12). Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về điểm này nhưng theo một cách thức khác: “Thế giới hôm nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy”. Có thể, chúng ta nói về Chúa thì dễ, nhưng diễn tả về Chúa bằng chính cuộc sống thường ngày quả là điều không đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi mỗi người “ngụp lặn” trong tình yêu Thiên Chúa để nhờ Ngài tẩy xoá những cặn bã tội lỗi và mặc lấy con người mới giống hình ảnh Thiên Chúa với một lương tâm trong sáng và đơn thành. 


Như vậy, với lương tâm trong sáng và ngay thẳng sẽ cho ta biết thế nào là hy vọng. Bởi vì, chúng ta khó hướng về một chân trời tươi đẹp và thắp lên nơi tha nhân ánh sáng hy vọng khi cuộc đời mình bị bao phủ bởi bóng đêm tội lỗi, hận thù và chia rẽ. Do đó, giữa hy vọng và lương tâm ngay thẳng có mối tương quan hỗ tương: Nó tựa như đôi cánh giúp người tín hữu có khả năng vươn tới chân trời hạnh phúc đích thực. Còn nhìn dưới khía cạnh tiêu cực thì lương tâm ngay thẳng chẳng khác nào chiếc “băng keo” khiến cho những kẻ phỉ báng, chống đối phải xấu hổ và bị khuất phục. Trong bối cảnh này, lương tâm ngay thẳng là lời biện hộ có sức thuyết phục hơn những lời trau chuốt hời hợt. Thánh Phêrô đã nói rõ: “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ bang anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (3, 16). 


Trước những thế lực sự dữ đang muốn thâu tóm, lèo lái người tín hữu đi vào con đường lầm lạc thì với lương tâm ngay thẳng sẽ cho họ đủ tỉnh táo để biện phân và chọn lựa hướng đi thích hợp với thánh ý Thiên Chúa. Nhờ đó, người tín hữu nuôi dưỡng lòng nhiệt thành và nghị lực để sống chiều kích Tin Mừng và giới thiệu Chúa cho người khác.

  1.   Niềm Phó Thác

Khuynh hướng chung của con người là tự chọn cho mình một hướng đi và hoạch định một chương trình cuộc sống. Họ khó chấp nhận người khác xen vào cuộc sống riêng tư. Lối sống này thường dẫn đến ích kỷ và khép kín. 

Tuy nhiên, thánh Phêrô vạch ra cho người tín hữu một con đường khác với lẽ thường, đó là phó thác. Dĩ nhiên, sự phó thác khác với việc ỷ lại, buông xuôi. Nó nói lên ý chí mạnh mẽ, một tấm lòng chân thành và đức tin kiên vững, vì cuộc đời họ được đặt để nơi Thiên Chúa và để Ngài dùng họ “như những viên đá sống động mà xây ên ngôi đền thờ thiêng kliêng” (2, 4- 5). Thánh Phêrô chân nhận với sức mạnh của sự dữ và sự mỏng dòn bản thân nên người tín hưu rất khó đứng vững trước những cơn cám dỗ. Do đó, ngài mời gọi họ trao gửi cuộc đời cho Thiên Chúa, để Người nên chốn tựa nương, nên thành trì bảo vệ và để Người điều hướng cuộc đời theo Thiên ý. Thánh nhân khuyên các tín hữu: “Những ai chịu đau khổ theo ý Thiên Chúa, hãy phó mạng mình cho Đấng Tạo Hoá trung thành, và cứ làm điều thiện” (4, 19). Như vậy, theo thánh Phêrô, phó thác không có nghĩa là “ởnhưng”, mà là nhiệt tâm làm điều thiện. Bởi chưng, Đấng mà họ trao gửi cuộc đời luôn đồng hành và hướng dẫn họ bước theo Ngài (x. 2, 21). 


Một điểm tựa chắc chắn cho những ai sống chiều kích phó thác là Thiên Chúa luôn yêu thương, trung thành với lời hứa và không ngừng chăm sóc đỡ nâng, nhất là khi gặp hoạn nạn hay sờn lòng nản chí. Thánh Phêrô khuyến khích: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (5, 7). Thánh nhân cho biết với tâm tình phó thác, người tín hữu có thể hoán chuyển những âu lo thành niềm vui, những tẻ nhạt cuộc sống mang dấu ấn ý nghĩa. Ở đây, chúng ta cùng nghe xác tín của đức thánh cha Phanxicô: “Người Kitô hữu biết rằng không thể loại trừ đau khổ, nhưng nó có thể nhận được một ý nghĩa, trở thành một hành động tình yêu, tin tưởng trong bàn tay Thiên Chúa, Đấng không bao giờ lìa bỏ chúng ta[6]


Có thể nói, ý nghĩa cuộc đời không dừng lại ở việc mình làm được gì, mà hệ tại nơi mức độ phó thác cho Thiên Chúa. Điều này có vẽ nghịch lý cho những ai không tin, nhưng với những ai đặt niềm tin nơi Thiên Chúa lại là một xác tín mạnh mẽ. Người tín hữu biết rằng những việc làm nhằm qui hướng bản ngã dễ trở thành những “viên gạch ích kỷ” xây nên lâu đài cố thủ và an phận với những gì đang có. Những việc làm này không mua được bình an, thanh thản và hạnh phúc, mà chỉ nhận được những ngánh nặng của bất an và đố kỵ. Do đó, thánh Phêrô dẫn người tín hữu tới chỗ nhìn nhận rằng chỉ nơi Chúa mới làm cho tâm hồn no thoả, chỉ có Người mới khoả lấp được nỗi trống vắng và chỉ trong Người, con người mới được lớn lên trong ân sủng và tình yêu. 


c. Ơn Cứu Độ


Ơn cứu độ là bến bờ hạnh phúc mà mỗi tín hữu hằng mong chờ. Đó là động lực giúp họ vượt lên trên sự ngã và lỗi lầm hầu kiến tạo một con người mới như Thiên Chúa muốn. Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, Đức thánh cha Phanxicô đã nói: “Mọi người đều phải đến với sự an ủi và khích lệ của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, là điều hoạt động cách mầu nhiệm trong bất cứ ai, vượt trên và vượt ra ngoài những lỗi lầm và sa ngã[7]


Thánh Phêrô cũng đã nói về niềm hy vọng vào ơn cứu độ trong thư thứ nhất. Ngài nói: “Anh em đẽ được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích là Đức Kitô” (1, 19). Không ai khác mà chính giá máu của Đức Kitô đổ ra trên thập giá đã tẩy rửa tội lỗi và mang lại cho con người ơn cứu độ. Thiên Chúa không cứu độ con người bằng những phép lạ cả thể, nhưng đã đồng hành, nâng đỡ, chung chia kiếp sống và hiến mạng làm giá chuộc muôn người. Thánh nhân nói tiếp: “Chính Đức Kitô chịu chết một lần vì tội lỗi, Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (3, 18). Như vậy, Đức Kitô là cửa ngõ ơn cứu độ, luôn rộng mở và dành cho hết mọi người. Chúng ta cùng nghe đức thánh cha Phanxicô diễn giải thêm ý hướng này: “Chúa Giêsu là cửa ngõ của ơn cứu độ. Cửa ngõ của Chúa Giêsu không bao giờ đóng kín, mà luôn luôn rộng mở cho tất cả mọi người, không phân biệt một ai, không loại trừ một ai[8]


Thánh Phêrô cho biết người tín hữu được tái sinh không phải do hạt giống mục nát của thế gian mà do hạt giống bất diệt, “nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1, 23). Bởi đó, thánh nhân mời gọi: “Anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn toàn đặt niềm trong cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Kitô tỏ hiện” (1, 13). Với thánh nhân, ơn cứu độ không làm cho người tín hữu trở nên thụ động, cho bằng khích lệ họ đáp trả với tất cả tâm tình và ý chí tự do ngang qua tỉnh thức và đặt niềm trông cậy vào Thiên Chúa. Nói cách khác, ơn cứu độ là lực đẩy giúp người tín hữu luôn sống trong hy vọng hầu có thể đối diện với những cam go của thực tại trong an bình và tín thác. Đức thánh cha Bênêđictô XVI củng cố cho ta quan điểm này: “Sự cứu chuộc được trao ban qua việc ban tặng niềm hy vọng cho chúng ta, một niềm hy vọng kiên vững nhờ đó chúng ta có thể đối mặt với thực tại: chúng ta có thể sống và đón nhận thực tại đầy cam go, nếu chúng ta hướng đến một mục đích, và nếu chúng ta có thể ý thức về mục đích này[9]
Chủ hướng của thánh Phêrô là muốn người tín hữu xác tín rằng những thực tại trần gian không đủ để khoả lấp nỗi trống vắng hay mang lại cho cuộc sống ý nghĩa đích thực, mà chỉ nơi Chúa mới đổ đầy nỗi khát khao và ban tặng hạnh phúc vĩnh hằng. Như vậy, ơn cứu độ khởi đi từ Thiên Chúa luôn mang lại cho con người niềm vui, hy vọng vì biết rằng mình có một mục đích để hướng tới và một vòng tay rộng mở luôn đón chờ.  


Kết Luận


Với những gì trình bày ở trên, chúng ta thấy chỉ duy tình yêu Thiên Chúa mới đem lại cho con người khả năng và kiên vững trong một thế giới tự bản chất là bất toàn mà không đánh mất niềm hy vọng[10]. Niềm hy vọng đích thực không đến từ con người, mà bắt nguồn từ Thiên Chúa. Bởi chưng, khi con người tự đặt cho mình một điểm tựa, tự hoạch định cho mình một cứu cánh thì luôn có nguy cơ bảo thủ, ích kỷ và bất an. Hệ luỵ của nó là thiếu tinh thần phó thác, đánh mất niềm vui và làm xói mòn niềm hăng say trong đời chứng nhân. 


Thánh Phêrô hướng người tín hữu đến một niềm hy vọng mang tính giải thoát. Nói cách khác, niềm hy vọng được diễn tả nơi thư thứ nhất Phêrô được khởi đi từ Thiên Chúa và cho mục đích của Ngài. Đó là một năng lực siêu việt khả dĩ giúp con người vượt qua những rào cản tội lỗi, chiến thắng những giới hạn bản thân, thanh luyện đức tin hầu mang lại cho cuộc sống niềm tin yêu phó thác, sự quảng đại phục vụ tha nhân và lòng nhiệt tành làm chứng cho những giá trị Tin Mừng. 

                                                                           Montfort Nguyễn Xuân Pháp
                                                                                                   Nguồn: simonhoadalat.com

HỌC HỎI PHÚC ÂM CN 22 TN C - LM ANTÔN NGUYỄN CAO SIÊU

HỌC HỎI PHÚC ÂM CN 22 TN C - LM ANTÔN NGUYỄN CAO SIÊU
Lời Chúa: Lc 14,1.7-14

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên". Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".

Câu hỏi:

1. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu được các ông Pharisêu ba lần mời ăn. Hãy tìm những đoạn đó.

2.  Bạn thấy bầu khí của ba bữa ăn đó giữa Đức Giêsu với các ông Pharisêu như thế nào? Nói chung, thái độ của người Pharisêu đối với Đức Giêsu là thái độ nào? Đọc Lc 6,7; 11,53-54; 14,1; 20,20.

3.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Pharisêu này là ai? Ông mời Đức Giêsu ăn vào ngày nào? Bữa ăn có ai hiện diện?

4.  Động từ nào xuất hiện nhiều nhất trong Lc 14,7-14? Bao nhiêu lần?

5.  Tại sao Đức Giêsu dạy Lc 14,8-10? Đây có phải chỉ là những lời khuyên về cách cư xử khôn khéo khi đi dự tiệc không? Ngài muốn dạy ta điều gì qua dụ ngôn này?

6.  Đọc Lc 14,8-11; 20,46. Bạn thấy con người thường nghiêng chiều về điều gì và sợ mất điều gì? 

7.  Đọc Lc 14,12-14. Đức Giêsu nhắc đến mấy hạng người trong đoạn Tin Mừng này? Ngài dạy người đã mời mình bài học gì? Bài học này có giống với Lc 6,32-36 không?

8.  Tin Mừng Luca có thường nói đến người nghèo, người tàn tật không? Đọc Lc 1,53; 4,18; 6,20-22; 7,22. Những người như thế có chỗ trong bàn tiệc Nước Trời không? Đọc Lc 14,15-21; 16,22-23.

9. Tìm hai câu trong bài Tin Mừng này nói lên hành động của Thiên Chúa? Ngài hành động khi nào? Tìm một mối phúc quan trọng trong bài Tin Mừng này.
Câu hỏi suy niệm: Bài Tin Mừng này có thể làm bạn thay đổi điều gì trong lối sống? Tại sao ta cần khiêm tốn tự hạ?


Phần trả lời:

1. Tin Mừng Luca nói đến việc các ông thuộc phái Pharisêu hay mời Đức Giêsu dùng bữa với họ. Ta thấy có ba lần ở Lc 7,36; 11,37; 14,

2. Khi mời một người đến nhà dùng bữa, chủ nhà muốn bày tỏ tình bạn thân thiết với người được mời. Bởi đó bầu khí của bữa ăn thường là bầu khí của niềm vui ấm áp. Tuy nhiên có thể nói, bầu khí của ba bữa ăn do các ông Pharisêu mời Đức Giêsu thì không mấy thân thiện. Lần nào cũng có chuyện căng thẳng giữa ông chủ nhà là người phái Pharisêu với Đức Giêsu. Lần thứ nhất (Lc 7,36-50), một ông khó chịu vì chuyện có một phụ nữ đến xức dầu chân Đức Giêsu. Lần thứ hai (Lc 11,37-44), một ông khó chịu vì Đức Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa, từ đó dẫn đến việc Ngài nặng lời với họ. Lần thứ ba, vì vào ngày sa-bát (Lc 14,1-6), nhiều ông có ý dò xét Ngài xem có lỗi luật sa-bát không.

Nói chung, dù có mời Đức Giêsu dùng bữa, thái độ của các ông Pharisêu trong bữa ăn vẫn không mấy có thiện cảm với Ngài. Thái độ này cũng giống với thái độ của họ trong những hoàn cảnh khác: rình mò, căm giận dữ dội, vặn hỏi và gài bẫy để bắt lỗi, dò xét, rình rập, mong bắt quả tang Ngài lỡ lời (xem Lc 6,7-11; 11,53-54; 14,1; 20,20).

3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Pharisêu này là một trong những thủ lãnh (arkhôn) của các người Pharisêu. Có thể ông là một thành viên của Thượng Hội Đồng của Do-thái giáo. Bữa ăn được tổ chức vào ngày sa-bát, ngày họp mặt vui vẻ của gia đình, thưởng thức những món ăn đã được nấu ngày hôm trước. Hiện diện trong bữa ăn của ông thủ lãnh Pharisêu, còn có các nhà thông luật (nomikoi) và những người Pharisêu khác (Lc 14,3).

4. Trong Lc 17,7-14 động từ “mời” được dùng nhiều lần trong Lc 14,8.9.10.12.13. Trong bản dịch tiếng Việt, ta thấy động từ “mời” được dùng 10 lần. Còn trong nguyên bản, động từ “mời” (kaleô) được dùng 9 lần, dưới nhiều hình thức khác nhau.

5. Tin Mừng Luca coi lời dạy của Ngài trong Lc 14,8-10 là một dụ ngôn. Ngài kể dụ ngôn này là vì khi dự tiệc, Ngài nhận xét thấy các khách mời cứ chọn ngồi vào chỗ danh dự. Chỗ danh dự trong bữa tiệc là chỗ gần với người chủ tiệc hơn. Lời giáo huấn của Đức Giêsu ở đây không phải chỉ là lời dạy chúng ta biết khôn khéo khi chọn chỗ ngồi trong bữa tiệc: đừng ham ngồi chỗ danh dự để tránh việc bất ngờ bị chủ tiệc mời xuống khiến ta xấu hổ (Lc 14,9). Đây cũng không phải là lời Đức Giêsu dạy ta một mánh khóe, giả vờ hạ mình để có thể được chủ tiệc mời lên trên, giữa tiếng khen ngợi của các khách mời (Lc 14,10). Qua dụ ngôn sinh động này, Ngài kêu gọi chúng ta có thái độ thực sự khiêm tốn, không phải chỉ khi được mời dự tiệc, nhưng trong mọi tình huống của cuộc sống, để được Thiên Chúa tôn vinh.

6. Qua Lc 14,8-11, ta thấy con người thường có khuynh hướng “tôn mình lên” (câu 11), “tìm vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn” (câu 10), và “coi mình là quan trọng” (câu 8). Hơn nữa, con người thường “sợ xấu hổ” (câu 9), không muốn “ngồi chỗ cuối” (câu 10), hay “bị hạ xuống" (câu 11). Qua Lc 20,46 ta thấy Đức Giê su cảnh báo các môn đệ về một cám dỗ có thật, đó là tính háo danh, thích được trọng vọng bởi người khác.

7. Trong Lc 14,12-14 Đức Giêsu nhắc đến 4 hạng người  không nên mời, hay đúng hơn không phải lúc nào cũng mời, đó là: bạn bè, anh em, bà con, láng giềng giàu có. Và 4 hạng người nên mời: người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù. Ngài đưa ra lý do: khi mời 4 hạng người trên, ta có cơ may được họ đền đáp; còn khi mời 4 hạng người dưới, ta không có cơ may ấy, nhưng chính Thiên Chúa sẽ đền đáp cho ta (xem Lc 6,32-36).

8. Tin Mừng Luca thường hay nói đến người nghèo và tàn tật (Lc 1,53; 4,18; 6,20-22; 7,22). Chính họ lại là người có chỗ trong Nước trời (Lc 14,21-24; 16,22).

9. Đó là hai câu Lc 14,11: “Ai tôn mình lên sẽ bị (Thiên Chúa) hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được (Thiên Chúa) tôn lên” và câu Lc 14,14: “…ông sẽ được (Thiên Chúa) đền đáp khi các người công chính sống lại.” Những hành động “hạ xuống” hay “tôn lên” của Thiên Chúa chủ yếu xảy ra vào ngày quang lâm, khi Chúa Giêsu ngự đến phán xét thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng đã bắt đầu từ nay rồi. Luca 14,14 nói rõ hơn là việc đền đáp sẽ xảy ra trong ngày kẻ chết sống lại. Mối phúc nằm ở Lc 14,14: đãi tiệc cho người nghèo là một mối phúc.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA CN XXII TN C - LM. INHAXIÔ HỒ THÔNG.


CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN

Phụng Vụ Chúa Nhật XXII Thường Niên năm C mời gọi chúng ta gẫm suy về “đức khiêm tốn”.

Hc 3: 17-21, 30-31
Bài Đọc I, trích từ tác phẩm của hiền nhân Ben Xi-ra, là lời khuyên thực hành đức khiêm tốn, đó là con đường dẫn đến Thiên Chúa.

Dt 12: 18-19, 22-24
Thư gởi tín hữu Do thái nêu bật sự tương phản giữa Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới. Trong Giao Ước Cũ, Thiên Chúa tỏ mình ra trong khung cảnh kinh thiên động địa. Trong Giao Ước Mới, Thiên Chúa hành động trong nội tâm, tất cả đều xảy ra trong trật tự tinh thần; đây là con đường khiêm hạ này dẫn đến thành đô Giê-ru-sa-lem thiên quốc.

Lc 14: 1, 7-14
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đưa ra bài học về đức khiêm tốn trong một bữa tiệc tại nhà một thủ lãnh người Pha-ri-sêu khi Ngài ngỏ lời với các vị khách mời.

BÀI ĐỌC I (Hc 3: 17-21, 30-31)

Ông Ben Xi-ra, một bậc vị vọng thành Giê-ru-sa-lem và là một hiền nhân, sống vào cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Ông ghi lại giáo huấn và kinh nghiệm của ông vào năm 180 trước Công Nguyên. Khoảng năm mươi năm sau đó, tác phẩm của ông được người cháu trai của ông dịch sang tiếng Hy-lạp.

1.Ý hướng của Tác Phẩm: 

Sau cuộc chinh phục của đại đế A-lê-xan-đê (336-325 trước Công Nguyên), vùng Cận Đông mở cửa đón nhận văn hóa Hy-lạp. Miền Pa-lét-tin không tránh khỏi trào lưu này (nhất là vào hậu bán thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên). Những môi trường của giới quý tộc Giê-ru-sa-lem cũng như vài giáo sĩ cho thấy sẵn lòng đón nhận ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp. Ben Xi-ra không phải không nhạy bén với tư tưởng Hy-lạp, ông biết trường phái triết học Khắc Kỷ, nhưng ông tiên cảm một mối nguy hiểm đối với Do thái giáo. Ông để hết tâm trí vào việc phục hưng những giá trị truyền thống. Theo ông, sự khôn ngoan đích thực là sự khôn ngoan của dân Ít-ra-en, vì Thiên Chúa là mẫu mực khôn ngoan của dân Ngài và Lề Luật  là cách thức diễn tả sự khôn ngoan của Ngài.

Sách của hiền nhân Ben Xi-ra là loại cẩm nang thực hành cho người Do thái trung thành. Sách chứa đựng những lời khuyên cho cuộc sống hằng ngày. Tất cả mọi đề tài đều được đề cập đến. Trong đoạn trích hôm nay, đề tài được bàn đến là đức khiêm tốn. Đây là một đức hạnh tiêu biểu Kinh Thánh, mà người ta không gặp thấy ở nơi nền luân lý ngoại giáo.

2.Ca ngợi đức khiêm tốn:

Ông Ben Xi-ra ngỏ lời với môn đệ của mình, hiện tại hay trong tương lai, như một người cha với đứa con của mình: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách khiêm tốn”. Đây là cách xưng hô quen thuộc của thầy đối môn đệ của mình được xem như đứa con tinh thần của mình.

Đây không là lòng quý mến dành cho đức khiêm tốn một cách trừu tượng, nhưng lời khuyên thực hành nhân đức này, việc thực hành phải thấm đẩm mọi hành vi của cuộc sống. Sách Châm Ngôn cũng được điểm xuyến bằng những lời khuyên tương tự, không kể đến các Thánh Vịnh, sách Gióp, vân vân. Xa hơn nữa, ông Mô-sê đã được ca ngợi như là “một con người rất đổi khiêm nhu, không ai như thế trong mọi người có trên mặt đất” (Ds 12: 3). Mặt khác, ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã tiên báo rằng Đức Chúa hành động theo chiều hướng này: “Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và ngươi sẽ không còn nghênh ngang trên núi thánh Ta nữa. Ta sẽ cho sót lại giữa các ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nơi nương ẩn nơi danh Đức Chúa” (Xp 3: 11-12).

3. “Con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng”:

 “Con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng”, có nghĩa “con sẽ được sủng ái trước nhan Thiên Chúa”. Cách nói Kinh Thánh kinh điển này sẽ được củng cố trong Tin Mừng hôm nay khi gia chủ nói với người ngồi rốt hết: “Xin mời ông bạn lên chỗ trên cho”.

4.Lên án thói kiêu ngạo:

Tiếp đó, tác giả cho thấy rằng thói kiêu ngạo dẫn đến thảm họa. Lời kết án chỉ được gói gọn trong một câu: “Thảm trạng của người kiêu căng thật vô phương cứu chữa, vì sự ác đã đâm rễ vào lòng họ”. Hình ảnh thật mãnh mẽ: thói kiêu ngạo đã nhiễm độc kẻ ấy tận căn rồi, không tài nào có thể cứu chữa được.

5.Đức khiêm tốn: biết lắng tai nghe:

“Ước nguyện của hiền nhân là biết lắng tai nghe” như lời cầu nguyện của vua Sa-lô-môn, vị vua nổi tiếng khôn ngoan bậc nhất: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1V 3: 9). Suy cho cùng, thái độ này là thái độ khiêm tốn, thái độ lành thánh, vì nó dẫn đến việc gẫm suy và học hỏi sự khôn ngoan.

BÀI ĐỌC II (Dt 12: 18-19, 22-24a)

Bản văn này là đoạn trích dẫn cuối cùng thư gởi tín hữu Do thái trong Phụng Vụ Chúa Nhật năm C này. Tác giả ngỏ lời với những Ki-tô hữu gốc Do thái, những người này luyến nhớ những buổi phụng tự hoành tráng và uy nghi của Giao Ước Cũ khi so sánh với các nghi thức Ki-tô giáo quá giản dị. Tác giả khuyên họ bằng những lời lẽ đầy hình tượng. Trong một bức tranh rất đối xứng, ông sẽ đối lập những nét đặc trưng giữa Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới.

1.Phẩm chất của người Ki-tô hữu thuộc trật tự tinh thần:

Tác giả phác họa bức tranh bộ đôi tương phản giữa dân Giao Ước Cũ tiến đến núi Xi-nai hữu hình và dân Giao Ước Mới tiến đến thành đô Thiên Chúa hằng sống là Giê-ru-sa-lem thiên quốc. Việc gia nhập vào Tân Ước qua việc hoán cải thuộc trật tự tinh thần, và phép Rửa biến đổi con người từ phàm nhân sang con cái Thiên Chúa cũng hoàn toàn thuộc nội tâm.

2.Khía cạnh trần thế của Giao Ước Cũ:

Giao Ước Cũ được ký kết trên núi Xi-nai giữa những dấu chỉ khả giác và trong khung cảnh kinh thiên động địa: lửa, sấm chớp, mây mù, bóng tối, giông tố trong tiếng kèn vang dậy và tiếng thét gào đến nổi con cái Ít-ra-en phải kinh hoàng sợ hãi đến mức hồn xiêu phách lạc.

3.Khía cạnh thiên quốc của Giao Ước Mới:

Núi Xi-nai đối lập với núi Xi-on, núi này cũng là nơi Thiên Chúa ngự, nhưng là thành đô thiên quốc với muôn vàn thiên sứ.

Dân của thành đô Giê-ru-sa-lem thiên quốc sống trong bầu khí hân hoan chứ không trong tâm trạng run rẩy sợ hãi: “Anh em đến dự hội vui giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời”. Diễn ngữ: “những kẻ đã được ghi tên trên trời”, là hình ảnh Kinh Thánh Cựu Ước (Xh 32: 32; Is 4: 3; Đn 12: 1; Tv 69: 29), được sách Khải Huyền lấy lại dưới tên gọi “Sổ Trường Sinh” (Kh 3: 5; 13: 8, vân vân). Thuật ngữ “con đầu lòng” ở Ít-ra-en hàm chứa những người được hưởng những đặc quyền và được thánh hiến cho Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ Ki-tô giáo, con đầu lòng tuyệt hảo là Đức Ki-tô. Chính ở nơi Ngài mà “những người công chính đã được nên hoàn thiện” được dự phần vào những đặc quyền của Ngài. Để chỉ cuộc hội tụ các thánh này, tác giả sử dụng từ Hy-lạp “Ekklesia”, nghĩa là những người được tuyển chọn tức Giáo Hội thiên quốc, Giê-ru-sa-lem trên trời.

Đó là bức tranh mà tác giả phác họa nhằm gởi đến các Ki-tô hữu gốc Do thái này mà đức tin của họ đang chao đảo, thậm chí có vài người có ý định quay trở lại quá khứ xưa kia. Đức Giê-su Ki-tô là đích điểm mà họ tiến đến. Khi trở thành người Ki-tô hữu, họ tiến bước về Chúa Ki-tô, Đấng Trung Gian của Giao Ước Mới và Ngài sẽ dẫn họ về Thiên Chúa, “Đấng xét xử mọi người”.

TIN MỪNG (Lc 14: 1, 7-14)

Thánh Lu-ca là vị tác giả Tin Mừng duy nhất kể ra ba lần những người Pha-ri-sêu mời Chúa Giê-su đến nhà mình dùng bữa (Lc 7: 35; 11: 27; 14: 1-14). Vì thế, chúng ta nhận ra rằng những người Pha-ri-sêu mở rộng cửa đón tiếp Chúa Giê-su để cố hiểu Ngài hơn. Chúng ta đã có dịp đọc một trong ba câu chuyện này rồi, đó là tại nhà một người Pha-ri-sêu ở đó đã diễn ra tình tiết về một người phụ nữ tội lỗi được thứ tha (Chúa Nhật XI).

Chúa Giê-su của Tin Mừng Lu-ca là Chúa Giê-su của mọi người, Ngài sẵn sàng đến với mọi người, dù chống đối hay dò xét Ngài, để hy vọng đưa họ về đường ngay nẻo chính. Vì thế, Chúa Giê-su thường không bỏ lỡ những cơ hội như vậy để gởi đến cho những người Pha-ri-sêu những bài học nhớ đời, vừa mang tính xã hội vừa đầy ý nghĩa tôn giáo.

1.Một ngày sa-bát:

Vào ngày sa-bát, phụng vụ trong hội đường diễn ra vào ban sáng. Bữa ăn trưa, thường long trọng, được định vị sau phụng vụ tại hội đường. Vào dịp này, một viên trưởng hội đường long trọng đón tiếp Ngài. Những khách được mời rất đông. Chúa Giê-su quan sát thái độ của họ. Chính những khách mời này mà Ngài ngỏ lời trước tiên về đức khiêm tốn: hãy khiêm tốn chọn chỗ ngồi cho mình trong bàn tiệc để sau này được Chúa sắp chỗ trong Nước Trời. Tiếp đó, Ngài quay về gia chủ để cho ông một lời khuyên Đức Ái về việc mời người dự tiệc trong hoàn cảnh xã hội cụ thể ở đó có những người bất hạnh.

2.Bài học về đức khiêm tốn:

Chúa Giê-su lên tiếng như một hiền nhân. Ngài nhắc lại đạo xử thế của các khách mời dự tiệc. Sách Châm Ngôn đã dạy đạo xử thế này theo cùng một cách tương tự: “Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên!’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25: 6-7).

Chúa Giê-su trực tiếp nhắm đến thái độ của khách mời dự tiệc, nhưng gián tiếp nhắm đến thái độ của những người Pha-ri-sêu mà Ngài quở trách “ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc” (Lc 20: 46). Từ đó, Chúa Giê-su rút ra một câu kết luận: “Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”. Trong Tin Mừng Lu-ca, Chúa Giê-su cũng sẽ lập lại lời cảnh báo này khi kết thúc dụ ngôn về người Pha-ri-sêu và người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện (Lc 18: 14).

Đây là câu kết luận của bài học về đức khiêm tốn trên bình diện xã hội, nhưng cũng là chìa khóa để hiểu bài học trên bình diện thiêng liêng. Trong câu kết luận này, chủ từ của động từ thụ động chính là Thiên Chúa và thì tương lai được dùng ở đây để chỉ về ngày sau hết, ngày chung thẩm. Như thế bài học về đức khiêm tốn không chỉ dạy về phép đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày nhưng còn mang tính tôn giáo nữa: những người Pha-ri-sêu tự hào tự phụ mình là dân Chúa chọn thì hãy coi chừng, có thể sẽ ngồi vào chỗ rốt hết (Lc 13: 28-30).

Thật là có ý nghĩa biết bao với những lời đầu tiên của Đức Giê-su: “Khi anh được mời đi ăn cưới…”. Hình ảnh tiệc cưới trong Tin Mừng là hình ảnh bữa tiệc cánh chung, tự nó biểu tượng hạnh phúc của những người công chính trong Nước Thiên Chúa, đặc biệt Mt 22: 1-10 ở đó những khách được mời lại không được tham dự bàn tiệc trong khi những kẻ bé mọn lại được dự phần vào tiệc cưới.

3.Bài học phục vụ trong khiêm tốn:

Chúa Giê-su không chỉ nghĩ đến những người Pha-ri-sêu; Ngài đã ngạc nhiên và sẽ còn ngạc nhiên khi gặp thấy những thái độ như thế tại các môn đệ của Ngài. Thánh Lu-ca tường thuật chính xác vào buổi chiều Tiệc Ly, trong khi các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất, Đức Giê-su bảo các ông: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu phải nên người phục vụ” (Lc 22: 24). Trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su cũng đưa ra cho các môn đệ Ngài bài học như thế, nhưng trong một bối cảnh khác:“Trong anh em, người nào lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23: 11-12).

4.Bài học về Đức Ái:

Bài học Chúa Giê-su gởi đến cho gia chủ cũng mạnh mẽ không kém. Bài học này không mang giọng điệu của phép xử thế. Trái với thông lệ của người Do thái vốn khinh chê những người bất hạnh này, Chúa Giê-su mời gọi gia chủ mời vào bàn tiệc những kẻ bị loại ra ngoài xã hội: những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Lý do mà Ngài đưa ra đó là không tìm kiếm những phần thưởng trần thế cho những hành vi bác ái, nhưng chờ đợi những phần thưởng của Nước Trời: “Họ không có gì trả lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được Thiên Chúa trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”. Hành động một cách vô vị lợi, cho một cách hoàn toàn nhưng không.

Tiếp đó, Chúa Giê-su tiếp tục giáo huấn bằng một dụ ngôn khác: dụ ngôn “khách được mời xin kiếu, thay vào đó là “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (14: 21). Cũng một bài học tương tự.