Trang

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

EM ƠI HÃY LẦN HẠT : Năm Sự Vui


Em ơi hãy lần hạt
Cùng Mẹ Chúa Kitô
Hiệp lời với Thiên Chúa
Trong hiến lễ cứu đời.

Tại thành Nadarét
Lời sứ thần truyền tin
Tình yêu và phó thác
Xin dâng Cha mọi đàng.

Đường xa dẫu vạn dặm
Yêu mến vẫn một lòng
Đem niềm vui chia sẻ
Vời người chị thân thương.

Đêm đông sao lạnh lẻo
Lòng người những chờ mong
Hang lừa bao nhỏ bé
Đấng cứu độ giáng trần.

Thiên Thần vang câu hát
‘Vinh danh Chúa trên trời
Bình an cho người thế
Cả vạn người Chúa thương’.

Gia-liêm ngày lễ hội
Toàn dân mừng Vượt Qua
Nhiệm vụ Cha trao phó
Nguyện một lòng thiết tha.

Ba ngày lạc xa Chúa
Lòng bao nỗi sầu thương
Gia -liêm vui trở lại
Con giữa cõi cửu trùng.

Lời ‘Xin vâng’ ngày ấy
Theo Mẹ suốt cuộc đời
Em ơi hãy lần hạt
Hiệp với Mẹ thương yêu.

Những lời kinh vàng ngọc
Dâng lên Mẹ Chúa Trời
Cuộc đời bao khổ lụy
Lần hạt nhé em ơi.

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG

Kinh Mân Côi

Kinh Mân Côi
(catechesis.net)
Dominican
 Có nhiều cách thế tôn kính Đức Maria và đi vào những ý định của Thiên Chúa khi Người đã ban cho Đức Maria làm Mẹ chúng ta. Vì thế, kinh Mân Côi đáng được chú ý cách đặc biệt như là việc diễn tả đời sống Đức Maria.

Đức Thánh Cha Pio XI nhắc nhở chúng ta công thức này: “Mân Côi là kinh nhật tụng của các tín hữu.” Kinh Mân Côi đã không gợi lên một trật tự phong phú lẫn sự giản đơn, vừa vắn gọn lại vừa đầy đủ, vừa có tính chất thường ngày, vừa là một đòi hỏi phải làm điều thiện, vừa là sự gần gũi, vừa là sự khai mở với vô biên đó sao?! Sau cùng, đó là cuộc đối thoại có thể ngưng lại trong khoảnh khắc nhưng không khi nào chất chấm dứt và luôn tiếp tục lại dễ dàng? Những ý tưởng này và những ý tưởng khác nữa phải chăng xưa kia không được gợi ra do cái tên gọi “tràng hạt Đức Bà diễm phúc” được gán cho kinh Mân Côi?
Ý tưởng đầu tiên mà tiếng kinh nhật tụng gợi lên là ý tưởng về một quyển sách quen thuộc mà người ta không thể tách rời và cuốn sách đó làm thành bản tóm lược bao gồm tất cả các đạo lý sống, một bản tóm tắt mà sự đa dạng và sự phân bố của nó thích hợp cho đời sống nhân loại chúng ta, một đời sống luôn luôn liên tục và phức tạp, để đưa đời sống đó hợp nhất trong tình yêu, mở ra trước Thiên Chúa. Kinh Mân Côi phô diễn đặc tính phong phú này bởi vì nó là một bản Phúc Âm tóm tắt và phác họa lại mầu nhiệm đáng tôn thờ của Đấng “đã xuất từ Cha và đã đến trong thế gian, bây giờ lại bỏ thế gian mà trở về cùng Cha” (x. Ga 16,28). Những chân trời vô biên được tiết lộ theo cách thật gần gũi. Không có một hình thức tôn sùng nào lại dễ dàng và thuận tiện đến thế, chỉ cần mở tâm hồn mình đón nhận Đức Kitô và được nuôi dưỡng bằng lời của Người.
Vì thế, sự dễ dàng phân chia kinh Mân Côi thành những chục kinh và dễ dàng lặp lại từng chục kế tiếp, cho phép ta làm chuỗi Mân Côi thành cái khung bao trùm các giờ giấc trong ngày, các công việc thường nhật. Một cha sở của một giáo xứ lơn – vốn không thể đọc kinh Mân Côi luôn luôn được – tâm sự với một người bạn rằng: mỗi sáng, những mầu nhiệm mùa Vui kéo dài tâm tình tạ ơn của mình, những mầu nhiệm sự Thương cổ xúy cho những giờ lao nhọc, và gánh nặng trong ngày – những lớp giáo lý hay những cuộc thăm viếng bệnh nhân – và những mầu nhiệm sự Mừng mang lại cho mình sự bình an mỗi buổi chiều. Người ta chỉ thu lượm được kết quả với điều kiện đọc ít nhất là một tràng mỗi ngày: một hoặc hai chục chỉ là một thói quen thuần túy, dĩ nhiên là tốt và có thể là cơ hội phát sinh một cách cầu nguyện, nhưng nó không là một sự ràng buộc vào đời sống của Chúa Kitô.
Xét như kinh nhật tụng, kinh Mân Côi vẫn còn là một hành vi hoàn toàn riêng tư, hoặc trong lúc đọc kinh chung thì kinh Mân Côi trở thành sự liên kết hoặc hòa hợp giữa hai hoặc ba người: Chúa Giêsu ở đó và Chúa Cha không từ chối điều gì (x. Mt 18,19).
Tuy nhiên, từ cái nhìn sâu xa đó đã mở ra những lời của Đức Pio XI. Như kinh nhật tụng thích hợp để đào luyện linh hồn các linh mục, thì kinh Mân Côi có thể và phải tác động đối với các tín hữu dấn thân trong thế giới.
Nghĩa là đối với các tín hữu, việc đào luyện không chỉ là sở đắc một vài ý tưởng và một vài tập quán nào đó, dầu là tập quán tốt. Nhưng một tín hữu chỉ được thành hình khi Đức Kitô sống trong họ. Thánh Phaolô đã nói điều đó trong thư gửi tín hữu Galat, mà ngày này người ta áp dụng cho Đức Bà Mân Côi: “Hỡi các con bé nhỏ của tôi, những kẻ tôi phải sinh mãi cho đến khi nào Đức Kitô được hình thành trong anh em” (Gl 4,19).
Đức Kitô đang sống trong những người thuộc về Người khi Người thông chia những cảm nghĩ của Người cho họ và Người trở thành luật nội tâm cho sự tăng trưởng của họ, vừa ấn định mục đích để đạt đến đồng thời quy định những phát triển cần thiết và khơi lên những hành vi cũng như những phản ứng của họ. Vậy chính điều đó được thể hiện nơi người tín hữu qua việc tôn sùng kinh Mân Côi. Trong khi gắn chặt người đọc kinh Mân Côi vào trong tâm hồn Đức Maria, thì Đức Maria làm cho họ bước vào sự hiệp thông sâu xa với Người, tình con thảo đáp lại tình mẫu tử đẩy ta thấu hiểu những tư tưởng, những tâm trạng của Đức Maria, và như thế, làm cho chúng ta thành người con của Người.
Trước tiên, tình yêu tập chúng ta quen nhìn Chúa Kitô và bước theo Người trong những mầu nhiệm khác nhau đến nỗi chúng ta chìm ngập trong những vinh quang của thần tính và những phong phú nhân tính Người được tỏ lộ cho chúng ta Người Con: “Tràn đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14) mạc khải sứ mệnh cứu chuộc, lòng mên vô song, những nhân đức và những tận tụy đáng kính của Người không lời nào tả xiết.
Sự liên kết giữa các mầu nhiệm và sự lặp lại thường xuyên ghi sau dần dần những nét của Người trong tâm hồn người tín hữu. Với cái nhìn đơn thành, nhà thần học khám phá ra những chân lý cao cả, đứa trẻ thì thấy những hình ảnh tuyệt đẹp, còn nhà chiêm niệm nhận được sự hiện diện mà Thiên Chúa đã ban cho họ.
Trên hết, người môn đệ ngày càng ý thức về một tâm trạng mà phải coi như đó là tâm trạng của chính mình: “Ngành nho phải sinh hoa kết quả.” Do một kinh nghiệm sống, Kitô hữu phải nhận ra đâu là thái độ cụ thể của chính mình khi vui cũng như khi buồn, đâu là tâm trạng của mình đứng trước Chúa Cha và trong tương giao với anh em.
Điều mà Thầy Chí Thánh đã làm cho họ, thì người tín hữu hiểu rằng tình yêu của họ phải lặp lại như thế đối với thầy mình. Tình yêu sống bằng hiệp thông và nhân ái. Nhờ có sự đòi hỏi này, không thể rơi vào quên lãng, kể cả những quyết định mà nó gợi lên cũng thế: vì lúc đó sự trầm tư trở lại với họ và mỗi lúc càng đè nặng trong tâm hồn.
 Hơn nữa, không những kinh Mân Côi là sự nhắc nhở để chúng ta khỏi quên một quyết định phải thực hiện, nó còn hơn cả sự tiếp máu cho tâm hồn. Không thể chiêm ngắm Đức Kitô mà không chia sẻ những sở thích và những nhân đức của Người. Không thể hít đầy hương thơm của bông hoa mà không bị chìm ngập trong đó, vì thế chúng ta phải trở thành hương thơm của Chúa Kitô (x. 2 Cr 2,15).
Tuy nhiên, để tránh rơi vào những ảo tưởng gây thất vọng, phải nhắc đi nhắc lại rằng: sự thành hình của Đức Kitô trong tâm hồn người tín hữu qua các mầu nhiệm kinh Mân Côi chỉ được thực hiện với một vài điều kiện cần thiết.
Điều kiện trước tiên là phải loại trừ thói quen xấu. Chẳng hạn, đọc hàng nghìn chuỗi hạt sẽ không giúp ích được gì cả nếu người ta chỉ lâm râm nó một cách máy móc. Đọc kinh Mân Côi phải là sự thông hiệp với tâm hồn Đức Maria, và qua Đức Maria thông hiệp với Đấng là chính sự sống của tâm hồn Người.
Lần chuỗi Mân Côi không bao giờ là một hành vi tầm thường, nhưng lòng hăng say nhiệt thành đó giúp ta bước vào cuộc đối thoại cùng với Đức Maria và như thế đã là cầu nguyện, Người còn cho chúng ta cùng thông chia những điều bí nhiệm mà Người cất trong tâm hồn Người. Kinh Mân Côi sẽ không còn ý nghĩa nữa nếu người ta tách nó ra khỏi đời sống nội tâm của Đức Maria và người ta quên rằng đối với Đức Maria, hơn bất cứ ai, đời sống của Mẹ là Chúa Kitô, Đức Maria là ánh mắt, là tình yêu của Chúa Kitô; và sự thể cũng y như vậy đối với những ai đến gần Đức Maria.
Có lẽ người ta nói rằng điều kiện đầu tiên này liên quan tới sự chuẩn bị gần cho việc đọc mỗi thánh vịnh trong kinh nhật tụng của chúng ta, tức là kinh Kính Mừng của Mân Côi. Điều kiện thứ hai thích hợp cho việc chuẩn bị xa: để cho việc khơi lên cách vắn gọn mầu nhiệm Mân Côi mang lại một sự phong phú cho đời sống thường nhật, đối với con người nhiệt tâm và tỏa rạng tình yêu thì tâm hồn phải mang trong mình cả một kho tàng kỷ niệm, suy niệm và lời cầu nguyện. Bởi vậy, điều quan trọng để sống cách thâm sâu những ngày lễ phụng vụ mà chục kinh Mân Côi nhắc nhở ta liền sau đó, phải trở về với các suy niệm của mình lâu hơn về chính mầu nhiệm đó, phải suy niệm những gương mẫu nơi Chúa, Đấng chờ đợi sự trung tín đầy tình mến của chúng ta cách này hay cách khác.
Chắc chắn kinh Mân Côi không ngừng mang lại những ánh sáng mới và vì những hoàn cảnh độc nhất trong đó ánh sáng chiếu tỏa, Mân Côi biểu lộ những chiều kích vẫn còn chưa được sáng tỏ của mầu nhiệm. Nhưng rất thường do sự ngắn gọn của mỗi chục, do việc đi vào trong những công việc dồn dập của đời sống và sự xô bồ của thế giới, Mân Côi là một sự nhắc nhở, là sự gợi nhớ lại hơn là một việc tìm tòi trong những chiều hướng mới. đó là vai trò riêng biệt của nó và qua đó Mân Côi phục vụ cách tuyệt diệu cho hành động của thần chân lý được ban cho các môn đệ và làm cho họ nhớ lại những giáo huấn của Đức Kitô.
Tắt một lời, để kết thúc cho khái niệm này, học thuyết đáng phục của thánh Louis Maria về việc Đức Maria hình thành Đức Kitô trong tâm hồn ở đây dã được áp dụng cách trọn vẹn. Vì thế, cần hiệp thông với tâm hồn Đức Kitô, cần đặt mình vào thái độ của các môn đệ và muốn sống tình thân ái của Đức Kitô đến độ thực sự trở nên một Kitô khác do sự liên kết bằng tình mến, để được gắn bó trong tình mến của Đấng yêu mến chúng ta như Cha.

Em Ơi Hãy Lần Hạt

Em Ơi Hãy Lần Hạt

Em ơi hãy lần hạt
Dâng kính Mẹ Mân Côi
Khi chiều hôm sáng tối
Khi cuộc đời nỗi trôi.

Khi buồn phiền đau khổ
Nhìn lên Mẹ dịu hiền
Xưa đã lạc xa Chúa
Ở thành phố Gia-Liêm.

Em ơi hãy lần hạt
Khi đường xa vạn dặm
Thân em người lữ thứ
Hiểm nguy bao vô thường.

Em ơi hãy lần hạt
Dẫu người đời oán ghét
Nhìn lên Mẹ Chúa Trời
Dưới chân thập tự giá
Hiến lễ để cứu đời.

Em ơi hãy lần hạt
Những hạt ngọc huyền siêu
Dâng lên Mẹ tất cả
Những lo lắng phận người.
Lần hạt nhé, em ơi !
25.10.0215

Tòa Thánh công bố Tự Sắc Aperuit illis của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tòa Thánh công bố Tự Sắc Aperuit illis của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do

Sáng thứ Hai 30 tháng Chín, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Tự Sắc “Aperuit illis” – nghĩa là “Ngài mở trí cho các ông” - của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó truyền rằng “Chúa Nhật thứ ba Mùa Quanh Năm được dành cho việc cử hành, suy niệm và phổ biến Lời Chúa”.

Thời điểm công bố Tự Sắc này rất có ý nghĩa. Thật vậy, ngày 30 tháng Chín là Lễ Thánh Giêrônimô, người đã dịch phần lớn Kinh Thánh sang tiếng Latinh, và là người đã nói một câu thời danh: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Năm nay cũng đánh dấu 1,600 năm ngày mất của thánh nhân.

Tiêu đề của tài liệu là “Aperuit illis” - “Ngài mở trí cho các ông”, cũng quan trọng không kém. Đó là những lời mở đầu được trích từ Tin Mừng Thánh Luca, khi vị Thánh Sử mô tả Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ của Ngài như thế nào, và cách “Ngài mở mang tâm trí cho các ngài để có thể hiểu được Kinh Thánh”.

Đáp ứng trước các yêu cầu

Nhắc lại tầm quan trọng của Công đồng Vatican II trong việc tái khám phá Kinh Thánh cho đời sống của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã đưa ra Tự Sắc này để đáp lại những yêu cầu của các tín hữu trên khắp thế giới muốn có một ngày Chúa Nhật dành riêng cho việc tôn vinh Lời Chúa.

Một giá trị đại kết

Trong Tự Sắc này, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng Chúa Nhật thứ Ba Mùa Quanh Năm sẽ được dành cho việc cử hành, suy gẫm và phổ biến Lời Chúa. Điều này không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, phụng vụ trong ngày này có “giá trị đại kết, vì Phúc Âm chỉ ra cho những ai lắng nghe Lời Chúa con đường dẫn đến sự hiệp nhất đích thực và vững chắc”.

Một sự trang trọng nhất định

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các cộng đồng địa phương tìm cách “đánh dấu ngày Chúa Nhật này với một sự trang trọng nhất định”. Ngài đề nghị rằng sách thánh nên được đặt ở một vị thế trang trọng, để thu hút sự chú ý của cộng đoàn vào giá trị chuẩn mực của Lời Chúa. Để làm nổi bật việc công bố Lời Chúa, sẽ rất thích hợp “để nhấn mạnh trong bài giảng về vinh dự xứng đáng của Lời Chúa,” Đức Thánh Cha viết.

“Các mục tử cũng có thể tìm kiếm những phương thế trao tặng toàn bộ sách Kinh Thánh, hoặc ít là một trong những cuốn sách trong Kinh Thánh, cho toàn bộ cộng đoàn như một cách thể hiện tầm quan trọng của việc học hỏi cách đọc Kinh Thánh, đánh giá cao và cầu nguyện hàng ngày với Sách Thánh.”

Kinh Thánh là dành cho tất cả

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng Kinh Thánh không dành cho một số ít người có đặc quyền. Trái lại Kinh Thánh thuộc về tất cả những người được mời gọi để lắng nghe thông điệp Tin Mừng và nhận ra chính mình trong những lời này. Kinh Thánh không thể được dành độc quyền hoặc giới hạn trong các nhóm được chọn, bởi vì đó là cuốn sách của dân Chúa, là những người khi nghe sách này, chuyển từ sự phân tán và chia rẽ sang hiệp nhất.

Tầm quan trọng của bài giảng

“Các vị mục tử có trách nhiệm chủ yếu trong việc giải thích Kinh Thánh, và giúp mọi người có thể hiểu được,” Đức Thánh Cha viết. Đó là lý do tại sao bài giảng thủ đắc “một tính cách á bí tích”. Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại việc ứng khẩu giảng hoặc đưa ra “các bài giảng quá dài, sa lầy vào tiểu tiết, hoặc lan man sang những chủ đề không liên quan”.

Thay vào đó, ngài đề nghị sử dụng ngôn ngữ đơn giản và phù hợp. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đối với nhiều tín hữu, đây là cơ hội duy nhất họ có để nắm bắt được vẻ đẹp của Lời Chúa và thấy Lời Chúa được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của họ ra sao.

Kinh Thánh và các Bí tích

Đức Thánh Cha sử dụng cảnh Chúa phục sinh xuất hiện trước các môn đệ tại làng Emmaus để chứng minh điều mà ngài gọi là mối liên kết không thể phá vỡ giữa Sách thánh và Bí tích Thánh Thể. Vì Kinh Thánh nói về Chúa Kitô ở khắp mọi nơi, các trình thuật cho phép chúng ta tin rằng cái chết và sự phục sinh của Ngài không phải là huyền thoại mà là lịch sử, và là trung tâm trong đức tin của các môn đệ Ngài.

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng khi các bí tích được giới thiệu và chiếu sáng bởi Lời Chúa, các bí tích này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết mục tiêu của một quá trình qua đó Chúa Kitô mở rộng tâm trí và trái tim của chúng ta để đón nhận ơn cứu độ của Ngài.

Vai trò của Chúa Thánh Thần

“Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh là căn cội”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. Không có tác động của Thánh Linh, sẽ luôn có nguy cơ chúng ta bị giới hạn trong văn bản mà thôi. “Điều này sẽ dẫn đến cách đọc máy móc, mà chúng ta cần tránh, kẻo chúng ta phản bội tính cách linh hứng, năng động và thánh thiêng liêng của sách thánh. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã biến Kinh Thánh thành lời sống động của Thiên Chúa, được cảm nghiệm và lưu truyền trong đức tin của dân thánh Ngài.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta đừng bao giờ coi Lời Chúa là nhàm chán, nhưng thay vào đó, hãy để chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, ngõ hầu có thể nhận ra và sống trọn vẹn mối quan hệ của chúng ta với Chúa và với anh chị em của chúng ta.

Thực hành lòng thương xót

Đức Thánh Cha kết thúc Tự Sắc của mình bằng cách định nghĩa những gì ngài mô tả là một thách thức lớn trong cuộc sống của chúng ta: đó là lắng nghe Kinh Thánh và sau đó thực hành lòng thương xót. Đức Thánh Cha viết: “Lời Chúa có sức mạnh mở mắt chúng ta và cho phép chúng ta từ bỏ chủ nghĩa cá nhân ngột ngạt và cằn cỗi và thay vào đó bắt đầu một con đường mới chia sẻ và liên đới.

Bức thư khép lại với một tham chiếu đến Đức Mẹ, Đấng đồng hành cùng chúng ta “trên hành trình đón nhận Lời Chúa”, dạy chúng ta niềm vui của những người lắng nghe Lời này - và suy đi nghĩ lại trong lòng.
 

Nhận định của Đức Hồng Y Raymond Leo Burke về tình hình Giáo Hội hiện nay

Nhận định của Đức Hồng Y Raymond Leo Burke về tình hình Giáo Hội hiện nay
Đặng Tự Do

Hôm 27 tháng Chín, tờ The First Things đã đăng bài phỏng vấn Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, nguyên chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh, dành cho ký giả Sohrab Ahmari, biên tập viên của New York Post.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây: A German Attack on Christ’s Lordship. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


A German Attack on Christ’s Lordship
Raymond Leo Cardinal Burke


Một tấn công của người Đức vào Vương Quyền của Chúa Kitô
Đức Hồng Y Raymond Leo Burke


Nửa thiên niên kỷ sau cuộc Cải cách Tin Lành, người Đức lại gây rắc rối cho Giáo Hội Rôma. Lần này, các Giám Mục Công Giáo Đức đã bắt đầu tái định hình Giáo Hội theo hình ảnh cấp tiến của riêng mình.

Các Giám Mục Đức trong tuần này đã thông qua một khuôn khổ pháp lý để điều hành “tiến trình công nghị” sắp tới của các ngài. Chương trình nghị sự sẽ bao gồm việc rà soát lại “giáo huấn của Hội Thánh về đạo đức tình dục, vai trò của phụ nữ trong các chức vụ và thừa tác vụ của Giáo Hội, đời sống linh mục và kỷ luật độc thân linh mục, và việc phân chia quyền lực giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương trong việc cai quản Giáo Hội”. Chưa kể những hoài nghi về đường hướng các ngài sẽ đưa ra cho những mục tiêu chính trong các lãnh vực này, các Giám Mục còn soạn thảo các quy chế này với Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, một phong trào giáo dân ủng hộ việc phong chức phụ nữ, chấm dứt cuộc sống độc thân linh mục, và các nhượng bộ khác nhau đối với cuộc cách mạng tình dục.

Những động thái này đã vấp phải những chống đối nghiêm trọng từ một quang phổ rộng rãi các quan điểm giáo hội học ở Rôma. Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các Giám Mục Đức tập trung vào việc truyền giáo trong tiến trình công nghị của các ngài. Bộ Giám Mục đã mô tả tiến trình công nghị với hiệu quả ràng buộc của các vị là “vô giá trị”. Các giáo sĩ có khuynh hướng truyền thống, đặc biệt là Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, đã lên tiếng về tiến trình công nghị của Đức cũng như Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới cho toàn vùngAmazon, cũng bị người Đức thao túng mạnh mẽ.

Sohrab Ahmari, biên tập viên của New York Post, có cuộc phỏng vấn sau với Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, nguyên chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh.

Sohrab Ahmari: Thưa Đức Hồng Y, có mối liên hệ nào giữa tiến trình công nghị của các Giám Mục Đức với Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon sắp tới không?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Có rất nhiều liên hệ. Trên thực tế, một số người ủng hộ nồng nhiệt cho tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon là các Giám Mục và linh mục người Đức. Và một số Giám Mục ở Đức đã có một mối quan tâm rất bất thường đối với thượng hội đồng Amazon này. Ví dụ, Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck của Essen, là người đã nói rằng sau thượng hội đồng Amazon này, “mọi sự sẽ không có gì giống như trước đây”. Theo quan điểm của ngài, Giáo Hội sẽ rất khác, hoàn toàn thay đổi.

Sohrab Ahmari: Tiến trình công nghị tại Đức có hợp lệ về mặt giáo hội học không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Hoàn toàn không hợp lệ. Điều này đã được minh định rất rõ ràng. Trong bức thư gửi các Giám Mục Đức, Đức Hồng Y Marc Ouellet tổng trưởng Bộ Giám Mục nói với người Đức rằng họ đang thực hiện một tiến trình về cơ bản nằm ngoài Giáo Hội, nói cách khác, họ đang cố gắng định hình một giáo hội theo hình ảnh và ý thích riêng của họ. Tôi quan ngại rằng tiến trình công nghị này ở Đức cần phải được dừng lại trước khi nó gây tổn hại lớn hơn cho các tín hữu. Các ngài đã bắt đầu điều này và khẳng định rằng tiến trình này không thể dừng lại. Nhưng chúng ta đang nói về phần rỗi của các linh hồn, điều đó có nghĩa là chúng ta buộc phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết.

Sohrab Ahmari: Đâu là động cơ trong sự thúc đẩy này của các Giám Mục Đức, cả ở đất nước họ và ở Amazon, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Các Giám Mục Đức tin rằng bây giờ các ngài có thể định nghĩa giáo lý, điều này là sai. Vì như thế, chung cuộc chúng ta sẽ có cả một lô các giáo hội quốc gia, mỗi giáo hội như thế có sở thích riêng về giáo lý và kỷ luật. Tính Công Giáo của Giáo Hội Công Giáo đang gặp nguy cơ. Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội có một đức tin duy nhất, một hệ thống bí tích và một kỷ luật trên toàn thế giới, và do đó, chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng mỗi phần của thế giới lại có thể định nghĩa Giáo Hội theo các nền văn hóa cụ thể. Đó là những gì được đề xuất trong tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Amazon và ở Đức.

Họ nói rằng khu vực Amazon là một nguồn mặc khải thiêng liêng, và do đó, khi Giáo Hội đến đó với khả năng truyền giáo của mình, Giáo Hội nên học hỏi từ nền văn hóa này. Điều này phủ nhận thực tế là Giáo Hội mang thông điệp của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta và đưa thông điệp đó đến với nền văn hóa này chứ không phải là ngược lại! Vâng, chắc chắn là có những yếu tố tốt đẹp một cách khách quan trong một nền văn hóa, khi ta đề cập đến lương tâm và bản chất hướng đến mặc khải; có những điều trong văn hóa sẽ đáp ứng ngay lập tức với giáo huấn của Giáo Hội. Nhưng vẫn có những yếu tố khác phải được thanh lọc và nâng cao. Tại sao? Bởi vì một mình Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Chúng ta không thể tự cứu mình, dù là cá nhân hay xã hội.

Sohrab Ahmari: Nhưng những người ủng hộ tiến trình Amazon nói rằng có quá ít linh mục trong khu vực Amazon.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo các linh mục cho các sứ vụ, và thứ nữa, chúng ta cần phải đào tạo ơn gọi từ chính các dân tộc bản địa. Tôi đã viếng thăm Brazil vào tháng 6 năm 2017, và tôi đã đến thăm một vị Tổng Giám Mục, ngài đã từng là Giám Mục trong vùng Amazon trong hơn một thập kỷ. Tôi đã hỏi thẳng ngài câu hỏi này, vì đã có những ý kiến về việc tương đối hóa giáo huấn của Giáo Hội về luật độc thân linh mục nhằm có thêm các linh mục. Và ngài nói với tôi rằng trong khi còn là Giám Mục trong vùng này, ngài đã làm hết sức mình cho sự phát triển ơn gọi, và có rất nhiều ơn gọi.

Rất rõ ràng, ngài nói, “Thật là sai lầm khi cho rằng người dân ở khu vực này không hiểu yêu cầu tiết dục hoàn toàn nơi các linh mục hoặc không đánh giá cao điều đó. Điều đó không đúng chút nào. Nếu bạn dạy cho họ về cuộc sống độc thân của chính Đức Kitô và do đó điều phù hợp là các linh mục của Ngài cũng phải sống độc thân, họ chắc chắn có thể hiểu được điều đó.” Người Amazon cũng là những con người như bạn và tôi, và họ có thể điều tiết cuộc sống của mình với sự giúp đỡ của ân sủng Chúa.

Sohrab Ahmari: Một điểm lớn hơn được đưa ra bởi những người ủng hộ cả hai tiến trình ở Đức và Amazon là các điều kiện trong thời hiện đại đơn giản là quá khó để có thể duy trì giáo huấn luân lý và kỷ luật của Giáo Hội, cả trong luật độc thân đối với các linh mục, lẫn vấn đề ly dị và tái hôn đối với giáo dân.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Tôi đã tham gia phiên họp năm 2014 của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và lý luận đó đã được sử dụng một cách cụ thể đối với những người ly dị và bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai. Một vị Hồng Y người Đức cho rằng giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân là một “lý tưởng”, mà không phải tất cả mọi người đều có thể hiện thực hóa lý tưởng đó, và do đó, chúng ta cần phải cung cấp cho những người thất bại trong hôn nhân khả năng bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai.

Nhưng sai lầm cơ bản ở đây là hôn nhân không phải là một lý tưởng! Đó là một ân sủng. Hôn nhân là một bí tích, và những người kết hôn, ngay cả những con người yếu đuối nhất, vẫn nhận được ân sủng để sống theo sự thật của hôn nhân. Chúa Kitô khi đến trong thế gian đã chiến thắng tội lỗi và hệ quả của nó, là sự chết đời đời. Ngài ban cho chúng ta, từ chính bản thân Ngài, từ thân xác vinh quang của chính Ngài, ân sủng của Chúa Thánh Thần để sống đúng với giao ước hôn nhân.

Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta cho dù chúng ta kết hôn hay độc thân. Chính Chúa Kitô là mẫu gương. Ngài không kết hôn. Ngài đã chọn cuộc sống khiết tịnh hoàn hảo để dành trọn cho tất cả mọi người, để là vị cứu tinh của tất cả mọi người. Như thế, Ngài chỉ cho chúng ta thấy sự hợp tác với ân sủng liên quan đến khía cạnh tình dục của con người chúng ta như thế nào. Sự khiết tịnh của hàng giáo sĩ cũng là một khích lệ to lớn đối với người đã kết hôn. Bởi vì những người kết hôn cũng không dễ dàng gì. Không dễ chung thủy. Cũng không dễ để dành trọn cuộc đời cho nhau đến khi cái chết tách biệt lứa đôi. Tương tự như thế, cũng không dễ để đón nhận ân sủng con cái Chúa ban. Vì thế, có một mầu nhiệm lớn về ân sủng thiêng liêng trong cuộc sống của chúng ta, và đó là những gì đang bị lờ đi ở đây. Ở đây có một ảnh hưởng rất mạnh của chủ nghĩa duy tâm Đức, của các khái niệm biện chứng lịch sử của Hegel.

Sohrab Ahmari: Nhưng chẳng phải văn hóa siêu tình dục của chúng ta làm cho việc tuân thủ các giáo huấn luân lý của Giáo Hội trở nên khó khăn hơn nhiều sao? Đôi khi con nghĩ rằng các vị thánh vĩ đại đã có thể nên thánh dễ dàng hơn nhiều so với chúng ta, vì các ngài là các vị ẩn tu, và cho dù có phải sống giữa thế giới đi nữa, các ngài không phải đối mặt với một bầu khí quyển bị “khiêu dâm hóa” triệt để như trong thời chúng ta.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Nhưng ngay cả Thánh Antôn Viện Phụ sống cô tịch trong sa mạc cũng phải chịu những cám dỗ to lớn này. Ngài nhìn thấy hình ảnh của những người phụ nữ khỏa thân trong ẩn thất của mình. Một trong những khó khăn của chúng ta trong cuộc sống là đôi khi chúng ta cho phép bản thân mình nhìn thấy những điều tội lỗi: Đây là tội ác lớn của phim ảnh khiêu dâm. Chúng ta thấy những hình ảnh đó ở lại với mình và tiếp tục là nguồn gây ra các cám dỗ sau này. Nhưng trong tất cả những điều đó, Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chống lại những cám dỗ đó. Thánh Phaolô nói trong phần đầu thư gửi tín hữu Côlôxê, “Tôi vui mừng được hoàn thành trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong sự đau khổ của Chúa Kitô.” Vấn đề không phải là có điều gì đó còn thiếu trong những đau khổ của Chúa Kitô hay không, nhưng là việc chúng ta phải kết hiệp chính mình với những đau khổ của Ngài.

Đây là một mầu nhiệm. Nhiều người ngày nay, vì những tiến bộ của khoa học và công nghệ, nghĩ rằng cuộc sống phải luôn dễ dàng và thuận tiện hơn, và họ mang tâm lý đó vào Giáo Hội. Vì vậy, trước bất cứ khó khăn nào, họ chỉ đơn giản nói rằng: “Không đúng thế đâu. Gian dâm hoặc bất cứ điều gì cũng không sao đâu.”

Sohrab Ahmari: Thưa Đức Hồng Y, chúng ta hãy chuyển sang các cấu trúc pháp lý liên quan: Thượng Hội Đồng là gì? Tình trạng pháp lý hay giáo luật của nó trong các cấu trúc của Giáo Hội là gì?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Khái niệm này đã có từ lâu. Khái niệm cơ bản của một thượng hội đồng là triệu tập các đại diện của hàng giáo sĩ và giáo dân để xem Giáo Hội có thể giảng dạy và áp dụng kỷ luật của mình hiệu quả hơn như thế nào. Thượng hội đồng không bao giờ liên quan đến việc thay đổi đạo lý hay kỷ luật. Thượng hội đồng là nhằm đẩy mạnh hơn sứ mệnh của Giáo Hội. Định nghĩa của một thượng hội đồng dựa trên chân lý là mỗi người Công Giáo, trong tư cách là một người lính thực sự của Chúa Kitô, được kêu gọi để bảo vệ và thúc đẩy những chân lý đức tin và các kỷ luật mà qua đó những chân lý này được thực hành. Nếu không bảo vệ và thúc đẩy những chân lý ấy, hội đồng trọng thể các Giám Mục của thượng hội đồng có nguy cơ phản bội lại sứ vụ. Một thượng hội đồng, theo Bộ giáo luật, là nhằm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng trong việc giữ gìn và phát triển đức tin và luân lý, cũng như việc tuân thủ và củng cố kỷ luật Giáo Hội. Không bao giờ có chuyện một thượng hội đồng thay đổi tín lý hoặc kỷ luật!

Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon là một cuộc tấn công trực tiếp vào vương quyền của Chúa Kitô. Tài liệu ấy nói với mọi người, “Các bạn đã có câu trả lời, và Chúa Kitô chỉ là một trong số rất nhiều nguồn đem đến câu trả lời.” Đó là một sự bội giáo!

Chúa Kitô là Chúa, ở mọi nơi, mọi lúc, đây là bản mệnh của Giáo Hội. Khi các nhà truyền giáo rao giảng về Chúa Kitô, các ngài cũng nhận thấy những ân sủng và tài năng của những người mà các ngài đang rao giảng. Người dân sau đó bày tỏ trong nghệ thuật và kiến trúc của riêng họ những chân lý của Giáo Hội. Họ thêm hương vị riêng của họ vào việc thể hiện Chân lý hàm chứa. Bạn có thể đã nhìn thấy những bức tượng Đức Mẹ Nhật Bản. Những bức tượng này được thực hiện theo phong cách Nhật Bản nhưng mầu nhiệm về Tình mẫu tử Mẹ Thiên Chúa vẫn được thể hiện!

Sohrab Ahmari: Trong bối cảnh đó, thưa Đức Hồng Y, điều gì mang đến cho ngài hy vọng trong Giáo Hội ngày hôm nay?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Canh tân phụng vụ trong giới trẻ ở khắp mọi nơi, và nó mang lại cho tôi niềm hy vọng lớn. Có nhiều linh mục và chủng sinh trẻ chẳng thèm mảy may để ý đến cuộc cách mạng này chút nào. Họ bị cuốn hút vào phụng vụ nhiều hơn, bởi vì đó là cuộc gặp gỡ hoàn hảo và tức thời của chúng ta với Chúa Kitô. Họ bị thu hút bởi phụng vụ cổ kính, là Hình thức Thánh lễ Ngoại thường, bởi vì phục vụ này có rất nhiều biểu tượng và thể hiện rõ hơn nhiều khía cạnh siêu việt trong đời sống đức tin của chúng ta: Chúa chúng ta hiện xuống bàn thờ để hiện diện cùng chúng ta một cách bí tích.

Nhiều người đến với tôi cho biết rất nản lòng, một số người muốn rời khỏi Giáo Hội. Nhưng tất cả không phải là bóng tối. Hãy nhìn những người trẻ này. Hãy nhìn vào những ơn gọi này, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà ngay cả ở Đức. Bạn biết người ta nói nhiều về sự tục hóa ở Đức, nhưng tại Đức vẫn có những người trẻ Công Giáo và các gia đình Công Giáo thánh thiện. Tôi tin rằng Chúa Kitô đã nói Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài sẽ ở bên chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Tôi đặt niềm xác tín nơi Ngài. Tôi hoàn toàn tin tưởng Ngài.


BỐI CẢNH LỊCH SỬ THƯ 1 TI-MÔ-THÊ

BỐI CẢNH LỊCH SỬ THƯ 1 TI-MÔ-THÊ

Nếu thánh Phao-lô không phải tác giả của Những Thư Mục Vụ, chắc hẳn phải có một ai đó, ắt phải rất quen thuộc với truyền thống Phao-lô, biên soạn chúng vào cuối thế kỷ thứ nhất, một thời điểm mà Giáo Hội ở vùng Tiểu Á phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng của các thầy dạy giả hiệu vốn sai lạc với tin mừng thánh Phao-lô đã ủy thác cho các giáo hội. Kết quả, tác giả của các Thư Mục Vụ viết nhân danh thầy cả của mình (một việc làm quen thuộc trong thế giới cổ đại) để nhắc nhở các kỳ mục về truyền thống thánh Phao-lô đã ủy thác cho họ, và để hướng dẫn họ cách thức cai quản các giáo đoàn họ được ủy thác chăm sóc. Vì thế, Những Thư Mục Vụ có thể được xem như những cuốn sổ tay mục vụ.
Như những cuốn sổ tay mục vụ, Những Thư Mục Vụ hướng dẫn các chức sắc hội thánh tuân theo học thuyết lành mạnh mà họ đã lãnh nhận, truyền lại giáo huấn này cho các lãnh đạo trung tín những người, đến lượt mình, phải chuyển trao nó cho những lãnh đạo trung tín khác. Vì thế, thật quan trọng để hiểu ý nghĩa của Những Thư Mục Vụ hầu có thể bảo vệ giá trị của đức tin (1 Tm 6:20). Giá trị của giáo huấn lành mạnh này bắt nguồn từ thánh Phao-lô người đã ủy thác nó cho Ti-mô-thê và Ti-tô, những người giờ đây phải ủy thác nó cho những chứng nhân trung tín khác. Để hỗ trợ Ti-mô-thê và Ti-tô trong công việc của hai ông, thánh Phao-lô diễn tả những phẩm tính của những ai thích hợp với chức giám mục (1 Tm 3:1-7), phó tế (1 Tm 3:8-13), và trưởng lão (1 Tm 5:9-16). Tắt một lời, giáo hội của Những Thư Mục Vụ đang ở trong tiến trình tự cấu trúc để mà nó có thể giữ gìn giá trị phong phú của giáo huấn lành mạnh được ủy thác cho nó chống lại các thầy dạy giả hiệu (2 Tm 3:1-9).
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 161 – 162.

Câu 152 – 153 Al-Ghazali và Phái Sufism

Cẩm Nang Hỏi Đáp Triết Học – Al-Ghazali và Phái Sufism (Câu 152 – 153)

  1. Al-Ghazali là ai?
Abu Hamid al-Ghazali (1058-1111) là một triết gia, thần học gia, luật gia và thầy pháp thần bí của Hồi giáo. Ông sinh ở vùng Trung Đông thuộc Khurisan (hay Khorasan) và được học hành ở trung tâm học vấn của Nishaur. Ông đã trở thành người đứng đầu của Nazamiyah, một trường đạo ở Baghdad nơi mà những bài giảng về luật và thần học của ông trở nên rất nổi tiếng. Ông đã đi tìm sự chắc chắn trong hiểu biết, và khi không thể tìm thấy nó nơi những nghiên cứu học thuật, ông từ chức vị trí hàn lâm của mình, rời khỏi gia đình và trở thành một nhà thần bí pháp gia của Hồi giáo. Ông đã đi lang thang cả chục năm trời và với kết quả của những trải nghiệm này, ông đã quay về Nishapur tiếp tục giảng dạy trở lại.
Al-Ghazali dần đi đến xác tín rằng chân lý chỉ có thể được tìm thấy do bởi của ân sủng Thiên Chúa. Trong tác phẩm Deliverance from Error, tự truyện tâm hồn của mình, ông đã kể lại cuộc truy tầm vô ích của mình về chân lý và sự chắc chắn ngang qua cả truyền thống tri thức Đạo Hồi và Tây phương rồi kết luận rằng, thông tin và lý lẽ thuộc giác quan quả là ngây ngô. Sự chọn lựa của ông giữa hiểu biết dựa trên lý trí và giác quan là “một tia sáng mà Đấng Tối Cao gieo vào trong lòng của tôi…chìa khóa cho sự hiểu biết lớn nhất.”
Cuộc tấn công vào những bậc lão luyện về triết học như là một chỉ dẫn tới chân lý và sự chắc chắn, một cách đặc biệt trong những bản văn của Avicenna (980-1037), và đỉnh cao là nơi tác phẩm The Intensions of the Philosophers. Trong tác phẩm The Incoherence of the Philosophers, ông đã đưa ra một cuộc tấn kích chi tiết về tri thức vào những quan điểm của Plato và Aristotle, vốn chính là sự chống đối trực tiếp với Avicenna.
  1. Phái Sufism (đạo Xufi) là gì ?
Sufism là nhánh thần bí thuộc Hồi giáo. Từ năm 1000 đến 1500 được coi là giai đoạn cổ điển, hay còn gọi là “Thời kỳ vàng son” của phái này. Sufism được nhìn nhận rằng đã từng phân nhánh từ Baghdad lan rộng ra toàn Persia, Ấn độ, Bắc châu Phi và Tây ban nha. Phong trào này cung ứng nơi ở và lều dừng chân cho các học trò, những bậc tinh thông đạo học và những người khác thăm viếng trong cuộc tĩnh tâm. Những người thực hành phái Sufi được mong đợi đi qua những mức độ thiêng liêng khác nhau. Trước hết là “stations” (các trạm), những hành động đòi buộc của ý chí và những hành động kìm nén những bản ngã của các cá nhân và loại bỏ sự dính bén cũng như là khao khát những sự trần tục. Cách thức này đưa tới ân sủng của Thiên Chúa. Một khi ân sủng của Thiên Chúa được ban cho, nó có thể được trải nghiệm riêng tư như tình yêu, sự hiểu biết thần bí hay mất đi ý thức bản ngã.
Phái Sufi vốn khởi đầu như một thực hành bên lề nhưng đã được những nhà lãnh đạo Hồi giáo chấp nhận vào thế kỷ XI, chính yếu ngang qua những nỗ lực của al-Gazali (1058-1111). Về sau, phái Sufi đã phát triển cùng với những khuynh hướng thực hành và tri thức riêng biệt. Những phương thức thực hành này cần đến việc đào luyện trong những thể thức và sự kết nạp mang tính tôn giáo đi vào những cấp trật. Nó được đi kèm bởi nhiều những tổ chức huynh đệ và xã hội, hình thức này vẫn tiếp tục trong thế giới Hồi giáo hiện tại.
Con đường tri thức này đã khai thác thuật ngữ triết học và tiếp thu những ảnh hưởng của phái Tân-Plato, và đạt đến đỉnh cao trong hệ thống thần học của Ibn Arabi (mất năm 1240). Trong hệ thống này, Thiên Chúa được nhìn nhận chỉ là một hữu thể. Mọi thứ còn lại trong hiện hữu là kết quả của sự biểu tỏ của chính Ngài. Cá nhân có thể để đồng hoá tất cả với những biểu tỏ của Thiên Chúa có mục tiêu nhắm tới việc trở thành Người-hoàn-thiện (the Perfect Man), do đó, chỉ có thể đạt được bởi tiên tri Muhammad. Mỉa mai thay, con đường tri thức này của phái Sufi được phát triển khi al-Gazali đã nhìn nhận phái Sufi như là bộ phận của một niềm tin rằng tri thức và lý trí không phải là một con đường đáng tin cậy để kinh nghiệm được Thiên Chúa.
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 67 – 68.


Tìm Hiểu Thư 1 và 2 Ti-mô-thê

Tìm Hiểu Thư 1 và 2 Ti-mô-thê

Thư 1 và 2 Ti-mô-thê, cùng với thư Ti-tô, thường được nhắc đến như những bức thư mục vụ bởi vì chúng cung cấp cho Ti-mô-thê và Ti-tô những hướng dẫn mục vụ để dẫn dắt các cộng đoàn mà thánh Phao-lô đã ủy thác cho họ. Thư 1 Ti-mô-thê tiền giả định rằng thánh Phao-lô đã đặt Ti-mô-thê ở lại Ê-phê-sô “để truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác, cũng đừng chú ý đến những chuyện hoang đường và những gia phả dài dòng” (1 Tim 1:3-4). Lá thư gửi Ti-tô cho thấy thánh Phao-lô đã đặt Ti-tô ở lại trên đảo Cơ-rê-ta để anh có thể “bổ nhiệm các kỳ mục ở mỗi thành” (Tt 1:5), như thánh Phao-lô đã hướng dẫn anh.
Đã có một vài câu hỏi về việc liệu thánh Phao-lô có phải tác giả của những bức thư này hay không bởi vì phong văn và những khái niệm thần học của chúng thường khác lạ với những bức thư không gây tranh cãi của thánh Phao-lô (Rm, 1 & 2 Cr, Gl, Pl, 1 tín hữu Cô-rin-tô, và Phi-lê-môn). Hơn nữa, thật khó để tìm thấy những sự kiện trong cuộc đời thánh Phao-lô (được kể trong Công Vụ Tông Đồ và trong những hồi đáp không gây tranh cãi của thánh Phao-lô) vốn tương ứng với những lá thư này. Vì lý do nào đó, nhiều học giả về thánh Phao-lô liệt những lá thư này vào loại Giả-Phaolô. Một mặt, các nhà giảng thuyết cần ý thức điều này, nhưng mặt khác họ cũng không cần nêu lên những khúc mắc này trong bài giảng và thậm chí họ được khuyến khích nói về thánh Phao-lô như tác giả thực thụ của những lá thư này bởi vì quy điển Tân Ước đã hiểu như thế.
Thật không may, những lá thư mục vụ này đã bị hạ giá bởi một vài người vốn xem chúng như một thứ làm tổn hại giáo huấn của thánh Phao-lô về sự công chính hóa bởi đức tin và ước mong rực cháy của ngài về việc ngày trở lại của Đức Ki-tô đã gần kề. Vì vậy, một vài người tố cáo những bức thư này đã sửa đổi tin mừng cho phù hợp với đời sống trung lưu an nhàn vốn đề cao phẩm trật giáo hội và những mối tương quan tốt đẹp với xã hội rộng hơn, và tố cáo một “đạo Công giáo sơ khai” vốn tán thành phẩm trật ba cấp của giáo sĩ: phó tế, linh mục, và giám mục.
Mặc dù sự nhấn mạnh thần học của những lá thư mục vụ này quả có khác với điểm nhấn thần học trong các hồi âm không gây tranh cãi của thánh Phao-lô, nhưng có một sự phát triển chân thật của truyền thống Phao-lô vốn đã thích ứng thần học của thánh Phao-lô với hoàn cảnh mới của Giáo Hội ở thời điểm sau cuối của thế kỷ thứ nhất. Hơn nữa, bởi vì các lá thư mục được dành cho các chủ chăn hơn là các cộng đoàn tín hữu, cho nên không hề ngạc nhiên nếu chúng bàn về những vấn đề của phẩm trật và chức vụ trong Giáo Hội.
Tuy nhiên, những lá thư mục vụ không chủ yếu quan tâm đến những câu hỏi về phẩm trật và chức vụ, cũng không cổ xúy một lối sống trung lưu an nhàn, như 2 Ti-mô-thê cho thấy khi nó kêu gọi Ti-mô-thê chịu đựng đau khổ vì tin mừng. Nếu được đọc một cách cẩn thận, các lá thư mục vụ cho thấy chúng chứa đựng một nền Ki-tô học quan trọng vốn trình bày chủ đề về sự hiện ra hoặc hiển linh của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Chúng cũng trình bày một giáo huấn luân lý phong phú vốn kéo theo một nối kết thân mật giữa học thuyết sâu sắc và đời sống luân lý. Tắt một lời, nếu các nhà giảng thuyết hiểu biết về các lá thư mục vụ, họ sẽ tìm thấy một cánh đồng màu mỡ mà từ đó họ có thể gặt một mùa bội thu.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 160 – 161.

Câu hỏi 91. Vai Trò của Các Phó Tế, Linh Mục, và Giám Mục

Câu hỏi 91. Vai Trò của Các Phó Tế, Linh Mục, và Giám Mục

Bí Tích Truyền Chức Thánh là bí tích mà nhờ đó một người được làm linh mục, phó tế hoặc giám mục. Bí tích này là một trong hai bí tích được xếp vào hàng bí tích ơn gọi (a sacrament of vocation), bí tích còn lại là bí tích Hôn Nhân. Đó là bí tích trao một ấn tín không thể phai mờ trên linh hồn, như bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, và do đó, người ta chỉ được phong chức một lần qua bí tích Truyền Chức phó tế, linh mục hay giám mục.
Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh trong Bữa Tiệc Ly vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh khi Ngài đồng thời cũng thiết lập bí tích Thánh Thể. Ngài muốn rằng hy lễ thánh lễ sẽ được tiếp nối cho muôn ngàn thế hệ. Hai bí tích này được nối kết mật thiết với nhau. Không có bí tích Truyền Chức Thánh, thì không thể có thánh lễ; và không có thánh lễ thì cũng không có bí tích Thánh Thể. Mục đích chính của chức tư tế là để dâng hy lễ thánh lễ. Bằng những lời: “Các con hãy làm điều này mà tưởng nhớ đến Thầy”, các Tông Đồ đã được thụ phong một cách trọn vẹn cho chức tư tế với tư cách là các giám mục, một sự trọn vẹn ngụ ý rằng đức giám mục là một mục tử đứng đầu, đấng thánh hóa và thầy dạy dỗ trong giáo phận riêng của ngài. Các đức giám mục có thể cử hành cả thảy bảy bí tích. Đức Giáo Hoàng, trước hết và quan trọng nhất, là một giám mục; với tư cách là giám mục Rôma, Ngài tự động có quyền đầy đủ, tối cao, trực tiếp và phổ quát như là người đứng đầu hữu hình của Giáo Hội Công Giáo. Ngài được gọi là Giáo Hoàng Tối Cao Rôma, vị đại diện của Chúa Kitô, đấng kế vị thánh Phêrô, và là đầy tớ của các đầy tớ của Thiên Chúa.
Các linh mục chia sẻ trách nhiệm mục tử của đức giám mục trong giáo phận. Như các đức giám mục được coi là người kế vị các thánh Tông Đồ, các linh mục cũng được coi là người kế vị các môn đệ, đặc biệt là nhóm Bảy Mươi Hai được đề cập trong các Tin Mừng, những người khác biệt và tách biệt với nhóm Mười Hai Tông Đồ. Khi Giáo Hội Kitô Giáo sơ khai nhanh chóng mở rộng, Tân Ước liệt kê ra ba cấp bậc của sứ vụ được phong chức: giám mục, phó tế và chủ tế (ngày nay được gọi là linh mục). Khi các bí tích không chỉ được phân phát trong nhà thờ mẹ, tức nhà thờ chánh tòa, và bởi đức giám mục, mà còn cả trong các nhà thờ nhỏ hơn gắn liền với nhà thờ chánh tòa được gọi là giáo xứ ngày càng gia tăng; thì các linh mục là những cánh tay nối dài hay những người đại diện đức giám mục. Họ đã thi hành quyền giáo huấn, rao giảng và thánh hóa trong chừng mực đức giám mục của giáo phận ban cho họ. Trong Công Vụ Tông Đồ chương 14:23, được viết vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, chúng ta đã đọc thấy, “Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.”
Trong thư thánh Phaolô viết cho ông Titô chương 1: 7- 9 chúng ta đọc thấy những phẩm chất của một giám quản (presbyter) (giám mục hay linh mục): “Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ; người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối.”
Bản chất vai trò của linh mục trong Tân Ước xuất phát từ thư gởi cho các tín hữu Do Thái 5: 6 “Con là tư tế muôn đời, theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê, (Men-ki-xê-đê là một tư tế, một nhân vật trong Cựu Ước không có nguồn gốc, người đã dâng tiến bánh cho Áp-ra-ham). Tất cả điều này đã khắc họa trước dung mạo Chúa Kitô, Đấng là Thượng tế, Đấng không có khởi đầu, không có kết thúc bởi thiên tính của Ngài.
Một người được phong chức chia sẻ chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô, để Chúa Kitô có thể tiếp tục hành động thông qua người ấy, bằng cách phân phát ân sủng của các bí tích. Các linh mục nghe giải tội, dâng lễ, chứng hôn, rửa tội, thêm sức (với sự ủy quyền đặc biệt từ đức giám mục), chôn cất người chết, cử hành Thánh Thể và là những cánh tay nối dài của đức giám mục trong việc giảng dạy đức tin cho các tín hữu.
Bạn có thể thấy một linh mục được Đức Thánh Cha ban tước đức ông (monsignor). Linh mục không được phong chức đức ông, nhưng được vinh danh với tước hiệu này vì công việc tốt ngài đã hoàn thành.
Các phó tế cũng được phong chức, và họ được mời gọi để phục vụ đức giám mục, các linh mục và dân Chúa. Theo Kinh Thánh, họ được gọi để làm việc giữa những người nghèo. Thậm chí ngày nay, nhiều phó tế chủ trì Hiệp Hội Bác Ái Thánh Vĩnh Sơn của giáo xứ. Chức năng chính của hiệp hội này là giúp đỡ người nghèo. Các phó tế cũng có thể rửa tội, loan báo và rao giảng Tin Mừng, chứng hôn, ốp lễ, chôn cất các Kitô hữu và các cử hành Thánh Thể như phép lành Thánh Thể. Có hai hình thức phó tế: phó tế vĩnh viễn và phó tế chuyển tiếp. Phó tế vĩnh viễn là phó tế sẽ không được phong chức thêm nữa như là linh mục hoặc giám mục. Chức phó tế vĩnh viễn trong Giáo Hội Latinh đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khôi phục sau Công Đồng Vatican II. Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và Byzantine vẫn còn phó tế vĩnh viễn, cũng như phó tế chuyển tiếp. Phó tế chuyển tiếp là một người sẽ được phong chức linh mục sau này. Tuy nhiên, cả hai đều là giáo sĩ và có chức năng hoàn toàn như nhau. Một người đàn ông đã có vợ có thể được phong chức phó tế vĩnh viễn, nhưng một phó tế chưa lập gia đình không thể kết hôn sau khi chịu chức theo phong tục cổ xưa. Ngay cả các linh mục Chính Thống Byzantine và Đông Phương, những người mà có một giới giáo sĩ đã kết hôn, vẫn duy trì cùng một phong tục là phải kết hôn trước khi chịu chức. Đàn ông đã kết hôn có thể được phong chức phó tế hoặc linh mục theo truyền thống đó (tức, truyền thống Chính Thống Byzantine và Đông Phương), nhưng nếu một người được phong chức khi còn độc thân, thì sau đó, vị ấy không thể kết hôn nữa. Tuy nhiên, chỉ có các phó tế hoặc linh mục chưa lập gia đình trong Giáo Hội Đông Phương mới được phong chức và được thánh hiến làm giám mục, do đó không có giám mục đã kết hôn. Giáo Hội Latinh sẽ cho phép ngoại lệ cho các phó tế vĩnh viễn mà đã kết hôn, có vợ đã qua đời trong khi vẫn còn con nhỏ để nuôi nấng, những phó tế này có thể viết thỉnh nguyện xin tái hôn, nhưng thỉnh nguyện đó phải được gửi cho Đức Giáo Hoàng.
Các đức giám mục, linh mục và phó tế có thể nghỉ hưu, rời khỏi chức vụ đang hoạt động nhưng không có gì có thể chấm dứt chức thánh mà họ đã được thụ phong. Thư gởi tín hữu Do Thái (5: 6), trích dẫn Thánh Vịnh 110, nói rằng “Con là tư tế muôn đời”, vì thế Giáo Hội coi các chức thánh là vĩnh viễn, không chỉ cho đến chết như hôn nhân, mà còn vượt xa cả ở trong đời sau nữa. Đó là một ấn tín không thể xóa nhòa trong linh hồn họ, ngay cả khi họ hoàn tục hoặc “treo chén.” Thuật ngữ “treo chén” đề cập đến thực tế là linh mục không còn có thể mặc phẩm phục giáo sĩ hoặc giữ thói quen của cộng đoàn giáo sĩ của mình. Sau thủ tục theo giáo luật, Đức Thánh Cha có thể cho các thành viên của giới giáo sĩ hoàn tục. Một cách chính thức, họ không thể thi hành chức vụ trong khả năng được phong chức cho họ. Họ được miễn đọc kinh thần vụ và trong một số trường hợp họ có thể kết hôn. Vào cuối những năm 1960, có một cuộc hoàn tục hàng loạt giữa các linh mục. Nhiều vị đã đệ đơn xin Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho họ được hoàn tục và có thể kết hôn trong Giáo Hội. Dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đơn xin hồi tục không còn thường xuyên được cấp nữa. Trong thời gian gần đây, việc khai trừ khỏi hàng giáo sĩ (thường được gọi là “treo chén”) được coi là một hình phạt cho việc phạm một tội ác rất nghiêm trọng hoặc gây ra một vụ bê bối công khai. Những giáo sĩ bị khai trừ này bị tước danh hiệu “cha” và “quý cha”, nếu là các linh mục, và bị tước chức “đức cha” và “quý đức cha”, nếu là các giám mục, và tước hiệu “phó tế”, và “quý thầy”, nếu là phó tế. Bí tích Truyền Chức vẫn còn với họ, nhưng họ bị cấm thi hành cách hợp pháp và cử hành bất kỳ bí tích nào vì họ không còn là thừa tác viên được ủy quyền. Họ vẫn đã được phong chức, nhưng chức vụ của họ hoàn toàn bị hạn chế. Chỉ khi ai đó nguy tử, thì một linh mục bị hoàn tục mới có thể cử hành các bí tích thống hối và xức dầu cho người bệnh, và chỉ khi không có bất kỳ một linh mục được ủy quyền nào.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 126-28

Tìm Hiểu Thư Thánh Phao-lô Gửi Ông Phi-lê-môn (tt)

Tìm Hiểu Thư Thánh Phao-lô Gửi Ông Phi-lê-môn (tt): Một con người trong Đức Ki-tô Chúa Nhật XXIII, Thường Niên, Năm C: Phil 9-10, 12-17

Đọc qua lần đầu, ta thấy thư Phi-lê-môn có vẻ là một lá thư khá đơn giản. Không như vẻ ngoài của nó, lá thư mang một thông điệp sâu sắc: tin mừng thay đổi hoàn cảnh xã hội của những ai tin vào Đức Ki-tô. Vì thế, ngay cả khi Ô-nê-xi-mô hầu như chắc chắc trở về với vai trò nô lệ của Phi-lê-môn, thì mối tương quan giữa hai người không thể nào giống như trước được nữa bởi vì cả hai giờ đây đều thuộc về Đức Ki-tô. Dầu cho thánh Phao-lô không giảng dạy những điều ngược lại với chế độ nô lệ, ngài gieo những hạt mầm khả dĩ phá đổ nó khi ngài xác định Ô-nê-xi-mô là anh em của Phi-lê-môn trong Đức Ki-tô (c. 16).
Câu chuyện về Ô-nê-xi-mô và Phi-lê-môn tạo cơ hội để các nhà giảng thuyết giải thích sức mạnh của tin mừng vốn đập tan mọi rào cản của chủng tộc, giới tính, và giai cấp (xem Gal 3:26). Người ta không thể “ở trong Đức Ki-tô” rồi lại đòi hỏi những vinh dự của chủng tộc, giới tính, và giai cấp mà lại không phản bội chân lý của tin mừng. Đây là điều mà thánh Phao-lô đã hiểu khi gửi trả Ô-ni-xi-mô về cho Phi-lê-môn và là điều mà Phi-lê-môn đã phải tiếp thu khi người nô lệ của ông trở về.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 160.

Qui Nhơn : SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ 2019 (2)


Qui Nhơn : SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ 2019 (2)


2. Hành Hương Theo Dấu Chân Hàn Mặc Tử 2019

          Khởi đầu ngày mới, cộng đoàn hiệp dâng thánh lễ tại nguyện đường Chủng Viện Qui Nhơn. Hôm nay, 22 tháng 9, cũng là ngày khai giảng năm học mới của chủng viện Qui Nhơn với 5 tân chủng sinh, cùng với các anh năm 2 và năm 3. Những lời nhắn nhủ của Đức Giám mục về việc đào tạo nhân bản và tu đức, cùng những năm dài triết học và thần học, khiến lòng tôi xao xuyến, nhớ lại những ngày tháng qua, đã từng khai giảng và theo học tại chủng viện Lê Bảo Tịnh, giáo phận Ban Mê Thuột vào Mùa Hè Đỏ Lửa.
 
Thi Sĩ Hàn Mặc Tử

          Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22.9.1912 tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Cha là ông Phaolô Vinh Sơn Nguyễn Văn Toản và mẹ là bà Maria Nguyễn Thị Duy. Ông được rửa tội tại Nhà thờ Tam Tòa với tên thánh là Phêrô, thêm sức là Phanxicô. Gia đình có 8 anh chị em : Nguyễn Bá Nhân, Nguyễn Thị Như Lễ, Nguyễn Thị Như Nghĩa, Nguyễn Trọng Trí, Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Văn Thảo.
         
          Từ 1924-1926 : Trí học tiểu học ở Quãng Ngãi.
          Từ 1926 : Cha qua đời, Trí theo mẹ vào Qui Nhơn ở với anh là Nguyễn Bá Nhân, xứng họa ký tên Minh Duệ Thị.
          Từ 1928-1930 : Học trung học Pellerin, Huế.
          1931 : Làm thơ đăng báo ký tên Phong Thần.
          1932 : Làm viên chức Sở đạc điền ở Qui Nhơn, yêu Hoàng Cúc.
1933 : Lãnh nhận Bí tích Thêm Sức tại nhà thờ Qui Nhơn.
1934 : Vào Sài Gòn làm báo, bút danh là Lệ Thanh rồi Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử.
1938-1936 : Gặp gỡ Mộng Cầm.      
1936 : In tập Gái Quê, về Qui Nhơn chữa bệnh.
1937 : Biết mình mắc bệnh phong và âm thầm chữa bệnh.
1938 : Hoàn thành tập Thơ Điên (Đau thương).
1939 : Viết Xuân Như Ý, Tượng Thanh Khí – quen biết Thương Thương, viết Cẩm Châu Duyên, Duyên Kỳ Ngộ, Quần Tiên Hội.
20.9.1922 vào nhà thương Quy Hòa, mang số hiệu bệnh nhân 1134.
Qua đời vì bệnh kiết lỵ tại Quy Hòa ngày 11.11.1940 (5).

Trong những thi phẩm của Hàn Mặc Tử, tôi thích nhất là bài Ave Maria.
Khi đọc thi phẩm này, nhất là trong đêm thanh vắng, với tâm hồn thanh tịnh, với sự yên tĩnh của vũ trụ, con người như chạm vào sự linh thánh của trời cao, hay sự linh thánh từ thượng giới đã chạm tới cái phàm trần của cõi đời tục lụy, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người !?
          ...
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan.
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
...
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
          ...


Ave Maria (Thánh Nữ Đồng Trinh Maria)

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hoà
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan.
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ
Giọng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị ...
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một nạm hoà quang ...
Tôi no rồi ơn võ lộ hoà chan.

Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới ...
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân rất đỗi anh linh?
Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,
Trượng phu lời và tông đồ triết lý.
Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh.
Là nguồn đau chầu lụy nữ Đồng Trinh.
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn Giang, cả màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước...
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tơ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu!
Cho vỡ lở cả muôn nghìn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương.
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng.
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngất ngây bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.

Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
Hàn Mặc Tử (6)

Hành Hương Chùa Ông Núi

          Trước khi lên đường theo dấu chân Hàn Mặc Tử, đoàn hành hương dâng lời cầu nguyện: xin cho mọi người được bình an và  đầy niềm vui. Bầu trời có nhiều mây đen và nhiều hạt mưa li ti rơi xuống.

          Trên đường hành hương, đoàn viếng mộ những Kitô hữu bị sát hại 1885 ở Xóm Chuối, thuộc giáo xứ Hội Lộc, giáo hạt Qui Nhơn, bởi phong trào Văn Thân. Ngôi mộ tập thể đã chôn hàng trăm Kitô hữu, chỉ vì là Kitô hữu, những người trung thành với Chúa Kitô. Một giai đoạn lịch sử đầy oan khiên.

Chùa Ông Núi

          Chùa Ông Núi còn có tên gọi khác là Linh Phong sơn tự. Chùa tọa lạc trên Chóp Vung, đỉnh cao nhất của danh thắng núi Bà, thuộc thôn Phương Phi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về phía Đông Bắc.

Chùa Ông Núi là một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất Bình Định, được nhắc đến trong nhiều bộ cổ sử. Chẳng hạn, sách “Đại Nam nhất thống chí” có chép: “Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, lưng dựa vào núi cao (tức núi Bà), mặt trông ra đầm Biển Cạn (tức đầm Thị Nại), xung quanh có suối nước lượn quanh, phong cảnh thật đẹp”.

Theo các tài liệu lịch sử, chùa Ông Núi do Tổ sư Giám Huyền và đệ tử là Giám Bang (Lê Ban) sáng lập vào năm Giáp Tý (1684), niên hiệu Chánh Hòa thứ 5 đời vua Lê Hy Tông. Tương truyền, thiền sư Lê Ban là bậc tiên phong đạo cốt, quanh năm chỉ ở trên núi tu luyện, mặc đồ bằng vỏ cây (nên còn được gọi là Mộc Y Sơn Ông - ông già trên núi mặc áo vỏ cây), chuyên hái thuốc chữa bệnh cứu người, được dân trong vùng kính trọng gọi là ông Núi. Tên gọi chùa Ông Núi bắt nguồn từ sự tích này.
         
Năm 1733, vì mộ đức hạnh của thiền sư Ông Núi, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho ông pháp hiệu Tĩnh giác Thiện trì Đại lão thiền sư, cho xây lại chùa và đổi tên là Linh Phong tự. Trải qua hàng trăm năm, đến năm 1965, chùa bị tàn phá bởi chiến tranh. Năm 1990, chùa được xây mới với kiến trúc mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc có lưỡng long tranh châu, đôi cột trước điện hình rồng cuộn. Trong chùa có tượng Phật cao 2,5 m, đại hồng chung nặng 1,2 tấn. Chùa có kiến trúc trang nghiêm, cổ kính, hài hòa với thiên nhiên.

Tháng 11-2017, một tượng Phật Thích Ca ngồi lớn nhất Đông Nam Á hiện nay (chiều cao 108 m tính cả bệ tượng, đường kính chân tượng 52 m) được xây dựng và khánh thành bên cạnh Chúa Ông Núi, trở thành một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan.

Về thăm chùa Ông Núi, khách hành hương sẽ có dịp được chiêm bái tượng Phật, lần theo đá núi đến hang Tổ (hang đá là nơi tương truyền xưa kia Ông Núi từng ở và ngồi tụng kinh niệm Phật). Khách hành hương còn được vãn cảnh chùa, hòa mình vào thiên nhiên để tìm cho mình những phút giây an nhiên, thanh tịnh (7). Nơi đây Hàn Mặc Tử đã đặt chân tới và để lại những áng thơ tuyệt tác.
         
Sau khi vãn cảnh chùa và thăm tượng Đức Phật Thích Ca, mọi người dùng một bữa cơm thân mật và đầy tình thân ái.

          Mộ Hàn Mặc Tử

          Buổi chiều, đoàn hành hương viếng mộ Hàn Mặc Tử.Giáo Xứ Quy Hòa nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 5km về hướng tây nam, do cha Paul Maheu, linh mục dòng Thừa Sai người Pháp và bác sĩ Le Moine, người đứng đầu ngành y tế Quy Nhơn, thành lập vào năm 1929.

Hơn 80 năm trước, linh mục Paul Maheu (1869-1931) đã tìm ra thung lũng Quy Hòa và có một tâm niệm: tạo lập một không gian gián cách với thế giới bên ngoài để xây dựng khu điều trị bệnh phong. Ngày nay, nhà thờ Quy Hòa cùng thung lũng tuyệt đẹp này đã trở thành một quần thể kiến trúc tâm linh độc đáo.

Bệnh viện Laproserie de Quy Hòa là một điểm nhấn đặc biệt trong quần thể kiến trúc này. Ban đầu nó chỉ gồm vài căn nhà xây để làm nơi điều trị, nơi ở của các sơ. Vào năm 1932, một trận bão rất lớn đã cuốn phăng tất cả. Nhân đó, người ta đã xây dựng lại bệnh viện và nhà ở kiên cố cho người bệnh phong. Nữ tu Ozithe vốn là một kiến trúc sư nên bà đã quy hoạch lại toàn bộ bệnh viện và khu nhà ở của bệnh nhân.

Trong khoảng từ năm 1932-1958, quần thể nhà thờ và hàng trăm ngôi nhà lần lượt được xây dựng như một công viên khổng lồ. Nhà thờ Quy Hòa có kiến trúc đơn giản nhưng tạo cảm giác yên bình về một nơi trú ẩn tinh thần của người phong. Bên cạnh nhà thờ còn có tháp chuông, sân khấu ngoài trời, công viên, chợ và những gian hàng lưu niệm.

Quy Hòa hiện nay có khoảng 300 ngôi nhà nhỏ với kiểu dáng kiến trúc xinh đẹp. Nhà của bệnh nhân phong đều là nhà trệt, tạo điều kiện để bệnh nhân sống thoải mái. Hàng hiên trước bằng gạch bông, đá xanh, không có hàng rào... Bất cứ nhà nào cũng có một vườn hoa nhỏ trước nhà. Công viên có gần 40 tượng danh nhân y học, từ Hipocrate đến Hải Thượng Lãn Ông và cả các danh y hiện đại. Mặc cho bom đạn chiến tranh tàn phá, Quy Hòa vẫn bảo tồn được phần lớn kiến trúc hồi đầu thế kỷ 20.

Ngày 29-9-1940, Nguyễn Trọng Trí nhập viện Quy Hòa. Ở đây, Trí chỉ biết đi nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện Đức Mẹ Maria. Bệnh tật đã đưa thi sĩ lại gần với Chúa. Trí đã tìm thấy trong Kinh Thánh những lời hóa giải cho những đau thương. Chúa là nguồn động viên lớn nhất với thi sĩ.

Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng vào ngày 11-11-1940. Mộ thi sĩ được đặt ở chân núi Quy Hòa. 19 năm sau, mộ Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa được cải táng ra Ghềnh Ráng ngày 13-2-1959, đặt trên đồi Thi Nhân. Trên đầu bia mộ, tượng Đức Mẹ Maria ban ơn, hai tay dang rộng, mắt hiền từ như nhìn xuống một thể xác tàn tạ vì bệnh tật, một linh hồn đớn đau xin cứu rỗi. Dưới chân tượng khắc dòng chữ: "Nơi đây yên nghỉ trong tay Mẹ Maria, Hàn Mặc Tử, tức Phêrô Phanxico Nguyễn Trọng Trí".

Từ Ghềnh Ráng vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc thang trên đồi thi nhân giữa khuôn viên rừng dương thoáng đãng là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển, quanh năm sóng vỗ rì rào.

Đối diện với mộ Hàn Mặc tử là Nhà thờ Đá Ghềnh Ráng, nay là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, thuộc giáo phận Qui Nhơn.

Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng

Nằm trên triền dốc nên lối đi vào Nhà Thờ khá quanh co, tuy vậy, khách hành hương vô cùng thích thú khi vừa đi vừa ngắm cảnh thiên nhiên tươi mát xung quanh. Không gian xanh với một bên là vách núi dày đặc những leo dây trường xanh, dương xỉ, một bên là bờ biển dài cong vút càng hấp dẫn bước chân du khách nhanh hơn để tiến vào khuôn viên của Nhà Thờ Đá.

Đứng trước cổng gỗ đơn sơ, khách hành hương khó tưởng tượng được khung cảnh bên trong vô cùng nên thơ, trữ tình. Qua cổng gỗ, khách hành hương sẽ bị chinh phục và cuốn hút bởi khung cảnh yên bình và không gian thoáng đãng nơi đây.

Từ cổng vào nhà thờ có hàng cau, dây trầu, có những cụm đá ong làm nên một không gian thanh thuần, cổ xưa. Trên tường, men theo đường dốc có phù điêu Mười Bốn Chặng Đường Thánh Giá và nhiều tượng Thánh khác, càng tô đậm thêm vẻ thành kính cho Nhà Thờ Đá.

Phía dưới nhà thờ có dòng suối nhỏ, sân trước hang đá có hồ nước trong xanh, bàn thờ dâng lễ với phù điêu Bữa Tiệc Ly. Chung quanh sân được tường kín bao bọc có những bức phù điêu điêu khắc các tiểu cảnh về Chúa Giêsu ... tất cả tạo nên bầu khí yên bình, ấm cúng (8).

Lưng tựa núi, mắt nhìn về biển cả mênh mông, tâm hồn tín hữu Phanxicô Hàn Mặc Tử được bao phủ bởi hồng ân Thánh Thể, ngày đêm luôn luôn được Mẹ gìn giữ và chở che. Đó cũng là niềm mong ước của bao người tin Chúa.

 Đôi Điều Đọng Lại

Cuộc thi Sáng Tác Cho Tuổi Thơ được Ban Mục Vụ Văn Hóa giáo phận Qui Nhơn tổ chức, song các tác giả dự thi, 89/76 là người chưa tin Chúa. Tác giả đoạt giải 34/25 là người chưa tin Chúa. Như vậy, đoàn hành hương hôm nay gồm những người tin Chúa và chưa tin Chúa, vãn cảnh chùa Ông Núi, thăm tượng Phật Thích Ca, viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử và kết thúc tại Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, với ít phút cầu nguyện trước Thánh Thể.

Một điều đọng lại là mọi người tham dự một cách trang trọng, thân tình và yêu quý nhau.

Cho dẫu giá trị vật chất giải thưởng không cao, nhưng nhiều tác gia, từ địa đầu tổ quốc xa xôi: Hưng Hóa, Sơn La, Lào Cai ... với hơn 30 giờ ngồi xe về miền Trung, hay từ Sóc Trăng, Long An ngược lên tham dự. Chính chương trình hành hương và sự gặp gỡ nhau nói lên những thao thức của chúng ta về việc giúp các em thơ phát triển nhân cách con người toàn vẹn mà ai cũng ao ước. Đây cũng chính là sứ mệnh của người cầm bút, những người tin Chúa hay những người chưa tin Chúa. Hẹn gặp nhau trong những Tuyển tập cho thiếu nhi Bông Hồng Nhỏ.
 
Mùa Thu 9.2019
 Nguyễn Thái Hùng

+++++++++++++++++++++++

          5. x. Lm Trăng Thập Tự, Có Một Vườn Thơ Đạo tập 1, Thi Sĩ Của Thánh Giá, Nxb. Phương Đông, 2012, 21-22.
6. x. Lm Trăng Thập Tự, Có Một Vườn Thơ Đạo tập 1, Thi Sĩ Của Thánh Giá, Nxb. Phương Đông, 2012, 83-85.
7. x. http://baodaklak.vn/channel/9803/201803/van-canh-chua-ong-nui-
          8. x. http://www.giaoxugiaohovietnam.com/QuyNhon/01-Giao-Phan-QuyNhon-GhenhRang.htm  & http://dulichbinhdinh.com.vn/vi/news/nha-tho-da-ghenh-rang-241.html