Trang

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Hồng Ân cao vời


Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 
LỄ MẸ THIÊN CHÚA N
HỒNG ÂN CAO VỜI

Ngày Đầu Năm Mới và cũng là ngày Quốc Tế Hòa Bình, Giáo Hội hân hoan cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Hoàng Tử Bình An, là hòa bình đích thực của nhân loại.

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con của Ngài sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria đã được nâng lên địa vị là Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội muốn đặt lễ hôm nay lên hàng đầu của năm tháng ngày giờ.

1. Tín điều Mẹ Thiên Chúa

Năm 431, có một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra trong Giáo Hội Công Giáo, về tước hiệu đặc biệt của Đức Mẹ. Cuộc tranh luận đã đưa tới một công đồng chung, được tổ chức tại thành phố Êphêsô nhằm giải quyết vấn đề đặt ra.

Có hai lập trường hoàn toàn trái ngược nhau, một bên là giám mục Nestorius (Constantinople), bên kia là thánh Cyrilô (Alexanria).

Giám mục Netorius một mực cho rằng, Đức Maria nên được gọi là Christokos “người sinh ra Chúa Kitô”. Linh mục Dwight Longnecker giải thích rằng “Ngôn từ mà giám mục Netorious sử dụng, cho thấy, ông ta chủ trương rằng, Đức Giêsu Kitô có hai ngôi vị tách biệt. Vì thế, Đức Mẹ chỉ là người đã sinh ra Chúa Giê-su về mặt thể xác, nhân tính; và Mẹ nên được gọi là Christokos, tức là “Mẹ của Chúa Kitô” chứ không thể là “Mẹ Thiên Chúa”.

Đối lại với quan điểm trên, thánh Cyrilô và đa phần các giám mục đều cho rằng, Đức Maria phải được gọi là Theotokos, tức là “Mẹ Thiên Chúa”. Tín điều này khẳng định rằng Chúa Giêsu có “một ngôi vị duy nhất, gồm hai bản tính liên kết chặt chẽ với nhau (không hề tách rời nhau)”.

Đa số tuyệt đối đã đồng quan điểm rằng, Theotokos là tước hiệu xứng hạp với Đức Mẹ, và Nestorius đã bị truất phế chức giám mục Constantinople.

“Mẹ Thiên Chúa” không có nghĩa là Đức Maria hiện hữu trước Thiên Chúa hay Mẹ dựng nên Thiên Chúa, nhưng Mẹ là Đấng đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.

Trong mục nói về tín điều Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có đoạn viết: “Quả thế, Ðấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Ðấng thực sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Ðức Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’ (Theotokos)” (GLCG, số 495).

Truyền thống Kitô giáo Chính Thống và Byzantine ưa dùng tước hiệu này hơn bất cứ tước hiệu nào khác của Mẹ. Một bản thánh ca có từ lâu đời trong nghi thức phụng vụ của các truyền thống này, đã diễn tả một cách rất thơ văn, chân lý không đơn giản này như sau: “Đấng toàn thể vũ trụ không thể chứa đựng nổi lại được cưu mang trong cung lòng của Mẹ, ôi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa!”

Việc Giáo Hội Công Giáo quyết định tuyên xưng Mẹ là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong dòng lịch sử Giáo hội. Tước hiệu này làm sáng tỏ hơn niềm tin của Giáo hội về Đức Giêsu Kitô, đồng thời cũng xác quyết mạnh mẽ hơn về bản chất của cuộc nhập thể của Đức Kitô. Tất cả những gì Giáo hội đã tin tưởng từ thời các thánh tông đồ, đã được long trọng xác quyết một cách chính thức trong Công đồng Êphêsô.

Hơn nữa, việc vinh danh Đức Mẹ với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa đã khẳng định vai trò ưu tuyển của Mẹ trong dòng lịch sử cứu độ, đồng thời cũng cho thấy rõ hơn mầu nhiệm cao cả đã diễn ra nơi cung lòng của Mẹ.

Để kỷ niệm thánh công đồng này, năm 1931, Đức Piô XI đã cho thiết lập lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày 11 tháng 10. Công đồng Vaticanô II đã chuyển lễ này sang ngày 01 Tháng Giêng và đổi tên thành lễ kính trọng thể Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa. (Philip Kosloski; Sr Anna Nguyễn Tuyết.op, chuyển ngữ từ: aleteia.org).

2. Tín Điều trong truyền thống Hội Thánh

1). Nền tảng Thánh Kinh.

Tín điều Mẹ Thiên Chúa được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh.

Tiên tri Isaia loan báo: “một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Đức Maria sinh ra Đấng Emmanuel, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lời tiên tri được thực hiện khi sứ thần Gabriel báo tin cho Mẹ Maria : “Bà sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu… Vì thế Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1,31-35).

Thánh Phaolô viết : “Thiên Chúa đã sai con mình đến sinh bởi người nữ và sinh dưới chế độ luật” (Gal 4,14). Trong Tin mừng Gioan, Mẹ Maria được gọi là Mẹ Chúa Giêsu (2,1;19,26), và trong Tin mừng Luca, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đến thăm bà Elidabet (1,43).

Các Kitô hữu thời sơ khai được các Tông Đồ hướng dẫn, luôn có một niềm tin vững chắc vào thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Điều này được chứng tỏ bằng những việc tôn kính phổ quát như Kinh Tin Kính của các Tông Đồ.

2). Truyền thống Hội Thánh

Tước hiệu Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã được các giáo phụ như Thánh Cyrilô, Athanasiô, Ignatiô Antiochia, tin yêu và truyền dạy.

Công Đồng Êphêsô năm 431 tuyên tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Công Đồng Constantinople III (680-681) xác quyết rằng: Chúa Giêsu Kitô được sinh ra bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, và Đức Trinh Nữ Maria chính thức và thật sự là Mẹ Thiên Chúa theo nhân tính của Chúa Kitô.

Đức Giáo Hoàng Piô XI, đã ra thông điệp “Mediator Dei” mừng kỷ niệm 1.500 năm Công Đồng Êphêsô và công bố lễ Mẹ Thiên Chúa, mừng trong toàn thể Giáo Hội vào ngày 11 tháng 10.

Đức Piô XII, đã thiết lập Năm Thánh Mẫu vào năm 1954 và tuyên bố rằng chức Mẹ Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả mọi ơn sủng và đặc sủng của Mẹ Maria.

Thánh Bônaventura đã nói : “Chức mẹ Thiên Chúa là một ơn vĩ đại phi thường nhất Thiên Chúa có thể ban cho loài thụ tạo. Ơn ấy Ngài đã ban cho Đức Maria”. Thánh Tôma tiến sĩ nói thêm : “Tước vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cao trọng hầu như vô cùng, vì Thiên Chúa không thể cất nhắc ai lên bậc tốt lành và cao sang hơn nữa. Chức Mẹ Thiên Chúa hầu như đã tới biên giới vô cùng”.

Công Đồng Vaticanô II dành chương VIII trong Hiến Chế Lumen Gentium, nói về Mẹ Thiên Chúa. Và trong Hiến Chế về Phụng Vụ, các Nghị Phụ Công Đồng đã chuyển lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 11 tháng 10 sang ngày 1 tháng 1 hàng năm.

Thánh Lễ thật phong phú với những lời cầu nguyện cùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội. Cả 4 kinh nguyện Thánh Thể đều nhắc tới Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trong kinh nguyện Thánh Thể I, linh mục chủ tế đọc : Hiệp cùng Hội Thánh, chúng con kính nhớ Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh Mẹ Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV đọc : Cùng với Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa…

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con…” là lời kinh được đọc lên hàng triệu triệu lần mỗi ngày. Danh hiệu Mẹ Chúa Trời được đọc trong phụng vụ của Giáo Hội, trong kinh nguyện riêng tư tại gia đình, trên xe, trên giường bệnh… Càng hiểu biết và yêu mến mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, chúng ta càng hiểu biết và yêu mến cách trọn vẹn hơn mầu nhiệm Chúa Cứu Thế, Người Con rất yêu dấu của Đức Mẹ.

3. Nữ Vương ban sự Bình An

Giáo Hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm Dương lịch,cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới như một nhắc nhớ việc chiêm ngưỡng Mẹ là một Tạo Vật mới tinh tuyền của Thiên Chúa, một Evà mới khởi đầu một thời đại mới, một tạo dựng mới. Kỷ nguyên cứu độ đã khởi sự qua việc Chúa Giêsu nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ sau lời xin vâng. Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để bắt đầu kỷ nguyên cứu độ. Nếu Evà cũ đã bất tuân để vùi lấp con người trong khổ đau và sự chết, thì Đức Mẹ với tâm tình xin vâng đã đưa Chúa Giêsu đến với nhân loại mang lại sự sống và tình yêu. Từ đây nhân loại sẽ bước đi trong ánh sáng cứu độ. Chúa Giêsu vị Vua Thái Bình, Hoàng Tử Bình An đã đi vào lòng thế giới, để thiết lập vương quốc Nước Trời qua Mẹ Maria.

Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế Giới Hòa Bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người.” (Marialis Cultus, số 5).
Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha. Mẹ Maria luôn gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình nên đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Đức Mẹ khuyên mọi tín hữu siêng năng lần hạt và coi chuỗi kinh Mân Côi như là phương tiện hun đúc hòa bình. Ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra để lại lời nhắn nhủ dưới hình thức của huấn lệnh là: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ. Đây chính là lộ trình nên Thánh bao gồm ba bước tiếp theo nhau và chuỗi Mân Côi được đặt như là một nhịp cầu giữa một bờ là tội lỗi nhân loại và bờ bên kia chính là ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Cũng như việc lần hạt chuyên cần là một phương tiện hiệu quả giúp người ta đạt được hòa bình. Chính trong ý nghĩa này, kinh Mân Côi phải được gọi là Kinh của hòa bình. Ở đâu kinh Mân Côi được cổ võ thì ở đó cũng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: “Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con”.

Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh làm tỏa sáng vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu cứu độ. Ngôi Hai đã vâng phục nhập thể cứu rỗi nhân loại. Với tiếng xin vâng, Đức Maria làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể và làm Mẹ hết thảy những ai được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.

Ngày đầu Năm Mới, xin Mẹ ban bình an và cho chúng con thêm tuổi thêm khôn ngoan, thêm nhân đức, thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Amen.
 
Vietcatholic News

Ba Vua, Các Ngài Là Ai?

 Ba Vua, Các Ngài Là Ai?

Lm. Nguyễn Trung Tây
 
Ba Vua là ba khuôn mặt không thể thiếu vắng trong mùa Giáng Sinh. Nhắc đến Giáng Sinh là nhắc đến mục đồng thôn Bêlem và Ba Vua. Nhưng người Kitô hữu nói chung rất mù mờ về thân thế của Ba Vua. Nếu đặt câu hỏi, “Ba Vua tên gì?” nhiều tín hữu sẽ lúng túng và ngập ngừng trước câu hỏi vừa được nêu.

I. Ba Vua

Trong văn bản tiếng “phổ thông Hy Lạp,” theo như thánh sử Mátthêu, khi “Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, xứ Giuđê, trong đời vua Hêrôđê, mágòi (μάγoi) từ phương Đông tìm đến Giêrusalem. Các ông hỏi,

— Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở phương Đông, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mátthêu 2:1).

Trong tiếng cổ Hy Lạp mágòi (μάγoi) không có nghĩa là vua. Mágòi là danh từ số nhiều của mágọs (μάγos), một danh từ giống đực. Mágói, theo như Raymond Brown, là một thuật ngữ bao gồm nhiều nghĩa: chiêm tinh gia, giải mộng gia, phù thủy (pháp sư), và thầy tư tế của tôn giáo vùng Trung Đông.

A. Chiêm Tinh Gia

Mágòi là những nhà chiêm tinh gia bởi vì họ có những kiến thức và khả năng đặc biệt về thiên văn học. Căn cứ vào những dữ kiện thâu thập được từ vòng quay quỹ đạo, tốc độ vận hành, và năng lượng ánh sáng của những vị tinh tú, những nhà mágòi có khả năng tiên đoán được những biến cố sẽ xảy đến trên hành tinh trái đất. Và, tương tự như người phương Đông, người Trung Đông tin rằng khi một hài nhi chào đời, trên trời một ngôi sao mới cũng sẽ xuất hiện. Nếu hài nhi là con vua hoặc một đấng minh quân, ngôi sao bản mệnh này sẽ chiếu sáng rực rỡ trên vòm trời. Bởi thế, khi Đức Giêsu hạ sinh tại thành phố Bêlem, ngôi sao bản mệnh của ngài đã xuất hiện trên bầu trời. Từ phương Đông của Palestine, những nhà chiêm tinh gia đã nhìn thấy ngôi sao lạ. Dựa vào khả năng thiên văn học của mình, những nhà chiêm tinh gia phương Đông biết rằng ngôi sao mới xuất hiện chính là ngôi sao bản mệnh của một vị hoàng tử Do Thái. Bởi thế các ông lên đường đi thẳng tới kinh thành Giêrusalem để triều bái Ngài. Rất tiếc, Đức Giêsu lại không hạ sinh ở kinh đô Giêrusalem, nhưng tại thôn Bêlem. Cho nên các nhà chiêm tinh gia lạc lối, khi đặt chân tới kinh thành Giêrusalem. Do đó, họ hỏi thăm tin tức về vị Đông cung Thái Tử,

— Vua người Do Thái mới sinh ra, hiện bây giờ đang ở đâu?

B. Giải Mộng Gia

Ngoài tài thiên văn nhìn trời ngắm sao, những nhà mágòi còn có khả năng giải đoán những giấc mơ. Nếu những người mágòi của thánh sử Mátthêu sống trong ngày hôm nay, người ta có thể dừng chân ghé vào tịnh thất của họ. Những nhà mágòi sẽ diễn giải ý nghĩa của giấc mơ cho chúng ta. Bởi thế, theo như sử gia Philô, trước khi hài nhi Môisen chào đời, vua Pharao đã triệu tập những nhà mágòi người Ai Cập vào cung điện. Nhà vua hỏi họ ý nghĩa của một giấc mơ khiến hoàng đế sông Nile băn khoăn trằn trọc. Lắng tai nghe vua Pharao kể lại chi tiết của cơn mơ, những nhà mágòi tiên đoán rằng một trẻ sơ sinh của người nô lệ Do Thái sẽ chào đời. Hài nhi này có khả năng thách đố vương quyền của hoàng đế Kim Tự Tháp. Bởi sau khi lớn lên, người này sẽ lãnh đạo dân Do Thái đòi lại quyền tự do. Nhận được hung tin, hoàng đế Ai Cập quyết định ra tay hành động. Ông ký một sắc chỉ ra lệnh giết chết tất cả những nam hài nhi sơ sinh của người Do Thái.

C. Phù Thủy

Ngoài tài giải đoán mộng mị, mágòi cũng còn là những nhà phù thủy. Họ có khả năng pháp thuật, đọc thần chú biến gậy gỗ thành rắn độc, biến nước hóa ra máu đỏ. Bởi thế, một lần kia cũng trong cung điện hoàng gia của vua Ai Cập, Thiên Chúa ra lệnh cho Aaron, anh của Môisen, làm phép lạ biến cây gậy của Aaron hóa thành một con rắn khổng lồ trườn bò trước mặt vua Pharao và bá quan văn võ Ai Cập. Trước phép thuật của Aaron, vua Pharao cũng cho đòi những nhà mágòi người Ai Cập tới trước sân rồng. Theo lệnh của vua Pharao, những nhà mágòi Ai Cập cũng quẳng cây gậy của họ xuống đất. Ngay lập tức những cây gậy của những ông mágòi đất Kim Tự Tháp cũng hóa thành những con rắn (Xuất Hành 7:10-12).

Trên con đường viễn chinh tiến về vùng Đất Hứa, dân du mục Do Thái đã giáp mặt với một ông phù thủy mágọs lạ nhất trên trần đời. Nhận được tin tức tình báo là đoàn quân du mục Do Thái đang mấp mé ở đường biên giới, vua Balắc của người Môáp mất ngủ. Ông e ngại cho sự tồn vong của vương quốc một khi chạm trán với đoàn dân có Chúa Thiên binh đi cùng. Sau nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng ông nghĩ ra một kế sách. Vua Balắc đích thân triệu mời phù thủy mágọs Bálàam từ phương đông tới cung điện hoàng gia. Với hy vọng chận đứng được vó ngựa của dân Do Thái, vua Balắc nhờ ông mágọs Bálàam chúc dữ Môisen và dân riêng của Thiên Chúa. Nhưng, trước khi ông phù thủy có dịp mở miệng chúc dữ kẻ thù, Thần Khí của Thiên Chúa ngự xuống trên ông mágọs Bálàam. Bởi thế, thay vì chúc dữ, Bálàam lại mở miệng chúc lành dân Do Thái, không phải chỉ một lần, mà là tới ba lần (Dân Số 22—24).

Những nhà mágòi phù thủy không chỉ xuất hiện trong dòng lịch sử Cựu Ước. Lần giở những trang sách của Tân Ước, ngoài câu chuyện Ba Vua của thánh sử Mátthêu, độc giả Kinh Thánh cũng sẽ nhận ra hình dạng của hai ông mágòi khác trong Tông Đồ Công Vụ (8: 13). Theo như Tông Đồ Công Vụ 8, sau khi thánh Phêrô và Gioan đặt tay lên trên đầu của những người tân tòng người Samaria, Chúa Thánh Linh từ trời cao ngự xuống những người tân tòng. Thấy chuyện lạ lùng như vậy, ông tân tòng phù thủy mágọs Simon nổi máu tham—và có lẽ cũng bởi tại méo mó nghề nghiệp muốn học thêm pháp thuật. Ông mágọs Simon chìa tiền ra mua chuộc chức thánh với thánh Phêrô. Trước lời yêu cầu sặc mùi tiền của phù thủy Simon, ngư phủ Biển Hồ Phêrô nổi giận chúc dữ ông tân tòng mágọs (Tông Đồ Công Vụ 8:9-27).

Mágọs Êlima người Do Thái trên đảo Sairus trong chương 13 thì không gặp may mắn như ông bạn đồng nghiệp mágọs Simon người Samaria trong chương 8. Biết rằng Quan Thống Đốc đảo Sairus muốn gặp mặt tông đồ Phaolô và Barnabas để lắng Lời của Thiên Chúa, mágọs Êlima tìm đủ mọi cách ngăn cản Quan Thống Đốc. Bởi ông phù thủy e ngại rồi đây địa vị pháp sư và quyền lợi của ông sẽ lung lay một khi Quan Thống Đốc gia nhập Kitô giáo. Biết rõ âm mưu của ông mágọs Êlima và cũng bởi vốn nóng tính như Trương Phi, Phaolô nổi giận. Tông đồ dân ngoại mở miệng chúc dữ ông mágọs Êlima của Quan Thống Đốc. Thế là mágọs Êlima hóa thành người mù (Tông Đồ Công Vụ 13:4-12).

D. Tư Tế

Ngoài pháp thuật, mágòi cũng là những nhà lãnh đạo tôn giáo. Tương tự như những thầy tư tế Lêvi Do Thái, Linh mục Công Giáo, Đạo sĩ Lão giáo, hay Pháp sư Việt giáo, mágòi là những người đại diện dân chúng để cử hành nghi thức tôn giáo. Thí dụ, lập trai đàn cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ông tư tế Imhotev trong phim Mummy và Mummy Returns chính là một ông mágọs. Bởi sức mạnh của tình yêu, thầy magọs Imhotev đã làm nhiều pháp thuật với hy vọng hồi sinh lại mạng sống cho người tình Anck Su Namun.

Bởi họ thuộc về đẳng cấp giáo sĩ trong xã hội, mágòi được hưởng rất nhiều đặc quyền đặc lợi chỉ dành riêng cho giới mágòi. Thông thường, mágòi sống trong cung điện hoàng gia kề cận vua chúa hoàng hậu. Thí dụ, ông mágọs Êlima của Quan Thống Đốc đảo Sairus trong Tông Đồ Công Vụ (13:7), hay là bà mágọs trong bộ phim Nữ Hoàng Ai Cập Cleopatra do tài tử Elizabeth Taylor thủ vai nữ hoàng được trình chiếu lần đầu vào năm 1963. Bà mágọs này xuất hiện ít nhất hai lần trong bộ phim Cleopatra. Lần thứ nhất, bà báo cho nữ hoàng Ai Cập Cleopatra biết nữ hoàng sẽ hạ sinh một người con trai. Lần thứ hai, bà phù thủy mágọs báo cho nữ hoàng biết tin hoàng đế Cêsar sẽ bị ám sát. Bà magọs này sống trong cung điện của nữ hoàng Ai Cập. Khi nữ hoàng viễn du sang kinh thành Rôma diện kiến hoàng đế Cêsar, bà mágọs cũng được đi theo thuyền rồng viễn du vượt Địa Trung Hải tới kinh đô La Mã.

E. Mágòi

Bởi sự khác biệt quá lớn giữa hai nền văn hóa, thần học gia Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn khi phiên dịch thuật ngữ mágòi của văn hóa Trung Đông sang văn hóa Việt Nam. Đương nhiên không thần học gia Việt Nam nào dịch danh từ mágòi của thánh sử Mátthêu là phù thủy hoặc là pháp sư, nhưng Linh mục Nguyễn Thế Thuấn và một số bản văn Phụng Vụ dịch mágòi là những đạo sĩ. Có nơi dịch là những chiêm tinh gia. Nơi khác dịch là những nhà thông thái.

Như đã được trình bày ở trên, thật sự ra:

(1). Mágòi không thể chỉ hiểu đơn thuần như là những nhà đạo sĩ.

(2). Mágòi cũng không chỉ thuần túy là chiêm tinh gia, bởi chiêm tinh gia trong văn hóa Việt Nam không bao hàm ý nghĩa của những thầy tư tế.

(3). Mágòi cũng không chỉ là những nhà thông thái.

Mà thật ra mágòi vừa là đạo sĩ, vừa là chiêm tinh gia, vừa là những nhà thông thái, vừa là giải mộng gia, và là những thầy tư tế.

(1). Mágòi là những nhà đạo sĩ, vì họ có thể làm phép thuật biến cây gậy thành rắn khổng lồ như đã được trình bày trong sách Xuất Hành.

(2) Mágòi là những chiêm tinh gia và nhà thông thái, bởi kiến thức rộng rãi về thiên văn học, thí dụ, câu chuyện “Ba Vua.”

(3). Mágòi là những giải mộng gia, bởi họ có khả năng giải thích được những giấc mơ như đã được trình bày và nhắc đến trong cuốn Tiểu sử Môisen của nhà sử gia Philô.

(4). Mágòi cũng là tư tế, bởi họ đại diện cho vua chúa cử hành những nghi thức phụng vụ tôn giáo.

Như đã nhắc ở trên, Raymond Brown, trong cuốn “The Birth of the Messiah,” khẳng định mágòi là một thuật ngữ bao trùm tất cả những danh xưng vừa được liệt kê. Bản dịch của New American Bible, tiếng Anh, sử dụng từ “magi,” một danh từ Latin số nhiều của danh từ số ít “magus” cho thuật ngữ nguyên thủy μάγoi/mágòi. Cũng xin lưu ý, “magus” tiếng Latin bắt nguồn từ thuật ngữ μάγos/mágọs.

II. Ba Vua, Ba Tên Tuổi, Ba Nhân Dáng

Mágòi không phải là vua. Nhưng rất nhiều người Kitô hữu vẫn quen miệng gọi họ là Ba Vua.

A. Thánh Vịnh 72

Một trong những nguyên nhân chính đã góp phần vào hiện tượng hoàng gia hóa Ba Vua có lẽ đã bắt nguồn từ Thánh vịnh 72:10-11.

Từ Tásis và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống,
Cả những vua Ả Rập, Xơva.
Cũng đều tới thờ lạy, tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước ngai rồng.

Nếu phân tích và so sánh hai câu chuyện (Mágòi trong Matt 2:1-12 và Thánh Vịnh 72:10-11), độc giả Kinh Thánh sẽ nhận ra hai câu chuyện này có rất nhiều nét tương đồng. Theo như Thánh Vịnh 72:10-11, từ phương xa, vua của các sắc dân sẽ lên đường hành hương về vùng đất thánh để thờ lạy và tiến dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Trong trường hợp của những nhà mágòi, từ phương Đông của vương quốc Trung Đông, các ngài cũng đã lần tìm đi theo dấu sao. Các ngài sau cùng dừng chân tại kinh thành Giêrusalem dò hỏi tông tích của Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Khi kiếm ra được Con Một Thiên Chúa trong hình dạng trẻ thơ, các nhà mágòi Trung Đông đã bái phục thờ lạy Hài nhi Đông Cung Thái Tử. Sau cùng, họ dâng lên Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương, và mộc dược.

B. Bao Nhiêu Mágòi?

Theo như thánh sử Mátthêu, “Khi Đức Giêsu sinh ra tại thôn làng Bêlem, tại Giuđêa, trong thời Vua Hêrôđê, những nhà tu sĩ Trung Đông lần tìm đến kinh thành Giêrusalem” (2:1). Nguyên thủy trong câu văn vừa được trích dẫn, tác giả Mátthêu không nhắc nhở tới con số thành viên của phái đoàn phương Đông. Nhưng, đến ngày hôm nay, con số 3 vẫn là con số phần lớn tín hữu Kitô giáo trên toàn thế giới quen thuộc.

Thánh sử Mátthêu không nhắc nhở đến con số mágòi đã ghé vào kinh thành Giêrusalem năm xưa. Nhưng, trong phần cuối của câu chuyện, theo như ngài, những ông mágòi đã tiến dâng lên vị Tiểu Hoàng Đế ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Dựa theo con số ba, tổng số của những lễ vật đã được dâng tiến này, có lẽ Giáo Hội thời sơ khai đã làm một con toán cộng đơn giản. Đó là: 1 vàng + 1 nhũ hương + 1 mộc dược = 3 người. Bởi thế, Giáo Hội thời tiên khởi kết luận rằng đã có Ba Ông Vua từ phương Đông lên đường tìm kiếm Hài Nhi Thánh.

Nhưng con số 3 thật sự ra không phải là một con số duy nhất xuất hiện trong trong truyền thống Giáng Sinh. Chỉ có 2 vua đã xuất hiện trong những bức tranh tại hầm mộ Sts. Peter và Marcellinus. Nhưng lại có tới những 4 vua đã xuất hiện trong một bức tranh tại hầm mộ St. Domitilla. Và có tới những 12 vua đã được nhắc tới, với đầy đủ tên tuổi theo như truyền thống của Giáo Hội Đông Phương.

C. Nhân Dáng Mágòi

Chuyện “Ba Vua” không chỉ tạm dừng bước tại nơi này. Theo như truyền thống của Giáo Hội Tây Phương cũng là một truyền thống phổ thông được nhiều người biết đến, tên của Ba Vua là: Melchior, Gaspar, và Balthasar. Vua Melchior cao niên, râu tóc bạc trắng như cước. Vua Melchior tiến dâng vàng lên Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Ngược lại với Vua Melchior, Vua Gaspar là một thanh niên còn trẻ, người to lớn, dáng vạm vỡ. Vua Gaspar đã tiến dâng lên Hài Nhi Thánh lễ vật nhũ hương. Vị vua sau cùng là Balthasar, hoàng đế gốc Phi Châu. Vua Balthasar đã tiến dâng lễ vật mộc dược lên Hài Nhi Thánh.

Ngược lại với truyền thống Tây Phương, theo như Giáo Hội Đông Phương, tên của Ba Vua là: Hormizdah, vua của xứ Persia, Yazdegerd, vua xứ Saba, và Perosadh, vua của xứ Sheba. Theo như Giáo Hội Ethiopia, tên của Ba Vua là Hor, vua xứ Persia, Basanater, vua xứ Saba, và vua Karsudan của Đông phương.

Sau khi đánh chiếm Palestine vào năm 614, binh sĩ Ba Tư đã phá hủy tất cả các nhà thờ Kitô giáo, ngoại trừ nhà thờ Giáng Sinh tại phố Bêlem. Bởi họ nhận ra bức hình điêu khắc Ba Vua của nhà thờ Giáng Sinh trong y phục của những thầy tư tế Ba Tư. Theo như truyền thống của Giáo hội Rôma, thánh tích Ba Vua đang an nghỉ tại nhà thờ Cologne, Đức. Khi ghé vào kính viếng nhà thờ Cologne, bạn đọc sẽ nhận ra áo quan của Ba Vua đặt ngay phía sau bàn thờ của nhà thờ Coglone.

III. Lời Kết

Mặc dù “Ba Vua, Các Ngài Là Ai?” vẫn còn là ẩn số. Nhưng người tín hữu của muôn thế hệ vẫn học được nhiều điều về câu truyện Ba Vua. Ngày xưa Ba Vua đã mau chóng đáp trả lại tiếng mời gọi Thiên Chúa qua ánh sao lạ. Có những lúc các ngài lạc đường, bối rối, và bỡ ngỡ giữa thị trấn Giêrusalem, nhưng các ngài không hề ngã lòng. Cuối cùng, đúng như họ đã từng hy vọng, ngôi sao lạ tái xuất hiện trên bầu trời. Ngôi sao lại chỉ đường dẫn lối các ngài đi thẳng tới ngôi nhà của Thánh gia để diện kiến Hài Nhi Thánh.

Ngày nay trên con đường hành hương về Nước Trời, ai trong chúng ta chẳng có những giây phút bị lạc lối. Trong nhiều giây phút, chúng ta có cảm tưởng mình đang bị bỏ rơi. Vào những giây phút yếu đuối, thất vọng, và chập chờn với ngọn nến niềm tin, mời bạn, chúng ta cùng nhau hướng về Thiên Chúa, dõi mắt tìm kiếm nguồn trợ lực. Ngôi sao lạ đã xuất hiện trên bầu trời soi đường dẫn lối cho những nhà mágòi năm xưa. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cầu xin, Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện. Từ trong cõi chết đầy dẫy đêm đen bóng tối, Ngài sẽ gửi ngôi sao lạ tới hướng dẫn chúng ta tới ngôi nhà ở thôn Bêlem. Nơi đó Hài Nhi Thánh đang chờ đợi giây phút để diện kiến những người có một thời đã lạc lối trên con đường hành hương.

Mùa Hiển Linh 2020

  Vietcatholic News

Cầu nguyện tạ ơn: Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô

 Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: cầu nguyện tạ ơn

Vũ Văn An
 


Theo Vatican News, trong buổi yết kiến trực tuyến ngày 30 tháng 12 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện. Hôm nay, ngài đề cập đến hình thức cầu nguyện tạ ơn, lấy việc chữa lành 10 người phong cùi làm điển hình.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha, dựa theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay, tôi xin tập trung vào lời cầu nguyện tạ ơn. Và tôi lấy gợi ý từ một tình tiết được Thánh sử Luca kể lại. Khi Chúa Giêsu đang trên đường đi, mười người phong cùi đến gần Người và cầu xin Người: “Lạy Đức Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (17:13). Chúng ta biết rằng những người mắc bệnh phong cùi không những phải chịu đựng về thể xác mà còn bị gạt ra ngoài xã hội và tôn giáo. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chúa Giêsu không lùi bước để gặp họ. Đôi khi, Người vượt qua các giới hạn luật pháp vốn áp đặt và chạm vào, ôm ấp và chữa lành người bệnh – một điều đáng lẽ không nên làm. Trong trường hợp này, không có việc đụng chạm. Từ xa, Chúa Giêsu mời họ đi trình diện với các tư tế (câu 14), những người vốn được luật chỉ định để chứng nhận việc chữa lành đã xảy ra. Chúa Giêsu không nói gì khác. Người nghe lời cầu nguyện của họ, Người nghe tiếng họ kêu xin thương xót, và Người sai họ đến ngay các tư tế.

Mười người phong cùi tin cậy đó, họ không ở đó cho đến khi khỏi bệnh, không: họ tin tưởng và họ đi ngay lập tức, và trong khi họ đang trên đường, họ đã được chữa khỏi, cả mười người đều được chữa khỏi. Do đó, các tư tế có thể xác minh sự chữa lành của họ và cho họ trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng đây là lúc điểm quan trọng xuất hiện: chỉ một người trong nhóm, trước khi đến gặp các tư tế, đã trở lại để tạ ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa về ơn thánh đã nhận được. Chỉ một người duy nhất, chín người còn lại tiếp tục lên đường. Và Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng người đó là một người Samaritanô, một loại “dị giáo” đối với người Do Thái thời đó. Chúa Giêsu nhận định: “Không có ai trở lại và ngợi khen Thiên Chúa ngoại trừ người ngoại quốc này sao?” (17:18). Câu chuyện này thật cảm động.

Có thể nói, câu chuyện này chia thế giới ra làm hai: kẻ không tạ ơn và kẻ tạ ơn; những người tiếp nhận mọi sự như thể chúng mắc nợ họ, và những người tiếp nhận mọi sự như một hồng phúc, như một ơn thánh. Sách Giáo lý nói: “mọi biến cố và nhu cầu đều có thể trở thành của lễ tạ ơn” (số 2638). Lời cầu nguyện tạ ơn luôn bắt đầu từ đây: nhận biết ơn thánh đi trước chúng ta đó. Chúng ta đã được nghĩ đến trước khi chúng ta học cách suy nghĩ; chúng ta đã được yêu thương trước khi chúng ta học cách yêu thương; chúng ta đã được khao khát trước khi trái tim của chúng ta hình thành một khát khao. Nếu chúng ta nhìn cuộc sống như thế, thì câu "cảm ơn" sẽ trở thành động lực trong ngày của chúng ta. Và biết bao lần chúng ta thậm chí quên nói "cảm ơn".

Đối với các Kitô hữu chúng ta, tạ ơn là tên được đặt cho Bí tích thiết yếu nhất hiện có: Bí tích Thánh Thể. Thực vậy, chữ Hy Lạp này có nghĩa chính xác là: tạ ơn, eucharist: tạ ơn. Các Kitô hữu cũng như tất cả những người tin, chúc tụng Thiên Chúa về hồng phúc sự sống. Sống, trước hết, là đã nhận được. Sống, trước hết, là đã nhận được: đã nhận được sự sống! Tất cả chúng ta được sinh ra bởi vì ai đó muốn chúng ta có sự sống. Và đây chỉ là khoản nợ đầu tiên trong một chuỗi dài các khoản nợ mà chúng ta phải mắc trong lúc sống. Các món nợ tạ ơn. Trong suốt cuộc sống của chúng ta, hơn một người đã nhìn chúng ta bằng ánh mắt trong sáng, một cách nhưng không. Thông thường, những người này là các nhà giáo dục, các giáo lý viên, những người đã thực thi các vai trò của họ vượt quá và vượt ra ngoài những gì được yêu cầu nơi họ. Và họ đã khích lệ chúng ta biết ơn. Ngay cả tình bạn cũng là một hồng phúc mà chúng ta nên luôn biết ơn.

Lời “Cảm ơn” mà chúng ta phải nói liên tục này, lời cảm ơn này mà các Kitô hữu chia sẻ với mọi người, phát triển khi gặp gỡ Chúa Giêsu. Các sách Tin Mừng chứng thực rằng khi Chúa Giêsu đi ngang qua, Người thường khơi dậy niềm vui và sự ngợi khen Thiên Chúa nơi những ai Người gặp. Các tường thuật Tin Mừng đầy những người cầu nguyện, những người rất cảm kích trước sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Và chúng ta cũng được kêu gọi tham dự vào niềm hân hoan bao la này. Tình tiết về mười người phong cùi được chữa lành cũng gợi ý điều đó. Đương nhiên, tất cả bọn họ đều vui mừng vì đã được hồi phục sức khỏe, cho phép họ kết thúc cuộc cách ly cưỡng bức không hồi kết thúc từng loại trừ họ khỏi cộng đồng. Nhưng trong số họ, có một người được trải nghiệm thêm một niềm vui nữa: ngoài việc được chữa lành, anh ta còn vui mừng được gặp Chúa Giêsu. Anh ta không những được giải thoát khỏi sự ác mà giờ đây anh ta còn có được sự chắc chắn này là được yêu thương. Đây là điểm mấu chốt: khi bạn cảm ơn ai đó, cảm ơn, bạn nói lên sự chắc chắn này: bạn được yêu thương. Đó là một bước tiến lớn: biết chắc chắn bạn được yêu thương. Đó là việc khám phá ra tình yêu như sức mạnh điều khiển thế giới - như Dante đã từng viết: Tình yêu “di chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Paradise, XXXIII, 145). Chúng ta không còn là những người lêu lổng, đi lang thang đó đây, không mục đích, không: chúng ta có một ngôi nhà, chúng ta ngụ cư trong Chúa Kitô, và từ “nơi ở” đó, chúng ta chiêm ngưỡng mọi phần khác của thế giới dường như đẹp đẽ hơn vô cùng đối với chúng ta. Chúng ta là con cái của tình yêu, chúng ta là anh chị em của tình yêu. Chúng ta là những người đàn ông và đàn bà biết tạ ơn.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tìm cách luôn ở trong niềm vui được gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy trau dồi niềm vui. Thay vào đó, ma quỷ sau khi đã lừa dối chúng ta - bằng bất cứ cơn cám dỗ nào - luôn khiến chúng ta buồn bã và cô đơn. Nếu chúng ta ở trong Chúa Kitô, không có tội lỗi và mối đe dọa nào có thể ngăn cản chúng ta tiếp tục vui tươi trên đường đi của mình, cùng với nhiều bạn đồng hành khác cùng đi.

Trước hết, chúng ta đừng quên tạ ơn: nếu chúng ta là những người mang lòng biết ơn, thì chính thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn, dù chỉ một chút tạ ơn thôi, cũng đủ để truyền tải một chút hy vọng. Thế giới cần hy vọng. Và với lòng biết ơn, với thói quen nói lời cảm ơn này, chúng ta sẽ truyền đi một chút hy vọng. Mọi sự đều hợp nhất và mọi sự đều có liên kết với nhau, và mọi người cần làm phần việc của mình dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu. Con đường dẫn đến hạnh phúc là con đường mà Thánh Phaolô đã mô tả ở cuối một trong những bức thư của ngài: “Hãy cầu nguyện không ngừng, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh; vì đây là ý muốn của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô dành cho bạn. Chớ dập tắt Chúa Thánh Thần”(1 Tx 5: 17-19). Đừng dập tắt Chúa ThánhThần, thật là một dự án đẹp đẽ cho cuộc đời! Đừng dập tắt Chúa Thánh Thần mà chúng ta có bên trong, Đấng dẫn chúng ta đến lòng biết ơn. Cảm ơn anh chị em.

Vietcatholic News

Noi gương Đức Trinh nữ Maria diễm phúc có thể dẫn chúng ta vào ân sủng

 

Noi gương Đức Trinh nữ Maria diễm phúc có thể dẫn chúng ta vào ân sủng

 
  •  
  •  

Hình bởi shutterstock

NOI GƯƠNG ĐỨC TRINH NỮ MARIA DIỄM PHÚC CÓ THỂ DẪN CHÚNG TA VÀO ÂN SỦNG

Tác giả: Linh mục Quan Tran
Chuyển ngữ: Anthony Lai
Từ: 
catholicexchange.com 
WHĐ (31.12.2020)

Làm thế nào Đức Maria được đầy ân sủng?

Sứ thần Gáp-ri-en đã chào Đức Maria rằng: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Làm thế nào mà Đức Maria lại được đầy ân sủng? Một lý do đó là vì Mẹ đã được tiền định từ muôn đời để trở thành Thân Mẫu của Đức Giêsu, một vai trò không hề tầm thường trong lịch sử cứu độ. Vậy thì Đức Maria có ý chí tự do hay không? Thưa có. Giống như mọi người, Đức Maria có ý chí tự do.

Quả thật, ta có thể nói rằng ý chí tự do của Đức Maria là tự do đích thực bởi vì Mẹ đã không bị tham dục. Nhờ ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Mẹ đã được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của Tội Nguyên Tổ ngay từ lúc tượng thai. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa cùng với sự đáp trả tự do của Mẹ mà Mẹ vẫn luôn tinh tuyền không hề phạm bất kì tội riêng nào trong suốt đời mình. Mẹ đã thực thi ý chí tự do theo một cách thức tuyệt hảo nhất và đáng nhận được nguồn ân sủng dồi dào cho Mẹ và cho toàn nhân loại. Đức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ của chúng ta, đã để cho ý muốn của Mẹ tuân phục theo ý muốn của Thiên Chúa trong từng khoảnh khắc và đồng thời cộng tác hoàn toàn từng ân sủng mà Thiên Chúa trao ban. Đức Maria đã thi hành ơn gọi của Mẹ một cách trọn hảo, và khi làm như vậy, Mẹ xứng đáng có được đầy tràn ân sủng xứng hợp với vai trò làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của Hội Thánh.

Đức Maria được đầy tràn ân sủng không chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa mà còn bởi vì Mẹ là người tuyệt vời nhất trong tất cả các môn đệ của Đức Kitô. Quả thật, Đức Giêsu đã cho thấy vai trò làm người môn đệ nơi Đức Maria đáng được ca ngợi hơn là vai trò làm một người mẹ. Trong Tin Mừng Luca, chúng ta đọc được rằng: “Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!” (Lc 11,27-28). Đức Giêsu đã tuyên bố rằng Đức Maria được chúc phúc không bởi vì Mẹ là Mẹ của Ngài nhưng bởi vì Mẹ lắng nghe và tuân giữ lời của Thiên Chúa một cách trọn hảo.

Đức Giêsu đặt Đức Maria làm Hình Mẫu cho chúng ta

Khi Chúa Giêsu hấp hối, Ngài đã ban một lệnh truyền cuối cùng cho Thánh Gioan – người môn đệ của Ngài đang đứng dưới chân Thập giá. Lệnh truyền cuối cùng này không chỉ dành cho Thánh Gioan mà còn dành cho tất cả các môn đệ của Đức Giêsu, bởi vì Thánh Gioan đại diện cho tất cả chúng ta. Kinh thánh cho chúng ta biết: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh!” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Ga 19,26-27). Trước khi chết, Đức Giêsu đã trao phó Mẹ của Ngài là Đức Maria cho tất cả chúng ta, để Mẹ trở thành Mẹ, người che chở, và hình mẫu của chúng ta.

 bởi vì Đức Maria là Mẹ của chúng ta, chúng ta phải trông lên Mẹ, học nơi Mẹ, và noi gương Mẹ. Đức Maria không chỉ là Mẹ nhưng còn là hình mẫu của chúng ta. Mẹ là một hình mẫu hoàn hảo nhất trong vai trò người môn đệ, một lợi khí Chúa chọn và khuôn mẫu của mọi sự tốt lành. Mẹ Maria là một tuyệt tác của Thiên Chúa, một thụ tạo tốt lành nhất của Ngài, và là một con người hoàn hảo nhất. Thánh Gioan Vianney viết rằng: “Chúa Cha Hằng Hữu vui thích khi nói về Trái Tim của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc như là tuyệt tác bởi bàn tay của Ngài”. Nếu chúng ta muốn lớn lên trong ân sủng, chúng ta phải trông lên Mẹ, đấng lãnh nhận đầy tràn ân sủng và làm cho nó sinh hoa trái tốt lành. Mẹ Maria đã nhận được đầy tràn ân sủng bằng việc đáp trả lại ân sủng của Chúa với ý chí tự do của Mẹ theo cách thức siêu việt nhất.

Là một người Mẹ yêu thương và chăm sóc con cái, Đức Maria mong muốn giúp con cái của Mẹ trở nên đúng bản tính mà Thiên Chúa đã tạo dựng, đó là thánh thiện và không chỗ chê trách trước mặt Ngài. Như Mẹ Maria đã thi hành thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng muốn thi hành sứ mệnh làm Mẹ chúng ta và Mẹ Giáo hội. Nhưng Mẹ Maria chỉ có thể giúp chúng ta khi chúng ta chấp nhận sự giúp đỡ của Mẹ, chạy đến với Mẹ, nhận biết Mẹ, yêu mến Mẹ và mong muốn noi gương Mẹ.

Mẹ Maria dạy chúng ta cách đáp trả lại những Ân huệ của Thiên Chúa

Khi chúng ta học từ Mẹ Maria và noi gương những phẩm hạnh của Mẹ, chúng ta học được cách tốt nhất để đáp trả những ân huệ của Thiên Chúa và như thế, chúng ta đạt được sự tràn đầy ân sủng mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa có những ân sủng khác nhau cho mỗi người. Thánh Thomas Aquinô xác quyết rằng các ân sủng dành cho mỗi người là khác nhau và giải thích rằng:

“Vì vậy, nguyên nhân đầu tiên của sự đa dạng này được nhận thấy ở nơi Thiên Chúa, Đấng ban phát các quà tặng ân sủng của Ngài cách khác nhau, để vẻ đẹp và sự hoàn hảo của Giáo hội có thể phát xuất từ những mức độ khác nhau này;  thậm chí Ngài thiết lập các điều kiện khác nhau trong mọi vật, để vũ trụ có thể được hoàn hảo.”

Sự đa dạng mà chúng ta thấy nơi mỗi người phản ánh vẻ đẹp, hình ảnh và sự sáng tạo của chính Thiên Chúa. Được tạo dựng theo hình ảnh của Người và giống Người, mỗi người chúng ta phản ánh một số đặc tính nào đó của Thiên Chúa như: nhân hậu, khiêm nhường, đẹp đẽ, trung tín, sáng tạo, thông minh, v.v. Tương tự, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã viết:

Ngài [Chúa Giêsu] đặt trước tôi cuốn sách thiên nhiên; Tôi đã nhận ra được rằng tất cả những bông hoa mà Ngài đã tạo ra đều đẹp xiết bao, làm sao mà vẻ lộng lẫy của hoa hồng và sự trong trắng của hoa ly không làm mất đi hương thơm của hoa violet nơi mùi hương của nó hay sự giản dị đầy say mê của hoa cúc. Tôi đã nhận ra rằng nếu tất cả các loài hoa đều muốn trở thành hoa hồng, thiên nhiên sẽ mất đi vẻ đẹp mùa xuân của nó, và những cánh đồng sẽ không còn được điểm tô bởi những bông hoa dại nhỏ bé. Và nó cũng như vậy trong thế giới của các linh hồn, là khu vườn của Chúa Giêsu. Ngài muốn tạo ra những linh hồn vĩ đại có thể so sánh với hoa ly hoặc hoa hồng, nhưng Ngài cũng đã tạo ra những linh hồn nhỏ hơn, và những linh hồn này phải bằng lòng giống như những bông hoa cúc hoặc hoa violet, được tiền định mang lại niềm vui cho ánh nhìn của Chúa khi Ngài nhìn xuống chân mình. Sự hoàn hảo bao gồm trong việc làm theo ý muốn của Thiên Chúa, việc trở thành điều mà Ngài muốn chúng ta trở thành.

Chúng ta được kêu gọi đáp trả hoàn toàn những ân sủng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mỗi chúng ta là duy nhất và không trùng lặp. Trong lịch sử thế giới, sẽ không bao giờ có một bạn hay tôi khác. Thiên Chúa đã tiền định cho mỗi người chúng ta tồn tại vào thời điểm cụ thể này, tại nơi này, và lớn lên trong ân sủng của Ngài và trổ sinh nhiều hoa trái. Giống như Đức Maria, mỗi người chúng ta đều có vai trò trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nếu noi gương Đức Mẹ, chúng ta cũng có thể sống một cách trọn vẹn ơn gọi của mình và hoàn thành vai trò của chúng ta trong công trình cứu chuộc đang diễn ra của Thiên Chúa.

Thủ đắc được những thói quen của Đức Maria

Khi noi gương Mẹ, chúng ta thủ đắc được những tính cách, tâm tính và đức tính đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Các đặc tính của Đức Trinh Nữ Maria thì có ích nhất để có được nhiều ân sủng hơn. Linh hồn của Đức Maria giống như một mảnh đất trù phú, trong đó Thiên Chúa có thể tự do gieo những hạt giống ân sủng, và biết chắc rằng chúng sẽ trổ sinh thành những cây đẹp, cung cấp bóng mát cần thiết và sinh nhiều hoa trái cho thế giới. Khi cuộc đời chúng ta mang những đức tính của Đức Mẹ, chúng ta trở nên giống như những miếng bọt biển, có thể hấp thụ mọi ân sủng mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta. Những đức tính này khiến chúng ta dễ tiếp nhận những ân huệ của Thiên Chúa nhất. Chúng ta sẽ giống như một linh hồn trong thị kiến của Thánh Faustina, người gần gũi nhất với trái tim của Chúa Giêsu, người đã thu thập tất cả các ân huệ cho bản thân và cho người khác.

Những tâm tính và hành động của Đức Maria là tiêu chuẩn để có được sự gia tăng những ân sủng. Hãy nhớ rằng, những ân sủng mà chúng ta nhận được cách riêng lẻ cũng ảnh hưởng đến toàn Thân Thể của Đức Kitô. Chúng ta đều được liên kết với nhau. Khi một thành viên phát triển mạnh thì toàn bộ Thân Thể được hưởng lợi. Và ngược lại, khi các thành viên không sống đúng với tiềm năng của mình thì Thân Thể phải gánh chịu hậu quả. Sự thánh thiện của cá nhân góp phần vào việc xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trên mặt đất này, cả tích cực và tiêu cực. Thiên Chúa muốn chúng ta không chỉ lớn lên trong sự thánh thiện mà còn trở nên máng chuyển ân sủng cho người khác.

Cũng như đối với Đức Maria, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta trở nên sự hiện diện của Ngài, khí cụ của Ngài và là những người đại diện của Ngài, để qua chúng ta, Ngài có thể trao ban ân sủng cho người khác. Khi chúng ta tiến về quê trời, chúng ta không phải đi như một ngôi sao đơn độc mà là một ngôi sao dẫn đầu một nhóm các ngôi sao khác. Nếu chúng ta sống đúng với ơn gọi của mình, chúng ta sẽ hình thành một chòm sao mới trên bầu trời thiên đàng. Chúng ta được mời gọi dẫn dắt gia đình, bạn bè và cộng đồng của mình đến với Chúa. Đức Maria, với vai trò là Mẹ, người hướng dẫn, và gương mẫu của chúng ta, chỉ cho chúng ta cách có được sự tràn đầy ân sủng, đó là suy niệm và noi theo các đức tính của Mẹ.

Suy niệm về các đặc tính của Đức Maria

Những đặc tính này của Mẹ Maria không bị giới hạn nơi một mình Mẹ; chúng cũng là đặc tính của Chúa Giêsu và các thánh.

Bằng cách suy niệm về những đặc tính này của Đức Trinh Nữ Maria và xin ơn Thánh Thần soi sáng chúng ta về những gì mà chúng ta đang thiếu nhất, chúng ta có thể tập trung và luyện tập những đức tính khó nhất đối với chúng ta. Những đức tính khác nhau sẽ xuất hiện vào những thời điểm khác nhau để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần phát triển ở điểm nào.

Khi chúng ta luyện tập những đức tính này, chúng sẽ ăn sâu hơn và trở thành thói quen, và chúng ta sẽ phát triển một tâm tính cố định có ích nhất cho việc gia tăng ân sủng. Một khi chúng trở thành một phần trong tính cách và lối sống của chúng ta, chúng ta sẽ nhanh chóng tăng trưởng trong ân sủng và trở thành khí cụ của Thiên Chúa trong thế giới này. Chúng ta sẽ sống trọn vẹn ơn gọi nên thánh của chúng ta, làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô và xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trên mặt đất này.

* * *

Bài viết này là một đoạn trích từ cuốn sách mới của cha Quan Tran, The Imitation of Mary: Keys to Growth in Virtue and Grace (tạm dịch: Noi gương Đức Maria: Những phương thế để trưởng thành trong Nhân đức và Ân sủng). Cuốn sách này đã được phát hành vào ngày 19 tháng 11 dưới dạng ebook hoặc sách bìa mềm bởi nhà xuất bản Học viện Sophia.

Cha Quan Tran là một linh mục Công Giáo thuộc Giáo phận Orange ở California. Ngài hiện đang là cha phó tại giáo xứ St. Bonaventure ở Huntington Beach. Cha cũng là Thư ký Ban Cung ứng Mục vụ của  Đức cha Kevin Vann. Cuốn sách mới nhất của cha là The Imitation of Mary: Keys to Growth in Virtue and Grace


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/noi-guong-duc-trinh-nu-maria-diem-phuc-co-the-dan-chung-ta-vao-an-sung-41214

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Thánh Giuse, người đảm trọn chiều sâu của Cựu Ước”

 Thánh Giuse, người đảm trọn chiều sâu của Cựu Ước”

famillechretienne.fr, Noémie Bertin, 2015-03-11



Linh mục Dòng Đa Minh Philippe Lefebvre, giáo sư Cựu Ước tại đại học Fribourg, Thụy Sĩ là tác giả quyển sách “Thánh Giuse. Vinh danh một người thầm lặng” (L’éloquence d’un taciturne, nxb. Salvator), Linh mục nói đến vai trò của Thánh Giuse trong việc cứu rỗi, người đảm trọn chiều sâu của Cựu Ước.

Thánh Giuse là người thầm lặng nhất trong các Tin Mừng. Làm thế nào để hiểu vì sao ngài lại có nhiều vị trí trong tâm hồn tín hữu kitô?

Thánh Giuse thực sự rất kín đáo. Chỉ có 0,45 % các câu trong Tân Ước nói về ngài! Nhưng đó là nhân vật quan trọng, khai sáng, nhất là trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu. Thánh sử đưa ra câu chuyện có thật trong hai chương: Thánh Giuse có từ chối Đức Mẹ và buộc Đức Mẹ phải sống thời gian mang thai trong bí mật không? Hay ngài thuận với dự án của Thiên Chúa có thể thực hiện mà không có mình không? Thánh Giuse là người quyết định hành động. Chính ngài, bằng cách bảo bọc Mẹ Maria trong tình huống gai góc, đã cùng đi với Đức Mẹ cho đến ngày Chúa Giêsu sinh ra. Chính ngài, đảm trọn chiều sâu của Cựu Ước, đã đưa chúng ta vào Tân Ước. Thánh Giuse xem Mẹ Maria là một mầu nhiệm, mầu nhiệm mà chính ngài cũng không hiểu.

Trong Thánh Kinh, khi thú nhận không thể giải quyết một tình huống, thì chính lúc đó Chúa mới có thể làm công việc cứu rỗi của Ngài.

Vì thế Thánh Giuse tham dự trọn vẹn vào công việc cứu rỗi…

Sự cộng tác của ngài trong công việc cứu rỗi sẽ không hiểu được nếu chúng ta tách Đức Mẹ ra khỏi Thánh Giuse. Cả hai đã có một cái gì đó để hiểu, cái gì đó để cùng thuận ý. Mầu nhiệm hiệp nhất này là chủ yếu, là công việc của Thần Khí: khi đưa Thánh Giuse vào lời cầu nguyện thánh thể, Đức Phanxicô kết nối lại dự án khai sáng của Chúa. Đó là hành động thần học. Ngài đặt Chúa Kitô vào mầu nhiệm Hôn nhân của Thánh Giuse và Mẹ Maria trong Thần Khí và kết thúc trong Hôn phối Chiên con.

Nhưng Thánh Giuse lại đặc biệt được cầu bàu để giải quyết các trường hợp khó khăn về vật chất…

Đọc Tin Mừng và các tác phẩm khác, Thánh Giuse xuất hiện như một nhân vật rất cụ thể. Như người cha lo nuôi sống gia đình. Khi thiên thần nói: “Đừng ngại khi đón Maria về nhà”, ngài chuẩn bị tất cả để đón Mẹ Maria. Khi thiên thần nói ngài đi Ai Cập, ngài lên đường đi. Khi thiên thần nói ngài về, ngài về. Ngài có một căn nhà ở Nadarét. Ngài xắn tay làm thợ mộc để nuôi sống Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Vì thế chúng ta xin ngài giúp chúng ta sống các thực tế này là đúng, nhưng không nên giới hạn ngài ở vai trò phù trợ này.

Ở điểm nào Thánh Giuse là vị thầy thiêng liêng?

Thánh Giuse hiểu hoàn cảnh của mình và của Mẹ Maria vì ngài để mình hun đúc bởi Kinh Thánh. Đó là tinh thần dễ bảo rất tế nhị để theo hành động của Thần Khí, để ngài đi theo bước chân của Chúa Giêsu. Thánh Giuse cũng có thể đặt chúng ta theo bước chân Chúa Giêsu như vậy! Thánh Giuse, cũng như Mẹ Maria mời gọi chúng ta là “những người chiêm nghiệm”, những người bắt cầu nối giữa Lời Chúa và những gì chúng ta đang sống. Vì đón nhận Con Thiên Chúa là phải hiểu đích ngắm của Cựu Ước. Và từ sự hiểu biết này cho chúng ta thấy cần phải quay về với Kinh Thánh để khám phá Emmanuel, Chúa Con, Thiên Chúa ở với chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục Dòng Đa Minh Philippe Lefebvre, giáo sư Cựu Ước tại đại học Fribourg, Thụy Sĩ là tác giả quyển sách “Thánh Giuse. Vinh danh một người thầm lặng” (L’éloquence d’un taciturne, nxb. Salvator), Linh mục nói đến vai trò của Thánh Giuse trong việc cứu rỗi, người đảm trọn chiều sâu của Cựu Ước.

http://phanxico.vn/2019/03/26/thanh-giuse-nguoi-dam-tron-chieu-sau-cua-cuu-uoc/

15 Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa, Chương Mười Bốn


Vũ Văn An
 

Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





CHƯƠNG MƯỜI BỐN: Hoàng tử hòa bình

Một Con Trẻ được sinh ra cho chúng ta, một Bé Trai được ban cho chúng ta… và tên của Người sẽ được gọi là … Hoàng Tử Hòa Bình

Một trong các tên của Chúa Kitô được Luis de León, theo tinh thần Cải Cách Công Giáo, dùng đặt cho khảo luận của ông chính là “Hoàng Tử Hoà Bình” (1). Tên này vốn trích từ lời tiên tri Isaia (Is 9:6): “Một Con Trẻ được sinh ra cho chúng ta, một Bé Trai được ban cho chúng ta… và tên của Người sẽ được gọi là … Hoàng Tử Hòa Bình”. Tên này càng thích hợp trong thời Cải Cách cũng là thời của Chiến Tranh Tôn Giáo, để nhấn mạnh một lần nữa rằng Chúa Giêsu, trong tư cách Hoàng Tử Hòa Bình, luôn kêu gọi những người theo Người thuộc mọi thời đại hãy tìm kiếm con đường hòa bình chứ không phải con đường chiến tranh. Một trong các nhà lãnh đạo sau cùng của Phong Trào Cải Cách, John Amos Comenius (Jan Amos Komensky), người, cùng với giáo hội và dân tộc Moravian của ông, từng chịu nhiều hậu quả khốc liệt của Chiến Tranh Tôn Giáo, đã nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu Kitô là “Đấng giải phóng duy nhất có thực chất, giải thoát ta khỏi mọi ách nô lệ về linh hồn và thể xác (Ga 8:32-36). Vì các vị vua chúa trần gian không hề biết gì tới con đường hoà bình, nên thay vì vương trượng họ đã thu tích gươm, giáo, bánh xe, dây thừng, cung nỏ, tên lửa, và tù trưởng để làm mình được sợ chứ không được yêu. Đó có phải là điều được vị Thầy tốt nhất trong các vị thầy dạy dỗ không? Điều đó có phát xuất từ giáo huấn của Đấng đã không truyền cho những kẻ theo mình điều gì khác ngoài tình yêu, tình âu yếm và giúp đỡ lẫn nhau?” (2).

Câu hỏi này được nêu ra một cách hết sức thích hợp đối với mọi hậu duệ của Phong Trào Cải Cách, bất luận hệ phái, vào năm 1667, đúng 100 năm sau ngày Luther đưa ra 95 luận điểm của ông. Vì đúng lúc ấy, Phong Trào Cải Cách đã một lần nữa đặt ra rất nhiều câu hỏi tưởng đã được giải đáp vĩnh viễn từ lâu, trong đó có vấn đề chiến tranh.

Cũng như đối với nhiều câu hỏi khác, phong trào này giải đáp câu hỏi liên quan tới con người và giáo huấn Chúa Giêsu dạy gì về chiến tranh bằng cách đưa ra hàng loạt các học thuyết. Một số học thuyết ấy phản ảnh các quan điểm lịch sử về chiến tranh. Một số khác trình bày các quan điểm đổi mới hay các quan điểm thay thế hẳn. Hình loại học cổ điển ba chiều có tính lý thuyết về “Chúa Giêsu và chiến tranh” trong loạt học thuyết ấy có thể gom thành: lý thuyết “chiến tranh chính nghĩa”, lý thuyết “thập tự chinh” và ý thức hệ chủ hòa. Đối với mỗi loại lý thuyết này, họ đều đưa ra những lời của Chúa Giêsu để biện minh.

Trong thế kỷ 16, có lẽ tác phẩm được lưu hành rộng rãi nhất bênh vực cho lý thuyết chiến tranh chính nghĩa như là điều “vị Thầy tuyệt hảo nhất” đã giảng dạy chính là khảo luận của Luther. Khảo luận này dùng để trả lời cho vấn nạn được chính Luther nêu ra: “Liệu đức tin Kitô Giáo, một đức tin nhờ đó ta được kể là công chính trước mặt Thiên Chúa, có đi đôi với việc đi lính, tham chiến, đâm chém và giết chóc, cướp phá và thiêu đốt, như luật quân đội đòi ta phải làm đối với các kẻ thù của ta trong thời chiến không? Việc ấy có tội lỗi và bất chính không? Nó có đem lại cho ta một lương tâm xấu trước mặt Thiên Chúa không? Có phải Kitô hữu chỉ nên làm điều tốt và yêu thương, chứ đừng giết ai, đừng gây hại cho ai không?” (4).

Câu giải đáp của Luther nhất quán với cả nền thần học lẫn lý thuyết chính trị của ông. Nên nhớ: ông từng phân biệt hai vương quốc, vương quốc thiêng liêng của Chúa Kitô và vương quốc trần gian ở đời này, song song với việc ông phân biệt một đàng là chức vụ công một đàng là con người tư. Hai sự phân biệt ấy giúp ông cái khung cần thiết để ông giải quyết sự mâu thuẫn giữa nền đạo đức học tuyệt đối yêu thương được Chúa Giêsu loan báo và bổn phận cụ thể của sinh hoạt chính trị và cả của việc phục vụ quân đội nữa. Tình yêu tuyệt đối là bổn phận của mọi người theo chân Chúa Giêsu trong tư cách con người; nhưng không được coi nó là qui phạm trong việc qui định các bổn phận của chức vụ công mà cũng một người theo chân Chúa Giêsu ấy có thể phải đảm nhiệm, và do đó, các bổn phận ấy không lệ thuộc cùng một mệnh lệnh kia. Bởi thế, theo Luther, việc xuất hiện của Chúa Giêsu và nền đạo đức học của Người về Nước Thiên Chúa không phá đổ các cấu trúc của thẩm quyền chính trị trong xã hội con người, cả cấu trúc của chức vụ người lính trong việc tham chiến.

Cũng theo Luther, bản chất của cả hai vương quốc đã được chính Chúa Giêsu trình bày rõ trong câu Người nói với Philatô (câu mà chính Dante cũng dùng trong De Monarchia): “Nước tôi không thuộc trần gian này; nếu nước tôi thuộc trần gian này, thì các thuộc hạ của tôi đã chiến đấu rồi” (Ga 18:36). Một đàng, những lời này hàm nghĩa: Chúa Kitô không muốn can thiệp vào nước trần gian cùng với các cấu trúc của nó, vì nước của Người thuộc một trật tự khác, và do đó, hành động quân sự không phải là phương thế thích hợp để bảo vệ nước của Chúa Kitô. Nhưng, theo cách đọc của Luther, điều ấy cũng có nghĩa là: “chiến tranh không sai” xét ngay trong nó và tự nó, vì đàng khác, Chúa Giêsu nói rằng trong các vương quốc trần gian, các thuộc hạ của Người, trong tư cách công dân, có quyền chiến đấu.

Tương tự như thế, cả Calvin lẫn Luther đều biện luận rằng (5) đối với các binh sĩ đến hỏi ông “còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”, Thánh Gioan Tẩy Giả không nói với họ rằng bổn phận của họ là phải từ bỏ chức vụ đánh nhau và chém giết đầy tội lỗi ấy đi; ngài chỉ nói: “đừng cướp bóc ai bằng bạo lực hay tố cáo gian, hãy bằng lòng với số lương của mình” (Lc 3:14). Tóm lại, theo Luther, “ngài ca ngợi nghề lính, nhưng đồng thời ngăn cấm các lạm dụng của nghề này. Nhưng các lạm dụng này không ảnh hưởng gì tới chức vụ”. Thành thử ra, việc Chúa Giêsu đến trần gian chính là để đem đến một mệnh lệnh hoàn toàn mới, mệnh lệnh phải yêu thương trong đau khổ; nhưng mệnh lệnh này không được ngỏ với Philatô và các sĩ quan khác của Đế Quốc Rôma đương thời cũng như các binh lính, bất kể là ngoại giáo hay Kitô Giáo, những người có bổn phận phải tuân phục các mệnh lệnh thuộc chức vụ công của họ (6).

Luther còn sử dụng lối giải thích khôn khéo đối với một câu nói khác của Chúa Giêsu mà xem ra Người muốn áp dụng nền đạo đức yêu thương triệt để và việc ngăn cấm các môn đệ mình không được sử dụng võ lực. Đó là lúc tại Vườn Diêtsimani, Thánh Phêrô tìm cách bảo vệ Chúa Giêsu chống lại những người đến bắt Người bằng cách dùng gươm đánh một người trong bọn họ, ngài bị Chúa Giêsu quở: “Hãy tra gươm vào vỏ; vì kẻ nào dùng gươm sẽ bị diệt vì gươm” (Mt 26:52). Xét bề mặt, những lời ấy rõ ràng nói đừng dùng gươm, lại còn thêm lời đe dọa rằng việc dùng như thế, nhiên hậu, sẽ đem bạo lực tương tự đến cho bất cứ người thực hành bạo lực nào. Như thế, mệnh lệnh của Chúa Giêsu xem ra đã mở rộng và áp dụng xa hơn lời Thiên Chúa phán với dân Israel trong Đệ Nhị Luật (Đnl 32:35), mà chính Thánh Phaolô đã trích dẫn (Rm 12:19): “Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Ðức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả”. Nhưng theo lý thuyết hai vương quốc của Luther, lời cảnh cáo trong câu nói của Chúa Giêsu thực sự có nghĩa như sau: gươm đây là tài sản thuộc về Thiên Chúa (godly estate) chỉ có Người mới được quyền sử dụng để trả thù: “Tất cả những ai dùng gươm (trong tư cách người tư chứ không phải là người thi hành chức vụ công) đều sẽ bị diệt bởi gươm”; gươm chỉ được sử dụng bởi người có chức vụ công, bất kể là lý hình hay binh lính, ngoại giáo hay Kitô hữu. Luther kết luận: “Do đó, chắc chắn và rõ ràng chính do Ý Thiên Chúa, mà gươm giáo và luật lệ trần gian cần được sử dụng để trừng phạt kẻ ác và bảo vệ người ngay”; nó cũng được cả Kitô hữu sử dụng (7).

Còn về việc ngăn cấm của Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi “đừng xét đoán” (Mt 7:1), cả điều này cũng phải được hiểu dưới ánh sáng của lời tuyên bố “Chính Ta sẽ báo oán” (Rm 12:19) (8). Thay vì ngăn cấm chiến tranh và sử dụng vũ lực, mệnh lệnh của Chúa Giêsu buộc các người theo chân Người phải tôn trọng trật tự chính trị đã được thiết lập. Họ phải làm điều đó kể cả khi các nhà cai trị bất chính hay áp bức. Vì “nếu ông vua này không giữ cả luật Chúa lẫn luật của quốc gia, há bạn lại tấn công, kết tội và trả thù ông ta hay sao?”. Đó chính là điều Chúa Giêsu ngăn cấm trong Bài Giảng Trên Núi. Xem đó, đủ thấy Luther coi nền đạo đức của Chúa Giêsu như lời lên án cách mạng, chứ không lên án chiến tranh. Vì theo định nghĩa của ông, cách mạng là một hành động bất chính, trong khi chiến tranh là dụng cụ của hòa bình. Như thế, theo Pelikan, với cái hiểu của họ về các hệ luận của nền đạo đức tình yêu nơi Chúa Giêsu đối với nan đề chiến tranh, chính dòng Cải Cách, bất luận là phái Luther, phái Calvin hay phái Anh Giáo, đều đã gắn bó với truyền thống “chiến tranh chính nghĩa” của Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô (9).

Thánh Augustinô vốn bác bỏ chủ nghĩa quân phiệt của Rôma với việc họ vinh danh bạo lực quân sự. Ngài đã dùng chiến tranh làm bằng chứng cho việc con người nhân bản có thể còn tàn ác và khát máu hơn thú dữ (10). Tuy nhiên, dường như có đôi chút miễn cưỡng, ngài đã nhượng bộ mà cho rằng có thể có những cuộc chiến tranh chính đáng, nhất thiết phải có vì những lầm lạc của con người; nhưng ngài thêm ngay rằng, ngay trong những trường hợp như thế, người ta vẫn phải “than phiền về sự cần thiết phải có những cuộc chiến chính đáng” chứ không nên vinh danh chúng” (11). Ngài khai triển quan điểm này một cách chi tiết hơn trong một lá thư gửi cho viên thống đốc Kitô Giáo của Tỉnh Châu Phi, người từng tham khảo ý kiến của ngài về các bổn phận chính trị của ông ta, trong đó có bổn phận tuyên chiến. Thánh Augustinô cảnh cáo ông rằng: “Hòa bình phải là mục tiêu cho các ý nguyện của ông”, do đó “chỉ được tuyên chiến khi cần thiết và chỉ tuyên chiến để mong Thiên Chúa, nhờ đó, mà giải thoát con người khỏi tình thế khẩn trương và gìn giữ họ trong hòa bình”. Đối với Thánh Augustinô, ưu tiên hòa bình chứ không phải chiến tranh là điều nền tảng: “Không được tìm hòa bình để châm ngòi chiến tranh, nhưng tuyên chiến để có hòa bình”. Chiến tranh chính nghĩa là cuộc chiến tranh có mục tiêu và ý định đạt hòa bình. Hệ luận là: ngay khi tuyên chiến, môn đệ Chúa Kitô vẫn phải “trân quí tinh thần của người kiến tạo hòa bình. Và luận chứng dứt điểm cho lối giải thích về chiến tranh và hòa bình này chính là lời Chúa Giêsu nói trong Các Mối Phúc của Bài Giảng Trên Núi (Mt 5:9): “Phúc cho người kiến tạo hòa bình” (12).

Khi suy tư về chiến tranh, Thánh Tôma Aquinô cũng trích dẫn lời trên của Chúa Giêsu và nhiều đoạn Tân Ước khác. Ngài cũng phân biệt con người tư và chức vụ công. Ngài đã hệ thống hóa định nghĩa của Thánh Augustinô về chiến tranh chính nghĩa bằng cách đưa ra 3 điều kiện cho loại chiến tranh đó: người tuyên chiến phải là người có thẩm quyền làm việc đó; phải có lý do chính đáng; và phải tiến hành cuộc chiến tranh ấy với một “ý định đúng đắn” nghĩa là thăng tiến điều thiện và thực hiện hòa bình. Lời của Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi: “Đừng chống cự người ác” (Mt 5:39) là lời có giá trị tối hậu cho các môn đệ của Chúa Giêsu trong tư cách con người tư; “tuy nhiên, đôi lúc vì ích chung, con người cần phải hành động cách khác” để thi hành một chức vụ công (13). Sau này, các đồ đệ của Thánh Tôma còn thêm điều kiện thứ tư, một điều kiện thật quan trọng đối với cuộc tranh luận gần đây về chiến tranh hạt nhân, đó là: chiến tranh phải được tiến hành “debito modo” nghĩa là bằng các phương tiện thích đáng (14).

Khi giải thích việc cần có chiến tranh chính nghĩa dù Chúa Giêsu dứt khoát bác bỏ bạo lực và vinh danh hòa bình, các nhà Cải Cách như Luther phần lớn chỉ lặp lại lý thuyết thời Trung Cổ của Thánh Augustiô và Thánh Tôma Aquinô. Tuy nhiên, họ cũng có thêm quan điểm riêng của họ về ý nghĩa đạo đức và chính trị của Tin Mừng. Một trong những điểm Luther khác biệt căn để với nền thần học Trung Cổ về chiến tranh là quan niệm về thập tự chinh. Như một giải pháp cho tính hàm hồ luân lý của chiến tranh, thập tự chinh đã in hình Thập giá Chúa Giêsu lên chính nghĩa “Hòa Bình và Chiến Tranh Thần Thánh” (15). “Mang Thập giá” có nghĩa là lên đường tham chiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ ở Palestine, bằng cách mang thập giá bằng vải đỏ trên vai chiếc áo choàng ngoài. Dù có những bất nhất nghiêm trọng giữa các trình thuật của một số nguồn khác nhau về bài giảng của Đức Giáo Hoàng Urbanô II tại Công Đồng Clermont ngày 27 tháng 11 năm 1095, điều xem ra rõ ràng là ngài có hứa sẽ tha tội và ban ơn toàn xá cho những ai đeo Thập giá ra trận. Ngoài ra, ngài còn mô tả cái chết của các binh lính mang Thập giá nằm xuống tại trận tiền chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ vô đức tin như là việc tham dự vào nỗi thống khổ và cái chết của Chúa Kitô. Ruciman cho rằng: lòng hăng say tham gia thập tự chinh nhân danh Chúa Giêsu này “đã luôn cung cấp cho người ta lý do bào chữa cho việc sát hại kẻ thù của Thiên Chúa” và chính nó cũng đã dẫn tới việc thảm sát (pogrom) chống lại người Do Thái; nó còn dẫn tới điều ông gọi là “sự phản bội lớn lao của thế giới Kitô Giáo” tức việc cướp phá Constantinople của các thập tự quân Kitô Giáo trong lần thập tự chinh thứ tư năm 1204, một “tội ác chống nhân loại” và là một “hành vi điên khùng vĩ đại về chính trị” cũng như trắng trợn bác bỏ giáo huấn của Đấng mà nhân danh Người họ đã ra trận và đeo thập giá của Người (16).

Đến thời Cải Cách, bầu khí đã thay đổi đáng kể. Có một sử gia đã nói hơi quá rằng “qua thế kỷ 16, ý niệm thập tự chinh đã lui vào quên lãng” (17). Thực ra, phải nói như một học giả khác: “Ý niệm thập tự chinh vẫn tiếp tục ám ảnh trí tưởng tượng của các ông hoàng Tây Phương cho tới thế kỷ 17” (18). Điều rơi vào gần như quên lãng là khả thể thực tế của một thập tự chinh phái qua Palestine để giải phóng Đất Thánh khỏi tay “phường ngoại đạo”; vì nay, “phường ngoại đạo” còn rõ ràng trở thành mối đe dọa lúc đó cho chính Âu Châu Kitô Giáo nữa. Thực vậy, năm 1453, Constantinople, thủ đô đế quốc Byzantine, mà trước đây vốn là nạn nhân của Kitô Giáo Tây Phương hiếu chiến vào năm 1204, đã rơi vào tay người Thổ Ottoman, những người, trong suốt 3/4 thế kỷ sau đó luôn đe dọa Trung Âu: Belgrade vào tay họ năm 1520, Vienna lâm nguy, và vào năm 1526, tại trận Mohacs, đội quân Hungary và vua Louis II của nó đầu hàng trước sức mạnh cao hơn của đoàn quân Thổ. Nhờ việc sáng chế ra máy in cách đó ít năm, các sách vở tuyên truyền về hiểm họa Thổ đã được phân phát rộng rãi khắp Trung Âu, cũng có một số sách vở kêu gọi thoả hiệp và hòa hoãn, nhưng đa số kêu gọi chiến tranh và phục hồi hình thức thập tự chinh thuở trước, lần này không chĩa mũi dùi vào những người Thổ xâm lăng Palestine mà vào những người Thổ dám chĩa mũi kiếm vào chính trái tim thế giới Kitô Giáo. Tất cả những điều này xẩy ra đúng vào lúc Phong Trào Cải Cách rõ ràng đang hướng mũi kiếm vào chính Thế Giới Kitô Giáo, chia rẽ các lực lượng Kitô Giáo giữa lúc họ cần đoàn kết để chống kẻ thù chung. Sự trùng hợp của hai mối đe dọa là dịp để triệu tập công nghị của Đế Quốc Rôma Thánh Thiện tại Augsburg vào năm 1530. Chính trong công nghị này, Tuyên Tín Augsburg đã biện minh cho chính nghĩa của Phong Trào Cải Cách Luther.

Tuyên tín trên đã làm cho quan điểm của phe Cải Cách thành chính thức. Quan điểm này cho rằng “mọi chính phủ trên thế giới và mọi qui định cũng như luật lệ đã có đều được Thiên Chúa thiết lập và ban bố”. Người Kitô hữu hoàn toàn hợp pháp khi “dùng gươm trừng phạt những kẻ làm bậy” và “tham dự các cuộc chiến tranh chính đáng”. Một cách chuyên biệt, tuyên tín này quả quyết rằng Hoàng Đế Charles V được phép “noi gương Đavít một cách lành mạnh và hợp ý Thiên Chúa để gây chiến chống lại người Thổ” (19). Nhưng sự song đối giữa Hoàng Đế Rôma Thánh Thiện và vị quân vương xưa của Israel không cho phép ông trở thành vị chúa tể thần trị (theocratic ruler), tức người cai trị và tuyên chiến nhân danh Chúa Giêsu. Do đó, lý do đưa ra để chấp nhận cuộc chiến chống người Thổ không phải là lý tưởng thập tự chinh về một cuộc chiến thần thánh nhân danh thập giá Chúa Kitô; đúng hơn, trong tư cách giữ chức vụ vương giả, giống Vua Đavít xưa, Charles V có quyền, thậm chí có nhiệm vụ phải “bảo vệ và che chở thần dân của mình”. Khảo luận năm 1526 của Luther về cuộc chiến tranh với người Thổ cũng có cùng một chủ trương như thế. Sẽ là một lầm lỗi khi truyền giảng thập tự chinh và thúc giục “hoàng đế, trong tư cách bảo vệ Giáo Hội và bênh vực đức tin” cầm vũ khí chống lại người Thổ; ngược lại, cầm vũ khí chống lại người Thổ chỉ nên coi là bổn phận của các nhà cai trị Âu Châu, “bất kể họ là Kitô hữu hay không”, để chu toàn nghĩa vụ ở trên đời của họ là cai trị (20). Khi biện minh cho cuộc chiến chống người Thổ, chính dòng Cải Cách bác bỏ lý tưởng thập tự chinh nhưng nhấn mạnh tới lý thuyết chiến tranh chính nghĩa: cuộc chiến tranh như thế là hợp pháp bởi một Chúa Giêsu từng nhìn nhận Phôngxiô Philatô và Xêda có quyền bính từ Thiên Chúa (Ga 19:11), chứ không phải bởi một Chúa Giêsu từng bị đóng đinh dưới thời Phôngxiô Philatô và đã trao quyền bính vào tay các môn đệ và Giáo Hội của Người (Mt 28:19-20).

Lạ một điều là sự so sánh gần nhất với lý tưởng thập tự chinh trong thời Cải Cách không phát xuất từ phía Công Giáo Rôma cũng như phong trào chính dòng Thệ Phản, mà là từ một trong các lãnh tụ cánh tả của Phong Trào Cải Cách Cực Đoan là Thomas Muentzer (21). Ông này xác tín rằng “Chúa Kitô và các tông đồ” đã thiết lập ra một đức tin tinh ròng, nhưng liền sau đó, đức tin ấy đã bị hủ hóa, đến nỗi “Viên Đá Quí Giêsu Kitô” mà đáng lý ra trên đó Giáo Hội đã phải được xây dựng thì đã bị các môn đệ giả của Người “hoàn toàn chà đạp”. Muentzer, trong một bài giảng ngày 13 tháng 7 năm 1524, mà nhà hiệu đính của ông gọi rất đúng là một bài giảng đáng lưu ý nhất thời Cải Cách, đã tuyên bố một cuộc trả thù cho viên Đá Quí Giêsu Kitô ấy, một viên đá “sắp giáng xuống và đập nát mọi kế sách của lý trí [mà thôi] và làm chúng ra tro đất”. Vì Chúa Giêsu vốn cảnh cáo: “Đừng nghĩ rằng Ta đến đem lại bình an cho thế gian; Ta không đến đem lại bình an, nhưng là gươm giáo” (Mt 10:34). Mặt khác, Người còn “truyền lệnh một cách long trọng [qua miệng người quí tộc trong dụ ngôn 10 nén bạc] rằng ‘còn bọn thù địch của tôi kia… hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi’” (Lc 19:27). Nhưng tại sao Hoàng Tử Hoà Bình mà chính Muentzer xưng tụng là “Con Dịu dàng của Thiên Chúa” lại có thể đưa ra một lệnh truyền sắt máu như thế?

“À, là bởi vì chúng đã phá đổ sự cai trị của Chúa Kitô… Bây giờ, nếu các bạn muốn là những nhà cai trị đích thực, các bạn phải bắt đầu cai trị từ gốc rễ, và như chính Chúa Kitô đã truyền, phải loại các kẻ thù của Người ra khỏi hàng ngũ tuyển chọn. Vì các bạn là phương thế cho cùng đích ấy. Các bạn thân mến, đừng nói với chúng tôi những chuyện đùa bỡn về việc phải sử dụng quyền lực của Thiên Chúa ra sao mà không cần tới gươm giáo của qúi bạn. Nếu không, gươm giáo của qúi bạn sẽ rỉ xét trong bao!”.

Lệnh của Chúa Giêsu không là gì khác mà chính là một cuộc cách mạng Kitô Giáo, một loại thánh chiến mới (22). Muentzer bị bắt và bị xử tử một năm sau đó; nhưng tinh thần của ông thì tiếp tục sống, qua chủ nghĩa khải huyền (apocalypticism) chính trị cực đoan của nhóm Những Người Thuộc Quân Chủ Chế Thứ Năm nổi lên từ Phái Thanh Giáo Anh thế kỷ 17, và qua các cố gắng của một số Kitô hữu thế kỷ 20 ở Đông Âu và Thế Giới Thứ Ba. Đối với những người này, Muentzer và nhiều nhà cách mạng Kitô Giáo khác đã trở thành các giáo phụ theo nghĩa đen và là những tiếng nói chân chính của điều mà một trong các nhà trình bày thần học giải phóng gọi là “Kitô học của triết lý hành động cách mạng” (23).

Thần học của Muentzer về thánh chiến đã kết thúc trong cuộc hỗn loạn của Chiến Tranh Nông Dân; lý thuyết chiến tranh chính nghĩa của Luther kết thúc trong thảm họa của Chiến Tranh Ba Mươi Năm. Mặt khác, cả thánh chiến lẫn chiến tranh chính nghĩa cũng đều không đưa ra được câu trả lời cho sự lưỡng nan về Chúa Giêsu và chiến tranh trong câu hỏi của Comenius: “Đó có phải là điều được vị Thầy tốt nhất trong các vị thầy dạy dỗ không?”. Đối với sự lưỡng nan này, câu trả lời duy nhất chân thực và mới mẻ (nhiều người cho là rất cũ) trong hai thế kỷ 16 và 17 phát xuất đầu tiên từ Erasmus, sau đó từ một số người trong phái Tái Thanh Tẩy (Anabaptist), Phái Chấn Động (Quakers) và nhiều nhóm hòa bình của Cải Cách Triệt Để, những người làm chứng rằng theo con người và giáo huấn của Chúa Giêsu, thánh chiến không hề thánh thiện và chiến tranh chính nghĩa không hề có chính nghĩa (24). Dù đôi lúc, họ sử dụng tới các luận điểm của lý trí và của nền luân lý nhân bản phổ quát để đả phá chiến tranh, nhưng chính thần học và nhất là Kitô học, một Kitô học sống và hành động hơn là một Kitô học lý thuyết, mới tạo thành tâm điểm cho các luận chứng của họ (25).

Nền tảng của luận chứng trên là định nghĩa về yếu tính của Kitô Giáo như “việc làm môn đệ” (26). Phái Tái Thanh Tẩy, khi tranh luận với Phái Cải Cách Thụy Sĩ tại Zofingen, đã cho rằng: “Trong chương thứ 9 Tin Mừng Mátthêu, Chúa Kitô tới với người thu thuế Mátthêu và nói với ông ‘hãy theo Ta’ (Mt 9:9)”. Làm sống lại lời kêu gọi của Tân Ước phải hoàn toàn dứt bỏ quá khứ như một điều kiện trở thành môn đệ, họ bác bỏ bất cứ tiêu chuẩn làm môn đệ bên ngoài nào như tham dự các nghi thức của giáo hội định chế cũng như đọc các công thức tuyên tín của giáo hội này. Các tiêu chuẩn bên ngoài và các phương thế gọi là ơn thánh phải tùy thuộc vào con người Chúa Giêsu; vì “Chúa Kitô mới là phương thế; không ai có thể biết Người thực sự ngoại trừ bước chân theo Người trong cuộc sống của mình”. Dù có nhiều gần gũi giữa Phái Tái Thanh tẩy và phong trào đơn tu thời Trung Cổ (Luther quen gọi những người tái thanh tẩy là tân đan sĩ), nhưng việc theo chân Chúa Kitô trong lối làm môn đệ triệt để ấy còn đi xa hơn cả việc làm môn đệ từng được diễn tả trong Sách Gương Phúc Chúa Kitô (Imitation of Christ) và các sách đạo đức của đan viện. Vì trong thần học Tái Thanh Tẩy về việc làm môn đệ, Chúa Giêsu vừa là gương sáng vừa là nguyên mẫu (examplar): dĩ nhiên, Người là gương sáng của việc phải sống ra sao cuộc sống thánh thiện hoàn toàn phù hợp với các đòi hỏi của lề luật và ý muốn của Thiên Chúa, nhưng còn là một nguyên mẫu cho cách thế thể hiện cách sống ấy một cách cụ thể trong thế giới. Và cách đó chính là “đường thập giá”, trên đó các môn đệ phải theo chân Chúa Giêsu bước vào sự chết và từ sự chết bước vào sự sống (27). Một trong những tài liệu gây xúc động sâu sắc nhất từng phát xuất từ bất cứ nơi nào trong Phong Trào Cải Cách chính là các trình thuật tử đạo của người Tái Thanh Tẩy, những người được chính kẻ thù mô tả là “bước tới pháp trường như thể đi vào cuộc khiêu vũ” vì họ coi pháp trường và giàn thiêu xử tử như cơ may, nhờ thập giá, được tham dự vào sự sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.

Mệnh lệnh hàng đầu trong định nghĩa về việc làm môn đệ ấy chính là việc hoàn toàn phó thác cho thánh ý Thiên Chúa bằng cách vâng theo và noi gương Chúa Giêsu, điều mà người Tái Thanh Tẩy gọi là “tính thụ động” hay “việc đầu hàng” (yielding). Hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa tranh đấu cách mạng của những người như Thomas Muentzer, người tin lành Tái Thanh Tẩy tin rằng mình được mời gọi bước vào một cuộc sống đầu hàng, hoàn toàn tùng phục Thiên Chúa, một cuộc sống được chính Chúa Kitô sống. Họ không buộc phải cố gắng tái lên khuôn thế giới bên ngoài và trật tự trần tục, biến nó thành một xã hội theo Kitô Giáo phù hợp với thánh ý Chúa Giêsu. Họ chỉ cần trở nên “đoàn chiên bé nhỏ” được Chúa Giêsu nói với (Lc 12:32), một cộng đồng chân chính của những môn đệ đạo hạnh và của giáo hội đích thực. Cho nên, trái ngược một cách rõ rệt với lối giải thích của Luther về tính thế tục của cuộc sống Kitô Giáo, họ kêu gọi các môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hãy tách mình ra khỏi thế gian và cuộc sống thế gian. Nhờ lý thuyết hai vương quốc, Luther phân biệt được các nhiệm vụ của Kitô hữu trong tư cách công dân và các nhiệm vụ của họ trong tư cách môn đệ. Cả hai thứ nhiệm vụ ấy đều cần thiết, theo cách Luther đọc Tin Mừng; nhưng, trong các đoạn như Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu chỉ nói tới các nhiệm vụ sau, và để yên không nói gì tới các cấu trúc bên ngoài của chính quyền và tư cách công dân, như việc phục vụ trong quân đội, trong đó các môn đệ của Người phải tham gia trọn vẹn. Dựa vào sự phân biệt riêng của mình về vương quốc Chúa Kitô và vương quốc thế gian, người Tái Thanh Tẩy tấn công lối phân biệt của Luther, coi nó tránh né cả cái giá làm môn đệ lẫn con đường thập giá mà nó dẫn tới: Chúa Giêsu thực sự là Hoàng Tử Hòa Bình.

Chính trong ngữ cảnh hình tượng ấy về Chúa Giêsu, người Tái Thanh Tẩy chủ hoà đã đề xướng ra lối giải thích của họ về chiến tranh và việc dùng võ lực với lời tuyên bố súc tích sau đây trong Bẩy Điều năm 1527 của họ, thường được gọi là Tuyên Tín Schleitheim: “Chúng tôi nhất trí như sau về gươm giáo: gươm giáo được Thiên Chúa sắp xếp bên ngoài sự hoàn thiện của Chúa Kitô. Nó trừng phạt và xử tử kẻ dữ, và bảo vệ và che chở người lành. Trong Lề Luật (Cựu Ước), gươm giáo được sắp đặt để trừng phạt kẻ dữ và xử tử họ, còn nay, cũng gươm giáo đó được sắp đặt để các thẩm phán thế gian sử dụng. Còn trong sự hoàn thiện của Chúa Kitô, chỉ có việc cảnh cáo đừng phạm tội nữa và cùng lắm vạ tuyệt thông, chứ không xử tử bất cứ xác phàm nào...” (28).

Bất chấp các lời tố cáo theo qui ước chống lại nó trong các cuộc bút chiến của các đối thủ của nó, chủ trương trên có thể là bất cứ điều gì nhưng không phải là chủ nghĩa vô chính phủ. Nhắc lại lời Tân Ước vốn được truyền thống dùng để hợp pháp hóa chính quyền “Mọi người hãy tuân phục quyền bính cai trị. Vì không có quyền bính nào không từ Thiên Chúa mà có và các quyền bính đang hiện hữu đều được Thiên Chúa thiết lập”, phái Tái Thanh Tẩy nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã thiết lập ra chính quyền, nhưng là một chính quyền mà ngay câu sau cho hay “không được mang gươm giáo một cách vô ích” (Rm 13:1-4). Người Tái Thanh Tẩy không có ý định lật đổ các thẩm quyền cai trị, mà hỗ trợ họ. Điều họ chống đối là ý niệm cho rằng môn đệ Chúa Giêsu trở thành thẩm phán và sử dụng tới gươm giáo. Vì chính quyền được thiết lập “bên ngoài sự hoàn thiện của Chúa Kitô” và những ai hiện đang sống “trong sự hoàn thiện của Chúa Kitô” phải sử dụng các biện pháp kỷ luật như ngăn cấm và vạ tuyệt thông, chứ không dùng gươm giáo, làm phương thế thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Cũng một ý niệm tương tự về “sự hoàn thiện của Chúa Kitô” đã đem đến giai đoạn kế tiếp cho lịch sử chủ hòa trong Kitô Giáo. Hội Thân Hữu (Society of Friends), khởi đầu tại Anh và sau đó tại Mỹ, đã đưa ra một lý thuyết công phu hơn về thần học để chống lại việc tham gia vào chiến tranh. Đó là thành tựu của Robert Barclay, nhà thần học hệ thống và là nhà hộ giáo chính của phong trào Chấn Động (Quaker). Barclay sẵn sàng nhìn nhận rằng đối với “các thẩm phán hiện nay trong thế giới Kitô Giáo” chiến tranh không hề “hoàn toàn bất hợp pháp”; vì họ vẫn còn ở “rất xa sự hoàn thiện của Kitô Giáo”. “Nhưng”, ông nói tiếp “đối với những ai Chúa Kitô đem tới đây, thì dùng gươm giáo để bảo vệ mình là bất hợp pháp, họ phải tín thác vào Chúa trước nhất”. Vì họ vốn được Thần Khí Chúa Kitô hướng dẫn để nhận ra sự không nhất quán có tính nền tảng giữa việc chiến tranh và “lề luật Chúa Kitô”. Việc thực sự vâng theo lề luật Chúa Kitô đòi buộc Người Chấn Động không được gây chiến, nhưng “chịu để mình bị phá phách, bị bắt giam, cầm tù, đày ải, đánh đập, và xử tệ, mà không cưỡng lại, tín thác vào một mình Thiên Chúa, rằng Người sẽ bảo vệ ta, và dẫn ta theo đường thập giá mà vào nước của Người”. Không thành vấn đề khi đa số những người cho rằng mình là môn đệ Chúa Kitô nhưng lại muốn múa gươm và xông ra trận, nhưng Thiên Chúa “dẫn ta vào nước của Người” không bằng con đường đa số mà là bằng “con đường thập giá” của Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình (29).

Tuy nhiên, hình ảnh Chúa Giêsu như Hoàng Tử Hòa Bình không phài là chủ đề nổi bật của nghệ thuật tranh ảnh Kitô Giáo thời Cải Cách. Lý do một phần vì nhiều Kitô hữu chủ trương chủ hòa vốn không ưa việc sử dụng tranh ảnh trong giáo hội. Nhưng xét một cách nội tại, cũng vì một lý do khác là khó có thể kịch tính hóa khuôn mặt Chúa Giêsu như Hoàng Tử Hòa Bình. Vì vào thế kỷ 19, chỉ có một Bản Giao Hưởng Số Chín trong khi có tới hàng tá sáng tác phẩm như Nhịp Bước Quân Hành (Marche Militaire) và Khúc Dạo Đầu 1812. Các mô tả hữu hiệu nhất về Hoàng Tử Hòa Bình đã nhờ một nghịch lý bất ngờ mà thành. Như bức họa vẽ cho tác phẩm cuối cùng của nền văn chương Phục Hưng Ý, tức cuốn “Jérusalem Délivrée” (Giêrusalem Giải Phóng), của Torquado Tasso (30), đã mô tả đủ những điều được Comenius nhắc đến trên đây trong bài “Thiên Thần Hòa Bình” của ông: gươm, giáo, bánh xe, dây thừng, cung nỏ, tên lửa, và tù trưởng”. Thực vậy, nó mang các chủ đề nhất quán của những mô tả như sau về các Thập Tự Quân:

“Một số mang áo giáp sơ mi, một số mang áo giáp dài,
Một số mặc áo giáp ngắn, một số mặc áo giáp ngực,
Một số mặc áo giáp toàn thân một số mặc áo giáp không tay,
Mọi người đều mau chóng mang vũ khí,
Mỗi binh lính đều theo người hướng dẫn thông thường của mình
Phất cao biểu ngữ trong làn gió nhẹ
Cờ hoàng gia giương cao hướng lên trời
Thập giá khải hoàn trên tử thi ngoại giáo” (30).

“Thập giá khải hoàn” vốn là biểu tượng thánh thiêng của mọi Kitô hữu, bất kể là chủ hoà hay thập tự quân. Tuy nhiên, người chủ hòa coi nó như chiến thắng chống lại áo giáp và vũ khí, chứ không chiến thắng nhờ chúng: Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình, đã nắm lấy lưỡi gươm và đập bể nó từ tay binh lính, và nâng nó lên trời để vẽ thành cây thập giá.

Liên quan tới toàn bộ lịch sử các hình ảnh về Chúa Giêsu, điều đáng lưu ý là: một số những người tấn công truyền thống sử dụng hình ảnh Chúa Giêsu để biện minh cho chiến tranh cũng đồng thời là những người kịch liệt theo đuổi chiến dịch công kích các tín điều truyền thống về con người của Chúa. Một số người thuộc phái Tái Thanh Tẩy, như David Joris, đã trở thành những người phản công tín điều Chúa Ba Ngôi (Antitrinitarians), và một số nhấn mạnh của phái Chấn Động về lý trí và “ánh sáng bên trong” đã dẫn tới việc bác bỏ tính chính thống Kitô Giáo. Những người bênh vực cả lý thuyết chiến tranh chính nghĩa lẫn lý thuyết hai bản tính trong Chúa Kitô tuyên bố là họ tìm thấy nhiều điều không nhất quán trong học lý đem Chúa Giêsu ra làm thẩm quyền thần thánh để chống lại chiến tranh, trong khi lại bác bỏ một cách có hệ thống nhiều phẩm tính thần thánh mà truyền thống vốn dành cho Người. Vì nếu Chúa Giêsu, trong tư cách Chúa, có quyền tuyệt đối truyền cho người ta phải tuân phục một cách triệt để, ngăn cấm người ta không có cả quyền tự vệ, và còn hủy bỏ cả những đòi hỏi căn bản của nhà nước và xã hội, thì hẳn Người phải là một ai đó vượt trên gấp bội những công thức Kitô học đầy tính đơn giản hóa mà phái Tái Thanh Tẩy và phái Chấn Động vốn dành cho Người.

Luận chứng trên nhất định là có giá trị. Tuy nhiên, các bản Tin Mừng được cả hai bên cùng đọc có chứa một dụ ngôn trong đó Chúa Giêsu tương phản việc nói điều đúng và làm điều đúng một cách khác nữa: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai con trai; ông tới nói với đứa con thứ nhất, ‘này con, hôm nay con đi làm vườn nho cho ta đi’. Hắn trả lời, ‘không, con không đi đâu’; nhưng sau đó hắn hối hận và đã đi làm. Rồi ông tới nói với đứa con thứ hai cùng một điều như đã nói với đứa con thứ nhất; hắn trả lởi, ‘vâng, con sẽ đi”, nhưng đã không đi. Ai trong hai đứa con đó làm theo ý cha mình?” (Mt 21: 28-31)
______________________________________________________________________________________

Ghi chú

(1) Louis de León, Names of Christ, cuốn 2, Durán-Kluback hiệu đính tr.212-39.
(2) John Amos Comenius, The Angel of Peace 9, bản tiếng Anh của Walter Angis Morison, New York: Pantheon Books, không ngày tháng.
(4) Luther, Whether Soldiers, Too, Can Be Saved, trong Luther’s Works 46:95.
(5) John Calvin, Institutes of Christian Religion 4.24.11-12, McNeill hiệu đính 2:1499-1501
(6) Luther, Whether Soldiers, Too, Can Be Saved, trong Luther’s Works 46:97.
(7) Luther, Temporal Authority: To What Extent It Should Be Obeyed, trong Luther’s Works 45:87.
(10) Thánh Augustine, City of God 3.14; 12.22.
(11) Thánh Augustine, City of God 19.7.
(12) Thánh Augustine, Epistles 189.2.
(13) Thomas Aquinas, Summa Theoligica 2.2.40.
(14) John Courtney Murray, ‘Remarks on the Moral Problem of War’, Theological Studies 20 (1959): 40-61.
(15) Steven Runciman, A History of Crusades, 3 vols. (Cambridge: Cambridge University Press, 1951-1954, 1:83-92
(16) ) Steven Runciman, A History of Crusades, 3 vols. (Cambridge: Cambridge University Press, 1951-1954), 3:7; 2:287; 3:130.
(17) Hans Pfeffermann, Die Zusammenarbeit der Renissancepapste mit den Turken (Winterthur: Mondial Verlag, 1946)
(18)Aziz S. Atiya, ‘The Ftermath of the Crusades’ trong A History of the Crusades, Kenneth M. Setton chủ biên, 5 vols. (Madison: University of Wisconsin Press, 1955-1975), 3:660.
(19) Augsburg Confession 16.1-2; 21.1.
(20) Luther, On War against the Turks, trong Luther’s Works 46:186-88.
(21) Xem Eric W. Gristch, Reformer without a Church: The Life and Thought of Thomas Muentzer (Philadelphia: Fortress Press, 1967)
(22) Thomas Muentzer, ‘Sermon before he Prince’ trong Spiritual and Anabaptist Writers, George Huntston Williams (Philadelphia: Westminster Press, 1957) tr.50-53, 65-66.
(23) George Casalis, Correct Ideas Don’t Fall from the Skies; Elements for an Inductive Theology, Jeanne Marie Lyons và Michael John dịch (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books,,, 1984) tr.114.
(24) Xem George Huntston Williams, The Radical Reformation (Philadelphia: Westminster Press, 1962).
(25) Harold S. Bender, “The Pacifism of the Sixteen-Century Anabaptists”, Church History 24 (1955) 119-31.
(26) Pelikan, Christian Tradition 4:313-22
(27) Ethelbert Stauffer, “The Anabaptist Theology of Maryrdom”, Mennonite Quaterly Review 19 (1945) 179-214.
(28) Xem Hans J. Hilderbrand, The Reformation (New York: Harper and Row, 1964), tr.235-38.
(29) Bainton, Christian Attitudes Toward War and Peace, tr,157-65.
(30) Torquato Tasso, Jerusalem Delivered, Edward Fairfax dịch (Carbondale: Southern Illinois University Press, 1962), tr.21.
 
Vietcatholic News