Trang

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Lễ các Đẳng


Lễ các Đẳng

Tháng Các Linh Hồn - Tìm Hiểu
Lễ các Đẳng
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Một lần nọ, trước ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, cha sở thông báo: “Ngày mai là lễ các đẳng, chúng ta nhớ cầu nguyện cho các đẳng”. Thế rồi, công an xã mời cha đến xã làm việc một tuần lễ, với lý do là “Chúng ta chỉ có một đảng, sao linh mục kêu gọi cầu nguyện cho các đảng?” [1]!
Lễ ngày 2 tháng 11 có nhiều cách gọi. Cuốn “Những ngày lễ Công Giáo” chính thức của giáo phận ghi là: “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”, người ta thường gọi là “Lễ các đẳng linh hồn”, hay vắn tắt hơn thì gọi là “Lễ các đẳng”.
1. Nguồn gốc
Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).
Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này. Thánh Ôđilô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma. Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết. Công Đồng Vaticanô II cũng dạy: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh..." (GH 50), về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng dạy: "Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa... các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha..." (GH 49). Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện. Ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời liên quan đến niềm tin về luyện ngục và các thánh thông công.
2. Thuật từ tiếng Latin
Lễ này tiếng Latin là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, tiếng Anh gọi là “Commemoration of all the Faithful Departed”, có khi cũng gọi là All Souls’ Day (Lễ các linh hồn) hay Defuncts’ Day (Lễ các người đã qua đời). Uỷ Ban Phụng Tự dịch là “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là đúng, nhưng bình dân vẫn gọi là “Lễ các đẳng”. Vậy chúng ta tìm hiểu từ vựng này
3. Nghĩa của các, đẳng
3.1. Các: Có chín chữ Hán, ở đây là chữ各, nghĩa là (đại từ). (1) Mỗi một: Các bất tương đồng (không ai giống ai). (tt). (2) Khác: Các biệt. (3) Tất cả, hết thảy: Các vị (quý vị).
3.2. Đẳng: có hai chữ Hán, ở đây là chữ等, nghĩa là (dt.) (1) Thứ bậc: Thượng đẳng (bực trên nhất); Trung đẳng (bực giữa); Hạ đẳng (bực dưới nhất, hạng bét). (2) Phức số: Ngã đẳng (Nhóm chúng tôi). (3) Bậc thang: Thổ giai tam đẳng (Cầu thang đất có ba bậc). (đt.) (4) Ðợi chờ: Đẳng đãi (Chờ đợi). (5) Bằng nhau, đều: Đại tiểu bất đẳng (Lớn nhỏ không đều). (6) Cân lường. (tt.) (7) Hạng: Nhĩ thị hà đẳng nhân (Anh là hạng người nào). (pht.) (8) Vân vân: Đẳng đẳng.
4. Nghĩa của từ “các đẳng"
Các đẳng là tất cả thứ bậc. Thuật từ “Các đẳng linh hồn” để chỉ tất cả các linh hồn người quá cố trong luyện ngục [2] (thuộc thành phần Hội thánh đau khổ), phân biệt với “Các thánh nam nữ” là các phúc nhân trên thiên đàng (Hội Thánh vinh quang). [3] Có người cho rằng quan niệm về “linh hồn mồ côi” và “các đẳng linh hồn” v.v. chịu ảnh hưởng tư tưởng “cô hồn các đẳng” của ngoại giáo. Như Phật Giáo chia địa ngục ít nhất có 18 tầng và quỷ cũng có nhiều cấp bậc. Trong “Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh” [4] có rất nhiều thứ quỷ: quỷ đau đầu, quỷ mặc áo rách, quỷ ngủ bờ ngủ bụi, quỷ đói, quỷ nam căn [5] bị thối rửa… Hay trong xã hội loài người cũng chia làm nhiều giai cấp, tức là thứ bậc khác nhau trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh... Trong tác phẩm “Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn” [6] đề cập đến 10 hạng “cô hồn”: Thiền tăng, nho sĩ, đạo sĩ, thiên văn địa lý, lương y, quan liêu, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử. Trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” [7] cũng nói đến 10 loại: Vua chúa, tể thần, đại tướng, kẻ ham giàu, kẻ ham danh, thương nhân, binh lính, quý nữ, kỹ nữ, bần nhân gặp nạn chết oan... Con số 10 chỉ là số phiếm chỉ cho tất cả các loại cô hồn tồn tại trong “lục đạo” [8] mà thôi. Phải chăng, chính những hoàn cảnh này đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chúng ta?
Thực ra, trong xã hội trần gian bao giờ cũng có nhiều thứ bậc, đẳng cấp, giai tầng... Khi lìa trần, người ta không thể mang theo mình bất cứ của cải vật chất nào. Mọi thứ bậc, đẳng cấp, địa vị của con người ở trên đời không có ý nghĩa gì trước Tòa Phán Xét. Thiên Chúa xét xử con người theo “công trạng” [9] nó đã làm ra. Chúa không hỏi chúng ta là ai, thuộc giai cấp nào trên thế gian, nhưng Chúa sẽ hỏi chúng ta về “nén bạc” (ân sủng và tình yêu) mà Chúa giao phó đã được sinh lợi thế nào. Như Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Nên nhớ Người sẽ không khiển trách họ về hạnh kiểm, tội lỗi hay lời báng bổ; mà chỉ vì không ích lợi gì cho ai. Như kẻ đã chôn nén của bạc mình, đời sống y không có gì khiển trách, nhưng y không làm ích gì cho ai khác.” [10]
Vì vậy, khi nói “các đẳng linh hồn”, chúng ta nghĩ tới tất cả các linh hồn của mọi hạng người trên đời này đã quá cố và đang còn phải thanh luyện trong luyện ngục. Họ có thể là ông bà, tổ tiên, thân nhân, bạn hữu của chúng ta hay là những người xa lạ. Khi còn ở đời này, có thể họ là người giàu sang quyền quý hay nghèo khó mọn hèn. Họ có thể là những Kitô hữu hữu danh hoặc “Kitô hữu vô danh”. [11] Tất cả họ đều là chi thể của Chúa Kitô, giờ đây đang thuộc về Giáo Hội đau khổ và cần đến lời cầu nguyện của chúng ta.
“Các đẳng linh hồn” không có nghĩa là trong luyện ngục các linh hồn vẫn có sự phân chia đẳng cấp, điạ vị như khi còn ở thế gian hay trong Luyện Ngục có bao nhiêu đẳng cấp, thứ hạng linh hồn. Trong Luyện Ngục, tình trạng thanh luyện của họ có thể khác nhau, nhưng được “phân cấp” như thế nào thì chúng ta không biết.
Khi nói “linh hồn mồ côi”, chúng ta nghĩ tới linh hồn của hạng người phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin khi còn ở trên đời. “Đơn độc”, “cô quả”, “mồ côi”.... hiểu theo nghĩa đời thường là không có người thân thích, bạn bè, không có ai đồng hành để được quan tâm, nâng đỡ đời sống đức tin. Họ có thể là những tín hữu cô nhi, quả phụ hay kẻ cơ bần sống đời đơn chiếc. Họ cũng có thể là những tín hữu giàu sang, con đàn cháu đống, bạn hữu tứ phương mà thực ra những người quen biết xung quanh họ không ai có niềm tin Công Giáo như họ để xin lễ hay cầu nguyện cho họ. Và nay, những linh hồn đó đang ở trong Luyện Ngục, đang cần đến lời cầu nguyện từ Giáo Hội chiến đấu [12].
“Linh hồn mồ côi” không phải là linh hồn không được Chúa đoái trông chăm sóc, ít được Chúa yêu thương hay bị Ngài lãng quên. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Mọi linh hồn đều được Thiên Chúa tạo dựng. Mọi người đều được Chúa yêu thương bằng một tình yêu riêng biệt, không ai giống ai, Ngàivẫn không ngừng gọi chúng ta bằng chính tên riêng của từng người: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho” (Is 62,2) và tình yêu đó luôn luôn đầy tràn: “Ơn của Ta đủ cho ngươi” (2Cr 12,9).
Bản văn Công Giáo đầu tiên sử dụng từ “các đẳng” mà chúng tôi được biết là “Văn Tế Các Đẳng Linh Hồn” của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874): “Nhớ các đẳng xưa: Tay Chúa dựng hình, tính thiêng gởi xác. Di luân tài mạng chịu thiên tư, lý dục thị phi đầy địa bộ...”. Cụm từ “các đẳng”, “các đẳng linh hồn” đã được sử dụng từ lâu trong Giáo hội tại Việt Nam để chỉ các tín hữu đã qua đời đang còn thanh luyện chờ ngày hưởng phúc thanh nhàn bất diệt. Lịch phụng vụ của Roma xưa nay ghi lễ ngày 02/11 là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”. Lịch phụng vụ ởViệt Nam thì dịch là: “Lễ Các Linh Hồn” [13], “Lễ Linh Hồn” [14], “Lễ Cầu Cho Mọi Tín Hữu Qua Đời” [15], sau này dịch là “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Thiết nghĩ cách dịch “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” thì sát nghĩa với nguyên bản, nhưng nên hiểu đó vẫn là nói tắt, vì đầy đủ phải là Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời Đang Còn Thanh Luyện (hay đang ở luyện ngục). Cách nói “Lễ các đẳng” cũng là cách nói tắt, mang âm hưởng văn hóa bản địa về “cả thảy vong linh” thuộc “thập loại chúng sinh” gồm cả “cô hồn các đẳng”! Phải chăng các tiền nhân của chúng ta đã hội nhập văn hóa trong khi tạo ra cụm từ này để phiên dịch?
Trường hợp những ngày lễ Feria V in Cena Domini, Feria VI in Passione Domini, chúng ta dịch là Lễ Tiệc Ly (Thứ Năm Tuần Thánh), Lễ Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa (Thứ Sáu Tuần Thánh), nhưng người bình dân vẫn quen gọi là “Lễ Rửa Chân”, “Lễ Hôn Chân”... vừa đơn giản, tượng hình lại dễ nhớ. Tất nhiên không đủ nghĩa, không nên sử dụng nữa.
Kết luận
Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen xin lễ cho các linh hồn tổ tiên nội hay ngoại, linh hồn thân nhân, linh hồn mồ côi, linh hồn ngoại đạo, thai nhi, linh hồn người chết vì tai nạn… và trong Thánh lễ hàng ngày, Hội Thánh luôn cầu nguyện cho mọi người đã qua đời. Đó là những thực hành rất tốt để tưởng nhớ người đã qua đời, thực thi bổn phận “hợp thông cùng các thánh”.
Ngày “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, chính xác là ngày “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Còn “Lễ Các Đẳng” là cách nói vắn tắt, hiểu theo giáo lý Công Giáo như đã trình bày, thì không đúng cho lắm, những nếu đặt trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thì việc tiếp tục sử dụng nó cũng không có gì ngăn trở.
_______________________________________________
Ghi chú :
[1] Trong văn nói, một số người Nam bộ phát âm “các đẳng” thành “các đảng”, cũng như “cô hồn” thành “cu hồn”, nên “cúng cô hồn các đẳng” thì nói là: “cúng cu hồn các đảng”.
[2] Lưu ý là luyện ngục không phải là một hoả ngục ngắn hạn, luyện ngục hoàn toàn khác xa hoả ngục và sự thanh luyện được hiểu về trạng thái hơn là một ‘nơi chốn’, lại càng không thể nói ‘thời gian’ bao lâu (x. GLCG số 1030-1032).
[3] Thời xưa chưa có mục từ “tất cả”. Các danh từ chỉ tổng lượng thời xưa là: Cả, cả và, cả thảy, hết cả, hết thảy.
[4] Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh, gồm 17 chuyện, theo truyền thuyết thì do An Thế Cao dịch, nhưng được ghi nhận là thất dịch, thuộc đời lưỡng Tấn.
[5] Tức bộ phận sinh dục.
[6] Còn gọi là “Phật kinh thập giới”, không rõ tác giả, viết dưới thời vua Lê Thánh Tôn (1442-1497), là áng văn viết bằng chữ Nôm cổ theo thể biền ngẫu.
[7] Tác phẩm của Nguyễn Du (1765-1820), được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm. Theo Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hàng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn cầu siêu để giải thoát cho hàng triệu linh hồn.
[8] Theo giáo lý Phật Giáo, con người chúng ta do lực của nghiệp và phiền não của chính bản thân mà cứ mãi luân hồi chuyển sinh trong 6 chủng loại thế giới sinh tồn đầy những khổ đau, gọi là lục đạo đó là: thiên, a-tu-la, nhân, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
[9] Xem BGCN, Số 07/2010, tr. 106.
[10] Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng XX sách Công Vụ tông đồ (Jean Comby, Để đọc lịch sử Giáo Hội, q.I, tr.115).
[11] Có những người vì lý do nào đó mà không lãnh nhận bí tích Rửa Tội được, nên không trở thành Kitô hữu. Nhưng nếu họ sống theo những giá trị của Phúc Âm thì, nói theo từ ngữ của nhà thần học Karl Rahner, họ cũng là những “Kitô hữu vô danh” (Chrétien anonyme).
[12] Công đồng Florence (1431) đã định tín: Có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình để rút ngắn thời gian thanh luyện. Vì thế mà Giáo hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội.
[13] Niên Giám 1964, tr.11.
[14] Địa phận Hà Nội, Sách Lễ, Nxb Hiện Tại, 1967.
[15] Sách Lễ Giáo Dân, 1971, tr. xxix và tr. 1572. Cách dịch này rất dễ hiểu lầm là: Lễ cầu cho mọi tín hữu chết hết (!)

Nguồn: tinmung.net

Lần theo dấu vết Ngày lễ Các Linh Hồn


Lần theo dấu vết Ngày lễ Các Linh Hồn

Lần theo dấu vết Ngày lễ Các Linh Hồn


Tháng 11 có lễ kính nhớ Các Tín Hữu đã ra đi trước, hay lễ “Các Đẳng” vào ngày 2-11. Trong bài này, cha Van Hove sj cung cấp  một cái nhìn gọn gàng đối với việc thực hành cầu nguyện cho những người đã khuất, và cung cấp một lịch sử ngắn gọn về Ngày Lễ Các Đẳng.
Fr. Brian Van Hove, S.J.
trong  Ignatius Insigh, November 1, 2008
Như có lần Hồng y Giuse Ratzinger nói rất rõ về điểm khác biệt chủ yếu giữa người Tin Lành và Công giáo là việc cầu nguyện của người Công giáo cho người đã khuất : "Quan điểm của tôi là nếu Luyện ngục không hiện hữu, thì chúng ta cần phải tạo ra nó." Tại sao vậy ?
"Vì một một số lý do như tính cấp bách, tính người và tính phổ biến – đều có trong mọi thời và mọi nền văn hoá – như là việc “cầu nguyện cho người thân yêu của ta đã ra đi.” Calvin, nhà Cải Cách tại Geneva, đã thấy một người phụ nữ bị đánh đập vì người ta thấy bà đang cầu nguyện tại phần mộ của người con trai và như thế là phạm tội mê tín, theo Calvin. "Về lý thuyết, Phong trào Cải Cách từ chối chấp nhận Luyện tội, và cũng thường xuyên phủ nhận việc cầu nguyện cho cho những người đã khuất. Thực ra các thành viên thuộc của Giáo Hội Lutherô Đức quốc ít nhất trong thực hành đã quay về điểm ấy và đã khám phá ra sự công chính hoá về mặt thần học tại đây. Cầu nguyện cho những người thân yêu đã ra đi là điều hết sức khẩn thiết cần phải được nhấn mạnh; nó là sự chứng thực rất đẹp về tình liên đới, lòng mến và sự trợ giúp, vươn tới bên kia rào cản của cái chết. Hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của một người thân yêu đối với tôi, giờ đây đã đi qua bên kia biên bờ, trong chừng mực nào đó tuỳ thuộc vào việc liệu tôi có nhớ đến hay quên người ấy; người ấy không ngớt cần tình yêu của tôi." [1]
Người Công giáo không chỉ là những người cầu nguyện cho người đã khuất. Tập tục này cũng là tập tục của người Do-thái, và theo truyền thống thì người Công giáo đã dựa vào bản văn sau đây từ Kinh Thánh của người Do-thái, cộng với một số đoạn trong Tân ước, để biện minh cho niềm tin của họ : 38 “Thế rồi Ông Giu-đa thu quân và đến thành A-đu-lam. Đã đến ngày thứ bảy, họ thanh tẩy theo tục lệ và mừng ngày sa-bát ở đó.39 Ngày hôm sau, vào lúc phải làm, quân của ông Giu-đa đi thu các tử thi những người bị giết chết và đưa về chôn cất với những người thân trong phần mộ tổ tiên.40 Nhưng bên trong áo trận của mỗi tử thi, người ta đều tìm thấy lá bùa của tượng thần ở Giam-ni-a: đó là điều luật cấm; vì thế ai cũng thấy rõ bởi lý do nào những người ấy đã bị giết chết.41 Vậy mọi người chúc tụng Đức Chúa, vì Người là thẩm phán công minh đã phơi bày ra ánh sáng những điều bí ẩn.42 Họ bắt đầu khẩn nguyện, xin Chúa tẩy sạch tội lỗi đã phạm. Vị anh hùng Giu-đa khuyên nhủ toàn quân giữ mình sạch tội, vì họ đã nhìn thấy nhãn tiền những việc xảy ra là do tội của những người đã bị giết chết.43 Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại.44 Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn.45 Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức.46 Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,38-46). [2]
Ngoài người Do-thái, nhiều dân tộc cổ xưa cũng đã cầu nguyện cho những người đã khuất. Một số xã hội như vào thời cổ Ai-cập, mang bộ mặt “đưa đám” và đã dựng nên việc thực hành này. Điều cần phải làm là đào sâu tinh thần con người đối nghịch lại với khái niệm tiêu tan sau khi chết. Mặc dù có một số điều hiển nhiên đối với ngày lễ trong phụng vụ Kitô giáo na ná với Ngày lễ Các Đẳng của chúng ta ngay từ thế kỷ thứ tư, Giáo Hội vẫn từ từ đưa vào một lễ như thế vì tại Âu châu, do sự cố chấp của những nghi thức của lương dân cổ đối với người chết. Thực ra, phản ứng của anh em Tin Lành về việc cầu nguyện cho người quá cố có thể dựa trên những tàn tích này nhiều hơn và lòng mộ đạo đã bị biến dạng từ thời tiền-Kitô giáo hơn là trên  học thuyết Công giáo chân thực như đã được Giáo Hội Tây phương và Đông phương thể hiện. Học thuyết về luyện tội, đúng ra được hiểu như là việc cầu nguyện cho kẻ đã qua đời, lẽ ra không bao giờ gây cớ vấp phạm cho bất cứ ai tuyên xưng đức tin nơi Đức Kitô. Học thuyết này, đúng ra được hiểu là cầu nguyện cho người qua đời, lẽ ra không bao giờ được đưa ra để tấn công những người tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.
Khi chúng ta bàn bạc về Lễ Các Đẳng là chúng ta nhìn vào một ngày lễ thuộc phụng vụ mà chính nó đã trở thành công thức thuộc giáo lý đã được xác định, vì Giáo Hội thường chỉ làm sáng tỏ điều chưa được xác định rõ mà bây giờ đang bị xói mòn hay đang bị đe doạ. Tài liệu minh nhiên đầu tiên cho thấy việc cử hành này có từ thời thánh Isidore Seville (+ 636; vị giáo phụ cuối cùng của các Giáo phụ Tây phương) qui luật đan tu bao gồm luật phụng vụ cho tất cả những người qua đời vào ngày sau lễ Ngũ Tuần. [3] Thánh Odilo (962-1049 AD) là viện phụ của đan viện Cluny tại Pháp, đã đặt ngày cho việc cử hành phụng vụ đối với các tín hữu đã ra đi vào ngày mồng hai tháng Mười Một.
Trước đó, các ngày khác đã được thấy quanh khắp thế giới Kitô giáo, và những người Ac-mê-ni vẫn còn sử dụng ngày thứ hai đầu sau Phục Sinh cho mục đích này. Ngài đã cho công bố sắc lệnh là tất cả các đan viện của Dòng Cluny hàng năm phải duy trì ngày lễ này. Vào ngày 1-11 chuông phải được gióng lên và về sau Bộ kinh Thần Vụ cho Người Qua Đời (Office of the Dead) phải được cử hành và vào ngày hôm sau tất cả các linh mục sẽ cử hành Thánh lễ cầu cho sự an nghỉ của các linh hồn nơi luyện ngục. Sự tuân thủ các các tu sĩ Biển đức thuộc Đan viện Cluny đã sớm được thích nghi bởi các tu sĩ Biển Đức khác và bởi các tu sĩ thuộc dòng thánh Brunô (Carthusians) là những người đã được cải tổ từ dòng Biển Đức. Đức giáo hoàng Sylvester vào năm 1003 đã chấp thuận và khuyên thực hành. Cuối cùng các linh mục triều đã giới thiệu việc tuân giữ qui định phụng vụ này, và từ thế kỷ thứ 11 đến 14  việc tuân giữ này đã lan rộng khắp nước Pháp, Đức, Anh và Tây Ban Nha.
Sau cùng, trong thế kỷ 14, Rôma đã đặt ngày tưởng nhớ tất cả các tín hữu đã ra đi trong Các Sách Kinh (Thần vụ) của Tây phương hay Giáo Hội La-tinh. Ngày 2-11 được chọn  để ghi nhớ tất cả các linh hồn thánh thiện, cả các thánh trên trời và cả các linh hồn nơi luyện ngục, lẽ ra nên được cử hành trong hai ngày liên tiếp. Theo cách này, niềm tin Công giáo vào sự hiệp thông các thánh sẽ được thể hiện. Từ nhiều thế kỷ, lễ Các Thánh đã được cử hành vào ngày đầu tháng 11 rồi, việc tưởng nhớ các linh hồn trong nơi Luyện ngục được thiết lập vào ngày sau đó. Ngày lễ Các Thánh có từ thế kỷ thứ 4, nhưng sau cùng được ấn định vào ngày 1-11 do đức giáo hoàng Gregoriô IV vào năm 835. Hai ngày lễ nối kết các vị-đang-là-thánh với các vị gần-như-là-thánh và đã-là-thánh-rồi trước sự phục sinh từ kẻ chết.
Cách ngẫu nhiên, việc thực hành của các linh mục trong việc cử hành ba Thánh Lễ vào ngày này thì có nguồn gốc phần nào gần đây và ngày tháng chỉ lui lại tới khoảng năm 1500 với các tu sĩ Đa-minh vùng. Đức giáo hoàng Benêđictô XIV đã mở rộng tới toàn thể Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và châu Mỹ La-tinh vào năm 1748. Đức giáo hoàng Beneđictô XV vào năm 1915 đã ban : “Đặc ân ba thánh lễ” cho Hội Thánh toàn cầu. [4]
Vào ngày lễ Các Đẳng, phải chăng chúng ta có thể cầu nguyện cho những người trong lâm-bô? Lâm-bô (limbus) không phải là khái niệm cổ xưa trong Giáo Hội, và là một lối hiểu ngoại suy thần học (extrapolation) nhằm cung ứng cho việc giải thích những trường hợp không bao gồm trong bộ ba thiên đàng-luyện ngục-hoả ngục. Hồng y Ratzinger thì thiên về việc đặt thuyết này sang một bên, và nó không xuất hiện như một lý thuyết được dạy trong bộ sách mới Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. [5]
Giáo lý về Luyện tội, có trước cả phụng vụ về Lễ Các Đẳng, được đưa vào một công thức trong các khoản không được công bố bởi công đồng Florence (1439) và Trentô (1545-1563). Chân lý về học thuyết này đã có trước khi nó trở nên rõ ràng, dĩ nhiên, và chỉ từ những nhu cầu về lịch sử đã thúc đẩy cả Công đồng Florence lẫn Trentô phải công bố khi họ đã làm xong. Việc chấp nhận học thuyết này vẫn còn tồn tại một niềm tin cần thiết của đức tin công giáo.
Về các “ân xá” (indulgences) thì thế nào? Các ân xã được rút ra từ kho tàng ân sủng của GH được áp dụng cho những người đã ra đi vào ngày Lễ Các Đẳng, cũng như vào các ngày khác, theo những tiêu chuẩn về luật lệ của Giáo Hội. Người tín hữu thực hiện vai trò chuyển cầu của họ trong việc cầu nguyện nài xin lòng nhân từ của Chúa tuôn đổ trên những người đã qua đời. Chủ yếu, việc thực hành thúc đẩy các tín hữu đảm nhận lấy trách nhiệm. Đây là ý kiến của Michael Morrissey: “Ngược với quan điểm pháp lý và thương mại thông thường, giáo huấn về cơ bản là cố gắng thuyết phục các tín hữu thể hiện trách nhiệm đối với những người đã qua đời và sự hiệp thông của các thánh. Vì Giáo Hội dạy rằng cái chết không phải là sự chấm dứt cuộc sống, nên cả hai đều không chấm dứt các mối tương quan với những người thân yêu đã qua đời, cùng với các thánh tạo nên Thân Mình Đức Kitô trong “Giáo Hội Khải Hoàn.”
Hôm nay mối bận tâm về mặt thần học đang giảm sút đối với học thuyết ân xá là do có sự gia tăng nhấn mạnh đến các bí tích, đến đời sống cầu nguyện của người Công giáo, và sự tham gia tích cực vào thế giới như là những yếu tố cấu thành đời sống tâm linh. Đúng hơn, có lẽ đấy là do quan điểm cá nhân mang tính địa phương trong một nền văn hoá hiện đại làm cho điều ấy nặng nề hơn để có thể thấy trách nhiệm của mình, chứ chưa nói đến sự liên đới với bà con họ hàng và bạn hữu đã quan đời. [6]
Rồi, như với mọi kitô hữu, Ngày Lễ Các Đẳng phải cử hành với mầu nhiệm đức ái, rằng tình yêu Thiên Chúa vượt quá mọi sự, ngay cả cái chết. Các mối dây của tình yêu liên kết chúng ta là những thọ tạo, đang sống và đã chết, và Chúa là Đấng đã phục sinh, được cử hành cả vào ngày lễ Các Thánh và Lễ Các Đẳng mỗi năm.
Tất cả những ai đã được Rửa tội trong Đức Kitô và đã chọn Người thì sẽ tiếp tục sống trong Người. Nấm mồ không ngăn trở tiến trình hướng tới một sự kết hiệp sâu xa hơn với Người.  Nó chỉ là mức độ của sự gần gũi đối với Người mà chúng ta cân nhắc khi chúng ta cử hành ngày lễ Các Thánh một ngày, và lễ Các Đẳng vào ngày sau đó. Luyện ngục là một phúc lành lớn bởi vì nó cho thấy người nào yêu mến Thiên Chúa thì làm thế nào họ lại có thể thất bại trong tình yêu, và sau đó chữa lành nỗi thẹn thùng của họ. Phần lớn chúng ta hoặc không giữ trọn các giới răn hoặc đã không thất bại thực hiện trọn vẹn chúng. Con người rất tầm thường của chúng ta khiến chúng ta xấu hổ. Luyện ngục khoả lấp lỗ hổng ấy. Cuối cùng, chúng ta biết điều gì để hoàn thành tất cả có ý nghĩa. Phần lớn chúng ta hoặc không thù ghét hoặc không hoàn toàn thất bại trong việc thực thi đức ái. Luyện ngục dạy chúng ta tận căn ý nghĩa của tình yêu, khi Thiên Chúa ghi dấu lại sự thất bại của chúng ta đối với tình yêu trong thế giới này tiến tới sự hoàn thiện của tình yêu trong thế giới mai sau.
Như các bí tích trên trần gian này cung cấp cho chúng ta một quá trình biến đổi thành Kitô, cũng thế Luyện ngục tiếp tục tiến trình ấy cho tới khi việc giống Người được hoàn tất. Tất cả đều là ân sủng. Cầu nguyện tích cực cho người qua đời là "giới luật thánh” (holy mitzvah)[1] hay hành động của đức ái trên phần việc/bổn phận của chúng ta thúc đẩy tiến trình ấy. Giáo hội khuyến khích và thực hiện điều ấy với ý thức đặc biệt và trong sự hiệp thông vào Ngày Lễ Các Thánh, cho dẫu đó là điều luôn luôn và bổ ích ở khắp mọi nơi nhất thiết phải cầu nguyện cho người đã qua đời.
Ghi chú:
[1] Xem Joseph Cardinal Ratzinger, The Ratzinger Report: An Exclusive Interview on the State of the Church, với Vittorio Messori (San Francisco: Ignatius Press, 1985) 146-147. Michael P. Morrissey nói về điểm này: "Những nhà Cải Cách Thệ Phản bác bỏ học thuyết về Luyện tội, dựa trên giáo huấn cho rằng ơn cứu độ là bởi đức tin chỉ nhờ ân sủng, lời cầu nguyện chuyển cầu không có tác dụng gì đối với người đã qua đời." Xem "Afterlife" của tác giả trong The Dictionary of Catholic Spirituality, ed. Michael Downey (Collegeville: Michael Glazier/Liturgical Press, 1993) 28.
[2] 2 Maccabees 12:38-46. Từ The Holy Bible, Revised Standard Version, Containing the Old and New Testaments. Catholic Edition. (London: The Catholic Truth Society, 1966) 988-989.
[3] Xem Michael Witczak, "The Feast of All Souls", trong The Dictionary of Sacramental Worship, xb. Peter Fink, SJ, (Collegeville: Michael Glazier/Liturgical Press, 1990) 42.
[4] "Ba thánh lễ được phép chính thức được mỗi linh mục cử hành, nhưng một ý chỉ được qui về cho các Linh hồn Nghèo (mồ côi) và lễ kia cho ý chỉ của đức giáo hoàng. Phép này được đức giáo hoàng Benêđictô ban trong suốt chiến tranh thế giới 1914-1918 vì sự tàn bạo của cuộc chiến ấy và vì kể từ thời Cải Cách và do sự tịch thu tài sản của GH, các đòi buộc đối với các thánh lễ nhân các dịp kỷ niệm đã được thực thi như là những tặng phẩm và tài sản hầu như không thể tiếp tục theo cách thức đã được định sẵn. Một số nhà giáo luật tin rằng khoản Giáo luật 905 của Bản Luật mới đã huỷ bỏ thực hành này. Tuy nhiên, Sách các phép (Sacramentary), đã in ưu tiên đối với Khoản này, cung cấp 3 Thánh lễ tách rời nhau cho ngày này." Xem Jovian P. Lang, OFM, Dictionary of the Liturgy (New York: Catholic Book Publishing Company, 1989) 21. Xem cả Francis X. Weiser, The Holyday Book (New York: Harcourt, Brace and Company, 1956) 121-136.
[5] Đức Ratzinger đã khẳng định: “Lâm-bô (Limbus) chưa bao giờ là một chân lý đức tin được xác định. Cách cá nhân—và ở đây tôi nói thêm trong tư cách là nhà thần học chứ không phải là một Bộ trưởng của Thánh Bộ—tôi bác bỏ điều ấy vì nó chỉ là một giả thuyết thần học. Nó tạo nên bộ phận của một luận đề thứ yếu để ủng hộ một chân lý một cách tuyệt đối về ý nghĩa đầu tiên đối với đức tin, nghĩa là sự quan trọng của bí tích Rửa Tội. Để đặt nó thành những lời của Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: "Thật, tôi nói thật với ông, trừ phi được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, ông không thể vào được Nước Trời" (Ga 3,5). Ta không nên do dự loại bỏ ý niệm “lâm bô" nếu thấy cần (và thật cần lưu ý rằng chính các nhà thần học đã đề nghị “lâm bô", cũng nói rằng các bậc cha mẹ có thể dự phòng cho con cái ý niệm lâm bô bằng việc ước ao phép rửa và qua việc cầu nguyện); nhưng mối bận tâm ở phía sau nó ắt không được bỏ đi. Phép rửa không bao giờ là một vấn đề ngoài rìa đối với đức tin; không phải là lúc này, hoặc sẽ không bao giờ". Xem Ratzinger, The Ratzinger Report, 147-148.
[6] Morrissey, "Afterlife" trong The Dictionary of Catholic Spirituality, 28-29.
Antôn Vũ Hữu Lệ OFM (dịch)
Tháng các linh hồn 2011

Thiên Chúa không thất vọng về con người


Thiên Chúa không thất vọng về con người

Thiên Chúa không thất vọng về con người

Thiên Chúa yêu thương con người, bởi vì Ngài không thể chối bỏ hình ảnh của Ngài nơi con người.
Văn hào Nga Dostoievski, với những tác phẩm nổi tiếng như “Tội ác và Hình phạt”, “Anh em nhà Karamazov”, là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng, như một phép lạ, vào giữa lúc sắp sửa bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh tha.
Người viết tiểu sử của ông kể lại như sau: Thời gian trong tù đã in đậm nét trên quãng đời còn lại của ông. Từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương. Dù họ có phạm tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội, do đó đáng được sự tha thứ. Khi bước xuống khỏi máy chém, Karamazov thấy mọi sự như vô nghĩa. Ðiều duy nhất còn có ý nghĩa đối với ông chính là tình yêu, và cho dù trong suốt 30 năm sau, cuộc đời của ông đắm chìm trong bùn nhơ của tội lỗi, của khốn khổ, của ô nhục, ông luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của yêu thương. Một lần bị đưa lên máy chém ấy cho ông hiểu rằng con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông, thương mến.  Ðó là sứ điệp mà Karamazov công bố suốt cuộc đời của ông.
Cả cuộc đời của ông là một cố gắng không ngừng để diễn đạt câu nói:
"Hỡi người anh em, không có gì có thể ngăn cản tôi yêu thương bạn".
Nếu có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về con người đốn mạt của chúng ta, nếu có những lúc chúng ta không còn tin tưởng ở tình người nữa, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu.  Chúng ta thấy ngay ánh mắt nhân từ, cảm thông của Ngài.¨    
Khi Zakêu, thủ lãnh của phường thu thuế, leo lên cây cao để thấy Ngài, Chúa Giêsu đã ôn tồn nói với ông: "Hôm nay, tôi đến thăm nhà ông".
Khi người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được dẫn ra trước mặt Ngài, Chúa Giêsu nhỏ nhẹ nói với bà: "Chị hãy về đi, tôi không kết án chị".
Khi Maria Madalêna đến quỳ dưới chân Ngài, Chúa Giêsu đã không hắt hủi cô.
Khi Phêrô phản bội Ngài, Chúa Giêsu nhìn ông với tất cả trìu mến, thông cảm.
Khi tên trộm cừu bị treo trên thập giá hướng về Ngài, Chúa Giêsu đã hứa với anh: "Hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên Thiên Ðàng".
Ngài đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi.
Ngài tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá.
Qua cách cư xử của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Ngài yêu thương con người, bởi vì Ngài không thể chối bỏ hình ảnh của Ngài nơi con người. Chính ánh lửa ấy khiến cho Thiên Chúa vẫn luôn nhận ra được hình ảnh của mình nơi con người, để không bao giờ thất vọng về con người.
Đức Ông Nguyễn Văn Tài
NGUỒN: KINHTHANH.ORG

Cầu Nguyện cho các tín hữu đã qua đời - A


Cầu Nguyện cho các tín hữu đã qua đời - A

Nguồn: 40giayloichua.net