Trang

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Nữ ngôn sứ, một hiện tượng lạ trong Kinh Thánh Cựu Ước

Nữ ngôn sứ, một hiện tượng lạ trong Kinh Thánh Cựu Ước

Nữ tiên tri Debora
                                                                                         Môn học: Ngôn Sứ Giáo sư: Cao Gia An, S.J.
Học viên:
 Lê Cao Tài, S.J.
Trong bối cảnh văn hóa và tôn giáo Do Thái trọng nam khinh nữ, việc xuất hiện các nữ ngôn sứ là một hiện tượng lạ. Tác giả bài viết chưng dẫn những chứng cớ trong Cựu Ước cho thấy tính tương phản giữa một thế giới quan xem thường người nữ với uy tín, ảnh hưởng và tầm quan trọng của các nữ ngôn sứ. Hiện tượng lạ ấy mạc khải dung mạo của Thiên Chúa, Đấng vĩ đại và quyền năng, biến những điều không thể thành ra có thể, như lời thánh Phaolô viết: “những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1 Cr 1:27)
Dẫn nhập
Trong các nền văn hóa và tôn giáo cổ xưa trên thế giới, người phụ nữ thường ít được xem trọng. Đặc biệt, trong những xã hội tiền phong kiến và phong kiến, quan niệm trọng nam khinh nữ càng rõ ràng, việc đàn ông có năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường.Với các tôn giáo cũng vậy, phụ nữ thường không có vai trò quan trọng, nhất là trong việc tế tự, thậm chí họ còn bị coi là ô uế. Văn hóa và tôn giáo Do Thái thời Cựu Ước cũng không ngoại lệ, người phụ nữ không được xem trọng và phải phục tùng đàn ông. Không chỉ trong Kinh Thánh Cựu Ước, ngay cả vào thời Chúa Giê-su và các tông đồ, tác giả Kinh Thánh cũng đã diễn tả quan điểm của người thời đó về phụ nữ. Như trong phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều, phụ nữ và trẻ em không được tính: Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14, 21) hoặc thư gửi ông Ti-mô-thê, thánh Phao-lô cũng đã trình bày quan điểm theo văn hóa thời đó, là người phụ nữ chỉ biết lắng nghe và phục tùng: “Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng”(1 Tm 2, 11-12).
Nếu phụ nữ không có địa vị và giá trị trong văn hóa Do Thái, thì việc một phụ nữ trở thành ngôn sứ là điều hiếm hoi và lạ lùng, vì ngôn sứ là người công bố lời Thiên Chúa cho dân chúng, sửa dạy và dẫn dắt họ vượt qua những khó khăn trong hoàn cảnh hiện tại và loan báo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, với não trạng trọng nam khinh nữ như vậy, liệu một nữ ngôn sứ có thể làm được gì? Họ đóng vai trò nào trong chức vụ của họ? Và động lực nào giúp họ vượt qua rào cản xã hội để dấn thân trong ơn gọi ngôn sứ của mình? Bài viết này cố gắng tìm hiểu thân phận người phụ nữ và về các nữ ngôn sứ trong Kinh Thánh Cựu Ước để trả lời cho những vấn nạn vừa nêu.
Như vậy, trước hết, chúng ta sẽ bàn về thân phận thấp hèn của người phụ nữ trong văn hóa, tôn giáo Do Thái trong Kinh Thánh Cựu Ước, để thấy những nổi thống khổ và khó khăn của người phụ nữ, qua đó, giúp ta hiểu rằng việc người phụ nữ trở thành ngôn sứ là điều vô cùng đặc biệt.
Thân phận thấp hèn của người phụ nữ trong Cựu Ước
Cựu Ước là thời kỳ tiền phong kiến và phong kiến, với chế độ đa thê, người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ. Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy E-sau có 3 người vợ, Gia-cóp: 2 vợ; En-ka-na: 2 vợ; Đa-vit: ít nhất 10 vợ; Re-ha-bô-am: 3 vợ; A-bi-gia: 14 vợ; Giê-hô-am, Gio-at, A-hab, Giê-hô-gia-kim: có rất nhiều vợ và đặc biệt Salo-mon có tới hơn 300 người vợ… Như vậy, so với những nền văn hóa khác như Trung Hoa, Ấn Độ, quan niệm của người Do-Thái về phụ nữ cũng chẳng khác gì mấy: người phụ nữ không được xem trọng, họ coi phụ nữ như là tài sản thuộc quyền sở hữu của đàn ông; phụ nữ còn bị coi là xấu xa, ô uế và họ không có quyền để quyết định số phận của mình.
Người phụ nữ bị coi như sở hữu của đàn ông
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có rất nhiều đoạn diễn tả quan niệm của người Do Thái về người phụ nữ. Phụ nữ chỉ chỉ được xem như là tài sản của người đàn ông mà thôi. Một người con gái khi chưa lập gia đình thì lệ thuộc vào người cha và khi lấy chồng thì nàng phải lệ thuộc vào người chồng của nàng. Nàng không được tự mình quyết định cho số phận riêng của mình.
– Khi thiếu nữ chưa có chồng thì nàng thuộc quyền sở hữu của cha nàng.
Người thiếu nữ, khi chưa lấy chồng, không có quyền quyết định số phận của mình nhưng cha nàng sẽ là người quyết định số phận của nàng. Như trong trường hợp của ông Lót, ông không tìm cách khác để bảo vệ người khách của ông khỏi tay bọn biến thái ở thành So-dom mà lại chọn cách đưa hai đứa con gái còn trong trắng của mình cho người ta hãm hiếp:Đây tôi có hai đứa con gái chưa ăn ở với đàn ông, tôi sẽ đưa chúng ra cho anh em; anh em muốn làm gì chúng thì làm, nhưng còn hai người này, xin anh em đừng làm gì họ, vì họ đã vào trọ dưới mái nhà tôi.” (St 19,8). Điều này cho thấy rằng ngay trong thời kỳ đầu của dân tộc Do Thái, người phụ nữ đã là sở hữu của người cha.
Cho đến thời Mô-sê, điều này được diễn tả rõ ràng hơn trong sách luật:Khi một người đàn ông gặp một cô gái chưa đính hôn, nắm lấy nàng và nằm với nàng, và họ bị bắt gặp, thì người đàn ông đã nằm với nàng phải nộp cho cha cô gái năm mươi thỏi bạc; nàng sẽ là vợ người ấy, bởi lẽ người ấy đã cưỡng hiếp nàng, và suốt đời người ấy không thể rẫy nàng (Đnl 22, 28-29).Trong luật này, người con gái không hề có tiếng nói, chỉ biết thinh lặng, chấp nhận để cha nhận tiền và phải cưới một người đã hãm hiếp mình làm chồng cho hết cuộc đời.
Nếu cha nàng không muốn cho nàng lấy người dụ dỗ nàng thì cha nàng cũng nhận được số tiền lớn hơn:Khi có ai dụ dỗ một thiếu nữ chưa đính hôn và ăn nằm với nàng, thì phải trả tiền cưới cho gia đình nàng. Nàng sẽ thành vợ người đó. Nếu cha nàng nhất định không chịu gả, người ấy sẽ phải nộp một số tiền tương đương với tiền cưới một người con gái. (Xh, 22,15-16)và nàng sẽ bị mang tiếng là con gái mất trinh. Càng không công bằng hơn khi người con gái ấy đi lấy người khác, khi anh ta phát hiện nàng không còn trinh tiết nữa thì nàng có thể bị đem đi tử hình, như trong sách Đệ Nhị Luật cho thấy: nếu người ta không tìm thấy nơi cô gái những dấu chứng tỏ cô còn trinh, thì họ sẽ lôi cô gái ra cửa nhà cha nàng; người trong thành của nàng sẽ ném đá nàng cho chết và nàng sẽ phải chết, vì nàng đã làm điều đồi bại trong Ít-ra-en, khi làm điếm trong nhà cha mình” (Đnl 22,20-21). Cô ta bị tử hình là vì cô đã làm mất danh dự của người cha chứ không phải vì hành vi gian ác nào đó. Điều này có nghĩa là danh dự của người cha còn cao hơn cả mạng sống của một người con gái. Còn khi người đàn ông làm mất danh dự của phụ nữ, khi lấy nàng về làm vợ mà nghi ngờ nàng không còn trinh tiết rồi tố cáo nàng, nhưng nàng thật sự đã không hề mất trinh tiết, thì người đó chỉ bị sửa phạt và phải nộp tiền phạt cho cha của nàng: Các kỳ mục trong thành sẽ bắt người chồng và sửa phạt: họ sẽ bắt người ấy nộp phạt một trăm thỏi bạc, và sẽ trao số bạc đó cho người cha cô gái, vì người ấy đã bôi xấu danh dự của một trinh nữ Ít-ra-en. Nàng sẽ là vợ người ấy và suốt đời người ấy không thể rẫy nàng”(Đnl 22,18-19) và nàng lại phải tiếp tục sống với người đó trong nỗi tủi nhục.
  • Khi một thiếu nữ lấy chồng, nàng sẽ trở thành sở hữu của chồng nàng
Đọc câu chuyện kể về nguyên nhân cuộc chiến tranh giữa Ít-ra-en và chi tộc Ben-gia-min (sách Thủ Lãnh chương 19), ta mới thấy sự dã man của đàn ông khi đối xử với phụ nữ, nhất là người đàn ông Lê-vi được gọi là chồng của nàng. Khi ông ta và vợ đi đường xa không có chỗ trọ thì một cụ già đã đón họ về nhà cụ. Nhưng khi đón khách vào nhà, những người trong thành lại vây quanh nhà, đòi làm điều đồi bại với người khách. Cụ già không thể làm gì để bảo vệ người khách Lê-vi này nên đã muốn hiến người con gái còn trinh của cụ và vợ của người đàn ông kia cho họ hãm hiếp. Cuối cùng, người đàn ông Lê-vi này đã đưa chính người vợ của mình cho họ cưỡng hiếp: Chúng cưỡng hiếp nàng suốt đêm cho tới sáng, và lúc rạng đông mới buông tha. (Tl 19, 25). Đến sáng, người phụ nữ trở về nhà trọ với thân tàn ma dại và gục chết trước cửa nhà. Sau đó, người đàn chặt nàng ra thành mười hai mảnh rồi gửi đi khắp thành phố Ít-ra-en(Tl 19,16-30). Trong câu chuyện này, người phụ nữ không hề có một tiếng nói nào, tất cả mọi quyết định đều tùy thuộc vào người chồng, ngay cả với mạng sống của họ.
Trong sách luật Do-thái cũng không có chỗ nào cho phép người phụ nữ viết đơn li dị chồng, chỉ có người chồng mới có quyền viết đơn li dị vợ mình mà thôi.Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà” (Đnl 24,1-3).Người phụ nữ không hề có danh phận trong luật Do-Thái. Người vợ sống là để rạng danh chồng, rạng danh dòng họ của chồng, và không thể tự quyết định cho số phận của mình như trong luật sinh nối dõi cho chồng mình. Người phụ nữ buộc phải lấy anh em của chồng mình khi chồng cô qua đời: Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Ít-ra-en” (Đnl 25,5-6).
Khi một người đàn ông gặp một phụ nữ có chồng và quan hệ với nàng trong hoặc ngoài thành thì người đàn ông đó phải bị xử tử, không phải vì người đàn ông đó đã hãm hại người phụ nữ nhưng vì người đàn ông đó đã xâm phạm đến quyền sở hữu của người chồng cô ta (Đnl 22,23-29). Có lẽ điều răn thứ mười trong sách Xuất hành cũng đã chịu ảnh hưởng của bởi quan niệm xem phụ nữ như tài sản sở hữu của người chồng cũng giống như những thứ khác: “ngươi không được ham muốn nhà người ta, vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,17).
Người phụ nữ bị coi là xấu xa, ô uế và thấp hèn
Có lẽ tư tưởng xem người phụ nữ là xấu xa, là kẻ cám dỗ xuất phát từ lúc khởi nguyên, trong trình thuật sáng tạo, khi A-đam đổ lỗi cho người phụ nữ là đã dụ dỗ ông ăn trái cấm: Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”(St 3,12).Tư tưởng này hình như đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Do-Thái, nên trong sách Huấn Ca, tác giả đã nói về phụ nữ như là nguồn gốc của tội với giọng văn cay nghiệt:Tội bắt đầu có là do đàn bà,và cũng tại đàn bà mà tất cả chúng ta phải chết” (Hc 25,24). Cũng trong sách này, một số đoạn khác cũng cho thấy lối nhìn của tác giả về người phụ nữ thật tiêu cực, đầy dèm pha:Không vết thương nào sánh nổi vết thương lòng, (không sự dữ nào bằng sự dữ do đàn bà gây nên) không độc ác nào bằng độc ác của người phụ nữ” (Hc 25,13) vàMọi gian ác đều chẳng thấm vào đâu so với gian ác của người đàn bà; thị sẽ phải chịu số phận của phường tội lỗi”(Hc 25,19); hơn nữa: Trước bất cứ ai, đừng chăm chú nhìn vào sắc đẹp, cũng đừng ngồi chung với bọn đàn bà. Vì cũng như áo quần có rận,đàn bà có thứ gian ác của đàn bà. Đàn ông gian ác hơn đàn bà tốt bụng, vì đàn bà trơ trẽn đưa đến nhục nhằn (Hc 42, 12-14). Khi tác giả nói rằng “đàn ông gian ác hơn đàn bà tốt bụng” thật là một lời thậm xưng, nó còn là lời vu khống cho phụ nữ. Vì trong lịch sử nhân loại, sự tàn ác, giết chốc, chiến tranh… đều đến từ những người đàn ông. Điển hình nhất là khởi đầu của lịch sử nhân loại, sự ác xuất phát từ người đàn ông mà Kinh Thánh đã cho thấy Ca-in đã giết Aben, em mình.
Hơn thế nữa, Kinh Thánh Cựu Ước còn xem phụ nữ là ô uế, nhơ nhớp. Theo quy luật tự nhiên, một người phụ nữ không thể tránh khỏi chu kỳ kinh nguyệt và việc sinh nở. Nhưng đối với luật Mô-sê, thời kỳ kinh nguyệt là thời kỳ ô uế nhất của người phụ nữ[1], ngay cả khi người khác đụng vào họ hay đụng vào những đồ dùng của họ, người đó cũng ra ô uế: “Khi một người đàn bà ra huyết, huyết từ thân thể chảy ra, thì nó sẽ ra ô uế bảy ngày vì có kinh. Bất cứ ai đụng vào nó, sẽ ra ô uế cho đến chiều. Mọi cái gì nó nằm khi có kinh, sẽ ra ô uế, mọi đồ vật nó ngồi lên, sẽ ra ô uế. Bất cứ ai đụng vào giường của nó, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều. Bất cứ ai đụng vào đồ vật nó đã ngồi lên, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều. Nếu có cái gì trên giường hoặc trên đồ vật nó đã ngồi lên, thì ai đụng đến cái đó, sẽ ra ô uế cho đến chiều”(Lv 15,19-23). Khi người phụ nữ sinh con thì cũng bị ô uế và sinh con gái thì bị ô uế gấp hai lần khi sinh con trai: “Khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng bảy ngày, nó sẽ ra ô uế như những ngày bị khó ở vì kinh nguyệt. Đến ngày thứ tám, đứa trẻ sẽ được cắt bì nơi da quy đầu. Rồi người đàn bà phải đợi ba mươi ba ngày cho máu được thanh tẩy; nó không được đụng đến vật thánh nào và không được vào thánh điện, cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của mình. Nếu sinh con gái, thì người đàn bà sẽ ra ô uế trong vòng hai tuần, như khi có kinh; rồi nó phải đợi sáu mươi sáu ngày cho máu được thanh tẩy” (Lv 12,2-5).Có thể nói, cuộc đời người phụ nữ có rất ít thời gian trong tình trạng trong sạch nên có lẽ dưới mắt người Do-thái, phụ nữ luôn là ô uế.
Có lẽ vì tư tưởng xem phụ nữ là nguồn gốc của sự gian ác, xấu xa, và luôn bị ô uế mà người Do-thái đã hạ thấp địa vị và phẩm giá của họ. Một điều rất rõ ràng là chỉ đàn ông mới có tên tuổi trong sổ sách thống kê dân số, người phụ nữ chỉ là những người phụ thuộc. Như trong sách dân số, con trai mới được liệt kê vào sổ: “Hãy kiểm tra con cái Lê-vi theo gia tộc và thị tộc, tất cả đàn ông con trai tuổi từ một tháng trở lên, hãy ghi số.” (Ds 3,5). Nếu phụ nữ là người hầu thì thật khốn đốn, họ sẽ không bao giờ được nói lên tiếng nói của mình. Người chủ có quyền hoàn toàn trên họ. Họ không có quyền quyết định số phận của mình, thậm chí họ có thể bị ép phải ăn ở với chủ mình và cũng có thể bị đuổi đi lúc nào không biết, như trường hợp của nàng hầu Haga (St 16, 1-6). Hơn nữa, trong sách dân số, khi Mô-sê đánh thắng quân Ma-đi-an và chiếm lấy những chiến lợi phẩm như chiên, dê, bò lừa … và phụ nữ cũng được liệt kê vào trong những chiến lợi phẩm đó: Ông Mô-sê và tư tế E-la-da làm như ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê. Những của đoạt được, những phần còn lại của chiến lợi phẩm mà các người tham chiến đã chiếm lấy, là 675.000 chiên dê, 72.000 bò bê, 61.000 con lừa, và nhân mạng, tức là những phụ nữ chưa ăn ở với đàn ông, tất cả là 32.000 người (Ds 31,31-35). Một dẫn chứng khác cho thấy phụ nữ bị đối xử thật bất công. Trong khi người đàn ông ăn ở với người phụ nữ không phải là vợ mình, thậm chí với kỹ nữ vẫn không bị xem là có tội, thì người phụ nữ lại bị xử tử vì làm kỹ nữ hoặc ăn nằm với một người đàn ông khác không phải chồng mình, như trong chuyện của ông Giu-đa và con dâu là Ta-ma: Khoảng ba tháng sau, người ta báo cho ông Giu-đa rằng: “Ta-ma, con dâu ông, đã đi làm điếm; nó còn có thai vì làm điếm nữa! ” Ông Giu-đa nói: “Lôi nó ra mà thiêu sống! “ (St 38,24).
Có thể vì quan niệm người phụ nữ ô uế và thấp kém như vậy mà trong phụng tự Do Thái phụ nữ cũng không có chỗ đứng trong đền thờ, phụ nữ không được đọc hay nói trong hội đường và trong đền thờ. Đền thờ Do Thái thời Cựu Ước cho đến thời Chúa Giê-su vẫn luôn có sự phân biệt phái tính và giai cấp trong các hoạt động tôn giáo. Ở bên ngoài đền thờ là hành lang dành cho người ngoại, sân tiếp theo là sân giới hạn dành cho phụ nữ. Bên trong là sân dành cho những người nam Do Thái rồi đến sân dẫn đến Nơi Thánh dành riêng cho các thầy tế lễ, sau là Nơi Thánh và cuối cùng là Nơi Chí Thánh. Thật vậy, sách Lê-vi có nói thêm chi tiết là sau khi mãn thời gian thanh tẩy, người phụ nữ sẽ đền đền thờ làm lễ toàn thiêu và lễ xá tội, nhưng chỉ được đứng bên ngoài cửa lều:Khi mãn thời gian thanh tẩy, dù sinh con trai hay con gái, nó phải đem đến cho tư tế, ở cửa Lều Hội Ngộ, một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội.7 Tư tế sẽ tiến dâng chúng trước nhan ĐỨC CHÚA và cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ được thanh tẩy sau khi đã xuất huyết” (Lv 12,6-7).
 
Các nữ ngôn sứ, một hiện tượng lạ trong Kinh Thánh Cựu Ước
Theo quan điểm và luật lệ của người Do Thái trong Cựu Ước, vị trí người phụ nữ rất thấp kém, họ không tự quyết định số phận của mình, sao họ lại có thể trở thành ngôn sứ, là người nói  Lời Thiên Chúa và là người quyết định số phận cho nhiều người, thậm chí là cho cả dân tộc được? Đó là một điều kỳ lạ xảy ra với ba người phụ nữ mà ta sẽ đề cập dưới đây. Họ được sách Thánh gọi là nữ ngôn sứ, là người của Thiên Chúa.
Các nữ ngôn sứ trong Cựu Ước
Trong Cựu Ước, Kinh Thánh đề cập tới ba người phụ nữ và được gọi là ngôn sứ, đó là nữ ngôn sứ Mi-ri-am, nữ ngôn sứ Đơ-vô-ra và nữ ngôn sứ Khun-đa.
  • Nữ ngôn sứ Mi-ri-am (Xh 15,20)
Bà Mi-ri-am thuộc chi tộc Lê-vi, con gái của ông Am-ram và bà Giô-khe-vết. Bà là chị của một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Do Thái là Mô-sê và là em của A-ha-ron (x. Xh 15,20). Khi còn nhỏ, Mi-ri-am là một đứa con ngoan ngoãn, vâng lời mẹ, thương em; Mi-ri-am chính là một cô bé kiên nhẫn, khôn ngoan, lanh lợi đã giới thiệu người vú nuôi người Hip-ri, cũng chính là mẹ mình cho công Chúa Ai-Cập (Xh 2,4-8). Bà Mi-ri-am cùng với A-ha-ron là cánh tay đắc lực hỗ trợ Mô-sê trong hành trình dẫn dắt dân băng qua sa mạc 40 năm. Sau khi vượt Biển Đỏ khô chân, bà Mi-ri-am là người hướng dẫn phụ nữ trong việc ca hát thờ phượng Chúa. Bà viết những bài hát ca ngợi Chúa qua cuộc chiến thắng khải hoàn tiêu diệt quân Ai-Cập trong lòng biển: “Nữ ngôn sứ Mi-ri-am, em ông A-ha-ron, cầm lấy trống; mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống và nhảy múa.21 Bà Mi-ri-am xướng lên rằng:”Hãy hát mừng ĐỨC CHÚA, Đấng cao cả uy hùng, kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương” (Xh 15,20-21).Trong Kinh Thánh, chỉ có bà là người phụ nữ duy nhất được vào trong Lều Hội Ngộ (x. Ds 12,4). Bà cũng là người phụ nữ duy nhất được nêu danh trong gia phả với tư cách là một người con “Tên người vợ của Am-ram là Giô-khe-vét, con gái ông Lê-vi, ông đã sinh bên Ai-cập. Bà đã sinh cho ông Am-ram: A-ha-ron, Mô-sê và người em gái là Mi-ri-am (Ds 26,59). Kinh thánh cũng nhắc đến ngày qua đời của bà: Toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en đến sa mạc Xin vào tháng giêng, và dân ở lại Ca-đê. Bà Mi-ri-am đã qua đời và được chôn cất tại đây” (Ds 20,1). Tất cả những điều này chứng tỏ rằng Bà Mi-ri-am rất quan trọng trong sứ mạng của Mô-sê. Mặc dù bà đã phạm tội trước nhan Đức Chúa và Chúa đã phạt bà bị bệnh phong và cũng chính Chúa đã chữa lành cho bà. Từ đó, bà tiếp tục giúp đỡ Mô-sê phục vụ cho sứ mạng của Chúa. Chúa đã đặt bà làm ngôn sứ để đứng bên cạnh nâng đỡ Mô-sê trong lúc khó khăn cũng như trong giờ phút vinh quang và chia sẻ với Mô-sê hy vọng tươi sáng về một vùng đất hứa mà Chúa sẽ ban cho dân tộc Ít-ra-en.
  • Nữ ngôn sứ Đơ-vô-ra (Tl 4, 4-10)
Trong sách thủ lãnh có kể về một nữ ngôn sứ khác, đó là bà Đơ-vô-ra. Bà mạnh mẽ oai hùng. Bà là một nhà lãnh đạo có đầy uy thế không phải vì tài năng và sức riêng của mình mà do bà có Đức Chúa ở cùng. Những gì bà nói, ra lệnh là những lời bà nghe được nơi Đức Chúa. Vì thế, bà được gọi là ngôn sứ và nắm quyền xét xử con cái Ít-ra-en trên núi Ép-ra-im:Bà Đơ-vô-ra, một nữ ngôn sứ, vợ ông Láp-pi-đốt, thời ấy làm thủ lãnh xét xử Ít-ra-en.5 Bà ngồi xử dưới Cây Chà Là Đơ-vô-ra, giữa Ra-ma và Bết Ên, trên núi Ép-ra-im, và con cái Ít-ra-en đến với bà để bà xét xử cho” (Tl 4,4-5). Câu chuyện nổi tiếng của bà là cuộc chiến oai hùng đưa dân tộc Ít-ra en thoát khỏi ách thông trị của Ga-vin, vua Ca-na-an. Một người đàn bà mạnh mẽ và can đảm nhờ vào sức mạnh của Đức Chúa, trong khi vị tướng Ba-rắc chỉ huy mười ngàn quân lại rụt rè, sợ hãi trước chín trăm xe sắt của tướng Xi-xơ-ra, người Ca-na-an. Ông Ba-rắc nói với bà: “Nếu bà đi với tôi thì tôi đi, nếu bà không đi với tôi thì tôi không đi.”9 Bà trả lời: “Chắc chắn tôi sẽ đi với ông. Có điều là trong chuyến đi này, vinh dự không thuộc về ông, vì ĐỨC CHÚA sẽ trao Xi-xơ-ra vào tay một người đàn bà” (Tl 4,9). Cuộc chiến này đã đập tan ách thống trị của vua Ca-na-an trên dân tộc Ít-ra-en; và lãnh thổ Ít-ra-en được bình an trong 40 năm.
  • Nữ ngôn sứ Khun-đa (2V 22,14-20)
Sau triều đại của Vua Mơ-na-sê và A-Môn, được xem là hai bị vua vô đạo đức nhất của Giu-đa, thời kỳ đân tộc Ít-ra-en hoàn toàn phản bội Thiên Chúa: vua đã xây các tế đàn kính toàn thể các thiên binh. Vua làm lễ thiêu con trai mình, làm nghề chiêm tinh và phù thuỷ, lập ra cô đồng và thầy bói; vua làm nhiều điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA để trêu giận Người”(2V 21,6)một người phụ nữ khác xuất hiện với danh hiệu là ngôn sứ. Đó là nữ ngôn sứ Khun-đa, thời vua Giô-si-gia. Trong thời điểm này có rất nhiều ngôn sứ nổi lên như: ngôn sứ Xô-phô-ni-a, Na-khun, Kha-ba-cúc, Giê-rê-mi-a, nhưng có một điều rất lạ là vua Giô-si-gia sai các tư tế và ký lục lại đi tìm gặp một người phụ nữ để thỉnh ý Đức Chúa: “Tư tế Khin-ki-gia-hu, các ông A-khi-cam, Ác-bo, Sa-phan và A-xa-gia đi gặp nữ ngôn sứ Khun-đa, vợ người phụ trách phòng lễ phục là ông Sa-lum, con ông Tích-va; cháu ông Khác-khát; bà ở tại khu vực phụ thuộc thành Giê-ru-sa-lem” (2 V 22,14). Nữ ngôn sứ này đã nói Lời Đức Chúa, và đã làm thay đổi cả dân tộc Giu-đa, từ kẻ phản bội Đức Chúa chuyển sang thờ phượng và trung thành với Đức Chúa. Vì sau khi nghe lời từ miệng ngôn sứ Khun-đa, các tư tế và ký lục đã về tâu lại với vua Giô-si-gia, vua đã yêu cầu toàn dân nghe đọc sách luật của Đức Chúa và“cam kết đi theo Đức Chúa, hết lòng hết dạ tuân giữ các mệnh lệnh, chỉ thị và quy tắc của Người” (2 V 23,3).
Một hiện tượng lạ trong Kinh Thánh Cựu Ước
Qua hình ảnh của ba người phụ nữ, ba nữ ngôn sứ, được trình bày ở trên, ai cũng có thể thấy có một điều gì đó lạ thường ở đây. Thông thường người phụ nữ Ít-ra-en phải tùy thuộc vào đàn ông, không có quyền quyết định cho số phận của mình; người phụ nữ không hề có tiếng nói trong hội đường và những nơi công cộng khác; phụ nữ thường bị xem là ô uế khi đến thời kỳ kinh nguyệt hay khi sinh nở, ngay cả những người khác khi đụng vào cũng bị lây nhiễm uế… Nhưng ở đây, ba nữ ngôn sứ này đều có vai trò quyết định số phận của dân tộc Ít-ra-en.
Nữ ngôn sứ Mi-ri-am lãnh đạo các phụ nữ hát ca ngợi khen Đức Chúa và cùng với A-ha-ron giúp Mô-sê lãnh đạo dân Chúa thoát khỏi ách thống trị của Ai-cập và đưa dân qua sa mạc 40 năm trường. Đây là trường hợp đặc biệt trong Cựu Ước vì theo lẽ thông thường, trong văn hóa Do Thái, người phụ nữ không thể nào có vị trí đặt biệt như vậy.
Chiến thắng của nữ ngôn sứ Đơ-vô ra, đồng thời là thủ lãnh của dân tộc Ít-ra-en thời đó, có lẽ là hiện tượng có một không hai trong dòng lịch sử Ít-ra-en vì sẽ khó ai giải thích được rằng với quan niệm của người Do-Thái về phụ nữ như được trình bày ở trên, thì làm sao dân Do-Thái lại có thể để cho một người phụ nữ làm thủ lãnh của mình được?
Trong câu chuyện về nữ ngôn sứ Khun-đa, bà là người rất có ảnh hưởng, đến nỗi các tư tế và ký lục phải đến tham vấn bà để biết ý Đức Chúa và vua Giô-si-gia phải nghe theo lời bà, ông đã đưa toàn bộ Ít-ra-en quay về với Đức Chúa sau bao nhiêu năm dân phản nghịch với Ngài. Thật là điều khó hiểu! Bà chứng tỏ cho thấy phụ nữ cũng có thể biết ý Đức Chúa và nói Lời của Đức Chúa.
Những điều lạ thường đó xảy ra, như chúng ta đã thấy, chứng tỏ rằng không phải tự sức mình mà những người phụ nữ với thân phận thấp hèn có thể làm nên những điều vĩ đại như thế, chỉ có bàn tay Thiên Chúa mới có thể nâng cao những người hèn kém như trong Thánh Vịnh 113 có nói: “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụiai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người” (TV 113,7-8) và Thiên Chúa không hề bị giới hạn bởi bất cứ luật lệ nào của con người. Ngôn sứ là người do chính Thiên Chúa chọn và không ai có quyền chống lại dù cho họ ở bất cứ địa vị nào và chính họ cũng không thể làm trái lệnh Thiên Chúa, như trong sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết” (Đnl 18, 17-20).
Kết Luận:
Đối với những tôn giáo khác, việc những người phụ nữ được tôn vinh qua những huyền thoại như những nữ thần là chuyện bình thường. Nhưng đối với Do Thái Giáo, không hề có thần nào ngoài Thiên Chúa. Những nữ ngôn sứ được đề cập đến ở trên là những người nữ bình thường, họ có nơi xuất thân và cuộc đời của họ được ghi vào sử sách, chứ họ không phải là những người được thần thánh hóa như các vị thần của các tôn giáo khác. Họ được nổi bật là vì trong dòng lịch sử, văn hóa trọng nam khinh nữ nhưng họ lại được tín nhiệm một cách lạ thường. Điều lạ thường đó chứng tỏ Thiên Chúa vĩ đại và quyền năng vì Ngài có khả năng biến những điều không thể thành có thể. Thiên Chúa cho dòng dõi Ít-ra-en đông đúc, xuất phát từ một cặp vợ chồng hiến muộn, già nua là ông Ap-ra-ham và bà Sa-ra; Ngài chọn một người ngọng nghịu, không biết ăn nói, như Mô-sê, làm người lãnh đạo xuất chúng của Dân tộc Ít-ra-en qua mọi thời; Ngài cho Đa-vít, một cậu bé chăn cừu để chiến thắng Go-li-át tướng của người Phi-li-tinh và trở thành vị vua vĩ đại của dân tộc Ít-ra-en… Và đặc biệt hơn cả, Thiên Chúa đã chọn một phụ nữ bình dân làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, đó là Mẹ Ma-ri-a, vì “Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm đươc”(Lc 1:37).
Như vậy, chính Thiên Chúa đã tôn trọng và tín nhiệm người phụ nữ như vậy thì không có lý do nào mà con người lại có thể khinh chê người phụ nữ, xem họ là những người thấp hèn và sử dụng họ như những công cụ giải trí như vẫn thường xảy ra trong thế giới ngày nay. Với thông điệp này, những người tín hữu phải là người đi đầu trong công cuộc bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ và tôn trọng họ như chính Thiên Chúa tôn trọng họ.
[1] Tại sao người Do Thái có quan niệm này, các tác giả giải thích điều này như thế nào?

Câu 10: Nếu Thiên Chúa tạo dựng Evà từ xương sườn của Ađam, vậy tại sao người đàn ông có số xương sườn giống như phụ nữ?

Câu 10: Nếu Thiên Chúa tạo dựng Evà từ xương sườn của Ađam, vậy tại sao người đàn ông có số xương sườn giống như phụ nữ?

Ảnh từ Internet
Việc sáng tạo Eva được nói đến trong Sáng Thế Ký 2,21-22, ở đoạn trích mà Thiên Chúa làm cho Ađam ngủ và lấy đi một trong những xương sườn của ông để tạo nên một người đàn bà (Eva), thì không phải là một kỳ tích của kỹ sư gen di truyền. Cũng không phải để hiểu theo nghĩa đen như thể nó là một cảnh trong phim The Island của Tiến sĩ Moreau. Khi chúng ta nói tới một nỗi đau, chúng ta không muốn nói đến sự ngăn chặn ngay từ vòng ngoài theo nghĩa đen, nhưng muốn nói tới một cảm xúc thất vọng mang tính hình tượng. Cũng như thế, việc sử dụng xương sườn của Ađam là một cách nói thâm thúy để mô tả sự hiệp nhất của người vợ và người chồng trong hôn nhân bởi vì, sau khi Thiên Chúa sáng tạo Eva, Ađam nhận bà như vợ của ông và nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2,23).
Không giống như các loài vật và cây cối được Thiên Chúa sáng tạo chỉ bằng lời nói, như đã nói trong chương thứ nhất của Sáng Thế Ký (và Thiên Chúa nói, hãy có…), Ađam được tạo thành từ bùn đất và Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào trong ông. Eva được tạo dựng từ xương sườn của Ađam. Đây là một cách nói rằng con người thì khác biệt với các thụ tạo khác. Được tạo nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người thực sự khác biệt so với các thụ tạo còn lại.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 17-18.

Tại sao Đức Gioan Phaolô II khôi phục tên Thánh Catarina Alexandria trong Lịch Phụng vụ?

Tại sao Đức Gioan Phaolô II khôi phục tên Thánh Catarina Alexandria trong Lịch Phụng vụ?
Annibale Carracci, “Cuộc hôn nhân huyền nhiệm của Thánh Catherine”, vẽ khoảng năm 1585 và 1587
TT (NCR, Thomas Craughwell) - Năm 2002, ĐGH Gioan Phaolô II đã làm một điều khá hiếm hoi trong lịch sử: ngài đã phục hồi tên một vị thánh trước đó đã bị gỡ bỏ trong Lịch Phụng vụ hoàn vũ. Vị thánh đã được Đức Gioan Phaolô II phục hồi là Thánh Catherine của Alexandria. Tại sao giáo phái Catherine (giáo phái -cult- ở đây được hiểu là "sùng bái" như việc tôn sùng trong tôn giáo, ví dụ như việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa, chứ không phải "sùng bái" như việc tẩy não qua hình thức tôn giáo) đã bị đàn áp là một câu chuyện thú vị.

Năm 1969, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành một Lịch Phụng vụ sửa đổi. Việc sửa đổi đó thường không tạo nên tiêu đề cho giới truyền thông, nhưng lịch mới của Đức Phaolô VI thật bất ngờ đến nỗi nó thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông thế tục. Trong niên lịch mới, hàng chục tên các thánh đã bị loại bỏ - trong số đó có các thánh nổi tiếng như Thánh Barbara, Thánh Ursula và Thánh Catherine. Lý do đưa ra là sự hiếm hoi tương đối về các tài liệu tiểu sử hiện có. Điều đó cũng công bằng, nhưng niên lịch mới cũng đã loại bỏ tên nhiều vị giáo hoàng đầu tiên đã được tôn kính như các vị thánh. Cuối cùng, có một thể loại thứ ba về những vị thánh mà "giáo phái - việc tôn sùng" của các ngài là cổ xưa, nhưng một lần nữa, không có đủ thông tin về các tiểu sử hiện có. Ví dụ như Thánh Chrysogonus, một vị tử đạo có tên xuất hiện trong Kinh nguyện Thánh Thể I. Ngài có một giáo phái cổ đại, nhưng hiện nay "giáo phái" (việc tôn sùng do ngài khởi xướng) chỉ được giới hạn ở nhà thờ được đặt tên ngài ở Rôma.

Tất cả những việc đó vẫn còn khá khó hiểu.

Nhưng trở lại câu chuyện về Thánh Catherine: có một truyền thuyết đẹp về ngài, nhưng chúng ta không thể nói được liệu có phần nào là sự thật. Theo câu chuyện, Catherine là một thiếu nữ thông minh thuộc một gia đình khá giả ở Alexandria, Ai Cập. Cô đã dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình trong thư viện lớn. Một ngày nọ, cô ngủ gục trên cuốn sách đang mở. Trong một giấc mơ, cô đã nhìn thấy một phụ nữ xinh đẹp với một cậu bé còn xinh đẹp hơn nữa ngồi trên lòng của người phụ nữ. Người đàn bà hỏi đứa trẻ: "Con có muốn kết hôn với Catherine không?" Cậu bé trả lời. "Không. Cô ấy xấu lắm."

Catherine tỉnh dậy trong nước mắt.

Một người đàn ông lớn tuổi ngồi gần đó đã đến để hỏi thăm điều gì khiến Catherine phiền não. Khi Catherine kể lại giấc mơ của mình, người đàn ông cao tuổi giải thích rằng người phụ nữ đó là Đức Mẹ Đồng Trinh và đứa trẻ là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nghĩ cô xấu xí vì cô là một người ngoại đạo và linh hồn cô vẫn mang vết nhơ của tội nguyên tổ. Người đàn ông lớn tuổi này là một linh mục, và ông đã đề nghị dạy cho Catherine đức tin. Cô đã học được nhanh chóng, được rửa tội, và ngay sau đó cô đã có thêm một giấc mơ. Một lần nữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria xuất hiện. Một lần nữa, Mẹ Maria hỏi Chúa Giêsu có muốn kết hôn với Catherine không. Lần này, Chúa Giêsu nói: "Có. Cô ấy rất xinh đẹp." Sau đó trẻ Giêsu xỏ nhẫn vào ngón tay của Catherine. Khi cô thức dậy, Catherine thấy cô đang đeo chiếc nhẫn.

Khi có một cuộc bác hại Kitô hữu xảy ra ở Alexandria, Catherine đã bị bắt. Cô đã bị kết án và bị xử bằng cách xé xác trên một bánh xe có gai, nhưng ngay khi cô chạm vào nó, bánh xe bị vỡ. Vì vậy toà án đã xử Catherine bị chặt đầu. Các thiên thần đã đưa thi hài của cô lên Núi Sinai và chôn nó ở đó.

Đến thế kỷ 6, Hoàng đế Justinian xây dựng một tu viện trên núi Sinai cho một cộng đồng các tu sĩ. Các di tích của Thánh Catherine được lưu giữ ở đó và đã thu hút khách hành hương, đặc biệt là từ Giáo hội Chính thống, trong 1.500 năm qua.

Năm 2000, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đi đến Trung Đông. Một điểm nổi bật của hành trình của ngài là một cuộc hành hương đến Tu viện Thánh Catherine. Ngài đã muốn tổ chức một buổi cầu nguyện ở đó với hàng giáo sĩ từ các giáo phái Kitô giáo khác nhau, một thầy rabbi Do Thái và một imam Hồi giáo. Nhưng Damianos, tu viện trưởng, đã bác bỏ ý kiến này. Đối với ông, nó tạo ấn tượng rằng việc tìm kiếm chân lý tôn giáo là tuỳ chọn, bất kỳ tôn giáo nào cũng vậy.

Và Đức Gioan Phaolô II đã có một sự thất vọng khác. Vị Thượng phụ không cầu nguyện cùng Đức Giáo hoàng với cùng một lý do để từ chối việc cầu nguyện đại kết. Đối với Đức Giáo hoàng, điều này thật đau lòng. Dĩ nhiên, việc này có lẽ không giúp xoa dịu việc một trong những người tiền nhiệm của Đức Gioan Phaolô II đã hạ thấp vị thế của Thánh Catherine yêu dấu của Thượng phụ.

Khi Đức Giáo hoàng trở về Rôma, như một cử chỉ đối với các Kitô hữu Chính thống, Đức Gioan Phaolô II đã khôi phục tên Thánh Catherine trong Lịch Phụng vụ. Giờ đây, trong ngày lễ kính, ngày 25 tháng 11, các linh mục Công giáo đứng ở bàn thờ và một lần nữa dâng Thánh lễ để tôn vinh Thánh Catherine của Alexandria.
Mi Trầm

 

Thật buồn khi thấy trẻ em không biết làm Dấu Thánh Giá

Thật buồn khi thấy trẻ em không biết làm Dấu Thánh Giá
Trong bài đọc trích thư gửi cho ông Timothe, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta ba cách để tuyên xưng Chúa Kitô. Đó là: làm con, làm chứng nhân và làm mẹ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh lễ sáng 26-1 tại Nhà nguyện Marta.

Luôn có một chút điên dại nào đó khi loan báo Tin Mừng

Từ ngữ thứ nhất là: làm con. Thánh Phaolo đã xúc động chảy nước mắt khi nhớ tới và viết thư cho Timothe. Thánh nhân gọi Timothe là người con yêu dấu, khi ngài nhớ tới đức tin trung thành của Timothe. Khi công bố Tin Mừng, thánh Phaolo đã thực hiện với lòng can đảm, đã không làm giảm sứ điệp theo kiểu nói nửa sự thật.

Chính thánh Phaolo nói: Lời rao giảng này thật là điên rồ. Là điên rồ, vì thánh nhân rao giảng về một vì Thiên Chúa đã trở thành con người, đã chịu chết đóng đinh trên thập giá, và đã sống lại. Những điều này thánh nhân công bố cho dân thành Athen. Khi nghe Phaolo nói, người ta bảo rằng: Thôi, chuyện này để ngày mai chúng tôi sẽ nghe. Luôn luôn như thế, lời loan báo về đức tin luôn có chút điên dại. Đức tin là như thế, không hề tầm thường chút nào.

Nếu thiếu chứng nhân thì lời rao giảng mất đi sức mạnh

Từ ngữ thứ hai là: chứng nhân. Đức tin được thông truyền qua các chứng nhân, qua đời sống của những con người sống đức tin. Giống như người ta nói về các Kitô hữu đầu tiên rằng: Xem kìa, họ sống yêu thương nhau làm sao!

Hôm nay, trong mỗi giáo xứ, có ai đó đến, nghe và nói điều này điều nọ. Thay vì nói rằng, họ yêu thương nhau, thì lại nói họ đang hại nhau. Và như thế, miệng lưỡi là con dao được dùng để nói xấu vu khống nhau. Làm thế nào để có thể thông truyền đức tin trong một bầu không khí hư hỏng như thế? Không thể được, vì đức tin luôn cần có chứng nhân. Người ta không nói rằng: Hãy nghe người ấy nói! Nhưng người ta sẽ nói: Hãy nhìn kìa, hãy xem các việc bác ái, hãy xem người ấy đi thăm viếng người ốm đau bệnh tật, tại sao người ấy lại làm như thế? Người ta sẽ tự hỏi rằng: Tại sao người ấy sống như thế? Với đời sống chứng nhân ấy, đức tin sẽ được thông truyền. Bởi vì, trong đời sống ấy có đức tin. Bởi vì đời sống ấy có dấu vết của Chúa Giêsu.

Giáo Hội là người mẹ cưu mang đức tin

Từ ngữ thứ ba là: làm mẹ, làm bà. Đức tin được cưu mang từ cung lòng Giáo Hội là mẹ. Vào thời kỳ độc tài và rất khó khăn về chính trị xã hội, có người nữ tu Albania nọ đi dọc theo bờ sông. Các lính canh cho phép Sơ đi lại một chút như thế, vì nghĩ rằng Sơ chẳng thể làm được gì nguy hại. Biết được điều ấy, các bà mẹ rất nhạy bén, họ biết được khi nào người nữ tu ấy được ra ngoài và đi lại bên bờ sông. Thế là các bà mẹ đã bí mật ẵm con đến để Sơ có thể ban bí tích rửa tội bằng nước sông ấy. Đó là một câu chuyện điển hình.

Tôi tự hỏi mình rằng, các mẹ các bà bây giờ có còn giống nhưng người mẹ người bà được thánh Phaolo nhắc tới trong bài đọc hôm nay hay không? Thánh nhân viết trong thư cho Timothe rằng: Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ của con là Eunile. Ngày nay các bà các mẹ có còn thông truyền đức tin chân thành cho con cái hay không? Có người sẽ nói: nhưng các con các cháu sẽ đi học giáo lý! Tôi rất buồn khi nhìn thấy những đứa trẻ không biết làm Dấu Thánh Giá. Và thay vì làm Dấu Thánh Giá, các em chỉ biết rằng, đó là một nghi thức cử chỉ vẽ vẽ vậy thôi. Bởi vì các bà các mẹ đã quên dạy các em điều ấy. Biết bao lần tôi nghĩ về những gì được dạy để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân, chuẩn bị cho cô dâu, cho người sắp làm mẹ. Liệu có cần dạy họ về cách thông truyền đức tin hay không? Chúng ta hãy cầu xin Chúa, để Ngài dạy chúng ta sống chứng nhân, cách thông truyền đức tin.


Tứ Quyết SJ
Nguồn: RV

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo lý Đức tin

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo lý Đức tin
VATICAN. ĐTC phê bình trào lưu làm cho chết êm dịu đang gia tăng tại nhiều nước, coi việc chủ ý kết liễu mạng sống con người như một "sự chọn lựa văn minh".

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 26-1-2017 dành cho gần 30 HY, GM thành viên Bộ Giáo lý Đức tin nhân dịp nhóm khóa họp toàn thể. 

ĐTC nhận xét: "Trong khoá họp này, anh em cũng đào sâu một số vấn đề tế nhị liên quan đến việc đồng hành với các bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Về vấn đề này, tiến trình tục hoá, tuyệt đối hóa những ý niệm tự quyết và tự trị, đã làm cho tại nhiều nước có sự gia tăng yêu cầu được kết liễu mạng sống như một sự khẳng định theo ý thức hệ ý muốn con người có chủ quyền trên sự sống. Điều này cũng đưa tới việc coi sự cố ý chấm dứt cuộc sống con người như một chọn lựa 'văn minh'."

ĐTC giải thích: "Hiển nhiên là tại nơi nào sự sống không có giá trị vì phẩm giá của nó, nhưng được đánh giá theo hiệu năng và khả năng sản xuất của con người, thì tất cả những điều vừa nói trở thành điều có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, cần phải tái khẳng định sự sống con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, có một phẩm giá làm cho nó không thể xâm phạm. Đau đớn, khổ đau, ý nghĩa sự sống và sự chết là những thực tại mà não trạng ngày nay khó chấp nhận với một cái nhìn đầy hy vọng. Nhưng nếu không có một hy vọng đáng tin cậy, giúp con người đương đầu với cả đau khổ và sự chết, thì con người sẽ không thể sống tốt đẹp và bảo tồn một viễn tượng tin tưởng trước tương lai của mình. Đó là một trong những dịch vụ được kêu gọi thực hiện cho con người ngày nay."

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC cám ơn Bộ Giáo lý Đức tin vì các hoạt động xét xử những vụ phạm tội nặng như giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và các tội trọng khác, và cứu xét các đơn xin giải hôn phối vì lợi ích đức tin. Ngài cũng khuyến khích Bộ "tiếp tục nghiên cứu về một số vấn đề như các khía cạnh của ơn cứu độ Kitô, để tái khẳng định ý nghĩa ơn cứu chuộc, đứng trước xu hướng tân thuyết Pelagio và tân ngộ giáo. Các xu hướng này biểu lộ một chủ thuyết cá nhân chủ nghĩa, tự cậy dựa vào sức riêng để tự cứu thoát".

"Trái lại, chúng ta tin rằng ơn cứu độ hệ tại hiệp thông với Chúa Kitô Phục Sinh, nhờ ơn Thánh Linh, dẫn chúng ta vào một trật tự mới trong tương quan với Chúa Cha và với con người." (Rei 26-1-2018)

 
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: RV

Toàn văn sứ điệp ngày Truyền thông Thế giới năm 2018

Toàn văn s đip ngày Truyn thông Thế gii năm 2018
J.B. Đặng Minh An dịch
24/Jan/2018

Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi một nền “báo chí vì hoà bình” để đối phó với mối đe dọa của tin giả, đang “phát triển mạnh vì thiếu vắng sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của sứ điệp năm nay là:

“‘Sự thật sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8:32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha chỉ ra bản chất sai trái của tin giả, làm thế nào để nhận ra tin giả, khả năng giải độc của sự thật, và một nền báo chí vì hoà bình đặt con người ở vị trí trọng tâm như thế nào.

Trong số các ngày kỷ niệm trên bình diện thế giới trong một năm, Ngày Truyền Thông Thế giới là lễ kỷ niệm duy nhất đã được Công đồng Vatican II đề xướng trong Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 4 tháng 12, 1963.

Ngày Truyền Thông Thế giới được được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống, năm nay rơi vào ngày 13 tháng 5. Tuy nhiên, sứ điệp của Đức Thánh Cha thường được công bố trước, vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, để các hội đồng giám mục, các ủy ban có liên quan ở các giáo phận và các cơ quan truyền thông có đủ thời gian để chuẩn bị các tài liệu in ấn, nghe nhìn và các tài liệu khác cho lễ kỷ niệm này ở các quốc gia và các địa phương.

Ngày Truyền Thông Thế giới lần đầu tiên được cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo vào ngày 7 tháng 5 năm 1967, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, là vị Giáo Hoàng đã muốn thu hút sự chú ý của toàn thể Giáo Hội đến truyền thông và sức mạnh to lớn mà nó có thể đem lại cho những thay đổi sâu xa về xã hội, văn hoá và tôn giáo. Ngày Truyền Thông Thế giới năm nay là lần thứ 52.

Dưới đây là bản dịch tiếng Việt của sứ điệp này:


Source: Libreria Editrice Vaticana MESSAGE OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS FOR WORLD COMMUNICATIONS DAY 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Truyền Thông Thế giới 2018
“Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32).
Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình


Anh chị em thân mến,

Truyền thông là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta và là một cách thiết yếu để trải nghiệm tình bằng hữu. Được tạo ra giống hình ảnh Đấng Tạo Hóa, chúng ta có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là chân, thiện, mỹ. Chúng ta có thể mô tả kinh nghiệm của chính mình và thế giới xung quanh chúng ta, và do đó, tạo ra ký ức lịch sử và sự hiểu biết về các sự kiện. Nhưng, khi chúng ta chiều theo thói kiêu ngạo và tính ích kỷ của mình, chúng ta cũng có thể bóp méo cách thế chúng ta sử dụng khả năng giao tiếp của chúng ta. Điều này có thể được nhìn thấy ngay từ những thời kỳ sơ khai, trong các câu chuyện Kinh thánh như câu chuyện Cain và Abel và chuyện tháp Babel (xem Sáng thế ký 4: 4-16, 11: 1-9). Khả năng bóp méo sự thật là triệu chứng nói lên tình trạng của chúng ta, trong cả hai chiều kích cá nhân và cộng đồng. Trái lại, khi chúng ta trung tín với kế hoạch của Thiên Chúa, truyền thông trở thành một biểu hiện cho thấy rõ sự tìm kiếm chân lý có trách nhiệm và ý chí theo đuổi điều thiện của chúng ta.

Ngày nay, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng các kỹ thuật truyền thông và các hệ thống kỹ thuật số, chúng ta đang chứng kiến sự lan rộng của cái được gọi là “tin giả”. Điều này đòi hỏi một sự suy tư, và đó là lý do tại sao trong Sứ điệp Truyền thông Thế giới này, tôi đã quyết định trở lại vấn đề về chân lý, là điều đã được đề cập đến bởi các vị tiền nhiệm của tôi bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, trong sứ điệp năm 1972 của ngài, với chủ đề là: “Truyền thông Xã hội phục vụ Chân Lý”. Bằng cách này, tôi muốn đóng góp vào dấn thân chung của chúng ta nhằm ngăn chặn sự lan rộng của tin giả và tái khám phá phẩm giá của báo chí và trách nhiệm cá nhân của các nhà báo trong việc truyền đạt sự thật.

1. Tính “thất thiệt” của tin giả là gì?

Thuật ngữ “tin giả” đã là đối tượng của các cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi. Nói chung, nó liên quan đến sự lan rộng việc thông tin sai lạc trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến những thông tin sai lệch dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Người ta truyền bá tin giả để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và phục vụ cho những lợi ích về kinh tế.

Hiệu quả của tin giả phụ thuộc trước hết là vào khả năng bắt chước các tin tức thực sự, đến mức xem ra có vẻ hợp lý. Thứ nữa, cái thông tin này tuy giả nhưng trở nên đáng tin nếu nó “nắm bắt” được sự chú ý của người dân bằng cách đánh trúng các thành kiến và những định kiến xã hội, và khai thác được những cảm xúc bộc phát như lo lắng, căm hờn, tức giận và thất vọng. Khả năng truyền bá những tin giả này thường dựa vào việc lèo lái các mạng xã hội và các phương thức hoạt động của chúng. Những câu chuyện thất thiệt có thể lan truyền nhanh đến nỗi ngay cả những lời phủ nhận có thẩm quyền đi nữa cũng không thể hạn chế được những thiệt hại.

Khó khăn trong việc vạch trần và loại bỏ tin giả cũng do thực tế là nhiều người thường chỉ tương tác trong các môi trường kỹ thuật số với những người hợp ý với mình, trong các môi trường như thế, thường không có chỗ cho các quan điểm và ý kiến khác nhau. Thông tin sai lạc, do vậy, phát triển mạnh khi không có sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác có khả năng thách thức một cách hiệu quả các định kiến và tạo ra các cuộc đối thoại xây dựng; thay vào đó, nó có nguy cơ làm cho người ta trở thành những kẻ vô tình đồng lõa trong việc truyền bá những ý tưởng sai lệch và vô căn cứ. Bi kịch của thông tin sai lạc là nó làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, tới mức mô tả họ như ma quỷ và nung nấu lòng căm thù họ. Tin giả là một dấu chỉ cho những thái độ thiếu khoan dung và quá nhạy cảm, và chỉ dẫn đến việc truyền bá sự kiêu căng và lòng thù hận. Đó là kết quả cuối cùng của sự thất thiệt.

2. Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra tin giả mạo?

Không ai trong chúng ta có thể cảm thấy được miễn trừ khỏi trách nhiệm chống lại những sự giả trá này. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì những thông tin sai lệch thường dựa trên những luận điệu cố ý gây hiểu nhầm một cách quanh co và xảo quyệt, và đôi khi còn sử dụng cả các cơ chế tâm lý tinh vi. Các nỗ lực đáng khen đang được thực hiện để hình thành các chương trình giáo dục nhằm giúp người dân lý giải và đánh giá thông tin được cung cấp bởi các phương tiện truyền thông và dạy họ tham gia tích cực vào việc vạch trần sự giả dối thay vì vô tình góp phần làm lan rộng những thông tin sai lệch. Cũng đáng khen ngợi đó là những sáng kiến về cơ chế và luật pháp nhằm phát triển các quy định giúp kiềm chế hiện tượng này, đó là chưa kể các công trình đang được thực hiện bởi các công ty công nghệ và truyền thông trong việc đưa ra các tiêu chí mới nhằm xác minh các đặc điểm nhận dạng cá nhân ẩn nấp sau hàng triệu hồ sơ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, việc ngăn ngừa và xác định cách thức hoạt động của thông tin sai lệch cũng đòi hỏi một quá trình phân định sâu sắc và thận trọng. Chúng ta cần phải vạch trần cái gọi là “những chiến thuật của con rắn” được sử dụng bởi những kẻ cải trang để tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ tại nơi nào. Đây là chiến lược được sử dụng bởi “con rắn quỷ quyệt” trong Sách Sáng thế ký, đó là đứa đã tung ra những tin giả trước nhất (Sáng thế ký 3: 1-15), khởi đầu lịch sử bi thảm của tội lỗi con người, bắt đầu với cảnh huynh đệ tương tàn đầu tiên (xem Sáng thế ký 4) và dẫn đến cơ man những sự ác khác chống lại Thiên Chúa, người lân cận, xã hội và thiên nhiên. Chiến lược của “Cha đẻ những lời dối trá” ranh mãnh này (Ga 8:44) là bắt chước chính xác cái hình thức dụ dỗ tinh quái và nguy hiểm đó để lẻn vào con tim con người với những lý lẽ vừa giả dối vừa quyến rũ.

Trong trình thuật về tội lỗi đầu tiên, tên cám dỗ tiếp cận người phụ nữ bằng cách giả vờ là bạn của cô, chỉ quan tâm đến phúc lợi của cô, và bắt đầu bằng cách nói điều gì đó chỉ có một phần là thật: “Thiên Chúa thực sự nói rằng ông bà không được ăn trái của bất kỳ cây nào trong vườn này sao?”(Sáng thế ký 3: 1). Trên thực tế, Thiên Chúa không bao giờ nói ông Adong không được ăn trái của bất kỳ cây nào, nhưng chỉ là trái từ một cái cây: “trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn” (Sáng thế ký 2:17). Người đàn bà sửa sai con rắn, nhưng lại để cho mình bị thua trước sự khiêu khích của nó: “Trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’” (Sáng thế ký 3: 2). Câu trả lời của cô bao hàm những ý tưởng vụ luật và tiêu cực; sau khi lắng nghe đứa lừa dối và để bản thân mình chịu thua trước phiên bản của nó về các sự kiện, người phụ nữ bị lừa. Vì vậy, cô chú ý đến lời trấn an của nó: “Ông bà sẽ không chết đâu!” (Sáng thế ký 3: 4).

“Sự hủy diệt” của tên cám dỗ khoác lên chút sắc màu của sự thật: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” (Sáng thế ký 3: 5). Mệnh lệnh hiền phụ của Thiên Chúa là vì lợi ích của họ, đã bị làm mất uy tín bởi sự cám dỗ hấp dẫn của kẻ thù: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt” (Sáng 3: 6). Câu truyện Kinh thánh này mang lại một yếu tố thiết yếu cho suy luận của chúng ta: chẳng hề có những thông tin sai lạc mà lại vô hại; trái lại, tin vào sự giả dối có thể có những hậu quả thảm khốc. Ngay cả một sự méo mó chút đỉnh sự thật cũng có thể có những hệ quả nguy hiểm.

Điều nguy hiểm là lòng tham của chúng ta. Tin giả thường lan truyền nhanh chóng đến nỗi khó có thể dừng lại, không phải vì cảm thức muốn được chia sẻ, là điều truyền cảm hứng cho các phương tiện truyền thông xã hội, mà bởi vì nó hấp dẫn lòng tham không đáy rất dễ bùng lên trong lòng người. Những mục tiêu kinh tế và lèo lái gây ra tin giả bắt nguồn từ lòng khao khát quyền lực, ham muốn sở hữu và lạc thú, mà chung cuộc biến chúng ta trở thành nạn nhân của một cái gì đó bi thảm hơn nữa: đó là sức mạnh lừa đảo của cái ác di chuyển từ lời nói láo này đến lời lừa dối khác nhằm cướp đi sự tự do nội tâm của chúng ta. Đó là lý do vì sao giáo dục chân lý có nghĩa là dạy cho mọi người biết cách phân định, đánh giá và hiểu rõ những ham muốn và khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất đi nhận thức về điều thiện để rồi chiều theo mọi cám dỗ.

3. “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32)

Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối có thể làm đen tối cuộc sống nội tâm của chúng ta. Quan sát của Dostoevsky thật là chí lý: “Những người nói dối chính mình và lắng nghe những lời nói dối của chính họ đến một lúc nào đó sẽ hết còn phân biệt nổi đâu là sự thật trong họ, hoặc xung quanh họ, và như vậy họ mất tất cả lòng tự trọng và sự tôn trọng đối với người khác. Và khi không còn được ai tôn trọng, họ không còn biết yêu, và khi không có tình yêu, để lấp đầy chính mình và quên đi, họ lao vào những đam mê và những lạc thú tầm thường và chìm sâu trong thú tính giữa những thấp hèn của họ, tất cả đều do liên tục dối trá với người và với mình mà ra” (Anh em nhà Karamazov, II, 2).

Vậy làm thế nào để chúng ta tự bảo vệ mình? Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho vi khuẩn giả dối là sự thanh lọc trong chân lý. Trong Kitô giáo, chân lý không chỉ là một thực tại nhận thức [chú thích của người dịch conceptual reality để phân biệt với physical reality – thực tại thể lý] liên quan đến cách thức chúng ta đánh giá sự vật, xác định xem chúng là đúng hay sai. Sự thật không chỉ mang ra ánh sáng những thứ được che giấu, “vạch ra thực tại”, như thuật ngữ Hy Lạp xưa là aletheia (từ chữ “a-lethès”, “không ẩn dấu”) mà còn có thể làm chúng ta tin. Sự thật liên quan đến toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Trong Kinh Thánh, nó có nghĩa là sự ủng hộ, sự vững chắc và tin cậy, như được ám chỉ bởi từ gốc ‘aman’, là nguồn gốc của thành ngữ phụng vụ Amen của chúng ta. Sự thật là cái gì bạn có thể dựa vào, để không bị rơi. Theo ý nghĩa tương quan này, Đấng duy nhất thực sự đáng tin cậy và tín thác – Đấng mà chúng ta có thể tin tưởng chính là Thiên Chúa hằng sống. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói: “Ta là sự thật” (Ga 14: 6). Chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta trải nghiệm điều này trong lòng mình với niềm trung thành và tin tưởng vào Đấng yêu thương chúng ta. Chỉ điều này thôi mới có thể giải phóng chúng ta: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32).

Tự do khỏi sự giả trá và tìm kiếm mối quan hệ là hai thành phần không thể thiếu nếu những lời nói và cử chỉ của chúng ta là đúng, chân thực và đáng tin cậy. Để phân biệt sự thật, chúng ta cần phải phân định mọi thứ khuyến khích sự hiệp thông và cổ vũ điều thiện với bất cứ điều gì có xu hướng cô lập, chia rẽ và chống đối. Sự thật, do đó, không thực sự được nắm bắt dù cho nó không bị áp đặt bởi một cá nhân nào. Sự thật cần phải xuất phát từ các mối quan hệ tự do giữa con người với nhau, từ việc lắng nghe lẫn nhau. Chúng ta cũng không bao giờ có thể ngừng tìm kiếm sự thật, bởi vì sự giả dối luôn luôn có thể len vào, ngay cả khi chúng ta nói ra những điều đúng. Một lý luận cho dù không ai bắt bẻ vào đâu được, và hoàn toàn dựa trên những sự kiện không thể phủ nhận, nhưng nếu nó được dùng để làm tổn thương người khác và làm mất uy tín của người đó trước mắt người khác, thì bất kể nó có vẻ đúng đến đâu đi nữa, nó cũng không phải là đúng. Chúng ta có thể nhận ra tính chân thực của những lời phát biểu qua hoa trái của chúng: liệu chúng có gây tranh cãi, chia rẽ, làm nhụt chí; hay chúng thúc đẩy sự suy tư trưởng thành và được thông tin đầy đủ, dẫn đến sự đối thoại xây dựng và những thành quả tích cực.

4. Hòa bình là những tin chân thực

Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho sự giả dối không phải là những chiến lược, nhưng là con người: những người không tham lam nhưng sẵn sàng lắng nghe, những người nỗ lực tham gia vào cuộc đối thoại chân thành để sự thật có thể nổi lên; và những người bị thu hút bởi sự thiện và chịu trách nhiệm về cách họ sử dụng ngôn ngữ. Nếu trách nhiệm là câu trả lời cho sự lan rộng của tin giả, thì một trách nhiệm nặng nề đặt trên vai những người mà công việc của họ là cung cấp thông tin, cụ thể là các nhà báo, những người bảo vệ tin tức. Trong thế giới ngày nay, công việc của họ, trong mọi khía cạnh, không chỉ là một nghề kiếm ăn; đó là một sứ mệnh. Giữa những cạnh tranh ác liệt và chạy đua ráo riết, họ phải nhớ rằng trái tim của thông tin không phải là tốc độ tường trình hay tác động của nó đối với độc giả, mà là những con người. Thông báo cho người khác có nghĩa là đào tạo người khác; nó có nghĩa là động chạm đến cuộc sống của người dân. Đó là lý do tại sao việc bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin và bảo vệ việc truyền thông là những phương tiện thực sự để quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin và mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.

Như thế, tôi muốn mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình. Khi nói như thế, tôi không có ý muốn nói đến loại hình báo chí đầy mật ngọt và từ chối thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề nghiêm trọng; hay loại hình báo chí chỉ đầy cảm tính. Ngược lại, tôi muốn nói đến một nền báo chí trung thực trong đó chống lại những giả dối, những thứ khẩu hiệu nghe thật kêu, và các tiêu đề giật gân. Một nền báo chí do dân tạo ra và vì dân, một nền báo chí phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có tiếng nói- và họ là đa số trong thế giới của chúng ta. Một nền báo chí ít tập trung vào các tin tức giật gân và tập chú nhiều hơn vào việc tìm ra các nguyên nhân cơ bản của các cuộc xung đột, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn và góp phần giải quyết bằng cách thiết lập các quy trình đạo đức. Một nền báo chí dấn thân vào việc chỉ ra những lựa chọn khác hơn là sự leo thang các trận chiến la hét và bạo lực bằng lời nói.

Để đạt được mục đích này, lấy cảm hứng từ một lời cầu của Thánh Phanxicô, chúng ta có thể hướng về Đấng Chân Lý với lời nguyện cá nhân sau:

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.
Giúp chúng con nhận ra sự ác len lỏi trong thứ truyền thông không kiến tạo sự hiệp thông.
Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.
Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.
Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.
nơi có tiếng la hét, xin làm cho chúng con biết lắng nghe;
nơi có hoang mang, xin cho chúng con gợi hứng cho hài hòa;
nơi có mơ hồ, xin cho chúng con biết mang lại sự minh bạch;
nơi có sự loại trừ, hãy để chúng con mang đến tình đoàn kết;
nơi có chủ nghĩa kích động, xin cho chúng con biết dùng sự tỉnh táo;
nơi hời hợt, xin cho chúng con nêu lên những câu hỏi thực sự;
nơi có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức niềm tin;
nơi có hận thù, xin cho chúng con mang lại niềm tôn trọng;
nơi có sự giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật.

Amen.

Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2018
+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô



GĐPV : Được cử hành nghi thức làm phép xe trong Thánh lễ không?

Giải đáp phụng vụ: Được cử hành nghi thức làm phép xe trong Thánh lễ không?
Nguyễn Trọng Đa

 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Cách đây vài tuần, trong một Thánh Lễ Chúa Nhật, linh mục xin cộng đoàn ra ngoài nhà thờ để dự nghi thức làm phép xe. Rồi cha ban phép lành cuối lễ, sau khi làm phép xe. Nhiều người tỏ ra bực tức. Con biết linh mục ấy có thể cử hành nghi thức làm phép xe. Nhưng điều con muốn hỏi là, liệu ngài có thể cử hành nghi thức làm phép xe trong Thánh lễ không? - A. A., Luque, Paraguay.


Đáp: Tôi có thể nói rằng linh mục ấy đã đi quá xa trong việc kêu gọi toàn cộng đoàn tham dự nghi thức làm phép xe, và việc làm phép như thế không nên được thực hiện trong Thánh Lễ.

Phần Giới Thiệu Tổng Quát của Sách Các Phép (De Benedictionibus) nói:

"28. Một số phép lành có liên hệ đặc biệt với các bí tích, nên đôi khi có thể được liên kết với Thánh Lễ. Những phép lành nào, liên kết thế nào... đều có qui tắc định rõ. Không phép lành nào khác, ngoại trừ các phép lành đặc biệt như trên, được liên kết với Thánh Lễ” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Sau đó, trong Sách các Phép, khi chúng ta đến với Phần làm phép các phương tiện vận tải khác nhau (cả số chương và số đoạn có sự thay đổi tùy theo lần ấn bản), chúng ta thấy rằng không có gì nhắc nhở việc kết hợp làm phép phương tiện vận tải vào trong Thánh lễ cả.

Thay vào đó, Sách Các Phép nhấn mạnh đến mục đích xã hội của các phương tiện ấy. "Các phương tiện vận tải như vậy bao gồm đường cao tốc, đường phố, cầu, đường xe lửa, cảng, tất cả các loại xe cơ giới, tàu thuyền và máy bay".

Phần dẫn nhập nghi thức tiếp tục viết:

"Bởi vì tất cả các phương tiện ấy đều đòi hỏi sự tôn trọng trách nhiệm xã hội, một nghi thức làm phép tạo cơ hội để ca ngợi Thiên Chúa, vì đã ban cho chúng ta các lợi ích như vậy, và cầu nguyện cho sự an toàn của người sử dụng chúng".

Thừa tác viên cho việc làm nghi thức này là linh mục, phó tế hay một giáo dân, và trong trường hợp này, giáo dân ấy sử dụng các công thức đặc biệt.

Lời Sách Các Phép nhắc đến nhà thờ là lời nhắc rằng trong một số dịp cố định, có thể “đưa ô tô hoặc các phương tiện vận chuyển khác đến nhà thờ, để xin làm phép, như một lời xin Chúa bảo vệ khi đi đường". Ngay cả trong các dịp như vậy, cũng không có lời đề cập đến việc làm phép xe trong Thánh Lễ, mặc dù việc làm phép này có thể được cử hành trước hoặc sau Thánh Lễ.

Trong khi tất cả các phép lành có thể mang hình thức cộng đồng, nghi thức thực sự nhấn mạnh vào hình thức này cho việc làm phép các cây cầu, đường phố, đường sắt và các phương tiện tương tự, bởi vì chúng có "liên hệ đến cộng đồng mà chúng mang lại lợi ích. Do đó, việc làm phép không được cử hành mà không có sự hiện diện của cộng đoàn, hoặc ít nhất các đại diện của cộng đoàn".

Do đó, trong trường hợp mà bạn đọc nêu ra ở trên, đó là lỗi về phía vị linh mục khi làm phép mà không được dự báo là đủ điều kiện, để được kết hợp với Thánh Lễ. Ngài cũng có lỗi là làm gián đoạn Thánh Lễ và rời khỏi nhà thờ để làm phép, cũng như ban phép lành cuối lễ bên ngoài nhà thờ.

Đúng ra, ngài cần hoàn tất Thánh Lễ và sau đó cử hành nghi thức làm phép xe. Lúc ấy ngài có thể mời các tín hữu tham dự nghi thức, nếu họ muốn. (Zenit.org 23-1-2018)