Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Tâm hồn chúng ta mạnh hơn những thương tích

 Tâm hồn chúng ta mạnh hơn những thương tích

Ronald Rolheiser, 2021-04-26

Mười năm trước khi qua đời, cha Henri Nouwen đã chịu một cơn trầm cảm gần như đánh gục ngài. Trong thời gian trị liệu, ngài đã viết một quyển sách rất hùng hồn, Tiếng nói bên trong của tình yêu (The Inner Voice of Love), trong đó, ngài khiêm nhượng và thẳng thắn chia sẻ những đấu tranh và nỗ lực của mình để vượt qua căn bệnh trầm cảm. Nhiều lúc, ngài cảm thấy không chịu nổi những nỗi đau và ám ảnh của mình đến mức gần như bị nhận chìm, bị sụp đổ, và những lúc như thế, ngài chỉ biết khóc. Dù cho cuối cùng ngài đã tìm lại được sức mạnh nội tâm và sức bật kiên cường, sẵn sàng trở lại cuộc sống với sinh lực được tân tạo. Khi nói về những gì ngài đã học được trong sự sụp đổ nội tâm và sự phục hồi của mình, ngài đã viết rằng, đến tận cùng, tâm hồn chúng ta mạnh hơn những vết thương của chúng ta.

Đấy là một lời khẳng định từ một chân lý phải gian khổ mới ngộ ra, nhưng liệu nó có luôn đúng? Tâm hồn chúng ta luôn mạnh hơn những vết thương của chúng ta sao? Chúng ta luôn có những nguồn lực trong mình để thắng vượt những thương tích của mình sao?

Có lúc đúng như thế, như trong trường hợp của cha Nouwen, nhưng có lúc lại không, như chúng ta đã chứng kiến nơi cuộc sống tan vỡ của biết bao nhiêu người. Có lúc dường như thương tích mạnh hơn tâm hồn. Tôi có một ví dụ thấm thía của trường hợp này: Trong bài hát Tôi mơ có một giấc mơ (I Dreamed a Dream) của vở nhạc kịch lừng danh Những người khốn khổ, có một dòng đầy đau buồn, bi thương, ám ảnh. Câu chuyện trong vở Những người khốn khổ được dựa trên tiểu thuyết cùng tên của văn hào Pháp Victor Hugo, kể một loạt câu chuyện về cách sự nghèo khổ và áp bức có thể làm tan nát cõi lòng, suy sụp sức sống và hủy hoại cuộc đời của người nghèo đến như thế nào. Fantine, một nhân vật trong truyện, một người mẹ đơn thân, bị phụ tình và quả tim tan nát. Cô cũng phải vật lộn để nuôi đứa con gái, vật lộn với công việc và điều kiện làm việc đã dần dần hủy hoại sức khỏe cô, vật lộn với sự quấy rối tình dục từ ông chủ vốn tích tụ dần và dẫn đến chuyện cô bị đuổi việc một cách bất công. Có lúc, mọi chuyện quá sức chịu đựng, cô đã sụp đổ, và trong lúc hấp hối, cô đã hát một bài từ biệt với những lời nói lên rằng tâm hồn chúng ta không phải lúc nào cũng mạnh hơn những thương tích, đôi khi có những cơn bão không thể chống nổi. Đôi khi tâm hồn không thể chống nổi cơn bão và sụp đổ trước sức nặng của những thương tích.

Ai nói đúng, cha Nouwen hay Fantine? Tôi cho là cả hai đều đúng, dựa trên hoàn cảnh, sức khỏe nội tâm và nguồn lực cảm xúc của mỗi người. Như câu ngạn ngữ: Cái gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh hơn!

Đúng là thế, với điều kiện nó không giết ta. Đáng buồn thay, có những lúc nó lại giết ta thật. Tôi cho rằng tất cả những ai đang đọc bài này đều đã từng mắt thấy tai nghe một người chúng ta quen biết hay yêu thương đã bị sụp đổ và chết, hoặc tự sát hoặc sụp đổ theo kiểu khác, do cuộc sống tan nát, con tim tan nát, tâm thần tan nát, do một thương tích mạnh hơn tâm hồn của họ.

Do đó, khi nhìn vào hai khẳng định đối lập nhau này, chúng ta cần thêm một sự thật nữa có thể thêm một sự thật có thể bao hàm cả hai. Ơn Chúa, sự tha thứ, và tình yêu thì mạnh hơn những thương tích, sụp đổ, thất bại và cái dường như là tuyệt vọng của chúng ta.

Có lúc, khi đấu tranh, chúng ta có thể tìm được sức mạnh nội tại chôn sâu dưới những thương tích của mình, và nó cho chúng ta có thể vươn lên, vượt qua những thương tích, trở lại với sự lành mạnh, sức mạnh và tinh thần hăng hái nhiệt tình. Tuy nhiên, có lúc những vết thương của chúng ta làm tê liệt tâm hồn và chúng ta không thể nào đến được với sức mạnh ẩn sâu trong lòng mình. Trong đời này, sự tan nát đó có thể bị cảm nhận như là sự sụp đổ tối hậu, một nỗi đau buồn không thể chữa lành, một tuyệt vọng, một cuộc đời vứt đi. Tuy nhiên, bất kỳ lúc nào hoàn cảnh cay đắng và sự mỏng manh tinh thần ập đến cùng lúc, khi nào tâm hồn chúng ta không còn mạnh hơn những thương tích, chúng ta đều có thể nương ẩn nơi một chân lý sâu sắc ơn, một sự an ủi thâm sâu hơn, cụ thể là sức mạnh nơi trái tim Thiên Chúa. Ơn Chúa, sự tha thứ, và tình yêu thì mạnh hơn những thương tích, sụp đổ, thất bại và cái dường như là tuyệt vọng của chúng ta.

Điều khiến đức tin kitô khác với các tôn giáo khác (cũng như khác với các phúc âm thịnh vượng) chính là kitô giáo là một tôn giáo của ơn sủng chứ không phải của nỗ lực tự thân (dù cho nó cũng có tầm quan trọng).  Là người tín hữu kitô, chúng ta không cần phải tự cứu rỗi mình, không cần phải tự lực cứu vớt cuộc sống mình. Thật sự là không một ai cần làm thế. Như thánh Phaolô đã nói rõ trong thư gửi tín hữu Rôma, không một ai trong chúng ta tự cứu vớt cuộc sống mình bằng chính sức mình. Điều này cũng đúng khi muốn thắng vượt những thương tích của mình. Tất cả chúng ta đều có những lúc yếu đuối và sụp đổ. Tuy nhiên, chính lúc này đây, chính khi cơn bão đè bẹp chúng ta, khi chúng ta tìm sức mạnh để đương cự cơn bão nhưng rồi chỉ để thấy rằng cơn bão mạnh hơn chúng ta, chính lúc như thế, chúng ta cần tìm tìm sâu hơn nữa và sẽ thấy được rằng trái tim của Thiên Chúa mạnh hơn những vỡ nát của chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2021/04/29/tam-hon-chung-ta-manh-hon-nhung-thuong-tich/

GỢI Ý BÀI GIẢNG-CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

 

 

GỢI Ý BÀI GIẢNG-CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

–Lm Inhaxiô Hồ Thông–

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh  năm B mời gọi mỗi Ki-tô hữu phải xác tín rằng cuộc đời Ki-tô hữu không thể nào đơm hoa kết trái nếu không được cắt tỉa.

Cv 9: 26-31

Sách Công Vụ tường thuật Giáo Hội Giê-ru-sa-lem ngần ngại tiếp đón thánh Phao-lô, sau khi thánh nhân đã hoán cải. Nhưng thánh nhân đã thật sự hoán cải: một môn đệ rao giảng Đức Ki-tô với một con tim bốc lửa và một niềm xác tín sâu xa.

1Ga 3: 18-24

Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Gioan khuyên người Ki-tô hữu hãy đứng về phía sự thật; có như thế, cuộc đời chúng ta mới thanh thản và bình an và lời nguyện cầu của chúng ta mới được Thiên Chúa nhận lời.

Ga 15: 1-8

Đức Giê-su là cây nho thật. Được kết hiệp với Ngài, các môn đệ mới có thể đơm bông kết trái được, nhưng phải biết rằng họ phải chịu cắt tỉa, nghĩa là phải chịu thử thách.

BÀI ĐỌC I (Cv 9: 26-31)

Trong suốt sáu Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả Bài Đọc I đều được trích dẫn từ sách Công Vụ, năm trong số đó liên quan đến lãnh vực hoạt động của thánh Phê-rô, vị lãnh tụ Giáo Hội. Một đoạn trích duy nhất, đoạn trích hôm nay, nêu bật dung mạo của thánh Phao-lô. Chứng liệu này dâng hiến cho chúng ta mối quan tâm về lịch sử cũng như tâm lý: chính yếu là thời gian thánh Phao-lô lưu lại ở Giê-ru-sa-lem, sau khi hoán cải. Thánh nhân được đón tiếp với thái độ nghi kỵ.

1.Những thử thách đầu tiên của thánh Phao-lô.

Các Ki-tô hữu Giê-ru-sa-lem chẳng những biết mà còn biết quá rõ về ông Phao-lô nầy. Trong cuộc bách đạo đầu tiên giáng xuống trên cộng đoàn của họ, ông Phao-lô là kẻ bách hại cuồng tín nhất: “Ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8: 3). Ông đã dự phần vào cuộc tử đạo của thánh Tê-pha-nô, chính ở dưới chân ông mà người ta để áo để rảnh tay ném đá (Cv 7: 58).

Nhiều năm sau nầy, chính thánh Phao-lô vẫn còn nhớ thái độ cuồng tín mà ông đã phô bày vào lúc đó: “Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giê-su người Na-da-rét. Đó là điều tôi đã làm tại Giê-ru-sa-lem. Được các thượng tế ủy quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã rảo khắp hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ họ” (Cv 26: 9-11).

Ấy vậy, cũng chính nhân vật nầy trở lại Giê-ru-sa-lem và tự nhận mình là môn đệ của Đức Giê-su. Làm thế nào cộng đoàn Ki-tô hữu không khỏi nghi ngờ về một kẻ bách đạo cuồng tín nầy nay đã được chính Đức Giê-su Phục Sinh quy phục để trở thành một trong những nhà truyền giáo nhiệt thành nhất của họ được chứ? Thật ra, tin đồn về cuộc hoán cải của thánh nhân đã vang dội tới Giê-ru-sa-lem, nhưng phản ứng đầu tiên là ngờ vực.

Trong thư gởi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô tường thuật những gì đã xảy ra cho thánh nhân sau khi được ơn trở lại. Sau khi Đấng Phục Sinh đã tỏ mình ra cho thánh nhân trên đường Đa-mát và sau những ngày thánh Phao-lô đã trải qua giữa nhóm nhỏ Ki-tô hữu thành Đa-mát, thánh nhân viết: “Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Á-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày” (Gl 1: 16-18).

Tại sao thánh Phao-lô lại trì hoản lên Giê-ru-sa-lem? Phải chăng vì kẻ bách đạo xưa kia đã gây ra biết bao điều tang tóc cho những người Ki-tô hữu ở tại kinh thành nầy nay cảm thấy ngại ngùng? Lý do thật sự mà thánh Phao-lô cho chúng ta ở nơi những lời nầy: “Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi laon báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1: 16). Vì thế, thánh nhân không hỏi ý kiến của bất kỳ ai, tự xem mình là người được chính Đấng Phục Sinh ủy nhiệm, là người đã nhận mệnh lệnh loan báo Tin Mừng từ chính Chúa. Tức khắc, ông khởi hành ra đi loan báo Tin Mừng cho lương dân. Đây không là lần duy nhất, như đoạn trích Công Vụ hôm nay cho thấy.

Tuy nhiên, trong những ngày lưu lại ở Giê-ru-sa-lem, khi “tìm cách nhập đoàn với các môn đệ”, thánh Phao-lô lại càng gieo nỗi sợ hãi ở nơi họ. May thay, có một người trong số họ, không xuất thân từ Giê-ru-sa-lem nhưng từ đảo Síp, rất có uy tín trong cộng đoàn vì tấm lòng quảng đại của ông (Cv 4: 37), đó là ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là “người có tài yên ủi” (Cv 4: 36). Chính ông nhận ra nhân cách của thánh Phao-lô, vì thế ông lấy uy tín của mình mà đứng ra bảo lãnh thánh nhân và chân thành giới thiệu ơn gọi đặc biệt của thánh nhân. “Từ đó thánh Phao-lô cùng với các tông đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng danh Chúa” (9: 28).

Nhưng rồi thánh Phao-lô nhận thấy Hội Thánh Giê-ru-sa-lem quá bận tâm về sự hoán cải của những người Do thái bản địa, vì thế thánh Phao-lô toan tính mở rộng sứ vụ truyền giáo đến những người Do thái theo văn hóa Hy-lạp. Sở hữu hai nền văn hóa: Do-thái và Hy-lạp, những người Do thái theo văn hóa Hy lạp nầy đến sinh sống ở Giê-ru-sa-lem và hình thành nên một nhóm nhiệt thành và năng động, nhưng cũng là một nhóm nguy hiểm. Thánh Tê-pha-nô đụng phải họ và đã phải trả giá bằng mạng sống của mình (x. Cv 6: 9). Thánh Phao-lô cũng phải chịu chung số phận. Lòng nhiệt thành của thánh nhân đánh thức lòng thù hận của họ. Thánh nhân phải lìa bỏ Giê-ru-sa-lem không chỉ để cứu mạng mình nhưng còn vì lợi ích của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem: “Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô” (9: 30).

Những bước khởi đầu đầy gian nan không tác động đến tâm tình mà thánh Phao-lô dành cho Hội Thánh-Mẹ. Tthánh nhân luôn luôn công bố uy quyền của Hội Thánh-Mẹ mà ông gắn bó sâu xa. Thánh nhân sẽ không quản ngại ra sức quyên góp để giúp đỡ Hội Thánh-Mẹ. Với tấm lòng nhiệt thành truyền giáo, thánh nhân luôn là người tiên phong, nhưng luôn hoạt động trong mối hiệp thông với Hội Thánh.

Ông Ba-na-ba sẽ không quên người bạn đồng hành có tâm hồn bốc lửa nầy. Vài năm sau nầy, ông sẽ cất công đi tìm thánh Phao-lô ở Tác-xô, dẫn thánh nhân theo với mình đến An-ti-ô-khi-a; đoạn, lôi kéo thánh nhân vào cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên của mình. Thánh Phao-lô cảm thấy mình thoải mái hơn trong cuộc mạo hiểm lớn lao nầy.

2.Hội Thánh được bình an.

Sau những sự cố xảy ra trong những ngày thánh Phao-lô lưu lại ở Giê-ru-sa-lem, Hội Thánh lại được bình an. Thời kỳ yên ổn nầy không kéo dài được bao lâu. Vào năm 42-43, cuộc bách hại xảy đến một lần nữa, lần nầy do vua Hê-rô-đê Ác-ríp-pa, cháu của vua Hê-rô-đê An-ti-pa. Trong cuộc bách đạo này, nạn nhân đáng chú ý nhất là thánh Gia-cô-bê, anh của thánh Gioan, bị xử trảm.

BÀI ĐỌC II (1Ga 3: 18-24)

Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Gioan. Bức thư nầy được triển khai theo một dàn bài khó xác định. Những chủ đề xuất hiện nhiều lần, lúc thì lập đi lập lại, lúc khác với những hàm chứa mới. Nhưng giọng văn luôn luôn thôi thúc và nồng nàn. Vị Tông Đồ trình bày những tiêu chuẩn cho cuộc đời Ki-tô hữu chính danh.

Thánh nhân khuyên người Ki-tô hữu “đứng về phía sự thật”, tức là “sống trong sự thật”“sống trong bình an” và “sống trong mối hiệp thông với Thiên Chúa”. Đây là một trong những ý tưởng chủ đạo thường hằng được nhắc đi nhắc lại trong bức thư nầy: một biện pháp hữu hiệu nhất đối lại với những đạo lý sai lạc đang hoành hành nhân danh Ki-tô giáo, tự cho mình là cao vời siêu việt.

1.Sống trong sự thật:

Sống trong sự thật, chính là sống theo cách sống của Thiên Chúa, nghĩa là sống trong tình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm” (3: 18). Đây là lời khuyên cảnh giác của vị mục tử, nhưng cũng ngầm quở trách những người lạc giáo mà thánh Gioan vừa mới lên tiếng ở trên: “Ai nói mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối” (2: 9). Chúng ta không thể xác định cách hành xử của những thầy dạy sai lạc nầy, nhưng sau nầy chúng ta biết rằng những nhà thuyết giáo ngộ đạo này bày tỏ sự khinh miệt đối với đám đông tín đồ không có khả năng vươn tới sự khôn ngoan của họ.

2.Sống trong bình an:

Người Ki-tô hữu nào thực hành tình yêu chân chính cho anh em mình, mới có thể sống trong sự thanh thản và bình an: “Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa” (3: 19). Chữ “lòng” ở đây phải được hiểu theo nghĩa văn hóa Do thái, nơi lương tâm ngự trị: “Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” (3: 20). Cả câu trích dẫn trên và câu theo sau: “Nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa” (3: 21), hình thành nên hai thái độ căn bản ở nơi người Ki-tô hữu: thái độ của tội nhân thống hối ăn năn và thái độ của người công chính “làm những gì đẹp ý Người” (3: 22).

Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta đừng xao xuyến vì tội lỗi của mình. Thiên Chúa biết rõ cõi lòng sâu thẳm của chúng ta còn hơn chúng ta nữa; chúng ta hãy phó thác vào trong sự hiểu biết sâu xa của Ngài. Mẫu gương mà bức thư này thường trích dẫn để minh họa lời khuyên bảo nầy là mẫu gương của thánh Phê-rô. Mẫu gương này rõ ràng được thánh Gioan tường thuật trong Tin Mừng của mình. Khi Chúa Giê-su long trọng hỏi thánh Phê-rô: “Nầy anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em nầy không?”, vị Tông Đồ nhớ lại ba lần mình đã chối Thầy, nên không dám quả quyết ngay là mình yêu mến Thầy, nhưng khiêm tốn phó thác vào sự hiểu biết của Đức Giê-su, Đấng thấu suốt cõi sâu thẳm của lòng người: “Thưa Thầy, Thầy biết là con yêu mến Thầy”. Và lần thứ ba, với một giọng trầm buồn, thánh nhân thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21: 18). Ở đây, chúng ta gặp lại cùng một diễn ngữ trong thư thứ nhất của Gioan: “Người biết mọi sự”.

Trường hợp thứ hai là thái độ của người Ki-tô hữu trung tín: lương tâm của họ không cáo tội họ. Thánh Gioan không ngần ngại khuyên bảo họ hãy mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Khi người công chính đạt được tâm trạng nầy, họ biết rằng những lời cầu nguyện của mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa; vì thế, “bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho” (3: 22). Chủ đề nầy vang dội trong bản văn của Tin Mừng hôm nay.

3.Sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Diễn ngữ: “Tuân giữ các điều răn của Người”, được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc xuyên suốt bức thư nầy. Trong đoạn trích nầy, thánh Gioan hòa hợp ý muốn của Chúa Cha và lệnh truyền của Chúa Con thành một viễn tượng duy nhất, trong quan điểm hiệp nhất của Thiên Chúa. Chúa Cha đòi hỏi họ phải “tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Ngài” và phải “yêu thương nhau” như Chúa Con đã đòi hỏi họ (3: 23). Hai huấn lệnh nầy “được đúc kết thành một huấn lệnh duy nhất”. Như vậy, đối với thánh Gioan, “đức tin” và “đức ái” bất khả phân ly.

Đức tin sống động nầy đảm bảo cho người tín hữu rằng người ấy“ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (3: 24a). Ở đây, chúng ta gặp lại động từ “ở lại” chất chứa cùng một ý nghĩa như trong Tin Mừng Gioan. Chính Thần Khí bảo lãnh đức tin và đức ái nầy một cách chắc chắn và chính thực (3: 24b). Như vậy, chương nầy kết thúc với cuộc đời Ki-tô hữu trong cùng một quan điểm của Ba Ngôi Thiên Chúa.

TIN MỪNG (Ga 15: 1-8)

Vì Lễ Thăng Thiên sắp đến gần, lễ tưởng niệm cuộc ra đi trở về nhà Cha của Đức Giê-su, các bản văn Tin Mừng của Chúa Nhật V và Chúa Nhật VI Phục Sinh được trích dẫn từ cuộc trò chuyện cuối cùng của Đức Giê-su với các môn đệ của Ngài vào buổi chiều Tiệc Ly, được gọi là “diễn từ Cáo Biệt” (Ga 13: 31-16: 33).

Dụ ngôn về “Cây Nho Thật” được Chúa Giê-su công bố với các môn đệ Ngài trong cuộc chuyện trò sau cùng này. Xét về bối cảnh, dụ ngôn nầy khó lồng vào khuôn khổ lịch sử của buổi chiều cáo biệt nầy. Sau khi dặn dò rất nhiều điều với các môn đệ mình, Đức Giê-su tỏ dấu rời khỏi bàn tiệc mà đi đến vườn Ô-liu: “Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!” (14: 31). Ấy vậy, ngay sau lời nầy, Ngài tuyên bố: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho” (15: 1) mà không có đoạn chuyển tiếp nào. Phải chăng Chúa Giê-su kể dụ ngôn nầy khi cùng chung bước với các ông trên đường đến vườn Ô-liu trong đêm? Xem ra hợp lý hơn, dụ ngôn này được Đức Giê-su tuyên bố khi Ngài cùng các môn đệ rảo bước băng qua vườn nho của miền Pa-lét-tin. Đây là cách thức thông thường khi Ngài đưa ra giáo huấn của mình khởi đi từ những dữ kiện cụ thể.

Tuy nhiên, không còn chỗ nào thích hợp hơn là bữa Tiệc Ly ở đó Đức Giê-su nhắc lại dụ ngôn nầy khi mà chén rượu được chuyền tay, khi mà cây nho thật sắp sản sinh rượu nho tinh tuyền nhất từ cuộc Khổ Nạn sắp đến của Ngài. Dụ ngôn về “Cây Nho Thật” ngân vang một cung giọng đậm nét Thánh Thể. Trong Tin Mừng của mình, dù thánh Gioan không tường thuật Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể như ba Tin Mừng Nhất Lãm, thánh ký đã biết đóng ấn Bí Tích nầy trong bữa Tiệc Ly cao cả nầy ở nơi dụ ngôn về “Cây Nho Thật”. Nếu chúng ta liên kết bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước với bài Tin Mừng của Chúa Nhật này, Chúa Giê-su đưa ra một sứ điệp thật tuyệt vời. Sau khi đã gợi lên tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa dưới dung mạo “Người Mục Tử Nhân Lành”, nay Chúa Giê-su gợi lên tâm tình mật thiết của Thiên Chúa qua một hình ảnh khác, hình ảnh “Cây Nho Thật”.

1.“Thầy là cây nho thật”:

Khi tuyên bố: “Thầy là cây nho thật”, Chúa Giê-su quy chiếu về một lịch sử dài của biểu tượng chạy xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh: Ít-ra-en là cây nho được Thiên Chúa ân cần chăm sóc, như các ngôn sứ không ngừng nhắc đi nhắc lại: Hô-sê, I-sai-a, đặc biệt Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Tv 80, các sách Khôn Ngoan, vân vân. Nhưng dù đã được Thiên Chúa hết lòng chăm sóc, cây nho này đã không đơm bông kết trái như lòng Chúa mong ước. Các vị lãnh đạo hiện nay của dân cung cấp một bằng chứng rõ ràng (x. Mt 21: 33-44). Đức Giê-su là cây nho thật, cây nho hoàn hảo, cây nho sinh hoa kết trái như Chúa Cha mong đợi, nghĩa là Đức Giê-su là Ít-ra-en mới, các Ki-tô hữu kết hợp với Ngài hình thành nên Dân Thiên Chúa Mới, dân mà Ngài chuyển thông nhựa sống của mình cho họ.

Như vậy, nhựa sống mà Ngài chuyển thông cho các cành nho thực chất là sự sống thần linh. Thân nho và các cành nho hình thành nên chỉ một cây nho duy nhất, hình ảnh mật thiết về Chúa Ki-tô với Giáo Hội của Ngài. Ở dụ ngôn này, khía cạnh Giáo Hội cũng rõ ràng như trong dụ ngôn Người Mục Tử Nhân Lành, nhưng điểm nhấn được đặt trên đời sống nội tại của Giáo Hội.

2.“Anh em là cành”:

Ở nơi lời tuyên bố: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (15: 5), chúng ta nhận ra một chủ đề căn bản của Tin Mừng Gioan. Đức Giê-su đòi hỏi một chọn lựa: hoặc gắn bó với Ngài hay từ chối Ngài. Gắn bó với Ngài không luôn luôn là dễ dàng. Đức Giê-su gợi lên những công việc mà các môn đệ của Ngài biết rất rõ, những công việc của người trồng nho xử lý cây nho của mình như thế nào để cây nho được trổ sinh nhiều hoa trái: chặt cành tỉa lá một cách nghiêm khắc, không xót thương. Chúa Cha hành xử như vậy đối với những môn đệ của Con Ngài. Đức Giê-su sử dụng những từ rất quyết liệt; Ngài chuẩn bị cho các môn đệ của Ngài bước vào những thử thách đang chờ đợi họ. Đây chính là mầu nhiệm Vượt Qua mà chính Ngài sẵn sàng trải qua. Luật cắt tỉa cứng rắn, nhưng chỉ như vậy người Ki-tô hữu mới trở thành những cành nho đơm bông kết trái.

Tuy nhiên, Đức Giê-su trấn an các ông: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (15: 3). Chữ “lời” được hiểu theo nghĩa giáo huấn, sứ điệp. Đây là nét nghĩa thường hằng trong Tin Mừng Gioan: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết” (8: 51); “Ai nghe lời tôi, và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời” (5: 24); “Các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông” (8: 37). Vả lại, đặc ngữ nầy quy chiếu đến Ngôi Lời trong Tựa Ngôn (1: 1-18).

Trước đây, Đức Giê-su đã nói với thánh Phê-rô rồi khi Ngài rửa chân cho ông: “Về phần anh em, anh em đã sạch” (13: 10). Các Tông Đồ được sạch nhờ Lời Thiên Chúa mà họ đã đón nhận, Lời này ở trong họ trở thành một sức mạnh biến đổi nội tâm. Đây là một chủ đề tiêu biểu của thánh Gioan: Ai kết hợp với Sự Thật, người ấy có ở trong mình sức mạnh thanh tẩy, sức mạnh giải phóng khỏi sự dối trá và tội lỗi: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (8: 31). Sự thật là sự sống, hai khái niệm rất gần nhau tại Tin Mừng Gioan.

3.“Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em”.

Đức Giê-su mời gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (15: 4). Động từ: “ở lại”, là từ chủ chốt của dụ ngôn này. Chúng ta biết rằng, khác với ba Tin Mừng Nhất Lãm, thánh Gioan không sử dụng kiểu nói: “Nước Thiên Chúa” (ngoại trừ trong cuộc đàm luận với ông Ni-cô-đê-mô ở đó kiểu nói nầy xuất hiện hai lần: Ga 3: 3 và 5). Thánh nhân không bao giờ nói: “Nước Thiên Chúa đã đến gần” hay “Nước Thiên Chúa ở đó”, vì Nước Thiên Chúa không là một thực tại bên ngoài. Thánh Gioan nhấn mạnh “chiều kích nội tại của Nước Thiên Chúa” và diễn tả chiều kích nội tâm nầy bởi động từ “ở lại”.

Cành nho không thể tự mình đơm bông kết trái được, cũng vậy, “Không có Thầy, anh em không làm gì được” (15: 5) Đây cốt là cuộc sống siêu nhiên mà không ai có thể đạt được hay tăng trưởng được, nếu chỉ cậy nhờ vào những phương thế của riêng mình.

Toàn bộ dụ ngôn về “Cây Nho Thật” là bài diễn từ về cuộc sống siêu nhiên. Hậu cảnh bí tích được tiềm ẩn ở đây. Đức Giê-su công bố những lời nầy vài giờ trước cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài. Chính Giáo Hội là những cành nho, nhất thiết phải gắn bó mật thiết với Đức Ki-tô là thân nho, để tiếp nhận nhựa sống thần linh. Nước Rửa Tội và Rượu Thánh Thể sẽ là những chính lộ của sự chuyển thông nầy; cây nho thật ban sự sống thần linh.

4.“Anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”.

Trong Diễn Từ Cáo Biệt của mình, Đức Giê-su nhiều lần nhấn mạnh lời cầu nguyện. Trong viễn cảnh của sự kết hợp mật thiết giữa thân nho và cành nho, Đức Giê-su gợi lên tính hiệu lực của lời cầu nguyện: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (15: 7). Cường độ của cuộc sống nội tâm kéo theo một sự thẩm thấu giữa ý muốn của Thiên Chúa với ước muốn của người tín hữu. Chính Ngài nêu gương khi hoàn tất cuộc trò chuyện của Ngài với các môn đệ bởi những lời thân thương của Ngài với Cha Ngài, được gọi “Lời Cầu Nguyện của Đức Giê-su” (17: 1-26).

5.Điều làm Chúa Cha được tôn vinh.

Điều đem lại vinh quang của người trồng nho chính là chất lượng của trái nho cũng như sự phong phú của chùm nho. Cũng vậy, các môn đệ sẽ góp phần vào vinh quang của Chúa Cha bằng những hoa trái thánh thiện và sứ vụ rạng ngời của họ. Lúc đó, họ xứng đáng được gọi là môn đệ của Chúa Giê-su. Bằng những lời nầy, Đức Giê-su diễn tả mối bận lòng chủ yếu của Ngài: thực hiện ý muốn của Chúa Cha, tức là họ phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

https://kinhthanhvn.net/goi-y-bai-giang/goi-y-bai-giang-chua-nhat-v-phuc-sinh.html

Thánh Giuse Thợ - NVMN 1.5.2021

 



Thánh Giuse Thợ - NVMN 1.5.2021
Thánh Giuse Thợ - NVMN 1.5.2021
Niềm Vui Mỗi Ngày

“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 
Ngày 1.5.2021

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Thánh Giuse Thợ 


Để cổ vũ toàn thể Hội Thánh luôn tín thác vào sự bảo trợ của Thánh Giuse – Bổn mạng Hội Thánh, giữa cơn đại dịch Covid 19 đang hành hoành,  ngày 8.12.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông Thư Patris Corde - Trái Tim Người Cha, công bố Năm đặc biệt về thánh Giuse từ ngày 8.12.2020 đến ngày 8.12.2021 để mọi người chạy đến khẩn cầu với ngài, xin ngài chuyển cầu, che chở và gìn giữ trong cơn khốn khó và tìm hiểu, noi gương, bắt chước ngài để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Cùng ngày, Đức Hồng Y Maurus Piacenza – Chánh án Tòa Ân giải Tối cao, cũng ký sắc lệnh ban các Ân xá nhân dịp Năm Thánh đặc biệt này.

Khi người Công giáo cầu nguyện và suy ngẫm về cuộc đời của Thánh Giuse trong suốt Năm Thánh, họ có cơ hội để nhận được ơn toàn xá, nghĩa là được miễn trừ mọi hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra. Ơn toàn xá này có thể được dành cho bản thân hoặc các cho linh hồn trong luyện ngục.

Ân xá đòi hỏi phải thực hiện một hành động cụ thể do Giáo hội xác định, cùng với việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng, và không vướng mắc tội lỗi. (1)

Trong Sắc Lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao công bố Các Ân xá đặc biệt trong Năm kính Thánh Giuse do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập kỷ niệm 150 năm Thánh Giuse được tôn vinh là Bổn mạng Hội Thánh hoàn vũ, có chỉ định những ngày lãnh nhận ơn toàn xá:

“Ngày 1 tháng Năm, năm 1955, vị Tôi tớ Chúa là Đức Giáo hoàng Piô XII đã thiết lập lễ kính Thánh Giuse Thợ, “với ý hướng nhắc nhở mọi người nhận ra phẩm giá của lao động, đồng thời để chính phẩm giá ấy khơi dậy nếp sống xã hội và gợi ý để các bộ luật lao động được thiết lập dựa trên nguyên tắc phân phối công bình trong lĩnh vực quản trị cũng như nghiệp vụ” [Đức Piô XII, Bài giảng lễ kính Thánh Giuse Thợ (1/5/1955)]. Vì thế, ơn Toàn xá được ban cho những ai mỗi ngày dâng các việc làm của mình cho sự bảo trợ của Thánh Giuse và cho bất cứ tín hữu nào khẩn nài lời chuyển cầu của Thánh Giuse, người thợ làng Nadarét, để xin cho những kẻ thất nghiệp tìm được việc làm và cho công việc lao động của mọi người ngày càng đáng được tôn trọng hơn.” (2)

“Để tái xác quyết Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ Hội Thánh hoàn vũ, ngoài các trường hợp nói trên, Toà Ân giải Tối cao rộng ban ơn Toàn xá cho những Kitô hữu thực hành một việc đạo đức kính Thánh Giuse, hoặc đọc một bản kinh đã được chuẩn nhận hợp luật, chẳng hạn kinh “Ad te, beate Joseph”, đặc biệt trong các ngày 19 tháng Ba và 1 tháng Năm, ngày lễ kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, ngày Chúa nhật kính Thánh Giuse (theo truyền thống Byzantin), ngày 19 mỗi tháng và ngày thứ Tư mỗi tuần, vẫn được dành để kính Thánh Giuse theo truyền thống Latinh.

Trong hoàn cảnh nguy cấp hiện nay do dịch bệnh, ơn Toàn xá được rộng ban cách đặc biệt cho những người cao tuổi, các bệnh nhân, người đang hấp hối và tất cả những ai không thể ra khỏi nhà vì có lý do chính đáng; những người này, ngay tại nhà riêng hoặc ở nơi buộc phải lưu trú, cần quyết tâm chừa bỏ tội lỗi và có ý định sẽ thực hiện ba điều kiện thông thường ngay khi có thể, đọc những lời kinh nguyện kính Thánh Giuse, Đấng an ủi bệnh nhân và ban ơn chết lành, tin tưởng dâng lên Chúa những đau đớn và khốn khổ trong cuộc sống.” (3)

Trong ngày mừng lễ thánh Giuse Thợ, ngày đặc biệt để người tín hữu nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh Giuse bằng một việc đạo đức hay một lời kinh cầu cùng thánh Giuse.

Lạy thánh Giuse, bổn mạng của Hội Thánh và của những người lao động chúng con, xin cho chúng con biết noi gương ngài, luôn tín thác vào Chúa, chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...

                                                                             Nguyễn Thái Hùng

+++++++++++++
  1. https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799
(2), (3) : https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/sac-lenh-cac-an-xa-dac-biet-trong-nam-kinh-thanh-giuse-41281


 

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm B-Ga 15,1-8

 

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm B-Ga 15,1-8

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm B-Ga 15,1-8

–Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J–

  1. Đọc Ga 6,35.48; 8,12; 9,5; 10,7.9; 10,11.14; 11,25; 14,6; 15,1.5. Bạn thấy các câu trên có điểm nào chung? Qua các câu trên, bạn thấy Đức Giêsu tự nhận mình là gì?
  2. Đọc lại tất cả các câu Kinh Thánh ở câu trên. Bạn thấy những gì Đức Giêsu nói về mình, có liên hệ gì đến loài người chúng ta không?
  3. Đọc Ga 15,1 và 15,5. Bạn thấy hai câu này có gì khác nhau không? Đức Giêsu có phải là người sống nhờ và sống cho không?
  4. Đâu là công việc của Chúa Cha, người trồng nho? Đọc Ga 15,2-3. Cha cắt tỉa các môn đệ với mục đích gì? Trong bài Tin Mừng này có bao nhiêu cụm từ “sinh trái”?
  5. Trong bài Tin Mừng này, có bao nhiêu cụm từ “ở lại trong”? Đâu là ý nghĩa của cụm từ này?
  6. Tìm những câu trong bài Tin Mừng này cho thấy việc ở lại có tính “hai chiều” (Ga 15,4.5; xem thêm Ga 6,56). Làm sao để ta ở lại trong Giêsu? Đọc Ga 15,7.
  7. Đọc cả bài Tin Mừng. Đâu là những hậu quả của việc không ở lại trong Chúa? Ngược lại, đâu là những kết quả của việc ở lại trong Chúa? Theo bạn, ở lại trong Chúa có nhiều mức độ hay cấp độ không? Hoa trái có tuỳ theo mức độ bạn ở lại trong Chúa không?
  8. Đọc Ga 15,8. Để thật sự trở thành môn đệ thật sự của Thầy Giêsu, cần có dấu hiệu nào? Đọc Ga 13,35.

 

Câu hỏi suy niệm: Trong cuộc đời bạn, bạn có thấy mình được Chúa Cha cắt tỉa không? Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Trong sách Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường dùng những hình ảnh cụ thể và gần gũi với cuộc sống, để nói về bản thân mình. Ngài hay dùng lối nói: Tôi là (hay Ta là), lối nói này không thấy có trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Ngài nói: Tôi là Bánh trường sinh (6,35.48), là Ánh sáng cho trần gian (8,12; 9,5), là Cửa (10,7.9), là người Mục tử tốt lành (10,11.14), là Cây Nho thật (15,1.5) và là Đường (Ga 14,6). Đây là những lối nói ẩn dụ (metaphor). Cũng có khi Ngài nói về mình bằng những thực tại trừu tượng hơn: Tôi là Sự Sống lại và là Sự Sống (11,25), là Sự Thật và là Sự Sống (14,6).
  2. Đọc những câu trên đây trong Tin Mừng Gioan, ta thấy khi Đức Giêsu nói về mình, Ngài luôn nói về mình trong tương quan với loài người chúng ta. Ngài là Bánh hằng sống để nuôi loài người, là Ánh sáng để dẫn đường chúng ta đi, là Cửa để đàn chiên ra vào, là người Mục tử chăm sóc chiên và dám chết vì đàn chiên, là Sự Sống lại và là Sự Sống đời đời cho người tín hữu, là Con Đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha, và là Cây Nho đem sức sống nuôi dưỡng các cành nho là chúng ta. Qua những câu trên, ta thấy cuộc sống của Đức Giêsu gắn kết với con người, Ngài sống trọn vẹn cho con người. Ngài nhận sự sống thần linh từ Chúa Cha và trao ban sự sống ấy cho những ai đến với Ngài và tin vào Ngài.
  3. Câu Ga 15,1 cho thấy Đức Giêsu là Cây Nho thật được Chúa Cha trồng. Ngài sống nhờ sự chăm sóc của Chúa Cha là người trồng nho. Còn câu Ga 15,5 cho thấy Đức Giêsu là Cây Nho ban sức sống cho các cành gắn liền với Cây và làm chúng sinh trái nhờ được nuôi bằng dòng nhựa. Như thế Cây Nho Giêsu vừa sống nhờ Cha là người trồng, vừa sống cho con người là những cành của Cây Nho. Có thể nói, Đức Giêsu thông chuyển sức sống nhận được từ Chúa Cha cho con người.
  4. Đức Giêsu ví mình với cây nho thật và Cha Ngài là người trồng nho (Ga 15,1). Đây là công việc của Cha đối với các cành: mọi cành ở trong Giêsu mà không sinh trái thì Cha chặt đi; mọi cành sinh trái thì Cha cắt tỉa để chúng sinh trái hơn. Như thế “sinh trái” là điều mà Cha mong muốn khi trồng nho. Cụm từ “sinh trái” được nhắc đến sáu lần trong bài Tin Mừng này: trong Ga 15,2 (3 lần), và trong Ga 15,4.5.8. Sinh trái là ước mơ lớn của Cha, người trồng nho. Bởi đó Cha không chấp nhận một cành nho ở trong cây nho Giêsu mà lại không có trái. Cha tỉa cành chỉ vì Cha muốn cành nho đó sai trái hơn. Vinh quang của Cha là sự phát triển của con người. Cha cắt tỉa các môn đệ cho sạch bằng lời của Đức Giêsu nói với họ (Ga 15,2-3).
  5. Trong bài Tin Mừng này, cụm từ “ở lại trong” được nhắc đến nhiều lần, trong Ga 15,4 (3 lần), và trong Ga 15,5.6.7 (mỗi câu 2 lần). Ở đây Đức Giêsu dùng lối nói đặc biệt “ở lại trong” để diễn tả sự kết hợp hết sức thân thiết giữa Ngài với các môn đệ, có thể nói là cả hai nên một. Như cây nho và cành nho có chung một nguồn nhựa, Đức Giêsu và các tín hữu cũng có chung một sự sống thần linh. “Hãy ở lại trong Thầy” là một mệnh lệnh của Đức Giêsu có tầm quan trọng sống còn trong đời kitô hữu. Trong Tin Mừng Gioan, “ở lại trong” còn được dùng nhiều lần khác trong Ga 5,38; 6,56; 8,31; 14.10.
  6. Đọc Ga 6,56; 15,4.5 ta thấy ở lại trong thường có tính hai chiều, nghĩa là các môn đệ ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong họ. Như thế là Thầy và trò ở lại trong nhau. Khi diễn tả sự thân thiết giữa Ngài với Chúa Cha, Đức Giêsu cũng dùng lối nói: Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha (Ga 14,10.11). Muốn ở lại trong Giêsu, ta cần tuân giữ lời của Ngài. Lời Đức Giêsu nói với các môn đệ đã làm cho họ được sạch rồi (Ga 15,3), nhưng họ cần để cho những lời đó ở lại trong họ (Ga 15,7), hay họ ở lại trong lời đó (Ga 8,31).
  7. Những hậu quả của việc không ở lại trong Đức Giêsu là: cành không sinh trái (câu 4), cành bị chặt (câu 2), bị quăng ra ngoài và khô héo, rồi bị quăng vào lửa (câu 6), khi không có Đức Giêsu, ta chẳng làm được gì (câu 5). Nếu ai ở lại trong Đức Giêsu: người ấy như cành nho được tỉa để sinh trái hơn (câu 2), người ấy sẽ sinh nhiều trái (câu 5 và 8), và sẽ được như ý nếu cầu xin với Cha (câu 7); khi sinh nhiều trái thì Chúa Cha được tôn vinh và người ấy trở nên môn đệ của Đức Giêsu (câu 8). Như thế ở lại trong Chúa có nhiều mức độ. Càng ở lại trong Giêsu sâu hơn, ta càng có hy vọng sinh nhiều trái hơn, và Chúa Cha càng được tôn vinh hơn (câu 8).
  8. Mọi tín hữu đều được gọi là môn đệ Đức Kitô (Ga 6,60). Nhưng họ chỉ thực sự trở nên môn đệ của Ngài khi họ “sinh trái” (Ga 15,8). Dựa trên Ga 13,35 và Ga 15,12-17, ta có thể nói một trong những hoa trái quan trọng là tình yêu thương nhau. Khi yêu nhau, họ chứng tỏ mình là môn đệ thật của Thầy Giêsu.

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Một người cha trong bóng tối

 

Một người cha trong bóng tối

 
  •  
  •  

Thời thơ ấu của Đức Giêsu, Tranh của Gerrit Van Honthorst (1620)

MỘT NGƯỜI CHA TRONG BÓNG TỐI

Tác giả: Ronald D. Witherup, S.S., Ph.D.
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính 

WGPQN (28.04.2021) - Ngày 8 tháng 12 năm 2020, Đức Phanxicô đã khiến thế giới ngạc nhiên một lần nữa khi ra Tông thư tuyên bố “Năm Thánh Giuse”. Tôi có thể mường tượng ra không ít giám mục và linh mục buộc miệng: “Lại một năm chủ đề nữa rồi!”

Vài giáo phận đã có kế hoạch cho những biến cố có chủ đề của riêng mình, hay có những hội nghị, chương trình riêng của giáo phận. Thêm vào đó, chẳng bao lâu sau, Bộ giáo dân, Gia đình và Sự sống cũng tuyên bố trùng lắp một Năm “Gia đình Amoris Laetitia”, kỷ niệm 5 năm Tông huấn hậu thượng hội đồng Amoris Laetitia và bênh vực cho hình ảnh gia đình trong một thời đại bị nhiều sức mạnh đe dọa.

Trong khi thông cảm với cái mệt của năm chủ đề - chưa kể đến cái mệt mỏi của đại dịch đang lan tràn khắp thế giới khi Đức thánh cha tuyên bố năm thánh – tôi vẫn nghĩ có vài điều đáng nói trong năm tôn kính thánh Giuse này và đây là đích nhắm của bài viết.

Tông thư “Patris Corde” – Trái tim người cha

Để bắt đầu, ta hãy xem lại cách ngắn gọn vài điểm chính yếu liên quan đến thông báo bất ngờ của Đức thánh cha trong tông thư “Trái tim người cha” này. Đây là dịp để kỷ niệm 150 năm Thánh Giuse được Đức Piô IX tuyên bố là thánh bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ vào ngày 8 tháng 12 năm 1870.

Đức Phanxicô giải thích: “Tôi muốn chia sẻ một vài suy tư cá nhân về dung mạo phi thường này, thật gần gũi với kinh nghiệm của con người chúng ta”. Trong khi lòng tôn kính của Đức Phanxicô đối với Thánh Giuse được gợi hứng từ Kinh Thánh, ngài cũng chỉ ra thông tin chi tiết của Kinh Thánh về Thánh Giuse vẫn còn thiếu. Đó là lý do tại sao Thánh Giuse vẫn là một thánh nhân “trong bóng tối”, điều mà Đức thánh cha nhìn nhận (cf. số 7).

Tuy nhiên, nội dung chính của tông thư giải thích 6 khía cạnh khác của đấng thánh này, tất cả đều được liên kết với vai trò “người cha” của ngài. Đây là sự đột phá trong giáo huấn của Đức thánh cha. Các chủ đề ngài nhấn mạnh là Thánh Giuse như một người cha được yêu mến, dịu dàng và yêu thương, vâng phục, chấp nhận, có lòng can đảm đầy sáng tạo và chăm chỉ làm việc. Đi đôi với nhận xét về Thánh Giuse như là hình ảnh người cha kín đáo, bảy chủ đề này làm nên nội dung bức tông thư và hình thành một bản tóm thuyết phục về quan niệm người cha của Đức Phanxicô trong thời đại chúng ta.

Đức Phanxicô cũng đưa ra một lời kinh đẹp và ngắn gọn để tôn kính Thánh Giuse, nên đọc thường xuyên trong năm này.

Đạo đức bình dân

Trước mọi bóng tối của mình, Thánh Giuse vẫn là một vị thánh phổ biến trong truyền thống các dân tộc. Nhiều nền văn hóa cổ vũ lòng tôn kính đối với ngài, và điều này dẫn đến vài truyền thống hơi lạ kỳ.

Một trong những tập tục kỳ lạ quanh Thánh Giuse đặc biệt phổ biến nơi vài gia đình người Ý mà tôi biết. Một số người trong họ khẳng định rằng nếu bạn muốn bán căn nhà của mình thì tất cả những gì bạn cần làm là đặt tượng Thánh Giuse lộn ngược đầu xuống một cái lỗ ở sân vườn sau nhà thì ắt sẽ bán được ngay. Hẳn nhiên, tôi coi đây là mê tín. Nhưng ai biết được? Tôi không bao giờ thử nó, tôi là ai mà phản đối điều đó chứ?

Đức Phanxicô cũng chỉ ra một truyền thống khác bắt nguồn từ trong phụng vụ của Giáo Hội. Tên của Thánh Giuse xuất hiện trong lễ quy Rôma (Kinh nguyện thánh thể I), mặc dù vắng bóng trong các lễ quy khác được phục hồi hay sáng tác sau Công đồng Vatican II. Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã truyền cho tên Thánh Giuse cũng phải được đặt trong các lễ quy thánh thể khác. Bây giờ chúng ta hãy nhắc nhớ lại vị hôn phu “khiết tịnh nhất” của Đức Mẹ.

Bối cảnh Kinh Thánh

Xét theo Kinh Thánh, ta thường xem Thánh Giuse là một nhân vật kín đáo trong Tân Ước. Ngài không nói một lời nào trong các Tin Mừng. Thậm chí, Ngài không được nêu tên trong Tin Mừng Marcô, sớm nhất trong các tin mừng. Trong ba Tin Mừng khác, Ngài được nhìn nhận là cha của Đức Giêsu (Ga 1,45; 6,42) và chồng Đức Maria (Mt 1,16.19).

Người ta nói Ngài làm nghề thợ mộc (tiếng Hy Lạp là tektōn), đó là một nghề thủ công khéo léo (Mt 13,55), một người làm đồ gỗ để kiếm sống. Quan trọng hơn, Thánh Giuse xuất thân từ “nhà Đavít” (Lc 1,27) và như vậy mang một dòng dõi để ban tặng cho con của mình như là Đấng Messia.

Tin Mừng phác họa vai trò tích cực nhất của Thánh Giuse là Tin Mừng Matthêô. Giống như người cùng tên trong Cựu Ước, Thánh Giuse gắn liền với các giấc mơ (Mt 1,20; 2,13.19). Ngài cũng là người nhận sứ điệp trực tiếp từ Thiên Chúa để cứu thoát vợ con mình khỏi ông vua ác độc (Hêrôđê Đại Đế). Ngài đưa họ sang Ai Cập để trốn thoát khỏi một bạo chúa ghen tị và sát nhân, đe dọa “vua dân Do Thái” mới sinh để giống như Israel thời xưa, Đức Giêsu có thể ra khỏi Ai Cập để làm Đấng Cứu Thế (cf. Mt 2,15; Hs 11,1).

Vai trò của Thánh Giuse trong trình thuật thời thơ ấu của Đức Giêsu theo Tin Mừng Matthêô có thể sánh với câu chuyện Truyền Tin trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38). Song như cha Raymond E. Brown đã có lần nói, không giống với cảnh tượng nổi tiếng của Đức Maria, rất ít họa sĩ vẽ “những cuộc truyền tin” này với Thánh Giuse trong nghệ thuật của họ. Ngài vẫn ở trong hậu cảnh.

Tình phụ tử

Dù có hạn chế về dữ liệu Kinh Thánh này, Thánh Giuse đóng một vai trò quan trọng trong của câu chuyện Đức Giêsu Nadarét, mà Đức Phanxicô đã nêu bật lên trong tông thư của mình. Có hai vấn đề nổi bật.

Mối bận tâm đầu tiên của vai trò Thánh Giuse như là “người cha” đối với Đức Giêsu đã được Đức Phanxicô nhấn mạnh ngay. Tân Ước nói rõ rằng “Người Cha” thật sự của Đức Giêsu là Thiên Chúa (cf. Mt 1,20) và vai trò của Thánh Giuse là cha nuôi (Lc 3,23). Tuy nhiên, những hành động của Thánh Giuse được thuật lại trong các Tin Mừng ngài hành động đúng cách như là một “người cha” thật sự, đạo đức, đối với Đức Giêsu. Trong nhãn quan Matthêô, Thánh Giuse là “người công chính” mà ngay trước khi Đức Giêsu được hạ sinh, đã có ý định không làm bối rối Đức Maria bằng một cuộc ly hôn công khai vì việc mang thai không giải thích được của Mẹ ( Mt 1,19). Hơn nữa, ngài bảo vệ cả con trẻ và mẹ Ngài, trốn khỏi sự hãm hại và chỉ quay về nhà khi trời quang mây tạnh.

Còn quan trọng hơn nữa, dù những chi tiết không bao giờ được gợi lên, Thánh Giuse rõ ràng đã chu cấp cho gia đình nhỏ của mình nhờ nghề mộc. Là người thợ mộc, ngài cũng dạy người con bước theo nghề mình (cf. Mc 6,3; Mt 13,55).

Kế thừa của Thánh Giuse trong dòng dõi Đavít cũng cấp một khía cạnh quan trọng khác trong căn tính của Đức Giêsu. Dòng dõi Đavít của các vua trong dân Israel là điều chính yếu trong thần học cứu thế. Matthêô đã làm nổi bật dòng dõi này qua phả hệ của Đức Giêsu xoay quanh vua Đavít, vị vua kiểu mẫu của dân Israel (cf. Mt 1,1-17). Đức Giêsu cũng được ca ngợi là “Con vua Đavít” (Mt 1,1; 9,27; 20,30), một trong những tước hiệu Kitô học mà Matthêô liên kết với sứ vụ chữa lành của Đức Giêsu. Như vậy Thánh Giuse đã cung cấp một mối liên kết trực tiếp với tổ tiên vương triều.

Tông thư của Đức Phanxicô nhấn mạnh đến những điều này và những khía cạnh khác nơi tính phụ tử của Thánh Giuse đáng cho ta suy tư. Khi người ta nhắc lại thực hành của người Công giáo gọi các linh mục là “Cha”, chúng ta đang khẳng định một vai trò ẩn dụ rất quan trọng trong gia đình đức tin. Tính phụ tử không chỉ là vấn đề căn tính sinh học. Tính phụ tử có nghĩa rộng hơn thế, như ta thấy trong thực hành của Thánh Phaolô xem mình như “người cha” thiêng liêng đối với cộng đoàn mình và ngay cả đối với những cộng tác viên trẻ tuổi hơn (cf. 1 Cr 4,15; Pl 2,22).

Ngày nay, các nhà tâm lý học chú ý đến vai trò thiết yếu của những người cha trong việc minh họa hành vi cho con cái noi theo, đặc biệt là con trai. Rủi thay, chúng ta đang sống trong một thời đại mà nhiều gia đình thiếu đi hình bóng một người cha ổn định, đặc biệt là trong số những người nghèo. Lôi kéo sự chú ý đến một mẫu lý tưởng người cha thật sự là một giá trị mà chúng ta nên xúc tiến và có thể là đích nhắm trong suốt Năm Thánh Giuse này. Đặc biệt đối với các linh mục, điều này có thể cho phép chúng ta mài dũa kỹ năng như là những hình bóng người cha thiêng liêng nhân hậu đối với cộng đoàn mà ta phục vụ.

Thinh lặng và Khiêm tốn

Khía cạnh thứ hai của Thánh Giuse thoát ra từ góc độ Kinh Thánh là giá trị của thinh lặng và khiêm tốn. Trong một thế giới bị dội bom với những hình ảnh về quyền lực và sức mạnh, hà hiếp và công kích, la lối và hô hào, và một triết lý tiến lên phía trước bằng cách dẫm lên lưng người khác, chúng ta có thể sử dụng một liều thuốc khác.

Đối với người không nói lời nào trong các Tin Mừng, sự thinh lặng của Thánh Giuse nói lên rất nhiều. Ta có thể đã từng trông mong Ngài mắng nhiếc một bạo chúa như Hêrôđê, hoặc chiến đấu can trường với những kẻ thù của mình. Thay vào đó, điều ta thấy chỉ là hành động nhanh chóng để bảo vệ gia đình đang bị đe dọa của mình và rồi tiếp tục sống cách đơn giản, khiêm tốn. Không cần phải thể hiện nam tính (machismo) cách quá đáng ở đây!

Đức Phanxicô một lần nữa đã nêu lên khía cạnh này trong hình ảnh của Thánh Giuse với một giải thích đúng: “Khi đọc lướt qua những câu chuyện này có thể chúng ta thường có cảm tưởng rằng thế giới được phó mặc cho những kẻ mạnh và kẻ có quyền, nhưng "tin mừng" của Phúc âm là ở chỗ cho thấy rằng, bất chấp thói kiêu ngạo và bạo lực của các quyền lực thế gian, Chúa luôn tìm ra cách thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài” (Patris Corde, số 5).

Đối với người có đức tin, sức mạnh hay lên tiếng nói không phải là điều quan trọng nhất. Sự thinh lặng không phải là không có gì để nói. Nó là kỹ năng lắng nghe. Thinh lặng là cách chờ đợi và cẩn thận lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Giống như Thánh Giuse, sứ điệp Thiên Chúa có thể xảy đến trong giấc mơ. Chúng có thể đến trong sự thấu hiểu bất ngờ và không mong đợi. Bài học quan trọng nhất cần phải học là chúng ta không phải lúc nào cũng nói lên ý nghĩ của chúng ta, phải bớt lớn tiếng hơn, vào mỗi thời khắc hay mọi hoàn cảnh. Quả thật, đây là một trong những mối nguy hiểm của truyền thông xã hội trong thời đại chúng ta, đặc biệt khi người ta lầm lạc tin rằng chúng khoác lên mình họ một sự nặc danh.

Sự thinh lặng của Thánh Giuse hẳn nhiên và đương nhiên khiến các Kitô hữu muốn nhiều thông tin hơn về ngài, đặc biệt khi lòng đạo đức sơ thời bắt đầu tưởng nhớ đến ngài, như trong Giáo Hội phương Đông. Cuốn ngụy thư “Lịch sử Thánh Giuse, người thợ mộc” xuất hiện vào thế kỷ thứ tư, và những chi tiết tưởng tượng về đời sống của ngài xuất hiện. Những truyền thuyết như vậy có lẽ không cần thiết, dù chúng lấp đầy khoảng trống để biết nhiều hơn về dung mạo lạ kỳ này trong cuộc đời của Đức Giêsu.

Lòng đạo đức đối với Thánh Giuse dường như đã phát triển cách tự nhiên theo dòng thời gian. Nó đạt tới đỉnh điểm trong lịch sử Giáo Hội trong trường phái linh đạo Pháp vào thế kỷ XVII, là một phần của truyền thống Hội Xuân Bích. Những thành viên của trường phái Pháp như Thánh Gioan Eudes và cha Jean-Jacques Olier, Hội Xuân Bích, đã phát triển một sự yêu thích mạnh mẽ đối với hình ảnh Thánh Giuse, nhấn mạnh đến vai trò người cha của ngài trong tương quan với Thánh Gia. Cha Olier thậm chí đã soạn một kinh cầu đặc biệt để tôn sùng ngài, được sử dụng trong những ngày lễ đặc biệt.

Trong thời đại chúng ta, có hai ngày lễ về Thánh Giuse – 19 tháng Ba và 1 tháng Năm. Ngày lễ trước kính Thánh Giuse, Hôn phu Đức Maria, trong khi ngày lễ sau kính Thánh Giuse thợ. Lễ trước nhắm đến vai trò của ngài như là vị hôn phu đạo đức của Mẹ Maria và là người đàn ông vị tha của gia đình, ngày lễ sau tập trung vào thân thế giản dị của ngài là một người thợ. Ngày lễ 1 tháng Năm được Đức Piô XII thiết lập vào năm 1955, một phần nào để đối lại với các phong trào lao động hiện đại muốn tục hóa ngày này dành cho những người lao động phổ thông.

Năm Thánh Giuse này cho chúng ta một cơ hội nữa để ca ngợi Thiên Chúa vì đấng thánh khiêm tốn này, người vẫn luôn là một gương mẫu tốt cho những người cha trong thời đại chúng ta – dù là cha theo nghĩa đen hay là ẩn dụ.

Nguồn: gpquinhon.org  

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/mot-nguoi-cha-trong-bong-toi-41836