Trang

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Mẹ và Con


Mẹ và Con

Trên con đường truyền giáo
Có Mẹ cùng bước đi
Gian khổ đâu sá gì
Lời Tin mừng cứu độ.

Trong căn nhà vây chặt
Những tâm hồn lắng nghe
Lời cứu rỗi của Chúa
Lời Cha đầy thương yêu.

Bỗng đâu ngoài cửa ngỏ
Vọng tiếng ai thân thưa
‘Mẹ và anh em đến
Đến để được gặp Thầy’.

Thầy đưa mắt nhìn quanh
Những tâm hồn bạn hữu
Những tâm hồn thanh bần
Lặng nghe Lời Thiên Chúa .

‘Đây là anh em Ta
Đây chính là Mẹ Ta
Những người nghe Lời Chúa
Và đem ra thực hành’.

Thầy ơi lòng sung sướng
Được làm anh em Thầy
Khi lắng nghe Thầy dạy
Cùng thực hành thương yêu.

Đường dương thế hôm nay
Hoa Tin mừng nở rộ
Người người cùng mơ ước
Thực hành dấu yêu thương.

Gb. Nguyễn Thái Hùng

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

MƯỜI HAI CHI TỘC

MƯỜI HAI CHI TỘC
wsup3Kinh Thánh ghi lại lịch sử của mười hai con cháu ông Jacob trở thành Mười Hai Chi Tộc Israel, dân riêng Chúa. Mười hai chi tộc bắt đầu từ một đại gia đình. Chính tên Jacob cũng do Chúa đặt cho. Tên của 12 chi tộc đó là: Reuben, Simeon, Judah, Issachar, Zebulun, Benjamin, Dan, Naphtali, Gad, Asher, Ephraim và Manasseh. Sáng Thế Ký 9.

Khi Jacob định cư đất Aicập cũng là lúc lịch sử Israel được thành lập. Trên núi thánh Sinai Thiên Chúa ban cho họ lề luật và đó là lề luật của cả một dân tộc ghi lại trong sách Torah. Lề luật bị coi thường, việc thờ phượng lơ là, xa dời Thiên Chúa, đời sống đồi trụy trở thành nô lệ thói hư tật xấu bản thân sau đó là nô lệ cho Pharaoh. Thiên Chúa sai Môisen đến cứu họ và dân này lưu đầy bốn mươi năm trong sa mạc trước khi đến miền đất hứa. Tại đây mỗi chi tộc chiếm một vùng đất do chi tộc trưởng lãnh đạo và tất cả dưới quyền lãnh đạo chung của Saul và thầy cả thượng phẩm Eli. Nội chiến xảy ra và các bô lão ủng hộ David và David trở thành vua. Sau khi David chết Solomon thay cha lãnh đạo. Sau khi Solomon chết, Nam Bắc phân tranh chia đất nước làm hai. Lãnh thổ phía Bắc nhận là Israel; lãnh thổ phía Nam thành Judah.

Thời Tân Ước Đức Kitô cũng chọn mười hai tông đồ tạo dựng nước Thiên Chúa nơi trần gian. Chính Đức Kitô đã chọn họ và đặt tên cho một số các môn đệ, huấn luyện và sai họ đi rao giảng Tin Mừng và sau đó là Tin Mừng Phục Sinh. Ai tin và nhận phép thanh tẩy: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần, người đó trở thành dân riêng của Thiên Chúa, trở thành anh chị em trong Đức Kitô và trở thành Dân Tư Tế, thừa hưởng gia nghiệp Đức Kitô trao ban, là kẻ thừa tự trong đại gia đình Chúa. Là kẻ thừa tự, hưởng gia nghiệp Chúa bởi chính Đức Kitô sống lại từ cõi chết, ban sự sống trường sinh cho những ai tin theo, sống tinh thần mến Chúa, yêu tha nhân. Trong nước Đức Kitô chỉ có một lề luật đó là luật yêu thương bởi chính Đức Kitô xác định: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau.Gn 15,12

Đức Kitô thiết lập Giáo Hội Chúa nơi trần gian. Ngài trao quyền điều hành cho thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi và những kẻ kế tiếp điều hành Giáo Hội trần thế theo tinh thần của Đức Kitô, Ngài là đầu và các Kitô hữu là thành phần của thân thể Kitô. Giáo hội trần thế nhận sức mạnh và sự khôn ngoan của Thánh Thần Chúa, lắng nghe và thực thi lời hướng dẫn của Thánh Thần. Dân Israel chịu lưu đầy bốn mươi năm trong sa mạc truớc khi tiến vào miền đất hứa. Dân Đức Kitô không phải lưu đầy mà là những người lữ hành suốt cuộc sống trần gian. Trở thành người lữ hành để họ tìm kiếm người khác cùng đồng hành với họ rao giảng Tin Mừng Đức Kitô Phục Sinh. Trước khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết họ rao giảng kêu gọi mọi người thống hối để đón nhận nước Thiên Chúa đang đến. Sau khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết họ rao giảng Tin Mừng Phục Sinh, họ là sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh, là anh chị em sống trong đại gia đình Chúa. Người lãnh đạo dân Chúa mang tinh thần của Đức Kitô, tinh thần đó là "đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ" Mat 20,28. Chính Đức Kitô xác nhận điều đó và thực thi trong cuộc sống rao giảng của Ngài. Phục vụ trong tinh thần khiêm tốn, yêu thương và tha thứ. Khiêm tốn, yêu thương, phục vụ là yếu tố căn bản chọn người lãnh đạo dân Chúa. Khi người lãnh đạo thực sự mang tinh thần trên của Đức Kitô thì việc tranh giành quyền lực sẽ không còn bởi họ được kêu gọi để phục vụ, để nhận ra khuôn mặt Đức Kitô nơi người họ phục vụ và nhận biết sự sống là lành thánh vì do Chúa ban.
Lm Vũ đình Tường 

TiengChuong.org

Twelve heads

Biblical tradition tells the twelve tribes of Israel who were descendants of Jacob, the name was given by God. The names of the twelve tribes are: Reuben, Simeon, Judah, Issachar, Zebulun, Benjamin, Dan, Naphtali, Gad, Asher, Ephraim and Manasseh Gn 9. They are the descendants of one family, when Jacob entered Egypt his family formed the Israelites. They received the Torah from God at Mount Sinai and it became their law. After 40 years of wandering in the desert before entering the land of Canaan they came under the leadership of Moses. They conquered the land and each tribe was given a territory to govern and Saul ruled over all the tribes and Eli as their priest. Civil war broke out because some tribes followed Saul, some preferred David. Finally David received support from all the elders and became their king. Solomon took the throne after the death of his father. Soon after Solomon's death, the twelve tribes were divided to be Northern kingdom and were called Israel while Southern kingdoms were led by the tribe of Judah.

In the New Testament Jesus chose twelve apostles to form the new people. Those who follow the way of Christ and are Baptised are the new chosen race, the royal priesthood. They become brothers and sisters in Christ. They have one leader, Jesus, and have God as their Father. While on earth they belong to the Church established by Jesus and Jesus himself had appointed Peter as their head and his successors. The whole Church body is guided by the Spirit of the Risen Lord and when our pilgrimage has ended we will enter God's kingdom. We are heirs in God's kingdom because our leader, Jesus Christ who rose from the dead has gained it for us. The Israelites wandered 40 years in the desert before entering the Promised Land; the royal priesthood of Christ will spend a whole life time doing pilgrimage on earth. While on earth we are called to be the ambassadors for Jesus, spreading the Good News of the Risen Christ for everyone we meet on the road. And whoever accepts the message and is baptised in the Name of the Father and of the Son and of the Holy Spirit will be a member of God's family.

The Israelites had the Torah as their way of life; the royal priesthood have one single rule Jesus gave them and that is the rule of love as their way of life. All the baptised persons must learn from Jesus to live a life of love and service - Love one another as I have loved you. By this sign people know that you are my disciples: love one another. Jn 15,12

The way of Jesus is the way of love and humble service. Leaders learn to serve because Jesus told us that he comes to serve not to be served Mt 20,28. Love and humble service are the keys characteristic of our leadership. Humble service would help to eliminate the leadership tension. Recognizing the sacred and God's love in other person changes the way of leadership and that is what God calls us to live a life of seeing Christ in others.

http://www.kinhthanhvn.net/muoi-hai-chi-toc

Mang Tâm Tình Chúa


Mang Tâm Tình Chúa



Nhóm Mười Hai trở về
Tường thuật bao điều lạ
Lời Tin Mừng cứu rỗi
Giữa cảnh đời gian nan.

Thấy môn đệ nhọc nhằn
Khuyên tìm nơi vắng vẻ
Hồn an bình bên Chúa
Xác thân được an nhàn.

Bỗng đâu đám đông tới
Như chiên lạc xa bầy
Chúa chạnh lòng thương xót
Dạy dỗ bao điều hay.

Giữa cánh đồng chiều vắng
Phận người bao bơ vơ
Chúa ra tay nâng đỡ
Ban bánh nuôi xác hồn.

Con một đời theo Chúa
Chứng kiến bao phận đời
Neo đơn, trong quán trọ
Chợ đời, bóng lẻ loi...

Hồn con sao vẫn mãi
Khép chặt lòng từ nhân
Trước phận người anh em
Họa ảnh của Thiên Chúa ?

Chúa ơi xin giúp con
Mang tâm tình của Chúa
Đến với người anh em
Với tấm lòng rộng mở.

Gb. Nguyễn Thái Hùng

Mẹ Sao Biển


Mẹ Sao Biển



Trên bãi biển chiều vắng
Giữa muôn ngàn sóng vỗ
Vạn lời nguyện thì thầm
Kêu cầu Mẹ yêu dấu.

Mẹ Sao Biển hiền dịu
Giới thiệu Chúa Hài Nhi
Cho mọi người được thấy
‘Các con muốn điều gì ?’

Con là người lữ khách
Đến quỳ trước nhan Mẹ
Hương thơm bao ngọt ngào
Hoa tràn ngập muôn sắc.

Dưới chân Mẹ con quỳ
Lời thì thầm phó thác
Đời sống bao thử thách
Xin dâng Mẹ, Mẹ ơi !

Con đến đây với Mẹ
Cảm tạ tình bao la
Mẹ thương ban chan hòa
Trên đàn con thơ bé.

Mẹ ơi, Mẹ Sao Biển
Kiên vững giữa ba đào
Xin Mẹ thương chúc phúc
Cho đàn con dấu yêu.

Con xin Mẹ, Mẹ ơi !

Đà nẵng
Cuối tháng 5.2018
Nguyễn Thái Hùng




Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Con Quỳ Đây Trước Mẹ


Con Quỳ Đây Trước Mẹ




Con quỳ đây trước Mẹ
Tay lần chuỗi Mân Côi
Lòng luôn hướng về Trời
Với lời kinh khẩn nguyện.

Mẹ ơi, xin gìn giữ
Bước đường trần con thơ
Trần gian đầy cám dỗ
Trần gian bao phỉnh phờ !

Mẹ ơi, xin nâng đỡ
Phận yếu đuối con người
Một đời con tìm kiếm
Thỏa lòng bao ước mơ.

Giờ đây quỳ trước Mẹ
Tay lần hạt Mân Côi
Hồn nghe thấu Gió Trời
Bình an giữa trần thế.

Mẹ ơi, cảm tạ Mẹ
Những hồng ân thương ban
Có Mẹ luôn gìn giữ
Niềm vui luôn ngập tràn.
7.2018
Gb. Nguyễn Thái Hùng


Câu hỏi 53. “Rapture”(được đem đi) là gì?

Câu hỏi 53. “Rapture”(được đem đi) là gì?

Vì sự phổ biến của những cuốn sách và bộ phim Left Behind(Bỏ Lại Đằng Sau), nhiều người Công Giáo hỏi tại sao họ lại chưa bao giờ được dạy về “rapture” (“việc được đem đi”) (xem 1 Tx 4:17). Thực sự mà nói, từ này không có trong Kinh Thánh. Điều thú vị là những người Kitô hữu luôn tin rằng chỉ có Kinh Thánh mới là thẩm quyền duy nhất (sola scriptura) lại là những người sử dụng thuật ngữ và ý niệm ngoài Kinh Thánh.
Thực ra, từ “rapture” bắt nguồn từ bản dịch Kinh Thánh tiếng Latinh của thánh Giêrônimô vào năm 400 sau Công nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng Đamasô đệ nhất. Đây là ấn bản trọn bộ với một ngôn ngữ đầu tiên của Kinh Thánh. Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước được chuyển dịch từ bản gốc tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng phổ thông (nhờ Đế quốc Roma, tiếng Latinh) vào thời điểm đó.
Harpagésometha là từ tiếng Hy Lạp được dùng trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi tín hữu Thêxalônica (4,17). Thánh Giêrônimô đã dịch từ này thành rapiemur trong bản Kinh Thánh Phổ Thông tiếng Latinh (Vulgate
Latin Bible). Cả hai từ này đều có nghĩa là “chúng ta sẽ được đem đi” hay “sẽ được bắt đi” hoặc “chúng ta sẽ được cất đi.”
Bản King James về đoạn này dịch: “Vì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống với tiếng sấm, với tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa: và những người chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên, rồi đến chúng ta, những người đang sống, những người còn lại,sẽ được đem đi (shall be caught up) trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung, và như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi”. Không có bản Kinh Thánh tiếng Anh nào sử dụng từ “rapture” và từ này cũng không được dạy trong cả giáo lý Công Giáo, lẫn Chính Thống và Tin Lành. Khái niệm này đến từ anh em Tin Lành phái Tin Mừng (Evangelicals) thế kỷ 19, và ngay cả những nhà cải cách như Luther, Calvin, Zwingli, Hus và Cramner (trước đó 300 năm) cũng chưa bao giờ sử dụng hoặc dạy về “rapture”. Hầu hết các Kitô hữu tin rằng vào ngày tận thế, chắc chắn vẫn còn một số người đang sống trên trái đất, những người tốt sẽ được “đem đi” trong khi người xấu sẽ bị bỏ lại, nhưng không có một giáo lý cụ thể nào về “rapture”. “Đem đi” được xem là một sự bất ngờ, giống như những hiện tượng khác được tiên báo trong sách Khải Huyền như bốn người cưỡi ngựa và bảy ấn. Chỉ gần đây, các giáo phái Kitô khác mới bắt đầu nhấn mạnh về những sự kiện khải huyền như “rapture”. Kitô giáo thời Trung Cổ và Cải Cách không tập trung vào những chi tiết nhỏ nhặt như thế vì chúng không ảnh hưởng trực tiếp đến cùng đích tối hậu của đời người là thiên đàng hay hoả ngục.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 77-78.

Một vài gợi ý giúp ích cho việc giảng dạy giáo lý cho người dự tòng – hôn nhân ở Việt Nam

Một vài gợi ý giúp ích cho việc giảng dạy giáo lý cho người dự tòng – hôn nhân ở Việt Nam

Môn: Truyền Giáo HọcGiáo sư: Trần Quốc Anh, SJHọc viên: Nguyễn Văn Chí, SJ

Đối với người Công giáo, đức tin là “là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa ban” (GLHTCG, số 153). Tuy nhiên, đức tin này không đến một cách ngẫu nhiên, nhưng nhiều khi lại đến qua những phương thế thuộc về con người, chẳng hạn như gương sáng của ai đó, hay việc nghe giảng dạy Giáo Lý[1]. Bởi thế, thánh Phao-lô đã quả quyết: “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng” (Rm 10,14). Chính vì việc giảng dạy Giáo Lý có một tầm quan trọng không nhỏ trong việc giúp người dự tòng tiến đến đức tin, nên ngay từ thời Hội Thánh sơ khai, công việc này đã được thi hành cách cẩn trọng (x. Cv 6,28-39). Theo dòng lịch sử, công việc ấy vẫn tiếp tục được thực hiện với sự thích ứng tùy thuộc vào đối tượng đón nhận.
Chính vì việc giảng dạy cho từng đối tượng có tính đặc thù, nên trong bài trình bày dưới đây, người viết chỉ dừng lại ở việc bàn thảo và nêu ra những gợi ý giúp ích cho việc giảng dạy Giáo Lý cho người dự tòng – hôn nhân[2]. Trước hết, chúng ta sẽ nhận diện các khía cạnh (tâm thế và bối cảnh) liên hệ đến người dự tòng-hôn nhân. Tiếp đến, chúng ta sẽ nhận diện về tình trạng dạy Giáo Lý Dự Tòng ở Việt Nam hiện nay. Sau cùng, một vài đề nghị cụ thể giúp ích cho việc hướng dẫn người dự tòng-hôn nhân tham gia đời sống Ki-tô giáo cách tốt đẹp hơn. 
  1. Nhận diện tâm thế của người dự tòng – hôn nhân
Một trong những lý do khiến chúng ta cần bàn thảo sâu về việc giảng dạy Giáo Lý cho người dự tòng – hôn nhân là vì những người này thường có một tâm thế bị động khi đến các lớp học giáo lý. Như chúng ta biết, dân số Công giáo ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 7% dân số[3]. Con số này cho thấy người Công giáo ở Việt Nam là một cộng đồng nhỏ bé. Vì thế, những cuộc kết hôn với người ngoài Công giáo không thể không có. Thêm nữa, đời sống đô thị đang thu hút các bạn trẻ từ các làng quê ổn định (làng quê Công giáo toàn tòng) lên thành phố học tập[4] và kiếm sống[5]. Ví dụ, chỉ riêng Tổng Giáo Phận Sài Gòn, năm 2017, số di dân Công giáo về Giáo phận lên đến 300.000 người[6]. Môi trường sống mới khiến cho các bạn trẻ Công giáo có cơ hội gặp gỡ với các bạn trẻ khác ngoài Công giáo. Họ làm quen và tiến đến hôn nhân với nhau. Vì lý do này, số lượng các cuộc hôn nhân với người ngoài Công giáo ngày một gia tăng. Thật vậy, Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn đã thống kê, trong giai đoạn từ năm 2001-2008, trung bình cứ mỗi năm có khoảng 35.000 người gia nhập đạo Công giáo, trong số đó, 80%-90% gia nhập để lập gia đình[7].
Từ một bối cảnh như trên, đa số các dự tòng – hôn nhân xin học Giáo Lý trong một tâm thế bị động. Tức là, xuất phát từ việc người dự tòng có người bạn đời tương lai là người Công giáo, nên họ muốn tìm hiểu về Đạo của người bạn mình như thế nào. Hơn thế cũng vì, người có đạo muốn người dự tòng tìm hiểu để giúp ích cho đời sống hôn nhân trong tương lai được tốt đẹp hơn. Đặc biệt, có nhiều nơi, người Công giáo “gây sức ép” lên người dự tòng để họ học Giáo lý, rồi theo Đạo, nếu như họ muốn lập gia đình với con cái của họ[8].
Đứng trước tâm thế vừa nêu, người dạy Giáo Lý (giáo lý viên) phải ý thức và tìm các phương thế thích hợp để giảng dạy và hướng dẫn cho người dự tòng-hôn nhân.
  1. Nhận diện bối cảnh của người dự tòng – hôn nhân
Dù người dự tòng-hôn nhân đến các lớp học giáo lý xuất phát từ động cơ nào chăng nữa, thì đây vẫn là những cơ hội để giáo lý viên giới giới thiệu về Đạo Công Giáo cho họ. Để cho công cuộc truyền đạt Giáo Lý này đạt hiệu quả, thiết tưởng giáo lý viên cần có sự hiểu biết căn bản về bối cảnh của họ (x. AG, số 11).
Nói về bối cảnh của người dự tòng-hôn nhân, có rất nhiều khía cạnh khác nhau, trong phần này, người viết chỉ tập trung vào một số khía cạnh căn bản. Trước hết, người dự tòng-hôn nhân thừa hưởng những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam. Ví dụ, việc coi trọng gia đình, gia tộc, tương thân tương ái, tôn sư trọng đạo. Về mặt tôn giáo, người Việt có tâm thức dễ hướng về “Ông Trời”, và hướng về cội nguồn tổ tiên. Chính niềm tin này, phần nào cũng định hình lên đời sống luân lý của họ như “ăn ngay, ở lành”[9]. Cách đặc biệt, rất có thể, có người dự tòng-hôn nhân đã thực hành theo các tông phái Phật giáo khác nhau, để tìm sự giải thoát, hoặc đạt đến sự giác ngộ nhờ nỗ lực của bản thân hay sự tế độ của ơn trên (x. NAE, số 2). Ngoài Phật Giáo, người Việt cũng còn chịu ảnh hưởng bởi hai tôn giáo lớn khác là Khổng giáo và Lão giáo, tuy không nhiều. Nhìn chung, ở Việt Nam cả ba tôn giáo này có sự hòa quyện vào nhau và đã tác động vào đời sống của người dân[10]. Đối diện với những giá trị về văn hóa và tôn giáo của người dự tòng-hôn nhân, giáo lý viên cũng phải xác tín rằng: “tất cả những giá trị tốt đẹp từ trong văn hóa và tôn giáo ngoài Ki-tô giáo là do chính Thiên Chúa đã gieo vãi trong tâm hồn của họ” (AG, số 9). Mặc dù vậy, tâm thức tôn giáo nơi người Việt thường thiên về tình cảm, giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Khuynh hướng này dễ đưa đến chủ trương “tương đối hóa” tôn giáo, gây khó khăn cho việc trình bày mặc khải của Ki-tô giáo[11].
Thứ hai, dù người dự tòng – hôn nhân, thừa hưởng những giá trị tốt đẹp từ truyền thống văn hóa của người Việt, nhưng họ cũng dễ có cái nhìn thành kiến về người Công giáo bởi hoàn cảnh chính trị và lịch sử. Về chính trị, người dân Việt trong nước đang sống dưới thể chế cộng sản. Thể chế này lấy chủ nghĩa Mác-Lê, và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội[12]. Vì thế, thể chế này đã từng không xem trọng tôn giáo. Tuy vậy, vì tôn giáo cũng góp những phần tốt đẹp nào đó cho cộng đồng, thế nên thể chế này chấp nhận tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng một cách miễn cưỡng. Còn về mặt lịch sử, nhiều người cộng sản cũng như các học giả của thể chế này, luôn quy kết người Công giáo là người “nối giáo cho giặc ”, tức là cộng tác với ngoại quốc để đất nước rơi vào tình cảnh bị thực dân; hoặc họ thường xem Công giáo như là một lực lượng đối kháng với thể chế hiện thời. Quan điểm này không chỉ dừng lại trong các ấn phẩm và văn kiện của người cộng sản, nhưng còn được phổ biến trong các tài liệu dành cho học sinh, sinh viên. Chính vì thế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã lên tiếng cảnh báo rằng lối tuyên truyền như vậy đã khiến cho không ít người có nhận định sai lầm về đạo Công giáo[13].
Hiện nay, Nhà Nước Việt Nam dường như đã giảm bớt quan điểm cực đoan về tôn giáo giống như ngày xưa (tâm thức muốn loại trừ). Trái lại, họ chấp nhận sự tồn tại của tôn giáo theo một hướng nhìn mới,  “văn hóa tâm linh”. Quan niệm này của Nhà Nước thực sự giản lược tôn giáo thành nhu cầu “giãn xả tinh thần”. Như thế, tôn giáo cũng chỉ là một trong những nhu cầu bình thường của con người[14]. Lối nhìn này của những giới cầm quyền cách nào đó cũng có thể tác động không nhỏ đến cái nhìn về tôn giáo của người dự tòng-hôn nhân.
Thứ ba, người dự tòng – hôn nhân đôi khi còn mang nặng nỗi hoài nghi rằng khi theo đạo Công giáo, có nghĩa là từ bỏ việc “thờ cúng tổ tiên”. Thực ra, tâm thức này đã có từ thời các nhà thừa sai đầu tiên đến Việt Nam. Ví dụ, trong cuốn Hành Trình Truyền Giáo, Linh mục Alexandre De Rhodes  ghi nhận những lời tố cáo của lương dân như sau: “giáo dân không thờ kính tổ tiên,…vứt bỏ lòng biết ơn với tổ tiên[15]. Những nghi ngại như thế không phải là vô căn cứ, vì trong lịch sử truyền giáo, ở Á Đông nói chung, và ở Việt Nam nói riêng, vấn đề tôn kính tổ tiên đã được đem ra tranh luận quyết liệt trong Hội Thánh với một khoảng thời gian rất dài (gần 300 năm). Điều này ám chỉ rằng, trong suốt thời gian đó, nếu như người dự tòng muốn theo Đạo, thì họ vẫn không được chấp nhận cách minh nhiên việc thờ kính tổ tiên[16]. Việc tôn kính tổ tiên chỉ được minh nhiên chấp nhận khi Bộ Truyền Giáo ban hành huấn thị Plane Compertum Est ngày 08/12/1939. Ở Việt Nam, việc tôn kính tổ tiên được phổ biến, khi HĐGMVN ban hành Thông Cáo Về Việc Tôn Kính Tổ Tiên, ngày 14/06/1965. Như thế, việc cho phép thờ cúng tổ tiên đã được chấp nhận hơn 50 năm nay, nhưng tâm thức của người ngoài Công giáo về vấn đề này chưa hẳn đã thay đổi, vì họ đâu có cơ hội được tiếp xúc với những hướng dẫn trực tiếp của Tòa Thánh và các văn kiện của HĐGMVN.
Thứ ba, nếp sống đô thị đang ngày một gia tăng, cùng với sự phát triển của các công nghệ. Người dự tòng-hôn nhân có thể nắm bắt nhanh chóng những thành quả này, nhưng họ cũng rất dễ bị lối sống hưởng thụ tác động, dẫn đến não trạng thực dụng, và duy lợi. Các tiêu chuẩn về luân lý không còn được đề cao. Điều này dẫn đến hệ lụy đùn đẩy trách nhiệm. Sống rất ích kỷ và thiếu trách nhiệm, cũng như vô tâm đến công ích[17]. Những điều này như là những dấu chứng cho thấy thân phận của con người đang bị tỗi lỗi làm cho thương tổn nặng nề (x. GE, số 14), thế nên họ rất cần ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Tóm lại, việc nhận diện bối cảnh của người dự tòng-hôn nhân giúp cho giáo lý viên có thể khám phá ra những gì phù hợp hay đối nghịch với giá trị Tin Mừng. Nhờ đó, giáo lý viên có thể thanh lọc động cơ học Đạo và theo Đạo của người dự tòng (x. AG, 13).
  1. Nhận diện tình trạng dạy Giáo Lý Dự Tòng ở Việt Nam hiện nay
Đứng trước tâm thế, và bối cảnh của người dự tòng-hôn nhân vừa được nêu ra ở trên, thiết tưởng chúng ta cần lượng định lại việc giảng dạy Giáo Lý cho họ. Trong phần này, người viết chỉ dừng lại ở việc đánh giá về cấu trúc của khóa học Giáo Lý Dự Tòng.
Ở Việt Nam hiện nay, cấu trúc của khóa học Giáo Lý Dự Tòng thường dựa vào hai giáo trình được sử dụng nhiều nhất: một tài liệu của HĐGMVN [18]; và một tài liệu khác của Giáo Phận Xuân Lộc[19]. Nhìn chung các tài liệu này đã trình bày khá sát với nội dung của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, theo cấu trúc bốn phần: tuyên xưng đức tin; các mầu nhiệm Ki-tô giáo; đời sống trong Đức Ki-tô; Kinh nguyện Ki-tô giáo[20].
Tuy nhiên, việc giảng dạy Giáo Lý, theo các tài liệu vừa nêu, vẫn chú tâm nhiều đến lý thuyết. Đúng như HĐGMVN đã nhận định về tình trạng dạy Giáo Lý ở Việt Nam hiện nay: “chú trọng nhiều đến nội dung đức tin cách đầy đủ và có hệ thống, đến việc học thuộc lòng một số kiến thức đức tin…Tuy nhiên việc dạy Giáo Lý lại chưa chú trọng đủ đến chiều kích tương quan cá vị với Thiên Chúa; và chưa có khả năng giúp người thụ giáo có thể phân định đâu là thánh ý Chúa trong hoàn cảnh thực tế.. [21]
 Nếu giáo lý viên chỉ trung thành với nội dung Sách Giáo Lý thôi thì chưa đủ. Vì như thế, giáo lý viên mới chỉ đóng vai trò giống như một thầy cô giáo ở trường học ngoài đời, tức là chỉ truyền đạt một kiến thức nào đó cho học sinh. Trong khi đó, sắc lệnh Ad Gentes, số 13 đề ghị: “..làm sao những buổi học giáo lý không đơn thuần là trình bày giáo thuyết và các giới răn, nhưng là đào tạo toàn bộ đời sống Ki-tô hữu”. Tức là làm sao để người dự tòng được đụng chạm bằng con tim và biến đổi nếp sống[22].
Để làm được như vậy, ngoài sự nỗ lực của những người có trách nhiệm, như giáo lý viên, hay các mục tử, cần có sự trợ giúp của nhiều người khác trong cộng đoàn đức tin. Họ phải giúp cho người dự tòng-hôn nhân, ngay từ những ngày đầu tiên cảm nhận mình thuộc về dân Chúa (x.AG, 14). Rất đáng tiếc, ở nhiều nơi, việc chọn người đồng hành và đỡ đầu thường để đến gần ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Việc chọn người đỡ đầu, nhiều khi chỉ được thực hiện để lấy lệ, hoặc để có người đứng cùng chụp hình trong ngày lãnh bí tích cho đẹp. Như thế, người đỡ đầu không được chuẩn bị về mặt tinh thần để thực hiện chức năng của mình theo Giáo Luật, số 872.
Tóm lại, sau khi lượng định lại về tình trạng dạy Giáo Lý Dự Tòng ở Việt Nam hiện nay, rõ ràng chúng ta có thể khám phá ra nhiều thiếu sót so với tinh thần của Công Đồng Vatican II hướng dẫn. Những thiếu sót này đang tạo ra những rào cản không nhỏ cho người dự tòng-hôn nhân tiếp cận và đón nhận Ki-tô giáo trong cuộc sống của họ.
  1. Một vài đề nghị
Với những thiếu sót vừa trình bày ở mục 3, người viết xin nêu lên một vài đề nghị cụ thể trong việc hướng dẫn người dự tòng-hôn nhân tháp nhập vào đời sống Ki-tô giáo.
Trước tiên, giáo lý viên phải để ý việc giảng dạy phải phù hợp với lối nhận thức của người Á Châu, tức là họ nên “sử dụng những câu truyện, những dụ ngôn và những biểu tượng rất đặc trưng của Á Châu”. Chẳng hạn như hình ảnh “Đức Giêsu là Thầy dạy sự khôn ngoan, Vị Lương y, Đấng Giải phóng, Vị Hướng dẫn đàng thiêng liêng, Minh chủ, Người Bạn giàu lòng thương xót của kẻ nghèo, Người Samaritanô nhân hậu, Vị Mục tử nhân lành, Đấng vâng phục” hay Đức Giêsu có thể được trình bày như là sự khôn ngoan nhập thể của Thiên Chúa…. Đấng Cứu độ, “Đấng có thể đem lại ý nghĩa cho những ai đang trải qua những đau khổ và đau đớn không thể tả được” ( EA, số 20). Ngoài ra, giáo lý viên cũng nên tận dụng những phương thế truyền thông đại chúng tân tiến như các Video Clip ý nghĩa, những hình ảnh, tranh vẽ… để giúp cho việc truyền đạt luôn được sống động hơn. (x. EG, số 167). Về mặt luân lý, giáo lý viên nên giúp cho người dự tòng-hôn nhân hiểu được ý nghĩa sâu xa của những hành vi đúng đắn, và khuyến khích họ bảo vệ các điều tốt lành đáng mong ước và tránh các điều xấu, thay vì một thái độ quan tòa, có tính xét nét và khắc nghiệt (x. EG, số 167). Tuy vậy, giáo lý viên cần lưu ý rằng bổn phận luân lý không phải là yếu tố trọng tâm, trái lại Đức Ki-tô mới là trong tâm của lời giảng dạy, vì Ngài là Đấng yêu thương và giải thoát con người (x. EG, số 164-165).
Thứ hai, trong các buổi học Giáo Lý, nên có khoảng thời gian để cho người dự tòng-hôn nhân chia sẻ với nhau. Việc chia sẻ như vậy giúp họ tập khám phá và nhận diện hoạt động của Chúa trong đời. Thêm nữa, cũng nên có những buổi cầu nguyện và chia sẻ với lời Chúa (x EG, số 175). Khi thực hành như vậy, giáo lý viên phải xác tín rằng “Lời Chúa là nền tảng của việc giảng dạy giáo lý ” (x. EA, số 22), vì lẽ: “Chúa Thánh Thần thúc đẩy tâm hồn người nghe. Ngài đang làm việc trực tiếp với họ. ….chính Ngài là Ðấng ở trong thâm tâm người nghe để làm cho lời cứu độ được chấp nhận và hiểu biết” (AG, 4).
Thứ ba, việc giảng dạy Giáo Lý phải tương hợp với công tác mục vụ. Làm sao để cho người ta thấy rằng, Hội Thánh không phải là một thực thể đứng ngoài thế giới con người, nhưng ở trong thế giới, như một người Mẹ (x. MM, số 1), đang đồng hành cùng với mọi người, trong những tâm thế mừng vui hay ưu sầu hay của họ. (x. GE, số 1). Cụ thể, giáo lý viên nên tổ chức những cuộc thăm viếng gia đình của người dự tòng-hôn nhân, đặc biệt khi người thân của họ gặp bệnh tật, tai ương, hay tang chế…Ngoài ra, cũng nên tổ chức thăm viếng họ, và gia đình của họ những dịp lễ, Tết.
Thứ tư, giáo lý viên giúp họ tập sống liên đới trong một cộng đoàn Ki-tô hữu, qua việc tham dự cử hành phụng vụ (x. EG, số 166) và các hoạt động của giáo xứ, cũng như hoạt động bác ái xã hội. Làm sao để cộng đoàn Hội Thánh tại địa phương thực sự là “dấu chỉ và là phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất với mọi người” (LG, số 1). Đặc biệt, nên qui tụ họ lại thành một nhóm để có thể gặp gỡ định kỳ, nhằm chia sẻ kinh nghiệm sống Đạo, những gì đã làm được và những gì chưa được, kinh nghiệm về sự gặp gỡ Thiên Chúa trong đời…đặc biệt hơn là để họ có cơ hội sống tình bạn và sự hiệp thông, vì họ thường là người trẻ (x. EA, số 25.)
Thứ năm, giáo lý viên hãy tập cho họ sống tinh thần bác ái, hãy giúp họ biết làm giàu nhân cách, bằng việc chia sẻ trong khả năng của họ cho những người có hoàn cảnh khốn khó hơn. Ngoài ra giáo lý viên cũng hãy dẫn họ đến các trung tâm bác ái xã hội (đặc biệt các trung tâm do các dòng tu phụ trách). Chính ở những nơi này họ được chứng kiến tận mắt những con người sống hiến thân phục vụ tha nhân. Những nhân chứng sống động ấy, tự nó có sức thuyết phục người dự tòng-hôn nhân. Vì thực ra, trong thời đại hôm nay, con người tân tiến mong nghe những nhân chứng hơn là những thày dạy (x. EN, số 41).
Thứ sáu, giáo lý viên nên giúp họ làm phút hồi tâm, nhận định ý Chúa, và sống thân thiết với Chúa mỗi ngày. Nhờ đó họ có sự biến đổi từ bên trong nội tâm (x. EN, số 18).
Thứ bảy, giáo lý viên nên tổ chức các buổi hành hương nơi thánh cho người dự tòng- hôn nhân. Vì người Châu Á nói chung và cách riêng là người Việt Nam, có tâm thức muốn gặp gỡ và đụng chạm với những gì thuộc thánh thiêng.
Thứ tám, giáo lý viên nên nhắc nhở người dự tòng-hôn nhân giữ lòng hiếu kính với tổ tiên. Cụ thể, khuyên họ lập bàn thờ gia tiên cho chu đáo. Ngoài ra, vào những ngày giỗ, ngày Tết, hay tháng cầu nguyện cho những người đã qua đời, giáo lý viên nên nhắc nhở họ, xin lễ và đọc kinh cầu nguyện cho những người ấy.
Tất cả những đề nghị vừa nêu có thể được thực hiện trong khóa học Giáo Lý, hoặc kéo dài sau khóa học. Miễn làm sao, giáo lý viên giúp họ hiểu và nắm được tinh thần để thực hành, đừng để họ thực hiện cho có lệ.
Kết luận
Hy vọng, bài viết này phần nào có thể giúp giáo lý viên có thể triển khai việc giảng dạy Giáo Lý Dự Tòng ở Việt Nam được hiệu quả hơn, và giúp ích cho người dự tòng-hôn nhân không còn cảm thấy xa lạ với Chúa Ki-tô (x. AG, số 8). Nhờ đó, người dự tòng- hôn nhân có thể tiến đến đức tin cách dễ dàng hơn. Khi làm được như thế, giáo lý viên góp phần tạo ra “sức hút” cho người dự tòng-hôn nhân tự nguyện theo Đạo, chứ không phải tạo nên “sức ép” buộc người ta vào Đạo.
Tuy vậy, dù sao bài viết này vẫn chỉ dừng lại ở những gợi ý, mà chưa thể đưa ra những hoạch định chi tiết và những con số thống kê xã hội chứng minh tính hiệu quả. Mong sao, trong quá trình giảng dạy, các giáo lý viên có thể đưa ra những lượng giá và những gợi ý mới nhằm giúp ích hơn nữa cho việc đưa con người đến gặp gỡ Chúa Ki-tô.
[1] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
[2] Người dự tòng-hôn nhân là người học giáo lý để sau đó được Rửa tội và lãnh các bí tích khác, đặc biệt là bí tích hôn phối.
[3] Theo niên giám 2016 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số người Công Giáo tại Việt Nam là 6.756.303 người, trên tổng số 95.340.779 người (xem Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016, Nxb Tôn Giáo).
[4] Theo số liệu thống kê về số lượng sinh viên ở Việt Nam, năm 2017, là 1,76 triệu sinh viên (đăng trên: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhung-con-so-biet-noi-ve-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-389870.html.)
[5] Theo số liệu thống kê đăng trên tạp chí Khoa Học Xã Hội, số 11 (108), năm 2016, số công nhân ở Việt Nam là 11.595.900 người, chiếm 12,8% dân số.
[6] Xem Thư Ngỏ v/v Quyên góp cho Quỹ Loan Báo Tin Mừng của Tổng Giáo Phận TP. HCM-SÀI GÒN, năm 2018.
[7] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Nhìn Lại Sứ Mạng Truyền Giáo Trong 50 Năm Qua Và Hướng Ðến Tương Lai, đăng trên http://vntaiwan.catholic.org.tw/09news/9news246.htm
[8] Xem Nguyễn Thảo, SJ, Hôn Nhân Liên Tôn – Băn khoăn và hy vọng, (Nguyễn Khắc Hy, P.S.S, ed, Hôn Nhân và Gia đình, Anton Đuốc Sáng), tr 182.
[9] Xem Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đai Hội Dân Chúa Năm 2010,  số 8.
[10] Xem Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, (Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh), tr 553-555.
[11] Xem Sđd, số 8.
[12] Xem Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, điều 4.
[13] Xem Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nhận Định Về Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016, số 4
[14] Xem Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý Tại Việt Nam, 2017, số 11.
[15] Xem Alexandre De Rhodes, Hành Trình Truyền Giáo, (bản dịch Việt Ngữ, tủ sách Đại Kết, 1994), tr 58.
[16] Ngay cả bản thân Alexandre De Rhodes cũng đã từ chối rửa tội cho một người lương dân, khi ngài đề nghị người này bỏ bàn thờ “tiên sư” nếu như muốn theo Đạo (Xem Alexandre De Rhodes, Lịch Sử Vương Quốc Đằng Ngoài, (bản dịch Việt Ngữ, tủ sách Đại Kết, 1994), tr 144).
[17] Xem Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa Năm 2010, số 5-6.
[18] Xem http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/tusachgiaolygp/GLDuTong/MainGLDuTong.html
[19] Xem Tòa Giám Mục Xuân Lộc, Giáo Lý Dự Tòng, nxb Tôn Giáo.
[20] Xem Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, ấn bản tiếng Việt, Nxb Tôn Giáo, năm 2016.
[21] Xem Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý Tại Việt Nam, năm 2017, số 12
[22] Xem Thánh Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý, số 205.

https://sjjs.edu.vn/blog/2018/07/22/mot-vai-goi-y-giup-ich-cho-viec-giang-day-giao-ly-cho-nguoi-du-tong-hon-nhan-o-viet-nam/