Trang

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Sau khi chết và trước khi sống lại, Chúa Giêsu ở đâu?

Sau khi chết và trước khi sống lại, Chúa Giêsu ở đâu?


“Đức Giêsu xuống ngục tổ tông” nghĩa là gì?

Trong khoảng thời gian từ khi Chúa Giêsu chịu chết vào 3 giờ chiều thứ Sáu tới khi Ngài sống lại vào đầu ngày Chúa nhật Phục sinh, Ngài ở đâu? Cả Kinh Thánh và Tông truyền đều trả lời câu hỏi này. Hãy cân nhắc vài điều sau đây:

Trích từ một bài giảng cổ về Thứ Bảy Tuần Thánh, khoảng thế kỷ II: Sự im lặng bao trùm trái đất, vô cùng lặng lẽ và tĩnh mịch. Tĩnh lặng vì Vua đang yên giấc. Trái đất run sợ và tĩnh lặng vì Thiên Chúa yên nghỉ trong nhục thể và Ngài đã phục sinh những người đã chết từ khi thế giới khởi sự… Ngài đã đi tìm Adam, thân phụ của chúng ta, như con chiên thất lạc. Ước muốn thăm những người sống trong bóng tối của sự chết, Ngài đã trả tự do cho Adam và Eve. Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là Con của Eve… “Ta là Thiên Chúa của các ngươi, Đấng vì các ngươi mà trở nên Con của các ngươi… Ta ra lệnh cho các ngươi, hỡi những người còn ngủ mê, hãy trỗi dậy. Ta không tạo dựng các ngươi để bị giam cầm trong hỏa ngục. Hãy trỗi dậy từ cõi chết, vì ta là sự sống của kẻ chết”.
Không gì đẹp hơn những từ được nói với Adam và Eva: “Ta là Thiên Chúa của các ngươi, Đấng vì các ngươi mà trở nên Con của các ngươi”.

Kinh thánh cũng chứng tỏ Chúa Giêsu đi gặp kẻ chết và những gì Ngài đã làm: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh… Chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa” (1 Pr 3:18; 1 Pr 4:6).

Hãy cân nhắc đoạn văn này nói về việc Chúa Giêsu gặp kẻ chết (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 631-635):
Ý nghĩa có trong bài giảng về việc Chúa Giêsu xuống Ngục tổ tông là: Chúa Giêsu, cũng như mọi người, đã trải qua sự chết và linh hồn Ngài đã xuống với họ, ở nơi của những người chết.
Nhưng Ngài xuống đó với tư cách là Đấng Cứu Độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị cầm giữ ở đó (1 Pr 3:18-19; 1 Pr 4:6; Dt 13:20). Kinh Thánh gọi đó là nơi ở của kẻ chết, Đức Kitô tử nạn xuống đó vì những người ở đó bị không được nhìn thấy Thiên Chúa (1 Pr 3:18-19).

Trường hợp của những kẻ chết, dù tội lỗi hay công chính, đều như vậy, trong khi mong chờ Đấng Cứu Độ: Chính những linh hồn thánh này đã mong chờ Đấng Cứu Độ của họ… những người mà Chúa Kitô đã giải thoát khi Ngài xuống Ngục tổ tông
 (x. Tv 89:49; 1 Sm 28:19; Ed 32:17; Lc 16:22-26).

Chúa Giêsu không xuống hỏa ngục để giải thoát những kẻ đã bị kết án, hoặc để phá hủy địa ngục đọa đày, nhưng để giải thoát những người công chính đã chết trước Ngài.

Thậm chí “Tin Mừng đã loan báo ngay cho cả những kẻ chết” 
(1 Pr 4,6). Việc xuống ngục tổ tông là sự hoàn thành một cách sung mãn việc loan báo Tin Mừng cứu độ. Đây là giai đoạn cuối của sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu, trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng trong một ý nghĩa rộng lớn về tầm quan trọng: sự lan truyền công cuộc cứu độ của Đức Kitô cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi, bởi vì tất cả những người được cứu độ đều được tham dự vào công trình Cứu Chuộc.

Đức Kitô chịu chết để “kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Thiên Chúa, và ai nghe thì sẽ được sống” (Ga 5,25). Chúa Giêsu, “Đấng khơi nguồn sự sống” (x. Cv 3,15), đã “nhờ cái chết của Ngài, Ngài đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chất, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những người vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14-15)

Do đó, Chúa Kitô Phục sinh nắm giữ “chìa khóa của tử thần và hỏa ngục” (Kh 1,18), để “khi nghe tên Giêsu, mọi gối phải bái quỳ, cả trên trời, dưới đất và hỏa ngục” (Pl 2,10).

TRẦM THIÊN THU 
(Chuyển ngữ từ Archdiocese of Washington)

http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=7064

Giải đáp phụng vụ: Cần xưng gì khi thường xuyên xưng tội?

Giải đáp phụng vụ: Cần xưng gì khi thường xuyên xưng tội?



Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.


Hỏi: Chúng tôi liên tục được dạy bảo đi xưng tội thường xuyên, và tôi tuân theo lời dạy này. Tuy nhiên, tôi đã bối rối trong một thời gian dài về tội nào cần phải xưng trên cơ sở thường xuyên đến với bí tích hòa giải. Tôi chắc chắn biết tội nào là tội trọng và tội nào là tội nhẹ. Tôi tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, rước lễ càng nhiều càng tốt và cố gắng giữ gìn bản thân, để tránh tội lỗi. Nhưng tôi thường xuyên cảm thấy bản thân mình không biết phải xưng tội nào trong tòa giải tội, trong khi mong muốn xưng tội trên cơ sở thường xuyên là ít nhất một lần mỗi tháng. Điều này có vẻ như một cuộc điều tra ngớ ngẩn, nhưng nếu tôi đang nghĩ như thế, chắc nhiều người khác cũng nghĩ như vậy nữa. - J. C., MiamiFlorida, Mỹ.

Đáp: Mặc dầu đây không phải là một câu hỏi phụng vụ theo nghĩa chặt chẽ, bạn đọc này có lý khi bạn nhận thấy một khó khăn, mà nhiều người thực hành xưng tội thường xuyên gặp phải.

Có rất nhiều cách để giải quyết câu hỏi này, mặc dầu bản chất của mối quan hệ cá nhân của mỗi người đối với Thiên Chúa có nghĩa rằng bất kỳ câu trả lời chắc chắn nào vẫn là còn thiếu sót.

Tôi đã thấy rằng, ít nhất đối với tôi, đoạn Mt 21, 28-31 là sự hỗ trợ tuyệt vời trong việc hiểu được các động cơ và xung lực đàng sau ước muốn xưng tội thường xuyên. Trong đoạn này, người cha nói với hai con trai của mình đi làm việc trong vườn nho. Một người chấp nhận nhưng không đi, còn người kia ban đầu từ chối nhưng sau đó hối hận và đi làm. Cả hai con trai phải xin sự tha thứ của Cha, người đầu tiên là vì giả hình và bất tuân, người thứ hai là vì không vâng lời mau mắn và muốn làm vui lòng điều thuộc về mình.

Việc xưng tội thường xuyên, nhất là khi không có tội trọng để xưng, là giống như tình trạng của người con thứ hai. Chúng ta không đáp trả cho tình yêu của Chúa như chúng ta cần làm. Và chúng ta mong muốn rằng không nên có lỗi gì giữa chúng ta, thậm chí là sự bất hòa được mang lại bởi sự miễn cưỡng, sự ương ngạnh và một loạt các thái độ khác, vôn làm xấu đi vẻ đẹp của mối quan hệ của chúng ta đối với Chúa. Đây là lý do tại sao việc xưng tội về cơ bản là một hành động của tình yêu: Chúng ta xin sự tha thứ của các người chúng ta yêu mến. Lời xin lỗi miễn cưỡng là dành cho các đối thủ hay kẻ thù, chứ không dành cho các người chúng ta yêu mến.

Trong ánh sáng của mong muốn này, để duy trì vẻ đẹp của một mối quan hệ hiếu thảo với Chúa, không có khó khăn lớn trong việc thường xuyên xưng thú các lỗi lầm tương tự. Chúng thường phản ánh các điểm yếu quen thuộc của chúng ta, vốn chỉ được khắc phục theo dòng thời gian.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt trong thứ bậc. Có thể có một sự xưng đi xưng lại không hoàn hảo, khi một người đã học được từ thời niên thiếu một danh sách tiêu biểu của tội lỗi và cứ xưng đi xưng lại, mà không thực sự đi vào chiều sâu của mối quan hệ của mình đối với Thiên Chúa. Nhưng còn có một sự xưng đi xưng lại lành mạnh, vốn chính xác nhận ra các điểm yếu quen thuộc của mình, và phấn đấu để vượt thắng chúng.

Trong trường hợp thứ hai này, cũng đúng là khi linh hồn tiến triển, tội lỗi dường như là vẫn giống nhau, hay đúng hơn nó là cùng một gốc nhưng không cùng một vấn đề. Ví dụ, một người có thể xưng tội lười biếng vì người ấy chạy trốn bất cứ nỗ lực thể chất hoặc tinh thần nào. Tuy nhiên, người đó đang làm việc dưới sự thúc đẩy của ân sủng để vượt qua tật xấu này. Một năm sau, người ấy tiếp tục xưng tội lười biếng, nhưng do thời gian này người ấy không cỏn phải cố gắng nhiều để bớt lười biếng, và đôi khi còn thắng vượt nó nữa. Một vài năm sau, con người làm việc chăm chỉ và chăm chỉ cầu nguyện ấy cũng xưng tội lười biếng, vì nhận thức mình đã không tận dụng tốt nhất thời gian có sẵn, hoặc làm theo ý riêng mình, mà chống lại các sáng kiến mới của Chúa Thánh Thần. Sự nhận thức về tiến bộ này trong sự đơn điệu đều đặn rõ ràng, là một nguồn an ủi trong việc làm cho sự xưng tội thường xuyên trở nên một phần của đời sống thiêng liêng của mình.

Một phương pháp hữu ích để tránh sự đơn điệu đều đặn, nhất là khi một người có cha giải tội thường xuyên, là tập trung mỗi lần vào một loại tội lỗi thường phạm và xem xét chặt chẽ nó hơn so với các tội khác. Điều này có thể giúp chúng ta phát triển trong sự tinh tế của lương tâm. Đồng thời, hối nhân phải cẩn thận để không biến bí tích hòa giải, nhắm được tha thứ tội lỗi, thành sự linh hướng. Sự linh hướng là rộng hơn và bao gồm các yếu tố như động cơ, thái độ, ấn tượng, phản ứng cá nhân đối với ân sủng… Cả hai việc xưng tội và việc linh hướng đều tốt, nhưng như một quy luật chung, chúng cần được tách rời nhau hẳn. (Zenit.org 16-7-2013)
Nguyễn Trọng Đa
http://vietcatholic.info/News/Html/111907.htm

đêm nhớ mẹ

đêm nhớ mẹ






đêm trăng vàng
giữa sương lạnh mênh mông
hình bóng ai lung linh
trên đường xa cất bước.

phải mẹ ta đó chăng ?

dưới nắng chiều oi ả
đôi vai gầy vất vả
gánh cuộc đời
của mẹ và của con !





giữa bao la cuộc sống
tôi tìm về tuổi dại
trong chiếc áo thời gian
tìm về tuổi xuân mẹ
năm tháng sao võ vàng!

chút hương nào dâng hiến
ngọt ngào mẹ trao ban !
mà sao đời lặng lẽ
mẹ vẫn mãi lo toan.


máu nào trong lòng mẹ
sục sôi những ân tình
để cuộc đời êm ấm
chút hương tình cho con.

nửa đời con nhìn lại
cuộc đời mẹ đã qua
giọt tình yêu lắng đọng

trãi tấm lòng bao la.

nguyễn thái hùng

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Giải đáp thắc mắc Cựu Ước - Ông Môsê là tác giả của Torah (Luật, Ngũ Thư) ?

Giải đáp thắc mắc Cựu Ước - Ông Môsê là tác giả của Torah (Luật, Ngũ Thư) ?


Giải đáp thắc mắc Cựu Ước của Lm Roland E. Murphy, O. Carm. (Dòng Cát Minh)
Hỏi: Ông Môsê là tác giả của Torah (Luật, Ngũ Thư) phải không?
Đáp: Câu trả lời ngắn nhất và đúng nhất là KHÔNG, nhưng cần có sự giải thích nhiều hơn. Nếu ông Môsê không viết Torah, thì ai viết? Làm sao công trình này hiện hữu được? Điều gì cần nói về Môsê là tác giả của Ngũ Thư? Trong nhiều thế kỷ, người ta chấp nhận rằng ông Môsê đã viết năm cuốn đầu của Cựu Ước, nhưng đến thời Trung Cổ người ta thắc mắc rằng làm thế nào ông Môsê có thể viết về cái chết của mình (Đnl 34). Ngày nay nhiều người cho rằng ông Môsê là tác giả của bộ Ngũ thư. Tuy nhiên, có nhiều vấn nạn nghiêm túc cho quan điểm này. Một trong các dấu hiệu đầu tiên, vốn xuất hiện trong việc nghiên cứu cẩn thận bộ Ngũ Thư là sự nhìn nhận nhiều tên gọi khác nhau cho Thượng Đế. Do đó, một số phần sách thích dùng danh từ thánh thiêng yhwh, và một số phần sách khác lại thích danh từ elohim để gọi Đức Chúa. Sự khác biệt là sâu sắc hơn một biến thái thuần túy trong việc sử dụng các danh từ này. Cùng với một biến thái, là có một phong cách viết và quan điểm, lối diễn tả đặc biệt cho mỗi danh từ, do đó có các phần sách được gọi là nguồn tài liệu Gia-vít (Yahwist) và các phần sách khác được gọi là nguồn tài liệu Ê-lô-hít (Elohist). Hai nguồn này được tượng trưng bằng chữ J (trong tiếng Đức,Y viết là J) và chữ E. Việc nghiên cứu thêm dẫn đến việc nhìn nhận một nguồn tài liệu tư tế (gọi là P), và cũng có nguồn tài liệu Đệ Nhị Luật (D) nữa. Quan điểm về việc phân chia bộ Ngũ Thư trở nên bình thường trong hơn hai thế kỷ, và được liên kết với một trong các người đề nghị chính yếu, Julius Wellhausen (+ 1919).
Nhiều biến thái đã được triển khai, vừa về niên đại (chẳng hạn Đavít/Xalômôn cho J) và vừa về bản chất của bốn nguồn tài liệu: Chúng là các tài liệu viết chăng, hay là phần phụ thêm cho một nguồn đã có? Ngày nay có một xu hướng muốn loại trừ truyền thống E, và cũng muốn trì hoãn việc viết hình thức cuối cùng của Ngũ Thư cho thời kỳ hậu lựu đày. Các quan điểm khác nhau này nêu ra tính cách giả thiết của bất cứ hình ảnh rõ ràng nào của việc hình thành bộ Ngũ Thư. Điều chắc chắn là có sự triển khai qua nhiều thế kỷ, nhưng chi tiết về thời điểm và về sự soạn thảo là khó được khẳng định. Các độc giả sẽ thấy đây là điểm lợi để nhìn nhận sự hợp lệ tổng quát của sự phân biệt các nguồn tài liệu. Điều này giúp cho họ hiểu sự xuất hiện hai lần (“song song”) của một sự kiện, chẳng hạn sự gây nguy hiểm của bà Xara (St 12, 10-31; 20, 1-18; xem 26, 6-11). Cũng cần lưu ý rằng các độc giả sẽ bị đánh động bởi các sự nhấn mạnh khác nhau trong một sự kiện; ưu thế của nguồn P cho các gia phả và vấn đề thờ tự; ngôn ngữ và quan điểm nhiệt thành là ưu thế của nguồn D…Một sự giải thích chi tiết nhưng rõ ràng của các lập luận nhằm ủng hộ cho bốn nguồn tài liệu được nêu ra bởi R. E. Friedman trong ADB VI, trang 605-622. Một sự phân tích cẩn thận về sự hình thành của Ngũ Thư là thật hữu ích. Nó làm cho việc đọc các sách này trở nên thích thú. Ngay cả việc đọc lướt nhanh bộ Ngũ Thư cũng cho thấy nhiều hình thức văn chương khác nhau: thơ cổ, lời nguyện và hành vi phụng vụ, chuyện gia đình, bài ca chiến thắng, và nhiều bộ luật xem ra khá khác nhau (luật là co giãn tự nhiên theo các điều kiện thay đổi). Phải công bằng để kết luận từ đó rằng các truyền thống truyền khẩu và viết ra trong bộ Ngũ Thư là đến từ nhiều người và nhiều nơi chốn. Nhiều bản dịch được cung cấp với nhiều ghi chú, vốn giúp đỡ người đọc nhờ việc gợi ra bản chất của các nguồn (chẳng hạn, các ghi chú choNRSV trong The New Oxford Annotated Bible).
Từ những gì đã nói trên đây, rõ ràng là bất cứ câu trả lời nào cho “ai là tác giả” của bộ Ngũ Thư là một câu khó và phức tạp, và có nhiều hơn một giả thuyết được đưa ra để giải thích cho hình thức hiện nay của Ngũ Thư. Người ta có thể nêu câu hỏi khác: Sự phân tích này có lợi ích thật sự không? Tại sao không xem bộ Ngũ Thư như một tổng thể? Dẫu sao, không hề có một nguồn J mà tự nó được xem là Kinh Thánh. Lời này cũng đúng cho các phần còn lại của bộ sách. Chính hình thức sau cùng của Torah mới là quan trọng, và được chấp nhận như là Kinh Thánh cho cả người Do Thái giáo và người Kitô giáo. Sự tiếp cận toàn diện này cho Torah đã được nhấn mạnh bởi việc nghiên cứu của Brevard Childs (The Interpretaion of the Old Testament as Scripture [Minneapolis; Fortress, 1979]. Đây là một sự nhắc nhở hữu ích rằng sự cắt nhỏ Torah thường chỉ nhắm tới các khối giả thiết cho công trình cuối cùng. Chính một sự thận trọng khôn khéo chống lại các cực đoan đã đạt được trong sự phân tích Ngũ Thư. Đồng thời, có một giá trị trong việc nhìn nhận các quan điểm phân biệt hoặc các “thần học” khác nhau trong toàn công trình; chúng không hề bị nuốt chửng trong hình thức sau cùng của Torah, và xứng đáng được xem xét đúng mức. 
Hỏi: Nếu Torah có nghĩa là Huấn thị hoặc Luật, làm sao nó có thể áp dụng cho các cuốn sách, vốn chứa quá nhiều truyền thống lịch sử của Israel?
Đáp: Chúng ta đã thấy rằng danh từ Torah dùng làm nhan đề cho năm cuốn đầu của Cựu Ước chỉ đơn thuần là một sự kiện lịch sử. Chúng ta chỉ có thể dự đoán cho các lý do, vốn dẫn đến việc chọn danh từ này. Một lý do rõ ràng là rằng các phần Luật của Torah kéo dài  từ Xh 25-40 qua cuốn Lê-vi (Lv) đến cuốn Dân số (Ds) 10. Ngoài ra còn có Bộ luật Đệ nhị luật trong sách Đệ nhị luật (Đnl) 12-26. Xét về quan điểm nội dung, phần luật dồi dào có thể biện minh cho danh từ Torah. Thứ đến, chúng ta có thể nêu ra sự sắp xếp của Torah: dòng kể chuyện dường như là không quan trọng cho bằng việc nói đến vai trò của ông Môsê như là người trung gian và nhà lập pháp. Đàng khác, có nhiều sự liên kết thần học quan trọng giữa các phần pháp lý và phần không pháp lý. Chẳng hạn, hai lý do được đưa ra cho việc giữ ngày sa-bát, “Ðức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh” (Xh 20, 8-11). Không ai được lao động trong ngày sa-bát. Tuy nhiên, thật là đặc biệt trong Đnl 5, 14-16, lời nói rõ hơn: “Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát”.
Hỏi: Liệu Torah là quan trọng hơn “các sách Ngôn sứ”, “các sách Giáo Huấn và Lịch sử”, vốn tạo nên phần còn lại của Kinh Thánh Do Thái giáo không?
Đáp: Như đã nói trong phần trả lời câu hỏi “Chữ Torah có nghĩa là gì?”, qui điển Kinh thánh của Do thái giáo có ba phần, và chữ tắt của Kinh Thánh lấy mẫu tự đầu (tiếng Do Thái cổ) của ba phần  (T, N, K) để tạo nên chữ Tanakh (cũng là Tenach và các biến thái khác). Từ quan điểm lịch sử, dường như Torah đã đầy đủ trước khi có phần Ngôn sứ, và rằng phần “Giáo huấn và Lịch sử” vẫn còn là để ngỏ trong thời kỳ giữa Cựu và Tân Ước (chẳng hạn việc đưa sách Đanien (Dn) vào bộ Kinh Thánh là sau năm 165 trước Công nguyên).
Torah là quan trọng hơn, trong ý nghĩa nó là nền tảng hơn cho dân Do Thái so với các phần khác của Kinh Thánh. Điều này là hiển nhiên từ các tuyên bố và tác phẩm của người Do thái ngày nay, cũng như từ vai trò của Torah trong lịch sử. Thật có ý nghĩa để nhận xét rằng có một Torah truyền khẩu đi kèm với Torah Kinh thánh, nhưng không có truyền thống truyền khẩu đi kèm với Phần Ngôn sứ và Phần Giáo huấn và Lịch sử. Tuy nhiên, các phần này cũng là quan trọng, và Kinh thánh không thể thiếu chúng, nhưng mức độ quan trọng của chúng là không ở cùng bình diện với Torah. Đó là điều mà tôi có thể gọi là tính cách nền tảng của “sách Luật của Môsê”, tức Torah, vốn làm cho sách Luật này trở thành trung tâm của căn tính Do Thái giáo. Điều quan trọng này đã được khẳng định sớm bởi sự triển khai của truyền thống truyền khẩu, vốn được ghi lại một cách tách rời với Torah viết. Ở đây nên nói rõ thêm về truyền thống truyền khẩu này.
Bảng dưới đây sẽ cung cấp một cái nhìn về sự biểu hiện viết ra sau cùng của Torah truyền khẩu. Về cơ bản, nó chứa nhiều tác phẩm của các giáo sĩ Do Thái, vốn được hoàn tất khoảng thế kỷ thứ bảy của Công nguyên:
             Mishna: Là Torah truyền khẩu từ thời ông Môsê, được sưu tập khoảng năm 200 bởi Judah Hoàng tử (nasi), bao gồm phần trình thuật lý thuyết (haggadah) và các luật thực hành (halakah). Có sáu phân đoạn của 62 luận đề.
             Tosefta: Là phần bổ sung hoặc phần bình giải về Mishna (và dài gấp bốn lần do các phần bổ túc), được viết ra khoảng năm 300.
             Talmud: Có hai phiên bản – một là ở Palestine (còn gọi là Yerushalmi, được viết khoảng năm 400), và một là ở Babylonia (còn gọi là Bavli, đượx viết khoảng năm 600). Talmud chứa đựng toàn bộ các biểu hiện có uy thế của Do thái giáo, mà chúng ta biết ngày nay.
Lẽ tất nhiên cũng có các loại hình khác của văn chương Do Thái, chẳng hạn Midrash. Đây là phần bình giải Kinh Thánh về Kinh Thánh, và được gọi là “tác phẩm với Kinh Thánh” như J. Neusner đặt tên. Và các nhà bình giải Do Thái của thời Trung cổ là khá nổi tiếng. Nhưng cách xếp hạng trên đây tạo nên trung tâm của Do Thái giáo của hai Torah. Muốn biết thêm chi tiết, xin đọc cuốn Introduction to Rabbinic Literature (New York: Doubleday, 1994) của J. Neusner. 
Nguyễn Trọng Đa dịch

Theo “Responses to 101 questions on the Biblical Torah”, Manila, St Pauls, 1999, trang 6-10)

Suy niệm Chú Giải Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi - Lm Inhaxiô Hồ Thông

Suy niệm Chú Giải Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi - Lm Inhaxiô Hồ Thông

Bài Đọc III là phần kết thúc Tin Mừng Mát-thêu: Chúa Con Phục Sinh công bố mình là Chúa Tể hoàn vũ, căn nguyên ơn cứu độ cho muôn dân muôn nước và thường hằng phù trợ Giáo Hội của Ngài.
CHÚA BA NGÔI
“Mặc Khải Một Chúa Ba Ngôi” không thuộc phạm vi của Cựu Ước. Cựu Ước bận lòng gìn giữ sự tinh tuyền độc thần giáo không ngừng bị đe dọa bởi môi trường đa thần giáo chung quanh.
Tuy nhiên, các bản văn Cựu Ước để lộ ra vài tiên cảm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: tầm quan trọng được ban cho Thần Khí Thiên Chúa, ngôi vị hóa dần dần của Lời, đoạn của Đức Khôn Ngoan, nhất là trong những tác phẩm muộn thời.
Ngôi Lời Nhập Thể mặc khải Chúa Cha và Chúa Thánh Thần và sự hiệp nhất của hai Ngôi Vị nầy với Chúa Con trong một sự hiệp thông tròn đầy tình yêu, một sự tuôn trào liên tục, một sự đổi trao thường hằng. Vì thế, bản tính của Thiên Chúa là sự trao ban không ngừng nghỉ. Chính nhờ tình yêu tự hiến của Chúa Con và sự sai phái của Chúa Thánh Thần mà sự trao ban nầy giúp nhân loại được dự phần  vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Như vậy, mặc khải Một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị là một sự kiện đặc biệt của Ki-tô giáo, phân biệt với hai tôn giáo độc thần khác: Do thái giáo và Hồi giáo. Vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi nầy, ba bài đọc lần lượt nêu bật Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đnl 4: 32-34, 39-40
Bài Đọc I, trích từ sách Đệ Nhị Luật, ca ngợi sự cao vời khôn ví của Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất, siêu việt và hoàn vũ. Đây là dung mạo của Chúa Cha.
Rm 8: 14-17
Trong Bài Đọc II được trích từ thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô cho thấy tác động biến đổi của Chúa Thánh Thần trên cuộc sống của người Ki-tô hữu.
Mt 28: 16-20
Bài Đọc III là phần kết thúc Tin Mừng Mát-thêu: Chúa Con Phục Sinh công bố mình là Chúa Tể hoàn vũ, căn nguyên ơn cứu độ cho muôn dân muôn nước và thường hằng phù trợ Giáo Hội của Ngài.
BÀI ĐỌC I (Đnl 4: 32-40)
Bài Đọc I được trích từ sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư, được gọi là sách Đệ Nhị Luật, hay đơn giản là sách “Luật Thứ Hai” hay “Thứ Luật” (bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn). Tuy nhiên, sách không lập lại Luật được diễn tả trong các sách trước đó (sách Xuất Hành, sách Dân Số, sách Lê-vi); sách Đệ Nhị Luật đánh dấu những phát triển mới để thích ứng luật vào hoàn cảnh của một dân đang định cư và thậm chí đã an cư lập nghiệp đến nỗi có nguy cơ quên ơn gọi của mình.
“Luật Thứ Hai” này, được hư cấu trên môi miệng của ông Mô-sê, muốn nói lên rằng nó chỉ là khai triển luật của ông Mô-sê. Ông Mô-sê được cho là đang ngỏ lời với dân Ít-ra-en trước khi dân tiến vào Đất Hứa, nhưng thật ra đây là những thế hệ sau nầy được mời gọi trung thành với Đức Chúa của mình.
Sách Đệ Nhị Luật có chủ ý nhấn mạnh trên những nền tảng lịch sử và thần học của Luật. Đoạn trích mà chúng ta đọc hôm nay thật là có ý nghĩa về phương diện nầy. 
1.Nền tảng lịch sử của Luật (4: 32-34):
Bản văn rất nổi tiếng, được soạn thảo theo văn phong đầy cảm xúc, ca ngợi việc Đức Chúa chọn dân Ít-ra-en với cung giọng nồng nàn. Việc tuyển chọn nầy đem lại ý nghĩa cho những đòi hỏi của Luật.
Sự kiện vài ngàn người thoát khỏi kiếp sống nô lệ bên đất Ai-cập xem ra chẳng có nghĩa lý gì trong lịch sử chung của thế giới, nhưng thật ra đây là một biến cố độc nhất vô nhị: đây là lần đầu tiên Thiên Chúa minh nhiên can thiệp vào lịch sử thánh kể từ ngày khai thiên lập địa đến nay, vì Thiên Chúa đã chọn cho mình một dân giữa muôn dân:“Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời nầy đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?” (Đnl 4: 32). Lúc đó, bằng những ám chỉ, tác giả gợi lên những diễn biến của lịch sử đầy kinh ngạc nầy. Trước hết, tác giả nhắc nhớ biến cố chủ chốt: Thiên Chúa đã tỏ mình ra trên núi Xi-nai; mọi người đều được nghe tiếng Ngài mà không phải chết: “Có dân nào được nghe tiếng tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?”(Đnl 4: 33).
Chúng ta lưu ý trong diễn từ nầy, ông Mô-sê không nói lên kinh nghiệm của riêng mình nhưng kinh nghiệm của dân chúng về Thiên Chúa. Quả thật, đó là một viễn cảnh rất hiển nhiên trong sách Đệ Nhị Luật: dân Ít-ra-en được xem như một cá thể, một chủ thể duy nhất, đồng nhất với chính mình qua muôn thế hệ.
Tiếp đó, người kể chuyện còn đi ngược dòng thời gian lên đến cuộc ra đi khỏi đất Ai-cập: “Hoặc có vị thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dùng cách tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đỡm, như Đức Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” (Đnl 4: 34). Chúng ta có thể nói Thiên Chúa đã “bứng” dân Do thái khỏi đất Ai-cập để làm thành dân riêng của Ngài.
“đã dùng bao thử thách” ám chỉ đến những gian truân vất vả trong sa mạc: đói khát, mệt mõi, lang bạc rày đây mai đó, vân vân
“dấu lạ, điềm thiêng”: nào là nước phun vọt ra từ tảng đá, bánh man-na rơi xuống từ trời, chim cút rơi trên mặt đất, vân vân.
“chinh chiến”: tác giả dành một chỗ lớn cho những cuộc chiến; ông vừa mới kể dong dài cuộc chinh phục đầy gian khổ ở bên kia sông Gio-đan; ông bày tỏ lý tưởng quốc gia chinh chiến, mà ông biết làm cho nó đồng hiện diện với lời dạy về một tôn giáo nội tâm.
“đã dùng cánh tay mạnh mẽ uy quyền”: đây là kiểu nói “như nhân”, kiểu nói nầy diễn tả vừa tính chất siêu việt của Thiên Chúa Ít-ra-en: Đấng hoàn toàn khác, vừa tính cách rất mực gần gũi của Ngài: Đấng làm cho mình trở nên gần gũi với nhân loại hơn, trở nên sống động với dân Ngài hơn. Đây cũng là cách thức nhấn mạnh sự bất lực và tính bất tất của các thần linh ngoại giáo.
Sau cùng, tác giả ngược dòng thời gian xa hơn nữa khi ám chỉ đến những chiến công gây kinh hoàng mà Thiên Chúa đã làm tại Ai-cập, nghĩa là những tai ương giáng xuống trên dân Ai-cập để buộc Pha-ra-ô phải để cho dân Do thái ra đi.
Sau khi Thiên Chúa đã bày tỏ biết bao ân cần của Ngài đối với dân, làm thế nào dân Chúa chọn có thể lại bất trung với Ngài được chứ?
2.Nền tảng thần học của Lề Luật (4: 39-40).
“Vậy, hôm nay đây, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều nầy”. Những lời nầy hình thành nên lời khuyên đạo lý đầu tiên tiêu biểu trong toàn bộ sách này. Tôn giáo mà sách Đệ Nhị Luật dạy không quy chiếu đến việc tuân giữ Lề Luật chi li, nhưng kêu gọi đến những tư thế sẵn sàng nội tâm và tình yêu đối với Thiên Chúa.
Vị Thiên Chúa nầy, hiện diện trong lịch sử, chính là Đấng Sáng Tạo, Ngài ngự trị“trên cõi trời cũng như dưới mặt đất, chính Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, chứ không có Thiên Chúa nào khác”.
Lời nhắc nhở “Độc Thần giáo tuyệt đối” chắc chắn là cần thiết vào lúc nầy. Một phần sách Đệ Nhị Luật xem ra đã được các thầy Lê-vi thuộc vương quốc miền Bắc soạn thảo kể từ thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, vào thời kỳ bội giáo của vương quốc nầy; nhưng rồi vào thế kỷ tiếp sau đó, vương quốc miền Nam, đến phiên mình, phạm tội thờ ngẫu tượng. Lời khẳng định về Thiên Chúa chân thật, duy nhất và siêu việt, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đòi hỏi phải vâng phục và yêu mến Ngài, chính là lời nhắc nhở thần học căn bản, đối mặt với những việc cúng tế đa thần giáo của dân Ca-na-an.
 “Vậy, các giới răn và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền đạt cho anh em, anh em phải tuân hành”. Từ “hôm nay” của sách Đệ Nhị Luật nhấn mạnh giá trị thường hằng của những huấn lệnh Thiên Chúa. Tuân hành chúng là nguồn phúc lộc ở dưới thế nầy: “hạnh phúc và trường thọ”. Vào thời nầy, trong Kinh Thánh chưa có những viễn cảnh về những ân thưởng bên kia nấm mồ.
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 14-17)
Thánh Phao-lô viết thư nầy từ Cô-rin-tô, vào mùa xuân 57-58, để chuẩn bị cho cuộc hành trình đến Rô-ma. Tuy nhiên, dự định đã không thành vì thánh nhân bị bắt vào mùa xuân năm sau ở Giê-ru-sa-lem. Chính trong cảnh giam cầm mà thánh nhân bị giải đến thủ đô của Đế Quốc vào đầu năm 61.
Trong những thư của thánh Phao-lô, thư gởi các tín hữu Rô-ma là thư dài nhất và quan trọng nhất về phương diện đạo lý. Sau bức tranh ảm đạm về việc nhân loại bị giam hãm trong tội lỗi, thánh nhân phác họa một bức tranh đầy an ủi về việc nhân loại được tái sinh và sống theo Thần Khí. Đây là chủ đề của chương 8 nầy.
1.Ơn nghĩa tử:
Thánh nhân ngỏ lời với những người chịu phép rửa, nhờ phép rửa, họ trở thành con cái Thiên Chúa. Thánh nhân khích lệ họ sống cho xứng đáng với phẩm chất nầy và mời gọi họ sống cuộc sống nội tâm, một cuộc sống cho phép họ lắng nghe Thần Khí, vì Thần Khí sở hữu quyền năng biến đổi.
Như vậy, Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử chứ không trở thành nô lệ. Vào thời đại nầy, sự sánh ví nầy rất hùng hồn. Người nô lệ là người không có quyền lợi gì, không sở hữu bất cứ điều gì, sống trong sợ hãi ông chủ của mình. Chỉ có người con mới có thể ngỏ lời với cha mình “Cha ơi!” trọn một tấm lòng yêu thương và tin tưởng.
2.Đồng thừa tự với Đức Ki tô.
Người con chẳng những chắc chắn hưởng được lòng yêu thương trìu mến của cha mình, mà còn có quyền thừa kế nữa. Người Ki-tô hữu là con cái của Chúa Cha nhờ Đức Ki-tô, Con Một của Thiên Chúa; và với Đức Ki-tô, họ trở nên đồng thừa tự những thiện hảo của Nước Trời. Một viễn cảnh như thế thì trái với pháp lý Do thái, nhưng hợp với luật Hy-lạp và Rô-ma, người con nuôi được hưởng quyền thừa kế như người con ruột. Như vậy, thánh nhân nhấn mạnh ơn ban nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần.
Nhưng nếu ơn nghĩa tử nầy làm cho người Ki tô hữu nên anh chị em của Đức Ki-tô, thì nó lôi kéo họ vào trong những gian truân và cái chết của Ngài, trước khi cho họ được dự phần vào vinh quang của Ngài. Thánh nhân không làm dịu đi sứ điệp của mình.
TIN MỪNG (Mt 28: 16-20)
Chính trên hoạt cảnh uy nghi và hùng vĩ nầy mà sách Tin Mừng Mát-thêu kết thúc: trên một ngọn núi thuộc miền Ga-li-lê, Đức Ki-tô Phục Sinh hiện ra cho nhóm Mười Một, họ phủ phục dưới chân Ngài. Ngài mặc khải quyền chủ tể hoàn vũ của Ngài và truyền lệnh cho họ loan báo Tin Mừng cho khắp thiên hạ, bằng cách đảm bảo với họ ơn phù trợ của Ngài.
Thánh Mát-thêu không tường thuật bất cứ lần hiện ra nào của Đức Giê-su với nhóm Mười Một nầy sau khi Ngài sống lại ngoại trừ lần hiện ra nầy, bởi vì thánh ký tập trung chứng từ về cuộc sống của Đấng Phục Sinh và những lời căn dặn sau cùng của Ngài vào cuộc gặp gỡ duy nhất nầy. Như vậy, biến cố nầy mang lấy một chiều kích đặc biệt.
1.Miền Ga-li-lê.
Sự kiện xảy ra ở miền Ga-li-lê. Chính ở đó mà Đức Giê-su đã ba lần hẹn gặp các Tông Đồ của Ngài. Lần thứ nhất, Ngài đã báo trước việc thánh Phê-rô sẽ chối Ngài và các ông sẽ vấp ngã vì Ngài: “Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em”(26: 32). Lần thứ hai vào buổi sáng Phục Sinh, sứ thần đã nói với các người phụ nữ: “Các bà…mau về nói với môn đệ Người như thế nầy: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông” (29: 7). Lần thứ ba, Đức Giê-su đã lập lại cùng một sứ điệp: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (28: 10). Thánh Mát-thêu là thánh ký duy nhất nhắc lại ba lần cuộc hẹn gặp ở Ga-li-lê nầy, trong khi thánh Lu-ca đặt cuộc gặp gỡ sau cùng của Đức Giê-su với các Tông Đồ của Ngài ở Giê-ru-sa-lem. Thánh Mát-thêu không thích thành đô Giê-ru-sa-lem vì nó đã phản bội sứ mạng của mình, vì thế thánh ký dành cho miền Ga-li-lê sứ điệp tối thượng của Đức Giê-su.
Cuộc gặp gỡ được định vị trên một ngọn núi, ngọn núi nào xem ra chẳng quan trọng gì: ngọn núi chỉ là biểu tượng. Không phải lời dạy về các mối phúc được vang lên trên một ngọn núi sao?
2.Họ phủ phục.
“Khi thấy Người, các ông phủ phục, nhưng có mấy ông lại hoài nghi”. Dường như chúng ta có ở đây một hoạt cảnh sóng đôi với những hoạt cảnh mà ở đó thánh Mác-cô và thánh Lu-ca mô tả những hoài nghi như thế: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng” (Mc 16: 14). Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em ngờ vực…” (Lc 24: 36).
Đức Giê-su tiến lại gần họ để họ nhận ra Ngài rõ hơn. Sau khi đã trấn an họ, Ngài cho họ dự phần vào vinh quang của Ngài và trao phó cho họ sứ mạng tối hậu của Ngài.
3. “Thầy đã được trao quyền trên trời dưới đất”.
Quyền thống trị hoàn vũ nầy đã được ngôn sứ Đa-ni-en loan báo về một nhân vật mầu nhiệm với tược vị “Con Người” rồi: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7: 14).
Tiếp đó, Đức Giê-su trao cho các Tông Đồ sứ mạng loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Đây là một trong những ghi chú về Thiên Chúa Ba Ngôi rõ nét nhất trong toàn bộ sách Tin Mừng Mát-thêu. Quả thật, phép rửa mà Đức Giê-su đã lãnh nhận trong dòng sông Gio-đan trước kia đã bày tỏ Ba Ngôi Thiên Chúa rồi: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3: 16-17).
Chính ở dưới dấu hiệu Ba Ngôi Thiên Chúa nầy mà phép rửa Ki-tô giáo được ban cho. Biểu thức mà thánh Mát-thêu trích dẫn là biểu thức Phép Rửa được Giáo Hội dùng rất sớm. Trong chứng liệu rất cổ xưa thuộc cuối thế kỷ thứ nhất, sách “Didaché” (hay “Đạo lý của Mười Hai Tông Đồ”), sưu tập giáo lý và phụng vụ, chúng ta gặp thấy những hàng nầy: “Khi phép rửa bởi việc dìm mình vào trong nước không thể, phải rửa trong nước thông thường bằng cách đổ nước ba lần trên đầu nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Didaché 7, 3). Biểu thức Ba Ngôi của thánh Mát-thêu càng quý hơn nữa nếu chúng ta so sánh với biểu thức của thánh Phao-lô: “Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Giê-su Ki-tô” (Rm 6: 3; Gl 3: 27), hoặc “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí” (1Cr 12: 13), và với biểu thức của sách Công Vụ: “Họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su” (Cv 8: 16; 19: 5).
4. “Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em”
Chúng ta nên lưu ý rằng trong diễn từ nầy Đức Giê-su nói theo cùng uy quyền và hầu như với cùng những ngôn từ như Đức Chúa của sách Đệ Nhị Luật mà ông Mô-sê nhắc lại sự cao vời khôn ví của Ngài và truyền đạt sứ điệp của Ngài: “Trên cõi trời cũng như dưới mặt đất, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có Thiên Chúa nào khác. Vậy, các giới răn và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền đạt cho anh em, anh em phải tuân hành…”.
5. “Còn Thầy, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Ở đây, Chúa Giê-su không nói như một lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em”, nhưng như một lời khẳng định: “Thầy ở cùng anh em”. Đây là một lời khẳng định tuyệt vời nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa trong suốt chiều dài lịch sử mà dân Ít-ra-en đã được hình thành và được phù trợ. Đó cũng lời khẳng định hình thành nên dân Thiên Chúa mới, tức Giáo Hội, được đảm bảo bởi sự phù trợ của Đức Ki-tô mọi ngày cho đến tận thế.

Cuối cùng chúng ta ghi nhận rằng, thánh ký, rất nhạy bén trước chiều kích phổ quát của ơn cứu độ, hoàn tất tác phẩm của mình trên viễn cảnh rộng lớn về cuộc hoán cải của muôn dân.

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo: ĐTC đặc biệt khuyến khích người trẻ và giáo dân dấn thân truyền giáo

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo: ĐTC đặc biệt khuyến khích người trẻ và giáo dân dấn thân truyền giáo


VATICAN - Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 89, ĐTC Phanxicô đặc biệt khuyến khích người trẻ và giáo dân dấn thân truyền giáo.

Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 18-10 tới đây. Trong Sứ điệp công bố hôm Chúa Nhật 24-5-2015, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ĐTC khẳng định rằng người trẻ có khả năng làm chứng tá can đảm, có những công trình quảng đại và nhiều khi đi ngược dòng. Ngài mời gọi họ đừng để bị tước đoạt mất giấc mơ truyền giáo đích thực, theo Chúa Giêsu, và chấp nhận hiến thân trọn vẹn, vì việc loan báo Tin Mừng, trước khi là điều cần thiết cho những người chưa biết Chúa, thì đã là một nhu cầu đối với những ai yêu mến Chúa.

ĐTC cũng kêu gọi những người thánh hiến, các tu sĩ nam nữ, khi phục vụ sứ mạng truyền giáo, hãy thăng tiến sự hiện diện của các tín hữu giáo dân, can đảm cởi mở đối với những người sẵn sàng cộng tác vào kinh nghiệm truyền giáo, kể cả trong trường hợp ngắn hạn, vì ơn gọi truyền giáo là điều nội tại ở trong Bí tích Rửa Tội và liên hệ tới tất cả mọi người.

Trong phần đầu của Sứ điệp, ĐTC nhắc nhở rằng truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ, hay là một chiến lược, nhưng là lòng say mê đối với Chúa Kitô, đối với dân chúng và Tin Mừng. Ngài cũng nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa đời sống thánh hiến và sứ vụ truyền giáo. ĐTC nhắc đến điều này trong bối cảnh Năm Đời sống Thánh hiến đang được cử hành trong toàn Giáo Hội, và năm nay kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vatican II về công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.

ĐTC khẳng định: "Ai theo Chúa Kitô thì không thể không trở thành thừa sai. Vì thế, những người thánh hiến được mời gọi lắng nghe Chúa Thánh Linh, và đi tới những biên cương rộng lớn, những "khu vực ngoại ô" của các miền truyền giáo, nơi mà Tin Mừng chưa được truyền tới cho dân ngoại."

Trong bối cảnh này, ĐTC nói đến một thách đố hàng đầu trong sứ vụ truyền giáo ngày nay là "tôn trọng nhu cầu của mọi dân tộc, tái khởi hành từ các căn cội của mình và bảo tồn các giá trị của những nền văn hoá liên hệ. Thực vậy, mỗi dân tộc, và mỗi nền văn hoá đều có quyền được giúp đỡ trong truyền thống của họ, để hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng. Ngoài ra, những người ưu tiên được đón nhận lời loan báo ấy chính là những người nghèo, những người bé nhỏ, yếu đau, bị coi rẻ và lãng quên, vì có một mối liên hệ không thể tách rời giữa đức tin và người nghèo".

Với ý hướng đó, ĐTC kêu gọi những người thánh hiến hãy bước theo Chúa Kitô trong sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo. Đây không phải là một chọn lựa ý thức hệ, nhưng là đồng hoá với người nghèo như Chúa đã làm, từ bỏ việc thực thi mọi quyền lực để trở nên anh em của những người rốt cùng, mang lại cho họ niềm vui Phúc Âm và tình bác ái của Thiên Chúa.

Sau cùng, ĐTC đề cao tầm quan trọng của sự cộng tác và hợp lực giữa GM Roma và các hội dòng truyền giáo của Giáo Hội, để bảo đảm tình hiệp thông, để mang lại một hiệu năng lớn hơn cho sứ điệp Tin Mừng và thăng tiến sự tâm đầu ý hiệp, là một hoa trái của chính Chúa Thánh Linh. (SD 25-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: RV

Thư Đức Thánh Cha nhân lễ phong chân phước cho Đức TGM Romero

Thư Đức Thánh Cha nhân lễ phong chân phước cho Đức TGM Romero
SAN SALVADOR - ĐTC đề cao tấm gương của tân Chân phước Oscar Romero và mời gọi toàn dân El Salvador tiến vào con đường hoà giải đích thực.

Trên đây là nội dung thư ĐTC gửi đến Đức cha José Luis Escobar Alas, TGM San Salvador, Chủ tịch HĐGM El Salvador, được công bố hôm 23-5-2015, trong lễ phong chân phước cho Đức TGM Oscar Romero. 

Ngài viết:

"Lễ Phong Chân phước cho Đức cha Oscar Arnulfo Romero Galdámez, cố Chủ chăn của Tổng Giáo phận San Salvador yêu quý, là động lực vui mừng lớn lao cho dân Salvador và cho chúng ta là những người đang được hưởng tấm gương của những người con ưu tú của Giáo Hội. Đức cha Romero đã xây dựng hoà bình bằng sức mạnh của tình thương, làm chứng về đức tin bằng cuộc sống hiến thân đến cùng.

Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Ngài giữa những khó khăn và luôn tỏ ra quan tâm đối với những nhu cầu của dân. Chúa thấy sự áp bức, Ngài nghe tiếng kêu đau thương của con cái và chạy đến cứu giúp để giải thoát họ khỏi áp bức và đưa họ đến miền đất mới, màu mỡ và rộng rãi, đất "chảy sữa và mật" (x. Xh 3,7-8). Như xưa kia Chúa đã chọn Môsê để, nhân danh Ngài, hướng dẫn dân, Chúa vẫn còn tiếp tục khơi lên những mục tử theo con tim Ngài, dẫn dắt đoàn Chiên Chúa một cách khôn ngoan và sáng suốt (x. Gr 3,15).

Tại đất nước tươi đẹp ở Trung Mỹ này, được Thái Bình Dương tưới gội, Chúa đã ban cho Giáo Hội một giám mục nhiệt thành, kính mến Chúa và phục vụ anh chị em, trở thành hình ảnh của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành. Trong thời kỳ sống chung khó khăn, Đức cha Romero đã biết hướng dẫn, bênh đỡ và bảo vệ đoàn chiên của ngài, luôn trung thành với Tin Mừng và hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Sứ vụ của ngài trổi vượt vì sự quan tâm đặc biệt đối với những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề. Và trong cái chết của ngài, lúc cử hành Hy tế thánh của tình yêu và hoà giải, ngài đã nhận được ơn đồng hoá trọn vẹn với Đấng đã hiến mạng sống vì đoàn chiên.

Trong ngày vui mừng này đối với quốc dân Salvador, cũng như cho các nước anh em châu Mỹ Latinh, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho vị giám mục tử đạo khả năng nhìn và nghe nỗi đau khổ của dân, và uốn nắn con tim của mình, để nhân danh Chúa, hướng dẫn và soi sáng cho dân, đến độ thực thi trọn vẹn lòng bác ái Kitô.

Tiếng nói của vị tân Chân phước tiếp tục vang vọng ngày nay để nhắc nhớ chúng ta rằng Giáo Hội, là cộng đồng anh chị em được tập hợp quanh Chúa, là gia đình của Thiên Chúa, trong đó không được có sự chia rẽ nào. Niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, khi được hiểu đúng và đón nhận với những hệ luận cuối cùng, sẽ sinh ra những cộng đoàn xây dựng hoà bình và tình liên đới. Đó là điều mà Giáo Hội ngày nay tại El Salvador, Mỹ châu và trên toàn thế giới đang được kêu gọi thực thi: một Giáo hội giàu lòng thương xót, được biến thành men hòa giải cho xã hội.

Đức cha Romero mời gọi chúng ta sống hợp lương tri và suy tư, tôn trọng sự sống và hoà hợp. Cần từ bỏ "bạo lực gươm giáo, bạo lực oán thù", và sống "sức mạnh của tình thương mà Chúa Kitô chịu đóng đanh trên thập giá đã để lại, sức mạnh làm cho mọi người vượt thắng ích kỷ và để không còn những chênh lệch tàn bạo giữa chúng ta". Đức Cha đã biết nhìn và cảm nghiệm trong thân thể "sự ích kỷ tiềm ẩn nơi những người không muốn nhường những gì của mình để đến với tha nhân". Và với tâm hồn của người cha, ngài lo lắng cho những người nghèo khổ nhất, thỉnh cầu những kẻ cường quyền biến "vũ khí thành lưỡi liềm để làm việc".

Ai được Đức cha Romero làm bạn hữu trong đức tin, những người cầu khẩn người như vị bổn mạng và là người chuyển cầu, ai chiêm ngưỡng dung nhan của ngài, thì gặp được nơi ngài sức mạnh và lòng can đảm để xây dựng Nước Thiên Chúa, để dấn thân xây dựng một trật tự xã hội công bằng và xứng đáng hơn.

Đây là lúc thuận tiện để thực thi một sự hoà giải quốc gia đích thực đứng trước những thách đố đang đề ra ngày nay. Giáo hoàng chia sẻ những hy vọng của dân nước này, hiệp với những lời cầu nguyện để hạt giống tử đạo của Đức cha được triển nở và để con dân đất nước này được củng cố trên những con đường chân thực, đất nước được hãnh diện mang tên Đấng Cứu Thế."


Lễ Phong Chân phước cho Đức TGM Romero do ĐHY Angelo Amato SDB, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, chủ sự từ lúc 10 giờ sáng ngày 23-5-2015 tại thủ đô San Salvador trước sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu, cũng như hàng trăm GM Salvador và nước ngoài đồng tế. (SD 23-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: RV