Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

VẠ TUYỆT THÔNG LÀ GÌ ?

VẠ TUYỆT THÔNG LÀ GÌ ?


 Hỏi: Xin Cha giải thích rõ hình phạt gọi là Vạ tuyệt thông của Giáo Hội,

Trả lời: Vạ tuyệt thông (ex-communication) là hình phạt nặng nề nhất của Giáo Hội dành cho những ai cố tình vi phạm một số tội nặng và ngoan cố không chịu sửa đổi hay sám hối.
Qua bí tích rửa tội, người tín hữu  gia nhập Giáo Hội và được hiệp thông hay tham dự vào những lợi ích thiêng liêng trong Cộng Đồng Giáo Hội. Do đó, khi phạm một tội trọng nào hoặc có những hành động gây thương tổn cho niềm tin của Giáo Hội và tạo gương xấu nghiêm trọng thì đương nhiên đã tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông nói trên.
Trong thời sơ khai, Giáo hội cũng đã loại trừ ( phạt ) những người phạm những tội dâm ô, loạn luân ra khỏi cộng đoàn như ta đọc thấy trong Thư Thánh Phao Lô gửi tín hữu Cò-rin-tô  sau đây :
“Đi đâu tôi cũng nghe nói đến chuyện dâm ô giữa anh  em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoai…. Lẽ ra anh  em phải loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn của anh  em….. .(1 Cor:1-2). Dầu vậy, Thánh Phaolô vẫn tỏ lòng thương xót  và hy vọng những người này được cứu độ trong ngày sau hết  khi ngài viết tiếp : “ Chúng ta hãy nộp con người đó cho sa-tan để phần xác nó bị hủy diệt, con phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.” (cf. 5:5).
Ngày nay, Giáo Hội chỉ sử dụng hình phạt này cho những ai cố tình và công khai phạm những tội hay có hành động gây gương xấu trầm trọng mà không chịu nhận lỗi và sửa chữa.
Giáo luật, và Giáo lý của Giáo Hội liệt kê một số tội bị vạ tuyệt thông như sau:
  1- Mắc vạ tuyệt thông tiền kết những người bội giáo (apostate), lạc giáo (heretic) hay ly giáo (schismatic) (can#1364) 
  2-Ai quăng ném  Bánh Thánh (Mình Thánh Chúa)l ấy hoặc cất giữ với mục đích phạm thánh (sacrilegious purposes) bị vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh (#1367)
  3-  Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh (# 1370, &1)
4-Giám mục nào không có Ủy nhiệm thư  của Đức Giáo Hoàng mà phong chức giám mục cho người khác, cũng như người được truyền chức do Giám mục này đều mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. (# 1381)
5- Ai thi hành và phụ giúp việc phá thai có kết quả sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết. (#1397; GLGHCG #2272
6- Cha giải tội nào vi phạm ấn tòa giải tội (tiết lộ tội hối nhân xưng) phải bị vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. (# 1388, & 1)             
AI CÓ QUYỀN RA  và THA VẠ TUYỆT THÔNG  ?
1- Vạ tuyệt thông có thể  là hậu kết (ferendae sententiae) nghĩa là chỉ ràng buộc phạm nhân sau khi vạ được tuyên án. Một Giám mục có thể ra vạ tuyệt thông hậu kết cho người ngoan cố không chịu sửa lỗi nặng đã được cảnh cáo. Nếu chịu hối lỗi thì Giám mục có thể tha vạ này.
2- Vạ tuyệt thông có thể là tiền kết (latae sententiae) nghĩa là đương nhiên bị vạ này khi phạm một trong những tội hay lỗi nghiêm trọng ghi trên đây.  Chỉ có Tòa Thánh tức là chính Đức Giáo Hoàng được giải vạ này mà thôi.
Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử thì bất cứ linh mục nào cũng được phép tha mọi tội và giải vạ tuyệt thông tiền hay hậu kết. (x. GLGHCG #1463)
HẬU QUẢ CỦA VẠ TUYỆT THÔNG 
Giáo luật nói rõ những hậu quả của vạ tuyệt thông như sau:
   1- không được cử hành hay lãnh nhận mọi bí tích  kể cả á bí tích của Giáo Hội.
   2- Đối với giáo sĩ và tu sĩ : không được hành xử mọi chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào cũng như bị cấm hưởng dùng các đặc ân đã được ban cấp trước đó. (x. can # 1331)
Nói tắt một lời : người bị vạ tuyệt thông tạm thời bị tách ra khỏi mọi hiệp thông với Giáo Hội cho đến khi vạ được tha bởi thẩm quyền Giáo Hội.
Kết luận: Vạ tuyệt thông, dù là hình phạt nặng nhất của Giáo Hội, nhưng không có nghĩa là lời kết án vĩnh viễn cho ai phải ra khỏi sự hiệp thông với Cộng đồng  Dân Chúa. Nghĩa là Giáo Hội vẫn mở rộng cửa để đón nhận trở lại những phạm nhân có thiện chí ăn năn và xin được tha lỗi. Vì thế hình phạt này chỉ tạm thời cho những phạm nhân ngoan cố không chịu ăn năn, sửa lỗi mà thôi

LM PHanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

http://www.chungnhanduckito.net/tacgia/lm.huan/vatuyetthonglagi.htm



Vạ tuyệt thông là gì?



Linh mục chịu chức giám mục bất hợp pháp cùng với các giám mục phong chức đều bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết theo điều 1382 của Bộ Giáo luật.
Sau những vụ truyền chức giám mục bất hợp pháp tại Trung Quốc, Toà Thánh công bố những người chịu chức giám mục như vậy đã mắc vạ tuyệt thông. Nhiều người hỏi vạ tuyệt thông là gì.
Để trả lời, phải tìm hiểu hai điều: 1. Các thánh thông công. 2. Vạ tuyệt thông.
1. Các Thánh cùng thông công.
Trên nguyên tắc, tất cả những ai được rửa tội, đều là thánh, vì đã được sạch tội tổ tông và tội riêng. Các thánh là tất cả những người Công Giáo, vì thế ân huệ có thể thông truyền cho nhau. Nên:
Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời - đã được lên thiên đàng (paradis) hay còn đang ở luyện tội (purgatoire) - đều có liên lạc mật thiết. Đó là tín điều (dogme) các Thánh cùng thông công.
- Các tín hữu còn sống làm thành Giáo Hội chiến đấu.
- Các Thánh trên thiên đàng làm thành Giáo Hội khải hoàn.
- Các linh hồn trong luyện tội làm thành Giáo Hội đau khổ.
Các tín hữu tôn kính, cầu xin các Thánh. Còn các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa.
Các tín hữu làm việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn. Còn các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu còn đang sống.
Các tín hữu đều thông công với nhau: mỗi người đều có quyền hưởng nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của tất cả những người khác.
2. Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) nghĩa là không còn được hưởng những ân huệ của “các thánh thông công” nữa, nhưng chỉ là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa. Hình thức Có hai hình thức vạ tuyệt thông:
• Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.
1. Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
2. Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
3. Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
4. Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
5. Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
6. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư giáo hoàng mà phong chức giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Trong bảy qui định vạ trên đây, năm loại vạ chỉ được hoá giải bởi chính Tòa Thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do giám mục giáo phận hay những linh mục được các giám mục ấy ủy thác.
• Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn hai loại vi phạm bị chế tài vạ hậu kết.
Hầu hết những trường hợp bị vạ tuyệt thông đều là vạ tuyệt thông tiền kết và người mắc vạ tuyệt thông bị cấm:
1. Không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác
2. Không được cử hành các Bí tích hay Á Bí tích và lãnh nhận các Bí tích
3. Không được hành sử các chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai trị sau khi vạ tuyệt thông đã bị tuyên kết hay tuyên bố, người bị vạ tuyệt thông thi hành cách vô hiệu những hành vi cai trị nếu trước đó đã được chỉ định; cũng không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo hội; cũng không được chiếm hữu cho mình các lợi lộc của bất cứ chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ, hưu bổng nào mà đương sự đã có trong Giáo hội.

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/43VaTuyetThong.htm

Lễ Thăng Thiên Năm A (phần II)

Lễ Thăng Thiên Năm A
(phần II)

GIÁO LÝ PHÚC ÂM CN THĂNG THIÊN . A
CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN NĂM A
Sách Tồng Đồ Công Vụ 1,1-11; Thư Thánh Phaolô gửi Êphêsô 1,17-23
và Phúc Âm Thánh Matthêô 28, 16-20

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Môn đệ Chúa phải là người: Làm gia tăng số môn đệ Chúa.
Làm phép rửa cho mọi người “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”
Dạy người tin Chúa giữ những điều Chúa truyền dạy cho mình.
Tin rằng: chúa luôn ở cùng môn đệ Chúa.

II.        Vấn nạn P.Â.    
Làm môn đệ Chúa là “hãy đi và làm muôn dân trở thành môn đệ”
            “Hãy đi” có nghĩa là ra khỏi, là từ bỏ những gì thiết thân với chính bản thân mình như tính ích kỷ, ham tiền bạc, địa vị, hay kiên căng, tự phụ. “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi… Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27-33).

             “Hãy đi” có nghĩa là ra khỏi, là từ bỏ tình cảm thân thương với gia đình, với bà con họ hàng hay với những ai thương mình và lo cho mình. "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 25-26).

            “Hãy đi” có nghĩa là ra khỏi, là từ bỏ những toan tính tương lai cho bản thân mình và phải tín thác vào Chúa và phải dốc toàn lực phục vụ nước Chúa. Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Đức Giê-su nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi! " Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa." Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."Đức Giê-su bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."(luca 9, 57-62)

            “Hãy đi” diễn tả một từ bỏ trọn vẹn và quyết liệt để:
            “Làm muôn dân trở thành môn đệ”
             “Muôn dân thành môn đệ”: Tất cả thế giới phải thành môn đệ Chúa: tin Chúa, loan truyền lời Chúa và hưởng hạnh phúc thiên đàng.
            “Thành môn đệ Chúa”:  Môn đệ Chúa phải làm cho người khác thành môn đệ Chúa. Môn đệ Chúa, có nghĩa là tin Chúa, yêu Chúa và sống chết vì Chúa.
            “Thành môn đệ Chúa”:  sứ mạng duy nhất của môn đệ Chúa là truyền đạo và làm cho nhiều người tin Chúa.
            “Thành môn đệ Chúa”:  Môn đệ Chúa không có môn đệ cho riêng mình.
Làm phép rửa cho họ “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”

            “Làm phép rửa cho họ”: Dấu để thành môn đệ Chúa là nhận lãnh phép rửa. Tại sao? Môn đệ là người tin Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi Cha Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Người ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi qua phép rửa. Người ta được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi.

            “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” Là nền tảng của đời sống Kitô hữu. Mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần đã ghi dấu ấn rất đậm nét trong công thức rửa tội "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", trong văn bản của các tông đồ "Nguyện xin ân sủng của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em". Ðồng thời trong cử hành phụng vụ, lời khẩn cầu của Hội Thánh luôn luôn là "Nhờ Ðức Giêsu Kitô Con Cha và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời". Và lời ngợi khen trọn vẹn nhất là "Chính nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều qui về Cha là Thiên Chúa toàn năng, đến muôn thuở muôn đời". Cũng vì mầu nhiệm ấy là nền tảng cho tất cả đời sống Hội Thánh, nên ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Hội Thánh đã không ngừng suy niệm, vừa để đào sâu mầu nhiệm vừa để bảo vệ đức tin tinh tuyền khỏi những quan niệm lệch lạc. "Thiên Chúa duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau".

Dạy người tin Chúa giữ những điều Chúa truyền dạy cho mình.
“Dạy”: Môn đệ Chúa trước tiên phải là bậc thầy, tức bậc mô phạm, người thông thạo hơn người khác và có khả năng dạy cho người khác, không chỉ trong lớp học, nhưng bằng đời sống gương mẫu.

“Hãy dạy điều con tin và sống điều con dạy!” như lời nhắn nhủ của Giám Mục trước khi truyền chức linh mục. “Dạy những điều Chúa truyền dạy”: Môn đệ Chúa phải là học trò hấp thụ những giáo huấn của Chúa trước và sau đó thành người truyền đạt hay dạy cho người khác những gì mình đã học. Môn đệ Chúa, người sống điều Chúa dạy trước tiên.

Giáo Hội Công Giáo được gọi là tông truyền, vì chỉ dạy và tin những gì đã được các tông đồ là những môn đệ của Chúa truyền lại. Các tông đã theo Chúa, đã nghe, đã học giáo lý từ Chúa. Các Ông đã truyền đạt những gì Chúa dạy cho các ông sang những môn đệ nối tiếp. Nên giáo Hội Công Giáo không chấp nhận chuyện suy luận hay dẫn giải cá nhân theo kiểu thần hứng. Tất cả phải theo một giáo huấn từ: Chúa qua Giáo Hội và đến tín hữu.

Tin rằng: chúa luôn ở cùng môn đệ Chúa.
Luôn ở cùng có nghĩa:
            Đó là môn đệ của Chúa. “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Gioan 15, 15).

            Đó là người được sai đi làm việc cho Chúa. “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” Mc 3,13-15

            Đó là người đáng tin, đáng theo và đáng bắt chước. Các con là muối ướp cho đời, nếu muối nhạt, thì chẳng còn cách gì mà làm cho mặn lại được; nó trở thành vô dụng, chỉ còn nước ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.Các con là ánh sáng cho toàn thế giới,  thành phố xây trên đồi nên không thể dấu được…Cũng thế, ánh sáng chúng con phải sáng lên trước mặt thiên hạ để họ nhìn xem những việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”  (Mt 5, 13-16 ).

            Đó là người phải làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống mình. Phúc Âm: Lc 21, 12-19

"Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".

III.      Thực hành P.Â.:
            Thiên đàng như thế nào? Có thề có thiên đàng trần gian hay biến trần gian thành thiên đàng không?

Thiên đàng theo Muslimparadise là nơi mà trinh nữ nhiều vô kể. Những trinh nữ nầy dành sẵn cho những anh hùng của Hồi Giáo…. Xem chừng như đây là ước mơ của những người háo sắc chăng?

Thiên đàng theo quan niệm của cộng sản là nơi không còn giai cấp, không còn người bóc lột người. Thiên đàng là nơi của cải vật chất thừa thải. Người ta sống tự do hạnh phúc và thoải mái. Người ta lao động theo khả năng và hưởng theo nhu cầu. Đây là ước mơ bình thường của những người nghèo, hạng nhân công bị chủ bóc lột. Nên cộng sản lớn mạnh ở những nơi nghèo, nơi con người chỉ có những ước mơ rất bình thường: ăn no mặt ấm đã là thiên đàng rồi.

Kitô giáo quan niệm thiên đàng là nơi có Chúa, Đấng Thánh tuyệt đối, Đấng hằng hữu, Đấng tình yêu và là Đấng có khả năng lấp đầy mọi khát vọng nơi con người. Không còn một thứ đòi hỏi nào trên Thiên đàng. Vì Chúa là tất cả (theo tư tưởng của Thánh Anselmô cả).  Thiên đàng của Kitô Giáo là nơi mà Chúa Kitô Phục Sinh lên trời. Ngài là Thiên Chúa Thánh Thiện, đi về nơi cực thánh. Ngài là Thiên Chúa hằng hữu, đi về nới không có sự chết. Ngài là Thiên Chúa tình yêư, đi về nơi chỉ còn đức Ái, như Thánh Phaolô mô tả. Ngài là Đấng tuyệt hảo, đi về nơi không có gì bất toàn. Ngài là hoa quả đầu mùa, là trưởng tử của hàng tạo vật, Ngài là đấng đi trước để dọn chỗ cho chúng ta. Để sau cùng chúng ta cũng lên thiên đàng, nơi hạnh phúc và bất tử.

            Như vậy thiên đàng trần gian chỉ là ảo tưởng hay là chiếc bánh vẽ của những ý thức hệ chính trị nhằm tạo sự đấu tranh. Không thể có thiên đàng nếu không có Chúa là Đấng Thánh. Nếu không tin Chúa thì làm sao có sự thánh thiện. Nếu không có Chúa thì làm sao có hoàn hảo hay trọn vẹn. Nếu thiên đàng chỉ là chuyện ăn no và làm tình thoải mái thỉ không trả lời được những đòi hỏi nơi bản năng. Vừa ăn no xong, người ta vẫn còn thèm ăn nữa. Dù mới làm tình xong người ta vẫn chưa thoả mãn hoàn toàn. Bất toàn và phàm tục thì làm sao gọi là thiên đàng?
            “Thầy được trao toàn quyền trên trời dưới đất” Như vậy môn đệ Chúa, cụ thể là Giám Mục, Linh Mục cũng có toàn quyền dưới đất và trên trời, vì “những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Những gì chúng con tháo gở dưới đất, trrên trời cũng tháo gở”
            Chắc chắn Chúa không nói đến quyền Giám Mục hay quyền Cha sở. Nhưng là quyền lực chiến thắng Satan và mang nhân loại lên trời. Nên “quyền” ở đây không là sức mạnh thống trị theo kiểu Politic power nhưng là ius, là right, là authority được trao ban để mang ích lợi cho phần rổi linh hồn người khác. Nói khác đi đó là quyền để phục vụ. Giáo Sĩ nhiều khi bị hiểu lầm hay bị thu hút bởi quyền thống trị. Xin mời lắng nghe suy tư về quyền chức của Đức Cha GB. Bùi Tuần.

            “Xưa, địa vị chức quyền đã là cơn cám dỗ đối với các tông đồ Chúa. Nay, cơn cám dỗ ấy vẫn không ngừng hoạt động trong Hội Thánh, nơi mạnh nơi yếu. Cơn cám dỗ ấy được thể hiện dưới nhiều hình thức. Như chức tước trong đạo được tâng bốc lên một thế giới thần thiêng, nắm đặc quyền đặc lợi. Tâng bốc nhiều khi quá mức. Rồi, như vận động, đấu tranh, thủ đoạn, giả hình để được lên chức. Như lợi dụng chức tước để tìm tư lợi. Có nơi ơn gọi trở thành bậc thang thăng tiến xã hội. Công bằng mà nói: chính cộng đoàn và xã hội cũng nhiều khi góp phần vào cơn cám dỗ.

Để bảo vệ Hội Thánh, Chúa không ngừng thanh luyện. Thanh luyện từ cơ chế, đến não trạng, thói quen của từng cá nhân. Thanh luyện nào cũng gây nên đau đớn. Trong tiến tình Chúa thanh luyện, rất nhiều môn đệ Chúa đã cộng tác vào việc thanh luyện của Chúa. Nhờ vậy, họ trở nên giống hình ảnh Chúa Giêsu hiền lành, khiêm nhường, làm chứng cho Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót. Cũng nhờ thanh luyện, Hội Thánh thắng được cơn cám dỗ muốn trở thành một quyền lực, nhưng an tâm với sứ vụ là dấu chỉ và là dụng cụ của tình xót thương Chúa cứu độ.”
 Lm Phêrô Trần Thế Tuyên


Lời Chúa
Nơi mục tựa ngắn của một tập sách do chính mình viết có tựa đề: "Biết Và Không Biết Về Thiên Chúa". Tác giả Đức Hồng Y Sacrunez, một triết gia và cũng là một thần học gia nổi tiếng của thập niên 60 đã trình bày niềm xác tín của mình như sau:
"Người ta không thể nào không nói về Thiên Chúa, mọi kinh nghiệm tốt xấu, tích cực hay tiêu cực đều đưa con người đến việc đặt vấn đề về Thiên Chúa. Con người không thể loại bỏ hay quên hẳn Thiên Chúa được, con người vẫn nói về Thiên Chúa, nhưng khi nói rồi con người cảm thấy lời nói của mình về Ngài như không có ý nghĩa gì cả, lời nói đó trở thành như một sự im lặng to lớn."
Từ nhận định trên đây Đức Hồng Y rút ra hai điểm kết luận ngắn rất quan trọng:
Thứ nhất, con người cần trân trọng quí mến những lời nói, tuy là của con người nhưng đã được Thiên Chúa sử dụng để mạc khải chính Mình cho con người.
Thứ hai, để lời nói của mình về Thiên Chúa có được chút giá trị nào đó, diễn tả thực thể Thiên Chúa thì con người cần có cảm nghiệm về Thiên Chúa.
Chúng ta ghi nhận là các Tông Đồ ngày xưa đã thực hiện hai điều căn bản này. Họ trân trọng, quí mến lời Chúa giảng dạy. Họ trung thành thông truyền, không xuyên tạc và các ngài là những kẻ có kinh nghiệm trực tiếp về Chúa trước khi ra đi rao giảng cho kẻ khác.
Chúa đã gọi các Tông Đồ để các ngài sống bên cạnh Chúa trong suốt thời gian Chúa giảng dạy, đến độ tác giả của thư thứ nhất Thánh Gioan và truyền thống cho là thánh Gioan Tông Đồ, một trong mười hai Tông Đồ đã sống bên cạnh Chúa trong suốt cuộc đời rao giảng, tác giả thư thứ nhất thánh Gioan đã viết ngay đầu thư như sau: "Những gì chúng tôi đã thấy, đã nghe, đã chạm đến về Ngôi Lời Hằng Sống, về Con Thiên Chúa, chúng tôi loan truyền lại cho anh chị em."
Mừng Lễ Chúa Lên Trời hôm nay, chúng ta được mời gọi như các Tông Đồ ngày xưa, tiếp tục công việc của Chúa. Trước khi lên trời, Chúa đã ra lệnh cho các Tông Đồ: "Mọi quyền hành trên Trời, dưới đất, được trao ban cho Thầy, chúng con hãy ra đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Giảng dạy và tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế."
Người ta không thể nào không nói về Thiên Chúa. Chúng ta, những đồ đệ của Chúa không thể nào không chia sẻ về Chúa cho anh chị em, không những bằng lời nói mà còn bằng những việc làm. Nhưng để làm chứng nhân cho Chúa thì hai điều kiện căn bản mà Đức Hồng Y đã nhắc cho chúng ta là trân trọng, quí mến những lời nói của Chúa, đây là những lời mà Con Thiên Chúa Nhập Thể đã nói cho con người biết về mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta cần trân trọng, quí mến Lời đó. Những Lời đó và cũng là những Lời mà Con Thiên Chúa đã chọn để mạc khải Thiên Chúa cho con người. Chúng ta cần trân trọng những Lời đó.
Điểm thứ hai, chúng ta cần sống trực tiếp có cảm nghiệm về Chúa, sống với Chúa trước để có thể làm chứng cho Chúa: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế." Trân trọng tuân giữ lời rao giảng và duy trì kinh nghiệm khi gặp Chúa, sống với Chúa qua đời sống cầu nguyện, việc cử hành Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thánh Thể là phương thế để Chúa hiện diện, để Chúa thực hiện điều Ngài đã quả quyết: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế."
Chúng ta không nên có thái độ vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, kể Chúa như kẻ ra đi đã khuất mắt không còn hiện diện trên trần gian này nữa, để chúng ta được tự do gây xáo trộn, tự do phá bỏ mọi giá trị. Chúa Lên Trời là một biến cố khai mạc giai đoạn mới, giai đoạn của một sự hiện diện mới và của sự dấn thân mới của mỗi người chúng ta để làm chứng cho Chúa. Chúng ta cần sống với Chúa, lắng nghe Lời Chúa và trân trọng tuân giữ Lời Chúa để trở thành những chứng nhân của Chúa.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được thực hiện điều này và cho chúng ta được trưởng thành trong đức tin. Amen.
R. Veritas
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Lectio Divina: Lễ Thăng Thiên (A)
Chúa Nhật, 1 Tháng 6, 2014
Hãy đi khắp thế giới
Sứ vụ phổ quát 
Mt 28:16-20


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh cùng với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:
Đoạn văn này ghi lại những lời sau cùng của Chúa Giêsu theo Phúc Âm của Mátthêu.  Đây giống như một di chúc, ước muốn cuối cùng của Người gửi cho cộng đoàn, đó là điều quan trọng trên hết trong tâm trí của Người.  Trong bài đọc, chúng ta cố gắng chú ý đến những điều sau đây: Chúa Giêsu nhấn mạnh đến điều gì nhất trong những lời cuối của Người?        
b)  Phân đoạn chương 28 để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 28:16 – Địa điểm:  trở về Galilêa
Mt 28:17 – Việc hiện ra của Chúa Giêsu và phản ứng của các môn đệ
Mt 28:18-20a – Những lời hướng dẫn cuối cùng của Chúa Giêsu
Mt 28:20b – Lời hứa trọng đại, căn nguyên của mọi hy vọng.   

c)  Phúc Âm:
16:  Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước.
17:  Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi.
18-20a:  Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng:  “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân; làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.
20b:  Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

a)  Điều gì đã đánh động và đụng chạm vào tâm hồn bạn nhất?
b)  Hãy nhận biết các chi tiết về thứ tự thời gian và nơi chốn trong đoạn Tin Mừng này.           
c)  Các môn đệ phản ứng ra sao?  Nội dung những Lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ là gì?
d)  Câu “mọi quyền năng trên trời dưới đất” đã được ban cho Chúa Giêsu có nghĩa là gì?
e)  “Để trở thành một môn đệ” của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
f)  Trong bối cảnh này, phép rửa tội “nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” có ý nghĩa như thế nào?
g)  Những chữ “Thầy ở cùng các con mọi ngày, cho đến tận thế” nhắc nhở chúng ta điều gì trong Cựu Ước?  

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.

a)  Bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu

 *  Tin Mừng Mátthêu, viết vào khoảng năm 85, được viết cho một cộng đoàn người Do Thái cải đạo sống tại Syria-Palestine.  Họ đang trải qua một cuộc khủng hoảng căn tính sâu đậm về quá khứ của họ.  Khi họ chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đang được mong đợi, họ vẫ tiếp tục đi đến các hội đường và tuân giữ lề luật và các truyền thống của cha ông họ để lại.  Hơn thế nữa, họ đã có mối quan hệ thân thích gần gũi với những người Biệt Phái, và sau cuộc nổi dậy của người Do Thái tại Palestine chống lại đế quốc La Mã (từ năm 65 đến năm 72), họ và những người Biệt Phái là hai nhóm duy nhất đã sống sót dưới cuộc đàn áp của người La Mã.      

*  Từ những năm trong thập niên 80, những người Do Thái anh em, Biệt Phái và Kitô hữu, những kẻ sống sót duy nhất, đã bắt đầu chống lại nhau để làm những kẻ thừa kế của các lời hứa trong Cựu Ước.  Mỗi nhóm đều nhận mình là kẻ thừa kế.  Dần dà, sự căng thẳng đã tăng dần trong bọn họ và họ đã bắt đầu tuyệt giao với nhau.  Các người Kitô hữu không còn có thể tham dự tại hội đường và đã bị cắt đứt khỏi quá khứ của họ. Mỗi nhóm bắt đầu tập hợp lại:  những người Biệt Phái đến hội đường, các Kitô hữu đến nhà thờ.  Điều này đã làm tăng thêm vấn đề bản sắc của cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái vì nó đưa ra những vấn nạn nghiêm trọng cần có giải pháp cấp bách.  “Ai là người hưởng thừa kế những lời hứa của Cựu Ước, những người đi đến hội đường hay những người đi đến nhà thờ?  Thiên Chúa ở về phe nào?  Ai thực sự là dân riêng của Thiên Chúa?”

*  Giờ đây, Mátthêu viết Tin Mừng của mình để giúp đỡ các cộng đoàn vượt qua cuộc khủng hoảng của họ. Trước hết, Tin Mừng của ông là một Tin Mừng mặc khải cho thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế đích thực, một ông Môisen mới, tột đỉnh của toàn bộ lịch sử Cựu Ước và những lời hứa trong đó.  Đó cũng là Tin Mừng của sự an ủi cho những ai bị hắt hủi và ngược đãi bởi những anh em Do Thái của họ.  Mátthêu muốn an ủi và giúp họ vượt qua khỏi nỗi tổn thương của sự chia lìa.  Đó là Tin Mừng của việc thực thi mới bởi vì nó cho thấy con đường để đạt được một nền công lý mới, cao cả hơn công lý của những người Biệt Phái.  Đó là Tin Mừng của sự cởi mở và cho thấy rằng Tin Mừng của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang lại không thể bị che dấu, nhưng phải được đặt trên ngọn nến để nó có thể soi sáng đời sống cho tất cả mọi dân tộc.

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng theo Mátthêu 28:16-20 


*  Mt 28:16:  Trở về Galilêa:  Galilêa là nơi bắt đầu mọi sự (Mt 4:12).  Ở đó các môn đệ lần đầu tiên đã được nghe thấy ơn gọi (Mt 4:15) và cũng nơi đó Chúa Giêsu đã hứa sẽ đoàn tụ lại với các ông sau khi phục sinh (Mt 26:31).  Trong Phúc Âm Luca, Chúa Giêsu cấm các ông không được rời khỏi Giêrusalem (Cv 1:4).  Trong Phúc Âm Mátthêu, họ được lệnh phải rời khỏi Giêrusalem và trở lại Galilêa (Mt 28:7, 10).  Mỗi nhà truyền giáo theo cách riêng của mình để trình bày con người của Đức Giêsu và các kế hoạch của Người.  Đối với Luca, sau sự phục sinh của Chúa Giêsu, việc công bố Tin Mừng đã bắt đầu ở Giêrusalem để cho đến tận cùng trái đất (Cv 1:8).  Đối với Mátthêu, việc công bố khởi đầu tại Galilêa của dân ngoại (Mt 4:15) để biểu hiện trước việc chuyển đổi từ dân Do Thái cho tới dân ngoại.
Các môn đệ đã phải đi đến ngọn núi mà Chúa Giêsu đã chỉ trước cho họ.  Núi này nhắc nhở chúng ta về núi Sinai, nơi mà Giao Ước đầu tiên đã xảy ra và là nơi ông Môisen đã lãnh những tấm bia Lề Luật của Thiên Chúa (Xh 19-24; 34:1-35).  Nó cũng nhắc nhở chúng ta về núi của Thiên Chúa, nơi mà tiên tri Êlia đã ẩn cư để đi tìm lại ý nghĩa sứ vụ của ông (1V 19:1-18).  Nó cũng nhắc nhở chúng ta về ngọn núi Chúa Biến Hình, nơi các ông Môisen và Êlia, đó là, Lề Luật và các ngôn sứ, hiện ra với Chúa Giêsu, do đó xác nhận rằng Người là Đấng Cứu Thế đã được hứa (Mt 17:1-8).

*  Mt 28:17:  Một số người đã hoài nghi:  Các Kitô hữu đầu tiên đã gặp khó khăn lớn trong việc tin vào sự phục sinh.  Các Thánh Sử nhấn mạnh khi nói rằng họ nghi ngờ rất nhiều và đã không tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu (Mc 16:11, 13, 14; Lc 24:11, 21, 25, 36, 41; Ga 20:25).  Niềm tin vào sự phục sinh là một tiến trình chậm chạp và khó khăn, nhưng được kết thúc bởi sự đoan chắc nhất của các Kitô hữu (1 Cr 15:3-24).

*  Mt 28:18:  Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy:  Hình thức bị động của động từ cho thấy rằng Chúa Giêsu đã nhận được quyền năng của Người từ Chúa Cha.  Quyền bính này là gì?  Trong sách Khải Huyền, Chiên Con (Chúa Giêsu Phục Sinh) đã nhận từ tay của Thiên Chúa cuốn sách với bảy con dấu (Kh 5:7) và đã trở thành Chúa của lịch sử, Người là Đấng chịu trách nhiệm thực thi các chương trình của Thiên Chúa như đã mô tả trong quyển sách được niêm phong, và được tôn sùng bởi mọi loài thụ tạo như thế (Kh 12:11-14).  Bằng vào quyền bính và quyền năng của mình, Người chiến thắng con Mãng xà, quyền lực của sự dữ (Kh 12:1-9).  Và bắt giữ con thú dữ và tiên tri giả, các biểu tượng của Đế Quốc La Mã (Kh 19:20).  Trong Kinh Tin Kính của Thánh Lễ chúng ta tuyên xưng rằng Đức Giêsu lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha, như thế Người sẽ lại đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

*  Mt 28:19-20a:  Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu:  ba mệnh lệnh truyền cho các môn đệ:  Được ủy thác với quyền bính tối cao, Chúa Giêsu truyền lại ba mệnh lệnh cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta:  (i)  Đi giảng dạy cho muôn dân; (ii) làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; (iii) giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.

i)  Đi giảng dạy cho muôn dân:  Là một người môn đệ không giống như một học trò.  Người môn đệ được ở trong một mối quan hệ với vị tôn sư.  Người học trò ở trong một mối tương quan với người dạy học.  Người môn đệ sống với vị tôn sư 24 giờ một ngày; người học trò nhận lãnh bài học từ thày giáo trong vài tiếng đồng hồ rồi sau đó trở về nhà.  Người môn đệ bao hàm ý một cộng đoàn.  Người học trò bao hàm sự hiện diện trong một lớp học cho các bài học.  Vị trí của người môn đệ thời ấy được đánh dấu bằng sự biểu lộ đi theo vị tôn sư.  Trong Luật dòng Cát Minh, chúng ta đọc thấy:  Sống trong sự tùng phục Chúa Giêsu Kitô.  Đối với những Kitô hữu tiên khởi, đi theo Chúa Giêsu mang ý nghĩa ba việc liên kết sau:
-  Noi theo gương Thầy:  Chúa Giêsu là mẫu mực để noi theo và để được lặp lại trong đời sống của người môn đệ (Ga 13:13-15).  Sống với nhau mỗi ngày có nghĩa là một cuộc họp liên tục.  Trong Trường của Chúa Giêsu chỉ có một môn học được dạy:  Vương Quốc Nước Trời!  Vương Quốc này có thể được nhìn thấy trong đời sống và sự thực hành của Chúa Giêsu.
-  Chia sẻ số phận của Thầy:  Những ai đi theo Chúa Giêsu, đã phải tự cam kết “một lòng gắn bó với Người trong mọi thử thách cám dỗ” (Lc 22:28), trong lúc bị bách hại (Ga 15:20; Mt 10:24-25) và phải sẵn sàng vác thập giá và chết với Người (Mk 8:34-35; Ga11:36).
-  Sống trong đời sống của Chúa Giêsu:  Sau khi Phục Sinh, một khía cạnh thứ ba đã được thêm vào:  “Bây giờ tôi sống không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”.  Các Kitô hữu tiên khởi đã cố xác định căn tính của mình với Chúa Giêsu.  Đây là khía cạnh mầu nhiệm trong việc đi theo Đức Giêsu, là hoa trái sự tác động của Chúa Thánh Thần.   

ii)  Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần:  Ba Ngôi Thiên Chúa là sự khởi đầu, sự kết thúc và đường đi.  Những ai chịu phép rửa nhân danh Chúa Cha, được mặc khải trong Chúa Giêsu, cam kết sống với nhau như anh chị em trong tình huynh đệ.  Và nếu Thiên Chúa là Cha, tất cả chúng ta đều là anh chị em. Những ai chịu phép rửa nhân danh Chúa Con, Chúa Giêsu, cam kết noi gương Đức Giêsu và đi theo Người ngay cả trên thập giá để sống lại với Người.  Và quyền năng mà Chúa Giêsu nhận lãnh từ Chúa Cha là một quyền năng sáng tạo đã chinh phục sự chết.  Những ai chịu phép rửa nhân danh Chúa Thánh Thần, được trao ban bởi Chúa Giêsu trong ngày lễ Ngũ Tuần, cam kết sống trong tình anh em và theo gương Đức Giêsu, đặt mình dưới sự hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần sống động ở giữa cộng đoàn.   

iii)  Giảng dạy họ tuân giữ mọi điều răn của Thầy:  Đối với chúng ta là những Kitô hữu, Chúa Giêsu là Lề Luật Mới của Thiên Chúa, được công bố từ ở trên núi cao.  Đức Giêsu là Đấng được chọn bởi Chúa Cha như một Môisen mới, những lời của Người là lề luật cho chúng ta.  “Hãy nghe lời Người”  (Mt 17:15).  Chúa Thánh Thần được Người sai đến sẽ nhắc nhở chúng ta về mọi điều Chúa đã dạy chúng ta (Ga 14:26; 16:13).  Việc tuân giữ Lề Luật mới của tình yêu được quân bình bởi sự hiện diện như món quà tặng của Chúa Giêsu ở chúng ta, cho đến tận thế.

*  Mt 28:20b:  Thầy ở cùng các con mọi ngày, cho đến tận thế:  Khi Môisen được sai đi đến để giải thoát dân chúng khỏi đất Ai Cập, ông đã nhận được một sự cam kết từ Thiên Chúa, lời cam kết duy nhất ban cho sự đoan chắc hoàn toàn:  “Hãy đi, Ta sẽ ở với ngươi!” (Xh 3:12).  Đó cũng là lời đoan chắc được hứa với các ngôn sứ và các người khác được sai đến bởi Thiên Chúa để thực hiện một sứ vụ quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa (Gr 1:8; Tl 6:16).  Đức Trinh Nữ Maria cũng đã nhận được cùng lời cam kết như thế khi sứ thần nói với Bà:  “Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1:28).  Con người của Chúa Giêsu là sự biểu hiện sống thực của lời cam kết này, bởi vì tên Người là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1:23).  Người sẽ ở cùng với các môn đệ của Người, với tất cả chúng ta, cho đến tận thế.  Ở đây chúng ta thấy quyền bính của Chúa Giêsu.  Người kiểm soát lịch sử và thời gian.  Người là Đấng trước hết và là sau cùng (Kh 1:17).  Trước Người, không có gì hiện hữu và sau Người, không có gì tồn tại.  Lời cam kết này nâng đỡ muôn dân, nuôi dưỡng đức tin của họ, duy trì hy vọng và tạo ra tình yêu và ân sủng cho họ.   

c)  Điểm nổi bật Lời của Chúa Giêsu:  Sứ vụ chung của cộng đoàn.

Ông Abraham được gọi là nguồn mạch của mọi sự chúc phúc không những chỉ cho các con cháu dòng dõi ông, mà còn cho tất cả mọi gia tộc trên mặt đất (St 12:3).  Dân tộc bị coi là nô lệ không những chỉ phục hồi được chi tộc của nhà Giacóp, mà còn làm ánh sáng cho muôn dân (Is 49:6; 42:6).  Ngôn sứ Amốt nói rằng Thiên Chúa đã không chỉ giải thoát dân tộc Do thái khỏi đất Ai-cập, mà cũng giải thoát dân Phi-li-tinh khỏi Cáp-tor và dân A-ramai khỏi xứ Kia (Am 9:7).  Lúc ấy, Thiên Chúa chăm sóc và quan tâm đến dân Do thái, cũng như dân Phi-li-tinh và dân A-ramia là những kẻ thù lớn nhất của dân tộc Do Thái!  Tiên tri Êlia đã nghĩ rằng ông là người duy nhất có lòng nhiệt thành với Thiên Chúa (1V 19:10-14), nhưng ông đã được bảo cho biết rằng ngoài ông ra còn có bảy ngàn người khác nữa! (1V 19:18)  Tiên tri Giôna muốn Đấng Gia-Vê chỉ là Thiên Chúa của dân Israel, mà đã phải thú nhận rằng Ngài là Thiên Chúa của tất cả muôn dân, thậm chí của cả dân thành Ninivê, những kẻ thù địch cay đắng của dân Israel (Gn 4:1-11).  Trong Tân Ước, môn đệ Gioan đã muốn Chúa Giêsu chỉ là của riêng nhóm nhỏ, cho riêng cộng đoàn, nhưng Chúa Giêsu đã chỉnh sửa ông và nói rằng: ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! (Mc 9:38-40).

Vào cuối  thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, những khó khăn và bách hại có lẽ đã khiến cho các cộng đoàn Kitô hữu mất đi động lực sứ vụ và sống khép kín, như thể họ là những kẻ duy nhất nhiệt thành với các giá trị Nước Trời.  Nhưng Tin Mừng của thánh Mátthêu, trung thành với truyền thống lâu đời về việc mở ra cho tất cả các dân, nói với các cộng đoàn rằng họ không thể sống cho riêng mình.  Họ không thể tự cho mình độc quyền công việc của Thiên Chúa trên thế gian.  Thiên Chúa không là sở hữu riêng của cộng đoàn; mà đúng hơn cộng đoàn sở hữu riêng của Thiên Chúa (Xh 19:5).  Ở giữa nhân loại mà công cuộc đấu tranh chống lại bách hại và áp bức, cộng đoàn phải là muối là men (Mt 5:13; 13:33).  Họ phải công bố lớn tiếng khắp cả thế gian, trong muôn dân, Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta.  Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta, với cũng chính Thiên Chúa, trong thời kỳ Xuất Hành khi xưa, đã hứa là sẽ giải thoát cho những ai kêu cầu đến Ngài! (Xh 3:7-12).  Đây là sứ vụ của chúng ta.  Nếu muối này mất đi vị mặn của nó, thì nó còn được dùng vào việc gì nữa?  “Nếu dùng nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp” (Lc 14:35)  

6.  Thánh Vịnh 150
                                                                                                                                                                                
Lời ca tụng của toàn thế giới
Allêluia!
Ca tụng Chúa đi, trong đền thánh Chúa,
Ca tụng Người chốn cao thẳm uy linh,
Ca tụng Chúa vì công trình hùng vĩ,
Ca tụng Người lẫm liệt uy phong.

Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng tù và,
Ca tụng Người, họa tiếng cầm tiếng sắt.
Ca tụng Chúa, bằng vũ điệu trống đưa,
Ca tụng Người, theo cung đàn nhịp sáo.

Ca tụng Chúa đi, với chũm chọe vang rền,
Ca tụng Người cùng thanh la inh ỏi.
Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào!
Allêluia!

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.