Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Các bằng chứng về Đấng Phục Sinh


Lớp Kitô học Năm Đức Tin

Các bằng chứng về Đấng Phục Sinh


Lời mở

Chúa Giêsu Phục Sinh là tâm điểm của toàn bộ lời rao giảng của các tông đồ cũng như của tất cả đời sống đức tin của tín hữu vì “nếu Đức Kitô không sống lại, lời rao giảng của chúng tôi sẽ vô ích và lòng tin của anh em cũng thực là trống rỗng…” (1 Cr 15,14-19). Do đó, chúng ta phải tập trung sự chú ý và học hỏi thật nhiều về Đấng Phục Sinh.

Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta đã tìm hiểu Chúa Giêsu chết như 1 con người, như Đấng Messia và như Ngôi Lời Thiên Chúa. Cái chết của Người không phải là hậu quả tất yếu của tội lỗi, từ nguyên tội của con người vì Đức Giêsu không phạm tội, nhưng đến từ sự khiêm hạ của Thiên Chúa, là hoạt động của tình yêu Thiên Chúa xuống với con người để đưa con người về với Thiên Chúa (x. ĐGH Bênêđcitô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth, phần II, chương 9 “Cuộc phục sinh của Đức Giêsu từ trong cõi chết”). Vì thế, cuộc sống lại của Đức Giêsu cũng sẽ là hậu quả tất yếu của Tình yêu Thiên Chúa.

Cuộc sống lại này được diễn tả bằng 2 bằng chứng: ngôi mộ trống và các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những bằng chứng này để tăng thêm sự hiểu biết và niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh vì cuộc sống lại của Đức Giêsu vừa là sự kiện có thật xảy ra trong lịch sử mà ta phải dùng lý trí để tìm hiểu vừa là một mầu nhiệm mà ta cần phải có đức tin để khám phá ra những ý nghĩa của sự kiện này.

1. Ngôi mộ trống

Qua bài Tin Mừng của Lễ Canh thức Vượt Qua (x. Lc 24,1-12) cũng như của Lễ Phục Sinh (x. Ga 20,1-9), Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về ngôi mộ trống như dấu hiệu đầu tiên chứng minh Đức Giêsu đã sống lại.

1.1. Ngôi mộ an táng Chúa Giêsu và các dữ liệu liên quan

1.1. Cách thức an táng của người Do Thái

Trước hết, chúng ta nên tìm hiểu đôi chút về ngôi mộ và cách an táng của người Do Thái, dù một số anh chị em có lẽ cũng biết rồi. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, nghĩ đến mộ là nhớ đến hình ảnh rất quen thuộc trong các nghĩa trang ở nước ta: người ta đào một huyệt lớn rộng khoảng 1m, dài 2m, sâu 2m rồi đặt quan tài xuống đó. Nếu hiểu như vậy, ta sẽ rất khó hình dung ra ngôi mộ an táng Chúa Giêsu và các chi tiết về cuộc sống lại của Người.

Ở nước Do Thái, người ta không đào huyệt và chôn người chết trong quan tài như ở Việt Nam. Do có nhiều đồi núi nên người ta thường khoét sâu vào trong sườn đồi một hang nhỏ, rộng khoảng 4-5m2, kê một phiến đá phẳng rồi đặt người chết nằm trên phiến đá đó. Mộ có cửa nhỏ để người ta chui vào. Bên trong lòng mộ khoét rộng để một vài người có thể đứng tẩm liệm. Tuỳ theo người giàu hay người nghèo mà ngôi một rộng hẹp khác nhau. Người ta tẩm liệm xác chết bằng cách quấn thật nhiều băng vải, trên mặt thì đặt một khăn dài, rồi đổ dầu thơm và mộc dược lên trên để có thể giữ xác không bị thối rửa trong vòng 3-4 ngày. Trong 3 ngày đầu sau cái chết, người thân thường đến mộ để tẩm liệm. Từ ngày thứ 4, người ta mới đóng cửa mộ và trét vữa kín để xác thân tự huỷ, không bốc mùi ra ngoài.

Chúa Giêsu được táng trong một ngôi mộ mới và được tẩm liệm theo nghi thức của một vị messia vua với cả trăm cân mộc dược và thuốc thơm (x. Ga 19,41). Bên ngoài có một tảng đá lớn che cửa mộ (x. Mt 27,60; Lc 23,58; Ga 1,19,41), nhưng chưa đóng kín mộ vì còn trong thời gian tẩm liệm. Sau khi được mai táng, các thượng tế đã xin Philatô niêm phong ngôi mộ Chúa Giêsu và đặt các binh lính của đền thờ canh ngôi mộ hết sức cẩn thận (x. Mt 27,62-66).

1.2. Sự kiện ngôi mộ trống và các dữ kiện liên quan

Chúa Giêsu được mai táng trong mộ có nghĩa là Người đã đi đến tận cùng của cái chết. Người đã chết một cách nhục nhã và đã được mai táng thật sự chờ ngày thân xác thối rữa, hư nát như bất cứ người nào chết ở trần thế. Tuy nhiên, ngôi mộ chôn táng Đức Giêsu bây giờ trống rỗng. Bài Tin Mừng cũng tả rõ: tảng đá che cửa mộ đã lăn sang một bên, không còn xác Chúa Giêsu bên trong (x. Ga 20,1-2). Hai môn đệ Phêrô và Gioan được báo tin đã chạy tới ngôi mộ và thấy không còn người lính nào canh gác ở đấy. Các băng vải và khăn che mặt Đức Giêsu đã xếp gọn gàng để riêng ra một nơi (x. Ga 20,7).

1.2. Lời giải thích về ngôi mộ trống

Trước hết, chắc chắn đã xảy ra một sự kiện lạ lùng nơi mộ Chúa Giêsu nên mới có chuyện tảng đá che cửa mộ tự nhiên lăn sang một bên và đám lính canh không còn túc trực khiến các phụ nữ và môn đệ đến mộ mà không bị xét hỏi. Thánh Matthêu giải thích: có 1 cơn động đất dữ dội và thiên thần Chúa từ trời xuống đến lăn tảng đá ra và ngồi lên trên khiến bọn lính canh và các phụ nữ hoảng sợ (x. Mt 28,1-4).

Thánh Phêrô, trong bài giảng đầu tiên cho người dân thành Giêrusalem, đã giải thích ngôi mộ trống rỗng là vì Thiên Chúa đã không muốn cho thân xác Đức Giêsu phải chịu cảnh hư nát trong mồ. Điều này ứng nghiệm những lời báo trước của thánh vịnh 16 mà người Do Thái thường đọc: “Thân xác con cũng được nghỉ ngơi trong niềm hy vọng vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống” (x. Cv 2,26-28). Thánh Phêrô đưa ra bằng chứng: lăng tẩm chôn táng xác thân vua David vẫn tồn tại trước mắt người Do Thái, còn xác thân Đức Giêsu đã không còn trong mộ của Người nên đó là bằng chứng chỉ cho ta biết Người đã sống lại theo đúng lời Thánh Kinh. Vì nếu thật sự Người không sống lại, thì thân xác của Người vẫn còn nằm trong mồ, chịu sự hư nát và như thế lời Thánh vịnh 16 không biết sẽ nói về ai (x. Cv 2,29). Trong bài giảng khác (x. Cv 10,34.37-43), thánh Phêrô cũng nhắc lại lời làm chứng của mình về cuộc sống lại của Đức Giêsu.

Các thượng tế và luật sĩ đã từng lường trước việc các môn đệ Đức Giêsu có thể đến lấy trộm xác Người rồi phao tin đồn rằng Đức Giêsu đã sống lại như Matthêu đã nói về dự đoán này (x. Mt 28,11-15). Tuy nhiên, những ghi nhận về việc các dải băng liệm và khăn che mặt Đức Giêsu được xếp gọn gàng để lại trong mồ muốn giải thích điều bịa đặt kia là vô lý. Các môn đệ Chúa Giêsu làm sao có thể đương đầu với sức mạnh của quân lính đền thờ và quân đội Rôma nếu họ muốn đến gần mộ để cướp xác Người. Nếu họ làm vậy thì họ phải nhanh chóng ôm xác và thoát khỏi hiện trường càng sớm càng tốt thay vì ngồi lại gỡ từng tấm băng. Hơn nữa, họ ôm cái xác bất động của Chúa Giêsu về nhà làm gì vì khi còn sống, Đức Giêsu đã không cứu nổi mình thì khi chết rồi xác Người cứu được ai? Vì thế, tông đồ Gioan “đã thấy” các băng vải và khăn che mặt nên “đã tin” rằng Đức Giêsu thật sự trỗi dậy từ cõi chết như Người đã báo trước nhiều lần khi còn sống.

Chúng ta cũng không muốn nhắc đến những cuộc nghiên cứu khoa học đối với khăn liệm thành Turinô mới được công bố trong tác phẩm Il Mistero della Sindone ra mắt ngày 29/3/2013 của giáo sư Giulio Fanti và nhà báo Saverio Gaeta ở Ý để xác định thật sự chất liệu vải in hình Chúa Giêsu đúng là thuộc vào thời của Người (x. Báo Thanh Niên, bài Rửa oan cho vải liệm Turin, ngày 3/4/2013, trang 10B).

1.3. Những ngôi mộ trống trong thời đại hôm nay

Dù chôn táng người chết thế nào, các ngôi mộ vẫn hằng ngày mọc lên trên khắp thế giới và rất nhiều lần người ta đã muốn chôn lấp trong đó những con người là hiện thân của Đức Giêsu (x. Mt 25). Họ là những nạn nhân của sự bất công và đói khổ, của phản bội và lọc lừa, của các thủ đoạn chính trị và đủ loại tội ác. Họ đang bị chôn sống ở đấy, bị gạt ra ngoài lề xã hội, và nhiều người đã thật sự chết.

Những ngôi mộ đó đang cần các môn đệ của Đức Giêsu như Maria Magdala, Phêrô, Gioan và nhiều người chúng ta can đảm chạy đến, mang theo dầu, đèn để khám phá và giải cứu các nạn nhân bằng một tình yêu mãnh liệt đối với Đức Giêsu. Biết rằng chạy đến ngôi mộ, chúng ta có thể bị nghi ngờ, bị bắt giữ, bị bôi nhọ, bị kết án, nhưng tình yêu đối với những Giêsu chịu đóng đinh và mai táng đòi buộc ta không được ngồi yên bất động hay tránh né hành động vì sự an toàn của chính mình. Chính khi chúng ta chạy tới với tất cả lòng can đảm và tình yêu, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu hành động bằng quyền năng cứu độ vô biên của Người được chuyển thông sang ta để làm cho các ngôi mộ ấy trống rỗng, các con người đang chết về thể xác cũng như tinh thần được trỗi dậy.

Đó là sứ điệp về ngôi mộ trống được Chúa Phục Sinh gửi gắm cho Kitô hữu chúng ta. Xin Đấng Phục Sinh và Thần Khí của Người luôn thôi thúc chúng ta biết thao thức, chạy tới và hành động để cứu giúp những ai đang bị chôn sống trong những nấm mồ cuộc đời.

2. Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh

Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh là những bằng chứng tích cực giúp cho người tín hữu xác tín về sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh và ra đi làm chứng cho Người. Chính vì tình yêu thương vô bờ, Đức Giêsu đã hiện ra rất nhiều lần cho các tông đồ, các môn đệ để giúp chúng ta hiểu được lòng thương yêu vô biên của Người và để chúng ta được chia sẻ sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa.

Vì thế, chúng ta sẽ dành ít phút để tìm hiểu về những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh.

2.1. Chúa Giêsu hiện ra bao nhiêu lần?

Chúng ta có thể nói rằng: Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra 14 lần. Thánh Ignatiô Loyola, sáng lập ra dòng Tên, đã kể lại những lần hiện ra đó trong tác phẩm “Những Bài Linh Thao” viết vào năm 1544 của ngài (x. Bản dịch của Lm. Đinh Văn Trung S.J, từ số 299 đến 312). Chúng tôi ghi lại dưới đây, trừ số 310 nói về cuộc hiện ra với ông Giuse Arimathia, vì thánh Ignatiô viết theo lòng đạo đức thời đó nhưng thiếu dữ liệu Thánh Kinh. Chúng tôi mạo muội thay thế bằng cuộc hiện ra với tất cả các tông đồ theo thánh Phaolô (x. 1Cr 15,7), như thế hợp lý hơn. Có 13 lần hiện ra đã được Thánh Kinh ghi nhận.

2.1.1.Cuộc hiện ra đầu tiên với Mẹ Maria

Dù không được Thánh Kinh ghi nhận nhưng các thánh Giáo phụ vẫn tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra đầu tiên với Mẹ Maria vì Mẹ đã đóng góp nhiều nhất cho cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mẹ đã theo Người trên suốt chặng đường khổ giá, đã đứng vững dưới chân thập tự và vững lòng tin tưởng vào việc Chúa Cha sẽ cho Con mình trỗi dậy từ cõi chết như Thánh Kinh đã báo trước nên Mẹ xứng đáng được Chúa Giêsu hiện ra trước tiên.

2.1.2. Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Magdala (x. Ga 20, 1-18; Mc 16,1-11; Lc 24,1-11; )

Vào sáng sớm tinh sương của ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Magdala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, bà Salomê và nhiều phụ nữ khác mang dầu đến mộ để ướp xác Đức Giêsu. Họ thấy tảng đá che cửa mộ đã được lăn sang một bên và thấy thiên thần nhắc bảo rằng: “Đức Giêsu bị đóng đinh đã trỗi dậy rồi”. Chúa Giêsu đã hiện ra với bà Maria Magdala vì bà đã ở lại cạnh mồ Chúa sau khi những người khác đi khỏi. Thánh Gioan đặc biệt ghi lại sự kiện này để nêu gương tình yêu của bà Maria Magdala đối với Đức Giêsu vì chị đã thao thức nhiều nhất, đã chạy đến mồ sớm nhất và đã nhường cho cả hai vị tông đồ Phêrô và Gioan quyền vào trong mộ xem chuyện gì đã xảy ra.

2.1.3. Chúa hiện ra với các phụ nữ (Mt 28,1-10; Mc 16,1-7; Lc 24,1-11)

Các bà Maria Magdala, bà Gioanna, bà Maria ông Giacôbê và nhiều bà khác đã đến viếng mồ Chúa và được thiên thần giao sứ mệnh báo tin cho các môn đệ Chúa Giêsu rằng Người đã sống lại. Đức Giêsu đón gặp và hiện ra với các bà, các bà tiến lại gần, ôm lấy chân Người và bái lạy Người. Chúa Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.

2.1.4. Chúa Giêsu hiện ra với ông Simon Phêrô (x. Lc 24,9-12; 33-34)

Khi nghe các phụ nữ báo tin rằng Đức Giêsu đã sống lại, thánh Phêrô đã chạy đến mồ, nhưng chỉ thấy mồ trống và các khăn vải liệm xác Chúa Giêsu. Ông rất ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra. Đang khi ông suy nghĩ về những sự việc này, Chúa Giêsu đã hiện ra với ông để giúp ông mạnh tin, bỏ hết những mặc cảm tội lỗi quá khứ vì Chúa đã tha thứ và can đảm lãnh đạo cộng đồng tín hữu. Vì thế, các tông đồ đã nói với các môn đệ trở về từ Emmaus: “Chúa đã trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với ông Simon”.

2.1.5. Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ đi Emmaus (x. Lc 24,13-35)

Khi nghe tin mồ của Đức Giêsu trống rỗng, hai môn đệ sợ nhà chức trách sẽ điều tra nên vội vã đi về Emmaus. Quãng đường này dài khoảng hơn 14 cây số và đi bộ mất chừng 3-4 giờ. Chúa Giêsu hiện ra và cùng đi với họ như khách bộ hành. Người giải thích cho họ hiểu rằng Đức Kitô phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Người. Người vào trong hàng quán theo yêu cầu của họ và họ đã nhận ra Người lúc Người bẻ bánh. Nhưng Người biến đi ngay. Hai môn đệ vội quay trở về Giêrusalem với cộng đồng tín hữu.

2.1.6. Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ ở nhà Tiệc Ly (x. Ga 20,19-23)

Vào buổi chiều ngày Chúa phục sinh, các môn đệ tụ họp trong nhà. Các cửa đều đóng kín vì các ông sợ nhà chức trách Do Thái. Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông trong khi cửa vẫn đóng kín, và nói: “Bình an cho anh em”. Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn để các ông hiểu Người chính là Đấng bị đóng đinh trước đây. Rồi Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” để tha thứ tội lỗi và hoàn thành sứ mạng Người giao phó.

2.1.7. Chúa Giêsu hiện ra với ông Tôma (x. Ga 20,24-29)

Tông đồ Tôma vắng mặt khi Chúa Giêsu hiện đến lần thứ trước, nên ông đòi phải trông thấy các dấu đinh ở tay Chúa và vết giáo ở cạnh sườn Chúa thì mới tin Chúa sống lại. Lần này Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói riêng với Tôma theo yêu cầu của ông: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tôma đã tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con”. Đức Giêsu nói với ông: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

2.1.8. Chúa Giêsu hiện ra với bảy môn đệ ở bờ biển Galilê (x. Ga 21,1-17)

Chúa Giêsu hiện ra với bảy môn đệ ở bờ biển Tibêria miền Galilê. Các ông đi đánh cá và vất vả suốt đêm mà không được gì. Thả lưới theo lệnh của Người đứng trên bờ, các ông đã bắt được rất nhiều cá. Phép lạ này gợi cho các ông lần đánh được nhiều cá trước đây(x. Lc 5,4-11), khi Chúa chưa chịu chết, và các ông nhận ra Người. Trên bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn cho các ông bếp lửa sưởi ấm, trên để cá và có cả bánh nữa để các ông bồi dưỡng sau một đêm mệt nhọc. Chính trong bữa ăn này Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô 3 lần về tình yêu và giao phó cho ông sứ mạng chăn dắt đàn chiên.

2.1.9. Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên núi (x. Mt 28,16-20)

Các môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã chỉ trước. Chúa Giêsu hiện đến với các ông và nói: “Thầy được trao toàn quyền trên trời và dưới đất. Vậy anh em hãy đi khắp nơi để giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

2.1.10. Chúa Giêsu hiện ra với hơn năm trăm môn đệ (x. 1Cr 15,6)

Vào khoảng năm 57, thánh Phaolô viết bức thư thứ I gửi giáo đoàn Corinthô rằng: “Chúa Giêsu hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy, phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ”. Sau khi Chúa Giêsu chết vào ngày 7 tháng 4 năm 30 và sống lại sau đó, Chúa đã hiện ra với nhiều người vì Chúa muốn cho cộng đồng môn đệ thật sự cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Người để làm chứng cho Người.

2.1.11. Chúa Giêsu hiện ra với thánh Giacôbê (x. 1Cr 15,7)

Thánh Phaolô còn kể lần Chúa hiện ra với riêng thánh Giacôbê. Ngài là người anh em họ với Chúa Giêsu (x. Mt 13,55; Cv 1,14; Gl 1,19), phân biệt với thánh Giacôbê là anh em ruột của thánh Gioan tông đồ. Ngài có địa vị lớn trong thời giáo hội sơ khai và cai quản giáo đoàn Giêrusalem. Thánh Phaolô đã đến chào thăm ngài (x. Gl 1,19-29) và trường trình cho ngài hoạt động tông đồ của mình (x. Cv 15,13-34; 21,18). Chúa Giêsu hiện ra riêng với thánh Giacôbê như để khích lệ và nâng đỡ ngài trong trách nhiệm quan trọng thời giáo hội sơ khai vào những lúc khó khăn nguy hiểm.

2.1.12. Chúa Giêsu hiện ra với tất cả các tông đồ (x. 1Cr 15,7)

Thánh Phaolô ghi nhận Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với “tất cả các tông đồ”. Ngài phân biệt “Nhóm Mười Hai” với các tông đồ, dù rằng Nhóm Mười Hai cũng được gọi là tông đồ (x. Mt 10,2; Mc 6,30; Lc 6,13; 22,14; Cv 1,2.26; 2,42; 4,33.35; 5,12.18…). Tông đồ theo nghĩa chữ là “người được sai đi”. Tất cả những ai được Chúa kêu gọi, chọn lựa và sai đi đều được Chúa Phục Sinh hiện ra để giúp họ cảm nghiệm Người đã trỗi dậy từ cõi chết, đang sống với mình và ban nhiều ân phúc để họ làm chứng cho Người.

2.1.13. Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Phaolô (x. 1Cr 15,8-10)

Thánh Phaolô đã xác nhận rằng: “Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã hiện ra với tôi chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ vì đã ngược đãi Hội Thánh Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu”. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với thánh Phaolô trên đường ngài đến Damas để tìm bắt các tín hữu giải về Giêrusalem. Chúa đã giao phó cho ngài sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân (x. Cv 9,1-30) để ngài thật sự xác tín về những điều mình rao giảng.

2.1.14. Chúa Giêsu lên trời (x. Cv 1,1-11)

Trong khoảng thời gian 40 ngày, Đấng Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ “để chứng tỏ cho họ thấy là Người vẫn sống sau khi chịu khổ hình. Người nói chuyện với họ về nước Thiên Chúa, truyền cho họ ở lại Giêrusalem để nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần và rồi sẽ đi đến tận cùng trái đất để làm chứng cho Người”. Sau cùng, Người dẫn họ lên núi Olive và Người được cất lên trời ngay trước mắt họ (x. Mc 16,19-20; Lc 24,50-51). Trong khi họ còn nhìn lên trời, các thiên thần nhắc bảo họ rằng: Đức Giêsu sẽ ngự đến y như họ thấy Người lên trời. Các môn đệ bái lạy Người, rồi trở về Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ (x. Lc 24,53).

Đó là tóm lược 14 lần hiện ra của Chúa Phục Sinh.

2.2. Tìm hiểu đặc tính các lần Chúa hiện ra để hiểu được bản chất của đời sống mới

2.2.1. Đặc tính các lần hiện ra

Chúng ta có thể nói rằng tất cả các lần hiện ra này đều biểu lộ lòng thương xót vô bờ và tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta là con cái của Ngài, để chia sẻ cho chúng ta sự sống lạ lùng của Đấng Phục Sinh đồng thời để làm chứng nhân cho Người. Đó là động lực và mục đích của việc hiện ra.

Khi hiện ra, Chúa Giêsu cũng không phân biệt hay kỳ thị nam nữ, dù rằng vào thời đó người ta chỉ coi trọng lời chứng của nam nhân và chỉ lời chứng đó mới có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn hiện ra rất nhiều lần với các phụ nữ: từ việc hiện ra với Mẹ Maria, với bà Maria Magdala, với các phụ nữ trong nhóm các môn đệ ở nhà Tiệc Ly, ở trên núi miền Galilê, trong nhóm hơn 500 người, hay với tất cả các “tông đồ” hoặc cuối cùng trên núi Olive. Điều này đem lại niềm vui cho tất cả chúng ta vì đều được Chúa Giêsu yêu thương và giao phó sứ mạng làm chứng cho Người.

Chúa Giêsu không phân biệt chức vị cao thấp, tốt xấu: Người hiện ra với thánh Phêrô, thánh Giacôbê là các tông đồ trưởng, nhưng cũng hiện ra với những môn đệ thấp kém, vô danh vì Người yêu tất cả. Người cũng không phân biệt người thánh thiện hay kẻ tội lỗi vì hiện ra với Người Mẹ Thánh và cả với thánh Phaolô trên đường đi Damas để tìm bắt các tín hữu Kitô. Vì thế, ta đừng bao giờ mang mặc cảm về sự yếu kém hay tội lỗi và nghĩ rằng chẳng bao giờ Chúa Giêsu hiện ra với mình.

2.2.2. Các vấn đề khó giải đáp trong lịch sử

Trong lịch sử nghiên cứu Thánh Kinh người ta gặp khá nhiều vấn đề cần giải đáp. Khi chưa giải đáp được thì nhiều tín hữu nại đến lòng tin còn nhiều nhà thần học lại muốn chối bỏ sự kiện, nhất là khi họ bị ảnh hưởng bởi những ý thức hệ như duy lý, duy tâm, duy thực, duy nghiệm,…Những người chống phá Kitô giáo hay tôn giáo lại dựa vào những vấn đề này để chối bỏ sự kiện sống lại của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, nhờ những khám phá mới của khoa Thánh Kinh, khảo cổ, dân tộc, văn hoá, ngôn ngữ gần đây, nhiều vấn đề này đã được giải đáp. Chúng ta có thể tóm tắt một số điểm chính sau đây:

- Việc tẩm liệm và táng xác Chúa Giêsu (x. Mt 27,57-61; Mc 15,42-47; Lc 23,50-56; Ga 19,38-42): có nhiều điểm dị biệt. Các Tin Mừng Nhất Lãm không nói đến việc xức dầu thơm vào chiều ngày thứ Sáu. Lc 23,56 chỉ nói đến việc chuẩn bị dầu và thuốc thơm, các phụ nữ dự định sẽ xức dầu thơm vào sáng Chủ Nhật, còn Ga 19,39-40 lại mô tả việc xức dầu thơm chiều thứ Sáu.

Khoa Khảo cổ và Dân tộc học Do Thái ngày nay cho chúng ta biết rằng người Do Thái có thói quen tẩm liệm xác bằng dầu thơm trong vòng 3 ngày đầu sau khi chết. Như thế, tất cả các lần xức dầu thơm đều hợp lý.

- Danh sách các phụ nữ đến thăm mộ vào sáng Chủ Nhật rất khác nhau: Matthêu nói đến 2 người là bà Maria Magdala và một bà Maria khác (x. Mt 28,1), Marcô nói đến 3 người là bà Maria Magdala, bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà Salômê (x. Mc 16,1), Luca nhắc đến nhiều phụ nữ: bà Maria Magdala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, bà Gioanna và nhiều bà khác cùng đi với họ (x. Lc 24,8-10). Trong khi Gioan chỉ nói đến tên Maria Magdala (x. Ga 20,1). Từ sự khác biệt này dẫn đến việc Chúa Giêsu hiện ra với các bà cũng khác nhau. Nhiều nhà Thánh Kinh cho rằng Chúa Giêsu chỉ hiện ra một lần duy nhất với các bà và tuỳ theo mỗi thánh Sử kể cách khác nhau và thêm bớt tên các bà theo từng truyền thống.

Tuy nhiên, ngày nay các nhà nghiên cứu Thánh Kinh cho rằng có nhiều phụ nữ đến thăm mộ Chúa như Luca đã kể, còn Chúa Giêsu hiện ra riêng với bà Maria Magdala như Tin Mừng Marcô (x. Mc 16,9) và Gioan (x. Ga 20,11-18) đã xác định rồi mới hiện ra với các phụ nữ khác (x. Mt 28,9-10).

- Số thiên thần canh giữ mộ cũng khác nhau: một thiên thần theo Matthêu (x. Mt 28,2-7) và Marcô (x. Mc 16,5-7) nhưng hai thiên thần theo Luca (x. Lc 24,4-7) và Gioan (x. Ga 20,12-13). Người ta đã muốn giải đáp vấn đề khác biệt số thiên thần là do truyền thống truyền khẩu (càng kể càng tăng) hoặc do việc sao chép lại các bản văn từ các nguồn khác nhau cũng giống như việc kể tên các phụ nữ đến mồ trống.

Vấn đề được giải quyết khi người ta nghiên cứu ngôi mộ người Do Thái: vì cửa hang hẹp nên ở ngoài nhìn vào có thể chỉ thấy được một thiên thần, nhưng nếu đi hẳn vào trong mộ như Luca và Gioan kể thì người ta thấy được hai thiên thần. Như thế, các thánh sử đều trung thực kể lại những gì các nhân chứng thấy chứ không thêm bớt.

- Trong ngày đầu tiên sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với nhiều người, nhất là với Simon Phêrô có thể vào buổi sáng ở Giêrusalem, với hai môn đệ trên đường đi Emmaus và với các môn đệ vào buổi chiều tối ở nhà Tiệc Ly. Người ta thắc mắc làm sao Chúa Giêsu có thể hiện ra cùng lúc với người này người kia trong khi họ lại đang ở những nơi khác nhau và cách xa nhau như thế?

Chúng ta biết Emmaus cách Giêrusalem khoảng 14 cây số (7 dặm) và phải đi bộ mất chừng 3,5 giờ - 4 giờ mới tới nơi. Vậy nếu Chúa Giêsu hiện ra và nói chuyện trên suốt quãng đường và ghé vào quán ăn lúc xế chiều (khoảng 2-3 giờ) thì Người sẽ hiện ra với Simon lúc nào? Trước đây người ta không thể lập một biểu đồ rõ rệt về các lần hiện ra do không biết nhiều về độ dài của quãng đường, nhưng hiện nay các nhà Kinh Thánh có thể xác định Chúa Giêsu hiện ra với Simon Phêrô vào buổi sáng tương đối sớm trước khi hiện ra với các môn đệ đi đường Emmaus.

- Vấn đề càng phức tạp hơn khi nhắc tới lần Chúa hiện ra với các môn đệ vào buổi tối cùng ngày trong nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem (x. Ga 20,19-31), vì Chúa Giêsu đã nhắc nhở các phụ nữ rằng Người sẽ gặp các môn đệ ở Galilê (x. Mt 28,7-10; Mc 16,7). Galilê cách ngôi mộ chừng 160 cây số và đi bộ phải mất từ 3-4 ngày đường. Có 2 giả thuyết đặt ra.

Trong giả thuyết đầu tiên: các môn đệ đã không tin lời Chúa nhắn qua các phụ nữ, qua hai môn đệ và các người khác như Marcô và Luca kể (x. Mc 16,11.13.14; Lc 24,22-24) nên đã ở lại Giêrusalem và Chúa đã hiện ra với họ ở đấy. Giả thuyết này được nhiều nhà Kinh Thánh chọn lựa. Tuy nhiên, giả thuyết thứ hai cho rằng các môn đệ có thể tin lời các phụ nữ và đi ngay về Galilê thì Chúa Giêsu vẫn có thể hiện ra với họ trên đường đi và đưa họ về Giêrusalem. Người ta có thể giải đáp những thắc mắc này khi hiểu về bản chất cuộc sống lại kỳ diệu của Chúa Giêsu.

- Việc ghi tên những nơi chốn hiện ra khác nhau ở Giêrusalem, ở biển hồ Tibêria, ở trên một ngọn núi miền Galilê hay trên núi Olive miền Giuđê trước đây được giải thích bằng ý hướng thần học riêng của mỗi thánh Sử hoặc do những nguồn sao chép khác nhau của các truyền thống khiến người ta nghi ngờ tính chân thật của sự kiện.

Ngày nay, chúng ta tin rằng các thánh Sử rất trung thực với sự kiện lịch sử khi chọn lựa địa điểm những lần Chúa hiện ra, dù rằng các ngài chọn lựa theo ý hướng thần học riêng của mình.

2.2.3. Bản chất cuộc sống lại của Chúa Giêsu

Thật ra, những thắc mắc trên đây là do con người quá tin vào những kiểu lý luận và đòi hỏi bằng chứng của những người theo chủ nghĩa duy lý, duy khoa học thực nghiệm cũng như chưa hiểu được bản chất cuộc sống lại của Đức Giêsu là gì, cũng như bản chất sự sống kỳ diệu của Chúa chuyển thông cho ta.

Cuộc sống lại của Chúa Giêsu không phải giống như cuộc hồi sinh của con gái ông Giairô (x. Mc 5,22-43), con trai bà goá thành Nain (x. Lc 7,11-17), Ladarô (x. Ga 11,1-41), Euticô (x. Cv 20,9-12), Tabitha (x. Cv 9,36-41). Chúa Giêsu không phải chỉ trở lại cuộc sống bình thường trong không gian và thời gian với các điều kiện vật chất như mọi người mà Người sống một cách thức mới trong chiều kích của Thiên Chúa hằng sống. Đó là niềm vui và hy vọng cho chúng ta. Xin cho chúng ta luôn biết hít thở Thần Khí của Chúa để cảm nghiệm được sự sống mới mẻ này.

Chúa Giêsu sống lại là Người giới thiệu cho chúng ta một sự sống mới, một sự hiện hữu mới để chúng ta thông phần vào sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và hiện diện trong mọi thời, nên chúng ta thấy dù cửa nhà các môn đóng kín nhưng Chúa Giêsu vẫn hiện ra đứng giữa mọi người. Người ăn uống với họ để họ thấy vật chất được thâu nhận và biến đổi trong đời sống mới này. Người cho các ông xem tay và cạnh sườn bị đâm thủng của Người và yêu cầu Tôma kiểm chứng để thấy Người chính là con người trước đây đã bị đóng đinh, bị chết nay sống lại.

Đó cũng là sự sống mới mẻ khởi đầu từ một cuộc sáng tạo mới: Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần của Người cho họ. Trong cuộc tạo dựng đầu tiên, Chúa dựng nên con người từ bùn đất, khi Chúa thổi hơi vào thì trở thành con người sống động. Bây giờ, Ngôi Lời Thiên Chúa là Chúa Giêsu sống lại cũng thổi hơi trên các môn đệ để tạo dựng nên những con người mới, những con người được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Đấng Phục Sinh nhờ Thần Khí của Người. Thánh Phaolô sẽ khai triển nhiều về đề tài này trong các thư của ngài khi xác tín Đức Giêsu là một Ađam mới ngay trong cái chết của Người khi “Người gục đầu xuống và trao ban Thần Khí” (Ga 19,30).

Chúng ta có nhiều thí dụ trong Thánh Kinh cũng như trong đời sống của các thánh nhân về những đặc tính của đời sống mới. Chẳng hạn trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Philipphê đang giảng dạy ở miền Samari, Thánh Thần bốc ngài đi gặp viên hoạn quan đang đi trên đường từ Giêrusalem về Gaza để nói cho ông về Chúa Giêsu, rồi sau khi rửa tội cho ông, Thánh Thần lại cất ông đi ngay trước mắt viên quan ấy và đặt ông xuống miền Asđôt, cách xa hàng trăm cây số (x. Cv 8,4-40). Hoặc thánh Martinô Pores sống ở Nam Mỹ nhưng được Chúa cho vượt Đại Tây Dương trong nháy mắt, đưa vào ngục tù để chữa cho một tù nhân ở châu Âu. Khi ngài dẫn đoàn học sinh đi chơi, thầy trò vui vẻ đến quên giờ về đọc kinh chiều trong khi đường còn rất xa, thánh nhân xin tất cả nhắm mắt lại cầu nguyện, mở mắt ra đã thấy mình ở trước cổng tu viện. Những thí dụ đó cho ta hiểu về sự sống mới mà Đấng Phục Sinh có thể chia sẻ cho các môn đệ của Người.

Khi gắn bó với Đấng Phục Sinh, Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ cho chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh và quyền năng kỳ diệu của Người để chúng ta hiểu rằng Người đang hiện diện sống động bên ta, chia sẻ sự sống kỳ diệu cho ta để ta không còn lệ thuộc vào vật chất, vào không gian, thời gian và định luật của thể xác, để tâm hồn chúng ta mở rộng ra cho mọi người, mọi vật quanh mình.

2.2.4. Đường Ánh Sáng


Một việc đạo đức bình dân gắn liền với các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh đã được nhiều dân tộc đón nhận và thực hành gọi là Đường Ánh Sáng. Đường Ánh Sáng cũng gồm 14 chặng kể lại những lần Chúa hiện ra và những bài học đạo đức kèm theo đã có từ rất lâu trong lịch sử Giáo Hội. Chúng ta ghi nhận trong sách Những Bài Linh Thao của thánh Ignatiô viết vào năm 1544 đã kể lại gần đủ các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh.

Từ mấy thế kỷ qua, tín hữu Công giáo Việt Nam hầu như chỉ biết đến Đàng Thánh Giá mà chưa biết đến Đường Ánh Sáng nên đời sống có thể hướng nhiều về những đau khổ, thử thách, buồn sầu hơn là một đời sống quân bình với niềm vui, hy vọng, bình an và tràn đầy sự sống của Đấng Phục Sinh. Một số nhà đạo đức đã phải thêm cuộc sống lại của Đức Kitô để thành chặng thứ 15 của Đàng Thánh Giá. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam cũng đã vẽ hoặc làm những phù điêu, tượng ảnh nhưng chưa được chính xác vì không hiểu rõ phần mộ và cách an táng của người Do Thái, dù đôi khi muốn thể hiện theo tính cách Việt Nam trong việc hội nhập văn hoá.

Một số dân tộc đã có Đường Ánh Sáng nhưng chưa áp dụng đượccác nghiên cứu Kinh Thánh gần đây nên chỉ kể được 7-8 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, vì thế họ phải chia nhỏ những lần hiện ra để tạo thành đủ 14 nơi tương ứng với 14 chặng Đàng Thánh Giá. Thí dụ: các tín hữu Philippines có 14 chặng Đường Ánh Sáng như sau: 1. Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết; 2. Phêrô và Gioan bên mộ Chúa; 3. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với Maria Magdala; 4. Đức Kitô Phục Sinh với hai môn đệ đi Emmaus; 5. Đức Kitô Phục Sinh tỏ mình khi bẻ bánh; 6. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ; 7. Đức Kitô Phục Sinh ban quyền tha tội cho các môn đệ; 8. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với Tôma; 9. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ tại biển hồ Tiberia; 10. Đức Kitô Phục Sinh trao quyền cai quản Giáo Hội cho Phêrô; 11. Đức Kitô Phục Sinh sai các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho thế giới; 12. Đức Kitô Phục Sinh lên trời; 13. Các môn đệ chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần; 14. Đức Kitô Phục Sinh sai Thánh Thần xuống (x. Sách Kinh Bỏ Túi 2005 của Văn phòng Truyền thông Xã hội thuộc Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), tr.36-37).
Với những nghiên cứu gần nhất, chúng tôi xin giới thiệu Đường Ánh Sáng với 14 nơi Chúa Giêsu hiện ra tương ứng với 14 chặng Đàng Thánh Giá cho người Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng các nhà đạo đức sẽ sáng tác những văn bản, lời kinh phù hợp với tín hữu Việt Nam và các văn nghệ sĩ, hoạ sĩ, điêu khắc cũng sẽ có những sáng tác mới mẻ để trong các thánh đường Việt Nam, bên cạnh những chặng đàng đau khổ suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu thì cũng có những nơi an vui, loan báo sự sống lại của Người.

Lời kết

Hôm nay suy nghĩ về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa và sự sống kỳ diệu của Đấng Phục Sinh chia sẻ cho chúng ta, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta, ít là một lần trong đời, cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa khi Chúa hiện ra với chúng ta để chúng ta làm chứng cho Người, sử dụng quyền năng của Người để cứu giúp muôn loài theo sứ mạng Chúa trao.

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK 4/12/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét