Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần IV PS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải vâng theo Kế Hoạch của Thiên Chúa.
Có hai giai đọan trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Trong giai đoạn thứ nhất, Ngài chọn dân Do-thái để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới; sau đó, đến giai đọan thứ hai, Tin Mừng Cứu Độ được loan báo cho tất cả mọi người. Nhiều người Do-thái chỉ dừng lại ở giai đọan thứ nhất. Họ tin chỉ có họ mới là con Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng ơn Cứu Độ; Dân Ngoại không phải là con Thiên Chúa, họ xứng đáng để chịu hình phạt và bị hư mất.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh tình thương Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ dành cho mọi người. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ mô tả sự xung đột giữa các môn đệ về việc giao tiếp và chấp nhận Dân Ngoại vào đạo thánh Chúa. Phêrô phải dùng thị kiến chiếc lưới từ trời và kinh nghiệm mục vụ để thuyết phục họ: Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Dân Ngoại cũng được lãnh nhận Thánh Thần và ơn sám hối để được sự sống đời đời. Loài người chúng ta không thể ngăn cản Kế Hoạch của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành đến để qui tụ tất cả các chiên và cho chúng được sống dồi dào.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ơn Cứu Độ được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.
1.1/ Xung đột xảy ra giữa người Do-thái và ông Phêrô: Theo truyền thống Do-thái, họ sống cách biệt với các dân tộc khác, và không bao giờ vào nhà của Dân Ngoại. Các người Do-thái chỉ trích Phêrô đã giao tiếp với Dân Ngoại, vào nhà những kẻ không cắt bì, và ăn uống với họ. Bấy giờ ông Phêrô trình bày cho họ biết thị kiến mà ông đã chứng kiến, ông nói: Tôi đang cầu nguyện tại thành Joppa, trong lúc xuất thần, tôi thấy thị kiến này: Có một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, từ trời thả xuống đến tận chỗ tôi. Nhìn chăm chú và xem xét kỹ, tôi thấy các giống vật bốn chân sống trên đất, các thú rừng, rắn rết và chim trời. Và tôi nghe có tiếng phán bảo tôi: "Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn!” Tôi đáp: "Lạy Chúa, không thể được, vì những gì ô uế và không thanh sạch không bao giờ lọt vào miệng con!” Có tiếng từ trời phán lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế! Việc ấy xảy ra đến ba lần, rồi tất cả lại được kéo lên trời.”
Thị kiến này đòi Phêrô phải xét lại truyền thống Do-thái của mình: Vì tất cả những gì Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành và thanh sạch, ông không thể giữ thái độ khinh thường Dân Ngoại, coi họ là dân không cắt bì, nô lệ, hay không thanh sạch.
1.2/ Thiên Chúa cũng ban cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!
(1) Tin Mừng được rao truyền cho Dân Ngoại: Phêrô tiếp tục kể: "Ngay lúc đó, có ba người đến nhà chúng tôi ở: họ được sai từCaesarea đến gặp tôi. Thần Khí bảo tôi đi với họ, đừng ngần ngại gì. Có sáu anh em đây cùng đi với tôi. Chúng tôi đã vào nhà ông Cornelius. Ông này thuật lại cho chúng tôi nghe việc ông đã thấy thiên sứ đứng trong nhà ông và bảo: "Hãy sai người đi Joppa mời ông Simon, cũng gọi là Phêrô. Ông ấy sẽ nói với ông những lời nhờ đó ông và cả nhà ông sẽ được cứu độ.” Cornelius là viên Đại Đội Trưởng Roma, tuy là Dân Ngoại, nhưng ông đối xử rất tốt với người Do-thái. Nhân cơ hội đó, Phêrô đã rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô cho tất cả những người trong gia đình Cornelius. Điều đáng chú ý là Thiên Chúa hoạt động trong biến cố này: Ngài gởi thiên sứ tới báo tin cho Cornelius, đồng thời dùng Thần Khí tác động trên Phêrô, để thúc đẩy ông cùng đi với 3 sứ giả của Cornelius.
(2) Không ai có thể ngăn cản Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: "Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?" Phêrô nhắc lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông-đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần; và nhờ biến cố này, Phêrô nhận ra Thiên Chúa ban Thánh Thần cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì những người Do-thái. Sau đó, Phêrô làm Phép Rửa cho tất cả gia đình ông Cornelius.
Nghe Phêrô trình bày đầu đuôi, người Do-thái mới hiểu ra. Họ tôn vinh Thiên Chúa và nói: "Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!"
2/ Phúc Âm: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
2.1/ Chúa Giêsu là Cửa chuồng chiên: Trong các làng mạc của Do-thái, họ có chỗ chung để nhốt tất cả các chiên trong làng ban đêm. Chỗ nhốt này chỉ có một cửa duy nhất có khóa, và chìa khóa chỉ người giữ cửa mới có. Người giữ cửa biết tất cả các người chăn chiên, và chỉ mở cửa cho những người này. Tuy nhiên, cũng có những người chăn chiên không vào làng, nhưng giữ chiên ngoài cánh đồng như tạiBethlehem. Trong trường hợp này, người chăn chiên sẽ tìm những hang đá mà chỉ có một ngõ ra vào. Đêm đến, họ sẽ lùa chiên vào trong hang đá, và họ sẽ nằm ngủ ngay cửa ra vào. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cả hai trường hợp:
(1) "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.”
(2) "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là Cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”
2.2/ Liên hệ giữa mục tử và chiên: Có một sự liên hệ mật thiết giữa mục tử và đàn chiên. Người mục tử biết tất cả các chiên của mình và thói quen của từng con một; nhiều mục tử còn đặt tên riêng cho mỗi con như “vằn” nếu con nào có những vằn quanh như sóng trên người, “trắng,” “đen,” “khoang”... Đồng thời, các con chiên cũng biết đánh hơi, hay nhận ra chủ của chúng nhờ tiếng gọi đặc biệt, hay tiếng chuông, tiếng kèn, tiếng sáo mà người mục tử đeo trên mình. Đó là lý do tại sao Chúa nói: “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ."
Chúa cũng đề cập đến sự khác biệt giữa Mục Tử và trộm cướp: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Người chăn chiên thật phải chịu trách nhiệm về đàn chiên của mình với chủ; nếu chiên bị ăn thịt, anh phải có bằng chứng rõ ràng để trình cho chủ. Người chăn chiên đích thực phải chăm sóc bằng cách tìm những đồng cỏ xanh và nước trong lành cho chiên ăn uống. Anh phải bảo vệ chiên khỏi mọi nguy hiểm như: chó sói, sư tử, kẻ trộm, kẻ cướp... Qua hình ảnh thân thương này, Chúa Giêsu muốn ví Ngài như Mục Tử Tốt Lành và các tín hữu được ví như đàn chiên. Ngài đến để cho chúng ta được sống, và sống dồi dào.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả mọi người đều có thể nhận được ơn Cứu Độ trong Kế Hoạch của Thiên Chúa, và Tin Mừng cần được loan báo cho mọi dân tộc.
- Để được hưởng ơn Cứu Độ, chúng ta cần biết lắng nghe và tin tưởng vào Đức Kitô, Người Mục Tử Tốt Lành mà Thiên Chúa gởi tới con người.
- Người mục tử tốt lành là người phải vào qua Cửa là Đức Kitô: họ phải nhân danh Đức Kitô giảng dạy, chữa lành; và bắt chước Đức Kitô để săn sóc và bảo vệ đòan chiên của mình.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét