Trang

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

LỜI CHÚA MỖI NGÀY Thứ Sáu Tuần I BNPS


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần I BNPS

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu vẫn đang hoạt động với các tông đồ.

Chúa chết chưa hết truyện, mà là bắt đầu một kỷ nguyên mới; một kỷ nguyên mà từ nay, Ngài họat động từ trong và với các tông đồ.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng việc Chúa Giêsu vẫn sống và làm việc với các tông đồ. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng rất ngạc nhiên khi thấy hai ông Phêrô và Gioan có thể chữa lành một người què từ lúc mới sinh. Họ chất vấn hai ông nhờ quyền năng nào và nhân danh ai làm chuyện đó. Ông Phêrô được đầy quyền năng Thánh Thần đã mạnh dạn tuyên xưng: chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu Nazareth, Người đã bị các ông đóng đinh vào Thập Giá. Ngài vẫn đang sống và họat động trong chúng tôi; và không ai có thể được cứu độ nếu không tin vào Danh Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vẫn hằng theo dõi cuộc sống của các tông đồ. Khi thấy các ông vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Người hướng dẫn các ông cách bắt nhiều cá. Khi thấy các ông mệt mỏi và đói khát, Ngài chuẩn bị đồ ăn thức uống để các ông được tăng sinh lực.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bổn cũ tái diễn, Thượng Hội Đồng cho bắt Phêrô và Gioan.

1.1/ Phêrô và Gioan đụng độ với Thượng Hội Đồng: Như Chúa Giêsu, hai ông biết sẽ phải ra trước Thượng Hội Đồng, nếu tiếp tục những gì Chúa đã từng làm; nhưng hai ông không sợ và bỏ chạy như trong Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh đã làm cho hai ông can đảm làm chứng cho Chúa mà không sợ bị bắt bớ, roi vọt, tù đày.

Khi hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Sadducees kéo đến. Lý do họ bắt các ông: “Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giêsu mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại.” Nhóm Sadducees không tin có sự sống lại, và càng bực tức với các tông đồ, vì đã đụng chạm đến niềm tin của họ. Họ dùng bạo lực, bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều.

Nhưng làm sao họ có thể đàn áp mãi sự thật? Vì ngày hôm đó, trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo hai ông. Điều họ sợ toàn dân sẽ bỏ họ và theo Chúa Giêsu đã thành sự thật, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn. Họ lo sợ nhưng không làm gì được. Họ chỉ có thể dùng sức mạnh để đàn áp cá nhân; nhưng không thể áp đảo dân chúng.

1.2/ Phêrô và Gioan làm chứng cho Chúa Giêsu: Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Jerusalem. Có cả thượng tế Hannah, các ông Caiaphas, Gioan, Alexandre và mọi người trong dòng họ thượng tế. Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi:

(1) Câu hỏi quan trọng họ đặt ra cho Phêrô và Gioan: "Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?" Điều mà họ ám chỉ đây là việc chữa lành người què từ lúc mới sinh.

(2) Câu trả lời của Phêrô: Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ và toàn dân Israel: “Chúng tôi nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào Thập Giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường.” Lời tuyên xưng của Phêrô cũng là lời tố cáo tội lỗi họ đã xúc phạm đến Con Thiên Chúa.

Ông Phêrô còn đi xa hơn khi tuyên xưng: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ."

2/ Phúc Âm: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá."

“Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tiberia. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanael người Cana miền Galilee, các người con ông Zebedee và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.”

Có nhiều giả thuyết về ý nghĩa của trình thuật này: Có người cho rằng vì các tông đồ chán nản không biết làm gì sau khi Chúa chết, nên quay về nghề đánh cá cũ để sinh sống. Người khác cho đây chỉ là biểu tượng nói về việc các tông đồ phải biết trông cậy vào Chúa thì mới có kết quả trong việc “đánh cá người.” Dù theo giả thuyết nào đi nữa, chúng ta cũng phải tìm ra ý nghĩa của trình thuật.

2.1/ Chúa Giêsu chỉ dẫn cho các tông đồ bắt cá: Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không."

- Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

- Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!" ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.

Các ông vất vả suốt đêm và không bắt được con cá nào. Nhưng với sự chỉ dẫn, dù chỉ một lời của Chúa, các ông đã bắt được một mẻ cá lớn. Con người có thể chọn làm theo ý mình, nhưng sẽ không có kết quả bằng chịu vâng lời và làm theo sự chỉ dẫn của Chúa.

2.2/ Chúa Giêsu dọn bữa ăn cho các tông đồ: Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.

Chúa Giêsu bẻ bánh với các ông: Đức Giêsu nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?" vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúa Giêsu vẫn sống và đang hoạt động trong thế giới, trong Giáo Hội, trong gia đình, và trong mỗi người chúng ta. Chúng ta có cảm nhận được sự hiện diện của Ngài không?

- Hãy năng tham dự Thánh Lễ, vì qua đó, chúng ta vẫn đang được chỉ dạy khi thất bại, và được tăng sinh lực qua chính Mình và Máu Chúa, sau những giây phút mệt mỏi, chán chường.

- Chúng ta có nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng cách luôn lắng nghe và làm theo những gì Ngài dạy bảo, cho dẫu phải đương đầu với quyền lực của thế gian và ma quỉ.

Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét