Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Lời Chúa Mỗi Ngày Chủ Nhật 2 Phục Sinh, Năm C, Chúa Thương Xót





Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 2 Phục Sinh, Năm C, Chúa Thương Xót

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phúc cho ai không thấy mà tin.

Nhiều người nghĩ họ chỉ tin khi nào thấy tận mắt hay có thể hiểu được; nếu không, họ kết luận tin mà không thấy, không hiểu là mê tín, dị đoan. Họ quên đi họ cũng đã tin rất nhiều thứ không thấy và không hiểu được; chẳng hạn như: tin lịch sử, giòng điện, gió hay hơi thở. Khi tin những điều này, họ dựa vào thế giá của các nhân chứng hay hiệu quả của những gì họ không thấy được. Trong lãnh vực niềm tin cũng thế, con người tin không phải vì đã thấy Chúa; nhưng vì đã nhìn thấy hiệu quả của uy quyền và tình yêu của Ngài trong vũ trụ, qua đời sống của các chứng nhân, hay cảm nghiệm của chính cá nhân họ trong cuộc đời.

Các bài đọc hôm nay nêu bật những sự kiện con người phải dựa vào để tin Thiên Chúa và Đức Kitô. Trong bài đọc I, tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh đến việc tuy không thấy việc Chúa Giêsu Phục Sinh từ ngôi mộ hay nhìn thấy Ngài cách nhãn tiền; nhưng qua lời làm chứng của các tông đồ và những phép lạ các ông làm, rất nhiều người đã tin vào Ngài. Trong bài đọc II, tác giả Sách Khải Huyền ghi chép lại những gì ông đã thấy về những gì sắp xảy ra cho bảy giáo đoàn tại Tiểu Á. Mục đích là để các tín hữu của giáo đoàn xét mình, nhận ra những ưu và khuyết điểm để kịp thời sửa chữa. Trong Phúc Âm, tông đồ Thomas từ chối không tin vào lời chứng của 10 tông đồ và ông xác tín ông chỉ tin khi nhìn thấy Chúa Giêsu tận mắt. Chúa Giêsu hiện ra cho ông thấy tận mắt; nhưng khuyến cáo ông: chỉ tin khi thấy là điều tầm thường, nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các tông đồ.

1.1/ Phêrô và các tông đồ làm cho nhiều người tin vào Đức Kitô: Bằng chứng rõ ràng nhất của sự Phục Sinh là sự thay đổi hầu như hoàn toàn nơi các tông đồ, từ những con người yếu đuối, nhát đảm, sợ sệt, chạy trốn trong Cuộc Thương Khó; nay các ông thành những người can đảm, mạnh dạn, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa Giêsu, đến nỗi Thượng Hội Đồng cũng phải sợ các ông. Chứng kiến sự thay đổi và nghe những lời làm chứng của các ông, “càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa, cả đàn ông đàn bà rất đông.”

Chúa Giêsu đã thấy trước những hiệu quả này khi Ngài chọn, huấn luyện và sai các ông đi rao giảng và chữa lành ngay cả trước biến cố Phục Sinh (x/c Mt 10:7-9; Mk 3:13-15, 6:12-13, 16:17-18; Lk 9:1-2). Các môn đệ đã vâng lời ra đi và trở về tường thuật cho Ngài những kết quả họ thu nhận được. Sau biến cố Phục Sinh, họ ra đi với niềm tin được xác tín mạnh mẽ hơn, và hậu quả họ thu nhận được nhiều hơn.

1.2/ Phêrô và các tông đồ được Đức Kitô ban quyền chữa bệnh: Trừ quỉ và chữa lành là những gì Đức Kitô đã làm để khơi dậy niềm tin nơi khán giả, các tông đồ của Người cũng được trao quyền làm những phép lạ như vậy để khơi dậy niềm tin trong con người vào Đức Kitô.

Giống như Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật sự kiện mọi người chen lấn nhau để mong chạm được gấu áo của Chúa Giêsu, tác giả Sách CVTĐ cũng tường thuật: “Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Jerusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.”

2/ Bài đọc II: Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời.

2.1/ Các giáo đoàn cần trung thành với đức tin và những lời dạy dỗ của Đức Kitô.

Tục ngữ Việt Nam có câu để mô tả sự yếu đuối của con người: “Chầu lâu gối mỏi.” Sau thời gian nhiệt thành của giây phút ban đầu, nồng độ của đức tin và đức mến của các tín hữu sẽ từ từ suy giảm với thời gian; nhất là khi con người phải đương đầu thường xuyên với các cám dỗ của ba thù. Tác giả của Sách Khải Huyền được lệnh của Thiên Chúa trong thị kiến đầu tiên viết những lời cảnh giác cho bảy giáo đòan tại Tiểu Á. Mục đích là để giúp họ biết xét mình, nhận ra những tội lỗi và sửa chữa kịp thời; nếu không, họ sẽ phải chịu những kết quả của tội đem lại khi Đức Kitô đến lần thứ hai.

Đọc chi tiết những gì ông Gioan viết bảy Hội Thánh tại Tiểu Á: Êphêsô, Myrna, Pergamô, Thyatira, SardisPhiladelphia và Laodicea; chúng ta có thể nhận ra những cám dỗ của ba thù nơi chính chúng ta. Mọi người cần phải thường xuyên xét mình để nhận ra mức độ tin yêu họ dành cho Đức Kitô.

2.2/ Các danh xưng trong trình thuật muốnnói lên uy quyền của Đức Kitô:

- Ta là Đầu và là Cuối: Đức Kitô là khởi nguyên và là chung cuộc; không có gì có thể thay đổi được Ngài hay thay đổi những gì Ngài dạy dỗ. Người tín hữu cần trung thành với đức tin và những giáo huấn của Đức Kitô; chứ đừng chạy theo những hệ thống tư tưởng và trào lưu nhất thời của thế gian, kẻo phải lãnh nhận những thiệt hại cho bản thân, gia đình, và cộng đoàn.

- Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời: Đức Kitô vẫn đang sống trong các tín hữu và trong Giáo Hội qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Các tín hữu cần lắng nghe và tuân theo những gì Ngài hướng dẫn và dạy bảo.

- Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ: Đức Kitô có quyền trên cả sự chết ở đời này và sự chết đời đời. Người tín hữu không được sợ hãi và lùi bước trước bất cứ quyền lực nào của thế gian hay của quỉ thần. Họ chỉ cần vững tin vào Ngài là sẽ thắng vượt được tất cả các quyền lực này.

3/ Phúc Âm: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ không có ông Thomas: 

Theo Tin Mừng Gioan, các tông đồ đã được chuẩn bị để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh bởi lời của các phụ nữ ra thăm mộ, và nhất là lời chứng của Mary Magdala về sự hiện ra của Chúa Giêsu với bà; nhưng các ông vẫn còn hồ nghi về những lời chứng của các phụ nữ.

Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu thân hành hiện đến với các tông đồ để kiện toàn niềm tin của các ông. Có ba sự kiện của lần hiện ra này chúng ta cần để ý:

(1) Chúa Giêsu Phục Sinh có thể đi qua cửa đang đóng kín: Trình thuật nói rõ: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"

(2) Ngài mang một thân xác thật, chứ không phải là hồn người chết hay ảo ảnh: “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” Mười môn đệ đều chứng kiến biến cố này một lúc; nên không ai có thể chối cãi lời chứng của họ được.

(3) Chúa Giêsu thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” Trước khi chịu Thương Khó, Chúa Giêsu đã hứa sẽ không để các ông mồ côi, Người sẽ ban cho các ông một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho các ông về Thánh Thần như sau: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” Jn (16:13-14). Với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong các tông đồ, các ông sẽ không còn chút nghi ngờ nào về sự phục sinh của Chúa Giêsu.

3.2/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ có cả ông Thomas: Vì tông đồ Thomas không có mặt trong lần hiện ra trước, nên các tông đồ nói với ông: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa.” Tác giả dùng động từ của câu này ở thời “hoàn hảo” để chứng minh niềm tin hoàn hảo của các tông đồ.

Nhưng ông Thomas từ chối không tin lời của 10 nhân chứng; ông đòi niềm tin đặt căn bản trên thực nghiệm: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."
“Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."
Chúa Giêsu vẫn đi qua các cửa đóng kín như lần trước. Ông Thomas chắc phải lạnh người vì không ngờ tất cả những gì mình nói giờ đây được lặp lại từng chữ trên môi miệng của Chúa Giêsu. Vì thế, ông Thomas sụp xuống thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Nhiều tác giả đã phân tích câu tuyên xưng này và nêu bật niềm tin của Thomas: ông không những tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, mà còn là Thiên Chúa của ông nữa.

3.3/ Niềm tin không dựa trên những gì trông thấy còn tốt hơn: Con người tin vì nhiều cách khác nhau như nhìn thấy tận mắt, hay cảm thấy hiệu quả, hay vì lời của một, hai, ba, hay nhiều nhân chứng. Chúa Giêsu xếp loại chỉ tin khi nhìn thấy tận mắt xuống dưới hàng tin khi không thấy qua lời Ngài tuyên bố với Thomas: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

Con người cần tin vào lời của Kinh Thánh hay lời của các chứng nhân, như tác giả của Tin Mừng thứ bốn viết: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đức Kitô Phục Sinh là căn bản của niềm tin chúng ta; vì thế, chúng ta cần học hỏi và làm mọi các để hiểu rõ niềm tin này.
- Chúng ta cần giữ vững niềm tin Phục Sinh trong cuộc đời, nhất là những khi bị cám dỗ và chịu bách hại bởi ba thù.
- Thấy và tin là mức độ thấp nhất trong tiến trình đức tin. Chúng ta cần lắng nghe tiếng của Chúa Thánh Thần và tin vào lời các nhân chứng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét