Đọc chữ - đọc sách
Đang trong giờ chia sẻ về Mật Thư Thánh Kinh, điện thoại trong túi chợt reo… Đành xin lỗi các học viên và ấn 'im lặng'. Hai ba lần như thế… Cuối cùng là một tin nhắn. Về nhà, khuya lắm rồi, nhưng vẫn xem qua: 'Con muốn gặp thầy'.
Nhìn cái số lạ hoắc… cũng ngờ ngợ… nhưng vẫn nhắn trả lời dù đã qua ngày mới: 'Chừng nào? Ở đâu? Chuyện gì?'
Sáng sớm, dậy đi lễ thấy có tin nhắn mới: '10g sáng nay, Quán Gió Chiều, cafe. Lâu quá…'
Chúa ơi, tận dưới Quận 9. Xa… Nhưng mà vẫn nhấn: 'OK'.
… … …
Không thể nào nhận ra đây là học trò giáo lý của mình nhiều năm về trước, và càng không thể nhận ra đây là chàng sinh viên năm cuối cùng… như lời chàng ta khoe với mình sau màn dạo đầu là bắt tay rối rít!... Đôi giày bóng lộn, cravat, tablet, samsonite… hàng hiệu từ đầu đến chân!
Cafe thuốc lá được mang ra… Chàng ta nhìn cô phục vụ với phong cách kẻ cả:
- Cám ơm em nhé, cô bé phục vụ xinh đẹp…
Chàng ta nói hơi nhiều, khoe rằng số chàng ta rất may mắn: Đã có một đại gia tổng giám đốc, nhận chàng vào vị trí trợ lý sau khi lấy xong bằng đại học, và cũng sẽ trở thành con rể của vị tổng giám đốc ấy… Đại loại là vậy.
Sau đó, chàng quay lại hỏi:
- Thầy không chúc mừng em sao? Trong khóa của em cũng như trong trường em chưa có ai được như vậy hết nha…
Mình nhận ra một điều nho nhỏ: Chàng không còn xưng 'con' với mình như trước và như những đứa học trò cùng lớp hiện nay. Thay vào đó là xưng 'em'… Với mình, điều đó không có gì quan trọng, nhưng từ đó, mình xác nhận rằng chàng ta có ít nhiều thay đổi như bạn bè cùng lớp vẫn than phiền…
Mình chỉ hỏi nhẹ nhàng:
- Cô vợ tương lai của em là Công giáo chứ?
- Không thầy. Không tôn giáo. Mà có sao đâu? Vì bây giờ em cũng coi như là không có Đạo mà thầy…
- Là sao?
- Là em bỏ Đạo rồi!
- À, vậy à… Nhưng mà thầy thí dụ thế này nha: Thí dụ ông A là chồng bà B. Hai ông bà sinh ra đứa con tên là C. Đến khi C nó lớn lên, chả biết vì lý do gì, nó chửi mắng ông A bà B thậm tệ, rồi bỏ nhà đi… Sau đó còn tuyên bố với mọi người rằng: Tui không phải là con của ông A bà B. Ông A bà B không phải là ba má của tui… Vậy theo con, trên thực tế thì thế nào? Mọi người đều biết và tin rằng cái sự thật từ trước tới nay là ông A bà B là ba má của thằng C, và thằng C là con của ông A bà B, hay người ta sẽ tin vào lời tuyên bố của thằng C?
- Ái chà… thầy nói em chứ gì?
- Em trả lời câu hỏi thầy đi đã chứ! Ai mà lại dùng một câu hỏi khác chả ăn nhập gì để trả lời cho câu hỏi trước đó chứ…
- Thì thấy thằng C tệ thiệt.
- Ừ, nhưng nếu so với em, thì thằng C tệ giống như em hay tệ ít hơn em?
- Hì…
- Hì cái gì mà hì? Rửa tội rồi, tên thánh Giuse. Xưng tội rước lễ lần đầu rồi, Thêm sức rồi… Vậy mà… em quá tệ!
- Nhưng mà…
- Thầy muốn em nói thẳng vào vấn đề chính, không vòng vo. Tại sao lại nhận mình là người không có Đạo? Thế thôi!
- Dạ. Thầy biết tính em rồi. Em mê khoa học, thích sự rạch ròi, rõ ràng, không có úp mở gì hết. Cần phân tích và chứng minh cho đến nơi đến chốn…Trong khi đó, Giáo Lý và Thánh Kinh em đã học vẫn không làm được điều đó…
- Ừ…
- Thầy thấy em nói đúng không?
- Không!
- Vậy em thí dụ nè: khoa học chứng minh thuyết tiến hóa, rồi khoa học cũng chứng minh vật chất hình thành từ hàng ngàn triệu tỷ năm… trong khi đó Kinh Thánh thì… thầy biết rồi đó…
- Hahaha…
- Sao thầy cười?
- Em nghĩ em là nhà khoa học chắc?
- Không, em ít nhất cũng làm việc và suy nghĩ rất khoa học!
- Ồ…Tốt quá. Vậy em hãy suy nghĩ thật khoa học và trả lời cho thầy vài câu hỏi nho nhỏ sau đây nha: Thứ nhất: Lúc nào thì em biết đọc chữ và khi nào thì em biết đọc sách?
- Khoan đã thầy…
- Không có khoan, nghe hết đã! Thứ hai: Một con chó muốn diễn tả cho một con chó khác biết rằng: ông chủ rất yêu thương, ông chủ rất tốt bụng, ông chủ rất tài năng… thì nó sẽ diễn tả như thế nào với những tiếng ư ử, gâu gâu, ẳng ẳng của nó? Thứ ba: hiện em đang là cử nhân toán, em cần bao lâu để giải thích cho đứa em đang học lớp 1 của em về một bài toán tích phân? Nhớ nhé, hãy suy nghĩ thật khoa học và trả lời thầy đi…
- Nhưng mà thầy ơi, đọc sách và đọc chữ khác nhau sao?
- Đúng vậy!
- Khác thế nào thầy?
- Này, anh trợ lý tổng giám đốc, đừng hỏi thầy như thế chứ! Suy nghĩ đi cậu học trò của tôi…
… … …
Thời gian trôi quá chậm. Tiếng nhạc to quá! Nhìn sang mấy bàn khác mình mới thấy mọi người hình như đang chăm chú nhìn thầy trò mình. Có lẽ nãy giờ mình nói to lắm, để át tiếng nhạc í mà… Cũng ngượng ngượng một chút xíu…
Mình vừa đốt thuốc, vừa hỏi, nhỏ tiếng:
- Sao? Khó quá à?
- Không khó đâu thầy.
- Ừ.
- Câu thứ nhất: Em biết đọc chữ năm 8 tuổi, đọc tốt luôn á nha. Và biết đọc sách lúc đó luôn. Câu thứ 2: con chó kia không thể diễn tả được gì cả. Câu thứ 3: Toán tích phân, em chỉ cần 10 năm là giải thích được cho thằng em lớp 1 nó hiểu ngay, vì lúc ấy nó đã học lớp 10 rồi.
- Ừ…
- Mà thầy ừ là sao? Em trả lời đúng hay sai?
- Suy nghĩ rất khoa học đó chứ?
- Rất khoa học.
- Kính thưa khoa học, là SAI rồi ạ.
- Thầy nói rõ đi, sai câu nào? Không lẽ sai hết?
- Sai hết luôn.
- ??? (há mồm)
- Câu thứ nhất: Có thể em biết đọc chữ năm 8 tuổi, nhưng cho đến giờ này em vẫn chưa biết đọc sách! Câu thứ 2: Con chó thứ nhất diễn tả rất đúng theo ý nó, nhưng con chó thứ hai không hiểu là do con chó thứ hai không khoa học thôi. Câu thứ 3: Em không cần dạy nó, vì tới lúc nó học lớp 10 tự nhiên nó sẽ hiểu vì người khác dạy nó (chứ không phải em). Câu nói 10 năm có thể sai, vì biết đâu nó có thể ở lại lớp 1 vài năm, hoặc nó bỏ học giữa chừng thì… vĩnh viễn nó sẽ không hiểu toán tích phân dù em có giải thích thêm 20 năm nữa…
- Nhưng thầy vui lòng giải thích câu 1 đi. Sao thầy nói em giờ này vẫn chưa biết đọc sách là sao?
- Thầy nói em chỉ biết đọc chữ thôi, còn đọc sách thì em chưa biết là vì: em thử cho thầy biết, khi em đọc Tây du ký của Ngô Thừa Ân, hay Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, hay thậm chí câu chuyện cổ tích Việt Nam thôi, chuyện Thánh Gióng… em đọc xong, em 'cảm' được điều gì? Hay nói cách khác, em nhận được một thông điệp gì?
- Thì Tây du ký nói về những cái tệ hại của một tôn giáo lớn ở Đông Phương, Liêu trai chí dị là những câu chuyện đọc về đêm cho dễ đi vào giấc ngủ, còn Thánh Gióng thì dành cho trẻ em Việt Nam biết về truyền thống đánh giặc Ân…
- Cái gì vậy trời?
- Chứ không phải sao thầy?
- Vì em chỉ biết đọc chữ, nên không hề ‘cảm nhận’ được cái 'nghĩa' của nó nằm ở tầng sâu của những con chữ, phía sau những con chữ và còn vượt lên trên những con chữ mà em đọc lên. Nắm được cái 'nghĩa' đó sau khi đọc chữ thì mới là người đọc sách chứ em…
- Vậy thầy nói em nghe thử coi, thầy cảm nhận được điều gì?
- Câu chuyện Tây du ký, Ngô Thừa Ân muốn nói rằng: tự trong bản chất của mỗi chúng ta luôn tồn tại cái thiện (Tam Tạng), nhưng cũng có cái tính nổi loạn hot head (Tề Thiên), rồi cũng có dục tính (mê ăn, mê ngủ, sắc dục…- Bát Giới), và tất nhiên có cái tính ác (quỷ Sa Tăng). Và trong cõi đời này được coi như một cuộc hành trình đi về Tây Thiên để đón nhận Kinh tức là để đạt được mục đích đời mình, chúng ta phải để cho 'đứa' nào làm thầy, đứa nào làm chủ, đứa nào hướng dẫn?... Và chính Ngô Thừa Ân đã chỉ cho ta: Dù tính thiện không tài cán, luôn thua thiệt, nhưng 1 lòng hướng thiện và tín thác vào Ơn Trên, nên cho dù có trải qua chín lần chín là tám mươi mốt kiếp nạn (tức là nhiều lắm những khó khăn gian khổ)… Nhưng rồi cuối cùng, người đó cũng đạt được cùng đích đời mình: thỉnh được kinh, được hóa thành Phật…
- Thầy nói hay quá, con thấy khoái rồi đây… Còn Liêu trai chí dị thì sao thầy?
- Bồ Tùng Linh muốn nói rằng: những cám dỗ của hôm nay luôn xinh đẹp dễ thương, đánh đúng vào lòng dục của con người, như những cô gái đẹp mà bọn hồ ly biến hóa ra… Tuy nhiên bọn ác đó cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: Khi say rượu hay khi ngủ quên hay khi giao hoan, bọn hồ ly thường bị 'lòi cái đuôi cáo' ra… và người ta nhận ra đây là bọn hồ ly. Tức là người ác hay cám dỗ người khác, nhưng cũng hay lòi ra những ham hố của mình như bao người cho dù cố giấu cách mấy đi nữa!
Ngoài ra, tác phẩm này ra đời trong thời điểm bên Trung Quốc đang ở trong hoàn cảnh là nhà Thanh đang cai trị, sau khi đã lật đổ nhà Minh. Nên có 1 nhóm luôn 'phản Thanh phục Minh' và gọi nhà Thanh (với cái đuôi sam dài phía sau ót) là bọn hồ ly, có cái đuôi cáo. Để kêu gọi nhóm phản Thanh phục Minh của mình, người ta không dám nói rõ ra, vì là chuyện chính trị… dễ bị thủ tiêu lắm. Nên người ta phải 'chế' ra một câu chuyện rất hay, ai đọc cũng mê, kể cả đối phương, nhưng chỉ những 'người trong cuộc' mới hiểu được lời cảnh báo của Bồ Tùng Linh: Bọn Thanh (hồ ly) đang chiêu dụ nhân tài của nhà Minh còn sót lại, nhưng chỉ là để vắt chanh bỏ vỏ (hút hết tinh lực) mà thôi…
- Hay lắm thầy. Còn… Thánh Gióng?
- Với câu trả lời của em hồi nãy sai rồi. Làm gì có nhà Ân trong lịch sử của nước mình hay các nước lân cận? Giặc Ân chỉ là một biểu tượng thôi, chỉ khi nào em giỏi tiếng Hán và có thể chiết tự nó ra thì sẽ hiểu 'Ân' là ai? Nhưng nói chung, thời điểm này kể chuyện Thánh Gióng là khá hay đấy. Bởi vì đơn giản, một nước nhỏ muốn nói với một nước lớn rằng: tao tuy bé nhỏ (trẻ con), lại ít nói (3 năm không biết nói), nhưng một khi sơn hà nguy biến, mọi người đồng lòng (cả làng nấu cơm mang đến) từ vua đến dân (mũ sắt, ngựa sắt, giáp sắt…) thì tao sẽ vụt lớn lên nhanh như chớp và tấn công quét sạch bọn mày ra khỏi biên cương đấy! Ngay cả lũy tre đằng ngà trong làng đơn sơ là thế vẫn có thể trở thành vũ khí tiêu diệt bọn bay… Và đó không phải hù dọa suông đâu 'Ân' nhé…
- Hay quá thầy. Ha ha…
Thấy mình hơi lố đà…, nên quay về:
- Em thấy đó. Những câu chuyện rất con người thôi, vậy mà em vẫn chưa nắm được cái thần của nó, chưa biết đọc sách… thì làm sao em đọc được Thánh Kinh là Lời Chúa hả em? Và đó cũng mới là câu thứ nhất thôi nhé…
Anh chàng gật gù nhẹ nhẹ…
- Còn cái thứ 2: Hai con chó nói chuyện với nhau. Trong muôn vàn con chó, giả như có một con thông minh vượt bậc, nó ‘cảm’ được tình yêu mà ông chủ dành cho nó, cảm theo kiểu chó thôi, nhưng cho dù nó có diễn tả thế nào đi nữa, các con chó khác vẫn cảm thấy khó hiểu quá đi. Vì cách đây mấy ngàn triệu năm, lũ chó còn là chó hoang, 'ngôn ngữ' còn quá nghèo nàn, nghèo nàn hơn bây giờ, chủ yếu chỉ là tru thôi, dài hay ngắn (trường độ) và cao hay thấp (cao độ) thôi… thậm chí còn chưa có gâu gâu và ư ử nữa… thì lũ chó kia không hiểu là phải thôi. Không thể trách con chó tru tầm bậy tầm bạ, cũng không thể nói đám chó còn lại là dốt… Vì bản chất của chó và ngôn ngữ của nó chỉ có thế thôi…
Về với Thánh Kinh, ngay từ những trang đầu, nếu là em, thời điểm vài ngàn năm trước, em muốn nói Thiên Chúa rất tài năng, rất nghệ sỹ… em sẽ diễn tả thế nào, nếu như lúc đó chưa có mấy cái từ tài năng, quyền năng, nghệ sỹ…?
- Em chịu thua!
- Vậy mà người xưa làm được đó em. Có giỏi không chứ? Họ muốn nói Thiên Chúa quyền năng, họ hình dung Ngài như một người thợ, làm ra thật nhiều sản phẩm với thời gian rất ngắn; còn muốn nói tính nghệ sỹ đáng yêu của Ngài thì họ mô tả Ngài tạo dưng rất trật tự, rất tốt đẹp, 3 ngày phân tách từ trên xuống dưới, rồi 3 ngày sau là trang trí, cũng rất thứ tự lớp lang… Còn muốn nói lên phẩm giá trỗi vượt của con người, thì họ nói rằng Ngài thổi hơi vào… mà theo suy nghĩ của họ, hơi thở của Thiên Chúa chính là sự sống, sự sống thần linh… chưa hết, họ còn mô tả Ngài dựng nên con người cuối cùng như 1 sản phảm đời cuối, tốt nhất, xịn nhất… rồi chưa nữa, khi họ muốn nói nam nữ đồng đẳng thì có vụ cái xương sườn…
- Ừ, cũng hay thầy hén… Nhưng mà cũng có nhiều thứ trong Thánh Kinh hầu như con người ngày nay phải bí thôi… thầy thấy đúng không?
- Chính thế mới có chuyện thằng em, chuyện thứ 3 đó. Có những mầu nhiệm mà hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, chúng ta chỉ biết được nhờ mạc khải của Đức Kytô thôi, và chỉ biết chứ không thể hiểu nổi đâu. Nhưng rồi mình sẽ hiểu vào ngày đó thôi…
- Ủa mà ngày đó là ngày nào thầy?
- Ngày mình ở trên thiên đàng á. Tới đó là tự nhiên hiểu luôn, khỏi cần ai giải thích nữa cả. Vì hiện giờ, sống trên thế gian này, chưa có ai ‘hiểu’ được Mầu nhiệm, mà không hiểu thì làm sao mà dạy, mà truyền đạt? Và điều đó chính là giới hạn của con người hữu hạn. Vì vậy cần lắm, rất cần niềm tin em à…
Anh chàng im lặng nhìn xuống mũi giày…
Mình lại sửa tướng ngồi cho thoải mái, chuẩn bị 'kết thúc':
- Bây giờ quay lại chuyện khoa học của em: một ông bác sỹ đứng trên phương diện y khoa lại phê bình về văn học, một ca sỹ đứng trên phương diện nghệ thuật đi phê bình về pháp lý, một võ sư đứng trên phương diện võ thuật rồi phê bình về thương mại… thầy thấy không ổn, thiếu khoa học, sai là chắc luôn. Nói cách khác, em đứng trên phương diện khoa học, nhân danh khoa học để phê phán Thánh Kinh tức là phê phán về phương diện chân lý đức tin thì có vẻ như em thiếu khoa học, phi khoa học và thậm chí phản khoa học nữa… OK?
- OK.
- Còn nữa, thầy còn chỉ cho em thấy cái nét chung của khoa học và chân lý đức tin là ngay từ khởi điểm: đó là niềm tin tiên thiên, không cần chứng minh, và cũng không thể chứng minh. Thầy thí dụ: toán học là môn khoa học có thể nói chính xác nhất, có phải cũng được xây dựng trên những tiên đề, là những định đề mà không ai chứng minh được. Nhưng nếu muốn học toán thì phải chấp nhận nó trước đã, rồi sau đó áp dụng vào các trường hợp, và thấy đúng. Phải không em?
- Phải.
- Đức tin cũng thế, được xây dựng trên các Mầu nhiệm cao cả mà trí khôn con người còn sống, vĩnh viễn không bao giờ thấu đạt. Chỉ có biết chấp nhận, tin, và áp dụng vào cuộc sống, sẽ thấy tuyệt vời, thế thôi.
- Đúng vậy…
- Ừ, chưa hết đâu. Ngay cả những cái thuyết mà con nói đó, Bigbang hay tiến hóa gì đó… thầy chấp nhận nó như một 'giả thuyết' bên cạnh những giả thuyết khác. Vì chính cái người đưa ra giả thuyết ấy cũng không có mặt ở đó đi ghi chép… Họ chỉ sưu tầm những dấu vết đây kia… Và cũng không loại trừ trường hợp quá trình sưu tầm sẽ có sai sót cho dù vô tình hay cố ý. Sai một con toán bán nguyên cái nhà mà. Với lại khoa học cũng chứng minh có vài phát minh khoa học lừa đảo nữa mà…
Thôi, cuối cùng, thầy mong em cố gắng chấp nhận cái hữu hạn của con người nói chung, cố gắng đọc sách Thánh Kinh (đọc sách chứ không phải đọc chữ) dưới ánh sáng đức tin, huấn quyền Giáo Hội. Đương nhiên em phải tiếp tục làm khoa học, nhưng với mục đích là để tôn vinh Chúa và bổ sung cho cái chỗ khó khăn của trí hiểu của mình khi học Lời Chúa. Vì Đức tin và khoa học tuy khác nhau nhưng không hề loại trừ nhau, như cái ghế và cái bàn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau để có bộ bàn ghế toàn vẹn trong mắt nhìn của con người…
- OK thầy. Vậy bây giờ con phải làm gì?
- Ơ, sao lại hỏi thầy chàng trai? Em biết phải làm gì mà…
- Nhưng mà thấy nói cái trước mắt thôi. Một cái cũng được…
- Mùa Phục Sinh, em nên xét mình, xưng tội, và rước lễ…
- (Cười…)
- Nhớ nhé! Ngay và luôn! Hi hi…
Ngư Phủ
(Nguồn: Facebook Ngư Phủ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét