Trang

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

LỜI CHÚA MỖI NGÀY Thứ Ba Tuần V PS




LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần V PS

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải qua gian khổ mới đạt tới vinh quang.

Như người nhà nông phải vất vả cầy bừa, giầm mưa, dãi nắng, thì hạt giống gieo xuống mới mang lại mùa màng; đức tin của các tín hữu có được là do sự miệt mài rao giảng của các nhà truyền giáo. Họ không ngại đường sá xa xôi, cách trở; phải chịu đựng bao nguy hiểm, bắt bớ, ghen tị, tù đày, ném đá ... để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và chờ ngày hạt giống đức tin được sinh hoa kết trái.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những điều này. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật những khó khăn và bách hại mà Phaolô và Barnabas phải trải qua trong hành trình rao giảng đức tin cho Dân Ngoại; nhưng hai ông vẫn kiên trì chịu đựng, đi từ thành này qua thành khác để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và thiết lập các giáo đoàn địa phương. Khi trở về Antioch, các ông tập họp Hội Thánh và tường trình những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai ông. Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu biết trước bao nhiêu gian khổ đang chờ Ngài trong Cuộc Thương Khó sắp tới, Ngài vẫn can đảm tiến tới để đương đầu. Ngài khuyên các môn đệ đừng xao xuyến và sợ hãi vì Ngài sẽ ban bình an cho các ông, và bảo đảm quyền lực thế gian sẽ không thắng được quyền lực của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.

1.1/ Phaolô đi đâu, người Do-thái theo ông tới đó: "Bấy giờ có những người Do-thái từ Antioch và Iconium đến Lystra, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phaolô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Derbe cùng với ông Barnabas."

Chúng ta thấy sự nhẫn nhục, chịu đựng đau khổ của Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng: vừa thu nhận được chút kết quả là đối phương theo tới quấy phá; vừa bị đối phương ném đá gần chết lại chỗi dậy đi qua thành khác rao giảng Tin Mừng.

Điều chúng ta học được nơi Phaolô và Barnabas trong việc truyền giáo là phải trở lại thăm viếng và củng cố các giáo đoàn địa phương mình đã thành lập để củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: "Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa."

1.2/ Phaolô và Barnabas hoàn tất cuộc hành trình thứ nhất: Trong cuộc hành trình này, hai ông bắt đầu từ Antioch của Syria đến Salamis và Paphos của đảo Cyprus, đến Perga, Antioch của Pisidia, đến Iconium, Lystra, Derbe, và theo đường cũ trở lại Perga, rồi từ Perga đến Attalia, trở về Pergha và dùng thuyền trở về Antioch của Syria. Đây là cuộc hành trình ngắn nhất trong 3 cuộc hành trình của Phaolô rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Ông đã đi qua tất cả 8 thành. Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.

Khi trở về Antioch, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. Rồi hai ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ trước khi bắt đầu cuộc hành trình thứ hai.

2/ Phúc Âm: Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

2.1/ Bình an của Thiên Chúa: Biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, và biết trước những gì sẽ xảy đến cho các môn đệ, Chúa Giêsu để lại một báu vật cho các môn đệ: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi." Đây cũng là món quà các thiên sứ reo vang trong Ngày Chúa sinh ra: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm."

Chúa Giêsu nhấn mạnh sự khác biệt giữa sự bình an của Thiên Chúa và của con người. Bình an của Thiên Chúa đến từ trong tâm hồn con người; trong khi sự bình an của thế gian đến từ bên ngoài. Bình an của Thiên Chúa ban không bao giờ mất được; trong khi sự bình an của thế gian rất mong manh và dễ vỡ. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua các cuộc chiến tranh tương tàn, và chúng luôn đe dọa con người.

Bình an của Chúa Giêsu được bảo đảm bởi Thiên Chúa. Ngài tạm rời các môn đệ để về cùng Cha trong ít ngày; nhưng Ngài lại trở lại với các môn đệ sau Cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Sự bình an các ông có được là sau khi chứng kiến tất cả những điều này: Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng thần chết, và đang ngự nên hữu Chúa Cha trên trời để luôn bầu cử cho các ông, thì chẳng còn gì sợ hãi nữa; và vì thế, các ông luôn có bình an.

2.2/ Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Sống trong thế gian, Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ bị thế gian ghét bỏ và truy tố, vì không sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian. Chúa Giêsu biết thế gian sắp sửa truy tố Ngài, và nó cũng sẽ truy tố các môn đệ của Ngài, nên Ngài nói với các môn đệ: "Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ Lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!"

Thế gian tưởng khi họ tiêu diệt Chúa Giêsu là họ đã dùng sức mình để chiến thắng; nhưng sự thật là họ đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn Chúa Giêsu chịu đau khổ để gánh tội và mang lại sự sống đời đời cho con người. Khi Chúa Giêsu sống lại vinh hiển, thế gian sẽ sững sờ kinh ngạc, vì những gì họ tưởng đã chiến thắng, nhưng giờ bị thua thiệt, vì các tín hữu không còn sống nô lệ cho họ nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đức tin là một gia sản vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta qua sự cố gắng vượt bực của các nhà truyền giáo. Họ đã bỏ gia đình và quê hương, chấp nhận bao nhiêu đau khổ và nghiệt ngã của các xứ truyền giáo để trao cho chúng ta món quà quí giá này. Chúng ta đừng khinh thường nó.

- Bổn phận của chúng ta là gìn giữ và củng cố đức tin này sao cho ngày càng lớn mạnh, và cố gắng hết sức để trao lại cho con cháu và những người chúng ta có trách nhiệm. Nếu chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không, chúng ta cũng phải rộng rãi cho đi cách nhưng không.

- Riêng với con cháu Việt-nam, chúng ta biết để bảo vệ đức tin này, các nhà truyền giáo và cha ông chúng ta đã phải đổ máu và chịu đựng biết bao bắt bớ, roi đòn, tù đày, tủi nhục. Hãy sống đức tin làm sao cho xứng đáng với giá máu ấy.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét