ĐTC PHANXICÔ – Sự Liên Kết Giữa Kinh Thánh và Thánh Truyền
Vào ngày 12 tháng 04, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên Ủy ban Tòa Thánh về Kinh Thánh vừa kết thúc khóa họp thường niên từ ngày 8 đến 12 tháng 04 năm 2013 tại Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican, dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Gerhard Ludwig Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin. Trong 5 ngày họp, các chuyên gia quốc tế về Kinh Thánh đã kết thúc công trình nghiên cứu về đề tài “Ơn linh hứng và chân lý Kinh Thánh”. Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý đọc giả bài nói chuyện của Đức Thánh Cha.
Chư Huynh đáng kính,
Và các thành viên trong Ủy Ban Tòa Thánh về Kinh Thánh thân mến,
Tôi vui mừng gặp gỡ anh chị em khi kết thúc Khóa họp thường niên năm nay. Tôi xin chân thành cảm ơn Tổng Giám Mục Gerhard Ludwig Muller vì lời chào mừng và vì bài trình bày ngắn gọn về chủ đề đã được bàn thảo rất cẩn thận trong tiến trình công việc của anh chị em. Một lần nữa, anh chị em đã tập trung về đây đào sâu một chủ đề rất quan trọng: “Ơn linh hứng và chân lý Kinh Thánh”. Chủ đề này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người tin, mà đến toàn thể Giáo Hội, vì đời sống và sứ mạng của Giáo hội được đặt nền tảng trên Lời Chúa, vốn là linh hồn của thần học và là nguồn cảm hứng cho toàn bộ đời sống người Kitô hữu.
Như anh chị em biết, Kinh thánh là chứng từ Lời Chúa trong hình thức văn tự, là ký ức của giáo hội chứng thực sự kiện Mạc Khải. Do đó, Lời Chúa đến trước và vượt trên Thánh Kinh. Vì vậy, trung tâm điểm của đức tin chúng ta không chỉ là một cuốn sách, nhưng là lịch sử cứu độ và nhất là một Nhân Vật là Chúa Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Chính vì thế, chân trời của Lời Chúa bao gồm và rộng lớn hơn Kinh Thánh. Để hiểu Lời Chúa một cách thích hợp, cần có sự hiện diện liên lỷ của Chúa Thánh Linh “Đấng dẫn tới chân lý trọn vẹn” (Ga 16,13). Cần đặt mình trong dòng đại truyền thống, dưới sự trợ giúp của Thánh Linh và sự dìu dắt của Huấn Quyến Hội Thánh, đã nhìn nhận các sách thuộc sổ bộ như Lời được Thiên Chúa gửi đến Dân Ngài, và đừng bao giờ ngừng chiêm niệm và khám phá sự phong phú vô tận của Lời. Công Đồng Vaticano II đã lập lại niềm xác tín này trong Tông Huấn Dei Verbum: “Thực vậy, mọi điều liên hệ đến việc chú giải Thánh Kinh cuối cùng đều phải tùy thuộc vào phán quyết của Giáo Hội, vì Giáo Hội được Thiên Chúa giao cho sứ mệnh và chức vụ gìn giữ và giải thích lời Chúa (số 12).
Tông Huấn vừa nêu trên cũng nhắc nhở chúng ta rằng, sự liên hết giữa Thánh Truyền và Thánh Kinh là không thể phá vỡ, vì cả hai đến từ một nguồn mạch: “Bởi vậy Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết, phối hiệp mật thiết với nhau vì cả hai phát xuất từ một nguồn mạch là Thiên Chúa, có thể nói kết hợp làm một duy nhất và cùng hướng về một mục đích. Thực vậy, Thánh Kinh là lời Chúa nói, vì được ghi chép lại dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần; còn lời Chúa, mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các Tông Ðồ, thì Thánh Truyền lưu lại toàn vẹn cho những kẻ kế vị các ngài, để nhờ Thần Chân Lý soi sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng. Do đó, Giáo Hội không chỉ nhờ Thánh Kinh mà biết cách xác thực những điều mạc khải. Chính vì thế cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình quý mến và kính trọng như nhau (ibid, số 9).
Do đó, nhà chú giải Kinh Thánh phải chú ý nhận thức Lời Chúa hiện diện trong các văn bản Kinh Thánh bằng cách đặt chúng giữa lòng đức tin của Giáo Hội. Việc giải thích Kinh Thánh không thể chỉ là một nỗ lực cá nhân về mặt khoa học, nhưng phải luôn luôn đối chiếu với nhau, hội nhập và được chứng thực nhờ truyền thống sinh động của Giáo Hội. Qui luật này có tính chất quyết định để xác định tương quan đúng đắn và hỗ tương giữa khoa chú giải và Huấn quyền của Hội Thánh. Các bản văn Kinh Thánh được gợi hứng bởi Thiên Chúa được trao phó cho cộng đoàn các tín hữu, cho Giáo Hội của Chúa Kitô, để nuôi dưỡng đức tin và hướng dẫn đời sống bác ái. Sự tôn trọng bản tính sâu xa này của Kinh Thánh có ảnh hưởng tới chính giá trị và hiệu năng của khoa chú giải Kinh Thánh. Thái độ thiếu sót chính là sự giải thích Kinh Thánh một cách chủ quan, hoặc chỉ giới hạn vào một sự phân tích không có khả năng lãnh hội ý nghĩa bao quát đã hình thành Truyền Thống của toàn thể Dân Chúa qua dòng lịch sử. Trong trong đức tin, Dân Chúa không thể sai lầm (in credento falli nequit) (LG 12).
Anh chị em thân mến, tôi muốn kết bài nói chuyện của tôi bằng việc diễn tả lòng biết ơn đến toàn thể anh chị em và khích lệ mọi người trong công việc quan trọng của mình. Nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi lời Nhập thể của Thiên Chúa, là Thầy Dạy Chí Thánh, Đấng đã mở lòng trí các môn đệ Ngài giúp họ hiểu Kinh Thánh, hướng dẫn và nâng đỡ anh chị em trong nỗ lực của mình. Nguyện xin mẹ Maria, mẫu gương của sự ngoan ngùy và vâng phục đối với Lời Chúa, xin mẹ dạy anh chị em biết đón nhận trọn vẹn kho tàng phong phú vô tận của Lời, không chỉ với những nỗ lực tri thức, nhưng trong cầu nguyện và thông qua đời sống của các tín hữu, đặc biệt là trong năm Đức Tin này, để qua công việc của anh chị em, ánh sáng của Kính Thánh được chiếu tỏa vào tâm hồn các tín hữu. Ước mong công việc của anh chị em tiếp tục trổ sinh hoa trái. Tôi cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần và ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em.
Nguyễn Minh Triệu sj, chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét