Trang

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Youcat - Kinh Tin Kính - Phần II: Kitô hữu tuyên xưng đức tin (25-112)


Youcat - Kinh Tin Kính - Phần II: Kitô hữu tuyên xưng đức tin
YOUCAT
YOUTH CATECHISM





SÁCH GIÁO LÝ CHO NGƯỜI TRẺ


***

PHẦN I: KINH TIN KÍNH

PHẦN II: KITÔ HỮU TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

25. Tại sao đức tin đòi có định nghĩa và cần công thức hoá thành những tín biểu?

-  Khi diễn tả Đức tin, ta không nói những lời trống rỗng, nhưng là nói một thực tại. Trải qua bao thế kỷ, nội dung đức tin được Hội Thánh công thức hoá trong kinh Tin kính. Qua kinh này, ta có thể chiêm ngắm, suy gẫm, học hỏi, chia sẻ, cử hành và sống thực tại đức tin. [170-174]

- Không có công thức cố định, nội dung của đức tin sẽ rời rạc. Vì thế, Hội Thánh rất chú trọng đến một vài câu mà bản văn chính xác chỉ có được trải qua nhiều khó khăn, cốt để bảo vệ sứ điệp của Chúa Kitô khỏi những hiểu lầm và sai lạc. Các công thức đức tin đặc biệt quan trọng khi được dịch sang các ngôn ngữ khác nhau mà vẫn không bị thay đổi bản chất. Bởi vì đức tin chung là nền tảng cho sự hiệp nhất của Hội Thánh.

“Hội Thánh cẩn thận giữ gìn [đức tin và sứ điệp của các tông đồ], dường như Hội Thánh chỉ ở trong một nhà duy nhất; cũng vậy Hội Thánh tin vào các chân lý đó dường như Hội Thánh chỉ có một linh hồn và một trái tim duy nhất; Hội Thánh nhất trí công bố các chân lý, giảng dạy và thông truyền chúng dường như Hội Thánh chỉ có một miệng lưỡi.” - Thánh Irênê ở Lyon (khoảng 135-202, giáo phụ)

26. Kinh Tin Kính là gì?

-  Kinh Tin Kính là những công thức vắn tắt của đức tin, để các tín hữu có thể cùng nhau tuyên xưng chung một niềm tin. [185-188, 192-197]

- Thư của Thánh Phaolô đã chứa đựng nhiều công thức vắn tắt. Kinh Tin Kính của các tông đồ mà Hội Thánh ban đầu soạn ra, có giá trị đặc biệt vì được coi là Kinh tóm tắt đức tin của các tông đồ. Còn Kinh Tin Kính của Công đồng Nixêa cũng rất đáng tôn trọng vì được xuất phát từ các Công đồng của Hội Thánh (Công đồng Nixêa 325, Công đồng Constantinople 381). Cho đến ngày nay, kinh này là nền chung cho các Kitô hữu Đông cũng như Tây phương.

“Ước mong Kinh Tin Kính như là tấm gương để bạn soi. Bạn hãy nhìn bạn trong đó: để xem bạn có tin tất cả những gì bạn tuyên bố là bạn tin không. Bạn hãy vui mừng mỗi ngày về đức tin của bạn.” - Thánh Augustinô

“Không ai sống một mình, không ai tin một mình. Thiên Chúa nói với ta. Người làm thế để tập họp ta lại. Người thiết lập một cộng đồng là dân Người, là Hội thánh Người. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Hội Thánh là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong trần gian.” - Basile de Césarée (thế kỷ V, giám mục)

27. Kinh Tin Kính có từ khi nào?

-  Từ thời Chúa Giêsu, khi Người truyền dạy các môn đệ Rửa tội cho những ai tin. Họ phải công khai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. (→ Ba Ngôi)

- Nền móng của tất cả việc tuyên xưng đức tin sau này là tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Chúa và Người đã trao cho những ai tin một sứ vụ: hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chua Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28,19). Tất cả mọi người tuyên xưng đức tin của Hội Thánh đều là khai triển đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, bắt đầu luôn luôn là tuyên xưng Chúa Cha, Đấng tạo thành trời đất và duy trì cho nó sống. Rồi tiếp theo là Chúa Con, Đấng đã đem sự giải thoát cho thế giới và cho mỗi người chúng ta. Cuối cùng là Chúa Thánh Thần, Đấng là sự hiện diện của Thiên Chúa trong Hội Thánh và trong thế giới.

28. Kinh Tin Kính Các Thánh Tông đồ dạy gì?

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. (1)
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi (2)
bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh (3)
chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác (4)
xuống ngục Tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại (5)
lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng (6)
ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết (7)

 Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần (8)
 Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này. Các Thánh thông công (9)
 Tôi tin phép tha tội. (10)
 Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại (11)
 Tôi tin hằng sống vậy (12). Amen.

29. Kinh Tin Kính Công đồng Nixêa (Nixêa-Côngtantinốp) dạy gì?

Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,
Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa,
sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời:
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật;
được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha;
nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.
Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,
Người đã từ trời xuống thế;
bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria,
và đã làm người.
Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô,
Người chịu khổ hình và mai táng.
Ngày thứ ba, Người sống lại như lời Thánh Kinh,
Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha,
và Người sẽ lại đến trong vinh quang,
để phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Nước Người sẽ không bao giờ cùng.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần,
là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống;
Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.
Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con;
Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội.
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.

Chương 1: Tôi tin Thiên Chúa Cha

30. Tại sao chúng ta tin chỉ có Một Thiên Chúa?

- Chúng ta tin chỉ có Một Thiên Chúa, vì theo chứng cớ Kinh Thánh, chỉ có một Thiên Chúa, và theo luật lý luận (logic) chỉ có thể có Một Thiên Chúa. [200-202, 228]

- Giả như có hai Chúa thì một trong hai sẽ là giới hạn của nhau, không ai là không giới hạn, không ai là hoàn hảo; do đó không ai trong hai là Thiên Chúa (→ Yahvê). Dân Israel đã diễn tả kinh nghiệm nền tảng của họ rằng: Hãy nghe hỡi Israel, Chúa của chúng ta là Chúa duy nhất (Đnl 6,4). Các tiên tri không ngừng kêu gọi dân từ bỏ các tà thần và quay về với Thiên Chúa duy nhất: chính Ta là Thiên Chúa, không có Chúa nào khác (Is 45,22).

 Chúa Giêsu trả lời: "Điều răn đứng đầu là, nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi." - Mc 12,29-30

? Độc thần: Giáo thuyết về Thiên Chúa là duy nhất, tuyệt đối và có ngôi vị, Người là nền móng cuối cùng của muôn vật. Các tôn giáo độc thần là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.

31.  Tại sao Thiên Chúa tự cho mình một tên gọi?

- Thiên Chúa tự cho mình một tên gọi để ta được dễ dàng hơn khi kêu cầu đến Người. [203-213, 230-231]

- Thiên Chúa không muốn để không ai biết được mình. Người không muốn tôn kính như một “Đấng Tối Cao” mà người ta chỉ cảm thấy hay đoán ra. Thiên Chúa muốn được nhận biết và kêu cầu như một Đấng hiện hữu thật và hoạt động. Trong bụi gai đang cháy Thiên Chúa cho ông Môsê biết tên của Người YHWH (Xh 3,14). Thiên Chúa tự làm cho dân có thể đến với Người, tuy nhiên Người vẫn là Thiên Chúa ẩn giấu, là mầu nhiệm đang có mặt. Ở Israel, để tôn kính Thiên Chúa, người ta không đọc (và không bao giờ đọc) tên Thiên Chúa. Người ta thay thế bằng tiếng Adonai (Chúa). Tân ước dùng từ Chúa để tôn kính Đức Giêsu như Thiên Chúa thật: Giêsu là Chúa (Rm 10,9).

 Ông Môsê nói với chúa: Tôi sẽ tìm đến dân Do Thái và nói với họ: “Thiên Chúa của cha ông các người sai tôi đến với các người”. Nhưng nếu họ hỏi: “Người tên là gì?” “Tôi sẽ nói với họ thế nào?” Thiên Chúa bảo Môsê: “Ta là Đấng hiện hữu”. Rồi nói thêm: Ngươi sẽ nói cho dân Israel thế này: “Đấng hiện hữu” đã sai tôi đến với các ngươi. Người còn nói với Môsê: “Yahvê, Thiên Chúa của cha ông các ngươi, của Abraham, của Israel, của Jacob đã sai tôi đến với các ngươi. Đây là tên của Người cho đến muôn đời, người ta sẽ gọi Ta bằng tên đó từ đời nọ sang đời kia”. - Xh 3,13-15

? YHWH/Yahvê: Là tên quan trọng nhất Cựu ước dùng để gọi tên Thiên Chúa (Xh 3,14). Có thể dịch là “Ta là”. Đối với dân Do Thái cũng như Kitô hữu, tên ấy có ý chỉ Thiên Chúa duy nhất của trái đất, Đấng sáng tạo, Đấng duy trì cho có thể hiện hữu, Đấng là đối tác của giao ước, Đấng giải thoát khỏi nô lệ Ai Cập, Đấng xét xử và cứu độ.

32.  Khi nói Thiên Chúa là Đấng Chân thật có nghĩa là gì?

-  Nghĩa là Thiên Chúa là sự Sáng, trong Thiên Chúa không có tối tăm (1 Ga 1,5). Lời của Chúa là sự thật (Cn 8,7). Luật của Người là sự thật (Tv 119, 142). Chính Chúa Giêsu bảo đảm về sự thật của Thiên Chúa trước tòa Philatô "Ta sinh ra, Ta đến thế gian để làm chứng cho sự thật.“ (Ga 18, 37). [214-217]

- Không đặt Thiên Chúa vào một tiến trình thử nghiệm vì khoa học không thể lấy Thiên Chúa như một đồ vật để khảo sát. Tuy nhiên, chính Thiên Chúa cũng chịu đặt trong một tiến trình thử nghiệm riêng biệt. Ta biết rằng Thiên Chúa là sự thật, vì Chúa Giêsu là Đấng tuyệt đối đáng tin cậy. Người là con đường, là sự thật, là sự sống (Ga 14,6). Tất cả những ai tin cậy vào người có thể khám phá ra Người và có kinh nghiệm về Người. Nếu Thiên Chúa không là “sự thật”, đức tin và lý trí không thể nào đối thoại được với Người. Tuy nhiên, hai bên có thể thoả thuận được vì Thiên Chúa là sự thật và sự thật là Thiên Chúa.

“Chúa Giêsu Kitô là sự thật làm Người, lôi kéo thế giới đến với Người. Ánh sáng từ Chúa Giêsu phát ra chính là sự huy hoàng của sự thật. Mọi thứ sự thật khác chỉ là một mảnh của sự thật là Chúa Giêsu và phải phản chiếu về Người.” - Đức Bênêđictô XVI, 18-2-2006

33. Khi nói Thiên Chúa là Tình yêu có nghĩa là gì?

- Nghĩa là Thiên Chúa dựng nên mọi sự, bao bọc mọi sự với lòng nhân từ vô biên của Người. Người không chỉ tuyên bố Người là Tình yêu mà còn làm chứng cho Tình yêu: "Không ai có Tình yêu lớn hơn người đã chết cho bạn mình" (Ga 15,13). [218-221]

- Không một tôn giáo nào nói như Kitô giáo đã nói: Thiên Chúa là Tình Yêu (Ga 4,8.16). Đức Tin quả quyết rất mạnh mẽ như thế đến nỗi kinh nghiệm về đau khổ và về sự dữ trên thế giới đã khiến người ta phải hồ nghi rằng thực sự Thiên Chúa có đúng là Tình Yêu không. Ngay trong Cựu ước Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Isaia nói với dân Chúa rằng: Vì ngươi có giá trước mắt Ta, có giá trị và Ta yêu mến ngươi, Ta lấy các dân thay mạng ngươi, Ta thế đất đai thay cho ngươi. Đừng sợ, vì có Ta ở với ngươi (Is 43,4-5). Người còn nói rằng: Người mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi. Này ta đã khắc ngươi trên bàn tay ta (Is 49,14-15). Khi Chúa Giêsu hiến mình cho các bạn mình trên thập giá, Người chứng minh rằng những lời Người nói về tình yêu Thiên Chúa không phải không có ý nghĩa gì.

“Mẹ Têrêsa có kinh nghiệm rằng tình yêu đích thực là phải khổ. Nó luôn luôn phải làm khổ và cũng luôn phải đau khổ vì yêu một người nào đó; đau khổ vì phải bỏ nhau, người ta còn muốn chết cho người đó nữa. Khi người ta kết hôn, họ phải từ bỏ mọi sự để yêu nhau. Người mẹ khi sinh con phải đau khổ nhiều. Chữ “tình yêu” đã bị người ta hiểu sai quá nhiều và bị sử dụng sai quá nhiều.” - Mẹ Têrêsa

34.  Bạn sẽ làm gì khi bạn đã nhận biết Thiên Chúa?

-  Khi đã nhận biết Thiên Chúa, bạn phải đặt Người lên chỗ nhất trong cuộc đời bạn. Được như thế, đời sống mới của bạn sẽ bắt đầu. Bạn phải làm cho người ta biết Kitô hữu còn yêu thương cả kẻ thù nghịch của mình. Nhận biết Thiên Chúa mà chỉ gật đầu một chút thì không đủ. Kitô hữu còn phải chấp nhận sống theo lối sống của Người. [222-227, 229]

- Nhận biết Thiên Chúa là nhận biết sự có mặt của Đấng đã tạo ra chúng ta, đã muốn ta có, đã nhìn ta với tình yêu mến từng giây phút, chúc phúc cho đời ta và gìn giữ đời ta, Đấng nắm trong tay trái đất và tất cả những gì ta yêu thích, dẫn ta đến chỗ hoàn thiện, chờ đợi ta nhẫn nại, muốn ta được mãn nguyện, ước mong ta luôn bên Người.

“Thiên Chúa thật là mẹ ta cũng như thật là cha của ta vậy.” - Chân phước Juliana de Norwich (1342–1413 nhà thần bí Anh)

“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, hãy loại bỏ khỏi con những gì làm con xa cách Chúa. Lạy Chúa là Chúa con, xin ban cho con tất cả những gì lôi kéo con tới Chúa. Lạy Chúa là Chúa con, xin giữ lấy con cho con và hãy ban cho con hoàn toàn cho Chúa.” - Thánh Nicôlas de Flice (1417-1487, nhà thần bí, ẩn tu Thuỵ Sĩ)

“Từ khi tôi biết là có Thiên Chúa, tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống cho Chúa.” - Chân Phước Charles de Foucault (1858-1916, Kitô hữu ẩn tu trong sa mạc Sahara)

35. Chúng ta tin vào 1 Thiên Chúa hay 3 Thiên Chúa?

-  Chúng ta tin vào Một Thiên Chúa, trong Ba Ngôi. “Thiên Chúa không đơn độc, nhưng hiệp thông trọn vẹn với nhau” Đức Bênêđictô XVI, 22/5/2005. [232-236, 249-256, 261, 265-266]

- Kitô hữu không cầu nguyện với Ba Chúa khác nhau nhưng chỉ một Chúa duy nhất thôi, Người là Ba Ngôi và chỉ là một Chúa thôi. Ta biết được Thiên Chúa là Ba Ngôi nhờ Chúa Giêsu Kitô, Người là Con và nói về Cha Người ở trên trời (Tôi với Cha chỉ là một, Ga 10,30). Người cầu nguyện Cha và ban cho ta Thánh Thần là Tình Yêu giữa Cha và Con. Vì thế, chúng ta được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. (Mt 28,19)

? Ba Ngôi: Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất nhưng Người lại là ba ngôi. Khi muốn chú ý đến việc chỉ có một Chúa, ta dùng Thiên Chúa ba ngôi; khi muốn nói đến ba ngôi vị khác nhau, ta dùng Thiên Chúa là ba ngôi vị chứ không phải Thiên Chúa có ba ngôi. Ta thấy khó có thể diễn tả mầu nhiệm này.

“Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi, một ngôi yêu, một ngôi được yêu và một ngôi là nguồn mạch của tình yêu.” - Thánh Augustinô

36. Chúng ta có thể nhờ suy đoán mà kết luận rằng Thiên Chúa là Ba Ngôi không?

- Không. Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn ta. Ta chỉ biết được nhờ Chúa Kitô dạy cho. [237]

- Chỉ dùng trí khôn mà thôi con người không thể kết luận là có Thiên Chúa Ba Ngôi được. Tuy nhiên mầu nhiệm này không tuột khỏi lý trí khi con người đón nhận Mặc Khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô. Nếu Thiên Chúa là cô đơn và cô độc thì Thiên Chúa không thể yêu thương từ thuở đời đời được. Nhờ Chúa Giêsu soi sáng, ta có thể thấy những dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi ngay trong Cựu ước (chẳng hạn St 1,2; 18,2; 2 S 23,2) và ngay cả trong vạn vật.

37. Tại sao lại gọi Thiên Chúa là “Cha”?

- Ta tôn vinh Thiên Chúa là Cha, trước hết vì Người là Đấng Sáng Tạo, và hằng yêu thương săn sóc các thụ tạo của Người. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã dạy ta điều đó, hơn nữa, còn coi Cha Người như là Cha chúng ta, và dạy ta thưa với Người "Lạy Cha chúng con." [238-240]

- Nhiều tôn giáo có trước Kitô giáo đã gọi Thiên Chúa là “Cha”. Ở Israel, trước Chúa Giêsu, người ta đã thưa với Thiên Chúa là Cha (Đnl 32,6; Ml 2,10) và biết rằng Thiên Chúa cũng là Mẹ (Is 66,13). Theo kinh nghiệm loài người, cha mẹ được coi như nguồn gốc và quyền bính để con cái được nương tựa và nâng đỡ. Chúa Giêsu Kitô biết Thiên Chúa là Cha thật như thế nào: Ai thấy Ta là thấy Cha (Ga 14,9). Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, Chúa Giêsu thể hiện những khát vọng sâu xa nhất của con người đối với Cha hay thương xót. → 511-527

“Việc nhớ đến người cha soi sáng căn tính sâu xa nhất của con người: ta bởi đâu mà ra, ta là ai và phẩm giá cao quý của ta. Chắc chắn ta bởi cha mẹ mà có và ta là con của các ngài, nhưng ta cũng bởi Chúa mà có, Chúa đã tạo dựng ta theo hình ảnh của Người và cũng đã kêu gọi ta là con của Chúa. Vì thế, nguồn gốc của mọi con người không do bất ngờ hoặc tình cờ, mà do dự định của tình yêu Thiên Chúa. Đó là một điều mà Chúa Giêsu Kitô Đấng là Thiên Chúa và là người hoàn hảo đã mặc khải cho ta. Người biết Người bởi ai mà có và bởi ai mà tất cả chúng ta có: bởi tình yêu của Cha Người và Cha của chúng ta.” - Đức Bênêđictô XVI, 9-7-2006

38. Chúa Thánh Thần là Ai?

-  Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba trong Ba Ngôi. Người là Thiên Chúa và chia sẻ cùng một uy quyền như Ngôi Cha và Ngôi Con. [243-248, 263-264]

- Khi ta khám phá ra thực tại về Thiên Chúa trong ta, là ta nhờ ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa đã sai Thần khí của con mình đến trong lòng ta (Gl 4,6) để nghe lời ta đầy đủ. Trong Chúa Thánh Thần, một Kitô hữu được một niềm vui sâu xa, một sự bình an bên trong và tự do. Thần khí mà anh em đã lãnh nhận được đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên “Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Trong Chúa Thánh Thần mà ta lãnh nhận khi được rửa tội và thêm sức, ta có thể nói với Thiên Chúa: “Cha ơi”. → 113-120, 203-207, 310-311

“Xin Chúa Thánh Thần Đấng sáng tạo đến thăm chúng con. Xin soi sáng tâm hồn con cái của Người. Xin đổ tràn đầy lòng chúng con ân sủng và ánh sáng. Người là Đấng tạo dựng mọi sự bằng tình yêu.” - Thánh Raban Mawr, Ca vịnh Veni Greator, thế kỷ IX

39. Chúa Giêsu có phải là Thiên Chúa không? Người có thuộc về Ba Ngôi không?

-  Đức Giêsu Nazareth là Ngôi Con, Ngôi thứ Hai trong Ba Ngôi mà chúng ta kể tới khi làm dấu Thánh giá: "Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19). [243-260]

- Hoặc Chúa Giêsu là kẻ lừa bịp khi Người tự giới thiệu là Chủ ngày Sabbat và cho phép người ta gọi Người là Chúa; hoặc Người là Thiên Chúa thật. Giả sử Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa, thì người đã mắc tội phạm thánh khi người tha thứ tội lỗi. Tội này là tội đáng phải chết, trước mắt những người đương thời. Nhờ các phép lạ và các dấu hiệu, đặc biệt là Người đã sống lại, mà các môn đệ khám phá ra ai thật sự là Chúa Giê su và họ tôn thờ Người như Chúa. Đó là Đức tin của Hội Thánh.

 Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. - Ga 13,13

 Vì dưới gầm trời này không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ. - Cv 4,12

40. Thiên Chúa có thể làm bất cứ việc gì không? Người có Toàn năng không?

-  Đối với Thiên Chúa, không có gì Người không làm được (Lc 1,37). Người là Đấng toàn năng. [268-278]

- Ta tin là Thiên Chúa Toàn năng nên mới kêu cầu Người khi cần thiết. Người đã từ không mà tạo dựng vũ trụ. Người là chủ lịch sử, điều khiển mọi loài. Nhưng cách Người tự do sử dụng quyền toàn năng của Người là một mầu nhiệm. Người ta thường đặt câu hỏi: “Vậy Thiên Chúa ở đâu”” Người dùng Tiên tri Isaia để trả lời: Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng các ngươi, và đường lối của Ta không phải đường lối các ngươi (Is 55,8). Có khi Người chỉ tỏ quyền toàn năng khi nào con người đã hết hy vọng. Người bất lực vào Thứ Sáu Tuần Thánh là để Người sống lại vinh hiển. → 51, 478, 506-507

 Tôi biết Chúa của chúng ta Người thật lớn lao, vượt trên mọi thần. Hễ muốn gì Người làm nấy, trên trời dưới đất, trong biển và tất cả các vực thẳm. - Tv 135,5-6

 Abba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự. - Mc 24,36

 Quả thế, những gì có trong vạn vật, Người đều yêu mến, Người không nhờm tởm sự gì Người đã làm ra, vì Người nắn nên gì, Người không ghét bỏ. - Kn 11,24

41. Khoa học có làm cho Đấng Tạo Thành ra dư thừa không?

- Không. Nói rằng "Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ" không phải là một câu nói dựa vào một thứ khoa học đã lỗi thời. Đó là câu nói theo thần học, nghĩa là câu nói xác định địa vị của vũ trụ trước Thiên Chúa và xác định vũ trụ có nguồn gốc do Thiên Chúa. [282-289]

- Tường thuật về cuộc sáng tạo không phải để giải nghĩa theo khoa học về khởi đầu của thế giới. “Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới” đó là một quả quyết thần học trong đó nói đến vấn đề tương quan giữa thế giới và Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn có thế giới, người theo dõi thế giới và muốn đưa thế giới đến chỗ hoàn thành. Được sáng tạo đó là một đặc tính gắn liền với mọi vật và là một chân lý sơ đẳng về mọi vật.

42. Có thể vừa chấp nhận thuyết tiến hoá, vừa tin vào Đấng Tạo Thành không?

-  Được. Dù nó khác nhau trong nhận thức. Đức tin mở rộng cho khoa học đưa ra những tìm kiếm và những giả thuyết. [282-289]

- Thần học không có thẩm quyền về khoa học, cũng như khoa học không có thẩm quyền về thần học. Khoa học không thể dứt khoát từ chối về chủ đích có trong quá trình tiến hoá của vạn vật. Ngược lại, đức tin không thể xác định về phương pháp mà quá trình tiến hóa của thiên nhiên được thực hiện cụ thể. Một Kitô hữu có thể tán thành lý thuyết khoa học về tiến hoá xét như là lý thuyết giải nghĩa hữu ích, nhưng trong giới hạn lý thuyết đó không rơi vào sai lầm của chủ nghĩa tiến hóa cho rằng con người là sản phẩm ngẫu nhiên do quá trình sinh học tạo ra. Lý thuyết tiến hóa chỉ đưa ra trước “một cái gì đó” đang tiến hoá, nhưng không nói chút nào về cái gì đó “do đâu mà có”. Không thể dùng cách khéo léo của khoa học để trả lời những vấn đề liên quan đến ý nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ, của con người. Cũng như người theo thuyết “duy tiến hoá lý tưởng”, người theo lý thuyết duy sáng tạo cũng vượt ra khỏi giới hạn có thể được chấp nhận. Người theo thuyết duy sáng tạo hiểu các con số và các niên hiệu mà Kinh Thánh nói đến theo nghĩa đen một cách ngây ngô (chẳng hạn tuổi của trái đất hoặc việc sáng tạo trong 6 ngày).

? Thuyết duy sáng tạo: Thuyết này cho rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào một lúc rõ rệt để sáng tạo thế giới một cách trực tiếp và chỉ cần một lần, theo nghĩa đen của bài tường thuật về sáng tạo của sách Sáng thế.

? Tiến hoá là sự tăng trưởng của các cơ nâng tiến đến hình thức nhất định của chúng trong thời gian hàng triệu năm. Theo quan điểm của Kitô giáo, ta có thể coi tiến hoá như sự sáng tạo liên tục của Thiên Chúa có mặt trong tiến trình của thiên nhiên.

“Không nhà bác học nào có được dù chỉ là một lý lẽ để có thể phản biện lại các quan niệm về một Đấng sáng tạo như thế.” - Hoimar von Ditfurth (1921-1989, chuyên viên Đức về khoa học).

43. Thế giới này có phải là sản phẩm của “ngẫu nhiên” không?

- Không. Chính Thiên Chúa chứ không phải ngẫu nhiên, là nguồn gốc của thế giới. Dù trong nguồn gốc, dù trong trật tự nội tại, dù trong cùng đích, thế giới không phải là kết quả của những lực tác động “không có định hướng”. [295-301, 317-318, 320]

- Các Kitô hữu tin rằng có thể đọc được ở cuộc sáng tạo như đọc ở sách viết tay của Thiên Chúa. Với các nhà khoa học trình bày toàn bộ vũ trụ như phát sinh do ngẫu nhiên chứ không có ý nghĩa, không có mục đích gì, Đức Gioan Phaolô II đã trả lời vào năm 1985 rằng: “Nói là do tình cờ đã phát sinh ra một vũ trụ có tổ chức bao gồm nhiều yếu tố rất phức tạp và có một chủ đích tuyệt vời trong sinh hoạt của nó, nói như thế có nghĩa là từ chối đi tìm một giải nghĩa về vũ trụ như vũ trụ xuất hiện trước chúng ta. Thực sự nói như vậy không khác gì là chấp nhận rằng có hiệu quả mà không có nguyên nhân. Nó chứng tỏ trí tuệ loài người đã đầu hàng khi từ chối suy tư để tìm ra giải đáp cho các vấn đề của mình.” → 49

“Sự chính xác phi thường của tiến trình “big bang” có thật là kết quả của ngẫu nhiên không? Ý tưởng thật vô lý!” - Walter Thirring (1927-, nhà Vật lý học Áo).

“Chúng ta không phải là sản phẩm của tình cờ ngẫu nhiên và không được định hướng đến tiến hóa. Mỗi người chúng ta là kết quả của tư tưởng thần linh. Mỗi người được muốn, được yêu, mỗi người đều có ích.” - Đức Bênêđictô XVI, 28-4-2005

44. Ai sáng tạo thế giới?

- Một mình Thiên Chúa, Đấng không lệ thuộc thời gian và không gian, đã sáng tạo thế giới từ "không", và đã cho mọi sự được hiện hữu. Mọi vật hiện hữu đều lệ thuộc vào Thiên Chúa, chúng chỉ tiếp tục được hiện hữu vì Thiên Chúa muốn chúng như vậy. [290-292, 316]

- Việc sáng tạo thế giới có thể gọi là “công trình chung” của Ba Ngôi. Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo, Đấng Toàn Năng. Chúa con cho thế giới có một ý nghĩa, Người là trái tim của thế giới. Mọi sự được dựng nên bởi Người và cho Người (Cl 1,16). Chỉ học biết Chúa Kitô ta mới hiểu tại sao thế giới là tốt lành. Ta hiểu rằng thế giới tiến tới một mục đích: là sự thật, sự tốt, sự đẹp của Chúa. Chúa Thánh Thần đảm bảo cho tất cả được gắn bó với nhau; Người là Thần khí làm cho sống (Ga 6,63).

 Chính Chúa dựng nên vũ trụ; và do ý Người muốn mọi loài liền có và được dựng nên. - Kn 4,11

“Nhờ quan sát và suy nghĩ về sự sắp đặt hoàn hảo của vũ trụ do khôn ngoan của Chúa tổ chức, có ai mà không ca ngợi Đấng toàn năng làm chủ công trình đó.” - Nhà khoa học Nicolas Copernic (1473-1543)

“Các cây cối và các vì sao dạy cho bạn điều mà không thầy dạy nào có thể dạy cho bạn.” - Thánh Bernard de Clairveaux (1090-1153, sáng lập viên thứ hai của dòng Cisterciens)

45. Luật tự nhiên và hệ thống tự nhiên của mọi vật cũng do bởi Thiên Chúa sao?       

-  Đúng. Luật tự nhiên và hệ thống tự nhiên của mọi vật cũng do Thiên Chúa sáng tạo. [339-346, 354]

- Con người không phải là hoàn toàn muốn làm sao cũng được. Con người được dựng nên theo trật tự và theo các luật tự nhiên mà Chúa đã ghi khắc trong thụ tạo. Một Kitô hữu không chỉ làm “cái gì mình muốn” mà thôi. Họ biết rằng họ sẽ làm hại chính mình và mọi người chung quanh khi họ không tuân giữ các luật tự nhiên, khi họ sử dụng mọi sự trái với những gì đã dự liệu trước và khi họ muốn tự coi mình khôn ngoan hơn Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả. Muốn tự mình cho rằng mọi sự khởi đi từ số không, đó là vượt quá sức lực của con người.

46.  Tại sao sách Sáng thế mô tả sự sáng tạo như là “công trình 6 ngày”?

-  Đây là cách nói nhằm đề cao ngày nghỉ cuối tuần sau 6 ngày làm việc (St 1,2-3). Nó còn diễn tả rằng sự sáng tạo thật là tốt lành, đẹp đẽ, và được sắp xếp thật khôn ngoan. [337-342]

- Từ cách nói tượng trưng là Chúa tạo dựng trong 6 ngày, ta có thể rút ra những yếu tố căn bản sau đây:

1/ Mọi vật đang hiện hữu là do Đấng Tạo Hoá ban cho hiện hữu.
2/ Mỗi thụ tạo có cái tốt lành của nó.
3/ Cả những gì đã trở nên xấu cũng đều có một cái nhân tốt lành.
4/ Tất cả mọi thụ tạo đều tùy thuộc vào nhau, và hiện hữu cho nhau.
5/ Trật tự và hòa hợp nơi vạn vật là phản ánh sự tốt đẹp của Chúa.
6/ Có một cấp bậc nơi vạn vật: con người vượt trên con vật, con vật vượt trên cây cối, cây cối vượt trên các vật vô sinh.
7/  Thụ tạo đang tiến bước tới ngày đại lễ, khi Chúa Kitô sẽ đến chinh phục vũ trụ, và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự. → 362

? Sáng thế là sách đầu tiên của Kinh thánh diễn tả việc sáng tạo thế giới và sáng tạo loài người.

“Đừng tưởng rằng Thiên Chúa muốn cấm ta yêu thế giới. Không, ta phải yêu thế giới vì tất cả những gì trong thế giới đều đáng ta yêu mến.” - Thánh Catarina Sienna (1347-1380), nhà thần bí và tiến sĩ Hội Thánh

47. Tại sao Thiên Chúa lại nghỉ việc vào ngày thứ Bảy?

-  Thiên Chúa nghỉ việc vào ngày thứ Bảy để ta chú ý rằng việc sáng tạo đã hoàn thành, nó vượt xa mọi cố gắng của loài người. [349]

- Dù con người là đối tác trưởng thành hơn của Đấng Sáng Tạo (St 2,15) con người không thể nào cứu vãn thế giới nhờ sự khéo léo của sức lực riêng mình. Mục tiêu của tạo vật là tiến tới một trời mới đất mới (Is 65,17) nhờ công cuộc cứu chuộc đã ban cho chúng ta. Việc nghỉ ngày Chúa nhật cho ta được nếm trước cuộc nghỉ ngơi trên trời, nó vượt thắng thời kỳ phải lao động là thời kỳ chuẩn bị cho cuộc nghỉ đó. → 362

48. Thiên Chúa có ý định gì khi sáng tạo thế giới?

-  Thiên Chúa dựng nên thế giới vì vinh danh Người (CĐ Vatican I). [293-294, 319]

- Lý do của sáng tạo không phải là gì khác ngoài tình yêu. Từ việc sáng tạo này phản chiếu lên vinh quang và danh dự của Thiên Chúa. Ca tụng Thiên Chúa không cốt tại vỗ tay hoan hô Chúa. Dù sao con người không phải là khán giả xem công trình sáng tạo. Ca tụng Thiên Chúa đối với họ là hiệp cùng với tất cả vạn vật để chấp nhận sự có mặt của mình với lòng biết ơn. → 489

“Đấng đã làm nên bạn cũng biết rằng Người làm nên bạn để làm gì.” -  Thánh Augustinô

“Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, mà con người được sống là để có thể nhìn thấy Thiên Chúa.” - Thánh Irênê thành Lyon

Thiên Chúa quan phòng

49. Thiên Chúa có điều khiển thế giới và đời sống tôi không?

-  Có, nhưng cách mầu nhiệm; Thiên Chúa điều khiển mọi sự trong trời đất cho đến khi chúng hoàn thành theo đường lối của Người mà chỉ mình Người biết. Không lúc nào, Người để cho các tạo vật Người đã dựng nên lại vượt ra khỏi bàn tay Người. [302-305]

- Thiên Chúa tác động lên các biến cố lớn của lịch sử cũng như trên các biến cố nhỏ của cuộc đời riêng ta, mà không hạn chế tự do của ta hoặc coi ta như những con rối bù nhìn trong kế hoạch đời đời của Người. “Chính ở nơi Người mà ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Thiên Chúa có mặt nơi tất cả mọi thăng trầm của đời ta, dầu trong biến cố đau khổ hay trong những số phận có vẻ điên rồ. Thiên Chúa cũng muốn viết thẳng trên những đường cong của đời ta. Có cái Người lấy mất và có cái Người ban cho ta, có cái Người dùng để tăng sức cho ta, có cái Người thử thách ta, tất cả đều là hậu quả của việc Chúa Quan Phòng và là những dấu hiệu của ý Chúa muốn. → 43

 Đối với anh em, ngay tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. - Mt 10,30

“Niềm trông cậy vào việc Chúa Quan Phòng là niềm tin vững chắc và sống động mà Thiên Chúa có thể giúp ta và Người sẽ làm cho ta. Người có thể giúp ta, đó là chuyện hiển nhiên vì Người là toàn năng. Người giúp ta chắc chắn đạt hiệu quả vì Người đã hứa trong nhiều đoạn Kinh thánh và Người là Đấng giữ đúng mọi lời hứa.” - Mẹ Têrêsa

50. Con người đóng vai trò nào trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa?

-  Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác vào sự hoàn thành việc sáng tạo. Con người có thể từ chối ý định tốt lành này của Thiên Chúa. Nhưng thật tốt đẹp biết bao khi ta trở thành khí cụ của tình yêu Thiên Chúa. [307-308]

- Con người có thể từ chối ý muốn của Chúa. Nhưng nếu họ trở thành dụng cụ của tình yêu Chúa thì tốt hơn cho họ. Mẹ Têrêsa nói rằng: “Tôi chỉ là cái bút chì nhỏ trong tay Chúa. Mong ước Chúa luôn luôn có thể viết hoặc vẽ những gì Người muốn, và ở những chỗ Người muốn. Khi những gì Người viết hoặc vẽ là tốt đẹp, ta không coi đó là do công của cái bút chì hay do vật liệu được dùng, nhưng là do chính Đấng đã sử dụng nó”. Dù Chúa có hoạt động với ta hoặc nhờ ta, không bao giờ ta được lẫn lộn tư tưởng riêng của ta, chương trình và hành động riêng của ta, với hoạt động của Chúa. Chúa không cần việc làm của ta, đến nỗi nếu ta không làm thì Chúa phải chịu thất bại.

“Có cái không đi vào chương trình của tôi cũng vẫn có chỗ trong chương trình của Thiên Chúa. Và tôi càng ý thức về điều đó, tôi thấy xác tín mạnh mẽ về đức tin càng lớn hơn: theo quan điểm của Thiên Chúa, không có gì là tình cờ cả.” - Thánh nữ Edith Stein (1891-1942, Kitô hữu Do Thái, triết gia và nữ tu dòng kín, nạn nhân trại tập trung)

51.  Nếu Thiên Chúa biết mọi sự và có thể làm được mọi sự, tại sao Người không ngăn cản được sự dữ?

-  Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt lành từ những sự dữ. Chẳng một đau khổ nào ta có thể giải mã được. Nhưng nó vẫn luôn đặt nền tảng trên sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa (Thánh Tôma Aquinô). [309-314, 324]

- Sự dữ trong thế gian là một mầu nhiệm vừa đen tối vừa khổ đau. Đấng chịu đóng đinh thập giá đã xin với Cha Người: Lạy Cha, sao Cha bỏ con? (Mt 27,36). Nhiều chuyện trong lĩnh vực này vẫn còn khó hiểu. Nhưng ta biết được một điều chắc chắn: Thiên Chúa luôn tốt lành một trăm phần trăm. Không khi nào Người có thể là tác giả của những cái xấu. Chúa đã dựng nên một thế giới tốt, nhưng chưa được hoàn thành. Thế giới đi tới chỗ hoàn thành phải trải qua những xáo trộn dữ dội và những quá trình đau khổ. Ta cần phân biệt cho tốt hơn cái mà Hội Thánh gọi là sự dữ thể lý, chẳng hạn khuyết tật bẩm sinh, hoặc thiên tai lũ lụt, với cái goi là sự dữ luân lý phát xuất do con người sử dụng tự do sai lầm trong thế gian. “Hoả ngục trần gian” - trẻ em làm lính, mưu sát - tự sát, trại tập trung - hầu hết đều là do con người. Vấn đề quyết định không phải là: “Làm sao có thể tin được là Thiên Chúa tốt lành đang khi có biết bao sự dữ như vậy?”, nhưng là: “Làm sao con người có trái tim và lý trí lại có thể đành chịu sống trong thế giới như vậy, nếu không có Thiên Chúa?”. Cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu chứng tỏ cho ta rằng sự dữ không có tiếng nói đầu tiên và nó sẽ không có tiếng nói cuối cùng (nghĩa là nó không phải tuyệt đối mà còn có cái khác nữa). Bởi vì Thiên Chúa làm cho từ sự dữ xấu xa nhất nảy sinh ra sự tốt lành tuyệt đối. Kitô hữu tin rằng đến ngày phán xét chung Thiên Chúa sẽ chấm dứt mọi bất công. Trong đời sống mai sau, sự dữ không còn nữa và đau khổ sẽ chấm dứt. → 40, 286-287

 Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. - Rm 8,18

 Thiên Chúa thấy mọi sự Người sáng tạo: mọi sự đều rất tốt đẹp. - St 1,31

“Không đau khổ nào mà không mang một ý nghĩa. Đau khổ luôn luôn có nền móng nơi sự khôn ngoan của Chúa.” - Thánh Tôma Aquinô

“Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn và mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới mê ngủ.” - Clive Staples Lewis (1898-1963, văn sĩ Anh, tác giả cuốn Ký sự Namia)

Thiên Chúa tạo dựng Trời đất và những vật vô hình

52. Trời là gì?

-  Trời là nơi Thiên Chúa ngự, là chỗ ở của các Thiên thần và các thánh, là đích điểm của việc sáng tạo. Thuật ngữ "trời đất" nói đến toàn thể những thực tại được Thiên Chúa dựng nên.

- Trời không phải là một nơi nhất định nào đó trong vũ trụ. Trời là một tình trạng trong cuộc sống mai sau. Trời là nơi Chúa thực thi ý muốn của Người mà không có gì chống đối. Trời là nơi có cuộc sống mãnh liệt nhất, hạnh phúc nhất, một cuộc sống không thể có được ở trần gian. Khi nhờ on Chúa giúp ta được về trời, ta chờ đợi ở đó điều mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng chưa hề cảm biết, tất cả những gì Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người (1 Cr 2,9). → 158, 285

(Chú thích của người dịch: Cựu ước chỉ nói về vườn địa đàng (St 2,15); Tin Mừng chỉ nói về trời với nghĩa nơi có Thiên Chúa và các Thánh, và một lần nói về “người trộm lành được ở trên Thiên Đường” (Lc 23,42). Thiên Đường ở đây có nghĩa “Nước của Người, Nước Trời, hay Trời”).

“Tất cả những gì không vĩnh cửu đều không có giá trị gì trong nơi vĩnh cửu cả.” - C.S. Lewis

“Chúng ta luôn nhớ đến niềm vui trên trời, nơi Thiên Chúa ngự. Chúng ta có khả năng ngay từ bây giờ ở với Chúa trên trời, và ngay lúc này được hưởng hạnh phúc với Chúa. Tuy nhiên, hưởng hạnh phúc với Chúa ngay lúc này có nghĩa là: giúp đỡ như Người giúp đỡ, cho đi như Người cho đi, phục vụ như Người phục vụ, cứu vớt như Người cứu vớt, yêu thương như Người yêu thương, ở với Người suốt 24/24 tiếng đồng hồ và gặp gỡ Người dưới tấm áo kinh khủng nhất. Vì Người đã nói với ta: Điều mà bạn đã làm cho người bé nhỏ nhất của Ta, đó là đã làm cho chính ta vậy.” - Mẹ Têrêsa

“Chúa Giêsu đã đến để cho ta biết rằng Người muốn mọi người được ở thiên đường, và hoả ngục mà ngày nay người ta ít nói đến là có thật, và hoả ngục là vô tận cho những ai đóng của lòng mình với tình yêu của Người.” - Đức Bênêđictô XVI, 8-5-2007

53. Hoả ngục là gì?

-  "Hoả ngục", theo đức tin của chúng ta, là tình trạng con người phải dứt khoát chia cách với Thiên Chúa. Khi ai thấy rõ tình yêu nhờ đối mặt với Thiên Chúa, nhưng họ lại từ chối, không muốn được ở trong Tình yêu ấy, đó là họ đã chọn hỏa ngục. [1033-1036]

- Chúa Giêsu biết hoả ngục và nói về nó như những nơi tối tăm bên ngoài (Mt 8,12). Theo quan niệm thời nay người ta nói đến một hoả ngục lạnh hơn là nóng. Dựa vào sự rùng mình vì rét lạnh người ta gợi đến một tình trạng hoàn toàn tê cóng đờ đẫn và hoàn toàn tuyệt vọng không còn mong được ai giúp đỡ, làm giảm nhẹ, đem niềm vui và an ủi trong suốt đời. →161-162

“Cuối cùng sẽ chỉ còn hai nhóm người đứng trước mặt Thiên Chúa, những người thưa với Chúa rằng: “Vâng ý Cha”; và những người mà Chúa bảo rằng: “Ý con được vâng theo”. Tất cả những ai ở hỏa ngục là do họ tự ý chọn lựa chỉ theo ý mình.” - C.S. Lewis

54. Thiên thần là ai vậy?

-  Thiên thần là các thụ tạo linh thiêng thuần túy của Thiên Chúa, các ngài có trí khôn và lòng muốn như ta, nhưng không có xác như ta, các ngài không thể chết, và thường không ai thấy được. Các Thiên thần hằng sống trước mặt Thiên Chúa, thông truyền cho loài người ý muốn và sự che chở của Thiên Chúa. [328-333, 350-351]

- Đức Hồng y Ratzinger viết: “Thiên thần là như tư tưởng riêng của Thiên Chúa đối với tôi”. Các Thiên thần đồng thời hoàn toàn hướng về Đấng Sáng tạo của các ngài. Các ngài cháy lửa yêu mến và phụng sự Chúa ngày đêm. Lời ca hát ngợi khen của các ngài không bao giờ ngừng. Trong Kinh Thánh, các Thiên thần đã sa ngã được gọi là thần dữ hay ma quỷ.

 Vì ngươi Người ra lệnh cho các Thiên thần để gìn giữ ngươi trên mọi lối ngươi đi, các ngài sẽ nâng ngươi lên kẻo chân ngươi vấp nhầm phải đá. - Tv 91, 11-12

“Mỗi tín hữu có một Thiên thần ở bên cạnh để che chở và dẫn dắt trên đường dẫn tới sự sống đời đời.” -  Thánh Basiliô cả (330-379, tiến sĩ Hội Thánh)

55.  Ta có thể giao tiếp với các Thiên thần không?

- Có. Chúng ta có thể kêu xin các Thiên thần giúp đỡ và xin các ngài chuyển cầu cho ta trước mặt Thiên Chúa. [334-336, 352]

- Chúa còn ban cho mỗi người một thiên thần bản mệnh hay hộ thủ nữa. Cầu nguyện các thiên thần bản mệnh cho mình và cho người khác là việc tốt lành và hợp lý. Các thiên thần cũng có thể tự làm cho ta nhận ra sự có mặt của ngài trong đời ta là một Kitô hữu bằng cách theo giúp đỡ ta, hoặc báo tin cho ta. Các thứ tà thần bí hiểm thì không liên can gì tới đức tin cả.

Thiên Chúa dựng nên con người

56. Con người có một chỗ đặc biệt trong việc sáng tạo của Thiên Chúa không?

-  Có. Con người là chóp đỉnh của việc sáng tạo, vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). [343-344, 353]

- Việc tạo dựng con người khác biệt rõ ràng với việc tạo dựng các sinh vật khác. Con người là một ngôi vị, nghĩa là có ý muốn và trí khôn có thể quyết định yêu hay không yêu.

 Khi tôi trông lên trời, ngón tay Người đã làm ra, trăng sao vằng vặc Người đã định chỗ. Thì phàm nhân là gì để Người nhớ đến, hay con người là gì để Người phải bận tâm. So với Thần linh, Người không để thua mấy tí, vinh dự huy hoàng là triều thiên Người ban tặng. - Tv 8,4-6

“Mọi thụ tạo trên trái đất đều cảm giác như ta. Mọi vật đều khát khao hạnh phúc như ta. Mọi vật cũng yêu, đau khổ và chết như ta, tất cả đều là công trình của Đấng sáng tạo toàn năng, cũng giống như ta, tất cả là chị em của ta.” - Thánh Phanxicô Assisi

57. Con người phải đối xử với loài vật và các vật khác thế nào?

- Con người cần tôn vinh Thiên Chúa nơi các thụ tạo của Người, và cư xử với chúng cách ân cần và có trách nhiệm. Con người, con vật, và cây cỏ, có cùng một Đấng Tạo Hoá, Người đã dựng nên mọi loài bởi Tình yêu Người. Vì vậy, yêu thương các loài vật là tình cảm rất thâm sâu của con người. [344-354]

- Con người được phép dùng cây cỏ và loài vật để nuôi sống mình. Tuy nhiên, không được phép hành hạ và ngược đãi chúng. Khai thác trái đất một cách mù quáng là đối nghịch với phẩm giá của thụ tạo.

58. Con người được dựng nên theo "hình ảnh Thiên Chúa" nghĩa là gì?

-  Nghĩa là, con người không như các loài vô hồn, đất đá, cây cỏ, con vật. Con người có phần linh thiêng. Nhờ đặc tính linh thiêng, con người được gần gũi với Thiên Chúa hơn các thụ tạo hữu hình khác, và chỉ riêng con người có thể nhận biết Đấng tạo dựng nên họ và có thể yêu mến Người. [355-357, 380]

- Con người không phải một sự vật, mà là một người. Cũng như ta nói Thiên Chúa là một ngôi vị thì Ta cũng nói con người là ngôi vị. Một người có thể suy tư vượt ra khỏi phạm vi sát kề mình, và đo kích thước bao la của mọi vật hiện hữu. Họ cũng có thể lùi lại để đánh giá nghiêm chỉnh và tác động trên chính họ. Họ có thể coi người khác như những ngôi vị, khám phá phẩm giá của họ và yêu thương họ. Trong các thụ tạo hữu hình, chỉ một mình con người là có thể nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng nên mình (Vatican II, Gaudium et Spes 12,3). Vì thế, con người được dựng nên để sống tình nghĩa với Thiên Chúa (Ga 15,15).

 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra và họ biết Thiên Chúa. - 1 Ga 4,7

“Hãy nhìn nhận rằng bạn là hình ảnh của Thiên Chúa và hãy xấu hổ vì đã bao bọc nó bằng một hình ảnh xa lạ.” - Thánh Bernard de Clairvaux

59. Tại sao Thiên Chúa dựng nên con người?

-  Thiên Chúa dựng nên tất cả là vì con người, con người là “thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (Gaudium et Spes 24,3), Người dựng nên họ để họ được hạnh phúc nếu họ nhận biết, yêu mến, phục vụ Thiên Chúa, sống trong niềm biết ơn Đấng dựng nên mình. [358]

- Lòng biết ơn là ghi nhớ về tình yêu của Thiên Chúa. Người biết ơn thì tự nguyện quay về với người ban ơn và đi vào trong hiệp thông mới và sâu sắc hơn với người ban ơn. Thiên Chúa muốn ta ghi nhớ tình yêu của Người, và ngay bây giờ ta sống đời ta trong hiệp thông với Thiên Chúa, mãi mãi.

“Bạn hãy canh chừng tất cả những niềm vui nào không đồng thời là lòng biết ơn.” - Theodor Haecker (1879-1945, văn sĩ Đức)

“Nếu lời kinh duy nhất của đời bạn cốt tại thưa rằng: “Con xin cám ơn Chúa” chắc như thế là đủ rồi.” - Maître Eckhart (1260-1328, dòng Đaminh, nhà thần bí)

“Việc cám ơn được nâng đỡ bởi đức tin có thể đi sâu vào cả những gì là nặng nhọc đau buồn và chừng nào được như vậy thì mọi sự có thể biến đổi.” - Romano Guardini (1885-1968, Công giáo Đức, gốc Ý, triết gia về tôn giáo)

60.  Tại sao Chúa Giêsu lại là mẫu gương tuyệt vời nhất thế giới?

- Vì Chúa Giêsu Kitô là Đấng duy nhất không những đã tỏ cho chúng ta biết bản tính thật của Thiên Chúa, mà còn tỏ ra lý tưởng đích thật của con người. [358-359, 381]

- Chúa Giêsu còn hơn là một con người lý tưởng rất nhiều. Ngay cả những người khác thường thì bề ngoài cũng là tội nhân. Do đó, không ai có thể là gương mẫu tuyệt đối cho con người. Còn Chúa Giêsu không có tội lỗi. Thân phận loài người là gì và cái làm cho con người vô cùng đáng yêu theo đúng nghĩa của nó, ta chỉ thấy nơi Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Người đã gặp mọi thử thách trừ tội lỗi (Dt 4,15), Chúa Giêsu con Thiên Chúa, là một người chính hiệu và có thật. Nơi Người, ta khám phá được Thiên Chúa đã muốn con người thế nào.

 Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, Con đầu lòng của mọi thụ tạo vì nhờ Người mà mọi vật được tạo thành… tất cả đều được tạo dựng bởi Người và cho Người. - Cl 1,15-16

 “Ecce Homo”, Đây là người (Ga 19,5). Philatô dùng những lời đó để giới thiệu Chúa Giêsu đã bị tra tấn hành hạ và đội mũ gai, cho dân chúng.

“Chúa đã trở nên người như ta để có thể làm cho ta giống như Người.” - Thánh Atanasiô cả (295-393), giáo phụ

61.  Do đâu mọi người bình đẳng với nhau?

- Mọi người đều bình đẳng với nhau, vì họ có cùng một nguồn gốc, trong Tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Mọi người đều có cùng một Đấng Cứu chuộc là Chúa Giêsu Kitô. Mọi người đều có thể tìm kiếm và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Thiên Chúa. [360-361]

- Mọi người đều là anh chị em với nhau. Kitô hữu không được chỉ liên đới với các Kitô hữu khác nhưng với tất cả mọi người để chiến đấu mạnh mẽ chống các thứ chia rẽ vì kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, kỳ thị kinh tế trong gia đình nhân loại. →  280, 517

 Hãy mở miệng bênh vực người câm, vì quyền lợi của mọi kẻ bị bỏ rơi. - Cn 31,8

62. Linh hồn là gì vậy?

- Linh hồn là cái làm cho ta thành một con người. Nó là nguyên lý linh thiêng của sự sống, và là cái sâu thẳm nhất trong con người. Linh hồn làm cho thể xác vật chất trở nên thân xác sống động của con người. Nhờ linh hồn, con người có thể xác nhận cái "Tôi" của mình, và đứng trước Thiên Chúa như một cá thể không ai thay thế được. [362-365, 382]

- Con người là một hữu thể có xác và hồn. Hồn con người có phận vụ khác hơn phận vụ xác và không thể cắt nghĩa được dựa theo cấu tạo sinh lý của họ. Trí khôn nói cho ta rằng: “phải có một nguyên lý linh thiêng nối kết với xác, mà không vì thế cũng giống y như xác. Ta gọi là “hồn”. Mặc dù không thể dùng khoa học để chứng minh là có linh hồn, tuy nhiên nếu không đếm xỉa tới cái yếu tố linh thiêng làm chủ vật chất này, ta không thể hiểu được rằng con người là một hữu thể linh thiêng. → 153-154,163

“Hãy làm điều gì tốt cho xác bạn, để hồn bạn được vui vẻ ở trong xác.” - Thánh Têrêsa Avila (1515-1582), nhà thần bí Tây Ban Nha, tiến sĩ Hội Thánh

“Con người trở nên thực sự là con người khi hồn và xác hiệp nhất sâu xa với nhau… Nếu con người chỉ muốn là tinh thần và muốn từ bỏ thể xác vì là di sản của sinh vật, thì cả tinh thần lẫn thể xác đều mất hết phẩm giá. Đàng khác, nếu họ muốn từ bỏ tinh thần và coi vật chất, coi thân xác như thực tại duy nhất của mình thôi, thì họ cũng mất giá trị cao cả của mình.” -  Đức Bênêđictô XVI, Deus Caritas est

“Con người không phải con vật cũng không phải thiên thần, và con người muốn làm thiên thần thì rủi thay con người sẽ là con vật (trèo cao té đau).” - Blaise Pascal

63. Do đâu con người có linh hồn?

-  Linh hồn người ta do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên, chứ không phải là "sản phẩm" bởi cha mẹ. [366-368, 382]

- Hồn của con người không thể là sản phẩm do tiến trình biến hóa của vật chất, cũng không phải là kết quả của cha mẹ sinh ra. Mỗi con người sinh ra là một ngôi vị độc nhất và linh thiêng, Hội Thánh giải nghĩa mầu nhiệm này như sau: Thiên Chúa ban cho ta một linh hồn không thể chết được, dù khi ta chết ta phải lìa khỏi xác để chờ khi sống lại xác được nhập lại với ta. Nói “tôi có linh hồn” có nghĩa là “Thiên Chúa không tạo dựng tôi như một sự vật, nhưng như một ngôi vị và mời gọi tôi có quan hệ không ngừng với Người”.

“Nhờ có nguồn gốc từ trái đất, con người được liên kết với mọi sinh vật, nhưng chỉ nhờ có linh hồn do Thiên Chúa “thổi vào” họ mới là người. Điều đó ban cho họ một phẩm giá độc nhất, nhưng đồng thời cũng trao một trách nhiệm độc nhất.” - Hồng y Christoph Schönborn (1945, Tổng Giám mục Áo)

64. Tại sao Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ?

-  Thiên Chúa là Tình Yêu và là khuôn mẫu lý tưởng của đời sống hiệp thông, Người đã dựng nên con người có nam có nữ, để cả hai cùng là hình ảnh của bản tính Người. [369-373, 383]

- Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ để mỗi người ước ao hoàn thành chính mình và đạt tới sung mãn trong việc gặp gỡ với một người khác giới với mình. Người nam và người nữ bình đẳng tuyệt đối với nhau trong phẩm giá, nhưng Đấng Sáng Tạo đã có ý dựng nên có nam có nữ để mỗi bên biểu lộ ra những phương diện khác nhau của sự hoàn hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là nam, không phải là nữ nhưng Người đã tỏ mình ra với những phương diện là Cha (Lc 6,36) và những phương diện là Mẹ (Is 66,13) của Người. Trong tình yêu của người nam và người nữ, nhất là trong hôn nhân đã làm cho cả hai nên một thân xác (Kn 2,24), ta có thể tưởng tượng ra đôi chút về hạnh phúc của sự hiệp nhất với Thiên Chúa, trong đó mỗi người trong chúng ta sẽ thấy trạng thái đầy đủ trọn vẹn cuối cùng của mình. Cũng như tình yêu Thiên Chúa luôn trung thành thì tình yêu con người luôn phải chung thuỷ, theo hình ảnh tình yêu của Chúa, tình yêu đó cũng sáng tạo, vì từ hôn nhân sẽ phát sinh những con người mới.  260, 400-401, 416-417

 Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Người, theo hình ảnh Thiên Chúa, Người tạo dựng họ có nam và nữ. - St 1,27

 Thiên Chúa phán: “Nếu người chỉ có một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó có người trợ giúp xứng đôi với nó.” - St 2,18

“Ta cũng đọc thấy rằng con người không thể ở “một mình” (St 2,18) nó chỉ có thể sống như “một của hai”, nghĩa là có quan hệ với một ngôi vị nữa. Đây là quan hệ hỗ tương, đàn ông đối với đàn bà, và đàn bà đối với đàn ông. Là một ngôi vị giống hình ảnh Thiên Chúa cũng đòi hỏi phải sống có quan  hệ, sống tương quan với một “cái tôi khác”. Đây là báo trước về mặc khải sau này đó là Một Chúa Ba Ngôi, là sự hiệp nhất sống động trong hiệp thông giữa Chúa Cha Chúa con và Chúa Thánh Thần.” - Chân phước Gioan Phaolô II (1920-2005), Giáo hoàng sáng lập ngày giới trẻ thế giới, Tông thư  Mulieris Dignitalem

65.  Người có khuynh hướng đồng tính luyến ái thì sao?

-  Hội Thánh tin rằng, trong trật tự tạo dựng, Thiên Chúa đặt để cho người nam và người nữ cần đến nhau, bổ túc cho nhau, liên kết với nhau để sinh sản con cái. Vì vậy, Hội Thánh không thể chuẩn nhận những thực hành đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, các Kitô hữu phải tôn trọng và yêu thương mọi người, không xét đến khuynh hướng tính dục của họ, vì tất cả mọi người đều được Thiên Chúa tôn trọng và yêu thương. [2358-2359]

- Không một người nào trên trần gian không phải là kết quả của mối quan hệ giữa một người mẹ với một người cha. Thật là kinh nghiệm đau khổ cho một số người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, họ không cảm thấy được lôi cuốn bởi người khác giới, và phải từ chối việc thụ thai theo thể lý bằng quan hệ tình dục phù hợp với bản tính con người và trật tự do Thiên Chúa tạo dựng. Nhưng những đường lối của Chúa thì không biết trước được: một sự thiếu sót, một mất mát hay một vết thương được chấp nhận và đảm nhận có thể trở thành một bàn đạp để gieo mình vào tay Chúa, Đấng luôn làm cho mọi sự tốt hơn và Người còn tự mặc khải như Đấng cứu độ lớn hơn là Đấng Tạo Hoá. → 415

66. Trong kế hoạch, Thiên Chúa có định cho con người phải đau khổ và phải chết không?

- Thiên Chúa không muốn cho con người phải đau khổ và phải chết. Từ khởi thuỷ, Thiên Chúa đã muốn cho con người sống nơi địa đàng, được sống mãi mãi, bình an giữa Thiên Chúa, mọi người, và vạn vật chung quanh. Bình an giữa nam và nữ. [374-379, 384, 400]

- Đôi khi ta cảm thấy làm thế nào cuộc đời được như thế và làm thế nào ta được như thế. Nhưng thực ra, ta sống trong xung đột với chính ta, ta bị thống trị bởi sợ hãi và các đam mê ta không kiểm soát nổi, và ta đã mất sự hoà hợp nguyên thuỷ với thế giới và cuối cùng với Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, kinh nghiệm về sự “tha hoá” này được diễn tả trong câu truyện “sa ngã”. Bởi vì tội lỗi đã lọt vào địa đàng nơi Adam và Eva đang sinh sống hòa hợp với nhau và với Thiên Chúa, nên họ phải ra khỏi địa đàng. Phải vất vả lao động, phải khổ, phải chết và bị cám dỗ bởi tội lỗi, đó là dấu chỉ họ đã mất địa đàng.

“Người ta mất địa đàng, nhưng đã được Thiên đàng, vì vậy được nhiều hơn mất.” - Thánh Gioan Kim Khẩu

“Lạy Chúa, quay đi khỏi Chúa sẽ ngã, quay lại với Chúa sẽ đứng vững, ở lại trong Chúa sẽ chắc chắn được an toàn.” - Thánh Augustinô

Con người sa ngã

67.  Tội là gì?

- Tội là hoàn toàn từ bỏ Thiên Chúa, từ chối không đón nhận Tình yêu Thiên Chúa, khinh thường không giữ giới răn của Thiên Chúa.

- Tội còn hơn là một thái độ lầm lỡ, và cũng không phải chỉ là một yếu đuối tâm lý. Thực ra mọi từ bỏ hoặc phá huỷ điều gì là tốt, xét cho cùng đều là bỏ tốt để chọn xấu, loại bỏ Thiên Chúa vậy. Trong kích thước sâu xa và kinh khủng nhất, tội là xa lìa Thiên Chúa, xa lìa nguồn sống. Vì thế, chết là hậu quả tất nhiên do tội lỗi. Chỉ nhờ Chúa Giêsu ta mới hiểu được kích thước không thể đo được của tội, vì muốn liên đới với loài người đã phạm tội bỏ Chúa, Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì các hậu quả của tội nơi chính thân xác Người. Người đã phải gánh lấy sức mạnh gây chết của tội, để nó không làm hại ta. Đó là tất cả ý nghĩa của “cứu chuộc”. → 224-237, 315-318, 348-468

 Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. - Rm 520

“Điều xấu hơn không phải là phạm tội ác mà là đã không làm những điều tốt mà mình có thể làm. Chính tội bỏ xót không làm chẳng qua là tội không yêu mến, và thường không ai xưng thú tội đó.” - Léon Bloy (1846-1917), văn sĩ Pháp

68. Tội Tổ tông truyền là gì? Tội Tổ tông Ađam Evà có liên hệ gì với chúng ta?

-  Theo nghĩa hẹp, tội là một lỗi liên can đến trách nhiệm cá nhân mỗi người. Khi nói “Tội Tổ tông truyền” không có ý nói đến tội của cá nhân nhưng muốn đề cập đến tình trạng thê thảm mà mỗi người khi vừa được sinh ra thì đã vướng mắc rồi, dù họ chưa hề tự ý phạm một tội nào, nhưng do tổ tông truyền lại. Việc truyền lại này vẫn còn là một mầu nhiệm không thể hiểu trọn vẹn. [388-389, 402-404]

 Con rắn đối đáp lại với bà: “Ngày nào bà ăn trái đó mắt bà sẽ mở ra và bà sẽ nên như những Thiên Chúa.” - St 3,4-5

“Trong sa ngã của Adam và Eva ta phải hiểu rằng mọi người chúng ta đều mang trong mình cái giọt nọc độc của lối suy nghĩ được minh hoạ bằng các hình ảnh trong sách Sáng thế… Con người không tin ở Thiên Chúa. Bị lời lẽ của ma quỷ cám dỗ, họ nuôi nghi ngờ… Thiên Chúa là người cạnh tranh muốn hạn chế tự do của ta và ta sẽ chỉ là con người đầy đủ khi loại bỏ Chúa ra. Con người không muốn đón nhận sự hiện hữu của mình và đời sống sung mãn của mình từ Thiên Chúa… Hành động như vậy họ tin vào sự dối trá hơn là sự thật, và như thế họ nhận chìm đời sống mình vào hư không và vào cái chết.” - Đức Bênêđictô XVI, 8-12-2005

“Một thái độ luân lý trong thế giới chỉ có thể có và đáng khuyến khích khi mà người ta đảm nhận những bẩn thỉu của cuộc đời, đảm nhận trách nhiệm tập thể trong cái chết và tội lỗi. Tóm lại, là đảm nhận toán bộ tội tổ tông truyền và dứt khoát từ bỏ việc chỉ thấy lỗi nơi những người khác.” - Herman Hesse (1877-1962), văn sĩ Đức

69. Vì mắc tội Tổ tông, chúng ta có bị bó buộc phải phạm tội không?

-  Không. Con người dù bị tổn thương nặng bởi tội Tổ tông, và có khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi, nhưng với ơn Chúa giúp, con người có thể làm điều tốt. [405]

- Không khi nào bị bó buộc phải phạm tội. Nhưng thực ra, ta không ngừng phạm tội được là vì ta yếu đuối, không hiểu biết, nên dễ sa chước cám dỗ. Bị bó buộc phải phạm tội thì không có tội, vì chỉ có tội khi ta tự ý phạm.

70. Thiên Chúa kéo chúng ta ra khỏi vòng xoáy của sự dữ thế nào?

- Thiên Chúa không đành nhìn con người dần dần hủy hoại mình và những gì chung quanh mình, do hiệu ứng dây chuyền của tội lỗi. Người gửi đến cho ta Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu rỗi và Đấng Chuộc tội, Người cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi. [410-412, 420-421]

- “Không ai có thể giúp tôi.” Câu này xuất phát từ kinh nghiệm loài người nhưng không đúng nữa. Bất cứ nơi đâu mà con người vì tội lỗi của mình đã phiêu lưu vào, Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người đến. Hậu quả của tội lỗi là cái chết (Rm 6,23). Nhưng hậu quả của tội lỗi cũng là sự liên đới kỳ diệu của Thiên Chúa với ta, Người sai Chúa Giêsu đến với ta như người bạn và Đấng cứu độ. Vì thế, có thể nói tội tổ tông là “tội hồng phúc”: “Ôi tội hồng phúc, tội đã đem lại Đấng cứu độ như thế.” (Phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh)

“Một trong những lý do khiến tôi trở thành Kitô giáo: đó là một tôn giáo không do con người sáng chế ra.” - C.S Lewis



Chương 2: Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa

71.  Tại sao những sách viết về Chúa Giêsu lại gọi là Phúc âm hoặc Tin Mừng?

-  Không có Phúc âm, ta không biết được rằng Thiên Chúa, vì yêu thương ta vô cùng dù ta tội lỗi, nên đã sai Con một xuống trần, để dẫn ta trở về sống trong tình hiệp thông vĩnh cửu với Người. [422-429]

- Những sách viết về Chúa Giêsu đã sống, đã chết và đã sống lại là những tin vui nhất trên thế giới. Ta quen gọi là Tin Mừng hay Phúc Âm. Các sách đó chứng tỏ rằng Chúa Giêsu Nazareth, người Do Thái sinh ở Belem là Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16) đã làm người. Người được Chúa Cha sai đi để mọi người được cứu độ và được hiểu biết sự thật (1 Tm 2,4).

 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tội đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. - Ga 1,14

“Nếu đời sống và cái chết của Socrate là của một người khôn ngoan, thì đời sống và cái chết của Chúa Giêsu là đời sống và cái chết của một Thiên Chúa.” - Jean Jacques Rousseau (1712-1778, văn sĩ Pháp)

72. Tên Giêsu nghĩa là gì?

-  Giêsu, theo tiếng Do thái nghĩa là Chúa cứu chuộc. [430-435, 452]

- Trong Sách Công vụ Tông đồ, Thánh Phêrô nói: “Vì dưới gầm trời này không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ vào danh nào đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Đó là trung tâm của sứ điệp mà các vị truyền giáo loan báo Tin Mừng cho thế giới.

? Trong các hang toại đạo ở Rôma, có một dấu hiệu cổ của Kitô giáo được mã hóa để chỉ Chúa Kitô: chữ ICHTHYS (con cá) nếu đọc theo vần Hy lạp thì thành: Jesus, Christos, Theou (Thiên Chúa), Yios (Con), Soter (cứu thế).

73. Tại sao gọi Đức Giêsu là Kitô?

-  Thuật ngữ “Đức Giêsu là Kitô”, nhằm nói lên tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Đức Giêsu, con bác thợ mộc thành Nazaret, là Đấng Mêsia, Đấng Cứu thế được mong đợi từ lâu. [436-440, 453]

- Chữ Kitô là tiếng Hy Lạp, chữ Mêssia là tiếng Do Thái đều có nghĩa là “được xức dầu”. Ở Do Thái, vua, các tư tế, và các tiên tri đều được xức dầu. Theo các Tông đồ, Chúa Giêsu đã được Chúa Thánh Thần xức dầu (Cv 10,38). Khi theo Chúa Kitô, ta được gọi là Kitô hữu để diễn tả ơn gọi cao quý của ta.

74.  Khi nói Đức Giêsu là "Con một Thiên Chúa" có nghĩa là gì?

-  Khi Đức Giêsu tự giới thiệu mình là "Con một của Thiên Chúa" (Ga 3,16), khi thánh Phêrô và các tông đồ cũng gọi Người như vậy, thì điều này có nghĩa là chỉ một mình Đức Giêsu đích thực là Con trên hết mọi người con. [441-445, 454]

- Trong nhiều đoạn Tân ước (Ga 1,14.18; 1Ga 4,9; Dt 11,7…) Chúa Giêsu được gọi là “Con”. Khi chịu phép rửa và biến hình, tiếng nói từ trời xác nhận Chúa Giêsu là “Con yêu dấu”. Chúa Giêsu mở màn cho các môn đệ biết Người có quan hệ độc nhất với Cha Người trên trời: “Mọi sự Cha Tôi đã giao phó cho Tôi, và không ai biết rõ Người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết rõ Chúa Con trừ Người Cha và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). Khi sống lại, thì thật rõ ràng Chúa Giêsu Kitô thực sự là Con Thiên Chúa.

“Chỉ nói về Chúa Kitô nếu có người đòi hỏi bạn. Nhưng bạn hãy sống thế nào khiến cho người ta đòi hỏi bạn nói về Người.” - Paul Claudel (1868–1955, thi sĩ và nhà viết kịch Pháp)

“Người ta không chỉ trích Chúa Kitô. Người ta chỉ trích các Kitô hữu vì họ không giống như Chúa Kitô.” - Francois Mauriac  (1914-1996, tiểu thuyết gia Pháp)

75. Tại sao Kitô hữu gọi Đức Giêsu là Chúa?

-  Vì chính Đức Giêsu nói: Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa thì thật đúng, vì Ta là như vậy (Ga 13,13). [446-451, 455]

- Đối với các Kitô hữu thời đầu tiên, nói Đức Giêsu là Chúa đó là chuyện hiển nhiên vì biết rằng danh hiệu này trong Cựu ước dùng để chỉ Thiên Chúa. Bằng nhiều dấu hiệu Chúa Giêsu đã tỏ cho họ biết Chúa có một sức mạnh thần linh trên thiên nhiên, trên ma quỉ, tội lỗi và sự chết. Nguồn gốc thần linh của sứ vụ Chúa Giêsu được bày tỏ khi Người sống lại từ cõi chết. Thánh Tôma tuyên bố: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Nếu Chúa Giêsu “là Chúa”, thì Kitô hữu không được quì gối trước một sức mạnh nào khác!

“Ở đâu Thiên Chúa không chiếm chỗ nhất… .ở đó nhân phẩm con người bị đe dọa. Như vậy rất cần hướng dẫn con người thời nay khám phá lại bộ mặt đích thực của Thiên Chúa, được mặc khải cho ta nơi Chúa Giêsu Kitô.” - Đức Bênêđictô XVI, 28-8-2005

76.  Tại sao Thiên Chúa lại nhập thể nơi Đức Giêsu?

-  Kinh Tin Kính Công đồng Nixêa (năm 325) đã dạy: "Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế ". [456-460]

- Thiên Chúa đã giao hòa thế giới với Người và giải thoát con người khỏi tội trong Chúa Giêsu Kitô. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16). Thiên Chúa đã nhận lấy xác phàm phải chết của ta nơi Chúa Giêsu (nhập thể), đã chia sẻ thân phận trần thế, những đau khổ và cái chết của ta và trở nên một người như ta trong hết mọi sự, trừ tội.

“Thiên Chúa quá cao cả đến nỗi Người có thể trở nên bé nhỏ, quá toàn năng đến nỗi có thể trở nên yếu kém và để gặp gỡ ta như một đứa trẻ không có bảo vệ để ta có thể yêu mến Người.” - Đức Bênêđictô XVI, 24-12-2005

77.  Khi nói Chúa Giêsu Kitô "vừa là Thiên Chúa thật lại vừa là người thật" nghĩa là gì?

-  Nghĩa là nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa trở nên một con người như chúng ta và cũng là anh em của chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đồng thời là Thiên Chúa và là Chúa chúng ta. Công đồng Calcêđôn (năm 451) dạy rằng: Thiên tính và Nhân tính đã nên một trong Chúa Giêsu Kitô “không chia lìa hoặc lẫn lộn”. [464-467, 469]

-  Hội Thánh đã vất vả lâu năm để diễn tả cho đúng mối quan hệ giữa thiên tính và nhân tính nơi Chúa Giêsu Kitô. Thiên tính và nhân tính không cạnh tranh với nhau dường như có lúc Chúa Giêsu là người có lúc là Thiên Chúa. Ta cũng không thể nói là thiên tính và nhân tính hòa trộn với nhau trong Chúa Giêsu, cũng không thể nói rằng Thiên Chúa chỉ giả vờ mặc lấy thân xác con người nơi Chúa Giêsu (thuyết docétisme): Thiên Chúa làm người thật sự. Không phải là nơi Chúa Giêsu có hai ngôi vị liên hợp với nhau (thuyết Nestorianisme). Sau hết quả quyết rằng nhân tính hoàn toàn biến mất trong thiên tính cũng là lạc giáo (thuyết monophysisme). Chống lại các thứ lạc giáo kể trên, Hội thánh duy trì chắc chắn đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người nơi một ngôi vị duy nhất. Công thức nổi tiếng của Công đồng Chalcedoine là “không chia rẽ không lẫn lộn”, công thức này không cố gắng để giải nghĩa điều vượt trên hiểu biết của con người, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến hai điểm then chốt của đức tin. Công thức cho biết “cái hướng ta phải theo để tìm hiểu mầu nhiệm của ngôi vị Chúa Giêsu.

“Chúa Giêsu vẫn là như từ trước Người là, và Chúa đảm nhận vào Mình cái trước đây Người không là.” - Phụng vụ Rôma ngày 1 tháng giêng

“Sự thực là mầu nhiệm con người chỉ sáng tỏ thật sự trong mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể.” - Công đồng Vatican II, Gaudium et spes

“Hiểu biết về Thiên Chúa mà không hiểu biết về khốn khổ của mình làm cho kiêu ngạo. Hiểu biết về khốn khổ của mình mà không hiểu biết Thiên Chúa làm cho thất vọng. Hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô làm cho ta ở giữa, bởi vì ta thấy ở đó có cả Thiên Chúa cả khốn khổ của ta nữa.” - Blaise Pascal

78.  Tại sao chúng ta chỉ hiểu được Chúa Giêsu như là một mầu nhiệm?

-  Vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người thật, nên ta không thể hiểu Chúa Giêsu nếu ta loại bỏ thực tại vô hình của Thần tính Người. [525-530, 536]

? Mầu nhiệm. Mầu nhiệm là một thực tại( hoặc là một mặt của thực tại) mà sự hiểu biết do lý trí không thể đạt tới được.

“Khía cạnh hữu hình của Chúa Giêsu chuyển dẫn ta đến khía cạnh vô hình của Người. Có những yếu tố rất quan trọng trong cuộc đời Người mà ta chỉ hiểu được như là các Mầu nhiệm, chẳng hạn thân phận làm Con Thiên Chúa, việc nhập thể, cuộc khổ nạn và sự sống lại của Người.” - Jeremy Taylor (1613-1667, văn sĩ tôn giáo Anh)

79. Chúa Giêsu có linh hồn, tâm trí và thân xác như chúng ta không?

-  Có. Vì Chúa Giêsu là người thật, nên Người "làm việc với đôi tay con người, nghĩ tưởng với tâm trí con người, hành động với ý muốn con người, và yêu thương với trái tim con người" (CĐ Vatican II, Hiến chế Mục vụ 22, 2). [470-476]

- Vì Chúa có đầy đủ bản tính con người, nên Người có một linh hồn và Người tự phát triển cách thiêng liêng. Chính trong linh hồn này chứa đựng căn tính con người và Người có ý thức về chính mình. Chúa Giêsu có ý thức được hiệp nhất với Chúa Cha trên trời trong Chúa Thánh Thần. Người để Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh của đời Người.

“Còn Chúa Giêsu là một hiển nhiên (quá rõ ràng không còn gì có thể nghi ngờ).” - Hans Urs Von Balthasar (1905-1988, Thần học gia Công giáo Thuỵ Sĩ)

80.  Tại sao Đức Maria Đồng trinh?

- Vì Thiên Chúa muốn Chúa Giêsu Kitô có một người Mẹ thực sự là loài người, còn về Cha thì chỉ mình Thiên Chúa là Cha Người. Như thế Ngài muốn khai mở một sự khởi đầu mới nơi Chúa Giêsu, khởi đầu này được mọi người nhận biết là do chính Thiên Chúa là Cha, chứ không do bất cứ một quyền lực trần thế nào khác. [484-504, 508-510]

- Việc Đức Maria đồng trinh không phải là một ý niệm thần thoại lỗi thời, nhưng là điều căn bản cho cuộc đời Chúa Giêsu. Người được sinh ra bởi một phụ nữ nhưng Người không có Cha là loài người. Chúa Giêsu là một khởi đầu mới trong trần gian, do Thiên Chúa tạo nên. Trong Tin Mừng Thánh Luca, Đức Maria hỏi Sứ Thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34). Sứ Thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc 1,34-35). Dù từ những thế kỷ đầu tiên Hội Thánh đã gặp nhiều chế nhạo về việc Đức Maria đồng trinh, Hội Thánh vẫn luôn tin rằng Đức Maria đồng trinh thực sự chứ không phải tượng trưng. → 117

“Điều mà đức tin Công giáo tin về Đức Maria đặt nền móng trên điều Hội Thánh tin về Chúa Kitô.” - Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo 487

“Bởi vì một người Cha như Chúa Giêsu phải có, thì không thể nào có được nơi các người cha loài người được.” - Wilhelm Willms, Ave Eva (1930-2002, linh mục văn sĩ)

“Nếu ai không tuyên xưng rằng: Đức Emmanuel là Thiên Chúa thật và Đức Maria là trinh nữ Mẹ Thiên Chúa… thì bị mắc vạ tuyệt thông.” - Công đồng Ephêsô 431

81.  Ngoài Chúa Giêsu ra, Đức Maria còn có những người con khác nữa không?

-  Không. Chúa Giêsu là người con trai duy nhất của Đức Maria xét theo nghĩa huyết tộc. [500-510]

- Hội Thánh sơ khởi đã quả quyết là Đức Mẹ đồng trinh trọn đời, điều này loại trừ việc có những anh chị em ruột thịt của Chúa Giêsu. Trong tiếng Araméen là tiếng mẹ đẻ của Chúa Giêsu, chỉ có một từ để chỉ anh em và chị em ruột cũng như anh em và chị em họ. Nên trong các Tin Mừng, khi nói đến “anh chị em” Chúa Giêsu (Mc 3,31-35 chẳng hạn) là nói đến anh chị em họ của Người.

82. Gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa có chướng tai không?

-  Không. Ai gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng là tuyên xưng Con của Mẹ là Thiên Chúa. [495, 509]

- Trong Kitô giáo sơ khởi, khi tranh luân để định nghĩa Chúa Giêsu là ai, danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) được dùng để giải thích Kinh thánh cho đúng: Đức Maria còn mang trong lòng một người con là Con thật của Thiên Chúa. Cuộc tranh luận không nhắm tới Đức Maria trước hết, nhưng nhắm về Chúa Giêsu: Người có thể vừa là người vừa là Thiên Chúa không? → 117

“Ở đâu đức tin về Mẹ Thiên Chúa lu mờ thì đức tin về Con Thiên Chúa và về Thiên Chúa cũng bị lu mờ.” - Ludwig Feuerbach (1804-1872, triết gia Đức, vô thần, trong sách Tinh hoa Kitô giáo)

83.  Gọi Đức Maria "Vô nhiễm Nguyên tội" nghĩa là gì?

-  Hội thánh Công giáo tin rằng "Thánh Nữ Đồng trinh Maria, từ lúc bắt đầu đậu thai, bởi ơn huệ và lòng quý mến đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, và bởi công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu chuộc, Đức Mẹ được gìn giữ khỏi lây nhiễm mọi vết nhơ của tội Tổ Tông, vì thế chúng ta xưng tụng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Tín điều 1854; → Tín điều). [487-492, 508]

- Trong lịch sử Hội Thánh, Kitô hữu rất mau đã tuyên xưng Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội. Kiểu nói này ngày nay bị hiểu lầm. Nó có nghĩa là ngay từ lúc đầu, Thiên Chúa đã gìn giữ Đức trinh nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông truyền. Kiểu nói đó không áp dụng cho việc thụ thai Chúa Giêsu trong lòng Đức Maria. Kiểu nói đó không phải là làm mất giá trị của tính dục Kitô giáo, coi như một người nam và một người nữ “phạm tội với nhau” để sinh con. → 68-69

“Năm 1858, khi hiện ra với cô Bernadette Soubirous ở Lộ đức Đức Maria giới thiệu mình là “Đấng vô nhiễm nguyên tội”. Câu này đã có hậu quả quan trọng trong lịch sử.” - Reinold Schneider (1903–1958), văn sĩ Đức

84.  Có phải Đức Maria chỉ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa không?

- Đức Maria còn hơn là một dụng cụ thụ động trong tay Thiên Chúa vì Mẹ đã chủ động chấp nhận qua lời "Xin vâng", để việc Chúa nhập thể được hoàn thành. [493-494, 508-511]

- Đức Maria trả lời cho sứ thần đã báo tin Mẹ sẽ sinh ra Con Thiên Chúa tối cao rằng: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Việc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô đã bắt đầu bởi lời mời gọi của Thiên Chúa, bởi lời chấp nhận tự do của một người, và Đức Mẹ thụ thai trước khi lễ cưới với Thánh Giuse. Cũng theo những con đường không bình thường, Đức Maria đã trở nên “cửa cứu rỗi” chúng ta. →  479

85.  Tại sao Đức Maria cũng là Mẹ chúng ta nữa?

-  Đức Maria là Mẹ chúng ta, vì Chúa Giêsu từ trên thập giá đã trao ban Mẹ Người làm Mẹ chúng ta. [963-966, 973]

- “Thưa Bà, đây là con của Bà…Đây là Mẹ của anh” (Ga 19, 26.29). Hội thánh luôn coi những lời mà từ trên thập giá Chúa Giêsu nói với Đức Maria và môn đệ Người yêu mến, là việc trao phó toàn thể Hội Thánh cho Đức Maria. Vì thế Đức Maria cũng là Mẹ chúng ta. Chúng ta có thể kêu cầu Mẹ và xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa. → 147 - 149

“Đối với tất cả nhân loại, đức Maria là Mẹ rất nhân từ, là nơi ẩn náu của mọi tội nhân.” - Thánh Anphongsô Liguori (1696-1787, sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, nhà thần bí và tiến sĩ Hội Thánh)

“Hội Thánh càng sống theo hình ảnh Đức Maria càng trở thành Mẹ, càng giúp người ta có thể sinh lại trong lòng mình để làm con Chúa, để được hòa giải với Chúa.” - Roger Schutz (1915-2005), sáng lập và bề trên cộng đồng đại kết Taizé

“Trong gia đình, con cái học biết yêu thương bằng cách yêu thương không vụ lợi; chúng học biết tôn kính mọi người khác bằng cách tôn trọng họ; chúng học biết Thiên Chúa bằng cách chúng nhận thấy được ngay từ lúc đầu tình cha và tình mẹ chăm sóc chúng.” - Hội nghị về Đức tin, 31-5-2004

86. Tại sao Chúa Giêsu đã chờ đến 30 tuổi mới đi giảng đạo công khai?

- Vì Chúa Giêsu đã muốn chia sẻ đời sống bình thường với chúng ta và như thế, Người thánh hóa những công việc thông thường hàng ngày của chúng ta. [531-534, 564]

- Chúa Giêsu đã là một em bé được cha mẹ yêu thương và nuôi nấng. Người ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến (Lc 2,52). Người là dân trong một làng Do Thái, tham dự các nghi lễ tôn giáo. Người học một nghề chân tay để chứng minh khả năng của Người. Thiên Chúa đã muốn Chúa Giêsu sống và lớn lên trong gia đình nhân loại, vì gia đình là nơi có Thiên Chúa ngự, gia đình là một cộng đoàn gương mẫu trong đó ta gặp được sự trợ giúp và nâng đỡ.

87. Tại sao Chúa Giêsu để ông Gioan Tiền hô làm phép rửa cho mình, dù Người chẳng có tội gì?

-  Chúa Giêsu chịu phép rửa là chịu gìm trong lịch sử tội lỗi của cả nhân loại. Nhờ đó Người dạy ta rằng để cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi, một ngày kia Người sẽ bị gìm trong cái chết, để được sống lại nhờ quyền năng của Cha Người. [535-537, 565]

- Những tội nhân, lính tráng, gái hư hỏng, người thu thuế đến với tiên tri Gioan Tẩy giả, vì họ đi tìm một phép rửa sám hối để được tha tội (Lc 3,3). Thực ra Chúa Giêsu không cần phải chịu phép rửa vì Người vô tội, nhưng Người muốn chịu phép rửa để chỉ cho ta thấy hai việc: Chúa Giêsu nhận lấy tội lỗi của ta nơi mình, và việc Người chịu phép rửa báo trước cuộc khổ nạn và sống lại của Người. Đang khi Người tỏ dấu hiệu sẵn sàng chết cho ta thì trời mở ra: Con là Con yêu dấu của Ta (Lc 3,22).

“Giữa những người công chính và tội nhân có một sự hiệp thông, bởi vì cuối cùng chẳng có ai là công chính.” - Gertrud Von Le Fort (1876–1971, văn sĩ Đức)

88.  Tại sao Chúa Giêsu lại chịu cám dỗ? Người có thể chịu cám dỗ thực sao?

-  Vì Chúa Giêsu thực sự là một con người, nên Người phải chịu cám dỗ. Như Thánh Phaolô viết: "Vị Thượng Tế của chúng ta là Đấng biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội (Dt 4,15). [538-540, 566]

“Kitô hữu hàng ngày phải đương đầu với cuộc chiến đấu mà Chúa Giêsu đã phải chịu đựng ở sa mạc Giuđêa suốt bốn mươi ngày do chính Satan gây ra. Đây là cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại tội lỗi, mà cuối cùng là chống lại Satan. Đó là một cuộc chiến đấu buộc toàn diện con người phải tham gia và đòi hỏi luôn phải tỉnh thức và kiên trì.” - Đức Bênêđictô XVI, 1-3-2006

89.  Chúa Giêsu hứa "Nước Thiên Chúa" cho những ai?

-  “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Nước Thiên Chúa sẽ khởi đầu nơi những ai để cho Tình yêu Chúa biến đổi mình. Họ trước hết là những người nghèo khó và thấp hèn như Chúa Giêsu thường nói (xem Tám mối phúc). [541-546, 567]

- Cả những người xa Hội Thánh cũng thấy quyến rũ khi Chúa Giêsu hướng về những người nam và nữ bị gạt ra lề xã hội với một tình yêu ưu tiên. Trong bài giảng trên núi, những nạn nhân của bách hại và bạo lực, tất cả những ai tìm Chúa với lòng trong trắng, tất cả những ai tìm đến lòng thương xót, sự công chính và sự bình an của Chúa, đều ưu tiên vào Nước Thiên Chúa. Ngay cả người tội lỗi cũng được nghe những lời mời gọi đặc biệt: không phải là những người khoẻ mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là những người bệnh tật; tôi đến kêu gọi không phải người công chính, nhưng những người tội lỗi (Mc 2,17).

 Chúa Giêsu nói về Cha Người: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức công bố một năm hồng ân của Chúa.” - Lc 4,18-14

90. Chúa Giêsu có thực đã làm các phép lạ hay đó chỉ là những huyền thoại đạo đức?

- Chúa Giêsu thực sự đã làm những phép lạ. Các thánh sử Tân Ước đã thuật lại những sự kiện có thực này. [547-550]

- Những nguồn tài liệu cổ đã nói đến nhiều phép lạ xác nhận việc giảng dạy của Chúa Giêsu: “Nhưng nếu tôi dựa vào Thánh Thần của Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28). Các phép lạ đã được thực hiện công khai và người ta còn biết cả tên những người được hưởng phép lạ: chẳng hạn anh mù Bartimê (Mc 10,46-52), hoặc bà mẹ vợ thánh Phêrô (Mc 8,14-15). Ngoài ra còn có những phép lạ đã gây sốc và tức giận cho giới Do Thái (chữa lành người bất toại vào ngày sabbat hoặc chữa người cùi). Dầu vậy, các phép lạ không bị Do Thái giáo thời Chúa Giêsu tranh cãi.

“Một phép lạ không được thực hiện trái ngược với thiên nhiên nhưng trái ngược với hiểu biết của ta về thiên nhiên.” -  Thánh Augustinô

91.  Tại sao Chúa Giêsu làm các phép lạ?

- Người làm các phép lạ như những dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã bắt đầu, để biểu lộ tình yêu của Người cho con người và xác quyết sứ mạng của Người. [547-550]

- Khi làm phép lạ Chúa Giêsu không cần phải dàn cảnh như thầy phù thủy. Người biểu lộ sức mạnh của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ các phép lạ Người chứng tỏ Người là Mêsia và Nước Thiên Chúa bắt đầu với Người. Người làm cho thấy được một thế giới mới: giải thoát khỏi đói khát (Ga 6,5-15), bất công (Lc 19,8), bệnh tật và cái chết (Mt 11,5). Khi trừ quỷ là Người đã bắt đầu cuộc chiến thắng của Người trên "thủ lãnh của thế gian" (Ga 12,31 nghĩa là Satan. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã không loại bỏ hết những gì là xấu là ác trong thế gian. Điều Người muốn cho biết trước hết là cần phải giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi. Ngay cả khi làm các phép lạ, điều mà Người hết sức quan tâm chính là đức tin. → 241 - 242

 Họ hết sức kinh ngạc và nói: ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả, ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được. - Mc 7,37

“Không nơi nào trên trần gian đã có một phép lạ lớn như trong chuồng bò nhỏ ở Betlem: ở đây Thiên Chúa và con người trở thành một.” - Thomas a Kempis (1380-1471, nhà thần bí Đức, tác giả sách Gương Chúa Giêsu)

92. Chúa Giêsu kêu gọi các tông đồ để làm gì?

-  Chúa Giêsu có nhiều môn đệ cả nam lẫn nữ. Trong nhóm đó, Người chọn 12 ông làm Tông đồ (Lc 6,12-16). Chúa dạy dỗ họ kĩ càng và trao cho họ nhiệm vụ: “Người sai họ đi rao giảng Nước Chúa, và chữa bệnh cho dân” (Lc 9,2). Trong bữa Tiệc ly, Người chỉ dùng bữa với 12 ông, và truyền dạy họ: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" (Lc 22,19). [551-553, 567]

- Các Tông đồ là những chứng nhân về việc Chúa sống lại và là những bảo đảm cho sự thật về Người. Các ngài tiếp tục công việc sau khi Chúa chết và đã chọn nhiều người để kế vị các ngài: đó là các giám mục. Ngày nay những đấng kế vị các tông đồ còn thi hành đầy đủ quyền năng được Chúa Giêsu trao phó: các ngài điều khiển, giảng dạy và cử hành. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các tông đồ đã trở nên nền móng cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh (→ sự nối tiếp của các tông đồ). Thánh Phêrô nổi bật giữa nhóm Mười Hai, được Chúa Giêsu trao cho quyền năng đặc biệt: "Con là Đá và trên Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy" (Mt 16,18). Từ hoàn cảnh đặc biệt của Thánh Phêrô giữa nhóm các tông đồ mà phát xuất nhiệm vụ của Giáo Hoàng. → 137

 Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. - Ga 20,21

93.  Tại sao Chúa Giêsu biến hình trên núi?

-  Ngay khi Chúa Giêsu còn ở trần gian, Chúa Cha đã muốn bày tỏ vinh quang thiên tính của Con mình. Và Chúa Giêsu cũng muốn biến hình để giúp các môn đệ sau này hiểu được ý nghĩa về cái chết và sự sống lại của Người. [554-553, 567]

-  Ba sách Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu đã tỏa sáng thế nào trước mắt các môn đệ (Người đã biến hình). Lời của Cha trên trời ban cho Chúa Giêsu danh hiệu "Con yêu dấu" và bảo phải nghe lời Người. Thánh Phêrô muốn "dựng ba lều" để kéo dài thời gian đó. Nhưng Chúa Giêsu đang trên đường dẫn tới cuộc tử nạn. Việc được thấy vinh quang của Chúa có mục đích giúp các môn đệ vững tin hơn.

“Nếu có người nào được ơn mặc khải mạnh mẽ của Chúa, họ sẽ thấy như họ được sống giống như các môn đệ Chúa đã sống trong cuộc Chúa biến hình: trong một chốc lát được nếm trước hạnh phúc ở Thiên đường. Bình thường đó là những mặc khải ngắn ngủi đôi khi Chúa ban cho trước để chuẩn bị họ cho những thử thách khắc nghiệt hơn.” - Đức Bênêđictô XVI, 12-3-2006

94. Chúa Giêsu có biết Người sẽ chết khi vào thành Giêrusalem không?

- Có. Chúa Giêsu đã ba lần báo trước về sự đau khổ và sự chết mà Người biết rõ và tự nguyện đi đến nơi chịu thương khó (Lc 9,51). [557-560, 569-570]

 Chúa Giêsu bắt đầu nói với các môn đệ về những điều sắp xảy đến cho mình: Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại. - Mc 10,32-34

95. Tại sao Chúa Giêsu chọn ngày lễ Vượt qua của người Do thái để chịu chết và sống lại?

- Chúa Giêsu đã chọn lễ Vượt qua của người Do thái như một biểu tượng cho công việc mà người sắp hoàn thành trong cái chết và sống lại của Người. Như xưa người Do thái được giải thoát khỏi kiếp nô lệ người Ai cập, nay Chúa Giêsu cũng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. [571-573]

- Lễ Vượt qua là lễ mừng dân Israel được giải phóng khỏi nô lệ Ai Cập. Chúa Giêsu đi Giêrusalem để giải phóng ta còn sâu sắc hơn nhiều. Người đã ăn mừng lễ Vượt qua với các môn đệ, nhưng, thay vì hiến tế chiên Vượt qua theo truyền thống Do Thái, Người hiến tế chính mình Người như chiên của hy lễ. Chiên lễ Vượt qua của ta là Chúa Kitô đã được hiến tế (1 Cr 5,7) để dứt khoát giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người một lần cho tất cả. → 171

 Khi giờ đã đến, Chúa Giêsu vào bàn, và các tông đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa cho đến khi lễ này được nên trọn. - Lc 22,14-16

96.  Tại sao con người hòa bình như Chúa Giêsu lại bị xử chết trên thập giá?

-  Chúa Giêsu đã buộc những người đương thời của mình phải có một quyết định dứt khoát đối với các hoạt động của Người, như: tha tội, không giữ ngày Sabat hoặc nhìn nhận uy quyền thần linh của Người, hoặc coi Người là kẻ lường gạt, tên phạm thượng, người phạm luật, cần phải lên án chết trên thập giá cho Người. [574-576]

-  Về nhiều mặt, hành động của Chúa Giêsu quả là một thách đố lớn đối với Do Thái giáo truyền thống ở thời Người. Người đã tha tội, điều mà chỉ một mình Thiên Chúa mới làm được; Người đã làm cho luật ngày Sabbat không còn là tuyệt đối, Người đã chuốc lấy sự nghi ngờ mắc tội phạm thượng và chuốc lấy cả tố cáo là một tiên tri giả. Từng bấy nhiêu vi phạm khiến Lề Luật dự kiến cho Người bị tử hình.

97.  Người Do Thái có trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu không?

-  Không ai có thể kết tội cho dân tộc Do thái về cái chết của Chúa Giêsu. Trái lại Hội thánh Công giáo tuyên bố chắc chắn rằng: mọi tội nhân đều là tòng phạm trong cái chết của Chúa Giêsu. [597-598]

- Tiên tri Simêon đã biết trước là Chúa Giêsu làm "duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy" (Lc 2,34). Đã có một cuộc chống đối Chúa Giêsu mạnh mẽ từ phía chính quyền Do Thái, nhưng Chúa Giêsu có những môn đệ bí mật thuộc phe Pharisiêu như ông Nicôđem và Joseph Arimathi. Trong vụ án Chúa Giêsu, nhiều nhân vật và nhà cầm quyền Rôma cũng như Do Thái có liên luỵ (Caipha, Giuđa, Đại Hội đồng, Hêrôđê, Ponce Pilate). Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể xét xử tội lỗi riêng của mỗi người. Luận án cho rằng mọi người Do Thái thời đó hoặc các người Do Thái thời nay phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu là điều vô lý và không thể bênh vực được xét theo Kinh Thánh. → 135

“Không phải ma quỷ đã đóng đinh Chúa Giêsu mà là chính bạn cùng với ma quỷ đã đóng đinh Người và còn đóng đinh Người bằng cách ham thích thói xấu và tội lỗi.” - Thánh Phanxicô Assisi

98.  Thiên Chúa có muốn cho Con của Người phải chết không?

-  Cái chết dữ dằn của Chúa Giêsu không do những sắp đặt, những toan tính ác độc của con người. Chúa Giêsu đã “tự nguyện phó mình theo chương trình Thiên Chúa định trước” (Cv 2,23). Để chúng ta, là những con cái của tội lỗi và sự chết, được cứu sống, Cha trên trời của Đấng vô tội đã "làm cho Con của Ngài thành tội nhân, vì chúng ta" (2 Cr 5,21). Sự hi sinh lớn lao mà Chúa Cha mong đợi nơi Chúa Con đã được Chúa Con đáp lại bằng sự từ bỏ mình cho đến chết: “Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). Thế là từ cả hai phía, Cha và Con đã xuất hiện một tình yêu đến tột cùng là chết trên thập giá. [599-609, 620]

- Để cứu ta khỏi chết, Thiên Chúa đã thực hiện một sứ mệnh nguy hiểm: Người đã đem vào thế giới sự chết của ta "một thứ thuốc bất tử" (Thánh Inhaxiô Antiôkia). Chúa Cha và Chúa Con là hai đồng minh không thể tách rời trong sứ mệnh đó. Đầy lòng ước ao nồng nhiệt và vì yêu thương loài người, các Ngài đã nhận cho mình cái gì là cực độ cực điểm. Thiên Chúa đã đề nghị một trao đổi để cứu độ ta mãi mãi: Người muốn ban sự sống đời đời của Người để ta có thể nếm được niềm vui của Người. Chúa Giêsu đã muốn chịu đựng cuộc hấp hối của ta, sự tuyệt vọng của ta, cảm xúc bị bỏ rơi của ta, cái chết của ta, để được hiệp thông hoàn toàn với ta mà Người vẫn hoàn toàn hiệp thông với Cha Người. Để yêu thương ta đến cùng và hơn thế nữa. Cái chết của Chúa Kitô là ý muốn của Chúa Cha, nhưng nó không phải tiếng nói cuối cùng. Bởi vì Chúa Kitô chết cho ta, nếu ta hiệp thông với Người, ta có thể đổi sự chết của ta lấy sự sống của Người.

 Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. - Ga 13,1

“Thánh giá là thang để ta về trời, bỏ thánh giá đi, ta không còn thang nào khác.” - Thánh nữ Rosa Lima (1586–1617, thánh nữ đầu tiên của Pérou)

99.  Khi Chúa Giêsu ăn Bữa Tiệc Ly với các tông đồ, đã xảy ra những chuyện gì?

- Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu của Người trong 3 việc: rửa chân cho các tông đồ; lập Bí tích Thánh Thể ; lập chức Linh mục của Giao ước mới. [610-611]

- Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu Người đến cùng bằng cách: Người đã rửa chân cho các môn đệ, để tỏ ra rằng Người ở giữa ta như một người phục vụ (Lc 22,27). Người đã chịu trước đau khổ để cứu độ bằng cách đọc những lời trên lễ vật dâng lên là bánh rượu: Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em (Lc 22,19), như vậy Người thiết lập Bí tích Thánh Thể. Khi Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: Hãy làm như Thầy vừa làm để nhớ đến Thầy (1 Cr 11,24). Người đã thiết lập họ thành các Linh mục của Giao ước mới. → 208 – 223

“Hiểu theo một nghĩa, có thể nói chính xác rằng Bữa Tiệc Ly là hành vi thiết lập Hội Thánh, vì Chúa Giêsu tự hiến chính mình và thiết lập một cộng đồng mới, một cộng đồng hiệp nhất trong hiệp thông với chính Người.” - Đức Bênêđictô XVI, 15-3-2006

100. Vào đêm trước khi chết, trên núi Cây dầu, có phải  Chúa Giêsu đã thực sự cảm thấy kinh hoàng trước cái chết không?

- Vì là người như ta, Chúa Giêsu thực sự cảm thấy kinh hoàng trước cái chết khi ở trong vườn Giệtsêmani (vườn cây dầu). [612]

- Với sức lực của loài người, cũng giống sức lực trong mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu trong nội tâm để hoàn toàn tuân theo ý Chúa Cha muốn Người hiến sự sống cho thế gian được sống. Ở vào lúc khó khăn nhất, bị mọi người dù là bạn hữu nữa cũng bỏ rơi, Chúa Giêsu đã quyết định xin vâng. “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi Con; nhất định Con phải uống thì xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26,42). → 476

“Thiên Chúa không đến để làm cho hết đau khổ. Người cũng không đến để giải nghĩa về đau khổ, Người đến để lấp đầy đau khổ bằng sự có mặt của Người.” - Paul Claudel (1868–1955, thi sĩ và văn sĩ Pháp)

101. Tại sao Chúa Giêsu phải cứu chuộc chúng ta bằng cái chết trên thánh giá, mà không dùng cách khác?

-  Dù vô tội, Chúa Giêsu cũng chọn cái chết dữ dằn để từ bỏ mình và tận hiến hoàn toàn trên thánh giá. Người đã chọn thập giá để gánh tội thế gian và chịu những đau khổ của nhân loại. Như thế, vì Tình yêu trọn hảo của Người, Người đã đem nhân loại trở về cùng Thiên Chúa. Không ai còn có thể nói: Thiên Chúa không biết tôi phải đau khổ. [613-617, 622-623]

? Khổ nạn, từ dùng để chỉ những đau khổ của Chúa Kitô.

“Thiên Chúa đã giang tay trên thập giá để ôm lấy hết giới hạn của thế giới.” - Thánh Cyrille ở Giêrusalem (313–387), giáo phụ của Hội Thánh

“Ta là Kitô hữu, ta không chìm đắm vào trong bão tố của thế gian chỉ vì một lý do duy nhất là ta được đùm bọc bởi cây thập giá.” - Thánh Augustinô

102. Tại sao chúng ta cũng phải chấp nhận đau khổ trong cuộc sống, phải "vác thập giá mình mà theo Chúa Giêsu"?

- Kitô hữu không được tìm đau khổ, nhưng khi phải đối diện với đau khổ mà không tránh được, họ nên vui lòng kết hợp đau khổ của họ với đau khổ của Chúa Giêsu, như "Người đã chịu đau khổ vì ta và để nêu gương cho ta bước theo Người" (1 Pr 2,21). [618]

- Chúa Giêsu đã nói: nếu ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Tôi (Mc 8,34). Kitô hữu phải tranh đấu để chống lại đau khổ trong thế giới. Dầu vậy, đau khổ sẽ tiếp tục tồn tại. Trong đức tin, ta có thể đón nhận đau khổ riêng của ta và chia sẻ với đau khổ của những người khác nữa. Bằng cách đó đau khổ loài người được hội nhập vào tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô và nhờ đó trở nên thành phần hấp dẫn của sức mạnh thần linh lôi kéo thế giới tới hạnh phúc.

“Nếu bạn vác thập giá mình cách vui vẻ, thập giá sẽ vác bạn.” - Thomas a Kempis

“Ta phải vác thập giá chứ không kéo lê, và phải đón nhận thập giá như kho tàng chứ không phải như một gánh nặng. Chỉ nhờ thập giá mà ta có thể nên giống như Chúa Kitô.” - Francis Fénelon (1651–1715, giám mục Pháp)

“Thực hiện cứu chuộc bằng đau khổ, Chúa Kitô đã đồng thời nâng đau khổ của loài người lên để cho nó có giá trị cứu chuộc. Tất cả mọi người đều có thể đem đau khổ của mình tham dự vào đau khổ cứu rỗi của Chúa Kitô.” -  Đức Gioan Phaolô II, Salvifici Doloris

“Khi ta nhìn ngắm thánh giá, ta hiểu được sự cao cả của tình yêu Chúa. Khi ta nhìn ngắm máng cỏ, ta hiểu được sự âu yếm của tình yêu Chúa, đối với bạn, đối với tôi, đối với gia đình bạn và đối với tất cả mọi gia đình.” - Mẹ Têrêsa

103.  Chúa Giêsu có chết thật không ? hay Người chỉ "làm bộ chết" để còn sống lại?

- Chúa Giêsu thực sự đã chết trên Thánh giá. Xác Người đã được chôn táng. Tất cả các tài liệu gốc viết về Người đều chứng minh điều này. [627]

-  Theo Gioan 19,33, quân lính nhận thấy rõ ràng Chúa Giêsu đã chết. Một lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn Chúa và họ thấy nước cùng máu chảy ra. Cần phải nói thêm là người ta đã đánh dập ống chân của hai người khác bị đóng đinh, đây là biện pháp để làm cho họ chết mau hơn - nhưng điều này không cần thiết đối với Chúa Giêsu vì Người đã chết.

“Tấm khăn liệm xác Chúa, được giữ tại Turin là một tấm khăn vải lanh ở thế kỷ I. Năm 1898 tấm khăn được chụp hình lần đầu bởi một người ở Turin. Nhìn âm bản của phim, người ta thấy in trên vải sợi lanh một hình ảnh bí nhiệm của một người bị tử hình thời cổ.”

104. Bạn có thể là Kitô hữu mà không tin Chúa Giêsu đã sống lại không?

-  Không. Thánh Phaolô viết: "Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời chúng tôi rao giảng sẽ vô ích, và đức tin của bạn cũng vô ích" (1 Cr 15,14). [631, 638, 651]

105.  Làm thế nào mà các môn đệ Chúa Giêsu đã đi đến chỗ tin Người sống lại ?

- Đầu tiên, các ông mất hết hy vọng, nhưng dần dần, các ông đã đi đến chỗ tin Chúa sống lại, vì sau khi Người chết, họ đã thấy Người trong nhiều dịp khác nhau, các ông đã nói chuyện với Người, đã có kinh nghiệm rõ ràng là Người đang sống. [640-644, 656]

- Những biến cố Phục Sinh diễn ra ở Giêrusalem khoảng năm 30 không phải là chuyện bày đặt ra. Bị sốc vì cái chết của Chúa và vì sự nghiệp chung thất bại, các môn đệ đã trốn mất. Chúng tôi hy vọng rằng Người là Đấng sẽ giải thoát Israel (Lc 24,21). Hoặc các ông ẩn núp sau những cửa đóng kín. Chỉ nhờ được gặp gỡ Chúa Kitô sống lại họ mới được giải thoát khỏi bị ức chế và được đầy niềm tin phấn khởi vào Chúa Giêsu, Chúa của sự sống và sự chết.

“Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.” - Đức Bênêđictô XVI, 19-10-2006

“Ai hiểu biết lễ Vượt Qua thì không thể thất vọng nữa.” - Dietrich Bonhoeffer (1906–1945, thần học gia Tin Lành và chống Hitler bị xử tử trong trại tập trung Flossenbürg)

106.  Có những bằng chứng về việc Chúa Giêsu đã sống lại không? 

- Không có bằng chứng theo khoa học về việc Chúa Giêsu sống lại. Nhưng có những chứng cớ rất mạnh của cá nhân cũng như tập thể của nhiều người đương thời tại Giêrusalem. (1 Cr 15,3-6; Lc 24,2-3; Ga 20,8). [639-644, 656-657]

- Bằng chứng cổ xưa nhất ghi chép Chúa Giêsu sống lại là thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô, viết khoảng 20 năm sau cái chết của Chúa Giêsu: “Trước hết tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Sau đó Người đã hiện ra với năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống nhưng một số đã an nghỉ (1 Cr 15,3-6). Ở đây Thánh Phaolô nói về một truyền thống sống động ngài gặp trong cộng đồng Kitô giáo sơ khởi, khi chính ngài vừa mới trở thành Kitô hữu, hai ba năm sau cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu - theo sau cuộc gặp gỡ ngao ngán với Chúa đã phục sinh. Các môn đệ đã cho rằng ngôi mộ trống là chỉ dẫn đầu tiên về thực tại Chúa sống lại (Lc 24,5-6). Đây là việc các phụ nữ đã khám phá thấy - theo luật thời đó thì bằng chứng của họ không được chấp nhận. Dù người ta nói rằng tông đồ Gioan đến mộ, đã thấy và đã tin (Ga 20,8), việc xác tín rằng Chúa Giêsu sống lại chỉ phát triển nhờ một loạt các lần hiện ra. Chỉ sau khi Chúa về trời, mới không còn những gặp gỡ với Đấng đã sống lại. Nhưng cho đến ngày nay, vẫn tiếp tục có những gặp gỡ với Chúa Giêsu, Người vẫn sống.

“Tình yêu Thiên Chúa đi tới chỗ sáng như chớp. Như một tia chớp Chúa Thánh Thần đi qua đêm của mỗi người. Đấng Phục Sinh bắt lấy bạn, đảm nhận mọi sự, mang trên Người tất cả những gì bạn không mang nổi. Chỉ như thế mà sau này, đôi khi rất lâu sau này điều đó mới rõ ràng: Chúa Kitô đã đi qua và đã phân phát những gì quá đầy của Người.” - Frère Roger Schutz

107.  Sau khi sống lại Chúa Giêsu có mang cùng một thân xác như trước khi Người qua đời không?

-  Chúa Giêsu đã cho các môn đệ đụng chạm đến xác Người, Người ăn uống với họ, cho họ thấy vết đâm nơi cạnh sườn Người. Nhưng thân xác Người không còn hoàn toàn thuộc về trần gian, mà thuộc về Thiên đàng nơi Chúa Cha đang ngự trị. [645-646]

-  Đức Kitô sống lại còn mang theo các vết thương khi chịu đóng đinh thập giá, nhưng không còn ở trong không gian hay thời gian nữa. Người có thể vào trong một phòng đã đóng kín cửa, và có thể hiện ra với các môn đệ ở nhiều nơi khác nhau với vẻ bề ngoài mà các ông không thể nhận ra ngay lập tức được. Chúa sống lại không phải là lại sống như đời sống thường trước kia, nhưng đã đổi sang một đời sống khác: Chúa Kitô một khi đã sống lại từ cõi chết thì không còn chết nữa, sự chết không còn quyền gì đối với Người nữa (Rm 6,9).

 Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Magdala mà bà đã không nhận ra ngay được liền. Chúa Giêsu nói: “Maria”. Bà quay lại và nói với Chúa: “Rabbouni” có nghĩa là “Lạy Thầy”. - Ga 20,16

108. Thế giới đã có biến đổi gì nhờ việc Chúa Giêsu sống lại?

- Vì cái chết từ nay không còn là "chấm dứt" mọi sự nữa, nên niềm vui và hi vọng đã đến với thế giới. Cái chết không còn cai trị trên Chúa Giêsu (Rm 6,9). Chết cũng không còn quyền trên chúng ta, là những người thuộc về Chúa Giêsu nữa. [655-658]

“Người nào đã nhận được sứ điệp Phục Sinh không thể nào còn bước đi với bộ mặt bi thảm và sống cuộc sống không có niềm vui của một người không có hy vọng.” - Friedrich Schiller (1759–1805, văn sĩ và kịch gia Đức)

109. Khi nói Chúa Giêsu lên trời nghĩa là gì?

- Nghĩa là Chúa Giêsu, một người trong chúng ta đã về lại nhà với Thiên Chúa Cha và ở lại đó muôn đời. Nhờ Chúa Giêsu mà Thiên Chúa ở gần loài người chúng ta trong cách thức loài người. Và trong Phúc Âm Gioan, Chúa Giêsu đã nói: "Khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta" (Ga 12, 32). [659-667]

-  Trong Tân ước, việc Chúa về trời chấm dứt giai đoạn bốn mươi ngày được đánh dấu bằng việc Đấng đã sống lại ở gần gũi với các môn đệ. Cuối giai đoạn này Chúa Giêsu đi vào trong oai nghi của Thiên Chúa với toàn bộ nhân tính của mình. Kinh Thánh thuật lại bằng những hình ảnh tượng trưng có “mây”, có “trời”. Như Đức Bênêđictô XVI nói: “Con người có được chỗ trong Thiên Chúa”. Chúa Giêsu Kitô bây giờ ở với Chúa Cha, từ đó một ngày kia Người đến “phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Chúa Giêsu về trời có nghĩa là Chúa Giêsu không còn là hữu hình ở dưới đất, nhưng lại vẫn luôn có mặt dưới đất.

 Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời. - Cv 1,11

110.  Tại sao Chúa Giêsu Kitô là Chúa của cả vũ trụ?

- Chúa Giêsu Kitô là Chúa của cả vũ trụ và Chúa của lịch sử, vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Tất cả mọi người được Chúa cứu chuộc, và đều được Người dẫn dắt. [668-674, 680]

- “Chúa ở bên trên ta” và Chúa là Đấng duy nhất mà ta quỳ gối thờ lạy; Người ở bên ta, và Chúa là đầu Hội Thánh của Người, trong Hội Thánh đó Nước Thiên Chúa đang bắt đầu ngay từ bây giờ, và Người ở trước mặt ta, làm chủ của lịch sử; làm cho lực lượng của tối tăm cuối cùng chịu thất bại và số phận của thế giới được hoàn thành theo chương trình của Thiên Chúa; Người đến để gặp gỡ ta trong oai nghi, vào ngày mà ta không biết, để đem trái đất và cuộc đổi mới và hoàn thành. Ta có thể khám phá Chúa gần gũi ta trước hết là trong Lời Chúa, khi lãnh nhận các Bí tích, trong việc chăm sóc người nghèo và trong lúc hai hoặc ba người tập họp với nhau nhân danh Người (Mt 18,20) → 157, 163

 Vì trong Người muôn vật được tạo thành trên trời cũng như dưới đất hữu hình và vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới; tất cả đều do Thiên Chúa tạo dụng nhờ Người và cho Người. - Cl 1,16

111.  Đến ngày tận thế sẽ ra như thế nào?

- Ngày tận thế, Chúa Giêsu sẽ lại đến, và mọi người sẽ thấy Chúa. [675-677]

- Những đảo lộn kinh hoàng mà Kinh Thánh loan báo (Mt 24,4-31) sự tàn ác tỏ lộ ra không còn phải che giấu, những thử thách và những cuộc bách hại làm cho đức tin lại bị thử thách, đó chỉ là mặt tối của một thực tại mới. Thực tại này là sự toàn thắng dứt khoát và hữu hình của Thiên Chúa trên sự dữ. Sự uy nghi, chân lý và công lý của Thiên Chúa sẽ biểu lộ chói lọi rực rỡ. Khi Chúa Kitô đến sẽ có một trời mới và một đất mới. Người lau sạch mọi nước mắt khỏi mắt họ, không còn chết nữa, không còn khóc lóc, kêu ca, đau khổ nữa, vì vũ trụ cũ đã qua đi (Kh 21,1-4). → 164

 Người ta sợ đến hồn phiêu phách lạc chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển… Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. - Lc 21,26-28

? Giáng lâm có nghĩa là việc Chúa Kitô đến để phán xét chung.

112. Nói rằng Chúa Giêsu đến để xét xử chúng ta và xét xử toàn thế giới, nghĩa là thế nào?

- Nghĩa là chính Chúa Giêsu không thể giúp cho ai được, nếu chính họ không muốn biết đến bác ái yêu thương. Như thế, họ tự xét xử chính mình. [678-679, 681-682]

- Bởi vì Chúa Giêsu là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Ga 14,6). Người sẽ mặc khải cho biết đối với Thiên Chúa điều gì là quan trọng, điều gì là không. Sự thật đầy đủ về mỗi người sẽ được Chúa đánh giá tuỳ theo thước đo những việc làm, những tư tưởng, những biến cố trong cuộc đời riêng tư của họ. → 157, 163

“Thiên Chúa không loại bỏ một linh hồn nào, bởi vì chính là linh hồn tự loại bỏ mình: mỗi người là thẩm phán của mình.” - Jacob Böhme (1575–1624, nhà thần bí Đức)


Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét