Trang

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Youcat - Kinh Tin Kính - Phần II: Kitô hữu tuyên xưng đức tin 2 (113-165)


Youcat - Kinh Tin Kính - Phần II: Kitô hữu tuyên xưng đức tin
YOUCAT
YOUTH CATECHISM




SÁCH GIÁO LÝ CHO NGƯỜI TRẺ


***

PHẦN I: KINH TIN KÍNH

PHẦN II: KITÔ HỮU TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Chương 3: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần

113. "Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần" nghĩa là gì?

- “Tin kính Đức Chúa Thánh Thần” có nghĩa là thờ phượng Người là Thiên Chúa như thờ Chúa Cha và Chúa Con, vì Ngài là một trong Ba ngôi, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con. Và cũng có nghĩa là tin rằng Chúa Thánh Thần đến trong lòng ta, để đưa dẫn ta là con cái Thiên Chúa nhận biết Thiên Chúa là Cha trên trời. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta có thể thay đổi bộ mặt thế giới. [683-686]

- Trước khi chết, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ sẽ sai Đấng Bảo trợ khác (Ga 14,16) khi Người không còn ở với các ông. Khi Chúa Thánh Thần được đổ tràn xuống trên các môn đệ của Hội thánh sơ khởi, họ hiểu Chúa Giêsu nói ám chỉ ai. Lòng họ đầy cảm giác an toàn sâu xa và vui sướng, và họ lãnh nhận các Đặc sủng, có nghĩa là họ có thể nói tiên tri, chữa lành và làm các phép lạ. Ngày nay, trong Hội thánh vẫn có những người được những đặc sủng và làm được các việc như vậy. → 35 – 38, 310 – 311

? Đặc sủng được gọi là ân sủng của Chúa Thánh Thần được tả lại trong thư thứ nhất gửi Côrintô 12,6; chẳng hạn ngoài ơn có thể chữa lành là các ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn nói tiếng lạ và ơn chú giải, ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn đức tin. Thuộc thành phần các ơn kể trên là bảy ơn Chúa Thánh Thần (xem câu 310). Đó là các ơn đặc biệt để hướng dẫn hoặc quản trị một cộng đồng, ơn yêu thương người thân cận và loan truyền đức tin.

114.  Chúa Thánh Thần có vai trò nào trong đời sống Chúa Kitô?

- Tất cả công việc của Chúa Giêsu chỉ có thể hiểu được là do Chúa Thánh Thần tác động. Sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng ta gọi là Thánh Thần được biểu lộ cách hoàn toàn trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu. [689-691, 702-731]

- Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Giêsu thành thai trong lòng Đức Maria (Mt 1,18),xác nhận Người là Con yêu dấu khi Chúa chịu phép Rửa (Lc 4,16-19), dẫn Chúa vào hoang địa (Mc 1,12) tác động cho đến lúc Chúa tắt thở (Ga 19,30). Trên thập giá Chúa Giêsu trút linh hồn. Sau khi sống lại Chúa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 20,22). Thánh Thần Chúa Giêsu được truyền sang cho Hội Thánh như vậy: Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21).

115. Chúa Thánh Thần được biết đến qua tên gọi và dưới những hình dạng nào?

-  Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giêsu với hình chim câu. Các Kitô hữu ban đầu biết đến Chúa Thánh Thần như là dầu chữa bệnh, nước ban sự sống, cơn gió mạnh, những lưỡi lửa. Chính Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần như Đấng Cố vấn, Đấng An ủi, Thầy dạy, Thần Chân lý. Trong các Bí tích của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần được ban xuống qua việc đặt tay và xức dầu. [691-693]

- Hoà bình mà Thiên Chúa ký kết với loài người được diễn nghĩa bằng việc chim bồ câu hiện đến với ông Nôê. Thời cổ ngoại giáo cũng coi chim bồ câu là tượng trưng tình yêu. Nên các Kitô hữu đầu tiên đều hiểu ngay rằng Chúa Thánh Thần là tình yêu Thiên Chúa hóa thành ngôi vị, đã xuống trên Chúa Giêsu như chim bồ câu khi Chúa chịu phép rửa ở sông Jorđanô. Ngày nay chim bồ câu là dấu chỉ hòa bình, được thế giới công nhận, và là một trong những tượng trưng lớn về sự hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại (St 8,10-11).

“Ai cầu nguyện “Xin Chúa Thánh Thần đến” cũng phải sẵn sàng cầu nguyện “Xin đến và thúc bách con bởi con cần được thúc bách.” - Wilheim Stahlin (1883–1975, thần học gia Tin Lành Đức)

“Thánh Thần thúc đẩy ta đến với người khác, đốt lên trong ta lửa bác ái, làm cho ta nên người được sai đi loan truyền tình yêu Chúa.” - Đức Bênêđictô XVI, về Chúa Thánh Thần, 20-7-2007

116.  Chúa Thánh Thần đã "nói qua các tiên tri" nghĩa là gì?

-  Trong Kinh Thánh Cựu ước, Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho một số người nam và nữ để họ nhân Danh Chúa, nói ra lời Chúa dạy, và sửa soạn lòng dân Chúa đón Đức Mêssia (Đấng Cứu thế). [683-688, 702-720]

- Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chọn những người nam và nữ để họ an ủi, hướng dẫn và khuyên bảo dân chúng. Thánh Thần Thiên Chúa cũng nói qua miệng tiên tri Isaia, Jêrêmia, và Êdêkien và các tiên tri khác. Thánh Gioan Tẩy giả, tiên tri cuối cùng không những báo trước Chúa Giêsu đến, mà còn gặp gỡ và loan báo rằng Người là Đấng giải thoát ta khỏi quyền lực tội lỗi.

 Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. - Dt 1,1-2

“Thiên Chúa đã đích thân làm người nơi Chúa Giêsu Kitô và ban cho ta có thể nhìn thấy được nội tâm của chính Thiên Chúa. Và ta thấy một việc không ngờ: Thiên Chúa mầu nhiệm không cô đơn vô hạn. Người là một biến cố tình yêu. Người có Chúa Con nói năng với Người là Cha. Và cả hai chỉ là một trong Chúa Thánh Thần là một bầu khí hiến dâng và yêu thương làm cho tất cả ba chỉ là Một Thiên Chúa độc nhất.” - Đức Bênêđictô XVI, vọng Lễ Hiện Xuống 2006

117.  Chúa Thánh Thần đã hành động trong, với, và qua Đức Mẹ Maria thế nào?

-  Đức Mẹ Maria đã hoàn toàn đáp ứng và cởi mở tâm hồn cho Thiên Chúa (Lc 1, 38). Do đó, qua tác động của Chúa Thánh Thần, Người đã trở nên Mẹ Thiên Chúa, và vì là Mẹ Chúa Kitô, Người cũng trở nên Mẹ các Kitô hữu, và là Mẹ của loài người nữa. [721-726]

- Đức Maria đã để cho Chúa Thánh Thần thực hiện một phép lạ tuyệt vời: Thiên Chúa làm người. Đức Maria thưa vâng với Chúa: “Tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Được Chúa Thánh Thần nâng đỡ, Đức Maria đã đi theo Chúa Giêsu trong những vui buồn của Chúa cho đến chân thập giá. Chính ở đó Chúa Giêsu đã ban Đức Maria làm Mẹ chúng ta (Ga 19, 25-27) → 80-85, 479

 Thánh Thần Chúa sẽ đến trên Bà, và quyền phép Đấng Tối cao sẽ phủ bóng trên Bà. - Lc 1,35

118. Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đã xảy ra chuyện gì?

-  50 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã gởi Chúa Thánh Thần từ trời xuống trên các tông đồ. Từ đây là bắt đầu thời của Hội Thánh. [731-733]

-  Chúa Thánh Thần biến đổi các tông đồ đang co cụm vì sợ hãi trở thành chứng nhân can đảm cho Chúa Kitô. Chỉ ít lâu sau, hằng ngàn người xin chịu phép Rửa tội. Hội Thánh lớn mạnh từ đó. Phép lạ nói nhiều thứ tiếng chứng tỏ rằng ngay từ đầu Hội Thánh được thiết lập cho mọi người, Hội Thánh là phổ quát, là công giáo, là truyền giáo. Hội Thánh nói với mọi người vượt qua hàng rào chủng tộc và ngôn ngữ và mọi người có thể hiểu được. Cho đến ngày nay, Chúa Thánh Thần như là rượu ngon quí giá của Hội Thánh.

 Ai nấy đều được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho… ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. - Cv 2,4-6

? Ngũ tuần. Lúc khởi đầu đây chỉ là lễ mà người Do Thái mừng việc ký kết Giao ước với Giavê ở núi Sinai. Vì có các biến cố xảy ra ở Giêrusalem vào lễ Ngũ Tuần, nên lễ này trở nên cho Kitô hữu Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

119.  Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh như thế nào?

- Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh. Người thúc đẩy Hội Thánh và nhắc nhớ Hội Thánh về sứ mạng của Hội Thánh. Người kêu gọi nhiều người phục vụ Hội Thánh, và ban cho họ nhiều ơn cần thiết. Người hướng dẫn chúng ta đi sâu vào sự thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi. [733-741, 747]

- Cả những lúc trong suốt dọc lịch sử, Hội thánh nhiều khi tỏ ra “không biết rõ mình phải làm gì”, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động dù biết bao lỗi lầm và thiếu sót của con người. Hơn hai ngàn năm Hội thánh vẫn đứng vững và vô số các thánh ở mọi thời, thuộc mọi nền văn hóa, chỉ ngần ấy thôi cũng là những bằng chứng cho biết Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện. Chính Người duy trì toàn thể Hội thánh trong sự thật, và dẫn dắt Hội thánh hiểu biết Thiên Chúa sâu sắc hơn. Chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong các Bí tích và làm cho Kinh thánh trở nên sống động với ta. Ngày nay Người vẫn ban cho những ai mở rộng lòng với Người những ân huệ của Người (→ Đặc sủng). → 203-206

 Thánh Thần Chân lý sẽ dẫn chúng con đến sự thật hoàn toàn. - Ga 16,12-13

 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. - Ga 16,12-13

120. Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong đời tôi?

- Chúa Thánh Thần mở lòng tôi đón nhận Thiên Chúa. Người dạy tôi cầu nguyện, và giúp tôi thực hành bác ái với tha nhân. [738-741]

- Theo thánh Augustinô, Chúa Thánh Thần là vị khách thầm lặng của hồn tôi. Muốn cảm nghiệm được Người có mặt, cần phải thinh lặng. Vị khách này thường tỏ mình ra một cách rất êm đềm trong ta và với ta, qua tiếng lương tâm hoặc qua tiếng thúc giục bên trong hay bên ngoài. Là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” có nghĩa là luôn có mặt sẵn sàng cả hồn xác để tiếp đón vị khách là Thiên Chúa trong ta. Xác ta là như nhà ở của Chúa. Ta càng mở rộng lòng cho Chúa Thánh Thần, Người càng trở nên Thầy dạy ta sống và càng mau mắn ban các đặc sủng để xây dựng Hội Thánh. Nhờ đó thay cho các công việc của xác thịt, các hoa quả của Thần Khí sẽ tăng trưởng. → 290-291, 293-297, 310-311

 Các hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. - Ga 5,22

 Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, rượu chè, và những điều khác giống như vậy. - Ga 5,19-21

Chương 4: "Tôi tin Hội thánh Công giáo"

121.  Hội Thánh nghĩa là gì?

- Từ “Hội Thánh”, theo tiếng Hy lạp “ekklesia”, có nghĩa  là “cuộc tập họp của tất cả những người được triệu tập”. Những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và tin vào Thiên Chúa đều được Thiên Chúa triệu tập, để cùng nhau chúng ta là Hội Thánh. Thánh Phao-lô đã nói, Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh, còn chúng ta là thân thể của Người. [748-757]

- Khi ta lãnh nhận các Bí tích và nghe Lời Chúa, Chúa Kitô ở trong ta và ta ở trong Chúa, đó là Hội Thánh. Kinh Thánh không ngừng gợi lên cuộc sống cộng đồng thân mật giữa các người được rửa tội với Chúa Giêsu bằng rất nhiều hình ảnh: khi thì Hội thánh là mẹ, khi thì là gia đình của Chúa, Hội Thánh cũng được so sánh như những khách dự tiệc cuới… Nhưng không được hiểu Hội Thánh như một thể chế thuần tuý, “một Hội Thánh chức năng” để ta có thể lìa bỏ. Ta có thể bực mình vì những lỗi lầm và những vết nhơ, nhưng không được bao giờ lìa bỏ Hội Thánh. Bởi vì Chúa yêu thương Hội thánh không thể nào bỏ được và không bao giờ xa cách Hội thánh mặc dầu có nhiều tội lỗi. Hội Thánh là sự có mặt của Chúa giữa loài người. Đó là lý do ta phải yêu mến Hội Thánh.

 Chúa Kitô là Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh. - Cl 1,18

 Hội Thánh có nghĩa là “triệu tập”. - Cl 1,18

“Hội Thánh là một bà già đầy những nhăn nheo. Nhưng Hội Thánh là mẹ tôi. Và người ta không bao giờ đánh mẹ.” - Thần học gia Karl Rahner, SJ, khi nghe những chỉ trích không thích hợp về Hội Thánh.

“Khả năng hiểu biết của ta có hạn: vì thế sứ mệnh của Thánh Thần là dẫn dưa Hội Thánh một cách luôn mới mẻ, từ thế hệ này qua thế hệ sau, vào tầm mức cao trọng của mầu nhiệm Chúa Kitô.” - Đức Bênêđictô XVI, 7-5-2005

122. Tại sao Thiên Chúa muốn có Hội Thánh?

- Bởi vì Thiên Chúa không muốn cứu rỗi chúng ta cách riêng rẽ nhưng là tập thể. Người muốn tập họp toàn thể nhân loại vào một dân duy nhất, đó là Hội Thánh. [758-781, 802-804]

- Không ai có thể lên trời mà không cần người khác, Người chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo cứu rỗi riêng mình sẽ sống không cần người khác. Điều này không thể có được cả ở trên trời cũng như dưới đất. Chính Thiên Chúa cũng cần người khác. Thiên Chúa không sống cô độc, tự coi là đủ cho mình. Chính Thiên Chúa là Ba Ngôi, là một cộng đồng, nên theo gương mẫu của Thiên Chúa, con người cũng được mời gọi để sống tương quan, trao đổi, tham gia và yêu thương lẫn nhau. Chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau.

 Thiên Chúa nói với Cain: Abel em ngươi ở đâu? Cain trả lời: Con không biết. Con có phải là người coi giữ em con đâu? - St 4,9

“Ta phải trở nên thánh chung với nhau. Ta phải đến với Thiên Chúa chung với nhau, trình diện trước Thiên Chúa chung với nhau. Ta không được gặp Thiên Chúa tốt lành người này sau người kia. Thiên Chúa có thể nói tốt lành sao được nếu ta lại ra đi người này không có người kia?” - Charles Péguy (1873–1914, thi sĩ Pháp)

123. Nhiệm vụ của Hội Thánh là gì?

- Nhiệm vụ của Hội Thánh như Chúa Giêsu đã bắt đầu là mang hạt giống Nước Thiên Chúa gieo trồng và làm sao cho hạt giống ấy được lớn lên phát triển trong mọi dân tộc. [763-769, 774-776, 780]

- Ở đâu Chúa Giêsu đi qua thì trời chạm tới đất: Nước Thiên Chúa tràn vào, một nước hòa bình và công chính. Hội Thánh phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Hội Thánh không có cùng đích là chính mình, mà phải theo đuổi những gì Chúa Giêsu đã bắt đầu. Hội Thánh phải làm việc của mình. Hội Thánh nối dài các dấu hiệu thánh của Chúa Giêsu (các bí tích). Hội Thánh thông truyền những Lời của Chúa Giêsu. Vì thế Hội Thánh với các yếu đuối của mình là một mảnh trời ở trên trần gian.

 Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. - Ga 20,21

 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. - Mt 28,19-20

124.  Tại sao Hội Thánh còn hơn là một tổ chức?

- Hội Thánh còn hơn là một tổ chức bởi vì Hội Thánh là một mầu nhiệm, vừa nhân loại hữu hình, vừa thần linh vô hình. [770-773, 779]

- Tình yêu chân thật không làm ta mù quáng, nhưng sáng suốt. Cái nhìn của ta về Hội Thánh cũng như vậy. Nhìn bên ngoài Hội thánh chỉ là một xã hội trong lịch sử, có những hậu quả trong lịch sử như những lầm lạc, cả những tội ác nữa, một Hội thánh gồm các tội nhân. Nhưng mà nhìn sâu xa hơn, Chúa Kitô lại tín nhiệm chúng ta là những kẻ tội lỗi đến nỗi không bao giờ Chúa bỏ rơi Hội thánh, mặc dầu hàng ngày chúng ta có thể phản bội Chúa. Sự hiệp nhất không thể tách rời giữa thần linh và nhân loại, giữa tội lỗi và ân sủng, đó chính là bí nhiệm của Hội thánh. Theo con mắt đức tin, chính ở chỗ đó mà Hội thánh bất diệt. → 132

“Hội Thánh không thể xử sự như một xí nghiệp, thay đổi “cung” khi “cầu” xuống thấp.” - Hồng y Karl Lehmann (1936, Giám mục Mayence)

125.  Dân Thiên Chúa có những đặc tính nào?

- Dân Thiên Chúa có Chúa Cha là Đấng sáng lập, Chúa Giêsu Kitô là Đấng lãnh đạo và Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh. Bí tích Rửa Tội là cửa dẫn vào Dân Chúa. Phẩm chất của Dân này là sự tự do của con cái Thiên Chúa. Luật của Dân Chúa là tình yêu. Khi Dân Chúa trung thành với Người và ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa, họ thay đổi được thế giới. [781-786]

- Trong các dân tộc trên trái đất, có một dân mà không có dân nào khác giống họ. Dân ấy không thần phục ai trừ một mình Thiên Chúa. Dân ấy như muối làm cho có vị ngon; như men thấm nhuần vào tất cả; như ánh sáng xóa tan bóng tôi. Ai thuộc về Dân Chúa phải biết rằng họ có thể phải công khai chống lại với những người từ chối là không có Chúa và khinh rẻ điều răn của Chúa. Nhưng trong tự do của con cái Chúa, họ không sợ gì hết, dù là chết đi nữa.

 Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ  trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời. - Pl 2,14-15

“Họ không thể làm gì hơn là giết tôi.” - Robert d’Arenberg (1898–1972, thành viên của nhóm mưu sát chống Hitler, 20-7-1944)

126.  Nói Hội Thánh là "Thân thể của Chúa Kitô" nghĩa là gì?

- Nghĩa là khi chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô nhờ các Bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, chúng ta được liên kết với Người không thể chia lìa. Sự liên kết này mạnh mẽ bền chặt như thể đầu nối liền với các chi thể trong một thân thể vậy. [787-795] → 146, 175, 200, 208, 217

127.  Nói Hội Thánh là "Hiền thê Chúa Kitô" nghĩa là gì?

- Chúa Giêsu Kitô yêu Hội Thánh như chàng rể yêu cô dâu. Người liên kết với Hội Thánh bằng một giao ước vĩnh cửu, hiến mình cho Hội Thánh và không ngừng chăm sóc Hội Thánh như chính Thân Thể mình (x. Ep 5,29). [796]

- Ai có kinh nghiệm về yêu đương thì hiểu yêu là gì. Chúa Giêsu biết và tự coi mình như chàng rể yêu cô dâu bằng tình yêu cháy bỏng và ước muốn cử hành lễ hội tình yêu với Hội thánh là hiền thê của Người. Hiền thê của Người là chúng ta → Hội Thánh. Ngay trong Cựu Ước tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người đã được so sánh như tình yêu nam nữ. Nếu Chúa Giêsu ước muốn tình yêu của chúng ta thì nhiều khi Người lại phải sống trong một tình yêu khốn khổ, vì có những người không muốn điếm xỉa gì tới tình yêu của Người và không muốn đáp lại nữa.

“Yêu mến Chúa Kitô và yêu mến Hội Thánh chỉ là một.” - Frère Roger Schutz

“Bạn nghĩ rằng những yếu đuối của Hội Thánh khiến Chúa Kitô từ bỏ Hội Thánh sao? Từ bỏ Hội Thánh sẽ là như từ bỏ chính thân thể mình vậy.” - Dom Helder Camara (1909–1999, người Brazil, Giám mục của người nghèo)

128.  Nói Hội Thánh là "Đền thờ của Chúa Thánh Thần" nghĩa là gì?

-  Trong lòng thế giới, Hội Thánh là nơi Chúa Thánh Thần hiện diện. [797-801, 809]

- Dân Israel thờ Thiên Chúa trong Đền thờ Giêrusalem. Đền thờ này không còn nữa. Hội Thánh đã đến: Hội Thánh không bị trói buộc vào nơi nào rõ rệt. Quả thật, hễ hai hay ba người tập họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ (Mt 18,20). Hội Thánh có sự sống là do Thánh Thần của Chúa Kitô ban cho: Người sống trong Lời Chúa, và có mặt trong các dấu hiệu thánh là các Bí tích. Người sống trong lòng những người tin và Người tự tỏ mình bằng lời cầu nguyện của họ. Người hướng dẫn họ và đổ tràn đầy ân huệ của Người, ân huệ bình thường cũng như khác thường (Đặc sủng). Cả ngày nay nữa, ai tin cậy vào Chúa Thánh Thần có thể thực hiện được các phép lạ. → 113-120, 203-205, 310-311

 Vì chính chúng ta là Đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, như lời Người phán: Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ. Ta sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ta. - 2 Cr 6,16

“Có nhiều người không nghĩ về việc Thiên Chúa sẽ dùng đến mình nếu mình sẵn sàng để cho Người sử dụng.” - Thánh Inhaxiô Loyola (1491–1556, sáng lập Dòng Tên)

Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền

129.  Tại sao Hội Thánh có đặc tính là duy nhất?

-  Cũng như chỉ có một Chúa Kitô, thì chỉ có thể có một Thân Thể Chúa Kitô, có một Hiền Thê Chúa Kitô, và do đó, chỉ có một Hội Thánh Chúa Kitô. Chúa Kitô là Đầu, Hội Thánh là Thân Thể. Tất cả hiệp thành “Chúa Kitô toàn thể” (Thánh Augustinô). Giống như thân mình có nhiều chi thể, nhưng chỉ là một. Cũng thế, Hội Thánh là duy nhất trong nhiều Hội Thánh địa phương khác nhau. Nhưng tất cả hợp thành Chúa Kitô toàn thể. [811-816, 866, 870]

-  Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh Người trên các Tông đồ. Ngày nay cũng vậy, Hội Thánh cho đến bây giờ vẫn dựa trên nên móng này. Dưới sự hướng dẫn của sứ vụ Thánh Phêrô “làm chủ theo tình yêu” (Thánh Inhaxiô Antiôkia), đức tin của các Tông đồ được truyền lại trong Hội Thánh từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cả các Bí tích mà Chúa Giêsu đã trao phó cho tập đoàn các tông đồ, các bí tích đó tiếp tục tác động với sức mạnh có từ ban đầu.

 Chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người. - Ep 4,4-6

“Với Hội Thánh này [giáo đoàn ở Rôma] do có nguồn gốc tuyệt hảo hơn, nên toàn Hội Thánh nhất thiết phải hòa hợp với nhau nghĩa là các tín hữu khắp nơi trong thế giới, vì nơi Hội Thánh đó có duy trì truyền thống của các Tông đồ để lại.” - Thánh Irênê ở Lyon

130.  Các Kitô hữu "không Công giáo" có là anh chị em với chúng ta không?

-  Tất cả những ai đã được Rửa tội đều thuộc về Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, những người đã được rửa tội, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, họ cũng được gọi cách chính đáng là Kitô hữu, và do đó họ là anh chị em với chúng ta. [817-819]

- Những đổ vỡ trong Hội Thánh duy nhất của Chúa Kitô đều xuất phát từ những bóp méo giáo huấn của Chúa Kitô, từ những lầm lỗi của con người và từ những thiếu sót trong ý muốn hòa giải, nhất là nơi các vị hữu trách trong Hội Thánh. Ki tô hữu ngày nay không chịu trách nhiệm về những chia rẽ trong lịch sử Hội Thánh. Tuy nhiên, vì muốn cả nhân loại được cứu rỗi, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong các Hội thánh và các cộng đồng đã ly khai khỏi Hội Thánh công giáo. Tất cả những ân sủng sẵn có, như Kinh Thánh, các bí tích, đức tin, cậy, mến, và các đặc sủng khác đều do Chúa Kitô mà đến. Ở đâu có Thánh Thần Chúa Kitô, ở đó có một năng lực nội tại thúc đẩy phải “khôi phục lại sự hiệp nhất”, bởi vì ai thuộc về Thánh Thần đều khao khát tập họp lại với nhau.

? Các Hội Thánh và các cộng đồng Hội Thánh. Nhiều cộng đồng Kitô hữu khắp thế giới lấy tên là Hội Thánh. Đối với người Công giáo, chỉ là Hội Thánh khi trong cộng đồng đó các bí tích của Chúa Giêsu Kitô được duy trì nguyên vẹn. Điều này đúng với các cộng đồng Chính thống và các Hội thánh Đông phương trước hết. Trong những cộng đồng Hội Thánh phát xuất từ cuộc cải cách của Tin lành, các bí tích không được duy trì nguyên vẹn.

131. Chúng ta phải làm gì cho việc hợp nhất Kitô hữu?

-  Trong lời nói và trong việc làm, chúng ta phải theo ước muốn của Chúa Kitô được thể hiện rõ qua lời cầu xin của Người: “Xin cho chúng nên một” (Ga 17, 21). [820-822]

- Dù trẻ hay già, sự hiệp nhất của các Kitô hữu là công việc thuộc phận sự của tất cả các Kitô hữu. Sự hiệp nhất là một trong những ước muốn nóng hổi nhất của Chúa Giêsu. Người đã cầu nguyện Chúa Cha: Ước chi tất cả nên một… để thế giới tin rằng Cha đã sai Con (Ga 17,21). Sự chia rẽ giống như những vết thương trong thân thể Chúa Kitô, dẫn đưa đến chỗ thù nghịch nhau, làm suy yếu đức tin và suy yếu lòng tin cậy của Ki tô hữu. Muốn loại bỏ gương xấu chia rẽ này mỗi người phải sám hối, phải tìm hiểu sâu hơn đức tin của cộng đồng mình và những khác biệt của cộng đồng khác. Và trên hết Ki tô hữu phải chung nhau cầu nguyện và cùng cộng tác với nhau để phục vụ nhân loại. Còn các vị hữu trách của Hội thánh thì không được ngừng nghỉ các cuộc đối thoại thần học.

 Nói thế xong Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói rằng: Lạy Cha giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha… để tất cả nên một, như lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con. - Ga 17,1.21

? Đại kết là những cố gắng tập họp tất cả các Hội Thánh Kitô giáo nên một.

132. Tại sao Hội Thánh có đặc tính là Thánh Thiện?

-  Hội Thánh là Thánh, không phải là tất cả các thành phần của Hội Thánh đều thánh, nhưng vì Thiên Chúa chí thánh là nguồn gốc của Hội Thánh, và Người hành động trong Hội Thánh. Mọi phần tử của Hội Thánh được thánh hóa nhờ phép Rửa tội. [823-829]

- Mỗi khi ta để cho Thiên Chúa Ba Ngôi hành động trong ta, tình yêu ta lớn lên, ta được thánh hóa và chữa lành. Các thánh là những “người yêu”, không phải vì họ biết yêu hơn những người khác, nhưng vì Thiên Chúa đã cảm hóa các ngài. Các ngài truyền lại cho mọi người tình yêu các ngài  đã nhận từ Thiên Chúa; nhưng theo cách riêng của mình mà thường là độc đáo. Vì được tiến tới gần Thiên Chúa, chính các ngài cũng thánh hóa Hội Thánh bởi vì các ngài “sống trên trời” để nâng đỡ ta trên đường thánh thiện.

? Thánh thiện. Đây là đặc tính cổ xưa nhất của Thiên Chúa, có nghĩa là thần thiêng, trong trắng, xa cách trần tục, xa cách chuyện thường ngày. Thiên Chúa là Đấng “khác tất cả”, là Đấng thánh của Israel (Is 30,15). Chúa Giêsu đến thế gian như “ Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69). Nhờ Người ta có thể thấy “thánh” nghĩa là: yêu bằng tình yêu vô bờ bến và đầy thương xót, vừa nâng đỡ vừa cứu giúp vừa tìm cách nên hoàn thiện trong thập giá và sống lại.

133. Tại sao Hội Thánh có đặc tính là công giáo?

- Thuật ngữ “công giáo” (tiếng Hy Lạp là Katholon) có nghĩa là mở ra cho tất cả. Hội Thánh là Công giáo, vì Chúa Kitô kêu gọi Hội Thánh tuyên xưng toàn bộ đức tin, gìn giữ đầy đủ các Bí tích để ban phát, và loan báo Tin Mừng cho mọi người. Chúa Kitô sai Hội Thánh đi đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và thuộc mọi nền văn hóa. [830-831, 849-856]

134. Ai thuộc về Hội Thánh Công giáo?

- Người hoàn toàn thuộc về Hội thánh Công giáo là người: hợp nhất với Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục; hợp nhất với Chúa Kitô qua việc tuyên xưng đức tin Công giáo và lãnh nhận các Bí tích. [836-838]

- Thiên Chúa đã muốn chỉ có Một Hội Thánh cho mọi người. Rủi thay Kitô hữu chúng ta lại không trung thành tôn trọng ước mong đó của Chúa Kitô. Dẫu vậy, ta vẫn còn liên kết sâu xa với nhau bởi đức tin và phép rửa tội chung.

 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Chúa Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn. - Ep 1,22-23

135. Hội Thánh Công giáo có quan hệ nào với dân Do Thái?

-  Dân Do Thái là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn mà các ân huệ cũng như lời mời gọi của Thiên Chúa không thể bị hủy bỏ, Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái không thể qua đi. Do đó, người Do Thái là “anh cả” của Kitô hữu, vì Thiên Chúa đã yêu thương họ trước, và ngỏ lời với họ trước. Chúa Giêsu, xét theo loài người, là người Do Thái, như thế Người gần gũi với chúng ta. Và Hội Thánh tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, như thế Người phân biệt với chúng ta. Nhưng cả hai bên cùng chờ đợi lần đến cuối cùng của Đấng Mêssia, điều này làm cho ta với họ giống nhau. [839-840]

- Đức tin của ta được ghép vào đức tin của Do thái. Kinh Thánh của Do Thái mà ta gọi là Cựu Ước là phần thứ nhất của Kinh Thánh của chúng ta. Hình ảnh Do Thái và Kitô giáo về con người mà luân lý được nặn đúc bởi mười điều răn là nền móng cho các thứ dân chủ của Tây phương. Thật đáng tiếc là trong nhiều thế kỷ Kitô hữu đã không muốn nhận là bà con gần với Do Thái giáo, và với những biện bạch giả tạo, họ đã để lòng thù ghét đôi khi dữ dội với Do Thái giáo. Vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã công khai xin lỗi vào dịp Năm Thánh 2000. Công đồng Vatican II nói rõ ràng là dân tộc Do Thái không phải chịu trách nhiệm tập thể về cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá. → 96-97, 335

 Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ lề luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ: Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn. - Mt 5,17

“Đạo Do Thái đối với ta không phải cái gì ở ngoài, nhưng một cách nào đó thuộc về trung tâm của tôn giáo ta. Ta có với Do thái giáo những quan hệ mà ta không có chút nào với các tôn giáo khác. Các bạn Do thái là anh cả của chúng ta một cách nào đó.” - Đức Gioan Phaolô II thăm Hội đường Do Thái ở Rôma, 1986

136. Hội Thánh nhìn thế nào về những tôn giáo khác?

-  Hội Thánh tôn trọng tất cả những gì là tốt lành và chân thật trong các tôn giáo khác. Hội Thánh thừa nhận mọi giá trị và bênh vực cho quyền tự do tôn giáo được coi như quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, Hội Thánh biết rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của cả nhân loại. Chỉ mình Người "là con đường, là sự thật, và là sự sống" (Ga 14,6). [841-845, 846-848]

- Người đang kiếm tìm Thiên Chúa là bạn gần gũi với Kitô hữu; Các người Hồi giáo còn đặc biệt hơn vì là thành phần trong nhóm bà con họ hàng, giống như Do thái giáo và Kitô giáo, là một tôn giáo thờ một thần. Những người Hồi giáo thờ Thiên Chúa tạo hóa và coi ông Abraham là tổ phụ của họ trong đức tin. Theo sách Coran, Chúa Giêsu là một tiên tri lớn và đức Maria Mẹ Người là mẹ của tiên tri. Hội thánh dạy rằng mọi người, không do lỗi của họ, mà đã không biết Chúa Kitô và Hội thánh, nhưng thành thực tìm  Chúa và sống theo tiếng lương tâm, đều được cứu rỗi đời đời.Trái lại, ai đã biết Chúa Giêsu Kitô là con đường, là sự thật và là sự sống mà không đi theo Người, người đó sẽ không tìm được ơn cứu độ bởi các con đường nào khác. Câu nói “Ở ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ” có nghĩa như vậy.

? Tự do tôn giáo là quyền của mọi người được theo lương tâm mình đã chọn hoặc thực hành tôn giáo của mình, Thừa nhận tự do tôn giáo không có nghĩa là thừa nhận mọi tôn giáo đều giống như nhau cũng như đều chân thật như nhau.

137.  Tại sao Hội Thánh có đặc tính là tông truyền?

-  Hội Thánh là tông truyền vì Hội Thánh được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ. Hội Thánh nắm vững Truyền thống do các ngài truyền lại, và Hội Thánh được cai quản bởi các đấng kế vị các Tông Đồ. [857-860, 869, 877]

- Chúa Giêsu đã kêu gọi các Tông đồ để làm cộng tác viên thân cận nhất của Người; các ông trở thành những chứng nhân thấy tận mắt của Người. Sau khi Người sống lại, Người đã hiện ra rất nhiều lần với các ông. Người đã ban Chúa Thánh Thần và sai các ông đi như những người loan tin có đầy đủ quyền năng đến toàn thế giới. Trong Hội thánh thời trẻ trung các ông là những người bảo đảm cho sự hiệp nhất. Các ông dùng việc đặt tay để truyền lại sứ mệnh và quyền bính cho những người kế vị là các giám mục. Điều mà các giám mục ngày nay thực hiện theo như các Tông đồ đã làm, được gọi là sự nối tiếp các Tông đồ.

? Tông đồ có ý chỉ người được sai đi, người loan tin. Tên của 12 Tông đồ là: Simon cũng gọi là Phêrô người đứng đầu, Anrê anh của ông, Giuse con ông Dêbêđê và Gioan em của ông; Philiphê và Batôlômêô, ông Tôma và ông Mathêu người thu thuế, ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm quá khích và ông Giuđa Itcariốt, chính là kẻ nộp Người (Mt 10,2-4).

? Sự nối tiếp các tông đồ. Đi từ các tông đồ có các giám mục nối tiếp không ngừng trong sứ vụ giám mục. Chúa Giêsu đã trao ban đầy đủ quyền năng cho các tông đồ. Việc này được tiếp tục từ giám mục này sang giám mục khác bằng việc đặt tay và cầu nguyện cho đến khi Chúa trở lại.

“Hội Thánh không bao giờ bằng lòng với nhóm những người mà Hội Thánh đã thành công đạt được vào một thời điểm, và nói rằng các nhóm khác rồi sẽ cũng như thế: Hồi giáo, Ấn giáo và cứ như thế. Hội Thánh không thể nào rút lại cách dễ dàng vào trong giới hạn lãnh vực riêng của mình. Hội Thánh có trách nhiệm quan tâm cách phổ quát, Hội thánh phải lo lắng cho mọi người và về mọi sự.” - Đức Bênêđictô XVI, 7-5-2006

138. Hội Thánh tổ chức thế nào để có 4 đặc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền?

-  Trong Hội Thánh có sự phân biệt giữa các giáo dân và giáo sĩ. Nhưng tất cả đều là con cái Thiên Chúa như nhau và có cùng một phẩm giá. Tuy giáo sĩ và giáo dân có khác nhau, nhưng nhiệm vụ của họ có giá trị như nhau. Nhiệm vụ của giáo dân là hướng dẫn cả thế giới tiến về Nước Thiên Chúa. Cộng tác với họ là các thừa tác viên lãnh chức thánh, họ có nhiệm vụ cai quản, giáo huấn và thánh hóa Hội Thánh. Trong hai bậc sống kể trên, còn có những Kitô hữu được thánh hiến cách đặc biệt cho Thiên Chúa qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm: độc thân, nghèo khó, vâng phục, như trong các dòng tu. [871-876, 934, 935]

- Mọi Kitô hữu có bổn phận làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống riêng của mình. Nhưng mỗi người bước đi với Chúa theo cách của mình. Có người Chúa trao sứ vụ làm giáo dân để xây dựng Nước Thiên Chúa giữa thế giới bằng đời sống gia đình và nghề nghiệp của mình : Người ban cho họ qua bí tích rửa tội và thêm sức tất cả các ơn huệ của Chúa Thánh Thần mà họ cần đến. Có những người đã được thêm sức, Người trao cho nhiệm vụ làm chủ chăn: họ phải điều khiển dân Chúa, giảng dạy và thánh hóa dân Chúa. Không ai được mạnh dạn tự gán cho mình nhiệm vụ đó: Chính Chúa sẽ ban cho họ nhờ bí tích truyền chức thánh, để thông truyền cho họ sức mạnh thần linh giúp họ hành động nhân danh Chúa Kitô và cử hành các Bí tích.

? Giáo dân là tình trạng chung của Kitô hữu trong Hội Thánh là thành phần của Dân Chúa do bí tích rửa tội, nhưng không chịu chức thánh.

? Giáo sĩ là tình trạng trong Hội Thánh của những người đã được chịu chức thánh.

139.  Ơn gọi của giáo dân là gì?

- Xuất phát từ Bí tích Rửa Tội, người giáo dân có ơn gọi sống dấn thân trong đời sống xã hội để làm cho Nước Thiên Chúa lớn mạnh nơi trần thế. [877-913, 940-943]

- Giáo dân không phải Kitô hữu hạng hai, vì cùng được tham dự chức tư tế của Chúa Kitô (chức tư tế chung của người đã được rửa tội). Họ lo giúp những người chung quanh mình (trường học, gia đình, nghề nghiệp) học biết Tin Mừng và yêu mến Chúa Kitô. Họ làm cho xã hội, kinh tế, chính trị, được thấm nhuần đức tin. Họ tham gia đời sống Hội thánh bằng thi hành chức vụ “cầm nến” và đọc sách, bằng sinh hoạt nhóm, tham gia các ủy ban và tổ chức của Hội thánh, như Hội đồng giáo xứ, Hội đồng mục vụ… Đặc biệt người trẻ phải nghiêm chỉnh suy nghĩ đến địa vị mà Thiên Chúa muốn họ phải đảm nhiệm trong Hội thánh.

“Tôi được định mệnh cho làm một người hoặc sự gì mà không ai khác được gọi để làm, tôi có một chỗ trong chương trình của Thiên Chúa và trên trái đất của Người mà không ai khác có được.” - Chân phước John Henry Newman

140.  Tại sao Hội Thánh của Chúa Kitô không là một tổ chức dân chủ?

- Dân chủ được điều hành dựa trên nguyên tắc: "Mọi quyền lực từ người dân mà đến". Trái lại trong Hội Thánh quyền bính xuất phát từ Chúa Kitô. Do đó, Hội Thánh có một cơ cấu phẩm trật hoạt động theo văn hoá tập đoàn. [874-879]

- Yếu tố phẩm trật trong Hội thánh có nghĩa là Chúa Giêsu là Đầu, Người hoạt động trong Hội thánh, khi các thừa tác viên có chức thánh cử hành các bí tích nhân danh Người và giáo huấn với quyền năng Người ban cho. Còn yếu tố tập đoàn trong Hội thánh có nghĩa là Chúa Kitô đã trao phó toàn bộ đức tin cho cộng đồng các Tông đồ và những đấng kế vị các Tông đồ quản trị, dưới quyền chủ trì của Đấng thi hành chức vụ Người đã trao cho Thánh Phêrô. Theo phương thức tập đoàn này, các công đồng chiếm địa vị hiển nhiên không bàn cãi trong Hội thánh. Tuy nhiên, các ơn rất đa dạng của Thánh Thần và tính phổ quát của Hội thánh vẫn có thể sinh hoa kết quả trong những hội đồng của Hội thánh, hoặc hội nghị và các hội họp khác.

? Phẩm trật là cơ cấu hình kim tự tháp mà Chúa Kitô ban cho Hội Thánh, từ Chúa Kitô phát xuất ra mọi quyền năng và uy thế.

141.  Nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng là gì?

-  Vì là đấng kế vị thánh Phêrô và đứng đầu Giám mục đoàn, nên nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng là bảo đảm cho sự hợp nhất của Hội thánh. Ngài có quyền tối cao trong các vấn đề mục vụ của Hội thánh, và đối với tất cả những quyết định liên quan đến tín lý và kỉ luật. [880-882, 936, 937]

- Chúa Giêsu ban cho Thánh Phêrô quyền tối cao trên các Tông đồ, làm cho ngài cũng có quyền bên trên Hội Thánh sơ khởi - Hội Thánh địa phương này do Phêrô cai quản, là nơi mà ngài chịu tử đạo, và nơi mà sau khi ngài chết Hội thánh trẻ phải tham khảo: tất cả các công đoàn phải đồng thuận với Rôma. Đó là tiêu chuẩn đúng của một đức tin tông truyền, nguyên vẹn và đích thực. Đến ngày nay, tất cả giám mục ở Rôma đều là chủ chăn tối cao của Hội thánh như thánh Phêrô, có Chúa Kitô là đầu. Chỉ khi thi hành nhiệm vụ này mà Đức Giáo hoàng là “đại diện Chúa Kitô trên trần gian”. Dựa vào uy quyền tối cao trong nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn và giáo lý, ngài phải lo thông truyền cách chính xác đức tin. Nếu cần ngài phải rút lại những giáo huấn hoặc cất chức các thừa tác viên nào có lỗi nặng phạm đến đức tin và luân lý. Sức mạnh và sự tỏa sáng của Hội thánh công giáo tùy thuộc rất lớn vào sự hiệp nhất trong những vấn đề đức tin và luân lý, sự hiệp nhất được đảm bảo nhờ huấn quyền mà Đức Giáo hoàng là thủ lĩnh. (Huấn quyền là quyền giáo huấn trong Hội Thánh)

? Đức Giáo hoàng là người kế vị Tông đồ Phêrô, làm giám mục ở Rôma. Vì Thánh Phêrô đã là người đầu tiên trong các tông đồ, mà Đức Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, nên có quyền chủ tọa tập đoàn các giám mục. Vì là thay mặt Chúa Kitô, Đức Giáo hoàng là chủ chăn tối cao của Hội Thánh.

? Rôma. Cộng đồng Hội Thánh ở Rôma ngay từ thời đầu đã được coi là Hội Thánh “rất lớn, rất cổ, được mọi người biết đến, được hai vị tông đồ rất vinh hiển là thánh Phêrô và Phaolô vừa thiết lập vừa cư ngụ ở Rôma... Rôma có nguồn gốc tuyệt hảo hơn, nên tất cả Hội thánh nghĩa là các tín hữu khắp nơi phải nhất thiết đồng thuận với Hội thánh Rôma, bởi vì nơi Hội Thánh này có gìn giữ truyền thống từ đời các Tông đồ” Thánh Irênê ở Lyon (135-202). Việc hai vị Tông đồ còn chịu tử đạo ở Rôma càng tăng thêm tầm quan trọng của cộng đồng Rôma.

142. Các Giám mục có thể hành động và dạy dỗ những điều ngược với Giáo hoàng, còn Giáo hoàng có thể làm như vậy với các Giám mục không?

-  Các Giám mục chỉ có thể hành động và dạy dỗ trong sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng, chứ không trái ngược. Về phần Đức Giáo hoàng, trong một số trường hợp cụ thể, có thể đưa ra những quyết định không có sự đồng ý của các Giám mục. [880-890]

- Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng bị ràng buộc trong các quyết định về đức tin của Hội Thánh: “Những gì mà ở mọi thời, mọi nơi, và luôn được mọi người tin” (Thánh Vincent Lérins) đều là cảm thức chung của Hội thánh bởi vì trong phạm vi đức tin, sự xác tín của các Kitô hữu đều được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần.

? Giám mục - người kế vị các Tông đồ. Ngài điều khiển một giáo phận (Hội Thánh địa phương). Vì là thành viên của Giám mục đoàn và ở dưới quyền trách nhiệm của Đức Giáo hoàng, ngài mang trách nhiệm với tất cả Hội Thánh.

? Linh mục cộng tác viên của Giám mục để loan báo Tin Mừng và cử hành các bí tích. Linh mục thi hành nhiệm vụ trong Hội thánh trong hiệp nhất với các linh mục khác, dưới sự điều khiển của Giám mục.

143. Đức Giáo hoàng có ơn vô ngộ (không thể sai lầm) thực không?

- Có. Nhưng ngài chỉ bất khả ngộ khi ngài tuyên bố một điểm giáo thuyết về đức tin và luân lý một cách long trọng từ ngai tòa (ex cathedra). Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng còn được thể hiện trong những quyết định của Giám mục đoàn hợp nhất với Đức Giáo hoàng, nhất là khi các ngài họp Công đồng Chung, công bố một điểm giáo lý có liên quan đến đức tin hoặc luân lý bằng một hành động dứt khoát. [888-892]

- Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng không tuỳ thuộc vào luân lý toàn vẹn hoặc trí tuệ của ngài. Thực ra Hội Thánh thì không sai lầm: Chúa Giêsu đã hứa ban Thánh Thần Đấng gìn giữ và hướng dẫn Hội Thánh để Hội thánh càng ngày càng thấu hiểu sự thật. Khi một chân lý đức tin hiển nhiên bỗng dưng bị chối bỏ hoặc giải nghĩa không đúng, Hội Thánh phải dùng phương sách cuối cùng là nhờ một tiếng nói quả quyết một cách dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Tiếng nói này là của Đức Giáo hoàng. Vì là đấng kế vị Thánh Phêrô, và đứng đầu các Giám mục, chỉ mình ngài có quyền xác quyết về chân lý bị tranh cãi là có phù hợp với truyền thống đức tin của Hội Thánh, để chân lý đó được trình bày cho các tín hữu được “tin tưởng một cách chắc chắn” trong mọi lúc. Người ta gọi là “Đức Giáo hoàng công bố tín điều”. Nội dung một tín điều không bao giờ được trình bày điều gì “mới lạ”. Rất ít khi có công bố tín điều: tín điều được công bố sau cùng là vào năm 1950, do Đức Giáo hoàng Piô XII về việc Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác.

 Chúa Thánh Thần sẽ dẫn các con tới sự thật hoàn toàn. - Ga 16,13

 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời, dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy, dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. - Mt 16,18-19

? Cộng đồng chung là cuộc họp của toàn thể các Giám mục công giáo trong Hội thánh toàn cầu. Không nên lẫn lộn với “phong trào đại kết” là về việc hiệp nhất các Kitô hữu.

? Ex cathedra có ý chỉ việc tuyên bố giáo lý không thể sai lầm của Đức Giáo hoàng.

? Tín điều một điều buộc phải tin, chứa trong Kinh thánh và Thánh truyền, được công bố ex cathedra như là mặc khải của Chúa.

“Cầu nguyên cho tôi, để tôi học biết yêu mến luôn luôn đoàn chiên của Chúa là Hội thánh ngày càng tốt hơn, yêu mỗi người và yêu tất cả anh em. Cầu nguyện cho tôi để tôi không trốn chạy trước sói rừng. Xin hãy cầu nguyện cho nhau để Chúa mang vác chúng ta và để nhờ Người chúng ta mang vác cho nhau.” - Đức Bênêđictô XVI, 24-7-2005

144. Nhiệm vụ của giám mục là gì?

- Các giám mục có trách nhiệm tại Hội Thánh địa phương đã trao phó cho các ngài (địa phận), và cùng chia sẻ trách nhiệm chung với toàn Hội thánh Công giáo. Giám mục thi hành quyền bính của mình trong sự hiệp thông với các Giám mục khác, và cho lợi ích của toàn Hội Thánh, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng. [886-887, 893-896, 938-939]

- Các giám mục trước hết phải là các Tông đồ, các chứng nhân trung tín mà Chúa Giêsu đã đích thân chọn để ở với Người và được Người sai đi. Như vậy các ngài đem Chúa Kitô cho mọi người và đem mọi người đến với Chúa Kitô. Các Ngài thực hiện bằng giảng dạy, cử hành các bí tích và quản trị Hội Thánh. Vì là đấng kế vị các Tông đồ, Đức Giám mục thi hành phận sự dựa theo quyền tông truyền riêng của ngài; ngài không phải người được ủy quyền hay phụ tá của Đức Giáo hoàng. Dẫu vậy, ngài hành động trong hiệp thông với Đức Giáo hoàng và dưới quyền của Đức Giáo hoàng.

 Người lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ. - Mc 3,14-15

 Ai nghe anh em là nghe Thầy và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy. - Lc 10,16

145. Tại sao Chúa Giêsu muốn có những Kitô hữu cam kết sống trọn đời trong bậc tu trì qua các lời khấn độc thân, nghèo khó, vâng phục?

- Thiên Chúa là Tình Yêu. Người cũng muốn chúng ta yêu Người, bằng cách dâng hiến trọn vẹn đời sống và tình yêu cho Thiên Chúa như Chúa Giêsu, nghĩa là sống: độc thân, nghèo khó, vâng phục. Những ai chọn lối sống này phải có trí óc, trái tim và đôi tay tự do để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. [914-933, 944-945]

- Có những bạn nam và nữ đã để Chúa Kitô hoàn toàn chinh phục mình, đến nỗi họ bỏ mọi sự vì Chúa, và Nước Trời (Mt 19,12) - bỏ cả những quà tặng rất tốt đẹp như tài sản, như quyền tự chủ, và tình yêu hôn nhân. Cuộc sống theo các Lời khuyên Phúc Âm trong khó nghèo, trinh khiết và vâng phục chứng tỏ cho mọi Kitô hữu rằng thế giới không phải là tất cả. Chỉ có sự “mặt đối mặt” với Chúa là hôn phu mới làm con người hạnh phúc thật sự.

 Chúa Giêsu đưa mắt nhìn người thanh niên và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." - Mc 10,21

? Lời khuyên Phúc Âm: Sống khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục là những lời khuyên mà Tin Mừng nêu lên để theo Chúa Kitô.

“Theo Chúa Kitô luôn đòi hỏi phải can đảm lội ngược dòng.” - Đức Bênêđictô 17-5-2008

146.  Khi nói "Các thánh thông công" nghĩa là gì?

- Tất cả mọi người, dù nam hay nữ, đặt trọn vẹn niềm hy vọng vào Chúa Kitô, và thuộc về Người qua bí tích Rửa Tội, dù họ còn sống hay đã qua đời, đều được tham dự vào “các thánh thông công”. Bởi vì, chúng ta chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô, chúng ta sống trong sự hiệp thông bao trùm cả trời và đất. [946-962]

- Các thánh thông công nghĩa là mọi thành phần trong Hội thánh đều được cùng chia sẻ những thực tại thánh như đức tin, các bí tích, các đặc sủng và ơn thiêng, kể cả những của cải vật chất (Cv 4,32). Một ý nghĩa nữa đó là “sự hiệp thông giữa các người thánh: một số đang lữ hành trên trần gian; một số khác đã từ giã cõi đời này nhưng còn đang được thanh luyện và hưởng sự trợ giúp của những người khác; ý nghĩa sau cùng là một số đang hưởng vinh quang trên trời và đang chuyển cầu cho tất cả. Hội Thánh còn lớn hơn và sống động hơn là nghĩ tưởng. Thuộc về Hội Thánh có những người đang sống hoặc đã chết - những người này hoặc đang chịu thanh luyện hoặc đã hưởng vinh quang với Chúa - những người mà ta biết hoặc ta không biết, những thánh lớn và những người bình thường. Vượt qua sự chết ta vẫn có thể giúp ích cho nhau. Ta có thể kêu cầu vị thánh mà ta mang tên ngài, hoặc vị thánh nào ta yêu thích hơn, nhưng cũng có thể người thân cận nào đã qua đời mà ta tin rằng các ngài đã được về với Chúa. Và ngược lại, ta có thể cứu giúp những người đã qua đời còn đang phải chịu thanh luyện bằng cách cầu nguyện cho họ. Như vậy, những gì chúng ta làm hoặc phải chịu đựng vì và trong Chúa Kitô đều đem lại lợi ích cho tất cả. Nhưng thông công còn có nghĩa khác là mỗi tội lỗi đều gây tổn thương cho tất cả cộng đồng, tiếc thay. → 126

 Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. - 1 Cr 12,26

“Đừng khóc, tôi sẽ giúp ích cho anh em hơn sau khi tôi chết, tôi sẽ giúp đỡ anh em hiệu quả hơn là khi tôi còn sống.” - Thánh Đaminh

147.  Tại sao Đức Maria lại có một chỗ cao vượt trong mầu nhiệm "Các Thánh thông công"?

- Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu khi còn ở dưới thế và khi lên trời, sự liên kết mật thiết này vẫn không ngừng. Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng, và trong tình mẫu tử, Mẹ chắc chắn rất gần gũi với chúng ta. Mẹ đã được đón tiếp về Trời cả hồn lẫn xác. [972]

- Bởi vì Đức Maria đã dấn thân cả xác hồn trong một cuộc phiêu lưu liều lĩnh và nguy hiểm, dù là có tính cách thần linh, Mẹ đã được đón nhận về trời cả xác lẫn hồn. Ai sống và tin giống như Đức Maria thì được về trời.

“Chúng ta có một Mẹ ở trên trời. Được sống trong Chúa và với Chúa, Mẹ gần gũi mỗi chúng ta, hiểu biết nỗi lòng chúng ta, nghe lời cầu nguyện, giúp đỡ chúng ta như Mẹ nhân lành, và như lời Chúa Giêsu nói, Mẹ được trao ban là Mẹ thật của chúng ta mà chúng ta có thể nói với Mẹ mọi lúc.” - Đức Bênêđictô XVI 15-8-2005

“Thiên Chúa không ban cho loài người một người tớ gái nhưng là một người mẹ.” - B. Adolf Kolfring (1813-1865, linh mục Đức, tông đồ giới thợ và thủ công)

148.  Đức Mẹ có thực sự cứu giúp chúng ta không?

- Có. Từ thời sơ khai, Hội Thánh đã có kinh nghiệm về sự trợ giúp của Đức Mẹ. Và trong suốt dọc lịch sử của Hội Thánh, hàng triệu tín hữu đã làm chứng về sự cứu giúp của Mẹ Maria. [967-970]

- Vì là Mẹ Chúa Giêsu, Đức Maria cũng là Mẹ chúng ta. Một người mẹ tốt lành luôn bảo vệ con mình. Đức Maria, Mẹ chúng ta còn hơn thế nữa. Ngay ở trần gian, Mẹ đã can thiệp với Chúa Giêsu trong tiệc cưới Cana để đôi tân hôn khỏi mất mặt. Mẹ đã ở với các môn đệ Chúa trong Nhà Tiệc Ly, dịp Lễ Ngũ Tuần, để cùng chung cầu nguyện với họ. Vì tình yêu của Mẹ bao la, ta có thể tin chắc Mẹ sẽ giúp ta trong hai lúc quan trọng nhất của cuộc đời ta; đó là “khi nay và trong giờ lâm tử”. → 85

 Khi thấy thiếu rượu, Mẹ Chúa Giêsu nói với Người, "Họ hết rượu rồi". Chúa Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến. Mẹ Người nói với gia nhân, "Người bảo gì, các anh cứ làm theo". - Ga 2,3-5

149.  Ta có được thờ kính Đức Maria không?

-  Không. Chúng ta chỉ thờ một mình Thiên Chúa. Nhưng chúng ta có thể tôn kính Đức Maria cách đặc biệt, vì Người là Mẹ Đấng Cứu Thế. [971]

- Thờ kính có nghĩa là nhìn nhận cách khiêm tốn vô điều kiện quyền tối cao tuyệt đối của Thiên Chúa trên mọi thụ tạo. Đức Maria  là một thụ tạo như ta. Người là Mẹ ta theo đức tin. Và ta phải thảo kính cha mẹ, đó là Kinh thánh dạy. Và Đức Maria đã nói về mình rằng: Vâng từ nay mọi thế hệ sẽ khen tôi có phước (Lc 1,48). Trong Hội thánh, việc tôn kính này được diễn ra một cách độc đáo trong các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ, trong các lễ phụng vụ kính Mẹ Thiên Chúa và trong các kinh nguyện tôn kính Đức Mẹ, như kinh Mân Côi, được xem là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng. → 353, 485

Chương 5: Tôi tin phép tha tội

150.  Hội Thánh Công giáo có thực sự tha tội được không?

-  Có. Bởi vì không chỉ một mình Chúa Giêsu có quyền tha tội, mà Người còn trao cho Hội thánh nhiệm vụ và quyền giải thoát con người khỏi tội lỗi của họ. Chúa Giêsu đã cho linh mục tham gia vào quyền tha tội của Người, nên linh mục có thể tha tội. [981-983, 986-987]

- Qua tác vụ của linh mục, Thiên Chúa ban cho loài người ơn tha thứ và xóa bỏ mọi tội dường như tội lỗi không có bao giờ. Một linh mục chỉ có thể thực hiện được việc đó vì Chúa Giêsu đã cho tham dự vào quyền thần linh riêng tư của Chúa để tha tội. → 252, 239

 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. - Ga 20,23

“Linh mục đã nhận được nơi Thiên Chúa một quyền năng đầy đủ mà Thiên Chúa đã không ban cho các thiên thần hay các tổng lãnh thiên thần. Thiên Chúa ở trên trời cao xác nhận điều linh mục làm ở dưới thế.” -  Thánh Gioan Chrysostom

151.  Hội Thánh tha thứ tội lỗi như thế nào?

- Bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội là Bí tích Rửa Tội. Sau khi lãnh Bí tích Rửa Tội, đối với các tội nặng đã phạm, điều cần thiết để được tha thứ là phải chạy đến với Bí tích Hoà Giải (Bí tích Thống Hối, Giải Tội). Đối với các tội nhẹ thì chỉ khuyên xưng tội thôi. Việc đền tội phải tương xứng với tính chất trầm trọng của tội đã phạm. Có thể đền tội bằng cách đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, ăn chay, và làm các việc lành khác. [976-980, 984-987]  → 226-239

“Tôi sẽ phải bối rối nếu không có phép giải tội trong kín đáo.” - Martin Luther (1483–1546, nhà cải cách Tin Lành Đức)

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại

152.  Tại sao chúng ta tin người chết sẽ sống lại?

-  Chúng ta tin kẻ chết sẽ sống lại vì Chúa Giêsu đã phục sinh từ trong kẻ chết, Người sống luôn mãi, và Người làm cho chúng ta tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Người. [988-991]

-  Khi có ai qua đời, xác họ được chôn hoặc thiêu. Nhưng ta tin rằng họ có một đời sống sau khi chết. Chúa Giêsu phục sinh đã tỏ mình ra như Chúa của sự sống. Lời của Người đáng tin cậy: Tôi là sự sống lại. Ai tin Tôi dù có chết vẫn sẽ sống (Ga 11,25b). → 103-108

 Sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại thì Đức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. - 1 Cr 15,12-14.19-20

153.  Tại sao ta tin "xác sẽ sống lại"?

- Thánh Kinh khi nói về “thân xác” là muốn nhắm đến con người trong tình trạng mỏng giòn và phải chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng không coi “thân xác” con người là thấp hèn kém giá trị. Trong Đức Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, để cứu chuộc loài người. Thiên Chúa cũng không chỉ cứu linh hồn con người, nhưng Người cứu toàn bộ con người có hồn và xác. [988-991, 997-1001, 1015]

- Thiên Chúa đã dựng nên con người có xác và hồn. Đến Tận thế Người sẽ không để cho “xác” nghĩa là toàn thể thụ tạo vật chất rớt xuống như một đồ chơi cũ kỹ. Đến “ngày sau hết” Người sẽ làm cho ta chỗi dậy như những vật có xác thịt – nghĩa là ta sẽ được biến đổi, nhưng ta sẽ vẫn cảm thấy mình ở trong yếu tố của mình. Đối với Chúa Giêsu cũng vậy, việc ở trong điều kiện có xác không phải chỉ trong một giai đoạn. Khi Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, các môn đệ trông thấy các vết thương ở xác Người.

 Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm (có xác) và cư ngụ giữa chúng ta. Ga 1,14

154.  Khi ta chết, xảy ra điều gì?

-  Khi ta chết, hồn lìa xác, xác thối rữa, hồn đến gặp Thiên Chúa, và chờ hợp nhất lại với xác vào ngày tận thế. [992-1004, 1016-1018]

- Xác ta sẽ sống lại thế nào, đó là một mầu nhiệm. Một hình ảnh có thể giúp ta hiểu: khi ta xem thấy củ của cây hoa tulip, ta không biết nó sẽ phát triển thành hoa rực rỡ thế nào trong đất. Đối với ta cũng thế, ta cũng không biết gì về vẻ bề ngoài tương lai của thân xác mới của ta. Thánh Phaolô quả quyết chắc chắn rằng: người ta được gieo trong hèn hạ mà chỗi dậy thì vinh quang (1 Cr 15,43a)

Nhưng có người sẽ nói, kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết rồi mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý ngài muốn: giống nào hình thể ấy. - 1 Cr 15,35

“Ngay thân xác cũng có một chỗ nơi Thiên Chúa.” - Đức Bênêđictô XVI, 15-8-2005

“Tôi muốn thấy Thiên Chúa và để thấy Thiên Chúa, tôi phải chết.” - Thánh Têrêsa Avila

155. Nếu ta trông cậy vào Chúa Kitô, Người sẽ giúp ta thế nào vào lúc ta chết?

-  Chúa Kitô sẽ tới gặp ta và đưa ta vào cuộc sống đời đời. Thánh Têrêsa Hài đồng nói: "Không phải cái chết sẽ đến đón tôi mà là chính Thiên Chúa". [1005-1014, 1016, 1019]

-  Khi chiêm ngắm những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, đoạn nói về cái chết của Chúa có thể dễ hiểu hơn. Trong hành vi tin cậy và yêu mến Chúa Cha, ta có thể “xin vâng” như Chúa Giêsu đã làm trong vườn cây dầu. Loại thái độ này được gọi là “hiến dâng linh thiêng”. Người đang chết kết hợp với cuộc hiến dâng của Chúa Kitô trên thập giá. Chết như vậy trong niềm tin cậy nơi Chúa và trong bình an với mọi người, thì không có tội nặng, đó là lên đường đi tới cộng đồng của Chúa Kitô phục sinh. Cái chết của ta làm ta rớt xuống, nhưng ta rớt trong tay Chúa. Người chết không hành trình tới hư vô, nhưng trở về nhà trong tình yêu của Đấng đã tạo dựng họ.

 Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. - Rm 14,8

“Tôi không chết, tôi đi vào sự sống.” - Thánh Têrêsa Hài đồng (1873-1897, nhà thần bí và tiến sĩ Hội Thánh)

Chương 6: "Tôi tin hằng sống vậy"

156. Sự sống vĩnh hằng là gì?

- Sự Sống vĩnh hằng đã khởi đầu khi ta lãnh Bí tích Rửa Tội. Nó tiếp tục sau khi chết và nó sẽ vô cùng tận. [1020]

- Những người yêu nhau có kinh nghiệm rằng: họ muốn cho chuyện tình của họ không ngừng lại bao giờ. Thiên Chúa là tình yêu, thư thứ nhất của Thánh Gioan nói thế (1 Ga 4,16). Thư thứ nhất gửi Côrintô nói đức ái không bao giờ mất được (1 Cr 13,8). Thiên Chúa thì vĩnh hằng vì Người là tình yêu và tình yêu thì vĩnh hằng bởi vì tình yêu là thần thiêng. Khi ta sống trong tình yêu, là ta đi vào hiện tại vĩnh viễn của Thiên Chúa.

 Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên, đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. - 2 Pr 3,8

“Thời gian để tìm Chúa, đó là sống. Thời gian để tìm được Chúa, đó là chết. Thời gian để có được Chúa là đời đời.” - Thánh Phanxicô Salêsiô

157.  Chúng ta có phải chịu xét xử sau khi chết không?

- Có. Sau khi chết, mỗi người tức khắc sẽ chịu cuộc xét xử. Cuộc xét xử này được gọi là cuộc xét xử riêng. Còn đến ngày sau hết, sẽ xảy ra một cuộc xét xử được gọi là cuộc xét xử chung, khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang của Người.

- Khi chết, mỗi người đi tới giờ của sự thật. Lúc đó không gì có thể bị gạt đi và che giấu nữa. Ta phải đối mặt với cuộc xét xử của Chúa, Đấng công nhận sự công chính của ta, vì Thiên Chúa gần gũi ta, ta chỉ có thể hoặc là công chính như Chúa muốn khi Người tạo dựng ta. Hoặc có thể ta cần phải qua một tiến trình thanh luyện chăng, hoặc có thể ta được đón ngay vào vòng tay của Chúa chăng? Nhưng cũng có thể ta đầy tội ác, hận thù, từ chối tất cả; ta sẽ từ chối vĩnh viễn bộ mặt của Tình yêu, bộ mặt của Thiên Chúa.

? Xét xử. Việc xét xử riêng hay cá nhân sẽ xảy ra lúc mỗi người chết. Việc xét xử chung tất cả cũng gọi là xét xử sau cùng sẽ xảy ra khi tận thế lúc Chúa trở lại.

“Khi đời đã về chiều, ta sẽ chịu xét xử về tình yêu của ta.” - Thánh Gioan Thánh giá (1542-1591, nhà thần bí Tây ban nha, tiến sĩ Hội Thánh và thi sĩ)

158.  Trời là gì?

- Trời là thời gian vô tận của tình yêu không bao giờ còn xa cách nữa giữa Thiên Chúa và lình hồn đã yêu mến và tìm kiếm Người suốt đời. Được hiệp nhất với tất cả các thiên thần và tất cả các thánh, linh hồn được vui hưởng hạnh phúc luôn luôn ở gần Chúa và với Chúa. Trời là Thiên đường (xem câu 52, 109). [1023-1026, 1053]

- Đôi bạn trẻ nhìn nhau với đôi mắt tình tứ, một em bé đang bú mẹ tìm đến cái nhìn của mẹ nó, như muốn giữ gìn mỗi nụ cười đó mãi mãi… đó là những thí dụ có thể cho ta một ý niệm nhỏ về trời hay thiên đường. Được nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt là như thời gian độc nhất của tình yêu kéo dài đến vô tận. → 52

 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. - 1 Cr 13,12

“Một người có thể mất hết của cải đời này trái với ý muốn của mình, nhưng không bao giờ họ mất của cải đời đời nếu không hoàn toàn do ý muốn của mình.” - Thánh Augustinô

159.  Luyện ngục là gì?

-  Luyên ngục thường được coi là một nơi, nhưng đúng ra là một tình trạng của những người chết trong ơn nghĩa Chúa, đã được cứu độ, nhưng còn cần thanh luyện trước khi họ có thể được xem thấy Thiên Chúa mặt đối mặt. Đó chính là luyện ngục. [1030-1031]

- Khi Thánh Phêrô chối Chúa Giêsu, Người quay lại và nhìn ông: “Và Phêrô đi ra khóc lóc một cách cay đắng”, việc thánh Phêrô bày tỏ một tình cảm ăn năn như thế có thể có ở luyện ngục. Một luyện ngục như thế chắc sẽ chờ đợi đa số chúng ta lúc chúng ta chết: Chúa nhìn ta với cái nhìn yêu thương, và ta cảm thấy một tình cảm hổ thẹn cháy bỏng và một hối hận đớn đau đối với việc ta đã làm điều ác hoặc đã có những hành động chỉ “ thiếu” có tình yêu thôi. Chỉ sau khi chịu đau khổ để thanh luyện như vậy ta mới có thể gặp được cái nhìn yêu thương trong niềm vui vĩnh hằng mà không gì làm xáo trộn được.

 Những công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Thiên Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. - 1 Cr 3,13

 Vì thế, ông Giuđa Macabê đã làm việc đền tội cho người đã chết, để họ được tha thứ tội lỗi. - 2 Mcb 12,45

160.  Ta có thể giúp được các linh hồn ở Luyện ngục không?

-  Có, vì tất cả những ai đã được rửa tội trong Chúa Kitô đều được tham dự vào việc “các thánh thông công” và họ liên đới với nhau. Những người còn sống có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục. [1032]

-  Bởi vì khi chết rồi con người không thể làm gì cho chính mình nữa, thời gian thử luyện đã qua rồi. Nhưng khi ta còn sống, ta có thể làm được việc gì đó giúp họ, vì tình yêu của ta vẫn hoạt động vươn tới cả đời sau, chẳng hạn ăn chay, cầu nguyện, làm các việc lành, nhất là dâng thánh lễ để xin ơn cho họ. → 146

“Bạn đừng ngại ngùng cứu giúp những người đã ra đi và dâng lời cầu nguyện cho họ.” - Thánh Gioan Kim Khẩu

161.  Hoả ngục là gì?

-  Hoả ngục là tình trạng xa lìa đời đời với Thiên Chúa, thiếu vắng tình yêu cách tuyệt đối. [1033-1037]

-  Ai chết trong tình trạng đã phạm tội nặng do biết rõ và cố tình mà không ăn năn hối cải, ai từ bỏ đến muôn đời tình yêu hay thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, người đó tự loại bỏ mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và các Thánh. Có thể có ai lúc chết được nhìn ngắm tình yêu tuyệt đối ở trước mặt mà cứ nhất định bỏ không? Ta không biết. Nhưng vì ta có tự do, nên có thể có. Chúa Giêsu luôn ngăn ngừa chúng ta đừng có dứt khoát chia ly với Chúa bằng cách không quan tâm gì đến những khốn khổ của anh chị em chúng ta. Chúa nói với mọi người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời… vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho ăn… Ta bảo thật mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé mọn nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 41.45). → 53

 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa  không hề tắt. - Mc 9,43

 Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong mình nó. - Ga 3,14-15

“Tôi tự hỏi: “Hoả ngục là gì?”. Tôi quả quyết rằng: là không thể yêu thương được.” - Fedor Dostoievski, 1821–1881, văn sĩ Nga)

162.  Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì sao lại có Hoả ngục?

- Không phải Thiên Chúa kết án con người vào hỏa ngục mà chính con người là kẻ tự kết án mình khi gạt bỏ tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Họ tự tước mất cuộc sống vĩnh cửu khi chính họ tự ý loại mình ra khỏi sự thông hiệp với Thiên Chúa. [1036-1037]

- Thiên Chúa ước ao sống hiệp thông ngay cả với tội nhân cuối cùng. Người muốn mọi người ăn năn trở lại và được cứu rỗi. Nhưng Thiên Chúa đã dựng nên con người được tự do, và Người tôn trọng quyết định của họ. Chính Thiên Chúa không thể ép buộc ai yêu mến. Thiên Chúa không kết án con người. Thiên Chúa là tình yêu phải chịu đầu hàng “những ai chọn hỏa ngục hơn là Thiên đàng”. → 51, 53

 Thiên Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải. - 2 Pr 3,9

 Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. - 1 Tm 2,4

“Thiên Chúa nhân lành vô cùng sẽ không bao giờ loại bỏ những ai không muốn loại bỏ Người.” - Thánh Phanxicô Salêsiô

163.  Sự xét xử cuối cùng (phán xét chung) là gì?

- Phán xét cuối cùng sẽ diễn ra vào lúc tận thế, lúc Chúa Kitô đến lần thứ hai. "Mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người và bước ra. Những kẻ đã làm việc lành, sẽ sống lại để hưởng Sự Sống đời đời.  Những kẻ đã làm ác, sẽ sống lại để chịu phán xét" (Ga 5, 29). [1038-1041, 1058-1059]

- Khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang, Người sẽ tỏa sáng trên ta; chân lý sẽ xuất hiện sáng trưng: Tư tưởng, hành động, mối quan hệ giữa ta với Thiên Chúa, với người khác, sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Lúc đó ta sẽ biết rõ ý nghĩa cuối cùng của cuộc sáng tạo trời đất muôn vật, và hiểu rõ những phương thế tuyệt vời Thiên Chúa đã dùng để cứu ta. Sau hết lúc đó ta sẽ trả lời được câu hỏi hằng được lặp đi lặp lại rằng: quả thực Thiên Chúa là toàn năng thế mà sao sự dữ lại có sức mạnh quá lẽ như vậy? Phán xét chung thực sự là phán xét cuối cùng đối với ta. Chính lúc này sẽ định đoạt cho ta hoặc sẽ sống lại để sống vĩnh hằng hoặc phải lìa xa Chúa muôn đời. Đối với những ai đã chọn sự sống, Thiên Chúa sẽ lại dẫn đưa họ như Đấng tạo hóa: trong “một thân xác mới” (2 Cr 5,1), họ sẽ sống muôn đời trong vinh quang của Chúa và ca tụng Người với cả xác hồn. → 110-112, 157

 Khi con người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê… Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời. - Mt 25,31-32,46

164.  Thế giới sẽ tận cùng thế nào?

- Khi tận thế, Thiên Chúa sẽ tạo dựng một trời mới đất mới. Sự dữ sẽ không còn quyền lực hay quyến rũ nữa. Những ai được cứu rỗi sẽ chiêm ngưỡng Thiên Chúa mặt đối mặt như bạn hữu của Người. Niềm ước mong hòa bình và công lý của họ sẽ được thỏa mãn. Hạnh phúc của họ là được chiêm ngắm Chúa. Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ ở giữa họ, sẽ lau khô mọi giọt lệ trên mắt họ: sự chết sẽ không còn nữa, và cũng không còn tang chế, khóc lóc, và đau khổ nữa. [1042-1050, 1060] → 110-112

 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Đấng ngự trên ngai phán: Này đây Ta đổi mới mọi sự. Rồi Người phán: Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật. - Kh 21.4-5

165.  Tại sao chúng ta đọc "Amen" vào cuối Kinh Tin Kính?

-  Chúng ta kết thúc kinh Tin Kính bằng từ Amen. Từ này theo tiếng Do Thái có nghĩa là “thưa vâng”, bởi vì Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành nhân chứng đức tin. Ai nói Amen là vui sướng và tự do tán thành công việc tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, Amen cũng là tin tưởng chắc chắn, trông cậy và trung thành. [1061-1065]

-  Theo tiếng Hipri, từ Amen có ý nghĩa vừa là “tin” vừa là “tin chắc, tin cậy và trung thành”. “Ai nói Amen là ký tên xác nhận” (Thánh Augustinô). Ta chỉ có thể công bố Amen không chút nghi ngại chỉ vì Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho ta biết bằng cái chết và sự sống lại của Người rằng: Người là đấng trung thành, và đáng tin cậy. Người là “Amen” của loài người đối với tất cả những lời Thiên Chúa hứa, Người cũng là “Amen” dứt khoát của Thiên Chúa với mọi người chúng ta. → 527

 Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa. - 2 Cr 1,20

? Amen được dùng trong Cựu Ước với ý nghĩa chính là “mong được như vậy”, để làm cho mong ước hoạt động của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn, hoặc để liên kết với lời ca tụng Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Amen được dùng để tăng cường cho kết luận của lời cầu nguyện. Thường Chúa Giêsu dùng Amen cách đặc biệt để dẫn vào một lời nói quan trọng. Amen ở đây làm nổi uy thế của lời nói.

Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét