Trang

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Đức Ái Ki-tô giáo


Đức Ái Ki-tô giáo 
Tác giả: Nt Ma-ri-a Đỗ Thị Yến - Ngày 05/02/2013
 
ĐỨC ÁI KI-TÔ GIÁO(1 Cr 13)
1. NHẬP ĐỀ
Trong đời sống thiêng liêng, sự hoàn thiện chỉ đơn giản là đức mến, Phao-lô gọi đó là agape. Đức ái đích thực là tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Giê-su Ki-tô. Vì đức ái là món quà tuyệt vời nhất, ân sủng của các ân sủng, điều có thể mang lại giá trị cho tất cả những ân điển khác, là ân sủng có một giá trị siêu việt và hoàn thiện. Nơi đó “không vênh vang, không ghen tương, không kiêu ngạo” (1 Cr 13,4) nhưng “vui mừng vì điều chân thật” (13,6) và vui mừng vì những sự tốt lành của người khác. Người có lòng mến “không tìm tư lợi” (13,5), lại còn “dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (13,7).        
Sau khi đã hoàn tất hành trình dương thế, khi chúng ta đến trình diện Thiên Chúa mặt đối mặt, tất cả các ân điển đều qua đi, chỉ còn lại đức mến tồn tại, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta sẽ trở nên giống như Người, trong sự hiệp thông toàn vẹn với Người.
Hiện nay, trong hành trình dương thế, đức ái là đặc sủng Kitô trổi vượt hơn cả, là sự tổng hợp của cuộc sống của chúng ta: đó là điều chúng ta phải tin và phải thực hành. Thông điệp đầu tiên của Đức thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI là Deus caritas est (25/12/2005). Thông điệp này gồm hai phần tương ứng với hai khía cạnh của đức mến, đó là ý nghĩa và việc thực hành của nó. Tình yêu là đặc tính cơ bản của chính Thiên Chúa, là ý nghĩa của việc sáng tạo và của lịch sử, là ánh sáng lan tỏa sự thiện hảo và cái đẹp tới sự tồn tại của mỗi cá vị. Cùng một lúc, tình yêu là nét đặc trưng của Thiên Chúa và nơi các tín hữu. Tình yêu là chính lối hành xử của người đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, hiến dâng chính cuộc sống như quà tặng chính mình lên Thiên Chúa và trao ban cho tha nhân. Trong Đức Giê-su hai khía cạnh này hình thành một đơn vị duy nhất: Người là chính tình yêu nhập thể. Tình yêu ấy đã mặc khải cho chúng ta cách trọn vẹn trong Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đanh, bởi vì không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của “người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Dán mắt chúng ta vào Người, chúng ta có thể cùng với thánh Gio-an tông đồ tuyên xưng rằng: “Chúng ta đã biết và tin vào tình yêu mà Thiên Chúa có đối với chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16;Deus caritas est 1).
Chúng ta sẽ học hỏi cách thức hành động của Thiên Chúa và của Đức Giê-su Ki-tô để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại trong thư của thánh Phao-lô 1 Cr 13.
2. VĂN MẠCH
1 Cr 13 nằm ở trung tâm phần Phao-lô nói đặc biệt về các ân sủng Thánh Thần và các đặc sủng, cụ thể là các chương 12 – 14.
Từ Hy Lạp kharisma có thể có nghĩa là một ân ban nói chung (x. Rm 1,11; 5,15; 6,23; 11,29; 1Cr 1,7; 2Cr 1,11), hay là những ân sủng đặc biệt ban cho các Ki-tô hữu (x. 1Cr 7,7; 1Tt 4,14; 2Tt 1,6; 1Pr 4,10), hay những ân sủng thiêng liêng nói theo nghĩa đặc biệt (x. Rm 12,6; 1Cr 12,4.9.28.30tt.). Như thế, trong Tân Ước từ kharisma / ân sủng thường có nghĩa chung chung, chỉ trong một vài văn mạch nào đó có thể cho nó một ý nghĩa tuyệt đối (strick sense), nghĩa kỹ thuật, một nghĩa liên kết chặt chẽ với ngôn ngữ hiện đại, một thuật ngữ mà ý nghĩa của nó cần phải có một sự khai tâm, tìm hiểu. Nói như thế là có ý tìm kiếm một ý nghĩa chính xác cho các chương 12 – 14, ấy là các quà tặng thiêng liêngnhững hồng ân hay ơn sủng. Đúng ra, các quà tặng thiêng liêng và ơn sủng không có đồng nghĩa, vì các quà tặng thiêng liêng là bất cứ biểu hiện nào của Thánh Thần, tức là hoa quả của Thánh Thần (x. Ga 5,22-23), trong khi ơn sủng chủ yếu nói đến các ơn đặc biệt của Thánh Thần.
1Cr 13 nằm ở giữa cái khung của hai chương 12 và 14. Ở 12,31b ta đọc: “Tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả”, còn ở 14,1a thì: “Anh em hãy theo đuổi lòng yêu mến”. Đây là những biểu thị của văn mạch gần của thánh thi 1Cr 13. Phao-lô kích thích sự tò mò của những người Cô-rin-tô khi thánh nhân nói sẽ chỉ cho họ “con đường trổi vượt”. Tuy nhiên, đây không phải là con đường mà qua đó người ta có thể đến được với các quà tặng hay ân ban tốt hơn, bởi vì Phao-lô không nói đến cách thức đạt được những quà tặng này, những ơn sủng này, bởi vì các ơn sủng, hay các ân sủng, chúng sẽ được trao ban.
Agape là con đường trổi vượt, bởi vì đó là con đường duy nhất dẫn đến sự hoàn thiện, đến ơn cứu độ.
Tiếng Hy lạp của từ “con đường” là he hôdôs, còn tiếng Híp-ri là dere. Người Híp-ri thường quan tâm đến những sự việc cụ thể, không quan tâm đến những điều trừu tượng và vì thế dere có ý nói đến hành động đi / bước đisự bước đi. Nghĩa này của từ có thể dùng để nói về agape như một hành động. Những biểu thị này được Phao-lô cung cấp cho hành trình Ki-tô giáo, giúp chúng ta xác định tốt hơn bản chất của con đường trổi vượt này, ấy là agape: thánh Phao-lô nói về con đường trong Thánh Thần (x. Ga 5,16-25; Rm 8,4) và con đường trong Chúa Giê-su (x. Cl 2,6-7; Ep 4,1; 5,2.8).
Trong Tân Ước con đường là Đức Giê-su Ki-tôIs 40,3 nói đến việc chuẩn bị một con đường: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”. Công trình của Đức Ki-tô là công trình của Chúa Cha được thực hiện trong và vì Chúa Con. Chính Người (Con) là con đường (x. Ga 14,6.7.9 .10; 10,30). Đối chiếu lại một lần khác nữa trong Cựu Ước nơi sử dụng kiểu nói con đường như một lối ẩn dụng mà Tân Ước sử dụng: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Cái mới của Tân Ước sẽ là sự nối kết việc thực hành giữa hành động của Thiên Chúa và hành động của con người. Tân Ước dạy rằng hành động mà Thiên Chúa đòi hỏi con người không phải chỉ là hành động đơn phương của con người, mà là hành động của Thiên Chúa cùng lúc với con người(x. Gr 31,33; 32,39.40; Ed 37,1-10.14). Như thế, Con đường của Thiên Chúa mang lại một đặc điểm mới trong Tân Ước: hành động của người Ki-tô hữu không chỉ là hành động của Thiên Chúa bởi vì người ta tuân giữ các giáo huấn của Người vì bắt chước con đường của Người, ngược lại bởi vì Chúa phục sinh là nguyên lý căn bản cho cuộc sống Ki-tô giáo (x. Ga 2,20: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”).
Trước khi gặp Đức Ki-tô, Phao-lô đã bách hại các môn sinh của Chúa bởi vì cuộc sống của họ thay thế luật, ở chỗ, theo Phao-lô, cuộc sống của họ trái ngược lại với lãnh vực thiêng liêng mà luật là một dụng cụ của giao ước. Do đó luật là phương tiện duy nhất để con người đạt được sự công chính. Vì thế, khi thánh nhân gọiagape là con đường trổi vượt, Phao-lô muốn phân biệt nó với tất cả các hoa quả của Thánh Thần và các ân sủng. Agape không chỉ là một hoa quả của Thánh Thần mà là cùng một Thánh Thần đang hành động trong tâm lòng con người, không chỉ những gì mang đến Thiên Chúa hay hướng về Thiên Chúa, mà là một hành trình của chính Thiên Chúa cùng với người đang yêu. Chính Thiên Chúa là Đấng đang yêu trong con người đang yêu.

3. PHÂN TÍCH
Ngoài agape ra, cái mà bây giờ chúng ta có thể gọi là tình yêu, hay lòng mến, hoặc đức ái, tất cả những ân sủng khác hướng về một trong ba điều này: ngôn ngữ, kiến thức, hành động (charisma loquendi, cognoscendi, agendi).
Chúng ta sẽ phân tích theo bố cục ba phần:
Phần I: 13,1-3
Phần II: 13,4-7
Phần III: 13,8-13
1. 1Cr 13,1-3
c.1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên sứ đi nữa, mà không có lòng yêu mến, thì tôi chỉ là thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.
1 Cr 13,1-3 trình bày bậc đầu tiên của một cái thang mà đỉnh là c.3. Thánh Phao-lô nói đến nhóm charismađầu tiên, đó là về ơn ngôn ngữ (charisma loquendi), và ám chỉ chắc chắn đến ơn ngôn ngữ (glossolalia) được người Cô-rin-tô mong muốn. Thánh nhân coi ơn này ít quan trọng nhất (ở 1Cr 12,28, ơn này được xếp cuối cùng). (1Cr 12,28: Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những ân huệ chữa bệnh, được ơn giúp đỡ người khác, quản trị, và nói các thứ tiếng lạ.)
Với kiểu nói khoa ngữ, ngôn ngữ của con người và của các thiên thần có ý nói đến ngôn ngữ trổi vượt hơn. Chắc chắn là chỉ có Thiên Chúa mới có thể thông ban ơn sủng này. Tuy nhiên, nếu thiếu lòng mến thì nó cũng chẳng ích lợi gì. Nói mà không có tình yêu thì chỉ gây tiếng ồn, cũng như một loại dụng cụ âm nhạc nghèo nàn nhất: thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.
c.2 Giả như tôi được ơn làm ngôn sứ, và được biết mọi mầu nhiệm, đạt được tất cả sự hiểu biết; giả như tôi có được tất cả lòng tin đến chuyển núi dời non, mà không có lòng yêu mến, thì tôi cũng chẳng là gì
Phao-lô leo lên bậc cao hơn: ơn trí hiểu, về tri thức hay kiến thức (charisma cognoscendi), và liệt kê bốn loại: tuyên sấm, khôn ngoan, ơn hiểu biết, và đức tin. Tất cả những ơn sủng này, dưới những hình thức hoàn hảo hơn, nhưng cho dù là làm phép lạ vì một đức tin mãnh liệt nhất cũng không có giá trị gì nếu không có lòng mến.
Người nói tiếng lạ mà không xây dựng gì cả thì coi như rất ít hiệu quả. Ngược lại, ngôn sứ và người có đức tin mạnh đến dời núi (x. Mc 11,23) có thể làm điều gì đó tốt cho cộng đoàn. Nhưng nếu thiếu lòng mến thì các ơn sủng này, về khía cạnh tu đức, coi như là không không vậy. Phao-lô đã nói như thế: “Sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn tình yêu thì xây dựng” (1Cr 8,1).
c.3 Giả như tôi có đem hết tài sản mà bố thí, hay nộp thân thể tôi để chịu thiêu đốt, mà không có lòng yêu mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Bây giờ Phao-lô nói đến ơn sủng trợ giúp (charisma agendi: x. 1Cr 12,28). Những ơn sủng này thuộc nhóm “hành động”. Người ta nói đến những Ki-tô hữu sẵn lòng dâng cúng tất cả những gì mình sở hữu và không chút nghi ngờ cho đi chính mình vì tha nhân: đem hết tài sản mà bố thí.
Chúng ta tự hỏi xem làm như thế có giá trị gì trước mặt Chúa không? Phao-lô tưởng tượng ra những hình thức anh hùng hơn vì tha nhân. Thậm chí ở đây Phao-lô cũng cho một câu trả lời tiêu cực: chẳng có lợi gì nếu cho đi chính mạng sống mình mà lại thiếu vắng đức mến. Có một sự phản đề ở đây: cho đi tất tả, chẳng ích gì: thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Các ơn sủng là những hồng ân nhưng không từ Thiên Chúa (gratiæ gratis datæ) và vì bản chất của nó, những ân sủng ấy phải được phục vụ cho lợi ích chung; người được trao ban ơn sủng có thể làm nhiều điều tốt cho cộng đoàn, nhưng nếu thiếu lòng mến thì không đáng hưởng phần thưởng là sự sống vĩnh cửu. Sự so sánh ở phần thứ nhất này đối chiếu về đức mến tất cả những hành động cao thượng, theo quan điểm cộng đồng nó được coi như là sự diễn tả của các nhân đức. Theo cách thức tuyệt đối, chúng ta có thể nói rằng, Phao-lô đã chỉ ra sự hư không hoàn toàn của tất cả những sự bộc lộ ân sủng này, để bảo tồn nó và giữ gìn nó thì chỉ có lòng mến, phải có tình yêu như điều tốt tuyệt hảo (summum bonum), điều cần thiết duy nhất, bởi vì người tín hữu làm bất cứ điều gì có giá trị miễn là những hành động đó có tính Ki-tô.
Phao-lô đặt tình yêu hay lòng mến lên trên tất cả: kể cả bất kỳ quyền năng hoạt động nào của Thánh Thần, và hành động luân lý đó phải được tôn vinh hơn cả theo phán đoán của con người. Tất cả được hoàn tất trong đức mến. Tìm kiếm chính mình có nghĩa là không được tác động bởi lòng mến, và như thế, đó là ích kỷ.
Chúng ta chú ý nó quan trọng như thế nào, trong phần thứ nhất này (1Cr 13,1-3), khi Phao-lô đã diễn tả tư tưởng của mình trong ba câu đầu ở ngôi thứ nhất, nói về chính mình: thì tôi chỉ là thanh la phèng phèng (c.1), thì tôi cũng chẳng là gì (c.2), thì cũng chẳng ích gì cho tôi (c.3). Sự kiện mà Phao-lô nói ở ngôi thứ nhất là hy vọng có tác dụng cho những người khác; với một sự lịch sự cao độ, nói về mình để tác động người khác sửa đổi chính bản thân họ mà không cần phải nói với giọng điệu khiển trách, và không hề chỉ ngón khiêu khích hay chỉ trích ai cả.
2. 1Cr 13,4-7: đặc điểm của tình yêu
Ở 13,4-7, Phaolô trình bày đặc điểm của lòng mến. Thánh nhân không nói đến nó như một nhân đức nhưng cố gắng cho nó một thực thể nhân vị, gán cho nó sự chủ động trong cách xử thế của các tín hữu trong những lãnh vực khác nhau. Phao-lô cung cấp một danh mục 15 đặc điểm hình thành từ nhiều động từ. Như thế để nói đến tình yêu hay đức ái, chúng ta chỉ có thể nói bằng những thuật ngữ về hành động, về tính cách năng động của nó (tương tự khi nói đến “con đường” ở trên): tình yêu là hành động, hoạt động trong lòng mến. Theo Phao-lô, chính đức tin mang lại sự công chính, vì “lòng tin hành động nhờ lòng yêu mến” (Ga 5,6).
Có mười lăm động từ liên quan đến tha nhân: trước tiên là hai động từ nói đến sự tích cực, rồi tám động từ nói đến sự tiêu cực, và cuối cùng là năm động từ tích cực. Mười lăm động từ đó nói lên những đặc điểm của tình yêu. Chúng liên hệ đến các nhân đức đã bị người Cô-rin-tô khinh miệt. Do đó những câu này gợi cho chúng ta đời sống cộng đoàn, trong đó tương quan giữa người với người được mong đợi sẽ như thế. Nếu như mỗi người có thể thực hành tốt những chất lượng của tình yêu mà Phao-lô trình bày ở đây, người ta có thể chú ý ngay được người ta đối phó với chủ nghĩa vị kỷ như thế nào.
Lòng yêu mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không kiêu ngạo.
Phao-lô bắt đầu với: “lòng yêu mến thì nhẫn nhục (magnanimo)” (c.4a).
Từ “nhẫn nhục” hay La-tinh magnus animus nghĩa là: sự quảng đại của tâm hồn, nghĩa mạnh của chân giá trị con người, sự khát vọng làm điều vĩ đại, xứng đáng với danh dự và sự khâm phục của người khác. (Cf. A. Majo, Amicizia. Valore umano e cristiano, Cinisello Balsamo 2000, 103.)
Người quảng đại thì vui mừng với người vui, vui mừng vì những điều tốt lành người khác đạt được. Người quảng đại không sỉ nhục ai cho dù họ có bộc lộ những giới hạn của họ, cũng chẳng nhấn mạnh đến cái tốt mà người khác đã gắng công đạt được, cũng chẳng để ý đến những khổ công mà người đó phải trả giá.
Thay vì “nhẫn nhục” có bản đã dịch là “kiên nhẫn” và như thế thì phù hợp hơn để nói đến lòng mến là sự quảng đại hay tình yêu là sự quảng đại.
Trong Cựu Ước, đức kiên nhẫn là một đặc tính thiêng liêng. Thánh Vịnh nói rằng Thiên Chúa là Đấng khoan dung (x. Tv 99,8) và Thiên Chúa “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu từ bi và thành tín” (Xh 34,6; x. Ds 14,18; St 4,2; ect). Thiên Chúa đã “nén giận” là để tội nhân có cơ hội sám hối và đổi đời, người tín hữu cũng phải đối xử như thế với tha nhân, phải chiến thắng tư tưởng báo thù. Điều đó đòi hỏi một sự cố gắng hết sức mình để yêu mến. Nhờ sự liên kết giữa sức mạnh và sự kiên nhẫn, người tín hữu có thể sống một cuộc sống an hòa, một sự bình an trong tâm hồn trước những sự dữ có thể đến với họ (x. Rm 8,35-39: Ai có thể tách chúng ta khỏi lòng mến Đức Ki-tô?)
Nếu chúng ta có thể đối diện với những khó khăn nhờ lòng mến, thì vì lòng mến Thiên Chúa với sự quảng đại của họ, họ sẽ vượt qua tất cả những sự đối kháng hay đối thủ của họ. Khi cho ta thấy sự quảng đại như đức tính đầu tiên của lòng mến, Phao-lô muốn nhấn mạnh đến khía cạnh nền tảng của sự vĩ đại của lòng mến, điều mà sẽ được hoàn thiện và phát triển nhờ sự hiền hậu.
Nếu lòng mến có thể vượt thắng tất cả các địch thù trong cuộc sống hằng ngày, tức là những khó khăn trong cuộc sống, thì lòng mến đó hẳn phải là hồng ân của Thánh Thần (Ga 5,22) và là sự theo gương Đức Giês-u Ki-tô.
1 Cr 13,4b: hiền hậu
Phao-lô sử dụng thuật ngữ này dưới hình thức động từ chỉ xảy ra ở đây. Động từ ấy là khestêuomai. Thuật ngữ này có thể dịch là tốt lànhtự dohiếu kháchngọt ngào hay tử tếnhân từ. Nếu nói về sự vật, ta có thể dịch là tốt, có lợi cho sức khỏe, ngon. Nếu nói về con người, thuật ngữ có thể nói về chất lượng luân lý hay một nhân đức: đáng yêu, dễ mến, một người sẵn sàng phục vụ, một người dễ thương, lịch sự, tử tế, quảng đại và hơn cả là sự lương thiện.
Sự quảng đại nhắm đến sự tốt lành cho tha nhân, đến hạnh phúc của họ và tìm cách hỗ trợ họ dưới nhiều khía cạnh. Sự quảng đại ấy không chỉ giới hạn ở chỗ làm điều tốt cho người khác nhưng vui với họ và nhất là làm điều tốt đó theo kiểu dễ thương dễ mến và đáng yêu nữa. Như thế họ tự thể hiện theo cách thức đặc biệt một sự lịch sự mà họ có thể cư xử với người khác. Sự quảng đại nhắm đến tình hiệp thông huynh đệ, họ cố gắng loại trừ mọi gắt gỏng khi nói chuyện để tạo nên một sự đối thoại thân thiện với tha nhân.
Có lẽ không có một bài hùng biện đầy thuyết phục khi nói với tha nhân trong những cuộc đàm thoại thông thường. Cuộc đàm thoại thông thường không chuyển thông một sự phê bình, lẩm bẩm hay đánh giá, và cuối cùng dẫn đến những lời nói khắc nghiệt hay oan khiên cho tha nhân. Thay vào đó, sự quảng đại Ki-tô giáo, hoa quả của đức mến sống động, luôn muốn nói tốt cho tha nhân, không bao giờ tìm cách gây tổn hại những người mà họ nói đến hay nói với.
Rõ ràng chúng ta luôn phân biệt giữa những hành động tiêu cực, gây hại, hành động tội lỗi mà chính chúng ta không chấp nhận, và con người chịu trách nhiệm những hành động đó. Điều này luôn phải được tôn trọng trong khi sự xấu phải được chú ý. Tuy nhiên, cho dù chúng ta đánh giá hay xét đoán một người hay một hành động, chúng ta luôn phải nhường chỗ cho sự chính trực công minh và lòng thương xót của Thiên Chúa. Để luôn đứng trong vị trí của đức ái, cần phải có một sự tế nhị, kín đáo, không thể coi thường điều này cho dù là có chủ ý tốt. Khi nói về người khác, cần phải chú ý tôn trọng họ và không thể đơn giản suy giảm con người họ vì những hành động luân lý của họ. Một quy tắc căn bản là điều mà ta nói về người khác hay với người khác thì cũng là điều mà ta ước muốn người khác nói về ta hay nói với ta. Chúng ta phải luôn hành xử với người khác như thế chứ không phải chỉ một lần, hai lần hay ba lần là đủ.
Nên chú ý rằng, cho dù là nói sự thật, cần phải có một sự quảng đại và khiêm tốn để sự thật được bộc lộ cách đích thực. Nói cách khác, chúng ta không thể “ném” sự thật vào mặt người khác. Sự thật cần được trình bày cách can đảm, cương quyết, nhưng cũng phải rõ ràng, không được đay nghiến chỉ trích hay bạo lực. Chúng ta luôn phải tôn trọng tha nhân, xử với họ như xử với anh chị em của chúng ta. Do đó phải thận trọng, không đay nghiến hay chỉ trích. Cần phải hỏi chính mình: chúng ta tìm kiếm điều gì khi chúng ta khẳng định là chúng ta nói sự thật: có phải là tìm sự tốt lành cho tha nhân không? Hay là tìm điều lợi cho ta, cho chính cái TÔI của mình?
Tuy nhiên, nói là chúng ta tôn trọng ý kiến của người khác không có nghĩa là chúng ta bỏ qua sự thuyết phục của lý lẽ của mình. Chúng ta phải đương đầu với sự thật một cách can đảm, phải đối diện với thực tại bị hiểu lầm của người khác. Chúng ta phải chia sẻ quan điểm của mình. Cũng như để yêu mến chân lý, chúng ta cần phải chấp nhận sự phê bình của tha nhân. Vì chúng ta đang nói đến một điều rất tế nhị, dường như ta thường nệ đến những lời bình phẩm đúng đắn và làm điều ấy cách dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều lần người Ki-tô hữu đã quên rằng sự thật của lời nói không chỉ dựa vào tính xác thực của nội dung nhưng còn dựa vào cách thức mà nó được truyền đạt hay được nói ra, nó cũng tùy thuộc vào cung giọng, tùy thuộc vào nét mặt, cử chỉ và ánh mắt nữa. Cần phải có một trái tim từ ái! Trong mỗi giây phút, chúng ta cần phải chứng tỏ sự tin tưởng và lòng mến của chúng ta.
Chúng ta không thể đồng hóa người tốt với người hiền lành. Người hiền lành là người tốt từ bản chất, là người có bản chất tốt. Tính hiền lành khẳng định sự cao cả của tình yêu, hơn nữa nó cũng chỉ cho thấy ý tưởng về sự tự do và một trong những yếu tố cốt lõi của tình yêu, đó là tự bày tỏ, tự chấp nhận, tự thể hiện mình cách cụ thể.
Người có đức ái, người hiền lành thì có một tinh thần hiểu biết và một trái tim mở rộng, sẵn sàng chia sẻ thời gian và điều tốt lành cho tha nhân. Họ trao ban chính mình vì người khác. Họ bày tỏ một niềm vui và sẵn sàng sống gần sống với tha nhân. Lòng mến đó thể hiện cụ thể trong tinh thần phục vụ và sự hiểu biết của họ.
Sau khi kể ra hai đức tính tốt, tức là sự nhẫn nhục và hiền lành, Phao-lô liệt kê tám điều tiêu cực khi nói về đức ái.
1Cr 13,4c: không ghen tị
Ghen tị gây chia rẽ, tạo khoảng cách giữa người với người. Aristotle trong Retorica(Ret., II, 11, 1388a, 32ss)định nghĩa nó là sự buồn bã. Ghen tị xuất hiện khi chúng ta không hài lòng về điều tốt của người khác (đây là một thái độ không thuộc về lòng mến), nó đối nghịch lại đức ái, vì trong đức ái, người ta yêu người khác như chính mình. Do đó lòng mến làm điều mà ta cảm thấy vui mừng trước những điều tốt của người khác và loại trừ sự ghen tị.
Đời sống hằng ngày của chúng ta bị khống chế bởi sự ghen tị, nó thống trị tất cả. Đây là một trong những cảm giác mạnh mẽ nhất trong con người, bắt đầu với A-đam, ghen tị với Thiên Chúa, muốn bằng Người (x. St 3,1-5; Kn 2,24). Sự ghen tị là một tình cảm đê hèn. Nó làm tổn thương mọi mối quan hệ xã hội và trong cộng đoàn. Nó làm cho con người phải đau khổ trong thinh lặng. Người ghen tị thì vui khi người khác đau khổ, khi người khác gặp rủi ro, hay khi điều không thuận tiện đến với tha nhân. Ngược lại, nó lại buồn khi người khác vui vẻ, khi người khác có sự thuận tiện, và khi điều tốt điều thuận lợi đến cho người khác. Do đó tính ghen tị đi ngược lại với đức ái: thay vì đức ái muốn điều tốt lành cho người khác, ghen tị thì đi ngược lại.
Một sự ghen tị như thế thì ngược lại với tính đại lượng của lòng mến. Nó có đó trong cộng đoàn Cô-rin-tô và trong các cộng đoàn tín hữu (x. Gc 3,14; 4,2). Cộng đoàn Cô-rin-tô bị chia rẽ thành từng nhóm. Ai cũng muốn mình có những ơn sủng lớn hơn để được trổi vượt hơn. Trong lòng mến, tất cả các cảm tính đó phải bị loại trừ.
1 Cr 13,4d: không vênh vang
Phaolô dùng động từ pêrpêrêuomai, một lần duy nhất xuất hiện trong Kinh Thánh, nhưng lại có rất nhiều lối giải thích về nó. Thuật ngữ này nói lên một sự thiếu thốn về sự đo lường, điều gì đó thể hiện trong sự kiêu ngạo (x. 1 Cr 4,6). Trong cộng đoàn Cô-rin-tô, nên chú ý:
-           Sự lạm dụng các biểu ngữ, khẩu hiệu: “‘Tôi được phép làm mọi sự’ nhưng không phải mọi sự đều có ích. ‘Tôi được phép làm mọi sự’ nhưng tôi sẽ không để sự gì thống trị tôi” (1 Cr 6,12; 10,23).
-           Sự ước muốn không bị điều khiển hay những điều trổi vượt:
Thật vậy, thân thể không phải chỉ có một bộ phận, nhưng gồm nhiều bộ phận. 15 Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. 16Giả như tai có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. 17 Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? (1 Cr 12,14-17)
Vậy mắt không thể bảo tay: “Tôi không cần đến anh”; đầu cũng không thể bảo chân: “Tôi không cần các anh”. 22 Hơn nữa, những bộ phận thân thể xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết; 23 và những bộ phận thân thể ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì lại được xử cách trang nhã hơn hết; 24 còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. 25 Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. 26 Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. (1 Cr 12,21-26)
Do đó, đức ái bỏ qua mọi sự hão huyền và những hoài bão: không vênh vang điều không là.
1 Cr 13,4e: không kiêu ngạo
Không phải là một lòng mến hão huyền! Phaolô đối diện với sự phù hoa ảo tưởng của những con người mà họ tin là họ hơn người khác ơn sủng gì đó, hay điều gì đó, hay nhân đức nào đó. Người Cô-rin-tô ganh đua ngay cả trong những ơn sủng để được xuất hiện trổi vượt hơn người khác, để bộc lộ một điều gì đó hơn những thành viên khác trong cộng đoàn. Phao-lô nói rằng đó là điều vô nghĩa. Thái độ đó giống như là lấp đầy chính mình bằng không khí: trao ban mình cho không khí. Sự tràn đầy hão huyền này chính là một sự trống rỗng, và thường chỉ là bề ngoài thôi, trông có vẻ vậy thôi. Người nào mà trao thân cho không khí thì không có sự hiệp thông. Sự kiêu ngạo của nó làm cho người ta nhìn thấy nó vĩ đại ngay cả khi trong nó chẳng có sự vĩ đại thật.
Đức ái, ngược lại, không xúc phạm đến ai. Đức ái biết vị trí đúng của nó, từ chối những gì giả dối hay không thực trước tha nhân. Ai mà kiêu ngạo thì tự làm cho người khác cảm thấy một khoảng cách nào đó, và do đó gây tổn hại cho người khác. Bởi vì sự tự nâng mình lên xâm phạm vào “khoảng không gian” của người khác.
5 không làm điều khiếm nhã, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nghĩ điều xấu.
1 Cr 13,5a: không làm điều khiếm nhã
Bản La-tinh dịch non est ambitiosa. Thánh Tôma nói sự tham vọng là con đẻ của sự kiêu ngạo. Nó tìm cách thống trị người khác. Ngược lại, đức ái lại muốn mình trở nên hữu dụng cho người khác, muốn phục vụ người khác. Thánh Phao-lô nói rằng: “hãy lấy lòng yêu mến mà phục vụ lẫn nhau” (Ga 5,13). Đức ái là một sự thanh nhã, nhạy cảm và tế nhị.
Nếu thiếu sự kính trọng, lòng tham vọng có thể làm cho người ta nghĩ đến những việc cử hành long trọng như rước kiệu trước mặt người khác (x. 1 Cr 6,1-11), những dị nghị loạn luân (x. 1Cr 5,1-6), hay chè chén say xưa (x. 1 Cr 11,21-22). Tất cả những điều này chỉ nhuốc hổ thêm. Ngược lại, đức ái thì biết tri giác, biết giới hạn của mình và biết tiêu chuẩn hành xử. Phạm đến những tiêu chuẩn, những phong tục tập quán là tự đặt mình lên trên người khác, thiếu sự tôn trọng người khác cho phải đạo, không biết người khác. Người nào như thế, dù chỉ ít thôi, cũng chứng tỏ một sự ích kỷ rất lớn.
1 Cr 13,5b: không tìm tư lợi
Đức ái không tìm tư lợi. Điều này chứng tỏ một tình yêu, một lòng mến thuần khiết. Aristotle quan sát thấy rằng trong tình bạn thì yêu mến nhiều hơn là được yêu mến, luôn tìm điều tốt cho người bạn, mặc dù chắc chắn là sẽ được người bạn yêu mến.
Lòng mến làm cho người ta ra khỏi chính mình để quan tâm đến tha nhân, vượt qua mọi rào chắn giới hạn bởi tính ích kỷ. Đức Giê-su đã có lần dạy:
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai tát má bên phải, thì hãy đưa cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi. (Mt 5,38-42)
Phao-lô so sánh cách triệt để giữa đức ái và sự ích kỷ. Thánh nhân từ bỏ chính cái quyền sống vì Tin mừng (x. 1 Ts 2,9; 2Ts 3,8; 1 Cr 9,15; 2 Cr 11,9), và yêu cầu các tín hữu từ bỏ cả những gì thuộc về họ (x. 1Cr 6,7). Đức ái không tìm lợi nhuận cá nhân, mà như Phao-lô nói: “tôi cố làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ” (1 Cr 10,33).
Chúng ta cũng nên chú ý đến hình ảnh Đức Kitô trong người tín hữu: “Đức Ki-tô đã không chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,3). Làm sao mà người tín hữu lại có thể tìm lợi nhuận hay tìm điều thuận lợi cho chính mình được? Sự quên mình hoàn toàn không phải là điều dễ, vì nó không phổ thông cho mọi người: “vì ai nấy đều tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi ích cho Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,21; x. 2,4).
Do đó, thánh Phao-lô nói: “không phải vì tôi tìm kiếm quà tặng, nhưng tôi tìm kiếm những gì sinh hoa kết quả dồi dào để làm ích cho anh em” (Pl 4,17). Và “đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng tôi tìm ích lợi cho người khác” (1 Cr 10,24).
Lòng mến hoàn hảo thì rất khó. Nhưng đấy là tiêu chuẩn sống cho chúng ta, những Ki-tô hữu (x. Mt 5,48).
1Cr 13,5c: không nóng giận
Lòng mến làm cho người Ki-tô hữu không mất đi tính làm chủ chính mình. Thật vậy, mỗi người phải làm chủ mình trước những điều dữ, trước những cảm giác nóng giận. Do đó, người đó sẽ không để cho sự nóng giận thống trị mình và có phản ứng quá đáng hay không thích hợp chỉ vì nóng giận. Nếu sự nóng giận là không chính trực hay nó tạo nên những ước vọng trả thù, thì ngược lại, đức ái chủ yếu là kiến tạo hòa bình. Người Ki-tô hữu trở nên con người của hòa bình, không chỉ bình an trong chính mình, mà còn mang lại hòa bình cho tha nhân, như thế chứng thực môt đức ái cụ thể, đụng chạm và cảm giác được.
1Cr 13,5d: không nghĩ điều xấu
Phao-lô sử dụng động từ lôgizômai. Động từ này xuất hiện 40 lần trong Tân Ước, trong đó 34 lần trong các thư của Phao-lô. Nó có thể có nghĩa như sau:
- tính toán, suy nghĩ về (sự kiện đã qua), suy xét (x. 2Cr 2,7.11; 1Cr 13,11; Ga 11,50).
- suy niệm, lên dự án, lên kế hoạch (x. l 4,8; Dc 8,17).
- cân nhắc kỹ lưỡng (x. 1Cr 13,5; 2Cr 12,6; 2Tm 4,16)
Có lẽ nghĩa phù hợp nhất là “cân nhắc kỹ lưỡng”: lòng mến không trao gánh nặng, không coi trọng những cái xấu, không nghĩ xấu cho người khác. Do đó:
> không xét đoán xấu cho người khác, không kết án, không bực tức.
> không nhụt trí khi gặp sự dữ, vẫn tiếp tục xử thế như họ là.
Động tự lôgizômai có một ý nghĩa sâu xa hơn cả sự không bực tức mà còn trên cả sự tha thứ. Sự tha thứ chỉ là một bước, còn đức mến là đỉnh cao. Nhiều lần chúng ta tự nói rằng: “tha thứ được mà không quên được, không thể quên được”. Còn lòng mến thì chính là sự quên đi những thiếu xót, những lầm lỗi của người khác như thể chẳng có gì xảy ra. Đây chính là cách hành xử của Thiên Chúa đối với các tội nhân sám hối: “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31,34; x. Hr 8,12; 10,17); “Vì chính Ngài đã cứu con khỏi hố diệt vong, vất bỏ sau lưng mọi lỗi lầm con phạm” (Is 38,17); “[Nhưng nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết.] Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến” (Ed 18,22).
Chính Đức Giê-su cũng tha thứ cho kẻ giết mình (x. Lc 23,34). Stê-pha-no cũng cầu nguyện cho kẻ bách hại mình: Lạy Chúa, xin tha cho họ tội này (Cv 7,60).
Chúng ta nghĩ tới việc thú tội trong bí tích: Thiên Chúa “tha thứ” các tội của chúng ta và hơn thế nữa “quên đi” tất cả các tội lỗi đó. Còn chúng ta, trở về với hành trình của mình với những tâm ý tốt lành về sự sám hối, nhưng lại vẫn cứ ở lì trong cái bẫy của cái TÔI, và có những tư tưởng không tích cực, thậm chí nghi ngờ rằng Thiên Chúa không thể tha thứ tội lỗi của chúng ta: chúng ta hãy làm như Thiên Chúa làm, chúng ta hãy tha thứ và hãy quên đi; Bằng cách ấy, chúng ta sống trong an bình. Chúng ta không nói đến cái “quên” sinh lý, ngược lại, chúng ta cố gắng vượt qua những thực tại về các sự kiện, không quan trọng hóa nó nữa, tương đối hóa nó mà thôi.
6 không vui mừng trước sự bất chính, nhưng vui mừng vì điều chân thật.
Ở đây Phao-lô đặt song đối giữa sự phủ định và xác định của một hành động “vui mừng”: không vui mừng, nhưng vui mừng.
Quên đi những điều dữ phải chịu, người có đức ái rất quảng đại kể cả đối với những bất công mà tha nhân gây ra cho họ. Người có đức ái sẽ không vui mừng khi tha nhân gặp bất công hay đau khổ, thậm chí họ còn khóc nữa là khác: “Tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội, và chẳng chịu hối cải...” (2 Cr 12,21). Chân lý là tiêu chuẩn cho những hành động chính trực và những đặc điểm của nó. Do đó, đức mến vui trong chân lý, trong sự thiện hảo và trong nhân đức:
  • “Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà (Ê-li-sa-bét) như vậy, làng giềng và thân thích đều chia vui với bà (Lc 1,58).
  • “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó” ... “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được quan tiền tôi đã mất” (Lc 15,6.9).
  • “Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy... Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì đứa em của con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,23-24.32).
Đức ái là một tình yêu được bộc lộ ra ngoài và biết biện phân bên trong những giá trị đích thực. Những người Cô-rin-tô phải học cho biết đau khổ và biết vui mừng với tha nhân. Đó là sự hiệp thông huynh đệ: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1 Cr 12,26). Người có đức ái phải biết vui với những điều thiện hảo của họ và nâng đỡ những đau khổ của họ: “Bổn phận của chúng ta, những người vững mạnh, là phải nâng đỡ những yếu đuối của những người không có sức mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,1); “Anh em hãy mang gánh nặng của nhau, và như vậy anh em sẽ chu toàn luật Đức Kitô” (Ga 6,2). Chẳng phải là đức ái tham dự trong các ơn sủng và vui mừng với những người được yêu mến đó sao?
Chúng ta có thể nói gì về niềm vui Ki-tô giáo và về niềm vui của những người được thánh hiến, cũng như niềm vui của các linh mục? Chính là sự tốt lành. Vì chúng ta là những Ki-tô hữu, chúng ta tất cả sống vì người khác. Do đó mỗi chúng ta có những niềm vui khác nhau để chia sẻ. Sự hủy diệt cộng đoàn bắt đầu khi mỗi thành viên cố gắng chiến thắng, khi mất đi một thành viên. “Vui với” có nghĩa là chân lý cho đi như kết quả của sự đạt được từ người khác, chính ở điểm này mà một người có lòng mến trong chính mình: nhờ đó cộng đoàn được xây dựng.
7 lòng yêu mến dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.
Tha thứ tất cả
Với sự im lặng và sự kín đáo của lòng mến, người ta có thể tha thứ cho tha nhân như một người mẹ tha thứ những thiếu sót của con cái mình: “anh em hãy tận tình yêu thương nhau, vì tình thương khỏa lấp muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8).
Tin tưởng tất cả
Đức ái luôn luôn thể hiện một cái nhìn tích cực về sự việc và con người, và thường xét đoán cách thuận lợi trên sự việc. Vấn đề không phải là không biết, nhưng ngược lại đức ái bày tỏ sự tin tưởng vào tha nhân. Người có đức ái trao ban một gương mặt tin tưởng đến những ý định của tha nhân ngay từ ban đầu, và sẽ trung thành mãi như thế. Một gương mặt như thế quả là một ân điển từ Thiên Chúa: thật vậy, “mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa, tức là cho những kẻ được kêu gọi theo ý định của Người” (Rm 8,28).
Hy vọng tất cả
Trước mọi tình huống, đức ái không mất bình tĩnh. Đức ái không biết sợ hãi tương lai. Nó luôn lạc quan và quảng đại. Tin tưởng hết lòng vào sự chiến thắng của cái thiện hảo bởi vì họ đặt hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa.
Chịu đựng tất cả
Khi dường như mọi người lừa dối sự tin tưởng và hy vọng của mình, người có đức ái tiếp tục đứng vững trong thái độ sống của mình: ngược lại, rút lui có thể nghĩ rằng Thiên Chúa can thiệp chậm trễ hay trì hoãn việc can thiệp của Người. Có lẽ chính sự kiên nhẫn không mệt mỏi này mà có được một giải pháp tốt hơn để đương đầu với những quyết định nan giải. Ngày nay người ta nói nhiều đến bất bạo động. Và như thế người ta khẳng định sức mạnh mà con người nên có khi phải đương đầu với những bất công trong xã hội.
Đức ái thì mạnh mẽ và chịu đựng tất cả. Học thuyết này không có gì mới mẻ.
Sau sự trình bày đức ái này của Phao-lô, có lẽ nảy sinh trong chúng ta tư tưởng rằng cuộc sống của chúng ta rất xa thực tại này. Dường như cuộc sống không có ý nghĩa, hay hoàn toàn trống rỗng. Chú ý!!! Chúng ta hãy nhớ rằng cần phải đánh giá trong từng giây phút với những tiêu chuẩn của giây phút đó và như thế cố gắng can đảm tiến bước về phía trước, luôn phải sẵn sàng và hăng hái tiến lên. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn! Con đường trổi vượt, con đường duy nhất là chính Đức Giê-su Ki-tô!
Là sức mạnh và tính năng động của đức ái, Phao-lô trình bày trong 1 Cr 13,8-13 rằng đức ái này vượt trên mọi ân sủng kể cả vấn đề thời gian. Đức ái không qua đi. Tính vĩnh cửu của đức ái là điều gì đó phi thường, được đo lường trong tương quan với tính ngắn ngủi của các ân sủng khác.
3. 1 Cr 13,8-13
8 Lòng yêu mến không bao giờ mất được. Ơn làm ngôn sứ? Cũng sẽ chấm dứt. Nói các thứ tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ ngưng. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chấm dứt. 9 Quả thật, sự hiểu biết của chúng ta thì có ngần, ơn làm ngôn sứ cũng có hạn. 10 Nhưng khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ chấm dứt. 11 Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con, lý luận như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ lại những gi là trẻ con. 12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ biết tường tận, như tôi được Thiên Chúa biết tường tận. 13 Hiện nay lòng tin, lòng cậy, lòng yêu mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao cả hơn hết là lòng yêu mến.
Trong phần thứ ba này, với một sự sáng sủa khác biệt với những phần trước, Phao-lô trình bày cuộc sống như một thực tại được cụ thể hóa trong ý thức: như con cái ánh sáng, các tín hữu bước đi trong mạc khải của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô (x. 1 Ts 5,5; Ep 5,8). Như thế, trong tình huống cụ thể hiện tại, sự ý thức của chúng ta thật bé bỏng, không trọn vẹn, và có vẻ trẻ con. Các ân sủng được thông ban để đối diện với những khó khăn thực tế, để biết Thiên Chúa hơn. Cuối cùng, ở tuổi trưởng thành của người Ki-tô hữu, những ơn sủng này sẽ là vượt trổi tất cả. Lúc bấy giờ kiến thức trở nên sáng sủa, tín hữu sẽ được thấy Thiên Chúa mặt đối mặt. Chúng ta đang nói theo lối ẩn dụ: khi chúng ta nhìn qua tấm gương, chúng ta không nhìn thấy được thực tại bên trong, mà chỉ thấy sự tương tự bên ngoài. “Mặt đối mặt” có ý nói rằng sự hưởng kiến trên trời sẽ không giống như một sự hưởng kiến cái gì “tương tự”, nhưng là chính thực tại từ bên trong, cách trực tiếp và không qua trung gian nào hết.
Ở c.8 Phao-lô nêu lại sự so sánh tương phản giữa đức ái và các ân sủng được ưa chuộng hơn ở Cô-rin-tô, đó là ơn nói tiên tri với ơn ngôn ngữ, và thêm vào đó là ơn hiểu biết. Dĩ nhiên, ơn ngôn sứ cũng sẽ chấm dứt; ơn nói tiếng lạ cũng sẽ ngừng; ơn hiểu biết cũng thế thôi. Nhưng “lòng mến yêu không bao giờ mất được” (c.8). Kiến thức thuộc về ơn hiểu biết chỉ là một phần, phân mảnh, không hoàn thiện; kể cả việc tuyên sấm cũng chỉ làm cho ta biết phần nào bí mật thượng giới (x. c.9). “Nhưng khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ chấm dứt” (c.10). Cái gì mà bản chất của nó là có ngần có hạn, tạm thời, không hoàn chỉnh thì sẽ biến mất khi cái hoàn hảo đến.
Tính tạm bợ của các ân sủng được Phao-lô diễn tả dưới hai hình thức: 1) cái gì của trẻ con thì khi trưởng thành sẽ loại bỏ những thói quen trẻ con đó; và 2) kiến thức luôn luôn không hoàn chỉnh trong tương quan với điều gọi là “mặt giáp mặt”.
Kiểu ẩn dụ về chiếc gương thì không được biết đến trong Cựu Ước, nhưng xuất hiện rất nhiều trong văn chương cổ điển. (X. Norbert Hugedé, La métaphore du miroir dans les épitres de saint Paul aux Corinthiens,Neu­châtel 1957, 97-137.) Ở thế gian này, bây giờ, bao lâu sự hoàn thiện của chúng ta vẫn còn thăng tiến, chúng ta không nhìn Thiên Chúa trực tiếp được, nhưng phải qua trung gian, cũng như qua một cái gương vậy. Sự nhìn qua trung gian một cái gương còn được nói đến qua một biểu thị khác, đó là kiến thức. Do đó, một kiến thức không mấy sáng sủa, lẫn lộn, trái ngược lại với kiến thức dứt khoát khi có sự hưởng kiến “mặt giáp mặt”.
Thần học Tô-ma nói rằng bây giờ chúng ta biết Thiên Chúa chỉ qua sự “tương tự”, trên trời chúng ta sẽ thấy Người mặt giáp mặt, “chúng ta sẽ thấy Người như Người là” (1 Ga 3,2; x. St 32,31).
Để kết thúc, Phao-lô nói: “Hiện nay lòng tin, lòng cậy, lòng yêu mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao cả hơn hết là lòng yêu mến” (c.13).
Tin – cậy – mến là ba nhân đức đối thần, có Thiên Chúa là đối tượng trực tiếp của ba nhân đức ấy. Do đó cả ba rất cần thiết cho các tín hữu trong bất kỳ thời đại nào hay thuộc bất cứ không gian nào. Ngược lại, các ân sủng không dẫn ta đến thẳng với Thiên Chúa nhưng chỉ qua một phương thức gián tiếp, bao lâu nó diễn tả được sự hiện diện của các nhân đức đối thần trong tâm lòng con người.
Từ đầu cho đến bầy giờ, chúng ta nói đến các ân sủng, và thấy sự trổi vượt của đức ái trên tất cả các ân sủng khác. Điều này mời gọi người Cô-rin-tô cũng như chúng ta biết sử dụng các ân sủng trong đức mến. Bây giờ chúng ta nói đến đức tin và đức cậy như hai thực tại quan trọng hơn cả các ân sủng. Sự khác biệt của nó đối với đức ái cũng cho thấy sự vĩ đại của đức ái. C.7 đã viết rằng: đức mến “dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. Và c.12 thì nói về đức tin: “bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương”, lời này của Phao-lô nhằm kết án “kiến thức”, đối tượng khát vọng của các tín hữu Cô-rin-tô. “Kiến thức duy nhất” mà Phao-lô muốn nói đến, là đức tin, cũng như một cái nhìn qua tấm gương, qua một cách thức không hoàn hảo. Chỉ ở cuối chặng đường khi “chúng ta được biết tường tận như chúng tôi được Thiên Chúa biết tường tận”, như đã được Thiên Chúa hoạch định với tình yêu của Người, thì kiến thức ấy mới nên trọn vẹn.
Phao-lô bắt đầu c.13 với trạng từ chỉ thời gian “hiện nay” là một thuật ngữ để chuyển tiếp, tức là để kết luận, ấy là dưới cái nhìn cánh chung học về ba nhân đức đối thần thì đức ái trổi vượt hơn cả. Ngược lại là theo nghĩa thời gian, “hiện nay...” (x. Rm 6,22; 7,6; 15,23.25; 2 Cr 8,11.22; Ep 2,13; Cl 1,21.26; 3,8; Plm 9.11; theo nghĩa kết luận logic, x. Rm 7,17; 1 Cr 5,11; 12,18; 15,20). Hơn nữa, kiểu nói ở c.8 “đức ái không bao giờ chấm dứt” được nói đến theo quan điểm thời điểm chung cuộc, khi tất cả các ân sủng khác không còn nữa. Đúng thế, với thời gian, cả ba nhân đức tin-cậy-mến đều tồn tại, nhưng sự tồn tại ba phần này cũng bao hàm sự bất toàn, trong đó đức tin trợ giúp tiến bước trong hành trình thiêng liêng: “chúng tôi tiến bước nhờ lòng tin, chứ không phải nhờ xem thấy” (2 Cr 5,7), còn niềm hy vọng thì vẫn chưa sở hữu được điều mà con người hy vọng:
Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, mọi loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.23 không phải muôn loài mà thôi, nhưng cả chúng ta là những người đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, chúng ta cũng rên siết trong lòng đang khi đợi chờ ơn làm nghĩa tử, là ơn cứu chuộc thân xác chúng ta.24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ trong niềm hy vọng; thấy được điều mình hy vọng, thì không còn phải là hy vọng nữa: vì ai lại hy vọng điều mình đang thấy? (Rm 8,22-24)
Như thế, trong sự tương phản giữa hiện tại và tương lai, chỉ có đức ái tồn tại, nhân đức lớn nhất, nhân đức hoàn hảo và quyết định mọi sự, nhân đức duy nhất có khả năng làm cho con người thấy Thiên Chúa.
4. KẾT LUẬN
Trong thực tế, chúng ta có thể nói đến một sự chuyển tiếp, trong đó câu cuối cùng của chương trước lại là lời giới thiệu của chương này. Một cách chính xác hơn, không phải chúng ta đang ở trên trời như Phao-lô đang diễn tả, đó chính là thực tế của cộng đoàn Cô-rin-tô, trong những điều kiện sống Ki-tô giáo cụ thể. Chúng ta có thế nói đến một bộ ba: đức tin, đức cậy, đức mến. Cả ba liên kết với nhau chặt chẽ.
Điều quan trọng hơn cả trong diễn từ của Phaolô là: “Anh em hãy cố đạt cho được đức mến” (1 Cr 14,1a). Sự tuyệt vời của đức mến là sự cao trọng của nó (1 Cr 13,13b), là chính yếu tố cánh chung của nó (1 Cr 13,8), nghĩa là ta có thể sở hữu nó mãi mãi trong khi những thứ khác thì qua đi (x. 1 Cr 13,8b-10). Chính vì thế mà cần phải nỗ lực theo đuổi nó. Chính vì thế mà thánh nhân đã nhắn nhủ: “Anh em hãy cố đạt cho được đức mến” và theo đó là “khát khao những ơn của Thần Khí” (1 Cr 14,1b).
Dĩ nhiên, chúng ta phải công nhận rằng tất cả các hồng ân đều có giá trị, và vì thế đáng khát khao, nhưng đức ái thì cần phải tìm kiếm, phải đi săn bắt nó. Sự khác biệt là ở chỗ: một bên thì ước ao nhận được hồng ân ấy nhưng không từ Thiên Chúa, một bên là phải hành động để có thể thực sự sở hữu nó. Để có thể đạt được đức mến, người ta phải nỗ lực hành động, phải có ý muốn – phải muốn nó. (X. C. Spicq, o.c., 107.)
Trong chúng ta có một sự hiệp nhất với hai phần, trong tương quan với Thiên Chúa: một mặt là trong sự tham phần với những sự thiện hảo tự nhiên, từ Thiên Chúa nhận được; mặt khác là ngay từ bây giờ chúng ta đã thông phần vào ân sủng thiêng liêng vĩnh cửu, ân sủng đó chúng ta mông đợi sở hữu nó cách trọn vẹn trên trời.
Đúng thế, sự hiệp thông đầu tiên với Thiên Chúa là tình cảm tự nhiên: Thiên Chúa là nguyên nhân của sự hiệp thông đó, là sự thiện hảo tuyệt đối mà người ta khát vọng sở hữu như là cùng đích; sự hiệp thông thứ hai với Thiên Chúa là lòng mến của đức ái, với lòng mến đó con người yêu mến chỉ một mình Thiên Chúa. Chúng ta không thể yêu mến bất cứ ai, bất cứ điều gì nếu chưa biết người đó hay sự vật đó. Do đó nơi lòng mến đó, trước tiên phải có một kiến thức nào đó về Thiên Chúa, tức là đã biết Người. Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, là Đấng siêu việt, nên đòi chúng ta phải có đức tin. Trong hành trình đức tin ấy đòi hỏi phải có đức cậy, như sách Huấn Ca (2,8-9) dạy:
“Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người,
và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu.
Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn lành,
niềm vui không cùng và lòng thương xót.”

Nhờ đức tin và đức cậy, con người có thể đạt được đức mến.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét