Trang

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Tư Tuần IV PS





Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần IV PS

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa.

Có rất nhiều khác biệt giữa lời của Thiên Chúa và lời của con người: Lời của Thiên Chúa khôn ngoan tuyệt đỉnh, không thay đổi, và mang lại sự sống cả đời này và đời sau; trong khi lời của con người không thể khôn ngoan bằng Lời Chúa, thay đổi, chưa chắc đã mang lại sự sống đời này, và không thể mang sự sống đời sau.

Các Bài Đọc hôm nay dạy con người phải biết vâng lời Thiên Chúa qua sự thúc đẩy của Thánh Thần và thực thi những gì Chúa Giêsu nói. Trong Bài Đọc I, tuy Hội Thánh Antioch mới lập, nhưng họ sẵn sàng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, hy sinh Barnabas, Phaolô, và Gioan Marcô, để các ông lên đường rao giảng Tin Mừng đến các nơi chưa được nghe. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Ngài chỉ nói những gì Ngài nghe được nơi Thiên Chúa. Vì thế, tuân giữ Lời Ngài là tuân giữ Lời Thiên Chúa; nếu không, những Lời này sẽ trở nên quan tòa xét xử con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hội Thánh tại Antioch vâng lời Thiên Chúa.

1.1/ Lời Chúa tiếp tục lan tràn và phát triển đến mọi nơi: Đây là mục đích trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa nên Ngài tạo mọi cơ hội cho các sứ giả loan báo Tin Mừng. Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều này: Phải có cuộc bách hại tại Jerusalem sau khi Stephanô chịu tử đạo, các môn đệ Chúa mới chịu tản mác đi các nơi và rao giảng Tin Mừng; trong khi các Tông-đồ ở lại Jerusalem để củng cố Hội Thánh Trung Ương. Phó-tế Philip xuống Samaria và rao giảng Tin Mừng cho dân ở đây. Ông cũng gieo hạt giống cho dân Ethiopia khi rao giảng Tin Mừng và làm Phép Rửa cho viên Thái Giám. Ngài làm cho Saul, kẻ nhiệt thành bắt bớ đạo thánh, được trở lại; và giờ đây sẵn sàng để nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như tường thuật hôm nay. Nơi nào Tin Mừng được rao giảng, Thiên Chúa cũng ban cho có các ngôn sứ và thầy dạy, như trong Hội Thánh tại Antioch, có các ông Barnabas, Simeon biệt hiệu là Đen, Lucius người Cyrene, Manaen, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Herode, và Phaolô.

1.2/ Giáo đoàn tại Antioch sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

- Sứ vụ riêng cho Phaolô và Barnabas: Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: "Hãy dành riêng Barnaba và Phaolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm." Đây là lệnh truyền không dễ làm cho Hội Thánh tại Antioch, vì hai ông là hai cột trụ của cộng đoàn và Hội Thánh địa phương còn non nớt. Theo sự suy nghĩ loài người: nếu mất hai ông, cộng đoàn sẽ suy xụp và không phát triển được. Nhưng họ quyết định không sống theo sự suy nghĩ của con người; nhưng theo niềm tin vào Thiên Chúa và sự hướng dẫn của Thánh Thần: "Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi."

- Đây là bài học quí giá cho mọi tín hữu: Phải hy sinh cho việc rao giảng Tin Mừng sao cho mỗi ngày một lan rộng, chứ không ích kỷ giữ người cho mình. Hơn nữa, khi nhà lãnh đạo đương nhiệm ra đi, Thiên Chúa sẽ gởi người khác tới, và mọi người trong Hội Thánh địa phương sẽ ý thức được vai trò của mình và cộng tác đắc lực hơn.

- Phaolô, Barnabas, và Gioan Marcô bắt đầu thành các cộng đoàn mới: "Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Seleucia, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Cyprius. Đến Salamis, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do-thái. Có ông Gioan giúp hai ông."

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha

2.1/ Con người phải tin và vâng lời Chúa Giêsu: Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng:

- "Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi." Người được sai đi có đầy đủ chức vị và thẩm quyền như Đấng sai đi. Vì thế, tin vào sứ giả là tin vào người sai sứ giả; từ chối sứ giả là từ chối người sai sứ giả.

- "Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi." Đây là lời mặc khải mới lạ. Đối với con người, Người sai đi và sứ giả là hai chủ thể riêng biệt. Đối với Thiên Chúa, Người sai đi (Chúa Cha) và Người được sai đi (Chúa Con) là một; vì cả hai đều là Thiên Chúa, nhưng làm các việc khác nhau. Điều này cũng được Chúa Giêsu xác tín, khi Philip yêu cầu: "Xin Thầy chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện rồi." Chúa Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!" Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình" (Jn 14:9-10).

- "Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối." Ánh sáng và bóng tối là hai điều trái nghịch nhau: khi có ánh sáng thì không có bóng tối; và ngược lại. Người tin vào Đức Kitô không thể ở trong bóng tối, vì Đức Kitô là ánh sáng. Điều này không có ý nói, người nào đã tin Đức Kitô là sẽ không còn bóng tối trong mình; nhưng nếu người tin Ngài chịu để cho ánh sáng của Ngài soi dẫn vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn, họ sẽ chỉ còn là ánh sáng.

- "Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian." Câu này lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói trong Jn 3:16-21. Chương 12 của Gioan là chương cuối cùng của cuộc đời công khai rao giảng của Đức Kitô, vì từ chương 13 tới 21 dành cho các môn đệ và Cuộc Thương khó của Ngài. Vì thế, chương 12 tóm gọn những đạo lý chính của Chúa Giêsu.

- "Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy - chính lời tôi đã nói sẽ là quan tòa xét xử người ấy trong ngày sau hết." Theo Jn 3:18, con người xét xử chính mình khi không tin vào Đức Kitô. Với những người không có cơ hội gặp Chúa Giêsu và những người thuộc các thế hệ sau như chúng ta, Lời Chúa trở thành quan tòa xét xử cho những ai không chịu tin vào Lời Ngài.

2.2/ Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha: "Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì." Người được sai đi phải nói những gì người sai đi muốn nói; nếu không, họ sẽ không còn là sứ giả hay ngôn sứ của người đã sai họ đi.

Tuy nhiên, sự vâng lời của Chúa Giêsu không có tính cách nô lệ hay mù quáng, vì Ngài phán: "Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi." Nói cách khác, Ngài biết Lời của Chúa Cha là sự thật, và có khả năng giải thoát con người khỏi tội, và cho con người được sống muôn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải luôn nhớ Thiên Chúa vẫn đang hoạt động và điều khiển mọi sự trong vũ trụ. Bổn phận của chúng ta là cầu nguyện để nhận ra và mau mắn thi hành thánh ý của Ngài.

- Chúng ta phải chịu trách nhiệm trong việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, chứ không ích kỷ chỉ biết lo lắng cho mình hay cho giáo xứ. Khi đã hiêu biết Lời Chúa rồi, chính chúng ta phải sống và làm chứng cho Tin Mừng
- Đừng khinh thường Lời Chúa vì những Lời này sẽ trở thành quan tòa để phán xét chúng ta; hơn nữa, đó là những Lời mà vì yêu chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng ta những Lời này.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét