Trang

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Đức tin trong Cựu ước



Đức tin trong Cựu ước
Lm.  Nicholas King, SJ
   
Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta biến Năm Đức Tin này thành thời gian chuẩn bị để canh tân việc loan báo Tin Mừng. Vì thế, thật chính đáng khi nhìn lại những gì Cựu Ước nói về đức tin, đồng thời xem lại hai hiểu nhầm phổ biến.

Hiểu nhầm đầu tiên thường gặp là ý niệm cho rằng đức tin là một số những định đề khó tin nhưng buộc phải tin, một số phán quyết kiểu “ra ngô, ra khoai”, nếu bạn chấp nhận hết những điều ấy thì bạn mới là “người Công giáo” chính cống. Tuy nhiên, đây không phải là ý nghĩa của đức tin trong Kinh Thánh. Đức tin là mối tương quan với Đấng là Mầu nhiệm Tình yêu, Đấng Sáng Tạo vũ trụ, Đấng mà chúng ta gọi cách đơn giản là “Chúa”, mặc dù đôi khi không dễ sống mối tương quan này.

Hiểu nhầm thứ hai cho rằng Thiên Chúa trong Cựu Ước là một vị thần bạo lực và hay nổi giận khiến những ai có lý trí khó chấp nhận tôn thờ. Những ai hiểu sai như thế thì làm phiền ngồi xuống và đọc trọn Cựu Ước (khá dài và nhiều chỗ khó hiểu).

Một điều khó khăn hơn nữa là trong Cựu Ước không có từ “đức tin”. Từ cận nghĩa nhất của nó trong tiếng Do Thái là ‘aman’ (đây là từ gốc của tiếng “Amen”), có nghĩa là “đáng tin cẩn” hay “xác thực”, do đó chúng ta có danh từ ‘emeth’, nghĩa là “sự vững chắc” hay “sự bất biến”, “tính trung thành” hay “chân lý”, và một loạt những ý nghĩa khác thuộc lãnh vực này. Đây chính là nhưng đặc tính mà Tân Ước gọi là “đức tin”.

Những gương mẫu đức tin trong Cựu Ước

Vì thế, xem ra cách tốt nhất để tìm thấy đức tin trong Cựu Ước là nhìn lại những hành vi đạo đức của những người mà chúng ta nghĩ rằng họ có đức tin.

1. Abraham

Gương mẫu đầu tiên là hình ảnh ông Abraham, trong sách Sáng Thế 12,1-3, lúc đã vào tuổi 75, đột nhiên nhận được lệnh của Thiên Chúa: “Hãy rời bỏ quê hương xứ sở và họ hàng thân thuộc, cả nhà cha ngươi để đi đến miền đất ta sẽ chỉ cho ngươi.” Rồi đột nhiên bản văn bỗng nhiên chuyển giọng ra như một bài thơ, Thiên Chúa nói tiếp:

“Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi.
Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.
Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi;
Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.
Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”

Và ta thấy ngỡ ngàng khi nghe tiếp bản văn:  “và ông Abram ra đi theo như lời Giavê nói”. Rồi sau đó là hành loạt những cuộc phiêu lưu ít nhiều có tính giáo dục mà bạn nên đọc trong sách Sáng Thế chương 12-24 để rồi sẽ thấy nguyên mẫu của “người có đức tin” là gì. Ông Abram (hoặc Abraham như ông được gọi sau này) từ đây phải chịu nhiều cuộc thử nghiệm mà ít nhiều ông đã vượt qua được. Tuy nhiên, trong 3 chương sau đó, vẫn không có con nối dõi nên ông nêu vấn đề với Chúa trong chương 15. Và câu trả lời của Thiên Chúa là: “Hãy nhìn lên trời và đếm các vì sao. Dòng dõi ngươi sẽ đông đúc như vậy.” Rồi thì chúng ta nghe câu trả lời của Abram mà sau này Thánh Phaolô diễn giải ra rằng: “Ông đã đặt trọn niềm tin cẩn vào YHWH, và vì thế được kể là người công chính.” (Rm 4,3) Điều quan trọng ở đây là dù gặp nhiều nghịch cảnh, Abraham (tên cuối cùng của ông trong St 17,5) đã có được mối liên hệ đủ thâm sâu với Thiên Chúa để có thể tin tưởng tất cả những điều Ngài nói. Chúng ta được mời gọi đọc, suy tư và rồi bắt chước ông.

Đỉnh điểm hành trình đức tin của Abraham nằm ở chương 22 sách Sáng Thế, câu chuyện lạnh mình nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Lúc ấy ông đã hơn trăm tuổi rồi (vì Isaac đã lớn mà người cha được trăm tuổi mới sinh ra ông). Ấy vậy mà Thiên Chúa vẫn bảo ông (St 22,2): “Hãy đem đứa con trai Isaac mà người yêu quý và ra đi [“ra đi” cũng chính là lệnh truyền bằng tiếng Do Thái mà Thiên Chúa dùng trong chương 12 khi bảo ông lên đường] đến núi Moriah, dâng nó làm hy lễ lên cho Ta.” Chúng ta thấy sự đau đớn và khó hiểu khi Abraham vâng lời tối mặt. Ta nghe câu hỏi ngây thơ của Isaac: “Con chiên làm của lễ ở đâu vậy bố?”. Câu trả lời của Abraham cũng không khiến ta bớt đi nỗi sợ: “Chúa sẽ liệu con à!”. Với nghệ thuật điêu luyện, người kể chuyện đặt một câu hoá giải vào cuộc chuyện trò đáng sợ này “và cả hai đi bên nhau”, tính trung lập của nó làm tăng thêm xúc cảm cho câu chuyện. Cuối cùng, chúng ta nhận ra Abraham đã đúng khi tin rằng Chúa “sẽ liệu” và sự sống của Isaac được miễn thứ; nhưng Abraham đã đánh đổi bằng đức tin. Độc giả tinh ý sẽ nhận ra rằng mẹ đứa trẻ là bà Sarah không được đề cập đến trong toàn bộ câu chuyện (thật sự, việc làm tiếp theo của bà đó là chết - St 23,2), trong khi Isaac không bao giờ nói chuyện với cha mình sau đó. Đức tin trong Cựu Ước không phải là chuyện dễ dàng.

2. Đavít

Rồi đến Đavít, một hình tượng phức tạp và mơ hồ, mà những câu chuyện quá thật về ông đã được kể lại trong 1 Samuel 16 và 1 Vua 2. Đức tin của ông hiện rõ trong những gì ông làm và những gì xảy đến với ông. Chẳng hạn, khi những người hầu của vua Saul khuyên nhủ nhà vua nên dùng tài đánh đàn của Đavít để chữa bệnh, họ khẳng định rằng: “Có Thiên Chúa ở với anh ta.” (1 Sm 16,18) Chúng ta còn lại được nghe chính miệng Đavít nói với Saul khi xin được đấu tay đôi với Goliath: “Chúa là Đấng đã giật con khỏi vuốt sư tử và vuốt gấu, chính Người sẽ giật con khỏi tay tên Philitinh này” (1 Sm 17,37); và cũng chỉ vì Thiên Chúa ở với Đavít nên Saul căm ghét ông ra mặt (x. 1 Sm 18,28-29).

Thiên Chúa, thường được gọi là “YHWH” trong những câu chuyện trên, và Đavít xem đó là chuyện dĩ nhiên khi luôn thỉnh ý Chúa trước khi ra trận (1 Sm 23,4; x. 2 Sm 2,1; 5,19.23). Đavít có lòng đạo đức đến nỗi khi có cơ hội cũng không ra tay hạ sát “Người được Chúa xức dầu” (1 Sm 24,7; 26,9-11,23-24; x. 2 Sm 1,14), và ông nhìn thấy quà tặng của Abigail là việc làm của Thiên Chúa (x. 1 Sm 25,32). Khi trại quân Đavít bị quân Amalek tấn công, bắt hết phụ nữ và trẻ em, người thuật chuyện kể rằng “Đavít lấy lại cam đảm trong Thiên Chúa”, đôi khi được dịch là: “với lòng tin cậy mới mẻ vào Thiên Chúa” (1 Sm 30,6). Hơn nữa, khi có người trong đội quân của Đavít không muốn chia phần chiến lợi phẩm với những người không ra trận chiến đấu cùng quân Amalek, thì ông kêu gọi lòng quảng đại của họ (1 Sm 30,23 - “Đó là những thứ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta”). Ông cũng ý thức rằng Thiên Chúa có sức mạnh cảnh báo, chính vì thế mà sau cái chết kinh hãi của Uzzia khi chạm tay vào hòm bia, ông không đem Hòm bia Giao Ước về Thành Đavít mà về nhà của ông Obed-Edom người Hittit (x. 2 Sm 6,10); Khi thay đổi quyết định đem Hòm bia về Thành của mình, Đavít đã nhảy múa trước hòm bia khiến bà vợ của ông tỏ lòng khinh dể (x. 2 Sm 6,14-22).

Tuy nhiên, Đavít cũng nhiều lần được Thiên Chúa sửa dạy khi đã làm vua: đầu tiên là khi Đavít có sáng kiến xây Đền Thờ cho Chúa, như các vua vùng Cận Đông khác thường làm cho thần thánh của mình. Ông được Chúa dạy cho một bài học về ý nghĩa của “Nhà Chúa” và “Nhà Đavít” (2 Sm 7,1-28). Lần thứ hai là khi ông làm điều đáng hổ thẹn với Bathshêba, vợ của Uria người Hittit, khi Đavít không chu toàn trách nhiệm của người làm vua và dẫn quân ra ngoài trận chiến. Thay vì thế, ông ở nhà, phạm tội ngoại tình và giết người, cho đến khi ngôn sứ Nathan được sai đến nói với ông (x. 2 Sm 11,1-12,25). Và không giống như các vua quan Cận Đông khác, Đavít thú nhận: “Tôi đã đắc tội với YHWH” (2 Sm 12,13). Lần thứ ba, giống như các nhà lãnh đạo mắc bệnh hoang tưởng, mặc cho lời khuyên của Joab, Đavít tổ chức điều tra dân số toàn dân Israel và Giuđa, ngạo nghễ chống lại Thiên Chúa (x. 2 Sm 24,1-17); sự thống hối của ông một lần nữa lại là tấm gương cho tất cả mọi người chúng ta.

Sự việc càng trở nên phức tạp hơn, sau cuộc tạo phản của Absalom mà Đavít không phải là vô can, Đavít không cho phép Hòm Bia đến với mình và nói lên lời tuyên xưng đức tin như thế này: “Hãy đưa Hòm Bia Thiên Chúa về thành. Nếu ta được đẹp lòng YHWH, thì Người sẽ đưa ta trở về và cho ta thấy Hòm Bia và nơi Người ngự. Nhưng nếu Người nói là Người không thương ta nữa, thì này ta đây, Người cứ làm cho ta điều Người cho là tốt.” (2 Sm 15,25-26) Vấn đề ở đây không phải là Đavít có thực sự nói những lời này hay không. Vấn đề là gương mẫu đức tin của nhân vật phức tạp này: ông chấp nhận trước và vô điều kiện bất cứ điều gì Thiên Chúa làm cho ông.

Cuối cùng, câu chuyện vua Đavít đến hồi kết thúc khi một bài thánh ca tuyệt hay được đặt trên môi miệng Đavít, tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã dìu dắt ông (mặc dầu tế nhị bỏ qua những lầm lỗi của ông). Bắt đầu sách Các Vua, Đavít gần chết, Bathshêba và Nathan âm mưu để Solomon lên nối ngôi vua. Lời cuối cùng của Đavít với bà vợ gồm cả một lời thề nhân danh Chúa: “Ta thề nhân danh Chúa, Đấng đã giải thoát ta khỏi mọi cơn quẫn bách”  (1 V 1,29). Ở chương 2, Đavít nói dài hơn, nhắc lại cho Solomon về tất cả những điều đó: “Hãy tuân giữ các huấn lệnh của YHWH, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người”. Chúng ta được mời gọi nhìn lại cả cuộc đời của của vị vua quá phàm nhân này để thấy rằng đức tin vào Thiên Chúa đã len lỏi trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, ngay cả khi mắc sai lỗi. Chúng ta cố gắng sống như ông, luôn hiện diện trước nhan Chúa.

3. Thánh vịnh gia

Rồi đến Thánh vịnh gia. Tiêu đề cho đoạn này là “Thánh vịnh gia”, nhưng không có người nào như thế cả hay đúng ra có quá nhiều người. Theo quy ước thì người ta gán tất cả các thánh vịnh cho vua Đavít: theo các sách lịch sử ghi lại thì ông biết chơi đàn hạc (1 Sm 16,16-18), và nhiều thánh vịnh có tiêu đề gợi ý rằng tác giả là Đavít; nhưng trong số này có vài thánh vịnh chắc là được viết sau thời Đavít. Sách Các Thánh Vịnh được xếp đặt cẩn thận để trình bày cho chúng ta thấy đức tin của dân Israel, được diễn tả trong các bài thánh ca thuộc nhiều thời đại khác nhau; và nếu bạn muốn biết suy tư về Thiên Chúa của cộng đoàn tụ họp chung quanh Đền thờ và cộng đoàn còn lại sau khi Đền thờ do Solomon xây dựng bị phá hủy, thì hãy trầm tư lắng nghe các bài thánh ca này.

Bạn nên biết rằng động từ thường gặp nhất trong các Thánh Vịnh là “hát lên”, thường ở mệnh lệnh cách (imperative mood), và có hai hàm ý. Trước tiên, hành động hát thường hướng về “phía bên trên”, nghĩa là hướng về Thiên Chúa của dân Israel; nhưng thứ đến, nó cũng hướng về “phía bên cạnh”, nghĩa là về phía cộng đoàn, một điều gì đó mà toàn dân Israel cùng làm với nhau. Các bài thánh ca gồm nhiều thể loại và các học giả đã phân loại các thánh vịnh ra thành: các bài than vãn của cá nhân hay toàn thể cộng đoàn; các bài ca tạ ơn hay tin cậy (có lẽ bài nổi tiếng và đáng yêu nhất là Thánh vịnh 23, “Chúa là Mục Tử chăn dắt con”. Rồi đến các bài thánh ca hay “thánh vịnh ngợi khen”, các bài ca Sion, các bài ca về vương quyền của Thiên Chúa và “các thánh vịnh vương giả” phản ánh mối tương quan giữa Thiên Chúa và vị vua là đại diện cho toàn thể đất nước Israel. Có “các thánh vịnh khôn ngoan” (ví dụ Thánh vịnh 119, Thánh vịnh dài nhất), và “các Thánh vịnh lịch sử” ngợi ca Thiên Chúa đã hành động như thế nào trong lịch sử Israel, ví dụ Thánh vịnh 106. Còn nhiều loại khác nữa nhưng hy vọng rằng đã nói đủ ở đây để xin mời bạn đọc chúng. Bạn sẽ tìm thấy trong bộ sưu tập các bài thánh ca này điều gì đó rất thích hợp với tâm trạng mình, ngay cả khi tức giận với Thiên Chúa như lời tác gia thi sĩ trong sách Gióp đôi lúc giận dữ vặn hỏi: “Lạy Chúa, biết đến bao giờ?” (ông Gióp cũng là một mẫu đức tin khá thú vị trong Cựu Ước, nhưng chúng ta không có chỗ để bàn đến ở đây. Vì thế, hãy đọc sách Gióp).

“Hineni”: Câu trả lời liều lĩnh của đức tin trong Cựu Ước

Cuối cùng, tôi muốn bạn chú ý đến một từ trong tiếng Do Thái: hineni, nghĩa là “Này tôi (con) đây” hay “Xem này, ta (con) đây”, đôi khi được dịch là “đã sẵn sàng!”, từ ngữ được tìm thấy trên môi miệng của các mẫu gương đức tin trong Cựu Ước. Vì thế, bạn và tôi cũng được khích lệ nói lên tiếng này khi được Thiên Chúa của đức tin mời gọi chúng ta. Trong Cựu Ước, hầu như phần lớn từ này được đặt trên môi miệng Thiên Chúa, thường mang tính đe doạ: “Hãy xem điều ta sắp làm với quân Amalek”. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng được thốt ra từ miệng con người. Lần đầu tiên là trong sách Sáng Thế 22 mà ta đã thấy trong câu chuyện của Abraham khi ông chấp nhận dâng Isaac làm của lễ. Abraham nói “hineni” 3 lần trong suốt câu chuyện: lần đầu khi Thiên Chúa gọi ông (St 22,1 - “Dạ, con đây!”); lần thứ hai đau nhói hơn khi Isaac gọi ông để hỏi con chiên làm của lễ ở đâu (St 22,8 - “Cha đây con!”); và lần thứ ba là khi sứ thần từ trời gọi ông để ngăn ông ra tay giết đứa trẻ (St 22,11 - “Dạ, con đây!”).

Lần tiếp theo chúng ta được nghe từ này trên môi miệng con người là khi Giacóp sai Giuse đi thăm các anh em mình đang chăn đàn gia súc của gia đình tại Shikem (x. St 37,13), và Giuse (người đã làm cho các anh em khác nổi giận vì giấc mơ của mình) đã bày tỏ sự sẵn sàng ra đi. Dĩ nhiên, kết cục là họ bắt cóc Giuse nhưng không giết đi (nhờ sự can thiệp của Ruben và Giuđa). Cuối cùng ông sang được đất Ai Cập và tình cờ được đoàn tụ với các anh em và cha mình. Nhưng cái kết có hậu này chỉ xảy ra sau khi Thiên Chúa đưa dẫn ông qua nhiều cuộc phiêu lưu. Rồi lần kế tiếp môi miệng con người phát ra từ này là trong St 46,2, khi Thiên Chúa gọi ông già tội nghiệp Giacóp, khích lệ ông lên đường đi Ai Cập để đoàn tụ với Giuse.

Môisen cũng thốt lên từ này khi ở trong tình trạng là tên sát nhân chạy trốn (x. Xh 3,4). Ông đang chăn chiên cho nhạc phụ thì bổng nhiên thấy bụi cây cháy bừng, ông nghe tiếng gọi và Môisen trả lời: “hineni”. Có thể là sau này ông cảm thấy hối tiếc vì đã thốt lên lời đức tin ấy, vì nó bắt đầu cho một ơn gọi nguy hiểm và cam go là làm người giải phóng dân Israel. Không thể kể hết những cuộc phiêu lưu chẳng mấy hào hứng ra đây, cả những cáo buộc tội diệt chủng do chính đám dân mà ông đã giải phóng. Bạn sẽ không phí thời gian nếu đọc cả câu chuyện này trong sách Xuất hành cho đến cái chết của ông Môisen, tận cuối sách Đệ Nhị Luật 34,5. Bạn có thể thấy mình cũng bồn chồn lo lắng, nhưng rồi cũng sẽ an tâm vì không còn con đường nào khác để đi.

Rồi Samuel cũng ba lần phá giấc ngủ của cụ già Êli khi thốt lên tiếng ‘hineni’, vì cứ ngỡ vị tư tế gọi mình (1 Sm 3,4.6-8). Eli dặn rằng lần sau cứ nói: “Hãy nói, YHWH, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe.” Đây là câu nói phải ở trên môi miệng chúng ta, dù cần phải suy nghĩ về sứ vụ cam go mà Samuel vừa mới bắt đầu, đòi hỏi ông phải dấn thân vào công việc chính trị đầy khó khăn, ngay cả khi đã về “bên kia chín suối” mà cũng chẳng được yên (xem câu chuyện bà đồng bóng Endor gọi hồn Samuel, đặc biệt là câu 1 Sm 28,15 - “Tại sao ngài (Saul) lại gọi tôi lên mà quấy rầy tôi?”). Đó phải là câu trả lời của chúng ta trong đức tin, nhưng đồng thời nó cũng chẳng phải là con đường êm ả gì đâu.

Người kế tiếp nói từ ‘hineni’ là vua Đavít đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa (x. 2 Sm 15,26), nói rằng ông sẵn sàng nhận bất cứ hình phạt nào của Thiên Chúa, sau vụ tạo phản của Absalom. Ông là gương mẫu cho chúng ta theo nghĩa này.

Ngôn sứ Isaia cũng vậy, ông là người cuối cùng đủ khờ khạo để thốt lên tiếng ‘hineni’. Chương 6 trong sách Isaia thuật lại cuộc thị kiến trong Đền Thờ vào “năm Vua Uzzia băng hà”, ông thấy mình đứng trước nhan Chúa và nghe thiên thần seraphim (“người đốt nóng”) hô vang “Thánh, Thánh, Thánh”. Ông nhận ra mình thân phận thấp hèn và kêu lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6,5); Nhưng điều này kéo dài không lâu vì các “người đốt nóng” ấy mang cục than đỏ rực chạm vào môi miệng ông. Lúc ấy ông nghe tiếng Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6,8). Vị ngôn sứ lúc ấy nhảy cửng lên như cậu học sinh khích động và trái tim ta bổng chùng xuống sau tiếng hét to của ông: “Hineni - hãy sai con đi!”. Sự nghiệp ngôn sứ với cuộc phiêu lưu dai dẳng đầy gian khổ của ông bắt đầu như thế đấy.

Vì vậy chúng ta nên cẩn thận trước khi nói “hineni”. Khi bạn nghe lời mời gọi của Thiên Chúa thì “hineni” là câu trả lời duy nhất. Nhưng báo trước là sẽ khó chơi đấy!

Kết luận: Sự trung thành của Chúa

Cựu Ước muốn nói rằng đức tin không phải là một điều gì đó ta có thể làm cho chính mình nhưng là một “hồng ân của Thiên Chúa”, như sách Giáo lý đã dạy. Nền tảng của đức tin ấy không gì khác hơn là sự trung thành bất tận và vô điều kiện của Thiên Chúa. “Tình yêu bền bỉ” của Ngài là điều mà từ ’emeth muốn nói, như ta đã đề cập đến ở đầu bài. Đây là điểm chính yếu trong Xuất Hành 19,5, khi Thiên Chúa nói với Môisen rằng: “Nếu ngươi nghe và giữ giao ước của Ta, thì ngươi sẽ là của riêng Ta trong mọi dân tộc.” Vai trò của Israel (và vì thế cũng là vai trò của chúng ta) là nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm, và dĩ nhiên đó là điều đã xảy ra trong nghi thức Seder  vào ngày lễ Vượt Qua (x. Xh 13,3-16) và trong nghi thức canh tân giao ước, khi dân Israel tuyên xưng trước mặt Thiên Chúa rằng: “Một người Aram lang thang là cha ông chúng tôi” (Đnl 26,5). Đó là điều mà dân Israel phải làm để nhắc nhớ dân Chúa về hành động của Thiên Chúa (và hẳn nhiên là mối tương quan tương xứng giữa YHWH với dân Israel). Đức tin trong Cựu Ước là như thế: đó là mối tương quan giữa Thiên Chúa và cộng đoàn tụ họp chung quanh Thiên Chúa của mình. Mối liên hệ này làm nên căn tính của dân Israel cũng như đem lại cho Giáo Hội căn tính độc nhất của mình.



------------------

[1] Seder là nghi thức kể lại cuộc giải phóng ra khỏi đất Ai Cập được cử hành trong cộng đồng hay cuộc tụ họp gồm nhiều thế hệ trong gia đình. Câu chuyện này nằm trong sách Xuất Hành - hay Shemot trong Sách Thánh của người Do Thái. Nghi thức Seder dựa vào câu trong sách Xuất Hành 13,8: “Trong ngày ấy, ngươi sẽ kể lại cho con của ngươi rằng: sở dĩ như vậy là vì những gì Đức Chúa đã làm cho cha khi cha ra khỏi Ai Cập” (NdT.) 


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét