Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần I Bát Nhật Phục Sinh
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người không thể trốn tránh sự thật mãi.
Có một người hay có tính “thêu dệt” và “thêm mắm thêm muối” mỗi khi nói chuyện với người khác về quá khứ huy hoàng của mình. Các bạn anh muốn dạy anh một bài học, nên mỗi lần anh nói, họ ghi chép cẩn thận những gì anh nói. Sau khi kể một hồi, các bạn anh bắt đầu thắc mắc về thời gian và nơi chốn của những việc xảy ra, và chỉ cho anh thấy sự không hợp lý của những gì anh kể. Từ đó, anh bắt đầu nói năng cẩn thận hơn; vì chỉ có nói thật, anh mới có thể tránh được những mâu thuẫn của các sự việc.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người không thể trốn tránh mãi sự thật. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng Do-thái nghĩ khi họ đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá là từ nay dân chúng sẽ nghe theo họ; nhưng họ lại phải đương đầu với các môn đệ của Ngài và hàng ngàn dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ sau khi chết. Ngài khiển trách họ đã quá cứng lòng không chịu tin vào lời các nhân chứng thuật lại trong trình thuật hôm nay.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nghe lời các ông hay là nghe lời Thiên Chúa?
1.1/ Phản ứng của những người trong Thượng Hội Đồng: Trước tiên, họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn. Họ nghĩ không có một hay hai cá nhân nào dám đứng ra đương đầu với quyền lực của Thượng Hội Đồng; vì nếu làm như vậy, chắc chắn sẽ lãnh thiệt hại vào thân. Thứ đến, họ khám phá ra hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận xét đúng, cả hai, Phêrô và Gioan, đều làm nghề đánh cá; làm sao có cơ hội để học hỏi và biết chữ nghĩa và Lề Luật như họ được. Cả hai nhận xét của họ đều đúng, và câu hỏi họ đặt ra cho hai ông hôm qua rất chí lý: “Nhờ quyền lực nào và nhân danh ai mà các ông làm chuyện đó.”
Câu trả lời của Phêrô giúp họ tìm ra những gì họ muốn biết: chúng tôi chỉ lấy sức mạnh và quyền lực của Đức Kitô, Đấng mà các ông đã đóng đinh vào Thập Giá. Họ cũng nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, để bàn tính với nhau. Họ chỉ có hai con đường phải chọn:
(1) Phục thiện và tin vào Chúa Giêsu: Đứng trước một phép lạ quá rõ ràng, đứng trước 3 nhân chứng, và đứng trước đông đảo dân chúng; họ phải tin vào Chúa Giêsu là Người đến từ Thiên Chúa, đã chết và sống lại. Chính họ đã nói với nhau về hai ông: “Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Jerusalem, và ta không thể chối được.”
(2) Dùng bạo lực để bưng bít sự thật: Có nhiều lý do để họ từ chối không tin: sợ mất thế giá, sợ mất lợi lộc vật chất, sợ phải thay đổi niềm tin …
Sau khi bàn luận, họ quyết định bưng bít sự thật bằng bạo lực. Họ quyết định: “Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa. Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa."
1.2/ Phản ứng của Phêrô và Gioan: Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra."
Thượng Hội Đồng là những người có kiến thức và biết Lề Luật của Thiên Chúa. Họ phải công nhận điều Phêrô nói là phải tuân hành những gì Thiên Chúa nói hơn con người; nhưng vì quá ngoan cố trong việc tìm hiểu sự thật nên họ tiếp tục ở trong bóng tối tội lỗi. Trình thuật kể thái độ cứng lòng của họ như sau: “Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.”
2/ Phúc Âm: Các lần hiện ra của Chúa Giêsu theo thánh-sử Marcô
Không phải chỉ có những người trong Thượng Hội Đồng cứng lòng, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng mắc phải lỗi lầm đó. Hơn những người trong Thượng Hội Đồng, các tông đồ đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy, biến hình, và báo trước cuộc tử nạn và sống lại sẽ xảy ra. Chúa Giêsu không chỉ hiện ra một lần để có cớ cho các tông đồ nói đó chỉ là ảo ảnh hay bóng ma; nhưng Ngài hiện ra nhiều lần với các nhân chứng khác nhau. Chúa Giêsu phải trách thái độ cứng lòng của các ông vì đã chối từ sự thật đến không phải từ hai như Lề Luật đòi, nhưng nhiều nhân chứng khác nhau. Thánh Marcô liệt kê ba lần Chúa hiện ra:
(1) Với một mình Mary Magdala: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Mary Magdala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.”
(2) Với hai môn đệ trên đường về quê, Emmaus: “Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.”
(3) Với Nhóm Mười Một: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.””
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn học để biết sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi mọi gian trá.
- Không chỉ học biết sự thật, chúng ta còn phải có can đảm để nói sự thật, sống theo sự thật, và làm chứng cho sự thật.
- Khi có sự xung đột giữa điều Thiên Chúa nói và điều người phàm nói; chúng ta phải luôn luôn vâng lời Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét