Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm C


Ngày 07/04/2013
Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm C



Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật II Phục Sinh Năm C ngày 7.4.2013
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM C
Kính Lòng Thương Xót Chúa

Công Vụ Tông Đồ 5.12-16; Sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ 1.9-11, 12-13, 17-19 và Phúc Âm Thánh Gioan 20, 19-31

 I. Giáo Huấn P.Â.:  

Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ để minh chứng Ngài thật sự sống lại từ cõi chết.

Đấng Phục sinh và đang hiện ra cho các môn đệ cũng chính là Đấng đã bị đau khổ và bị đóng đinh giết chết trong tuần trước.

Phúc Âm được ghi chép lại để: “anh em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” Nên Phúc Âm là để tin Chúa Giêsu và nhờ tin mà được cứu độ.

II. Vấn nạn P.Â.   

1.Tại sao Chúa hiện ra với những dấu đinh trên tay chân và dấu đâm bên cạnh sườn?

Người ta phái lính canh mồ Chúa với lý do là sợ “môn đệ hắn đến trộm xác rồi phao tin hắn sống lại từ cõi chết” (Matthêu 27:64-65). Lính canh mồ giữ xác, Chúa sống lại, xác không còn trong mồ. Lính canh nhận tiền hối lộ và được dạy để phao tin là: “Khi chúng tôi ngủ, môn đệ hắn đến trộm xác mang đi! Và người Do Thái vẫn tin như vậy cho đến ngày nay” (Matthêu 28:13-15)

Chúa mang những thương tích trên thân xác phục sinh để nói: Ta chính là Giêsu, đã bị giết chết và nay đã sống lại. Người bị giết chết và người sống lại là MỘT, chứ không phải Giêsu bị giết chết, xác đã bị trộm đem đi và người đang hiện ra là một người khác.

2. Chúng ta biết gì về Tôma, tông đồ?

Tôma được Chúa chọn làm tông đồ. Phúc Âm Nhất Lãm và Tông Đồ Công Vụ đều có đề cập đến Tôma (Mt.10:2-4; Mc.3:16-19; Lc. 6:14-16 và TĐCV. 1:13)

Tôma trong triếng Aram có nghĩa là “sinh đôi” (Twin).

Phúc Âm Thánh Gioan, dịch từ “Sinh đôi” sang tiếng Hy Lạp là Didymus để nói với các Cộng Đoàn người biết tiếng Hy Lạp là Tôma có nghĩa là “Sinh đôi” (Gio. 11:16; 20:24; 21:2)

Vào thế kỷ thứ ba và thứ tư, người ta thấy xuất hiện một ngụy thư mang tên Tông Đồ Công Vụ của Tôma (Acts of Thomas) và gọi Tôma là Giuđa Tôma và cho rằng Tôma là anh em sinh đôi với Chúa Giêsu. Cũng theo sách nầy, Tôma chịu tử đạo ở Ấn Độ và thi hài được chuyển về chôn cất ở Mesopotamia.

Phúc Âm Thánh Gioan có ba câu mô tả về Tôma: “Chúng ta hãy đi để cùng chết với Thầy” (11:16); “Lạy Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu thì làm sao biết đường mà đi đến?”(14:5); và “Tôi chỉ tin, khi tôi thấy dấu đinh nơi tay và đấu đâm nơi cạnh sườn Thầy. Tôi chỉ tin, khi tôi xỏ ngón tay vào đấu đinh và thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Thầy!” (20:25). Phúc Âm mô tả Tôma như một người cứng đầu, đa nghi và giữ vững lập trường.

3. Cho một trình bày ngắn ngọn dễ hiểu về sách Khải Huyền

Theo Bách khoa tự điển và Kinh Thánh Ấn bản 2011 trang 2753 trở đi: Sách Khải Huyền (hoặc Khải Thị) là cuốn sách cuối cùng của Tân Ước. Từ "Khải Huyền" do từ ghép Hy Lạp apokalupsis. "apo" nghĩa là lấy đi, cất đi; "kalupsis" nghĩa là tấm màn che. Vậy Khải Huyền có nghĩa là vén màn cho thấy điều bí mật che khuất bên trong.
Tác giả: Theo truyền thống, ngay từ cuối thế kỉ thứ 2, người ta đồng hóa tác giả Khải Huyền với tác giả Tin Mừng thứ IV, tức là Thánh Gioan tông đồ. Thế kỉ thứ 4, Hội Thánh Xi-ri-a, Pa-lét-tin, Ca-pa-đốc không công nhận Khải Huyền vào thư quy Kinh Thánh vì cho rằng sách này không phải là công trình của các Tông Đồ. Nhưng đem đối chiếu Khải Huyền với Tin Mừng thứ 4, người ta nhận ra một số nét tương đồng về từ ngữ, bút pháp, quan điểm thần học. Tuy nhiên, những nét dị biệt giữa hai tác phẩm cũng không ít. Do đó, không thể quyết đoán hai tác phẩm này của cùng một soạn giả. Nhưng ta có thể nói Khải Huyền chịu ảnh hưởng của Tin Mừng thứ IV. Tác giả Khải Huyền có lẽ thuộc trường phái Gioan ở Ê-phê-sô, mượn danh Gioan chứ không phải là mạo danh (tác giả theo lối cổ điển thường mượn uy tín của một nhân vật được người đương thời trọng vọng để độc giả dễ chấp nhận tư tưởng và thông điệp của mình).

Thời gian  

    Căn cứ vào các sự kiện lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho rằng Khải Huyền được ghi chép vào khoảng năm 95 đến 96 trong bối cảnh Kitô giáo đang bị bách hại dữ dội dưới triều đại của hoàng đế La Mã Domitian.

Đối tượng và mục đích 

Tác giả viết cho các cộng đoàn Ki-tô hữu vào cuối thế kỉ thứ 1. Đó là bảy Hội Thánh ở Tiểu Á (Một tỉnh cực đông của Roma Thánh Phaolô và các thánh Tông đồ hoạt động nhiều ở đây)  thuộc Đế quốc La Mã. Qua bảy Hội Thánh này, tác giả cũng muốn gởi đến các Hội Thánh khác đang sống cùng hoàn cảnh như các Hội Thánh ở Tiểu Á. Lúc ấy, các tín hữu đang gặp thử thách về đức tin và có nguy cơ cho đức tin. Nguy cơ xuất phát từ bên trong Hội Thánh, vừa do bên ngoài đưa tới. Bên trong là những kẻ gieo rắc lạc thuyết làm lung lạc đức tin, bên ngoài là các hoàng đế bách hại tín hữu vì không chịu tôn thờ hoàng đế như chúa tể.

Nội dung   
 Sách Khải Huyền ghi lại những thị kiến và mặc khải được diễn tả theo ngôn ngữ hình tượng, biểu tượng. Những tín hữu Do Thái đã từng quen với thể văn này nên có thể hiểu dễ dàng, nhưng các độc giả hiện đại, đó là chuỗi những điều huyền bí và khó hiểu.

Con số 7 trong sách Khải Huyền:

Tác giả Khải Huyền thường dùng số 7 ám chỉ nhiều vấn đề: 7 Giáo Hội và 7 thần khí như trong chương 1.4; 7 mối phúc như trong chương 1.3; chương 14.13; chương 16.15; chương 19.9; chương 20.6; chương 22.7 .14; 7 ấn như trong chương 6-8; 7 tiếng kèn như trong chương 8-11 và 7 cái chén lôi đình như trong chương 16-17. Số 7 trong quan điểm thần học của Thánh Gioan luôn ám chỉ một sự hoàn hảo, trọn vẹn và đầy đủ. Khi nói đến 7 Giáo Hội là có ý nói đến toàn thế giới. 7 mối phúc để chỉ tất cả những phúc lành Chúa ban.

III. Thực hành P.Â.:

Tại sao Chúa không hiện ra để trả thù những người đã hành hình và giết Chúa chết?

Chúa Phục sinh là niềm vui, là tin mừng. Thượng Tế Cai Pha, nhóm Biệt Phái, tổng Trấn Philatô, đội lính hành hình chắc chắn sẽ sợ chứ không mừng khi Chúa hiện ra. Tin mừng chỉ nên ban tặng cho người sẵn sàng và vui mừng đón nhận Tin Mừng.
Những người được Chúa Phục Sinh hiện ra đều được trao ban sứ mạng “loan báo tin mừng Phục Sinh!” Chúa “chọn mặt gửi vàng!” Các Tông đồ Chúa đã hiến cả đời mình và mạng sống mình vì tin mừng Phục Sinh. Đang khi đó, Biệt Phái phải hối lộ linh canh để phao tin “xác bị trộm!”

Tin mừng Phục Sinh được ghi chép lại để “anh chị em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa và nhờ niềm tin nầy mà anh chị em có sự sống!”(Gio. 20:30) Chúa Phục sinh bỏ qua quá khứ đau khổ, hận thù, chết chóc để hướng về tương lai cứu độ nhân loại đầy hữu ích. Có ích gì, nếu Chúa sống lại, hiện ra cho những người đã xỉ nhục hay giết Chúa. Nếu Chúa Giêsu Phục Sinh làm thế, thì Phục Sinh không còn ý nghĩa, vì không có biến đổi. Phục Sinh tức sống lại từ cõi chết. Cõi chết của tội lỗi, thù hận và ganh ghét.

Có khi nào chúng ta cố gắng học hành thành công hay làm ăn giàu có để làm sáng nắt những ai từng khinh dễ chúng ta không? Hãy bắt chước Chúa: Mang Tin mừng cho người biết đón nhận. Làm Thánh giá trổ sinh hoa huệ trắng Phục Sinh, hoa tình thương mang sự sống cứu độ. Tiểu nhân, diễn tả người có tâm hồn hẹp hòi, gắn liền với thủ đoạn hay trả thù. Đại nhân hay quân tử là người có tâm hồn rộng lượng, yêu thương và tha thứ. Người ta thích đại nhân! Người ta tin Đại Nhân Giêsu, Đấng Phục Sinh vinh quang. Hãy thành đại nhân để mọi người được hưởng được lòng quảng đại của chúng ta. Amen

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên – gpcantho


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét