Trang

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

ÁP DỤNG: GIẢI THÍCH CÁC BẢN VĂN KINH THÁNH NÓI VỀ HỎA NGỤC

ÁP DỤNG: GIẢI THÍCH CÁC BẢN VĂN KINH THÁNH NÓI VỀ HỎA NGỤC




Trong Mùa Chay, một số Kitô hữu thú nhận rằng họ đi xưng tội, hoặc giữ đạo nói chung, theo kiểu “vì sợ sa hỏa ngục” hơn là vì tin yêu Chúa. Đó là đạo “nô lệ và sợ hãi” chứ không phải đạo “yêu thương và tin tưởng” của Tin Mừng. Theo Kinh Thánh, hỏa ngục quả thật đáng sợ, nhưng sợ hỏa ngục sao cho đúng cách thì mới đẹp lòng Chúa và ích lợi cho đời sống mình. Vậy làm sao có thể hiểu hỏa ngục cho đúng và nhờ đó sống đức tin cách tích cực và vui tươi? Làm sao để Lời Chúa dạy về hỏa ngục có thể biến đổi và cứu độ chúng ta? Ở bài số 47, chúng tôi đã trình bày một tiến trình giải thích bản văn Kinh Thánh gồm có ba giai đoạn liên hệ với nhau. Bài này sẽ áp dụng ba giai đoạn đó để giải thích một số bản văn Kinh Thánh nói về hỏa ngục. Cụ thể, chúng ta sẽ tìm hiểu các đoạn Kinh Thánh ghi lại lời dạy của Đức Giêsu về hỏa ngục, rồi sau đó đi tìm ba thế giới là đằng sau, ở trong và phía trước các bản văn Kinh Thánh đó.

I. Ðức Giêsu có rao giảng gì về hỏa ngục không?

Theo một nghĩa nào đó, Ðức Giêsu đã không rao giảng về hỏa ngục; nội dung rao giảng của Người xoay quanh Nước Trời và thúc giục thính giả của Người ăn năn sám hối và tin vào tin mừng cứu độ. Nhưng Người cũng nại vào sự phán quyết của Thiên Chúa và đem hình phạt Gehenna ra mà răn đe những ai không chấp nhận thông điệp của Người. Từ Gehenna được dùng mười hai lần trong Tân Ước để chỉ một nơi trừng phạt nóng bức. Trừ Gc 3,6 ra, tất cả các bản văn trong Tin Mừng Nhất Lãm đều được trình bày như là ngôn từ của Ðức Giêsu (Mt 5,22.29.30; 10,28; 18,9; 23,15.33; Mc 9,43.45.47; Lc 12,5).

Chữ Gehenna Hy Lạp là chuyển tự từ chữ Aram Gehinnam mà ra, có nghĩa là "Thung lũng Hinnom" và chỉ cái thung lũng chạy hướng nam tây-nam Giêrusalem. Thung lũng này là nơi đã từng diễn ra những nghi lễ thờ các thần Môlóc và Baan của người Canaan. Việc thờ phượng này gồm có việc sát tế trẻ con bằng cách đem chúng lên nơi cao và cho chúng đi ngang qua lửa để làm mồi hiến cho các thần. Thung lũng dần dần được gọi là "thung lũng bị nguyền rủa" hoặc "vực thẳm", và tiêu biểu cho nơi những người Do Thái ác ôn bị trừng phạt bằng lửa.

Ðể diễn tả cực hình trong Gehenna, Ðức Giêsu dùng các hình ảnh khải huyền thông dụng vào thời của Người: lò lửa không bao giờ tắt, hầm hố, ngục tù, phòng tra tấn, bóng tối bên ngoài, khốn cùng, giòi bọ không khi nào chết, khóc lóc và nghiến răng, tàn phá thể xác và linh hồn. Khi đọc các bản văn này, điều quan trọng là phải nhớ lại những gì tôi đã nói về qui trình giải thích Kinh Thánh (xin xem bài số 47). Chúng ta cần khám phá những thế giới nằm đàng sau, ở trong và phía trước các đoạn văn đề cập đến hỏa ngục, vừa là để hiểu cho đúng vừa là để tránh cách chú giải theo thuyết cơ bản đang mạnh thế trong một vài nhóm người Kitô hữu.

II. Những đoạn văn Kinh Thánh nói về hỏa ngục đưa ra những thế giới nào?

Ðại để, thế giới ở đàng sau các đoạn văn ấy là thế giới khải huyền. Ðó là một thế giới dồi dào một niềm hy vọng thiết tha được sớm thấy Thiên Chúa chiến thắng các quyền lực của sự dữ, đoàn dân đã tin tưởng Chúa được giải oan, và địch thủ của Chúa cuối cùng bị trừng phạt.

Trong khi biểu tượng Nước Thiên Chúa nói lên ơn cứu độ bởi Thiên Chúa đang tới, thì Gehenna tượng trưng cho sự tàn phá mà Ðức Giêsu dùng để răn đe những kẻ chống lại Thiên Chúa. Cũng như Nước Thiên Chúa được trình bày trong nhiều loại dụ ngôn, Gehenna được mô tả qua nhiều loại hình ảnh. Cũng vậy, như chúng ta không nên hiểu sát chữ các dụ ngôn nói về Nước Chúa, thì cũng không nên hiểu sát chữ các hình ảnh nói về Gehenna. Quả thật, thoáng đọc hiểu từ bên ngoài thì chúng sẽ mâu thuẫn nhau. Ví dụ bóng tối sẽ bị lửa đẩy lui, và tàn phá chỉ trùng lặp vơí hư nát thôi.

Vậy thay vì tìm hiểu xem lửa thuộc lại bản chất nào, các giòi bọ không chết kia thuộc loại sinh vật nào, và ở bên kia thế giới mà nghiến răng là thế nào, chúng ta nên hỏi những kiểu nói như thế muốn nói lên điều gì về số phận của những người lãnh án bị loại ra khỏi Vương Quốc Thiên Chúa. Ðể hiểu nghĩa của nó, phải đặt nó vào văn cảnh của thể loại sách Khải Huyền, thuộc qui điển (như Ðaniel) cũng như ngoại qui điển (như 1 Enóc), mà Ðức Giêsu vận dụng ngôn ngữ một cách hiển nhiên. Ví dụ có thể nói lửa chỉ về phán quyết của Thiên Chúa; khóc lóc chỉ về nỗi đau khổ hoặc hối hận của người bị sa hỏa ngục; nghiến răng, về cơn giận dữ của họ; bóng tối bên ngoài, nỗi tuyệt vọng của họ. Phải ghi nhận là ngôn ngữ Tân Ước trong các bức họa về hỏa ngục nhẹ nhàng và có chừng mực hơn nhiều so với cách mô tả hỏa ngục trong các ngụy thư.

III. Ở trong và phía trước các đoạn văn về hỏa ngục là những thế giới nào?

Những ngôn từ của Ðức Giêsu liên quan đến Gehenna hay hỏa ngục không nhằm mục đích miêu tả cái nơi và những loại hình phạt dành cho những người mất linh hồn (một thứ "kinh hoàng tếch-ni-co-lo"), nhưng là lời cảnh cáo cho biết thông điệp của Người về Triều Ðại đang đến của Thiên Chúa thật khẩn trương và cực kỳ nghiêm trọng, và là lời răn đe những ai từ chối không quan tâm đến một thông điệp như thế để hoán cải cuộc đời mình cho thích đáng.

Vì vậy, thế giới ở trong các đoạn văn này không phải đích danh là hỏa ngục để chúng ta tìm thấy trong đó những thông tin xác thực. Ðúng hơn, thế giới đó hệ tại ở tương quan giữa một bên là Ðức Giêsu, con người và thông điệp của Người, bên kia là các thính giả của Người trong đó có cả chúng ta là thính giả của ngày hôm nay nữa. Sống trong thế giới này, không phải chỉ có những ai gọi anh em mình là đồ ngu (Mt 5,22), những ai phạm tội với con mắt và tay chân của họ (Mt 5,29.30; Mc 9,45.47), những người chỉ biết lo ngại cho thân xác của mình chớ không cho cả linh hồn nữa (Mt 10,28; Lc 12,5), những kẻ gây xì-căng-đan, nhất là cho trẻ nhỏ (Mt 18,9; Mc 9,43), và các kinh sư và người Pharisêu (Mt 23,15.33). Chính chúng ta là công dân của thế giới ở trong các đoạn văn ấy, và những lời Ðức Giêsu nói về hỏa ngục cũng cảnh cáo và răn đe chúng ta nữa.

Còn thế giới ở phía trước các đoạn văn ấy chính là lối sống mà nó thách thức ta phải đảm nhận, thì Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo mô tả đúng nhất khi nói: "Những điều Kinh Thánh xác quyết và Hội Thánh dạy về hỏa ngục là lời mời gọi con người phải có trách nhiệm sử dụng tự do để đạt tới hạnh phúc đời đời; đồng thời thúc giục chúng ta ăn năn hối cải" (số 1036). Lối sống này không là gì khác ngoài việc làm theo ơn gọi là môn đệ Ðức Giêsu, để phụng sự Thiên Chúa, Ðấng vừa là công lý vừa là tình yêu, bằng cách phục vụ con cái của Người.

(Ngoài tựa bài, phân chia tiểu mục và biên soạn đôi chỗ, bài này trích từ tác phẩm:
Giải Đáp 101 Câu Hỏi Về Cái Chết & Sự Sống Vĩnh Hằng
của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND)

LM. JM. Mười Một, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét